Chương 68: Độc thương
Cố Quân ngồi ngay ngắn trên lưng ngựa, hỏi: "Còn ở đó không?"
Thẩm Dịch theo câu hỏi giơ thiên lý nhãn lên, quay đầu lại nhìn: "Còn."
Ngày Cố Quân rời kinh trời trong nắng đẹp, là một ngày diễm dương mười dặm hiếm thấy, Hoàng đế Long An dẫn bá quan văn võ đưa tiễn, tiễn đến tận cổng thành, nhìn mãi theo binh mã đi xa khuất dạng mới tan, chỉ còn lại một Nhạn vương điện hạ không đi.
Y một mình đi lên một tòa tháp theo dõi sót lại trên cổng thành đã sập, không hề nhúc nhích nhìn bóng lưng Huyền Thiết tướng quân, có vẻ như muốn đứng đến khi trời tàn đất tận vậy.
Cố Quân không quay đầu lại, chỉ nói với Thẩm Dịch: "Đi bao xa rồi? Thiên lý nhãn hẳn cũng không thấy rõ nữa, ngươi bớt nói bừa đi."
Thẩm Dịch cả giận nói: "Chê mắt ta kém thì tự xem đi, sai ta hết lần này đến lần khác, khiến người khác còn cho rằng giữa ta với Vương gia có gì không rõ ràng đấy."
Cố Quân sớm chuẩn bị cả tá lý do lý trấu: "Ngươi thử bó thép tấm đầy người xem còn quay đầu lại được không? Lắm lời thật!"
Thẩm Dịch cười khẩy một tiếng, chẳng thèm vạch trần.
"Ta có đến mức ấy không?" Cố Quân dừng một chút, lại giấu đầu hở đuôi tự hỏi tự đáp, "Đừng lấy lòng lão mụ tử lông gà vỏ tỏi của ngươi đến đo dạ đại tướng có thể dung nạp cả trăm con giao long của ta."
Có câu thương gân động cốt một trăm ngày, Cố Quân bị moi ra từ đống xác, dở chết dở sống, tổng cộng cũng chẳng qua hơn nửa tháng, đừng nói là người, dù là cương giáp hỏng thành như vậy, bình thường cũng không dễ sửa, lúc Cố Quân thỉnh mệnh đi Tây Bắc, Nhạn vương đương đình nổi giận, suýt nữa cãi nhau với y ngay trước mặt cả triều văn võ.
Ngay cả Lý Phong tay Hoàng đế dở hơi "không cho trâu ăn cỏ, chuyên bắt trâu đi cày" kia cũng hơi áy náy.
Nhưng lúc này cần phải có người trùng chỉnh Huyền Thiết doanh.
Người Tây Dương vây kinh không thành, nửa chết nửa sống mà chiếm mé nam Trường Giang, nhất định không có tinh lực dư thừa đi chiếu ứng đám minh hữu nghèo rớt mồng tơi kia, tuyến Tây Bắc hiện tại có liên quân Tây Vực lộn xộn, có mười tám bộ lạc Bắc man, vốn đã không tính là bền chắc như thép, nếu có thể xoay chuyển chiến cục Tây Bắc, giải quyết vấn đề tử lưu kim như lửa sém lông mày, như vậy đánh người Tây Dương về lại quê cũ cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Ngàn quân dễ có, một tướng khó cầu, Cố Quân không thể không đích thân đi.
Sau cùng vẫn là Trần Khinh Nhứ ra mặt giải quyết vấn đề này, nàng nảy ra ý tưởng kỳ lạ, dùng một loại thép tấm đặc biệt, để Linh Xu viện cấp tốc chế ra, có thể bó kín trên người, cố định xương cốt chưa kịp lành của Cố Quân, cứ thế làm một bộ xương thép nhân tạo cho y.
Tuy rằng mặc vào cảm giác thật sự chẳng ra làm sao, nhưng tốt xấu gì cũng có thể cam đoan cho y thoạt nhìn vẫn đi lại như gió.
Thẩm Dịch thở dài nói: "Ta nói Đại soái à, mau thu lòng dạ rộng như trời của ngươi lại đi, ngươi rốt cuộc định làm thế nào đây?"
Cố Quân hết sức chuyên chú thả thuyền trước ngực, giả câm vờ điếc.
Thẩm Dịch thấy tên này lại chơi trò này, lập tức ứng đối đâu vào đấy mà hít sâu một hơi, lên giọng la to: "Ta nói Đại soái à, Nhạn... Á!"
Cố Quân trở tay cho y một roi, Thẩm Dịch hiểm hiểm dùng cát phong nhận che trước mặt, mắt trợn như mắt gà chọi, không ngừng vỗ ngực nói: "Nguy hiểm thật nguy hiểm thật, suýt nữa bị hủy dung – Ê, Đại soái, lời hay mới nói hai câu ngươi đã thẹn quá hóa giận, ta thấy Liễu Si đại sư kia tuy là gian tế Đông Doanh, nhưng rắm đàn hương đánh ra cũng không hoàn toàn vô lý, ta thấy ngươi cũng là mạng cứng, sao Hồng Loan bị ngươi khắc bay không nổi, khó khăn lắm mới chạm được một lần, vậy mà toàn hoa đào nát."
Cố Quân: "..."
Thẩm Dịch chép miệng, cảm thấy có thể cổ Cố Quân quả thật không tiện xoay lắm, bằng không đã lao tới nện mình một trận từ lâu rồi.
Cố Quân thu roi ngựa, trầm mặc giây lát, đoạn lắc đầu nói: "Suýt nữa mất nước, còn có thể làm thế nào, được một ngày thì hay một ngày đi, không chắc ngày nào da ngựa bọc thây, nghĩ nhiều thế làm gì?"
Thẩm Dịch nghe vậy nhíu mày, y rất hiểu Cố Quân, nếu thật sự một chút ý đó cũng không có, thì Cố Quân đã sớm nói thẳng ra rồi, chứ tuyệt đối không có một chút mập mờ, trước mắt nghe ý này, cùng với nói là do dự, chi bằng nói trong lòng đã hơi xuôi, chỉ là bởi vì có điều gì băn khoăn, mới tạm thời "lưu trung bất phát".
Thẩm Dịch: "Khoan đã, Tử Hi, ngươi sẽ không..."
Cố Quân: "Không nói chuyện này nữa."
Thẩm Dịch: "Nhưng đó là con ngươi mà!"
Cố Quân: "Còn cần ngươi nói nhảm à!"
Thẩm Dịch vẻ mặt kinh hãi, Cố Quân bực bội nhìn đi chỗ khác.
Không gặp lão mụ tử này thì rất nhớ, vừa gặp liền cảm thấy y thật phiền, Cố Quân bèn thúc bụng ngựa, lao khỏi chỗ Thẩm Dịch, lấy một cây sáo nhỏ bằng bạch ngọc từ trong lòng ra, nghẹn ngào thổi lên.
Ngoại trừ thứ không cần tấu nhạc cũng tự vang, nhạc khí gì đến tay Cố Quân cũng chẳng phát nổi âm nào hay, Cố Quân bị thép tấm nẹp thành nửa cương giáp không đủ hơi, giọng run run, bấm các lỗ cũng buông cương mặc ngựa, điệu chạy quanh toàn cảnh Đại Lương, vốn hơi buồn cười.
Thế nhưng lúc này, tiếng sáo ấy bị cuốn trong gió, cuốn theo than thở của Tây xuất Dương Quan(1), vậy mà chó ngáp phải ruồi có sự thê lương không nói nên lời, chẳng tài nào cười nổi.
Lưng Cố Quân bị tấm thép của Trần thị nẹp thẳng băng, như một lương trụ vĩnh viễn không đổ, sau lưng đeo hai thanh cát phong nhận đều sứt mẻ... không một thanh nào là của bản thân y.
Trần Khinh Nhứ tùy quân nghe tiếng sáo phía sau dần tới gần, chợt thấp giọng cảm khái: "Bằng quân mạc thoại phong hầu sự(2)..."
"Bằng quân mạc thoại phong hầu sự," Cố Quân bay vút qua bên cạnh nàng, râu ông nọ cắm cằm bà kia ngắt lời: "Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ(3), ha ha ha."
Trần Khinh Nhứ: "..."
Bị tiếp lời như thế, nàng nhất thời lại không nhớ ra nửa câu sau là gì!
Cố Quân hành quân như gió, dù sao bên cạnh dẫn theo một thánh thủ Trần cô nương, không sợ làm bung tấm thép trên người, sau khi rời kinh đi một mạch về phương Bắc, vừa ra khỏi cảnh nội Trực Lệ đã gặp liền hai đợt lưu dân xâm nhập và tấn công, đều không ra hồn, vừa đánh đã tan, vừa đụng đã chạy, như mấy con chó hoang thò đầu dòm chừng vậy.
"Vừa rời kinh thành chưa bao xa đã dõi theo chúng ta." Thẩm Dịch nói với Cố Quân, "Ta từng giao thủ với họ, giảo hoạt, địa bàn cũng quen thuộc, phát hiện đánh không lại là lập tức bỏ chạy, chẳng bao lâu lại bám theo, rất đáng ghét, khi ấy ta đi đến nơi này thì nghe tin kinh thành bị vây, trong lúc hành quân gấp thật sự bị họ chọc cáu vô cùng."
Cố Quân "À" một tiếng, đưa thiên lý nhãn trong tay cho Thẩm Dịch: "Quân sư quạt mo chỉ sợ còn từng học hành vài ngày."
Thẩm Dịch: "Sao cơ?"
Cố Quân: "Từng nghe nói lúc giả vờ rút lui phải 'triệt loạn kỳ mị(4)' mới có thể khiến đối phương mắc mưu đuổi theo, đáng tiếc tiểu binh không thể lĩnh hội, cán cờ kia là họ tự chém, ta vừa nhìn thấy rồi."
Thẩm Dịch: "..."
Cố Quân nhíu mày nói: "Những người này tạo phản với mục đích gì, biết không? Sống không nổi nữa à?"
"Nào có," Thẩm Dịch cười khẩy, "Ngươi nghĩ quá tốt cho bọn điêu dân rồi, dù không có việc làm, lương dân phần lớn sẽ buôn bán nhỏ, hoặc học một môn tay nghề, chung quy không đến mức sống không nổi. Đám lưu dân chạy giữa hai vùng Trung Nguyên và Thục Trung này vốn là mấy tay lưu manh vô công rồi nghề, bị kẻ có rắp tâm tổ chức lại, không phải gây rối Thái tướng quân thì là chuyên môn ăn cướp, bên Thái tướng quân vừa đuổi là chạy, hễ hơi yên bình sẽ quay lại. Ta nghe nói trừ cướp bóc ra thì chúng còn có một quy củ, nếu đàn ông trưởng thành nhà ai đi theo tạo phản, nhà này sẽ không phải bị đám giặc cỏ này tấn công, vợ con chị em cũng có thể bảo vệ, không cần luôn lo lắng bị bắt đi."
"..." Cố Quân nói, "Khoan đã, cách nói này nghe quen tai quá, chẳng phải giống với chế độ lao dịch của Đại Lương à? Quân hộ không cần nộp thuế."
Thẩm Dịch hết nhịn nổi nói: "Đại soái, ngươi rốt cuộc đứng bên nào vậy?"
"Được được, đừng có nóng," Cố Quân nói, "Như vậy kẻ làm thổ phỉ không phải ngày càng nhiều à? Chẳng những 'miễn thuế', có một đội ngũ đi theo, tốt xấu gì còn có thể tránh chiến loạn, thế đầu lĩnh là ai?"
"Nghe nói là một lão thổ phỉ trông rất đáng sợ, làm nghề này rất nhiều năm rồi, người chi chít sẹo, mặt còn từng bị bỏng, tự xưng là 'Hỏa Long'." Thẩm Dịch thở dài: "Vậy ngươi xem nên làm thế nào, chúng ta ra roi thúc ngựa vất vả vài hôm vòng qua đám bạo dân này, đi thẳng đến nơi viện quân Tây Bắc của Thái Phân đóng quân sao?"
Cố Quân chắp tay sau lưng bước tại chỗ chốc lát: "Loạn trong giặc ngoài, xử lý được chút nào hay chút ấy, trước có hổ lang, sau không thể có thêm nỗi lo lắng khác, nghĩ một phong tấu, báo cáo lên Sở quân cơ, nói chúng ta phải nán lại đây dăm ba hôm."
Sau khi kinh thành được giải vây, Lý Phong liền quyết đoán dẹp hết tả hữu nhị tướng ngồi không ăn bám, sau đó để dễ bề quản lý, lại noi theo quan chế tiền triều, thiết lập "Sở quân cơ" thống lĩnh lục bộ, bắt đầu dùng chúng văn thần trong hoạn nạn thấy mới bản lĩnh thật.
Trong Sở quân cơ thường niên nửa đêm vẫn đèn đuốc sáng trưng, lúc Giang Sung đẩy cửa đi vào đã là canh ba, đèn măng-sông sáng như ban ngày, nhưng Nhạn thân vương đã gục lên bàn ngủ thiếp đi, tay hãy còn cầm một cây bút.
Giang Sung vốn không muốn đánh thức y, tự mình nhận tấu sớ nội thị ôm trong lòng, cho hạ nhân lui, khẽ khàng đi vào, nhưng hắn dù sao cũng là một văn quan, không giỏi ẩn tiếng, Trường Canh vẫn bị kinh động. Chỉ thấy trong tích tắc mở mắt, Nhạn thân vương bình nhật khôn khéo lại có vệt đỏ hiện lên nơi đáy mắt, như hung quang đằng đằng sát khí, đột nhiên lao đến người trước mặt.
Giang Sung chưa kịp phản ứng, mồ hôi lạnh trên cột sống thoáng cái đã chảy xuống, tựa như con thỏ bị sát khí của mãnh thú khóa chặt, không tự chủ được lui một bước, tay áo va vào giá bút của Trường Canh, giá bút lập tức đổ xuống.
Trường Canh lúc này mới tỉnh táo, chớp mắt liền như gió cuốn mây tan thu lại sát khí, đứng dậy nói: "Không sao, để ta dọn."
Giang Sung kinh hồn táng đảm nhìn y, hoài nghi phải chăng mình mệt quá hồ đồ nhìn lầm rồi, dè dặt hỏi: "Vương gia vừa rồi bị bóng đè à?"
"Không có gì." Trường Canh điềm nhiên như không nói, "Nguyên nhân là do ép ngực... Sắc mặt không dễ nhìn làm huynh sợ à, ta lúc thức giấc thường hơi nóng, vừa nãy nhất thời ngủ mơ hồ, suýt nữa không rõ mình đang ở đâu."
Y nói như thế, Giang Sung cũng không tiện hỏi nữa, cứ cảm thấy cơn giận lúc tỉnh giấc của Nhạn vương điện hạ hơi lớn quá.
Trường Canh kê lại giá bút bị đổ, lúc này mới hỏi: "Sao vậy, Hàn Thạch huynh có việc gì à?"
Giang Sung định thần lại, ngồi xuống đối diện y: "Vì chuyện phát hành 'phong hỏa phiếu' ra dân gian mà Vương gia nói trên triều hội hôm qua, trong triều tạp âm không nhỏ, thứ nhất triều đình vay tiền bách tính, là chưa từng có bao giờ, làm thế không phải chiêu cáo thiên hạ rằng quốc khố ta trống rỗng sao? Mặt mũi triều đình ở đâu?"
Trường Canh tựa hồ còn chưa tỉnh táo lắm, ngồi trên ghế không ngừng bóp trán, nghe thế cười nói: "Mất hết nửa giang sơn thì có mặt mũi lắm à?"
Giang Sung: "Còn có người hỏi đến lúc đó triều đình không trả được tiền thì làm thế nào? Vốn liếng trong quốc khố, Vương gia cũng biết đấy."
"Dời kỳ hạn trả tiền, sau đó có thể phát hành thêm đợt thứ hai, thứ ba, cứ mượn tạm, sẽ quay vòng được thôi," Trường Canh nói, "Nhóm người đầu tiên mua phong hỏa phiếu có thể cho vài lợi ích thực tế thích hợp, tước vị, hư chức trong triều, lệnh đặc biệt... đều có thể, lý tưởng nhất chính là nếu thi hành việc này, dân gian có thể sử dụng phong hỏa phiếu như ngân lượng."
"Nếu là như vậy thật," Giang Sung do dự nói, "Mớ phiếu đó chẳng phải sẽ bay đầy trời? Đến lúc ấy tất nhiên không đáng một xu!"
Trường Canh: "Triều đình đỡ hơn là có thể mua lại, chờ qua đợt này, là hoàn tiền hay tiếp tục, là cơ cấu đặc xá hay luật pháp chuyên môn ban bố, đều tính sau."
Giang Sung lại nói: "Còn có kẻ hỏi, nếu tương lai dân gian có người làm giả, cầm phiếu giả đến đòi tiền triều đình thì làm thế nào?"
Trường Canh nghe thế tức đến bật cười: "Việc này thì đi hỏi Linh Xu viện, việc nhỏ nhặt như vậy cũng cần đem đến Sở quân cơ mà nói à? Ngày mai chúng ta có nên nói quy phạm cách dùng bô không?"
Giang Sung cười khổ: "Đúng là đạo lý này, điện hạ cũng biết Ngự sử đài mà... chẳng có việc gì ngoài cãi nhau, nghe nói đang thâu đêm suốt sáng viết tấu tố ngài làm xằng làm bậy đấy."
Trường Canh thở dài: "Nói một ngàn loại đạo lý, hiện tại cũng chỉ là giải quyết vấn đề khẩn cấp thời chiến, không thì còn có thể làm thế nào? Đánh thuế nặng lên lưu dân trong thành, hay dỡ hành cung của Hoàng thượng đi bán lấy tiền? Ai có vấn đề có thể đưa ra trên triều hội, trả lời được thì ta sẽ nói ngay đó, chưa nghĩ ra thì ta trở về ngẫm lại nói sau, những người này..."
Triều đình này chính là như vậy, có một nhóm nhỏ phụ trách làm việc, còn lại phần lớn phụ trách cản trở bới móc, tương lai nếu sự thành, thì xem như nhờ mình suy nghĩ chu toàn, vạn nhất sự không thành, chính là "năm đó vì sao không nghe ta".
Đây cũng chưa tính là gì, lại còn có những kẻ ôm tâm cơ và quan hệ lợi hại phá rối, ngáng chân, muốn làm chút việc còn khó hơn lên trời... Chẳng trách mọi người đều biết đạo lý "kiêm thính tắc minh", thế nhưng nhiều nhất trong lịch sử lại vẫn là đế vương chuyên quyền và quyền thần quyền khuynh triều dã. (Kiêm thính tắc minh ý là phải nghe từ nhiều phía mới có cái nhìn đúng đắn được)
"Không phải nhằm vào huynh đâu, Hàn Thạch huynh đừng chê trách," Trường Canh khoát tay, "Ta gần đây cũng tranh cãi quá nhiều, nên hơi nóng nảy."
"Nói tới Linh Xu viện, Phụng Hàm công hôm qua lại dâng tấu, hạ quan làm chủ giữ lại trước, Vương gia xem xem có thể trình lên không?"
Trường Canh rót cho mình một chén trà nguội qua đêm: "À, nói gì vậy?"
"Một bản đề nghị Hoàng thượng hủy chưởng lệnh pháp, bỏ lệnh cấm trường tý sư dân gian, một bản là muốn Hoàng thượng bỏ lệnh cấm giao dịch tử lưu kim trong dân gian, nói là đại phú thương tất nhiên đều có cách của mình, quốc nạn ập xuống, chi bằng phát huy tác dụng của những người này, để tử lưu kim trong Đại Lương ta cũng có thể thêm một đường đến."
Trường Canh dừng một chút, lắc đầu: "Phụng Hàm công... Ôi, Phụng Hàm công này."
Lão nhân gia lúc kinh thành bị bao vây cởi trần ra trận, tinh thần ấy làm Lý Phong khắc sâu ấn tượng. Tuy rằng tính tình lão già này vừa khó ưa vừa cứng nhắc còn cố chấp, nhưng trung tâm như một là không cần bàn cãi, bởi vậy gần đây ông ta thường nói vớ nói vẩn, Lý Phong cũng đều dung nhẫn.
"Bản tấu hủy chưởng lệnh pháp kia mọi người xem qua, không quá đáng thì có thể trình lên," Trường Canh nói, "Việc tử lưu kim thì thôi đi, ngược long lân của Hoàng thượng có thoải mái không? Khéo léo giúp ông ấy viết tóm tắt trình lên trên, sớ cũ thì trả lại."
Giang Sung bất đắc dĩ đáp một tiếng, đang định đứng dậy đi, bỗng nhiên lại như nhớ tới điều gì, quay đầu nói: "Đúng rồi, còn có An Định hầu..."
Trường Canh lập tức ngẩng đầu lên.
Lý Phong trả Huyền Thiết hổ phù lại cho Cố Quân, cho y quyền điều phối binh lực và chiến bị tứ phương, theo lý là không cần báo cáo tất tần tật các việc lớn nhỏ dọc đường, nhưng Cố Quân không lĩnh tình, định kỳ dâng tấu theo quy củ, đã đến nơi đâu, chiến cục ra sao, định làm thế nào, có lý do gì, tất cả đều trình bày rõ ràng.
Giang Sung: "An Định hầu vừa đến vùng Trung Nguyên, không có việc gì khẩn yếu, chỉ nói đụng phải một đám ô hợp thổ phỉ bạo dân, định xử lý sạch trước, tối đa dăm ba hôm thôi."
Trường Canh "Ồ" một tiếng: "Để lại ta xem xem."
Giang Sung cảm khái: "Việc lớn việc nhỏ đều bày ở chỗ Vương gia, những người khác ngài đều nghe báo cáo vắn tắt, chỉ có tấu của Cố soái là xem kỹ từ đầu đến cuối, tình cảm của Vương gia và Đại soái thật là sâu nặng."
Nói xong hắn liền cáo từ, mới đi tới cửa thì Trường Canh chợt gọi lại: "Hàn Thạch huynh."
Giang Sung không rõ nguyên do quay đầu lại: "Vương gia còn điều gì phân phó?"
Trường Canh đặt một tay trên bản tấu của Cố Quân, bất tự giác vuốt ve nhè nhẹ, trầm mặc chốc lát, sắc mặt bình thản nói: "Phiền huynh giúp ta thu thập một chút dị nghị về phong hỏa phiếu trong triều, ai nói, nói khi nào, nói gì, để ta xem xét chỉnh sửa phương án."
Giang Sung kinh hãi – chỉnh sửa phương án thì cần gì "ai nói" và "nói khi nào", hắn không nhịn được nhờ ánh đèn măng-sông sáng suốt đêm nhìn Nhạn vương một cái, mặt là trẻ tuổi, ánh mắt lại không một chút ngây ngô, mới nhìn cảm thấy là một quý công tử nho nhã, song nhìn lại thì ánh mắt không phải xuân phong hóa vũ, hơi lộ ra nét lành lạnh.
Nghe nói tiên đế lúc lâm chung phó thác tứ điện hạ cho Cố Quân, y lớn lên ở phủ An Định hầu, Giang Sung chợt giật mình phát giác, thì ra điện hạ và Hầu gia không giống nhau chút nào.
Giang Sung: "... Vâng."
Trường Canh hơi gật đầu, đều là người thông minh, không cần giải thích nhiều.
Chờ Giang Sung kinh nghi bất định đi rồi, Trường Canh mới khẽ thở ra một hơi, y vốn ngủ không ngon, vất vả lắm mới thiêm thiếp ngủ gật một giấc không mấy thoải mái, bị quấy nhiễu như vậy, chỉ sợ đêm nay không ngủ nổi nữa, y liền đứng dậy thay huân hương trong phòng, đốt an thần tán của Trần cô nương.
Trường Canh im lặng đứng một lúc trước an thần tán hất vào mặt, cơn ác mộng căn bản không nhớ rõ nội dung ban nãy khiến ngực y đau như kim châm, có người ngoài miễn cưỡng nhịn xuống không lộ ra – cảm giác này rất giống vài lần hiếm hoi khi Ô Nhĩ Cốt phát tác.
Bởi thương thế của Cố Quân, Trần cô nương đi tùy quân, trước khi đi đặc ý gọi y ra một góc, bảo y tăng thêm lượng an thần tán, có thể tĩnh dưỡng thì hãy tận lực tĩnh dưỡng.
Phen này bị đại hỉ đại bi giày vò, quét sạch vốn liếng mấy năm tĩnh tâm tích được, về sau muốn áp chế sẽ khó khăn gấp bội, Ô Nhĩ Cốt tối kỵ nghĩ nhiều – nghĩ nhiều càng hao tổn tinh thần.
Nhưng có biện pháp nào đâu? Chẳng lẽ ném gánh chạy lấy người, nhìn Cố Quân bị giang sơn đổ nát này vây chết?
—
"Tây xuất Dương Quan vô cố nhân" là một câu trong bài thơ Vị Thành khúc – Tống Nguyên nhị sứ An Tây của Vương Duy, nghĩa là: Ra khỏi Dương Quan về phía Tây không còn cố nhân nữa."Bằng quân mạc thoại phong hầu sự, nhất tướng công thành vạn cốt khô" nằm trong bài thơ Kỷ Hợi tuế của Tào Tùng, tạm dịch: Đừng ai nhắc chuyện phong hầu nữa, một tướng công thành vạn thây khô."Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ" – Một tấm lòng băng trong bình ngọc là câu thơ trong bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh.Triệt loạn kỳ mị – xe loạn cờ giạt đại khái hình dung quân đội tan tác tháo chạy. Xuất xứ: Tả truyện – Trang Công thập niên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro