Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Mở đầu: ĐẠI PHỒN THẾ SỬ THOẠI

“Đại Phồn Thế sử thoại”

[…] Đại Phồn Thế năm bảy vạn trước Thiên Tuế bắt đầu xuất hiện dấu vết đầu tiên của Yêu nhân – tổ tiên của các tộc người ở Đại Phồn Thế. Theo thời gian qua đi, số lượng Yêu nhân ngày càng nhiều, quần tụ lại trở thành Yêu tộc. Yêu tộc có nội đan dùng máu thịt cùng sinh khí sống nuôi nấng, ngoại đan ăn linh khí trời đất trưởng thành, tụ lại thành sức mạnh, trở thành bá chủ của Đại Phồn Thế. Dựa vào việc hút sinh khí sống của các loài cấp thấp hơn như côn trùng, động vật…, Yêu tộc có thể duy trì sự sống của mình. Tuổi thọ của Yêu nhân dao động từ 450 tuổi tới 990 tuổi tùy vào từng dòng họ riêng.

Đến năm ba vạn trước Thiên Tuế, một nhân sĩ họ Ngô cảm thấy dáng vẻ của Yêu nhân vẫn bất tiện, nhiều điểm yếu, bản tính hoang dã hung tàn không khác gì động vật, nên muốn tìm kiếm tâm pháp thoát khỏi hình dạng Yêu. Sau nhiều năm tu luyện công pháp bất thành, nhân sĩ họ Ngô khổ hận không tìm được lối thoát, quyết định tự nuốt ngoại đan quyên sinh. Chẳng ngờ “có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”, sau thời gian dài bị đau đớn hành hạ, nội đan và ngoại đan đồng thời bị tan ra trong cơ thể nhân sĩ họ Ngô, những bộ phận mang vẻ Yêu nhân trên người ông dần teo lại rồi rụng đi. Mặc dù mất đi cả linh lực, nhưng người nọ rất vui. Ông ấy chính là Nhân tộc đầu tiên của Đại Phồn Thế.

Nhân sĩ họ Ngô nhanh chóng tìm ra được biện pháp hoàn chỉnh để biến hóa từ Yêu nhân sang con người. Rất nhiều Yêu nhân đều nguyện đi theo ông, một số khác lại cật lực phản đối, cho rằng việc làm này là hủy hoại giống loài. Hai bên đối đầu. Trong cuộc chiến tranh đầu tiên của Đại Phồn Thế, Nhân tộc mất hết linh lực nhanh chóng bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, khi núi Sơn Nhạn bị đánh sập, suối Đường Lộ bị tuyệt nguồn, một trong những nguyên liệu cần thiết để giúp quá trình biến đổi từ Yêu nhân sang con người biến mất hoàn toàn, hai bên cũng đình chiến, Yêu tộc suy tính tương lai, lựa chọn nhượng bộ, cho phép lấy núi Hổ Cốt làm ranh giới, chia cho Nhân tộc 1/5 lãnh thổ Đại Phồn Thế.

Chiến tranh kết thúc, Nhân tộc bắt đầu phát triển một cuộc sống mới thuộc về tộc mình. Để bù đắp việc mất đi linh lực, Nhân tộc bắt đầu rèn luyện, tìm kiếm biện pháp để bổ sung khả năng chiến đấu. Nhờ vào sự thông minh của mình, họ nhanh chóng tìm được cách tu luyện công pháp, rèn luyện võ công. Mặc dù sức mạnh không thể sánh với linh lực lúc trước nhưng cũng có thể thử đối đầu.

Thời gian cứ thế trôi qua, cả hai tộc đều ngày càng phát triển. Tới năm một vạn sau Thiên Tuế, một số người trong Nhân tộc bắt đầu không thỏa mãn với tuổi thọ chỉ kéo dài 200 năm của mình nên tìm cách để luyện hóa bản thân. Các phe phái được thành lập, điên cuồng tìm cách tu luyện, trong đó có hai phái đã thành công. 

Một là Không Cốt phái do Không Cốt đại sư dẫn dắt, dựa vào việc tĩnh tâm thiền tịnh, ăn chay hành thiện, dùng sinh khí trời đất kết thành một nội đan mới trong tim. Phái này trở thành Tiên, nội đan gọi là Tiên đan kết.

Một phái khác là Hàng Thiên phái do Hàng Thiên đại sư dẫn dắt, dùng máu thịt các loài từ cấp thấp tới cấp cao của Đại Phồn Thế làm thức ăn, cắn nuốt sinh khí sống kết thành một nội đan mới trong tim. Phái này trở thành Ma, nội đan gọi là Ma kết đan. Điểm khác biệt giữa Ma tộc và Yêu tộc là Ma tộc không chỉ hút sinh khí sống, mà còn chế biến cả các loại cấp thấp để ăn toàn bộ.

Cả Tiên tộc và Ma tộc đều có thể kéo dài sự sống lên vài nghìn tới vài chục nghìn năm, mà bởi vì có nội đan nên vẫn có thể sử dụng linh khí.

Những lợi ích này nhanh chóng thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, không chỉ có Nhân tộc mà nhiều Yêu tộc cũng bắt đầu đổ xô muốn đi luyện chế bản thân. Tiếc rằng không phải ai cũng luyện thành.

Qua thêm thời gian, những yếu điểm của Tiên và Ma cũng dần lộ ra. Bởi vì Tiên đan kết chỉ có thể hấp thụ sinh khí trời đất, Ma kết đan lại chỉ có thể hấp thụ sinh khí vật tế, không có được sức mạnh kết hợp, nên về cơ bản khả năng chiến đấu của Tiên và Ma đều không bằng Yêu. Mà bởi vì sống quá lâu, nên cũng bắt đầu xuất hiện vài rắc rối. 

Khi trận chiến tranh giành lãnh thổ diễn ra lần nữa, không quá khó để biết được kết quả cuối cùng. Tứ đại tộc lấy dãy Ngạn Lĩnh làm biên giới phân định, Yêu tộc giữ nhiều đất nhất, sau đó tới Tiên tộc, Ma tộc và cuối cùng là Nhân tộc.

Mặc dù như thế, dựa vào thói quen ăn uống và nguồn sống của từng tộc, trong dân gian vẫn thường hay nhận định: Tiên – Nhân – Ma – Yêu. Tức là Yêu tộc bị coi vào hàng thấp kém nhất, còn Tiên tộc là đại tộc vô cùng cao quý, mà Ma tộc chẳng qua chỉ là Yêu tộc tiến thêm một bước ăn thịt loài cấp cao mà thôi. 

Sau thời chiến loạn, tứ đại tộc cũng gấp rút xây dựng lại tộc mình.

Người đứng đầu Yêu tộc gọi là Yêu Quân.

Người đứng đầu Ma tộc gọi là Ma Tôn.

Người đứng đầu Nhân tộc gọi là Nhân Hoàng.

Người đứng đầu Tiên tộc gọi là Tiên Thiên Tử.

Tất cả các tộc đều theo tục truyền thừa, đời trước làm vua thì đời sau cũng theo vậy. 

Nói thì như thế, nhưng cũng có những điều sai khác. Ở Yêu tộc và Ma tộc, nếu có người không phục, vào thời điểm đăng cơ của Yêu Quân và Ma Tôn có thể tới thách đầu, kẻ thắng sẽ được thừa ngôi. Ma tộc đã từng có tiền lệ. Còn Yêu tộc, mặc dù nhiều lần phải đấu võ trong lễ đăng cơ, nhưng truyền đời nối ngôi vẫn là dòng tộc Hỏa Phượng. Nhân tộc cũng từng nhiều lần xảy ra nội chiến, phải đổi họ kẻ trên nệm vàng. Chỉ riêng Tiên tộc sóng yên biển lặng, họ Vương ngồi vững ghế bao năm.

Tứ đại tộc tiếp tục sống yên bình qua mấy vạn năm, cho tới ngày Chiến loạn I nổ ra. 

Hạn hán kéo dài, sinh khí ở Đại Phồn Thế bắt đầu bị suy giảm, nạn đói xảy ra ở tất cả các tộc. Vốn dĩ Ma tộc đã kiêng không ăn thịt loài cấp cao nhưng lần này lại lần nữa ra tay. Ma tộc làm loạn, đột kích đồ sát Trúc Động, giết sạch dòng họ Cửu Vỹ Hồ - dòng họ đứng đầu đại dòng tộc Hồ yêu của Yêu tộc, chỉ có duy nhất một đích nữ Hồ thị mới sinh chưa bao lâu may mắn thoát chết. 

Yêu Quán (1) Phượng Tử Khâm năm đó mới vừa được lập, dẫn binh khởi phạt, đánh thẳng từ biên giới sông Xích Ngân tới Ma đô Thừa Phủ của Ma tộc, chém đầu Ma Tôn Xà Trạch rửa thù cho lão đại tướng Hồ Thiện cùng 398 oan hồn của dòng họ Cửu Vỹ Hồ. Từ đấy, Ma tộc xác nhập vào thành một dòng tộc của đại tộc Yêu giới, lấy vùng Hà Sa, Phú Sa làm địa bàn tự do hoạt động. Ma Tôn vẫn giữ danh xưng nhưng thực chất đã không còn ngang hàng với ba vị Yêu Quân, Nhân Hoàng, Tiên Thiên Tử. Tứ đại tộc chính thức chuyển thành tam đại tộc.

Một trăm năm sau, Đại Phồn Thế lâm vào trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng, thiên tai kéo dài, cây cối héo rũ, động vật chết hàng loạt, sinh khí sụt giảm, nạn đói liên miên. Dãy Ngạn Lĩnh – ranh giới phân chia lãnh thổ, cũng là điểm chung giữa các tộc, khu vực cấm không tộc nào được nhòm ngó, trở thành nơi duy nhất còn chứa đựng sinh khí dồi dào ở Đại Phồn Thế. 

Để có thể giành lấy nguồn sinh khí này, tam tộc đều vội vã tranh cướp. Chiến loạn II nổ ra. 

Bởi có lợi thế thể chất, Yêu tộc chiếm ưu thế hơn. Phượng Tử Khâm bấy giờ đã là Yêu Quân, càng đánh càng khát máu, không chỉ đánh chiếm dãy Ngạn Lĩnh mà còn thâm nhập cả vào lãnh thổ của Nhân tộc và Tiên tộc, giết hại nhiều bách tính vô tội. Trước tình thế ấy, Nhân tộc đã liên minh với Tiên tộc, cùng chống lại Yêu tộc. 

Sau mười năm ròng rã chiến đấu, cuối cùng Chiến thần của Tiên tộc Long Trọng Cảnh đã quyết một trận sinh tử với Yêu Quân Phượng Tử Khâm trong đại hôn của gã.

Yêu Quân tán hồn, Chiến thần trọng thương. Yêu tộc như rắn mất đầu, liên minh Tiên – Nhân nhân từ không đuổi cùng giết tận, đồng ý cùng với Yêu Cơ Hồ thị – người chấp chính Yêu tộc sau khi Yêu Quân tán hồn ký ước định hòa bình, sau khi phân chia lại tài nguyên dãy Ngạn Lĩnh sẽ rút quân về nước như ban đầu.

Cũng nhờ thế mà bách tính các tộc mới có thể yên vui như ngày nay.

Yêu Quân Phượng Tử Khâm.

Phượng Tử Khâm dòng giống Hỏa Phượng, là con trai độc nhất của tiên Yêu Quân Phượng Tử Lãng. 

Từ nhỏ, Phượng Tử Khâm đã bộc lộ thiên phú hơn người, linh khí sử dụng vô cùng mạnh, đồng thời, cũng thể hiện rõ bản thân là người tính cách tàn bạo. Phượng hay cùng chơi đánh trận với những cận vệ bên người, thường xuyên đánh cho những cận vệ đấy khóc than gào thét. Lớn lên một chút, khi chưa thành niên (2), mới vừa tròn 40 tuổi, Phượng Tử Khâm đã tự mình đi săn thổ phỉ, phá tan ổ thổ phỉ trên núi Trạch Đồng, giết sạch không chừa một tên. Tới khi 50 tuổi, Phượng trực tiếp cầm đao loan, chém đầu lão thần hai đời Hùng Bố Cát.

Trong hai lần Chiến loạn, sự hiếu chiến của Phượng Tử Khâm lại càng bộc lộ rõ hơn. Để trả thù cho dòng họ Cửu Vỹ Hồ, Phượng Tử Khâm đã giết thẳng một đường từ sông Xích Ngân tới Ma đô Thừa Phủ. Sau khi chém Ma Tôn Xà Trạch còn cho người treo đầu lên trước cửa Đại Ma Cung ở Ma đô.

Không chỉ là kẻ hiếu sát, Yêu Quân Phượng Tử Khâm còn là một kẻ háo sắc có thừa. Trong thời gian còn là Yêu Quán, trong phủ của Phượng Tử Khâm có vô số tì nữ. Rất nhiều con gái của dòng họ Hồng Hoàng cũng đều được đưa tới đây, tuy nhiên chỉ có mỗi đích nữ nổi bật nhất của dòng họ Hồng Hoàng là Hoàng Thư Hoán được một danh phận trắc phi, lại không có cưới hỏi gì (3).

Vào thời Chiến loạn II khoảng năm thứ năm, bên cạnh Yêu Quân đột nhiên công khai xuất hiện thêm một cô gái, truyền bảo, là Hồ thị - huyết mạch duy nhất còn lại của dòng họ Cửu Vỹ Hồ, vô cùng xinh đẹp yêu kiều. 

Hồ thị bên cạnh bầu bạn cùng Yêu Quân, nhận được vô vàn sủng ái. Kể rằng có một lần Yêu Quân dẫn Hồ thị đi đánh thành Tư Cát của Nhân tộc, có kẻ vô tình làm vấy máu lên vạt váy trắng của thị, Yêu Quân lập tức rút kiếm chém chết chẳng lo quân mình. Lại kể rằng, Hoàng trắc phi bấy giờ là Loan phi mang quân thai lại vì lỡ tay làm ướt giày của Hồ thị mà bị phạt quỳ giữa trời tuyết hai canh giờ. 

Vốn dĩ triều thần Yêu tộc dâng tấu muốn xin Yêu Quân phong Loan phi làm hậu, tựa như Phượng thì phải đi với Hoàng, Loan Phụng vốn đã là một đôi. Chẳng ngờ Yêu Quân từ chối, lấy lý do Chiến loạn. Loan phi sinh ra được Yêu Quán Phượng Tê Vũ vẫn không được sủng ái. 

Đến Chiến loạn II năm thứ mười, Yêu Quán năm tuổi, Yêu Quân trở mặt, quyết tổ chức đại hôn linh đình rước Hồ thị làm hậu.

Cũng chính trong buổi đại hôn này, Chiến thần của Tiên tộc Long Trọng Cảnh đã có một trận quyết đấu với Yêu Quân Phượng Tử Khâm. Yêu Quân tán hồn, Chiến thần trọng thương. Mặc dù tán hồn vẫn còn lại thân xác, song cũng chẳng có ích gì. Đại hôn đã trở thành tang lễ, Hồ thị chưa qua cửa đã coi như góa chồng. 

Yêu Cơ Trúc Động Hồ thị (4).

Truyền đồn tên tự Hồ Uyển Thanh.

Hồ thị dòng giống Cửu Vỹ Hồ sống ở Trúc Động, là đích nữ dòng chính của dòng họ Cửu Vỹ Hồ đứng đầu dòng tộc Hồ yêu. Xét về thân phận cũng vô cùng cao quý, chẳng kém gì dòng họ Hồng Hoàng. 

Hồ thị chẳng những xuất thân thế gia, có công với Yêu tộc, mà còn có dáng vẻ vô cùng xuất chúng. Hồ yêu trước nay vẫn luôn được coi là dòng tộc phong tình xinh đẹp nhất của Đại Phồn Thế, Cửu Vỹ Hồ lại càng nổi danh hơn. Hơn nữa, từ khi Hồ Uyển Thanh mới sinh ra dân gian đã lan truyền thị là Cửu Vỹ Hồ đặc biệt nhất, không phải là Bạch Cửu Vỹ Hồ như người trong họ, là viên ngọc quý của Trúc Động. Chẳng may thị chưa ra đời được bao lâu, Trúc Động xảy ra chuyện, Hồ Uyển Thanh buộc phải rời động, được đưa tới Yêu Đế Cung nuôi dưỡng.

Năm Yêu Quân đưa Hồ thị đến chiến trường, lập tức có thể biết được lời truyền năm xưa không sai. Hồ thị không phải Bạch Cửu Vỹ Hồ mà là Tử Cửu Vỹ Hồ, tóc tím tựa thác rượu mận ngâm, nhan sắc lộng lẫy như hoa mẫu đơn, giữa trán còn có một nốt chu sa hình chín chiếc đuôi cáo nhỏ, cực kì mê hoặc lòng người.

Mặc dù chưa cưới gả, Yêu Quân cũng sai lệnh cho người gọi thị là Yêu Cơ, sủng ái vô ngần. 

Yêu Cơ đi theo Yêu Quân, lâu ngày cũng nhiễm thói, càng ngày càng trở nên tàn nhẫn độc ác. Thị thích mặc váy trắng, rồi giết người để máu bắn lên vạt váy mình. Thị còn hay hành hạ những cô gái trẻ trung xinh đẹp ở những thành đồn mà đội quân Yêu tộc chiếm đóng. Đối với vị Loan phi Hoàng thị, thị vốn khinh ghét không coi trọng, tới khi Hoàng thị mang thai, Hồ thị lại thường xuyên mượn cớ xử phạt, ghen tuông đay nghiến.

Cho tới Chiến loạn II năm thứ mười, Yêu Quân quyết định tổ chức đại hôn long trọng rước Yêu Cơ về làm Yêu Hậu. Không ngờ đại hôn hôm ấy, Yêu Quân tán hồn, hỉ đường thành phòng tang. Hồ thị chưa gả đã thành kẻ góa chồng.

Tuy nhiên, chiếu theo di chiếu trước khi qua đời của Yêu Quân, Yêu Cơ Hồ thị vẫn được tôn lên làm chủ mẫu, chấp chính thay cho Yêu Quán Phượng Tê Vũ mới lên năm. 

Sau khi Yêu Quân chết, Yêu Cơ mất đi chỗ dựa, bị khắp nơi chèn ép, suy sụp đóng cửa trốn trong cung một năm trời, để mặc triều chính cho Quốc sư Yêu tộc là Hạc Đĩnh Tri xử lí. Cũng trong thời gian này, Loan phi Hoàng thị đột ngột qua đời. Yêu Cơ Hồ thị trở thành người nuôi dưỡng của Yêu Quán Phượng Tê Vũ.

Sau một năm lánh mặt trong hậu cung, Yêu Cơ lại lộ diện, bên người còn có thêm một đồ đệ trạc tuổi Yêu Quán, tên là Đông Ly, chưa rõ xuất thân. Ngay sau khi vừa xuất môn, Yêu Cơ đã vung tay, thanh trừ một số lão thần trong triều đình, một tay che ngang trời, tự theo ý mình. 

Thị trị quốc không dựa vào sức dân, chẳng màng thế sự, chuyên dùng yêu sắc mê hoặc quần thần để giữ vững địa vị. Trong thời gian 90 năm, Yêu Cơ ngoài triều vẫn nắm chắc quyền hành của Yêu tộc, trong hậu cung nuôi dưỡng đồ đệ nhỏ cùng nhiều thị vệ cận thân khác.

Cho tới nay, có thể nói Yêu tộc không còn chỉ là của dòng Hỏa Phượng nữa rồi.

“Đại Phồn Thế sử thoại” ghi chú:

 Yêu Quán tương đương với Thái tử của Nhân tộc và Tiên Tử Thiên của Tiên tộc. 

Dòng họ Hỏa Phượng tuổi thọ trên dưới 500 tuổi, tuổi thành niên là 90 tuổi.

 Loan Phụng – Phượng Hoàng vốn dĩ là một đôi, nhưng Yêu tộc lại tách ra làm hai dòng tộc riêng. Trong đấy dòng họ Hỏa Phượng cao quý nhất trong dòng tộc Phượng yêu, Hồng Hoàng cao quý nhất trong dòng tộc Hoàng yêu. Nữ nhi dòng họ Hồng Hoàng thường sẽ gả làm Yêu Hậu của Yêu Quân dòng họ Hỏa Phượng.

 Dòng tộc Hồ yêu đều họ Hồ, sống rải rác trên lãnh thổ Yêu tộc, nhưng Cửu Vỹ Hồ là dòng họ cao quý nhất của dòng tộc Hồ yêu, chỉ sống tại Trúc Động, nên khi xưng tên thường gọi Trúc Động Hồ thị Hồ Uyển Thanh để tránh nhầm với những họ Hồ khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: