HOAANHTUAN DITICH HNOI
Đình Phượng Mỹ
Tên thường gọi là đình Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng huyện Thanh Oai. Xưa là trang Phượng Lịch, xã Phượng Lịch tổng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng. Đi theo quốc lộ 22 đến cuối phố Bình Đà rẽ trái vào đường 71 đến xã Tam Hưng (nơi có di tích chùa Bối Khê) có đường rẽ trái đi khoảng 800m là tới thôn Phượng Mỹ. Ngôi đình ở giữa làng.
Theo dân gian thì đình Phượng Mỹ có từ lâu đời. Khởi đầu quy mô nhỏ. Đến thời Nguyễn, hoàng triều Thiệu Trị thứ nhất (1841) hoàn thành việc tôn tạo ngôi đình này.
Cổng đình làm theo kiểu nghi môn, cột trụ biểu đèn lồng, hai bên làm cửa phụ 2 tầng 8 mái đắp giả ngói ống có đao cong. Hiện diện của đình gồm các công trình: Phương đình, Đại đình, Trung cung và Hậu cung. Hai bên là tả hữu mạc.
Phương đình 2 tầng 8 mái kiến trúc theo lối chồng diêm. Bốn cột chính to cao trên 5m. Phía dưới hệ thống chồng diêm với những hàng cột quân xung quanh. Mái đao cong vút đắp đầu rồng và kìm đuôi cong hoa lá ôm bờ giải. Giữa nóc là hai rồng chầu mặt nguyệt. Phía trước Phương đình có phù điêu tượng Hộ pháp đắp trên diện tường. Bốn mái trên biểu hiện dương, bốn mái dưới trải rộng biểu hiện âm. Trên bộ vì rường cốn đục chạm hoa văn tứ linh, tứ quý, long húy thủy... biểu hiện sự khát vọng mong trời đất mưa thuận gió hòa, để cầu sự được mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Ngôi đình chính làm kiểu chữ công (I) có Đại đình, Trung cung và Hậu cung. Những ngôi nhà này đều xây tường hồi bao quanh bít đốc. Mái chảy lợp ngói ri. Niên đại xây dựng vào thời Nguyễn. Kiến trúc các bộ vì làm theo kiểu thức chồng rường, bốn hàng chân cột. Những bộ rường cốn đục chạm hoa lá.
Ở đình Phượng Mỹ còn có những tác phẩm quý như: tượng nàng tiên thắt đại xanh xòe cánh tay như chim phượng. Tượng này giống tượng ở đình Ngọc Phúc (Quốc Oai), pho tượng thứ hai là Huyền Thông - vị thành hoàng được tạc theo kiểu tượng tròn ở tư thế ngồi chân chống, hai tay đặt trên đầu gối phong cách phương Nam, nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Ngoài ra còn có kiệu bát cống, long đình đều chạm trổ rồng phượng công phu sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Trong Hậu cung còn giữ được 22 đạo sắc và 1 cuốn thần phả, đạo sớm nhất vào năm Cảnh Trị thứ 8, triều Lê Huyền Tông (1670) ghi về sự tích thành hoàng thờ ở đình Phượng Mỹ là Huyền Thông. Ông là một tướng giỏi giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước ở thế kỷ thứ X.
Huyền Thông được phong làm Thái úy chỉ huy, đi đánh Ngô Nhật Khánh, Nguyễn Siêu, đều bách chiến bách thắng, các xứ quân không thể nào chống cự nổi đã góp phần vào sự dẹp loạn những cánh quân cát cứ.
Đất nước thống nhất, Bộ Lĩnh lên ngôi vua tự xưng là Đinh Tiên Hoàng đóng đô ở Hoa Lư, đặt niên hiệu là Thái Bình (970 - 979). Vua phong tước hiệu cho các công thần, Huyền Thông được là Thái úy thượng quốc đại vương. Sau đó, ông xin nhà vua được dùng 38 người ở Phượng Lịch và Hồ Liên làm gia thần giúp việc.
Huyền Thông vị tướng giỏi giúp vua Đinh dẹp loạn có ân nghĩa với Phượng Mỹ, sau khi mất được nhân dân xây cung miếu thờ tôn làm thành hoàng phúc thần của làng.
Đình Nhân Trạch
Tên thường gọi là đình Nhân Trạch thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông.
Từ Hà Đông theo hướng 6 đến ngã ba Ba La rẽ trái theo đường 22, đến chợ Xốm rẽ trái theo đường trục của xã đi thẳng là đến di tích.
Theo các cụ trong hội người cao tuổi kể lại thì đình vốn được dựng vào thời Lê Hoàn làm theo hướng Đông Nam, tới thời Lý được theo hướng Tây mà trước đó chỉ là một thảo am nhỏ. Đến cuối thế kỷ XVII mới gọi là làm đình, cho tới năm Minh Mạng 4 (1823) đình được xây gạch, khung mái bằng gỗ, để lại cho đến ngày nay. Ngôi đình làm theo kiểu chữ đinh có Đại bái, Hậu cung, bên ngoài là Tả vu, Hữu vu, chính giữa có Phương đình. Vào tháng 8 - 1945, đình là nơi tập hợp nhân dân khởi nghĩa, tháng 3 - 1957 nơi đây vinh dự được đón bác Tôn Đức Thắng về nói chuyện và căn dặn nhân dân xã bảo đảm sản xuất. Những năm chống Mỹ, ở đây cũng là cơ sở của hậu phương, nơi đón và điều trị các thương binh của Tổng cục Hậu cần và Viện Quân y 103 từ các mặt trận gửi về.
Đình Nhân Trạch là công trình văn hóa, đồng thời là công trình kiến trúc nghệ thuật của người xưa để lại làm theo kiểu chữ đinh gồm tòa Đại bái và Hậu cung. Tòa Đại bái là ngôi nhà ngang hình chữ nhật kiến trúc theo kiểu chồng rường cột cái nối với cột quân bởi một kẻ suốt có trang trí hoa văn hình rồng, kẻ ăn mộng qua cột cái đội bụng câu đầu kẻ chạy suốt ra đỡ tay mái, trang trí hoa văn hình vân xoắn. Tòa Đại bái có hoành phi bốn chữ chạm nổi đề "Thánh cung vạn tuế", ngay dưới là cửa võng cũng được sơn son thiếp vàng trang trí với nhiều đề tài long, ly, quy, phượng... thêm vào đó là các bông hoa như phù dung, hồng, sen, cúc, có thể nói đây là một tác phẩm nghệ thuật khá điển hình của thời Nguyễn.
Bên ngoài còn có phương đình kiến trúc theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong đắp đầu rồng tạo đường nét duyên dáng và mềm mại làm tăng thêm vẻ đẹp của kiến trúc cổ. Trên những lớp kiến trúc, điểm xuyết mảng trang trí nghệ thuật, đục chạm rồng, phượng, nhìn chung quanh đây là một kiến trúc thời Nguyễn đặc trưng được các nghệ nhân xây dựng lên và sáng tạo.
Các di vật đáng chú ý, có thể kể đến: 1 bát hương bằng gốm hai màu và một cỗ long bán đầu rồng có bài vị hình nhân thờ Thành hoàng là tác phẩm nghệ thuật thời Lê 2 bình hoa gốm sứ hoa men trắng hoa lam (thời Tranh). Ngoài ra còn nhiều di vật quý khác.
Theo truyền thuyết thì đình Nhân Trạch thờ vợ chồng Phương Dung và ông Đào Kỳ, đã theo cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh giặc ở sông Hát Môn. Đào Kỳ chiến đấu kiên cường và hi sinh anh dũng, thấy chồng chết bà cũng tự vẫn, đó là ngày 11 tháng 5. Từ đó ông bà được dân làng lập miếu thờ. Ông được phong là "Đào dũng quân tướng lược tế thế đại vương", bà được phong là "Phương Dung công chúa trinh tiết từ hoa đoan trang". Đình Nhân Trạch thờ Nhị vị đại vương nêu tấm gương sáng cho cháu con muôn đời. Trải qua bao thời đại gia phong sắc chỉ cho Nhị vị đại vương ở đình Nhân Trạch. Dân làng thường sửa sang miếu điện để thờ, hàng năm vào ngày 8 tháng giêng làng có tục tế lễ.
Chùa Ngọc Đình
Tên thường gọi là chùa Ngọc Ngọc Đình còn có tên chữ là "Thắng Phúc tự", xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai. Từ Hà Đông qua Ba La theo tỉnh lộ 22 đến km 28±200m thì gặp chùa Ngọc Đình ngay phía bên tay trái cách mặt đường chừng 50m. Chùa thờ Phật có từ lâu đời, cổng chùa mới được xây thêm vào năm cuối thế kỷ XX. Cổng chùa ngoảnh theo hướng Tây Nam, nhìn ra một cánh đồng rộng thoáng có một tòa Thượng điện tương đối rộng, nên nhìn tổng thể chùa có kiến trúc ngả sang lối chữ công (I), gồm Bái đường, Ống muống và Thượng điện ngoài sân chùa có cây cảnh và 3 bậc thềm gạch lên nhà Bái đường kiến trúc 3 gian 2 chái, mái đạo. Kiến trúc bộ vì 4 hàng chân cột, tổng cộng là 24 cột, cao 4m, kiến trúc vì thượng chồng rường, giá chiêng, con nhị và tiền kẻ hậu bẩy. Các xà ngang, xà dọc nhìn từ dưới lên gồm liên kết mộng với cột cái, cột quân, các trụ cốn đều có dấu sen nâng đỡ.
Ống muống nối Bái đường với Thượng điện làm kiểu hai hàng cột với các bộ vì chồng rường. Tiếp đó là nhà Thượng điện đặt tượng phật - (Tam bảo), kiến trúc Tòa Thượng điện có bốn đầu đao bằng vôi vữa, rêu phong, cổ kính. Đặc biệt nền tọa Thượng điện được tôn cao hơn tòa nhà ống muống và tòa Bái đường là dấu tích của ngôi chùa cổ.
Bước vào nhà Bái đường ta gặp bức đại tự: "Thắng Phúc tự", y môn chạy suốt hai cột cái, chia làm ba ô, hai ô bên bằng nhau. Phần trên là rồng chầu mặt nguyệt, dưới cùng là rồng cuốn trong ổ, rồng bay, rồng múa. Gian bên phải có bức đại tự "Chính ĐứcTrung" trang trí chim phượng biểu tượng cho sức mạnh của vũ trụ la. Trên cột cái treo câu đối:
Nhất phương chân thể cảm linh thanh
Vạn cổ thanh lam truyền thắng tích.
Trên cột gian bên trái, treo câu đối:
Thiên hạ anh hùng xưng đệ nhất
Thế gian tài tuấn quả vô song.
Theo các cụ cao niên của làng cho biết đôi câu đối này từ đình chuyển sang chùa xưng tụng đức thành hoàng là Đức thánh Cả, húy là Độc Cước thờ ở ngôi đình của làng ngay bên cạnh chùa. Gian bên trái này có treo một quả chuông đồng to cù lao đúc khối tượng rồng, vai khum nở thân thẳng có 4 núm nổi tròn xung quanh là hạt cườm viền. Thân chuông phân chia 4 khuông khắc chìm bài minh và dòng lạc khoảng niên đại tạo tác "Minh Mệnh thập nhị niên, ngũ nguyệt nhị thập thất nhật, Ứng Hòa phủ, Thanh Uy huyện, Canh Hoạch xã, Hạ thôn". Như vậy, Ngọc Đình xưa có tên là thôn Hạ, đến cuối thời Nguyễn mới mang tên là Ngọc Đình và quả chuông đúc vào năm 1831, năm mà tên Ngọc Đình chưa có. Gian bên trái còn một tấm bia hậu ghi tên của những người cung tiến tiền và ruộng để sửa chùa vào năm Tự Đức 35 (1882).
Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Ngọc Đình có một dàn tượng Phật đặt trên ba cung bằng gỗ sơn son thiếp vàng điêu khắc khá công phu. Đặc biệt là hai pho ông Thiện (ngồi trên mình con nghê) và ông Ác (ngồi trên mình con sư tử) thuộc loại hiếm quý. Hai pho tượng này với hình khối đường nét tạo tác đã thể hiện được tâm tính tiêu biểu của nhân vật. Pho ông Thiện tính từ bệ cao 3,10m, trừ phần bệ đi (33cm) còn 2,75m, chu vi tượng 5,20m. Pho ông Ác tính từ bệ cao 2,95m, trừ phần bệ đi cao 2,62m, chu vi tượng 4,20m. Rõ ràng sự to nhỏ ở đây có sự tính toán trước, ông Thiện là vì tiêu biểu của cái thiện nên phải lớn hơn, còn ông Ác tiêu biểu cho cái ác nên phải nhỏ hơn. Với hai pho ông Thiện và ông Ác này, người xưa muốn cho xã hội tăng thêm điều thiện, bớt đi điều ác. Đó cũng là một cảm xúc nhân bản của nhà nghệ sĩ điêu khắc dân gian.
Chùa Ngọc Đình còn một số di vật quý hiếm là chiếc hương án bằng đá từ thời Trần, thường gọi là bệ đá thời Trần. Và việc chùa Ngọc Đình còn lưu giữ được di vật quý hiếm này chứng tỏ làng Hạ thôn đã có từ thủa xa xưa, ít nhất là từ trước thế kỷ XIII. Đây là chiếc bệ đá dài 2,98m, rộng 1,25m, được gắn xếp công phu nơi Thượng điện. Bệ bằng đá xanh, mịn, mát, tuyệt vời, những đường gờ mềm mại uyển chuyển với rồng uốn, rồng lượn, những dấu chấm, những nhị hoa nhỏ xíu không sót một nét. Bệ đá gồm tám tầng nghệ thuật điêu khắc hoa văn ghép khít công phu, ngoài hình rồng chạm lối thời Lý, hai bức tượng Garuđa (người hình chim) cánh sen hai tầng úp ngược. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tuyệt mỹ của thời Trần, là biểu tượng muôn đời của tài hoa Đại Việt còn được lưu giữ trong một ngôi chùa cổ sau lũy tre xanh.
Tại khu di tích, một sự kiện lớn là năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đi thăm cán bộ và nhân dân xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, trên đường về thủ đô Hà Nội, Người đã nghỉ chân buổi trưa ở gốc đa Ngọc Đình. Có lớp học sơ tán, Bác Hồ đã ân tình hỏi chuyện thầy giáo và các cháu thiếu niên nhi đồng
Đình Kim Châu
Đình làng Kim Châu thuộc xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, ở bên tả ngạn bờ đê sông Đáy, giáp với khu dân cư của làng. Từ Hà Đông theo quốc lộ 22 đến km18, rẽ phải 2 km là tới di tích.
Đình Kim Châu ẩn hiện dưới những bóng cây cổ thụ um tùm, có một hệ thống cột trụ biểu, tường bao quanh được tu bổ theo lối cổ. Ngôi đình có kiến trúc chữ nhị (=) gồm hai đơn nguyên tòa Đại bái và Hậu cung. Hai bên có hai dãy nhà Tả mạc, Hữu mạc. Tòa Đại bái dài 12,1m, rộng 6,3m, chia 5 gian, mỗi gian 2,4m, riêng gian giữa rộng 2,5m. Đình quay hướng Nam về phía làng Đôn Thư, bên phải là đê sông Đáy bên trái là ao đình, phía sau là ngôi chùa làng. Đình còn có một cây muỗm cổ thụ hàng trăm tuổi, là chứng nhân lịch sử còn lại từ ngày khởi dựng ngôi đình, theo các dấu tích kiến trúc thì tòa Đại bái được xây dựng vào thế kỷ XIX, có bốn hàng cột gỗ, vì nóc kết cấu theo kiểu chồng rường. Tuy không có những mảng chạm gỗ lớn những đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng được chạm khắc ở các chi tiết như kẻ, bẩy, con rường, đấu kê, các đầu dư cũng khá công phu. Ở hai đầu hồi đắp nổi hai hình rồng (hổ phù) kèm với hoa văn chữ thọ, hoa văn lá lật và hoa văn cách điệu. Nội thất Đại bái còn được tô điểm bởi hệ thống hoành phi, câu đối, hương án và cổ vật. Ở vị trí chính giữa là bức hoành phi "Vi đức kỳ thị" (có đức thì sẽ thịnh vượng) và đôi câu đối "Kim cổ giang sơn hậu Phật tiền thần trung vượng khí; Địa linh nhân kiệt hình nhân bái tướng trợ linh thanh" (vùng đất xưa nay hậu thờ Phật, tiền thờ thần, thêm khí tốt; Đất thiêng người giỏi, con người thờ tướng, thêm pháp diệu huyền). Tương truyền tiến sĩ Nguyễn Hiền là người đã viết bức hoành phi câu đối ở đình Kim Châu. Truyền thuyết thường ca ngợi ông Nguyễn Hiền có tấm lòng nhân hậu, những năm đói kém phát chẩn cho dân. Còn ông Nguyễn Liễn là người giúp dân làng mua gỗ đinh làm đình, làm chùa.
Trong số các di vật bài trí ở tòa Đại bái đáng chú ý là bát hương bằng đá được chạm khắc và tạo dáng công phu. Di vật này có hai tai xòe ra trên miệng xung quanh bình hương trạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, rồng ngang cùng với hoa văn chữ triện và hoa văn cách điệu.
Tòa Hậu cung kiến trúc theo kiểu hai tầng mái, bốn hàng cột gỗ với vì nóc kết cấu theo kiểu chồng rường. Công trình hiện nay thuộc kiến trúc thời Nguyễn. Cửa võng Hậu cung có khắc hai bài thơ chữ Hán:
Bài thứ 1: Đinh Mão xuân tam nguyệt
Tuyệt cấu tráng thần cư
Sung từ lưu chính khí
Ức tải bộ chư tư.
Dịch: Mùa xuân tháng 3 năm Đinh Mão
Dựng đình nguy nga làm chỗ dựa của thần
Đây là nơi lưu giữ khí thiêng
Để nghìn năm phù trợ dân thôn
Bài thứ 2: Bàn cảnh linh từ cổ
Vu kim chung cấu tâm
Quy mô tăng thúc quách
Hương hoa ức thiên xuân
Dịch: Thành hoàng ở đình cổ
Nay sửa mới trùng tu
Ngàn năm hương lửa
Khuôn thiêng sáng quy mô
Năm Đinh Mão thời Nguyễn ở thế kỷ XIX chỉ có thể là năm 1867 (năm Tự Đức thứ 20), bởi vì đến năm Đinh Mão cũng thời Nguyễn ở thế kỷ XX lại là năm 1927.
Tòa Hậu cung ở gian giữa có khám thờ bằng gỗ, ba mặt lồng kính bên trong có ngai thờ thành hoàng uy linh đại vương có tên húy là An Lô.
Gian bên tả có bài vị thờ tiến sĩ Nguyễn Hiền. Gian bên hữu có bài vị thờ Nguyễn Liễn. Cả hai ông là người con có công với dân làng. Đình hiện còn 15 đạo sắc phong từ Thịnh Đức tam niên (1655) đến triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại.
Theo truyền thuyết đình Kim Châu thờ An Lô đại vương là Thành hoàng làng. Ngài nguyên là một vị tướng thời Lê có công đánh giặc phương Bắc, về sau mất tại Kim Châu. Câu đối đình làng Kim Châu còn ghi rõ:
Khí tráng Lê triều nhiên cổ địa
Uy vương châm địa vạn niên từ.
(Tráng khí ở triều Lê nghìn năm còn mãi,
Uy đại vương thờ ở miếu nơi đất này vạn vạn năm)
Hội làng Kim Châu mở vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) để tưởng nhớ ngày mất của vị Thành Hoàng.
Theo Di tích Hà Tây, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 1999
Chùa Khê Tang
Tên thường gọi là chùa Khê Tang, có tên chữ là: "Liên Trì tự" thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Ngôi chùa này cùng tọa lạc trên cùng mảnh đất với đình làng và ngoảnh hướng Tây, hợp với quy luật âm dương đối đãi nhằm cầu mong đức Phật và Bồ tát phù trợ nhân dân làm ăn phát đạt.
Trước mặt ngôi chùa là hồ nước cùng chung với hồ đình mang ý nghĩa lưỡng thủy hòa hợp. Mở đầu công trình kiến trúc là cổng tam quan được chuyển hóa thành một phần nghi môn. Công trình xây dựng vào đầu thế kỷ XX.
Ngôi chùa kết cấu kiểu chữ đinh, phía ngoài là Bái đường, nối từ gian giữa về phía sau là tòa Tam bảo. Ngôi chùa này đã nhiều lần tôn tạo, trùng tu, tu sửa dấu nét kiến trúc đậm nét vào thời Nguyễn. Tuy nhiên, niên đại khởi dựng có từ rất sớm, buổi đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ, đến thời Trịnh Tráng có Bà chúa họ Phạm đã dâng tiền của cùng toàn dân tôn tạo sửa chữa để biến ngôi chùa nhỏ thành ngôi chùa lớn khang trang mang tính chất trăm gian. Ở chùa còn tấm bia đá ghi việc hậu chùa của Bà chúa được nhân cách hóa như vị thần và được đặt trong khám để thờ. Thông qua nội dung văn bia chúng biết được vào đầu thế kỷ XVII vùng đất Khê Tang vốn rất sầm uất, việc Bà họ Phạm cung tiến tiền của công sức để làm chùa có mục đích đề cao Phật pháp, ngoài ra còn có ý nghĩa ca ngợi triều đình nhà chúa. Trên trán bia, riềm bia là nhiều lớp hoa văn đẹp như hoa lá cách điệu, linh thú... đó là những nét điển hình về nghệ thuật của thế kỷ này. Trong chùa Khê Tang còn có mộc bản ghi nhiều sự kiện lịch sử xây dựng chùa, tôn tạo lại chùa vào nửa thế kỷ XVIII. Bản mộc ghi chữ này là một di vật quý của chùa Khê Tang được làm vào triều Cảnh Hưng thứ 11 năm Canh Ngọ (1750). Kiến trúc ngôi nhà Bái đường với hệ thống bộ vì chồng rường, trên đó còn chạm tứ linh và những vân xoắn cách điệu mang tâm thức nông nghiệp cầu mưa, cầu mùa cho đời sinh sôi.
Hệ thống tượng Phật ở chùa về cơ bản có hai lớp tượng thời Lê và thời Nguyễn. Ở Tam bảo lớp tượng trên cao nhất là tam thế Phật, lớp thứ hai là Di Đà Tam tôn lớp thứ ba là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn, lớp thứ tư là Ngọc Hoàng đại đế và lớp thứ năm là tòa Cửu Long có tượng Thích Ca Sơ Sinh. Hiện nay, các pho tượng được sơn thiếp lại tạo sự uy nghi tác động đến nhận thức của phật tử hướng đến những điều thiện. Ngoài nhà Bái đường có ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng và hai vị hộ pháp: Khuyến Thiện, Trừng Ác. Gần đây nhân dân và các phật tử mới tiến dâng pho tượng Địa Tạng Bồ tát. Ngôi nhà Hậu còn gọi là đền Mẫu, nơi đây thờ Tam tòa Thánh Mẫu cùng Ngũ vị Tiên Ông, hai bên là hệ thống tượng chầu. Căn cứ vào kiến trúc và tượng thờ chúng ta càng biết được Khê Tang cổ xưa giàu có và giữ gìn được những giá trị văn hóa của bản sắc dân tộc mình.
Chùa Khê Tang được Bộ Văn hóa thông tin công nhận theo Quyết định số 18 VH/QĐ ký ngày 27 tháng 1 năm 1986 và cấp bằng di tích lịch văn hóa
Chùa Huyền Kỳ
Tên thường gọi là chùa Huyền Kỳ. Di tích có tên chữ là "Hiển Minh tự", thuộc thôn Huyền Kỳ, phường Phú Lãm, quận Hà Đông.
Chùa Huyền Kỳ và đình Huyền Kỳ cùng được xếp hạng tháng 1/1992.
Đây là một ngôi chùa lớn với lối kiến trúc cột và hệ thống tượng pháp đẹp, lại gần tỉnh lỵ nên từ lâu đời đã nổi tiếng với khách thập phương.
Ngoài sự bài trí tượng Phật như các chùa khác trong vùng, chùa Huyền Kỳ còn có hai động: động Thủy và động Tiên đắp cuốn vòm bằng đất luyện. Mỗi động có 157 pho tượng nhỏ là sự kỳ công. Ngoài ra còn hai bức phù điêu Thập điện Diêm Vương chạm nổi, sơn son thiếp vàng hiếm thấy.
Với hệ thống tượng pháp, động và hai hàng thập điện... chùa Huyền Kỳ là sự hiện diện độc đáo về mỹ thuật điêu khắc và đắp tượng tôn giáo ở Việt Nam, là kết quả lao động sáng tạo của nghệ nhân về nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn.
Chùa Huyền Kỳ có tới 335 pho tượng lớn nhỏ (kể cả ở hai động).
Vào chùa Huyền Kỳ qua cổng Tam quan, trên đó treo quả chuông lớn đúc vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825).
Nhìn tổng thể chùa cấu trúc theo kiểu chữ công. Qua Tam quan đến sân gạch rồi vào nhà Tiền đường. Tòa Tiền đường có 5 gian chính giữa có tấm cửa võng đục chạm nổi hoa văn. Bức đại tự ghi tên chùa: "Hiển Minh tự".
Ngôi chùa có lịch sử xây dựng lâu đời. Đến thời Nguyễn thời Thiệu Trị thứ 5 (1845) được tôn tạo lại để công trình kiến trúc đến ngày nay.
Đình Châu Mai
Tên thường gọi là đình Châu Mai thuộc xã Liên Châu, huyện Thanh Oai. Đi từ Hà Đông qua Ba La rẽ vào đường 22 qua thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) đi tiếp tới cột cây số 18km có đường liên xã rẽ trái đi tiếp 3km tới làng Châu Mai. Di tích ở giữa làng.
Ngôi đình thờ vị "Phủ Tế Minh Lang thần đại tướng quân". Ông là vị tướng giỏi giúp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta thế kỷ XIII.
Thân phụ quê ở Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Sau đó gia đình tới huyện Lương Giang, phủ Thiên Mạc để sinh sống. Khi lớn lên, Minh Lang bộ hành tìm nơi lập nghiệp tại xã Quế Sơn, huyện Thanh Oai. Tại đây ông chiêu mộ dân binh luyện tập binh khí. Lúc đó, khi Hưng Đạo đại vương mở Hội nghị Bình Than (1282) và ra chiếu toàn dân chống giặc Nguyên - Mông, thì Minh Lang cùng đại binh đã kéo về triều xin được giúp vua đánh giặc.
Minh Lang được trấn giữ trận địa Bạch Đằng Giang, phong chức là Tử hữu quân thần. Trong cuộc chiến đấu, đã anh dũng lập nhiều chiến công, góp phần vào chiến thắng đuổi quân Nguyên - Mông vào xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba.
Đình Châu Mai thờ vị đại tướng quân có công với nước. Đây là công trình kiến trúc thời Nguyễn, đời vua Thành Thái năm thứ 16 (1904). Khu di tích có nhiều tòa ngang dãy dọc như tòa Đại bái, Hậu cung, Tả vu, Hữu vu, cổng trụ biểu to lớn đồ sộ. Đình tọa trên thế đất:
"Quy ngư hạc chiều danh thắng địa
Quế hương mai trúc thái bình thiên"
Nghĩa là:
Ngôi đình nằm trên thế đất con rùa có hạc chầu là một danh thắng.
Dân làng Quế Sơn Châu Mai cùng thờ thần và cùng hưởng thái bình.
Ở đình có hai tấm bia đá: "Bia hậu giáp Quý" và " Bia hậu danh họ Phú" cùng với hàng chục hiện vật đồ thờ trang trí mỹ thuật đẹp như: hương án, kiệu, chóe, chiêng, đình. Hạc thờ...
Trên bộ vì chồng rường, cốn chạm những mảng hoa văn tứ linh, tứ quý, còn có các loài vật cua, cá, chuột mang đậm mầu sắc văn hóa dân gian.
Theo Di tích Hà Tây, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 1999
Chùa Canh Hoạch
Tên thường gọi là chùa Canh Hoạch, còn có tên chữ là "Diên Phúc tự" thuộc thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai.
Giá trị nghệ thuật nổi bật của ngôi chùa là hệ thống tượng Phật đồng nhất niên đại thời Nguyễn sớm. Tượng Phật được bài trí xếp thành hệ thống trên tòa Tam bảo có nhiều lớp.
Lớp thứ nhất ba pho Tam Thế
Lớp thứ hai: tượng A Di Đà
Lớp thứ ba: tượng Thích Ca giáo chủ.
Lớp thứ tư: Tượng Phật bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn.
Lớp thứ năm: tượng Tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh đang đứng ở giữa.
Ngoài ra còn một số tượng Đức ông, Thánh hiền, tượng Khuyến Thiện, tượng Trừng Ác... nghệ thuật tượng tròn thời Nguyễn hoa văn trên mũ, áo đặc tả được phong độ của từng nhân cách các pho tượng. Dáng đứng, thế ngồi và khuôn mặt thể hiện tính cách. Vào chùa Canh Hoạch như được vào một ngôi chùa khá trọn vẹn với hệ thống tượng Phật thời Nguyễn sớm.
Ngôi chùa có từ lâu đời, đến thời Nguyễn được nhân dân làm lại cho đến nay. Chùa xây dựng theo lối chữ đinh có thêm nhà Tổ và các công trình phụ phía sau. Ngôi Tiền đường kiến trúc các bộ vì theo hình thức tiền kẻ, hậu bẩy, bộ vì thượng theo lối chồng rường.
Di vật trong chùa ngoài hệ thống tượng Phật kể trên, còn có cây hương đá cao 24.5cm, đường kính 31cm hoa văn khắc: lá đề, rồng mây lửa, hoa chanh, một quả chuông thời Nguyễn cao 1.06m, đướng kính 53cm chuông 4 núm có những đường gờ nổi và những đường triện hoa chanh chạy vòng quanh. Ngôi chùa này có ba bát hương bằng đá tạo vào thời Nguyễn.
Đình Yên Lạc
Đình thôn Yên Lạc nằm ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Thôn Yên Lạc có tên nôm là Gượm.
Đình nằm trên một roi đất cao hình hàm hổ, trông ra sông Tích. Trước cửa đình có đôi voi phục chầu vào nhà thánh, làm bằng đá ong, một vật liệu sẵn có ở huyện Thạch Thất. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm ở địa phương, ít gặp ở các địa phương khác.
Khu di tích kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm nhà Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 5 gian hai chái với 6 hàng vì, hai tần tám mái. Vì kèo làm theo kiểu chồng rường con tiện và kẻ bẩy. Lối kiến trúc này tránh sự nặng nề, tạo cho công trình dáng vóc thanh thoát. Nghệ thuật điêu khắc ở Đại bái đình Yên Lạc đậm chủ đề tứ linh, tứ quý, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Hậu cung kiểu chữ nhất, nằm song song với Đại bái, bên trong đặt khám thờ, phía trên treo bức hoành phi lớn có hàng chữ sơn son thiếp vàng: "Thượng đẳng tối linh từ", chứng tỏ đình Yên Lạc là một quần thể đình và đền kề liền nhau. Khán thờ đặt bài vị ba vị Thành hoàng làng, chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Ngoài ra đình Yên Lạc còn giữ nhiều đồ thờ tạo tác ở thời Nguyễn, như bốn bộ kiệu rước, hai hương án thờ kép và đơn.
Đình Yên Lạc thờ ba vị Thành hoàng là Trung Công, Hoằng Công và Dũng Công. Trung Công, Hoằng Công là anh em ruột, Dũng Công là em họ vốn quê ở vùng Thiên Trường (Nam Định), đến ngụ cư ở làng Yên Lạc. Lớn lên văn võ song toàn, ba anh em trở thành các vị tướng của Tản viên Sơn Thánh giúp vua Hùng đời thứ 18 chống giặc bảo vệ bờ cõi đất Văn Lang. Đình còn phụ thờ Nguyễn Kính, một danh thần nổi tiếng ở nhà Mạc quê ở xã Di Nậu huyện Thạch Thất.
Hội làng Yên Lạc mở ngày 12 tháng giêng. Dân thôn có tổ chức vật và múa gậy thờ Thành hoàng làng
Vườn quốc gia Ba Vì
Vườn quốc gia Ba Vì được mệnh danh là "lá phổi xanh" của Hà Nội thành lập năm 1991, cách thành phố Sơn Tây 15 km và cách trung tâm thành phố Hà Nội 50 km về phía Tây. Đây là khu rừng nguyên sinh nằm trên dãy núi Ba Vì hùng vĩ với hệ thực vật nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình ở Việt Nam. Từ đầu thế kỉ 20, Ba Vì đã là địa danh nổi tiếng nhờ sự đa dạng của các hệ sinh thái và có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ.
Từ trung tâm Hà Nội đi theo hướng Tây khoảng 65km, nhìn về phía tay trái trong làn mây trắng bảng lảng, du khách đã thấy núi Ba Vì mờ ảo xuất hiện. Và rồi du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên ngỡ ngàng khi bước vào không gian lung linh huyền ảo của Vườn quốc gia Ba Vì. Không còn cái nóng bức ngột ngạt của thành phố, cũng không còn cái ồn ào bụi bặm của xe cộ đông đúc, mà chỉ còn cái hương vị lành lạnh của núi rừng, cây cối, tiếng chim hót véo von, tiếng suối chảy róc rách khiến tâm hồn người du khách thư thái, lâng lâng. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, một khoảng mây trời, sông nước, núi rừng hùng vĩ ẩn hiện trong những dải mây bàng bạc khiến du khách như đang lạc vào một cõi thần tiên, tĩnh lạ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro