Chương 6 :
Tôi ở lại Maxcơva mấy hôm. Được tin Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng sớm mai tới đây cùng một chuyến bay. Nguyên Hồng dự kỷ niệm một danh nhân văn hoá Nga. Nguyễn Tuân đi nghỉ bạn mời.
Hai người sẽ trọ ở khách sạn Bắc Kinh như tôi. Vốn quen thuộc với khách sạn này - một nhà nghỉ và cao lâu bấy lâu cũng chìm nổi theo thời sự. Những năm 1958, khách sạn Bắc Kinh mới khai trương, tôi đã được chứng kiến những ngày huy hoàng đầu tiên vả cũng là sau cùng của khách sạn này.
Matxcơva vốn có một phong tục hay. ở đấy có quán ăn của các nước cộng hoà và của nhiều nước khác. Mới đây, hãng Mỹ Mác Đô Nan mở cửa hàng bánh mì kẹp nhân thịt ở cạnh quảng - trường Puskin, người xếp hàng dài vào mua cái món ăn quen mà lạ. Cao lâu Grudia, cừu nướng thơm ngạt mũi chẳng khác khói mỡ các quán cố kính, hoang dã dưới hầm ở thành phố Tybilitxi. Người nhà bàn, áo sơ mi trắng viền đỏ quanh cổ. Tiếng nhạc grudia như vẩn vương từ thảo nguyên tới. Các phòng ăn cao lâu Bắc Kinh, kiến trúc và trang trí như một dinh thự, một lâu đài, một hành lang bao quanh hồ ở Di Hoà Viên. Cột đình sơn son thếp vàng chói lọi. Những bức lụa quốc hoạ én bay liễu rủ. Món vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng, nhà bếp bưng cả con vịt lên bàn trước mặt khách, với dao và thớt phụ bếp xách theo. Con vịt vàng hây đã được rút hết xương, dao chặt hoa lên như múa. Hàng ngày, máy bay chở rau, gia vị và các thứ nhà bếp cần dùng, chỉ có bảy tiếng từ Bắc Kinh đưa thẳng tới.
Rồi trải ba thập kỷ, khách sạn Bắc Kinh ở Matxcơva tàn lụi, thoi thóp. Nhà hàng vẫn giữ vẻ bề ngoài, vào bàn có thể cầm đôi đũa mun đen bóng, có đĩa măng khô và miến xào mộc nhĩ. Mặc dầu, nhà bếp Nga đã thay đầu bếp Trung Quốc, nhưng mà đường xa và thói quen hơi hướng đũa bát quê hương cũng là một cái thích khiến tôi vẫn mỗi khi qua thì ăn nghỉ ở đấy.
Từ năm ngoái, có sự giao lưu trở lại, khách sạn Bắc Kinh đã tươi tỉnh hẳn lên, có thể còn xuân sắc hơn xưa. Kiến trúc sư, hoạ sĩ và các nhà chuyên môn Trung Quốc sang tu bổ nội thất. Những xếnh xáng nhà bếp Tàu đội mũ nồi ngất ngưởng màu xanh, màu hồng lại bưng cả con vịt quay vàng tía bóng mỡ lên rồi múa dao chặt thành miếng trước mặt thực khách. Biết tin vui thế, nhưng chưa lần nào còn được trở lại. Những người đi việc công có đôi chút ghé gẩm nghé nghiêng ra vẻ du lịch như tôi kiểu nhà nước cấp tiền và nhờ vả, rặt những trớ trêu và buồn tủi. Miếng ăn, cái uống, nơi nào sao mà tự mình định được. ở Tân Đê li, khách sạn ba sao Giampat mỗi lần tôi qua tầng trệt, các chủ hàng thoáng thấy, vội ra đứng trước quầy cúi đầu cung kính mời vào xem vàng bạc, đồ da, đá quí và các thứ rượu. Nhưng túi rỗng, tôi ngước mắt đi qua không chào lại vờ như còn đương mải nghĩ. Chả là tôi vừa nhận giải thưởng hội nhà văn á Phi 1969, bà thủ tướng J.Ganđi trao tặng kèm nghìn bảng Anh. Nhưng trong va li tôi chỉ có tờ bằng chứng nhận và chiếc huy hiệu bằng đồng to như cái đĩa. Và mấy chai vôtca các bạn nhà văn Nga cho, ai đến mừng thì nâng cốc vui sướng. à hôm sứ quán ta nhận tiền giải thưởng tôi đưa, có làm một tiệc đứng ăn nem rán mời khách.
Cái năm Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng với tôi đến ở khách sạn Bắc Kinh cạnh quảng trường Mai còn hiu hắt. Chúng tôi vẫn còn được uống Mao Đài, kể cũng là cái thú còm. Không biết ai là người trước nhất nhớ ra năm 1978 ấy, nhà văn Nguyên Hồng tròn sáu mươi tuổi. Nên chơi một cuộc chúc thọ ông chứ!. Mọi tốn kém trông vào tiền bài báo tôi vừa nhận của báo Tin tức, bạn thân Misen đưa cho. Tự huyễn cho có mẽ, chứ chỉ là bữa chén thường, có của quí Mao Đài với mấy bạn nhà văn và bạn phiên dịch tiếng Việt ở Matxcơva. Phía chúng tôi, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng và Nguyễn Văn Mãi với tôi, hai chúng tôi đương đợi ngày hẹn tàu hoả đi Vacsava. Phòng ăn lớn đông nhộn. Dàn nhạc cuối phòng nổi lên, người ta bắt đầu nhảy. Marik bảo tôi: Này ông để ý nhé, những người vừa làm chầu sâm banh xong ra sàn nhảy kia không phải như ông là khách nước ngoài trên phòng xuống ăn tối đâu. Không bọn chó lợn ấy là giám đốc, là người làm cửa hàng nhà nước ở các phố quanh đây. Anh Vlat phiên dịch tiếng Pháp khi còn sống, hay đưa tôi xuống thành phố bờ biển Yanta trong bán đảo Crưm. Lúc đầu tôi không hiểu sao Vlat rất ghét những người có nhà rộng, buồng đẹp hàng năm cho khách thuê mùa hè. Nhưng rồi Vlat nói: Bọn chó này thời chiến tranh thì chạy hết xuống phía nam, đi buôn lậu, giầu lên, có tiền tậu nhà, chúng nó sướng đến tận bây giờ, mà em trai tôi thì bỏ mạng ở chiến hào ngoại ô Matxcơva. ờ mà sân khấu Hà Nội đã diễn vở kịch Câu chuyện ở Iêckut, có hai thanh niên xung phong đi khai hoang đã chửi người chị là nhân viên cửa hàng của nông trang không dám ra khỏi nhà một bước, chỉ bám vào cái quầy bách hoá rình ăn bớt của khách từng đồng xu. Những ti tiện ấy tôi cũng đã chứng kiến ở bistro và các quầy ăn đứng trong khách sạn. Những hôm vắng khách, không phải xếp hàng, có mình tôi mua gói sữa smêtan hay miếng phó mát, thế nào tiền trả lại cũng thiếu vài hào, vài xu. Những bà bán hàng béo ục ịch ấy đã biết tôi không có tiếng Nga.
Đương vui, lại thấy Nguyên Hồng lật đật ra thang máy. Chốc chốc lại bỏ đi một lát.
Cô Ina Zimônina hỏi:
- Ông Nguyên Hồng quên những gì trên buồng mà cứ phải lên nhiều lần?
Tôi cười:
- Không, ông ấy có bệnh.
- Thế thì phải đi khám. Bệnh gì?
Tôi chạm cốc với cô bạn Nga kỹ tính.
- Không cần. Bao giờ cô được ăn mừng lên lão sáu mươi tuổi thì cô sẽ biết những bệnh của người già, bệnh già.
- áp huyết hay thấp khớp?
- Ina thân yêu, bệnh Tào Tháo đuổi thôi. Không đáng lo!
Bao giờ cô đến sáu mươi... bệnh già... Không khi nào tôi hỏi lại Nguyên Hồng hôm ở phòng ăn khách sạn Bắc Kinh làm sao cứ mỗi lúc lại phải chạy lên buồng. Biết rồi, chẳng đái giắt thì cũng đi trống tràng, mà hôm nay không ra đến phố chỉ ở trong nhà nên hà tiện một viên thuốc rửa. Đã lâu, nghiện rượu chợ, rượu tạp với ớt, với ổi với mướp đắng heo hút ở đồi Nhã Nam, vơ váo ăn và uống lộn xộn đã quen dạ. Đến nỗi cái ngon lành lại đâm lạ miệng, rối loạn tiêu hoá. Tôi đã biết từ lâu ông bạn rượu của tôi khoẻ nhưng yếu bụng kinh niên. Trong cái cặp da bản thảo thường cắp theo, lúc nào cũng kẹp sẵn mảnh giấy dầu vỏ bao ximăng Con rồng xanh không thấm nước. Có việc cả đấy, việc cực gay gắt. Đêm ngủ đâu nhỡ một cái, mà chuồng xí ở nhà dưới, ở sân sau, đèn đóm không có, khuya khoắt quá rồi thế là người lần ra hiên hay cạnh cửa sổ, trải mảnh giấy dầu ra. Được cái phân tháo tỏng thì ít nặng mùi, rồi gói lại kỹ lưỡng bỏ vào cặp. Hôm sau vứt xuống hồ hay đống rác nào đấy. Có khi tiếc cái giấy còn tốt, lại gột sạch đem phơi. Chẳng coi là sự bẩn thỉu phải giấu diếm, nhiều lần Nguyên Hồng đã cắt nghĩa cho tôi về tác dụng nghệ thuật so sánh hiện đại của mảnh giấy dầu. Nguyên Hồng bảo: Trên máy bay người ta bĩnh vào bọng hố xí thì cũng thế. Cái kiểu tuôn xuống đường sắt ở xe lửa còn kém văn hoá hơn nhiều. Lý sự đến vậy thì chịu. Khốn khổ, cái lão cãi chày cãi cối cho bệnh già mà lão không khi nào chịu ai chê lão già. Lão thường phàn nàn ầm ĩ là vợ lão kheo khư như con mèo hen khiến lão mất cái hứng của Dương Khuê Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa. Không, nhưng mà cũng có, những tơ nhện thoang thoảng. Nạ dòng, má phúng phính bánh đúc, áo cánh chồi, nhai trầu môi cắn chỉ là ăn ý lắm. Mỗi khi gặp người dáng dấp vợ cai vợ lính xưa mà chúng tôi đều đặt tên là bà ách và ghép tưởng tượng cho lão Nguyên Hồng, bà cai ách bán bia hơi gần chợ Hôm, bà cai ách bia chai ở bờ hào trên Sơn Tây là vậy.
Có một trận tan hoang hơn. Dạo ấy, trên Yên Thế ở cái chợ chân đồi mà Ngô Tất Tố đã miêu tả trong bút ký Phiên chợ trung du ở Tạp chí Cứu Quốc có một mụ hàng xén tản cư. Chẳng hiểu ông anh câu được bà mèo già ấy từ bao giờ. Chỉ biết rồi mãi cái kim trong bọc cũng phải lòi ra, có người mách, một hôm bà chị đã kéo cả đại đội binh mã con cái ra đánh ghen một trận. Mụ hàng xén bán sới đi nơi khác. ít lâu sau, tôi hỏi: Bóng chim tăm cá ra sao, có còn gặp lại nàng Kiều không? Nguyên Hồng nhăn nhó trả lời: Mất mẹ nó cái màn Chẳng biết người ta dọn chạy đòn với cái màn nhà văn gửi bán hay cái màn của ông ấy đem ra mắc để đêm nằm cho đỡ muỗi!
Vẫn chưa hết những chuyện tầm phơ. Có một quán bia hơi gần ngã sáu mà trong một thư của Nguyễn Tuân viết cho tôi lên Lai Châu có nói đến quán bia bà cai ách vẫn còn bữa đực bữa cái - cái tên bà cai ách cũng vẫn là chúng tôi đặt và gán cho ông cai ách Nguyên Hồng. Bà cai ách và lại một câu chuyện gần hương gió bay đâu cũng thây kệ. Nguyên Hồng để ý cái bà nạ dòng phì nộn ấy. Mỗi lần có xe bia về, lão xích lô co chân đạp hai thùng bia lăn xuống hè, bác gà trống cứng cựa Nguyên Hồng tỏ tình bằng cách lau chau ra ghé vai vác thùng bia vào, kê lên bệ cẩn thận. Hôm khác, lão xích lô xe bia về, lót gạch đạp xe lên hè vào sát cửa. Làm cho tình địch Nguyên Hồng mất một dịp ra tay giúp đỡ và gần gũi. Nhưng mỗi lần bia về, Sơn Tinh xích lô và Thuỷ Tinh Nguyên Hồng khi nào cũng được bà lão người đẹp rót cho mỗi người hai vại bia tươi đầu tiên và chúng tôi cùng được chan hoà hưởng lây.
Một hôm, tôi mách Nguyên Hồng: Ông ạ, quán bà cai ách sắp bị đóng cửa? - Sao? Sao? - Bà ấy bảo chúng nó đổ cho bà tằng tịu với lão xích lô, tai tiếng ầm ĩ, nhà máy không cấp sổ đại lý cho nữa!. Nguyên Hồng cười hê hê. ối mẹ ơi nhà máy bia ô Mền bây giờ kiêm cả công tác bảo vệ đạo đức bà phó Đoan.
ở khách sạn Bắc Kinh, sớm hôm sau, Nguyễn Văn Mãi và tôi đi Vacsava. Chia tay, tôi hỏi Nguyễn Tuân:
- Hôm nào ông xuống nghỉ dưới bãi biển Yanta?
- Không, mình ở đây...
- Đi nghỉ cơ mà?
- Đây cũng là đến nơi nghỉ rồi? Cuối mùa thu, sắp có tuyết, xem tuyết Matxcơva cũng hay.
Tôi chịu. Đó lại là sáng kiến tự gây hứng thú, ai mà cãi được. Khi mùa đông tới, người Matxcơva xuống Hắc Hải tránh cái băng giá phương bắc. Nguyễn Tuân thì muốn ở lại nơi ban đêm ba mươi độ âm để xem tuyết? Mà Nguyễn Tuân mới chỉ qua cảng Ôđetxa, chưa đến thành phố thoáng đãng cửa biển và lịch sử Yanta trong bán đảo Grưm lần nào. Cái kiểu nói của một người cả đời thèm đi bây giờ cũng đâm ra ngại đi rồi.
Đến hôm tôi ở Vacsava trở lại, cả Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng đều đã về Hà Nội. Anh bạn Marik kể rằng ông Nguyên Hồng xuống Khackôp đi xem bóng đá thấy những pha đẹp mắt, ông đứng trên khán đài huara huara loạn xạ rồi ôm đại các bà đầm hai bên, nhẩy lên. Cô phiên dịch Galina khiếp quá phải điện về hỏi Matxcơva, cô Ina - lại một người đàn bà khác, cũng sợ quá, lập tức bảo đưa ông ấy về ngay. Thế là ở Matxcơva hai ông cùng nhau ngày ngày ngồi uống rượu trông ra cửa sổ xem tuyết rơi. Hôm Nguyên Hồng về, Nguyễn Tuân cũng về theo - trước cả ngày hết hạn nghỉ.
Tôi đến chơi nhà, Nguyễn Tuân đứng dậy mở cánh cửa chớp, rồi lấy ra một chai cô nhắc năm sao trong đám hành lý mới về. Một chút nắng chiều đông nhợt nhạt còn rớt lại ngoài cửa sổ, đung đưa như miếng lụa hoa cau bị xô rách. Không ai nói một câu về mấy ngày Matxcơva vừa qua mà bỗng chốc đâu có thể quên ngay, dẫu cho không có gì vui buồn đến gợi nhớ. Một lúc lâu, Nguyễn Tuân mới rầu rầu nói: Chẳng ở đâu bằng ở nhà, cái khách sạn nhà tớ, cậu ạ. Không biết thế có phải cái nản chí của người già bạc đến hết cả lông mới nghĩ quẩn thế chăng.
Lại còn không biết sao nữa! Chẳng qua đây chỉ là lão giang hồ tự hỏi, tự hận. Cái đau của một người cả đời ham đi mà rồi dần dần không đi đâu cứ quanh quẩn, bức bối, bực dọc, dằn vặt. Trải mãi gió bụi, mái tóc càng thưa thêm. Tâm sự và tóc. (Cao Bá Quát). Hai cẳng chân ngày càng giở chứng, làm mình làm mẩy. Ngày ở rừng Việt Bắc, tôi đã thấy cái người hay nay đây mai đó ấy chịu khó chăm lo cho hai chiếc bàn đạp chân cẳng mình thế nào. Chân Nguyễn Tuân đã lôi thôi từ những khi ấy. Cái đận ở rừng Thường Yên âm u ẩm ướt, vào tiết đổi mùa, nhiều khi phải nằm bệnh suốt phiên chợ. Cả buổi cháu Trần Mai Thiên lụi hụi ngồi xổm trên cái giát tre bóp chân cho bác Nguyễn. Đi đâu, lúc nào Nguyễn cũng trữ miếng cao hổ bọc giấy bản trong ba lô. Cả ngày lội suối, cảm thấy trục trặc, đêm lại ngậm tươi một miếng cao. Không biết chừng, người ấy đã nuốt xương cốt đến cả mấy chục chú hổ Lai Châu, hổ Xiêm, hổ Lào?
Sức khoẻ dần dà xuống dốc tự nhiên, như nhiệt độ hàng ngày và dự báo mưa nắng. Cái xe đạp mất cắp ở cạnh cửa khách sạn Thống Nhất thế rồi bỏ đi xe đạp. Vài đoạn đường bách bộ với chiếc gậy song Sa pa, hay là một cuốc xích lô. Nhưng cuộc chia tay của Nguyễn với cái máy chữ Baby thì thương và nhiều nghĩ ngợi hơn.
Cái năm mới trở về Hà Nội, Nguyễn Tuân có dịp cùng đoàn đại biểu hoà bình Việt Nam đi Hen sanh ky dự đại hội hoà bình thế giới. Hoà thượng, linh mục, nhân sĩ, trí thức, đại biểu công nhân, nông dân, chiến sĩ quân đội, thanh niên, phụ nữ... Chẳng thích thú gì đoàn, chưa chắc đã nhìn mặt những người cùng đi, nhưng có cơ hội được tới nước Phần Lan trên mỏm bắc bán cầu. Rồi lại một chuyến đi xa nào đấy, Nguyễn Tuân sắm cái máy Baby xách tay dấu quốc ngữ. Hay là mua máy ở chợ giời tôi không biết. Bởi vì mỗi khi đổi vạc thì bộ mặt thời cuộc thành phố này lại phơi bày đủ thứ ngoài chợ giời. Những đĩa hát của Mộng Hoàn, của Chu Thị Năm năm xưa cũng là những chứng sống của thời thế mà ông đã nhặt ở chợ giời. Tôi thực không biết gốc gác cái máy chữ Baby ấy - vỏ rách một góc vải, nhưng những con chữ còn mới cạnh sắc.
Tháng ngày qua, con người ở vào tuổi triền núi bên này, cứ sớm tối như chiêm bao. Lại nữa, cuộc sống còm cõi, ngòi bút và đồng lương không cho người viết kiếm đủ miếng ăn, cả đến mặt mũi và con mắt cũng mòn mỏi dần. Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai, khác nào người sơn tràng cả đời thừng chão, rìu búa đi kiếm củi rừng đến khi về già leo dốc thở ra cả hai tai mà vẫn ao ước và tưởng tượng trèo lên lưng cây, mạng sườn quấn chão, lưỡi rìu khoác vai. Nhưng chẳng còn một hột sức ôm nổi cái gốc cây. Thì lại thở dài nhìn cái đứa mạnh chân khoẻ tay hơn.
Môi người viết có một thói quen khác nhau.
Nguyễn Tuân thì cả đời chữ nghĩa và xung quanh người bái phục, người điếu đóm, người bắt chước cái ăn, cái mặc và hóng chuyện để đồn thổi. Tiểu thuyết Bốc đồng của Đỗ Đức Thu ngày trước đã vẽ ra được những nho lại làng văn và những khỉ bắt chước người như ở trên. Chẳng cứ chỉ có xưa kia, mà về sau này cũng tương tự thế. Người ta châu tuần và chầu rìa quanh Nguyễn Tuân, đợi được sai bảo, được đi chơi với, uống với. Năm cũ ông Văn - tên nhân vật trong tiểu thuyết Bốc đồng mà bạn đọc có người đoán là Mạnh Phú Tư, ông bán cả ruộng hương hoả, ném vào các cuộc chơi, lăn lóc đến phát bệnh sốt rét vì liên miên thức trắng đêm ở nhà hát. Thế mà các cụ vẫn mạnh khoẻ, lại gật gù: Các cụ cho là được! Ông lang Hà Văn Thực phố hàng Cót đánh đu với tinh cũng mở nhà xuất bản Lượm lúa vàng rồi nghiện bẹp hai tai vỡ nợ tan cả hiệu thuốc bắc gia truyền. Ông Lê Trọng Quỹ giọng trầm não ruột, không biết có phải vì nhờ hơi thuốc phiện làm cho tiếng khàn khàn mà ngâm thơ buồn đến thế, rồi ốm phải phát mại cả cái cửa hàng sắt vụn. Ông Lê Đức tập tọng viết văn về nhà cầm đoạn mại ruộng đem nắm tiền ra, theo gót đàn anh, chỉ học được mỗi cái trò giắt trong cạp quần lá tọa một cái tẩu thuốc, chiếc ấm mạnh thần với cái chén hạt mít để theo đòi trà đạo. Có người cũng mặc áo gấm trần, chít khăn lượt đi giày Gia Định, tay cầm quạt thước - như Nguyễn. Cả những năm sau này Nguyễn đã cao niên mà cũng chẳng thiếu ông làm dáng theo. Có ông hoạ sĩ chải ngược tóc như Nguyễn, đến lúc ông Nguyễn xoã mớ tóc bạc phơ sau gáy, cũng lại lắm ông xoã tóc, như Nguyễn. Ông Nguyễn Tuân rởm ấy đi nước ngoài, lên máy bay, mặc sơ mi ngắn tay kẻ ca rô, tay chống ba toong nghênh ngáo nhìn xem người ta có nhìn mình như nhìn ông Nguyễn không.
Cũng là cảnh thảm với nhau mà thôi. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng chuyện về những người bắt chước dở hơi ấy. Hay gọi một cách kính trọng, những người rồ chữ, chữ thật và chữ giả. Ông anh con nhà báo trong quê ra, hỏi tôi: Này chú, cái lão Xuân Diệu thế nào ấy nhỉ?. Chả là anh tôi làm chủ nhiệm hợp tác xã mà hôm trước nhà thơ Xuân Diệu về huyện nói chuyện thơ, các chủ nhiệm được lên dự. Nhà thơ nói về Kiều. Ai cũng xuýt xoa ông nói hay quá. Nhưng người ta buồn cười vì thấy ông nhà thơ cứ chốc chốc lại đổi chỗ lọ hoa, bê cái đèn nơi này sang nơi kia vẫn chỉ ở trên bàn. Thỉnh thoảng lại quát người nghe: Vỗ tay đi chứ. Tôi lao động thì đồng bào phải vỗ tay khuyến khích tôi lao động. Vỗ tay nào? Tôi nói: Anh Xuân Diệu nói chuyện giỏi lắm, thế là nói theo mốt Tây đấy, bác ạ. Anh tôi cười: Cũng là rồ chữ, rồ chữ, chú ạ. ừ, rồ chữ cũng có nghĩa đẹp là hay chữ, hay chữ quá hoá rồ. Có ông già nửa đêm thức dậy, ngồi nói từng tràng tiếng Tây một mình. Có ông dạy đàn xưa kia giàu có rồi cái trường nhạc của ông phải đưa vào quốc doanh, bô Duyệt mới chơi trống bỏi lấy một nàng nửa chừng xuân. Bây giờ thì ông trắng tay, nhưng dẫu cơm trộn mì, ông cũng dọn lên bàn, cầm thìa dĩa thái, cắt rau muống luộc, và húp bát súp nước rau, cay đắng gậm nhấm sự hoài cổ. Một nhà văn nọ sắm mấy bộ thìa dĩa cho cả nhà. Ông ấy mơ màng, ngỡ kháng chiến thành công rồi thì đốt được giai đoạn ăn cơm đổi đầu đũa và lấy đũa chùi ngang mép thay khăn mặt, bây giờ hứng phấn sắp bước sang thời nếp sống ngồi bàn thìa dĩa cầm như Tây thì phải sắm đồ Tây.
Nguyễn Tuân tủm tỉm:
- Thì cười ngay tao đây chứ còn phải cười thằng nào. Tao qua Bắc Kinh, gặp Tào Ngu. Tào Ngu vỗ lưng tao, - nói tiếng Pháp: Các toa có tự do, thật sung sướng. Moa thèm đi Hà Nội. Chuyến ấy Nguyễn Tuân ở khách sạn với vợ chồng Vercors đương thăm Trung Quốc. Đã ngỡ rồi ra quảng cáo những cảnh tưng bừng, sách của ta bày bán bát ngát trong nước ngoài nước. Hàng năm xách vali đi du lịch bằng tiền túi. Phải có thư ký riêng chứ - thuê một cô hay là luyện cho con gái mình làm thư ký. Nhưng trước mắt ngay lúc ấy thì vẫn túi lép kẹp, đến Bắc Kinh thăm chợ Đông An, hai tay đút túi, đứng chỉ xem hàng và cố đi nhìn cái hiệu Thôi Tụ Đức thịt quay Bắc Kinh tiếng tăm lừng lẫy thế giới cho biết mặt, chứ làm sao bước chân vào được. Mà mỗi khi ở sân bay Gia Lâm về qua cầu Long Biên, ra ngã sáu dốc hàng Kèn làm cuộc tẩy trần bát cháo gà lão Chữ cũng phải nhẩm xem trong túi có bao nhiêu. Mới nhớ ra cái vé máy bay, cái tiền ăn và tiền tiêu vặt hàng ngày là của người ta cho, chẳng phải đồng nào của nước mình, của mình. Có ra gì mà vênh? Dần dần đến bây giờ, thế này đây, cái thằng nhà văn!
Nói thế chứ, đồng tiền phân bạc, Nguyễn Tuân áo rách cũng vẫn đượm màu phong lưu, tiền thì cứ tiêu và chỉ tính thôi chứ không đếm. Nguyễn Tuân, một người ý tứ, trân trọng, thận trọng, khéo thu xếp. Giựt nóng tiền của ai để ra bà hàng hoa quen ở ngã tư Tràng Tiền mua bốn bông hồng vàng lòng trứng đưa đến bữa ăn sinh nhật nhà bà nhạc sĩ nọ. Chỗ này dọn dẹp sang chỗ kia, làm cho những người mình nhờ cậy, những người mình biếu tặng cứ tự nhiên nghĩ mà phải bằng lòng phải cảm kích. Tài nghệ lắm mới sáng tạo, mới tính ra được những khu xử tế nhị đến thế.
Nguyễn Tuân bảo:
- Lại nói nốt chuyện hôm nọ.
- Chuyện gì?
- Chuyện ta mộng thành nhà văn cỡ quốc tế ấy mà.
Nguyễn Tuân kéo trong gầm giá sách ra cái hộp nhựa giả da nâu đã sờn góc. Chiếc máy chữ Baby xách tay mọi khi tôi vẫn trông thấy đặt dựng hộp máy trên gờ thềm gạch giữa buồng.
- Hôm nọ đã nói đấy, tớ cũng tô hồng và ảo tưởng đáng chửi chẳng khác cái thằng sắm thìa dĩa để sắp sửa vứt đũa, chỉ chén cơm tây. Chiếc máy chữ này, cứ nhìn đến mà sượng cả mặt. Máy chữ để cô thư ký tưởng tượng đánh máy bản thảo hão huyền. Ông xách nó đi cho tôi. Tôi không gán nợ ông đâu nhé. Dưng mà ông mang đi đâu thì mang. Cho khuất mắt tôi, không có lúc tôi phải đem ra đập nó mất. Mang đi, mang đi giúp tôi. Đả tự khí! Đả tự khí? Thời các cụ ta gọi máy chữ là cái đả tự khí. Bớ tổng binh Tô Hoài, nhà ngươi hãy mau mau đem trôi sông cái đả tự khí Baby đi cho trẫm. Ha ha? Trẫm ngứa mắt lắm rồi.
Mặt Nguyễn Tuân đỏ găng. Vua đương ra vai đập cái nậm rượu gỗ, cả rạp cười ngoặt nghẽo, nhưng người đóng vai thì bụng lép và vợ ốm nằm nhà. Tôi không muốn điều mai mỉa này làm rầu lòng thêm Nguyễn Tuân. Tôi lây cái sợ. Tôi lặng lẽ xách cái máy chữ Baby chặt ních mơ ước một thời, tôi bước giật lùi ra cửa. Không biết còn có những ai đem đi giùm anh đôi giày đẹp, những bộ quần áo nhã nhặn mùa thu, mùa đông, mấy chiếc bút máy Sapphơ cho nó tiêu tan xoá sạch giấu mộng kê vàng nhà văn thắt cà vạt đỏ đi du lịch năm châu - như cái câu ghen tức vu vơ của cậu Hoàng Huế cầm bút hồi 1956 đã viết trên tập san Đất mới mỉa Nguyễn Tuân như thế. Cái máy chữ ấy tôi không biết dùng. Dẫu cho bây giờ người cầm bút trên thế giới ít người viết tay, những nhà sáng tác ở Sinaia, ở Yanta, ở Pitsunda, đêm máy chữ mưa rào rào. Nhà văn Colombia, Gabrien Gaccia Mackêt, năm 1989, đã viết cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông bằng máy chữ điện tử, người nói vào máy, chữ tức khắc hiện lên. Mackêt trả lời một nhà báo phỏng vấn: nếu chiếc máy thần diệu này xuất hiện sớm, chắc chắn số tác phẩm của tôi còn nhiều gấp mấy lần. Mackêt năm trước đã tới Hà Nội. Tất nhiên, ông ngao du bằng tiền túi của ông. Ông đi chơi với vợ và con trai, vào Sài Gòn qua đường Băng Cốc rồi ra Hà Nội. Nguyễn Văn Bổng và tôi đã đến đánh chén với gia đình Mackêt trên gác nhà khách chính phủ gần hồ Gươm. Hai con trai Mackêt, một đứa học ở Paris, một đứa ở Nữu ước. Tôi đưa cậu bé học ở Paris đến nơi ở đoàn ca múa Hà Nội phố Hàng Quạt mua cái sáo trúc. Đêm xem biểu diễn, cậu ta mê cây sáo Việt Nam. Makêt nói ông có thể biếu ta một tàu chở giấy để in tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Chỉ có một yêu cầu: không được cắt đoạn nào. Liên Xô đã xuất bản Trăm nam cô đơn, tự ý bỏ một số trang. Mackêt không thèm đến Matxcơva nhận bản quyền, mặc dầu nhà xuất bản đã mời tác giả nhiều lần.
Những chuyện trời đất huy hoàng đâu đâu của người ta, còn chúng tôi vẫn kỳ thu, cặm cụi với cái bút máy, bút bi, bút chì. Nguyễn Tuân dùng bút dạ. Đã lâu, cũng chỉ thấy viết những đầu đề bài to thô lố lên đầu trang giấy rỗng ruột cặp vào tấm bảng nghiêng như cái giá vẽ - thỉnh thoảng lại thay cái đầu đề mới, không có được hàng chữ nào ở dưới.
Tôi bán cái Baby cho ông Quí đánh máy ở cơ quan, được hai trăm - đồng tiền thật là phấp phỏng khi bom đạn đương trút xuống thành phố. Cũng không biết đắt hay rẻ, chỉ thấy ông lão công nhân đả tự khí ấy cũng thờ ơ, ông bảo chẳng cần cái máy nhỏ này, tôi bán thì ông mua vậy. Năm ấy, không còn quán Tiểu Lạc viên. Ông cháo gà giải phóng quân cũng bỏ cao lâu Tứ Kỳ ra bán hàng vỉa hè, rồi chắc hàng họ ế ẩm, lại sang làm cho quốc doanh Mỹ Kinh, rồi biến đi đâu mất. Bôđêga, Phú Gia, món ăn uống và gia vị loạc choạc. Chim quay chấm nước mắm dấm và nhà hàng chỉ có rượu chanh. Chả cá Sơn Hải đóng cửa đã lâu rồi, Lã Vọng cũng nghỉ hết. Hàng ăn Nguyên Sinh của nhà mậu bán chả cá theo xuất mỗi xuất kèm một chiếc bánh đa, một đĩa bún rối. Có miếng chả nhằn được cả xương. ế chỏng gọng không có khách. Dưới ngã sáu cũng không còn ai - lão 81 đã về âm phủ làm bồi cho khâm sứ Grapphơi, ông cháo gà Chữ đau lưng cũng ra tha ma đã lâu. Các quán ăn Tàu chỉ còn lại lão Sáng nhị mũi. Ông Sáng không phải nhà bàn, nhà bếp, không nghề gì, nhưng được mẽ người mỡ màng. Cứ đeo tạp dề lướn phướn từ bếp ra chỗ để xe đạp, rồi lại quay vào, nói ề à mấy câu nhị mũi, giọng nhà bàn nhà bếp Quảng Đông hô món đối đáp như hát. Thế là khách có cảm tưởng vào cao lâu Tàu.
Sáng nhị mũi mở quán riêng, vẫn quanh quẩn ở Hàng Giầy. Nhưng phố xá tàn tạ, đường đá lổn nhổn, phơi ra những cái ngõ rác rưởi, nhà đóng cửa im ỉm. Quán hàng như ngọn đèn leo lét. Nhà mậu bán phân phối từng thanh củi và mỗi chục lá dong gói bánh chưng Tết. Ba mươi Tết, quầy chợ Hôm bán chân giò còn nguyên cả lông.
Nguyễn Tuân hỏi tôi:
- Mày làm thịt được cái Baby rồi à?
Thì ra ông Quí đánh máy đã khoe với Nguyễn Tuân ông mới mua cái máy chữ của tôi. Tôi cười, không đáp. Chắc Nguyễn cũng chẳng cần tôi trả lời ăn thịt cái máy chữ, chúng tôi đến quán Sáng nhị mũi, hảo, hảo à...
Những chuyến đi vất vả, con sư tử già đã rụng cả răng rồi. Lần ấy ở Sài Gòn ra, Nguyễn Tuân xuống ga Nội Bài, bên nách chống nạng. Bệnh tê thấp kinh niên đã vật Nguyễn cả tháng ngay ở cái thành phố cao ráo mà xưa kia cũng như bây giờ, những người phong lưu ở miền Bắc ưa thay đổi nơi ở ít lâu thường vào đấy để tránh bệnh hen, bệnh tê thấp hay hành hạ người ta vào mùa đông ẩm ướt. Sở thương binh Sài Gòn đã biếu nhà văn chiếc nạng đỡ bên chân đau. Về Hà Nội rồi còn phải nằm bệnh viện suốt mấy tháng.
Hồi 1954 mới trở lại thành phố, nhà Nguyễn Tuân ngụ tạm trên đường Hàng Lọng, ít lâu rồi thuê được hai buồng trên gác hai cạnh bệnh viện Đặng Vũ Lạc cũ. Cứ ở đấy tới bây giờ, trên ba mươi năm đã qua. Vùng ấy quanh ga Hàng Cỏ, cuối thế kỷ trước còn là bãi Quần Ngựa giữa cánh ruộng nước. Rồi những nhà có của cất dần lên cả khu phố cho thuê. Chủ hiệu vàng Chấn Hưng Nhà Đỏ Hàng Bạc có nhà cả ngõ, đặt tên là ngõ Tân Hưng. Cái dinh thự đồ sộ mà nhà Nguyễn Tuân thuê hai buồng ở sâu có đường dẫn qua cổng sắt, ngày xưa, chắc cũng là lối vào ra của xe song mã, xe nhà, xe ô-tô. Toà nhà ấy, các chủ thừa kế chuyển đến điền chủ Phỏng ở Thái Bình thì đem cho thuê từng buồng. Mấy năm đầu, bà Hoàng Yến vợ Hoàng Cầm còn đến thu tiền nhà hàng tháng. Rồi sở nhà đất quản lý, nhà đông dần thành một cái xóm nhỏ trong một số nhà chật chội, bưng bít, ngổn ngang.
Hai bên tường bị cơi lấn, chỉ còn một lối đi ngóc ngách. Cái thang gỗ vươn lên tầng hai buồng bác Nguyễn màu lim đã lên nước tối sầm mắt. Tủ sách, giá sách và dãy chai lọ rỗng nhãn các loại rượu nước ngoài - lại cả một tranh áp phích Ba Lan vẽ chai rượu to tướng, có thằng người bơi trong chai. Bầy cho vui mắt, tất cả mọi đồ lề hồ như tàn tật, buồn bã, mệt mỏi. Dạo ấy, điện hay bị tắt tự dưng thình lình có khi mất điện chốc lát, có khi cả đêm, cả ngày. Chiếc quạt nan, cái đèn hoa kỳ đặt trong vỏ hộp bia lon và cây nến đỏ cũng thành những trang trí bên chiếc mâm đồng cỗ bát bằng vỏ đạn cao xạ xin được ở một trận địa pháo ngoài Bờ Sông đã đem nhờ lò đồng Ngũ Xã đúc thành cái mâm. Cũng chẳng có của nả nào quý. Nguyễn Tuân không mê đồ cổ. Các thứ bày biện chỉ để cung đốn cho cái thích vật dụng và kỷ niệm. Trên tường, bên tờ áp phích Ba Lan có áp phích của Cu Ba kỷ niệm sáu trăm năm Nguyễn Trãi. Những cái tranh, mẩu tin cắt ở báo ra thay đổi theo lịch hàng tuần bên đoá hoa hồng vàng lòng trứng mua ở hàng hoa ngã tư Tràng Tiền. Có khi, một nhánh lan địa tim tím thơm ngát cắt ở chậu cảnh nhà Kim Lân. Và Tết đến, có một cành đào phai, dáng thế kỳ dị với quả phật thủ của Phạm Văn Khoa, có khi là quả bòng trong Canh tôi mua ở chợ Bưởi. Con chó đá và cái tượng gỗ canh cửa chúng sinh không biết lôi ở đình chùa hay nhà địa chủ nào về. Một ống đựng cả chục chiếc ba toong, gậy song, chiếc sơn then cán bạc, chiếc gậy lụi. Ngoài hàng hiên, lủng củng dãy vỏ chai sâm banh, bia hộp, vang dâu dưới bóng dây thiên lý leo trên lan can. Những thức bị đày ải ngoài trời ấy sắp đem tống xuống quang gánh bà đồng nát, mà bây giờ là ai chai lọ, giấy báo cũ ơ... Riêng chiếc gối sành trắng nhễ nhại to bằng hòn gạch vồ rỗng ruột vẫn đứng giữa trời nắng trời mưa bên song sắt. Cái gối trong tiệm thuốc phiện ở Chợ Cũ, đã khuân trong Sài Gòn ra. Rải rác, trên tường, trên giá sách, hòn cuội, hòn đá lăn lóc mà mỗi chuyến đi bể đi núi về tôi hay đem cho Nguyễn Tuân với những ký họa giấy và sơn dầu, sơn mài, ảnh và tượng đầu Nguyễn Tuân của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Sĩ Ngọc, Thành Chương, Hoàng Kim Đáng.
Nếu mất trộm, chỉ có một chiếc đài Liên Xô con con đặt đầu giường may ra còn bán được tiền. Nhưng cái đài cũng đã lão lắm, mấy lần Nguyễn Tuân nhờ tôi, nhưng bên Matxcơva cũng không còn đâu bán phụ tùng thay thế loại đài cổ ấy. Chủ nhân hàng ngày mở đài linh tinh các mục. Cho phòng có tiếng người, đỡ vắng. Chiếc mâm vuông gỗ sơn then Sĩ Ngọc mài, làm bàn nước, bàn ăn, bàn viết, bàn khách, với mấy cái ghế mây thấp người Thái ngồi bếp ở Lai Châu, chẳng biết nhặt nhạnh được ở những đâu.
Hôm ấy se se lạnh, từng làn gió nửa dải đồng, nửa heo may rạt rào vào đầu tường. Có cái gió hiu hiu này, ở ngoài đồng chắc thơm đầy mùi lúa cốm đương gặt. Những ngày vào thu ngắn ngủi đáng yêu. Nguyễn Tuân khép cửa. Cồn 90 trong lọ được đổ ra chiếc đĩa nhôm. Giữa lưỡi lửa xanh rờn, con mực Bắc Hải nâu nhạt mỏng manh như cái lá đề ưỡn dần lên. Nguyễn Tuân cầm chiếc kẹp bông băng lật con mực đã xém cạnh. Và tần ngần, như nói một mình: Cái gió này giục, người ta bồn chồn lắm. Nhưng mà với mình ấy à? Bây giờ thì Sài Gòn cũng xa lắm rồi. Thất tiểu muội Mộng Tuyết có thư ra bàn triết tự về nét mác đuôi chữ Nguyên ký vòng lên gông cả chữ Nguyễn vào trong, Nguyễn ngồi tù trong cái gông ấy thì còn đi đâu được. Nguyễn Tuân cười buồn, đến không muốn trả lời người xem bói triết tự cho mình bởi vì thực thì cũng chẳng còn nghĩ đến bay nhảy. Đôi khi mới ra khỏi phòng, chiếc gậy đưa bước chân thong thả trên quãng phố vắng, rồi nhức mỏi và buồn tình vẫy một cái xế lô trở về.
ở nhà Nguyễn Văn Bổng, một bạn bộ đội mời chúng tôi vào Thủ Đức xem phong lan, vườn của bạn ấy nhiều lan lạ và hiếm chỉ có trên núi cao vùng á nhiệt đới. Nguyễn Văn Bổng, Kim Lân và tôi sốt sắng. Nguyễn Tuân gật gù: cho mình củng cố cái chân đã rồi bảo tôi: Này ông hoả tốc hỏi Lai Châu cho tôi xem thế nào. Trên Mường Tè còn hổ, may ra có của thật. Chứ cái cao Thái Lan, trông nó vuông vắn mượt mà quá, nuốt cả lạng chẳng ăn thua. Không biết cao giả hay mình đã nhàm thuốc quá. Rồi chuyến đi vào Sài Gòn xem phong lan á nhiệt đới cũng chẳng bao giờ có.
Binh đoàn 559 tổ chức Nguyễn Văn Bổng và tôi đi dọc một chuyến Trường Sơn. Một chiếc xe, một cán bộ đơn vị tháp tùng. Bắt vào đường Hồ Chí Minh từ Đông Hà lên Khe Sanh, đến đoạn đường Cuba làm khi mở đầu chiến dịch, rồi cả tháng ruổi qua A Sầu, A Lưới sang huyện Giàng bên Quảng Nam, dọc các tỉnh Tây Nguyên, bám vết đường 13 cũ xuống Sài Gòn. Dọc đường, lắm hôm chúng tôi ước:
- Giá mà có Nguyễn đi chuyến này?
Nghĩ thế thôi, nhưng cả trước khi đi cũng không dám đến chào ông anh. Có lẽ rồi Nguyễn Tuân cũng biết, bởi chúng tôi vắng mặt lâu. Nhưng ai cũng ngại không dám đụng đến tâm trạng của một người thèm đi, mà không đi được mà lại thấy người ta cứ đi. Có Nguyễn Tuân, lắm khi khốn khó vì những sáng kiến dềnh dàng bất thường, nhưng mà chỉ trơ trọi hai thằng nhạt nhẽo thì bỗng dưng thấy trống rỗng hàng ngày quá. Cái tài Nguyễn Tuân chọn chữ, chọn cảnh, chọn chơi cũng như mỗi khi trong tẻ nhạt thông thường, Nguyễn Tuân bỗng thấy ra những chi tiết đậm đà hẳn. Có lần, tôi lên vùng rừng quế ở Viễn Sơn trên Yên Bái, bên kia sông Hồng. Khi trở ra qua Đại Phác và Đại Bục rồi lên Phố Ràng - những nơi chúng tôi đã dự những trận đánh đồn trong chiến dịch Sông Thao 1949. Nếu Nguyễn Tuân cùng đi, thế nào cũng dừng đại Mậu A tạt vào đền Đông Cuông để nhớ chặp tối ấy, cái lần gặp Két trung đội trưởng trinh sát. Kìa cái đồi chúng tôi trú quân với hai thằng Tây địch vận, giữa tiếng súng nổ ran bụi tre trên đầu và cái đồn Đại Bục chặp tối cháy đỏ lòm Nguyễn Tuân đứng thúc trống ở quãng sân đồn phía nào, cái lô cốt đã xảy ra trận đánh khốc liệt cuối cùng có còn dấu vết gì không. Rồi ngược sông Chảy, có còn cái nhà ông chánh Khít dưới chân Phố Ràng. Tôi thì tôi chỉ ngồi yên nhớ lại, giá mà Nguyễn Tuân cùng đi thế nào cũng đủng đỉnh tìm xem và ngâm ngợi một cái gì. Giá mà...
Tôi chỉ ngồi nghỉ chân ở cửa hàng bách hoá trông vào đồi Đại Bục. Trong lòng cũng xốn xang nhớ lại, nhưng không đủ kiên nhẫn và cố gắng tìm tòi, lục lọi theo thói quen chịu khó như Nguyễn Tuân. Tôi thờ ơ nhìn lên dãy đồi trọc trồng sắn và những ruộng nước bao quanh. Cũng định kể với hai cô người Tày bán hàng rằng: Các cháu ơi! Ngày trước tôi đã trèo lên đồi kia, bộ đội ta ở bên đồi này bắn sang cháy cái đồn đại Bục. Nhưng lại rụt rè. Bấy giờ cha mẹ chưa sinh ra các cô thì các cô có thể cũng chẳng biết là thế nào. La cà hàng quán, ngồi tán tưởng tượng những chuyến phương trời. Bây giờ thì con người ấy phải bước ra ngoài mọi cuộc rồi. Nguyễn Tuân lặng lẽ giơ cốc: Thôi nhé, chúc cất cánh hạ cánh bình yên. Có khi chẳng nói chẳng rằng, lầm lì uống một hớp rượu rồi lại ngửa cổ bỏ vào miệng viên thuốc trợ tim. Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng, hai người đã chăm sóc về bệnh tật của mình một cách hoang dại, tợn tạo như thế. Nguyên Hồng không làm sổ khám bệnh ở bệnh viện. Ê ẩm xương cốt thì đấm lưng và chửi: Chúng mày đồ ăn hại mới hay đi khám bệnh, chứ ông thì... Ông... Bây giờ, Nguyễn Tuân thêm chứng thấp khớp kinh niên lôi thôi đến tim, phải khám định kỳ và uống thuốc phòng. Nguyễn Tuân đã uống thuốc phòng khi nâng chén. Hẳn cho là thuốc trợ tim vào cùng lúc nạp cồn có chất ấm áp thì cản được bệnh? Khi vui chén, Nguyễn Tuân hay chửi yêu tôi: Mày đi lắm, mày đi thật còn tao chỉ được mang tiếng là đi thôi. Vừa nói đùa xong lại trầm ngâm buồn, buồn nhiều. Một đời viết được tuyển vào có hai quyển, nhìn sách mà chẳng nói nên lời. Cho sách tôi, cái câu đề cho đúng như tôi muốn, nhưng cũng chẳng còn biết ý tứ thế nào. Anh không thích sách xén sẵn, nhận bản xồm xoàm mà rọc lấy vậy. Đi đâu, đã không còn bay nhẩy được, giờ đây thêm cái day dứt, cái bực bội của con người ngày ngày quanh quẩn mở đóng cửa sổ.
Tôi được Nguyễn Tuân gửi cho một chai hảo hạng Giôn Uackơ, đằng một lít, bọc giấy báo cẩn thận. Của hiếm này, hãn hữu mới kiếm được mà có thì Nguyễn Tuân thường chỉ cho nhấp một hai chén. Cái ngon phải chia, còn phần người khác, tôi biết thế và giữ ngữ thế, ít khi dám nài thêm. Tôi uống phí rượu, thường hai ba chén sau cùng Nguyễn Tuân mới để cho tôi. Trong khi ấy, Nguyễn Tuân cầm cái cốc một góc quốc lủi với lát chanh cả vỏ và miếng dá, một thứ cốc tay tự pha. Nguyễn Tuân uống rượu nội hoá để cho khách và nhìn khách sài sang, có vẻ thích thú hẳn hoi. Làm thế nào, chủ rượu nhường cho cái thơm tho ấy cơ mà. Ôi chao, bần bách ngụm rượu đến phải tính đếm đong từng chén mắt trâu, nhưng vẫn một cung cách riêng. Nguyễn Tuân uống rượu kiểu các cụ ta xưa. Mỗi bữa thanh cảnh ba đôi chén, hiếm khi mềm môi và không nát. Rượu ngon mua có thổ, không rượu chợ, không đụng đến các thứ lăng nhăng cái chanh, cái dâu, vang mơ, vang mận. Cả đến sa kê Nhật vị ngọt, Mao Đài có hơi rượu khê cũng không ưa. Những chén khuya, với miếng cơm nắm, muối vừng cũng là cái thú riêng.
Tôi hỏi:
- Ông anh phát tài phát lộc thế nào mà thưởng cho em cả cái hũ chưa bóc tem thế này?
Nguyễn Tuân rót cho tôi một cốc rượu ở chai khác đương dùng dở. Trang trọng, lịch sự, thong thả, lần này Nguyễn Tuân cũng uống rượu quý, mà không ngồi ngắm người khác xơi rượu ngon của mình như mọi khi.
Nguyễn Tuân gật gù:
- ở Paris, người ta mời tôi sang chơi.
- Thằng Buđa dạy ở Pari 7 nhỉ?
- Người ta bảo sang giảng cho ít buổi. Không, thằng Buđa kiết xác ở độc thân, có gì mà mời? Nhà Việt Nam của Việt kiều có nhã ý.
- ờ đi đi chứ ông!
Nguyễn Tuân thong thả lắc đầu.
- Không, không đi. Mình muốn sòng phẳng, đằng nào rõ đằng ấy. Đi chơi hay đi làm việc. Người ta có nói riêng: làm việc chỉ là cái cớ mà mời ông đi chơi là chính. Làm việc khác đi chơi chứ sao lại có cái cớ được.
- Thế thì thế nào?
- Trả lời không đi rồi..
- Bởi thế, có ngụm rượu uống. Đáng lẽ người ta đặt mua vé ở đại lý hàng không Pháp chỗ góc đường Tràng Thi, thì tôi bảo đặt mua cho tôi ở cửa hàng bách hoá quốc tế Giảng Võ. Và cái vé thành những cái của này. Nào ông, mời ông...
Hơi men hôm ấy đưa chúng tôi vào bao nhiêu chuyện đường trường. Không hiểu tại sao bay đường xa máy bay lại hay cất cánh hạ cánh đêm. Những canh khuya, những mờ sáng, xuống Matxcơva, đến Batđa, Đamat, đến Bâyrut... Chín giờ tối từ Tân Đê li ra sân bay Pa lam. Ô-tô đương chạy, một cái chai không của thằng say nào choang vào thành xe, vỡ tan. ở ấn-độ, quốc lễ không uống rượu. Tôi đã nghiệm, đâu mà cấm, người ta uống chui càng khá lắm. Mỗi buổi sáng, một ông nhà buồng ria vểnh đến dọn dẹp. Tôi rót một cốc to vôtca. Ông ấn-độ ấy vén ria làm hai hơi xong cả cốc rồi lấy đi túi quần áo giặt. Thế mà như không, bên thắt lưng đeo chùm chìa khoá, mở đóng ý tứ, không lẫn cửa nào. Tôi kể với Nguyễn Tuân trên trời Đà Nẵng có những lỗ hổng không khí, tôi đã bì hẫng xuống một lần như tụt thang máy, chuyến đi Campuchia năm 1962.
Lời từ chối và câu cắt nghĩa không đi Paris của Nguyễn Tuân không thể bao giờ đầy đủ. Cái tâm sự nát lòng người ta thì không một lời chữ nào thổ lộ và giãi bày cho hết được. Hai cái chân đã rỗng cả ống của con người vốn khoẻ đi ấy gây cái khó vô cùng cho sự đi, xoá mờ cả tấm tình sông hồ rồi.
Tháng bảy, tôi ra Cát Bà. Tôi vẫn có ao ước được đến vùng đảo khác lạ này chỉ cách Hải Phòng có nửa buổi tàu ven biển mà chưa khi nào tôi được đặt chân tới. Người bản địa bảo đi mùa thu ra Cát Bà sẽ được ngắm cá heo, hàng trăm con cá heo đùa rỡn theo tàu.
Nắng gắt, thành phố oi nóng ngột ngạt. Tôi đến chào khoe với Nguyễn Tuân một chuyến đi còm, nhưng thú vị. Cuối buổi sáng, xách xâu bánh giò, khoanh giò bò mua ở quán quen bên kìa đường trước nhà. Cũng như ai và đã thành lệ, phải đoản đình, trường đình một cái chơi chứ. Cụ bà bảo tôi ngồi đợi đấy, có muốn uống thì cứ lấy mà uống, cụ ông đi bách bộ quanh đây, chắc cũng sắp về. Một lát, nghe ba toong chọc chọc lên thang gác. Cái gậy song Sa pa vàng cánh gián, tiếng gậy chống xuống mặt gỗ nghe lưa thưa rời rạc. Đoán được bước chân khó nhọc, nặng nề. Nguyễn Tuân bước vào, mặt bơ phờ tía tím, không phải mặt rượu đỏ hồng. Nhưng cất gậy vào ống, ngăn nắp vẫn đâu vào đấy. Nguyễn Tuân ngồi xuống tấm phản lim.
- Mới đến à? Có việc gì không?
Tinh ý thì biết là câu hỏi của người ngại khách. Muốn đuổi bời đương mệt, đương khó chịu. Còn việc gì nữa. Đến đây chỉ có việc chơi chứ việc gì. Tôi ngần ngừ rồi nói:
- Không, nhung nhăng thôi.
Nguyễn Tuân ngả lưng, hai tay buông xuống mặt phản.
- Lấy mà uống. Chai nút đỏ ở phía ngoài, cái ấy đậm lắm. Mình phải nghỉ một lát đã.
Rồi Nguyễn Tuân khép mắt. Ngẩn ngơ nhìn quanh rồi tôi lặng lẽ ra về, khi Nguyễn Tuân đương nằm thiêm thiếp. Tôi không dám nói tôi sắp đi Cát Bà.
Cuối phố Cát Bà cũ - bây giờ còn trơ những tảng đá, đám cọc nhà sàn lửng, bên bờ trông ra vịnh. Nhà trọ Chùa Đông trước kia là cái sòng bạc cạnh chùa Đông, nền chùa mờ mờ cỏ còn hình lại chỗ vết đường băng máy bay lên thẳng của Pháp. Xung quanh đìu hiu như chơi vơi tới chân trời nào. Chặp tối, điện chạy máy nổ, đến chín giờ thì thay bằng đèn hoa kỳ. Lúc ấy chỉ còn thấp thoáng sóng nước trong vụng ven đường đá và ánh cây đèn đảo Long Châu ngoài khơi.
Chiều thứ bảy, như có đoàn thám hiểm ập đến nơi hoang vu. Đấy là những chuyên gia Thụy Điển làm việc ở xưởng tàu Phà Rừng ngồi ca nô đến, có mấy cô gái điếm đi theo. Một cô khoe với tôi ở ngoài hành lang là cô đã đọc Vợ chồng A Phủ! Các người nước ngoài chơi trên sân gác sáng tràng, quẳng vỏ chai Lúa Mới xuống vịnh, hò hát lảm nhảm suốt đêm. Hôm sau, một đám trai gái từ Hà Nội xuống đi tàu ra đảo. Như những người digan lang thang. Bạt và màn cuốn trong ba lô, vai đeo những can nhựa đựng rượu. Hỏi ra đều là cán bộ kỹ thuật và văn phòng đi chơi ngày nghỉ, sớm thứ hai lại có mặt ở các sở làm. Các bạn trẻ đều đã học ở nước ngoài về. Cuộc nhảy không có nhạc, nền xi măng lạo xạo ngay trước phòng tôi. Các bạn mời tôi ra chơi rồi xúm lại kéo tôi nhảy. Không ánh trăng, không đèn, không tiếng nhạc, chỉ có tiếng quay mình huỳnh huỵch, chân lào xào như người đi đêm trên bãi cát. Tôi đành kiếu. Nhớ một đêm nhảy múa man dại thế này trong tiếng trống rầm rộ trên bờ biển thành phố Đaet Sa lam xế dưới Đông Phi. Chốc nữa, các bạn ấy trở về dãy nhà ngang đằng kia, mười mấy người mà chỉ thuê có một buồng. Tôi ngồi lại đây trông vào mịt mùng nhìn thấy xa lắc xa lơ một thời đã qua. Âu cũng là cái nhộn nhạo thuở nào được khuấy động chốc lát. Tôi cũng sợ rồi, tôi ngôi im.
*** Buổi sáng có người đến bảo Đào Vũ và tôi:
- Đêm qua, nghe đài báo ông Nguyễn Tuân mất rồi.
Tôi nghĩ như vẫn buổi tôi ngồi uống một mình ở nhà ông trước hôm đi Cát Bà, như Nguyễn Tuân vẫn nằm yên từ buổi sáng hôm ấy. Nguyễn Tuân! Nguyễn Tuân ôi. Ô hô? Ô hô!
Bãi tắm Cát Cò, hai bên vách đá thẫm đen, không bóng người. Con kỳ đà đủng đỉnh bò ra giữa đường hầm, bạnh mang, dưới chân nhìn quanh rồi lại nép vào mép tảng đá. Bỗng lại nhớ rừng già Thượng Yên. Những con kỳ đà mốc thếch như gốc cây ra rình chộp gà tổ gà của Aki. Người bạn Nhật ăn chuối tây trộn lòng trứng. Chúng tôi vào quán ông 81 ngã sáu dốc hàng Kèn... Vết chân người lẫn chân con kỳ đà in vân vân trên cát.
Sáng tác: Tô Hoài
Số từ: 8824
- vì là chương cuối rồi nên hơi ngắn ^-^
..................Drop..................
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro