22
Con người ta sẽ luôn có nguồn sống ngay cả khi thân thể họ không còn động cựa, nếu như trong họ đầy ắp lý tưởng. Khi lý tưởng nguội tắt, những nỗi buồn sẽ tràn lên trên nguồn sống và nhuộm xám nó.
Cuối cùng thì Hưng cũng gặp được Đức Vua, không phải do ông chủ động mà là người cho vời vào.
Vẫn là cung điện bị bao vây bởi một sự cô lạnh, rèm hoa rũ yên, Đức Vua ngồi trên ngai mỏi mệt nhìn cận thần trung thành nhất của mình. Ngài nghe thấy tiếng thở của mình, chỉ có tiếng thở của ngài mà thôi. Bao năm qua, đó là thứ rõ ràng nhất ngài nghe được khi ngồi ở ngai vàng này.
"Nốt cuộc này nữa rồi nghỉ." Đức Vua cất tiếng, âm thanh toả ra khắp trần cung điện.
Hưng ngẩng đầu nhìn Đức Vua. Cái nhìn đầy van lơn.
"Ông đã đánh biết bao trận, thêm một trận nữa thì có xá gì?"
Thái giám thận trọng bước vào, tay bưng một cái khay, trên đó là một bát nước màu đen. Lão không cần phải nói gì với ngài cả, cứ thế cúi đầu dâng khay và ngài sẽ cầm lấy bát nước đó, uống cho hết rồi đặt lại vào chỗ cũ. Sau đó thái giám lui ra, không một tiếng động.
"Trận này tôi không chắc mình sẽ thắng."
"Ông phải thắng thì mới trở về mà nghỉ hưu được."
Đức Vua luôn có cách để trấn áp những sự chống đối hướng về ngài, vì vậy ngài mới được làm vua. Nhưng ngài có thấy thoả mãn với cách đó không? Một câu hỏi nữa, là khi ngài làm vua rồi ngài có thấy vui không? Hưng đứng dậy, lưng dướn thẳng lên. Trông ông bệ vệ như một vị thần.
"Ngài biết tại sao tôi nghỉ hưu mà."
"Vì đứa con trai đó à?"
"Tôi đã quá yếu đuối rồi thưa Đức Vua. Tôi cảm giác tôi không còn vung kiếm được vào bất cứ cậu trai nào nữa."
"Mới đây ông mới như vậy." Đức Vua chống cằm, ho lụ khụ sau câu nói đó.
"Tôi thấy con trai mình trong mắt một người. Người đó cũng đã chết."
Đức Vua với cái khăn lụa gần đó, chấm nhẹ mép miệng sau cơn ho. Ngài dừng lại nhìn nó chừng hai giây rồi kín đáo đặt xuống bàn. Không ai biết trên đó là những chấm máu.
"Tôi không có con Hưng à."
"Tôi chưa từng có ý xúc phạm ngài."
"Không phải." Đức Vua xua tay, giải thích. "Tôi chưa từng có con nên tôi không hiểu được sự yếu đuối của ông. Nhưng ông nhớ tại sao ông có thể trở thành Binh bộ Thượng thư chứ? Nếu như ông nhớ, thì hãy cầm kiếm và chiến đấu ngay đi."
"Sự yếu đuối của tôi có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến này."
"Ông là người yêu nước nhất mà tôi biết. Ông sẽ không để đất nước này thua dễ dàng đến vậy."
"Phải làm thế nào tôi mới được buông tha?" Hưng nghiến răng, hai tay nắm chặt. Ông không biết là mình đang tức giận. Một nỗi tức giận cùng cực, không thể phát tiết.
Đức Vua ngả người ra lưng ghế, nhìn vị tướng của mình qua ánh mắt khép hờ. Hình ảnh đã mờ nhoè đi nhiều rồi.
"Không có cách nào cả. Ông phải chiến đấu, chiến đấu mãi mãi."
...
Sau khi bình tĩnh và suy nghĩ lại, Cẩm Diệp cũng cảm thấy mình đã phản ứng thái quá với những nhận định của Văn Thuỷ. Đức Vua chỉ gọi nàng đến và ngợi khen tài nghệ của nàng, điều ấy chẳng chứng minh được gì về ham muốn của ngài. Cẩm Diệp tự trách sự non trẻ và xấu hổ về những lời đã nói với Thành. Sau bao nhiêu chuyện xảy ra, cuối cùng người lý trí nhất vẫn là anh.
"Đêm dịu quá chứ ngày nóng chẳng làm được việc gì." Văn Thuỷ đi tới phàn nàn. Anh vừa giải quyết xong đống sổ sách và tính toán lương lậu cho gia nhân tháng này.
Cẩm Diệp không để ý đến anh trai, tiếp tục với bản vẽ hoa quỳnh đang dang dở.
Văn Thuỷ quan sát bức vẽ của Cẩm Diệp, xoa cằm nghiền ngẫm.
Cẩm Diệp dừng bút, quay lại lừ mắt: "Anh làm thế này em không vẽ được."
"Anh muốn em không vẽ được mà."
"Anh muốn em làm gì?"
"Giúp anh chọn vải đi."
Cẩm Diệp nhìn Văn Thuỷ như muốn hỏi.
"Cho Mai."
Cửa kho vải được mở ra, ánh sáng của đèn dầu hắt vào rung rinh. Mấy người trông coi tiệm vải giúp họ thắp sáng không gian bằng những ngọn đèn dầu khác rồi mau chóng lui đi.
Cẩm Diệp lướt đôi tay qua từng loại vải. Văn Thuỷ cũng đang xem xét những loại vải khác ở góc đối diện.
"Anh đang toan tính gì thế hả?" Cẩm Diệp nâng một tà vải lên, di ngón tay để xem xét sự mềm mỏng.
"Tặng quà cho người mình đang tán tỉnh thôi."
"Chỉ thế thôi à?"
"Chỉ có vậy."
Cẩm Diệp ngẩng đầu, nhìn vào mắt Văn Thuỷ như để xác nhận sự thành thật của anh. Cuối cùng nàng hỏi: "Anh có thể tặng muôn ngàn thứ khác, tại sao lại là vải?"
"Vì nó không tốn kém. Của nhà trồng được mà!"
"Vậy chọn đại mấy vải quý hiếm này đi. Sao phải cần em?"
"Nếu anh muốn may áo cưới thì sao?"
Mất khoảng hai giây để Cẩm Diệp có thể thốt ra một câu với tông giọng cao vút: "Cái gì?"
"Anh đã nói anh sẽ cưới Mai mà."
"Thì phải từ từ đã, cha chưa cho phép mà."
"Cái đó anh biết, nhưng con gái bọn em thích màu gì? Có cần hoạ tiết không?" Văn Thuỷ không muốn phải giải thích nhiều, vội vàng chuyển chủ đề.
"Em thì thích vải trơn, hoạ tiết nên dùng trong mấy dịp trọng đại thôi. Màu thì, đương nhiên phải là đỏ rồi."
"Màu đỏ..." Văn Thuỷ luồn tay vào một tấm vải tựa như voan nhưng nhẹ nhàng và mềm hơn một chút. Đôi mắt mơ màng, hình như anh đang tưởng tượng.
...
Mai thả búi tóc, ngả mình lên chiếc giường nhỏ. Khắp châu thân nàng nhức mỏi khủng khiếp. Cả ngày hôm nay nàng đã luôn đứng hoặc cúi vì phải giám sát các gia công mới đến. Bàn chân của nàng như dẹp đi và gót chân sắp vỡ tan. Hai vai của nàng thì cứng lại, chạm tay lên gần như không có cảm giác.
Song, Mai thích công việc này. Nàng biết ơn ông Phúc hơn tất cả những người từng giúp nàng. Vì ông ta cho nàng thấy nàng có giá trị, có tài năng. Hơn nữa, khi làm công việc này Mai chẳng có gì để suy nghĩ thật sâu. Không còn giống như lúc ở Ngõ Hoa, cả ngày chỉ tựa cửa hoặc soi gương, nghĩ xem Thành đang làm gì, tối nay có tìm nàng hay không? Nếu tìm, nàng sẽ làm gì để anh phải mê say?
"Chị Mai ngủ chưa ạ?" Quế ở giường kế bên thỏ thẻ hỏi.
"Chị sắp." Mai quá mệt để có thể tiếp chuyện Quế.
Dù cùng là thân phận người ở, nhưng cả Quế và Lài lúc nào cũng tỏ ra như mình ở dưới thấp hơn nàng. Họ đều có cảm giác, Mai ở đây chỉ là tạm bợ. Rồi một ngày nào đó, nơi Mai ở sẽ là phòng của cậu chủ hoặc của một thiếu gia nào đó khác thôi.
"Em cũng muốn học thêu."
"Chị tưởng em đã biết?"
"Em bị bán đi từ khi mới lọt lòng, em chẳng biết gì kể cả cha mẹ mình chị ạ."
"Tội nghiệp em!"
"Em ngưỡng mộ chị lắm. Chị đẹp, tài giỏi như vậy trong khi em thì..."
"Kìa, chị được nuôi dạy để trở thành một loại vật phẩm cao cấp mà." Mai chống tay dậy, tóc nàng theo đó đổ xuống. "Em có khung thêu chưa?"
Quế cũng ngồi dậy, phấn khích lấy bộ khung thêu từ trong một cái hòm nhỏ ra. Cái hòm cất những vật mà nó cho là quý giá nhất đời nó. "Em đã mua nó ở chợ bằng tiền cậu Văn Thuỷ cho thêm vào tháng trước."
"Tốt rồi, vậy mai khi nào xong việc chị sẽ dạy em."
"Cảm ơn chị, chị tốt quá."
Mai cười buồn: "Chị không tốt nhưng chị thấy thương em."
Đôi mắt Quế lấp lánh như sao sau câu nói của Mai. Nó không phải người sâu xa mà nghĩ được thêm những tầng nghĩa khác trong câu nói của Mai.
Đèn được thổi tắt, căn phòng chỉ còn bóng tối. Mai nhìn thấy muôn ngàn màu sắc lượn trên cái nền đen thăm thẳm. Nàng được dạy rằng, khi tất cả màu sắc phối lại với nhau sẽ ra màu đen. Màu đen là vô minh.
Nàng là một kẻ mù loà tin tưởng vào những bản chất của những điều mình còn chưa một lần được thấy.
Như đó là tình yêu của Thành.
Như đó là một tương lai.
Mai nhắm mắt lại. Cũng vẫn là màu đen vô minh đó. Đến một ngày, những màu sắc về Thành sẽ chỉ là còn màu đen vô minh như thế này. Những ngu ngốc và khổ đau mà tự nàng vơ vào sẽ cuộn lại với nhau, cho đến khi khi thành một màu đen không gì phân tách được.
Nước mắt Mai chảy xuống, thấm ướt vải gối thoang thoảng mùi hoa nhài khô. Nàng ngủ trong khi nước mắt vẫn chảy.
...
Hôm sau, Mai dậy từ sớm và đến tiệm vải trong khi Quế và Lài cũng đang tất bật chuẩn bị nước nôi, bữa sáng cho nhà ông Phúc.
Mai luôn là người đến trước để chuẩn bị đồ nghề cho đám gia công thêu thùa. Những việc này là nàng tự nguyện. Vì Mai biết không ai làm nàng hài lòng hơn chính nàng cả, nên nàng phải làm để tránh những việc nhỏ nhặt gây mâu thuẫn với mọi người.
"Ngài..."
Mai khựng lại, bất ngờ khi thấy Văn Thuỷ đã đến trước. Anh ngồi bên bàn trà, trên đùi là một tấm vải màu cam nhạt được xếp gọn gàng. Mai cau mày nhìn nó. Nàng đang tự mình hình dung ra một hình ảnh cho tấm vải màu cam này. Chắc đó sẽ là ánh nắng chiều của một ngày cuối hạ.
"Em bận rộn quá nên tôi phải đến giờ này để có thời gian nói chuyện với em."
"Chỉ cần là ngài thì lúc nào em cũng có thời gian." Mai giật mình, phát hiện ra lời này rất quen thuộc. Nàng cũng từng nói với Thành như thế.
Văn Thuỷ thấy hai má Mai đỏ ửng hồng, nhưng anh nghĩ nàng đang ngại ngùng khi nói những lời ngọt ngào nên mỉm cười đứng dậy, đưa cho nàng tấm vải: "Trưa em rảnh chứ? Tôi sẽ đưa em đến gặp thợ may nổi tiếng nhất thành Minh Sơn."
"Để làm gì ạ?"
"Tôi không thích em mặc thế này..." Văn Thuỷ nhìn vào bộ váy của Mai, bên trong là một bộ bằng vải lanh nhăn nhúm, khoác bên ngoài là chiếc áo choàng như khi nàng con ở Ngõ Hoa. "Em vứt hết chúng đi được rồi."
Mai bật cười: "Em không còn là Mai ở Ngõ Hoa nữa đâu."
"Vậy nên mới cần thay đổi."
"Có lý do nào thuyết phục hơn không thưa ngài?"
"Nếu như muốn em làm vợ tôi thì sao?"
Nụ cười bông đùa vừa rồi của Mai cứng lại, đầu nàng trở nên trống rỗng.
"Trêu em thôi." Văn Thuỷ cười xoà. "Trưa cứ ra ngoài với tôi đi, không mất nhiều thời gian đâu."
"Vâng thưa ngài."
Văn Thuỷ rời đi, trong lòng không vui. Khuôn mặt thất thần của Mai khi nghe anh hỏi muốn nàng làm vợ cứ trở đi trở lại trong tâm trí. Anh đã bông đùa với nhiều cô gái, và họ cũng có những bất ngờ như vậy. Nhưng anh lại chỉ tức giận với Mai.
Vừa đi vừa quạt liên hồi, Văn Thuỷ gọi một tay phu kéo lại rồi nhanh chóng ngồi lên.
"Ngõ Hoa." Văn Thuỷ vứt tiền ra.
"Vâng, cậu."
Thành Minh Sơn này ngột ngạt quá, chẳng hợp với anh chút nào. Hay là mai anh nói với cha cho anh ra trận? Rất nhiều người bạn của Văn Thuỷ đã tự nguyện nộp đơn, chỉ có anh vẫn mắc kẹt với mấy chuyện tầm thường thế này.
Trong lúc tất cả mọi người vẫn còn mải mê đến những niềm riêng, thì Thành đã chính thức nhận được thánh chỉ của Đức Vua.
Cuối tuần này sẽ xuất binh, vũ khí và lương thực đang được vận chuyển dần ra từng khu vực đóng quân.
Thông báo được dán khắp nơi, không khí sục sôi như một chảo dầu. Ngay cả những đứa trẻ lên năm lên ba cũng bị cuốn theo. Chúng cầm gậy giả làm hiệp khách; làm võ tướng, chạy đuổi nhau trên khắp con đường; ngõ chợ trong thành. Đánh trận giả liên miên từ ngày này qua ngày nọ mà không đổi trò chơi.
Đang là buổi sáng nhưng nơi này hoàn toàn yên ắng. Ngồi một mình trong một phòng riêng ở Hàn Lâm Viện, Thành cuộn thánh chỉ lại rồi đặt lại giá đỡ. Nó từng có nhiệm vụ đỡ lấy thanh bảo kiếm của anh, giờ thứ nó đỡ nặng hơn gấp ngàn lần – theo một nghĩa khác. Anh đốt một thanh gỗ thơm từ Tây vực, khói trắng bảng lảng, mang theo một mùi hương ấm áp.
Thành mở cửa sổ nhìn ra khoảng trời gắt gao. Tháng bảy thiêu đốt cả nhân gian, sau đó tháng mười hai sẽ làm nguội nó đi. Cứ như vậy mà quay vòng.
Lòng anh trống trải như một vùng đất thuở sơ khai. Đây là một điều tốt, Thành tự nhủ. Không tình yêu, không lưu luyến cũng không thấy cô độc... Thành luôn cho rằng, khi lòng trống rỗng, không vướng bận điều gì thì mỗi nhát kiếm chém xuống đều chỉ như đang lướt qua một ngọn cỏ mà thôi.
Ta cứ đi, cứ đi.
Nhiệt thành ở trong máu.
Ta cứ chém, cứ chém.
Xác người đầy dưới chân.
Có đất nước vỡ tung.
Rồi trở về im lặng.
Thanh bình, thanh bình.
Những câu hát trầm trầm của một người đàn ông theo gió vang lại. Da diết, não nề. Thành nhổm dậy, nhìn quanh nhưng không sốt sắng đi tìm. Có vẻ như người ấy đang mang nặng tâm tư của người sắp sửa phải ra trận. Chắc hẳn ông ta đang sợ, không, cần một từ chính xác hơn. Chán chường ư? Thành rối mù lên. Anh mặc kệ, lặng yên lắng nghe.
Đột nhiên Thành nhớ đến câu hỏi của Cẩm Diệp: "Anh yêu đất nước này đến thế sao?"
Thành bật cười. Anh không yêu đến vậy, cũng không biết "đến vậy" theo ý Cẩm Diệp là gì, anh chỉ biết rằng nó rất dồi dào và vĩ đại. Anh chỉ đang cố sống một cuộc đời có trách nhiệm. Như vậy chẳng có gì là sai.
Có đất nước vỡ tung.
Rồi trở về im lặng.
Thành bất ngờ khi phát hiện người đang đứng hát là Hưng. Ở cửa sổ đối diện, Hưng chắp hai tay ra sau, đứng thẳng như một bức tượng làm anh nghi ngờ. Ông ta hát thật sao?
Hưng không để ý gì, ngẩng cao đầu hát nốt câu cuối như thể tận hưởng.
Thanh bình, thanh bình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro