Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

chap 8: Bơ Vơ Giữa Đời

[Mình đã nhận nuôi một đứa bé, trông nó thực sự đáng yêu quá. Thương thay mẹ của nó đã mất rồi, cha nó thì họ không nói nhưng có lẽ họ sợ rắc rối không đáng có cho nên lựa chọn im lặng. Dù thế thì mình vẫn thương nó ngay từ lần đầu trông thấy, sau này mình sẽ thương nó như chính con ruột. Sẽ cho nó một cuộc sống tốt, một giáo dục tốt, chỉ mong cuộc đời nó sẽ chẳng gập ghềnh phong ba, sẽ lớn lên trong hòa bình.]

[Sài Gòn, ngày 10 tháng 2 năm 1947. Danh Quốc đã viết.]

Trường An ngồi trong phòng riêng của mình lật mở từng trang nhật kí mà ba mình đã viết thuở sinh thời. Có những câu chuyện trong quá khứ khiến anh cười nhưng cũng có những câu chuyện mỗi lần mở ra lại sợ phải đọc tường tận mọi thứ. Anh gấp cuốn nhật kí lại rồi cẩn thận bỏ vào trong tủ khóa lại nhưng muốn đem những bí mật mà ba mình đã sống để bụng chết mang theo.

Lại nhìn đến những tấm bằng khen khi anh còn học ở trường trung học và đại học ở nước Pháp mà lòng nặng trĩu. Trở thành một nhà sư phạm chính là mong muốn của anh từ khi còn nhỏ. Mặc dù ước muốn ban đầu không hẳn là điều đó mà là trở thành một nhà quân sự. Sau cái chết của hai người thân thuộc nhất vào những năm tháng kháng Pháp trong quá khứ anh mới hạ quyết tâm sẽ thực hiện nguyện vọng cho họ.

Có một chút tự hào khi mỗi ngày có thể đứng trên rất nhiều người để dạy lại kiến thức đã tiếp thu. Được kính trọng và có một địa vị lớn trong tư tưởng của nhiều người chính là thứ mà ai cũng muốn. Khi đã nắm trong tay mọi thứ rồi thì lại sợ mất đi, đó cũng là khi con người ta bắt đầu nhận ra mình biết ích kỉ nhưng lại cố chấp không thừa nhận.

"Này Mốc..."

"Em không phải tên Mốc."

"Mốc..."

"Dạ..."

Trường An đứng ở phía ngoài cửa phòng của Thành An tần ngần như muốn nói điều gì đó nhưng cuối cùng lại đổi ý mà lắc đầu như chẳng có chuyện gì.

"Hôm nay anh đi sớm ạ?"

"Ừm, mày bỏ nhà đi rồi cho nên anh phải lãnh nhiệm vụ chở Mộng Bình đi học thay cho mày đó. Còn hỏi cái gì?"

"Em xin lỗi."

Trường An cũng không có ý định nghe câu xin lỗi này từ Thành An nhưng có vẻ như việc nhận lỗi với tất cả mọi người đã là bản năng của cậu. Cho nên dù chuyện lớn hay nhỏ chỉ cần người ta có ý không hài lòng cậu đều xin lỗi.

"Có ra chợ làm không?"

"Dạ có."

"Có hả? Hôm qua anh đã nói như vậy mà mày vẫn muốn ra đó làm hả? Mày bị điếc hay là muốn chọc tức anh vậy? Nói một lần thì phải nghe, đừng có để nhắc hoài mệt mỏi lắm."

"Nhưng em không còn việc gì để làm cả, em cũng không thể ở không như vậy."

Trường An không nói năng gì mà lạnh lùng trở ra ngoài. Một lúc sau Thành An ở trong phòng đã nghe phía ngoài phòng khách, phòng ngủ và cả nhà bếp đều phát ra tiếng động như có ai đó muốn phá nhà. Cậu hốt hoảng chạy ra xem thì Trường An đã thành công đem một nhà bày ngổn ngang, ngay cả đống quần áo hôm qua mới giặt thơm phức cũng bị anh vứt xuống sàn nhà đứng dẫm lên.

"Nhà bừa bộn quá, ở nhà dọn nhà cho anh đi rồi anh trả công cho mày gấp trăm lần cái vựa rau đó. Cũng là công việc kiếm tiền đó cho nên làm thật tận tâm vào."

"Anh cũng đâu cần phải như thế..."

"Cần, nói cần thì nghĩa là cần, bớt cãi lại."

"Dạ..."

Mặc dù không muốn làm ra chuyện quái đản thế này nhưng Trường An cũng hết cách rồi. Anh không có quyền kiểm soát cậu cho nên lúc anh không ở nhà cậu cũng sẽ chạy ra ngoài xin việc kiếm tiền.

"Mày đừng có nghĩ mày ăn một hột gạo của kẻ khác là mày mắc nợ họ. Anh nói cho mày biết, trên đời này những kẻ nợ mày nhiều lắm vì thế đối xử với mình công bằng chút đi."

"Nhưng anh không có nợ em."

Trường An nhìn vào gương mặt của Thành An một lúc lâu không nói gì sau đó mới ngửa cổ thở dài một hơi để kết thúc tranh cãi.

"Cầm lấy, muốn mua cái gì thì mua."

"Dạ không, em không nhận đâu, em không có cần mua cái gì hết."

"Cầm."

"Dạ..."

"Nói một lần không bao giờ chịu nghe, tối nay anh sẽ về trễ cho nên mày đừng có chạy ra mộ nữa. Ở nhà mua một ít thức ăn về nấu cơm cho anh ăn với."

Thành An nghe lời đề nghị này thì hai đầu mày cau lại khó nghĩ. Một lúc sau cảm thấy không thể nhận được nhiệm vụ này cho nên mới chủ động từ chối.

"Anh ăn ở ngoài được không? Em không có nấu được đâu, em cũng không biết đi chợ mua cái gì cả."

"Sao? Vậy bình thường mày đi làm ở công xưởng thì mày ăn cái gì?"

"Em ăn cơm nhưng mà em không có ăn mặn."

"Hả? Là sao?"

"Là...là em không có ăn thịt cá, em chỉ ăn đồ nhạt thôi cho nên em không thể làm mấy thức ăn đó được. Anh ăn ở ngoài cho ngon miệng, tại vì em không có ăn giống như anh."

Đến nước này thì không còn lý do gì để mà bắt bẻ được nữa cho nên Trường An đành phải ôm một bụng ấm ức rời khỏi nhà. Muốn ăn cơm ở nhà nhưng lại không muốn đến ăn nhờ nhà Mộng Điệp cho nên mới mặt dày nhờ Thành An nấu cơm. Ai mà ngờ...

"Thôi đi, chẳng hiểu sao mà mày có thể ngược với anh tới mức đó luôn. Anh không ăn thịt thì sẽ không thể nuốt trôi cơm xuống cái họng này. Mắc mệt thiệt luôn đó trời, đang nuôi con gì chứ không phải con người nữa rồi, má."

Trường An với lấy chiếc cặp da của mình ra cửa, ngày hôm nay anh phải làm chuyện quan trọng cho nên cũng phải tranh thủ thời gian. Tính toán thời gian đưa Mộng Bình đến trường học cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới có thể thoải mái đi làm công chuyện được.

"Anh đến đón rồi kìa mau đi học đi con."

"Dạ, thưa mẹ con đi học."

"Ừ, nhớ chào anh đó chứ không có tưởng thân quen rồi là bỏ hết mấy cái phép tắc đó đâu. Anh bỏ công bỏ việc đưa đón con đến trường thì phải biết ý nghe chưa."

Mộng Bình mỗi ngày phải nghe mẹ mình dặn dò như vậy thì cũng muốn thuộc làu đến từng âm tiết. Phải chi lúc trước bà cũng đối xử với Thành An bằng một góc của anh trai này thì cô cũng chẳng buồn lòng như hiện tại.

"Em chào anh."

"Ừm...đã ăn sáng chưa? Trông mặt mũi bơ phờ như vậy chắc là hồi hôm thức khuya học bài phải không?"

"Dạ em ăn rồi, đúng là học lên lớp đệ nhất phải cố gắng nhiều mới lại người ta nữa. Mấy nay phong trào sinh viên nổ ra quá trời nên mẹ lo em sẽ theo bạn bè đi biểu tình. Mẹ sợ em bị bọn ngụy bắt vô trại giam cho nên mới làm phiền anh đưa đón."

Trường An vừa lái xe vừa nói chuyện với Mộng Bình cho đỡ nhàm chán. Nhiều hôm rồi cô vẫn cứ hỏi anh xem có biết Thành An đang ở đâu hay không nhưng thay vì nói ra anh lại chọn im lặng. Cũng không biết làm như vậy có gọi là ích kỉ hay là không nhưng có đôi lần anh chứng kiến sự thiên vị của một người mà anh vẫn luôn thương như mẹ của mình liền sinh ra cảm giác khó chịu trong người.

"Hồi còn nhỏ, thằng Mốc...à...thằng kia nó không chịu đi học à? Chắc là không chịu đi học cho nên lớn to đầu rồi mới biết đọc biết viết chứ gì?"

"Dạ không phải đâu, Thành An muốn đi học lắm nhưng mà hồi đó mẹ nói mẹ không thể nuôi một lúc hai đứa được cho nên nó nhường cho em đến trường."

"Nhường à? Sao lại nhường? Chẳng phải đi học không mất tiền sao?"

Mộng Bình nghĩ lại quãng thời gian đã qua mà khóe mắt đã bắt đầu ươn ướt. Cô chống tay lên cửa kính xe nhìn ra phía ngoài để anh trai này không thấy được là mình cũng buồn.

"Năm đó cô giáo nói mẹ cho cả hai chị em đi học chung đi vì không có mất tiền gì hết. Lúc đó Thành An đã rất vui, tối đến còn lấy ống lon gắp ra mấy đồng xu để ra chợ mua tập viết. Ngày khai giảng đầu tiên hai chị em đã chuẩn bị để đến trường học, lúc đó còn nói nếu đi học mà gặp mấy ông lính tây thì phải chào họ thật tươi để họ không bắt. Ai cũng chờ đợi nhưng cuối cùng chỉ có em là đợi được. Sáng hôm đó mẹ chỉ dắt em đến trường, em hỏi mẹ sao không dắt em theo thì mẹ nói em là con trai sau này cho dù không có học thì cũng có thể kiếm ra tiền..."

"Vậy sao? Dì đã bỏ nó ở lại à?"

"Lúc đó em quay lại nói chạy theo chị này nhưng nó chỉ đứng ở trước cổng vừa khóc vừa lắc đầu. Nó khóc nhỏ tiếng lắm, có khi nếu không nhìn thì người ta sẽ không biết là nó đang khóc. Sau này khi em lớn lên rồi em mới hiểu rốt cuộc những giọt nước mắt ngày hôm đó là vì điều gì mà có. Em không thể trách mẹ nhưng mà em càng học lên cao em càng không thấy thoải mái. Cứ nghĩ rằng những thứ mà em làm được hôm nay đều là dẫm lên thiệt thòi của nó."

Trường An biết Mộng Bình đã khóc nhưng cũng không gặng hỏi vì khi thật tâm thương một người như người nhà thì họ hoàn toàn có lý do để rơi nước mắt.

"Sau này em muốn làm gì?"

"Em muốn học sư phạm."

"Muốn làm đồng nghiệp với anh hả?"

"Em muốn dạy học cho những đứa trẻ không thể đến trường, chỉ vậy thôi."

Câu chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó, sau khi Mộng Bình vào trường rồi lúc này Trường An mới có không gian riêng tư của mình để nghĩ về những điều mình vừa nghe. Anh tưởng tượng ra bộ dạng của Thành An vào ngày khai giảng đầu tiên bị bỏ rơi lại. Sau đó lại một mình suy diễn cuộc sống của cậu ở những năm sau đó khi cứ phải mang danh người nhà nhưng chẳng khác gì người ngoài.

"Ba ơi, con cứ nghĩ là sẽ giấu bí mật đó đi mãi vì chẳng một ai có thể vạch trần nếu con không thừa nhận. Nhưng mà con sống như vậy cũng không dễ dàng, càng chứng kiến lại càng mệt mỏi."

Dự định sẽ đi công chuyện sớm để không phải về nhà muộn như mọi khi nhưng tâm trạng lại lao dốc nên cứ ngả người suy nghĩ vẩn vơ cả buổi mới có thể tiếp tục. Trường An tự mình lái xe đến địa chỉ như trong cuốn nhật kí mà ba mình để lại.

[Những ngôi nhà nhỏ nằm cách xa nhau lắm, đi xích lô chắc phải mất nửa canh giờ từ nhà mình đến nới đó. Đại lộ Somme nằm song song với tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn xuôi về Mỹ Tho. Lúc đi trên con đường này mình lại nhớ về hai năm chạy trốn đến Mỹ Tho chỉ vì không có can đảm cùng Thái Hưởng ở bên nhau. Vậy mà hôm nay, sau gần bốn năm kể từ ngày mình xuôi về Mỹ Tho lại một lần nữa đi đến đây nhưng không phải là để đi trốn. Hôm nay mình xuôi về hướng cũ để đến với con trai bé nhỏ của mình.]

[Sài Gòn, ngày 03 tháng 2 năm 1947. Danh Quốc đã viết.]

Đại lộ Somme đã được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành đại lộ Hàm Nghi vào năm 1955. Số nhà cũng đã được quy hoạch và đổi mới theo chế độ của chính quyền đương thời cho nên việc tìm kiếm cũng có chút khó khăn với Trường An. Nhất là khi anh đã ở Pháp từ khi còn nhỏ, có một vài nơi anh không thông thuộc, thậm chí những nơi mà anh nghĩ sẽ chẳng bao giờ quên được cũng đã biến mất không để lại dấu vết.

"Dạ cho con hỏi bà có biết nhà của bà Năm Phổ ở đâu không? Con theo địa chỉ hồi con đường này vẫn chưa quy hoạch đổi tên tìm tới nhưng mà thấy số nhà không tương đồng nữa."

"Con hỏi nhà Năm Phổ hả? Bả bán bún ở đầu chợ Bến Thành phải không?"

Trường An không biết người mà những người xung quanh đây chỉ rốt cuộc có phải là người mà anh muốn tìm hay không. Nhưng có một chút tin tức thì vẫn còn tốt hơn so với việc họ nói người mình cần tìm không còn nữa.

"Con cũng không biết có phải là bà Năm Phổ bán bún không nữa. Tại vì địa chỉ này là ba con viết khi còn sống, ba thì chắc là sẽ nhớ mặt của bà nếu gặp nhưng mà ba con mất đã gần hai mươi năm nay rồi. Nay con có chuyện muốn hỏi cho nên mới đến địa chỉ cũ trong giấy này để tìm."

Một người đã lớn tuổi đang ngồi ở gần đó cũng chân thấp chân cao đi đến ngó. Sau khi nhìn dòng địa chỉ trong mảnh giấy trên tay Trường An thì khẳng định chắc nịch.

"Là nhà bà Năm Phổ bán bún đó con, bả ở đây lâu lắc rồi mà nên ông biết rõ lắm. Hồi xưa bả còn có một cô em gái nữa cơ mà cổ thì là người theo cộng sản chống Pháp nên mất lâu rồi. Có một đứa con trai mà sau đó thì có người đến xin nhận nuôi tại vì nhà bà Năm Phổ khi đó đông con lắm, bả nuôi chừng đó đứa con còn không nổi cho nên đành lòng đem đứa cháu trai cho nhà tử tế họ nuôi giùm."

"Dạ đúng rồi, ba con cũng nói như vậy."

"Vậy thì con chịu khó chạy ra chợ Bến Thành đi, bả bán bún ngay đầu cổng chợ đó. Con đến đó hỏi bà Năm Phổ bán bún thì người ta chỉ cho con, chứ mà ở đây đợi bả về thì lâu lắm tại bả bán cả ngày."

Trường An có được thông tin mình muốn rồi thì cũng rất lễ phép chào và cảm ơn bọn họ trước khi rời đi. Anh nghĩ mình sẽ còn phải đến tìm người tên Năm Phổ này vài lần nữa thì mới thoải mái được.

Mặt trời đã lên đỉnh, cái nắng tháng năm oi ả của Sài Gòn khiến người ta mệt mỏi. Trường An cả ngày chạy ngoài đường mà mồ hôi cũng ướt cả áo. Đa phần là anh phải đi bộ để tìm cho nên giữa trời nắng muốn bề đầu này lại càng thêm hoa mắt chóng mặt.

"Cho tô bún đi dì Năm."

"Có liền, có liền đây..."

Trường An đứng ở một góc đủ gần để nhìn người phụ nữ đã chạc bảy mươi chân thấp chân cao múc từng tô bún đem tới bàn khách. Anh có một niềm tin rất mãnh liệt là mình đã tìm đúng người rồi cho nên cũng bắt chước người ra ngồi vào bàn gọi bún.

"Cho con một tô bún."

"Con ăn bún gì?"

"Dạ...sao cũng được ạ, bún gì cũng được."

Trường An ngồi đợi bà Năm đem bún ra cho mình thì nghe những ông chú ở bên cạnh nói chuyện thế sự. Họ nhắc về Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ với những tư tưởng và suy nghĩ chẳng giống nhau. Có người thì cảm phục họ đã làm cho chính quyền miền Nam phồn thịnh. Còn có người thì lại cảm thấy việc phồn thịnh của miền Nam này chẳng khác nào cả đời sống dưới sự bảo hộ của cường quốc thích chiến tranh. Thế mà khi có ai đó nhắc đến Lê Công Luận thì tất thảy đều chửi, họ chửi không tiếc lời thậm chí còn nói hắn chết như thế còn chưa xứng đáng.

Họ kể về kết cục bi thảm của phó tư lệnh uy quyền một thời. Một người rất giỏi nhưng lại chọn nhầm con đường. Thế rồi họ lại nói về hậu duệ của hắn, mặc dù chẳng làm gì nhưng vẫn bị chửi như thể cha làm thì con chịu.

"Bún của con đây."

"Cảm ơn bà."

Bà Năm bán bún này có lẽ cũng không phải là một người phụ nữ dữ tợn và chua ngoa. Thế nhưng khi bà nghe người ta chửi đến hậu duệ của Lê Công Luận thì lại lớn tiếng nhắc nhở.

"Ăn thì ăn lẹ đi còn về, chữ nghĩa thì không tới đâu mà toàn nói chuyện thiên hạ thôi."

"Mà tụi tui nói có sai cái gì đâu bà Năm. Phải mà thằng chó đó còn sống thì giờ không biết bao nhiêu người phải chết vì nó rồi đó. Bà Năm chắc quên năm xưa cô Sáu Hoa em bà Năm cũng bị lính dưới quyền nó bắn chết hả. Nó chỉ huy đám lính kia đi truy sát cộng sản, nhớ năm đó biết bao nhiêu người chết chỉ vì sự độc đoán và tàn nhẫn của nó."

"Tụi bây có chửi thì chửi nó thôi, mắc cái giống ôn gì mà cứ chửi con nó. Thiệt tình luôn, năm mà nó chết thì con nó chắc cũng chỉ mươi tuổi, mà mười tuổi thì biết đi hại ai mà bây cứ nói như vậy tội chết con người ta."

Mặc dù bà Năm đã lên tiếng nhưng đâu đó vẫn còn những người không chịu buông bỏ được sự ghét bỏ mà không ngừng nói cho hả dạ mình.

"Trời ơi, cái máu ác nhơn đó là di truyền rồi. Đừng nói là mười tuổi, tui nói cho dù có mới sinh thì sau này nó lớn lên nó cũng sẽ bị nhiễm cái máu tàn độc đó thôi. Thứ dòng dõi ác nhơn đó mà làm ông to bà lớn thì chỉ có hại người chứ tốt đẹp cái gì. Trâm anh thế phiệt cuối cùng cũng thành tay trắng thôi. Năm đó ngôi nhà lớn nhất nhì Gia Định của Lê Công Luận ở Đại lộ Bonard bị người ta đánh sập để xây trường mà tui hả dạ quá trời quá đất."

Một đũa bún nhai trong miệng không cách nào nuốt xuống cổ được nhưng cũng chẳng biết phải tranh luận với họ cái gì. Anh không muốn nghe những lời này nhưng chẳng biết hơn thua với họ để làm gì khi mọi lời bên vực dành cho Lê Công Luận đều là sai.

"Không ăn hả con? Không hợp khẩu vị con hả?"

"Dạ không phải..."

Trường An thực sự đã rất nóng lòng muốn hỏi những câu chuyện của quá khứ mà anh chưa được biết. Nhưng ngại nơi này quá nhiều người cho nên anh vẫn phải nhẫn nhịn chờ thời cơ. Bà Năm Phổ thấy anh lần đầu ghé hàng bún này nhưng ăn xong đã lâu cũng không có ý định rời đi cho nên cảm thấy kì lạ mà hỏi.

"Con muốn hỏi cái gì à? Sao bà thấy con nán lại đây là để làm gì đó phải không? Con muốn hỏi thăm ai thì cứ hỏi bà, bà biết thì bà chỉ cho."

Cuối cùng sự nhẫn nại cũng được đền đáp, Trường An trước tiên lấy ra tờ địa chỉ mà ba mình đã viết trong nhật kí đưa cho bà Năm Phổ nhìn. Nhận ra đó là địa chỉ cũ của nhà mình thì bà lại nhìn Trường An bằng thái độ dè chừng khác hẳn.

"Làm sao mà con có địa chỉ cũ này? Bà nhớ là chưa từng gặp qua con bao giờ."

Trường An vẫn chưa vội trả lời mà một lần nữa lấy ra bức thư tay của ba mình viết vào cái ngày nhận nuôi anh.

"Dịch giả Hòa Bình, con là gì của cậu ấy mà lại có thứ này?"

Bà Năm phổ vừa hỏi nhưng đôi mắt đầy vết chân chim đã nheo lại nhìn vào gương mặt của Trường An. Cho đến khi bà nhìn ra được điểm tương đồng trên gương mặt của anh thì không kìm được xúc động mà lôi anh ra phía sau hàng bún để né tránh.

"Con là..."

"Con là người mà ba Bình đã nhận nuôi, ba con đã mất ngay sau khi con qua Pháp. Sau này khi con đọc nhật kí của ba con thì con mới biết nên đã tự mình đi tìm."

"Mười sáu năm qua rồi, cậu Hòa Bình đã mất mười sáu năm rồi, nhanh quá."

Bà Năm Phổ lén lau nước mắt của mình xong rồi lại như chẳng biết chuyện gì nữa mà nhìn Trường An cười nói.

"Không ngờ là con lớn lên lại đẹp trai sáng sủa như thế này. Gặp lại con bà cũng mừng quá vì không nghĩ là còn có thể gặp lại cơ mà."

Biết là bà Năm đang cố tình né tránh phải trả lời câu hỏi của mình cho nên Trường An càng phải kiên trì nắm bắt.

"Con chỉ muốn biết sự thật thôi, nếu hôm nay không có câu trả lời thì ngày mai con lại đến. Mai không có thì ngày mốt, cho đến khi người cuối cùng biết tất cả mọi thứ không còn tồn tại nữa thì con mới từ bỏ."

"Con biết để làm gì? Cứ như vậy mà sống cho nhẹ lòng, người đã khuất không muốn tương lai của con bị đánh đổ cho nên đã chọn im lặng. Bà nghĩ con cũng hiểu bà nói gì đúng không cho nên cái gì đã qua rồi thì cứ cho nó qua đi, vùi chôn tất thảy xuống ba lớp đất không ai biết đến nữa."

"Cha của con là Lê Công Luận có phải không? Bởi vì ông ấy là Lê Công Luận cho nên mới không một ai nói cho con biết."

Bà Năm nghe tới câu này thì giả bộ không hiểu gì rồi cứ bình thản làm việc của mình. Cái tên Lê Công Luận này thực sự không nên nhắc tới. Nếu nhắc tới để chửi người ta còn đồng tình, nhưng đây là tự nguyện nhận máu mủ thì lại mang một đời cay nghiệt.

"Bà trả lời cho con biết đi, đó là sự thật đúng không? Và tất cả những điều mà ba con viết trong này không phải là do ông ấy tưởng tượng ra."

"Bà không biết gì cả, cũng không biết đời sống cá nhân của Lê Công Luận làm sao có thể nói bừa. Dịch giả Bình là một tác giả thì biết đâu đó chỉ là một câu chuyện mà cậu ấy muốn viết lên thì sao?"

"Vậy còn gương mặt của con thì sao? Chính bản thân con còn nhận ra càng ngày con càng giống ông ấy ngày trước. Ngay cả cái tính cách khốn nạn này cũng tự nhiên sinh ra mà không cần bắt chước ai cả. Bấy lâu nay con cứ cố chấp nghĩ kẻ khác cũng sẽ giống mình nhưng mà sự thật thì không. Cái bản chất này, gương mặt này nó đều không như những gì mà con nghĩ."

"Đi đi...đừng cố chấp nữa, sẽ không ai thương nếu mang trên người thân phận đó đâu."

Trường An còn muốn nói nhiều thứ, muốn tìm ra tất cả những gì mà bấy lâu nay anh không dám thừa nhận vì chẳng tỏ đúng sai. Bất chợt lại thấy xung quanh mình có rất nhiều người, có thể họ chưa nghe thấy gì nhưng nếu lúc này anh còn mở lời thì chẳng có gì đảm bảo những dòng chữ trong cuốn nhật kí kia mãi mãi là bí mật nữa.

Bà Năm Phổ nhìn người ra người vào tấp nập đến hỏi han mua bán thì trong lòng lo lắng không thôi. Bà vờ như mình bận rộn mà đẩy Trường An ra khỏi nơi an toàn ban nãy sau đó buông một câu như muốn dứt khoát lại vừa không nỡ.

"Đi đi con, quên hết đi. Sống cuộc đời hiện tại cho tốt và hãy nhớ rằng bản thân mình xuất thân trong sạch là được."

"Cho mấy tô bún đi bà Năm."

"Dạ tới đây..."

Bỗng nhiên lại thấy mình cô đơn đến lạ, anh cũng đã rất nhiều lần nếm qua cảm giác khóc vì một chuyện nhưng lại không dám kể cho bất cứ ai. Mười mấy năm qua được sống bằng một thân phận quá trong sạch cho nên tội nghiệt đều phải để người khác gánh thay mình.

[Từ sau khi trở về từ Huế và đón được Trường An đến cùng ở nhà của anh Luận thì mình lại có một niềm an ủi nho nhỏ từ con trai rồi. Mình không ngờ là anh Luận lại hợp với Trường An đến vậy. Tình cảm giữa hai người phát triển rất tốt, nhiều khi thằng bé còn quên luôn là có người ba này ở bên cạnh. Ăn cơm cũng chạy theo bác Luận của nó, lúc trước ngày nào cũng đòi ngủ với ba mà kể từ khi có bác Luận của nó thì ba này cũng ra rìa. Muốn bông đùa với Thái Hưởng chắc là chúng ta chỉ là bảo mẫu thôi, con trai nhỏ bây giờ còn quấn ông kẹ hơn hai người cha này rồi.]

[Sài Gòn, ngày 26 tháng 4 năm 1953. Danh Quốc đã viết.]

.............................

[Chẳng hiểu sao mình cứ luôn cảm thấy giữa anh Luận và Trường An có một loại tình cảm nào đó rất khó diễn đạt. Mình đã không thể ngủ suốt một tuần nay chỉ vì vô tình trông thấy gương mặt của anh Luận và con trai mình lúc ngủ. Thực sự là giống nhau lắm, giống đến đáng sợ. MÌnh không dám suy nghĩ nhiều vì sợ sẽ làm mọi người xung quanh ảnh hưởng nhưng mỗi ngày mình đều nhìn ra được sư hòa hợp đó mình lại không thể làm lơ. Mình quyết định rồi, cho dù có thế nào mình cũng phải trở lại nhà mẹ đẻ của Trường An để hỏi. Mình thực sự muốn biết rốt cuộc điều mình suy nghĩ là đúng hay sai.]

[Sài Gòn, ngày 25 tháng 7 năm 1953. Danh Quốc đã viết.]

.................................

[Vẫn là sự thật, cứ ngỡ mình đã nuôi một đứa trẻ thật bình thường chẳng thể nào ngờ được nó lại là hậu duệ duy nhất và cuối cùng của của anh Luận. Thật buồn vì anh ấy không biết sự tồn tại của nó, nhưng thôi thì mình sẽ giữ bí mật này đến chết. Mình muốn Trường An sau này lớn lên sẽ không cảm thấy tự ti vì thân phận của mình. Mình càng không muốn thấy con trai bị người đời mắng chửi, nguyền rủa vì dẫu cho anh Luận có tốt thì vẫn là kẻ bán nước khiến bao người căm giận. Thằng bé vẫn sẽ là Phạm Trường An mà không phải là Lê Thế Huân khiến người ta căm ghét sau này.]

[Sài Gòn, ngày 01 tháng 08 năm 1953. Danh Quốc đã viết.]

Trường An ngồi ở trong xe nhớ lại tất thảy những dòng nhật kí mà ba mình đã viết thuở sinh thời mà ôm đầu khóc lớn. Cuối cùng ai cũng tưởng anh sẽ sống thật tốt nhưng sự thật lại chẳng như vậy. Sống trong sự dằn vặt, đề phòng và tự ti một cách thầm lặng. Chẳng một ai biết đến quãng thời gian sau khi anh đến Pháp đến tận bây giờ rốt cuộc đã chịu đựng những tổn thương gì.

"Làm sao đây cha ơi, làm sao con có thể để người khác chịu thiệt thay mình được. Nhưng con phải làm cách nào bây giờ, con không đủ can đảm để thừa nhận mọi thứ ở hiện tại. Tại sao năm đó cha lại không nhận ra con? Tại sao năm đó ba lại giấu tất cả mọi người? Tại sao lại không để mọi thứ kết thúc ở thời điểm đó đi để bây giờ con sống cũng thấy khổ sở. Làm sao họ chấp nhận con đứng trên bục giảng? Làm sao có thể trơ trẽn nhận hết quyền lợi mà nhà họ Phạm cho con. Con chỉ muốn làm một người bình thường thôi."

Trời đã tối rồi nhưng Trường An vẫn không về nhà mà một lần nữa đến nằm ở ngôi mộ đất. Hôm nay Thành An không đến vì cậu nghe lời đợi anh ở nhà. Vì thế cho nên bây giờ anh có thể thoải mái mà nói ra lòng mình với người nằm ở dưới ba lớp đất sâu kia.

"Hôm nay cha ôm con ngủ đi, con cũng muốn nhìn thấy đom đóm bay khi gió nổi lên nữa."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro