hoa tường vy mùa hạ 2
Chương 10
Mùa hè qua đi và mùa thu lại đến, tôi gặp lại con Vy vào ngày khai giảng và bắt đầu năm học mới cùng nhau. Năm học lớp Tám, bọn lớp tôi có phong trào sưu tầm những bài thơ, và con Vy cũng không ngoại lệ. Tất cả là do cô Thu Thủy, giáo viên dạy Ngữ Văn mới của chúng tôi. Những tiết học của cô thường trôi qua rất nhanh, cô không cho chúng tôi chép bài nhiều mà chỉ ghi lại những từ khóa trong bài giảng của mình trên bảng, sau đó bắt chúng tôi phải tự diễn giải ra phần còn lại. Vì vậy, mỗi tuần cô đều tranh thủ được khoảng mười lăm phút trong một tiết học nào đó. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, chúng tôi lại được nghe những bài thơ do chính cô viết, với cảm hứng lấy từ chính câu chuyện về mối tình đầu đầy mơ mộng. Tôi chẳng biết những câu chuyện của cô có thật hay không, nhiều đứa cũng cảm thấy có vẻ hư cấu, nhưng đứa nào cũng thích được nghe kể chuyện như vậy.
Ở cái giai đoạn đầy biến động trong tính cách của con người ấy, cô Thủy đã trải ra những lăng kính màu hồng để chúng tôi nhìn vào thế giới xung quanh. Dưới tác động của cô, tôi cũng bị ảnh hưởng đôi chút, hoặc có thể nhiều hơn tôi tưởng. Tôi cảm thấy những nhà thơ tài thật, chỉ cần vài dòng là có thể tóm gọn hết cả câu chuyện dài hay tâm tư của bản thân trong đó. Và tôi bắt đầu thích đọc những bài thơ. Nhưng không giống như những đứa khác trong lớp, chúng mua hẳn vài tập thơ để chuyền tay nhau, còn tôi thì chỉ có thể lục lọi những cuốn sách Ngữ Văn cũ của chị Nhã để lại. Những cuốn sách mà tôi chưa học tới.
Một buổi tối tháng Mười Hai, trời mưa tầm tã dội lên mái tôn nhà tôi, tạo nên những tiếng lộp bộp không ngừng. Sau khi lấy cái thau và bỏ một cái giẻ vào để hứng nước mưa ở chỗ dột gần bàn học, và những chỗ khác nữa, tôi lại cắm cúi đọc thơ. Tôi đọc bài thơ Tương Tư của Nguyễn Bính một lần, hai lần, rồi ba lần. Tôi không biết Nguyễn Bính tương tư ai, nhưng tôi thấy mình có chút nhớ con Vy, dù vừa gặp nó lúc chiều. Tôi chống cằm lên bàn, lắng nghe tiếng mưa bên ngoài cửa sổ và bắt đầu suy nghĩ những thứ linh tinh. Không biết giờ này con Vy đã ăn cơm chưa, nó đang làm gì, đang học bài hay đang đọc truyện, trời mưa như thế này nó có thấy lạnh không? Hình bóng của nó cứ hiện lên trong đầu tôi, với gương mặt nhìn nghiêng từ một bên, giữa những tia sáng chiếu vào từ cửa lớp. Tôi nghĩ về điều đó và ngồi cười một mình. Chắc là tôi "tương tư" con Vy rồi. Và dường như có một giọng nói thôi thúc trong đầu, tôi tìm cuốn vở Giáo Dục Công Dân và xé một tờ giấy trong đó. Rồi như một ông đồ già, tôi nắn nót viết lại bài thơ của Nguyễn Bính.
Có một điều trùng hợp là ở trên lớp, con Vy cũng ngồi về hướng Đông của tôi. Vì vậy mà câu đầu của bài thơ đã được tôi tô đậm hơn những dòng còn lại. Giờ học chiều hôm sau, tôi mượn nó cuốn vở soạn bài Ngữ Văn đem về nhà. Cầm cuốn vở trên tay, tôi mân mê những nét chữ xinh xắn, hít thở hương thơm của mùi mực và giấy vở. Con Vy dùng một loại bút rất đặc biệt, mực có mùi thơm chứ không như cây bút tôi đang dùng. Tôi đưa tay lướt trên những trang giấy mịn màng, tưởng như đang được nắm bàn tay mềm mại của nó. Tôi cẩn thận kẹp "bức thư tình" của mình vào giữa cuốn vở, không nỡ cất đi mà ôm "nó" ngủ tới sáng.
Chiều hôm sau, tôi trả lại cho con Vy cuốn vở soạn bài. Nhìn nó cất cuốn vở vào trong cặp, lòng tôi nhảy nhót lên những cảm xúc hồi hộp. Nhưng hai ngày trôi qua, vẫn chẳng có điều gì xảy ra khiến tôi có chút lo lắng. Đến chiều thứ Hai tuần sau đó, con Vy hỏi mượn tôi vở bài tập Đại Số và trả lại vào thứ Ba, kèm một tờ giấy. Nó viết cho tôi bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Nhìn những dòng chữ màu tím dễ thương như cái đứa viết ra chúng, tôi có cảm giác khác hẳn khi đọc những câu tương tự trong cuốn sách. Tôi thấy như lòng mình đang cuộn sóng. Cầm tờ giấy mỏng manh trên tay, soi dưới ánh đèn, tôi bắt đầu xoay mình như đang khiêu vũ. Tôi lại ngồi vào bàn học, xé một tờ giấy trong cuốn vở Giáo Dục Công Dân và lại nắn nót viết từng câu trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
Như lần trước, tôi lại mượn con Vy một cuốn vở rồi kẹp bài thơ vào giữa. Và vài ngày sau, tôi nhận được một bài thơ khác của Xuân Quỳnh - Thuyền Và Biển. Tôi định viết tiếp cho nó một bài thơ nữa từ trong cuốn sách Ngữ Văn của chị Nhã, nhưng sau đó lại thấy không còn nhiều bài có thể dùng được. Nếu cứ như vậy thì sớm muộn cũng chẳng còn gì để tôi viết lại nữa. Tối hôm đó, tôi đạp xe ra Siêu Thị Sách ở cuối đường Lê Thành Phương và tìm đọc những bài thơ. Mất hơn một tiếng đồng hồ đứng giữa các hàng sách, tôi tìm được bài thơ Xa Cách của Xuân Diệu, trong một cuốn sách nhỏ. Tôi đọc thêm vài bài thơ khác nữa thì thấy cũng khá hay nên quyết định sẽ mua cuốn đó. Nhưng khi đến trước quầy tính tiền, tôi sờ vào trong túi và nhớ ra là mình chẳng còn đồng nào cả. Tôi vừa dùng hết số tiền dành dụm được để mua cái hồ mới cho lũ cá của mình.
Cầm cuốn sách về lại nơi mà mình đã lấy xuống, tôi đặt nó vào chỗ cũ và đứng đó khoảng năm phút. Thật sự là một cuốn sách hay, nhưng nếu để dành tiền tới khi mua được nó thì cũng mất một hay hai tuần, mà tôi thì không đợi được lâu như vậy. Cuối cùng, tôi quyết định làm một trong những việc mà mình ghét nhất trên đời: Học thuộc lòng. Tôi ghét phải ngồi nhìn vào từng chữ từng chữ trong sách giáo khoa hay cuốn vở ghi và lẩm nhẩm như tụng kinh, cho tới khi nhớ được chúng, rồi lại quên hẳn sau kỳ thi cuối năm.
Tôi lấy cuốn sách ra khỏi giá lần nữa, lật tìm bài thơ Xa Cách khi nãy rồi bắt đầu đọc. "Không giống với văn xuôi, những bài thơ cần phải đọc theo vần điệu thì mới dễ đọc, dễ nhớ và dễ thấm được" - cô Thủy nói như thế. Và quả thật làm theo lời cô khiến tôi thấy dễ ghi nhớ hơn nhiều, nhưng mất hơn ba mươi phút tôi vẫn chỉ thuộc được bốn khổ đầu.
Việc học trộm thế này đã khó, mà còn bị nhìn chằm chằm vào người thì lại càng khó hơn nữa. Giữa mỗi dãy sách đều có một chị gái mặc áo dài màu hồng ngồi trông sách, và chỗ tôi đang đứng cũng như vậy. Có lẽ việc tôi ở lỳ một chỗ quá lâu khiến chị ấy chú ý. Chốc chốc, chị ấy lại rảo bước dọc lối đi giữa hai hàng giá sách để sắp xếp mọi thứ ngăn nắp như cũ. Tôi cảm giác có một đôi mắt cứ nhìn vào mình và không thể nào tập trung được. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng đứng đó và nhồi nhét từng câu thơ vào đầu, cho tới khi Siêu Thị Sách đóng cửa vào chín giờ tối. Tôi về nhà và lập tức ngồi vào bàn học, ghi lại tất cả những gì mình nhớ vào một tờ giấy, và tôi chỉ nhớ được một nửa bài thơ. Truyện Trinh Thám
Tối hôm sau, tôi lại chạy ra đó lần nữa để đọc trộm. Thật may là tôi chỉ mất thêm một buổi tối để học thuộc bài thơ, và sửa lại vài chỗ chưa đúng của hôm trước. Tôi xé một tờ giấy khác, nắn nót viết lại nội dung từ bản nháp rồi lại gửi đi như vẫn làm. Kể từ sau bài thơ Xa Cách ấy, con Vy ngồi xích lại gần tôi hơn. Cái bàn ba người, giờ hai chúng tôi chỉ ngồi một nửa, một nửa còn lại nhường cho đứa ở đầu bên kia. Cứ như thế, cách vài ngày, chúng tôi lại gửi cho nhau một bài thơ. Nó toàn gửi cho tôi những bài thơ của Xuân Quỳnh, có lẽ nó thích nhà thơ này. Còn tôi thì cũng bắt đầu quen với việc đọc trộm thơ rồi về nhà chép lại. Một hôm, khi đang mải mê trong những vần thơ, một giọng nói êm dịu vang lên từ phía sau tôi:
- Em trai có vẻ thích đọc thơ nhỉ.
Tôi giật mình gập cuốn sách rồi quay lại. Là chị gái vẫn thường ngồi ở gần cái kệ sách nơi tôi đang đứng.
- Chị chưa thấy đứa nào ở tuổi em thích đọc thơ đến vậy.
- Dạ, - Tôi lo lắng nói, không biết việc đọc chùa như vậy có bị kết án hay không - Cũng hay mà chị.
Chị ấy mỉm cười nhìn tôi, rồi lại nhìn cuốn sách trong tay tôi. Chị đi vài bước dọc theo hàng sách rồi quay lại, vẫy tay gọi tôi. Thấy tôi vẫn đứng im như tượng, chị mỉm cười. Ngón tay chị giơ lên ngang tầm mắt, đung đưa trên từng gáy sách. Chị rút ra một cuốn mỏng như cuốn vở nhưng nhỏ hơn và đi đến chỗ tôi.
- Em đọc thử đi, có mấy bài thơ hay lắm, đọc cho bạn gái nghe là khỏi chê.
- Cả.. m.. cảm ơn chị. - Tôi cầm cuốn "Thơ Nguyễn Bính" trong tay và nói, bất ngờ với những gì đang diễn ra.
- Không có gì đâu, - Chị cười nói - Em làm chị nhớ tới đứa em trai ở quê, cũng tầm tầm tuổi em vậy nè. Mà em cứ tự nhiên đọc đi, chỉ cần đừng làm hỏng sách với cất lại chỗ cũ giúp chị là được.
- Dạ. - Tôi gật đầu.
Tôi không nhớ rõ mặt, cũng không biết tên chị ấy, chỉ nhớ rằng chị có một nụ cười rất đẹp cùng một giọng nói rất ngọt ngào. Vậy là từ đó, tôi bắt đầu viết thơ của Nguyễn Bính cho con Vy, còn nó thì vẫn viết cho tôi những bài thơ của Xuân Quỳnh. Đôi lúc, tôi tưởng chúng tôi đang hóa thân thành Nguyễn Bính và Xuân Quỳnh, ngày ngày gửi thơ tình cho nhau. Dù sao thì đó cũng chỉ là suy nghĩ của tôi thôi, nhưng thơ của họ đã giúp tôi và con Vy mỗi lúc một gần nhau hơn. Chúng tôi viết cho nhau ngày một nhiều, không rõ là bao nhiêu nữa. Đến cuối năm học, khi xấp thơ tình đã khá dày, tôi gỡ tờ bìa của một cuốn vở cũ, đặt những bức thư ấy vào trong rồi cẩn thận kẹp lại.
Chương 11
Mùa hè năm lớp Tám là một quãng thời gian đáng nhớ, vì chẳng có gì để nhớ ở đó cả. Những thứ trống rỗng vẫn thường khiến tôi có nhiều cảm giác về nó hơn là những thứ khác. Tôi dành toàn bộ thời gian trong kỳ nghỉ ấy của mình chỉ để làm một việc, đó là nằm viện. Ai mà không ghét bệnh viện chứ, cái mùi đặc trưng của nó làm tôi thấy khó chịu, và những câu chuyện ma khiến tôi không thể nào ngủ ngon giấc. Vậy mà tôi vẫn phải nằm một chỗ ở nơi đó, rất lâu, trên cái giường bệnh lúc nào cũng khiến tôi cảm thấy ngứa ngáy. Nguyên nhân của chuyện này là tôi bị gãy vài chỗ trong người, sau khi cố lao vào một chiếc xe tải đang chạy trên đường.
Lễ tổng kết năm học vừa kết thúc, lớp tôi tổ chức liên hoan tại một quán ăn nhỏ, tuy hơi xa trung tâm thành phố nhưng đồ ăn lại rất ngon. Không có chuyện nhậu nhẹt say xỉn gì cả, vì bọn tôi vẫn còn nhỏ và có cô chủ nhiệm ở đó nữa. Bọn tôi chỉ uống nước ngọt và ăn thôi. Tối hôm ấy, con Vy có việc phải sang nhà dì, nhưng nó chỉ chợt nhớ ra khi đang chở tôi từ buổi liên hoan về. Vậy là tôi phải đi bộ cả đoạn đường dài còn lại. "Xin lỗi, tao quên mất chuyện này" - nó nói như thế và đạp xe đi, để tôi bơ vơ một mình giữa đường khuya vắng vẻ.
Đường về nhà hơi xa, tôi vừa đi vừa hát để cho đỡ chán. Đôi lúc, tôi lại ngắt một chiếc lá đặt lên môi và thổi ra những âm thanh "te te", hoặc đá mảnh gạch ống bị vỡ hay cái chai nhựa trên vỉa hè. Có vẻ như những việc đó giúp tôi quên đi thời gian được phần nào. Tôi cảm thấy hơi bực mình về việc con Vy để mình giữa đường rồi bỏ đi như vậy. Nếu nó nhớ ra cái việc quan trọng đó sớm hơn thì tôi đã tự đi xe của mình hoặc nhờ một đứa khác chở về. Nhưng dù sao thì chuyện cũng đã qua, tôi dẹp những suy nghĩ ấy sang một bên và cố đi cho nhanh.
Đã hơn chín giờ tối, đường phố vắng tanh không một bóng người, chỉ có những tàn cây đung đưa trong tiếng gió vi vu. Những bước chân của tôi thoăn thoắt trên vỉa hè, nhờ chút ánh vàng le lói của ngọn đèn rọi lại từ xa, cùng những tia sáng trắng mờ từ vài ô cửa ven đường.
Qua nhà ga được một đoạn, tôi chợt thấy một bóng người đang đi theo hướng ngược lại với mình. Mái tóc xõa qua vai, che đi một phần gương mặt. Cái váy trắng dài đến tận gót chân khiến tôi không thể nhìn ra được người đó có đang nhón lên hay không. Hai tay người đó thì đang ôm chặt một vật không rõ hình thù. Khi tới gần hơn, tôi thấp thoáng nhìn ra đó là một đứa con gái, và sự xuất hiện của nó làm tôi có chút sợ.
Nhớ lại lời mẹ dặn, tôi cố gắng nín thở, bước đi một cách bình thường và giả vờ như không nhìn thấy gì. Cứ thế, một cách từ từ, chúng tôi bước qua nhau mà không có chuyện gì xảy ra. Tôi liếc nhìn thoáng qua và thấy được một gương mặt rất dễ thương. Nhưng hình như nó đang khóc, và tiếng thút thít nhỏ nhẹ của nó cứ văng vẳng bên tai tôi. Cảm thấy có chút tò mò, cùng một chút sợ, tôi chầm chậm quay đầu lại để xem thử có gì bất thường không, và sẵn sàng chạy đi nếu cảm thấy không ổn.
Đứa con gái vẫn bước đi về phía trước, một cách chậm rãi, cứ như bị mộng du vậy. Tuy nhiên, đôi mắt mà tôi vừa thấy nói lên rằng không phải. Vài chiếc lá rơi trên người nó, dừng lại một chút rồi chạm xuống mặt đường. "May quá, là người thật" - tôi thở phào.
Rồi một bức màn sáng hiện lên trong mắt tôi, và mỗi lúc một sáng hơn. Ánh sáng cũng bao phủ khắp người đứa con gái, và đang nuốt chửng bóng hình nhỏ nhoi ấy một cách từ tốn. Tôi biết là cái gì sắp tới, nhưng con bé ấy không tránh đi. Nó đứng đó, như đang chờ đợi để đón nhận nguồn sáng đến với mình. "Sao vậy?" - tôi tự hỏi, nhưng không ai trả lời, và thời gian cũng không cho phép tôi chờ đợi câu trả lời. Tôi bắt đầu chạy, chạy và chạy, dường như trái tim và bản năng bên trong thúc giục rằng tôi phải làm thế. May thay, tôi đã làm được, tôi kịp đẩy đứa con gái ấy ra khỏi đường đi của chiếc xe tải đang lao tới. "Là người thật" - tôi lẩm bẩm trong miệng và nở một nụ cười. Ánh sáng chói lóa bao trùm trong mắt tôi, tiếng còi xe như muốn xé rách màng nhĩ. Và "phựt", giống như có một ngọn nến vừa tắt đi, mọi thứ xung quanh tôi trở nên tối đen như mực.
Tôi giật mình mở mắt ra, ánh nắng hắt qua cửa sổ làm tôi phải nhắm nghiền lại ngay sau đó. Mất vài giây chớp mắt liên hồi, tôi mới có thể quen được với ánh sáng ban ngày. Một cơn gió nhẹ thổi qua làm tung bay tấm rèm cửa màu trắng, nói với tôi rằng tôi đang ở đâu. Tôi cố ngồi dậy nhưng chẳng còn chút sức lực nào. Cả người tôi bị băng bó tùm lum như một xác ướp, chỉ chừa lại cái đầu, còn xung quanh là cả đống dây nhợ lòng thòng khắp nơi. Cái giường phía dưới tôi còn cứng hơn cả tấm phản ở nhà bà nội, nó làm lưng tôi đau kinh khủng. Tôi không còn chút cảm giác gì về cơ thể mình nữa, trừ cái lưng.
- Tỉnh rồi à? - Con Vy gấp cuốn truyện, nhai vội miếng táo trong miệng rồi bước tới, đặt bàn tay lên trán tôi. Lúc này nó y chang mẹ tôi vậy, mỗi lần thấy tôi bị bệnh là lại sờ lên trán xem có sốt hay không.
Tôi gật đầu, cảm giác mấy cái khớp cổ cứng ngắc, giống như cái bản lề của cánh cửa ở nhà, khô dầu và rỉ sét. Tôi cố nhoài người dậy lần nữa nhưng không được.
- Nằm im coi, tao đập chết bây giờ. - Nó đè đầu tôi xuống giường và la lên, bộ dạng rất hung dữ.
Không có chút sức lực nào để phản kháng, tôi chấp nhận nằm đó. Tôi đưa mắt lên trần nhà được sơn màu trắng, chăm chú nhìn vào mấy vệt ám vàng mà chẳng hiểu mình đang tìm kiếm điều gì. Thấy tôi trở nên ngoan ngoãn, con Vy chạy ra ngoài và để tôi lại một mình. Một lát sau, nó quay lại cùng với một ông già và một chị gái đeo kính, cả hai đều mặc áo trắng. "Chắc là bác sĩ với y tá" - tôi nghĩ. Ông già nhìn tôi, lấy đèn pin soi vào mắt, miệng, tai rồi hỏi đủ thứ, còn chị gái thì đứng bên cạnh ghi ghi chép chép. "Cháu rất may mắn đấy" - ông bác sĩ nói. Rồi ba người bọn họ dắt nhau ra ngoài, nói gì đó mà tôi không nghe rõ. Con Vy quay lại và cầm cuốn truyện lên đọc, trông vẻ mặt dễ chịu hơn khi nãy.
- Mày, không, đi, học, à.. - Tôi thều thào nói không ra hơi.
- Nghỉ hè rồi còn học hành gì - Nó lại đưa tay lên trán tôi - Mày có bị gì ở đầu không vậy?
- Ờ, quên.
- Nói ít thôi, nghe giọng mày hệt như mấy ông già sắp xuống lỗ ấy.
- Mẹ, tao, đâu?
- Cô Hiền về rồi - Nó nói - Mấy đêm liền không ngủ vì lo cho mày đó, cũng phải để cô ấy nghỉ ngơi chứ.
- Ờ.
- Ăn táo không? - Nó cắn một nửa miếng táo rồi đưa cho tôi.
Tôi lắc đầu, nhưng nhận ra mình chỉ lia được đôi tròng mắt qua lại.
- Hỏi thế thôi chứ mày chưa ăn mấy thứ này được đâu - Nó bỏ nửa miếng táo còn lại vào trong miệng, nhai ngấu nghiến - Mày còn yếu lắm.
Nó cầm cuốn truyện lên định đọc, nhưng cứ giữ lại ở đó và nói:
- Mà nói cho mày biết, không phải tao quan tâm lo lắng gì mới đến đây đâu. Mẹ tao lại đi công tác, ở nhà không có gì làm nên tao qua đây xem cái bộ dạng thảm hại của mày như thế nào thôi. Mày nghĩ gì khi làm như vậy hả, muốn làm siêu nhân chắc. Giờ thì hay rồi, nằm một đống như chó chết. Không hiểu sao mày lại ngu như vậy nữa.
Nó uống một ngụm nước rồi nói tiếp:
- Mà công nhận là mấy đứa ngu thường sống dai thật, bị xe nó ủi như vậy vẫn không chết. Mày á, lần sau làm gì cũng suy nghĩ kỹ giùm, lỡ mày đi thật thì tao.. thì cô Hiền, chị Nhã làm sao. Hai người họ thương mày như vậy.. Nhắc mới nhớ, chả biết bà Nhã khi nào về nữa, học cái gì người ta nghỉ hè hết rồi mà vẫn còn học. Thôi, không nói nữa, giờ nói mấy cái này với mày khác gì nói với cục đá, tao đọc truyện tiếp đây.
Lật được hai trang, nó lại bắt đầu huyên thuyên đủ thứ chuyện lần nữa, đôi khi nó còn lặp lại những câu đã nói trước đó. Nó làm tôi nhớ tới bà nội, có thể nói cả ngày mà không biết chán. Cả buổi sáng mà nó vẫn chưa đọc được một nửa cuốn truyện trên tay, nhưng cái dĩa táo thì bị nó ăn sạch. Công nhận nó ăn nhiều thật, hôm liên hoan nó ăn gần gấp đôi tôi mà không có vẻ gì là no cả. Tôi lại nhớ đến mấy cái bánh của chị Nhã, nếu không phải nó xuất hiện thì mấy cái bánh đáng lẽ tôi được ăn đã không bị mất đi. Nhưng dù sao thì tôi cũng chỉ là thằng ăn ké, đọc ké nên chả làm gì được. Tôi chỉ khó hiểu là nó ăn như vậy mà vẫn không mập, hay thật đấy.
Chương 12
Bà chị của tôi thì lại khác, lỡ cắn một miếng thịt ba chỉ thôi đã lấy thước dây của ba ra đo lại cái bụng. Nhiều lúc tôi còn tưởng tượng đến cảnh chị ấy lấy giấy bút ngồi tính lượng calo, chất béo vừa nạp vào và phải chạy bao nhiêu cây số để tiêu hao bớt. Nghĩ kỹ thì, ngoài việc thích đọc truyện và hay hùa nhau trêu chọc tôi, chị Nhã với con Vy chẳng còn điểm chung nào nữa, không hiểu sao họ có thể thân nhau như vậy.
Nằm nghĩ linh tinh vậy thôi mà đã hết ngày. Buổi chiều mẹ tôi dọn hàng về sớm để vào bệnh viện trông tôi. Con Vy ngồi lại một chút, sau đó cũng xin phép mẹ tôi ra về. Không có nó, căn phòng trở nên yên tĩnh hẳn. Tôi cứ tưởng như vậy sẽ tốt hơn cho việc tĩnh dưỡng của mình, nhưng không hiểu sao trong lòng lại cảm thấy buồn nôn nao.
Không như con Vy, mẹ tôi lại thấy vui vì con trai mình đã làm được một việc tốt. Tất nhiên bà sẽ vui hơn nếu như tôi có thể bảo đảm được an toàn cho bản thân. Mẹ tôi hiền hòa như dòng nước vậy, không như ba tôi lúc nào cũng nóng nảy. Bà kể rằng hôm tôi được đưa vào bệnh viện, ba tôi đã làm loạn lên vì lo lắng. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, ông đã đến xin lỗi, cũng như cảm ơn bác sĩ và y tá. Ông đến nhìn tôi một lần khi tôi còn chưa tỉnh rồi vào rẫy ở luôn cả tháng. Nghe xong câu chuyện của mẹ, tôi có chút cảm động, nhưng tôi chỉ tin được ba phần trong đó. Mọi thứ luôn được phóng đại lên sau khi qua lời kể của bà, giống như lúc tôi nhìn đàn kiến bên dưới cái kính lúp vậy. Ba tôi đúng là nóng tính thật, nhưng không phải là người thích đập phá hay chửi bới người khác. Còn một điều nữa là mùa hè nào ba tôi chẳng vào rẫy. Có lẽ khi biết tôi không sao nữa, ông cũng chẳng còn lý do ở lại đây. Ông không giỏi chăm sóc người bệnh, và việc cứ ngồi một chỗ nhìn tôi như vậy cả ngày khiến ông không chịu được.
Mẹ tôi nói đứa con gái mà tôi cứu có đến vài lần, cùng với ba nó, nhưng lúc đó tôi còn chưa tỉnh lại. Toàn bộ tiền viện phí đã được ba nó chi trả hết nên không phải lo, tôi chỉ việc yên tâm mà tĩnh dưỡng. Ông ta đưa mẹ tôi thêm một số tiền nữa nhưng bà không nhận. "Cứu người là việc nên làm, quan trọng là người thân của mình vẫn còn ở bên mình chứ tiền bạc chỉ là vật ngoài thân" - mẹ tôi kể sau khi nghe bà nói câu đó thì ông ta gần như đã khóc. Tôi hơi tò mò về người đàn ông đó, nhưng suốt thời gian nằm viện, tôi không thấy ông ta xuất hiện. Hai cha con bọn họ có việc gia đình cần giải quyết nên không thể trực tiếp cảm ơn tôi được, ông ấy cũng gửi lời xin lỗi đến tôi vì việc đó.
Mẹ con Vy cũng có đến một lần, sau khi tôi tỉnh lại được vài ngày. Cô ấy tên Hà. Cô Hà và con Vy có gương mặt rất giống nhau, cứ như là từ cùng một khuôn đúc ra vậy. Từ khuôn mặt, đôi mắt, nụ cười, và cả nốt ruồi nhỏ ở cuối chân mày nữa. Chỉ khác là cô Hà trông chín chắn hơn con Vy nhiều, trong mắt cô có nhiều dấu vết của thời gian và sự từng trải trong cuộc sống. Không hiểu sao tôi có chút hồi hộp khi gặp mẹ con Vy, nhưng thật may cô ấy là một người hòa nhã và thân thiện. Cô hỏi thăm tôi vài câu, nói chuyện với mẹ tôi một lát rồi đi ngay. Có vẻ như cô đúng là người bận rộn như lời con Vy nói thật.
Thỉnh thoảng, mấy ông anh của tôi cũng đến, nhưng chỉ ngồi chơi một chút rồi đi. Hai anh đầu của tôi đều đã lập gia đình nên khá bận rộn. Anh Tư đang làm việc trong Sài Gòn nên chỉ về một ngày, và khi biết tôi vẫn còn sống thì anh ấy bắt xe đi luôn trong đêm.
Thằng Vũ với thằng Huy thì chỉ đến được một buổi sáng. Tôi nghe loáng thoáng bọn nó bàn với nhau lấy tiền đi chợ gì đó để chơi bida, sau đó thì chuồn thẳng. Như vậy cũng tốt, dù sao thì sự xuất hiện của hai đứa nó làm tôi cảm thấy không khí có vẻ căng thẳng. Hình như con Vy không thích hai đứa bạn của tôi. Nghe thấy tiếng hai đứa nó xì xầm với nhau, con Vy quát lên: "Tụi mày im lặng cho người khác dưỡng bệnh nữa chứ", sau đó lại đọc tiếp cuốn truyện với vẻ mặt hằm hằm khó chịu. Chỉ khi hai thằng Vũ, Huy đi rồi, mọi thứ mới tạm trở lại bình thường.
Trong suốt thời gian tôi nằm viện, người thường xuyên ở bên cạnh nhất lại là con Vy chứ không phải ai khác. Nó thường đem theo một bịch trái cây, nhưng đa phần là để nó ăn chứ không phải dành cho tôi. Điều mà nó làm tôi cảm kích nhất là ngồi đọc truyện cho tôi nghe cả ngày, thay vì đọc thầm như mọi khi. Nhưng buồn một chuyện là tôi không nhìn thấy phần tranh vẽ nên chả hiểu được bao nhiêu. Con Vy chỉ đọc phần chữ, phần lời thoại của nhân vật, chẳng kèm theo cái chú thích nào hết. Ít ra thì cũng phải cho tôi biết ai đang nói chuyện chứ. Cảm giác cứ như xem phim mà chỉ nghe được tiếng chứ không thấy hình vậy.
Nằm một chỗ lâu như thế khiến tôi có chút buồn chán. Tôi lại nhớ đến mùa hè năm ngoái, khi mà mình còn có thể tung tăng chạy nhảy khắp nơi. Tôi nhớ những buổi sáng hái xoài, nhớ tiếng chó sủa khi nằm trên nóc nhà, nhớ bãi biển xinh đẹp. Tôi nhớ cảm giác mát lạnh phủ khắp toàn thân khi nhảy từ trên bãi cát vào trong những con sóng. "Ầm" một tiếng, tôi chui xuống dưới nước rồi ngoi lên ở một nơi cách đó không xa, cứ như vừa bơi qua một đường hầm không gian nào đó vậy.
Chợt tôi nhớ đến xấp thơ tình để ở nhà, không biết mấy ngày nay mẹ tôi có dọn dẹp cái bàn học của tôi không nữa. Nhưng tôi không thể hỏi mẹ tôi về việc đó, càng không thể nói rằng: "Mẹ, đừng dọn dẹp chỗ cái bàn học, không có gì ở đó đâu". Vậy là tôi nhờ con Vy qua nhà tôi lấy giùm, dù sao thì cái xấp giấy đó cũng là của nó viết ra. Nó vui vẻ nhận lời, trông có vẻ như rất thích mấy chuyện mờ ám như vậy.
Khi có thể cử động nhẹ được đôi tay của mình, tôi mượn nó một cuốn truyện để đọc. Nhưng đọc lại mấy cái lời thoại đã nghe lúc trước, tự nhiên tôi thấy có chút kỳ quặc và không muốn đọc nữa. Mọi thứ trở nên nhàm chán, và tôi dành phần lớn thời gian chỉ để nhìn lên trần nhà hoặc nhìn ra ngoài của sổ, mơ tưởng về mặt biển gợn sóng của mình. Tôi muốn viết một bài thơ tặng con Vy. Tuy không hiểu sao nó lại trở nên thô lỗ, cộc cằn khi chỉ có hai đứa với nhau, nhưng tôi lại thấy thích điều đó. Có lẽ tôi đã thích con Vy thật rồi. Khi nào khỏe lại, tôi nhất định cùng nó ra biển ngắm bình minh. Và tôi bắt đầu viết nên những suy nghĩ của mình:
Em đã từng đi trên bờ cát trắng
Đặt chân lên những hạt cát mịn màng
Ngồi xuống giữa biển bao la, vắng lặng
Nhìn khơi xa chờ đợi ánh bình minh.
Em đã từng nhìn ngắm mặt biển xanh
Nắng lấp lánh rơi trên từng ngọn sóng
Gió rì rào như lời ru lắng đọng
Câu ca dao mẹ vẫn hát ngọt ngào.
Em đã từng ngồi đếm những vì sao
Giữa mênh mông, có em và có biển
Em sẽ nghe biển thì thầm kể chuyện
Biển chứng nhân cho bao câu chuyện tình.
Hãy cùng anh đi về với biển xanh
Anh sẽ gọi tên em vào mỗi sáng
Cùng nhau ngắm bình minh kia ló dạng
Anh ôm em như gió cuộn mây ngàn
Đi cùng nhau đến tận cùng thế gian.
Tay vẫn còn đau, dù tôi đã cố nắn nót từng chữ nhưng bài thơ vẫn nhấp nhô như từng đợt sóng biển. Tôi tưởng con Vy sẽ châm chọc tôi về điều đó, nhưng nó chỉ lặng im cất bài thơ của tôi vào cặp.
Giữa tháng Sáu, người chị yêu dấu của tôi về, nhờ vậy mà tôi không phải ngồi nghe con Vy lải nhải một mình nữa. Chị Nhã, tôi và con Vy lại chơi với nhau như trước kia. Không biết từ bao giờ, khi có đầy đủ cả ba người thì đó là lúc chúng tôi cảm thấy vui vẻ nhất. Hai người con gái nói chuyện với nhau rất hợp, còn tôi thì là vật trang trí yêu thích của bọn họ. Chị Nhã là người bày ra cái trò vẽ lên đống bột trắng trên tay chân tôi, nhưng con Vy lại là người hăng hái thực hiện nhất. Mỗi ngày nó lại vẽ một ít, và chẳng bao lâu trên người tôi đã lấp đầy những "hình xăm".
Những ngày cuối cùng ở bệnh viện, tôi ngửi được mùi của mùa thu trong không khí. Những khối bột trắng trên người đã được tháo xuống khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều, nhưng tôi vẫn phải ở lại bệnh viện thêm vài tuần để tập các bài vật lý trị liệu. Bước từng bước tập tễnh ra vườn hoa, tôi tìm đến một chiếc ghế đá và ngồi xuống. Trước mặt tôi là những bông hoa cúc đang đung đưa trong gió, như những bàn tay xòe ra và đón lấy những tia nắng màu vàng cam.
Hóa ra mùa hè năm ấy cũng không hẳn là hoàn toàn trống rỗng đối với tôi. Khi nhìn lại, tôi mới biết rằng mọi thứ chỉ được đổ đầy trong một cái bình khác mà mình không để ý tới. Một bộ phim xem nhiều lần còn bị bỏ sót vài chỗ, vậy nên việc bỏ sót vài chi tiết trong cuộc đời, nơi mà tôi chỉ là một nhân vật trong đó, thì cũng không có gì là lạ. Có thể mọi thứ không xảy ra như tôi đã kỳ vọng, nhưng nó vẫn mang đến một ý nghĩa nào đó.
Chương 13
Năm học mới đã bắt đầu nên con Vy ít đến thăm tôi như trước. Nhưng mỗi lần đến, nó đều mang theo sách vở và bắt tôi học bài cùng. Những buổi lên lớp đầu tiên không có quá nhiều thứ để học, vậy mà trông nó lại nghiêm túc cứ như kỳ thi sắp đến. Tuy nó không phải là đứa lười học, nhưng cũng không phải là đứa có thể ngồi cả ngày với đống sách vở trước mặt, nếu không cần thiết.
- Tao phải đậu vào Lý Tự Trọng - Nó nói - Và mày cũng vậy. Nhất định phải như vậy!
Không biết vì sao con Vy lại quyết tâm đến thế, nhưng nó đã thực sự truyền điều đó sang cho tôi. Nhờ nó mà sau khi ra viện, tôi không mất nhiều thời gian để bắt kịp chương trình học. Mỗi khi rảnh rỗi, thay vì đọc truyện tranh như trước kia, tôi và con Vy lại học nhóm với nhau. Tôi chưa bao giờ thấy hứng thú với việc học như vậy, và những bài học cũng tỏ vẻ thân thuộc hơn với tôi. Năm học đó có lẽ là những tháng ngày mà tôi chăm chỉ nhất trong cuộc đời này. Tôi tranh thủ cả những tiết thể dục được miễn của mình để dành luôn cho việc làm các bài tập nâng cao. Chỉ có học, học và học, tất cả những gì tôi cần làm ở đúng độ tuổi của mình.
Kết quả cho những ngày miệt mài đèn sách ấy là cả hai chúng tôi đều thi đậu vào ngôi trường mơ ước. Điểm thi được công bố vào giữa tháng Bảy, nhưng tôi đã nắm chắc về kết quả của mình ngay từ khi vừa bước ra khỏi phòng thi. Mọi thứ dễ hơn trong tưởng tượng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ về những ngày ôn tập căng thẳng và vui vẻ vì đạt được mục tiêu đã đề ra từ trước. Để xả xì-trét, tôi tự mình đi thuê vài cuốn truyện và bỏ ra hàng giờ để đọc. Kể từ khi chị Nhã đi học xa nhà, chẳng còn ai thuê truyện cho tôi đọc nữa. Không có chị ấy, con Vy cũng không còn thường xuyên sang nhà tôi chơi, vì đâu có ai để nó nói chuyện. Tôi biết mình thích nó, nhưng lại chẳng biết phải nói gì mỗi khi chúng tôi gặp nhau. Nó không thích bầu không khí im lặng như vậy, và tôi cũng thế. Vậy là hai nguồn tài trợ chính cho việc đọc truyện của tôi đã không còn nữa. Không có thì không đọc, tôi là người dễ thích nghi và dần dần cũng quen với việc đó.
Có vẻ lâu ngày không đọc truyện nên tôi đâm ra có phần nhanh chán. Tôi đặt cuốn truyện xuống, duỗi tay chân thành hình ngôi sao và nhìn lên trần nhà. Khoảng thời gian nằm ở bệnh viện khiến tôi có thói quen hay nhìn lên trần nhà rồi suy nghĩ vẩn vơ.
Tấm tôn cũ, đầy những vết gỉ sét. Tia sáng xuyên qua mấy cái lỗ nhỏ, như những sợi tơ được kéo căng trong không trung. Đó cũng là nơi mà nước sẽ nhiểu xuống mỗi khi trời mưa. Nếu như không kịp lấy thau hứng, nước mưa sẽ làm ướt mấy tấm gỗ của căn gác, rồi rơi xuống nhà dưới qua những cái khe. Sách vở của tôi cũng thường xuyên ướt nhẹp vì mấy lỗ thủng ấy. Ba tôi đã nhiều lần leo lên mái nhà để trám lại chúng, nhưng cứ bịt xong chỗ này thì chỗ khác lại xuất hiện một cái mới. "Chắc chắn là bọn bồ câu" - tôi nghĩ, vì ngày nào bọn chúng cũng đâm cái mỏ lên mái tôn nhà tôi kêu "cộp cộp".
Giữa cái nóng của mùa hè mà đi tắm biển thì thật tuyệt. Tôi thích nhất là biển vào buổi sáng sớm. Khi đó, nước trong và sạch hơn, giống như có một bàn tay đã lọc hết tất cả rác rến vào ban đêm, rồi trả lại mặt biển nguyên vẹn cho tôi. Nhưng trên hết, tôi có thể chiêm ngưỡng được khoảnh khắc đẹp đẽ nhất trong ngày của biển, khi bình minh vừa ló dạng.
Tôi thức dậy từ khá sớm, khoảng bốn giờ rưỡi sáng, và ra khỏi nhà vào lúc năm giờ kém. Bầu trời vẫn còn đang se lạnh, phủ lên trên những con phố một màu lam nhạt. Trong ánh sáng mờ mờ, lập lòe những đốm lửa hồng vừa được nhóm lên, mang đến chút ấm áp cho những cơn gió. Tôi nghe thấy mùi khói nhè nhẹ xen lẫn trong mùi sương đêm chưa tan, và khi trên các con phố vẫn chưa có nhiều xe cộ qua lại, mùi thơm của cây cỏ cũng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi bước đi trên những bóng cây in dưới mặt đường, tận hưởng bầu không khí trong lành ấy, cảm giác như tất cả chỉ dành cho riêng mình.
Đi thẳng về hướng Đông, sau khi qua vài cái ngã tư chớp nháy ngọn đèn vàng, giăng ngang trước mắt tôi là con đường mang tên Trần Phú, một trong những con đường đẹp nhất ở Nha Trang. Nó uốn lượn dọc theo bờ biển và ôm lấy bờ cát trắng mơ màng, xen lẫn những hàng dương, hàng dừa xanh mát. Tôi băng qua con đường ấy rồi rảo bước trên khu quảng trường rộng lớn.
Đi đến cuối quảng trường, tôi dừng lại bên dưới những bậc thang của Đài tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống, nơi mà người dân ở đây vẫn gọi là "Đài Liệt Sĩ". Tôi ngước nhìn ngọn tháp cao vút, đứng sừng sững như chống đỡ cả bầu trời, được xây dựng trên máu thịt của những con người đã từng chống đỡ cả vận mệnh dân tộc. Bên dưới hàng chữ "Tổ Quốc Ghi Công", chiếc lư hương vẫn đang nghi ngút khói. Một cụ bà lặng lẽ đứng bên cạnh tấm bia đá, ngón tay chạm nhẹ vào một cái tên. Tôi nhìn bà cụ, mỉm cười rồi rời khỏi bầu không khí trang nghiêm ấy.
Đặt bàn chân lên bờ cát mịn màng và mát lạnh, tôi bước đi trên những đợt sóng cát và tiến về phía những đợt sóng biển rì rào. Bầu trời như một bức màn màu tím, được vẽ lên những vệt mây mỏng manh và kéo dài, tựa những chiếc đuôi của một con chim phượng hoàng đang bay lượn và kêu gọi vầng mặt trời xuất hiện. Mặt biển trông như tấm lụa màu xanh thẫm, bên trên là muôn ngàn sợi chỉ bạc, không ngừng đan vào nhau rồi lại tách rời. Theo từng đợt sóng không ngừng cuộn về phía bờ cát, một quả cầu rực lửa nằm bên dưới mặt biển cũng dần được nâng lên. Và khi nó xuất hiện, cả chân trời bùng cháy lên ánh lửa màu cam, thiêu đốt mặt biển sôi trào vô vàn bọt sóng. Rồi như có một sợi dây vô hình buộc vào quả cầu ấy, chầm chậm kéo nó lên giữa bức màn trời, trong tiếng hát không ngừng nghỉ của đại dương, giống như cách mà lá Quốc kỳ được kéo lên vào mỗi sáng thứ Hai.
Tôi thích thú ngắm nhìn bức tranh ấy, lắng nghe tiếng sóng dịu êm và hít thở hương vị mằn mặn trong gió. Cho tới khi vầng dương đã lên cao và không ngừng buông những tia nắng đỏng đảnh, tôi mới rời đi ánh mắt của mình. Tôi cởi chiếc áo trên người rồi quăng mình xuống làn nước lạnh ngắt, vì vẫn còn chưa tắm đủ ánh sáng mặt trời. Nhưng khi đã quen thuộc với sự vỗ về của biển cả, tôi chỉ thấy một sự thoải mái lan tràn ra khắp nơi trên da thịt. Tôi bơi như một chú cá vừa được thả về với đại dương, thỏa thích vùng vẫy giữa muôn ngàn đợt sóng. Cho tới khi đã thấm mệt, tôi trở về nhà với thân hình ướt nhẹp và đôi chân dính đầy cát. Gió đã thổi khô người tôi trên đường đi, nhưng tôi vẫn phải tắm lại bằng nước giếng. Tôi không muốn mình giống như một con cá khô biết đi bằng hai chân.
Một buổi sáng đầu tháng Tám, sau khi đi biển về, tôi tắm rửa và định lên gác ngủ bù cho việc dậy sớm thì thấy chị Nhã đang ngồi tám chuyện cùng một đứa con gái, chính là con Vy. Trông thấy tôi, bọn họ lại rủ rê chơi đánh bài. Không hiểu sao chị Nhã và con Vy chỉ thích chơi bài khi có ba người, trong khi những người khác thường chơi khi có đủ bốn tay. Nhưng việc đó không quá quan trọng bởi vì tôi cũng thích như vậy.
Lần này, luật chơi của chúng tôi là người thua phải uống một ly nước. Nhưng không được bao lâu thì hình phạt được sửa thành búng tai, vì tôi không thể uống thêm ngụm nước nào nữa. Không hiểu sao tôi lại chơi bài tệ đến thế, dù môn Toán là môn mà tôi học rất tốt. Khi hai tai tôi đã đỏ như trái cà chua, bọn tôi không chơi nữa và chuẩn bị cơm trưa.
Trong lúc chị Nhã loay hoay với những con cá ở trong bếp, tôi và con Vy giúp chị lặt rau và đánh trứng ở nhà trên. Tôi nhận ra mình không còn xa lạ với sự có mặt của con Vy trong ngôi nhà của mình nữa. Đôi lúc, tôi tưởng như nó cũng là một thành viên trong gia đình.
- Ê Bo, - Nó gọi tôi - Sáng nào mày cũng đi biển à?
- Ờ, - Tôi ngước lên nhìn nó - Sao mày biết?
- Sáng nào cũng thấy người mày ướt nhẹp đi ngang qua nhà tao nên đoán thế.
- Ủa, - Tôi ngạc nhiên nói - Nhà mày ở khúc nào?
- Trần Nhật Duật, ngay chỗ Nhị Hà đi ra, ngôi nhà màu xanh xanh đó.
- À, là chỗ đó. - Hình ảnh ngôi nhà lớn màu xanh da trời nhạt màu hiện lên trong đầu tôi. Ngày nào tôi cũng đi ngang qua đoạn đường ấy nhưng lại không biết là nhà của con Vy cũng ở đó.
- Mày đi một mình à?
- Ờ. - Tôi gật đầu.
- Đồ thất hứa. - Con Vy làu bàu trong miệng.
Chương 14
Hứa? Tôi không nhớ mình đã hứa gì với con Vy nữa, nhưng giọng điệu lạnh nhạt và đôi mắt cứ liếc ngang khiến tôi có chút chột dạ. Trong lúc đánh trứng, tôi vừa nhìn những bọt bong bóng nổi lên vừa cố nhớ xem mình đã hứa điều gì. Nhưng cho đến khi cái tô trứng đã nổi đầy bọt, tôi vẫn chưa nghĩ ra.
- Sáng mai mày có đi không, - Nó nói - Đi biển á?
- Chắc là có.
- Vậy gọi tao đi nữa.
- Ờ, được. - Tôi vội gật đầu để lấy lòng nó.
- Mà mấy giờ mày đi?
- Khoảng năm giờ kém.
- Sớm vậy? - Nó nhăn trán - Mà thôi, khi nào đi mày gọi điện cho tao, chắc mày qua thì tao cũng vừa kịp rửa mặt xong.
Con Vy đọc số điện thoại của nó cho tôi. Tôi chợt nhận ra rằng chúng tôi chơi với nhau lâu như vậy mà vẫn chưa có số điện thoại của nhau. Nó rủ chị Nhã đi cùng nhưng chị từ chối vì không dậy sớm được.
Tối hôm đó, tôi cố đi ngủ thật sớm, nhưng không hiểu sao giấc ngủ lại đến muộn, khiến cho những suy nghĩ linh tinh cứ thay phiên nhau xuất hiện trong đầu tôi. Tuy vậy, sáng hôm sau, tôi vẫn dậy sớm hơn thường ngày. Tôi đứng rất lâu trước gương để chải chuốt lại cái đầu bù xù của mình. Tuy vẻ ngoài không quá xuất sắc nhưng nói chung tôi cũng có một gương mặt dễ nhìn. Mẹ bảo tôi có đôi mắt đẹp và tôi đồng ý về điều đó. Trông thấy tôi đong đưa trong gương như vậy, mẹ tôi hỏi: "Hôm nay con đi với ai à?". Bà dậy sớm hơn cả tôi, ngày nào cũng như vậy để chuẩn bị bữa sáng rồi mới đi chợ. "Dạ với thằng Vũ" - tôi ngập ngừng một chút rồi trả lời. Mẹ tôi không hỏi thêm gì nữa, chỉ nhìn tôi và mỉm cười.
Sau khi gọi điện cho con Vy, tôi chào mẹ và rời khỏi nhà. Nhà con Vy cũng không xa lắm, từ nhà tôi đi khoảng ba trăm mét là tới. Vì nhà nó thuận theo hướng đi ra biển nên chúng tôi hẹn nhau ở đó. Tôi đứng bên đường và đợi nó xuất hiện. Có lẽ tôi đi hơi nhanh nên nó vẫn chưa "rửa mặt" xong. Ngồi xuống trước cửa một tiệm thuốc tây gần đó, tôi ngóng nhìn sang ngôi nhà bên kia đường, rồi lại nhìn xung quanh, chốc chốc phải xoay xoay cái cổ cho đỡ mỏi. Tôi cầm mẩu gạch vụn rồi vẽ linh tinh trên nền vỉa hè bằng xi măng để giết thời gian. Lúc cái cây, lúc ngôi nhà hoặc mặt trời, khi lại cố vẽ hình tròn và hình vuông cùng một lúc bằng cả hai tay. Trong bụi cỏ gần đó, tiếng dế kêu râm ran làm cho góc phố vắng tanh có một chút âm thanh sinh động. Vài cánh muỗi cứ vo ve bên tai rồi lấy đi của tôi những giọt máu quý giá. Tôi cố đòi lại những thứ của mình nhưng bọn muỗi quá xảo quyệt, chỉ cần vừa giơ tay lên là chúng đã chuồn mất, và tôi luôn phải tự đánh chính mình. Dọc hai chân tôi bắt đầu xuất hiện những đường màu đỏ và trắng song song nhau, cùng với những vết sưng hình tròn được tôi tạo dấu ấn chữ thập bằng móng tay lên trên. Một con gián đâm đầu vào gót chân làm tôi giật mình. Tôi đuổi nó đi, nhưng một lát sau nó lại tìm đến lần nữa. Tôi có chút mất kiên nhẫn nên đã đá nó thật mạnh về phía lòng đường.
Tôi ngồi đó với lũ côn trùng khoảng ba mươi phút thì cánh cổng nhà con Vy mở ra. Sau khi thấy tôi, nó chạy cái vèo qua đường mà không hề nhìn trước ngó sau gì cả. Tôi có chút giật mình về việc đó, thật may là không có chiếc xe nào chạy qua rước nó đi. Tôi định dạy nó một bài học về cách qua đường, nhưng khi nhìn thấy nụ cười của nó thì lại thôi. Tôi không biết phải nói gì với nó nên chỉ chào một cái, rồi chúng tôi cùng nhau đi về phía biển. Trên đường đi, tôi cảm thấy mình phải nói gì đó cho không khí đỡ nhàm chán, nhưng chỉ hỏi được vài câu bâng quơ rồi lại cắm đầu đi tiếp. Tôi tưởng tượng những hòn sỏi, những hộp thuốc lá trên đường là những trái banh và đá chúng đi một đoạn dài. Con Vy đi ở phía trước, những sợi tóc mềm mại như tơ bay bay trong gió, thoang thoảng mùi dầu gội trôi qua cánh mũi tôi.
Khi đến đường Trần Phú, tôi chợt nhớ lại cảnh tượng băng qua đường lúc nãy của con Vy. Như một phản xạ tự nhiên, tôi nắm lấy tay nó và giữ chặt trong lòng bàn tay mình. Nó giật mình quay lại, mở đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Ánh mắt của nó giống như một dòng điện chạy qua cơ thể tôi, và tôi bị tê liệt mất vài giây. Tim tôi đập nhanh lên và tôi bắt đầu thấy nóng ran trên khắp khuôn mặt. Tôi lắp bắp nói:
- Nguy.. nguy hiểm lắm, để.. để.. để tao dắt mày qua đường.
- Dắt tao qua đường? - Nó hỏi lại, nhìn chăm chăm vào mắt tôi. Trong mắt nó là một nụ cười đầy ngạc nhiên.
Tôi đứng đó như trời trồng và chẳng biết nói gì nữa. Cả cơ thể tôi như hóa đá, chỉ còn đôi mắt là có thể nhìn lại vào đôi đồng tử trong suốt, long lanh dưới ánh đèn lờ mờ từ phía bên kia quảng trường. Tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa ngoài tiếng "thình thịch" của từng nhịp đập trong lồng ngực mình. Và không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, con Vy mấp máy đôi môi nhỏ nhắn và nói:
- Thế sao còn không đi?
Đến lượt tôi tròn mắt nhìn nó, cảm giác có gì đó không đúng lắm. Tôi lục lại ký ức của mình và nhận ra rằng, phản ứng của nó không giống với bất kỳ nhân vật nào trong những bộ phim mà tôi đã từng xem, hay bất cứ cuốn truyện nào mà tôi từng đọc qua. Trong lúc tôi còn đang không biết phải làm thế nào, nó nắm lấy tay tôi bằng bàn tay còn lại rồi đi về phía quảng trường. Tay nó mát rượi, nhỏ nhắn và mềm mại, giống như một búp sen vừa mới trồi lên trên mặt nước, được hơi sương của màn đêm thấm ướp vào trong từng cánh hoa nhỏ đang ôm ấp lấy nhau.
Khi bước trên những vạch kẻ đường, tôi tưởng như mình đang nhảy nhót trên những phím đàn dương cầm. Tôi nghe được tiếng nhạc vang lên trong gió và nhìn thấy bình minh rực rỡ, dù mặt trời vẫn còn đang lặn mất tăm. Chúng tôi cứ thế nắm tay nhau đi qua quảng trường rộng lớn. Tôi nhảy xuống bãi cát rồi dang tay đón lấy nó. Những hạt cát vẫn còn ẩm ướt hơi sương, những sóng cát vỡ tan, bềnh bồng dưới chân và đưa chúng tôi trôi dần về phía mặt biển. Chúng tôi ngồi xuống bên cạnh nhau, lắng nghe bản giao hưởng của tiếng gió lao xao và tiếng sóng rì rào. Chúng tôi nắm tay nhau, cùng nhìn về phía chân trời xa xăm để chờ đợi ánh bình minh.
Con Vy nói gì đó với tôi, nhưng tôi không nghe rõ, hoặc cũng có thể nó chẳng nói gì cả. Tôi dường như quên mất rằng bàn tay nó vẫn còn đang nằm gọn trong tay mình. Nhưng khi nhớ ra điều đó, tôi vẫn không muốn buông tay. Tôi trộm nhìn nó từ một bên, mắt nó sáng như một vì sao và long lanh như đang phản chiếu cả đại dương phía trước. Và dưới những tia sáng đầu tiên của ngày mới, hình dáng nó trông như một bức họa thời phục hưng tuyệt đẹp mà tôi thấy trong sách Mỹ Thuật. Giữa muôn ngàn suy nghĩ hiện lên trong đầu, tôi lại bắt gặp cái suy nghĩ rằng mình đã thích nó lần nữa. Nhưng cảm giác lần này dào dạt hơn trước kia rất nhiều.
- Mày thích tao phải không? - Con Vy hỏi, giống như vừa đọc được suy nghĩ trong đầu tôi.
- À - Tôi giật mình, sau đó khẽ gật đầu - Ừ.
Nó nhìn sâu vào trong đôi mắt tôi, và giống như cũng muốn đưa tôi vào sâu trong đôi mắt của nó, rồi nó khẽ gật đầu và nói:
- Ừ.
- Ừ. - Tôi đáp lại.
Cả hai chúng tôi cùng im lặng, nhìn về phía chân trời đang bị tan chảy dưới sức nóng của mặt trời. Tôi trộm nhìn nó vài lần nữa rồi hỏi:
- Còn mày thì sao?
Con Vy quay lại nhìn tôi, những tia nắng như mũi kim xuyên qua giữa đám tóc đang tung bay, soi sáng một vài đường nét tinh xảo trên khuôn mặt nó. Đại dương trong đôi mắt ấy như muốn tuôn ra, cuốn trôi những suy nghĩ hỗn tạp trong đầu tôi và chỉ để lại những gì là thuần khiết nhất.
Nó gật đầu, nở một nụ cười còn tươi hơn cả những tia nắng ban mai, đang mơn man trên đôi môi xinh xinh như cánh bướm của mình.
- Ừ. - Cả trăm ngàn từ ngữ dâng lên trong đầu, nhưng tôi chỉ bắt được cái từ đơn giản nhất ấy cho nó, rồi im lặng.
Ngồi như vậy được một lát, con Vy đứng dậy và đi về phía biển. Nó chạy theo khi những con sóng rút xuống và nhảy lên khi chúng vỗ vào bờ. Nó quay lại vẫy tay với tôi, và thế là có hai đứa điên trên bãi biển. Rồi chúng tôi đi dạo dọc theo bờ biển, mặc cho những con sóng xô nhẹ nhàng lên bàn chân. Tôi chạy theo bắt một con còng bị lạc đường, nhưng nó lủi đi rất nhanh. Con Vy thì đi loanh quanh tìm nhặt vài chiếc vỏ ốc.
Chương 15
- Tiếc nhỉ, không có cái nào đủ to hết. - Con Vy ném một cái vỏ ốc xuống cát và nói.
- Chi vậy?
- Đặt lên tai có thể nghe tiếng của biển đó.
- Giống như trong phim à? - Tôi nhìn nó và cười.
- Ừ. - Nó gật đầu, chăm chú đâm ánh mắt vào trong bãi cát.
- Đừng tìm nữa, ở đây toàn mấy con ốc nhỏ thôi.
Nhìn gương mặt đầy vẻ tiếc nuối của con Vy, tôi bắt lấy bàn tay còn vương lại vài hạt cát của nó. Nhìn sâu vào trong đôi mắt ngây ngô trước mặt, tôi lấy hai bàn tay úp vào tai mình cho tới khi nghe được tiếng gió vi vu. Tôi giữ lòng bàn tay của mình như vậy rồi nhẹ nhàng áp vào tai nó. Dưới ánh bình minh, hai cái bóng của chúng tôi dần nối liền lại với nhau.
- Nghe như tiếng mưa vậy. - Con Vy đưa tay lên nắm lấy bàn tay tôi và nhắm đôi mắt lại, chăm chú lắng nghe.
Lúc này, tôi mới nhận ra có gì đó không đúng. Hai tay tôi đang ôm trọn lấy gương mặt ấy! Tim tôi đập rộn lên liên hồi, và nó cũng nghe được âm thanh ấy từ lòng bàn tay tôi. Ánh mắt chúng tôi lại chạm nhau, và tôi bị đánh bật ra ngay tức khắc. Tôi vội quay đi, nhìn những đợt sóng xô vào chân mình rồi vỡ tan trắng xóa. Dưới những tia nắng ấm áp, nó hôn nhẹ lên má tôi rồi chạy đi thật nhanh, để lại những dấu chân nhỏ bé trên sóng cát. Giống như có một liều thuốc vừa truyền vào trong tĩnh mạch, tôi cảm thấy những khúc xương của mình đã được chữa lành hoàn toàn. Tôi chạy theo những dấu vết mà con Vy để lại trên cát và ôm lấy nó.
Khi đã thấm mệt với trò chơi đuổi bắt, chúng tôi quay trở lại gần quảng trường. Chúng tôi ngồi xuống và ngắm nhìn những đợt sóng, rồi cùng nhau nhảy xuống làn nước trong xanh và mát lành của biển. Chúng tôi bơi xung quanh nhau như hai con cá tự do giữa đại dương. Nhìn những tia nắng nghiêng nghiêng trên mặt biển, lấp lánh như cả ngàn viên kim cương, tôi cảm giác như nước biển đang tắm mát và gột rửa mọi ngóc ngách trong tâm hồn mình.
Tôi chạy lên bờ và đào một cái hố cát thật to. Tôi xây một tòa lâu đài bằng rộng lớn và dắt tay con Vy ngồi vào trong, như nắm tay một nữ hoàng đưa lên ngai vàng của nàng. Kể từ giây phút ấy, nó trở thành nữ hoàng của tôi, còn tôi sẽ là một kỵ sĩ trung thành, luôn bên cạnh bảo vệ nó. Chúng tôi ngồi giữa "tòa lâu đài" ấy và mỉm cười nhìn nhau. Cho tới khi nắng bắt đầu ấm lên, chúng tôi mới chịu về nhà. Nhìn lớp áo mỏng manh ôm sát vào làn da trăng trắng của con Vy, tôi đưa cho nó cái áo của mình và cứ thế cởi trần mà đi. "Nhìn mày giống như một bộ xương cá đang trôi nổi giữa không khí vậy" - Con Vy nói. Tôi nhìn nó mỉm cười, chợt nhận ra cảm giác không trọn vẹn của mình đã biến mất từ khi nào. Và chúng tôi bên nhau như vậy cho đến hết mùa hè..
Ngày khai trường đến, lần đầu tiên nhìn thấy con Vy trong chiếc áo dài, tôi đã không thể rời mắt khỏi dấu vết ẩn hiện đằng sau lớp vải trắng ấy. "Sao hôm nay trông nó đẹp quá vậy?" - Tôi tự hỏi. Vẫn những nét thanh thoát trên gương mặt ấy, vẫn mái tóc dài quá vai ấy, vẫn bàn tay nhỏ nhắn có thể nằm gọn trong tay tôi, nhưng con Vy đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp từ khi nào. Có lẽ là khi nó khoác lên người tà áo dài ấy, để lộ ra những đường cong mê hồn ấy, tôi mới nhận thức được vẻ đẹp của đứa con gái đang đứng trước mặt mình. Nó cẩn thận giữ lấy tà áo rồi ngồi lên chiếc xe đạp, đôi bàn tay khẽ ôm lấy tôi. Chiếc xe đạp hơi run lên và loạng choạng, nhưng rồi cũng lăn bánh lên đường.
Trường cấp Ba của tôi rất rộng, có hẳn một cái sân bóng. Tôi bước vào từ cổng sau và trầm trồ khi thấy cái sân nằm ở bên phải lối đi. Nhưng đó cũng chỉ là một góc nhỏ trong cái khuôn viên rộng lớn của ngôi trường này. Ở phía bên trái tôi, đối diện sân bóng là một "khu rừng" thu nhỏ với rất nhiều loại cây. Có những cây thân gỗ và cây leo quấn lấy nhau, có những sắc hoa rực rỡ, và có cả những cây dương xỉ cổ kính. Và bên dưới mỗi gốc cây là một cái bảng tên ghi chi tiết về chúng. Ở giữa những cái cây là một hồ cá nhỏ, và các lối đi trong "khu rừng" đều hướng về đó.
Băng qua "khu rừng" là đến một khoảng sân xi măng rộng lớn, đủ để cả ngàn học sinh cùng đứng ở đó làm lễ khai giảng. Trong mảnh sân ấy cũng có những cái cây để che bóng mát, và hai cái cây lớn nhất trong số đó là một cây bàng và một cây phượng. Phía cuối khoảng sân, một dãy phòng học ba tầng đứng sừng sững, che hết cả tầm mắt, và bên cạnh là một dãy phòng học khác có hai tầng, trải dài từ cuối góc sân ấy về lại phía sau "khu rừng" lúc nãy.
Bên cạnh sân bóng là khu nhà đa năng, nó vừa là một cái hội trường, vừa là nơi diễn ra các tiết học thể dục. Môn đá cầu, cầu lông và thể dục nhịp điệu sẽ được học ở đó. Đi qua lối nhỏ tạo bởi nhà đa năng và dãy phòng ba tầng là đến một khoảng sân khác, tuy không lớn nhưng cũng vừa đủ để dựng hai cái cột bóng rổ và giăng một cái lưới bóng chuyền. Từ nơi đó, đi thẳng về cuối nhà đa năng là bắt gặp một gốc cây trứng cá nằm bên cạnh một lối khác để vào sân bóng, hoặc đi vòng ra sau dãy phòng ba tầng nếu muốn đến nhà để xe cho học sinh.
Lên lớp Mười, tôi và con Vy vẫn học chung lớp, tiếc là chúng tôi không còn ngồi gần nhau nữa mà cách xa nhau hai cái bàn. Chúng tôi học ở phòng thứ tư, tầng trên của dãy phòng hai tầng. Con Vy ngồi đối diện bàn giáo viên, còn tôi thì ngồi cuối bàn thứ tư ở phía sau lưng nó, bên cạnh khung cửa sổ. Dù không được gần con Vy như trước nhưng tôi vẫn thích chỗ ngồi của mình. Ở đó, tôi vẫn nhìn thấy nó, vẫn có thể ngắm mái tóc dài xõa ngang lưng ấy mỗi ngày mà không chán. Thỉnh thoảng, tôi lại quay về phía cửa sổ, để những con gió lùa vào trên mái tóc và trên gương mặt mình. Mùa đông vừa đến, cây phượng chẳng còn một chiếc lá nào, những nhánh cây trơ trọi giữa bầu trời như những sợi nơ-ron thần kinh, được vẽ trên tấm giấy màu trắng xám. Còn cây bàng thì treo đầy những chiếc lá màu đỏ ối, khiến nó giống như một quả cây đã chín rục, đang bị cơn gió bóc đi từng chút, từng chút một trên lớp vỏ già nua.
Ngồi bên cạnh tôi là một đứa con gái tên là Thy. Tôi và nó có nói chuyện với nhau vài lần, nhưng chỉ được một thời gian thì chúng tôi không nói gì với nhau nữa. Có lẽ vì tôi hay bỏ mặc nó mỗi khi con Vy xuống chỗ tôi vào giờ ra chơi. Những lần đó, nó vẫn vui vẻ lùi qua một bên, hoặc đôi lúc nhường luôn cả chỗ ngồi của mình. Tôi cảm ơn nó, còn nó thì chỉ cười rồi quay đi. Con Vy có hỏi tôi về đứa con gái ấy, nhưng tôi chẳng biết gì ngoài cái tên. Nó khá lạ lùng và bí ẩn, nhưng bọn con trai lớp tôi lại thích sự xa cách của gương mặt đẹp như tranh vẽ ấy. Những đứa nhút nhát thì tôn thờ nó như một nữ thần không thể với tới, còn những đứa thích chinh phục thì cho rằng sự tĩnh lặng đó chỉ là kiêu ngạo, hoặc một sự thanh cao giả tạo. Tôi tình cờ biết được khi nghe tụi nó bàn tán với nhau chứ không quan tâm nhiều về việc này, vì trong thế giới của tôi chỉ có một đứa con gái tên Vy.
Thời gian êm đềm như mặt hồ tĩnh lặng, nhưng cũng trôi nhanh như khúc sông chảy xiết. Cây bàng ngoài sân trường đã trút hết chiếc áo đỏ của mình xuống đất, bắt đầu khoác lên chiếc áo mới màu xanh từ khi nào mà tôi chẳng biết. Cây phượng cũng đã tái sinh sau một giấc ngủ dài, khẽ chớp những ánh mắt rực đỏ bên dưới hàng mi xanh. Năm học đầu tiên ở ngôi trường mới thấm thoắt đã được hơn một nửa chặng đường. Sáu tháng trôi qua nhanh như chớp mắt, tôi và con Vy lại có thêm nhiều kỷ niệm với nhau. Dù không có gì mới mẻ, nhưng tình cảm giữa chúng tôi vẫn đang mỗi ngày một lớn lên. Giống như cây xoài của ba tôi, khi nó đứng đó hút chất dinh dưỡng từ lòng đất, tôi chẳng thể nào thấy được, nhưng khi nó ra hoa kết trái thì lại rất rõ ràng. Mỗi ngày trôi qua, tôi vẫn ngắm nhìn mái tóc xõa ngang lưng ấy và mong chờ gương mặt ấy quay lại, trao cho tôi một nụ cười.
Chương 16
Tháng Ba, nắng xuân ấm áp đã rũ sạch hơi gió lạnh của mùa đông, vẫn chưa trở nên đỏng đảnh và hay gắt gỏng như nàng nắng hạ. Đôi khi, trời lại đổ một vài cơn mưa bóng mây. Những hạt mưa lất phất bay, chẳng đủ để ướt áo, chỉ để lại một vệt cầu vồng lấp lánh trong thoáng chốc rồi tan đi, theo những hạt mưa. Những cánh hoa mai rơi rụng, vàng rực từng khoảng sân. Dường như chúng muốn trút bỏ đi tất cả nhan sắc đã từng thổ lộ với mùa xuân, không còn lưu luyến gì nữa, vì sợ bị làm phiền trong giấc ngủ dài của mình. Hoa xoài bắt đầu nở, như muôn ngàn con sâu róm đang đung đưa giữa trời, phát ra mùi hương the thé quanh quẩn dưới gốc cây.
Tháng Ba, tháng của mơ mộng, tôi ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa lớp, nghe lời giảng của cô giáo mà tưởng như tiếng gió vi vu. Tôi đang muốn viết một bài thơ tặng con Vy, đúng hơn là tặng sinh nhật nó. Kể từ hồi lớp Tám, tôi cũng tự viết được kha khá những bài thơ của riêng mình, nhưng xem đi xem lại thì chẳng bài nào dùng được. Sau những tiết học thả hồn theo mây bay, những lần mải làm thơ mà trễ hẹn, tôi cũng viết được vài bài mới, nhưng không biết nên tặng nó bài nào. Khi viết xong bài thứ nhất, tôi thấy không hay lắm và viết lại bài thứ hai. Nhưng khi viết xong bài thứ hai, tôi lại thấy bài thơ trước cũng được. Trong lúc cứ đắn đo như vậy, tôi viết thêm bài thứ ba, thứ tư. Trên những vòng quay của chiếc xe đạp, tôi mải mê nhìn những hàng cây bên đường, bên dưới bầu trời đang buông nắng vàng rực rỡ, và những áng mây bềnh bồng trôi.
- Ê, - Con Vy đạp xe lên trước mặt tôi - Mày bị sao vậy?
- Hả? - Tôi giật mình, suýt tông vào nó.
- Hả cái gì mà hả, tao kêu mày cả chục lần rồi đó. - Con Vy ngồi trên chiếc xe đạp mới của nó, chống chân trái xuống đất và nói.
- À, có chuyện gì không?
- Tao hỏi mày câu đó mới đúng, bữa giờ mày làm gì lơ tao hoài vậy hả? - Nó phập phồng cánh mũi thanh tú nhìn tôi.
- Có chuyện đó? - Tôi gãi gãi đầu.
- Hứ! - Nó xuống xe, dắt bộ đi về phía trước.
- Xin lỗi, - Tôi cười hì hì, tiến lên đi bên cạnh nó - Tao không để ý.
- Chứ mày để ý cái gì? Để ý đến con nào rồi đúng không?
- Đâu, làm gì có con nào đâu.
- Hứ! Ngu mới tin.
- Tao xin lỗi, nhưng mày tin tao đi mà.
- Ý mày nói tao ngu?
- Không, không, không, tao không có ý đó. - Tôi vội vàng bào chữa.
- Hứ!
Chúng tôi cứ thế bước đi trong ánh chiều tà. Thỉnh thoảng con Vy vẫn hay giận tôi như vậy. Đôi lúc là lỗi của tôi, nhưng đôi lúc tôi lại chẳng biết mình đã làm sai điều gì. Nói chung là cứ bị giận. Những khi ấy, chỉ cần xin lỗi vài câu là mọi chuyện lại xong xuôi. Nhưng lần này thì khác, đã gần tới nhà tôi rồi mà trông nó có vẻ như vẫn còn giận.
- Mày biết ngày mai là ngày gì không hả? - Nó dừng lại và hỏi.
- Biết, ngày Quốc tế Phụ nữ.
- Mày! - Nó đẩy chiếc xe đạp về phía tôi, tôi vội cầm lấy tay lái rồi dắt đi, mỗi tay một chiếc xe. Việc dắt xe như vậy có vẻ khó, nhưng nhiều lần như vậy thì tôi cũng quen rồi.
Tôi biết nó giận mình vì điều gì nên chỉ im lặng, và kín đáo nở một nụ cười. Hôm sau chính là sinh nhật con Vy, trùng với ngày Quốc tế Phụ nữ. Tôi muốn cho nó một điều bất ngờ nên chưa thể nói ra được. Lần trước gọi điện về nhà, chị Nhã đã dặn là dù có chuyện gì cũng phải giữ bí mật. Nếu nó càng giận, tức là nó càng mong chờ, và sau đó thì niềm vui của nó cũng sẽ càng lớn.
Chợt tôi nhìn thấy một bông hoa nhỏ màu trắng trong giỏ xe của con Vy. Tôi dừng lại, dựa chiếc xe của tôi vào tường, nhặt bông hoa lên và hỏi:
- Hoa này hoa gì nhỉ?
- Sứ. - Nó quay lại, liếc bông hoa và nói.
- Đẹp nhỉ, mày hái à?
- Không, - Nó trả lời cộc lốc - Tự rụng.
Tôi chợt nhớ trong sân nhà nó hình như có trồng một cây hoa giống thế này. Vuốt nhẹ cánh hoa trăng trắng, mịn màng, tôi xoay nhẹ cuống hoa trong tay và đưa lên mũi, hít vào hương thơm dìu dịu ấy.
- Vy!
- Muốn gì? - Nó quay lại hỏi.
Tôi nhìn nó và mỉm cười. Gương mặt đang cố tỏ ra giận dỗi ấy bỗng có chút ửng hồng dưới ánh hoàng hôn. Tôi nhẹ nhàng đưa tay lên, xua tan sự bướng bỉnh trong đôi mắt con Vy. Nó bắt đầu e thẹn và hơi cúi mặt xuống, và sự ngại ngùng ấy đã làm cho nắng không còn tươi nữa. Trong mắt tôi, không gì còn có thể tỏa sáng hơn gương mặt của nó lúc này. Cánh hoa nhỏ trong tay tôi đã nằm im trên mái tóc mềm mại tựa dòng suối, tỏa ra hào quang dìu dịu như một vầng trăng nhỏ. Bông hoa này giống như được sinh ra là để đặt vào nơi ấy vậy. Cơn gió chiều lướt qua làm những sợi tóc trôi bềnh bồng, mơn man lấy gương mặt thuần khiết. Con Vy trông như một cô dâu trong ngày cưới, thẹn thùng, dè dặt, nhưng cũng không kém phần rạng rỡ.
- Còn giận tao à? - Tôi hỏi khi đã về đến con hẻm vào nhà mình. Một câu hỏi khá ngớ ngẩn, tôi không biết mình mong chờ điều gì khi hỏi một câu như vậy nữa.
- Giận! - Con Vy nói, giật lấy chiếc xe rồi quay đi.
Tôi mỉm cười nhìn theo bóng lưng ẩn hiện bên dưới mái tóc đang tung bay trong gió chiều ấy rồi bước vào nhà. Tôi lên gác, ngồi ngay vào bàn học mà quên cả việc tắm rửa, ăn cơm. Những ý thơ cứ không ngừng tuôn ra trong đầu, nhưng tôi chỉ kịp giữ lại được một chút. Và tôi bắt đầu nắn nót viết từng chữ lên trang giấy:
Hoa sứ trắng ẩn trong tàn lá xanh
Nắng lung linh vui đùa trên cánh nhỏ
Gió ghé qua đưa hương về trước ngõ
Khẽ thẹn thùng, hoa khép cánh mong manh.
Hương hoa sứ thoang thoảng bên nhà nàng
Anh mơ màng, hồn theo về bên ấy
Chợt xuyến xao trước môi hồng mấp máy
Lòng bâng khuâng từ dạo ấy đến giờ.
Hoa sứ trắng như bờ má hững hờ
Lòng anh thầm thương nhớ bấy lâu nay
Hoa sứ trắng anh muốn đưa tay hái
Nhưng lại sợ hương nồng sẽ nhạt phai.
Tối hôm đó, tôi bị mẹ la vì ăn cơm lúc chín giờ tối và không chịu tắm, nhưng tôi vẫn thấy rất vui và cứ cười mãi. Tôi đặt tên cho bài thơ mới viết là Hoa Sứ Trắng, cẩn thận gấp tờ giấy theo kiểu gấp thư tay rồi kẹp vào trong hộp quà, món quà mà tôi đã mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị.
Chiều Chủ Nhật của một tuần trước, tôi đạp xe đến Siêu Thị Sách và mất hai tiếng đồng hồ đi lang thang trong đó. Có rất nhiều thứ ngộ nghĩnh, dễ thương có thể dùng để làm quà cho con Vy nên tôi không biết chọn cái nào. Những quả cầu pha lê đầy tuyết, bên trong là một nàng công chúa xinh đẹp nhưng tôi chẳng biết tên. Những chiếc chuông gió treo lơ lửng giữa không trung, phát ra tiếng kêu thanh thúy khi tôi đưa tay lắc những quả chuông. Tôi lật lại những chiếc đồng hồ cát, đồng hồ nước có đủ màu xanh, đỏ, và đếm xem mất bao nhiêu giây để chúng chảy xuống hết. Tôi cầm những bức tượng gỗ, tượng sứ nhỏ bé xinh xinh lên và quan sát như một nhà khảo cổ. Đôi lúc, tôi cũng mải mê ngắm nghía những chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa, niềm đam mê to lớn của tôi thuở nhỏ. ngôn tình hay
- Em đang tìm mua quà sinh nhật cho bạn gái à? - Một giọng nói quen thuộc vang lên làm tôi giật mình. Là chị gái lần trước giới thiệu sách cho tôi. Tôi có chút bất ngờ vì sau nhiều năm như vậy chị vẫn còn ở đây, trong khi những người khác thì đã lần lượt đến rồi lại đi.
- Dạ, - Tôi gãi đầu nói - Bạn thôi ạ, nhưng là con gái. Nhiều thứ hay quá nên em không biết chọn cái nào.
Chị ấy nhìn lướt qua những món đồ trên kệ, chống cằm lên ngón tay trỏ và suy nghĩ. "Đi theo chị" - Chị ấy nói rồi dẫn tôi đi đến cuối một gian hàng và chỉ vào một thứ trên đó. Một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, phía trước là một bãi cỏ xanh với những bông hoa hồng đua nở và hai chú chó đang tung tăng nô đùa. Phía bên trái là một cái xích đu nhỏ, có hai đứa trẻ đang ngồi cười nói vui vẻ. Phía bên phải là một cái cối xay gió, trên ba cánh quạt là những nét chữ xinh xắn màu cà phê: "You're so cute", "I love you", "Alway be mine". Có một chỗ sai chính tả, nhưng sau một hồi đắn đo, tôi cảm thấy điều đó cũng không ảnh hưởng gì lắm. Đặt ngón tay lên cánh quạt của chiếc cối xay và quay theo chiều kim đồng hồ, tôi cảm nhận được tiếng dây cót vang lên "cành cạch". Khi thả tay ra, những cánh quạt chầm chậm quay theo hướng ngược lại, ngôi nhà thì vang lên những tiếng "đính đoong" vui tai, và chiếc đèn màu đỏ trên ống khói nhấp nháy theo điệu nhạc.
- Cảm ơn chị. - Tôi nói, nhẹ nhàng nâng ngôi nhà ấy ra khỏi kệ. Ra tới quầy tính tiền, tôi nhờ chị thu ngân cho vào trong một cái hộp rồi gói lại bằng tờ giấy màu hồng có hình những con Kitty đáng yêu bên trên. Tôi có chút đau lòng, vì với số tiền ăn sáng ít ỏi của mình, tôi đã phải tích góp hơn hai tuần mới mua được món quà đó. Tôi nhìn về nơi chị gái khi nãy đang đứng, hơi cúi người và nói cảm ơn chị lần nữa trước khi ra về.
Chương 17
Thứ Bảy, chúng tôi chỉ học hai tiết vào buổi sáng. Vì tối hôm trước không ngủ được nên tôi dậy trễ và cũng không kịp tắm. Tôi chỉ kịp cầm lấy hộp quà đã chuẩn bị sẵn, gói vào trong một cái túi ni-lông màu đen để không ai nhìn thấy rồi đi ra khỏi nhà. Khi gặp con Vy ở lớp học, tôi tặng cho nó hộp quà nhỏ xinh ấy, vẫn còn đựng trong cái túi màu đen, kèm một lời chúc mừng sinh nhật. Và như cùng một lúc với tôi, nó đưa tôi một tấm thiệp màu xanh nhạt, bên trên có một cánh bướm màu hồng. Là thiệp mời đến dự sinh nhật.
Chiều hôm đó, tôi lấy bàn chải chà lại đôi giày sandal của mình cho sạch bóng rồi đem phơi khô, sau đó tắm với thời gian gần như gấp đôi so với mọi khi. Tôi phải tắm cho cả hôm trước nữa. Cảm thấy vẫn chưa vừa ý, tôi định vào phòng tắm thêm lần nữa nhưng bị mẹ đuổi ra ngoài. Đôi lúc mẹ tôi cũng hay nổi nóng vô cớ như vậy, nhưng phần lớn thời gian thì bà vẫn là một người mẹ hiền.
Khoảng sáu giờ, tôi đã đạp xe đến trước nhà con Vy. Mặc dù không xa nhưng tôi không đi bộ vì sợ mình sẽ ra mồ hôi. Tôi mặc một chiếc áo sơ mi kẻ ca rô màu trắng và xanh nhạt, tóc tai chải chuốt gọn gàng. Chai nước hoa của chị Nhã cũng được tôi lén lấy dùng. Chị ấy đã mang nó về vào kỳ nghỉ Tết nhưng lại quên mang nó đi. Mùi hương không hợp với tôi lắm, nhưng ít ra thì tôi cũng có vẻ thơm tho hơn một chút. Gần hai mươi phút sau khi tôi bấm chuông cửa, nhân vật chính của ngày hôm ấy mới xuất hiện.
Con Vy mặc chiếc váy màu trắng, với một lớp vải mềm mại phủ lên trên đôi vai gầy, đủ kín đáo để che đi những suy nghĩ không chín chắn của tôi. Đôi xương quai xanh ẩn hiện giữa hai bờ vai, làm tôn lên chiếc cổ cao trắng ngần. Vài bông hoa màu trắng chớm nở một cách tinh tế giữa những họa tiết in chìm, tựa như một rừng hoa muôn sắc trong suy nghĩ của kẻ mơ mộng nhất. Chân váy, với một đường viền nhẹ nhàng, chỉ vừa phủ qua đầu gối, để lộ ra đôi chân tuyệt mỹ. Con Vy trông tựa như một thiên thần, chuẩn bị dang đôi cánh bay lên bầu trời, và đôi giày vải màu trắng dưới chân nó tựa như một làn mây. Nhưng dù vậy, nó vẫn là nữ hoàng trong vương quốc của tôi, lộng lẫy mà thanh khiết như một nụ hồng. Đôi môi đỏ thắm khẽ nở một nụ cười, bàn tay yêu kiều vén những sợi tóc qua vành tai, nó bước về phía tôi, nhẹ như chiếc lá trôi trên mặt hồ.
- Mày đến sớm vậy, - Nó mở cổng cho tôi - Tao còn chưa chuẩn bị xong.
- Ờ, tại ở nhà tao cũng không biết làm gì. - Tôi nói - Có cần tao phụ gì không?
- Cũng sắp xong hết rồi, mày vào nhà ngồi trước đi.
Phía sau cánh cổng là một khoảng sân được phủ kín bởi màu cỏ tươi, chỉ để lại một con đường nhỏ bằng những phiến đá hình lục giác. Nhìn từ ngoài vào, bên trái bãi cỏ là một chiếc xích đu màu trắng, còn bên phải là một bộ bàn ghế được đẽo từ những gốc cây sáng bóng. Cách bộ bàn ghế không xa là một chén trà khổng lồ, có đường kính bằng cả sải tay, được phủ lên một lớp men rạn bóng bẩy màu lam nhạt. Bên trong cái chén ấy là những cánh bèo nhỏ đang trôi nổi bồng bềnh trên làn nước trong xanh, trở thành nơi trú ẩn của những chú cá nhỏ xinh xắn với đủ màu sắc. Kế bên đó là ngọn "núi đá" nhọn hoắc, như một mũi thương đâm thẳng lên trời. Trên đỉnh núi, một ấm trà khổng lồ đã vỡ mất một nửa, lơ lửng giữa không trung và đang nghiêng vòi rót "nước trà" vào bên trong miệng chén, bắn lên những bọt nước lăn tăn. Xung quanh ngọn núi là những cái cây nhỏ, chỉ có lá và lá, đang cố vươn mình trèo lên vách núi cheo leo. Toàn bộ khoảng sân đều nằm bên dưới một cái giàn được sơn màu trắng, với những sợi dây leo và lá cây thêu dệt thành một tấm lưới màu xanh phủ lên trên. Bên dưới "tấm lưới", những chùm hoa sử quân tử màu đỏ hồng đang lơ lửng như những ngọn đèn, chốc chốc lại đung đưa trong gió.
Tôi dựng xe bên cạnh chiếc xe đạp của con Vy ở cuối khoảng sân ấy, dưới gốc cây sứ trắng ở phía sau cái xích đu và ngắm nhìn ngôi nhà. Một kết cấu ba tầng với hình dạng vuông vức đơn giản ở bên ngoài, được phủ lên một lớp áo màu xanh dương rất nhạt, và có màu phơn phớt tím dưới những ánh đèn đường. Bên cạnh những cánh cửa lớn là những ô vuông nhỏ bằng kính màu hổ phách, được đặt giữa những chân đèn màu ngọc bích, đang phát ra chút ánh sáng nhè nhẹ. Phía ngoài mỗi ban công được trồng những cây cúc tần Ấn Độ, xanh mơn mởn và rũ xuống phía dưới, như một bức rèm nhung được thêu dệt bởi bàn tay của tự nhiên.
Sau khi khóa cổng, con Vy nhảy chân sáo về phía tôi, nắm tay tôi rồi kéo vào nhà. Tôi tháo giày ra và đi theo nó vào phòng khách. Những tấm thảm màu xanh, những bức tranh có màu sắc nhẹ nhàng khiến tôi quên đi cảm giác hanh khô vừa mới gặp ngoài đường. Một vài quả bóng bay đang lơ lửng trên trần nhà, phất phơ bên dưới là những sợi dây ruy băng đủ màu sắc. Trên bức tường phía bên trái cửa ra vào là dòng chữ "Happy Birthday" màu hồng, xung quanh đó là những sợi dây kim tuyến màu xanh và vàng.
Tôi giật mình khi nhìn thấy một con chó có bộ lông màu đen trắng, trông như một con gấu trúc gầy nhom, đang nằm sấp bên cạnh cái ghế sofa. Nó xòe bốn cái chân và cái đuôi xù của mình ra như một con rùa. Thật lạ là nó không sủa, chỉ ngẩng đầu lên liếc nhìn tôi, há cái mỏ như đang cười, cái lưỡi dài thè ra rồi quệt qua quệt lại trên cái mũi ươn ướt. Nhìn chán, nó lại nằm dài xuống sàn nhà, hai mắt lim dim. Chốc chốc, nó lại khẽ vẫy vẫy cái đuôi khi nghe tiếng bước chân của con Vy đi ngang qua.
- Nó hiền lắm, không cắn đâu. - Con Vy nói khi thấy tôi cứ đứng im và nhìn chăm chăm vào con chó. - Misa, Misa.
Con chó vẫy đuôi khi nghe gọi, nhưng nó cũng chỉ hơi nhướng mắt lên, liếm mép một cái rồi lại lim dim.
- Thật không? - Dù thấy nó có vẻ vô hại thật nhưng tôi hỏi lại cho chắc.
- Thật, hồi trước nó có hơi phá phách chút, giờ già rồi nên cả ngày chỉ nằm im một chỗ. Kệ nó đi, lại đây bưng đồ phụ tao.
Tôi liếc nhìn con chó và đi theo con Vy xuống bếp.
- Nhà mày có nhiều rượu thế. - Tôi nói khi thấy cả một tủ rượu trong phòng bếp.
- Để trưng bày thôi, hồi trước là sở thích của ba tao, giờ thì đến lượt mẹ tao. Đôi khi khó ngủ mẹ tao cũng uống một chút, hoặc thỉnh thoảng lấy ra đãi khách, còn phần lớn thời gian thì chỉ để đóng bụi. Nhưng gần đây thì mẹ tao hay lấy ra lau chùi nên cũng sạch sẽ rồi, số lần bà làm việc đó còn nhiều hơn số lần tắm cho tao lúc nhỏ nữa.
- Ba tao cũng có một hũ rượu, - Tôi nói - Mà ngâm toàn mấy con gì đâu, nhìn ghê lắm.
Sau khi bày biện tất cả mọi thứ lên, những thứ chúng tôi có là một cái bánh kem, một tô cà ri, một dĩa gà rán, một dĩa rau trộn, hai cái bánh pate chaud, một bình nước cam và một dĩa trái cây. Tôi không hiểu sao mình lại có thể nhớ rõ những chi tiết đó đến vậy nữa. Bọn tôi ngồi giữa một khoảng trống trong phòng khách. Con Vy nói ngồi dưới sàn nhà cho thoải mái, có gì lau dọn cũng dễ. Tôi nhìn quanh, chợt nhận ra có gì đó không đúng và hỏi:
- Những người khác đâu hết rồi?
- Mẹ tao lại đi công tác rồi, tuần sau mới về. Đây là sinh nhật đầu tiên của tao mà bà không có ở nhà. - nó cắm từng que nến nhỏ lên cái bánh kem và nói - Sáng hôm qua tao ngủ dậy thì chỉ thấy một mảnh giấy, mẹ tao nói là có việc gấp phải đi. Mấy món này cũng là do bà làm sẵn để trong tủ lạnh, chỉ việc bỏ vào lò vi sóng hâm lại thôi. - nó chỉ vào món cà ri, gà rán và bánh pate chaud - Mà không hiểu sao trước khi đi, mẹ tao vẫn kịp bày ra cái đống lộn xộn kia, - nó xoay ngón tay chỉ về phía bức tường và trên trần nhà - chẳng biết bà làm xong nó khi nào nữa, nhìn mà chán. Tao có còn là con nít đâu.
- Ừ, hôm nay mày mười sáu tuổi rồi, - Tôi nói - Nhưng mà dễ thương đấy chứ.
- Dễ thương khỉ gì, năm nào mẹ tao cũng bày ra như vậy, nếu tao không dẹp chúng đi thì chắc cũng để đến hết năm luôn. - Nó vừa đếm từng cây nến vừa nói - Lâu lâu có khách đến nhà chơi mà nhìn thấy cái đống đó thì quê thấy mồ.
- Ừ, nhưng mà..
- Chuyện gì?
- Những người khác đâu hết rồi? - Tôi ngập ngừng hỏi lại câu lúc nãy.
Chương 18
- Cô giúp việc nhà tao vừa nghỉ hồi tháng trước rồi, còn ai nữa đâu. - Con Vy nói.
- Không phải, ý tao là.. mấy đứa khác đâu hết rồi?
- Đứa nào nữa, - Nó chớp mắt nói - Tao chỉ mời có mình mày thôi.
- Ơ, sao kỳ vậy? - Tôi ngạc nhiên nói.
- Tao cũng thấy kỳ, - Nó nói - Nhưng mấy đứa kia tao không thích nên mời hay không thì có khác gì nhau đâu. Mà tốt nhất là không mời, chỉ tổ rắc rối thêm. Phải trông đồ, phải bày trò, phải dọn dẹp thêm nhiều thứ. - Nó lấy một que diêm quẹt lửa rồi châm vào từng cây nến - Hồi trước có cô Linh, cô giúp việc ấy, thì không sao. Một mình cô ấy lo hết được mấy chuyện đó, nhưng giờ cô nghỉ rồi thì chịu. Hình như con cô bị tai nạn nên mới nghỉ đột xuất vậy. Chắc hôm nào tao cũng phải giả vờ bị gì đó để mẹ tao ở nhà với tao quá.
- Mày đừng nói vậy chứ, xui lắm đấy.
- Mày không hiểu đâu - Nó thở dài - Tao không nhớ lần cuối cùng mẹ tao kèm tao học bài là khi nào nữa. Tao không biết tao hay công việc của bà quan trọng hơn nữa. Mỗi ngày bà chỉ nói chuyện với tao vài câu rồi lại vùi đầu vào công việc. Tối qua mẹ tao gọi điện về hỏi mấy món bà làm có ngon không. Tao nói ngon, nhưng thực ra chưa ăn mà để dành đến hôm nay. Dự một bữa tiệc sinh nhật như vầy mày không thấy chán chứ?
- Không, - Tôi lắc đầu. Trước đây tôi chưa từng dự một bữa tiệc sinh nhật nào mà chỉ có hai người, nhưng có vẻ như thế này lại hợp với tính cách của tôi hơn. Tôi không thích, và cũng ngại nói chuyện với những đứa mình không chơi thân - Cũng thú vị lắm. - Tôi nói.
Con Vy mỉm cười, đi về phía cầu thang rồi tắt đèn. Căn phòng bỗng mất đi ánh sáng, tôi chỉ còn nhìn thấy những ngọn nến lung linh và đôi mắt trong veo của nó. Như một làn sương trôi đi trong không khí, nó đến trước cái bánh kem và ngồi xuống đối diện tôi. Bọn tôi cùng nhau hát bài "Happy Birthday to you", gương mặt nó trước ánh nến chập chùng trông rạng rỡ vô cùng. Hát xong, nó chắp hai tay lại, bắt đầu thì thầm điều ước của mình rồi thổi tắt từng ngọn nến. Ánh đèn bật sáng trở lại, nó chạy từng bước nhỏ về lại chỗ ngồi. Chúng tôi cắt bánh và bắt đầu thưởng thức bữa tiệc sinh nhật. Con Misa cũng mon men lại gần, nằm gác cái mỏ lên đùi con Vy. Con Vy cho nó một miếng tao, và nó nhai ngon lành.
- Nó ăn trái cây à? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Cái gì mà nó chả ăn. - Con Vy cắn một miếng gà rán và nói.
- Tao tưởng chó thích gặm xương chứ. - Tôi múc một muỗng cà ri cho vào miệng và nói - Con chó xóm tao thì phải có xương trộn vào cơm thì mới chịu ăn.
- À quên, con này thì không gặm xương, còn lại thì cái gì nó cũng ăn, kể cả mấy đôi guốc của mẹ tao hay cái sofa cũ của nhà tao.
- Trông nó cũng lạ thật, đây là lần đầu tiên tao thấy loại chó này. - Tôi quẳng cho con chó một miếng gà rán nhưng nó không ăn, đến khi con Vy nhặt lên và đặt trước cái mũi đen sì ấy thì nó lại xơi tái một cách ngon lành.
- Người lạ cho đồ nó không ăn đâu, nhìn ngu ngu vậy thôi chứ khôn lắm. Mà tính ra nó còn lớn hơn cả tao. Để coi, - Con Vy uống một ngụm nước cam trong lúc suy nghĩ - Mẹ nói ba tao đem nó về nhà từ khi tao còn đang tập bơi trong bụng. Một người bạn nước ngoài của ba tao mang nó sang đây khi còn nhỏ xíu, nhưng khi chú ấy về nước thì nó đã lớn như vầy rồi. Vì không xách nó theo được nên phải gửi lại đây, nhờ ba tao chăm sóc giùm. Vậy là nó ăn ké ở đây cũng hơn mười sáu năm rồi. Mày coi, răng nó cũng rụng vài cái rồi nè. - Nó lấy ngón cái và ngón trỏ đẩy hai bên mép của con Misa lên rồi cười haha. Đúng là có vài chỗ trống trên hàm răng ấy thật.
Mấy món ăn mẹ con Vy làm rất ngon. Nó nói mẹ nó trước đây từng là đầu bếp của một nhà hàng nổi tiếng, nhưng cưới ba nó xong thì chỉ ở nhà nội trợ. Sau khi ba nó mất, một mình bà phải chèo chống cái công ty mà ông ấy để lại. Ai cũng tưởng rồi bà sẽ quay về với công việc đầu bếp sớm thôi, vì đó là đam mê của bà, mà cũng chẳng ai tin bà điều hành được cái công ty ấy. Vậy mà tài kinh doanh của bà còn hơn cả ba nó, sau giai đoạn khó khăn ban đầu, mọi thứ bắt đầu đi lên và công việc của bà cũng trở nên mỗi lúc một bận rộn.
- Mẹ tao là một phụ nữ tuyệt vời, nhưng bà sẽ chỉ hoàn hảo nếu dành nhiều thời gian cho tao hơn một chút. - Con Vy nói.
Cả ba chúng tôi ăn hết bữa tiệc chỉ trong chưa đầy ba mươi phút. Con Misa có vẻ thích bánh kem, một mình nó ăn hết nửa cái nhưng trông vẫn còn rất thèm thuồng. Sau khi ăn trái cây tráng miệng và uống hết nước cam, tôi định dọn dẹp thì con Vy bảo để nguyên như cũ. "Hôm nay là sinh nhật tao, không phải ngày lao động" - Nó nói. Rồi nó đi về phía cái TV, một cái màn hình phẳng đầu tiên tôi được nhìn thấy, bên dưới cũng là đầu đĩa loại mới nhất chứ không giống cái đầu băng cũ kỹ ở nhà tôi.
- Nghe nhạc không, tao có vài đĩa hay lắm? - Nó lắc lắc cái hộp đựng đĩa trên tay và hỏi - Mày thích nghe nhạc gì?
- Không biết nữa, tao ít nghe nhạc lắm.
- Vậy để tao coi có cái nào hay không. - Nó lật qua lật lại từng cái đĩa và tự nói với chính mình - À, đợi tao chút.
Rồi nó chạy một mạch lên tầng trên, để tôi lại một mình với con Misa. Tôi vuốt nhẹ lên người con chó thì nguyên một đám lông bám đầy trên tay tôi. Nó kêu "grừ grừ" tỏ vẻ thoải mái, rồi lại lim dim đoi mắt, gục cái đầu xuống sàn. Một lát sau, con Vy chạy xuống với một cái đĩa trên tay.
- Tao phải cất kỹ chứ không dì tao qua lại thấy. Dì ấy quý cái đĩa này lắm, - Nó lấy cái đĩa ra khỏi vỏ rồi nhét vào cái khe của đầu đọc - Nghe nói bạn trai cũ tặng nó cho dì khi từ nước ngoài về.
- Mày ghét dì của mày lắm à? - Tôi hỏi.
- Đâu có, - nó mở TV, bấm bấm mấy cái nút trên cái điều khiển và nói - Sao mày hỏi vậy?
- Chứ sao mày lại lấy trộm nó?
- Ai trộm? - Nó chu mỏ - Tại hai đứa nhóc nhà dì cứ phá hư đồ chơi của tao, còn dì thì toàn bênh tụi nó. Tao làm vậy cho hả giận thôi chứ chẳng ghét gì dì ấy. Mà thôi, nghe đi, bài này hay lắm.
Rồi nó ngồi xuống bên cạnh tôi trên cái ghế sofa.
- Ờ. - Tôi gật đầu.
Tôi nghe không hiểu lắm vì toàn tiếng Anh, nhưng giai điệu của bài hát thì thật tuyệt. Phần video cũng khá kỳ công, dù kết thúc hơi buồn một chút.
- Bài này tên gì vậy?
- November Rain của Guns N' Roses.
- Chưa nghe thấy bao giờ. - Tôi suy nghĩ một chút rồi nói.
- Ừ, mấy bài hát kiểu như thế này cũng không phổ biến ở đây, bọn nó toàn thích nghe nhạc pop hay nhạc trẻ là nhiều.
- Nhưng tao thấy cũng hay, thật đấy.
- Mày có hiểu người ta hát cái gì không mà khen hay?
- Nhiều đứa cũng hay hát theo mấy bài của Backstreetboys hay 'N Sync dù chẳng thuộc lời đó thôi.
- Ừ, tao cũng chỉ nghe được vài câu trong đó - Nó cười - Nhưng tao mê bài này ngay sau lần đầu tiên nghe luôn, nhất là đoạn guitar, hay không tả được. Tao định trả nó lại cho dì nhưng giờ thì đổi ý rồi, phải đợi ít nhất là tới khi nào nghe chán đã.
Trong cái đĩa còn nhiều bài khác nữa, nhưng con Vy chỉ phát đi phát lại bài hát đó. Bọn tôi vừa nghe nhạc vừa chơi bài, còn con Misa thì làm khán giả. Lần này chơi vô thưởng vô phạt nên cũng mau chán, hoặc cũng có thể do không có chị Nhã nên bầu không khí như thiếu đi thứ gì đó. Bọn tôi cất bộ bài và thi xem ai mở mắt lâu hơn. Hai đứa ngồi đối diện và mở to mắt ra nhìn nhau. Và khi nhìn vào đôi mắt ấy, trong lòng tôi chợt gợn lên một cảm giác khó diễn tả thành lời.
Tôi không biết cái cảm giác đó là gì nữa, giống như nổi da gà nhưng không phải, giống như rợn tóc gáy nhưng cũng không phải. Cái cảm giác đó nhẹ hơn một chút và không đủ để khiến tôi rùng mình. Nó khiến cho mọi tế bào của tôi dường như chẳng còn cảm nhận được gì xung quanh, nhưng lại trở nên nhạy cảm với bất kỳ cử động nào trên gương mặt ấy. Tôi giống như một ngọn lửa le lói trong tảng băng, hoặc cũng có thể là miếng băng đang tan ra trong ngọn lửa. Thời gian dường như bị kéo dãn ra vô tận, còn không gian thì thu nhỏ lại trong đôi mắt màu hổ phách. Nhưng khi đã đắm chìm hoàn toàn bên trong chúng, tôi lại cảm giác như mình bị lạc trong một không gian rộng lớn vô ngần. Dường như có một cái gì đó đang hút dần linh hồn tôi rời khỏi thể xác, khiến tôi gần như không động đậy gì, ngoài việc thở.
Chương 19
Tôi tưởng như mình có thể nhìn mãi, nhìn mãi vào đôi mắt của con Vy, nhưng tôi lại chớp mắt một cái. Tôi thua và bị nó gõ một cú đau điếng vào đầu gối. Chúng tôi chơi lại một lần nữa, nhưng trước khi bắt đầu, tôi nói:
- Ai chớp hai mắt thì thua nha.
Nó suy nghĩ một chút nhưng không tìm ra vấn đề trong câu nói của tôi. Và chúng tôi lại bốn mắt nhìn nhau. Khi sắp phải thua lần nữa, tôi nhắm mắt bên trái lại và nhướng mắt bên phải lên. Con Vy trợn tròn mắt, nhưng sau đó thì chớp liên tục. Nó phì cười và nói:
- Không tính, mày ăn gian quá.
- Sao lại không tính, tao đã nói chớp hai mắt là thua mà, mày nhắm một mắt lại như vậy tao cũng không nói gì đâu.
Rồi nó thử nhắm một mắt lại, nhưng tôi không biết nó đang cố làm việc đó với mắt nào, vì cả đôi mắt đều đang nhắm nghiền lại.
- Không được! - Nó cười, huơ huơ bàn tay nhỏ trước mặt - Không tính, mày chơi ăn gian quá.
- Ăn gian gì, tao đâu có phạm luật.
- Thôi được rồi, - Con Vy lắc đầu, thở dài - cho mày thắng một ván vậy. Mày kỳ thật đấy, đáng lý ra phải nhường bạn gái trong ngày sinh nhật chứ.
- Bạn gái! - Tôi nhắc lại cái từ quan trọng nhất trong câu nói ấy.
- Ừ, chẳng phải mày nói thích tao rồi sao, giờ định đổi ý à? - Nó mím môi, nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Không, không, tao thực sự thích mày mà. - Tôi ấp úng nhìn vào đôi mắt màu hổ phách của nó. Dù chúng tôi đã nói thích nhau và luôn ở bên cạnh nhau, nhưng trước giờ tôi vẫn chưa dám chắc mối quan hệ ấy là gì. Bởi nhiều đứa trong lớp tôi cũng nói thích nhau, nhưng cuối cùng thì bọn chúng vẫn chỉ là bạn bè bình thường. - Có thể vì hồi đó mày cho tao mượn mấy cuốn truyện, có thể vì mày dễ thương, hoặc cũng có thể mày trông trưởng thành hơn đám con gái đồng lứa.. tao cũng không biết đâu mới là lý do chính nữa, nhưng tao thực sự thích mày.
Nhưng khi đôi mắt ấy cứ nhìn chăm chăm vào mình, tôi lại cảm thấy hơi ngượng ngùng. Tôi cúi xuống nhìn con Misa, gãi gãi cái chân của con chó. Đột nhiên, tôi cảm giác có một cái gì đó rất mềm mại vừa chạm vào mặt mình. Đôi môi của con Vy vừa hôn lên má phải của tôi. Nó ném cho tôi một nụ cười lém lỉnh rồi chạy thẳng về phía cầu thang dẫn lên tầng trên. Tôi ngồi như một pho tượng, tay trái cứ vuốt ve cái chân của con Misa.
- Thiên, lên đây. - Con Vy đứng ở bậc thang cao nhất, hơi cúi người xuống gọi tôi.
- Ờ.. ờ.. - Tôi xoa xoa đầu con Misa lần nữa rồi đi lên tầng trên. Con chó chồm người lên chạy theo, nhưng được vài bước thì lại nằm xuống thở phì phò.
Khi bước đến bậc thang cuối cùng, con Vy nắm lấy tay tôi chạy qua một hành lang ngắn dẫn đến một căn phòng. Tôi đứng trước cánh cửa, và cảm giác như đang nhìn vào một thế giới khác. Một thế giới tràn ngập trong màu hồng đầy mơ mộng. Chiếc giường nhỏ, tủ quần áo, kệ sách, bàn học, tất cả đều có những đường viền màu hồng duyên dáng và tinh tế, khiến cho ai nhìn vào cũng sẽ bỏ qua phần màu trắng còn lại. Con Vy dắt tay tôi vào trong và để mặc tôi nhìn ngắm mọi thứ trước mắt. Góc học tập của nó rất ngăn nắp, sách vở và bút viết đều được sắp xếp rất gọn gàng. Trên bàn học là món quà mà tôi đã tặng, được đặt ở một vị trí rất dễ nhìn thấy. Chiếc kệ sách của nó được lấp đầy bởi những cuốn truyện tranh mà chúng tôi vẫn thường đọc trước đây, xen lẫn trong đó là vài cuốn Mực Tím và Hoa Học Trò. Trên bức tường màu hồng nhạt phía bên trái tôi là một cái cây màu nâu được vẽ lên đó, với vô số nhánh cây uốn cong thành những vòng xoắn ốc. Những bông hoa màu đỏ nở bung ở giữa những vòng cây, và bên dưới những nhánh cây nhỏ được dán đầy hình ảnh của các nhân vật trong truyện Conan và Thủy Thủ Mặt Trăng. Bên cạnh bức tường đó là một chiếc giường có hình mèo Kitty màu hồng. Phía đầu giường, một con mèo Kitty lớn gần bằng tôi đang ngồi dựa vào tường, đắp cái chăn mỏng che ngang bụng. Có vẻ như con Vy thích mèo Kitty. Rải rác trong căn phòng cũng được đặt những con thú bông nhỏ xinh khác, vài con đang ngồi xung quanh cây đàn dương cầm màu trắng bên cạnh cửa sổ, mắt nhìn chăm chú vào chiếc ghế bên cây đàn. Con Vy đứng trước cây đàn, lật qua lật lại cuốn sổ nhạc trước mặt rồi dùng cái kẹp kẹp lại.
- Sau đây, tôi xin trình bày bản Dạ Khúc Số Hai của Sô-panh cho khách mời duy nhất của mình đêm nay. - Nó quay lại nhìn tôi, xòe chiếc váy trong khi hai chân nhún xuống và nói.
Tôi ngồi yên trên chiếc giường và chăm chú nhìn nó ngồi xuống bên cây đàn. Mặc dù chỉ làm thính giả, nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút hồi hộp. Tôi không dám thở mạnh hay tạo ra bất kỳ âm thanh nào vì sợ làm con Vy mất tập trung. Mất một vài giây im lặng, nó bắt đầu đánh những nốt nhạc đầu tiên, giống hệt giai điệu được phát ra trước mỗi chương trình thời sự trên TV. Nó ngừng lại, thở nhẹ một hơi rồi cười nói:
- Mỗi khi thấy hồi hộp tao lại chơi đoạn này, nó làm tao thấy thoải mái hơn một chút.
Nó đứng dậy, kéo tấm rèm mỏng màu trắng rồi mở toang cánh cửa sổ. Một cơn gió lùa vào phòng làm tung bay mái tóc dài thướt tha. Trong hương hoa thoang thoảng, nó tựa như một bông hoa sứ đang nở vậy, mềm mại, ngát hương và đầy sức sống. Kéo chiếc ghế lại gần cây đàn hơn, nó ngồi xuống, đặt những ngón tay lên phím đàn và hít một hơi thật sâu. Rồi nó bắt đầu đánh lên những nốt nhạc đầu tiên, chầm chậm, nhẹ nhàng. Những ngón tay của nó mới uyển chuyển làm sao, giống như đang vuốt ve cây đàn vậy. Còn cây đàn như run rẩy trước những cái chạm nhẹ ấy, phát ra những âm thanh du dương. Tôi ngắm nhìn bóng lưng yêu kiều ấy cùng cây đàn, và khung cửa sổ phía trước giống như một khung tranh. Một bức tranh tuyệt đẹp.
Sau đoạn đầu trầm buồn, những nốt nhạc bắt đầu bay bổng lên như những vì sao. Thân hình mềm mại của thiếu nữ đung đưa theo điệu nhạc, nàng như đang say trong bản hòa tấu của chính mình. Ngón tay nàng lướt nhẹ trên những phím đàn, như cơn gió lướt qua mặt biển. Chiếc rèm cửa đung đưa như một vũ công ba lê đang nhảy múa, cả màn đêm dần hòa tan ra để được thắp sáng bởi khúc nhạc nhẹ nhàng và buông lơi. Tôi thấy mình như ở giữa một miền quê yên bình, ngồi dưới bóng dừa và ngắm nhìn vầng trăng đang tỏa ra ánh sáng mờ ảo. Rồi những nốt trầm cuối cùng khiến mọi thứ trở nên lập lòe, như một viên đá vừa rơi vào trong hồ nước. Và khi mặt hồ đã yên tĩnh trở lại, tôi quay về với chính mình, trong căn phòng của một đứa con gái.
Con Vy ngồi im như một pho tượng nữ thần, với những ngón tay thon nhỏ đang đặt trên những phím đàn. Hai vai nó khẽ động đậy theo từng nhịp thở, cho tôi biết rằng nó đang ở đó. Có vẻ như nó vẫn còn say sưa trong những nốt nhạc của mình. Còn tôi thì say đắm trong khung cảnh trước mắt. "Thời gian cứ dừng lại ở đây đi, không cần phải trôi đi nữa đâu" - tôi thầm ước. Con Vy ngồi như vậy được một lúc thì ngẩng mặt lên, hơi ngả người về phía sau. Nó đang nhìn về phía những vì sao bên ngoài cửa sổ, hoặc đang nhắm mắt để cảm nhận mùi hương của màn sương. Tôi nghe một tiếng hít thở thật sâu, con Vy lật qua vài trang của cuốn sổ nhạc rồi tiếp tục màn trình diễn của mình, và những ngón tay lại bắt đầu nhảy múa trong giai điệu da diết nồng nàn. Rồi nó chơi thêm vài bài nữa và kết thúc bằng một giai điệu sôi động. Cuối cùng, nó đứng dậy, quay về phía tôi và làm cái điệu xòe váy như lúc nãy. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên cái cổ ngọc ngà như những món đồ trang sức lấp lánh, nhưng cũng không thể tỏa sáng bằng chủ nhân của chúng.
- Sao, hay không? - Con Vy hỏi.
- Hay lắm. - Tôi nói, sau đó kể lại những cảm xúc của mình khi nghe nó đàn.
- Làm gì tới mức đó chứ, - Nó cười nói - Thực ra tao bị sai mấy chỗ ấy.
- Mấy chỗ đó chắc ông tác giả quên sửa lại. - Tôi nằm xuống chiếc giường êm ái và nói, ngồi lâu như vậy khiến lưng tôi có chút mỏi.
- Nghe lời mày chắc tao không bao giờ đàn được đúng mất. - Nó cười và nằm xuống bên cạnh.
- Vậy khi nào chỉ có một mình tao thì mày cứ đàn như lúc nãy. - Tôi nhìn lên trần nhà, nơi những ngôi sao được buộc trên những sợi dây đang lơ lửng giữa không trung.
- Cũng được, có lẽ tao không cần phải đàn theo đúng bản nhạc nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro