Chương 53: Dịu đi
Trường Canh trên đường đến đâu vào đấy, cả thiên hạ như đều nằm trong tay, nhưng lúc đi đã thành một cục hồ hình người, không biết mình bước chân nào ra trước.
Đêm còn se lạnh chưa ấm hẳn, hơi thở ra vào trong ngực y là một ngọn liệt hỏa sờ sờ.
Trường Canh hốt hoảng trốn về viện của mình, thở dài một hơi, tựa trán lên người khôi lỗi hầu kiếm ngoài cửa viện.
Nhiều năm qua, thiết khôi lỗi này sớm đã "nhắm mắt xuôi tay", không thể sử dụng nữa, chỉ là Trường Canh không nỡ vứt, liền để nó dở ông dở thằng trong viện mình làm đèn treo tường trang trí.
Lãnh thiết lạnh lẽo, nhanh chóng làm da thịt nóng lên của Trường Canh bình tĩnh lại, y ngửa đầu nhìn thứ này, nhớ tới một chút hồi ức xa xưa thời thiếu niên – y nhớ rõ mình từng mỗi ngày trời chưa sáng đã để nó xách làn, đựng bánh, sau đó một người một khôi lỗi hăm hở chạy sang viện của Cố Quân, nghe người ấy huyên thuyên trời nam biển bắc.
Rồi lúc làm sinh nhật cho Cố Quân, họ quấn lụa là đầy người nó nom thật buồn cười, để nó bưng một bát mì trông chả ngon lành gì đi hiến thọ...
Nghĩ một hồi, Trường Canh liền không nhịn được hơi mỉm cười, tất cả ký ức thú vị, ấm áp của y, vậy mà toàn là liên quan đến Cố Quân.
Trường Canh treo đèn trên tay lên cánh tay dang ra của thiết khôi lỗi, thân thiết vỗ vỗ bánh răng đã lộ ra sau gáy nó, nhớ tới hai câu Cố Quân mới nói, thở dài, ánh mắt tối đi.
Y vốn tưởng rằng Cố Quân sẽ nổi giận hoặc khuyên nhủ hết nước hết cái, hoàn toàn không liệu được Cố Quân sẽ có thái độ như vậy.
Cố Quân ôn hòa tỏ rõ lập trường – ta vẫn là nghĩa phụ ngươi, ta vẫn thương ngươi nhất, vô luận trong lòng ngươi suy nghĩ thế nào, với ta hết thảy đều như cũ, sự mạo phạm của ngươi ta đều sẽ tha thứ, những lời vớ vẩn đó ta cũng không để bụng, ta không thể nhân nhượng vọng niệm trái luân thường của ngươi, nhưng cũng tin một ngày kia ngươi sẽ quay về đường ngay.
Trường Canh dán một tấm "vô dục tắc cương" lên người, Cố Quân liền cho y xơi một phát "vị nhiên bất động".
"Chút tâm nhãn này đều dùng vào ta rồi." Trường Canh dở khóc dở cười nghĩ, "Sao không chịu chừa chút tư tâm trước mặt vị trong cung kia?"
Trường Canh biết vì sao sau đó Cố Quân đột nhiên không tiếp lời y, không phải thấy y phiền lòng muốn y cút đi cho sớm, mà quá nửa là đoán được đoạn sau y muốn nói gì, khéo léo ám chỉ y không được đề cập – tránh phong mang nhất thời là hạ sách, trước mắt đối với Cố Quân mà nói, thượng sách dĩ nhiên là dùng quân quyền khống chế, thay thế chính quyền, từ đó thượng hạ quân chính nhất thể.
Nếu có một nhánh quân tùy thời có thể phát binh hải ngoại, san bằng lục hợp, quy tắc của hải vận và con đường tơ lụa đều có thể tùy ý sửa đổi, đến lúc đó Đại Lương khả tiến khả thoái, thanh uy lẫy lừng, có lẽ có thể dung nhẫn dân gian mà bỏ lệnh cấm tử lưu kim.
Tiếc thay, dưới lớp da du côn lưu manh của Cố Quân, trong thiết huyết sát phạt quyết đoán, là một bộ xương quân tử tiêu tiêu nhi lập, không làm được chuyện mưu quân thiết quốc.
Trường Canh chậm rãi đi vào nhà, lúc này, không trung có tiếng chim vỗ cánh quen thuộc, Trường Canh giơ tay đón con chim gỗ cũ rích kia, mở ra thấy bên trong là thư đến từ Trần Khinh Nhứ.
Nàng ta hiếm khi viết chữ vừa ngoáy vừa lộn xộn, Trường Canh khó khăn lắm mới đọc được trên đó nói: "Ta đã dò hỏi được xuất xứ của loại độc năm đó Đại soái trúng, nếu tìm được bí phương, biết đâu có thể chế ra giải dược."
Trường Canh khựng bước.
Song niềm vui mừng như điên trong lòng y vẫn chưa kịp vỡ òa, liền thấy Trần Khinh Nhứ còn một câu bên dưới: "Nhưng mắt và tai y bị tổn thương nhiều năm, lại liên tục lấy độc trị độc, tích lũy tháng ngày, độc có thể giải, bệnh trầm kha lại khó chữa, điện hạ hãy chuẩn bị sẵn sàng."
Phía dưới còn một hàng chữ nhỏ viết ngoáy hơn, Trần Khinh Nhứ viết: "Ta hoài nghi đây là bí mật bất truyền của thần nữ người man, do thần nữ cuối cùng hòa thân nhập cung, quan ngoại đã khó tìm dấu vết, nếu tiện, ngươi hãy đồng thời tìm kiếm trong cung cấm."
Trường Canh xem xong từ đầu đến cuối, đốt sạch sẽ cuộn giấy, lòng lại chùng xuống.
An Định hầu nhiều thế hệ chinh chiến, quân ân thâm hậu, tòa hầu phủ cũng là đặc biệt ban cho, từ tiểu viện Trường Canh ở ngẩng đầu lên là có thể trông thấy mái cong lộng lẫy nguy nga trong hoàng cung dưới ánh trăng, Trường Canh như cố ý như vô tình thoáng nhìn hướng hoàng cung, trong mắt như có sấm gió rền rĩ.
Chỉ kinh tâm động phách mà lóe lên, liền bị y thu lại không lộ mảy may.
Sáng sớm hôm sau, Cố Quân quả nhiên theo lời cho người đưa tấu của y vào cung.
Y thoạt tiên viết rõ từng điều từng khoản kết quả việc phản tỉnh, thành khẩn nhận lỗi với Hoàng thượng, lại tuyên bố mình cựu thương tái phát, chỉ sợ không đảm đương được trọng trách, xin Hoàng thượng thu hồi soái ấn.
Cáo ốm trước nay là lý do thường thấy, nhưng bất ngờ là bản tấu của An Định hầu lại không giống lý do lý trấu, bởi vì phần sau y dùng chữ tiểu Khải rất nổi tiếng trong dân gian của mình, liệt rõ toàn bộ chi tiết trong việc chuyển giao quân vụ – cuối cùng còn thẳng thừng xin Hoàng thượng đồng ý dời địa điểm đóng cửa phản tỉnh tới kinh giao.
Văn chương ưu nhã hơn cũng không che giấu được ý tứ "Ta đã phản tỉnh xong rồi, thả ta ra ngoài chơi đi" giữa những hàng chữ.
Bản tấu này mang đậm phong cách của An Định hầu, có một chút chân thật càn rỡ, hiển nhiên không phải do mưu sĩ viết thay.
Hoàng đế Long An giữ bản tấu này lại một ngày, hôm sau liền ban không ít dược liệu quý để tỏ ân sủng, giải lệnh cấm túc cho Cố Quân, xem như ngầm đồng ý việc y xin nghỉ, nhưng để ngoài mặt dễ nhìn, hắn không hề tìm người thế chỗ, chỉ bỏ soái ấn đó, ôn hòa trấn an, tuyên bố chờ An Định hầu lành bệnh về triều, vẫn muốn trả lại soái ấn cho y.
Giờ nghỉ ngơi trưa hôm ấy, Lý Phong không biết làm sao lại lục ra một quyển sách thiếu thời mình từng đọc, bên trong rơi ra một bảng chữ mẫu, so sánh với bản tấu trên bàn hắn thì chữ viết khá vụng về, sức tay chỗ chuyển hướng tựa hồ cũng không đủ lực lắm, nhưng đã nhìn ra khí khái ngày sau.
Lý Phong lấy ra ngắm nghía rất lâu, bỗng hơi xúc động hỏi Chúc Chân Nhỏ: "Ngươi có biết đây là ai viết không?"
Chúc Chân Nhỏ giả bộ hồ đồ: "Cái này... Lão nô xem không hiểu tốt xấu, nhưng đã là Hoàng thượng gìn giữ, thì chắc hẳn là bút tích của vị danh gia nào?"
"Ngươi dẻo miệng thật – nhưng cũng có thể xem là danh gia, đây là do Thập Lục hoàng thúc viết." Lý Phong nhẹ nhàng đặt bảng chữ mẫu kia lên bàn, dùng chặn giấy ép cho phẳng, giống như lại nhớ tới điều gì, ánh mắt trở nên xa xăm, nói với Chúc Chân Nhỏ, "Trẫm thời thiếu niên không kiên nhẫn luyện chữ, bị phụ hoàng quở trách ngay trước mặt, hoàng thúc sau khi biết chuyện quay về thức suốt một đêm, ngày hôm sau đưa cho trẫm một xấp bảng chữ mẫu..."
Khi đó mắt Cố Quân ban ngày đã không tốt, buổi tối càng không thấy rõ, chỉ có thể đeo kính lưu ly, qua một đêm mắt đỏ hoe lên, ngày hôm sau trưng đôi mắt thỏ, còn nhất định phải ra vẻ không tùy tiện nói cười.
Lý Phong đang nói liền nhớ đến chuyện cũ, hơi hoài niệm lẩm bẩm: "Ngươi nói hoàng thúc hồi nhỏ hướng nội như vậy, không thích thân cận với người ta chút nào, thật đúng là một trời một vực với hiện tại – à, đúng rồi, y đâu rồi?"
Chúc Chân Nhỏ thành thật đáp: "Nghe nói là đến sơn trang ôn tuyền phương Bắc tĩnh dưỡng rồi ạ."
Lý Phong dở khóc dở cười: "Y thật sự đi chơi rồi? Thôi... trà xuân Giang Nam vừa đưa lên, ngươi kêu người mang cho y nếm, rồi bảo y đề biển cho hành cung phía Bắc của trẫm."
Chúc Chân Nhỏ nhanh nhẹn đáp lời, không nói thêm gì – hắn cảm thấy độ lửa đã đến rồi.
Buổi chiều cùng ngày, đô hộ sở Tây Bắc gửi đến công văn khẩn cấp tám trăm dặm, nói ngoại tộc biên quan có dị động, Huyền Thiết doanh không nghe lệnh kích trống, ngang nhiên nhốt Mạnh đô hộ vân vân.
Hoàng đế Long An đang nhớ tình cũ, đem việc này cầm lên cao rồi nhẹ nhàng bỏ xuống, chỉ phái người khiển trách Hà Vinh Huy không coi quốc pháp ra gì, phạt chút bổng lộc lấy lệ, lệnh cho Huyền Thiết doanh phòng bị biến cố biên cảnh nghiêm hơn.
Chờ đến khi Trường Canh chẳng dễ dàng gì nhín thời gian đến biệt viện ôn tuyền Bắc giao cho Cố Quân biết phần sau của sự việc, liền trông thấy họ Cố mặc dục bào, chân ngâm trong ôn tuyền, tay không rời chén, bên cạnh còn có hai nàng hầu xinh đẹp đang bóp vai đấm lưng cho y, sung sướng sắp thành tiên luôn rồi.
Cố Quân nói đi "tĩnh dưỡng", vậy mà thực sự cũng rất nghiêm túc tĩnh dưỡng!
Kẻ dở điếc đó không nghe thấy có người đến, nghiêng đầu không biết nói gì với tiểu cô nương bên cạnh, nàng hầu kia không lên tiếng, chỉ cười, mặt đỏ bừng lên.
Trường Canh: "..."
Cố Quân thấy nàng hầu đỏ mặt rất đáng yêu, muốn giơ tay sờ, vừa giơ một nửa liền thấy hai cô nương kia vội vàng hành lễ với ai đó, rồi tự động lui xuống.
Cố Quân quay đầu lại, không thấy rõ là ai đến, đành phải mò kính lưu ly để lên mũi.
Thấy Trường Canh, cái tên già mà không đứng đắn này lại không cảm thấy ngượng ngùng chút nào, còn cực kỳ vui mừng gọi y tới, uể oải bò dậy: "Lâu lắm rồi chưa được nghỉ ngơi thế này, nằm xốp hết xương cốt luôn rồi."
Trường Canh: "... Chỉ sợ không phải nằm xốp đâu?"
Vừa thốt ra lời này, y liền hối hận ngay.
"Hở?" Nhưng Cố Quân hình như không nghe rõ, vẻ mặt nghi hoặc hỏi, "Cái gì?"
Không biết thế nào mà Trường Canh lại nhớ tới chuyện tên này chuyên môn không nghe thấy những lời không thích nghe khi y và Thẩm Dịch giả dạng làm ẩn sĩ nghèo túng ở Nhạn Hồi tiểu trấn.
Tên này vốn đã là một chuyên gia giả bộ, một khi hóa điếc thì càng như hổ thêm cánh.
Chỉ nghe An Định hầu củ tỏi đệ nhất Đại Lương này hào hứng hỏi: "Đúng rồi, mang thuốc tới cho ta chứ? Tối nay ta dẫn ngươi đến Tuyết Mai trai phía sau, bên đó mới có mấy con hát, nghe nói đều là cạnh tranh ngôi đầu Khởi Diên lâu đợt cuối năm, chúng ta đến giám định trước."
Trường Canh cho rằng Cố Quân bảo y mang thuốc tới là có việc gì quan trọng, té ra lại là chê tai điếc uống hoa tửu không có đã, lập tức ngoài cười trong không cười mà nói: "Thuốc có ba phần độc, nghĩa phụ đã không có việc quan trọng thì uống ít thôi."
Cố điếc râu ông nọ cắm cằm bà kia tiếp lời: "Ừ ừ, được, mang đến là được, ở đây nước rất đã, ngươi ngâm một lúc cho khoan khoái."
Trường Canh: "..."
Y hoàn toàn không muốn nói lý lẽ với Cố Quân nữa, ngồi nghiêm chỉnh bên ôn tuyền, mí mắt cũng không nâng lên mà ra dấu: "Hoàng thượng đã nhận được tuyến báo Tây Bắc, hết thảy bình an, người yên tâm đi."
Cố Quân thong thả gật đầu: "Ừ – ngươi đã đến đây rồi mà không ngâm với ta à?"
"... Không ạ," Trường Canh mặt không cảm xúc nói, "Nghĩa phụ tự mình hưởng thụ đi."
Cố Quân "Chậc" một tiếng, sau đó lại không kiêng dè Trường Canh chút nào, tựa hồ không cảm thấy có gì phải kiêng dè, thái độ thản nhiên trực tiếp xuống nước.
Trường Canh chưa kịp chuẩn bị, vội vàng hốt hoảng nhìn đi chỗ khác, quả thực không chỗ nào cho mắt trú lại, cầm bừa một chén rượu, uống một hớp như che giấu điều gì, chạm môi mới nhớ – đây là chén của Cố Quân.
Y đứng bật dậy, suýt nữa đụng đổ cái bàn nhỏ của Cố Quân, gượng gạo nói: "Con đến để nói cho nghĩa phụ một tiếng, người biết là được, con... con còn chút việc phải về, cáo lui trước."
"Tiểu Trường Canh." Cố Quân gọi y lại, đặt kính lưu ly bị hơi nước làm mờ sang một bên, tầm mắt cự ly chỉ vài tấc không đúng tiêu cự lắm, nhoài lên bờ lại như giao vương quản về nước, không chút để ý nói, "Đều là nam nhân, cái ta có ngươi đều có, ngươi không có ta cũng không có, có cái gì mới lạ đâu?"
Trường Canh nín thở, rốt cuộc vẫn ngước nhìn lên, thân hình Cố Quân hơi lờ mờ, sẹo chi chít khắp người lại đập thẳng vào mắt, nhìn mà đau lòng, có một vết từ cổ xéo qua ngực, khiến nửa người trên trông như bị chém làm đôi rồi may lại vậy.
Cố Quân rất hiểu lòng người, biết một số việc càng kiêng dè, càng có vẻ cấm kỵ, thì càng như trúng độc không dứt bỏ nổi, bèn thoải mái mặc y nhìn – dù sao cũng chẳng có gì đáng nhìn.
"Tình cảm với cha mẹ của mỗi người đều rất sâu đậm, không riêng gì ngươi, ta cũng thế," Cố Quân nói, "Cha ruột của ta là một con gia súc sống, chỉ biết tụ tập một đám thiết khôi lỗi đuổi theo chém ta, người đầu tiên cầm tay dạy ta viết chữ là tiên đế, người đầu tiên dỗ dành ta uống thuốc, uống xong còn cho mứt hoa quả cũng là tiên đế, hồi nhỏ ta cũng cảm thấy ông là người duy nhất từng thương ta. Đôi khi loại tình cảm này quá sâu, có thể khiến ngươi sinh ra một chút ảo giác, qua giai đoạn này là được, không sao, ngươi càng để trong lòng, càng cảm thấy nặng nề không kham nổi, thì nó càng quấy rầy ngươi."
Trường Canh mở miệng, nhưng Cố Quân cậy mình không nghe rõ, căn bản chẳng quan tâm Trường Canh trả lời hay không, tự nói tiếp: "Nghĩa phụ biết ngươi là đứa trẻ ngoan, chỉ là quá dễ dàng tự vác gánh nặng, bỏ hết xuống, ở đây với ta vài hôm, cả ngày như một lão hòa thượng thì còn ra gì nữa? Lắm cảnh đẹp như vậy, chuyện thú vị cũng rất nhiều, đừng bảo thủ."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro