Phần 3.3 Tận kiếp phù du
Tống Ngưng - Thẩm Ngạn
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ba ngày sau, tôi gặp vị khách Quân sư phụ đã thu xếp cho tôi, Thẩm Tống Thị Tống Ngưng, phu nhân của Khương quốc tướng quân Thẩm Ngạn đồn trấn biên ải. Nói là "khách" cũng chưa thỏa đáng, bởi vì rút cục không biết cô mua một giấc mộng đẹp từ tôi, hay tôi mua một sinh mệnh từ cô.
Đó là một biệt viện ở ngoại thành, nghe đồn Thẩm Ngạn tướng quân bất hòa với phu nhân, hai năm trước, Tống Ngưng đã chuyển tới tĩnh dưỡng ở biệt viện này, sau không quay về phủ tướng quân nữa. Trong hai năm, đã xảy ra khá nhiều biến cố như, Thẩm Ngạn nạp thiếp, Tống Ngưng bị bệnh. Tóm lại, sức khỏe của Tống Ngưng càng tĩnh dưỡng lại càng suy yếu, bây giờ gần như sắp chết.
Lão bộc ra đón chúng tôi cho biết, phu nhân muốn gặp riêng tôi, ba người Tiểu Lam, Quân Vỹ và Chấp Túc được đưa về nghỉ ở nhà ngang. Tiểu Lam không ý kiến gì, Quân Vỹ rất không hài lòng, tôi hiểu, anh ta lo cho sự an toàn của tôi. Nhưng tôi không hiểu, với tình trạng một người đã chết như tôi, như thế nào là bảo đảm an toàn. Mọi người thảo luận rất lâu, quyết định để Tiểu Hoàng đi cùng tôi. Quân Vỹ xoa đầu Tiểu Hoàng, căn dặn: "Con trai, cố gắng bảo vệ mẹ nuôi thật tốt".
Tôi cũng xoa đầu Tiểu Hoàng, vừa ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt của Tiểu Lam, không biết anh ta có ý gì, lại nhìn tôi cười: "Quân cô nương đi sớm về sớm".
Lão bộc dẫn tôi qua hai dãy hành lang, qua những khu vườn hoa lá tốt tươi, vừa đi vừa giới thiệu, những loài cây, giống hoa này được chuyển từ đâu tới, có mùi kỳ hương thế nào nhưng tôi chẳng ngửi thấy gì. Vòng qua một hồ sen rộng, bước lên ngôi thủy tạ trên hồ sen đó, bốn bề có rèm chắn gió. Người phụ nữ nằm trên chiếc giường mây đọc sách ngẩng đầu nhìn tôi.
Tôi nhìn khuôn mặt của cô như được in ra từ bức họa. Mặc dù gắng tỏ ra vui vẻ nhưng vẫn trắng bợt, ủ rũ. Cho dù tôi không lấy đi tính mạng của cô, thì cô cũng chẳng sống được bao lâu. Điều này không có nghĩa là tôi biết xem tướng mà chỉ là vì trong chuyện này không ai có kinh nghiệm bằng tôi, đó là khuôn mặt của một người sắp chết. Huống hồ, tôi đến đây là để lấy tính mạng của cô. Trong một thời gian ngắn, nếu cô không chết tự nhiên, tôi cũng phải làm cho cô chết bất ngờ.
Gió lay nhẹ bức rèm, bây giờ đã là tháng năm. Thẩm phu nhân đặt cuốn sách xuống, ho nhẹ, lặng lẽ nhìn Tiểu Hoàng đang nằm phục trên đất, một hồi lâu, nhẹ nhàng nói: "Một chú hổ thật hiền, lúc chưa xuất giá, ở quê nhà ta cũng nuôi một con sói nhỏ". Cô giơ tay, "To bằng ngần này". Ngón tay cô như bông hoa lan phác ra một hình trên không, dừng lại, khẽ lắc đầu mỉm cười, rồi nhìn tôi, ánh mắt kỳ dị: "Cô nương chính là Quân Phất? Người mà Quân sư phụ nói có thể giúp tôi thực hiện tâm nguyện bấy lâu?".
Tôi trả lời: "Dạ phải". Lúc trả lời như vậy, thực sự tôi chưa nhớ ra Quân Phất là ai. Điều đó chứng tỏ tôi không phải là người có mới nới cũ. Tôi đã là Diệp Trăn được mười bảy năm, tràn đầy tình cảm với cái tên đó, mặc dù đổi tên đã lâu, cũng không thể dễ dàng quên được.
Cô đặt tay lên mép giường mây, khe khẽ gật đầu, sắc mặt trắng xanh trầm lại dần dần ửng hồng, nhìn rõ lúm đồng tiền rất sâu trên má. Một lúc lâu sau, cô cười: "Quân Phất, tôi muốn có một giấc mơ, cô có biết tôi muốn có giấc mơ thế nào không?".
Tôi ngồi trên lưng Tiểu Hoàng, trang nghiêm nhìn cô: "Tôi không biết, nhưng phu nhân cần nói cho tôi biết". Nghĩ một lát lại thêm: "Tuy vậy, không phải tôi tới giúp phu nhân, chỉ là đến làm một cuộc trao đổi. Tôi không cần núi vàng núi bạc, mấy ngày lưu ở Nhạc thành này chỉ xin phu nhân bữa cơm. Tôi có thể cho phu nhân một giấc mơ đẹp, phu nhân muốn một giấc mơ thế nào, tôi sẽ cho phu nhân giấc mơ như thế. Phu nhân có thể tự lựa chọn, ở lại trong giấc mơ đó, hay thoát ra ngoài".
Cô tỏ ra rất ngạc nhiên: "Sao?".
Tôi gật đầu: "Nếu phu nhân lựa chọn thoát ra khỏi giấc mơ, tôi không cần một xu tiền công, nhưng nếu phu nhân lựa chọn ở lại trong mơ...".
Cô hơi nheo mắt: "Nếu tôi chọn ở lại trong mơ, Quân cô nương, cô sẽ thế nào?".
Tôi nhìn vào mắt cô: "Nếu phu nhân lựa chọn ở lại trong giấc mơ, hãy trả thù lao cho tôi bằng tính mệnh của phu nhân trên trần thế, phu nhân thấy thế nào?".
Hàng lông mày thanh tú khẽ nhướn, rồi ngoảnh nhìn bầu trời bên ngoài thủy đình, trầm ngâm hồi lâu, cô đột nhiên mỉm cười: "Được".
Ngày hôm đó, tôi không đi sớm về sớm như lời dặn của Tiểu Lam, ngồi trong thủy đình rất lâu. Bởi vì Tống Ngưng kể chuyện cho tôi nghe, đó là tâm nguyện của cô. Cô muốn sửa lại câu chuyện đó, dẫu chỉ trong mơ. Đương nhiên chỉ là tự dối mình. Nhưng cô không hiểu điều đó, nên mới khao khát một giấc mơ như vậy.
Rèm ở bốn phía được kéo lên, phía xa là mặt hồ đầy nắng. Cô uống vài giọt máu của tôi pha với nước trà, huyết dịch kích thích sinh khí trong người tụ lại, hóa thành những nốt nhạc nhảy múa, xếp hàng trước mặt tôi. Tôi ghi nhớ từng nốt một, đó là Hoa Tư điệu của Tống Ngưng.
Trong ánh sáng từ mặt hồ hắt lên, cô dần dần nhớ lại. Còn tôi đã nhập tâm Hoa Tư điệu đang nhảy múa trước mặt, nhìn thấy từng cảnh, từng cảnh quá khứ của cô. Cô chậm rãi: "Quân cô nương chắc từng nghe nói, tuy tôi là phu nhân Khương quốc tướng quân, nhưng lại không phải là người nước Khương. Bảy năm trước, tôi mười bảy, cũng bằng cô bây giờ, được gả tới nước Khương, lòng tràn trề tình yêu mãn nguyện, thực là những ngày đẹp như hoa...".
Trong những ngày đẹp như hoa đó, Tống Ngưng, em gái Tống Diễn đại tướng quân nước Lê tình cờ gặp Thẩm Ngạn trên chiến trường cuộc chiến giữa hai nước Khương, Lê. Lúc đó, Thẩm Ngạn tướng quân là viên tướng trẻ nhất nước Khương, có cặp mày uy nghiêm, tài năng trác việt, uy danh lẫy lừng bách chiến bách thắng.
Tống Ngưng xuất thân trong một gia đình võ tướng danh giá, từ nhỏ đã được dạy dỗ nghiêm khắc như một cậu con trai, lúc còn bé tí đã ngơ ngẩn ngắm nhìn thanh kiếm chuôi có dải lụa hồng, mười bốn tuổi đã theo huynh trưởng chinh chiến bốn phương.
Tuổi mười sáu, mười bảy, là lúc các khuê nữ bận rộn chuẩn bị đồ thêu cho ngày xuất giá, còn Tống Ngưng với cây kiếm mang dải lụa hồng lại lập công xuất sắc ngoài trận mạc. Nước Lê từ cổ nhiều nam ít nữ, các cô gái vô cùng đắt giá. Mùa xuân năm Lê Trang Công thứ mười bảy, những gia đình danh giá phàm có con gái đến tuổi cập kê, đều bị các đám dạm hỏi giẫm mòn bậu cửa. Nhưng phủ đệ đại tướng quân danh giá như vậy lại vắng vẻ đìu hiu, không vị công tử quý tộc nào dám lấy Tống Ngưng.
Mọi người đều sợ, cưới cô vợ như Tống Ngưng, nếu nạp thiếp, với dòng máu con nhà võ sẽ bị cô đánh chết. Lê Trang Công có thiện ý đích thân đứng ra làm mối gả Tống Ngưng cho nhị công tử ở phủ thừa tướng. Nhị công tử vừa nghe chuyện sợ đến nỗi ngã từ lưng ngựa xuống.
Tống Ngưng đang ở chiến trường nghe tin đó, đứng trầm ngâm rất lâu bên bờ suối. Tống Diễn tìm thấy cô, cau mày, nói: "Muội đừng lo, đó chỉ là những kẻ nhát gan, huynh sẽ có cách để hắn nhất định phải lấy muội".
Tống Ngưng mỉm cười: "Huynh đừng giận, bọn chúng là những gã công tử ham chơi trói gà không chặt, chúng không thích muội, huynh tưởng muội thích chúng sao? Tống Ngưng nếu lấy chồng, cũng phải lấy anh hùng hào kiệt".
Vốn tưởng nói vậy để chứng tỏ Tống Ngưng không bận tâm chuyện bị nhị công tử ruồng bỏ. Nhưng sau đó không lâu, quả nhiên gặp được vị anh hùng của đời mình. Chính vào mùa đông năm đó, vị anh hùng cưỡi con hắc mã, tay cầm thanh kiếm nặng bốn chục cân, họ Thẩm tên Ngạn, tự Bạc Đan.
Mùa đông năm Lê Trang Công thứ mười bảy, tiết trời giá lạnh khác thường, tuyết phủ trắng khắp nơi, ở biên giới hai nước Lê, Khương bỗng xuất hiện một đàn ngựa hoang, hai nước đều muốn nhận là của mình, không bên nào nhường bên nào, dẫn tới xích mích, hận thù, cuối cùng gây nên đại chiến. Tống Ngưng từ lâu đã nghe nói chiến công hiển hách của Thẩm Ngạn, nhưng thâm tâm không phục, luôn muốn tìm cơ hội so tài với chàng.
Cuối cùng vào một ngày, tuyết rơi dày đặc, hai nước giao tranh trước ải Ngọc Lang. Thời cơ hiếm hoi đã đến, Tống Ngưng, một người vốn điềm đạm cẩn trọng, lại bất chấp ánh mắt cảnh báo của đại huynh, quất ngựa xông lên, hét tên mình và gọi: "Tử Vi thương Tống Ngưng đến lĩnh giáo cao chiêu của Thẩm Ngạn Thẩm tướng quân".
Gió lạnh ù ù truyền tiếng nói như vỡ họng của Tống Ngưng tới trận địa quân Trần. Lá cờ bay phần phật, một vị tướng trẻ mình vận bạch bào cưỡi ngựa khoan thai đi tới. Khuôn mặt anh tuấn lạnh lùng, thanh kiếm lạnh như nước trong tay lóe sáng.
Trong trận thách đấu đơn phương đó, kiếm pháp của Tống Ngưng chưa bao giờ vụng về đến vậy, chưa đầy năm chiêu, cô đã bị ngã ngựa, suốt ngần ấy năm chinh chiến chưa bao giờ thất bại nhanh như vậy, thảm hại như vậy. Nhưng đối phương vẫn không đổi sắc mặt, chỉ khi dùng mũi kiếm hất mũ giáp trên đầu cô, mới ngạc nhiên thốt lên: "Thì ra là một tiểu thư".
Muốn có được cô, trước hết phải đánh bại cô. Chỉ cần đánh bại cô, tất sẽ có được cô. Nếu đánh bại cô, lại không muốn có cô, sẽ bắt đầu một cuộc tình bi thảm.
Tóm lại, cây thương buộc dải lụa hồng bị thanh trường kiếm trong tay Thẩm Ngạn đánh bật ra cách đó hai trượng. Chàng ngồi trên lưng ngựa, hơi cúi xuống, mũi kiếm chớp mắt đã hất lên cây thương dài trên đất, tung lên rồi cắm phập bên cạnh Tống Ngưng, giọng dửng dưng: "Cây thương của tiểu thư". Gió lạnh mang theo tuyết lồng lộn tung hoành, trong mắt chàng là ba vạn hùng binh phía sau cô, môi cô ẩn nụ cười, trong mắt cô có chỉ hình bóng chàng.
Thẩm Ngạn sừng sững uy nghiêm như trái núi trong lòng Tống Ngưng. Con chiến mã đen tuyền, bộ chiến bào lóng lánh như ánh trăng bạc, đường kiếm mau lẹ, chuẩn xác, quyết không chịu đớn hèn trong vòng tay đàn bà. Cô nghĩ, đó mới là vị anh hùng của lòng mình, đáng tiếc, đó lại là vị anh hùng của phía địch quân.
Nhưng anh hùng cũng có lúc thất bại, hơn nữa rồi sẽ thất bại. Các bậc hào kiệt trong lịch sử xứng danh hai chữ "danh tướng" đều như vậy, không phải đã thất bại, thì cũng sắp thất bại. Thế là, Thẩm Ngạn gặp Tống Ngưng, từ đó chàng dần dần thất bại... Thực ra, thì cũng không nói như thế được, nói như vậy không đúng, nói như thế có vẻ Tống Ngưng quá ưu thế. Thẩm Ngạn bị thua trong trận chiến trên cánh đồng hoang Thương Lộc quả thật không liên quan đến cô, các nhà quân sự phân tích rất lâu, tìm ra lý do đáng tin cậy nhất có lẽ là sao chiếu mệnh của Thẩm Ngạn chỉ ra ngày hôm đó chàng không nên xuất hành.
Trong trận chiến trên cánh đồng hoang Thương Lộc, Thẩm Ngạn bị thua dưới tay đại tướng quân Lê quốc Tống Diễn, năm vạn tinh binh đi theo bị tiêu diệt, bản thân chàng cũng trúng mấy mũi tên, suýt mất mạng. Lúc trời vừa rạng, con chim ưng của Tống Diễn bay qua sa mạc, nghiêng cánh chao liệng, rồi đậu xuống tay Tống Ngưng. Tống Ngưng lấy ra ống tre nhỏ buộc ở chân chim, trong đựng mảnh thư lụa báo tin chiến thắng, tay run run, mảnh thư lụa nhỏ bằng bàn tay rơi xuống, con chữ nhập nhòa nghiêng ngả. Tống Ngưng không thể tin Thẩm Ngạn đã chết, bởi thâm tâm cô đã coi Thẩm Ngạn là vị anh hùng bất khả chiến bại. Chưa đầy ba ngày, vị anh hùng đã bại trận, cô không thể chấp nhận điều đó.
Tống Ngưng mang theo thuốc, phi ngựa ra khỏi quân doanh. Cô nghĩ, nếu Thẩm Ngạn chưa chết, bất luận thế nào cô cũng cứu sống chàng. Còn nếu Thẩm Ngạn đã chết, cô phải tìm được thi thể, tự tay chôn cất chàng. Thẩm Ngạn không thể trở thành bộ xương vô chủ.
Thẩm Ngạn là người đầu tiên khiến cô rung động, chàng là người đàn ông đích thực, khác hẳn những gã công tử nhà giàu tầm thường ở nước Lê. Kỳ thực làm sao cô biết chàng có phải là người đàn ông đích thực hay không. Cô cũng chưa từng thử, tất cả đều là tưởng tượng, và trong tưởng tượng cô lại càng yêu chàng.
Một ngày trời âm u, gió sa mạc sắc như dao, gió xoáy mang theo đá vụn quất vào mình ngựa, làm nó đau đớn hí vang, Tống Ngưng cúi rạp mình trên lưng ngựa, giữa sa mạc bao la, cô dùng dải sa trắng quấn ngang che mắt, cố bảo vệ số thuốc quấn trong người, nghiến răng phi ngược chiều gió, tay và mặt bị gió cát quất bỏng rát. Cô liếm vết thương trên tay, tiếp tục phi ngựa trong gió.
Cô thầm nghĩ, Thẩm Ngạn đang đợi cô ở phía trước. Niềm tin này giúp cô vượt qua quãng đường rất dài trong thời gian ngắn nhất, trên đường còn phải tránh đại quân của đại huynh thắng trận trở về quân doanh. Chung quy có lẽ chỉ mình cô nghĩ như vậy, thực ra, Thẩm Ngạn sao có thể đợi cô? Thậm chí chàng chưa hẳn còn nhớ cô.
Cánh đồng hoang Thương Lộc đã ở phía trước, những vũng máu bị gió cát phủ lấp quá nửa, giống như chiến trường bị bỏ quên lâu ngày, chỉ có mùi máu tanh vẫn nồng nặc trong không khí nhắc người ta cảnh địa ngục Tu La vừa mới diễn ra. Xác binh sĩ Khương quốc đen ngòm phủ kín cánh đồng Thương Lộc, vừa xuống ngựa đi vài bước, đã vấp phải xác người. Tống Ngưng tay không lật hơn hai ngàn xác chết. Điều đó có vẻ như cô và Thẩm Ngạn không có duyên với nhau. Nếu có duyên, thì xác đầu tiên lật thấy sẽ là Thẩm Ngạn. Nhưng cô vẫn kiên trì quyết không bỏ cuộc. Có lẽ quyết tâm của cô cuối cùng đã động đến trời xanh, khi lật đến xác thứ hai ngàn bảy trăm hai mươi tám, lau hết máu trên mặt một người, nhìn thấy đôi mắt vị anh hùng, cô ôm chặt chàng nghẹn ngào: "Thẩm Ngạn".
Tống Ngưng đã không đoán nhầm, những bậc anh hùng thường cao số, Thẩm Ngạn vẫn còn sống. Cô ôm xác chàng nghe thấy tiếng rên vô thức của chàng khi bị chạm vào vết thương, lòng như trút được gánh nặng ngàn cân, nước mắt trào ra, chảy dài trên má: "Em biết mà, em phải đến". Lúc này, chỉ có hai người giữa ngổn ngang xác chết, Thẩm Ngạn hoàn toàn không biết gì. Mặc dù giữa cảnh địa ngục, Tống Ngưng cũng nở nụ cười, cô ôm mặt khóc, nước mắt đầm đìa.
Tống Ngưng đã cứu sống Thẩm Ngạn. Thuở nhỏ, trong phủ cô đã từng học y, chỉ tiếc cô không có năng khiếu về mặt này, khi thành nghề cũng chỉ chữa được bệnh thương hàn nhẹ. Vết thương của Thẩm Ngạn lại rất nghiêm trọng, có lẽ ngay cả thần y Bách Lý Việt cũng chưa chắc chữa được. Trong tình hình thuốc thang thiếu thốn như vậy, Tống Ngưng lại không làm Thẩm Ngạn chết, ngược lại khiến chàng khá dần lên, chỉ có thể nói, tấm lòng cô một lần nữa thấu tận trời xanh.
Nhưng đôi mắt Thẩm Ngạn bị gió cát làm tổn thương, tạm thời chưa thể hồi phục. Chàng ngồi trong hang núi tuyết gần cánh đồng hoang Thương Lộc nhẹ nhàng vuốt thanh kiếm, lạnh lùng nói với Tống Ngưng: "Xin hỏi, ân nhân cứu mạng là một cô nương hay một vị công tử?".
Nhưng cuối cùng Tống Ngưng không cho Thẩm Ngạn biết cô là ai. Đại quân nước Lê dẹp bằng cánh đồng Thương Lộc, tiêu diệt năm vạn tinh binh của Thẩm Ngạn, chắc chắn chàng căm hận người Lê đến tận xương tủy, cho nên sao cô có thể cho chàng biết mình là Tống Ngưng của nước Lê?
Nhưng ý trời khó đoán, đêm hôm đó, vết thương của Thẩm Ngạn phát tác, chàng sốt rất cao, rét run cầm cập, trong hang đốt bao nhiêu lửa cũng không đủ. Tống Ngưng lo lắng bồn chồn, trầm ngâm rất lâu, cuối cùng đành dùng một cách được ghi trong sách cổ, cô cởi bỏ xiêm y, ép người sát vào chàng, ôm chàng thật chặt.
Trong động bốn bề là lửa, nóng rừng rực, làm tan cả lớp băng trên vách động, nước theo kẽ nứt tí tách nhỏ giọt. Thẩm Ngạn bỗng bừng tỉnh, đẩy mạnh cô ra, cô lại ôm chàng chặt hơn, chàng bất lực nói: "Cô nương, không cần hủy hoại sự trong trắng vì tại hạ".
Cô cười thầm, tay viết lên ngực chàng: "Lương tâm thầy thuốc mà, chớ bận lòng". Kỳ thực, không phải lương tâm nào hết, chỉ là bởi vì đó là người cô yêu, là vị anh hùng của cô, dùng cách gì cứu được chàng cũng rất đáng, dẫu phải đổi mạng cũng cam lòng, huống hồ chỉ là sự đụng chạm da thịt. Thẩm Ngạn không cự tuyệt nữa, nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô: "Nếu cô nương không chê, khi tại hạ khỏi bệnh, xin đến quý gia cầu hôn cô nương". Tống Ngưng run rẩy, gục đầu vào ngực chàng.
Từ sau đêm đó, tình trạng của Thẩm Ngạn vẫn rất nguy kịch, đêm ngày mê man. Chỗ thuốc đem theo cuối cùng cũng hết, không còn cách nào khác, cô định cõng Thẩm Ngạn vượt qua núi tuyết vào trong trấn tìm lang y. Việc này thực sự vô cùng nguy hiểm, đầu tiên phải nghĩ tới tình hình thời tiết giá lạnh trên núi, họ có thể bị chết cóng trên đường đi, tiếp nữa, có thể gặp tuyết lở, có thể bị tuyết vùi, cuối cùng là có thể bị chết đói do lạc đường trên núi. Tóm lại, thực sự rất gian nan. Nhưng Tống Ngưng nghĩ đi nghĩ lại, cô quyết định cứ đi. Mặc dù ra khỏi hang núi đồng nghĩa với tự tìm cái chết, nhưng ở mãi trong hang cũng là tự tìm cái chết, mạo hiểm để may ra còn tia hy vọng sống. Nhưng cô chưa từng nghĩ đến chuyện để lại Thẩm Ngạn, một mình trở về quân doanh.
Ba ngày liên tiếp không nghỉ, cô cõng Thẩm Ngạn vượt qua núi tuyết. Khi đến được một y quán trong thị trấn, cũng là lúc sức cùng lực kiệt, chân tay trầy xước rớm máu, đặt Thẩm Ngạn xuống rất lâu nhưng Tống Ngưng vẫn không thể nào đứng thẳng lên được.
Thẩm Ngạn vẫn mê man.
Gần mười ngày cô không trở về quân doanh, Tống Diễn vô cùng lo lắng, phái thuộc hạ đi tìm khắp nơi. Cô vừa tới thị trấn, liền nhìn thấy thuộc hạ của đại huynh, biết là không thể ở lại lâu hơn, liền đập miếng ngọc bội của mình thành hai mảnh. Một nửa dùng sợi tơ đỏ xuyên qua đeo lên cổ Thẩm Ngạn, một nửa mình giữ, coi đó là tín vật về sau. Cô gửi gắm Thẩm Ngạn cho hai ông cháu vị đại phu ở y quán, để lại năm lượng vàng, dặn dò: "Đây là Khương quốc tướng quân của các vị, hãy chữa khỏi cho chàng, nhất định sẽ được hậu thưởng xứng đáng". Vị đại phu có tuổi quỳ sụp trước mặt cô, đứa cháu gái bị câm đứng bên đỡ lấy ông, giơ tay ra hiệu điều gì mà Tống Ngưng không hiểu.
Bàn tay cô vuốt nhẹ mắt Thẩm Ngạn, khuôn mặt chàng trắng bệch, vẫn hôn mê sâu, chàng không hay biết cô sắp phải rời đi.
Tống phu nhân kể cho tôi nghe câu chuyện đó, còn những chuyện không có trong ký ức của cô tôi lại nhìn thấy.
Ngày thứ ba sau khi Tống Ngưng rời đi, Thẩm Ngạn tỉnh lại trong một đêm mưa, đôi mắt chàng được rửa và tra thuốc, đã sáng trở lại. Đứa cháu gái bị câm của vị đại phu ngồi cạnh giường chàng. Chàng chăm chú nhìn cô, mỉm cười: "Thì ra trông cô như thế này, những ngày qua chắc lo cho tôi lắm? Bây giờ chúng ta đang ở đâu?".
Khuôn mặt thanh tú của cô gái chợt ửng đỏ, cắn môi, không dám nhìn chàng. Chàng nhìn quanh hỏi: "Đây là y quán ư? Cô ngồi lại gần đây".
Cô gái câm nhích lại gần chàng. Chàng cau mày: "Cô không nói được ư?".
Cô gái bẽn lẽn gật đầu. Chàng nắm lấy tay cô: "Chả trách trước giờ tôi chưa nghe thấy cô nói, thì ra cô không nói được".
Cô gái khẽ ngước nhìn chàng, lại bối rối cúi đầu, tay vẫn để yên trong tay chàng.
Năm Lê Trang Công thứ mười tám, nước Khương thua trận, dâng hai thành ấp biên ải cầu hòa. Lê, Khương kết đồng minh. Đồng minh mới kết chưa lâu, Lê Trang Công nhận Tống Ngưng em gái Khương quốc đại tướng quân làm nghĩa muội, phong là Kính Võ công chúa, phái sứ giả tới nước Khương yết kiến Khương vương, ngỏ ý muốn tác thành hôn sự cho Tống Ngưng và Thẩm Ngạn để thắt chặt mối bang giao hữu hảo giữa hai nước.
Trước đây Tống Ngưng không để Thẩm Ngạn biết cô là ai, do mối quốc thù, cô sợ Thẩm Ngạn thà chết cũng không nhận ân nghĩa của người nước Lê, không chịu để cô cứu sống. Thực ra, chỉ là cô cả nghĩ, anh hùng không cần biết xuất xứ, nghĩa là khi nhận ơn huệ, anh hùng thường không hỏi xuất xứ của ân nhân.
Nhưng bây giờ cô sắp được gả sang nước Khương, gả cho người anh hùng của lòng mình. Cô còn nhớ, Thẩm Ngạn nói sẽ cầu hôn cô, không cần biết chàng có yêu cô không, cô muốn chàng thực hiện lời hứa. Đó chính là lý do đàn ông không thích hứa hẹn với phụ nữ. Bởi trí nhớ của phụ nữ quá tốt, hơn nữa họ luôn có cách buộc người hứa giữ lời. Tống Ngưng viết một bức thư dài, lại đính kèm nửa miếng ngọc bội ngày trước, đưa cho sứ giả nhờ chuyển riêng đến tay Thẩm Ngạn.
Mãi đến khi đoàn đưa dâu sắp khởi hành, Tống Ngưng vẫn không nhận được thư hồi âm của Thẩm Ngạn. Nhưng chuyện đó cũng không có gì quá thất lễ, cùng lắm chỉ là một lỗi nhỏ trong bản hòa ca mà thôi. Cuối cùng Thẩm Ngạn cũng đồng ý hôn sự Lê Trang Công đưa ra. Tống Ngưng thầm đoán, cảm thấy, thứ nhất, chính miệng Thẩm Ngạn nói sẽ lấy cô. Thứ hai, chàng cũng đồng ý lấy cô theo đề nghị của Khương vương, dù chủ động hay bị động, chàng đều bằng lòng, việc này hầu như đã hoàn toàn viên mãn, không thể sai sót.
Không ngờ cuối cùng lại xảy ra sai sót, âu cũng là ý trời. Đó là sự huyền bí, nhưng nếu không huyền bí sao có thể chứng tỏ sự vô tình của số mệnh, giống như với Tống Ngưng, giống như với tôi.
Đêm động phòng, vầng trăng tròn vành vạnh treo trên đầu ngọn cây, những áng mây lơ lửng trên trời, trong phòng ánh nến hỉ chập chùng in bóng hoa. Bao tình cảm ấp ủ trong lòng, Tống Ngưng hồi hộp chờ đợi Thẩm Ngạn lật khăn trùm đầu của cô, cô sẽ dành cho chàng nụ cười tươi thắm nhất. Cô rất xinh đẹp, các công tử quyền quý ở kinh đô nước Lê, mặc dù tất cả không muốn cưới cô làm vợ, nhưng tất thẩy đều công nhận nhan sắc mỹ lệ của cô, điều đó thật ra không dễ, nhưng ở một khía cạnh khác có thể thấy trình độ thẩm mỹ của họ rất cao, lại khá thống nhất với nhau. Vì đã là một trang tuyệt sắc, mà trang tuyệt sắc đó lại mỉm cười, tất khiến thành khuynh. Khi Thẩm Ngưng mở tấm khăn trùm đỏ thêu đôi chim uyên ương, nhìn thấy nụ cười khuynh thành đó, chàng bỗng sững người.
Tống Ngưng nghiêng đầu nhìn chàng, nụ cười tươi rạng như hoa. Nhưng thần sắc chàng lạnh lùng dửng dưng, là bộ dạng cô đã quen thuộc. Cô nghĩ, hạnh phúc đời mình chính là đây. Nhũ mẫu ở nhà đã dặn cô, trong đêm tân hôn phải nói những lời yêu thương, đại loại như: "Phu quân, em trao Tống Ngưng cho chàng, trao hết cho chàng, chàng hãy trân trọng, vân vân...". Cô đang định nói những lời đó, nhưng còn đang đắn đo, chợt nghe thấy tiếng chàng lạnh lùng: "Chắc cô biết người ngồi trên chiếc giường này đêm nay vốn là ai chứ?".
Cô không hiểu chàng nói gì, ngẩng đầu hỏi: "Sao?".
Đôi mắt chàng vẫn lạnh băng: "Tôi nghe nói, đại huynh của cô thỉnh cầu Lê vương, muốn tôi cưới cô. Tại sao lại là tôi? Chỉ bởi một lần tôi từng thắng cô ở chiến trường ư? Tống Ngưng, lẽ nào trước đây cô chưa nghe nói, tôi đã có vị hôn thê?".
Tống Ngưng lắp bắp: "Nhưng chàng đã nói muốn lấy tôi".
Chàng cười lạnh lùng: "Rút cục tôi cũng chỉ là phận bề tôi, chủ lấy tính mạng ra để ép tôi. Sao tôi có thể không nghe. Có điều tôi không muốn được gì từ cô. Cũng phiền cô đừng yêu cầu gì ở tôi".
Tống Ngưng ngước nhìn chàng: "Tôi không mong được gì từ chàng, chỉ là...".
Chàng ngắt lời cô: "Vậy thì tốt".
Chàng phảy tay áo bước khỏi phòng tân hôn, mặt đất trước giường đầy ánh trăng vỡ vụn. Cô nhìn theo bóng chàng, thầm nghĩ, tuyệt đối không thể như thế. Cô gọi chàng: "Thẩm Ngạn" giống như khi trong địa ngục Tu La trên chiến trường Thương Lộc, cô ôm chàng nghẹn ngào, dịu dàng gọi tên chàng. Nhưng chàng không dừng bước, cô không khóc, lòng chỉ hoang mang.
Cả đời cô chỉ khóc một lần duy nhất. Đó là lúc tìm thấy chàng trên cánh đồng hoang Thương Lộc, phát hiện chàng vẫn sống. Cô cởi áo đỏ đại hỉ, gấp gọn gàng, nằm ngay ngắn trên giường, hai mắt mở to nhìn đôi nến long phượng đã cháy gần hết, ngoài cửa sổ ánh trăng buồn vẫn lặng lẽ buông.
Ngày hôm sau, Tống Ngưng tới thỉnh an phu nhân lão tướng quân, nghe các hầu gái xì xào, tối qua tướng quân ngủ ở Hòa Phong viện. Hà Phong viện là nơi ở của Liễu Thê Thê, Thê Thê cô nương. Tống Ngưng thầm nghĩ, Thê Thê vừa xanh tươi vừa tràn trề sinh khí, một cái tên hay.
Tống Ngưng nghe nói chiếc áo Thê Thê khâu cho tướng quân đường kim rất khéo, thêu hình cây trúc rất đẹp, sinh động như nghiêng trong gió. Lại nghe nói canh phù dung hạt sen Thê Thê hầm cho tướng quân là loại sen thượng hạng, món canh hầm tỏa hương thơm phức.
Lại nghe nói, mặc dù Thê Thê không nói được, nhưng luôn làm cho tướng quân vui lòng.
Tống Ngưng thầm nghĩ, Liễu Thê Thê nên là vợ của Thẩm Ngạn, mình xen vào nhân duyên của họ, tất trở thành người thừa, quả thật không nên so đo với cô ta. Sau ngày thành hôn, ngoài lần giáp mặt đêm tân hôn, Thẩm Ngạn hầu như không xuất hiện trước mặt cô. Có thể thấy chàng là người rất mực chung tình, quả đáng khâm phục. Cô nghĩ, mình yêu chàng, nhưng sự thể đã vậy, đành biến tình yêu thành niềm ngưỡng mộ mà thôi. Bởi chỉ có ngưỡng mộ mới không thấy tủi thân, chỉ có ngưỡng mộ mới không còn tham vọng.
Cô thường nghe nói Liễu Thê Thê thế này, Liễu Thê Thê thế kia.
Mặc dù đã suy nghĩ thông suốt, cố gắng tự an ủi "mình yêu chàng, chẳng liên quan đến chàng" nhưng thâm tâm vẫn muốn gặp mặt Liễu Thê Thê. Tuy nhiên, có những việc không phải cứ muốn là được. Ngay đến hoàng đế cũng không thể muốn có con trai là lập tức có ngay.
Sinh con trai, con gái hay sinh ra một kẻ ngu đần, dường như đã là số mệnh. Bao gồm cả Tống Ngưng chưa bao giờ có thói quen tản bộ vào mỗi buổi chiều, đột nhiên một chiều nọ lại ra tản bộ sau hoa viên. Thế là hôm đó trong hoa viên có chim hót, hoa nở, có liễu rủ ven hồ, thế là bất ngờ gặp Liễu Thê Thê như lời gia nhân đồn đại.
Mọi sự đều có nguyên do, khi Tống Ngưng nhặt được miếng ngọc bội trong hoa viên, miếng ngọc bội được viền vàng, rất hoàn hảo, ở giữa còn có một vết nứt khá rõ. Cô nhặt miếng ngọc bội, soi rất lâu dưới ánh mặt trời. Nhận ra đó chính là miếng ngọc bội cô đã bẻ đôi đưa cho Tống Ngưng vào dịp đông hàn năm ngoái, hai nửa đó đã được ghép lại, được viền bằng vàng. Bỗng một cô gái vội vã đi tới, một tay chỉ miếng ngọc bội, một tay chỉ vào ngực mình. Tống Ngưng ngẩng đầu, sau khi nhìn rõ mặt Tống Ngưng, sắc mặt cô gái đột nhiên trắng bệch. Tống Ngưng thầm nghĩ, mình đã từng gặp cô ta ở đâu. Trong làn gió nhẹ thoảng mùi thuốc thơm dịu, mùi thuốc này khiến cô chợt nhớ tới y quán nhỏ phía sau núi tuyết. Tống Ngưng cầm miếng ngọc bội, mỉm cười hỏi cô gái: "Cô cũng ở đây ư? Quả nhiên Thẩm Ngạn không phải là người vong ân bội nghĩa, ông cô đâu rồi?".
Cô gái run lập cập, quay người định bỏ đi. Tống Ngưng chau mày, nắm tay kéo cô lại: "Tôi đáng sợ lắm ư? Tại sao cô lại sợ như vậy?".
Cô gái cố vùng ra, lùi lại phía sau, đột nhiên sau lưng có tiếng Thẩm Ngạn: "Thê Thê".
Thê Thê. Cô kinh ngạc, cô gái trong tay cô đã bị Thẩm Ngạn giằng mất. Chàng đứng chắn trước cô ta, như một cây cổ thụ cao ngất che chở cho thân leo yếu ớt bên cạnh, nét mặt cúi xuống dịu dàng, vẻ âu yếm. Nhưng khi ngẩng đầu nhìn Tống Ngưng, khuôn mặt lại như băng giá, chàng hỏi sẵng: "Cô làm gì ở đây?".
Cô không trả lời câu hỏi của chàng, nhìn cô gái Thẩm Ngạn ôm trong lòng: "Thê Thê, cô chính là Thê Thê?".
Cô gái không dám ngẩng đầu. Thẩm Ngạn cau mày, ánh mắt dừng lại trên tay Tống Ngưng, lát sau lạnh lùng hỏi: "Miếng ngọc bội của Thê Thê, tại sao cô lại có?".
Cô sững người, kinh ngạc nhìn chàng: "Của Thê Thê? Cái gì của Thê Thê? Sao lại của Thê Thê?". Cô bước lên, chìa miếng ngọc bội trước mặt chàng: "Chàng không đọc lá thư tôi gửi ư? Chàng đã quên đó là tín vật tôi trao cho chàng sao? Chàng đã quên ở trong hang núi gần cánh đồng Thương Lộc, chúng ta đã...".
Cô đang định nói tiếp, Liễu Thê Thê bất chợt nắm tay áo chàng lắc đầu. Mắt chàng đột nhiên lóe sáng, ngắt lời Tống Ngưng: "Trận chiến ở cánh đồng hoang Thương Lộc, năm vạn quân Khương đã phải bỏ mạng dưới lưỡi đao của quân Lê các người, mặc dù hai nước Khương, Lê đã có hòa ước, nhưng mối thù đó, ta mãi mãi không quên".
Chàng cười khẩy: "Trong hang núi tuyết gần Thương Lộc nếu không phải Thê Thê đã cứu ta thì Thẩm Ngạn hôm nay chỉ còn là một hồn ma lang thang trên chiến trường, sao có thể lấy công chúa Tống Ngưng của nước Lê các người?".
Liễu Thê Thê vẫn lắc đầu, nắm tay Thẩm Ngạn, nước mắt tuôn như suối, ướt đầm hai má, làm loang lớp phấn hồng trên mặt.
Tống Ngưng không tin vào tai mình, cô hét to: "Sao có thể là cô ta cứu chàng? Người cứu chàng... rõ ràng là tôi". Cô tưởng mình nói rõ ràng, chàng sẽ hiểu ra, thực ra cô đã đánh giá quá cao khả năng lí giải của chàng. Vì lẽ đời thường không như vậy, không phải cứ nói là người khác sẽ nghe ra.
Thẩm Ngạn nhìn vào mắt Tống Ngưng, giọng giễu cợt: "Cô nói vớ vẩn gì thế? Cô đã cứu tôi? Tống Ngưng, tôi chưa từng nghe nói là cô am hiểu y thuật, người cứu tôi có y thuật rất cao, cô ấy không biết nói, đó chính là Thê Thê. Cô tưởng rằng Thê Thê không nói được là tôi sẽ tin những lời bịa đặt của cô, giá họa cho cô ấy ư?".
Tống Ngưng không biết làm gì để chứng minh, bởi vì ban đầu khi cô cứu được chàng hoàn toàn là do ông trời đoái thương. Vậy mà hôm nay, rõ ràng ông trời đã đổi ý, chuyển sang thương Liễu Thê Thê. Cô nghĩ, chàng chưa đọc lá thư đó, lá thư thực ra được đưa tới đâu, cô đã biết, bây giờ nhắc lại chuyện này cũng chẳng ích gì, chỉ thấy tủi thân, cho dù Thẩm Ngạn không yêu cô, nhưng chuyện này, cô vẫn phải nói rõ với chàng, khổ nỗi bây giờ cô nói gì chàng cũng không tin, cô đã rất cố gắng nhưng Thẩm Ngạn không cho cô cơ hội. Đúng là một người cố chấp, cố chấp đến bực mình.
Cô không giải thích thêm nữa. Ánh mắt chàng nhìn cô hoàn toàn băng giá. Lúc đầu Tống Ngưng rất buồn, nhưng không khóc được, đêm đêm cô thường ôm chăn, ngồi đến sáng. Trong những đêm dài, cô thường hồi nhớ lúc chàng đặt tay lên vai cô, dịu dàng nói: "Nếu cô nương không chê, đợi tại hạ khỏi bệnh, sẽ đến quý gia cầu hôn cô nương". Đó là hồi ức đẹp đẽ duy nhất. Bề ngoài cô có vẻ cương nghị, nhưng chung quy vẫn là nữ nhi, nữ nhi càng cương nghị càng muốn được trân trọng, quá cương dễ gẫy chính là như vậy.
Chỉ không ngờ, thành hôn chưa được ba tháng, Thẩm Ngạn đã nạp thiếp.
Chuyện này cũng không có gì lạ, một phong tục hết sức bình thường, thậm chí đàn ông không nạp nhiều thiếp còn bị coi thường, cũng như các đế vương, quan lại đều thê thiếp bầy đàn. Người này lấy, người kia cũng phải lấy, không lấy không được. Quân Vỹ thích nghiên cứu chuyện hậu cung các hoàng đế đã phân tích như vậy, cho rằng hoàng đế lấy thêm thiếp chủ yếu vì hoàng hậu là quốc mẫu, mẫu nghi thiên hạ, là hóa thân của vạn vạn thần dân.
Thử nghĩ, khi chăn gối cùng quốc mẫu, nhìn khuôn mặt từ bi của bà, lòng rối loạn, ngay cả lúc trên giường cũng gợi nhớ chính sự, làm sao chịu nổi, đành phải nạp thiếp.
Nhưng rút cục thế nào, làm sao chúng ta biết được, có lẽ là do đàn ông ham nữ sắc nên mới không ngừng nạp thiếp.
Có điều Thẩm Ngạn nạp người thiếp này là vì cái gọi là tình yêu, hơn nữa lại là chuyện duy nhất khiến người ta không thể chịu được. Người đầu tiên không thể chịu được chính là Tống Ngưng.
Tống Ngưng nhờ một vị thân vương của Lê Trang Công ngăn chặn chuyện này. Cô ngồi trong một ngôi thủy đình giữa hồ sen, đầy gió và nắng, ven hồ có những cây to không rõ tên, một màu xanh mát quen thuộc, như trong tranh. Thẩm Ngạn đứng trước mặt cô, đó là lần gặp mặt thứ ba sau hôn lễ, chàng cau mày cúi nhìn Tống Ngưng hỏi: "Cố tình phá hôn sự của tôi với Thê Thê, rốt cuộc cô muốn gì?".
Cô đặt cuốn sách trên tay xuống, ngước nhìn chàng, một Tống Ngưng từng luôn mỉm cười trên sa trường ác liệt, giọng nói trầm trầm, hai má ẩn hiện lúm đồng tiền mê hồn: "Tôi muốn gì ư? Câu hỏi khéo thật, tôi chẳng muốn gì hết, chỉ là có một vài thứ Liễu Thê Thê không xứng đáng có".
Chàng lạnh lùng: "Cô không chịu nổi Thê Thê, còn tôi không chịu nổi cô".
Lúm đồng tiền trên má Tống Ngưng càng sâu: "Thẩm Ngạn, chàng không thể không chấp nhận tôi, bởi hôn ước của chúng ta là minh ước giữa hai nước Lê, Khương".
Mặt chàng lộ vẻ phẫn nộ cố nén: "Đêm tân hôn chúng ta đã giao ước, tôi và cô không liên quan đến nhau".
Cô nhìn bàn tay mình, giọng nói dửng dưng: "Thực ra vốn cũng chẳng có gì, chỉ là thấy hai người ân ái như vậy, mà tôi được gả tới đây, cô đơn một mình, nên rất chạnh lòng".
Chàng phẩy tay áo cười khẩy: "Tống Ngưng, cô còn nhớ ban đầu ai đề nghị hôn sự này không?".
Bóng chàng biến mất ở chỗ rẽ, một lúc sau, cô cúi đầu giở cuốn sách trên tay, gió lại thổi, những giọt nước mắt rơi trên sách, ướt nhòe con chữ. Cô giơ tay áo lau nước mắt, lại cúi đầu đọc tiếp, như không có chuyện gì.
Không lâu sau, ở nước Hạ cách Khương một con sông, quốc vương băng hà, công tử Trang Nghi lên ngôi. Hai tháng sau, Hạ Trang Nghi tân đế nước Hạ xuất binh chinh phạt nước Khương. Khương vương lệnh cho Thẩm Ngạn xuất chiến.
Tháng tư, cỏ héo hoa tàn, trên bầu trời một vầng trăng hoang lạnh, Tống Ngưng ngồi tựa bên song, lặng ngắm vầng trăng lùi dần phía cuối trời. Rút cục cô không thể để Thẩm Ngạn ra đi bỏ mạng ở chiến trường, chàng không phải là đấng phu quân như ý, nhưng nửa năm trước vừa gặp, cô đã thầm yêu chàng, chàng là vị anh hùng của lòng cô. Có những người chưa từng trải, lãng mạn, yêu một lần là nhớ suốt trăm năm, đó chính là Tống Ngưng.
Giờ Dần, cô lục trong hòm lấy ra bộ chiến giáp mang theo khi xuất giá, tháo tấm bảo vệ trước ngực, váy lê quét đất, một mình băng qua hoa viên đến thẳng Chỉ Lan Viện, nơi ở của Thẩm Ngạn. Đám hầu nữ của Chỉ Lan Viện ấp úng hồi lâu, nói: "Tướng quân, tướng quân... không ở trong phòng".
Sắc mặt Tống Ngưng nhợt nhạt: "Ở Hà Phong Viện ư?".
Đám người hầu cúi gằm không dám trả lời. Cô nhét tấm giáp bọc trong mảnh lụa vào tay một hầu nữ, nói: "Chàng không có ở đây, vật này nhờ cô...".
Chưa nói xong, đám người hầu đột nhiên ngẩng đầu vui sướng: "Tướng quân!".
Thẩm Ngạn bước vào cửa viện, trời còn chưa sáng, những chiếc đèn lồng trong sân lờ mờ tỏa sáng, ánh sáng vàng vọt bao trùm bóng chàng. Cô nghe thấy tiếng chàng, ở ngay sau lưng, cứng nhắc: "Cô làm gì ở đây?".
Cô quay lại, đứng sững ra đó, nhìn chàng một hồi từ đầu đến chân, mỉm cười. Nụ cười chưa hiện lên mắt, đó chỉ là thói quen của cô.
Cô đưa cho chàng bọc lụa trong tay: "Không có gì, nghe nói chàng sắp xuất chinh, tôi đến đưa chàng tấm giáp bảo vệ bằng đá Thanh Tùng, chắc chắn hơn nhiều so với tấm giáp thông thường, nó đã không ít lần cứu tôi thoát chết. Bây giờ tôi không ra trận nữa, phiền chàng mang theo ra chiến trường dùng khi cần thiết".
Chàng khẽ nhíu mày, nhìn cô, lúc sau nói: "Nghe nói, tấm giáp này là báu vật huynh trưởng tặng cô".
Cô ngước mắt, nụ cười thoáng hiện: "Ồ, chàng cũng biết? Nói là báu vật bởi vì nó có thể bảo vệ được tính mạng, không bảo vệ được cũng chẳng là gì. Cho chàng mượn không phải có ý để chàng nợ nần gì tôi. Chàng nói đúng, chúng ta vốn chẳng liên quan đến nhau, nhưng danh phận đã định, nếu chàng chết nơi chiến trường, đại gia đình trong Thẩm phủ này sẽ do tôi gánh vác, thực là vất vả, trách nhiệm của ai do người đó gánh, chàng thấy có đúng không?".
Chàng ngắm kỹ tấm giáp màu ngọc bích trong tay, giống như màu xanh của thảm lá sen đang trải trước mắt. Cô gật đầu định đi, chàng kéo lại: "Cô có thể tái giá".
Cô nhìn bàn tay nắm ống tay áo mình, ánh mắt nhích lên, dừng lại ở hình cây trúc thêu sống động như nghiêng trong gió trên vạt áo chàng, cười tươi như hoa: "Sao cơ?". Chàng buông tay áo cô nói: "Nếu tôi chết cô có thể tái giá".
Cô cúi đầu, trầm tư, lúc sau nói: "À, đúng".
Cô ngẩng đầu, hai lúm đồng tiền mê hồn lại hiện trên má: "Vậy chàng nên chết ngoài chiến trường, đừng trở về nữa, mãi mãi không nên trở về nữa".
Đám người hầu đứng bên sợ run, nhưng cô lại mỉm cười, ánh mắt lạnh lùng. Đúng là không thể đoán được tâm tư đàn bà, đoán già đoán non, cuối cùng cũng không đoán ra.
Trên đời có kiểu đàn bà không câu nói nào khiến người khác bận tâm, cũng có kiểu đàn bà mỗi câu nói đều khiến người ta không thể không suy nghĩ.
Cô đi vội vã, cuối cùng để lại cho chàng một hình bóng đoan trang, duyên dáng, cũng đầy ngạo mạn thách thức. Chàng nắm chặt tấm giáp màu ngọc, nhìn mãi về phía bóng người vừa khuất, ánh mắt thâm trầm.
Thẩm Ngưng ra đi đã hai tháng.
Tháng tám, hương quế ngào ngạt, tin vui từ Hà Phong Viện truyền ra, Thê Thê cô nương đã có thai, lão tướng quân và phu nhân vui mừng khôn xiết. Liễu Thê Thê có thể coi là khách của Thẩm phủ, khách trong nhà có thai, cũng là hạt giống nhà mình, điều này cũng phải thôi, nhưng khách lại có thai ngay trước mặt con dâu danh chín ngôn thuận, thực tình cũng khiến lão tướng quân và phu nhân khó xử. Lúc Tống Ngưng đến thỉnh an, lão phu nhân mới ướm một câu: "Rút cục để cho cốt nhục họ Thẩm lưu lạc bên ngoài cũng không hay gì".
Tống Ngưng mỉm cười gật đầu: "Mẹ nói phải".
Cuối tháng, hoa quế nở tràn lan trên núi Cù ở ngoại thành, Tống Ngưng nhìn về ngọn núi phía xa, nói với người hầu đem theo khi rời cố quốc: "Hãy mời Thê Thê cô nương ngày mai lên núi Cù thưởng ngoạn hoa quế". Người hầu gửi thiệp tới Hà Phong Viện, Liễu Thê Thê nhận lời.
Ngày hôm sau, Tống Ngưng hành lý đơn giản, chỉ mang theo một người hầu. Người hầu một tay xách chiếc làn đựng ít đồ điểm tâm, một tay khoác bọc hành lý. Trái với Tống Ngưng, Liễu Thê Thê long trọng hơn nhiều, ngồi trên kiệu bốn người khiêng, lại thêm hai vú già, bốn hầu nữ.
Tống Ngưng cười: "Đi ngắm hoa lại mang theo nhiều người như vậy, thật mất hứng".
Vú già cười nói: "Có lẽ phu nhân không biết, tướng quân vừa rồi có thư về, dặn dò chúng nô tỳ chăm sóc chu đáo Thê Thê cô nương, giờ Thê Thê cô nương đã mang cốt nhục của tướng quân, chúng nô tỳ không dám sơ suất".
Tống Ngưng phe phẩy chiếc quạt, không nói gì. Người hầu của cô cười khẩy: "Nghe vú già nói vậy, không được sơ suất đối với Thê Thê cô nương, nghĩa là có thể sơ suất đối với công chúa của chúng tôi ư. Nói câu này hơi khó nghe, nhưng ở nước Lê chúng tôi, khi công chúa đứng thì kẻ dưới không dám ngồi, khi công chúa ngồi, kẻ dưới nếu chưa được công chúa cho phép vẫn phải quỳ. Đến nước Khương các vị thì ngược lại. Công chúa bộ hành lên núi ngắm hoa, vậy mà cô nương nhà các ngươi lại ngồi kiệu, phải chăng lễ nghĩa của nước Khương là như vậy?".
Vú già nghe thế, quỳ sụp xuống đất, tự tát vào mặt mình.
Rèm kiệu vén lên, Liễu Thê Thê bước xuống đỡ vú già, đôi tay có mùi thuốc thoang thoảng giơ lên làm những động tác rất duyên dáng, đẹp mắt, vú già lo lắng giải thích: "Cô nương nói cô không ngồi kiệu nữa, vừa rồi là cô không hiểu lễ nghĩa, cô ấy sẽ đi bộ theo hầu phu nhân".
Ngọn núi Cù cao sừng sững, đi suốt một ngày vất vả, một người mang thai đâu dễ kham nổi. Đêm đó về phủ, Liễu Thê Thê liên tục ra máu. Sáng hôm sau, có tin nói Liễu Thê Thê bị sảy thai. Người hầu của Tống Ngưng lo lắng: "Nếu tướng quân nổi giận thì làm thế nào". Tống Ngưng ngồi đọc sách bên cửa sổ, hoa quế trong vườn nở rộ, hương quế ngào ngạt trong gió. Liễu Thê Thê bị sảy thai, suy cho cùng là do Tống Ngưng, nhưng đứa trẻ đó không danh chính ngôn thuận nên lão tướng quân và phu nhân mặc dù có thương xót cũng chẳng biết làm thế nào, chỉ có thể bù đắp vật chất cho Thê Thê, nhân sâm, yến sào, hạt sen... mọi thứ quý bổ đều sai người mang tới Hà Phong viện.
Chỉ có Liễu Thê Thê vẫn khóc ròng, không ăn uống gì. Để khỏi lãng phí đành phải để vú già, người hầu ăn giúp, kết quả là trong thời gian ngắn, ngoài Liễu Thê Thê vẫn giữ được thân hình thon thả, tất cả kẻ ăn người ở của Hà Phong viện đều béo tốt trông thấy, ngay cả hai con chim sẻ làm tổ trên hốc cửa đình viện cũng béo mẫm vì được hưởng lộc thừa.
Thời gian này, Tống Ngưng cáo bệnh, chỉ ở trong phòng rất ít ra ngoài, không gặp gỡ ai.
Cuối cùng có một người cô không thể không gặp. Đó là chòm sao ma quỷ trong số mệnh của cô. Cô đã vì chàng cởi bỏ chiến giáp, cài hoa, khoác áo đỏ tân nương, trái tim dịu dàng ăm ắp yêu thương vượt đường trường vạn dặm theo chàng, vậy mà chàng không để mắt đến cô.
Tháng chín, tin thắng trận truyền về kinh đô, Thẩm Ngạn khải hoàn dẫn quân trở về triều. Tống Ngưng ngồi bên hồ thả mồi cho cá, nghĩ ngợi một hồi, ngẩng đầu hỏi hầu nữ: "Chàng đã trở về, ngươi nói xem, liệu chàng có giết ta?".
Cốc trà trên tay hầu nữ rơi xuống đất. Tống Ngưng cười: "Thân thủ của ta không bằng chàng, nhưng cũng không dễ để chàng lấy mạng, cùng lắm đánh một trận, ngươi khỏi lo".
Hầu nữ quỳ trước mặt: "Ở đây công chúa sống chẳng vui vẻ gì, nô tỳ cũng thấy người không vui. Sao chúng ta không trở về nước Lê? Công chúa, chúng ta về nước thôi".
Tống Ngưng nhìn đàn cá đớp mồi dưới hồ sen, nói: "Đây là hôn sự giữa hai nước, ngươi tưởng muốn đi là đi được hay sao?".
Mọi sự không thể cứu vãn đều bắt đầu từ đêm đó. Tôi nói như vậy là bởi vì tôi nhìn thấy tất cả, nhìn thấy tính mạng Tống Ngưng bắt đầu từ đêm đó nhích dần đến cái chết. Đẩy cô tới cõi chết chính là tình yêu của cô và bàn tay Thẩm Ngạn. Chàng lao đến như mang theo mưa gió, trên mình vẫn mặc bộ chiến bào màu bạc, giống như lần đầu họ gặp nhau, nhưng trong mắt chàng bừng bừng lửa giận, như một vị Tu La đến từ địa ngục.
Cuối cùng, cô không địch được chàng, chưa đầy hai chiêu, kiếm của chàng đã chẹn dưới họng cô. Cô vội vàng dùng tay nắm thanh kiếm, lưỡi kiếm vừa nhích, lướt qua năm ngón tay cô, sâu tới tận xương. Chắc chắn rất đau nhưng cô không để ý, chỉ nhìn xuống tay mình: "Chàng thực sự muốn giết tôi ư?".
Giọng chàng lạnh lùng: "Tống Ngưng, cái thứ dính trên tay cô là tính mệnh con trai tôi. Cô ép Thê Thê lên núi, cô không nghĩ sẽ giết chết nó?". Cô ngẩng phắt đầu, lông mày giãn ra, tiếng rất nhỏ nhẹ: "Đó không phải là lỗi của tôi, tôi chưa từng sinh con làm sao biết được người có thai lại có thể xảy ra chuyện đó, leo núi là có thể bị sẩy thai. Chàng không có duyên với đứa bé đó lại đổ lỗi lên đầu tôi, Thẩm Ngạn, chàng làm vậy có phải quá vô lý không?".
Cô nói ra những lời đó không phải là lời lòng cô muốn nói, chỉ là do bị chàng kích nộ. Cô nhìn khuôn mặt rắn đanh của chàng cảm thấy buồn cười, liền bật cười thành tiếng: "Thẩm Ngạn, chàng biết đấy, ngoài tôi ra, không ai đủ tư cách sinh đích tôn cho nhà họ Thẩm". Cô nghĩ, tình yêu của mình gần như sắp chết, ngày trước cô nhìn Thẩm Ngạn, chỉ mong mọi việc với chàng đều suôn sẻ. Bây giờ, lúc nào cũng muốn chàng không vui. Nhưng chàng không vui, cô cũng không thấy vui, giống như con dao hai lưỡi, làm tổn thương người khác, cũng làm tổn thương chính mình.
Câu nói vui của cô lại khiến chàng kích động. Cô nhìn thấy cơn sóng phẫn nộ trong mắt chàng. Cô cảm thấy thanh kiếm của chàng sắp xuyên qua tay đâm vào họng mình. Nhưng phán đoán của cô đã sai. Thanh kiếm của Thẩm Ngạn không tiến thêm một phân nào nữa, mà rút khỏi tay cô, dính một vệt máu tươi, đầu thanh kiếm áp vào ngực áo cô, khẽ hất, những chiếc khuy đứt tung.
Phu quân của cô đang đứng trước mặt cô, dùng một thanh kiếm nhuốm máu hất toạc áo ngoài của cô, sóng hận trong mắt biến thành nụ cười khẩy lạnh lùng trên môi, giọng nói giễu cợt ghê người: "Tống Ngưng, tôi chưa gặp người đàn bà nào độc ác như cô".
Lần động phòng chậm đúng chín tháng.
Cô vùng vẫy giãy giụa, nếu đối phương là một nho sinh, cô không những có thể vùng ra được mà còn đánh cho gã một trận. Nhưng đây lại là một tướng quân, võ nghệ vào bậc nhất nước Lê, lại có sở trường đánh giáp lá cà, cô đành bó tay.
Bức bình phong trước giường vẽ một đầm nước, trên có vầng trăng lạnh dưới có mấy con vịt trời giỡn nước. Cô lạnh run người, hai tay ôm chặt lưng Thẩm Ngạn. Máu rỉ ra từ vết thương trên ngón tay, nhuộm đỏ một vùng da màu kiều mạch trên lưng chàng, giống như đóa hoa hồng nở trên kẽ đá trên cánh đồng hoang. Cuối cùng cô không thể giả bộ cười được nữa, nước mắt chảy dài xuống má. Tiếng cô bên tai chàng giống như tiếng rên của con thú nhỏ.
Từ nhỏ cô đã mồ côi cha mẹ, lớn lên nơi chiến trường, đại huynh cũng không có thời gian chăm sóc cô, ngã thì tự đứng dậy, đau quá thì dùng bàn tay nhỏ tự xoa vết thương, Tống Ngưng trên chiến trường luôn mỉm cười, bởi vì cô hiểu, không nên để đại huynh lo lắng, lâu dần thành quen, không biết khóc bao giờ.
Trong cuộc đời, đó là lần đầu tiên cô bật khóc, bản thân cô cảm thấy hoảng loạn bởi cô thực sự thấy đau, đau đến tận tim, mà không giống như hồi bé, xoa vài cái là hết. Cô nặng nề thở dốc, mũi đỏ ửng, không còn vẻ oai phong như trước, cũng không thể can trường như trước.
Cô mới mười bảy tuổi. Giọng cô suy sụp, van nài: "Thẩm Ngạn, chàng ghét tôi như vậy, chàng ghét tôi như vậy. Thẩm Ngạn, buông tôi ra, xin chàng buông tôi ra".
Nhưng tiếng chàng vẫn ở bên tai cô: "Nỗi đau của cô có bằng nỗi đau mất cốt nhục của tôi không? Tống Ngưng cô muốn gì, tôi sẽ cho cô, chỉ cần chúng ta từ nay rõ ràng, cô có biết rõ ràng là thế nào không?".
Trong không khí toàn mùi máu, tôi không ngửi thấy, nhưng có thể nhìn thấy.
Móng tay cô ấn sâu vào lưng chàng, cô không khóc được nữa, giọng nói tắc nghẹn bay lên không, thê lương như lá mùa thu: "Thẩm Ngạn, chàng đối với tôi như vậy, chàng là kẻ vô tâm".
Bàn tay phải Tống Ngưng trở nên tàn phế trong đêm đó, vốn là bàn tay cầm thương, tung ra bảy bảy bốn mươi chín chiêu thương pháp, duyên dáng đẹp như múa, khiến thiên hạ trầm trồ. Thanh kiếm đã làm bàn tay ấy bị thương, làm trái tim cô bị thương, đã hủy diệt tất cả nhiệt thành của cô đối với Thẩm Ngạn.
Cô tỉnh dậy, Thẩm Ngạn nằm bên cạnh cô, mắt cô lờ mờ nhận ra khuôn mặt tuấn tú, cặp lông mày hơi chau. Cô nghĩ đó là người cô từng yêu, trong mênh mông biển người cô lại chọn đúng chàng. Thanh kiếm của chàng rơi dưới đất, bàn tay phải của cô cũng không cầm lên được, cô nghiêng người, dùng tay trái lần tìm thanh đoản kiếm nặng gần bốn chục cân, làm kinh động chàng, ngay lúc chàng vừa mở mắt, cô nắm chắc chuôi kiếm đâm mạnh vào sườn chàng một nhát. Chàng rên một tiếng, nhìn thấy một giọt nước trào ra từ khóe mắt cô, lăn xuống, để lại một vệt dài trên má.
Ngày trước, cô đã tìm chàng giữa hàng ngàn thi thể, cô đã cõng chàng vượt qua núi tuyết đi tìm lang y. Cô thức trắng ba ngày ba đêm, nhưng đều là quá khứ. Đã là quá khứ thì không nên nhắc lại. Cô nghiêng đầu nhìn chàng, cuối cùng hiện ra vẻ thơ ngây thiếu nữ, mặt đầy ngấn nước, nhưng môi lại nhếch lên nói ra những câu tuyệt tình: "Thẩm Ngạn, tại sao chàng còn trở về, sao chàng không chết ở chiến trường?".
Chàng nắm chặt bàn tay trái cầm kiếm của cô, đột nhiên kéo mạnh cô vào lòng, thanh đoản kiếm sắc đâm càng sâu. Máu trào ra từ miệng, tiếng chàng lạnh lùng lại vang bên tai: "Đây chính là điều cô muốn? Cô muốn tôi phải chết?".
Tống Ngưng kể lại với tôi chuyện đêm hôm đó, đã nhiều năm, trên cặp mày nhàn nhạt dường như vẫn hằn nỗi đau khổ, dường như không thể nhớ lại. Cô không biết, thực ra tôi đã nhìn thấy tất cả, đó nhất định là một đêm ma mộng. Mặc dù thực ra tôi không hiểu lắm ma mộng là gì, đó là một từ thường thấy trong tiểu thuyết của Quân Vỹ. Đại khái là từ viết tắt của giấc mộng ma quái gì đó.
Khung cảnh cuối cùng của hôm đó là một đêm tối mịt mùng, mưa thu tí tách, hoa nguyệt quế lặng lẽ tỏa hương trong mưa.
Thẩm Ngạn không chết, nhát kiếm đó mặc dù đâm khá sâu, đáng tiếc là không trúng chỗ hiểm, đại phu nói chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chưa đầy ba tháng sẽ bình phục như thường.
Nhưng hai tháng sau, Tống Ngưng có tin vui. Liễu Thê Thê thu dọn quần áo, nửa đêm lặng lẽ rời Thẩm phủ. Ngày hôm sau hay tin, Thẩm Ngạn dù thân đang mang vết thương nặng cũng đi tìm khắp nơi, sau khi tìm được, đưa Liễu Thê Thê đến sống ở một biệt viện, bản thân chàng cũng rời khỏi Thẩm phủ, chuyển đến biệt viện sống cùng Liễu Thê Thê, không coi Thẩm phủ là nhà nữa.
Tháng sáu năm sau, Tống Ngưng sinh hạ một bé trai.
Thẩm Ngạn đưa tay đón đứa trẻ, giọng dửng dưng: "Cô hận tôi?".
Chàng nhìn bức bình phong trước giường: "Tôi tưởng cô không muốn sinh nó ra".
Tống Ngưng nằm sau bức bình phong, cơ thể rất yếu, vẫn hít một hơi dài, khẽ cười: "Sao lại không sinh, đó là đích tôn nhà họ Thẩm. Sau này khi chàng chết đi, nó sẽ nối nghiệp nhà họ Thẩm".
Trong mắt chàng lóe ra tia lạnh, trao đứa bé cho vú già bên cạnh, phảy tay áo bỏ đi. Đứa bé oa oa khóc sau lưng, chàng dừng lại ở cửa nói: "Tống Ngưng, thiên hạ có người đàn bà nào một lòng mong chồng chết ở chiến trường?".
Giọng Tống Ngưng yếu ớt vượt qua mấy bức rèm: "Sao?".
Thấm thoát đã bốn năm, thời gian không quay trở lại, hai nước Khương, Lê lại gây chiến, chiến tranh liên miên. Nhưng chuyện đó chẳng có gì quan trọng đối với vụ trao đổi của tôi, quan trọng là Liễu Thê Thê lại sinh cho họ Thẩm một sinh mạng mới, một bé gái. Chuyện này khiến cả biệt viện buồn bã trong một thời gian dài.
Vì tôi đứng về phía Tống Ngưng, bất giác nghĩ Liễu Thê Thê buồn bã như vậy là do chỉ sinh được con gái, tài sản được chia sẽ không nhiều. Nhưng cũng chỉ đoán vậy thôi, rất có thể người ta buồn tiếc vì không sinh được con trai cho Thẩm Ngạn.
Vú già trong biệt viện lại động viên Liễu Thê Thê, rằng đối với Thẩm Ngạn chỉ cần cô sinh hạ bé gái, mẹ tròn con vuông là tốt rồi, vả lại không dễ dàng có được đứa bé này, động viên mãi cô mới nguôi nguôi, đồng thời sự yêu chiều của Thẩm Ngạn đối với đứa bé cũng kịp thời bù đắp an ủi cho cô.
Tôi bất giác lại nghĩ, Liễu Thê Thê có thể nhanh chóng chuyển buồn thành vui như vậy, có lẽ là do Thẩm Ngạn đã lặng lẽ chia lại tài sản, cho cô ta số tiền lớn. Nếu Quân Vỹ có ở đây thấy tôi nghĩ vậy, nhất định sẽ bảo tôi có tâm hồn đen tối, suy diễn sự việc theo hướng xấu. Nhưng tôi nghĩ, nếu chuyện đó xảy ra thật mà tôi vẫn còn suy nghĩ theo hướng trong sáng, thì e là tôi đã trở thành thánh mẫu rồi.
Con trai Tống Ngưng càng lớn càng giống mẹ, được đặt tên là Thẩm Lạc.
Thẩm Lạc hai má cũng có lúm đồng tiền mờ mờ, ba tuổi đã học thuộc những câu rất cao thâm trong sách. Nếu gặp chữ khó, không đọc được cũng nhất định không muốn người khác nhắc, chỉ ngồi yên, chống hai bàn tay bụ bẫm dưới cằm, trầm ngâm cố nhớ lại.
Mùa đông, mặc áo bông dày, cử động khó khăn, nhưng tính bướng bỉnh, nó nhất định không chịu thay đổi tạo hình, cố chống tay vào cằm, nhưng được cái nọ lại mất cái kia, mấy lần ngã nhào từ trên ghế, đau cũng không khóc, chỉ lấy tay xoa xoa, lại đứng dậy. Điểm này giống hệt Tống Ngưng.
Thẩm Lạc thông minh lanh lợi, nhưng lại không nhận ra cha ruột, mỗi lần nhìn thấy Thẩm Ngạn, nó đều gọi bằng chú, không gọi cha. Chứng tỏ nó rất ít cơ hội gặp Thẩm Ngạn, nghĩa là mẹ nó và Thẩm Ngạn cũng rất ít gặp nhau. Nhưng một đứa trẻ thông minh, mới hai tuổi đã biết đọc những chữ rất phức tạp, thật sự không thể biết nó không nhận ra Thẩm Ngạn hay chỉ tỏ ra như thế. Nhưng một đứa trẻ đáng yêu như vậy không ngờ lại chết yểu.
Chuyện xảy ra rất sớm, vào một ngày đông lúc Thẩm Lạc bốn tuổi.
Hôm đó, Thẩm Ngạn đưa đứa con gái đến Thẩm phủ thăm lão tướng quân và lão phu nhân, cô con gái nhỏ trốn người hầu, một mình vào chơi ở hoa viên thì gặp Thẩm Lạc. Hai đứa trẻ không biết tại sao cãi nhau, giằng co, cả hai không may ngã xuống hồ sen. Lúc cứu lên bờ, cũng chưa việc gì, nhưng vì Thẩm Lạc đang mắc thương hàn, bị nhiễm nước lạnh, khiến bệnh lại càng nặng, sốt cao mấy ngày liền, đến ngày thứ ba, trời còn chưa sáng, đôi mắt to khép lại trên khuôn mặt đỏ ửng vì sốt, phút chốc Thẩm Lạc đã ra đi.
Sự việc khiến Tống Ngưng gục hẳn.
Tôi nhìn thấy một vầng mặt trời mùa đông từ từ nhô lên phía cuối Nhạc thành, thân thể bé nhỏ của Thẩm Lạc nằm trong lòng Tống Ngưng, sắc mặt vẫn hồng hào như đang ngủ. Cô ôm con ngồi trên bậc cửa hoa đình, rèm bốn phía cuốn cao, ánh mặt trời vàng vọt chiếu lên người Thẩm Lạc. Cô nâng thằng bé lên cao gọi: "Con trai, mặt trời lên rồi, chẳng phải con đã nói nửa tháng nay không thấy mặt trời, cái chăn của con đã sắp mốc rồi sao? Hôm nay, cuối cùng đã có mặt trời, mau nào, mang chăn của con ra phơi đi".
Nhưng Thẩm Lạc không tỉnh dậy được nữa. Nước mắt giàn giụa chảy trên má Tống Ngưng, rơi xuống đôi mắt nhắm nghiền của đứa con, giống như nó đang còn sống, nhìn thấy mẹ đau khổ, nó cũng trào nước mắt.
Thẩm Ngạn cùng tùy tùng xuất hiện trong hoa viên, Tống Ngưng tay nắm thanh kiếm đi ra khỏi hoa đình, thanh kiếm sắc sáng loáng càng tôn chiếc váy dài màu bạc lóng lánh, khuôn mặt vẫn giữ nụ cười không biểu cảm, như đóa sen hồng nở trên nền tuyết lạnh. Một cô gái đẹp như vậy!
Thanh kiếm lao vút về phía Thẩm Ngạn, tiếng xé gió làm rung cả cánh hoa. Cô đoán được vị trí chàng sẽ né tránh. Nhát kiếm này vung lên sẽ kết thúc mọi ân oán tình thù giữa hai người, chỉ có điều, không ngờ chàng vẫn đứng yên, mắt trừng trừng nhìn thanh kiếm lao tới.
Thanh kiếm bất lực, đành đâm chệch sang bên, chàng loạng choạng hai bước rồi đứng lại, nắm bàn tay cầm kiếm của cô: "A Ngưng".
Cô ngẩng đầu nhìn chàng, như không hề quen biết: "Tại sao con trai tôi chết rồi, mà các người vẫn còn sống được, chàng và Liễu Thê Thê lại vẫn sống được".
Suốt cả đời, tôi chưa từng nghe một giọng nào bi thương đến vậy.
Thanh kiếm sượt qua ống tay áo Thẩm Ngạn, thấm ra một vệt máu. Cô nhìn vết thương của chàng, muốn rút tay khỏi tay chàng, nhưng không được, cuối cùng, máu ứ đọng bấy lâu trong tim cô phun ra nhuộm đỏ chiếc áo trắng muốt của chàng. Chàng ôm chặt cô, còn cô khụy xuống trong vòng tay chàng.
Từ đó Tống Ngưng đổ bệnh.
Mọi chuyện về sau diễn ra như đã biết.
Câu chuyện là như vậy. Tống Ngưng hôm nay ngồi trên chiếc giường mây trong thủy đình, sắc diện dửng dưng, dường như mọi thứ trong mắt cô đều nhạt nhòa. Cô dùng một câu tổng kết mọi chuyện trong bảy năm qua. "Quân Phất, yêu một người dễ dàng như vậy, hận một người cũng dễ dàng như vậy".
Tôi không dám dễ dàng đồng lòng với cô, giống như tôi yêu Mộ Ngôn. Tôi yêu chàng quả thực không dễ dàng. Nếu chàng không hai lần cứu mạng tôi, chúng tôi chỉ như khách qua đường. Khoan nói tôi chủ động yêu chàng, dù chàng chủ động yêu tôi, tôi cũng không cho chàng cơ hội.
Mà cho dù tôi yêu chàng, cuộc đời này cũng không thể cho chàng cơ hội để chàng làm tổn thương tôi, để tôi hận chàng. Đương nhiên, tất cả chuyện đó có thể xảy ra khi tôi là một người sống. Mà đời này tôi đã chết, bây giờ đã là người chết, ý nghĩ dù kiên định cũng chỉ là ý nghĩ mà thôi, lúc rỗi rãi nghĩ ngợi một chút, tự an ủi mình...
Thực ra, tôi thấy tất cả bi kịch đều do Thẩm Ngạn quá chung tình. Nếu chàng không chung tình như vậy thì hoàn toàn có thể có được sự hòa hợp viên mãn giữa ba người. Kết cục khiến người sống, kẻ chết, thật tang thương.
Lúc sắp chia tay, Tống Ngưng mệt mỏi nói: "Bây giờ nghĩ lại, từ đầu đến cuối, người tôi yêu e rằng chỉ là một ảo ảnh trong lòng".
Tôi gật đầu đồng tình.
Cô nhẹ nhàng nói: "Quân Phất, cô có thể giúp tôi sống lại ảo ảnh đó không, trong mơ thôi?".
Mặt trời lặn dần về tây, dư quang ánh lên mặt hồ sen. Tôi gật đầu: "Cho tôi thời gian hai ngày, phu nhân xem liệu có đủ để phu nhân lo liệu những việc còn lại trên trần thế. Hai ngày sau, chúng ta vẫn hẹn gặp trên hồ này, tôi sẽ dệt cho phu nhân một giấc mộng".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro