Chương 15
Trưa nay, Lục Hoài ăn cơm cùng Quản Hinh. Cô bé khác với những gì anh tưởng tượng – rất cởi mở, hoạt bát. Cô kể với anh về các câu lạc bộ mình tham gia ở trường, những cuộc thi đã thi đấu và các giải thưởng đạt được. Cô còn nói đồ ăn trong căng-tin vừa rẻ vừa ngon, vé xem phim chỉ mất vài đồng.
Rồi cô lại kể, trường thật rộng, thành phố A cũng lớn. Cô đã đạp xe đạp công cộng đi vòng quanh khu vực xung quanh trường mà vẫn có cảm giác chưa khám phá hết.
Cô nói chuyện rất tự nhiên và liên tục, khiến Lục Hoài vốn lo bữa cơm sẽ trở nên gượng gạo hay nhàm chán, giờ lại thấy thoải mái hẳn. Nhà hàng này chuyên về các món ăn miền Nam, nguyên liệu tươi ngon, nhưng đầu bếp lại dùng quá nhiều gia vị khiến món ăn trở nên nặng nề, không hợp khẩu vị anh. Anh đành đặt đũa xuống, tập trung nghe Quản Hinh nói, thi thoảng rót thêm nước cho cô.
"Em nói hơi nhiều phải không?" Nói đến cuối, Quản Hinh sờ cổ, có vẻ hơi ngại ngùng.
Lục Hoài lắc đầu: "Không đâu. Anh tốt nghiệp đại học đã lâu, nghe em kể lại cũng thấy có chút hoài niệm."
Câu này chỉ là khách sáo mà thôi. Nhớ lại thì chỉ có những buổi sáng sớm mùa đông, căng-tin không tiết kiệm dầu mỡ, những phòng học ám mùi và đầy bảng biểu cần điền. Với anh, ngày vui nhất của bốn năm đại học là ngày tốt nghiệp.
Nhưng những gì Quản Hinh kể về cuộc sống đại học thực sự rất thú vị. Anh chợt nghĩ, có lẽ vấn đề không nằm ở đại học, mà nằm ở chính bản thân anh.
Quản Hinh tiếp tục kể về kế hoạch tiết kiệm tiền để đi du lịch cùng bạn cùng phòng.
Lục Hoài gật đầu tán thành: "Đúng đấy. Hai mươi mấy tuổi là độ tuổi đẹp nhất. Cứ làm những gì mình muốn, tranh thủ đi đây đi đó, trải nghiệm nhiều sẽ rất tốt."
Anh còn nói thêm: "Nếu cần anh giúp gì, cứ liên hệ nhé."
"Giúp" ở đây, anh ngầm hiểu là tiền. Với anh, tiền chỉ là con số, chẳng phải điều đáng bận tâm, câu nói này cũng là vô thức thốt ra.
Trong suy nghĩ của anh, tuổi trẻ thì nên ra ngoài khám phá, trải nghiệm thế giới. Người ta cứ quanh quẩn mãi trong một chỗ thì chẳng ra làm sao. Phải thường xuyên tách mình ra khỏi nhịp sống hàng ngày, đến những nơi mới để mở rộng tầm nhìn. Những chuyến đi mang lại niềm vui và sự thư thái mà không gì sánh bằng. Theo anh, Quản Hinh muốn đi chơi với bạn cùng phòng là một việc rất đáng làm.
Nhưng Quản Hinh nghe vậy lại như bị chạm vào lòng tự ái. Tay cầm đũa khẽ siết lại, cô lắc đầu từ chối ngay: "Anh Lục, em đã xin được học bổng, cũng có trợ cấp và thu nhập từ làm thêm, em tự lo được mà."
Nhận ra lời mình có phần không ổn, Lục Hoài múc một bát chè khoai dẻo đặt trước mặt cô, chè ngọt, con gái chắc sẽ thích.
"Xin lỗi, anh không có ý gì đâu."
Anh chỉ nghĩ rằng cô không cần phải lãng phí thời gian đẹp nhất vào việc tiết kiệm tiền. Anh hoàn toàn có thể giúp cô, nhưng lại quên mất rằng ở tuổi hai mươi, lòng tự trọng luôn rất cao. Anh đã lỡ lời.
Quản Hinh nhanh chóng lấy lại tinh thần, nở nụ cười, cô cầm bát chè lên nhấp một ngụm: "Ngọt quá, trong này là khoai môn đúng không?"
"Ừ, là khoai môn và nước chè ngọt có hoa quế."
"Ngon lắm." Cô nói.
"Vậy lần tới đi chơi với bạn cùng phòng, thử ghé Nam Kinh hoặc Tô Châu nhé. Ở đó có nhiều món chè như vậy lắm."
"Dạ." Cô cười đáp, rồi hỏi: "Anh Lục, anh đi nhiều nơi lắm hả?"
"Không nhiều lắm đâu," Lục Hoài lắc đầu, "Lúc nào rảnh rỗi mới tự mình đi loanh quanh thôi. Anh lười mà."
"Một mình?" Quản Hinh tò mò.
Câu hỏi này đi hơi xa, đề cập đến chuyện tình cảm, Lục Hoài không muốn trả lời. Anh chỉ hỏi lại: "Mình gọi thêm vài món nữa nhé? Em xem thêm thực đơn đi?"
Kết thúc bữa ăn, Lục Hoài lái xe đưa Quản Hinh về trường. Nhìn cổng trường đại học mang nét đặc trưng của đại học thành phố A, anh khẽ cảm thán. Tay nắm vô lăng, anh quay sang bảo cô: "Học hành chăm chỉ nhé."
Nói xong chính anh lại bật cười: "Nghe giống dạy đời quá nhỉ."
Nhưng Quản Hinh trả lời rất nghiêm túc: "Em sẽ cố gắng hết sức, anh Lục, em hứa đấy."
Lục Hoài nhìn cô, mỉm cười gật đầu: "Nhớ học và chơi nữa. Em cũng nên tận hưởng nhiều hơn."
Đưa Quản Hinh về xong, anh quay đầu lái xe về nhà. Chiều cuối tuần, dưới chung cư có rất nhiều phụ huynh hoặc bảo mẫu đưa trẻ con và chó đi dạo.
Lục Hoài đi xuyên qua đám đông. Ánh nắng chiều mùa thu phủ lên người, mang theo chút ấm áp. Tiếng trẻ con cười đùa và tiếng chó sủa vang bên tai khiến tâm trạng vốn bất ổn từ sáng dần bình ổn lại.
"Lần này đi bao lâu?" Uông Dương hỏi vọng ra từ phòng khách.
Lục Hoài và dì Lâm chẳng ai đáp lại. Dì đang xào một chảo thịt bò trong bếp, còn anh thì thái khoai tây và cà chua. Cả hai định nấu một nồi bò kho cà chua.
Không thấy ai trả lời, Uông Dương xỏ dép lê bước đến, nhón tay lấy một miếng cà chua trên thớt nhét vào miệng, rồi hỏi: "Năm nay cậu đi sớm nhỉ?"
Lục Hoài gật đầu: "Chỉ mấy ngày thôi, cũng như mọi năm. Đi cho khuây khỏa chút."
Uông Dương lắc đầu ngán ngẩm: "Tâm cậu còn tĩnh hơn cả mấy người tu hành, cần gì đi nữa."
Vừa nói xong đã ăn ngay cái tát từ dì Lâm, tiếng bạt tai vang dội: "Nói năng linh tinh, đi ra ngoài ngay! Nhìn cái cánh tay đầy hình xăm của con là mẹ phát bực."
Bữa trưa chỉ có ba người ăn, chú Uông ở cửa tiệm với nhân viên nên không về.
Món bò kho khoai tây cà chua và thịt kho tàu với trứng cút đều rất ngon. Kèm thêm hai đĩa rau xào, bữa ăn vừa có thịt vừa có rau, đủ chất dinh dưỡng.
Thịt bò kho đậm vị, khoai tây mềm bở, nước sốt cà chua khiến món ăn thêm phần thơm ngon. Nhà dì Lâm dùng loại bát nhỏ, nên cả Lục Hoài và Uông Dương chỉ cần vài đũa là đã sạch bát.
Dì Lâm bưng thêm một nồi mì sợi lên bàn:
"Dùng nước kho này chan mì ngon lắm. Giữa trưa ăn no chút cũng không sao."
Lục Hoài gắp miếng thịt kho tàu. Sáng nay dì Lâm đi chợ chọn phần thịt ba chỉ ngon nhất về để kho nhỏ lửa bằng nồi đất. Miếng thịt mềm mại, vừa chạm lưỡi đã tan, béo ngậy, thơm lừng, dầu mỡ óng ánh.
Anh nheo mắt cười:
"Cứ thế này chắc sắp mập lên thôi."
"Thanh niên trai tráng mập gì mà mập," dì Lâm lắc đầu, không thích nghe câu đó. "Mỗi lần thấy cháu mặc áo khoác cứ lỏng lẻo, dì lại xót. Phải mập thêm chút mới đẹp."
Nói xong, dì liếc qua Uông Dương đang cúi đầu và ăn ngon lành:
"Nhìn người thật sự mập kìa, chẳng thấy phàn nàn gì."
"Cái gì mà mập? Đây gọi là đô con, khỏe mạnh!" Uông Dương cười ngượng ngùng.
Xong lượt ăn đầu tiên, dì Lâm lại bưng ra một đĩa trứng nếp – món thứ hai.
Lớp nếp bên ngoài mềm dẻo, bọc lấy phần nhân là trứng muối, lạp xưởng, đậu Hà Lan và hạt bắp. Khi hấp chín, mùi thơm tỏa ra quyện lẫn vị mặn béo, từng hạt nếp trong veo, bóng mượt.
"Hôm nay làm nhiều món vậy ạ?" Lục Hoài nhướng mày hỏi.
Trứng nếp vốn là món tủ của dì Lâm, cách làm không khó nhưng lại tốn công, đặc biệt là dễ để lại mùi tanh trên tay nên dì chẳng mấy khi làm, chỉ vào dịp Tết Đoan Ngọ hoặc năm mới.
"Dù sao cháu cũng sắp đi, dì nghĩ làm một bữa ngon tiễn cháu. Ngoài kia có ngon thế nào cũng chẳng bằng cơm nhà."
Lục Hoài gắp một viên trứng nếp vào đĩa nhỏ, rưới chút giấm đen rồi đẩy sang cho dì Lâm:
"Đi có nửa tháng, chẳng phải lâu đâu. Trời lạnh thế này, cháu cũng chẳng muốn ở ngoài lâu."
"Vậy về trước tiết Sương Giáng nhé. Tiết Sương Giáng dì nấu canh bò hầm củ cải, thêm bánh gạo hồng nữa."
(*): Sương giáng là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, thường bắt đầu vào khoảng ngày 23 hay 24 tháng 10 và kết thúc vào khoảng ngày 7 hay 8 tháng 11 dương lịch. Đối với vùng Trung Hoa cổ đại, ý nghĩa của tiết khí này là Sương mù xuất hiện.
"Nhất định rồi." Lục Hoài cười. "Bánh gạo hồng mỗi năm chỉ ăn một lần, cháu phải về sớm thôi."
Nhà dì Lâm không lắp máy rửa bát. Dì luôn cho rằng từ việc chọn đồ, nhặt rau, nấu nướng, đến dọn dẹp sau bữa đều là những công đoạn không thể thiếu. Vậy nên sau bữa ăn, cả Lục Hoài và Uông Dương đều tự giác xắn tay áo dọn rửa, còn dì Lâm ngồi bên bàn uống trà và trò chuyện với họ.
"Hôm qua chú hai của Uông Dương có gửi ít gà, toàn gà thả vườn, nuôi bằng cơm với cám, không đụng hạt thức ăn chăn nuôi nào, ăn ngon và bổ hơn mấy con gà siêu thị đắt đỏ gấp mấy lần. Cháu mang hai con về đi."
Lục Hoài vừa rửa bát vừa đáp:
"Cháu chuẩn bị đi, lần này không mang theo đâu. Khi về lại ghé đây ăn sẵn của dì."
"Cũng được." Dì Lâm gật gù. "Đến lúc đó dì nấu canh gà nấm đông trùng và nấm hương cho cháu. Đông đến dễ ốm, phải hầm chút gì đó bồi bổ."
Nghe đến mùa đông, tay Lục Hoài thoáng khựng lại, động tác rửa bát cũng chậm hơn.
Uông Dương thấy vậy liền thúc cùi chỏ:
"Sao vừa làm vừa thẫn thờ thế? Không tập trung lao động à?"
Lục Hoài bừng tỉnh, đưa bát cho Uông Dương lau khô. Nhưng một lát sau, anh quay lại nói:
"Dì Lâm, hay dì để cháu mang một con gà về."
Anh cúi đầu, rửa sạch bọt xà phòng trên tay:
"Cháu định mang về làm nhân bánh hoành thánh."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro