hoa tường vy mùa hạ 1
Tác giả: Ngô Tiếu Kì
Thể loại: Ngôn Tình, Truyện Teen
Nguồn: Đêm Buồn
Thể loại: Tiểu thuyết, Hiện đại, Ngôn tình, Lãng mạn
***
Giới thiệu:
Ai ai cũng trải qua một thời thơ ấu khó quên.
Trong kí ức có vui có buồn đó, dĩ nhiên cũng không thiếu được người bạn khiến chúng ta luôn vương vấn.
Trưởng thành, cũng là khi trái tim biết rung động, và có một mối tình nhớ mãi không quên.
Khiến chúng ta khắc khoải hơn, giằng xé hơn, in dấu sâu hơn, chính là mối tình đầu.
Cuộc đời ai cũng phải trải qua những đau khổ đến mức muốn chết đi sống lại, nhưng rồi cũng phải vượt qua nó để bước tiếp..
***
Chương 1-1: Mở đầu
Bầu trời đầy sao, tôi đứng ngoài ban công ngước nhìn những chấm sáng lấp lánh, giống như những hạt kim tuyến được rải lên trên tấm vải nhung đen huyền bí. Cơn gió ẩm ướt của mùa thu thoang thoảng chút hương hoa sữa, dù xung quanh đây chẳng có cây hoa sữa nào. Tôi ngắt một chiếc lá trên nhánh cây gần đó, vò nát và đưa lên mũi để át cái mùi kia đi. Không phải tôi ghét hoa sữa, nhưng cái mùi ấy trộn lẫn với mùi của bệnh viện tạo thành một thứ gì đó rất kinh khủng. Không dễ để tưởng tượng ra cái hỗn hợp đó như thế nào nếu không sống trong bệnh viện ít nhất hai tháng, đúng vào mùa hoa sữa nở.
Cổ họng lại đau rát, giống như có con gì đang bò bên trong và dùng cái móng vuốt của nó cào lên bất cứ thứ gì xung quanh. Một cơn ho sặc sụa kéo đến. Các cơ trên cổ tôi căng ra, còn da mặt thì tê rần. Tôi cố há hốc mồm để thở nhưng lại chẳng hút được vào bao nhiêu không khí. Mọi thứ đã bị tắc nghẽn, giống như những lần kẹt xe vào giờ cao điểm ở Sài Gòn vậy. Cả người cong lại như con tôm bị luộc chín, tôi cố giữ lan can bằng một tay, và tay còn lại thì ôm lấy lồng ngực, sợ rằng những miếng nội tạng của mình sẽ văng ra ngoài.
Tôi bị như vậy cũng được vài tháng rồi. Đêm ấy, tôi chợt tỉnh giấc bởi một cơn ho dai dẳng, cùng cơn đau dữ dội từ trong lồng ngực, giống như lúc này đây. Tôi cố kìm chúng lại thành những tiếng "khục khặc" trong cổ họng, cho đến khi bùng phát như đê vỡ ngay khi vừa ra khỏi phòng ngủ. Cố gắng bước đi, tôi vào nhà vệ sinh để rửa đống nhớp nháp trên tay thì mới thấy một màu máu đỏ tươi.
Tôi không cho vợ tôi biết chuyện này. Không phải tôi muốn giấu cô ấy, tôi chỉ phân vân không biết có nên nói ra hay không thôi, bởi vợ tôi là người thích làm quá lên mọi chuyện. Nhưng chỉ một tuần sau thì cô ấy cũng biết chuyện. Tôi lọ mọ đi vệ sinh vào nửa đêm như mọi khi, và lúc quay ra thì đã thấy cô ấy đứng ở trước cửa. Tôi cứ tưởng như cô ấy sẽ lại hét toáng lên như vẫn làm rồi chửi rủa rằng tôi là một thằng vô tâm hay nói những thứ đại loại thế. Nhưng không, cô ấy cứ im lặng đứng đó, nhìn tôi bằng cái nhìn âu yếm như mọi ngày, không khóc, không cười. Ánh đèn vụt tắt, tôi cảm thấy một cơn rung dữ dội và đổ gục xuống sàn.
Khi thức dậy, tôi thấy mình đã nằm trong bệnh viện. Chỉ cần nhìn lên trần nhà và ngửi cái mùi khó chịu trong không khí là biết mình đang ở đâu. Môi miệng tôi khô khốc cứ như chưa đánh răng cả tháng trời vậy, nhưng thực ra thì chỉ mới có ba ngày. Tôi ghét bệnh viện và muốn về nhà, nhưng tên bác sĩ đã nói với vợ tôi rằng cần phải ở lại để theo dõi vì tình hình của tôi rất nghiêm trọng, và vợ tôi đã nghe theo. "Thật là một vụ ngoại tình trắng trợn" - tôi nằm dài trên cái giường cứng ngắc và suy nghĩ. Tuy nhiên sau đó, tôi có chút xót xa khi nhìn thấy gương mặt thiếu ngủ của vợ mình, nhưng cảm xúc đó chỉ kéo dài cho tới khi tôi nhìn thấy gương mặt của chính mình trong gương.
Tôi bị ung thư phổi giai đoạn cuối. "Chết chắc rồi" - tôi nói với vợ - "nếu như phải chọn giữa bệnh viện với ngôi nhà của chúng mình, anh muốn những ngày cuối cùng được ở cùng em, trên chiếc giường êm ái ấy". Cô ấy cười khi nghe được điều đó, và khóe mắt cũng chảy xuống một dòng lệ, lăn dài trên má. Nhưng là người hiểu tôi hơn bất kỳ ai hết, cô ấy làm thủ tục xuất viện cho tôi ngay trong ngày hôm sau. Tuy nhiên, cái bệnh viện này làm việc hơi lề mề nên tôi được thông báo rằng phải ba ngày nữa mới xuất viện được.
Trong thời gian ở lại bệnh viện, bọn họ sắp xếp cho tôi tham gia vào một nhóm những người sắp chết giống như tôi. Hoạt động của chúng tôi không liên quan gì đến tôn giáo hay chính trị cả, dù cho chúng tôi chẳng sợ phải tù tội gì và cũng chẳng quan tâm phải lên thiên đường hay xuống địa ngục nữa. Mọi người cùng ngồi ở đó thành một vòng tròn, không có gì ngăn cách giữa những con người với nhau. Chúng tôi không phân biệt tuổi tác, giới tính hay đẳng cấp, không giống như cách mà cái xã hội ngoài kia vẫn đang vận hành. Chúng tôi chỉ là những kẻ sắp chết, ngồi kể lể với nhau những câu chuyện của cuộc đời mình. Và nếu câu chuyện chưa kết thúc, nó sẽ được tiếp tục vào buổi họp mặt hôm sau.
Họ nói đây là một liệu pháp tâm lý giúp mọi người cảm thấy tốt hơn, trong quá trình chống chọi với những cơn đau của bệnh tật. Nhưng tôi chẳng thấy cái lồng ngực của tôi bớt đau đi chút nào cả. Tôi thích những cuộc nói chuyện không đầu không cuối với vợ mình hơn. Nhưng dù sao thì cô ấy vẫn còn có công việc và cuộc sống của riêng mình, dù cho chúng tôi đã không còn phân rõ điều đó qua nhiều năm. Tôi không thể đòi hỏi cô ấy phải ở đây cả ngày được. Tôi biết, dù không nói ra, nhưng cô ấy cảm thấy rất tệ khi phải nhìn thấy tôi mỗi lúc một gầy đi. Thế là tôi nói vợ mình rằng mình vẫn ổn và đến đây đều đặn mỗi ngày, và cũng rất đúng giờ, giống như được trả lương cho việc này vậy.
Ngồi cạnh tôi là một chàng thanh niên trẻ hơn tôi vài tuổi. Cậu ta bị ung thư gan, nhưng trông lại chẳng có vẻ gì là bệnh tật cả. Cậu ta cũng còn quá trẻ để bị căn bệnh đó. Cậu ta cao hơn tôi cả một cái đầu, thân hình rắn rỏi, hơi thở đều đều và giọng nói rất rõ ràng. Cậu ấy kể cho chúng tôi nghe rằng bố mẹ cậu ly dị từ nhỏ, khi cậu còn chưa đi học Tiểu Học. Mặc dù bản thân chẳng có lỗi gì trong chuyện đó, nhưng cậu ta lại luôn cho rằng mình là nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ, và cái suy nghĩ sai lệch ấy cứ bám lấy trái tim non nớt của cậu ta, suốt bao nhiêu năm như vậy. Sau đó, cậu tự ép mình phải trở thành một đứa con ngoan trong mắt của mẹ, người mà cậu sống cùng. Nhưng rồi người mẹ đó lấy một người đàn ông khác, có một đứa con khác và quẳng cậu sang một bên. Kể từ đó, cậu chẳng còn nhận được chút tình thương nào từ mẹ mình nữa. Cha cậu cũng rất ít đến thăm cậu, dần dần thì cũng mất dạng. Cậu ta bắt đầu nghiện rượu từ đầu năm cấp ba, và thường xuất hiện trong các quán xá thay vì trường học. Cậu ta nói rằng nhà cậu không thiếu tiền, chỉ thiếu tình thương. Rồi cậu quen một cô bồ lớn hơn mình tận năm tuổi, và chỉ mới chia tay trước đó vài tháng. Gọi là chia tay vậy thôi chứ chẳng có lời chia tay chính thức nào cả. Ngay khi nghe tin cậu ta bị ung thư, cô ả bốc hơi nhanh hơn cả nước sôi. Và sau hơn hai tháng liên lạc trong vô vọng, cậu bé đáng thương này mới chịu chấp nhận sự thật.
Nói xong, cậu ta gục đầu vào tôi khóc. Không có giọt nước mắt nào chảy ra, nhưng tôi lại cảm thấy cậu ta đang khóc một cách chân thật nhất. Ở đây, chúng tôi không cần phải che giấu cảm xúc của mình nữa. Nếu tính theo thời gian chào đời thì mọi người cách nhau xa lắm. Nhưng nếu tính theo còn lại trên cõi đời này, bọn tôi cũng chẳng khác nhau mấy. Tuổi tác của mọi người ở đây có lẽ được tính theo cách thứ hai, vậy nên chúng tôi có thể dễ dàng trở thành bạn của nhau.
Mất khoảng nửa tiếng sau thì cậu ta ngừng khóc, chẳng cần ai dỗ cả. Việc an ủi bằng lời nói ở đây là thừa, và ai cũng hiểu điều đó.
- Đến lượt anh rồi. - Cô gái ngồi phía đối diện nhìn tôi nói. Cô ta luôn là người bắt đầu câu chuyện của mỗi người bằng câu nói đó. Cô ta là một chuyên gia tâm lý, nhưng đôi khi tôi thấy cô ta cũng giống một giáo viên, biên tập viên, phóng viên, hướng dẫn viên, phát thanh viên, điều tra viên hay cái gì đó đại loại thế.
Tôi nhìn cô gái ấy, và những ánh mắt xung quanh đang hướng về mình. Tôi lại nghe thấy cái hương vị chín rục của mùa thu trong không khí, và hình ảnh về những mùa hè chợt lần lượt hiện lên trong đầu tôi, từng cái, từng cái một. Chúng giống như những bức tranh đã úa màu hoặc bị rách vài chỗ. Tôi cố gắng hít thở một cách bình thường và lật tới lật lui những bức tranh ấy.
Chương 1-2
Tôi sinh ra ở Nha Trang, một thành phố biển xinh xắn nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ. Những năm đầu đời, tôi sống cùng với bà nội ở tận ngoại ô thành phố. Mãi cho đến khi chập chững biết đi, tôi mới được đón về ở cùng với ba mẹ. Tôi là con út trong một gia đình có năm người con, có ba anh trai và một chị gái. Chị gái duy nhất của tôi là con thứ tư của ba mẹ, ngay trước tôi. Ba tôi đặt tên cho các anh chị lần lượt là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí. Chị tôi không thích cái tên của mình lắm bởi hay bị bạn bè trêu chọc là giống tên con trai. Tuy nhiên, khi ở nhà, chị được gọi bằng cái tên nữ tính hơn là "Nhã". Nhưng xét cho cùng, tính cách chị giống con trai thật. Bọn con trai trong xóm chẳng đứa nào đánh nhau lại chị, và suốt những năm tiểu học chị cũng được xem là đầu gấu trong trường (tôi nghe mấy anh chị trong xóm gọi thế). Mặc dù vậy, chị lại rất dịu dàng với tôi, thật biết ơn ông trời vì điều đó. Còn tôi, tôi không được đi học mẫu giáo mà chỉ quanh quẩn ở nhà suốt ngày. Các anh chị luân phiên nhau trông chừng tôi, nhưng chỉ có chị Nhã là quan tâm đến tôi nhất. Chị giống như một bảo mẫu nhí luôn có mặt mỗi khi tôi cần, vì thế mà tôi cảm thấy gần gũi chị hơn là với các anh.
Trước khi có chúng tôi, ba mẹ sống với nhau trên một cái rẫy nhỏ ở phía bắc huyện Cam Lâm, cách nơi tôi đang ở khoảng hơn một tiếng đi xe máy. Kể từ khi có anh Hai, ba mẹ mới quyết định chuyển về Nha Trang sinh sống, tiện cho việc học tập của chúng tôi sau này và nhiều việc khác nữa.
Ngôi nhà của chúng tôi nằm trong một con hẻm nhỏ chỉ đủ một chiếc xe máy đi qua, trên một con đường nhỏ giữa lòng thành phố nhỏ bé ấy. Chúng tôi sống giữa những bức tường được xây bằng gạch nung, bên ngoài phủ từng mảng rêu màu xanh đen, còn bên trong thì được quét sơ qua một lớp vôi trắng. Những chiếc cửa bằng gỗ đã ít nhiều mục nát vì những năm tháng dầm mưa dãi nắng, luôn phát ra những tiếng kêu cót két khi mở ra hay đóng vào. Mái nhà chỉ là vài tấm tôn cũ xếp chồng lên nhau, đầy lỗ thủng và những vết rỉ sét. Khi trời sáng, nắng có thể xuyên qua những cái lỗ ấy, và khi trời mưa, những giọt nước sẽ không ngừng rơi xuống. Kế bên nhà tôi là một cái giếng nước trong, cả xóm đều dùng nước ở đó để sinh hoạt. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về cái giếng là những ngày trời mưa, anh Tư tôi xách những gàu nước đầy rồi xối ào xuống đầu tôi để tắm. Cuộc sống của chúng tôi khi ấy thiếu thốn đủ thứ chứ không được như bây giờ. Mặc dù ba mẹ đã cố gắng rất nhiều nhưng hai anh đầu của tôi vẫn phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, mái ấm nhỏ bé ấy của chúng tôi vẫn luôn đầy ắp tiếng cười.
Trong mắt tôi, ba tôi là một người rất tài giỏi, vì ông biết làm rất nhiều nghề khác nhau. Ông là một thợ mộc khéo tay, khi tất cả những cái bàn, cái tủ trong nhà đều do ông đóng, kể cả cái bàn học liền với cái ghế mà các anh chị đã thay phiên nhau sử dụng. Ông là một thợ điện đầy kinh nghiệm, có thể sửa bất kỳ cái công tắc hay ổ cắm nào bị hư, và đèn nhà chúng tôi lúc nào cũng sáng, trừ khi bị mất điện. Ông là một thợ sửa xe chăm chỉ, luôn tự sửa chữa mọi thứ bị hư hỏng trên chiếc xe đạp của mẹ, hoặc trên chiếc xe máy của chính mình. Ông là một đầu bếp giỏi giang, luôn nấu các bữa ăn cho cả nhà mỗi khi có thời gian rảnh, và các món ăn ông nấu còn ngon hơn của mẹ tôi. Ông là một thợ may tỉ mỉ, khi có thể may được những bộ quần áo rất đẹp và vừa vặn cho các anh chị và tôi. Ông cũng là một tài xế tận tụy, luôn thức dậy thật sớm để đưa mẹ tôi đi chợ, và đến trưa hoặc chiều muộn thì lại đưa bà về. Tuy nhiên, nghề duy nhất ông làm để kiếm tiền là nghề nông, cái nghề mà ai cũng cho là quê mùa trong thời kỳ mà mọi thứ đang hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Ông thường lên rẫy để coi sóc những cái cây của mình, vài tháng mới về nhà một lần. Mỗi khi về nhà, ông đều chở theo đầy những trái xoài ngon lành.
Mẹ tôi thì đơn giản hơn ba tôi, bà chỉ buôn bán nhỏ ở chợ Xóm Mới. Bà thường dậy rất sớm đi chợ và tới tận chập tối mới về. Mỗi khi ba tôi ngủ quên hoặc đang ở trong rẫy, bà lại tự đi ra chợ bằng chiếc xe đạp cũ của mình. Thỉnh thoảng vào buổi trưa, bà có ghé về nhà ăn cơm, sau đó lại đi. Cũng bởi mẹ tôi đi chợ sớm như vậy nên mỗi khi tôi ngủ dậy thì bà đã không còn ở nhà. Và như bao đứa trẻ khác, tôi lại khóc rất to để đòi mẹ. Tôi không thể không ngủ vào buổi tối, nhưng không dám ngủ trưa vì sợ khi thức dậy lại không thấy mẹ đâu. Thế mà tôi lại hay bị bắt phải ngủ trưa, dù chẳng thể nào ngủ được. Mỗi lần mẹ định đi chợ sau khi tôi đã "ngủ", tôi đều bật dậy và đòi đi theo. Khi ấy, bà luôn an ủi và hứa sẽ mua kẹo cho, điều đó khiến tôi trở nên ngoan ngoãn nghe lời ngay lập tức. Tuy nhiên, chẳng bao giờ bà nhớ đến việc mua kẹo cho tôi cả.
Một hôm, không biết bằng cách nào đó mà tôi có thể ngủ trưa được. Và khi thức dậy, tôi không thấy mẹ đâu. Tôi bắt đầu khóc, khóc to đến nỗi cả xóm ai cũng nghe thấy. Tôi ngồi trên giường, đạp đạp hai chân làm cho chiếc giường yếu ớt kêu lên tiếng cọt kẹt và tôi gào to gọi mẹ, nước mắt nước mũi chảy xuống ướt cả áo. Chị Nhã dỗ mãi mà tôi chẳng nín. Chị ấy mua kem cho tôi cũng không làm tôi ngừng khóc được. Cho đến khi chị bảo sẽ dẫn tôi đi tìm mẹ thì tôi mới ngưng tiếng rống của mình lại. Tôi gật đầu và dụi dụi mắt nhìn chị, tiếng sụt sịt không ngừng phát ra từ trong mũi.
Hôm ấy, trời nắng rất to, chị đội cho tôi chiếc nón màu cam nhạt của chị rồi bế tôi ra khỏi cái xóm nhỏ, nơi mà tôi chưa từng rời đi nửa bước kể từ khi về ở với ba mẹ. Lúc đó, hình như chị mới học lớp Hai, còn tôi thì chưa được ba tuổi. Người chị rất gầy, và mỗi khi chị ẵm tôi thì mọi người lại trêu là trông giống như con chuột đang ôm quả trứng gà vậy. Giữa cái nắng chang chang của mùa hè, cái bóng nhỏ bé, liêu xiêu của chị tôi bước đi trên mặt đường nóng bức. Những cơn gió hanh khô thổi tung bụi mù vào gương mặt ướt nhẹp nước mũi của tôi và vầng trán đầy mồ hôi của chị, để lại trên gương mặt chúng tôi những vết lấm lem đen nhẻm.
Từ nhà tôi ra chợ cũng không xa lắm, nhưng nếu đi bộ thì cũng không phải là gần, nhất là đối với chị tôi khi ấy. Chị vừa đi vừa dùng tay áo lau nước mũi cho tôi, chốc chốc còn dỗ tôi rằng sắp tới chợ rồi nên đừng khóc nữa. Tôi chẳng biết gì ngoài gật đầu lia lịa, hai tay bám chặt vào cổ chị vì cảm giác được rằng tay chị đôi lúc lại hơi buông lỏng. Tôi sợ chị sẽ quẳng tôi xuống đường rồi bỏ đi một mình mà không hề biết rằng hai tay chị đã mỏi nhừ. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được mọi chuyện, chỉ biết đòi hỏi những thứ mà mình muốn.
Trong ký ức trẻ con ấy, đó là lần đầu tiên tôi đi ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình. Lần đầu tiên tôi biết rằng có những con đường được trải nhựa, tráng xi măng bằng phẳng chứ không phải con đường nào cũng bằng đất hoặc lát gạch đỏ như ở trong xóm. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy nhiều xe cộ qua lại trên đường, với đủ loại và màu sắc khác nhau. Và cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhiều người lạ như vậy. Tôi mở to đôi mắt của mình nhìn họ, và họ cũng nhìn lại về phía tôi. Tôi nhớ về một bộ phim hoạt hình mà mình được xem trên TV, cảm giác như hai chị em tôi giống như đang trải qua một chuyến phiêu lưu đi tìm mẹ.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được mẹ. Chị ẵm tôi đi vào trong chợ, băng qua vài hàng rau, hàng cá là tới sạp hàng của mẹ tôi. Thấy hai đứa, mẹ vội vàng cầm chiếc nón lá chạy lại để che cho tôi.
- Trời nắng chang chang dẫn em đi đâu ra đây! - Mẹ la chị Nhã rồi bế tôi vào trong sạp hàng.
Mấy cô ngồi gần đó thấy tôi cũng hỏi han rồi trêu ghẹo đủ thứ. Tôi không hiểu lắm về những câu nói đó, nhưng cảm thấy rất vui vì đã tìm được mẹ và trở thành trung tâm của sự chú ý.
Chị Nhã xách cái rổ nhỏ đựng đầy chanh ớt, đi lòng vòng khắp chợ phụ mẹ bán hàng. Còn tôi thì ngồi chơi với những củ hành, củ tỏi. Tôi đưa tay dụi mắt thì vị cay xè của ớt làm nước mắt chảy ra giàn giụa, nhiều hơn cả khi tôi khóc nữa. Tôi lại khóc và được mẹ mua cho một cái bánh để dỗ. Chiều hôm ấy, mẹ tôi dọn hàng sớm rồi chở hai chị em về nhà trên chiếc xe đạp cũ. Trên tay tôi là que kem đang tan chảy dưới ánh nắng chiều nghiêng nghiêng. Nhưng khi ba mẹ con vừa về đến nhà, tôi đã thấy ba tôi đứng chờ ở cửa, trên tay là một cây roi dài.
- Mẹ nó đi nấu cơm. - Ba tôi nói - Còn con Nhã ra đây tao biểu!
Mẹ tôi nhóm lửa trong cái bếp than để nấu cơm và hâm lại đồ ăn lúc trưa, còn chị Nhã đứng khoanh tay trước mặt ba. Khuôn mặt ông lúc ấy rất hung dữ, đó là lần đầu tiên tôi thấy ông như vậy, kể từ khi tôi nhận biết được thế giới xung quanh. Ông vừa mắng chị Nhã vừa cầm cây roi quất vào hai bên đùi chị, để lại những vết lằn đỏ tía trên đó. Tôi ngơ ngác nhìn chị khóc mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Lát sau, ba bảo chị đi rửa mặt, mẹ tôi thì lấy chai dầu xứt cho chị rồi cả nhà ăn cơm tối. Bữa cơm đó tôi lại bỏ mứa và mẹ lại phải ăn nốt phần còn lại. Sau bữa cơm, tôi xuống bếp cùng chị rửa chén. Tôi mở to đôi mắt của mình nhìn những vệt đỏ dài ngắn trên chân chị, muốn nói gì đó nhưng cuối cùng chỉ im lặng. Chị cũng chẳng để ý đến đứa nhóc đang nghịch ngợm trước mặt mình. Tôi dùng đôi tay nhỏ nhắn của mình cầm cái chén lên lau lau giống chị, nhưng lại bị tuột tay vì quá trơn, cái chén rơi xuống thau làm nước văng lên tung tóe. Lúc đó, chị mới nhìn tôi cười như muốn nói rằng đừng nghịch nữa. Tôi không đụng đến những cái chén hay cái đĩa nào nữa, nhưng vẫn ngồi đó nghịch nước và xà bông, cho đến khi mẹ bế tôi lên nhà trên và bắt ngồi yên một chỗ. Tôi nằm đó xem tivi cùng ba mẹ rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Ngày hôm đó cứ thế trôi qua, và hình như từ đó trở đi, tôi không còn đòi mẹ mỗi khi ngủ dậy nữa.
Mãi sau này tôi mới biết, qua lời kể của cô hàng xóm, hôm đó ba tôi đã chạy khắp nơi để tìm chúng tôi. Ông đã rất lo lắng gõ cửa từng nhà một trong xóm, cả những nhà ở xóm ngoài nữa, để hỏi xem có ai thấy hai chị em tôi đã đi đâu không. Nhưng sự nghiêm khắc bên trong khiến ông không thể hiện sự lo lắng đó ra bên ngoài, ít nhất là trước mặt chúng tôi. Tôi chỉ buồn là ông lại dồn hết tất cả cảm xúc của mình lên chị Nhã. Có lẽ ông không thương chị ấy, bởi chị không phải con trai. Vậy mà chị ấy lại chưa bao giờ than vãn hay trách móc ông về điều đó.
Chương 2
Mùa hè, khi chị Nhã không phải đi học, ba mẹ tôi để chị sang ở với bà nội, và tôi cũng được gửi kèm theo vì chẳng còn ai trông chừng. Chú Bảy tôi cũng ở đó, nhưng thường đi làm cả ngày, thậm chí ban đêm cũng không về nhà, nên hầu như tôi chẳng thấy mặt chú là mấy. Chú chẳng có vợ con gì cả, chỉ lủi thủi một mình như vậy. Chú là một người ít nói, chẳng mấy khi chịu mở miệng với chúng tôi. Đôi khi, tôi nghe chú nói chuyện khi bị bà nội la rầy vì việc gì đó, nhưng khi bà nhắc đến chuyện cưới vợ thì chú chỉ im lặng. Bà rất hay cằn nhằn về việc lập gia đình với chú Bảy. Sau mỗi lần như vậy, chú lại lặng lẽ ra đứng dưới gốc cây khế ngoài sân, hút vài điếu thuốc, lẩm bẩm gì đó trong miệng rồi sụt sịt khóc. Tôi chợt nhận ra chú nói chuyện với cây khế còn nhiều hơn với tất cả những người trong nhà gộp lại. Điều đó khiến tôi có phần sợ chú. Thử nghĩ xem, dưới gốc cây khế tối thui không nhìn rõ lòng bàn tay, chú ấy cứ đứng khóc lóc rồi nói chuyện một mình thì đứa trẻ nào mà không sợ.
Nhắc tới cây khế thì có không ít truyền thuyết liên quan đến nó, nhưng toàn là truyện ma. Tôi nghe được những câu chuyện đó qua lời kể của bà nội. Phải đến sau này tôi mới biết bà chỉ bịa chuyện vì không muốn tôi ra ngoài vào buổi tối. Bà kể có một cô gái từng treo cổ trên cái cây đó, tòn teng trên cái cành ngay phía trước cánh cổng. Sau khi chết đi, hồn ma cô gái không chịu đầu thai mà cứ lảng vảng gần đó, hết bắt gà trộm chó lại ăn mất hồn của những đứa trẻ hư. Bà có ví dụ hẳn hoi về những vụ như thế, tất cả đều là những đứa trẻ gần nhà bà, nhưng tôi lại chẳng gặp được chúng bao giờ. Rồi mỗi khi một cơn gió lùa qua tán cây, phát ra những tiếng rít rợn người, bà lại la lên, bảo là cô ấy đến rồi. Còn chị Nhã thì không biết biến đi từ lúc nào, tắt mở cái công tắc đèn làm cho tôi sợ chết khiếp. Thế là tôi chẳng bao giờ dám rời khỏi cửa nửa bước khi trời bắt đầu nhá nhem tối. Nhưng có một lần vì không nghe lời, tôi bị bà nhốt ngoài cửa với cây khế khiến tôi sợ tè cả ra quần. Tôi không nhớ mình đã làm gì sai mà phải chịu cái hình phạt ghê gớm như thế nữa. Sau lần đó, tôi giận bà gần một tuần, nhưng vẫn ăn cơm và bánh của bà.
Bà làm bánh rất ngon, và rất hay làm bánh cho chị em tôi ăn. Tôi cũng muốn giống như chị Nhã, phụ giúp bà một tay, nhưng toàn bị đuổi đi. Thế là tôi lại trèo lên cây khế ngồi. Khi trời sáng, tôi không sợ cây khế, bà nói ma cỏ chỉ hoạt động vào buổi tối thôi. Những quả khế ấy cũng rất ngon, và tôi không cưỡng lại được. Dần dần, tôi trở thành một tay trèo cây điệu nghệ, còn cây khế trở thành ngôi nhà thứ ba của tôi. Tôi tìm được một cái chạc cây và hay ngồi lên đó, thỉnh thoảng lại nằm dài ra và tưởng tượng mình là một hiệp khách lang thang, giống như trong những bộ phim kiếm hiệp. Tôi ngửa mặt nhìn những tia nắng xuyên qua kẽ lá, rơi nhẹ trên mí mắt mình, tay cầm trái khế như cầm bầu rượu, vừa "uống rượu" vừa hát. Tôi hát đi hát lại bài "Cháu lên ba" vì chỉ biết mỗi bài đó, do chị Nhã dạy, nhưng hình như cũng không đúng lời.
Thấy tôi nằm trên cây như vậy, bà tôi cuống cuồng la lên làm tôi giật mình và suýt ngã. "Cái cành cây nhỏ xíu vậy mà nằm lên, có ngày nó gãy thì té bể đầu nha con" - Bà bảo. Tôi ôm lấy cái cây, lồm cồm bò dậy nhìn bà, nhún nhún vài cái rồi cười hì hì nói:
- Không gãy được đâu bà.
Tôi không nhớ cái cành cây ấy to nhỏ cỡ nào, nhưng chắc chắn là ngay cả bà leo lên cũng không thể nào gãy được. Thế mà hôm đó tôi lại bị phạt. Bà không nhốt tôi ngoài cửa nữa vì không muốn chị Nhã phải giặt cái quần đầy nước tiểu như lần trước. Bà thương chị Nhã hơn so với ba tôi, hoặc ít ra thì cũng bình đẳng hơn. Bà làm một nồi lớn bánh bột lọc, nhưng lại không cho tôi động đến dù chỉ một cái. "Sao bà lúc nào cũng nghĩ ra được những hình phạt khủng khiếp như thế chứ" - Tôi ấm ức trong bụng. May thay, chị Nhã đã lén đem cho tôi một dĩa bánh lớn mà bà không hề hay biết.
Mặc dù bị phạt nhưng cái sở thích của tôi đối với cây khế không hề mất đi, mà ngược lại càng lớn hơn. Ngày nào tôi cũng leo lên đó, ngồi đung đưa hai chân trong khi nhấm nháp những trái khế ngon lành. Từng cơn gió vi vu trong tán lá, làm rung rinh những chùm hoa hồng hồng, tim tím. "Cứ ngồi đó đi, có ngày té chết cha mày" - Hình như bà nói vậy, nhưng thỉnh thoảng bà hoặc chị Nhã vẫn chạy ra ngó chừng tôi. Suốt mùa hè năm ấy, tôi làm bạn với cây khế và xem đó như thế giới riêng của mình.
Rồi một năm qua đi, mùa hè lại đến lần nữa. Tôi lớn hơn trước chút xíu nhưng bà thì vẫn chẳng có gì thay đổi, cả cây khế cũng vậy. Tôi có một sở thích mới là ngồi trên cây khế nhìn hoàng hôn, khung cảnh đẹp nhất tôi từng thấy ở cái tuổi đó. Trong lúc chờ đợi vầng mặt trời dần xuống núi, tôi hái một chiếc lá rồi đặt trên môi, thổi ra những tiếng kêu "te te". Âm thanh đó không bao giờ trở thành một bài nhạc hoàn chỉnh được, nhưng nó là giai điệu tuyệt vời nhất mà tôi có thể tạo ra. Tôi không ăn khế nhiều như trước nữa, chỉ ngồi như vậy trên cây, nhìn bầu trời phía xa chuyển dần sang màu tím, rồi chạy tót vào trong nhà khi ánh nắng cuối cùng sắp tắt đi.
Ngồi trên cây khế, tôi cũng quan sát được nhiều thứ về thế giới hơn, những thứ mà tôi không thể nhìn thấy hoặc chỉ có thể nhìn thấy một phần khi ở dưới mặt đất. Phía bên phải nhà bà chẳng có gì ngoài một bãi đất trống được rào lại bên ngoài, bên trong mọc đầy cỏ dại giữa lớp đất đá ngổn ngang. Phía bên trái nhà bà tôi là nhà ông Tư Khải, nhưng mọi người hay gọi là ông Tư cho gọn. Cây khế mọc ở gần bức tường giữa hai ngôi nhà nên thỉnh thoảng tôi lại nhìn sang nhà ông Tư. Nhà ông rất to, nhưng chỉ có vợ chồng ông ở đó cùng với một người con. Tôi chỉ thấy bà Tư vào buổi sáng sớm, nằm phơi nắng trên cái ghế dựa bằng gỗ đặt trước nhà. Khi nắng đã lên cao, ông Tư lại đưa bà vào trong, trên chiếc xe lăn, và không quay trở ra cho tới sáng hôm sau. Dường như bà ấy không đi lại được. Con trai ông Tư thì tôi chỉ nhìn thấy ở nhà vào một hai ngày trong tuần, còn những ngày khác lại chẳng thấy đâu. Chú ấy trông trẻ hơn chú Bảy của tôi nhiều, nhưng nghe bà nói thì tuổi của hai người bằng nhau.
Nhà ông Tư có một khoảng sân rộng, bao quanh là những song sắt hàng rào cao ngất, lúc nào cũng được canh gác bởi hai con chó béc-giê rất to. Một con màu cam có nhúm lông xù trên lưng, còn một con thì cả người đen thui, cả hai đều trông rất đáng sợ. Mỗi lần có người đi ngang qua là bọn chúng lại lao ra, xô hai chân lên cánh cửa kêu cái "ầm", sau đó nhìn chằm chằm người đó như nhìn một con mồi, gầm gừ trong tiếng thở phì phì như muốn ăn tươi nuốt sống miếng mồi vậy. Có vài chị gái đi xe đạp ngang qua đó, bị bọn chúng dọa cho té ngã ngửa ra đường rồi khóc bù lu bù loa.
Hồi đó, đoạn đường trước nhà ông Tư chưa được trải nhựa đến, và chỗ đó trở thành một cái sân bóng lý tưởng. Chiều chiều, khoảng năm, sáu anh trạc tuổi chị Nhã lại đến đó chơi bóng. Một hôm, khi mọi người đang chơi vui vẻ thì ông Tư mở cổng cho bọn chó đi dạo. Và chỉ một giây sau khi được thả ra, quả bóng đã nằm gọn trong mõm con Đen. Nó nhe hàm răng nhọn hoắc, nhiểu xuống đầy nước dãi, nhìn mọi người khiêu khích rồi lủng lẳng chạy đi chơi đùa cùng con Cam. Chẳng ai lên tiếng, mỗi người đều kiếm một góc tường rồi đứng nép vào đó, chờ tên cướp trắng trợn ấy bỏ đi mà không dám có bất kỳ hành động phản kháng nào, trừ khi muốn thế chỗ quả bóng. Ông Tư la hai con chó của mình, nhưng chúng lại tưởng ông muốn chơi đùa cùng và càng chạy đi xa. Một lúc sau, khi hai con chó đã chơi chán, ông Tư mới lấy lại được quả bóng và trả cho bọn họ. Nhưng quả bóng đã xẹp lép và đầy những lỗ thủng to bằng đầu ngón tay. Một anh cầm quả bóng lên thổi và nắn bóp đủ kiểu để nó phồng trở lại. Trận bóng tiếp tục, nhưng cứ được một lát là bị trì hoãn. Nguyên nhân là do quả bóng bị méo đi khi đá mạnh vào nó, và phải thổi lên mới chơi tiếp được.
Trong vài ngày, tôi không thấy bọn họ đá bóng trên đoạn đường đất ấy nữa. Tôi cứ tưởng bọn họ chuyển "sân bóng" của mình đi nơi khác, hoặc giải tán luôn cả hội. Nhưng không, bọn họ vẫn tiếp tục chơi sau đó, với một quả bóng mới. Có điều lần này, kinh nghiệm đã được rút ra. Mỗi khi cánh cổng nhà ông Tư sắp mở, một người trong đó nhanh trí ném quả bóng ngay vào sân nhà mình rồi cả đám đứng im như tượng. Bọn họ chờ đến khi hai tên cướp bị nhốt trở lại, sau đó mới vào nhà lấy quả bóng ra và tiếp tục chơi.
Nhìn mọi người, tôi cũng muốn chơi cùng lắm, nhưng vì tôi còn nhỏ nên không ai đồng ý. Bà tôi cũng dặn là không được chơi đá bóng với các anh. Bà kể trước đây có một anh mải chạy theo trái bóng mà không để ý chiếc xe đang lao tới, kết quả là bị tông gãy chân. Có lẽ đó là một trong những lần hiếm hoi tôi nghe lời bà. Dù sao thì cũng chẳng còn cách nào khác, tôi trở thành khán giả duy nhất của những trận bóng ấy, ngày này qua tháng nọ. Cho đến một hôm, tôi thấy có một đứa cũng đang xem bóng giống tôi.
Chương 3
Đó là một đứa con gái mặc toàn màu trắng, váy trắng, giày trắng, cái túi nhỏ màu trắng, trên đầu nó cũng buộc cái ruy băng mỏng màu trắng. Tôi tưởng như xung quanh nó cũng có một tấm lụa trắng mỏng manh, khiến cho những tia nắng không thể chạm vào làn da nõn nà ấy mà bị hắt ngược trở lại. Trên người nó dường như không lấm chút bụi nào, trông chẳng khác gì một thiên thần nhỏ cả. Nhưng kỳ lạ là nó luôn ôm lấy một con gấu bông cũ kỹ như ôm một báu vật. Con gấu đó chẳng khác nào vừa được bới ra từ thùng rác vậy, lấm lem đầy vết bẩn, vài tảng lông bị mất đi, cái tai trái thì bị đứt và được buộc lại một cách vụng về. Điều kỳ lạ đó khiến tôi chú ý đến con bé ấy nhiều hơn. Nó làm tôi không còn tập trung vào những trận bóng được nữa. Và càng nhìn, tôi càng thấy nó dễ thương. Có lẽ nó là đứa con gái đầu tiên tôi thấy dễ thương hơn chị Nhã. Tôi cứ thế lén nhìn gương mặt của nó trong nhiều ngày. Nhưng một hôm, nó chợt ngoảnh mặt về phía tôi hỏi:
- Nhìn gì vậy?
Tôi giật thót như một con mèo bị giẫm phải đuôi, vội liếc mắt lia lịa trên những chiếc lá khế và chối ngay tức khắc:
- Có nhìn gì đâu.
- Mày có bị mù không?
- Không. - Tôi lắc đầu.
- Mày không bị mù, mắt mở to như vậy về phía này mà còn nói không nhìn gì.
- Ờ.. ờ.. tao đang nhìn con sâu chứ bộ. - Tôi nói, rồi giả vờ khẩy khẩy chiếc lá trước mặt.
- Đâu, đưa coi. - Nó hơi nghiêng đầu qua một bên nói.
- Không cho mày coi đâu. - Tôi lại bẻ một nhành cây nhỏ, khều nhẹ chiếc lá khi nãy.
Con bé giậm chân, cắn môi, phùng mang trợn mắt nhìn tôi, nhưng chẳng làm được gì. Tôi liếc nhìn cái điệu bộ của nó với một vẻ khoái chí kỳ lạ. Lúc nó giận dữ trông cũng rất dễ thương nữa. Nhưng rồi nó mở cái túi nhỏ đeo bên hông ra và giơ lên trước mặt.
- Mày cho tao coi con sâu, tao cho mày ăn kẹo. - Nó dõng dạc nói.
"Ực" - tôi nghe rõ tiếng mình nuốt nước miếng trong cổ họng. Cái túi của nó toàn kẹo là kẹo. Tôi chưa bao giờ được ăn nhiều kẹo đến thế. Đừng nói một con sâu, nếu có một rổ sâu ở đây tôi cũng sẽ cho nó. Nhưng mà xung quanh tôi chẳng có một con sâu nào cả. Rõ ràng mấy hôm trước tôi còn thấy một con, hôm nay đã biến đâu mất tiêu. "Chúng đi đâu hết rồi?" - Tôi tự hỏi.
- Chỉ là mấy con sâu thôi, có gì đâu mà coi. - Tôi vừa nói vừa lật tìm trong từng chiếc lá xem có con nào còn sót lại không. Chỉ còn vài cái kén, bọn chúng đã hóa thành bướm bay đi từ hôm nào.
- Tao.. Tao chưa thấy chúng bao giờ.
- Chưa thấy? - Tôi ngạc nhiên nhìn nó, bởi những con sâu là thứ mà ngày nào tôi cũng có thể thấy.
- Tao chỉ mới thấy chúng trên TV thôi.
- Ờ. - Tôi bâng quơ nói, hóa ra là như vậy.
- Thế mày có cho tao xem không?
- Tiếc là không. Nó hóa thành bướm bay đi rồi.
Thấy nó có vẻ thất vọng, tôi nói thêm:
- Nhưng chắc vài bữa nữa chúng lại tới đẻ trứng thôi, khi nào có tao bắt cho. Mày muốn coi kén của nó không?
- Muốn.
Tôi ngắt chiếc lá có kén sâu xuống rồi thả qua hàng rào cho nó. Một cái kén to bằng ngón tay út, có màu nâu nhạt của gỗ. Hai ngón tay nhỏ nhắn của nó cầm chiếc lá lên, xoay qua xoay lại. Bọn chó cũng nhún nhảy xung quanh, sủa lên inh ỏi. Đôi mắt tròn, đen lay láy và trong veo của con bé nhìn cái kén không chớp mắt, cứ như vừa nhặt được một cục vàng vậy. Nó lấy trong cái túi trước bụng của chiếc váy ra một tấm khăn tay mỏng màu trắng, cẩn thận gói cái kén lại như một báu vật rồi cất đi.
- Cảm ơn! - Nó nói.
Đôi mắt nó cong lại thành hình bán nguyệt, đôi môi chúm chím nở một nụ cười hồn nhiên. Nụ cười ấy làm hiện lên cái lúm đồng tiền xinh xắn trên má, nhưng cũng lộ ra hàm răng đã lạc mất hai cái răng cửa. Tôi cũng bị sún răng như nó nhưng chưa bao giờ cười một cách hồn nhiên như vậy, bởi hay bị mọi người trêu chọc là "đồ sún răng". Bây giờ tôi mới biết, bị sún răng cười cũng đáng yêu chứ đâu có xấu. Bất chợt, tôi cũng nhe hàm răng của mình ra cười với nó.
Con bé ném một viên kẹo cho tôi, bị văng trúng cành cây rồi rơi xuống dưới gốc cây khế. Tôi tụt xuống nhặt viên kẹo rồi lại trèo lên ngồi chỗ cái chạc cây rất nhanh, xé viên kẹo ra ăn ngon lành.
- Sao mày không nói "cảm ơn"? - Nó nhìn tôi hỏi.
- Tại sao?
- Vì tao cho mày kẹo.
- Nhưng tao cho mày cái kén của con sâu rồi.
- Thì tao cũng nói cảm ơn mày rồi.
Trước giờ tôi cứ tưởng mỗi khi được người khác cho mình cái gì đó thì mới nói cảm ơn, còn lúc này thì giống một cuộc trao đổi hơn. Nhưng dù sao thì tôi vẫn "cảm ơn" con bé ấy.
- Mày không ra chơi bóng à? - Nó lại hỏi.
- Hừm, - Tôi gãi gãi cái mũi để suy nghĩ, nhưng rồi chỉ nghĩ ra được câu trả lời là:
- Tao không thích.
- Không thích mà sao ngày nào mày cũng xem bọn họ chơi bóng vậy?
- Làm gì có chuyện đó, - Tôi nói - Tao thích ngồi trên cây thế này, chẳng liên quan gì đến chuyện mấy anh đó chơi bóng cả.
- Ờ.
- Mày thích chơi đá bóng lắm à? - Tôi hỏi nó.
- Không, tao là con gái mà.
- Con gái thì không chơi đá bóng được à?
- Tao không biết, nhưng tao thấy chỉ có bọn con trai mới chơi trò đó. Mà dù sao thì tao cũng không thích.
- Thế sao ngày nào mày cũng xem bọn họ chơi bóng vậy? - Tôi dùng lại câu hỏi của nó khi nãy.
- Không biết nữa, tại tao thấy ngày nào mày cũng xem nên tò mò thôi. - Nó suy nghĩ một lúc rồi nói - Mày là một đứa kỳ lạ, ngày nào cũng ngồi trên cây cả buổi chiều. Mày thích ở trên đó lắm à?
- Ừ, chứ trong nhà chán lắm, chẳng có ai chơi với tao. Mày ăn khế không? - Tôi nói rồi hái một trái khế chìa về phía nó - Ngon lắm.
- Ăn. - nó gật đầu.
Tôi ném trái khế qua hàng rào nhưng nó toàn bắt trượt, nó định nhặt lên ăn nhưng tôi bảo: "Bỏ đi, còn nhiều lắm. Mày lấy cái váy mà hứng". Cuối cùng thì nó cũng hứng được trái khế. Nó đưa trái khế lên miệng cắn một miếng, nhưng sau đó ném trái khế đi làm tôi tiếc đứt ruột.
- Khế chua lè mà mày kêu ngon. - Nó nhăn mặt nói.
- Chua chua vậy mới ngon, mày chẳng biết thưởng thức gì cả. - Tôi nói, rồi cũng hái một trái khế bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm. Chua thật. Lúc đó, tôi không hề nghĩ ra rằng do ăn kẹo từ trước nên khế mới chua như vậy. Thấy tôi mặt nhăn như khỉ, nó nói:
- Đó, mày cũng thấy chua mà bày đặt nói khế ngon lắm.
- Không, ngon thật mà. - Tôi cố nhai hết trái khế, vừa ăn vừa cười với nó.
- Mà mày không có ai chơi cùng thật à? - Con bé ấy lại hỏi.
- Ừ.
- Mày biết chơi cờ tỷ phú không?
- Biết, trò đó dễ ợt.
- Vậy lát nữa qua đây chơi.
Tôi mừng quýnh lên, định nhận lời với nó, nhưng khi nhìn thấy nắng chiều đã nhạt dần, tôi đành phải từ chối một cách tiếc nuối:
- Thôi, lát nữa thì không được, để ngày mai đi.
- Sao vậy?
- Buổi tối tao có việc phải ở nhà.
- Ờ, vậy sáng mai nha.
- Ờ.
Thực ra thì tôi chơi với chị Nhã cùng mấy chị khác trong xóm toàn thua. Chị Nhã luôn phải trả nợ thay nên dần dần cũng không muốn cho tôi chơi nữa, và tôi chỉ được ngồi xem bên cạnh. Hồi nhỏ tôi mê trò này lắm nên nghe nó rủ là đồng ý ngay. Tôi ngồi cười suốt cả đêm vì nghĩ rằng mình sẽ có lần đầu tiên chơi thắng trò này. Thấy tôi như vậy, bà tưởng tôi bị trúng gió nên đè đầu ra cạo lấy cạo để, tôi càng khóc thì bà lại càng cạo đau hơn.
Sáng hôm sau, tôi đứng trước cánh cổng chờ con bé. Tôi không biết tên nó nên không biết phải gọi cửa như thế nào và cứ đứng đó. Được một lát thì hai con chó chạy ra sủa ầm lên khiến tôi suýt nữa bỏ chạy vì sợ. "Suỵt" - tôi đưa ngón trỏ lên môi nhìn chúng, nhưng điều đó lại càng khiến chúng sủa to hơn. Một lúc sau thì con bé đó chạy ra và nói với hai con chó: "Happy, Lucky, đi vào nhà". Thế là bọn chó không sủa nữa, nhưng cũng không đi vào trong mà cứ tung tăng đùa giỡn xung quanh đứa con gái.
- Đừng sợ, - Con bé nói với tôi - Bọn nó hiền lắm, không cắn đâu.
Khi cánh cửa vừa mở ra, hai con chó lao vụt về phía tôi, bọn chúng chồm chồm lên gầm gừ khiến tôi la toáng lên vì sợ hãi. Thật may là bọn nó không cắn thật mà chỉ gí cái mũi ươn ướt vào người tôi để ngửi. Rồi bọn chúng lại đột ngột lồng lên sủa một cái làm tôi giật cả mình. Con bé đứng nhìn tôi, cười tít mắt rồi dắt tay tôi đi vào trong sân.
Tay của nó rất mềm, mềm hơn cả tay chị Nhã nữa. Những sợi tóc của nó mảnh như những sợi tơ, tung bay về phía sau và đâm vào mũi làm tôi có cảm giác ngưa ngứa. Tóc nó dài qua vai và có một mùi thơm đặc biệt. Tôi không nhớ rõ đó là mùi gì, nhưng không phải mùi bồ kết giống chị Nhã và càng không phải mùi chua như cái đầu của tôi.
- Mày tên gì? - Nó hỏi.
- Bo.
- Tao tên Na. Mày bao nhiêu tuổi rồi? - Nó lại hỏi.
- Tao không biết nữa.
- Mày ngộ nhỉ, tuổi của mình mà cũng không biết.
- Lần trước tao nghe mẹ nói là tao ba tuổi rưỡi.
- Vậy cái "lần trước" đó là khi nào?
- Tao không nhớ. - Tôi gãi đầu.
- Sao mày cái gì cũng không biết hết vậy? Mày đi học chưa?
- Chưa luôn.
- Tao vừa học xong lớp lá, tháng sau là lên lớp Một. Mày còn chưa đi học thì chắc là nhỏ hơn tao rồi, từ giờ kêu tao bằng chị nghe chưa.
- Ờ. - Tôi không phản bác được nên đành phải chấp nhận điều đó, dù nhìn nó cũng chẳng lớn hơn tôi chút nào.
- Ờ cái gì mà ờ, nói chuyện với người lớn phải là "dạ" nghe chưa. - Nó lại giở cái giọng người lớn ra nói chuyện với tôi.
- Dạ. - Tôi nói, trong lòng có chút bất mãn.
Hai chúng tôi ngồi trên bậc thềm nhà ông Tư chơi cờ tỷ phú, còn ông thì nằm trên cái ghế dựa bằng gỗ ở gần đó, vừa đọc báo vừa phe phẩy cái quạt giấy rồi ngủ lúc nào không hay. Dù đã cố gắng hết sức, nhưng con Na vẫn luôn là người chiến thắng với cả xấp tiền giấy dày cui, trong khi tôi thì mang nợ ngập đầu và phá sản. Tuy vậy, nó vẫn cho tôi kẹo cùng những lời cảm ơn, vì đã làm bạn với nó. Tôi cũng cảm ơn nó rồi ăn những viên kẹo một cách ngon lành. Lúc nhỏ, tôi rất thích ăn kẹo. Tôi luôn tò mò không hiểu sao trong cái túi xách nhỏ nhắn của con Na lại có thể chứa nhiều kẹo đến vậy, dường như ăn không bao giờ hết. Nhưng tôi cảm thấy không thể ăn không kẹo của nó được, thế là tôi lén đem bánh của bà đi. Nó cũng rất thích những cái bánh ấy, giống như tôi thích những viên kẹo.
Chương 4
Chơi cờ chán, nó giúp tôi làm quen với hai con chó. Con màu đen tên Lucky, còn con màu cam thì tên Happy. "Tên bọn chúng có nghĩa là May Mắn và Hạnh Phúc" - nó nói. Nó đưa tôi hai mẩu bánh mì rồi bảo tôi ném cho chúng. Hai đứa nó rất tham ăn, nhưng con Happy giành ăn hết, còn con Lucky thì chỉ đứng nhìn miếng bánh, rồi lại biểu lộ cái mặt tội nghiệp nhìn chúng tôi. Sau đó, con Na kéo tôi qua một góc sân, cầm cái que gỗ lắc lư trước mặt hai con chó rồi ném về góc sân bên kia, rơi vào giữa những chậu cây của ông Tư. Con Lucky nhanh chóng chạy đi nhặt cái que, còn con Happy thì nhảy xoay vòng và reo hò cổ vũ bằng những tiếng "gâu gâu". Khi đã chơi mệt, hai con chó lại nằm thẳng cẳng ra giữa sân, le cái lưỡi dài ngoằng và thở phì phò, mặc cho tôi đưa bàn tay rụt rè của mình vuốt ve trên bộ lông cứng như những chiếc lá kim của chúng.
Thỉnh thoảng, con Na lại dẫn tôi đi vòng quanh sân nhà ông Tư. Nhà ông trồng rất nhiều cây, chủ yếu là cây cảnh với đủ những hình thù kỳ dị. Ở một góc của mảnh sân ấy có một cái hồ cá nhỏ, giữa hồ là một ngọn núi được ghép lại bởi những khối đá lởm chởm phủ đầy rêu xanh, dựng đứng lên như những ngón tay chỉ thẳng lên trời. Lưng chừng ngọn núi ấy là những bức tượng nhỏ bằng gốm, có tượng Quan Âm, tượng Di Lặc, và cả bốn thầy trò Đường Tăng đang dắt nhau đi thỉnh kinh nữa. Dưới hồ, vài con cá màu cam tung tăng bơi lội, chốc chốc ngoi lên mặt nước để hớp một ngụm không khí rồi lại lặn xuống bên trong những hốc đá.
Phía sau nhà ông Tư có một khoảng đất trống, không được trải xi măng bằng phẳng mà chỉ có vài viên gạch nung, được xếp thành hai hàng song song trên nền đất thịt màu nâu sẫm, tạo thành một lối đi nhỏ từ cửa sau dẫn tới một gốc cây mận. Ngoài gốc mận đó ra, khoảng đất đó chẳng còn gì khác nữa. Quanh cây mận ấy đầy những lá, dường như lâu rồi không có ai quét tước nơi đó. Có những chiếc lá đã phân hủy gần hết, có những chiếc lá chỉ vừa mới rụng xuống. Rải rác đâu đó còn là những trái mận dập nát thật đáng thương. "Giá như bọn chúng rơi vào trong bụng tôi thì tốt quá." - tôi nghĩ.
Con Na chỉ vào một cái cây tre dài ở góc tường, có một cái móc nhỏ ở trên rồi bảo tôi cầm cái cây đó khều những trái mận xuống để ăn. Tôi bắt đầu khều những trái mận, còn nó thì đứng bên cạnh, xòe cái váy ra để hứng. Nhưng nó toàn để rơi ra ngoài, tôi khều mỏi cả tay và cổ mà vẫn chưa có trái mận nào để ăn. Tôi bảo để tôi hứng cho thì nó lại cầm không nổi cây sào ấy. Tôi muốn leo lên hái nhưng nó nhất quyết không đồng ý.
- Mẹ chị không cho ai trèo lên đó hết. - Con Na nói.
- Sao vậy? - Tôi tò mò hỏi.
- Nhìn tấm bảng kia đi. - Nó chỉ vào giữa thân cây.
- Nhưng em chưa biết chữ. - Tôi gãi gãi đầu nói.
- Trên đó ghi: "Cấm, trèo, cây" - Nó đọc thật chậm từng chữ - Mẹ chị gắn lên đó. Hồi lâu thiệt là lâu rồi, khi ba ở nhà thì vẫn hay trèo lên để hái mận cho chị. Nhưng sau đó ba vào Sài Gòn làm và để chị ở đây một mình, chị muốn ăn mận nhưng ông chị không hái cho. Vậy là chị phải tự leo lên, nhưng được một đoạn thì té cái "ạch" xuống đất, máu chảy quá trời luôn. Giờ vẫn còn sẹo đây nè. - Nó vén mái tóc lên và chỉ cho tôi cái dấu trên trán - Rồi tấm bảng được mẹ chị gắn vào đó, mẹ không cho ai trèo lên cây nữa, kể cả ba.
Thế là hai đứa đành nhặt những trái mận vừa mới rơi xuống đất, đem đi rửa rồi cắn bỏ những chỗ bị dập để ăn. Nó chôn mấy cái hạt gần gốc cây, rồi nói rằng một ngày nào đó sẽ có những cây mận non đâm chồi nảy lộc ở đó. "Khi chúng lớn lên, chúng ta sẽ có thật nhiều mận để ăn" - Nó cắn một trái mận và cười, để lộ ra hàm răng sún, sau đó chôn luôn cái răng vừa gãy đêm hôm trước xuống dưới đất.
Một hôm, khi đang nhặt những trái mận, tôi thấy một con sâu to bằng ngón tay cái đang bò giữa những chiếc lá rụng dưới đất.
- Chị Na ơi, có con sâu to lắm nè. - Tôi gọi, tay chỉ về phía con sâu.
- Đâu, đâu. - Nó vội vàng chạy tới.
Bị phát hiện, con sâu ngoe nguẩy trên chiếc lá, cố gắng bò đi thật nhanh. Nhưng nhanh mấy cũng không bằng con Na được. Nó nhặt chiếc lá lên, nở một nụ cười và nhìn con sâu không chớp mắt. Tôi không thích lũ sâu lắm nên chỉ đứng đằng sau.
- Nó dính vào tay là ngứa lắm đó. - Tôi nói.
- Biết rồi. - Nó nói, rồi lại nhìn chăm chăm vào "vũ điệu" mềm mại của con sâu. Không hiểu sao nó lại thích cái bọn mềm nhũn đó đến vậy.
- Chị không sợ nó à? - Tôi hỏi.
- Không, có gì đâu mà sợ, trông đáng yêu mà.
Tôi cảm thấy choáng vì cái sở thích kỳ cục đó, nhưng cũng đành mặc kệ và tiếp tục hái mận. Sau nhiều lần phải ăn mận bị dập thì tôi rút ra được kinh nghiệm cho mình. Tôi gom đống lá vừa mới rụng lại thành một cái đệm rồi cố khều sao cho những trái mận rơi vào đó. Thấy con Na thả con sâu về lại thiên nhiên sau khi chơi chán, tôi hỏi:
- Sao chị lại thả nó đi?
- Không thả đi thì định làm gì? Đem về nấu canh à?
- Em không biết, nhưng nó ăn lá cây, chị thả như vậy mấy cái cây sẽ hỏng mất. - Tôi nói, tay cầm một trái mận chùi vào áo cho sạch đất rồi cắn một miếng.
- Chỉ là mấy cái lá thôi mà, - Nó lấy một nhánh cây khô đâm nhẹ vào người con sâu để giục cái thân hình nhũn nhũn ấy bò đi nhanh hơn - Với lại nó ăn đủ lớn thì hóa thành bướm bay đi liền, sau này lại giúp cho bọn cây thụ phấn nữa.
- Sao chị biết nhiều thứ như vậy? - Tôi thắc mắc hỏi, dường như cái gì nó cũng biết.
- Xem trên TV có mà. - Nó nói, rồi lấy một trái mận trong tay tôi ăn ngon lành.
- Vậy à.
Trước giờ tôi chỉ xem hoạt hình hay mấy bộ phim kiếm hiệp chứ không biết còn có những thứ như vậy. Hoặc đôi khi là chương trình thời sự mà tối nào ba mẹ cũng xem, nhưng tôi lại không thích mấy.
Sau khi ăn hết những trái mận, bọn tôi chôn những cái hạt xuống đất rồi lại chạy ra sân trước chơi với hai con chó. Tôi nhanh chóng quên đi chuyện về những con sâu, nhưng lại chú ý đến con gấu bông nhiều hơn. Tôi vẫn luôn tò mò về việc này. Một hôm, khi đang chơi cờ, tôi hỏi:
- Sao lúc nào chị cũng ôm con gấu đó bên người vậy.
- Đó là quà sinh nhật mà mẹ mua cho chị. - Nó nói, dường như có một màng sương mỏng che trước đôi mắt thơ ngây ấy.
- Con gấu trông như không được khỏe lắm nhỉ.
- Ừ, nó bị ốm, cũng được gần hai năm rồi.
Con Na nói rằng vào cái ngày mà mẹ nó mua món quà này, trên đường về nhà thì gặp phải một tai nạn. Mẹ cùng với đứa em trai chưa chào đời của nó đã ra đi mãi mãi, chỉ có con gấu này là còn ở lại. Nó kể việc đó một cách bình thản, trong khi tay vẫn đang thả xúc xắc. Giọng nói lanh lảnh như tiếng chuông xen lẫn vào tiếng leng keng của hai hạt xúc xắc đang lăn lộn trong cái chén. Nhưng khi hai hạt xúc xắc ngừng xoay, nó không cầm quân cờ của mình đi. Hai bàn tay yếu ớt, nhỏ nhắn bấu chặt vào con gấu, giống như cây mận cắm rễ vào trong lòng đất, không thể tách rời. Nó cúi mặt xuống, nhìn những ngón chân đang ngoe nguẩy của mình, hay đang nhìn một gương mặt nào đó ẩn hiện trên nền gạch bông màu trắng. Rồi từng giọt, từng giọt nước long lanh rơi xuống, thấm ướt cả con gấu bông trong vòng tay nhỏ bé, như những hạt mưa không ngừng thấm sâu vào lòng đất.
Mẹ tôi nói mưa giúp cho cây cỏ tốt tươi, vậy nên mưa cũng sẽ giúp cho cây khế nhà bà nội, cây mận nhà ông Tư đâm hoa kết trái. Nhưng những giọt mưa kia rơi xuống làm tôi cảm giác như có gì đó đang khô héo đi. Đó là lần đầu tiên tôi biết rằng không phải mưa lúc nào cũng mang đến niềm vui. Khi mưa xuống mà không được tắm mưa thì đó lại là nỗi buồn vô hạn. Tôi vụng về lấy bàn tay lấm lem của mình lau nước mắt cho nó, nhưng dòng chảy đó vẫn tuôn ra không ngừng, rửa trôi đi những vết bẩn tôi vừa vẽ lên trên cặp má phúng phính. Trên bậc thềm nhà ông Tư, nắng chiều dần nhạt, và trong tiếng gió thổi u u hình như xen lẫn tiếng thở dài. Chiều hôm đó, tôi về nhà sớm hơn mọi ngày. Tôi tưởng tượng nếu như mình không có mẹ hay chị Nhã bên cạnh thì sẽ buồn biết mấy.
Chương 5
Hôm sau, tôi lại ghé nhà ông Tư chơi. Con Na lại vô tư như trước, giống như đã quên hết tất cả những chuyện xảy ra hôm qua. Tôi cảm thấy vui vì có thể lại tự nhiên chơi đùa cùng nó. Nó giống như một cái cây khỏe mạnh và được chăm sóc kỹ lưỡng, không gì có thể khiến nó ngừng vươn lên đón những tia nắng mặt trời rực rỡ. Bọn tôi lại cùng nhau chơi cờ, cùng nhau cho cá ăn, cùng nhau tưới cây và ngắt những cái lá sâu, cùng nhau hái mận và gieo hạt xuống lòng đất..
Mùa hè cứ thế trôi đi, tôi ước rằng phải chi mùa hè cứ kéo dài mãi mãi thì hay biết mấy. Nhưng có những thứ chỉ có thể ước mà không thể nào trở thành hiện thực, giống như những vì sao xa xôi không thể nào với tới. Một ngày nọ, con Na bảo với tôi rằng kỳ nghỉ hè của nó đã hết. Nó phải vào lại Sài Gòn để chuẩn bị cho năm học mới và chú của nó sẽ đến đón vào ngày mai. Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi không chơi cờ mà chỉ đi dạo trong vườn nhà ông Tư, rồi cùng nhau ngồi dựa vào gốc cây mận. Nó kể với tôi về nơi nó đang sống, một thành phố xa lạ nào đó, nơi mà những ngọn đèn lóe sáng rực rỡ khắp mọi nẻo đường, khiến cho ban đêm vẫn rõ ràng như ban ngày, nhưng ánh trăng và những vì sao lại mờ mịt chẳng thấy đâu. Nó nhắc đến ba của mình, một người đàn ông nghiêm khắc nhưng vẫn rất cưng chiều nó. Nó kể lại những ký ức còn nhớ về mẹ, nhưng lần này nó không khóc. Nó nhìn lên trời, nở một nụ cười ngây ngô và nói rằng mẹ vẫn luôn dõi theo nó. Nó phải là một đứa trẻ ngoan để mẹ có thể an tâm chăm sóc cho đứa em nhỏ bé. Nó nói rất nhiều, nói bất cứ thứ gì hiện lên trong suy nghĩ. Và tôi chỉ ngồi đó lắng nghe, cố gắng làm sao cho đôi môi của mình khép kín để không phát ra âm thanh quá to khi nhai mận. Tôi nghe tiếng gió vi vu trong tán cây, như lời ru diệu hiền mà mẹ tôi vẫn hát. Những chiếc lá đung đưa trong gió như những bàn tay nâng niu từng trái mận nhỏ bé, đang ngủ ngon như những đứa trẻ. Một chiếc lá lìa cành, xoay những vòng tròn trong gió, như khung cảnh quay chậm của vận động viên trượt băng đang xoay mình giữa không trung. Vài chiếc lá nữa cũng rời đi, trở về với lòng đất. Chúng biến mất, nhưng sẽ lại xuất hiện trên nhánh cây ấy vào một ngày nào đó. Tôi chợt nghĩ, hóa ra những chiếc lá không hề mất đi, chúng vẫn luôn luôn ở bên cạnh cái cây thân yêu, theo cách riêng của chúng.
Gió đưa những áng mây trôi dần về phương tây, thổi luôn mặt trời về hướng ấy. Và khi những tia nắng dần bị ngọn khế nhà bà nội che khuất, tôi phải về. Tôi cố chạy theo cơn gió, cố níu giữ mặt trời ở lại để ngày hôm nay đừng qua đi. Tôi trèo lên cây khế, nhìn hoàng hôn dần buông xuống. Những tia nắng lướt qua mắt tôi rồi tan biến phía dưới đường chân trời màu đỏ tía. Tôi hái một chùm hoa khế rồi quay lại tặng con Na, bảo nó kẹp vào cuốn vở giống như chị Nhã vẫn làm. Nó nhận lấy chùm hoa nhỏ bé ấy và hẹn tôi rằng mùa hè năm sau sẽ gặp lại. Trước khi tôi về, nó cũng tặng tôi một bức ảnh. Tôi ngắm nhìn gương mặt của nó cả buổi tối, trông đáng yêu hơn rất nhiều khi hai cái răng cửa vẫn còn. Cho tới khi bà tôi phát hiện, tôi mới vội vã cất vào trong ngăn tủ đựng quần áo.
Sau khi con Na đi, tôi quay trở lại với cây khế của mình như trước đây. Nhưng những ngày tháng yên bình đó không kéo dài được bao lâu. Bởi vì tôi cũng phải đi học. Ngày hôm đó, bầu trời u ám không một tia nắng, và những áng mây mùa thu nặng trĩu khiến cơn gió không thể đưa chúng trôi nhanh được. Màn sương đêm vẫn còn bao phủ mặt đất và cái lạnh lởn vởn khắp mọi nơi. Tôi bị mẹ lôi ra khỏi giường, dù đã cố hết sức bám vào đó như một con bạch tuộc nhưng vẫn không thoát được. Mẹ mặc đồng phục và xỏ giày cho tôi trong lúc tôi giãy nãy cả người, như một con giun quằn quại khi bị đào ra khỏi lòng đất. Mẹ xách tôi lên và bế như một con mèo, nhưng con mèo có thể thoát khỏi vòng tay của mẹ, còn tôi thì không. Mẹ ôm tôi đi đến trường, và tôi đã khóc cho nước mắt chảy ngập cả con đường ấy. Mẹ đưa tôi vào một lớp học và giao cho một bà cô già, có mái tóc ngắn được uốn xoăn đến tận chân tóc, cả khuôn mặt bị che khuất bởi một chiếc kính to trễ xuống hai cánh mũi, còn hai hàng chân mày lúc nào cũng nhướng lên. Tôi không nhớ buổi học đầu tiên diễn ra như thế nào, có lẽ tôi đã khóc suốt ngày hôm ấy, nhưng khi nó chưa kết thúc, tôi đã thấy mẹ đứng trước cửa lớp đợi tôi. Và mẹ tôi đứng đợi như vậy cho đến hết năm học đầu tiên.
Năm học lớp Một của tôi chẳng có gì đáng nhớ ngoài cái buổi đầu tiên đó. Tôi chỉ mong cho những buổi học sớm qua đi để được về lại với mẹ, và sau nhiều buổi học như vậy thì cả năm học cũng kết thúc. Mùa hè lại đến, ánh nắng chói chang xuyên qua từng kẽ lá của cây phượng, thắp sáng lên những cánh hoa đỏ chói như những ngọn lửa phất phơ giữa trời. Mùa hè đến, tôi lại được tận hưởng cuộc sống không trường học. Tôi được ngủ bao lâu tùy thích, được đi chơi bất cứ khi nào tôi muốn, không phải làm bài tập, không phải cầm cây viết nắn nót từng chữ đến khi tê cả tay. Mùa hè đến, cũng có nghĩa là tôi sẽ được gặp lại con Na, như lời nó đã hứa. Tôi sẽ kể cho nó nghe về việc tôi đã bắt đầu đi học. Tôi cũng học lớp Một nên con Na sẽ trở thành bạn của tôi, điều đó càng làm tôi háo hức.
Như những năm trước, mùa hè lần này tôi lại được gửi ở nhà bà nội. Gần nhà bà tôi có một lò bánh mì, chị Nhã và tôi thường thay phiên nhau ra đó mua bánh mì về ăn với sữa. Nhưng mấy hôm nay, tôi luôn xung phong là người đi mua bánh mì. Mỗi lần đi ngang qua nhà ông Tư, tôi đều dừng lại và gọi hai con Happy, Lucky ra, cho chúng ăn vài mẩu bánh và đưa tay qua khe cửa vuốt ve chúng. Cái bọn háu ăn đó luôn làm cho tôi chỉ còn lại nửa ổ bánh, nhưng tôi không quan tâm, tôi đưa mắt nhìn vào phía trong sân nhà ông Tư để tìm con bé mặc váy trắng ấy.
Một ngày, hai ngày, rồi một tuần, hai tuần trôi qua, tôi vẫn không thấy con Na đâu. Tôi ra về mà lòng buồn rười rượi, vì mất toi nửa ổ bánh mì vô ích. Đôi lúc, nỗi buồn làm tôi quên mất là mình chỉ có nửa ổ bánh và ăn ổ còn nguyên của chị Nhã. Rồi một tháng qua đi, hai tháng cũng rơi xuống theo từng chiếc lá dưới gốc cây khế, con Na vẫn chưa xuất hiện. Tôi lặng lẽ ngồi trước cổng nhà ông Tư, vuốt ve hai con Lucky và Happy cho đến khi bàn tay đen thui, đầy mùi lông chó. Rồi tôi quay về với cây khế của mình, ngắm nhìn ánh hoàng hôn buông xuống đầy rực rỡ. Tay tôi tung hứng từng trái khế trong khi miệng vẫn đang nhai chóp chép. Hương vị của những quả khế vẫn ngon như trước, nhưng dường như thiếu mất chút gì đó mà tôi không thể nào biết được.
Từng năm học, từng mùa hè cứ thế lần lượt qua đi, tôi không còn gặp lại con Na nữa. Năm tôi học lớp Bốn thì vợ ông Tư mất, hai cha con ông cũng chuyển nhà đi nơi khác. Từ đó, tôi chẳng còn tin tức gì về con bé ấy. Tấm ảnh được nó tặng tôi đã cất rất kỹ, điều đó vô tình khiến tôi ít khi lấy ra xem. Hình ảnh của nó cứ thế dần phai nhạt trong ký ức tôi, giống như một áng mây lặng lẽ tan ra giữa bầu trời.
Năm tôi học lớp Sáu, bà nội tôi mất. Tôi đứng ôm cây khế và nhìn mọi người đưa bà đi. Tôi không biết vì sao con người lại mất đi nữa. Mọi thứ diễn ra quá đột ngột khiến tôi không thể hiểu nào được. Rõ ràng hôm trước tôi còn đạp xe qua nhà bà lấy bánh về ăn, vậy mà hôm nay bà đã không còn.
Sau khi bà qua đời, chú Bảy cũng đi biền biệt, và căn nhà như bị bỏ hoang. Thỉnh thoảng mỗi khi ba tôi đi rẫy về, ông lại dẫn tôi qua nhà bà quét dọn, thắp nén nhang. Nhưng điều đó cũng không xóa đi được nỗi buồn thoang thoảng trong không khí. Cây khế ngoài sân vẫn còn, vẫn rất khỏe mạnh và không có gì thay đổi, nhưng mùa hè của tôi chẳng thể nào trọn vẹn được nữa.
Chương 6
Vào một ngày đẹp trời đầu tháng Bảy, tôi theo ba vô rẫy chơi để khuây khỏa nỗi buồn chán trong lòng. Và tôi cũng sớm quên đi những nỗi buồn ấy thật. Ba tôi và tôi ở cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ, được đắp lên một cách đơn sơ bởi những cục đất lấy từ cái gò mối gần đó. Những cây cột, cây xà bằng gỗ cong vênh, chắp nối với với nhau bởi những sợi thừng làm từ xơ dừa thô ráp. Một cái hang của lũ mối gỗ như con rắn nhỏ đang cuộn lấy cây cột nhà. Những chiếc tàu dừa khô màu nâu sẫm được lợp lên trên bộ khung ấy và bện lại với nhau một cách khéo léo, đủ để che nắng và che mưa cho chúng tôi. Trong nhà chỉ có một chiếc giường gỗ cũ kỹ dựng sát vách, bên cạnh ô cửa sổ nhỏ. Mỗi buổi tối, khi nằm trên cái giường ấy, tôi thường lăn qua lăn lại để nó phát ra tiếng kêu "cót két", và nhìn vầng trăng cùng những vì sao trên bầu trời, qua hai cái song cửa sổ èo uột như hai cái bánh ống.
Phía sau nhà chỉ có một gian nữa để làm bếp. Ở đó có một cái ấm nước, một cái nồi và hai cái xoong nhỏ. Tất cả đều dính đầy nhọ nồi đen nhem nhẻm. Trong một cái rổ nhỏ bằng nứa là vài cái chén đầy vết sứt ở miệng và mấy cây đũa tre mà chiếc nào cũng lệch nhau. Bên cạnh đó là những chai lọ đựng muối, đường, dầu ăn, được đặt trên những viên đá vuông vức. Cái bếp lửa chỉ là một cái vòng sắt có ba cái chân cắm xuống nền đất, ở giữa còn có vài cọng rơm và bã mía đang cháy dở, nằm trên đống tro tàn màu xám trắng. Bức tường phía sau cái bếp đã bị cháy đen, những vệt muội than giống như bức tranh thủy mặc vẽ một đốm lửa đang cháy. Ba tôi thường nấu nước bằng cái ấm để pha cà phê, nấu cơm bằng cái nồi và kho cá, nấu canh trong hai cái xoong nhỏ. Nồi cá kho của ba tôi lúc nào cũng mặn chát nên phải ăn cả tuần mới hết.
Bên hông nhà có một cái giếng, nước của nó không trong như cái giếng ở thành phố và có vị chua chua. Để dùng được nước đó, chúng tôi phải lọc lại bằng một cái lu đựng đầy than củi, sỏi, cát và nhiều thứ nữa mà tôi không biết hết. Bên cạnh giếng nước là hai gốc dừa, nơi mà ba tôi hay mắc một cái võng và nằm ôm tôi đung đưa vào những đêm trăng sáng. Đôi lúc, nghe những tiếng "bịch bịch" bên tai, tôi lại sợ những trái dừa rơi xuống trúng đầu mình, hay lỡ như mình ngủ quên và rơi xuống cái giếng không có thành ấy. Gần cái giếng còn có vài luống rau nhỏ, được một giàn khổ qua che ở bên trên. Lúc những cọng rau đã được hái đi, tôi thường chui xuống dưới cái giàn ấy, tưởng tượng như đang ở trong một túp lều được trùm bằng tấm vải màu xanh.
Sau khi khám phá hết ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ của mình, tôi đi xa hơn về phía khu đất đằng sau. Càng đi xa, tôi càng thấy thế giới này rộng lớn mà tôi không thể nào biết hết được về nó. Tôi thấy những cây mít mà trái to bằng cả một chú heo con. Những cây khoai mì mọc đều nhau như đám học sinh đang xếp hàng tập thể dục. Những cây mía mọc san sát mà tôi tìm mãi cũng không thấy một kẽ hở nào. Tôi bắt đầu đi xa hơn nữa và thấy những cây xoài cao lớn đang mùa ra hoa kết trái. Những trái xoài nặng trĩu dưới những cái cuống dài, trông như cái bóng đèn dây tóc màu xanh, không có chụp đèn và được treo lủng lẳng trên sợi dây điện.
Tôi lang thang và tìm thấy một cây xoài cổ thụ. Nó đứng một mình giữa một khoảng đất rộng lớn, tán lá rậm rạp phủ xuống gần chạm đất và ôm lấy cả một vùng không gian bên trong, như một ngôi nhà nhỏ. Đi quanh "ngôi nhà" mới của mình, tôi thấy một chỗ mà lá cây được tỉa theo hình vòng cung, tạo thành lối vào. Bên trong "ngôi nhà" ấy chẳng có gì ngoài những cành cây đâm ngang xỉa dọc, và dưới đất là một lớp lá khô kêu xào xạc mỗi khi giẫm lên. Tôi thấy một cành cây cao ngang tầm mắt, to như bắp đùi của ba tôi. Tôi thích thú leo lên và nằm trên "chiếc giường" mới ấy, nhìn tia nắng mỏng manh đang cố gắng xuyên qua những chiếc lá. Tôi lắng nghe những giai điệu của gió xen lẫn tiếng ve râm ran, những âm thanh mà ở thành phố không thể nào nghe được. Nhớ lại cây khế nhà bà nội, tôi nằm lắc lư bàn chân và gặm một trái xoài xanh vừa mới hái. Xoài chua lét, nhưng tôi vẫn ăn hết cả trái. Răng tôi bắt đầu tê tái khi gặm đến cái hột, chỉ để lại những miếng xơ mỏng. Vứt đi cái hột xoài, tôi nằm lim dim đôi mắt và quên cả thời gian. Cho tới khi nghe thấy tiếng ba tôi hốt hoảng gọi, tôi mới nhìn xuống khe hở giữa tán cây và mặt đất. Mọi thứ đang dần trở nên tối đi. Tôi chạy ra khỏi "ngôi nhà" và nhìn về phía chân trời đang tắt nắng. Hoàng hôn ở đây rất đẹp, nhưng dường như buông xuống nhanh hơn ở thành phố. Tôi sợ mình chạy không kịp bóng đêm đang dần kéo đến, vội vàng í ới đáp lại tiếng ba tôi và lao về hướng ngược lại với những tia nắng. Tôi cảm thấy may mắn khi đã về kịp trong vòng tay ba, trước khi bóng tối kịp bắt lấy bàn chân mình.
Mỗi ngày, ba tôi thường ra đồng vào sáng sớm, khi tôi vẫn còn đang ngái ngủ. Cánh đồng nhà tôi phải đi qua một con đường dài mới tới được. Ở đó, ngoài những cây lúa, bùn đất và nắng gắt không có chỗ để trốn thì chẳng còn gì. Vì vậy, tôi thích lang thang trên mảnh đất sau nhà hơn. Tôi thường chặn đường hành quân của đàn kiến bằng một chiếc lá, cành cây hay một hòn đá, rồi nhìn cảnh tắc đường của bọn chúng. Tôi bắt một con tắc kè bằng cái bẫy làm bằng sợi gân của chiếc lá dừa, rồi đặt nó lên những nơi khác nhau để xem nó đổi màu. Tôi tìm thấy trong những chạc cây vài cái tổ chim và ăn trộm trứng trong đó. Nhưng khi nghe tiếng chim mẹ kêu nức nở, tôi đành phải trả lại con cho chúng mà không nhớ rằng mình có đặt đúng như ban đầu hay không.
Đôi khi, tôi giật mình chạy té khói khi lật phải một tảng đá có vài con rết hay bọ cạp bên dưới. Tôi theo dõi những con nhện màu vàng, nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay, đang giăng cái lưới ra để chờ con mồi đến. Và tôi thử bắt vài con kiến thả vào để xem cách mà cái bẫy đó hoạt động. Tôi chạy theo những cánh bướm lượn lờ với một quỹ đạo không thể nào tính toán được, hay rình bắt cái đuôi của những con chuồn chuồn đang đậu trên chiếc lá. Tôi gỡ một đoạn của cái tổ mối trên cột nhà rồi nhìn xem những con mối và con kiến khác nhau như thế nào. Tôi cũng bắt những con sâu béo ị đang mải mê gặm lá trong vườn rau và đem đến cho những chú chim non. Nhìn những con sâu, tôi lại nhớ tới con Na, nhưng cũng chỉ là những hình ảnh mơ hồ trôi qua trước mắt..
Sự thỏa thích của việc khám phá thiên nhiên làm cho tôi dường như quên đi tất cả mọi việc xung quanh. Tôi chăm chú như một con mèo đang rình rập chim sẻ. Tôi cần mẫn như những con ong bay đi khắp nơi, dù xa tới đâu cũng không thấy mỏi. Tôi cảm thấy mình như một đấng tối cao đang quan sát những thế giới nhỏ bé và tìm cách để chúng vận hành theo ý muốn. Niềm yêu thích đó mãnh liệt tới mức làm cho tôi quên đi những cuốn truyện tranh được xuất bản đều đặn mỗi tuần, hay những tập phim hoạt hình được phát sóng vào mỗi năm giờ chiều.
Khi mặt trời đã lên cao, tôi mới tạm trả lại sự yên bình cho thế giới của bọn côn trùng. Tôi phải về nhà nấu cơm cho ba. Lần đầu tiên nhóm lửa bằng những cọng rơm và bã mía, tôi chẳng thấy lửa đâu, mà khói thì đã tràn ngập cả gian bếp rồi bốc lên dày đặc trên nóc nhà. Chú Tám ở gần đó tưởng nhà tôi bị cháy, hô hoáng lên rồi cùng những người khác xách mỗi người một thùng nước sang dập lửa. Ba tôi cũng vội vã chạy từ ngoài đồng về khi nhìn thấy cột khói đen ngòm cuồn cuộn giữa trời. Tôi có chút cảm động bởi lòng nhiệt thành của những người hàng xóm. Từ nhà bọn họ chạy sang nhà tôi cũng vài chục mét, phải băng qua đoạn đường toàn đất đá gồ ghề, và còn xách theo một thùng đựng hơn chục lít nước nữa. Khi biết không có đám cháy nào xảy ra, họ vui vẻ trêu đùa tôi vài câu rồi ra về. Cũng may là tôi không lặp lại việc đó lần nào nữa.
Chuyến phiêu lưu của tôi kéo dài gần một tháng, tôi được ba chở về trên chiếc xe máy cũ, cùng với một giỏ xoài thật lớn. Mẹ tôi lựa ra những trái to và đẹp để hôm sau mang ra chợ bán, còn chị Nhã thì làm nước mắm đường cùng một chút ớt để ăn với những trái còn lại. Hương vị đó đã gắn liền với tuổi thơ của tôi, và cũng là một trong những thứ mà tôi yêu thích nhất trong cuộc đời.
Chương 7
Sau kỳ nghỉ hè đáng nhớ ấy, tôi lại phải quay về với trường học. Trường cấp Hai của tôi cũng gần nhà, chỉ xa hơn trường cấp Một có vài chục bước chân. Năm cuối cùng ở Tiểu Học, tôi bị nhiễm sở thích đọc truyện của chị Nhã. Chị vẫn thường bớt một chút tiền ăn sáng để thuê truyện tranh về đọc, còn tôi thì chỉ việc đọc ké. Lên cấp Hai, ngoài những cuốn truyện của chị Nhã, tôi còn đến thư viện trường để mượn thêm.
Thư viện trường tôi rất nhỏ và chật chội. Những kệ sách tróc sơn và rỉ sét đặt san sát nhau, chừa lại những lối đi chật hẹp chỉ đủ cho một đứa gầy như tôi lách qua. Trên những cái kệ ấy được chất đầy những cuốn sách đã ố vàng, vài cuốn thì bị rách gáy, và không có thứ gì còn mới hay nguyên vẹn. Chúng cũng không được sắp xếp theo một thứ tự nào cả, điều đó khiến tôi thường mất rất nhiều thời gian để đi tìm thứ mình muốn. Đôi khi, tôi cũng đọc vài cuốn về khoa học hay lịch sử, nhưng chúng chẳng đọng lại được mấy trong ký ức. Truyện tranh là tất cả những gì tôi thích khi đó. Tôi tìm thấy có nhiều bộ truyện mà tôi hay đọc trên những giá sách ấy, nhưng mỗi bộ chỉ có một ít tập riêng lẻ, và còn hay bị rách vài trang nữa. "Sao trên đời lại có đứa thiếu ý thức đến vậy!" - Tôi chửi thầm những đứa đã xé đi trang truyện của mình, rồi cố suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra trong cái đoạn bị mất đó.
Một buổi chiều đầu năm học lớp Bảy, tôi lại đến thư viện. Tôi len lỏi qua khe hẹp giữa những cái kệ, lia mắt trên gáy của từng cuốn sách để tìm kiếm một cái tên và con số. Sau hơn hai mươi phút phải hít thở trong cái không khí đầy mùi bột giấy và mối mọt xen giữa mùi rỉ sét ấy, tôi cũng tìm được thứ mình cần. Cầm cuốn sách đã bị mất một góc ở trang bìa đi đến chỗ con bé trực thư viện, tôi đưa thẻ của mình cho nó rồi ra về.
Bước ra khỏi trường với tập truyện mới mượn trên tay, tôi lật giở từng trang và dán mắt vào đó, rảo bước trên con đường nhỏ vừa được trải nhựa, dưới nắng chiều bốc lên mùi dầu hắc cay mũi. Tôi chìm đắm trong những trang truyện, với những bức tranh đen trắng mà đầy màu sắc. Nhưng khi về đến con hẻm dẫn vào nhà mình, tôi chợt nhận ra có một chiếc xe đạp đang chầm chậm theo sau.
Đó là con Vy tổ trưởng, cũng là đứa ngồi chung bàn với tôi trên lớp. Tôi ngồi đầu bàn thứ hai của cái dãy gần cửa ra vào, còn nó ngồi ở giữa cái bàn có ba người đó. Tuy nhiên, bọn tôi không nói chuyện với nhau nhiều. Tôi không phải là đứa hay nói chuyện trên lớp, không phải là đứa nhiều chuyện và cũng chẳng có chuyện gì để nói với nó. Mặc dù nó hay mượn bút rồi không trả, nhưng toàn những thứ tôi nhặt được trong hộc bàn nên cũng chẳng muốn đòi lại. Tôi đã thấy nó khi ra khỏi cổng trường nhưng không nghĩ rằng nó sẽ đi theo mình đến tận đây. Ngay khi vừa bước vào trong con hẻm, tôi đứng lại, dựa lưng vào vách tường và chờ đứa con gái ấy xuất hiện.
- Mày đi theo tao làm gì? - Tôi hỏi khi thấy con Vy dừng lại cạnh con hẻm và ngó nghiêng ngó dọc vào trong.
- Ai đi theo mày. - Nó nhìn tôi nói.
- Rõ ràng mày đi theo tao từ trường về tận đây.
- Đường này có phải của nhà mày đâu, tao muốn đi đâu kệ tao chứ.
- Nhưng tao không thích người khác đi theo mình.
- Tao đi thuê truyện chứ đi theo mày làm gì, xí. - Nói xong, nó đạp xe đi.
Gần nhà tôi có một bà cô tên Hoa cho thuê truyện tranh thật, và chị Nhã cũng hay thuê truyện ở đó. Tuy nhiên, với linh cảm của một đứa đã học lớp Bảy và từng đọc qua nhiều truyện trinh thám, tôi không tin nó chỉ đi thuê truyện. Tôi vừa đọc tiếp cuốn truyện của mình vừa liếc nhìn chiếc xe đạp ấy, cho tới khi nó khuất sau góc cua cuối đường. Đó là hướng đi về cửa hàng truyện tranh của bà Hoa.
Một lát sau, chiếc xe đạp lạch cạch quay trở lại, lòng vòng gần chỗ lúc nãy tôi đứng rồi rẽ vào trong.
- Đường cụt rồi! - Tôi nói to.
Tôi biết ngay là nó sẽ quay lại và đi vào con hẻm nhà mình, vậy nên đã ngồi chờ sẵn trên cây trứng cá đầu ngõ. Tôi đung đưa hai chân trên những chiếc lá cây, miệng không ngừng cắn từng trái trứng cá chín đỏ rồi phun vỏ xuống đất.
- Đường cụt thì sao? - Con Vy nghiêng đầu qua nhìn tôi, chu mỏ nói.
- Thì hết đường chứ sao! - Tôi ném một trái trứng cá vào giỏ xe nó.
- Hết đường thì sao? - Nó lại nói, chẳng thèm để ý đến hành động vừa rồi của tôi.
- Thì hết đường là không có đường ra chứ sao! - Tôi vò đầu, cảm thấy mình có chút không biết phải vận dụng ngôn ngữ của mình như thế nào để nói chuyện với cái con bé ấy nữa - Không có đường ra thì còn đi vào làm gì? Trong đó có chó, nó cắn không ai can đâu!
Mặc dù nói vậy, nhưng tôi biết mình chẳng có quyền gì ngăn cản việc con Vy muốn đi theo hướng nào. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi nói, nó quay đầu xe lại rồi đi về hướng lúc nãy nó đến. Tôi ngồi trên cây trứng cá và nhìn bóng nó khuất dần phía cuối con đường.
Tưởng như câu chuyện của tôi và con Vy đã kết thúc, nhưng chiều hôm sau, khi đang chăm sóc cái hồ cá được làm từ lon sữa bột của mình, tôi nghe thấy con chó nhà chú Tư sủa inh ỏi ở phía ngoài và một giọng nói lanh lảnh.
- Cô cho con hỏi nhà bạn Thiên ở đâu ạ? - Giọng con Vy vọng lại, xen lẫn trong tiếng chó. Không biết tại sao nó lại quyết tâm tìm bằng được nhà tôi như vậy nữa. Tôi đứng chống tay vào thành giếng, nhìn cái bản mặt lù lù xuất hiện ở phía đối diện.
- Nhà mày đây hả? - Nó nhìn quanh rồi chỉ vào nhà tôi hỏi.
- Ờ, thì sao? - Tôi đáp lời.
- Sao nhỏ vậy?
- Thì sao? - Tôi nói - Tao ở hay mày ở?
- Làm gì mà hung dữ, - Nó lầm bầm - Bạn tới chơi nhà không mời vào uống trà thì thôi còn gắt gỏng.
- Nhà đi hết rồi, tao còn bị nhốt ở ngoài đây, không thấy à? - Tôi nói, không nhìn nó nữa mà lại loay hoay với mấy con cá của mình.
Anh Hai, anh Ba tôi đã lập gia đình và chuyển ra ngoài ở, anh Tư thì đang đi học ở Sài Gòn, ba tôi đi rẫy, còn mẹ tôi giờ này đang ở chợ, vì vậy nên chỉ có tôi và chị Nhã ở nhà. Khi tôi tưởng như nó sẽ ra về thì giọng nói của chị Nhã bỗng nhiên từ trong nhà vang lên:
- Bạn gái tới sao không mời vào nhà chơi vậy Bo?
- Gì mà bạn gái! - Tôi la lên - Nó không phải bạn gái em.
Không hiểu sao tôi không thích bị gán ghép với bọn con gái, và cũng thường cảm thấy xấu hổ khi bị như vậy. Nghe chị Nhã nói, tôi chỉ muốn chui luôn vào trong cái hồ cá của mình hoặc nhảy xuống giếng.
Con Vy lễ phép chào chị Nhã, còn chị thì mở cửa mời nó vào nhà. Nhưng điều làm tôi khó chịu nhất là việc chị ấy lấy mấy cái bánh đã làm cho tôi ra và mời nó ăn. Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc leo lên gác giả vờ học bài, mặc kệ bọn họ buôn dưa lê với nhau. Trái ngược với tôi, chị Nhã là một người nói nhiều, điều mà chị hay giải thích rằng là hòa đồng và vui tính. Có lẽ vì thế mà chị có rất nhiều bạn bè, thường là những người cũng nói nhiều giống chị, trong khi tôi chỉ quanh quẩn chơi cùng một vài đứa trong lớp. Chị luôn lưu trữ sẵn cả kho những câu chuyện, có thể nói suốt ngày cũng không hết, hệt như bà nội. Con Vy chỉ mới gặp chị Nhã được mười lăm phút thôi nhưng tôi có cảm giác như họ là những người chị em bị thất lạc nhiều năm vừa tìm thấy nhau vậy. Hai chị em bọn họ nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, đôi lúc chị Nhã còn kể những chuyện xấu của tôi ở nhà, còn con Vy thì tung hứng bằng những chuyện xấu của tôi ở trên lớp, sau đó cả hai lại cười khoái trá khiến tôi cảm thấy buồn bực thật sự.
- Bo ơi, - Chị Nhã gọi tôi - Xuống ăn bánh nè, sắp hết rồi.
- Chị ăn hết luôn đi. - Tôi nói vọng xuống. Dù sao thì lúc sáng tôi cũng đã đếm số bánh còn lại trong tủ, chắc mẩm rằng chị tôi sẽ không thể nào ăn hết được.
- Chị ăn hết nổi rồi, còn một cái Vy ăn luôn nha. - Chị nói với con Vy, nhưng lại cố nói to để tôi nghe thấy.
Thật không thể tin được, chị chỉ mới gặp nó lần đầu mà đã cho nó ăn nhiều như vậy, trong khi tôi là em trai của chị mà mỗi lần cũng chỉ được ăn có hai cái. Tôi hùng hổ chạy xuống khiến những bậc thang kêu lên "ầm ầm". Nhưng khi tới nơi, tôi thấy hộp bánh vẫn còn đầy, nhìn sơ sơ cũng có hơn chục cái. Bốn con mắt nhìn tôi, rồi chị Nhã bật cười và "nói nhỏ" với con Vy:
- Thấy không, thằng em chị ham ăn lắm, đừng thấy nó ốm vậy mà hiểu lầm.
Dối trá thật, tôi không phải là đứa tham ăn như chị nói. Tôi chỉ ăn những thứ tôi thích nhiều hơn bình thường chút thôi. Con Vy nhìn tôi che miệng cười, hóa ra hai người bọn họ hợp sức lại ăn hiếp tôi. Tôi định quay lên gác nhưng lại nghe chị Nhã nói:
- Không ăn bánh hả Bo?
- Không. - Tôi dừng lại giữa cầu thang và ngồi xuống, trả lời một cách dứt khoát nhưng trong lòng lại có chút lưỡng lự.
- Vy đợi chị chút, để chị lấy cái bị đựng bánh, dù sao thì thằng Bo cũng không ăn. - Chị nói, rồi đi xuống bếp lấy một cái túi ni lông lên thật.
- Từ từ đã. - Tôi vội vàng chạy xuống.
- Từ từ cái gì, đàn ông con trai gì mà hơi tí là đổi ý vậy.
- Ai đổi ý, - Tôi la lên - Chẳng phải lúc nãy chị kêu em xuống ăn bánh sao.
- Thế sao lúc nãy nói không ăn?
- Lúc nãy em chưa đói. - Tôi gãi đầu nói.
Con Vy vừa cười vừa nhìn hai chị em tôi chí chóe với nhau, nhưng tôi không có thời gian quan tâm đến nó. Tôi lấy hai cái bánh rồi chạy đến chân cầu thang ngồi, vừa ăn vừa nhìn chăm chăm vào mấy cái bánh còn lại. Chị Nhã cũng không cản tôi, nhưng vừa cười vừa lấy lần lượt từng cái bánh cho vào trong túi ni lông. Thấy vậy, tôi vội chạy tới chụp thêm hai cái nữa, nhưng bị chị Nhã ngăn lại. Chị đánh lên tay tôi và nói:
- Mỗi ngày chỉ ăn hai cái thôi.
- Thế sao chị cho nó ăn nhiều thế. - Tôi ngốn cái bánh trong miệng, chỉ con Vy và nói.
- Bánh của chị, chị muốn cho ai thì cho chứ.
- Nhưng em là em của chị mà. - Tôi ấm ức nuốt cái bánh trong miệng vào bụng.
- Ai quan tâm, Vy giờ cũng là em của chị. - Rồi chị quay sang con Vy nói:
- Khi nào ăn hết thì qua lấy thêm, chị làm nhiều lắm. Thứ Ba, thứ Năm thì chị rảnh buổi chiều, còn Chủ Nhật thì chị ở nhà cả ngày. À mà Chủ Nhật này có gì qua đây chơi, rồi hai chị em mình cùng làm bánh luôn.
- Dạ, - Con Vy cười hì hì nói - Cảm ơn chị.
Tôi há hốc mồm, suýt chút nữa bị sặc, vội chạy đi lấy nước để uống. Tại sao chị Nhã có thể cho tôi ra rìa nhanh như vậy được chứ.
- Em biết chơi bài tiến lên không? - Chị tôi hỏi con Vy.
- Dạ biết.
- Vậy mình làm vài ván đi. - Chị nói, mở tủ lấy bộ bài - Bo chơi luôn không?
- Không. - Tôi nói rồi lại đi lên gác. Nhưng chỉ mới bước lên được vài bậc thang thì nghe tiếng xầm xì đằng sau:
- Thấy không, chị đã bảo là nó sợ thua nên không dám chơi mà. Nó chơi dở ẹc hà.
Tôi không phải là đứa háo thắng, nhưng việc chị Nhã nói tôi như vậy trước mặt một đứa con gái thì không chấp nhận được.
- Chơi thì chơi, sợ gì chứ. - Tôi quay lại, ngồi xuống bên cạnh hai người và dõng dạc nói - Chia bài đi!
Chương 8
Hậu quả của sự bốc đồng đó là tôi phải quỳ chia bài cho hai chị em họ suốt cả buổi chiều. Cho đến khi mẹ tôi đi chợ về, tôi mới được giải thoát. Con Vy chào mẹ tôi rồi cũng đứng dậy rời đi. Nhìn nó đem hết những cái bánh ra khỏi cửa, tôi càng cảm thấy oán nó hơn nữa. Những ngày trên lớp sau đó, tôi không đứng dậy nhường đường mỗi khi nó muốn ra ngoài, bắt nó phải đi phía đầu bàn bên kia. Ban đầu, con Vy tỏ vẻ bực tức, nhưng dần dần, nó cũng không nói gì với tôi nữa. Đáng lẽ ra tôi phải cảm thấy vui mới phải, nhưng không hiểu sao lại cứ thấy khó chịu về kết quả mình đạt được.
Sáng chủ nhật, nó lại đến nhà tôi. Nó lấy từ trong giỏ xe ra bốn tập của bốn bộ truyện tranh khác nhau rồi đưa cho chị Nhã. Chị đặt mấy cuốn truyện lên nóc tủ rồi ba chúng tôi dọn đồ ra giữa nhà để làm bánh. Trước mặt chị, tôi không dám làm gì quá đáng với con bé đó, không khéo nó lại lấy hết bánh của tôi đi nữa thì toi. Trong lúc làm bánh, hai chị em bọn họ lại chuyện trò với nhau thật vui vẻ. Tôi ấm ức lắm nhưng chẳng làm được gì, chỉ im lặng suốt cả buổi. Sau khi cho bánh vào khuôn rồi bắc lên bếp, con Vy giúp chị tôi nấu ăn.
- Em giỏi thật đó, cái gì cũng biết hết trơn. - Chị tôi lại khen nó lần nữa.
- Em chỉ biết làm mấy cái đơn giản thôi, - Nó nói - Mẹ em nấu ăn ngon lắm, nhưng em không học được gì nhiều.
- Vậy là giỏi rồi, đâu như.. - Giọng chị nhỏ dần sau đó, nhưng có bịt tai lại cũng nghe ra được chị đang nhắc đến tôi.
- Em cũng giúp chị rửa chén chứ bộ. - Tôi vừa giã những hạt tiêu vừa hét lên.
Con Vy càng ngày càng giống em của chị Nhã hơn cả tôi, điều đó khiến tôi buồn thật sự. Tôi lấy mấy cuốn truyện của nó xuống xem thử, toàn là những cái tên quen thuộc. Thám Tử Lừng Danh Conan tập ba mươi chín, Nữ Hoàng Ai Cập tập bốn mươi bốn, Asari - Cô Bé Tinh Nghịch tập năm mươi ba, Thủy Thủ Mặt Trăng tập bảy mươi. Không thể tin được, những tập truyện đó chỉ vừa mới được xuất bản. Ngày nào chị Nhã cũng ra tiệm bà Hoa để thuê nhưng luôn có người đến trước một bước, đành phải thất vọng quay về. Hèn chi chị lại tốt với con Vy như vậy, so với một thằng chuyên đọc ké như tôi thì nó có giá trị hơn nhiều. "Nhưng dù sao thì mình cũng là em của chị, sao chị có thể bỏ mặc mình chỉ vì mấy cuốn truyện chứ, thật không công bằng" - Tôi hậm hực trong lòng.
Tôi cầm cuốn Conan lên và đọc, cảm thấy mặt mình hơi dày lên một chút. Nhìn cuốn truyện có vẻ mới, tôi lật ra trang bìa phía sau xem thử. Không có bất kỳ con số nào ghi trên đó. "Đây không phải là truyện thuê!" - Tôi hét lên trong đầu. Mấy cuốn truyện ở chỗ bà Hoa đều có ghi lại ngày thuê và ngày trả ở phía sau để tính tiền, và những chỗ cho thuê truyện khác cũng vậy. Tôi lấy ba cuốn còn lại, lật tờ bìa sau ra xem và cũng không có gì khác biệt.
Trong một phút giây thoáng qua, tôi chợt nghĩ rằng nó còn có những tập khác của những bộ truyện này nữa, hoặc cả bộ cũng nên. Mô Phật! Hơn hai trăm cuốn truyện tranh chứ ít gì. Tôi không thể tưởng tượng nổi cảm giác của mình khi được đứng giữa cái kho báu đồ sộ ấy như thế nào nữa. Đối với tôi, chỉ một hai cuốn truyện cất trong tủ thôi đã quý giá lắm rồi chứ nói gì cả bộ, thậm chí là bốn bộ. Tôi không dám tin vào điều này, chiếc xe đạp nó đi còn cũ hơn chiếc xe của tôi, nhìn bề ngoài nó cũng chẳng có vẻ gì giống với một cô tiểu thư cả, vậy mà nó lại sở hữu cả gia tài to lớn đến thế. Nếu điều này là sự thật, tôi tin chắc rằng nó còn giàu hơn cả thằng Liêm, con cưng của Chủ tịch Hội phụ huynh. Thấy con Vy từ dưới bếp đi lên, tôi hỏi:
- Ê, mấy cuốn này của mày hết hả?
- Ừ. - Nó gật đầu.
- Không phải thuê à?
- Ừ, sao vậy?
- Mấy bộ này, - Tôi ngập ngừng - Mày còn tập nào khác không.
- Hừm, để tao nhớ đã. - Nó bặm môi lại và nhướng mắt phải lên để suy nghĩ - Nữ Hoàng Ai Cập bị thiếu mất hai tập, còn tập mấy thì tao không nhớ. Mấy bộ kia thì có hết.
- M.. m.. mà.. mày nói thật chứ? - Tôi lắp bắp hỏi lại. Dù đã có suy nghĩ như vậy từ trước nhưng tôi vẫn cảm thấy kinh ngạc tột độ.
- Thật, nói xạo mày được gì đâu.
- Mày.. mày cho tao mượn được không? - Tôi ngập ngừng hỏi.
- Đó, - Nó hất cằm về phía mấy cuốn truyện và nói - Lấy đọc đi, khi nào đọc xong thì đem trả tao là được.
- Không, ý tao là mấy tập trước kìa. Có vài tập Conan và Asari tao vẫn chưa coi. - Tôi nói.
- Ờ, tập nào để mai tao đem lên cho. - Nó nói như thể chuyện đó chẳng có gì to tát cả.
- Tao không nhớ nữa. - Tôi suy nghĩ một lát rồi gãi đầu nhìn nó.
- Vậy tao chịu thôi.
- Ừ, thôi vậy. - Tôi có chút tiếc nuối nhưng cũng đành chịu, không thể nào bắt nó đem cả cái kho truyện lên lớp được.
Tôi mở TV cho con Vy xem và ngồi đọc mấy cuốn truyện của nó. Lớp da trên mặt có phần dày hơn khiến tôi quên hẳn cảm giác căm ghét đối với đứa con gái ấy lúc trước. Một lát sau, mẹ tôi đi chợ về. Mẹ, chị Nhã và tôi lại quây quần quanh mâm cơm, cùng với một người khách là con Vy. Cả nhà tôi ai cũng hiếu khách, có lẽ chỉ mình tôi là luôn cảm thấy không được tự nhiên khi có người lạ đến nhà. Bữa cơm của chúng tôi chỉ có vài món đơn giản, nhưng tôi thấy con Vy lại ăn một cách ngon lành.
- Cháu đi như vầy ba mẹ ở nhà có biết không? - Mẹ tôi hỏi.
- Dạ có, cháu xin phép mẹ rồi - Nó nói - Nhà chỉ có hai mẹ con cùng với cô giúp việc, mẹ cháu thì đi công tác suốt, ở nhà với cô giúp việc hoài cũng chán nên cháu vẫn thường xin phép mẹ ra ngoài chơi như thế này.
Nghe những lời con Vy nói, tôi thấy giống như nó đang trả bài kiểm tra miệng vậy.
Sau bữa cơm, chị Nhã giữ nó lại ăn bánh vừa mới làm. Khoảng một giờ hơn, mẹ tôi lại xách xe đạp đi chợ. Khi ở nhà chỉ còn ba người, tôi lại bị bọn họ dụ dỗ chơi bài quẹt lọ nghẹ. Kết quả cũng chẳng khác gì lần trước, sau hai tiếng đồng hồ, trên mặt tôi chẳng còn chỗ nào để chị Nhã hay con Vy bôi lên nữa. Chắc chắn hai người đó ăn gian. Chưa có ván nào mà những lá bài của tôi có khả năng kết nối với nhau cả. Nhưng khi tôi tự tay xáo bài thì mọi chuyện còn tệ hơn, tôi không đánh được cây nào và chết luôn cả chuồng heo có ba con. Tôi mất gần nửa tiếng để rửa mặt và khi quay lại thì con Vy cũng đã về.
Sáng thứ hai, nó đem theo một chồng hơn mười cuốn truyện Conan lên lớp và hỏi tôi chưa đọc tập nào. Tôi lật xem vài trang trong mỗi cuốn truyện rồi lấy đi tập mười hai.
- Cảm ơn. - Tôi thực lòng cảm kích vì sự nhiệt tình của nó.
Sau ngày hôm đó, tôi và con Vy bắt đầu nói chuyện nhiều hơn. Nó có cả kho truyện tranh ở nhà, những bộ truyện nó thực sự thích. Vài bộ khác thì nó chỉ thuê ở chỗ bà Hoa đọc cho vui, hoặc mượn ở thư viện. Nhưng nhiều khi lên thư viện cũng chỉ mất thời gian công cốc nên nó không đến đó thường xuyên. Càng tiếp xúc nhiều với con Vy, tôi càng cảm thấy nó có nhiều nét dễ thương. Nó rất khác so với những đứa còn lại. Nó không khoe khoang, vẻ ngoài cũng rất giản dị. Nó không điệu đà chảnh chọe mặc dù trông cũng rất xinh. Nó không khóc hay tỏ ra bực bội khi bài kiểm tra tiếng Anh chỉ được chín điểm bảy lăm, như một vài đứa khác, dù ai cũng biết nó giỏi môn đó nhất lớp.
Tôi với con Vy bắt đầu giúp nhau trong việc học. Tôi giúp nó giải những bài tập khó của môn Toán, còn nó thì kèm tôi môn Tiếng Anh. Những hôm tôi quên soạn bài môn Ngữ Văn, nó lại cho tôi mượn vở để chép. Mỗi khi lên bảng kiểm tra bài cũ, chúng tôi thường nhắc cho nhau những chỗ chưa thuộc. Nó có thể nghe được những tiếng thì thầm của tôi, nhưng khi đến lượt tôi thì lại chẳng thể hiểu nó đang nói cái gì. Tôi cứ nhìn chăm chăm cái miệng nhỏ nhắn, xinh xinh của nó cho tới khi nhận điểm kém về chỗ ngồi. Không hiểu sao con Vy lại giận khi tôi bị điểm kém, nhưng khi nó giận trông cũng dễ thương nữa. Đôi mắt của nó khi mở to trông rất đẹp, nhưng thường híp lại vì những đêm mải thức khuya đọc truyện. Tôi cũng bắt đầu thấy thích nụ cười của nó, và thường nhìn trộm mỗi khi nó cười. Dần dần, những thứ có liên quan đến con Vy tôi đều thấy thích cả. Tuy nhiên, có một thứ mà tôi không thích ở nó chính là chiếc xe đạp. Xe nó hư suốt, và ngày nào nó cũng đứng chờ tôi ngoài cổng để nhờ tôi lắp lại sợi dây xên cho chiếc xe.
Chúng tôi cũng thường xuyên đem truyện tranh lên lớp để đọc, tranh thủ vào những giờ ra chơi hoặc lén lút dưới hộc bàn trong những tiết học không quan trọng. Để chiếc cặp xách có thêm chỗ trống cho những cuốn truyện, tôi và con Vy thường phân chia việc đem sách của từng môn học trong ngày. Nếu hôm đó nó đem sách Toán, tôi sẽ đem sách Ngữ Văn, hoặc ngược lại.
Chương 9
Sau khi học chung sách với con Vy một thời gian, tôi mới biết nó thích vẽ vào những cuốn sách, nhất là sách Ngữ Văn. Nó thường vẽ thêm râu quai nón, kính mắt hay những điếu thuốc vào ảnh chân dung của mấy ông tác giả. Hoặc nếu có thời gian, nó sẽ vẽ thêm cả quần áo bên dưới và khung cảnh xung quanh một cách chi tiết nhất có thể. Con Vy vẽ rất đẹp nên tôi không ngại để nó mặc sức trang điểm cho cuốn sách của mình. Tuy nhiên, tôi lại ít khi làm điều tương tự trong sách của nó. Tôi vẽ không được đẹp lắm, còn theo nhận xét chính xác của nó thì tôi vẽ khá xấu.
Có lần, cô Mỹ Thuật cho bài tập về nhà là vẽ chân dung một người bạn, cả hai chúng tôi đều không ngần ngại chọn nhau làm người mẫu. Kết quả là tôi và nó không ai nhận ra nhau trong bức vẽ của người còn lại. Tôi là người vẽ trước, mặc dù đã cố gắng hết sức để diễn tả khuôn mặt của nó trong bức tranh của mình, nhưng có một vài chi tiết vẫn bị lệch đi theo một hướng nào đó mà tôi sửa mãi không được. "Đẹp lắm" - Nó nói sau khi xem bức tranh của tôi. Sau đó, đến lượt tôi ngồi làm mẫu, và nó chỉ mất hai mươi phút để vẽ xong.
- Mày vẽ ai vậy? - Tôi hỏi. Trong bức tranh là một cậu bé có gương mặt gần như hình vuông, hai tai nhọn hoắc, đôi mắt ti hí, cái mũi xẹp lép và hàm răng hô thấy rõ.
- Mày. - Nó chỉ tôi và nói.
- Sao không giống chút nào vậy?
- Ít ra tao vẽ mày còn giống con người, - Nó hùng hổ nói - Nhìn coi mày vẽ tao có khác gì con ma không hả, hả, hả?
- Ờ, xin lỗi, - Tôi gãi đầu và cười hì hì với nó - Tao cố hết sức rồi, mày cũng biết môn Mỹ Thuật của tao kém lắm mà.
- Hứ! - Con Vy quay đi chỗ khác, tôi phải dỗ mãi nó mới bỏ qua chuyện này.
Một lần khác, khi bọn tôi đang ngồi vẽ linh tinh và cười khúc khích trong giờ Ngữ Văn thì bị cô Loan bắt được. Cô cầm cuốn sách lên và hỏi sách của ai, nhưng cả tôi và nó đều im lặng. Thế là hai đứa bị phạt đứng ngoài cửa lớp. Chúng tôi mỗi đứa đứng dựa vào một cánh cửa và tám chuyện với nhau cho đến hết tiết học.
- Hôm đó mày tìm nhà tao để làm gì vậy? - Tôi chợt nhớ lại chuyện nó theo mình về nhà - Địa chỉ của tao có trong sổ liên lạc rồi nên chắc không phải nhiệm vụ của cô chủ nhiệm nhỉ.
- Tại tao thấy mày bí hiểm quá thôi, - Nó nói - Ngồi chung bàn mà một ngày không thấy mày nói quá năm câu. Tao muốn coi thử mày có phải là mafia giống như trong truyện không.
- À, cũng may tao không phải là mafia thật, không thì giờ chắc mày đang đi học ở lớp Một B của một trường Tiểu Học nào đó rồi.
Rồi chúng tôi nhìn nhau cười.
- Hai em kia! Còn nói chuyện được nữa hả! - Giọng cô Loan vọng ra từ trong lớp, có vẻ rất giận dữ.
Nghe vậy, chúng tôi đứng thẳng người lên một cách trang nghiêm. Nhưng được vài giây thì chúng tôi lại liếc nhìn nhau, cố nén cười làm cho những tiếng "phì phì" phát ra giữa kẽ môi và nước miếng bắn như mưa. Tiết Ngữ Văn hôm đó bị chấm loại C, còn hai chúng tôi "vinh dự" được điền tên trong sổ đầu bài. Cuốn sách của con Vy cũng bị tịch thu và phải đến tiết sinh hoạt lớp cuối tuần mới được cô chủ nhiệm trả lại. Tôi là người xung phong lên nhận lại cuốn sách ấy và bị cô la cho một trận.
Những tiết học của chúng tôi trôi qua một cách vui vẻ, và vì vậy mà thời gian cũng trôi đi nhanh hơn về phía trước. Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức tôi chẳng kịp nhớ hết tất cả những ký ức của mình nữa. Tôi và con Vy chỉ thực sự biết nhau khi năm học lớp Bảy bắt đầu, vậy mà chớp mắt một cái, kỳ nghỉ hè đã đến. Chúng tôi chia tay nhau và hẹn gặp lại trong ngày khai giảng vào mùa thu.
Nhưng trước khi mùa thu đến, tôi phải đi qua mùa hè một lần nữa. Mùa hè năm ấy của tôi, một mùa hè như bao mùa hè khác ở Nha Trang, nắng nhiều và nóng trên những con đường, nhưng lại có gió mát trên mặt biển xanh trong.
Lúc đó, căn nhà trong rẫy đang phải sửa lại nên ba không cho tôi đi cùng. Kể từ khi bà nội mất, tôi cũng không còn thiết tha gì với cây khế nữa, mà ở đó cũng chẳng còn ai canh chừng cho tôi ngủ mỗi tối. Vậy nên, tôi đã dành cả kỳ nghỉ hè ấy cho những chuyến đi biển vào buổi sáng.
Nhà tôi không xa biển là mấy, chạy bộ chỉ khoảng mười lăm, hai chục phút là tới. Nhưng trước khi ra biển, tôi còn có việc quan trọng phải làm, đó là hái trộm xoài. Không phải thiếu thốn gì đâu, tôi có thể thiếu bất cứ thứ gì chứ xoài thì nhà tôi có đầy. Tôi bắt đầu dấn thân vào con đường tội lỗi đó chỉ vì sự dụ dỗ của bạn bè. Đó là thằng Vũ và thằng Huy, hai đứa bạn của tôi. Chúng tôi cũng không thân thiết gì lắm, nhưng ngoài con Vy ra thì chỉ có bọn nó là tôi có thể coi là bạn. Tôi và thằng Vũ trở thành bạn của nhau trong một lần nó nhờ tôi nộp đơn xin nghỉ học hộ, cho nó và cả thằng Huy nữa. Hai đứa nó đã là bạn thân của nhau từ trước, vậy là chúng tôi trở thành một nhóm, bắt đầu nói chuyện trên lớp và thường rủ nhau đi học.
Một buổi tối, khi đang ngồi trên gác đọc truyện, chị Nhã gọi tôi xuống nghe điện thoại. Giọng của thằng Vũ từ đầu dây bên kia vang lên:
- Mai đi biển!
- Mấy giờ? - Tôi hỏi.
- Bốn rưỡi.
- Chiều?
- Không, sáng.
- Gì sớm vậy?
- Hái xoài.
- Hái trộm hả? - Tôi cố hạ thấp giọng để chị Nhã và mẹ tôi không nghe thấy.
- Ờ, - Giọng thằng Vũ cũng hạ thấp xuống - Ngay gần nhà tao luôn.
- Ờ. - Tôi nói và cả hai cùng cúp máy.
Thế là khoảng bốn rưỡi sáng hôm sau, tôi đã đứng trước nhà thằng Vũ. Nó là một đứa ham ngủ khiến tôi phải gọi khản cả giọng mà vẫn không thấy đâu. Chỉ khi con chó ba chân nhà nó nhảy cà tưng đến trước cửa và sủa inh ỏi lên thì cái thằng ấy mới chịu ló mặt ra. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển về một tiệm sắt cũ cách đó không xa. Tôi nhìn cái cửa tiệm ấy, ngay phía sau bức tường thấp tè là một cây xoài rất sai quả. Từng trái từng trái xoài lủng lẳng trên cái bảng hiệu "TIỆM SẮT ĐÔNG" to đùng, được gắn ngay phía trên hàng rào.
Tôi là một đứa rất giỏi leo trèo và cũng có sở thích mạo hiểm nên thực hiện phần khó nhất. Sau khi trèo lên bức tường cao chưa tới hai mét, tôi đu lên tấm bảng hiệu to gần bằng cái bàn giáo viên, khéo léo vịn vào một cành cây rồi leo lên trên mái của quán nhậu bên cạnh. Chỉ việc đi dọc theo phần viền chỗ bức tường là tôi sẽ không gây ra tiếng động gì quá lớn. Tôi cảm thấy mình giống như một điệp viên chuyên nghiệp trong phim mà quên rằng mình chỉ đang là một tên trộm vặt. Tôi quên bẵng đi nỗi sợ mấy chuyện kinh dị trong tưởng tượng của mình, đại loại như cái cây đột nhiên biết nói hay một gương mặt xanh lè bỗng xuất hiện phía sau những chiếc lá.
Cuối cùng, tôi chỉ việc với tay hái những trái xoài to nhất rồi quăng xuống cho thằng Vũ. Tay tôi dính đầy mủ xoài, tuy có hơi nhớp nháp nhưng mùi lại rất thơm. Tiếng bẻ cuống xoài, tiếng thả những cành cây lạo xạo làm con chó từ phía trong nhà chạy ra sủa inh ỏi. Tôi nằm xuống, núp sau bức tường thật nhanh mà không gây ra một chút tiếng động. Xung quanh tôi chỉ còn tiếng thở thật nhẹ nhàng và tiếng tim đập "thùng thùng" một cách mất kiểm soát. Tôi ẩn mình trong màn đêm như một con cá đuối nằm dưới cát, tránh né ánh sáng của đèn pin đang rọi lên.
Chắc chắn là bọn chó biết sự hiện diện của tôi, nhưng cũng may là chúng không biết nói mà chỉ gầm gừ và sủa inh ỏi. Sau một lúc không có phát hiện gì, người chủ nhà cũng đành dẫn đàn chó đi vào trong. Hú hồn hú vía, nhưng may mắn là không bị phát hiện. Tôi nhẹ nhàng trèo xuống rồi chạy thục mạng qua nhà thằng Huy ở trong con hẻm đối diện. Lúc tôi tới thì thằng Vũ đã ở đó, nó và thằng Huy đang rửa và gọt vỏ những trái xoài xanh tươi mơn mởn. Sau đó, cả ba chúng tôi đem chiến lợi phẩm ra biển ngồi nhâm nhi với muối ớt. Thỉnh thoảng, bọn nó lại bị đau bụng, nhưng sau một thời gian thì hai cái dạ dày đó cũng bắt đầu chai lì giống như tôi.
Cách vài ngày chúng tôi lại làm một vụ như vậy. Chúng tôi không muốn làm phiền ông chủ tiệm sắt và bầy chó quá nhiều, mà cây xoài thì cũng cần thời gian để ra trái. Không hiểu sao những trái xoài ở cái tiệm sắt cũ ấy dù chua hơn của ba tôi trồng, nhưng tôi lại thấy rất ngon. Nghĩ đến chúng, nước miếng của tôi lại ứa ra không ngừng.
Mọi chuyện sẽ vẫn tiếp tục suôn sẻ nếu như thằng Vũ không đòi đổi vai với tôi. Hôm đó, nó chỉ vừa đu lên tấm bảng bằng sắt thì tuột tay và té xuống đất, bị gãy hai ngón chân và rách một mảng lớn da ở đầu gối. Nó được đưa đến bệnh ngay sau đó và phải dành hết thời gian còn lại của mùa hè ở nhà. Mẹ thằng Huy biết chuyện cũng cấm cửa không cho nó chơi với tôi. Mẹ thằng Vũ thì hay mua hàng của mẹ tôi ở chợ nên chẳng mấy chốc bà cũng biết việc này. Tôi bị la cho một trận vì tội đi hái trộm xoài. May thay, ba tôi không có ở nhà, nếu không thì tôi đã có một bữa phải ăn đòn thay cơm. Vài ngày sau, cây xoài ở tiệm sắt bị chặt đi, đội trộm xoài của chúng tôi chính thức bị tan rã sau gần hai tháng hoạt động. Dù vẫn còn nhiều chỗ khác có thể hái trộm được, nhưng tôi chẳng thích thú gì khi phải làm việc đó một mình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro