HOAANHTUAN HNOI PHO
Là Đốc lý Hà Nội từ ngày 20/7/1945 đến ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ, bác sỹ Trần Văn Lai đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho thành phố, trong đó có việc đặt tên cho nhiều con phố ở Hà Nội.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tháng 4/1945, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim thành lập. Ngày 20/7/1945, Nhật giao việc quản lý hành chính Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho người Việt. Bác sĩ Trần Văn Lai (1894 - 1975) được mời làm Đốc lý Hà Nội, chức vụ tương đương với Thị trưởng.
Cụ Trần Văn Lai (bên trái) vợ con. Ảnh: Hanoitv
Nhận nhiệm kỳ từ 20/7/1945 và kết thúc khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, cụ Trần Văn Lai tuy chỉ giữ chức Đốc lý trong khoảng 1 tháng nhưng cụ đã làm được nhiều việc cho thành phố, trong đó có việc đặt tên cho hầu hết các con phố ở Hà Nội.
Cụ Trần Văn Lai sinh trưởng trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng đất kinh kỳ nhưng lại theo học ngành Y và trở thành bác sĩ. Luôn mang tư tưởng chống Pháp, nên dù là một bác sĩ tài năng ở nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), người thanh niên Trần Văn Lai đã từng bị Pháp giam giữ tại nhà tù Sơn La rồi nhà tù Hỏa Lò cùng với những trí thức yêu nước khác như Hoàng Công Khanh, Phạm Khắc Hòe.
Tiến sĩ Sử học Dương Lan Hải, con dâu cụ Trần Văn Lai (hiện sống trong ngôi nhà cổ tại ngõ Tức Mặc), cho biết cụ là người đã đặt tên cho hầu hết con phố Hà Nội từ trước Cách mạng tháng Tám, trong đó, có phố Trần Hưng Đạo và cả con ngõ nhỏ Tức Mặc nơi cụ từng sinh sống.
Ở cương vị Đốc lý Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã làm được 2 việc chính, đó là dùng tiếng Việt ghi chép các giấy tờ, sổ sách tại Toà thị chính Hà Nội và thực hiện đổi tên các đường phố ở Hà Nội.
Tuy nhiên, việc đầu tiên mà cụ thực hiện mà nhiều người còn nhớ là "công cuộc tẩy trừ vết tích nô lệ hồi Pháp thuộc sẽ thực hiện bằng việc hạ tượng Paul Bert cạnh Toà Thị chính, tượng Jean Dupuis đường bờ sông, tượng bà đầm xoè ở vườn hoa Cửa Nam và đài kỷ niệm lính khố xanh ở phố Hàng Trống.
Ngày 1/8/1945, cụ Trần Văn Lai đích thân hạ lệnh phá các bức tượng trên. Về bức tượng Paul Bert, trong cuốn sách "Nhớ một thuở", nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại: "Sau ngày phát xít Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương (9/3/1945), người Việt Nam được cử làm Đốc lý Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai tổ chức hạ cái tượng quốc sỉ ấy. Trong những người đi xem có một ông già là Mỹ Ký. Thuở bé, hôm dựng tượng Paul Bert, ông Mỹ Ký có đi xem. Hôm nay hạ tượng, ông lại đi xem. Ông sướng quá ôm mặt khóc nức nở".
Tiếp đó, cụ Trần Văn Lai thực hiện việc đổi một loạt tên phố Hà Nội. Theo nhà văn Tô Hoài, trước đó các phố Hà Nội đều mang tên Tây hoặc những người Việt có công với Tây. Nhưng khi lên cầm quyền, cụ Lai đã đổi hết toàn bộ. Đại lộ Boulevard Carnot được đổi lại thành phố Phan Đình Phùng, Boulevard Gambetta được đổi thành phố Trần Hưng Đạo, Henri D' Orleans thành phố Phùng Hưng, Francis Ganier thành phố Đinh Tiên Hoàng...
Riêng các con phố trong khu phố cổ mà tên phố gắn liền với các làng nghề đất kinh kỳ đều được cụ Lai trả lại tên cũ bằng tiếng Việt. Chẳng hạn: Hàng Đường (thay cho Rue de Sucre), Hàng Than (Charbon), Hàng Quạt (Éventails), Hàng Đậu (Graines), Hàng Chĩnh (Vases), Hàng Bông (Coton)... Kể cả các phố đã bị lấy tên Pháp như Hàng Trống (Jules Ferry), Hàng Chuối (Beylier), Hàng Hương (Joffre), Hàng Khay (Paul Bert)...
Cụ Lai là người rất say mê lịch sử dân tộc và dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với các anh hùng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, tên các danh nhân đã được cụ dùng để đặt tên phố (ví dụ Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học...).
Tòa Thị chính Hà Nội nay là trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: HNMO/Chu Đức Soàn
Tầm nhìn của Trần Văn Lai đáng nể ở chỗ, những tên phố Hà Nội không lộn xộn như ở các thành phố khác mà đều được đặt một cách có ý đồ. Khu trung tâm quanh hồ Gươm là tên các vị vua Đinh, Lý, Lê (Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ..).
Xa hơn về phía đường Trần Hưng Đạo là khu vực của các danh tướng thời Trần. Ngay cả ngõ Tức Mặc (nằm trên đường Trần Hưng Đạo, trước là ngõ Tân Hưng) cũng được lấy tên theo quê quán của dòng họ Trần. Còn dọc sông Hồng là những tên phố như Vạn Kiếp, Bình Than, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, đều là tên của những vị tướng và những trận thủy chiến nổi tiếng thời Trần.
Cụ còn lấy tên các nhà lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp, những nhà yêu nước, các nhà thơ nổi tiếng để đặt tên cho các con phố khác như: Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Trường Tộ, Đội Cấn, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm...
Có thể nhận thấy việc đặt tên cho các phố Hà Nội của bác sĩ Trần Văn Lai theo mấy nguyên tắc sau: Các danh nhân có uy tín lớn được đặt tên cho các phố lớn; các tên phố có những mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau...
Sinh thời, cụ Trần Văn Lai là một người rất kín đáo, điềm đạm nhân hậu. Ngôi nhà của cụ ở ngõ Tức Mặc trong nhiều năm liền là nơi người dân nghèo Hà Nội đến khám bệnh và xin thuốc miễn phí. Người dân quanh phố Trần Hưng Đạo đều yêu quý và tin tưởng cụ. Đến mức mà năm 1946, khi Pháp nổ súng tấn công Hà Nội, không ai bảo ai, việc đầu tiên mà người dân khu phố này làm là chạy đến nhà cụ Lai nhờ che chở.
Suốt thời gian kháng chiến toàn quốc, mặc dù không về vùng kháng chiến, nhưng cụ Lai tỏ rõ quan điểm một lòng ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ và kiên quyết từ chối mọi lời mời cộng tác của chính quyền thực dân Pháp. Con trai cụ là Trần Mạnh Chu được cụ cho theo cách mạng về vùng kháng chiến. Vì vậy, thực dân Pháp rất căm ghét cụ, gọi cụ là "trí thức trùm chăn".
Với uy tín, nỗ lực cá nhân và công lao với cách mạng, sau năm 1954, cụ Trần Văn Lai là 1 trong 4 nhân sĩ Hà Nội được Bác Hồ tặng radio. Khi được mời ra giúp đỡ Chính phủ cách mạng, cụ được cử làm Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội (thời đó, cụ Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng), rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội (bác sỹ Trần Duy Hưng là Chủ tịch).
Tuyên ngôn Độc lập và ngôi nhà 48 Hàng Ngang
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội, lẫn trong phố phường buôn bán thuộc vào loại sầm uất nhất của Hà Nội xưa và nay, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1945 nơi đây là cửa hàng Phúc Lợi, chuyên bán vải vóc tơ lụa, đồng thời là một cơ sở cách mạng đáng tin cậy. Đây chính là chứng tích lịch sử, liên quan đến việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào, tại vườn hoa Ba Đình chiều ngày 2-9-1945...
Tại chiếc bàn nhỏ, xinh xắn nơi góc phòng tầng 2 (ảnh) của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, từ ngày 28 - 31.8.1945, Bác Hồ đã hoàn thành bản Tuyên ngôn Độc lập, với tất cả trí tuệ và tâm huyết của người lãnh tụ hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước, tạo nên tuyệt tác có giá trị lịch sử, văn học muôn đời. Sau này, hồi tưởng về những ngày viết Tuyên ngôn Độc lập, Bác nói: "Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình". Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, cụ Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập trong vài ba ngày nhưng đã chuẩn bị từ 20 năm trước. Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã dịch và cho đăng Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ trên Báo Thanh Niên!
Cũng tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Bác Hồ đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với các tổ chức quốc tế. Thiếu tá Archimedes L.A Patti - chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội khi Cách mạng tháng Tám thành công là một trong những phái bộ đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại 48 Hàng Ngang. Ông cũng chính là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi chưa được công bố. Trong thiên hồi ký "Why Việt Nam?" (Tại sao Việt Nam?) xuất bản 35 năm sau, Patti kể lại: Trước ngày Lễ Độc lập, Patti được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem và trao đổi ý kiến về nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo. Ngày 2.9.1945, cùng với nhóm công tác của mình, Patti đã có mặt tại vườn hoa Ba Đình và đã miêu tả một cách chi tiết, sinh động và hấp dẫn sự kiện lịch sử này.
Khi nghiên cứu về bản Tuyên ngôn Độc lập, Phó Giáo sư sử học Lê Mậu Hãn đã phát hiện có đến 3 bản Tuyên ngôn Độc lập có nội dung khác nhau. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sở dĩ có sự khác nhau đó là sau khi thông qua, Tuyên ngôn tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh sửa về câu chữ. Tuy có khác nhau nhưng nó không ảnh hưởng đến nội dung cơ bản của Tuyên ngôn Độc lập.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi nói về bản Tuyên ngôn Độc lập đã dành những lời sâu sắc: Khung cảnh lịch sử hoành tráng của mùa thu 1945 đã "hóa hồn" vào Tuyên ngôn và Tuyên ngôn tạc cái hồn ấy vào bia đá, trường tồn cùng năm tháng. Khi nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam nói lên tính chất lĩnh hội của cách mạng Việt Nam về quy luật sống của loài người. Ở đây, là Tuyên ngôn Độc lập của một nước trước đó là thuộc địa, một nước nông nghiệp nghèo. Ý nghĩa dân tộc bật nổi trong ý nghĩa quốc tế, khẳng định những gì mà lịch sử cả hành tinh đã khẳng định.
Người đứng sau" Lễ đài độc lập
Ông chủ cửa hiệu radio Hà thành Nguyễn Dực trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đất nước: phụ trách âm thanh trong ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, 2/9/1945.
Lần nào kể lại câu chuyện vào ngày 2/9 với các con, ông Nguyễn Dực cũng xúc động và tự hào. Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: "Khi vừa chào cờ xong thì Hồ Chủ tịch nhìn vào ba micro và khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt hiệu Phillips ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên và lập tức có tiếng "phù" từ cái loa dội lại khá to. Hồ Chủ tịch lùi lại một chút rồi nói: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", phía dưới lập tức vang lên: "Có ạ!"...
Với Nguyễn Dực và cả gia đình ông, hạnh phúc và vinh dự lớn nhất là ông được trực tiếp góp phần chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của quốc gia, dân tộc.
Là con thứ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Dực không phải là cái tên được nhắc đến nhiều như những người anh em: Nguyễn Kỳ, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Giang, Nguyễn Phùng... trong gia đình danh giá này. Năm 15 tuổi, cha mất, cảnh nhà sa sút, Nguyễn Dực quyết định theo học ngành lắp máy ở Trường Kỹ nghệ Hà Nội.
Ông sớm lập được sự nghiệp riêng. 20 tuổi, Nguyễn Dực đã nổi tiếng khắp kinh kỳ với cửa hiệu Nguyễn Dực radio, 43 Hàng Bài, cửa hàng âm thanh lớn nhất Hà Nội thời đó. Khách hàng của ông khi ấy là các chủ rạp chiếu bóng, đồn điền, chủ các hãng kinh doanh nước ngoài. Công việc làm ăn thuận lợi, đời sống vật chất đầy đủ không khiến ông thờ ơ với tình hình đất nước. Được các cán bộ cách mạng như đồng chí Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt giác ngộ, từ đầu những năm 1940, Nguyễn Dực đã thường xuyên đem hệ thống loa máy của gia đình đi phục vụ công tác tuyên truyền của cách mạng.
Bác Hồ trên lễ đài đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Ông là người "đứng đằng sau nhiều sự kiện cách mạng trọng đại" theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của cụm từ này. Tháng 8/1945, ở cuộc mít tinh ngày 17/8 của Tổng hội Viên chức tại Nhà Hát Lớn biến thành diễn đàn của Việt Minh, toàn bộ trang thiết bị âm thanh đều do Nguyễn Dực mang từ cửa hàng cá nhân đi phục vụ. Người vợ trẻ đang mang thai con gái đầu lòng ở tháng thứ 7 cũng tham gia may lá cờ Việt Minh khổ lớn cho ngày đại lễ.
Sau thành công của lễ mít tinh ngày 17/8/1945, Nguyễn Dực hăng hái tham gia các phong trào giành lại chính quyền ở các địa phương lân cận. Ông cũng là người trực tiếp lắp đặt hệ thống đài phát sóng đầu tiên ở Việt Nam. Lời: "Đây là đài tiếng nói Việt Nam..." lần đầu vang trên cả nước vào ngày 25/8/1945 là do ông đọc.
Lắp đặt thành công hệ thống phát sóng, Nguyễn Dực tiếp tục tham gia giành lại chính quyền ở Ninh Bình. Tuy nhiên, khi vừa tới Ninh Bình, ông được đại diện Tổng bộ Việt Minh Trần Quang Huy cử về Hà Nội gấp, với lý do "có việc quan trọng".
Nguyễn Dực và vợ, bà Lê Thị Tý. Ảnh Gia đình nhân vật cung cấp.
Chỉ đến vị trí bàn giao đài phát cho Sở Vô tuyến điện theo yêu cầu của ông Trần Quang Huy, Nguyễn Dực mới biết việc quan trọng ấy là chuẩn bị âm thanh cho một cuộc mít tinh rất lớn tại vườn hoa Ba Đình.
Nguyễn Dực cùng với ông Ngô Huy Quỳnh, kiến trúc sư dựng lễ đài bắt tay ngay vào việc. Ông được phân công nhiệm vụ mắc một hệ thống truyền thanh cho hàng vạn người nghe.
Ông tâm niệm, đây là sự kiện lớn, phải cố gắng. Ông đã tính toán rất kỹ trong thời gian ngắn, về việc dùng loại tăng âm, loa, micro và vị trí đặt thiết bị đáp ứng yêu cầu truyền thanh quy mô lớn... Cuối cùng, chiếc loa xa nhất được đặt ở khu vực nhà thờ Cửa Bắc, chiếc loa gần nhất đặt ở gần vườn hoa Canh Nông (nay là công viên Lenin). Công việc hoàn thành vào ngày 1/9.
Ngày 2/9, khi Bác Hồ đứng trên lễ đài đọc tuyên ngôn Độc lập, ông Dực gần như nín thở nhìn vào đèn tín hiệu theo dõi hệ thống âm ly.
Và như bao người dân đất Việt khác, ông hạnh phúc đến trào nước mắt, khi từ vườn hoa Ba Đình, tiếng Bác vang vọng, với những lời đanh thép khẳng định quyền độc lập của nước Việt Nam...
Người bảo vệ lễ đài ngày độc lập
Đã 60 năm trôi qua, nhưng đại tá công an Nguyễn Cao vẫn bồi hồi, xúc động nhớ về những ấn tượng hào hùng của ngày tổng khởi nghĩa 19/8 và đặc biệt là ngày 2/9, khi ông được vinh dự đứng trong đội ngũ những người bảo vệ lễ đài - nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên vườn hoa Ba Đình lịch sử năm 1945.
Bức ảnh lịch sử do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Bá Khoản bấm máy vào thời điểm Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập hào hùng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, sau 60 năm vẫn được ông Nguyễn Cao lưu giữ như một bảo vật vô giá của gia đình. Trong ảnh, chàng thanh niên Nguyễn Cao mới 23 tuổi đã trở thành một chứng nhân lịch sử, khi cùng đồng đội đứng nghiêm trang trước lễ đài, trước hàng vạn người dân Hà Nội vào khoảnh khắc thiêng liêng, lắng nghe hồn sông núi trong lời Bác. Năm nay tuy đã hơn 80 tuổi, nhưng ông vẫn minh mẫn, mặc dù sức đã yếu và đi lại rất khó khăn. Ngồi nói chuyện trong căn nhà nhỏ ở ngõ Hoàng An, phố Lê Duẩn, Hà Nội, ông như đang chầm chậm hồi tưởng lại những kỷ niệm về một thời oanh liệt không thể nào quên.
Nguyễn Cao sinh năm 1922, người chính gốc làng Trung Phụng, Hà Nội, ngôi nhà ông ở đã lưu truyền qua 7 đời. Sinh trưởng trong một gia đình làm nghề bốc thuốc, là học sinh của trường Gia Long, ông Cao sớm tham gia phong trào thanh niên cứu quốc. Tháng 3/1945, ông tham gia cách mạng, hoạt động ở Hà Nội và gia nhập tổ chức tiền thân của lực lượng Công an nhân dân (CAND). Ngày ấy, các "Đội Tự vệ đỏ", "Tự vệ công nông", "Danh dự trừ gian", "Danh dự Việt Minh", "Hộ lương diệt ác", "Đội trinh sát" là các tổ chức làm nhiệm vụ nắm tình hình địch, diệt trừ Việt gian, phản động tay sai của Pháp và phát xít Nhật để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng. Tháng 8/1945, khi thời cơ đến, Đảng ta đã phát động cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, các tổ chức ấy đã cùng quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, đập tan các cơ quan đàn áp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội. Các lực lượng tự vệ, trinh sát Việt Minh nhanh chóng chiếm lĩnh Sở Liêm phóng, trại Bảo an binh, nhà giam Hỏa Lò, các bốt cảnh sát Hàng Đậu, Hàng Trống, Khâm Thiên, đập tan công cụ đàn áp của phát xít Nhật và tay sai.
Ông Cao bồi hồi nhớ lại: "Ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, những thanh niên tham gia tổ chức Việt Minh như tôi hòa vào dòng người ào ạt đến chiếm trại Bảo an binh và các trụ sở của địch. Đấy là một ngày mà không khí sôi sục chiến đấu dâng cao trên khắp các đường phố Hà Nội và trên cả nước. Các tổ chức tự vệ, tổ chức Thanh niên cứu quốc được thành lập ở khắp mọi nơi và dường như không một người Việt Nam yêu nước nào đứng ngoài cuộc. Thời điểm lịch sử ấy, trước phong trào cách mạng của nhân dân dâng lên hừng hực như "nước vỡ bờ" nên địch đã phải rút lui, bàn giao cho các tổ chức cách mạng và việc giành chính quyền ở Hà Nội không có đổ máu. Chiều 19/8, tôi cùng một số anh em trong tổ trinh sát được phân công đến tiếp thu Sở Liêm phóng của địch ở giữa lòng Hà Nội".
Sau ngày Tổng khởi nghĩa, ông Nguyễn Cao được cử làm tổ trưởng một tổ trinh sát (điều tra về chính trị và hình sự) của Sở Liêm phóng Bắc Bộ do ông Chu Đình Xương làm giám đốc. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng các tổ chức Liêm phóng, Trinh sát, Quốc gia tự vệ (tiền thân của lực lượng Công an nhân dân sau này) đều chung một nhiệm vụ là đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Ba Đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước hàng chục vạn nhân dân thủ đô và các tỉnh lân cận. Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ buổi lễ tại vườn hoa Ba Đình. Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ Chu Đình Xương đã trực tiếp chỉ đạo kế hoạch bảo vệ lãnh tụ và các thành viên Chính phủ, bảo vệ an ninh trật tự cuộc mít tinh, chống mọi hoạt động phá hoại của kẻ thù. Hôm ấy, lực lượng trinh sát bí mật hóa trang trong dòng người dự mít tinh để phát hiện những hiện tượng nghi vấn, sẵn sàng ngăn chặn. Lực lượng cảnh sát được bố trí bảo vệ công khai các khối quần chúng, giữ gìn trật tự trong hàng ngũ những người dự mít tinh. Một số đồng chí được lựa chọn mặc trang phục, có súng ngắn hoặc súng trường để làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh lễ đài. Các chiến sĩ cảnh sát có trang bị vũ khí đứng thành hàng rào hai bên đường, từ nơi xuất phát của lãnh tụ và các thành viên Chính phủ đến lễ đài. Một số chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp hộ tống bảo vệ đoàn xe Chính phủ trên đường đi đến Quảng trường. Giám đốc Sở Liêm phóng Chu Đình Xương là người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ khi người rời phòng làm việc lên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, đến khi tiếp xúc với nhân dân.
Ông Nguyễn Cao xúc động kể lại: "Khoảng 8 giờ sáng ngày 2/9, anh Chu Đình Xương triệu tập các tổ trinh sát công an và nói với chúng tôi: "Hôm nay là ngày tuyên bố độc lập của đất nước, có tổ chức mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, và có Cụ Hồ đến dự lễ", rồi anh Xương phân công, giao nhiệm vụ cho anh em trinh sát chúng tôi trực tiếp bảo vệ, đứng trước lễ đài khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, để giữ gìn trật tự và đề phòng địch có thể tấn công. Lúc bấy giờ vườn hoa Ba Đình là một bãi đất rộng mênh mông có thể chứa tới hàng chục vạn người, phía bên phải là phủ Toàn quyền do Pháp xây dựng. Lễ đài đã được một số kiến trúc sư dựng bằng gỗ từ hôm trước, cao gần 5m, xung quanh phủ nhung đỏ, trên viền trắng. Khoảng 12 giờ trưa 2/9, các anh em trinh sát công an chúng tôi triển khai đứng vào các vị trí bảo vệ xung yếu. Lúc đó, tôi đầu trần, mặc sơ-mi ngắn tay và quần dài trắng, tay cầm súng ngắn. Một số trinh sát khác thì mặc quần soóc trắng, đội mũ cát như anh Nguyễn Dung. Thật ra lúc bấy giờ mới tổng khởi nghĩa được ít ngày, chúng tôi chưa được trang bị đồng phục, các trinh sát đều tự túc quần áo, có gì mặc nấy, thậm chí tự trang bị cả vũ khí, bản thân tôi khi tham gia khởi nghĩa cũng tự mua được một khẩu súng ngắn trang bị cho mình. Chiều 2/9 hôm ấy, trời trong xanh, ít mây, nắng mùa thu không gắt lắm. Khoảng 14 giờ chiều, Bác Hồ cùng với các thành viên Chính phủ đi xe từ Bắc Bộ phủ đến vườn hoa Ba Đình. Bác đi trên một chiếc xe ô tô con hiệu Citroen màu đen. Bác đi từ phía sau lễ đài lên. Lúc đó, ông Chu Đình Xương là người cầm ô che nắng cho Bác Hồ trong quá trình đứng trên lễ đài. Chỗ tôi đứng cách lễ đài chừng 3 mét. Khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, hàng chục vạn người dân xúc động lắng nghe. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, tôi vô cùng cảm động, vinh dự, tự hào khi dân tộc ta đã thoát khỏi ách nô lệ, đất nước ta đã giành được độc lập, người Việt Nam đã có một chính quyền mới do Bác Hồ lãnh đạo. Lúc ấy, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi. Đúng ra, với trách nhiệm người bảo vệ đứng trước lễ đài, anh em chúng tôi cũng khá căng thẳng, tai thì nghe tiếng Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập qua hệ thống loa phóng thanh, nhưng còn mắt thì phải chăm chú theo dõi mọi động thái diễn biến của biển người trước mặt. Lúc Bác đọc Tuyên ngôn, cả quảng trường lặng yên phăng phắc. Khi Bác hỏi: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?", cả biển người trào lên: "Có! Có!". Lễ Tuyên ngôn Độc lập diễn ra khoảng 1 giờ. Khi Bác Hồ rời lễ đài vẫy tay chào quốc dân đồng bào, cả một biển người trào lên náo nức".
Sau ngày 2/9 lịch sử ấy, ông Nguyễn Cao còn được một số lần bảo vệ Bác Hồ khi người đi công tác trong thành phố và tham gia phá một số vụ án liên quan đến bọn phản động. Cuối năm 1946, thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Năm 1947-1948, ông Nguyễn Cao làm Trưởng công an huyện Chương Mỹ rồi huyện Phú Xuyên. Năm 1950, ông ra Liên khu 3 theo học một khóa đào tạo chính quy và liên tục công tác trong lực lượng CAND qua suốt 2 cuộc trường kỳ kháng chiến. Năm 1975, ông có mặt trong đoàn công tác của ngành công an tiếp quản TP.Hồ Chí Minh. Năm 1978, ông được cử làm Cục trưởng Cục CSGT của Bộ Công an cho đến ngày về hưu với hàm đại tá.
Hai thiếu nữ kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập
Hai thiếu nữ mười chín, đôi mươi ngày ấy giờ đã lên chức bà, chức cụ. Lần theo lối cầu thang gỗ ngôi nhà cổ trên phố Ngô Quyền, Hà Nội, chúng tôi lên căn phòng ấm cúng của gia đình người thiếu nữ Hà Nội năm nào.
Năm nay bà đã ngoài 80, cái tuổi đã gần đất xa trời, thế nhưng, khi nói về những ấn tượng được kéo lá cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 cách đây đã 65 năm, bà trở nên nhanh nhẹn hơn. Người thiếu nữ Hà Thành được vinh dự kéo cờ tổ quốc trong ngày Độc lập đó là Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, con gái thứ tư của cố giáo sư Dương Quảng Hàm). Qua câu chuyện của bà, chúng tôi cũng được nghe nhiều về "cô du kích người Tày" Đàm Thị Loan cùng Lê Thi kéo cờ Tổ quốc trong ngày Độc lập.
Kéo cờ không được chuẩn bị trước
Nhớ lại giây phút lịch sử của ngày lễ Độc lập 2/9/1945, bà Lê Thi xúc động kể lại: Việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập của Tổ quốc là ngẫu nhiên, không hề được báo trước. Đang đứng trong hàng thì có người nói: "Các cô cử một người lên kéo cờ". Tôi đang đứng ở ngay đầu hàng, lại "mang tiếng" là cán bộ nên các đồng chí trong hàng đều nói "Thi lên đi". Thực sự, lúc đó tôi sợ lắm, tự nhiên nói lên kéo cờ là lên, chẳng được báo trước gì cả. Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, tôi "liều" bước lên (khi đó Lê Thi 19 tuổi - PV).
GS Lê Thi (người thứ 3 từ trái sang) cùng với các bạn trong những ngày đầu tham gia cách mạng
Lên đến nơi đã thấy một chị du kích người Tày đại diện cho An toàn khu đứng ở đó, chưa kịp hỏi tên nhau, hai cô gái đã được dẫn đến cột cờ chuẩn bị nghi lễ. Lúc ấy tôi nghĩ lại thời còn là học sinh trường Đồng Khánh, chiều nào tôi cũng phải cùng một bạn kéo cờ. Thế nhưng chúng tôi "nghịch" lắm, lại có ý chống đối nên kéo cờ lúc nào cũng trong tình trạng cái cao, cái thấp, nhiều khi lại làm cờ bị tắc tị. Còn bây giờ, đứng trước lá cờ Tổ quốc linh thiêng mà không được tập trước... sao mà run thế? Tôi lo lắm, mình kéo cờ nhỡ tắc thì sao? Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì có tiếng nói cắt ngang "chuẩn bị kéo cờ".
Tôi vội vàng nói với chị du kích người Tày: Chị thấp chị nâng cao cờ lên, em cao hơn sẽ kéo. Hai chị em thoả thuận như thế và "nín thở" kéo cờ. Đến khi lá cờ đã lên cao, tung bay trong bản nhạc "Tiến quân ca" tôi mới dám thở phào.
Cô du kích người Tày - vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái
Đó là cách gọi thân mật mà Lê Thi gọi chị du kích chưa biết tên ấy. Kéo cờ xong, người thì về hàng nữ du kích chiến khu, người về phụ nữ Hà Nội. Mãi đến tận năm 1989, khi hồi ký của Lê Thi được đăng trên báo kể về một "cô du kích người Tày", còn hồi ký của "cô du kích người Tày" lại nói về một cô thiếu nữ Hà Nội. Sau 44 năm xa cách, họ được gặp nhau tại buổi họp của Trung đoàn thủ đô ở Bảo tàng lịch sử quân đội. Lúc này họ mới biết tên họ của nhau, một người là Lê Thi (Dương Thị Thoa) còn người kia là Đàm Thị Loan.
Sinh năm 1926 tại Cao Bằng , người thiếu nữ dân tộc Tày đã sớm đến với cách mạng từ những ngày còn gian khó. Tròn 14 tuổi, bắt đầu tham gia hội Việt Minh, ở xã Bình Long, huyện Hòa An, Cao Bằng, từ đó Đàm Thị Thoa lấy bí danh là Thanh Xuân.
Cô gái người Tày này là một trong số 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trong lễ tuyên thệ (22/12/1944). Sau ngày Độc lập, bà Loan được giao giữ chức trung đội trưởng Đội tự vệ thành Hoàng Diệu, sau này chiến tranh xảy ra lại trở về chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, bà chuyển sang làm nhiệm vụ cơ yếu (Bộ Tổng tham mưu). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, bà lại có mặt ở Tây Ninh.
GS Lê Thi (người thứ 2 hàng sau
Bây giờ phu nhân của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, bà Đàm Thị Loan ở cùng người con trai trong căn nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Bà không thể nói chuyện được do biến chứng của tai biến mạch máu não, thế nhưng mỗi lần có người đến hỏi chuyện, bà luôn hướng ánh mắt dõi theo miệng người con trai thay bà kể về kỷ niệm đó.
Còn Lê Thi, sau cái ngày vinh dự ấy, bà lại hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc... Đến năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.
Bây giờ, khi tuổi đã cao, không còn đi được nhiều nữa, GS Lê Thi vẫn tìm niềm vui trong công việc, nghiên cứu, viết sách, viết báo... và đến thăm người bạn già Đàm Thị Loan.
TRÊN ĐƯỜNG ANH HOÀNG VĂN THỤ RA TRƯỜNG BẮN
Sau 5 tháng trời dùng mọi cực hình tra khảo mà không lấy được thêm tin tức gì, mật thám Pháp buộc phải giam anh Hoàng Văn Thụ(1)vào Hỏa Lò chờ xét xử.
Vừa bước chân vào Hỏa Lò, Hoàng Văn Thụ đã mang đến cho anh chị trong nhà tù một không khí phấn chấn. Anh cho biết tình hình thế giới có nhiều biến chuyển thuận lợi. Liên Xô bắt đầu phản công phát xít Đức Phe Đồng Minh có thể mở Mặt trận mới ở châu Âu. Anh vừa dự Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, thành lập Mặt trận Việt Minh. Đội du kích Bắc Sơn giờ đây đã trở thành Cứu quốc quân đang hăng hái phát triển lực lượng tiến lên chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Phong trào quần chúng cứng rắn hơn trước rất nhiều.
Vậy mà anh bị bắt!
Tháng 1/1944, chúng đưa anh ra trước tòa án binh, tuyên án tử hình!(2)
Những ngày sống trong xà lim án chém nhà tù Hỏa Lò, mặc dù cái chết kề bên nhưng anh Hoàng Văn Thụ vẫn bình tĩnh dồn sức lực vào viết những tác phẩm lý luận, kinh nghiệm vận động công nhân, phụ nữ, vận động binh lính địch. Nghe tin có một số đồng chí định tìm cách giảm án cho mình, anh đã nhắn: "Đừng tốn tiền vô ích". Quà bánh từ bên ngoài gửi vào anh chia ra, khuyên mọi người ăn để có sức chiến đấu. Anh Trần Đăng Ninh kể lại nguyên văn lời anh Thụ: "Tôi ăn vào chỉ tốt cho mấy gốc cây".
Trong số những đồng chí bị địch bắt giam vào Hỏa Lò thời gian này, bên trại tù nữ có chị Vân tức Hoàng Ngân(3), một người đã nhiều lần cùng đi công tác với anh Thụ. Từ xà lim án chém, anh Thụ đã gửi cho chị Vân một cái quạt giấy trên có bài thơ anh làm:
"Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đâu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành ".
Bài thơ không chỉ nói lên tâm sự, niềm tin tất thắng của người cộng sản trong hoàn cảnh hiểm nghèo mà còn là một tác phẩm văn học quý được truyền tụng đến ngày hôm nay.
Trong thời gian Hoàng Văn Thụ bị bắt giam, nhiều đồng chí đã tìm cách giải thoát cho anh nhưng chưa tìm được cơ hội thuận lợi.
Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ đã bàn việc cứu anh bằng cách bố trí một "cơ quan" ở Bắc Giang rồi bắn tin cho mật thám Hà Nội biết. Nếu chúng dẫn anh Hoàng Văn Thụ về đây thì đội du kích cảm tử sẽ xông ra cứu anh. Nhưng bọn Lanéc (Lanèque), Luýt (Lutz) giữ chặt anh Thụ trong xà lim.
Được tin sáng 24/5/1944, thực dân Pháp sẽ đưa anh Thụ đi bắn, lập tức một kế hoạch táo bạo cướp tù được tổ chức nhằm đánh tháo cho anh chạy thoát ngay trên đường ra pháp trường. Kế hoạch được báo cáo lên trên và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đều nhất trí tán thành.
Theo kế hoạch đã định, khi xe chở tù của nhà giam Hỏa Lò qua ngã tư Trung Hiền để rẽ xuống trường bắn Tương Mai thì một người sẽ giả vờ ngã xe đạp cản ô tô dừng lại cho các đồng chí có nhiệm vụ xông tới khống chế bọn lính canh trên ô tô, đưa anh Hoàng Văn Thụ xuống. Lúc này buổi sáng, người họp chợ Mơ tràn cả ra vỉa hè. Dưới lòng đường thì tàu điện, xe bò, xe đạp qua lại rất đông. Con phố Đại La, Bạch Mai hẹp, nhiều ngõ ngách, phía sau là làng xóm với nhiều đám ao, mồ mả. Chỉ cần dìu được anh Hoàng Văn Thụ vào một ngõ nhỏ là thoát? Nhưng trên xe, anh Hoàng Văn Thụ lắc đầu ra hiệu không nên động thủ. Vì bọn chúng không chỉ khóa tay anh mà còn xích chân anh liền vào với sàn xe ô tô. Anh không muốn vì mình mà thêm nhiều đồng đội khác phải hi sinh.
Chị Lê Thị Thanh còn có tên là An, một nữ đồng chí gan dạ, mưu lược chỉ huy trực tiếp cuộc giải thoát hôm ấy đành nuốt hận nhìn chiếc ô tô mầu đen bịt kín phía sau chở anh Hoàng Văn Thụ chầm chậm qua trước mặt. Nhưng các anh các chị lại chớp nhoáng hội ý, nảy ra ý kiến táo bạo mới: Cứu anh Hoàng Văn Thụ ngay tại cổng trường bắn, khi chúng vừa tháo xích đưa anh từ ô tô bước xuống đất. Những người có trách nhiệm đã phóng tới địa điểm quy định, chen trong đám đông dân chúng biết tin đứng chật bên đường để "xem bắn''. (Giặc có thông báo cho một số người vào chứng kiến nhằm khủng bố tinh thần nhân dân). Nhưng xe ô tô chạy thẳng vào trường bắn và bọn lính gác ngăn không cho người ồ ạt vào theo. Một lần nữa, ý định giải thoát không thành.
Đúng 6 giờ sáng, khi mặt trời vừa tỏa ánh bình minh, anh Hoàng Văn Thụ đứng hiên ngang, không cho quân thù bịt mắt. Hai loạt súng không át nổi tiếng anh hô vang:
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm !
Một quản giáo nhà tù Hỏa Lò đã kính phục kể lại những giờ phút cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ: "Khi cửa xà lim mở, anh Thụ được kèm sát, đi giữa hai hàng lính lê dương. Các quan tòa, mật thám, cố đạo đã chờ sẵn. Được mời hút thuốc lá, anh Thụ cầm hút, nét mặt bình thản. Một tên mật thám hỏi:
- Giờ phút này, ông có ân hận điều gì không?
Anh Thụ trả lời:
- Không có gì phải ân hận cả. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hi sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng".
Người quản giáo cúi đầu:
- Thật là một con người gang thép.
Chị Thanh cho biết thêm: Cũng trong kế hoạch dự kiến hôm đó, các anh các chị đã chuẩn bị một phương án chu đáo nhằm bảo vệ thi hài anh Hoàng Văn Thụ. Ông X. một quần chúng tốt ở gần Ô Cầu Dền đã đưa tiền đút lót cho những tên lính để ông được làm thay phần việc chôn cất người chết. Cái huyệt lấp đầy, nhưng xác anh Thụ đã được đưa tới bãi rác Ô Cầu Dền (địa điểm nay thuộc đê Tô Hoàng, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là nơi chôn những người tù chết trong nhà giam Hỏa Lò).
Thi hài anh được che đậy giữ gìn cẩn thận rồi trong đêm bí mật chuyển đi chôn ở Thanh Xuân. Đây là một nghĩa địa nhân dân vắng vẻ, có mấy cây phi lao mọc phơ phất, bên đường Hà Nội -
Hà Đông.
Mộ anh hùng, liệt sĩ Hoàng Văn Thụ tại Tương Mai từ sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, được xây cất đẹp đẽ, nhiều đoàn đại biểu tới thắp hương, đặt vòng hoa với lòng thành kính và tiếc thương vô hạn.
Cho tới khi nghĩa trang Mai Dịch xây dựng xong, Văn phòng Trung ương Đảng cất bốc hài cốt đồng chí Hoàng Văn Thụ về đây.
Hiện nay đồng chí Hoàng Văn Thụ nằm yên nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch, nhưng ở Tương Mai, nơi đồng chí hy sinh oanh liệt cũng có một nấm mộ và một tượng đài thể hiện người cộng sản Hoàng Văn Thụ trong tư thế hiên ngang trước quân thù, dũng cảm hi sinh vì tự do cho nhân dân, vì độc lập của Tổ quốc./.
Trần Khắc Cần
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh năm 1909, tại Văn Lãng, Lạng Sơn Năm 1925, đồng chí tham gia lễ truy điệu Phan Chu Trinh. Năm 1930, tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1939, làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Năm 1939, đồng chí là ủy viên Thường vụ Trung ương lâm thời. Năm 1941 là ủy viên Thường vụ chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 8/1943, bị địch bắt giam tại nhà tù Hoả Lò và kết án tử hình. Đồng chí bị xử bắn tại Hà Nội ngày 24/5/1944.(BBT)
(2)Toàn quyền Đông Dương chủ trương: bắt được ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thì cứ xử tử không cần thu thập đầy đủ chứng cứ.
(3) Đồng chí Phạm Thị Vân tức Hoàng Ngân, Thành ủy viên Hải Phòng, là người con gái đã đính hôn với đồng chí Hoàng Văn Thụ năm1939 (theo Đồng Khắc Thọ).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro