Chương 107: Rắc rối
Đêm đầu tiên Cố Quân rời khỏi kinh thành, vừa gắn kính lưu ly lên thì kẹp đột nhiên gãy lìa một cách lạ lùng, kính từ mũi y lăn thẳng xuống, vừa vặn đập lên kiên giáp bằng huyền thiết, nứt toác.
Tướng quân sắp xuất chinh, vật tùy thân hư hại là điềm xấu, thân binh giật nảy mình, sợ Cố Quân kiêng kỵ.
Cố Quân dụi mũi: "Chậc, ta đây là không thầy tự thông Kim chung tráo và Thiết bố sam rồi?"
Thân binh nhanh trí nói: "Đây là 'toái toái bình an', Đại soái, để ta đi lấy cho ngài cái khác." (Toái đồng âm với tuế, nghĩa là năm nào cũng được bình an)
Thân binh chăm lo cuộc sống hàng ngày của y, biết trong tay nải của y nhất định có kính lưu ly dự phòng, nhưng trong quá trình tìm kiếm, bất ngờ nhìn thấy trong quần áo tùy thân của Cố Quân có kẹp một phong thư to, cầm lên thấy rất dày, gắn bằng xi, trên viết mấy chữ "Gửi Cố soái".
An Định hầu trăm công nghìn việc, nhất định không có sở thích tự viết thư cho mình, thứ này xen lẫn trong quần áo, nhìn kiểu nào cũng thấy hơi có ý "da thịt thân cận", tự nhiên có cảm giác thân mật mờ ám.
Ai sẽ là người sắp xếp quần áo cho Cố Quân?
Ngoại trừ đám lão hạ nhân râu bạc của hầu phủ, e cũng chỉ còn lại hồng nhan tri kỷ.
Xi chưa mở, có lẽ bản thân Cố Quân vẫn chưa phát hiện, tiểu thân binh chợt thông minh, hăm hở đem cả kính dự phòng lẫn phong thư đến cho y, cười gian nói: "Đại soái, trong quần áo của ngài kẹp một phong tín hàm quan trọng, mau xem đi, đừng quên mà lỡ việc."
Cố Quân đeo kính thần sắc là lạ xem qua nét chữ quen thuộc trên phong thư, nhìn lên thấy bộ dạng nháy mắt bỉ ổi của tiểu thân binh, cười mắng: "Nhìn gì mà nhìn, mau cút đi."
Thân binh cười "hì hì", không thò đầu dòm nữa, làm mặt quỷ chạy mất.
Phong thư ấy cầm trong tay khá nặng, nhấc lên như một quyển sách dày, nếu là thư tình thì chắc phải bắt đầu viết từ hồi Nhạn vương điện hạ còn mặc tã, Cố Quân vừa xé ra vừa nghĩ lung tung: "Khế nhà? Khế đất? Phong hỏa phiếu? Bạc? Hay bí tịch trường sinh bất lão?"
Song khi mở ra xem nội dung bên trong, y cơ hồ chấn kinh vì thứ trong đó.
Đó là một tập bản vẽ dày cộp, toàn là giấy Hải Văn mềm dẻo, giấy Hải Văn nước lửa không xâm, nhưng một số chỗ vẫn ố vàng cong mép, hiển nhiên đã vẽ nhiều ngày, nét mực trên giấy đậm nhạt không đều, đại khái là nguyên chủ nhiều lần chú thích, không phải vung lên mà thành.
Đè trên cùng là một tờ bản đồ toàn cảnh Đại Lương rất to, mở ra có thể che kín cả nền nhà, tam giang ngũ hồ, Man Kinh Âu Việt... không phân lớn nhỏ, nằm hết trên giấy, trên bản đồ còn lít nhít chữ tiểu Khải cực nhỏ làm dấu – muốn phá núi ở nơi nào, muốn dựng nhà xưởng khắp nơi nào, non xanh nước biếc nào cá gạo ê hề, cảng nào thích hợp mở rộng mà hướng mặt ra tứ hải, nơi đâu có thể để hải giao chân chính bay xa vạn dặm, chỗ nào có thể mở một con đường chuyên dùng cho tử lưu kim...
Vùng nào phải sửa quan đạo, vùng nào phải dùng cự diên và đại điêu đã cải tiến nối liền, còn có đường ray vẽ trên giấy như động mạch bò khắp toàn cảnh – đó là đường ray của loại xe hơi nước Tây Dương mà Trường Canh từng nói, chạy ngoằn ngoèo như hàng rồng rắn, có thể đi ngàn dặm một ngày.
Phía dưới bản đồ kèm một bản thiết kế ray xe hơi nước, kèm thêm chú giải chuyên nghiệp của Phụng Hàm công, và tính toán về vận lực lẫn tiền bạc lương thực Đỗ tài thần viết bên cạnh.
Ngoài ra, trong xấp giấy Hải Văn dày cộp này còn có thuyết minh lại chế Đại Lương tương lai, "Sở quân cơ" và "Ban vận hà" đã thực hiện, nhưng vẫn còn rất nhiều chức vụ Cố Quân chưa nghe bao giờ, tầng cấp rõ ràng, hiệu suất cực cao.
Những ví dụ như thế không phải là ít-
Nếu Cố Quân năm năm trước nhìn thấy mấy thứ này, không chừng phải cho là ý nghĩ hão huyền của thoại bản sư dân gian, mà nay, dù rằng rất nhiều việc chưa hoàn thành, nhưng đã sống động như thật, thành và không thành đều không còn là thần thoại nữa.
Mà dưới những bản vẽ tựa như ảo tưởng này còn kẹp một bức vẽ, bút pháp không hề tinh vi, hiển nhiên người vẽ không rành môn này, nhưng ý cảnh rõ nét, vài nét ít ỏi, phác họa ra một đứa trẻ bắn pháo ven đường, đằng sau có một gốc cây ăn quả không biết mọc cái gì, chi chít rực màu ở đầu cành, chẳng biết là hoa hay quả – mà nơi xa sơn thủy tầng tầng lớp lớp nhuộm lên rìa, có vẻ vừa vui mừng, vừa yên bình.
Trên bức họa không đề tên cũng chẳng đề thơ, chỉ đề "thiên hạ thái bình" như ghi chú.
Giang sơn vô biên như gấm, đều nằm trong bút mực.
Ngực nóng lên, Cố Quân theo bản năng đè tay lên, lúc này mới phát hiện mình vậy mà vô thức nín thở, không nhịn được đỡ trán nở nụ cười trong im lặng, Tiểu Trường Canh giỏi làm nũng đáng thương đáng yêu, song Nhạn vương chấp bút xã tắc mới làm y động dung.
Chớp mắt, Cố Quân và Thẩm Dịch đã đến tiền tuyến Bắc cương, đồng thời bí mật điều động một phần Huyền Thiết tam bộ hội hợp phía sau thành phòng quân phương Bắc, thống lĩnh thành phòng Bắc cương ban đầu đã chết trận khi người man xâm chiếm, Bắc cương trọng địa không thể không có lão tướng, vẫn liên tục do Thái tướng quân tạm thay.
Thái Phân già thật rồi, mỗi năm một già hơn, lần trước khi Cố Quân liên thủ tiễu phỉ, cảm thấy lưng ông còn chưa cong như bây giờ, tay ông còn chưa run nhiều như bây giờ.
Kỳ thực cũng phải thôi, một nam nhân cả đời có thể có bao nhiêu năm tháng thẳng tiến không lùi? Có thể có bao nhiêu nhiệt huyết tùy ý đổ cũng không nguội lạnh một phần? Thời điểm hai ba mươi tuổi tung hoành sa trường, công danh trĩu nặng, chờ già rồi, mệt rồi, dù cho thần hồn rèn đúc từ sắt thép còn đó, cũng chỉ có thể bắt đầu phí tâm huyết, chẳng phải sẽ như hồng nhan khó mà lâu bền sao?
Chiến trường Bắc cương liên tục giằng co, song không như tiền tuyến Giang Bắc cách Trường Giang, tuy người man không dám có động tác lớn, nhưng hằng ngày vẫn xung đột không ít, giữa người Trung Nguyên và người man dăm ba hôm sẽ có một chiến dịch cỡ trung hoặc cỡ nhỏ, toàn quân trên dưới đều phải gối giáo chờ sáng, tuần tra suốt đêm không dám lơi lỏng. May mà đôi long phượng thai nhỏ nhất dưới gối Thái Phân đều đã sắp tròn hai mươi, con cái phần lớn đã thành nhân, "quân Thái gia" đã rất ra dáng, ít nhiều có thể san sẻ gánh nặng, không để lão tướng quân chết mệt.
Hiện giờ dọc đường thôn quách thành trấn gần Bắc cương đã mười nhà trống chín, vốn đã không mấy trù phú, lại thêm chiến họa liên tục, đạo tặc hoành hành, không nỡ bỏ nhà cửa, vậy thì chỉ có thể bỏ mạng.
"Từ sau khi man sứ vào kinh đàm hòa mới hơi yên ổn," Thái Phân ho khan vài tiếng, nói, "Thám báo tới nói người man đang gom góp chuẩn bị tử lưu kim cống nạp theo điều kiện đàm hòa, chắc cũng chỉ một hai ngày này, nếu thật là như vậy, sợ rằng lần đàm hòa này không phải là không có thành ý – Đại soái đến vì tử lưu kim cống nạp của họ à?"
Tin tức man sứ bị giam ở kinh thành còn phong tỏa, bọn Cố Quân đi quá nhanh, cho dù bí mật bị lộ, lúc này vẫn chưa truyền đến tiền tuyến, Thái Phân còn chưa biết đàm hòa xảy ra biến cố.
Cố Quân và Thẩm Dịch liếc nhìn nhau, y tổng lĩnh toàn cảnh, trong lòng đều nắm được, nhưng để bảo đảm, vẫn tỉ mỉ hỏi lại một lần các loại tình huống của mười tám bộ lạc.
"Không sai," Thái Phân nói, "Phương Bắc năm nay nạn bão nghiêm trọng, bò dê chết không ít, thịt không đủ, chút ít nuôi trồng ở bản địa nhất định không đủ ăn, càng miễn bàn tới đánh trận. Sau khi Đại soái đánh hạ Tây Vực, cơ bản cũng chặt đứt đường vận chuyển tiếp viện của người man, song ta nghe nói người Tây Dương ở Giang Nam sống cũng chẳng tốt lắm, cho dù không đứt, vị tất có bản lĩnh lo cho họ."
Thẩm Dịch nói: "Ta từ một đường khác biết được, nhị vương tử phía Thiên Lang soán vị tựa hồ không phải xuất phát từ bản ý, mà là liên minh mười tám bộ lạc xảy ra vấn đề."
Thái Phân nghĩ ngợi, gật đầu nói: "Thẩm tướng quân nói có lý, kỳ thực lúc mới vào mùa đông năm nay, đã có một số người man trộm đào tử lưu kim đổi lấy cái ăn, xem số lượng chỉ sợ vị tất là dân thường làm riêng lẻ, khi đó ta đã cảm thấy mười tám bộ lạc e rằng phải tan, quả nhiên, chưa bao lâu đã xảy ra chuyện nhị vương tử nhốt cha anh."
Thẩm Dịch nhìn Cố Quân một cái, Cố Quân hơi gật đầu.
Thái Phân nhận thấy khác thường, nghi hoặc hỏi: "Đại soái, sao vậy?"
Thẩm Dịch lúc này mới kể vắn tắt tiền căn hậu quả vụ man sứ bị giam trong kinh.
Thái Phân lấy làm kinh hãi, giây lát sau thần sắc nghiêm trọng lắc đầu: "Đại soái, Thẩm tướng quân, dù cho mười tám bộ lạc có lục đục, Gia Lai Huỳnh Hoặc muốn dẫn ngoại vào để an nội, hay nổi điên muốn ngọc nát đá tan cũng thế, hà tất mất công phái người trà trộn vào kinh thành? Cho dù đến trú địa Bắc cương ta phóng hỏa, hiệu quả cũng trực tiếp hơn, chẳng lẽ trong tay hắn trừ một thị vệ ra thì không còn ai khác để điều phối?"
Thẩm Dịch lắc đầu: "Như vậy tuy thuận tiện, song người cầm quyền thực tế của Thiên Lang bộ hiện tại rất có thể sẽ đẩy một hai kẻ chết thay ra, làm thế chẳng giải quyết được gì."
Mười tám bộ lạc thống nhất dưới cờ Lang vương đã mấy trăm năm, gia tộc Lang vương trong lòng tộc nhân có uy vọng rất cao, đã hơi giống hoàng thất Trung Nguyên, những kẻ có dị tâm đó ngoài mặt vị tất dám động vào Gia Lai, cho nên mới trăm phương nghìn kế đẩy nhị vương tử ra làm con rối. Mà nếu thật như man sứ Xích Khố Do tính toán, ở trên đại điện dẫn phát Ô Nhĩ Cốt, khống chế Nhạn vương, Đại Lương dù làm cho thiên hạ bách tính xem, cũng phải bức thẳng vùng trung tâm mười tám bộ lạc, yêu cầu Lang vương giao giải dược – Gia Lai muốn bức phản đồ đến hoàn cảnh "hoặc nghênh chiến Đại Lương", "hoặc trở mặt giao Lang vương ra mà gánh bêu danh".
Thái Phân nhíu mày: "Gia Lai Huỳnh Hoặc là một con chó điên, nhưng vị tất điên đến mức ấy, có thể nhẫn cũng sẽ nhẫn, hiện tại dẫn chiến, hắn dựa vào cái gì? Người chết đói trong mười tám bộ lạc?"
Thẩm Dịch bị hỏi thế không trả lời được.
Cố Quân lại đi đến bên cạnh sa bàn, chắp tay sau lưng đứng một hồi: "Hắn quả thật có chỗ dựa – nếu người Tây Dương ở Giang Nam muốn chúng ta chuyển dời trọng điểm chiến lược đến phương Bắc."
Thẩm Dịch và Thái Phân cùng lấy làm kinh hãi.
Cố Quân đưa tay lướt qua sa bàn: "Đường vận chuyển vật tư bị chặn, đạn tận lương tuyệt, tiếp tục lần lữa chỉ có một con đường chết, không phải đầu hàng thì là tử chiến đến cùng, trừ phi nam bắc liên hợp liều một phen, không cho Đại Lương nghỉ xả hơi, bất ngờ xâm nhập nội địa, đánh cho trở tay không kịp, dùng sức mạnh lại lần nữa đả thông liên lạc, như vậy sẽ có sinh lộ. Nếu ta là Gia Lai Huỳnh Hoặc, chưa chừng cũng sẽ chó cùng rứt giậu như vậy... Tiền đề là người Tây Dương bằng lòng phối hợp."
Thái Phân: "Ý Đại soái là..."
Thẩm Dịch choàng tỉnh ngộ: "Người Tây Dương chiếm ốc thổ nửa giang sơn ta, liên tục lấy chiến nuôi chiến, nạo ba thước đất cướp đoạt mồ hôi nước mắt nhân dân, còn bắt rất nhiều lao động đi khai thác mỏ chở về nước, hòng duy trì trao đổi với trong nước, cũng đang có ý định 'nghỉ ngơi lấy lại sức'. Gần đây Chung tướng quân không ngừng điều chỉnh bộ thự thủy quân, Linh Xu viện lại đưa một loạt hải giao mới đến tiền tuyến Giang Bắc, động tác ấy làm người Tây Dương bất an, cho nên Giáo hoàng kia lừa Gia Lai dốc toàn lực động thủ, đẩy mười tám bộ lạc ra làm khiên, một khi trọng điểm chiến lược của chúng ta dời về hướng Bắc, tất nhiên không rảnh chú ý phương Nam, đến lúc đó Giáo hoàng đưa tới tín hiệu đàm hòa, triều đình bịt mũi cũng phải nhận, không chừng phía Nam Trường Giang sẽ danh chính ngôn thuận rơi vào tay họ!"
Thái Phân ngẩn người: "Đại soái, thế phải làm sao bây giờ?"
Cố Quân bật cười: "Chờ, đâu phải chỉ người Tây Dương biết dẫn họa thủy về đông."
Ba ngày sau, Huyền Thiết doanh bí mật tập kết ngang nhiên xuất hiện ở tiền tuyến Bắc cương, tiền tuyến vốn trong bầu không khí "đàm hòa" mờ ám đột nhiên căng thẳng hẳn.
Mười tám bộ lạc đối với Huyền Thiết doanh có sự sợ hãi từ trong xương tủy, ngay hôm ấy liền ngồi không yên, một kỵ binh chạy như bay tới hỏi, Cố Quân trực tiếp sai người trói sứ giả lại, gióng trống khua chiêng thả ra tin tức man sứ Xích Khố Do làm loạn, cùng lúc đó, Huyền Thiết hổ phù truyền lệnh cho trú địa Giang Bắc phong kín thủy vực, dừng việc tuần tra hằng ngày, rút về phần lớn người của Linh Xu viện ở miền Nam, ra vẻ hai bờ sông đang đàm hòa.
Người man ở phía Nam tự có tai mắt, chẳng mấy chốc tin tức ven bờ Lưỡng Giang liền truyền tới.
Mười tám bộ lạc om sòm lên, người nằm vùng của Thái tướng quân ở Bắc man tới báo, liên minh mười tám bộ lạc một ngày xung đột hai lần, vương trướng của Gia Lai Huỳnh Hoặc bị vây chật như nêm cối, không ai được tới gần.
Hôm sau, người man liền đưa hai cái đầu người và hốt hoảng gom góp một phần tử lưu kim đến tiền tuyến Bắc cương, Cố Quân nhận đồ, sứ giả thì ném ra, đồng thời cho Huyền Thiết doanh tiến lên mười dặm, rõ ràng không chịu để yên.
Nội loạn của địch nhân đã hiện rõ.
Thẩm Dịch lại quýnh lên, xông thẳng vào soái trướng của Cố Quân: "Bên phía Trần cô nương phải làm thế nào?"
Cố Quân đang nói chuyện với Hà Vinh Huy và Thái Phân, nghe vậy dù bận vẫn ung dung ngẩng đầu hỏi: "Trần cô nương nào?"
Chuyện bát quái thế này Cố đại soái dĩ nhiên phải cùng hưởng, Hà Vinh Huy và Thái Phân hiển nhiên đã biết rõ, Hà Vinh Huy cười khẽ, Thái lão tướng quân thì lắc đầu.
Thẩm Dịch chẳng để ý nhiều thế, nói thẳng: "Đừng làm bộ! Chỉ sợ Trần cô nương hiện tại đã đến mười tám bộ lạc rồi, chỗ họ loạn như vậy..."
Còn chưa dứt lời thì một người đội mũ từ bên ngoài đi vào.
Thẩm Dịch: "..."
Trần Khinh Nhứ vén mạng che mặt ra, lấy làm lạ hỏi: "Thẩm tướng quân nói ta à?"
Lâm Uyên các tự có chim gỗ truyền tin, Trần Khinh Nhứ trên đường nhận được tin tức, chạy thẳng tới chỗ trú quân Bắc cương.
Chúng tướng cười ầm lên, Hà Vinh Huy cười đỏ cả mặt, tiến tới bá vai Thẩm Dịch, chuẩn bị sẵn một bụng trêu ghẹo.
Đúng lúc này, bên ngoài đột nhiên đáp xuống một huyền ưng, khi hạ đất không biết không vững thế nào mà suýt chút ngã dúi mặt, bụi đất tung cao, tí nữa thì lật nửa soái trướng, nếu không phải có bộ phận giảm xóc trong ưng giáp, e là người sẽ đi tong luôn.
Huyền ưng đều được huấn luyện chuyên nghiệp, rất ít xuất hiện sự cố thế này, các tướng quân im lặng một chớp mắt, lại cười vang một trận, nhao nhao hỏi đây là tân binh của đội thám báo nào, lúc này mặt Hà Vinh Huy đỏ đến tím lên, hắn ngượng ngùng buông Thẩm Dịch ra, tính mở miệng quát tháo.
Không đợi hắn mở miệng, huyền ưng ngã dưới đất lấm lem ngẩng đầu lên, Hà Vinh Huy sững sờ tại trận – người này là tay lão luyện trong ba đội thám báo, từng có tên ở chỗ hắn.
"Đại soái," Thám báo huyền ưng kia không để ý sự trêu ghẹo của những người khác, lấy một văn kiện khẩn cất trong lòng, gấp gáp nói, "Công văn khẩn đến từ Sở quân cơ!"
Công văn khẩn Sở quân cơ truyền đến trú quân các nơi bình thường chia làm ba loại, phần đuôi ống đựng có một sợi đai gấm, màu vàng là quân lệnh, màu xanh lục là bản sao công văn khi triều đình xảy ra đại sự, màu đen là quân vụ, màu đỏ thì là quân vụ khẩn cấp – thí dụ như khi ngoại địch xâm phạm, ống đựng phong hỏa lệnh Cố Quân gửi đến các nơi chính là đánh dấu đỏ.
Huyền ưng nâng trong tay một ống thư đánh dấu đỏ, khiến người ta ngứa ran da đầu, Cố Quân đứng bật dậy, ngực đột nhiên trống hoác – giống như tim đập vốn vững vàng chợt gặp vật cản, sau đó lên xuống lộn xộn, y vô cớ thấy miệng khô khốc. Hà Vinh Huy không dám chậm trễ, đã nhanh nhẹn nhận lấy ống thư kia, hai tay trình lên.
Phong thư đánh dấu đỏ ấy chẳng biết viết mấy chữ, mà khiến Cố Quân nhìn suốt một nén nhang, mọi người đều thò đầu ra, nhất thời ý nghĩ kinh thành lại lần nữa bị vây cũng có, mới thấy y chậm rãi bỏ lá thư xuống.
Hà Vinh Huy tính nóng nảy, vội hỏi: "Đại soái, không phải tin khẩn đánh dấu đỏ sao? Rốt cuộc có chuyện gì vậy?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro