Hoạ mi một mình
Băng "tứ quậy" có bốn đứa: Lâm, Quới Lương, Quốc Ân và Hải quắn. Đã liệt vào hàng "quậy" tất nhiên bốn đứa này phải nghịch tinh khủng khiếp. Nhưng dù sao lớp 9A4 cũng có một điều an ủi: băng "tứ quậy" không phải bữa nào cũng quậy.
Trong khi đó, có một đứa không bị xem là dân quậy nhưng ngày nào cũng gây ra cho bạn bè không biết bao nhiêu là đau khổ. Đó là thằng Dưỡng.
Dưỡng không quậy, không nghịch phá. Cũng không trêu chọc bạn bè. Dưỡng chỉ thích làm nghệ thuật, nghĩa là thích ca hát.
Xưa nay những nguời thích ca hát thường đêm lại niềm vui cho mọi người. Nhưng đó là xét theo lẽ thường. Dưỡng không nằm theo cái lẽ thường đó. Nó nằm một mình một cõi. Lời ca tiếng hát của nó luôn gây khiếp hãi cho những người chung quanh.
Nếu Dưỡng chỉ hát dở thì không nói làm gì. Trong cái thế giới sáu tỉ người này, ít ra có khoảng năm tỉ người hát dở. Và người hát dở chỉ khiến người nghe lắc đầu chứ không khiến thính giả đứng tim.
Dưỡng khiến bạn bè đứng tim, hẳn nó phải có một điểm khác người nào đó. Điểm khác người đó là Dưỡng không hát. Dưỡng rống.
Trong liên hoan văn nghệ cuối năm ngoái, khi giới thiệu "ca sĩ" Dưỡng lên sân khấu, nếu nhỏ Hạnh dẫn chương trình không dặn dò trước "Xin các thầy cô và các bạn bình tĩnh thưởng thức" thì thầy Hiếu và thầy Thừa đã đánh vỡ chiếc ly trên tay, còn cô Kim Anh và cô Hạ Huệ phải vô bệnh việc cấp cứu vì mắc nghẹn rồi.
Nhưng dù sao các thầy cô cả năm mới bị thằng Dưỡng "tra tấn" một lần. Còn tụi 9A4 thì bốn mùa mười hai tháng (à quên, trừ mùa hè ra thì chỉ còn ba mùa chín tháng) không ngày nào là không bị thằng Dưỡng hành hạ đôi tai.
Năm ngoái, lúc tập văn nghệ trước khi biểu diễn chính thức, lớp phó văn thể mỹ Vành Khuyên góp ý với Dưỡng:
- Bạn nhẹ giọng cho dịu dàng một chút. Dân ca phải hát mượt mà tình cảm, có đâu ầm ầm như voi rống vậy.
Thằng Dưỡng nghe Vành Khuyên ví von như vậy thì giận lắm. Nhưng Dưỡng không dám cãi lại, sợ Vành Khuyên nổi quạu gạt tên mình ra khỏi chương trình. Nó gật gù ra vẻ ta đây thích nghe người khác góp y ghê lắm làm Vành Khuyên tưởng bở. Nhưng đến khi lên biểu diễn thì Dưỡng vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí nó còn gân cổ rống to hơn ngày thường cho bõ ghét. Lần đó lớp phó Vành Khuyên tức muốn nổ đom đóm mắt mà chẳng làm gì được.
Nói cho đúng ra, thằng Dường muốn hát nhỏ cũng không được. Trời sinh giọng nó thế. Lúc nói chuyện bình thường giọng nó đã oang oang. Khi đã "làm nghệ thuật", tức là phải gồng mình lấy hơi lấy sức, dễ gì nó chịu "điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe" theo yêu cầu của thiên hạ.
Nhưng nếu đã vậy, chẳng thà nó nín quách đi cho. Khu vườn nghệ thuật rộng thênh thang, sao nó không chọn hội họa như thằng Cung cho thế giới bớt ồn ào, chộn rộn; nó chọn chi nghiệp xướng ca cho bạn bè méo mặt!
Dĩ nhiên những nạn nhân của Dưỡng không phải đứa nào cũng lãnh hậu quả như nhau. Mỗi khi Dưỡng cao Hứng "oanh kích", những đứa ngồi xa thường ít bị "văng miểng" hơn những đứa ngồi gần. Mà đứa ngồi gần nhất trong những đứa ngồi gần lại chính là đứa hay cặp kè với nó nhất. Đó là con nhỏ Hiền Hòa tội nghiệp.
Hiền Hòa ngồi sát rạt bên Dưỡng, mỗi khi nghe thằng này cất tiếng là lấy tay bịt chặt hai tai, bất chấp tình bạn thân thiết mà hai đứa đã tốn công xây dựng mấy năm nay.
Hiền Hòa đã không kể đến tình bạn thì tất nhiên Dưỡng cũng đâu có kể gì. Thấy Hiền Hòa bịt tai, Dưỡng ứa gan, càng ngoác miệng cố rống to hơn.
Giọng thằng Dưỡng rổn rảng đến mức đã nút hai tại lại rồi mà Hiền Hòa vẫn thấy đầu ong ong u u. Nó đành phải rồi khỏi chỗ ngồi, chạy tuốt ra sân, điệu bộ hấp tấp như đang chạy giặc.
Hiền Hòa không "chạy giặc" một mình. Cùng tuôn ra cửa với nó bao giờ cũng có một lô một lốc những đứa yếu bóng vía khác.
Sáng nay cũng vậy, vừa vào lớp, nhét cặp vào ngăn bàn là Dưỡng bắt đầu "mở đài".
Làn điệu trữ tình tha thiết của bản dân ca Ru con qua cái giọng bão tố của Dưỡng bỗng hóa thành những tiếng sát phạt ghê hồn.
Trong thoáng mắt, tụi 9A4 có cảm giác sấm chớp đì đoàng đang kéo về làm rung rinh lớp học.
Thế là Hiền Hòa chạy trước, đám Tú Anh, Bội Linh chạy sau, cả bọn lếch thếch dắt díu nhau chuồn khỏi "hiện truờng".
Thằng Tần ngồi cùng bàn với Dưỡng là đứa có thần kinh thép. Mặc cho Dưỡng ông ổng, nó vẫn cắm mặt vào tập, lẩm nhẩm ôn bài.
Nhưng Tần chỉ đứng vững trước sóng gió được dăm phút đầu. Đến khi Dưỡng bắt qua đoạn điệp khúc "Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con" và đẩy âm thanh lên tới tận... mây xanh thì Tần hết chịu đựng nổi.
Nó quay phắt qua, gầm gừ:
- Đủ rồi mày! Ru như mày, con nít chỉ có ị ra quần chứ ngủ nghê gì.
Tần làm Dưỡng cụt hứng:
- Mày nói gì ?
Tần thảng nhiên:
- Tao nói là mày hát "Hãy khóc khóc đi con, hãy ngủm ngủm đi con" coi bộ đúng với chất giọng khủng khiếp của mày hơn!
Lời chế giễu của Tần làm Dưỡng tím mặt. Nó gân cổ định quát lại nhưng sực nhớ thằng Tần là tổ trưởng của nó, Dưỡng đành nín nhịn.
Nhưng càng nín nhịn càng bực bội, Dưỡng đâm ra cáu con nhỏ Hiền Hòa. Nhỏ Hiền Hòa là bạn thân của nó, lại không phải lo lắng ôn bài như thằng Tần, chẳng có lý gì phải ôm đầu bỏ chạy khiến mấy đứa khác bắt chước chạy theo. Và nếu Hiền Hòa không xử sự như thế, nó đâu có nổi dóa ngoác mồm rống hết cỡ cho thằng Tần cự nự, nhạo báng.
Hiền Hòa không biết thằng Dưỡng đang bực nó. Khi vô lớp, nó vui vẻ quay sang Dưỡng:
- Dưỡng có đem cây thước theo đó không, cho Hiền Hòa mượn đi!
- Không! - Dưỡng lạnh lùng - Ra tiệm mà mua!
Thái độ của Dưỡng làm Hiền Hòa tròn xoe mắt:
- Dưỡng làm sao thê ?
- Chả làm sao cả! - Dưỡng lạnh lùng.
- Dưỡng đừng chối! - Hiền Hòa vẫn nhìn Dưỡng đăm đăm - Nhất định là Dưỡng có làm sao rồi!
Dưỡng không buồn đáp. Nó quay mặt đi, vế giận dỗi.
Nét mặt lầm lì của Dưỡng khiến Hiền Hòa ngạc nhiên quá đỗi. Nó nhíu mày ngẫm nghĩ một hồi vẫn chẳng lần được manh mối nào. Nó biết Dưỡng đang bực nhưng bực chuyện gì thì nó chịu.
Dưỡng quay mặt đi nhưng lại chìa cây thước ra sau:
- Nè.
Hiền Hòa cầm lấy cây thước, tủm tỉm:
- Dưỡng hết bực mình rồi hở ?
- Còn.
Ngập ngừng một thoáng, Hiền Hòa lại hỏi:
- Dưỡng bực Hiền Hòa hở ?
- Ừ.
Hiền Hòa chớp mắt:
- Hiền Hòa có làm gì đâu.
- Có! - Dưỡng vẫn không quay đầu lại - Ai bảo lúc nãy Hiền Hòa bỏ chạy!
- Dưỡng nói thật đấy hở ?
- Thật.
Hiền Hòa liếm môi:
- Thế mọi hôm thì sao ? Mọi hôm Hiền Hòa vẫn bỏ chạy sao Dưỡng không bực ?
Dưỡng không ngờ Hiền Hòa lại hỏi một câu oái oăm như vậy, liền thuỗn mặt ra. Ừ nhỉ, việc Hiền Hòa chạy trốn giọng ca của mình đâu phải mới xảy ra ngày hôm nay. Nhưng mấy hôm trước mình đâu có hậm hực đến vậy ? À phải rồi, tại hôm nay thằng Tần ghẻ tự dưng lại gây gổ với mình, thế là mình cáu lên! Suy nghĩ một thoáng, Dưỡng đã biết ngay lý do, nhưng nó vẫn làm thinh. Nói ra điều đó, Dưỡng sợ nhỏ Hiền Hòa sẽ bảo nó "giận cá chém thớt".
À quên, Dưỡng không làm thinh hẳn. Dưỡng đáp, nhưng lại nói tránh đi:
- Mọi hôm tôi vẫn bực nhưng không nói ra đó thôi!
Lần này, nói xong Dưỡng quay lại.
Hiền Hòa dán mắt vào mặt bạn:
- Thế Dưỡng có muốn từ ngày mai trở đi sẽ không còn bực nữa không ?
- Muốn! - Dưỡng tưởng bở - Hiền Hòa không bỏ chạy ra sân nữa chớ gì ?
- Không! - Hiền Hòa láu lỉnh - Dưỡng đừng hát nữa!
Trong khi Hiền Hòa che miệng cười khúc khích thì Dưỡng gầm lên:
- Trả cây thước đây!
Hiền Hòa giấu cây thước ra sau lưng:
- Dưỡng đừng có xấu chơi như thế. Để Hiền Hòa kẻ xong đã!
Dưỡng nói năng bình thường giọng đã vang vang, huống chi nó lại gầm lên.
Cô Vĩnh An dạy tiếng Anh ngó xuống:
- Dưỡng, Hiền Hòa, hai em làm gì thế ?
Hiền Hòa lí nhí:
- Dạ thưa cô, không có gì ạ.
Dưỡng tái mét mặt:
- Thưa cô, em chỉ... hỏi mượn cây thước của bạn Hiền Hòa thôi ạ.
- Bao giờ đi học cũng phải mang theo thước chứ em! - Cô Vĩnh An lừ mắt - Lần sau em còn hét lên như thế nữa sẽ bị phạt đứng đến giờ ra chơi đấy!
Dưỡng thu nắm tay dưới gầm bàn răng nghiến lại. Nó đang tức con nhỏ Hiền Hòa không để đâu cho hết.
Tức đến mức khi Hiền Hòa đẩy cây thước qua, khẽ nói:
- Trả nè.
Nó lấy tay gạt cây thước ra tuốt ngoài xa.
Ngoài những chuyện vừa xảy ra, nhỏ Hiền Hòa còn một điểm rất đáng để cho thằng Dưỡng bực mình. Đó là giọng ca của Hiền Hòa.
Hiền Hòa hát rất hay. Năm ngoái, khi An Dung và Việt Hà chưa nghỉ học, Hiền Hòa hợp với hai đứa này thành một ban tam ca rất được bạn bè trong lớp ái mộ. Đó là ba giọng "họa mi vàng" của lớp và là niềm tự hào của tổ 1.
Thằng Dưỡng là thành viên tổ 1, tất nhiên cũng hãnh diện về giọng ca thiên phú của các bạn mình. Mỗi khi ban "Tam ca Áo Trắng" Hiền Hòa, An Dung, Việt Hà biểu diễn trong các buổi liên hoan của lớp hoặc của trường, Dưỡng đều đứng dưới hò hét đến khan cổ và vỗ đến rát cả tay.
Nhưng điều đó đâu có nghĩa là Hiền Hòa được quyền chê bai giọng hát của nó.
Nhất là những lúc ngồi trong lớp, Hiền Hòa thỉnh thoảng cũng cao hứng ngân nga đôi ba câu chứ đâu phải mình nó. Những lúc đó, nó đâu có bịt tai, đâu có chuồn ra khỏi lớp. Vậy mà đến khi nó cất giọng, con nhỏ Hiền Hòa lại đùng đùng bỏ đi. Như vậy có khác nào coi thường nó. Có khác nào con nhỏ Hiền Hòa tự cho mình là số một, còn nó số... một ngàn lé chín.
Nhưng dù giận con nhỏ kênh kiệu kia không để đâu cho hết, giờ ra chơi Dưỡng vẫn tò tò theo Hiền Hòa và thằng Tần vào căn-tin.
Tần là con nhà giàu, ngày nào nó cũng bao hai đứa này ăn chè mệt nghỉ. Tổ 1 có cả thảy sáu đứa, không hiểu sao Tần chỉ thích chơi với Dưỡng và Hiền Hòa.
Chỉ trừ thời gian Tần bị ghẻ, Dưỡng và Hiền Hòa lảng ra vị sợ vi trùng ghẻ bò qua người, còn suốt từ năm lớp bảy đến nay, không giờ ra chơi nào mà ba đứa không cặp kè nhau chui vào căn-tin.
Bữa nay cũng vậy, nhưng khác với mọi lần, mặt mày thằng Dưỡng lúc này trông buồn xo. Nó ngồi một đống và múc từng muỗng chè đưa lên miệng một cách uể oải.
- Hôm nay mày có chuyện thế hả Dưỡng ? - Tần tò mò nhìn bạn.
- Không có gì!
- Mày giận ai hở ?
- Không.
Tần không tin:
- Chắc là mày giận tao rồi.
- Không mà.
Dưỡng hờ hững đáp. Lần này thì nó nói thật. Khi nãy, lúc ngồi trong lớp, nó quả có nổi quạu với thằng Tần và nhỏ Hiền Hòa thật. Nhưng nó chỉ điên tiết lúc đó thôi. Bây giờ, Dưỡng đã hết giận rồi. Bây giờ Dưỡng chỉ buồn.
Từ trước đến giờ, Dưỡng chưa bao giờ biết buồn. Nhưng bữa nay thì Dưỡng buồn. Nó cứ thấy lòng nó sao sao ấy.
Xưa nay Dưỡng vốn thích hát hò. Nhưng xem ra thiên hạ không thích nghe nó hát hò. Ở trường cũng thế mà ở nhà cũng thế.
Nó từng bị ăn đòn quắn đít vì tội giữa trưa nổi hứng bất tử hát vang nhà làm ba nó giật mình thức giấc, làm mẹ nó giật mình tuột tay làm vỡ chiếc đĩa quý đang rửa dở.
Ngay cả hai đứa em nó, thằng Dinh và nhỏ Hòe, nó cũng không có cách gì "chinh phục" được. Không dám chạy vắt giò lên cổ như Hiền Hòa, sợ ông anh nổi dóa cốc cho sói trán, nhưng mỗi lần nghe nó cất giọng là thằng Dinh và nhỏ Hòe vờ cắm mắt vào tập hoặc vờ lui cui làm gì đó để mong cho nó nản mà "tắt đài" đi cho. Tất nhiên Dưỡng biết tỏng "ý đồ đen tối" của hai đứa em nhưng nó không có cớ gì để ra tay "trị tội".
Có lần, bị Dưỡng o ép quá, thằng Dinh và nhỏ Hòe đành phải bấm bụng ngồi làm khán giả cho ông anh ca sĩ trổ tài.
Thấy hai đứa em khoanh tay ngồi ngoan ngoãn trước mặt, Dưỡng khoái chí lắm. Hít một hơi đầy, nó nhắm tịt mắt, gân cổ hát: "Con cò bay lả bay la...".
Thật ra thằng Dinh và nhỏ Hòe chịu ngồi làm khán giả bất đắc dĩ chẳng phải sợ gì ông anh. Chẳng qua tụi nó thương anh tụi nó. Xưa nay, tụi nó thấy Dưỡng hát đến đâu người ta ùn ùn bỏ chạy đến đó, có khi Dưỡng còn bị ba mẹ cho ăn đòn vì cái tội hát hỏng lung tung nữa. Cho nên tụi nó muốn chiều Dưỡng một lần. Tụi nó nghĩ mình là em út mà không gồng mình ngồi nghe thì trên đời này chắc chẳng có ai chịu ngồi yên cho Dưỡng "tra tấn". Như vậy thì tội cho ông anh ca sĩ của tụi nó quá!
Nhưng khổ nỗ, dù nhiệt tình đến mấy, thằng Dinh và nhỏ Hòe cũng chỉ có thể giữ bình tĩnh được có một lúc thôi. Khi thằng Dưỡng gào lên: "Dân làng rằng dân làng ơi rằng có biết (biết) hay chăng" thì tụi nó mồ hôi đã bắt đầu lấm tấm trên trán. Thằng Dinh có cảm giác anh nó đang hỏi nó "rằng có điếc (điếc) hay chăng" và tự nhiên nó gật đầu như người mộng du, hai tai ù đặc.
Và đến khi Dưỡng đưa bài hát lên cào trào: "Ai lên lên xứ Lạng (Lạng) cùng anh" thì thằng Dinh và nhỏ Hòe chịu hết xiết. Mặc cho ông anh khẩn khoản rủ lên xứ Lạng, hai đứa nó len lén lạng xuống dưới gầm bàn ngồi thu lu và đưa tay nút chặt tai lại.
Dưỡng đang say sưa trổ tài, không biết khán giả đã chuồn đi từ đời tám hoánh. Mãi đến lúc chuyển qua "tình tính tang tang tính tình", nó mới he hé mắt. Thấy trước mặt trống trơn, Dưỡng lập tức ngay đơ như cán cuốc, giọng ca tắt phụt hệt ra-di-ô bị cúp điện thình lình.
- Dinh! Hòe! - Dưỡng đấm tay xuống bàn, gầm lên - Tụi mày trốn đâu rồi ? Ra đây tao bảo!
Dười gầm bàn vọng lên tiếng lít chít như chuột kêu:
- Dạ, có em.
Dưỡng ngó trật xuống, thấy hai cái đầu đang rụt rè thò ra, nó vừa tức vừa buồn cuời.
Cuối cùng không nhịn được, nó phì cười:
- Tụi mày làm trò gì thế hở ?
- Dạ, tụi em có làm gì đâu ạ! - Dinh xoa xoa mái tóc - Tụi em... tụi em...
Dưỡng chỉ tay ra cửa:
- Tụi mày xéo đi cho tao nhờ! Tao cần là cần những khán giả biết thưởng thức nghệ thuật chứ đâu có cần những cái tai trâu!
Dưỡng nói nặng. Nhưng nghe lệnh "phóng thích" bất ngờ được ban ra, thằng Dinh và nhỏ Hòe mừng khấp khởi, lo co giò vọt lẹ, bụng dạ nào mà ở đó cãi cọ.
Bây giờ nhớ lại cảnh đó, Dưỡng không cảm thấy buồn cười nữa. Nó chỉ thấy lòng hiu hắt, thấy cuộc đời sao vắng kẻ tri âm.
Thấy Dưỡng buông một câu gọn lỏn rồi ngồi trầm ngâm lâu lắc, Hiền Hòa cười nói:
- Không phải Dưỡng giận Tần đâu. Dưỡng giận Hiền Hòa đó.
Dưỡng nhún vai:
- Sai bét mà cũng nói.
Hiền Hòa nheo mắt:
- Thế sao khi nãy Dưỡng hất cây thước văng xuống đất ?
- Văng xuống đất đâu mà văng xuống đất!
Hiền Hòa "xí" một tiếng:
- Nếu Hiền Hòa không nhanh tay chộp thì cây thước đã rớt xuống đất rồi.
Dưỡng lại làm thinh. Nó không muốn thanh minh. Nó không muốn để lộ ra tâm sự của nó. Ly chè đã ăn hết rồi mà Dưỡng cứ ngồi buồn tay khua khoắng mãi. Tiếng muỗng chạm vào thành ly lanh canh bữa khác nghe vui tai mà bữa nay sao nghe buồn quá xá.
Thằng Dưỡng là đứa mau quên. Hôm qua lúc ngồi ngoài căng-tin, mặt mày nó ủ ê là thế, "nỗi buồn nghệ thuật" trong lòng nó sâu thăm thẳm là thế, vậy mà sáng nay vừa đặt chân vô lớp, chưa kịp nhét cặp vào ngăn bàn, nó đã ngoác miệng ổng ổng y như không có gì xảy ra. Y như giọng ca của nó là giọng ca vàng chính hiệu ba con tôm. Y như bạn bè đã hẹn nhau tụ tập đâu từ sáng sớm để nôn nao chờ nó biểu diễn.
Thực ra Dưỡng không quên. Chỉ có điều hôm qua Dưỡng đã hiểu ra rồi. Suốt một đêm trằn trọc, Dưỡng chợt phát hiện ra mình đâu có mộng trở thành ca sĩ. Vậy thì việc gì phải rầi rĩ hay phiền muộn. Dưỡng "làm nghệ thuật" đâu phải để mai mốt bước ra dưới ánh đèn màu. Với Dưỡng, hát hò là niềm vui, là nhu cầu tự nhiên. Mỗi khi cất tiếng hát, Dưỡng thấy yêu đời bao nhiêu thì những khán giả bất đắc dĩ của Dưỡng càng sầu đời bấy nhiêu.
Và sáng nay Dưỡng chứng tỏ cái sự yêu đời khủng khiếp của mình bằng cách vừa ló mặt vô lớp đã gân cổ trình bày ngay bản ruột: Trống cơm.
Dĩ nhiên, Dưỡng thay đổi đâu có nghĩa cả thế giới đều thay đổi theo. Những đứa khác vừa thấy Dưỡng xuất hiện và hắng giọng chuẩn bị lấy hơi đã vội vàng tếch thẳng. Những đứa chậm chân hơn đành bấm bụng nghe hết câu "Tình bằng có cái trống cơm" trước khi kịp ôm đầu biến ra khỏi lớp.
Bản dân ca Dưỡng hát là bản nhạc trữ tình. Nhưng Dưỡng chưa kịp mượn lời ca tiếng hát bộc lộ hết nỗi lòng của mình với bạn bè thì bạn bè đã chuồn không còn một mống.
À quên, vẫn còn một đứa. Đó là Hiền Hòa.
Thoạt đầu Dưỡng chưa phát giác ngay ra điều khác lạ đó. Khi hát, Dưỡng có thói quen nhắm tịt mắt.
Chỉ đến khi bản nhạc gần hết, mở mắt ra, nhìn thấy Hiền Hòa vẫn còn bên cạnh mình, đôi mắt Dưỡng mới chớp lia chớp lịa.
Suốt đêm qua, Dưỡng đã thao thức nghiền ngẫm về... cuộc đời, đã bình tĩnh hiểu rằng việc bạn bè không thèm nghe mình hát là chuyện bình thường, việc thằng Tần cự nự mình là chuyện đương nhiên, việc nhỏ Hiền Hòa bịt tai bỏ chạy là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Dưỡng đã lường trước mọi tình huống. Dưỡng đã cẩn thận dặn mình không nên buồn rầu hay quạu quọ
Nhưng Dưỡng đã không lường được tình huống ngược lại. Dưỡng không tài nào tin được con nhỏ Hiền Hòa chuyên dẫn đầu đoàn người chạy trốn kia hôm nay lại cả gan ngồi lì tại chỗ, vì vậy mắt Dưỡng cứ trố lên kinh ngạc.
Dưỡng kinh ngạc đến mức không còn tâm trí đâu để hát hỏng nữa, đến mức những âm thanh cuồng nộ trên môi Dưỡng đã im bặt rồi, đám bạn "chạy giặc" lúc nãy cũng đã rón rén vào lại chỗ ngồi từ lâu rồi, vậy mà Dưỡng vẫn đứng trơ, loay hoay chưa biết phải làm gì.
Hiền Hòa bên cạnh vẫn ngồi tỉnh, như không nhìn thấy sự lúng túng của Dưỡng. Nó ngồi lặng lẽ nhìn ra cửa sổ, bất động, suy tư, không biểu lộ một cảm giác gì rõ rệt.
Dưỡng liếc bạn, đã mấy lần mấp máy môi tính hỏi nhưng rồi cuối cùng nó đành ngậm chặt miệng. Biết hỏi gì bây giờ ? Chẳng lẽ hỏi tại sao bữa nay Hiền Hòa không bỏ chạy ? Hỏi tại sao bữa nay Hiền Hòa không bịt tai ? Hỏi tại sao bữa nay Hiền Hòa "gan lì tướng quân" như thế ?
Dưỡng không hỏi Hiền Hòa. Nhưng nó đem câu đó thầm hỏi mình. Và nó đoán ra ngay: Đó là do Hiền Hòa sợ mình buồn! Hôm qua ở trong căng-tin thấy mình tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, chắc Hiền Hòa động lòng trắc ẩn. Chắc Hiền Hòa không muốn con mèo bị cắt một tai rồi nay bị cắt thêm một tai nữa. Vì vậy mà Hiền Hòa không bỏ chạy như mọi hôm. Vì vậy mà Hiền Hòa bấm bụng ngồi nghe mình "tra tấn". Tên nó là Hiền Hòa hèn gi nó hiền hòa ghê!
Dưỡng cảm động nghĩ và quay sang bạn, tử tế khuyên:
- Hiền Hòa ra sân chơi đi!
Hiền Hòa quay lại. Nó nhìn Dưỡng mỉm miệng cười nhưng không nói gì.
Dưỡng lặp lại:
- Hiền Hòa ra sân chơi đi!
Hiền Hòa lắc đầu:
- Hiền Hòa thích ngồi đây.
- Tôi sẽ hát nữa đó! - Dưỡng khụt khịt mũi, nó nói với cái giọng như thế nó sắp sửa làm điều gì động trời.
Nhưng Hiền Hòa dường như chẳng để lời báo động của Dưỡng vào tai. Nó lại đưa mắt nhình ra cửa sổ, giọng thờ ơ:
- Dưỡng cứ hát đi!
Thốt nhiên Dưỡng bối rối quá chừng. Nó không biết phải phản ứng ra sao trước thái độ của Hiền Hòa. Mãi nó mới nói được một câu. Và là một câu rất đỗi ngay ngô:
- Hiền Hòa cứ bịt tai lại như mọi hôm đi, tôi không buồn đâu!
Hiền Hòa vẫn ngồi trầm tư. Nó không bịt tai, cũng không đáp lời Dưỡng. Chả rõ nó có nghe thấy Dưỡng vừa nói gì không.
Con nhỏ này nó làm sao vậy nhỉ ? Dưỡng nhìn Hiền Hòa từ phía sau, lòng không rõ nên vui hay nên giận. Nó khẽ nhún vai và uể oải lật cuốn tập trước mặt, chả buồn "làm nghệ thuật" nữa.
Nghĩ cũng lạ, khi Dưỡng ngoác miệng ổng ổng, người ta bỏ chạy thì Dưỡng ấm ức, nhưng khi người ta ngồi lì tại chỗ Dưỡng lại thấy lòng nguội ngắt, chẳng ham hát hò tẹo nào.
Nhỏ Hiền Hòa ngồi lì trong lớp suốt cả tuần lễ sau đó. Nhưng ngày đầu, hễ đặt chân vô lớp là Dưỡng gân cổ hát và trong khi cố tình rống thật lớn, nó kín đáo liếc mắt về phía Hiền Hòa, âm thầm dò xét.
Thấy Hiền Hòa vẫn tỉnh bơ, mặt lúc nào cũng nghoảnh ra khoảng trời xanh bên ngoài cửa sổ, chả xem lời ca tiếng hát của nó ra ký lô nào, dần dần Dưỡng đâm chán.
Bây giờ Dưỡng mới vỡ lẽ: Thì ra chính khi người nghe "khiếp sợ" giọng hát của mình, Dưỡng mới cảm thấy giọng hát đó có giá trị. Còn khi Dưỡng cất tiếng hát mà không ai bịt taii, không ai bỏ chạy thì nó lại cảm thấy thất vọng và hụt hẫng. Nó cảm thấy giọng hát của nó sao mà xoàng quá.
Đã xoàng thì con hát hỏng làm gi cho phí sức, từ ngày thứ tư trở đi Dưỡng ngâm tăm.
Dưỡng thôi "làm nghệ thuật", tụi bạn mừng hết lớn.
Duy nhỏ Hiền Hòa chẳng tỏ thái độ gì. Nó vẫn ngồi tư lự bên cạnh Dưỡng, vẫn đưa mắt nhìn ra cửa sổ với dáng vẻ thẫn thờ. Mình đâu có "tra tấn" nó nữa, sao nó vẫn buồn thiu thế nhỉ ? Dường cắn môi tự hỏi và bâng khuâng quay sang bạn:
- Hiền Hòa làm sao vậy ?
- Hiền Hòa có làm sao đâu ?
Dưỡng chớp mắt:
- Tôi thấy Hiền Hòa buồn buồn.
Thấy Hiền Hòa làm thinh không đáp, Dưỡng tìm cách pha trò:
Hay tại tôi không hát nữa, Hiền Hòa thấy... trống vắng ?
Hiền Hòa quay lại mỉm cười:
- Chắc vậy.
Nhưng nó chỉ nhếch môi một chút thôi. Rồi thu ngay nụ cườii và lại ngoảnh mặt nhìn ra ngoài trời.
- Có gì ngoài đó vậy ? - Dưỡng không kèm được thắc mắc.
- Ngoài đó là ngoài nào ?
- Ngoài cửa sổ ấy. Tôi thấy Hiền Hòa cứ nhìn ra cửa sổ hoài. Gần cả tuần nay rồi.
- Ngoài đó chẳng có gì. Chỉ có mây thôi!
Dưỡng nhún vai:
- Mây có gì hay đâu ?
- Ừ, mây chả có gì hay! - Giọng Hiền Hòa buồn buồn - Chỉ có hợp lại rồi tan ra. Mãi mãi thế.
Đích thị là nó đang buồn chuyện gì! Dưỡng thầm đoán. Cứ theo giọng điệu "triết ly" của nó thì chắc là nó đang buồn về "cảnh đời tan hợp". A, phải rồi, chắc nó đang nhớ đến hai con nhỏ An Dung và Việt Hà. "Tam ca Áo Trắng" ngày nào ríu ra rít như ba con họa mi, nay chỉ còn trơ trọi một mình nó, bảo nó không ủ dột sao được! Hèn gì dạo này chả nghe nó hát hò. Khi lẻ bạn, họa mi đã không buồn hót nữa.
Dưỡng gật gù:
- Thì ra Hiền Hòa đang nhớ An Dung và Việt Hà!
Dưỡng vừa nói vừa nhìn bạn, thấy Hiền Hòa vẫn ngồi im, không thừa nhận cũng không không ra phủ nhận.
Dưỡng tiếp tục cảm khái:
- Chung tổ với nhau bao nhiều năm, lại cùng trong một ban tam ca, nay vắng mất hai người bảo người còn lại không ủ ê sao được!
Không biết thằng Dưỡng có nói đúng tâm trạng của Hiền Hòa hay không mà mặt mày Hiền Hòa mỗi lúc một dàu dàu.
Thấy mình "chia buồn" cả buổi mà Hiền Hòa không hưởng ứng, cứ ngồi đờ đẫn như khúc gỗ, Dưỡng chán quá chẳng buồn "thông cảm" nữa. Nó bần thần bỏ ra sân.
Lúc Dưỡng đi ngang dãy bàn kế cửa ra vào, nhỏ Tú Anh nhìn nó cười cười:
- Cảm ơn Dưỡng nhé!
- Cảm ơn chuyện gì ? - Dưỡng ngơ ngác.
Nhỏ Tú Anh chúm chím:
- Cảm ơn về chứng viêm họng của Dưỡng chứ cảm ơn chuyện gì!
Dưỡng càng chẳng hiểu mô tê gì:
- Tôi bị viêm họng hồi nào ?
- Sáng nay.
- Ai bảo Tú Anh thế ?
- Cần gì ai bảo! - Nhỏ Tú Anh chớp mắt - Hễ hôm nào lớp ta trời yên gió lặng, mọi người không ùn ùn bỏ chạy thì dứt khoát hôm đó Dưỡng bị viêm họng chứ còn gì nữa!
Tú Anh vừa nói xong, ba bốn đứa ngồi quanh đó không nhịn được liền che miệng cuời rúc rích.
Tới đây thì Dưỡng đã bắt đầu hiểu ra nhỏ Tú Anh đang giỡn mặt mình.
Dưỡng thu nắm đấm. Nhưng nhớ ra không thể dùng nắm đấm để đối phó với phụ nữ, nó tính văng bậy một câu gì đó. Nhưng cuối cùng Dưỡng kềm lại được. Nó sực nhớ nó có một thứ vũ khí vô cùng lợi hại , có khả năng gây "sát thương" mạnh gắp trăm lần nắm đấm gấp ngàn lần những lời nói nặng nói nhẹ.
Mắt sáng trưng, nó gật gù nhìn Tú Anh:
- Để chứng minh sáng nay tôi không viêm họng, tôi xin trình bày bản Lý kéo chài...
Không để Tú Anh và các khán giả ngồi cạnh kịp bịt tai, Dưỡng nhắm mặt, gân cổ gào:
- Gió lên rồi căng buồm cho khoái...
Quả như dự liệu của Dưỡng, nó vừa cất giọng tụi Tú Anh, Vành Khuyên, Hiền Hòa lật đật đứng lên khỏi ghế ngay tút xuỵt.
Hiền Hòa vừa tuôn ra cửa vừa trách Tú Anh:
- Bạn chọc Dưỡng chi vậy để bây giờ tụi mình không ôn bài được.
Còn Vành Khuyên thì cười cười:
- Miệng Tú Anh ăn mắm ăn muối, mới hào hứng khen lớp ta hôm nay "trời yên gió lặng" thì lập tức "gió lên rồi"...
Vũ khí của Dưỡng quả là hiệu nghiệm. Nó hát chừng ba câu, hé mắt ra đã thấy tụi Tú Anh biến mất.
Dưỡng khoái chí lắm. Nhưng đáng lẽ đang khoái chí như vậy thì nó không nên ngoảnh đầu lại mới phải. Ngoảnh lại ,thấy nhỏ Hiền Hòa vẫn dán mình trên ghế với cái bộ tịch ảm đảm không hề thay đổi suốt mấy ngày nay, Dưỡng bất giác thấy lòng chùng xuống.
Quả thật, cả tuần nay nhỏ Hiền Hòa như biến thành một con người khác. Hễ vô lớp là nó ngồi một đống, giờ ra chơi cũng chẳng buồn nhúc nhích.
Trước đây thỉnh thoảng nó vẫn hát hò cho bạn bè nghe, giúp bạn bè trấn tĩnh lại sau những đòn "tra tấn dã man" của ca sĩ Dưỡng. Nhưng bây giờ thi lời ca tiếng hát đã tắt trên môi nó. Không những không ngân nga hát hỏng, nó cũng thôi cười đùa, thậm chí không buồn mở miệng trò chuyện với ai, ngay cả với hai đứa bạn thân ngồi hai bên nó là thằng Tần và thằng Dưỡng.
Sự thay đổi của Hiền Hòa khiến Dưỡng hoang mang ghê lắm. Nó cứ lo lo, chả biết có phải vì nó mà Hiền Hòa ra nông nổi này không.
Lúc ngồi trong căng-tin, nó băn khoăn nói với thằng Tần:
- Nhỏ Hiền Hòa lúc này nó sao sao mày ạ.
- Ừ, tao cũng thấy nó là lạ.
Dưỡng chép miệng:
- Nó cứ ngơ ngác như người mất hồn.
- Ừ, nó chả còn vui vẻ như trước! - Tần gật đầu phụ họa - Thậm chí nó chả thèm ra căng-tin với tụi mình.
Dưỡng cắn môi:
- Chắc là nó giận tao.
- Giậ chuyện gì ?
Dưỡng thở dài:
- Chuyện hôm trước tao hất văng cây thước ấy.
- Chắc không phải đâu! - Tần phun viên đá trong miệng ra - Chuyện đó quá lâu rồi, ai mà nhớ.
Dưỡng trầm ngâm một thoáng rồi tiếp:
- Cũng có lúc tao nghĩ nó nhớ hai con nhỏ An Dung và Việt Hà...
- Cũng không phải luôn! - Tần lắc đầu - Tuần trước tao bắt gặp nó, An Dung và Việt Hòa dung dăng dung dẻ ngoài phố. Tụi nó gặp nhau hoài à.
Dưỡng vò đầu:
- Thế thì...
Tần đặt ly chè xuống bàn, giọng ra vẻ từng trải:
- Thôi mày ơi, hơi sức đâu mà tìm hiểu! Tụi con gái chúng phức tạp lắm, thích vui thì vui thích buồn thì buồn, tốt nhất mình đừng để mắt đến tụi nó!
Khi lên giọng đàn anh "khuyên" thằng Dưỡng như vậy, Tần không ngờ nó là đứa "để mắt" đến Hiền Hòa trước tiên.
Hiền Hòa thuộc tổ 1 của Tần, xưa nay vốn học rất khá. Nhưng kể từ hôm "thích buồn thì buồn" tới nay, mới có một tuần mà nó đã "xơi" ngay hai con 2.
Điểm 2 môn toán dù sao cũng có thể chấp nhận được. Năm nay cả khối đứa nhức đầu về toán quỹ tích và dựng hình chứ không phải chỉ riêng Hiền Hòa. Nhưng đến môn dễ như môn sinh của thầy Chiến mà nó cũng lãnh điểm 2 thì tổ trưởng Tần phải méo xệch miệng.
Không cần phải thông minh lắm mới học giỏi môn sinh. Chỉ cần siêng năng, chăm chỉ. Mà gì chứ khoản siêng năng, chăm chỉ thì không ai trong tổ 1 bằng được Hiền Hòa. Xưa nay nó luôn trả bài làu làu và được điểm cao ở các môn sinh, địa và sử.
Vậy mà sáng nay, thầy Chiến gọi nó lên trả bài, lại hỏi một câu dễ ơi là dễ:
- Khi ta đưa tay sờ vào ngọn lửa thì tay ta giật lại, dùng đèn pin chiếu vào mắt thì mắt nhắm, nghe tiếng còi xe ở đằng sau thì quay đầu lại, những phản ứng trên gọi là gì hở em ?
Nó lại đứng trơ ra như cột nhà.
Thầy Chiến có vẻ ngạc nhiên lắm. Từ đầu năm đến nay, thầy mới kêu nhỏ Hiền Hòa lên trả bài chừng một, hai lần nhưng thầy biết nó rất chăm môn sinh của thầy.
Nhưng hôm nay nó làm thầy bất ngờ quá đỗi. Câu hỏi của thầy dễ đến mức mấy đứa lười học ngồi dưới phải buột miệng xuýt xoa, thế mà nó lại không trả lời được.
Thầy nhìn Hiền Hòa, khẽ nhắc:
- Thế phản ứng của cơ thể trước sự kích thích của môi trường gọi là gì ?
Theo bài học thì phản xạ là một phản ứng của cơ thể trả lời kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh. Bất cứ đứa học trò nào chỉ cần nghe tới cụm từ "phải ứng của cơ thể" là đã có thể nhớ ngay ra hai chữ "phản xạ". Thầy Chiến nhắc như vậy rõ là có ý nâng đỡ đứa học trò cưng. Sự nâng đỡ của thầy lộ liễu đến mức các dãy bàn bên dưới lập tức vang lên những tiếng xì xào tỏ ý bất bình.
Nhưng lạ làm sao, dù được thầy Chiến gợi ý quá xá cụ thể như vậy, Hiền Hòa dường như vẫn không nhớ thêm được điều gì.
Mãi một lúc nó mới ấp a ấp úng đáp cầu may:
- Dạ thưa thầy, những phản ứng trên gọi là phản ứng tự vệ để... giữ gìn tính mạng ạ...
Hiền Hòa chưa nói hết câu, cả lớp đã cười ầm.
Còn thầy Chiến thì trán nhăn tít. Thầy nhìn Hiền Hòa bằng ánh mắt ngỡ ngàng:
- Hôm qua em không học bài hả ?
- Dạ.
Hiền Hòa lí nhí đáp, tụi bạn nhìn thấy mặt nó đỏ lên.
- Lần sau, em nhớ ôn tập kỹ lưỡng nghe chưa ? - Khi trả tập lại cho nó, thầy Chiến hắng giọng dặn - Thầy sẽ còn kêu em nữa đấy!
Thằng Tần nhìn Hiền Hòa lủi thủi đi về chỗ ngồi, bụng hoang mang vô kể.
Nó nhích người cho Hiền Hòa bước vô, tặc lưỡi hỏi:
- Hôm qua bạn làm gì mà không học bài ?
Trả bài không được, Hiền Hòa đang xấu hổ không biết để đâu cho hết, nghe thằng Tần hỏi giọng trách cứ, nó đâm quạu:
- Hiền Hòa làm gì kệ Hiền Hòa, Tần hỏi làm chi ?
Hiền Hòa quạu làm thằng Tần quạu theo.
- Sao lại hỏi làm gì! - Tần gầm gừ - Bạn học hành như thế, điểm học tập tháng nay của tổ mình sẽ tụt xuống hạng bét cho mà xem!
Thấy tổ trưởng đem quyền lợi của tập thể ra đe, Hiền Hòa "tắt đài" ngay tút xuỵt. Nó không biết đáp làm sao, chỉ ngồi cắm mặt xuống bàn, nước mắt ứa ra tức tưởi.
Bị Hiền Hòa "phang" một câu như búa bổ, Tần vẫn chưa nguôi giận. Nó quay sang Hiền Hòa, tính nói nặng một câu nữa, chợt thấy mắt Hiền Hòa ngân ngấn nước, nó liền giật mình im thít.
Khi trống ra chơi vang lên, Tần định làm hòa bằng cách rủ Hiền Hòa ra căng-tin ăn chè nhưng liếc mắt trông sang thấy Hiền Hòa mặt lạnh như tiền, nó bất giác cảm thấy ơn ớn.
Nó nháy mắt với Dưỡng và hai đứa rón rén bước ra khỏi bàn, vội vàng chuồn thẳng.
Đặt chân vào căng-tin, Tần ngồi phịch xuống ghế, thở một hôi dài:
- Chán quá!
- Chuyện Hiền Hòa ấy hở ?
- Thì nó chứ ai! - Tần hừ giọng - Nó trả bài không được, làm ảnh hưởng đến cả tổ, thế mà tao hỏi nó, nó lại sửng cồ lên với tao!
Dưỡng vò đầu:
- Ừ, dạo này con nhỏ đó lạ ghê!
Tần bực bội vung tay:
- Tụi con gái là vậy! Tính tình nó mưa nắng thất thường lắm!
Dưỡng cắn môi:
- Tao nghi nó đang gặp phải chuyện gì.
- Chắc ở nhà làm quấy bị ba mẹ cho ăn đòn quắn đít chứ gì!
Dưỡng cười hì hì:
- Nó chứ đâu phải mày.
Tần cầm lên ly chè người phục vụ vừa mang ra:
- Tao nói thật đó. Nếu nó cứ như thế này tao chả buồn nói đến nó nữa.
Dưỡng huơ chiếc muỗng:
- Thì mày từng khuyên tao đừng để mắt đến tụi con gái kia mà.
- Ừ, tao có nói như vậy thật! - Tần thở dài - Nhưng đây là chuyện học tập, tao không thể không để mắt.
- Nhưng từ giờ trở đi mày nhất quyết không "để mắt" nữa ?
- Ừ. Tao chả thèm biết đến nữa. Đứa nào muốn làm gì thì làm. Tao chán giữ cái chức tổ trưởng này lắm rồi.
Thái độ quyết liệc của Tần làm Dưỡng chột dạ:
- Làm gì mày thối chí như vậy. Có gì thì "ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh" rồi từ từ...
- Mày đừng có bắt chước thằng Tiểu Long! - Tần nhún vai cắt ngang - Tao không có "uống nước ăn bánh" gì hết. Nếu nhỏ Hiền Hòa tiếp tụ chả coi tao ra ký lô nào thì tao cứ bỏ mặc.
Dưỡng nghe tổ trưởng Tần ham he thì lo lắm. Nhưng nó cũng chẳng biết khuyên can như thế nào. Nó nghĩ nếu nó ở bào địa vị của Tần, ắt nó cũng điên tiết lên như thế thôi.
Dưỡng vẩn vơ nghĩ, tay lơ đãng múc chè cho vào miệng, thấy miệng sao mà nhạt thếch.
Từ bữa đó, vô lớp Dưỡng đã thôi hát hò. Dưỡng thôi "tra tấn", tụi Tú Anh, Vành Khuyên cũng tho6i bỏ chạy như vịt. Nhờ Hiền Hòa, lớp 94A "trời yên gió lặng" được một thời gian dài.
Suốt một tuần, "ca sĩ" Dưỡng không hát, chỉ lẩn quẩn quanh Hiền Hòa, dò hỏi:
- Hiền Hòa có chuyện buồn phải không ?
- Hiền Hòa đang ốm hở ?
- Hiền Hòa bị ba mẹ ra6'y hở ?
Dưỡng hỏi chục câu, Hiền Hòa trả lời bằng chục cái lắc đầu. Nó lắc đầu và nó tiếp tục lãnh điểm 2 ở môn vật lý và môn lịch sử.
Thầy Hữu dạy vật lý thở dài, không nói gì, chỉ cặm cụi ghi con 2 vào sổ. Riêng cô Nga dạy sử thì nhăn mặt trách:
- Sao em không học bài hở Hiền Hòa ?
Cùng với thày Đoàn dạy thể dục, cô Nga là giáo viên năm ngoái còn lại. Vì vậy cô biết rõ Hiền Hòa. Trước nay, mỗi lần cô kêu lên bảng, Hiền Hòa đều trả bài không vấp lấy một chữ. Nhưng bữa nay nó làm cô thất vọng quá.
Nghe cô Nga hỏi, nhỏ Hiền Hòa cúi gằm đầu. Nó không trả lời thẳng, mà lắp bắp:
- Em xin lỗi cô ạ.
Cô Nga gấp cuốn sổ điểm lại và ngước nhìn cả lớp, nghiêm giọng:
- Cô nhắc lại lần nữa, năm nay là năm cuối cấp, các em phải cố gắng ngay từ đầu, nhớ chưa ?
Cả lớp đồng thanh:
- Dạ nhớ.
Cô trả cuốn tập lại cho Hiền Hòa:
- Em về chỗ đi! Lần sau phải học bài đàng hoàng nghe không ?
Nhỏ Hiền Hòa "dạ" một tiếng nhỏ xíu trong cổ họng và lầm lũi đi xuống.
Lần này không chỉ thằng Tần tổ trưởng mà cả mấy đứa trong ban cán sự lớp đều đưa mắt nhìn theo Hiền Hòa.
Lớp trưởng Xuyến Chi thấy cả lớp bị cô Nga quở trách tính gạn hỏi thằng Dưỡng ngồi ở đầu bàn bên kia nhưng thấy Hiền Hòa đã xuống tới, bèn chột dạ làm thinh.
Lớp phó học tập Hạnh khều Quý ròm:
- Quý này!
- Gì ?
- Quý thấy Hiền Hòa dạo này thế nào ?
- Đẹp lộng lẫy!
Quý ròm pha trò khiến nhỏ Hạnh nhăn hí:
- Hạnh hỏi thật mà Quý cứ đùa!
- Hỏi thật hả ? - Quý ròm hấp háy mắt, rồi nó lấy vẻ nghiêm nghị - Nói nghiêm túc thì gần đây tôi thấy con nhỏ này nó cứ ngơ ngơ ngác ngác như người bị cháy nhà.
- Quý đừng có nói xui! - Nhỏ Hạnh nhăn mặt lần thứ hai.
- Đó là sự ví von cho dễ hiểu chứ không phải nói xui! - Quý ròm cãi - Bộ Hạnh không thấy như thế sao ?
Nhỏ Hạnh thở dài:
- Tất nhiên là Hạnh cũng thấy...
Nó ngập ngừng một chút rồi nói tiếp giọng đăm chiêu:
- Năm nay thi tốt nghiệp mà Hiền Hòa học hành như thế này thì nguy quá!
Quý ròm khịt mũi:
- Đúng là lớp phó học tập có khác.
Rồi nó nhún vai:
- Nhưng Hạnh thì có thể làm được gì ? Tự Hiền Hòa phải ý thức được điều đó chứ ?
Giọng nhỏ Hạnh trầm ngâm:
- Đây không phải là chuyện ý thức hay không ý thức. Xưa nay, Hiền Hòa là một đứa chăm học. Nay nó bỏ bê bài vở thế này hẳn là có nguyên nhân gì đó.
- Bạn hỏi thằng Tần ghẻ xem! - Quý ròm góp ý - Nó là tổ trưởng tổ 1 chắc nó phải biết.
Giờ ra về, nhỏ Hanh lại gần thằng Tần:
- Bạn Hiền Hòa đang gặp chuyện gì thế hở Tần ?
- Ai mà biết! - Tần lạnh lùng.
Nhỏ Hạnh ngạc nhiên:
- Tần là tổ trưởng sao Tần không biết ?
Câu hỏi hàm ý trách cứ của nhỏ Hạnh khiến thằng Tần đổ quạu:
- Tổ trưởng với chả tổ trưởng! Tôi đang tính xin cô Vĩnh Bình cho thôi chức tổ trưởng đây nè.
- Sao lại thôi ? - Nhỏ Hạnh kêu lên - Vì chuyện của Hiền Hòa ấy hở ?
- Chứ còn chuyện của ai! - Tần làu bàu - Có một đứa như nó ở trong tổ thật bực quá đi mất! Bài vở thì về nhà chả chịu học, thế mà hỏi gì nó cũng chỉ nín thinh, chả coi tổ trưởng ra cái củ khoai tây nào cả!
- Mà tao cũng thấy mà có giống củ khoai tây chút nào đâu!
Tiếng Quý ròm thình lình vang lên bên cạnh khiến nhỏ Hạnh lẫn thằng Tần giật mình.
Tần nhìn Quý ròm, hừ mũi:
- Thằng ròm này! Tao nói chuyện nghiêm túc mà mày lại đùa!
- Tao thề là tao nhận xét rất nghiêm túc! - Quý ròm giơ một tay lên trời, láu lỉnh - Tao thấy mày giống trái chôm chôm hơn là củ khoai tây.
Ý Quý ròm muốn trêu mái tóc bờm xờm cửa thằng Tần. Tần trước đây bị ghẻ, đầu cạo nhẵn nhụi, trơn láng, nhưn gkhi hết bệnh, tóc nó dài ra nhanh chóng. Tóc thằng Tần vừa dài vừa quăn tít, trông giống hệt trái chôm chôm. Tụi bạn trhường trêu Tần là trái chôm chôm biết đi.
Thấy Quý ròm giỡn nhây, mặt thằng Tần lập tức sa sầm. Nó thu nắm tay:
- Bộ mày muốn chơi nhau hở Quý ròm ?
Quý ròm gật gù:
- Á, à, bộ mày tưởng những người gầy gò như tao không biết võ hả ? Lầm rồi em ơi!
Quý ròm xăn tay áo:
- Hôm nay tao sẽ ăn chôm chôm mệt nghỉ. Tao sẽ nuốt luôn cả hột.
- Thôi đi, đừng có huênh hoang nữa! - Nhỏ Hạnh níu tay Quý ròm - Thế võ Oshin của Quý chả dọa được mà nào đâu!
Quý ròm chỉ muốn ba hoa cho sướng miệng, chứ thực tình nó đâu có muốn đánh nhau. Vì vậy, nhỏ Hạnh vừa kéo một cái, nó riu ríu đi theo liền.
Nhỏ Hạnh và Quý ròm vừa ra khỏi cổng đã thấy Tiểu Long ôm cặp đứng đởi ở bên ngoài.
- Thế nào ? - Tiểu Long tươi cười bước lại - Hạnh vàng thằng ròm đã điều tra được gì chưa ?
Nhỏ Hạnh ngơ ngác:
- Điều tra gì ?
- Thì điều tra chuyện Hiền Hòa chứ điều tra gì! - Tiểu Long cười hì hì - Khi nãy Quý và Hạnh ngồi nói chuyện với nhau, tôi nghe hết chứ bộ!
Nhỏ Hạnh thở dài:
- Chả có kết quả gì cả! Tần chỉ quạu quọ, không cung cấp được manh mối gì.
Tiểu Long nhíu mày"
- Hạnh hỏi thẳng Hiền Hòa thử xem!
Nhỏ Hạnh lắc đầu:
- Tần chơi thân với Hiền Hòa như thế, Hiền Hòa còn không tâm sự, Hạnh thì ăn thua gì!
Quý ròm tặc lưỡi:
- Bây giờ Hạnh tính sao ?
- Hạnh cũng chưa biết! Nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này, Hiền Hòa sẽ bị lưu ban mất!
Nhỏ Hạnh vừa nói vừa đẩy gọng kính trên sống mũi theo thói quen. Trong nó lúc này đăm chiêu tợn.
Ngày phát sổ liên lạc, Hiền Hòa không đến lớp. Không rõ nó không đến lớp vì biết cô Vĩnh Bình phát sổ liên lạc hay do bận chuyện gì. Nhưng như vậy là may cho nó.
Chờ lớp trưởng Xuyến Chi phát sổ xong và chờ thêm một lát cho học trò tha hồ săm soi và xì xào, cô Vĩnh Bình mới gõ viết xuống mặt bàn:
- Các em yên lặng!
Cả lớp lập tức nín thinh, ngẩng lên nhìn cô giáo.
Cô Vĩnh Bình chậm rãi:
- Tháng này cô nhận thấy lớp ta có tiến bộ hơn so với tháng trước. Năm nay là năm cuối cấp, cô nghĩ các em cũng đã lớn, đã ý thức được sự quan trọng của việc ôn luyện bài vở.
Cô đưa mắt xuống dưới dãy bàn chót:
- Cô đặc biệt biểu dương sự tiến bộ vượt bật của em Lâm và Dỗ Lễ. Cô nghĩ sực học của Lâm và Dỗ Lễ không phải là yếu, chỉ tại hai em lơ là. Khi nào hai chịu chăm chú, kết quả sẽ đổi khác ngay.
Lâm và Đỗ Lễ được cô chủ nhiệm khen, mặt đứa nào đứa nấy như nở hoa. Mấy đứa bàn trên nghoảnh đầu ngó xuống khiến tụi nó vừa hãnh diện lại vừa thèn thẹn.
So với Đỗ Lễ, thằng Lâm sung sướng hơn nhiều. Trước nay nó mang tiếng là thủ lĩnh băng "tứ quậy", tòan là bị thầy cô la rầy, quở trách. Mà ngay trong băng "tứ quậy", điểm học tập của nó bao giờ cũng thấp hơn Hải quắn. Tháng này nó qua mặt Hải quắn một cái vù, nhảy một lúc mười mấy bậc, suýt đứng vào hàng ngũ "top-ten" chứ đâu phải đùa.
Ruột nở từng khúc nhưng ngoài mặt Lâm vẫn thản nhiên. Thậm chí khi Quới Lương huých cùi chỏ vào hông nó tỏ ý chúc mừng, nó vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị đến phát ghét, làm như ta đây được thầy cô khen ngợi là chuyện bình thường, chẳng việc gì phải quýnh lên.
Chỉ có Minh Vương là toét miệng cười hể hả. Minh Vương là tổ trưởng tổ 5, "sếp" của thằng Lâm và Đỗ Lễ. Cả lớp chỉ có tổ nó được cô Vĩnh Bình biểu dương, mà biểu dương một lúc tới những hai đứa, bảo nó không toét miệng ra đến mang tai sao được!
Trong khi Minh Vương hào hứng bao nhiêu thì thằng Tần tổ trưởng tổ 1 xuôi xị bấy nhiêu.
Sau khi biểu dương những đứa tiến bộ, cô Vĩnh Bình bắt đầu nhắc đến những đứa lẹt đẹt. Mà lẹt đẹt nhất trong những đứa lẹt đẹt không ai khác hơn là Hiền Hòa.
Cô Vĩnh Bình cau mày:
- Cô không hiểu sao Hiền Hòa bỗng dưng học tập sút kém đến thế! Mới tháng trước còn xếp hạng 8, tháng này đã tụt xuống hạng chót rồi.
Đúng là con nhỏ này tuột dốc không phanh! Tần lẩm bẩm than thở và cúi gầm đầu, cố tránh tia nhìn xoi mói của cô giáo.
Nhưng cô Vĩnh Bình đâu cần đợi thằng Tần ngẩng mặt lên. Cô gọi:
- Tần!
Tiếng cô giáo làm thằng Tần giật bắn như chạm phải điện:
Nó nơm nớp đứng dậy:
- Dạ.
- Bạn Hiền Hòa hôm nay nghỉ học vì lý do gì em có biết không ?
Tần lí nhí:
- Thưa cô, không ạ.
Cô Vĩnh Bình ngưng một lát, rồi hỏi tiếp:
- Tháng vừa rồi bạn Hiền Hòa có bị ốm đau gì không ?
- Thưa cô, em không biết ạ.
Cô Vĩnh Bình vẫn chăm chú nhìn Tần:
- Thế tại sao bạn Hiền Hòa bị liên tiếp bốn điểm 2, em có biết không ?
Tần nuốt nước bọt:
- Thưa cô, em không biết ạ.
Giọng cô Vĩnh Bình càng lúc càng lạnh băng:
- Em là tổ trưởng mà sao cái gì em cũng không biết hết vậy ?
Tần toát mồ hôi trán, lắp bắp:
- Dạ, thưa cô em... không biết ạ.
Trước lời đối đáp ấm ớ của Tần, dưới các dãy bàn lập tức vang lên những tiếng cười rúc rích. Còn ở trên bảng, cô Vĩnh Bình đang không biết nên cười hay nên khóc. Trán cô nhăn lại một cách khổ sở.
Thằng Dưởng thấy nguy liền thò chân qua đạp thằng Tần một cái.
Bị một cú đạp đau điếng, Tần bừng tỉnh:
- À quên, thưa cô... việc đó thì em biết ạ:
Cô Vĩnh Bình cố trấn tĩnh:
- Việc đó là việc gì ?
- Việc tại sao bạn Hiền Hòa bị điểm 2 đó cô.
- Tại sao ?
Tần hít vào một hơi:
- Thưa cô sở dĩ bạn Hiền Hòa bị tới bốn điểm 2 trong tháng vừa qua là do bạn ấy làm bài và trả bài không được ạ.
Lần này thì tụi bạn trong lớp không kềm được nữa. Những tiếng cười rúc rích khi nãy nhanh chóng biến thành những tràng cười ngặt nghẽo.
Lớp học bỗng chốc náo nhiệt như cái chợ khiến thằng Tần tâm thần vốn bất định càng thêm lo lắng.
Nhìn lên chỗ cô Vĩnh Bình đứng, thấy cô cũng đang nhếch môi như muốn cười, Tần phát hoảng:
- Thưa cô, em nói thật đấy ạ.
Khổ thân thằng Tần, nó càng rối rít thanh mình, tụi bạn càng cười dữ.
Cô Vĩnh Bình chán nản thấy rõ. Cô gõ viết xuống bàn:
- Các em trật tự nào!
Rồi quay sang Tần, cô lắc đầu:
- Em ngồi xuống đi!
Tần ngồi xuống, cảm thấy dưới mông mình không phải là chiếc ghế mọi bửa mà là một tổ kiến lửa.
Cô Vĩnh Bình nhìn lướt qua Xuyến Chi, Vành Khuyên và nhỏ Hạnh, trầm giọng:
- Cô nghĩ các em trong ban cán sự lớp nên lưu tâm hơn nữa đến trường hợp của bạn Hiền Hòa! Các em cần tìm hiểu xem bạn Hiền Hòa gặp khó khăn gì, nếu cần thì báo cáo lại với cô!
May cho Minh Vương, nó là thành viên trong ban cán sự lớp nhưng vì ngồi tít dưới bàn chót nên cô Vĩnh Bình không nhìn thấy. Nếu bắt gặp ánh mặt phiền muộn của cô giáo trong lúc này, hẳn niềm vui về sự tiến bộ của hai tổ viên Lâm và Đỗ Lễ trong lòng nó sẽ sút giảm quá nữa.
Nhỏ Xuyến Chi nghe cô chủ nghiệm quở trách, vội đứng dậy, lễ phép:
- Thưa cô, tụi em sẽ làm theo những gì cô dặn ạ.
Lúc ngồi xuống, nó khẽ quay đầu ném về phái nhỏ Hạnh một cái nhìn đầy ý nghĩa.
Cái nhìn của Xuyến Chi khiến nhỏ Hạnh nhăn mặt. Nhỏ Hạnh là lớp phó học tập, dù muốn dù không cũng không thể từ chối trách nhiệm của mình trong chuyện này.
Thật ra, không đợi cô Vĩnh Bình nhắc nhở, khi thấy nhỏ Hiền Hòa tự dưng bị liên tiếp mấy con 2, nhỏ Hạnh đã tự động đến gặp thằng Tần để tìm hiểu nguyên nhân nhưng chả thu lượm được gì. Tần ù ù cạc cạc, nghe nhắt tới Hiền Hòa mặt lại xụ xuống một đống, rõ chán!
Nhưng nhỏ Hạnh chán thằng Tần thì cứ chán, còn lớp phó học tập gặp tổ trưởng tổ 1 để thi hành nhiệm vụ thì cứ phải gặp. Giờ ra về, nhỏ Hạnh nói với Tần:
- Tần đưa cuốn sổ liên lạc của Hiền Hòa đây cho Hạnh!
Tần trố mắt:
- Chi vậy ?
Nhỏ Hạnh thản nhiên:
- Hạnh sẽ đem đến nhà cho Hiền Hòa.
- Sao tự dưng Hạnh siêng quá vậy ? - Tần thắc mắc - Hiền Hòa đâu có thuộc tổ 4!
- Hạnh muốn gặp Hiền Họa
Thằng Tần tính hỏi nữa nhưng sực nhớ đến nhiệm vụ cô Vĩnh Bình vừa giao cho ban cán sự lớp, nó làm thinh, lục cặp lấy cuốn sổ liên lạc của Hiền Hòa chìa ra:
- Nè.
Năm ngoái nhỏ Hạnh từng đến nhà Hiền Hòa một hai lần nên nó vẫn còn nhớ đường đi. Thoạt đầu nhỏ Hạnh định rủ Tiểu Long và Quý ròm đi chung cho vui nhưng đến phút chót nó bỗng thay đổi ý định.
Chưa biết Hiền Hòa gặp phải chuyện gì, tự nhiên kéo một lô một lốc tới thì quá xá đường đột. Hiền Hòa chơi thân với thằng Tần trước nay, Tần lại là tổ trưởng của nó, vậy mà nó nhất quyết không hé răng, hẳn nó phải có một tâm sự gì khó nói lắm. Và cái tâm sự đó chắc phải nặng nề đến mức nó không còn tâm trí đâu để quan tâm đến chuyện bài vở. Chứ nếu không, một đứa chăm chỉ như Hiền Hòa không thể nào đột ngột học hành suốt kém như vậy được. Nhỏ Hạnh vừa đi vừa băn khoăn nghĩ ngợi, chẳng mấy chốc đã đến trước cửa nhà bạn.
Đó là một căn nhà nhỏ, nhưng phía trước có một khoảnh sân rộng. Cây nhãn đầu hè phủ bóng mát rượi xuống những khóm hoa trồng rải rác dọc lối vào nhà.
Cánh cổng sát song thưa với chiếc ống khóa to đùng lúc này đang chắn ngang trước mũi nhỏ Hạnh. Nó nhìn qua chấn song, ngạc nhiên thấy nhà bên trong cửa đóng im ỉm.
- Sao lạ thế nhỉ ? Giờ này lẽ ra phải có người ở nhà chứ ?
Nhỏ Hạnh chau mày lẩm bẩm. Hiền Hòa hôm nay không đến lớp, sao chẳng thấy bóng dáng nó đâu. Còn ba mẹ Hiền Hòa nữa. Hiền Hòa là con một, nhà chỉ có ba người nhưng vào giờ cơm sao chẳng thấy ai thấp thoáng ? Hay hôm nay gia đình Hiền Hòa có sự kiện gì đặc biệt, cả nhà kéo nhau ra quán ?
Đầu xoay tít với bao nhiêu câu hỏi, nhỏ Hạnh đứng thần người một lúc, rồi chẳng tìm ra câu trả lời nào thỏa đáng, nó tặc lưỡi một cái và lủi thủi quay gót.
Nhưng vừa đi được một quãng, nhỏ Hạnh chợt sững lại. Nó phát hiện ra Hiền Hòa đang từ xa chạy tới.
Hiền Hòa đi đâu về thế nhỉ ? Nhỏ Hạnh tự hỏi và tò mò nhìn bạn, thấy trong giỏ xe phía trước có một cái ga-mên nhiều ngăn. Như vậy là Hiền Hòa vừa đêm cơm cho ai đó.
Hiền Hòa không trông thấy nhỏ Hạnh. Nó đạp từng vòng xe với dáng điệu uể oải, lười nhác.
- Hiền Hòa! - Nhỏ Hạnh gọi.
Nghe có người gọi tên mình, Hiền Hòa giật mình ngơ ngác quanh. Bắt gặp nhỏ Hạnh đang đứng bên đường, mặt nó thoáng biến sắc.
Nó ngoặt xe sát lề và rà chân xuống đường:
- Hạnh đi đâu đây ?
Nhỏ Hạnh đẩy gong kính trên sống mũi, hắng giọng:
- Mình đem sổ liên lạc tới cho bạn.
- Sao Hạnh lại đem sổ cho Hiền Hòa ? - Hiền Hòa lộ vẻ ngạc nhiên - Hạnh có chung tổi với Hiền Hòa đâu!
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Không chung tổ nhưng chung lớp.
Hiền Hòa vẻ như muốn chấm dứt câu chuyện. Nó chìa tay ra:
- Thế Hạnh đưa cuốn sổ đây.
- Gì mà gấp thế! - Nhỏ Hạnh nheo mắt - Bộ bạn không định mời mình vô nhà sao ?
Hiền Hòa từ chối khéo:
- Hôm nay mình bận lắm.
Dường như đoán trước thái độ của Hiền Hòa, nhỏ Hạnh chẳng chút bất bình. Nó liếc về phía cánh cổng:
- Sao nhà bạn giờ này vắng thế ?
- Ừ.
Câu trả lời cụt ngủn của Hiền Hòa chẳng xác nhận điều gì cả.
- Ba bạn đi làm trưa không về à ? - Nhỏ Hạnh vẫn tiếp tục thắc mắt nhìn cái gà mên trong giỏ xe - Mẹ bạn ốm phải không ?
Hiền Hòa Nhìn theo ánh mắt của nhỏ Hạnh, vẫn giọng thờ ơ:
- Ừ.
Nhỏ Hạnh gật gù:
- Hèn gì dạo này bạn không có thì giờ học bài.
Hiền Hòa không nói gì, chỉ nhìn nhỏ Hạnh chờ đợi.
Nhỏ Hạnh hiệu ý, thò tay vô cặp rút cuốn sổ liên lạc ra:
- Nè.
- Cảm ơn Hạnh. Hiền Hòa vào nhà đây.
Nói xong, Hiền Hòa bỏ cuốn sổ vào giỏ xe và quay lưng đạp xe đi.
Nhỏ Hạnh đứng nhìn theo Hiền Hòa, ngạc nhiên thấy bạn không vui. Chắc nó đang buồn mẹ ốm! Nhỏ Hạnh bâng khuâng nghĩ, nó bứt một chiết lá ven đường ngậm trên môi, rảo bước về nha.
Nhỏ Hạnh vừa ngủ trưa dậy đã nghe tiếng chuông cửa. Nó chưa kịp leo xuống khỏi gác đã thấy thằng Tùng thò đầu lên, lấp ló phía sau là Tiểu Long và Quý ròm.
Quý ròm ngồi xuống ghế, thở dài:
- Hạnh lại làm công chúa ngủ trong rừng hở ?
- Ngủ trong nhà chứ không phải ngủ trong rừng!
Vừa đáp, nhỏ Hạnh vừa đáp xuống cầu thang, đi rửa mặt.
Thằng Tùng nhìn hai ông anh:
- Lâu lắm không thấy anh Quý và anh Tiểu Long ghé chơi.
Quý ròm nheo mắt:
- Tao muốn ghé lắm, ngặt nỗi mày tham ăn quá!
Lời bình phẩm của Quý ròm làm Tùng thô lố mắt:
- Em tham ăn hồi nào ?
Quý ròm nhún vai:
- Tao chưa ăn được quả ổi nào trong vườn nhà mày.
- Tưởng gì! - Tùng chép miệng - Em cũng thế thôi! Từ ngày cây ổi và cây tre dời xuống sân nhà cô Bốn Loan, em cũng đâu có ăn được quả nào. Thằng Hưng sún vặt sạch, ngay từ khi quả đang còn non...
Nhỏ Hạnh thò đầu lên:
- Em đừng đổ hết tội trạng cho Hưng sún. Chị thấy cả hai đứa đều thi nhau phá phách nè.
- Tại nó chứ bộ! - Tùng phụng phịu - Nó vặt trước, em cản không được mới sốt ruột làm theo.
Quý ròm nhìn Tùng:
- Thôi, tao xác nhận mày không tham ăn, đồng ý chưa ?
Tùng tươi hơn hớn:
- Đồng ý.
Quý ròm hất hàm:
- Đồng ý thì xuống nhà chơi với con Tai To đi, để chỗ cho người lớn làm việc.
Bị ông anh đuổi thẳng, Tùng xịu mặt, nụ cườii vừa vẽ ra trên môi lập tức tắt ngóm. Nó liếc nhỏ Hạnh một cái rồi vùng vằng lại chỗ đầu cầu thang.
Nhỏ Hạnh không can thiệp vào mệnh lệnh của Quý ròm, nhưng khi Tùng vừa khuất khỏi sàng gác, nó quay qua nhìn bạn:
- Dạo này Quý giỏi bắt nạt trẻ con quá há ?
Quý ròm tặc lưỡi:
- Tôi chỉ không muốn nó nghe chuyện riêng tư của Hiền Hòa thôi.
- Chuyện riêng tư ? - Nhỏ Hạnh tròn mắt - Chuyện riêng tư gì ?
Tới phiên Quý ròm ngơ ngác:
- Chứ không phải hồi trưa Hạnh ghé nhà Hiền Hòa sao ?
Nhỏ Hạnh gật đầu:
- Hạnh có ghé.
- Thế Hạnh không gặp Hiền Hòa sao ?
- Hạnh có gặp.
- Thế Hạnh có trò chuyện với nó không ?
- Có.
- Có trò chuyện chẳng lẽ Hạnh không khám phá ra tại sao Hiền Hòa tự dưng học kém đi à ?
Nhỏ Hạnh lắc mái tóc:
- Chuyện đó thì Hạnh biết rồi.
Không đợi Quý ròm hỏi, nhỏ Hạnh nói luôn:
- Mẹ Hiền Hòa ốm, phải nằm viện. Hiền Hòa lo chăm sóc mẹ nên không có thì giờ coi đến bài vở.
Quý ròm toét miệng cười:
- Thì đó chính là chuyện riêng tư đấy!
Tiểu Long đột ngột lên tiếng hỏi:
- Sao Hạnh biết mẹ Hiền Hòa nằm viện ?
Nhỏ Hạnh chép miệng:
- Thật ra lúc Hạnh đến thì nhà Hiền Hòa cửa nẻo đóng kín mít. Đến khi Hạnh quay đi mới thấy Hiền Hòa đạp xe về, chở theo một cái gà miên. Hạnh hỏi mẹ bạn ốm phải không, Hiền Hòa gật đầu.
Quý ròm ngạc nhiên:
- Thế rốt cuộc Hạnh không vào nhà à ?
- Không! Hạnh đòi vào chơi nhưng chả hiểu sao Hiền Hòa có ý không thích.
- Thế thì lạ thật! - Quý ròm cắn môi.
Nhỏ Hạnh cau mày:
- Hạnh cũng thấy là lạ nhưng không đóan được nguyên nhân.
Tiểu Long không thấy ai hỏi ý kiến mình, liền nhún vai:
- Tôi chẳng thấy có gì lạ cả. Mẹ ốm, Hiền Hòa buồn quá nên không muốn trò chuyện với bạn bè đó thôi!
- Hạnh không nghĩ thế! - Nhỏ Hạnh khẽ lắc đầu - Hạnh nghĩ ngược lại cơ. Chính vì buồn quá nên cần phải có bạn bè bên cạnh cho đỡ buồn.
Đang nói, nhỏ Hạnh chợt "à" lên một tiếng:
- Còn chuyện này nữa.
Tiểu Long và Quý ròm cùng buột miệng:
- Chuyện gì ?
- Hiền Hòa ở nhà một mình. Chả thấy ba Hiền Hòa đâu cả.
Quý ròm thở đánh thượt:
- Có thế mà cũng nói! Có thể ba Hiền Hòa buổi trưa ở lại cơ quan. Cũng có thể ông đang ở trong bệnh viện.
- Dĩ nhiên Hạnh cũng nghĩ như Quý. Nhưng không hiểu sao thái độ của Hiền Hòa lại khiến Hạnh có cảm giác đó là sự vắng mặt không bình thường.
Câu nói của nhỏ Hạnh khiến Quý ròm đâm lo. Nó nhìn Hạnh, ngờ ngợ:
- Ý Hạnh muốn nói là...
Nhỏ Hạnh không trả lời thẳng câu hỏi của Quý ròm. Nó khoát tay:
- Hạnh nghĩ ra cách rồi. Tôi nay Hạnh sẽ gọi điện thoại cho Hiền Hòa.
Quý ròm chứng tỏ nó là người siêu thông minh:
- Để xem ba Hiền Hòa buổi tối có nhà không chứ gì ?
Tiểu Long nghe Quý ròm và nhỏ Hạnh đối đáp, chả hiểu ất giáp gì. Đầu nó hết quay bên này lại ngoảnh bên kia:
- Mấy bạn nói chuyện gì thế ? Tại sao ba Hiền Hòa buổi tối lại không có nhà ?
Quý ròm nheo mắt nhìn bạn:
- Đó là Hạnh nghi thế thôi!
Tiểu Long vò đầu:
- Các bạn cho là ba Hiền Hòa bỏ nhà đi đâu à ?
- Đại khái là vậy!
Quý ròm mỉm cười. Và nó đứng lên:
- Bọn này về đây!
Nhỏ Hạnh gật đầu:
- Các bạn yên chí đi! Tối nay Hạnh sẽ biết phỏng đóan của mình có đúng hay không ?
Nhỏ Hạnh nói chắc như đinh đóng cột. Nhưng sáng hôm sau đến lớp gặp Tiểu Long và Quý ròm, nó thở dài xuôi xị:
- Chả có kết quả gì cả!
Quý ròm ngạc nhiên:
- Tôi hôm qua bạn không gặp Hiền Hòa sao ?
- Gặp.
- Thế bạn ngần ngừ không dám hỏi à ?
- Có hỏi. Nói chuyện một hồi, Hạnh đột ngột hỏi "Ba bạn đi vắng à ?"...
Tiểu Long sốt ruột chen ngang:
- Thế Hiền Hòa đáp sao ?
- Hiền Hòa nói "Không. Ba mình đang ở nhà". Thế là Hạnh không biết nói gì nữa. Chẳng lẽ Hạnh nói cho Hạnh gặp ba của bạn ?
Trong khi Quý ròm cau mày trầm ngâm thì Tiểu Long khịt mũi:
- Như vậy thì không có gi đáng lo!
Quý ròm nhún vai:
- Vẫn đáng lo như thường!
- Đáng lo chuyện gì ?
Quý ròm khẽ đưa mắt qua dãy bàn Hiền Hòa ngồi, hạ giọng:
- Đáng lo ở chỗ tụi mình không biết Hiền Hòa nói thật hay nói dối.
Tiểu Long ngơ ngác:
- Ý mày muốn bảo ba Hiền Hòa không có nhà nhưng Hiền Hòa vờ nói có ư ?
- Có thể như thế lắm!
Tiểu Long ngờ nghệch:
- Tại sao Hiền Hòa phải làm như vậy ?
Nhỏ Hạnh chậm rãi:
- Chẳng ai muốn người ngoài biết chuyện lục đục trong gia đình mình. Hiền Hòa cũng thế.
Tiểu Long dường như sợ Quý ròm và nhỏ Hạnh chưa biết mình ngợ nghệch, lại giương mắt ếch:
- Đã vậy mình cố tâm tìm hiểu chuyện người ta muốn che giấu làm chi ?
Nhỏ Hạnh tặc lưỡi:
- Bởi vì chuyện đó ảnh hưởng đến việc học tập của Hiền Hòa.
Quý ròm bổ sung:
- Mình phải tìm hiểu để nghĩ cách giúp bạn, hiểu chưa hở ngốc ?
Nhỏ Hạnh chợt "a" lên một tiếng khiến Quý ròm giật mình:
- Gì thế ?
Nhỏ Hạnh đưa tay vỗ vỗ trán:
- Hạnh nghĩ ra cách rồi. Hạnh sẽ nhờ ba Hạnh gọi điện thoại đến nhà Hiền Hòa.
Quý ròm gục gặc đầu:
- Tuyệt! Đơn giản thế mà tôi không nghĩ ra!
Tối đó ăn cơm xong, Quý ròm và Tiểu Long kéo đến nhà nhỏ Hạnh.
Ba nhỏ Hạnh nhấc điện thoại:
- A lô!
Tiếng Hiền Hòa ở đầu dây bên kia:
- Thưa, bác cần gặp ai ạ ?
Không biết ba Hiền Hòa tên gì, ba nhỏ Hạnh lúng túng đưa mắt nhìn bọn trẻ.
Nhưng bọn Quý ròm cũng chẳng khá gì hơn. Đứa nào đứa nấy thuỗn mặt ngơ ngác. Đến lúc này, nhỏ Hạnh mới biết mình lơ đễnh quá. Tên ba mẹ Hiền Hòa có trong cuốn sổ liên lạc nhưng nó không để ý.
Nhưng ba nhỏ Hạnh không hỏ là nhà báo. Ông chỉ bối rối một thoáng rồi nhanh chóng tìm ra lối thoát:
- Cháu cho bác gặp ba cháu một chút!
Tiểu Long, Quý ròm, nhỏ Hạnh ba cái miệng đồng loạt thở phào. Và lập tức bai cái mũi nín thở, sáu cái tai dỏng lên lắng nghe tiếng trả lời của Hiền Hòa vọng ra từ ống nghe:
- Thưa bác, tối nay ba cháu trực ở cơ quan ạ.
- Cảm ơn cháu nhé.
Ba nhỏ Hạnh buông máy, quay lại nhìn bọn trẻ:
- Thế là ba của bạn Hiền Hòa không có nhà rồi.
Tiểu Long thở dài:
- Thì ra Quý và Hạnh đã đóan đúng.
Nhỏ Hạnh chép miệng:
- Nhưng làm sao biết được lần này Hiền Hòa không nói dối ? Chắc gì ba nó đi trực ở cơ quan.
Ba nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Muốn kiểm tra chuyện đó không có gì khó!
Nói xong, trước những cặp mắt tò mò của bọn trẻ, ba nhỏ Hạnh bỏ đi ra nhà sau.
Lát sau, ông đi lên cùng mẹ nhỏ Hạnh.
Mẹ nhỏ Hạnh mỉm cười với Tiểu Long và Quý ròm rồi đi thẳng lại chỗ đặt máy điện thoại.
Bà nhấc mấy:
- A lô!
Vẫn tiếng Hiền Hòa ở đầu dây bên kia, vẫn với câu hỏi lễ phép:
- Thưa, bác cần gặp ai ạ ?
Mẹ nhỏ Hạnh đáp bằng giọng nhẹ nhàng:
- Bác cùng chung cơ quan với ba cháu. Bác muốn gặp ba cháu có chút việc.
Dù đề phòng hết sức cẫn thận, Hiền Hòa vẫn còn quá khờ để biết đuợc đây là chiếc bẫy của bọn Quý ròm. Nghe mẹ nhỏ Hạnh xưng là người làm chung cơ quan với ba nó, nó bèn thay đổi câu trả lời.
- Thưa bác, ba cháu đi dự đám cưới không có nhà ạ! - Hiền Hòa đáp một cách bình tĩnh.
Cám ơn cháu.
Mẹ nhỏ Hạnh gác máy, cười với bọn trẻ một cái rồi quay gót.
- Thế là rõ rồi! - Nhỏ Hạnh nhìn hai bạn, giọng đượm âu lo - Ba Hiền Hòa không đến cơ quan, cũng không đi dự đám cưới.
Tiểu Long chớp mắt:
- Hay là ba nó vào bệnh viện ?
Quý ròm nhún vai:
- Nếu ba nó vào bệnh viện thì chẳng việc gì nó phải nói quanh như thế!
Lý lẽ Quý ròm đưa ra vững chắc đến mức Tiểu Long hết ham góp ý. Nó trở lại là thằng Tiểu Long hay hỏi:
- Thế ba Hiền Hòa đi đâu ?
- Thôi, các cháu bàn cách giúp bạn đi nhé! Ba nhỏ Hạnh nói, và khoan thai bước vô phòng làm việc, dường như ông rất tin tưởng vào bọn Quý ròm.
Còn lại ba đứa, Quý ròm nhìn nhỏ Hạnh:
- Tính sao đây Hạnh ?
Nhỏ Hạnh trầm ngâm đáp:
- Có lẽ bọn mình phải đến nhà Hiền Hòa.
- Chi vậy ? - Tiểu Long hỏi.
Giọng nhỏ Hạnh đượm bâng khuâng:
- Ba đi vắng, mẹ nằm viện, Hiền Hòa phải vừa làm vệc nhà, vừi tới lui chăm sóc mẹ nên không có thì giờ học bài. Mình phải tới đó giúp Hiền Hòa một tay.
Tiểu Long băn khoăn:
- Nhưng Hiền Hòa không muốn tiếp bọn mình kia mà ?
- Không tiếp thì kệ nó! - Quý ròm thản nhiên.
- Kệ sao được mà kệ! Nó không chịu mở cổng thì bọn mình chỉ có nước khóc.
Quý ròm nhếch môi:
- Mày yên chí. Tao sẽ có cách.
Hiền Hòa có tài thánh mới biết được "âm mưu" của Quý ròm.
Chiều đó, nó đang lui cui quét sân bỗng nghe có tiếng ồn ào trước cổng, liền dừng chổi ngó ra.
Nó nhìn thấy ba ông nhãi mặt mày bặm trợn đang rượt đuổi một ông nhóc ốm nhom. Bốn ông mãnh rượt nhau ngoài đường, hò hét ỏm tỏi.
Ra là một đám đánh nhau! Hiền Hòa lẩm bẩm, nhưng ngay lúc định cúi xuống quét tiếp, mắt nó bỗng trố ra.
Khi ông nhóc nhỏ con bị ba đối thủ chặn đầu và ép sát vào lề đường, Hiền Hòa sửng sốt nhận ra ông nhóc đó chính là Quý ròm.
Quý làm gì mà bị bọn kia vây đánh vậy kìa ? Hiền Hòa hoang mang tự hỏi và nơm nớp quan sát diễn tiến trước mặt, bụng loay hoay tìm cách cứu bạn.
Nhưng Hiền Hòa không phải là đứa lanh lẹ, lại kém mưu mẹo. Nó gãi đầu cả buổi, vẫn không nghĩ ra được kế nào, và trong khi nó cúi đầu nhăn mày nhíu trán thì Quý ròm đã bị ba đứa kia nện cho tối mày tối mặt.
Lúc Hiền Hòa ngẩng lên, Quý ròm đang bị ba ông nhóc to như ba con gấu kia cỡi lên người. Thế là không buồn nghĩ ngội thêm nữa, Hiền Hòa hấp tấp nhào ra chỗ cánh cổng, miệng hét tướng:
- Dừng tay lại! Không được đánh nhau! Tôi kêu công an bây giờ!
Vừa la, Hiền Hòa vừa lấy xâu chìa khóa trong túi tra vào ổ, lật đật mở cổng.
Nhưng khi nó ra tới bên ngoài, ba "thủ phạm" chỉ còn là ba chấm nhỏ ở cuối đường. Quý ròm thì vẫn đang nằm bẹp dưới đất.
Hiền Hòa bước lại gần bạn, cúi đầu hỏi:
- Quý đau lắm hở ?
Quý ròm đáp lời Hiền Hòa bằng tiếng rên rỉ thảm thiết trong cổ họng, y như một người sắp chết tới nơi.
Tiếng rên của Quý ròm khiến Hiền Hòa xanh mặt. Nó ngồi xổm xuống cạnh bạn:
- Quý đau ở chỗ nào đâu ?
Quý ròm chỉ tay vào đầu, miệng vẫn không ngừng phát ra những âm thanh thê lương rùng rợn.
Hiền Hòa đỡ lưng Quý ròm, lo lắng:
- Quý cố đứng lên đi. Để Hiền Hòa dìu Quý vô nhà xức đầu.
Chỏi tay một hồi, Quý ròm mới lồm cồm đứng dậy được. Rồi tựa bai vào Hiền Hòa, nó cà nhắc bước chân qua cổng, bụng mở cờ như vư'a bước qua khải hòan môn.
Hiền Hòa vừa dìu bạn vừa hỏi:
- Tụi nó là ai vậy ?
Quý ròm lắc đầu:
- Tôi không biết. Tôi đang đi chơi cùng Tiểu Long và Hạnh, bỗng bị một đám năm, sáu đứa chặn lại xin tiền, tôi mắng tụi nó, thế là tụi nó rượt tôi chạy lòng vòng tới đây...
- Thế Tiểu Long và Hạnh đâu ?
Quý ròm liếc mắt ra phía sau:
- Tiểu Long và Hạnh đang giằng co với hai đứa còn lại.
Hiền Hòa bặm môi:
- Các bạn gặp phải băng du côn chuyên trấn lột học trò rồi.
Quý ròm gật đầu:
- Tụi nó dữ tợn lắm.
Hiền Hòa phụ họa:
- Lại hung ác nữa.
- Ừ, tụi nó đánh đập chẳng nương tay gì cả!
Quý ròm ngoài miệng lên án bọn trấn lột tơi tả nhưng trong bụng thì cười thầm. Quý ròm cười thầm cũng phải, có là Khổng Minh tái thết họa may Hiền Hòa mới biết được ba hung thần thấn lột kia là Vân Châu, Bò Lục và Lam Trường, ba đứa bạn của Quý ròm. Trong khi Hiền Hòa đi lấy dầu, Quý ròm ngồi chễm chệ trên xalông đảo mắt nhìn quanh âm thầm dò xét. Quả như nhỏ Hạnh nói, nhà Hiền Hòa vắng tanh vắng ngắt. Ngoài nó ra, chả có một ai.
Một lát, Hiền Hòa cầm chai dầu ra:
- Quý đau chỗ nào đầu ?
Quý ròm chỉ đại vô trán:
- Chỗ này nè!
Hiền Hòa thấm dầu lên ngón tay rồi xoa nhè nhẹ vô chỗ thằng ròm chỉ:
- Quý chịu đau một chút nhé!
- Hiền Hòa cứ xức đi! Không sao đâu!
Tuy nói vậy, Quý ròm vẫn luôn miệng hít hà, ra vẻ ta đây bị bầm dập ghê lắm.
Thình lình có tiếng reo vang lên từ ngoài cổng:
- Ê, Quý kìa!
Hiền Hòa ngoảnh ra, thấy nhỏ Hạnh và Tiểu Long đang vịn song sắt nhìn vào:
Quý ròm mỉm cười với Hiền Hòa:
- Các bạn ấy thoát được rồi, may quá!
Rồi không đợi Hiền Hòa có ý kiến, Quý ròm quay ra cổng, đưa tay ngoắt:
- Tiểu Long, Hạnh, mấy bạn vô đây đi!
Kế hoạch diễn ra suôn sẻ khiến Quý ròm hào hứng quá. Trong một thoáng, nó tưởng nó là chủ nhà. Nó tưởng Hiền Hòa chỉ là khách đến chơi.
Chỉ đến khi Tiểu Long nhún vai chỉ tay vô chiếc ổ khóa, Quý ròm mới sực nhớ ra thân phận của mình, liền day sang Hiền Hòa cầu cứu.
- Để Hiền Hòa ra mở cổng! - Hiền Hòa nhoẻn miệng cười và cầm xâu chìa khóa đi ra.
Lát sau, Tiểu Long và nhỏ Hanh đã ngồi xuống cạnh Quý ròm.
Hiền Hòa nhình hai người bạn mới đến, lo lắng hỏi:
- Tiểu Long và Hạnh có bị xây xát gì không ?
Tiểu Long quên béng mất vai kịch đang diễn, mắt trố lên ngơ ngác:
- Xây xát gì ?
Nhỏ Hạnh hoảng hốt cướp lời:
- Ờ, lúc đó có xe tuần tiểu của công an đi ngang nên bọn kia chạy mất. Nhờ vậy mà tụi này bình yên vô sự.
Quý ròm sờ tay lên trán, ca cẩm:
- Chỉ có cái thân ròm này là xui.
Nhỏ Hạnh nheo mắt:
- Chứ thế võ Oshin của Quý đâu rồi ?
- Oshin với chả Oshin! - Quý ròm nhăn mặt - Nếu lúc đó Hiền Hòa không can thiệp kịp thời, e rằng giờ này tôi đã nằm bó bột trong bệnh viện rồi cũng nên.
Nghe đến hai chữ "bệnh viện", Hiền Hòa chợt "a" lên một tiếng:
- Chết rồi! Hiền Hòa phải làm cơm đem cho mẹ.
Nói xong, nó ba chân bốn cẳng chạy xuống bếp.
Nhưng Hiền Hòa mới đổ gạo vô nồi chưa kịp vo đã thấy nhỏ Hạnh đứng sau lưng:
- Bạn lên nhà học bài đi! Để đó Hạnh nấu giùm cho!
Vừa nói nhỏ Hạnh vừa đỡ lấy chiếc nồi trên tay bạn.
Hiền Hòa lưỡng lự:
- Kỳ quá! Hạnh tới chơi, ai lại bắt Hạnh đi nấu cơm!
Nhỏ Hạnh liếc bạn:
- Hiền Hòa khách sáo quá! Ba bạn đi công tác, mẹ bạn ốm nằm viện, bọn này giúp bạn một tay không được sao!
Hiền Hoà tính tiếp tục phản đối nhưng thấy nhỏ Hạnh đã ngồi xuống sàn và đưa tay mở vòi nước, nó đứng ngẩn một lúc rồi lúng túng chùi tay vào ống quần:
- Thế Hạnh nấu cớm giùm Hiền Hòa nhé! Mình phải đi quét nốt cái sân rồi mới ngồi học được!
Nhưng Hiền Hòa lên đến nơi đã nghe tiếng chổi loẹt quẹt ngoài sân vọng vào. Nó ngạc nhiên thò đầu ra:
- Tiểu Long, bạn làm gì vậy ? Để đó cho Hiền Hòa!
Tiểu Long chống chổi ngoái đầu lại và toét miệng cười:
- Cái sân này tôi quét nhoáng là xong ấy mà! Bạn đi học bài đi!
Hiền Hòa định chạy ra giành lấy cây chổi nhưng chợt nghe cay cay nơi mắt, nó bèn đứng im.
Tiểu Long vờ như không biết Hiền Hòa vẫn còn đứng đó, cứ thản nhiên đưa từng nhát chổi, miệng không ngừng ông ổng "Tình bằng có cái trống cơm. Khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông... ố mấy bông mà nên bông...".
Bài hát của Tiểu Long làm Hiền Hòa nhớ tới Dưỡng, bất giác nó nhoẻn miệng cười và nhẹ bước quay vào.
Nó ngồi vào bàn, vừa lật tập ra, Quý ròm đã mon men lại gần, sốt sắng:
- Chỗ nào Hiền Hòa chưa hiểu, cứ nói với tôi, tôi chỉ cho!
Được "thần đồng toán" Quý ròm "phụ đạo" là mơ ước của bất cứ học sinh nào, tất nhiên trừ Tiểu Long. Tiểu Long từng thọ giáo sư phụ Quý ròm, từng bị sư phụ quát cho xanh mặt đến bây giờ nhớ lại vẫn còn hãi.
Nhưng nhỏ Hiền Hòa không phải là Tiểu Long, sư phụ Quý ròm đâu nỡ áp dụng "bạo lực" trong khi giảng dạy.
Hiền Hòa thấy Quý ròm tự nguyện kèm cặp cho mình thì cảm động lắm. Gần hai tuần nay, thời giờ không có, bụng dạ lại rối bời, nó không màng rớ tới tập vở.
Hôm nay nếu bọn nhỏ Hạnh không bất ngờ xuất hiện và gánh vác giùm việc nhà cho nó, chắc Hiền Hòa cũng chẳng buồn liếc mắt vô tập.
Hiền Hòa lật cuốn tập vật lý, ngay bài "Đinh luật Ôm", ngước nhìn Quý ròm:
- Quý giảng lại bài này cho Hiền Hòa đi!
Quý ròm là chúa nghịch, thấy bài "Định luật Ôm" thì ngứa miệng lắm. Gặp lúc khác, chắc nó không bỏ lỡ cơ hội tán hươu tán vượn linh tinh.
Nhưng đang trong hoàn cảnh đặc biệt này, Quý ròm chẳng có chút hứng thú nào để trêu chọc.
Suốt cả tiếng đồng hồ liền, nó ngồi nghiêm túc giảng đến khô cả cổ hết hiệu thế U đến cường độ I, hết thí nghiệm này đến công thức khác.
Hiền Hòa ngồi chăm chú nghe, đầu gật gù, chốc chốc lại ngước lên trả lời những câu hỏi của nhỏ Hạnh.
- Cơm chín rồi, giờ hâm thức ăn phải không Hiền Hòa ?
- Hiền Hoà ơi, nước mắm để ở đâu ?
- Hiền Hòa ơi, có nấu canh không ?
Nhỏ Hạnh chạy lên chạy xuống chừng mười lần thì cơm nước đã đâu vào đó.
Lần thứ mười một, nhỏ Hạnh chạy lên nói:
- Hiền Hòa tiếp tục học bài đi, để Hạnh mang cơm vào bệnh viện cho!
- Không được đâu! - Hiền Hòa giật thót.
- Sao không được ?
- Hạnh có biết mẹ mình nằm ở bệnh viện nào, lầu mấy, phòng số mấy đâu!
Nhỏ Hạnh cười:
- Thì Hiền Hòa chỉ cho Hạnh. Có khó gì đâu!
Hiền Hòa lắc đầu. Nó xếp tập, đứng lên:
- Thôi, Hạnh và các bạn ở nhà đi! Để Hiền Hòa mang cơm vào bệnh viện cho!
Nói xong, không để nhỏ Hạnh nài nỉ thêm, Hiền Hòa vội vã đi xuống bếp, cho mọi thứ vào gà mên rồi dắt xe đạp ra khỏi nhà:
- Các bạn ở nhà chơi, chờ Hiền Hòa về ăn cơm chung nhé!
Đợi Hiền Hòa đi khuất, nhỏ Hạnh quay sang Quý ròm:
- Lạ thật đấy!
Quý ròm nheo mắt:
- Chuyện Hiền Hòa giành mang cơm ấy hở ?
- Ừ.
- Có gì lạ đâu! Hiền Hòa muốn tự mình chăm sóc mẹ thôi!
Tiểu Long phụ họa:
- Ừ, gặp tôi, tôi cũng giành mang cơm cho mẹ!
Nhỏ Hạnh không nói gì. Nó biết là Quý ròm và Tiểu Long nói đúng. Nếu là nó, nó cũng làm như vậy thôi. Nhưng nét mặt của Hiền Hòa lúc nhỏ Hạnh đề nghị để mình mang cơm vô bệnh viện khiến nó nghi hoặc. Nhỏ Hạnh nhớ khi nghe nó nói như vậy, Hiền Hòa thoáng lộ vẻ lo lắng. Điều đó làm nhỏ hạnh thắc mắc quá.
- Nhưng Hạnh nhận thấy thái độ của Hiền hòa có cái gì đó bất thường! - Nhỏ Hạny bày tỏ sự băn khoăn.
- Là sao ? - Quý ròm tròn mắt.
Nhỏ Hạnh chép miệng và đưa tay đẩy gọng kính trên sóng mũi:
- Hạnh không biết chắc. Nhưng dường như Hiền Hòa hơi hốt hoảng khi nghe Hạnh đòi mang cơm.
Quý ròm nhíu mày:
- Chắc là Hạnh trông gà hóa cuốc đó thôi. Tôi thấy chẳng có lý do gì khiến Hiền Hòa phải hốt hoảng cả.
Một lần nữa, nhỏ Hạnh lại làm thinh trước sự phản bác của bạn. Bởi vì một lần nữa nó thừa nhận Quý ròm nói đúng. Ừ, có thể Hiền Hòa không muốn nhỏ Hạnh làm thay nó cái công việc đó. Hiền Hòa muốn tự mình vào bệnh viện. Và như vậy chẳng có gì để Hiền Hòa phải hốt hoảng. Nhưng không hiểu sao nhỏ Hạnh vẫn có cám giác là lạ. Cái cảm giác đó rất đỗi mơ hồ, vì vậy khi Quý ròm và Tiểu Long hỏi vặn, nó không thể cắt nghĩa cho rành mạch được.
Một lát, Hiền Hòa về.
Bước vô nhà thấy cơm nước đã dọn sẵn, nó nhìn nhỏ Hạnh, mắt long lanh:
- Cảm ơn Hạnh nhé.
Quý ròm đập tay lên ngực:
- Sao bạn chỉ cảm ơn một mình Hạnh ? Tôi cũng có công trong chuyện này đấy.
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Tôi nữa chi.
Hiền Hòa cười:
- Ừ, thì cảm ơn cả ba bạn.
Đợi Hiền Hòa ngồi vào bàn, nhỏ Hạnh hắng giọng hỏi:
- Mẹ bạn bị bệnh gì thế ?
- Mẹ mình bị sốt cao, chưa rõ bệnh gì. Hiện nay các bác sĩ đang xét nghiệm.
Hiền Hòa trả lời tự nhiên đến mức nhỏ Hạnh không có cớ gì để vặn vẹo. Nó làm thinh liếc sang bên cạnh, thấy Quý ròm đang nhìn nó tủm tỉm cười. Nụ cười mím chi của thằng ròm rõ là có ý chọc quê.
Nhỏ Hạnh chẳng để tâm đến sự trêu ghẹo của bạn. Nhưng nó hoang mang ghê lắm. Thậm chí trong một thoáng nó đâm ra nghi ngờ chính sự nghi ngờ của mình. Ừ nhỉ, có thể mẹ Hiền Hòa đang nằm viện thật. Hiền Hòa không thể đối đáp trôi chảy như thế nếu đó là chuyện bịa. Nhưng tại sao nó lại giật mình khi mình đề nghị đem cơm vào bệnh viện thay cho nó nhỉ ?
Nỗi băn khoăn đó cứ bám riết lấy Hạnh. Ngay cả khi cả bọn đã ăn cơm xong, ngồi trò chuyện đùa giỡn một lúc rồi bịn rịn chia tay nhau, nhỏ Hạnh vẫn nghĩ ngợi mãi đến chuyện đó trên đường về nhàSáng hôm sau, khi thầy Chiến kêu Hiền Hòa lên bảng trả bài, cả lớp đứa nào cũng nín thở nhìn theo nó. Tuần trước thầy Chiến hăm rồi. Khi thấy Hiền Hòa cứ đứng nghệt ra trước câu hỏi dễ ơi là dễ của thầy, thầy chán nản trả tập cho nó và nói lần sau thầy sẽ còn kêu nó nữa.
Trước hàng chục cặp mắt đổ dòn vô mình, Hiền Hòa vẫn thản nhiên. Nó tiến lên chỗ bàn thầy bằng những bước chân chậm rãi. Hiền Hòa bao giờ cũng đi đứng thong dong. Khác với các học sinh khác, nhìn điệu bộ của Hiền Hòa, khó mà đóan được nó có thuộc bài hay không. Vì vậy đứa nào cũng hồi hộp.
Hồi hộp nhất trong những đứa hồi hộp tất nhiên là Tần, Dưỡng, Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh. Hôm qua nhỏ Hạnh nhìn thấy Quý ròm giảng bài vật lý cho Hiền Hòa, nhưng saukhi tụi nó ra về Hiền Hòa có lôi môn sinh ra học hay không thì chỉ có trời mới biết.
Thầy Chiến đón lấy cuốn tập của Hiền Hòa nhưng thầy không nhìn vào tập ngay, mà nheo mắt hỏi:
- Bữa nay em có thuộc bài không ?
- Thưa thầy, có ạ.
Bấy giờ thầy mới nhìn vào bài học, hắng giọng:
- Thế em cho thầy biết bộ xương giữ vai trò gì trong cơ thể của chúng ta!
Hỏi xong, thầy ngước mắt nhìn thẳng vô mặt Hiền Hòa, chờ xem nó đối đáp ra làm sao.
Nhưng hôm nay đứa học trò ngoan của thầy đã không làm thầy thất vọng. Nó đáp ro ro:
- Thưa thầy, bộ xương có vai trò nâng đỡ cơ thể đứng thẳng trong không gian, làm chỗ bám vững chắc cho các phần mềm như gân, cơ và giúp cho cơ thể có một hình dáng nhất định. Nó còn tạo thành các khoang chứa và bảo vệ các cơ quan bên trong như hộp sọ, lồng ngực...
Hiền Hòa làm một tràng nghe bắt sướng lỗ tai.
Thằng Tần ngóc cổ ngồi nghe, hả hê lắm. Nó quên phắt mới cách đây mấy ngày nó hùng hồn tuyên bố sẽ không thèm dây dưa gì với con nhỏ tổ viên bướng bỉnh này nữa, thậm chí sẵn sàng từ chức tổ trưởng để thực hiện quyết tâm đó của mình. Tần quên, nên nó khều thằng Dưỡng:
- Tuyệt quá hở mày ?
Dưỡng toét miệng cười:
- Ừ, tuyệt thật!
Tần híp mắt:
- Nhờ tao đó.
- Mày làm gì ?
- Tao liên tục động viên nó.
- Xạo đi! - Dưỡng nhếch môi - Sao hôm trước mày thề mày sẽ bỏ mặc nó, không thèm biết đến nữa ?
- Tao chỉ nói cho hả tức thôi! - Tần cười hì hì - Chứ nó là bạn thân của tụi mình, làm sao tao bỏ mặc nó được.
Dưỡng vẫn chưa hết nghi ngờ:
- Mày động viên nó lúc nào sao tao không nhìn thấy ?
- Tao đâu có gặp nó ở trên trường! - Tần nhún vai - Tao đến tận nhà nó để động viên, có thế mới hiệu quả!
Rồi sợ Dưỡng không tin, Tần gật gù nói thêm:
- Ba mẹ nó khen tao nức nở, còn mời tao ở lại ăn cơm...
Tần còn định ba hoa vung vít thêm vài câu nữa nhưng nhác thấy Hiền Hòa đang ôm tập lò dò đi xuống, nó liền nín thinh.
Dường liếc về phía Hiền Hòa, nói:
- Để tao hỏi Hiền Hòa thử xem có đúng như vậy không há!
Tần tỉnh khô:
- Mày không tin thì cứ hỏi. Nhưng tao nghĩ Hiền Hòa sẽ không thú nhận đâu. Nó sợ quê ấy mà.
Nghe thằng Tần nói "chặn họng" như vậy, Dưỡng hết ham "phỏng vấn" Hiền Hòa. Khi Hiền Hòa vô chỗ ngồi, nó chỉ trầm trồ:
- Bạn làm tụi này ngạc nhiên ghê!
Hiền Hòa không nói gì, chỉ lỏn lẻn cười. Và tiếp tục làm cả lớp ngạc nhiên trong giờ vật lý tiếp theo.
Bài toán nhanh về so sách điện trở và tính hiệu số điện thế của thầy Hữu, cả lớp chỉ có mười sáu đứa nộp bài kịp giờ và trong mười sáu đứa đó chỉ có mười đứa làm đúng.
Nhờ đã ôn luyện trước với Quý ròm, Hiền Hòa nghiễm nhiên lọt vào đội ngũ "top-ten" đầy vinh quang đó, trong khi cả thằng Tần lẫn thằng Dưỡng đều văng cả ra ngoài một cách thê thảm.
Nhưng Tần và Dưỡng không buồn, cũng không ganh tị. Tụi nó chỉ trố mắt xuýt xoa:
- Phải bạn đó không, Hiền Hòa ?
Trên gương mặt Hiền Hòa lúc này, những bóng mây mờ dường như đã bay xa. Nó long lanh mắt nhìn hai bạn, vẻ thẫn thờ mọi hôm biến mất:
- Hiền Hòa chỉ gặp hên thôi!
Khi nói như vậy, Hiền Hòa khẽ liếc về dãy bàn bên kia, chỗ bọn Quý ròm ngồi, bằng ánh mắt vô cùng ấm áp.
Nhỏ Hạnh bắt gặp cái nhìn của bạn, liền mỉm cười đưa ba ngón tay lên, ý bảo ba giờ chiều nay sẽ ghé nhà.
Khác hẳn với lần đụng đầu nhỏ Hạnh hôm trước, lần này Hiền Hòa gật đầu một cách vui vẻ.
Và khi gật đầu như vậy, nó đinh ninh chiều nay chỉ có ba vị khách quý hôm qua đến nhà nó thôi.
Nào ngờ, đúng ba giờ nghe tiếng chuông cổng, nó chạy ra, ngạc nhiên thấy Tần và Dưỡng đứng lấp ló sau lưng bọn Quý ròm.
Trước ánh mắt trố lên của chủ nhà, thằng Dưỡng cười hề hề:
- Tụi này đến chơi với bạn.
Hiền Hòa tra chìa khóa vào ổ, mắt nhìn nhỏ Hạnh ra ý hỏi.
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Hạnh rủ Tần và Dưỡng cùng đến thăm bạn đấy.
Vừa đặt chân vào nhà, Tần đã nhìn quanh, gật gù:
- Hạnh có nói cho tụi này biết rồi. Ba bạn thường xuyên đi công tác vắng nhà, mẹ bạn ốm nằm viện nên bạn không có thì giờ học bài phải khhông ?
Hiền Hòa chưa kịp trả lời, Dưỡng đã quay sang Tần, nháy mắt trêu:
- Ủa, chứ sao hồi sáng mày nói mấy hôm nay mày thường đến đây ăn cơm với ba mẹ Hiền Hòa ?
Tần tính thò tay bấm Dưỡng nhưng không kịp, bèn nhe răng cười trừ:
- Ờ, ờ, tao nói đùa cho vui ấy mà!
Dưỡng bĩu môi "xì" một tiếng:
- Muốn cho vui chả ai lại đùa như thế cả.
Rồi nó ưỡn ngực, bô bô:
- Muốn cho vui chỉ có một cách thôi...
Nhỏ Hạnh tò mò:
- Cách gì thế hở Dưỡng ?
Dưỡng toét miệng cười:
- Hát hò.
Dưỡng vừa nói xong, Hiền Hòa ôm đầu ngồi thụp xuống:
- Bộ ở lớp Dưỡng "tra tấn" bạn bè chưa chán sao mà còn đến đây ca hát ?
Dưỡng liếc Hiền Hòa, thấy bạn tuy miệng la bài hãi nhưng mặt mày tươi tỉnh, thật khác hẳn với vẻ rầu rầu mọi bữa.
Nó huơ tay:
- Hiền Hòa yên chí đi! Lần này tôi sẽ cố gắng hát thật êm dịu...
Rồi không cần biết mọi người có đồng ý hay không, Dưỡng hùng hồn cất giọng:
- Gió lên rồi căng buồm cho khoái. Gác chèo lên ta nướng ngô khoai...
Dưỡng giữ đúng lời hứa. Nó cố bắt mình hát thật nhỏ nhẹ. Nó cố bắt mình hát thật du dương. Và gió chỉ lên trong câu hát, còn trong ngôi nhà của Hiền Hòa giông bão đã không kéo về, sấm chớp cũng không kéo về như những lần Dưỡng làm "nghệ thuật".
Dưỡng không buồn "tra tấn" Hiền Hòa nữa. Dưỡng chỉ muốn đem lại niềm vui cho bạn. Trước khi đến đây, nó đã nghe bọn Quý ròm thuật lại hoàn cảnh của Hiền Hòa. Nó đã hiểu vì sao ở trên lớp Hiền Hòa buồn đến thế. Hóa ra Hiền Hòa không giận nó, không giận thằng Tần. Hiền Hòa chỉ nhớ ba nhớ mẹ. Ba nó không hiểu sao lâu nay đi đâu mất, còn mẹ nó thì đang nằm viện không biết chừng nào mới được về nhà. Một mình Hiền Hòa sống trong ngôi nhà mênh mông, trống trải, ruột gan héo hắt, lại phải lo toan, xoay xở mọi thứ, lấy đâu ra tinh thần mà làm bài học bài như chúng bạn. Tội nó ghê!
Trong khi Dưỡng thương cảm cho bạn thì thằng Tần âm thầm tự trách. Cũng như Dưỡng, Tần chỉ biết cảnh ngộ của Hiền Hòa qua bọn nhỏ Hạnh. Nghe nhỏ Hạnh kể, nó há hốc miệng ra. Nghe xong, nó vò đầu bứt tai, vừa thương bạn vừa chửi mình tơi tả. Nó chơi thân với Hiền Hòa, lại là tổ trưởng tổ học tập của Hiền Hòa, nhưng chẳng biết cóc gì những khó khăn của bạn. Nó chỉ giỏi giận hờn, trách móc. Thậm chí nó còn đòi từ chức tổ trưởng để khỏi phải dây dưa với Hiền Hòa. Bây giờ nghĩ lại, nó thấy xấu hổ ghê.
Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh không ở trong tâm trạng như Tần và Dưỡng. Tụi nó ngồi hồi hộp thưởng thức giọng ca của Dưỡng và khi thằng này ca dứt, ba đứa vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.
Dưỡng không biết bọn Quý ròm hoan hô là hoan hô giọng ca đầy kiềm chế của nó. Trong một thoáng, Dưỡng quên phắt mụch đích của nó khi đến đây. Nó tưởng nó là ca sĩ đang dẫn đầu cuộc bình chọn của MTV châu Á.
Thế là chưa kịp lấy hơi, nó vội vàng gân cổ hát tiếp bài thứ hai: bài ruột Trống cơm. Lần này, quá cao hứng trước sự cổ vũ của khán giả, Dưỡng trở về giọng hát thật của mình lúc nào không hay.
Đến khi hát chừng một hai câu, he hé mắt dòm ra, thấy bọn Quý ròm mặt nhăn mày nhó, thấy thằng Tần chạy lại đứng tuốt đằng góc nhà, còn Hiền Hòa thì ngội thụp xuống đằng sau lưng ghế để tránh bị "văng miểng", Dưỡng mới sực nhận ra sự hăng hái quá mức của mình, liền im bặt và lỏn lẻn gãi tai:
- Ờ, ờ... mình quên mất...
Dưỡng sợ bạn bè trách móc, sợ bị lên án là đồ vô lương tâm: Hiền Hòa đang rầu thúi ruột mà còn đang tâm hành hạ. Nhưng chẳng ai nói gì, thậm chí Quý ròm còn cười hì hì và giơ ngón cái lên khen:
- Hiệu quả lắm! Hiệu quả lắm!
Không ai hiểu Quý ròm nói gì, kể cả Dưỡng. Nó ngơ ngác nhìn thằng ròm:
- Mày nó gì thế ?
Quý ròm gục gặc đầu:
- Tao bảo giọng ca của mày hiệu quả ghê lắm.
Dưỡng bứt tai:
- Tao chả hiểu gì cả.
- Có gì đâu không hiểu! - Quý ròm làm ra vẻ từ tốn - Này nhé, Hiền Hòa lâu nay ở nhà một mình, không có thì giờ quét dọn nhà cửa nên chuột gián, sâu bọ, mối mọt lẫn vi trùng lúc nhúc khắp nơi, mua thuốc diệt côn trùng về xịt chưa chắc đã hết. Nay mày rống lên như thế, tất nhiên bọn chúng sẽ chạy vắt giò lên cổ không còn một mống, chả hiệu quả quá xá quà xa là gì!
Tần hằng ngày ngồi sát rạt bên Dưỡng, bị thằng này "oanh kích" đến điếc đặc đôi tai, nghe vậy không bỏ lỡ dịp trả đũa:
- Ờ, Quý ròm nói đúng đấy! Hôm nào tao phải mời thằng Dưỡng về nhà hát một buổi mới được. Nhà tao dạo này chuột nhiều quá trời quá đất!
Trong khi Dưỡng mặt nhăn mày méo thì nhỏ Hạnh và Hiền Hòa che miệng cười khúc khích.
Tiểu Long thấy tội, bèn đứng dậy kéo tay Dưỡng:
- Tao với mày ra trước sân tưới cây đi!
Câu nói của Tiểu Long nhắc nhỏ Hạnh nhớ đến trách nhiệm của mình. Nó lập tức phân công:
- Bây giờ, Quý giúp Hiền Hòa học bài, làm bài, Tần lau nhà, còn Hạnh sẽ lôi quần áo ra ủi. Khi nào Hiền Hòa học xong, sẽ cùng Hạnh xuống làm bếp, các bạn đồng ý không ?
Nhờ sự có mặt của bạn bè, căn nhà trống vắng của Hiền Hòa trở nên sinh động và vui nhộn hẳn.
Thằng Dưỡng được Tiểu Long cứu thoát khỏi cuộc tấn công của Tần và Quý ròm, cảm động lắm. Nó vừa tưới cây vừa cảm ơn thằng mập bằng cách ưu ái phục vụ riêng cho thằng này bản Lý ngựa ô với âm lượng cỡ 100 đêxi-ben, ngang với hiệu quả âm thanh của một ban nhạc rock điện tử.
May mà thằng Dưỡng biểu diễn ngoài trời nên sức chấn động không đến nỗi gây tổn hại cho sức khỏe người nghe lắm. Hơn nữa, "võ sư vô địch đại lực sĩ" Tiểu Long vốn nội công thâm hậu nên vẫn đủ sức chịu đựng một cách vui vẻ.
Nhỏ Hạnh ngồi ủi quần áo trong nhà, mơ màng lắng tai nghe tiếng hát vọng vào từ ngoài sân, bụng nghĩ: Nếu Dưỡng đứng hát cách người nghe một bức tường thì giọng ca của nó cũng được quá đi chứ!
Trong khi nhỏ Hạnh vừa ủi đồ vừa mỉm cười với ý nghĩ lẩn thẩn trong đầu thì thằng Tần bò mọp trên sàn nhà với miếng giẻ trên tay và xô nước bên cạnh, cắm cuối kỳ cọ vô cùng kỹ lưỡng.
Tần chẳng phải là đứa siêng việc nhà. Bao nhiêu việc nhỏ việc lớn trong nhà, xưa nay nó đều đùng hết cho mẹ và chị. Mỗi lần mẹ nó nhờ nó chuyện gì, nếu nó không khất lần khất lữa thì cũng thực hiện một cách cực kỳ chậm chạp, và trong mười lần như vậy thì hết chín lần rốt cuộc mẹ nó phải tự mình làm lấy cho khỏi ngứa mắt.
Vậy mà hôm nay ở nhà Hiền Hòa, nó chùi rửa sàn nhà của bạn chi li đến mức những kẻ siêng năng nhất cũng phải ghen tị. Y như thể nó không phải là thằng Tần mọi bữa. Y như thể nó thuê một người nào đội lốt nó để làm cái công việc gian khổ này.
Hiền Hòa thấy bạn không ngại bẩn quần áo, cứ bò xuống sàn cọ tới cọ lui, bụng dạ nó xao xuyến lắm. Nếu biết Tần vốn không phải là đứa siêng việc nhà, chắc nó sẽ xúc động đến rưng rưng nước mắt chứ chẳng chơi.
Rồi vẩn vơ nghĩ đến Dưỡng, Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh, nó cảm thấy cuộc đời hóa ra đẹp đẽ và ấm áp hơn nó tưởng. Lâu nay, nó gặp chuyện buồn nên thấy mọi thứ chung quanh đều xám xịt. Nó rầu rĩ đến mức chẳng thiết tha đến bất cứ chuyện gì.
Nhưng từ hôm bọn Quý ròm thình lình xuất hiện đến nay, Hiền Hòa đã tươi tỉnh lên nhiều. Ba nó vẫn chưa về, mẹ nó vẫn chưa về, nhưng bên cạnh nó giờ đây đã có bạn bè quây quần giúp đỡ.
Đang nghĩ ngợi lan man, Hiền Hòa bỗng giật bắn khi nghe Quý ròm gắt:
- Bạn nhìn đi đâu thế ? Bạn có nghe tôi chứng minh S0 = SA không ?
- À, à, - Hiền Hòa bẽn lẽn - Quý nói lại lần nữa đi!
Quý ròm nhìn Hiền Hòa bằng ánh mắt trách móc, tiếc hùi hụi đứa đang ngồi trước mặt không phải là Tiểu Long. Nếu là thằng mập, chắc chắn Quý ròm không chỉ gắt nhẹ hều như thế. Ngặt nỗi đây lại là Hiền Hòa. Hiền Hòa là con gái, lại đang gặp chuyện buồn nên "sư phụ" không thể ra oai được.
"Sư phụ" đành bấm bụng ngồi giảng tới giảng lui một cách nhẫn nại, mãi gần một tiếng đồng hồ sau, "đệ tử" mới nắm vững hết những điều "sư phụ" truyền đạt.
Lúc đó, nhỏ Hạnh cũng đã ủi xong đống quần áo, Tần đã lau chùi, kỳ cọ sàn nhà bóng lưỡng và cây cối hoa cỏ ngoài sân đã được thằng Dưỡng và Tiểu Long tắm táp đâu đó xong xuôi.
Trong lúc bọn con trai ngồi quây quần đánh đô-mi-nô, nhỏ Hạnh kéo tay Hiền Hòa:
- Tụi mình đi làm bếp đi!
Nhỏ Hạnh hôm nay đã quen với vị trí của các vật dụng, không liên tục hỏi bạn như hôm qua nữa. Nó và Hiền Hòa loay hoay một hồi, mọi thứ đã xong.
Nhưng cũng như hôm qua, khi múc thức ăn vào gà mên, nhỏ Hạnh đề nghị:
- Hôm nay Hạnh đem cơm vào bệnh viện gìum bạn nhé!
Hiền Hòa từ chối ngay:
- Hiền Hòa đem quen rồi.
Nhỏ Hạnh nghi ngờ, lại gạ:
- Hay là Hạnh đi chung với bạn ?
- Thôi, Hạnh ở nhà đi! - Hiền Hòa vẫn một mực lắc đầu - Hiền Hòa đi một mình được rồi!
Nhỏ Hạnh đứng trước của nhìn Hiền Hòa dắt xe ra cổng, bụng ngập tràn thắc mắc. Nhưng nó lại không biết thổ lộc cùng ai. Lần đầu tiên Quý ròm và Tiểu Long không chịu chia sẻ sự băn khoăn của nó.
Nhỏ Hạnh biết mình không có lý do gì để ngờ vực việc Hiền Hòa giành đem cơm cho mẹ nhưng sự khăng khăng từ chối của bạn khiến nó lo nghĩ ghê lắm. Nó có cảm giác đó là thái độ bất bình thường, nhưng tại sao lại bất bình thường thì nó không giải thích được. Vì vậy mà nó không thuyết phục được Tiểu Long và Quý ròm tin theo mình.
Nhỏ Hạnh không trách hai bạn nhưng nó cứ đứng nghĩ ngợi mãi.
Đang ngồi chơi cờ, nhìn ra thấy nhỏ Hạnh đứng trơ chỗ cửa, Quý ròm nhại giọng Tiểu Long trêu:
- Hạnh ơi, có gì thì "ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh" rồi từ từ tìm cách giải quyết, đứng đó làm chi cho mỏi chân!
Nhỏ Hạnh thủng thỉnh quay vô:
- Quý xuống bếp phụ với Hạnh dọn cơm đi, ở đó mà trêu với chọc!
Quý ròm nhảy nhổm:
- Còm nhom như tôi mà phụ với giúp được gì! Sao Hạnh không phân công Tiểu Long hay thằng Tần thằng Dưỡng ?
- Tốt nhất là cả bốn bạn cùng đi dọn cơm! - Nhỏ Hạnh nhún vai - Lẽ ra chính Hạnh mới là người không nên nhúng tay vào chuyện đó!
- Tại sao thế ? - Quý ròm nhướn mắt.
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Hôm qua Hạnh làm vỡ một cái đĩa rồi.
- Phải rồi! - Quý ròm kêu lên - Hạnh là chúa lanh chanh mà tôi quên mất!
Rồi Quý ròm huơ tay bô bô:
- Nếu tính đúng tính đủ thì tư khi tôi biết Hạnh đến nay, Hạnh đã đập vỡ tất cả là hai cái thẩu, sáu cái lọ, mười ba cái đĩa, hai mươi tám cái ly, ba mươi sáu...
May làm sao, đúng vào lúc Quý ròm định kê khai tuốt tuột tội trạng khủng khiếp của nhỏ Hạnh trước cặp mắt trố lên vì kinh ngạc của Tần và Dưỡng thì chuông điện thoại đột nhiên reo inh ỏi.
Quý ròm mất trớn, ngừng ngay bản cáo trạng và lật đật bước lại chỗ đặt máy.
- Để Hạnh!
Nhỏ Hạnh gọi giật và vượt lên trước bạn, chộp lấy ống nghe.
Quý ròm nhún vai:
- Nghe điện thoại mà cũng giành!
Nhỏ Hanh phớt lờ, áp ống nghe vào tai:
- A lô!
Ở đầu dây bên kia vang lên tiếng nói của một phụ nữ:
- Hiền Hòa đấy hả con ?
- Thưa bác, cháu là bạn của Hiền Hòa ạ.
- Thế Hiền Hòa có nhà không hả cháu ?
- Thưa bác, không ạ!
Nhỏ Hạnh ngập ngừng một thoáng rồi lễ phép hỏi:
- Thưa bác, bác có thể cho cháu biết bác là ai để lát nữa cháu nói lại với bạn Hiền Hòa được không ạ ?
Người phụ nữ có vẻ lưỡng lự. Một lúc lâu, nhỏ Hạnh mới nghe tiếng trả lời, giọng buồn như một tiếng thở dài:
- Bác là mẹ của Hiền Hòa!
Câu trả lời khiến nhỏ Hạnh giật nảy người. Bây giờ nó mới nhận ra giọng người phụ nữ quen quen. Trước đây nhỏ Hạnh từng đến chơi nhà Hiền Hòa, đã gặp qua mẹ bạn đôi ba lần.
Vẻ sửng sốt trên mặt nhỏ Hạnh khiến bốn đứa nó lập tức bu lại.
Tiểu Long thì thào:
- Ai thế Hạnh ?
Nhỏ Hạnh khoát tay ra hiệu cho các bạn im lặng:
- Dạ thưa bác, cháu là Hạnh đây ạ.
- A, cháu là Hạnh đấy hả ? Bác nhớ rồi.
Nhỏ Hạnh chợt nhớ đến bệnh trạng của mẹ Hiền Hòa:
- Thưa bác, bác đã khỏe chưa ạ ?
- Ờ, ờ, bác vẫn khỏe.
- Ủa! - Nhỏ Hạnh bỗng kêu lên đầy ngạc nhiên - Cháu quên nữa, Hiền Hòa đang đến chỗ bác mà. Bác chưa gặp bạn ấy sao ?
- Cháu nói gì ? - Giọng mẹ Hiền Hòa cũng ngạc nhiên không kém - Hiền Hòa đang đến chỗ bác à ?
- Vâng ạ.
Mẹ Hiền Hòa sửng sốt:
- Lạ thật! Hiền Hòa đâu có biết chỗ bác ở ?
Lần này không chỉ nhỏ Hạnh ngạc nhiên mà cả Tiểu Long, Quý ròm, Tần, Dưỡng đều ngơ ngác ngó nhau. Bốn đứa nãy giờ vẫn châu đầu quanh chiếc ống nghe trên tay nhỏ Hạnh nên không bỏ sót một lời đối đáp nào của hai bên.
Nhỏ Hạnh khẽ liếc các bạn rồi thấp thỏm hỏi:
- Thế không phải bác đang nằm viện hở bác ?
- Không! - Mẹ Hiền Hòa giật mình - Ai bảo cháu thế ?
- Hiền Hòa bảo! - Nhỏ Hạnh cố trấn tĩnh - Ngày nào cháu cũng thấy bạn ấy đem cơm vào bệnh viện.
Mẹ Hiền Hòa hỏi bằng giọng run run:
- Thế cháu đến chơi có thấy Hiền Hòa đang sống với ai không ?
- Thưa, không ạ. Bạn Hiền Hòa chỉ sống một mình thôi, bác.
- Bác hiểu rồi. Cảm ơn cháu nhé.
Mẹ Hiền Hòa nói một cách vội vàng và đột ngột cúp máy.
Nhỏ Hạnh gác ống nghe vào giá đỡ, rồi đưa tay vỗ vỗ trán:
- Hạnh đã nghe ngay từ đầu mà Quý và Long cứ không tin. Rõ là có điều gì không bình thường trong chuyện này.
Quý ròm nhăn nhó:
- Ai mà lường trước được những chuyện như vậy. Chỉ người có giác quan thứ sáu như Hạnh mới đánh hơi được những bí ẩn bên trong thôi.
Tiểu Long nhìn nhỏ Hạnh, giọng thán phục:
- Thế ngay từ đầu Hạnh đã nghi Hiền Hòa đem cơm đi đâu chứ không phải đem đến bệnh viện hở ?
- Hạnh không nghĩ thế! - Nhỏ Hạnh lắc đầu - Nói đúng ra, Hạnh không nghi ngờ điều gì cụ thể, chỉ thắc mắc về thái độ kỳ lạ của Hiền Hòa thôi.
Tần bóp trán:
- Quái thật! Nếu Hiền Hòa không đem cơm vào bệnh viện thì đem đi đâu ?
Dưỡng nhanh nhẩu hùa theo:
- Ừ, đem đi đâu mà ngày nào cũng đem ?
Quý ròm nhìn Tần và Dưỡng, nhếch môi nói:
- Theo tao, Hiền Hòa đem cơm vào bệnh viện chứ chả đem đi đâu cả.
Tiểu Long thắc mắc:
- Thế sao nó không cho Hạnh đem thay, cũng không cho Hạnh đi theo ?
Quý ròm nhún vai:
- Quá đơn giản! Vì người nằm trong bệnh viện không phải là mẹ nó.
- Thế người đó là ai ?
Nhỏ Hạnh đáp thay Quý ròm:
- Chính là ba Hiền Hòa.
Tiểu Long chưng hững:
- Chứ không phải ba nó bỏ nhà ra đi sao ?
Quý ròm chém tay vào không khí:
- Căn cứ theo thái độ của mẹ Hiền Hòa qua cuộc nói chuyện khi nãy thì có thể kết luận người bỏ nhà ra đi là mẹ Hiền Hòa chứ không phải ba Hiền Hòa. Mẹ nó bỏ nhà đi, ba nó buồn đến phát ốm, phải vào viện. Chính vì vậy khi nãy nghe tin ba nó nằm viện, mẹ nó đã bồn chồn không yên. Và Hiền Hòa đã giấu chúng ta tất cả những chuyện đó.
Tần lúc lắc đầu:
- Tao chả hiểu gì cả. Nếu vậy tại sao khi có người hỏi đến ba Hiền Hòa, nó lại phịa là ba nó đi công tác ? Cứ nói thẳng là ba nó nằm viện có hơn không ?
Quý ròm trừng mắt:
- Thế nhỡ có người hỏi đến mẹ nó thì nó phải trả lời sao ? Mẹ nó quanh năm ở nhà, chẳng làm cơ quan nào, nó không thể bảo mẹ nó đi công tác được.
Dưỡng vọt miệng:
- Thì cứ bảo là nằm viện.
- Nói thế mà cũng nói! - Quý ròm "xì" một tiếng - Cả ba lẫn mẹ không thể cùng một lúc kéo nhau vào nằm trong bệnh viện được. Phịa thế ai người ta tin cho.
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi, gật gù:
- Quý ròm nói đúng đấy! Nếu cả hai người cùng vắng nhà thì cứ bảo ba đi công tác, còn mẹ nằm viện là hợp lý nhất!
- Òi há!
Tần gục gặc đầu. Rồi nó tròn mắt nhìn nhỏ Hạnh:
- Thế chốc nữa Hiền Hòa về, tụi mình có nên nói gì không hở Hạnh ?
Nhỏ Hạnh trầm ngâm:
- Tụi mình cứ làm thinh.
Dưỡng vọt miệng:
- Thế không nói cho Hiền Hòa biết mẹ nó vừ gọi điện thoại à ?
- Không cần đâu! - Nhỏ Hạnh thở ra một hơi dài - Giờ này chắc mẹ Hiền Hòa đang trên đường về nhà đấy!
- A, phải rồi! - Dưỡng đập tay lên trán - Mẹ nó phải về thăm ba nó chứ!
Tần cười hì hì:
- Người ta bảo "giận thì giận mà thương thì thương" mà! Nhất là lúc này ba Hiền Hòa đang ốm...
Tần ra vẻ ta đây kinh nghiệm đầy mình. Nhưng nó không có dịp chứng tỏ hết sự trải đời. Một hồi chuông điện thoại lại vang lên cắt ngang câu nói của Tần. Quý ròm liếc về chỗ đặt máy:
- Mẹ Hiền Hòa lại gọi đấy! Hạnh nghe đi!
Không đợi Quý ròm giục, nhỏ Hạnh đã vọt lại chỗ chiếc máy. Nó hấp tấp đến nỗi đánh rơi chiếc ống nghe xuống nền nhà làm phát ra những tiếng lộc cộc inh tai.
Trong khi Quý ròm nhăn mặt, Tiểu Long, Tần, Dưỡng bụm miệng cười thì nhỏ Hạnh mặt mày tái mét. Nó quýnh quíu nhắc chiếc ống nghe lên, hồi hộp áp vào tai:
- A lô! A lô!
May làm sao các mối dây chưa bị sút ra.
- A lô! - Giọng một người đàn ông vang lên trong ống nói - Xin lỗi, ai đang nói chuyện đấy ?
- Dạ, cháu là Hạnh, bạn học của Hiền Hòa! - Nhỏ Hạnh liếm môi.
Gặp người quen, người đàn ông làm một tràng:
- À, Hạnh đấy hả cháu! Bác là ba của Hiền Hòa đây. Cháu gọi Hiền Hòa cho bác nói chuyện một chút!
Suýt chút nữa nhỏ Hạnh đã đánh rơi chiếc ống nghe lần thứ hai. Giọng người đàng ông đúng là giọng của ba Hiền Hòa rồi. Và nếu là ba Hiền Hòa, giờ này ông phải đang ở trong bệnh viện và đã gặp Hiền Hòa rồi mới phải chứ ? Hay là vừa rồi ông định dặn Hiền Hòa điềi gì nhưng khi nó ra về rồi, ông mới nhớ ?
Ý nghĩ sau cùng giúp nhỏ Hạnh bình tĩnh trở lại. Nó nói:
- Thưa bác, Hiền Hòa chưa về tới nhà ạ.
- Ủa, cháu có biết Hiền Hòa đi đâu không ? Lẽ ra giờ này nó phải ở nhà ăn cơm chứ ?
Lần này thì nhỏ Hạnh có cảm giác lưng mình đang nổi đầy gai ốc. Cả đám bạn nó đang đứng bu kín chung quanh cũng vậy, đứa nào đứa nấy cảm thấy như có một làn gió lạnh thổi qua người.
- Thưa bác, nhỏ Hạnh thốt lên sửng sốt - Chứ không phải bạn Hiền Hòa vừa vào bệnh viện thăm bác sao ?
- Bệnh viện nào ? - Ba Hiền Hòa ngớ ra - Không, không có! Chắc là Hiền Hòa đi thăm ai đó! Chết rồi, hay là mẹ nó ốm ?
Câu cuối cùng, giọng của ba Hiền Hòa trở nên hốt hoảng. Và cũng như mẹ Hiền Hòa khi nãy, ông lật đật cúp máy. Ông còn vội vã hơn, quýnh quíu đến mức quên cả nói lời cảm ơn.
Nhỏ Hạnh buông ống nghe, ôm đầu rên rỉ:
- Thật không thể hiểu nổi!
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Ừ, lạ thật đấy!
Tần đấm hai tay vào nhau:
- Không phải mẹ nó cũng không phải ba nó, rốt cuộc chả có ai nằm trong bệnh viện cả. Thế thì con nhỏ này nó đem cơm đi đâu hở trời ?
- Thế là rõ! - Quý ròm nhún vai, kết luận - Cả ba Hiền Hòa lẫn mẹ Hiền Hòa đều bỏ nhà ra đi!
- Vô lý! - Dưỡng cãi - Chả bậc làm cha làm mẹ nào cùng lúc ra đi để mặc con cái ở nhà một mình cả!
Quý ròm triết lý:
- Cuộc đời không phải lúc nào cũng có lý. Gì chứ chuyện vô lý tao chứng kiến hàng khối!
Dưỡng không chịu thua. Nhưng đúng vào lúc nó định ngoác mồm cãi tiếp thì Hiền Hòa về tới.
Nghe tiếng chuông reo, nhỏ Hạnh nhanh nhẹn chạy ra mở cổng cho bạn.
Hiền Hòa bình thản dắt xe vào, không hay biết trong lúc mình vắng mặt đã có bao nhiêu chuyện xảy ra.
- Mẹ bạn hôm nay khỏe không vậy ? - Nhỏ Hạnh hỏi.
- Khỏe.
- Thế các bác sĩ đã tìm ra bệnh chưa ?
- Rồi! - Hiền Hòa gật đầu - Đó là bện sốt thương hàn.
- Sốt thương hàn cơ à ? - Nhỏ Hạnh kêu lên.
Hiền Hòa vẫn bình tĩnh:
- Các bác sĩ bảo bệnh này hiện nay không còn là bệnh nan y. Chỉ điều trị khoảng một tuần là khỏi.
Nhỏ Hạnh vừa trò chuyện vừa kín đáo quan sát, thấy Hiền Hòa không có vẻ gì là phịa chuyện. Điều đó khiến nhỏ Hạnh muốn điên đầu. Siêu thông minh như nó cũng chẳng đóan được điều gì đang ẩn náu đằng sau hanh động bí ẩn của bạn.
Bọn Quý ròm nhìn Hiền Hòa bằng ánh mắt là lạ nhưng Hiền Hòa vẫn vô tình không để ý.
Nó đảo mắt nhìn quanh nhà, vui vẻ nói:
- Cảm ơn các bạn nhé! Các bạn dọn dẹp nhà cửa gọn gàng ghê!
Nhỏ Hạnh chợt kêu lên:
- Chết rồi, nãy giờ mải chơi quên dọn cơm. Nào, tất cả chúng ta cùng xuống bếp đi!
Nhỏ Hạnh vừa dứt câu, Tiểu Long, Quý ròm, Tần, Dưỡng lập tức ùn ùn kéo đi.
Thấy nhỏ Hạnh lẽo đẽo đằng sau, Quý ròm xua tay:
- Hạnh lên nhà trên đi! Bộ tính đập vỡ thêm vài cái đĩa nữa hay sao mà đi theo bọn này!
- Quý yên tâm! - Nhỏ Hạnh mỉm cười - Hạnh chỉ đứng chỉ huy và phụ các bạn bưng đồ ăn thôi, còn các bạn phải tự soạn chén bát lấy!
- Ủa, Hiền Hòa đâu rồi ? - Tần nhìn dáo dác, buột miệng hỏi.
- Hạnh phân công Hiền Hòa ở nhà trên dọn bàn, sắp ghế! Nhà bếp chật chội, xuống làm gì cho đông!
Lát sau, trong khi bọn Quý ròm loay hoay bắc nồi cơm xuống và xới ra chén, nhỏ Hạnh khệ nệ bưng mâm thức ăn lên nhà trên.
Nhưng vừa tới ngách cửa thông phòng ăn với nhà bếp, nó chợt dừng lại.
Ba Hiền Hòa không biết vào nhà tự bao giờ, đang đi tới đi lui trong phòng. Ở một góc, Hiền Hòa ngồi thu mình trên ghế, đưa đôi mắt ầng ậng nước nhìn theo ba nó.
Chắc khi nãy mình bận rộn dưới bếp nên không nghe tiếng chuông gọi cổng! Nhỏ Hạnh nghĩ bụng và ngần ngại không dám bước ra, đành đặt mâm thức ăn xuống chiếc ghế thấp kế bức vách.
- Thế ngay sau lúc ba đi, mẹ con cũng bỏ đi thật à ? - Ba Hiền Hòa dừng lại, đưa mắt nhìn con gái.
- Vâng ạ! - Hiền Hòa sụt sịt - Mẹ bảo nếu ba đi mẹ cũng sẽ đi, xem ai quay về trước cho biết kia mà! Ba cũng nghe thấy chứ đâu phải không!
Ba Hiền Hòa bối rối gãi đầu:
- Ba tưởng mẹ con chỉ dọa thế thôi!
Rồi ông hỏi:
- Thế mẹ con bị bệnh gì thế ?
- Con không biết.
- Thế sao mẹ con lại nằm viện ?
Hiền Hòa chưa kịp đáp thì tiếng chuông cổng bất thần vang lên khiến nó mừng rỡ bật dậy:
- Chắc mẹ về!
Và ba chân bốn cẳng phóng vụt ra sân.
Lát sau, hai mẹ con Hiền Hòa theo nhau bước vào. Mặt Hiền Hòa tươi tỉnh bao nhiêu thì mẹ nó lạnh lùng bấy nhiêu.
Mẹ Hiền Hòa ngồi xuống ghế, nói trống không:
- Tôi tưởng anh không bao giờ quay về đây nữa chứ ?
Ba Hiền Hòa cũng ngồi xuống ghế, thở dài:
- Anh giận anh bỏ đi vì nghĩ rằng còn có em chăm sóc con. Ai ngờ em cũng đi luôn, bỏ con một mình ở nhà, làm mẹ như thế thật không ai hiểu nổi!
Mẹ Hiền Hòa hừ mũi:
- Ai bảo anh là tôi để con ở nhà một mình! Trước khi đi, tôi đã kêu dì Năm lên ở chung với Hiền Hòa...
- Thế dì Năm đâu ?
Hiền Hòa vọt miệng đáp thay mẹ, giọng vẫn thút thít:
- Dì Năm ở chừng vài hôm thì bị sốt...
- À! - Ba Hiền Hòa quay sang con gái - Thì ra mấy hôm nay con đem cơm vào bệnh viện là đem cho dì Năm đấy hở ?
Ông đập đập tay lên thành ghế, giọng thắc thỏm:
- Chậc, lát nữa ba phải chở mẹ con đi thăm dì Năm ngay mới được!
Nhỏ Hạnh đang lắng tai, bỗng nghe có ai chạm vào lưng, ngoảnh lại thấy Tiểu Long, Quý ròm, Tần, Dưỡng đang xúm xít đằng sau tự bao giờ.
Người vừa đụng nhỏ Hạnh là Quý ròm. Quý ròm huých vào lưng bạn và lắc đầu đưa hai bàn tay lên, ý nói chuyện ngoắt ngoéo như vậy có thánh mới hòng đóan ra.
Bọn trẻ đưa mắt nhìn nhau, lòng bỗng dưng thấy thương Hiền Hòa quá. Hoàn cảnh mà Hiền Hòa rơi vào hóa ra ngặt nghèo hơn tụi nó tưởng nhiều. Hóa ra ba mẹ nó giận nhau và cả hai đều người trước kẻ sau đùng đùng bỏ đi.
Trước khi ra khỏi nhà, mẹ nó cẩn thận nhờ dì nó đến ở chung và trông nom nó giùm, không ngờ dì nó thình lình ngã bệnh, phải vào viện. Thế là rốt cuộc dì nó không chăm sóc được nó mà ngược lại nó phải một thân một mình chăm sóc dì.
Ngoài kia, mẹ Hiền Hòa âu yếm vuốt tóc con:
- Tội nghiệp con tôi quá!
Bà nói tiếp, giọng như người có lỗi:
- Mai mốt dù giận ba con đến đâu, mẹ cũng sẽ không bao giờ rời xa con...
Ba Hiền Hòa không nói gì nhưng ông khụt khịt mũi liên tục. Nhìn hai bàn tay ông không ở yên một chỗ, lúc thì đặt trên đùi lúc thì ôm lấy gáy, nhỏ Hạnh biết ông đang bứt rứt ghê lắm.
Một lúc, ông nói:
- Thế mấy hôm nay con học hành ra sao ?
Nghe ba nó hỏi tới chuyện này, Hiền Hòa muốn òa ra khóc quá chừng. Nó muốn tấm tức kể cho ba mẹ nó biết là tháng vừa rồi nó đứng bét lớp. Nó tụt một lèo như xe tụt dốc, đến nỗi cô Vĩnh Bình phải phê vào sổ liên lạc và nhắc nhở ba mẹ nó phải để ý đến chuyện học tập của nó. Mà đâu phải nó là đứa làm biếng hay dốt đặc cán mai gì cho cam. Chỉ tại ba mẹ nó giận nhau rồi mạnh ai nấy đi, dì Năm nó thì ốm, nó vừa buồn vừa lo vừa phải tự mình cáng đáng mọi việc nên chẳng còn lòng dạ nào để ngó ngàng đến bài vở đó thôi.
Càng nghĩ ngợi Hiền Hòa càng tủi thân, miệng nó không ngừng nức nở.
Hiền Hòa ấm ức lắm, nhưng rốt cuộc nó đã không nói gì. Gia đình nó vừa sum họp, nó không muốn ba mẹ nó phải buồn bã và ân hận. Nó nghĩ khi ký sổ liên lạc, đằng nào ba mẹ nó cũng sẽ biết chuyện gì đã xảy đến với nó trong những ngày vừa qua.
Vì vậy, sụt sà sụt sịt một hồi, nó cắn môi đáp:
- Cũng bình thường thôi ba. Nhờ có các bạn đến học chung với con...
Đang nói, Hiền Hòa sực nhớ tới đám bạn của mình đang ở dưới bếp, liền ngoảnh cổ ra sau, kêu lớn:
- Hạnh ơi!
Nhỏ Hạnh không dám xuất hiện ngay, sợ mọi người biết mình đang đứng ngay sau bức vách.
Đợi Hiền Hòa kêu thêm vài tiếng nữa, nó mới bưng mâm cơm bước ra:
- Chào hai bác ạ.
- Chào cháu! - Mẹ Hiền Hòa mỉm cười - Ồ, cháu giỏi quá!
Ba Hiền Hòa cảm động:
- Hai bác cảm ơn cháu nhiều. Nếu không có cháu đến chơi, Hiền Hòa chắc buồn lắm.
Hiền Hòa nhìn ba, hớn hở khoe:
- Ba ơi, ngoài bạn Hạnh...
Nhưng mẹ Hiền Hòa đã lên tiếng:
- Cháu ở đây ăn cơm với gia đình bác nhé.
- Vâng ạ! - Nhỏ Hạnh cười - Để cháu đi lấy chén.
Hiền Hòa đứng lên:
- Để Hiền Hòa đi với Hạnh.
Quý ròm chặn hai cô bạn ngay ngách cửa:
- Giờ sao ?
- Sao là sao ?
Quý ròm nhìn Hiền Hòa, phân vân hỏi:
- Tụi này chạy ra chào ba mẹ bạn hay đứng luôn trong này ?
Hiền Hòa nhanh nhẩu:
- Các bạn ra ngồi ăn cơm luôn chứ!
Nhỏ Hạnh nhíu mày:
- Không được đâu!
Tiểu Long khịt mũi:
- Sao không được ?
- Không đủ cơm! - Nhỏ Hạnh thở dài - Các bạn cùng kéo ra thì hỏng bét!
Hiền Hòa chớp mắt:
- Ăn thua gì đâu, Hạnh!
Tần gãi đầu:
- Tụi này không ăn, chỉ ra chào thôi.
Quý ròm nhún vai:
- Tụi mình mà thò đầu ra, chắc chắn ba mẹ bạn Hiền Hòa sẽ mời ngồi vô bàn ăn, không tránh được đâu!
Hiền Hòa chớp mắt:
- Thì đâu có sao! Hôm nay là ngày vui mà...
Nhỏ Hạnh tặc lưỡi cắt ngang:
- Thôi, tốt nhất là mấy bạn cứ đứng nấp trong này. Chờ khi nào ăn xong, Hạnh sẽ giới thiệu các bạn với ba mẹ Hiền Hòa.
Dưỡng gãi cằm:
- Sau đó thì sao ?
Nhỏ Hạnh nháy mắt:
- Sau đó thì mạnh bạn nào bạn nấy chạy về nhà lục cơm nguội ra ăn chứ sao!
Hiền Hòa tuy không đồng tình với cách sắp xếp của nhỏ Hạnh nhưng không biết làm sao phải đối. Ngay cả nhỏ Hạnh cũng thế, nó cảm thấy bắt các bạn chui hoài trong bếp kể cũng kỳ nhưng lại không nghĩ được cách nào hay hơn.
Vì vậy cả hai ngồi ăn mà chẳng thấy ngon lành gì.
Hiền Hòa và nhỏ Hạnh vừa và cơm vừa lấm lét ngoảnh nhìn về chỗ cửa thông xuống bếp.
Mẹ Hiền Hòa gắp thức ăn vào chén nhỏ Hạnh:
- Ăn đi cháu! Cơm còn nhiều lắm, không sợ thiếu đâu!
- Dạ.
Ba Hiền Hòa giục:
- Ăn đi chứ! Hai đứa làm mà nhớn nhác như quạ vào chuồng lợn thế ?
Như để trả lời ông, một tiếng động mạnh đột ngột vang lên ngay chỗ ngách cửa.
Trong khi Hiền Hòa và nhỏ Hạnh xanh mặt thì ba Hiền Hòa quay phắt về phái sau:
- Tiếng động gì thế ?
Mẹ Hiền Hòa lộ vẻ căng thẳng:
- Trộm chăng ?
- Trộm à ? - Ba Hiền Hòa đứng lên - Để anh cho nó một hèo!
Hiền Hòa hoảng hốt:
- Đừng ba...
Cùng lúc đó, Quý ròm quýnh quíu bước ra khỏi chỗ nấp, hai tay giơ cao lên khỏi đầu.
- Quý làm gì thế ? - Nhỏ Hạnh sửng sốt.
- Đầu hàng chứ làm gì! - Quý ròm méo xệch miệng - Tôi đâu có muốn ăn gậy vào đầu!
Ba Hiền Hòa đang hùng hổ bước lại chỗ ngách cửa, chợt ngớ ra:
- Ơ...
Quý ròm bỏ tay xuống, chưa kịp nói gì, Hiền Hòa đã vọt miệng:
- Bạn học của con đấy, ba! Bạn ấy đến đây giíup con...
- Trời, thế mà cháu làm bác hồi hộp muốn đứng tim! - Ba Hiền Hòa áp tay lên ngực - Nãy giờ sao cháu không ra ngoài này, đứng trong bếp làm gi!
Mẹ Hiền Hòa niềm nở:
- Ngồi xuống ăn cơm đi cháu.
Đợi Quý ròm ngồi xuống, nhỏ Hạnh quay qua khẽ giọng trách:
- Quý làm gì ầm ĩ thế ? Bộ đói bụng muốn ra đây hả ?
- Đâu có! - Quý ròm thì thào - Tại thằng Tiểu Long...
- Long sao ?
- Nó đói bụng muốn xỉu. Thế là nó ngã vô người tôi, làm tôi ngã đập đầu vô vách...
- Chết rồi! - Nhỏ Hạnh giật thót, bây giờ nó mới nhớ ra Tiểu Long là đứa ăn nhiều, lại mau đói - Hạnh phải chạy vô dặn Long cố chờ một lát mới được.
Nói xong, Hạnh đứng lên:
- Để cháu xuống bếp lấy chén cho bạn Quý.
Hiền Hòa nói:
- Để Hiền Hòa lấy cho.
- Thôi Hiền Hòa ngồi đó đi, để Hạnh lấy.
- Khỏi cần ai lấy cả! - Tiếng Tiểu Long bất thần vang lên - Tôi đã đem ra đây rồi!
Mọi người giật mình ngoảnh lại, thấy Tiểu Long đứng lù lù chỗ cửa, tay cầm hai cái chén, đang toét miệng ra cười.
Ba Hiền Hòa dụi mắt:
- Ôi, cháu cũng là...
Hiền Hòa vui vẻ:
- Bạn ấy là Tiểu Long, cũng là bạn con đó, ba.
Mẹ Hiền Hòa ngạc nhiên:
- Các cháu làm gì mà ở đằng sau nãy giờ thế ?
Hiền Hòa đáp thay bạn:
- Các bạn làm bếp phụ con đó mẹ. Các bạn còn tưới cây, ủi quần áo, lau nhà, giúp con ôn tập...
Trong khi Hiền Hòa hớn hở khoe thành tích của các bạn cho ba mẹ nghe thì nhỏ Hạnh nguýt Tiểu Long:
- Long làm gì mà sốt sắng thế ?
Tiểu Long nhăn nhó:
- Đói bụng quá.
Quý ròm nhìn hai cái chén trên tay thằng mập, cười hí hí:
- Hèn gì nó cầm ra tới hai cái chén. Té ra nó tính sẵn cả rồi.
- Các cháu này!
Tiếng của ba Hiền Hòa vang lên khiến bọn Quý ròm lập tức ngưng ngay cuộc đấu khẩu. Cả ba ngoảnh mặt lại, đồng thanh:
- Dạ.
Ba Hiền Hòa nhìn lướt qua các khôn mặt của bọn trẻ, giọng tự nhiên khàn đi:
- Bác rất cảm động trước việc làm của các cháu. Các cháu đối xử với con gái bác so ra còn tốt hơn hai bác nhiều. Bác nghĩ đó là một bài học đối với hai bác.
Ba Hiền Hòa bỗng dưng ăn nói long trọng hẳn khiến bọn trẻ lúng túng nhìn nhau, chẳng biết phải nói gì.
- Bác thay mặt cho cả bác gái xin cảm ơn các cháu thật nhiều nhé.
Bọn trẻ lí nhí:
- Dạ.
Ba Hiền Hòa day qua con gái:
- Hiền Hòa, con lại túi xách của ba lấy hộp kẹo chocolat đem ra đây...
- A, ba có mua chocolat hả ba!
Hiền Hòa vỗ tay reo ầm và nhỏm người lên khỏi ghế. Nhưng nó chưa kịp nhích chân đã thấy Tần và Dưỡng thò đầu ra nhìn láo liên:
- Chào hai bác ạ. Hiền Hòa cứ ngồi đó đi, để bọn này đi lấy cho!
Hai đứa làm một tràng rồi không đợi ai có ý kiến, đã bổ lại chỗ chiếc túi xách.
Quý ròm liếc qua đã biết tỏng hai ông mãnh này đánh hơi thấy kẹo chocolat nên nghị lực tiêu tan, không còn đủ kiên nhẫn chôn chân trong bếp nữa.
Mẹ Hiền Hòa tròn xoe mắt nhìn Hiền Hòa:
- Trời đất! Bạn của con ở đâu trong bếp mà hết đứa này đến đứa khác chui ra vậy hở con ?
Ba Hiền Hòa thở đánh thượt:
- Còn ai trong đó, con kêu hết ra đi!
Hiền Hòa chưa kịp đáp thì đằng kia Dưỡng đã bất thần cất giọng:
- Tình bằng có cái trống cơm...
Do quá hứng khởi trước hộp kẹo chocolat hấp dẫn, Dưỡng quên phắt giữ mồm giữ miệng.
Giọng ca đầy giông bão của nó khiến ba mẹ Hiền Hòa giật nảy.
Mẹ Hiền Hòa nhớn nhác:
- Trong bếp còn mấy đứa hát hò kiểu này nữa hở con ?
Vẻ lo âu của mẹ Hiền Hòa khiến nhỏ Hạnh, Tiểu Long, Quý ròm và Tần không nín cười được. Thằng Tần ngoảnh mặt lại, vừa cười vừa nhanh nhẩu đáp thay Hiền Hòa.
- Hai bác yên tâm! Trong bếp không còn ai nữa đâu ạ!
- Nếu bạn Dưỡng còn tiếp tục hát thì chỉ có bọn cháu chạy ngược vào lại trong bếp để lánh nạn thôi ạ.
Quý ròm láu lỉnh "đế" thêm một câu khiến mọi người cười rộ.
Và người cười to nhất, vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất dĩ nhiên phải là Hiền Hòa. Bởi họa mi từ nay không còn một mình nữa rồi!
Nguyễn Nhật Ánh
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro