Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hoa nắng

Trời bắt đầu vào hạ, nắng ngày càng vàng rực rỡ mỗi buổi sáng sớm và mưa cũng đua nhau vỗ đều trên những cánh phượng đỏ như lửa vào mỗi chiều...

Thời tiết mùa hè Sài Gòn rất kỳ khôi, hệt như bản tính con gái, sáng nắng chiều mưa. Nắng thì nắng ghê lắm, nắng cháy da cháy thịt, nắng đốt cả mặt đường, mái tôn, ghế đá,...chỉ duy nhất mấy chùm phượng đỏ là cứ vô tư nhởn nhơ với cái nắng dữ dằn gay gắt đó. Như thế những bông hoa đỏ chói trên cao kia đang trêu chọc người ta vậy. Rồi đến mưa, mưa thì mưa cũng chẳng kém gì nắng, mưa dai dẳng, nặng hạt và lạnh buốt. Có những buổi chiều người ta nhìn thấy cả dòng họ nhà mưa đang nhảy tung tăng ngoài đường, mưa rào, mưa vừa, mưa to, mưa cha, mưa mẹ, mưa con, mưa anh, mưa chị, mưa ông, mưa bà, mưa chú, mưa bác...lần lượt xuất hiện trên bầu trời đen kịt, chỉ cần đợi chú gió ra hiệu là thi nhau rơi tự do xuống mặt đất...

Một ngày cứ vậy trôi qua với đủ hai thái cực thời tiết, lúc quá nóng, lúc thì quá mát thậm chí là cảm thấy lạnh lẽo...Nhưng đa số người ta không đủ sức chịu nổi một buổi trưa nóng bức đến vậy, mặc dù những cơn mưa mát mẻ không cách xa họ bao nhiêu, thế là tôi lại được mẹ gọi ra giúp.

Mẹ tôi có một xe nước sâm ở ngã tư gần nhà. Xe nước này không đóng vai trò gì lớn lao trong thu nhập của gia đình tôi, nhưng vì ở nhà tôi thường vắng người nên mẹ đã xin ba mua một chiếc xe bán nước sâm làm giết thời gian. Trong một năm, khoảng thời gian mẹ "ăn nên làm ra" nhiều nhất chính là lúc này, mùa hè. Khi những con nắng cứ mặc sức làm cổ họng người đi đường khô đi thì nước sâm trong xe cứ tự nhiên vơi đi với một tốc độ chóng mặt, chính lúc này tôi được mẹ tuyển ngay vào làm nhân viên cho "công ty giải khát" của mình. Ban đầu chỉ là đi lấy nước sâm từ nhà đem ra ngã tư cho mẹ, nhưng do thấy tôi quá vụng về, cứ lấy đi một thùng đầy thì ra tới ngoài xe nước đã mất đi một phần. Mẹ nhìn cái thùng đã vơi đi một phần nước, than thở:

-Con ơi là con! Tiền ơi là tiền!

Sau này, tôi được chuyển công tác sang hẳn bộ phận bán hàng, có nghĩa là đứng bán nước cho khách, lấy tiền và thối tiền. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải như vậy đối với một thằng con trai vụng về chỉ biết đá banh, chơi điện tử suốt ngày thì công việc đó dường như là một nỗi gian truân. Nếu chỉ việc về nhà xách cái thùng nước ra cho mẹ thì tôi chỉ việc đối phó với mỗi cái thùng, đằng này đứng bán đồng nghĩa với việc tôi phải đối phó với biết bao nhiêu thứ, nào là nước sâm, bao bị, dây thun, tiền,...và cả những người khách của mẹ tôi. Và để tự tin đảm nhận công việc mới, tôi đã mất gần cả tuần lễ để tập múc nước cho vào bịch, cột dây thun, tính nhẩm...

Đó là chuyện của mùa hè đầu tiên tôi được mẹ gọi ra giúp mẹ. Còn bây giờ đã là lần thứ hai, những việc kiểu như xách thùng nước sâm từ nhà ra ngã tư hay đứng bán hàng cho mẹ đã không còn là quá sức với tôi, thậm chí, đó chỉ là chuyện vặt vãnh. Tôi bây giờ đã trở thành một nhân viên có quá thừa kinh nghiệm, đến nỗi có những bữa mẹ bận tiếp những người bạn của mẹ ở nhà, thì tôi vẫn có thế đứng bán cho đến tận khi hết buổi trưa rồi đẩy xe về nhà. Mặc dù trình độ bán nước sâm đã sắp tới ngưỡng thượng thừa, sắp ngang hàng với "giám đốc", tôi vẫn lo lắng không biết cách đối phó với những vị "khách đểu" như thế nào.

Tôi gặp "khách đểu" trong lần đầu tiên bán nước giùm mẹ. Ban đầu thì vị khách này cũng không tỏ ra gì là khác biệt so với những người khác, cũng ăn mặc đàng hoàng, mồ hôi lăn đầy mặt mày, giọng nói cũng tỏa ra hơi nóng khô khốc mang từ ngoài trời vào,...và dĩ nhiên cũng kêu một li nước sâm! Mọi chuyện bắt đầu trở nên khó khăn sau khi người khách này uống xong li nước của ông ta. Đặt chiếc li thủy tinh lên thành xe đánh cạch một tiếng, người đàn ông này cất bước vô tư đi qua chiếc xe và tôi như thể ông ta đã trả tiền từ đầu. Ông ta bước đi thản nhiên đến nỗi tôi phải kinh ngạc. Ông ấy cứ tưởng vật cần phải để lại chỉ là cái li thủy tinh không bằng vậy. Nhưng tôi biết người đàn ông này còn phải để lại tiền trong túi ông cho tôi nữa, tôi gọi theo hốt hoảng:

-Này bác, bác chưa tính tiền...từ từ đã...

Người đàn ông quay lại, nhìn tôi chăm chăm, rồi nói giọng tỉnh queo:

-Hôm nay tao không có tiền...

-Nhưng bác đã...

Người đàn ông ưỡng người về phía tôi, móc lòi ra hai chiếc túi quần trống không, kênh mặt:

-Lỡ uống rồi thì sao? Hay mày đến đây móc họng tao ra mà lấy lại nước?

-Nhưng...

Cả người tôi bắt đầu nóng lên, mồ hôi bắt đầu tươm ra đầy trán. Tôi biết bây giờ tôi đã gặp phải rắc rối, nhưng thật sự không biết làm sao. Trong trường mặc dù tôi chưa bao giờ chịu thua một cái miệng nào trong những trận cãi tay đôi nhưng cái loại không biết lí lẽ này thì tôi đành bó tay. Tôi bực dọc nghĩ thầm: "nếu gọi công an thì cũng chẳng để làm gì, chỉ có ba ngàn đồng thôi mà; còn nếu tôi tự giải quyết thì với sức mạnh của một thằng thanh niên như tôi, chuyện cho lão già này đo ván cũng không là quá khó nhưng người ta sẽ hiểu lầm tôi hành hung lão vô cớ; còn nếu tôi bỏ qua cho lão thì...". Khốn nạn thật, vừa lúc nãy người ta vây đầy xe nước của tôi, thế mà bây giờ, khi lão giở trò thì chẳng còn một ma nào đứng đây nữa...

Không chờ tôi phải trả lời, lão tiếp:

-Vậy thì thôi nhé...

Không đợi dứt câu, lão ta lủi nhanh vào khu chợ gần đó, bỏ mặc tôi đang há hốc mồm với câu nói đang bỏ dở kia vì quá sốc và kinh hoàng...

Từ đó về sau, tôi luôn lo lắng một ngày nào đó mẹ sẽ biết chuyện này. Rồi mẹ sẽ lại nhìn tôi, nhìn ngăn tiền và cất giọng não nề:

-Con ơi là con, tiền ơi là tiền!

Nhưng đó chỉ là lo hão. Bấy giờ có lẽ như mẹ nghĩ tôi đã quen thuộc với công việc này và hoàn toàn có đủ kĩ năng cũng như kinh nghiệm để hoàn thành nó nên ngoài việc mang thung nước khác ra cho tôi, mẹ chẳng bao giờ kiểm tra tôi như mấy ông thanh tra hay làm ở trong chợ.

Bất thình lình, tôi trở thành chủ xe nước sâm ở ngã tư trong suốt một mùa hè. Như được mách bảo, "đồng bọn" của lão già kia nhận ra điều này và bọn chúng cứ việc kéo tới ngày càng đông. Mùa hè đầu tiên của ông chủ tội nghiệp như tôi phải tiếp đến hơn hai chục tên khách như lão già hôm bữa, tên nào tên ấy mặt dày như vỏ thép xe tăng, mắng rát cả họng cũng không xi nhê một tẹo nào huống chi lấy li mà chọi vào mặt...Không còn cách nào khác, tôi cứ nhượng bộ, đến nỗi đã có thằng nhóc gọi xe nước của tôi là xe nước miễn phí, gọi tôi là thằng nhát gan. Nhưng tôi không nhát, tôi chỉ không biết phải làm thế nào thôi!

***

Mùa hè thứ hai, tức là hiện tại, tôi vẫn chưa bắt gặp một vị "khách đểu" nào. Có lẽ vì suốt thời gian vừa qua, "khách đểu" chỉ toàn thấy mặt mẹ tôi ở xe nước nên không dám hó hé. Hay là đã có chuyện gì xảy ra, có thể mẹ đã cho một kẻ muốn uống chùa nào đó một trận nên nhớ đời, nhưng mẹ đâu có kể tôi nghe gì đâu? Nhiều nỗi băn khoăn cứ hiện lên trong đầu tôi khi nghĩ về xe nước. Lỡ khi bọn chúng đã thấy tôi trở lại mới bắt đầu xông vào xâu xé thùng nước sâm của tôi, nghĩ đến việc có một chục "khách đểu" vây kín xe nước, mỗi tên một li, múc lấy múc để còn tôi thì đứng chôn chân dưới đất, nhe răng cười...tôi đã không thể nào thở một cách nhẹ nhàng nỗi...

Những người khách không trả tiền đã trở thành nỗi lo ngại lớn nhất của tôi. Dù mẹ không thể biết bằng cách trực tiếp. Nhưng cây kim không thể giấu mãi trong bọc. Nếu có quá nhiều kẻ uống chùa, nước sẽ hết mau nhưng tiền thì chẳng có là bao và để giấu mẹ, tôi sẽ phải rót nước ít hơn, người ta sẽ nói tôi bán ngày càng mắc. Và cuối cùng, chỉ còn "khách đểu" ở lại với tôi!

Ngày ngày tôi chỉ mong viễn cảnh bi kịch ấy diễn ra càng xa hiện tại càng tốt. Hoặc là ông trời hay ban cho tôi một cách nào đó để chóng lại những kẻ thích uống chùa....Nhưng nói chung, hè năm nay, tôi vẫn chưa gặp một tên nào!

***

Rồi chẳng được bao lâu! "Khách đểu" lại đến thăm tôi, nhưng lần này tôi không buồn!

Hôm đó là một ngày hè nóng bức như mọi ngày hè khác. Người ta đến uống nước chỗ tôi đông như mọi khi, nước sâm cạn nhanh chóng, thùng nước thứ hai được xách ra cũng bốc hơi hơn phân nữa trong vòng một tiếng đồng hồ sau.

Mặt trời vừa lên thiên đỉnh! Nắng chói chang phủ đầy mặt đất. Tôi đứng khép người vào trong tấm bạt ở một nhà gần đó, không để những tia nắng gay gắt có cơ hội thiêu đốt da thịt mình.

Trời nóng, từng phút trôi qua lại càng nóng dữ tợn hơn. Chả mấy chốc người ta đã không chịu nổi sự oi bức ngột ngạt của không khí ngoài trời lúc này, những bóng người đi bộ dần dần bốc hơi vào không khí, đường xá vắng tanh chỉ còn nắng và những chiếc xe máy chạy vụt qua vụt lại như bị ma đuổi.

Bỗng có một chiếc xe đạp không biết từ đâu trờ tới, tiếng bánh xe ma sát với mặt đường nóng hổi tạo nên một thứ âm thanh khó chịu... Từ vị trí của tôi lúc này thì không thể nhìn thấy người đạp xe vì đã bị chiếc xe nước sâm cản mất. Do trời quá nóng và tôi thì đang tạm mát mẻ trong bóng râm nên tôi cũng không tính sẽ ra bán nước lúc này. Tôi nghĩ chỉ cần bước ra đó năm phút thi cả người tôi sẽ chảy như một que kem. Thế là tôi đứng im chỗ cũ, không thèm động đậy chân tay. Bất giác, người đạp xe nghiêng đầu nhìn qua chỗ của tôi. Đó là một nữ sinh!

Em nhìn thấy tôi, nhưng lại sợ tôi không phải là người bán nước nên em lại đưa mắt nhìn quanh. Nhìn quanh quẩn một hồi, em cũng chỉ nhìn thấy tôi là kẻ duy nhất đứng gần chỗ xe nước. Tôi bắt gặp ánh mắt bối rối của em và em định cất tiếng gọi, nhưng tôi đã lên tiếng trước:

-Em uống nước sâm hả?

Nghe thấy tôi lên tiếng như thể vớ được phao cứu sinh, mắt em rạng rỡ hẳn lên.

-Ba ngàn hả anh?

Tôi không đáp, chỉ gật đầu và bước ra, vội vàng lấy cho em một li sâm thật đầy. Nhưng khi tôi đưa li nước cho em, thì em không đưa tay ra đón lấy. Hai cánh tay em cứ đan chặt vào nhau, ánh mắt em luống cuống xung quanh tôi, em và cái li nước sâm đầy, miệng em lí nhí:

-Nhưng em...không đủ tiền!

Nói xong, mặt em cứ âu lo nhìn tôi, em lại tiếp tục lí nhí:

-Hay là anh bớt lại một chút đi, em chỉ uống hai ngàn thôi!

Ngay câu nói đầu tiên của em, tôi đã định giật lại li nước và rủa thầm: "thì ra cũng là một bọn uống chùa, mặt mày xinh xắn thế kia, thật quả là 'Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều' mà". Nhưng chưa kịp làm gì thì câu nói kia của em đã dập tắt mọi suy nghĩ xấu xa của tôi về em. Em không phải là bọn uống chùa kia, em "lương thiện" hơn nhiều. Nghĩ vậy tôi hỏi tới:

-Một chút là bao nhiêu?

Không cần phải suy nghĩ, em đánh bạo:

-Một phần ba li nước này!

Em trả lời tôi theo cách suy nghĩ của em, và đối với tôi, nó hồn nhiên ngây thơ quá đỗi. Nó là một bông hoa trắng tinh khôi trong một khu vườn đầy những bông hoa ác kiểu như "lại đây móc họng tao đi". Bỗng nhiên tôi không muốn làm khó dễ em thêm một chút nào, tôi muốn dành cho em trọn vẹn cả...li nước sâm ấy mà không cần phải bỏ ra một thứ gì. Tôi nói, giọng như đấng tối cao đang phán xét:

-Thôi cho em đó, em cứ tự nhiên uống đi nha. Hôm nay trời nắng quá sao em lại không mang nón...?

Vừa nói tôi vừa nhìn lên mái tóc ngang vai của em, đó là một mái tóc đẹp, rất dầy và mềm mại. Dù chỉ là nhìn thôi, tôi cũng có thể cảm nhận được y như tôi đang lấy tay sờ vào mái tóc đó vậy. Nắng rọi lên tóc em, ngay đến nắng gay gắt thế kia cũng trở nên dịu dàng khi chạm đến tóc em.

Mãi mơ màng với mái tóc đẹp ấy, tôi không hay em đã nói cảm ơn với tôi từ khi nào.

Bóng em cùng chiếc xe đạp mờ dần ở đằng xa cũng là lúc nắng nhường chỗ cho những đám mây đen ùa ùa kéo tới. Cánh phượng bắt đầu rung rinh. Mặt đường bắt đầu tí tách. Hôm đó, khi đêm về, những hình ảnh của em, khuôn mặt xinh xắn, mái tóc ngang vai dưới nắng, những câu nói "lương thiện",...bỗng đâu tràn kín tâm hồn tôi. Khi ấy, tôi biết trong lòng tôi vừa có một trận động đất lớn, chắc rồi đây sẽ còn có sóng thần nữa cho mà xem.

***

Không hiểu làm sao em lại có thể là trận động đất trong lòng tôi. Không hiểu sao tôi đây, với ngọn lửa căm thù bọn uống chùa chưa bao giờ nguôi lại có thể cho không em li nước mà chẳng thấy bực bội tí nào, thậm chí còn thấy vui vẻ là đằng khác. Không hiểu sao tôi chẳng còn thiết tha gì nữa với li nước sâm khi em đã đứng trước mặt tôi, mặc dù trước đó nó là cả một tình yêu với tôi. Hàng tá thắc mắc cứ xen kẽ với hình ảnh em hiện lên trong tâm trí tôi kể từ khi tôi gặp em.

Tôi không tin tôi đã thích em, tôi không nghĩ tình cảm giữa con trai và con gái đến nhanh như vậy. Mặc dù tôi không phải là đệ tử nhà Phật trong lĩnh vực yêu đương, nhưng tôi cũng không phải là tay chuyên đánh bắt những mối tình. Tôi chỉ là tên nhát gan canh xe nước sâm miễn phí ở ngã tư.

Đau đầu vì những suy nghĩ lung tung về em, mà chính tôi cũng không hiểu vì sao lại như vậy, tôi không thể nào ngủ được một giấc cho ra hồn. Và để sáng mai có thể tiếp tục ra ngã tư làm tên nhát gan, tôi đưa ra một tuyên bố:

-Em làm nên những thay đổi kì lạ trong tôi là vì em là một đứa con gái quá "lương thiện".

***

Những điều tôi dự đoán là đố có sai. Hai hôm sau trận động đất, sóng thần ùn ùn đổ bộ.

Lần này em tới gặp tôi, không còn mặc đồng phục nữa, mà thay vào đó là một bộ quần áo xanh da trời. Quá đẹp trong một buổi sáng nhiều nắng! Trông thấy em tôi đã ngay lập tức nhận ra "người lương thiện" - cơn động đất bí ẩn của tôi, tôi liền cất giọng chào.

Em dường như cũng đã thấy tôi từ trước, chỉ đợi tôi chào là đáp lại ngay. Tôi thấy nên bắt đầu cuộc gặp gỡ bằng chuyện gì đó vui vẻ, nhưng tôi và em chỉ mới gặp nhau có một lần. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi mở màn bằng cách chọc em về chuyện hai hôm trước:

-Hôm nay em uống li đầy hay hai phần ba?

Tưởng em sẽ đỏ mặt xấu hổ trước lời chọc đó nhưng không, em đáp lại, giọng tỉnh rụi:

-Như hôm bữa, li đầy anh à!

Bây giờ em lại đùa lại tôi, ý em trong câu nói kia đã quá rõ, em muốn cả một li miễn phí như hôm kia đây mà. Không ngờ, "người lương thiện" cũng không hề "lương thiện" trong trường hợp này tí nào. Nhưng lỡ đã coi em như một bông hoa trắng độc nhất trong vườn hoa ác, tôi đành phải chiều em thôi. Ý nghĩ đó làm tôi buồn bã như thể sóng thần sắp đè sập đầu tôi trong vòng ba phút nữa vậy.

Nhưng mà sóng thần "lương thiện" khác với những sóng thần bình thường, nó chỉ hù người ta thôi, nó chỉ làm cho người ta ôm đầu chờ bị đè bẹp dí thôi chứ chẳng bao giờ đổ lên đầu bất kỳ ai, trong đó có tôi. Uống xong, em lôi ra từ trong túi áo hai tờ tiền, cười:

-Em trả anh tiền.

Hai tờ giấy bạc vừa nằm xuống trên thành xe thì em đã vụt đi trong ánh nắng vàng rực rỡ buổi sáng. Tôi không biết tôi vừa nhận được gì từ em, ba ngàn hay là một trò tinh nghịch?

***

Những lần sau đó, tôi lại gặp em, nhưng lần này tôi đã đề nghị với em cứ uống miễn phí đi, mặc cho em ra sức phản đối, tôi vẫn không thèm nhận tiền của em. Tôi bảo:

-Em lấy tiền ấy mà mua bắp nướng cho anh đi.

-Em lấy tiền đó mà mua khoai lang cho anh đi.

-Em lấy tiền...

Và cứ mỗi lần như vậy, tôi lại nhận được đúng thứ mà mình nói. Riết rồi tôi không dám nói nữa, vì em sẽ làm. Em nói em không thích sự không công bằng. Nhưng em không biết, ngay từ lần đầu tiên, tôi đã ghét sự công bằng nhảm nhí này rồi, với tôi, công bằng không thể được tính bằng những li nước sâm vô hồn. Những điều này chỉ được áp dụng với em thôi, còn những đối với những người khác, công bằng vẫn là trên hết, dù cho nó có được tính bằng hạt bụi.

Cuối cùng, tôi cũng đã gạt bỏ được sự công bằng giữa tôi và em. Và bọn "khách đểu" chẳng thể nào biết được, dù mặt bọn chúng có dày hơn vỏ xe tăng, dù đầu bọn chúng có cứng như sắt đá bê tông, thì "trình độ" của bọn chúng cũng chẳng thể nào sánh được với em. Vì bọn chúng phải hét lên "lại đây móc họng tao đi" thì mới mong uống chùa được, còn em thì "không đánh cũng thắng". Nghĩa là tôi đây sẳn sàng cho em uống tự nhiên tùy vào ý thích của em. Nhưng em không bao giờ muốn "xâu xé" thùng nước sâm của tôi, từ khi "không được phép" trả tiền nữa, em uống rất ít, hình như là chỉ uống cho có thôi mà ngồi lại nói chuyện với tôi thì rất lâu.

*** 

Chẳng mấy chốc phân nửa mùa hè đã trôi qua. Chẳng mấy chốc tôi đã thân với em. Chẳng mấy chốc mà tôi đã quên hẳn những tên "khách đểu" hôm nào.

Những chùm phượng vĩ bắt đầu rụng nhiều hơn mỗi khi gió thổi qua. Hè đã đi được phân nửa, chả lẽ hoa phượng cũng đã chán. Nhưng tôi thì chưa bao giờ chán, mỗi ngày gặp em ở xe nước, được nói chuyên tùm lum tùm la với em, được dâng tặng em dù chỉ là một li nước sâm, tôi cũng cảm thấy mình thật vui sướng.

Trong những điều em nói, làm tôi nhớ nhất chính là hoa nắng! Vì sao thì tôi cung không hiểu.

Tôi nói:

-Anh ghét nắng quá, nắng cháy da cháy thịt!

Em ngược lại hoàn toàn:

-Em thì thích nắng, nắng tươi vui, nắng rực rỡ, nắng ấm áp...hoa nắng đẹp lắm!

Tôi không công nhận những điều em nói nhưng tôi tò mò về "hoa nắng".

-Hoa nắng là gì?

Em nhăn mặt suy nghĩ trong chốc lát rồi cho tôi hàng loạt những ví dụ:

-Hoa nắng chính là giọt sương buổi sớm mai trên lá được mặt trời rọi vào, hoa nắng là những đốm nắng đủ hình thù dưới bóng cây, hoa nắng nở đầy mặt sông dợn sóng...

Dừng lại một chút, em nói tiếp:

-Hoa nắng đẹp như sao của ban ngày, hoa nắng rực rỡ hơn mọi loài hoa trên trái đất.

-Hoa nắng có giống như hoa phượng rơi đầy sân trường không?

Tôi chọt một câu lãng nhách vào vì đầu óc tôi chẳng hình dung nổi hoa nắng của em ra như thế nào. Chắc do nó quá đẹp, nên em nhất thời không thể dùng từ ngữ mà lột tả hết vẻ đẹp của nó.

-Không đâu anh, hoa nắng đẹp và lung linh hơn hoa phượng nhiều.

Từ chỗ ngã tư có thể thấy được có một cây phượng ở phía xa, cây phượng này đang độ nở hoa sung mãn nhất. Hoa đỏ che cả lá cành, hoa đỏ cháy cả một góc trời. Buổi chiều xuống nhìn cứ ngỡ là có hai mặt trời đang thi nhau lặn vậy. Cây đẹp là vậy, nhưng khi nghe em chê hoa phượng không bằng hoa nắng của em, tôi nhận ra cây cũng như thấp xuống, hoa như nhạt hơn đôi phần...

-Hoa nắng là niềm vui, là hy vọng, là tương lai, là sự ấm áp vô bờ... Anh có thấy loài hoa nào ngày nào cũng nở, và mỗi lúc nó nở, nó lại như kêu gọi những bông hoa khác cùng nở theo chưa? Đó chính là hoa nắng!

Lúc đó, tôi có cảm giác mình đã vừa thấy hoa nắng ở đâu đây, nhưng không biết chính xác nó ở đâu.

***

Tôi chưa bao giờ được thấy nắng mưa gặp nhau. Không nắng thì mưa, không mưa thì nắng, chưa bao giờ tôi thấy lại có mưa trong lúc nắng.

Nhưng tôi và em thì khác. Em thích nắng, tôi ghét cay ghét đẳng thứ làm cháy da cháy thịt con người, đích thị là tôi thích mưa. Vậy mà tôi và em cứ gặp nhau đấy thôi.

Rồi thì cũng có lúc tôi tận mắt nhìn thấy mưa giữa lúc nắng. Ngày đó là ngày em thôi không đến gặp tôi nữa. Mặc cho tôi đứng nép trong chiếc bạt của nhà kết bên, mặc cho tôi ra sức tránh nắng tránh mưa, mặc cho tôi lủi thủi trong một góc ở ngã tư, mặc cho hoa nắng bây giờ giăng đầy trời, lung linh, rực rỡ, đẹp tuyệt vời, em vẫn không đến...

Những giọt mưa rơi xiên xiên qua những tia nắng chói chang giữa trưa hè nóng bức, chúng như hòa quyện vào nhau. Giọt mưa nhờ thế lấp lánh như kim cương, tia nắng nhờ thế mà dịu đi... Vẻ đẹp này giờ chỉ có một mình tôi chiêm ngưỡng. Và tôi chợt nhận ra, khi nắng mưa gặp nhau chính là lúc hoa nắng nở rộ nhất, đẹp nhất, rực rỡ nhất. Và...trước đây đã từng có một mùa hoa nắng tràn ngập xe nước sâm của tôi mà tôi không hề biết, vì tôi là tên vừa nhát vừa ngốc.

Tôi không bán nước nữa, tôi không có khiếu bán nước. Tôi có khiếu dâng nước cho người ta thì đúng hơn. Người ta ở đây chính là em, nhưng giờ em không tới nữa thì tôi đứng cạnh xe nước trông vô duyên quá.

***

Trước đây, tôi có nghe nhạc Trịnh, chỉ đúng một bài: Nắng thủy tinh. Nghe để là nghe thôi, chứ cũng chả cảm nhận cảm trao chi hết. Và nghe nhiều, nên cũng thích hát lảm nhảm theo chỉ duy nhất đoạn đầu tiên:

"Màu nắng hay là màu mắt em...Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm..."

Có một hôm, tôi bị mắc mưa ngoài đường. Là mưa rào. Dù chỉ là mưa rào nhưng cũng đủ làm cảnh vật đường xá trước mặt trở nên mờ ảo như trong giấc mơ. Chính trong giấc mơ đó, bất chợt mắt tôi bị lóa đi như thế có nắng đang chiếu vào từ đằng xa. Thảng thốt, tôi tiến gần lại phía ấy, và...

"...Màu nắng bây giờ trong mắt em"

HCM,

07/07/10

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #ntk