Phiên ngoại 9
Mùa đông của Giang Nam không buốt thấu xương, thậm chí mấy loài cây cỏ chịu được rét vẫn khoe sắc xanh tươi, song chẳng hiểu vì sao những kẻ đi ngang qua lại cảm thấy nơi này chẳng ấm áp hơn chốn kinh thành sương giăng tuyết đổ được chút nào.
Trên quan đạo có một đoàn xe ngựa hơi nước, hai bên có mười mấy kỵ sĩ hộ tống, mấy cỗ xe kéo phía sau chở đồ, chiếc dẫn đầu chở người, trên mành có treo một chuỗi lục lạc nhỏ màu sắc sặc sỡ. Một bé gái chừng tám, chín tuổi vén rèm xe nghe leng ca leng keng, đưa mắt trông ra ngoài, giọng giòn tan hỏi người đàn ông cưỡi ngựa đi đầu: "Cha ơi, chúng ta tới trễ rồi ạ?"
Người cưỡi ngựa nghe hỏi, bèn đẩy mặt nạ chắn gió lên cao một chút. Đó là một người đàn ông trung niên mặt mũi gầy gò, khóe mắt loáng thoáng mấy nếp nhăn, có lẽ vì phục vụ trong quân đội nhiều năm, nên mới nhìn vào thì thấy có phần nghiêm trang, thận trọng nói cười, nhưng vừa quay sang cô bé nọ, nét mặt hắn bỗng trở nên dịu dàng một cách khó tin: "Không muộn, ngoan ngoãn ngồi yên đừng thò đầu ra thế, cẩn thận sặc gió bây giờ - Bảo mẹ con đi chậm một chút, mớ xương già cả này của cha sắp không đuổi kịp rồi."
Trên xe có một người con gái ăn vận kiểu phụ nữ có chồng, nhìn không ra tuổi tác bao nhiêu, nghe vậy bèn cười. Nàng giơ tay vỗ hai cái vào lưng khôi lỗi sắt đang đánh xe, tốc độ chạy liền giảm xuống rõ rệt. Sau đó nàng tháo một chiếc đàn xuống đặt lên đùi, thong thả gảy đàn giữa cảnh tròng trành xóc nảy.
Khúc Mai hoa tam lộng khoan thai rơi rắc suốt hành trình theo dấu xe lăn.
Hiện là đêm Giao thừa, năm thứ hai theo lịch mới.
Thời gian này Thẩm Dịch vừa khéo đang đi tuần tra khu đóng quân Giang Nam, dù sao cũng không được về nhà ăn Tết, bèn sai người đón vợ con xuống đây luôn, cả nhà cùng tới "Vườn Xưa" ở Giang Nam chúc Tết kèm ăn chực.
Vườn Xưa còn có tên khác là Vườn Cố*, là biệt trang Giang Nam mà Cố Quân dùng phiếu phong hỏa An Định hầu phủ nhận mua năm ấy để đổi với Thượng hoàng Thái Thủy, cuộc mua bán này mà ngẫm kỹ thì đúng là lỗ to, bởi đổi chác nửa ngày được một cái trang viên, kết cuộc lại phải chia cho Thượng hoàng một nửa, chưa kể người nắm quyền quyết định trong nhà lại là đối phương cơ.
*Chữ Cố (顾) trong tên Cố Quân đồng âm với chữ Cố (故) trong xưa cũ.
Có điều xưa nay Cố soái tiêu tiền riêng như nước, nào thấy tính toán bao giờ, sống như người giời cũng chẳng phải chuyện một hai hôm, đoán chừng đã quen chịu thiệt.
Đoàn người Thẩm Dịch tới được Vườn Xưa lúc trời đã hoàng hôn.
Vườn Xưa trước mặt có nước lưng dựa núi non, từ xa trông lại sẽ thấy đám đèn hơi nước dàn hàng bên trong, đoán chừng là vì đón Tết, đám đèn đã được đổi thành một loạt lồng chụp đỏ rực, ánh đèn ấm nóng nhuộm đẫm cả một vùng, trông rất là đẹp mắt.
Cổng chính của biệt trang không có đường, thay vào đó là một khu thủy tạ, khách tới chơi bắt buộc phải đi qua một dãy hành lang quanh co chín khúc nổi trên mặt nước, xe ngựa thì phải chạy đường vòng dừng chân nơi khác. Trên dãy hành lang nổi có đình đón khách, đã treo mành chắn gió từ trước, bên trong đốt lò xông hơi nước, khói mờ vấn vít tuôn xuống, rồi loang ra trên mặt sông, trông như thể đang cưỡi trên mây sương vậy.
Thân binh của Thẩm Dịch thấy vậy, bèn tiến lên đưa thiếp tên, còn chưa tự phô hết gốc gác mình ra thì người bên trong đình đã nghe thấy tiếng mà vén rèm ra đón, cười bảo: "Ta còn chưa uống hết chén trà mà mọi người đã tới rồi."
Thẩm Dịch tập trung nhìn kỹ, giật nảy cả người, vội vàng trở mình xuống ngựa. Chỉ thấy người vừa từ trong đình bước ra kia tóc tựa đoạn đen, chắp tay mà đứng, không phải chính là Thái thượng hoàng đó hay sao. Thẩm Dịch mặt mũi lớn đến đâu cũng chẳng dám để Thái thượng hoàng phải đợi, sợ quýnh cả lên định tiến lên làm lễ chào, ai dè eo còn chưa kịp khom xuống đã thấy Trường Canh khoát tay vẻ mất kiên nhẫn, sau đó gọi cô con gái út Thẩm Yên của hắn lại gần.
Thẩm Yên chẳng thèm đoái hoài đến sắc mặt người cha, hớn ha hớn hở vừa chạy tới vừa hô: "Lý thúc!"
Trường Canh nửa cười nửa không liếc nhìn Thẩm Dịch: "Cái con mọt sách này - Yên Nhi mau lại đây, có lạnh hay không? Đại ca cháu đâu?"
Thẩm Yên đáp: "Đại ca bị chú Tiểu Cát bắt đi rồi!"
Sau khi Phụng Hàm Công cáo lão, Linh Xu viện được trao lại cho Cát Thần, cậu con cả của Thẩm Dịch kế thừa nguyên vẹn cái nết lông bông "ham hỏa cơ, chổng mông vào kinh thư đạo lý" của cha mình, năm nay mười sáu tuổi, văn không giỏi võ làng nhàng, từ nhỏ lăn lộn với đám khôi lỗi sắt mà trưởng thành, lăn vào tận Linh Xu viện, trở thành đệ tử của Cát Thần.
Trường Canh dắt bàn tay cô bé, trêu rằng: "Bắt đi làm gì?" Thẩm Yên giơ hai tay trước ngực rồi ra dấu: "Làm chim đại bàng to."
Trường Canh bật cười, sau đó móc từ ngực áo ra một chiếc kính Tây Dương, có hình chim khổng tước, nét điêu khắc sống động như thật, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào, trên cánh chim có cái cửa nhỏ kéo ra được, bên trong có những bức tranh có thể thay đổi, nét vẽ vừa tỉ mỉ chi tiết theo lối Công bút, lại điểm chút ý vị của phong cách Tây Dương, trông không ra thuộc trường phái pha trộn nào, chỉ thấy là cực kỳ tinh xảo.
Trường Canh nói: "Đại ca cháu làm chim đại bàng to, Lý thúc cũng cho cháu một con nhỏ, khổng tước là linh hồn của muôn loài lông vũ, sau này Yên Nhi trưởng thành rồi phải hăng hái vươn lên hơn cả đại ca đấy nhé."
Lúc Thẩm Yên còn nhỏ, cha mẹ thường không ở kinh thành, những khi đôi bên đều không tiện trông nom, họ sẽ đưa nó tới phủ An Định hầu. Trước năm tuổi, nó gần như tung tăng lăn lộn trước mắt Trường Canh mà lớn, tuyệt nhiên không xem Thái thượng hoàng là người ngoài, cho gì nhận nấy, cười đến độ chỉ thấy răng không thấy mắt đâu.
Thẩm Dịch cứ tưởng đó là cống phẩm của Tây Dương, mới vội can: "Trẻ con không phân biệt được đồ hay dở, bệ hạ đừng cho nó thứ gì quý quá..."
"Làm gì có, món này là do vị kia của nhà ta rảnh rỗi quá mới ngồi hí hoáy," Trường Canh khoát tay bảo, "Vốn dĩ y bảo nhất định phải ra đón mọi người, ngặt nỗi mấy ngày gần đây nhiễm lạnh chút đỉnh, ta không cho ra, Quý Bình huynh đừng bắt bẻ y."
Thẩm Dịch nhủ thầm, ngài ấy nằm khểnh ở nhà, sai Thái thượng hoàng ra cửa đón khách, ai dám bắt bẻ lão nhân gia ấy nào?
Ánh mắt của Trần Khinh Nhứ quét qua món đồ chơi trong tay con gái, lại rơi xuống cây trâm gỗ cài trên đầu Thái thượng hoàng như có phần đăm chiêu, chỉ thấy phương thức vót của cây trâm gỗ nọ sao mà giống hệt phần lông của con chim, rõ ràng cùng từ tay một người mà ra cả. Lại nhìn cung cách ăn vận của Trường Canh, mới trông thì không thấy gì đặc biệt, nhưng chỉ cần quan sát tỉ mỉ sẽ thấy chỗ nào cũng được trau chuốt cực cầu kỳ, rất có ý vị của các công tử thế gia năm đó - xa xỉ tột cùng trong ngấm ngầm lặng lẽ.
Trần Khinh Nhứ cười bảo: "Bệ hạ đổi mới thay cũ, có thể nói là trở tay làm mây úp tay làm mưa. Hiện nay khắp cõi Đại Lương đủ loại áo xống lạ kỳ đếm hoài không xuể, một năm xuất hiện tận mấy trào lưu, khiến người ta đua cũng theo không kịp, cung cách ăn vận sĩ tộc tốn sức tốn công, cầu kỳ tinh tế khi xưa giờ không thấy mấy, ai dè người người nhà nhà học phong cách mới, mà chỗ bệ hạ đây lại giữ cái nếp xưa thuần túy nhất thế này."
Trường Canh nghe nàng nói bèn cúi đầu nhìn, gương mặt bỗng hiện vẻ bất đắc dĩ xen lẫn buồn cười, lắc đầu bảo: "Mấy thứ cầu kỳ này ta đâu có biết."
Nói cũng phải - Đến tận bây giờ Trần Khinh Nhứ vẫn nhớ như in tình cảnh của vị bệ hạ này lúc xông pha giang hồ thuở thiếu niên, chỉ mang theo đúng hai, ba bộ quần áo luân phiên thay giặt, hắn rốt cuộc vẫn là một vị Hoàng đế sinh giữa chốn thôn quê, trong cốt tủy không phải kẻ cầu kỳ tỉ mẩn. Trần Khinh Như cúi đầu cười, ngầm hiểu đây chính là "thú vui chốn phòng the" của cái vị kia.
Cố Quân là một người cực kỳ thú vị.
Một mặt y rất biết thích nghi hoàn cảnh. Thời trẻ y cắm rễ ở biên cương dài ngày, đường hành quân toàn bấp bênh khốn khó, muốn không thích nghi cũng không được. Bánh bột mì rắn như sắt, miếng thịt nửa sống nửa chín tơ máu đỏ lòm, y vẫn có thể nuốt mà mặt không đổi sắc, rồi trong thiên lao nằm trên rơm rạ, cùng con chuột sẻ gối chung giường cũng có thấy y mất ngủ đâu.
Song biết thích nghi, không đồng nghĩa với việc y sống xuề xòa dễ dãi. Xét tận cùng gốc rễ, Cố Quân vẫn là một mầm cây nảy chốn gấm vóc lụa là, mặc dù bị thói đời chèn ép không ngơi, song chỉ cần cho tí nắng mặt trời là y có thể tự tỏa cành to vươn tán rộng. Cứ để y có thời gian vần vò hí hoáy mà xem, đảm bảo sẽ vần vò hí hoáy ra thành quả. Như khu Vườn Xưa này, từ gian thủy tạ xuống kiệu dừng ngựa nơi cổng chính, đến những gian đình nhỏ suối cong cong thả chén rượu trôi bên trong vườn, rừng hoa mai đạp tuyết ngửi hương, chiếc diên có thể lên cao phóng mắt trông xa, cùng núi giả, hành lang uốn khúc với mái hiên đan cài... quả thực là không chỗ nào không tinh xảo.
Chữ đề trên các bức hoành phần lớn do Cố Quân tự viết, đôi chỗ còn có những khúc thơ ngẫu hứng Trường Canh đề thêm bên cạnh, cái thú thanh nhàn của hai người ấy rõ thật dạt dào.
Tình này cảnh này, so với phủ An Định hầu hoang vắng như ma quỷ ngày xưa thì đúng là như trời với đất, Thẩm Dịch nhìn mà không khỏi âm thầm líu lưỡi, bụng nhủ: Cũng may khi xưa lão Hầu gia đủ nhẫn tâm, chứ nếu để y phát triển tự do, thì trời mới biết sẽ thành ra thứ gì?
Thẩm Yên bỗng hỏi: "Lý thúc, bên kia đang làm gì thế ạ?"
Cô bé vươn tay trỏ, chỉ thấy trên nóc nhà có một pho khôi lỗi sắt khổng lồ cao hơn hai người cộng lại, nhưng mới chỉ có bộ khung, vỏ bọc bên ngoài vẫn chưa ráp hết, có mấy người đang cuống cuồng xoay vòng vòng quanh nó. Trường Canh liếc mắt về hướng Thẩm Yên chỉ, lập tức tái mặt: "Cố Tử Hi, ngươi xuống đây cho ta!"
Một trong số những người trên nóc nhà nghe tiếng gọi mới quay đầu, cười với hắn, chính là cái tên Cố Quân già đầu vẫn chưa nên nết kia. Trừ hai bên thái dương đã lốm đốm màu tro ra thì y vẫn vậy sau bao nhiêu năm dài, có thể thấy đã được chăm nom vô cùng tỉ mỉ.
Cố Quân đang chỉ huy toán người trên nóc nhà vần vò pho khôi lỗi sắt còn đang dang dở nọ, nhác thấy Thẩm Yên là hai mắt sáng bừng, nhưng còn chưa kịp cất lời chào hỏi, phía sau lưng đã rộ lên những tiếng kêu kinh hãi, sau đó một luồng gió mạnh bổ tới. Chẳng rõ pho khôi lỗi sắt kia bị chạm phải cơ quan nào, thình lĩnh xoay vòng tại chỗ, tay nó lăm lăm một bộ xương quạt sắt dài ba thước, quét ngang eo Cố Quân.
Thẩm Yên hét toáng lên: "Ối trời ơi!"
Cố Quân phản ứng bằng một cú ngửa cực nhanh, cả người cong gập xuống, bộ xương quạt sắt sượt ngang qua thắt lưng y. Ngay sau đó, y nhảy tót từ trên nóc nhà xuống, tiếp đất nhẹ tựa lông hồng, còn phấy vạt áo nữa chứ. Thẩm Yên há hốc mồm, Cố Quân bế bổng nó lên quay một vòng: "Tiểu mỹ nhân cao lên hẳn này."
Thẩm Yên chun mũi lại.
Cố Quân vươn tay cạo mũi con bé rồi bồi thêm: "Nhưng chẳng nặng thêm lạng nào, có phải lão cha keo kiệt kia không chịu mua đồ ngon cho con ăn không hả?"
Nghe nói bản thân đã lớn thành một "cây sậy", mặt mày tiểu cô nương rạng ngời ngay tức khắc.
Dỗ xong bên này, Cố Quân lại ngẩng đầu nhìn Trần Khinh Nhứ, cười hỏi thăm: "Trần cô nương dạo này có khỏe không?"
Trần Khinh Nhứ trời sinh chín chắn, không thích kẻ khác tâng bốc bằng những lời hoa mỹ, nhưng ba tiếng "Trần cô nương" ấy của y nghe thỏa đáng, êm tai vô cùng - Lúc mới gả cho Thẩm Dịch, Trần Khinh Nhứ cũng từng vui vẻ nhận câu xưng hô "thiếu phu nhân" của mọi người đấy chứ, song nay đã gần hai chục năm gõ cửa, chẳng mấy chốc con cái có thể ra riêng tự lập, "thiếu phu nhân" cũng sắp biến thành "lão phu nhân" đến nơi.
Cách xưng "phu nhân" đúng là đầy tôn trọng đấy, nhưng sao rõ vẻ thanh xuân niên thiếu bằng hai chữ "cô nương"?
Trần Khinh Như nhoẻn với y một nụ cười trăm năm khó gặp: "Phiền Cố soái phải để bụng rồi."
Cố Quân chỉ dùng dăm ba câu đã dỗ cho mỹ nhân lớn mỹ nhân bé vui tươi rạng rỡ, bấy giờ mới vỗ vai Thẩm Dịch mấy cái cho có lệ.
Thẩm Dịch đứng bên qua bao nhiêu mùa quýt rụng vẫn không học ké được một chút tinh túy nào của người này, cười lạnh bằng giọng chua lòm: "Đại soái vẫn nhớ trên đời còn vật sống là kẻ hèn này cơ đấy, đúng là quý hóa quá."
Hoắc Đan vội vàng chạy ra đón khách vào trong. Cố Quân đi sau một bước, đang định nhấc chân lên thì đã bị Trường Canh bắt lấy cổ tay, hắn ghé tai y nói khẽ: "Đêm qua có người bảo với ta rằng thắt lưng đau, không thể động vào, sao hôm nay lúc trèo nóc xốc ngói vẫn thấy tay chân y lanh lẹ quá chừng vậy nhỉ?"
Cố Quân cọ mũi bảo: "Cái đó... Hôm qua đau, nhưng hôm nay khỏi rồi, làm người phải thay đổi mỗi ngày, mới xứng với cảnh đẹp ngày lành chứ, có đúng không nào?"
Lời còn chưa dứt, Cố Quân đã cảm thấy có một bàn tay nhẹ nhàng lần xuống dọc theo sống lưng, cuối cùng còn vuốt một cái chỗ thắt lưng, ý tứ sâu xa hết sức. Trường Canh khẽ nghiến răng đáp: "Nghĩa phụ nói rất phải."
Chẳng hiểu sao Cố Quân bỗng rùng mình ớn lạnh, có cảm giác hôm nay bản thân khó chết yên lành được, bèn vội nói: Đang lúc Giao thừa, tối ta phải thức canh đêm, nợ nần gì cứ ghi sổ đã."
Trường Canh ung dung rụt tay về: "Ta cũng có bảo sẽ làm gì đâu."
Cố Quân: "..."
Thẩm Yên quay đầu lại hét to gọi y: "Cố thúc thúc ơi, nhanh chân lên nào!"
Cố Quân: "Chạy chậm một chút, ngã bây giờ!"
Đêm Giao thừa, trong Vườn Xưa rạng ngời đèn đuốc, Thẩm Yên rốt cuộc cũng hiểu được pho khôi lỗi sắt trên nóc nhà kia dùng để làm gì - Người ta làm gã khổng lồ cao bằng hai người gộp lại ấy lênh khênh như cây sậy, mặc váy múa với ống tay áo dài vươn, nhìn từ xa trông không khác gì con rối bóng rực rỡ lung linh. Bộ xương quạt sắt thiếu điều phạt trúng Cố Quân trên tay nó được bao lại bằng miếng lụa dài mấy trượng, thoăn thoắt lượn vòng giữa màn hơi nước lượn lờ vấn vít, mấy chiếc đèn măng-xông treo trên nóc nhà tỏa ánh sáng ngời, trông lại giống một giai nhân tuyệt thế thật mới tài.
Đèn lồng treo trĩu trịt hai đầu chiếc diên đặt trong sân, nó bay lên lưng chừng trời, nom như thể chiếc đèn hoa sen khổng lồ đang lơ lửng vậy.
Khi màn đêm buông xuống, thôn xóm xa gần lục tục rộn tiếng pháo ran, càng lúc càng ầm ĩ, đến cuối cùng, người ngồi tán gẫu trong phòng cũng phải rướn cổ nói to hơn.
Mảnh đất ngàn dặm không một bóng người của hai mươi năm trước, rốt cuộc đã lấy lại được sức sống nhờ nỗ lực của một thế hệ người.
Khác với cảnh ca múa rộn ràng trong kinh, bữa tiệc trong Vườn Xưa là buổi quây quần trong nhà thật sự, bốn người trưởng thành thêm một cô bé con cho người hầu kẻ hạ lui xuống cả, ngồi quanh một bếp lò nho nhỏ, hầm thịt hâm rượu đều tự tay làm.
Cố Quân được đặc cách cho uống ba chén rượu, chỉ những khi năm hết Tết đến y mới vớt dăm chén rượu từ chỗ Trường Canh để mà nhâm nhi, khỏi cần người khác dặn cũng nâng niu ghê gớm lắm, nhấp một ngụm thưởng thức cả nửa ngày, một giọt cũng không chịu để thừa. Uống xong ba chén y lại định lấy thêm, Trường Canh như thể đã chuẩn bị sẵn từ trước vươn tay đè lại, liếc mắt lườm y một cái đầy cảnh cáo. Khóe mắt Cố Quân bị rượu ấm nhuộm một lớp hồng rất mỏng, đáp trả bằng ánh nhìn như cười như không, ai dè lại đượm mấy phần nũng nịu.
Trường Canh yếu đuối nhất là khi đối diện với ánh mắt này, bèn vội vàng trông sang chỗ khác, kiên quyết không chịu đỡ đòn.
Thẩm Dịch cáu kỉnh nạt Cố Quân: "Đừng có liếc mắt đưa tình trước mặt con gái ta!"
Lúc này Thẩm Yên đã thấy buồn ngủ, rúc trong vòng tay Trần Khinh Nhứ, liên tục ngáp ngắn ngáp dài. Thái thượng hoàng ho khan một tiếng rụt tay trở về, dịu dàng quay sang hỏi: "Yên Nhi mệt rồi à? Thế cháu cứ ngủ đi."
Thẩm Yên gắng sức dụi mắt: "Cháu muốn thức chờ Giao thừa cơ, cả sủi cảo cũng chưa ăn nữa."
Cố Quân vội cười rồi sai người chuẩn bị một nồi sủi cảo cho con bé trước, sau đó lấy hai thanh cát phong nhận từ trên giá binh khí đặt trong sân xuống, quăng cho Thẩm Dịch một thanh: "Quý Bình tới đây nào, chúng ta đọ dăm chiêu, xem võ nghệ ngươi xuống dốc ra sao, để cháu gái ta coi cho tỉnh táo."
Cả hai thanh cát phong nhận đều không bật lưỡi thép ra, thân huyền thiết dài va nhau, nghe "keng" một tiếng, vang rất xa trong đêm rét. Thẩm Yên không khỏi rùng mình ớn lạnh, tự dưng thấy đầu óc tỉnh như sáo sậu, thò đầu ra coi, mắt không buồn chớp.
Cố Quân vừa chạm đã rời ngay, y đạp chân lên lan can chạm trổ, lên hành lang lượn vòng, chỉ mấy bước đã tót lên nóc căn phòng phía trước, nhẹ nhàng tựa yến bay, Thẩm Dịch cũng bám theo sát nút. Thay vì bảo đang ganh đua cao thấp, chi bằng nói hai người đang đùa giỡn cho trẻ nhỏ xem chơi, không ai hết sức, cát phong nhận âm u rét buốt khua ra đủ chiêu trò. Cố Quân lên được nóc nhà, sải chân đáp xuống cây quạt múa trong tay khôi lỗi sắt, dải lụa màu trên quạt múa nở hoa dưới gót chân y. Thẩm Dịch nổi hứng chơi xỏ, bèn thúc thanh cát phong nhận trong tay về phía trước, chuẩn xác găm vào bánh răng trên vai khôi lỗi sắt, sau một tiếng vang khe khẽ, khôi lỗi sắt chết đứng tại chỗ, vừa hay đều nhịp với tiếng đàn tạm nghỉ ở cách đó không xa.
"Cái thằng mất nết này." Cố Quân vừa cười vừa mắng, sau đó giậm chân xuống trước khi bản thân và khôi lỗi sắt cùng mất thăng bằng, lực dùng không nhẹ không nặng, vừa đủ hất văng thanh cát phong nhận của Thẩm Dịch ra, quạt sắt khổng lồ bèn vả ngay hướng mặt Thẩm Dịch. Thẩm Dịch chẳng chút bất ngờ, khéo léo tránh thoát dễ như không. Hắn lùi lại hai bước, cùng Cố Quân đáp xuống hai bên vai pho khôi lỗi sắt, sau đó nương theo tiếng nhạc đánh ở sân trước, cùng hành động đầy ăn ý. Trong tay hai người, pho khôi lỗi nọ không khác gì một món đồ chơi ngoan ngoãn, bảo múa là múa, bắt dừng là dừng, ăn khớp với tiếng nhạc không chệch mảy may, như thể được thổi hồn vào vậy.
Cơn buồn ngủ của Thẩm Yên bay đâu mất sạch, cô bé giương cả hai mắt lên cũng xem không xuể.
Chẳng rõ nơi nào bắn chuỗi pháo hoa, bóng của khôi lỗi sắt và hai người kia cơ hồ tan ra trong đó.
Trần Khinh Nhứ lắc đầu cười bảo: "Hai ông tướng diễn xiếc này ngả ngớn quá thể."
"Mang vũ khí sắc bén bảo vệ quốc gia giữ gìn lãnh thổ ra đùa giỡn, chẳng phải là một điềm báo tốt đẹp hay sao?" Trường Canh đặt chén rượu xuống, thò tay vào ống áo lấy miếng thẻ gỗ Lâm Uyên ra, thẻ gỗ ghép năm thành một ấy nay chỉ còn hai mảnh, hắn tháo một mảnh xuống đưa cho Trần Khinh Nhứ, "Lúc rời kinh thành, ta đã trả lại mảnh của đại sư Liễu Nhiên và nhà họ Đỗ, Phụng Hàm Công khi mất có dặn Cát Thần kế thừa y bát của ông, ta bèn tự quyết định trao lại mảnh của ông ấy cho Tiểu Cát. Nay mảnh của nhà họ Trần cũng đã về tay chủ cũ, mảnh của Chung Tướng quân ta tạm thời giữ lại, đợi sau này gặp được người thích hợp sẽ truyền lại sau."
Trần Khinh Nhứ đón lấy và bảo: "Thẻ gỗ Lâm Uyên lại phải sống trong bóng tối mấy trăm năm rồi."
Trường Canh: "Phải mấy ngàn năm mới tốt."
Hai người cất mảnh gỗ của mình đi, nhẹ nhàng cụng chén, khóa kín một vật khổng lồ bên bếp lửa con con.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro