since 2014: My boss
Lạc lỏng, hồi hộp, tò mò. Cảm xúc của tôi lúc này vô cùng là hỗn loạn. Hôm nay là ngày nhận lớp đầu tiên cho bốn năm cấp 2 của tôi. Bốn năm qua đi học, tôi đều là học ở trên thị trấn cùng cậu em họ nên khi lên cấp 2 trở lại trường trong xã của mình mà tôi cứ ngỡ là mình mới từ hành tinh không biết tên nào đó rơi xuống. Bởi vì chỉ có mỗi tôi và Lộc (cậu em họ đồng thời là bạn thanh mai trúc mã với tôi) là học trường khác ở trong trường này.
Trường đặt tên theo tên xã nơi nó được xây nên - Nhựt Chánh. Ngôi trường mà ở thời kì bốn năm theo học của tôi thấy được sự thay đổi rõ rệt nhất. Trong khi năm đầu tôi vào thì còn sân cát và dãy phòng học không có tầng mà chỉ vỏn vẹn ba phòng học kiểu cũ vẫn còn dùng để học dù trường có dãy phòng mới hơn mà tôi nghĩ là nó cũng phải "trẻ" hơn dãy phòng cũ kia tầm hơn 10 năm, còn dãy hành chính thì chỉ mới xây xong dãy tầng trệt, cơ sở vật chất thì không có để mà kể. Đến năm tôi ra trường thì trường tráng ximăng cho sân trường, khóa dãy phòng học mà tuổi nó có khi ở hàng cha chú của tôi thì tận dùng làm phòng kho, dãy phòng học "trẻ" hơn thì được sơn mới, thay đổi bàn ghế, bảng và dãy hành chính thì đã là dãy phòng 2 tầng lầu với cơ sở vật chất mà phải nói là khá "bảnh" với một trường xã. Nhớ lại ngày ấy rồi so sánh với bây giờ, lúc nào tôi cũng thầm nể phục sự phát triển của thời đại. Không kể đến thế giới bên ngoài thay đổi ra sao, chỉ cần nhìn sự thay đổi trong bốn năm tôi theo học tại trường Nhựt Chánh này thì cũng đã thấy rõ ràng sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại.
Ngày ấy, tôi bước vào lớp học sau khi chen chúc với hàng trăm người để nghe danh sách lớp thì lớp đã gần như là đầy đủ vì tôi rất dở ở khoản tìm phòng dù chỉ có 10 phòng nhưng tôi đã chật vật hồi lâu mới tìm đúng phòng. Năm ấy, tôi và cậu em của mình từ chối lời đề nghị của cô Tám tôi, mẹ của Lộc, về việc xin cho hai đứa học chung một lớp. Tôi không biết nó nghĩ gì nhưng chắc là giống tôi. Học chung nhau 4 năm tuổi thơ, gắn bó keo sơn với nhau từ khi hai đứa bắt đầu nhận thức về thế giới khiến con người ta muốn thay đổi, muốn khám phá thế giới khác, muốn có sự riêng tư thầm kín của riêng mình. Nên hai đứa tách nhau ra nhưng lớp của nó và tôi khá gần, tôi chỉ cần xuống cầu thang bên hông phòng mình là tới lớp nó. Năm ấy cũng chỉ có lớp tôi ở trên lầu, bốn lớp còn lại đều ở tầng trệt. Vậy nên, hôm nhận lớp một mình tôi bước vào trong lớp với mớ cảm xúc mà tôi không biết là vui mừng, tò mò hay là cô đơn. Nhìn vào lớp rồi chọn một bàn đôi sau dãy bàn đầu chưa có ai ngồi, tôi ngồi xuống và chờ đợi giáo viên. Tôi im lặng nhìn xung quanh. Cả lớp tôi ai cũng có người ngồi cùng hoặc đợi bạn. Sau tôi còn vài người khác bước vào, họ nhanh chóng ổn định vị trí vì như đã có hẹn trước với bạn nên họ đi vào chỗ ngồi mà không hề do dự. Trước khi giáo viên vào thì có một bạn nữ nữa đi vào nhưng có vẻ người bạn của cô đã có bạn cùng bàn, cô ấy do dự một lúc rồi đi đến chỗ của tôi và xin ngồi chung. Tôi cảm thấy mình ngồi chung với ai cũng được vì dẫu sao cũng chẳng quen ai.
Cũng không đúng lắm, năm lớp 1 tôi học ở trường xã. Đúng vậy, trường đó là trường tiểu học ở gần với trường cấp 2 này nên tôi có biết một số bạn ở đây. Nhưng một số ở đây chỉ vỏn vẹn 4 người: lớp trưởng năm ấy-Long, bạn cùng bàn với tôi - Phi, Trà ngồi sau tôi và bạn cùng bàn của cậu ấy Ngọc. Nhưng đến năm lớp 2, sau khi ly hôn với mẹ tôi, ba tôi bắt đầu từ bỏ công việc có quỹ thời gian tự do mà đi sửa máy dệt chiếu cho cậu 8 của tôi, cũng là cha của Lộc (sở dĩ tôi gọi là cậu vì tôi quen gọi giống đứa em họ của tôi, đáng lẽ ra tôi phải gộ bằng chú), để tiện chăm sóc tôi. Có gì đó mâu thuẫn? Không đâu. Công việc có quỹ thời gian tự do ấy không hẳn là tự do. Ba tôi lúc ấy miền Nam trong này gọi là đi đóng cừ để xây nhà. Thời đại bây giờ, nhà đều đóng những cột bêtông cốt thép để chống đỡ cho ngồi nhà thì thời ấy dùng cây cừ để chống. Ba tôi đóng những cái cây ấy cho những ngôi nhà thời đó. Tới bây giờ, ba tôi vẫn tự hào rằng đi xuôi ngược ở thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ hay những ngõ hẻm trong Long An và những chỗ giáp với Long An đều có nhà vẫn còn chống bằng cừ ông đóng. Nó nhiều đến nỗi mà mỗi nơi ba tôi cứ mỗi lần đi qua đều nhắc nhưng tôi vẫn không nhớ hết. Từ vài bệnh viện, nhà dân, tiệm vàng, cửa hàng nhỏ đủ loại. Nhưng công việc này lúc nào có người đặt lịch thì đi và đi thì phải đi hết vài ngày liên tục, chỗ gần thì còn về nhà chứ chỗ xa thì phải ở lại tới khi xong việc. Thành ra không thể chăm tôi được mà khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể tự lo. Vậy nên mà cha tôi từ bỏ công việc này. Tôi biết ông rất thích nó. Bởi vì tôi thấy mỗi lần ông đi qua một nơi nào đó, ông đều cười, nói với giọng đầy tự hào "Ba từng đóng cừ ở đó đó Chi. Nhà đó có ...". Ông nhớ hết những người mà ông đóng cừ cho nhà họ, nhớ rõ nhà đó có con trai hay con gái, nhớ rõ nhà đó xây như thế nào, hay lúc đó chủ nhà đãi ba và đám "lính" của ông đi nhậu sau khi xong việc. Mà mỗi lần đi qua ông đều kể như việc đó lúc nào cũng luôn tua đi tua lại trong đầu ông. Vậy nên mỗi lần như thế tôi lại cảm thấy thương ông, tôi không thể hiểu được phải từ bỏ thứ mình thích là cảm giác như thế nào nhưng tôi thấy trong mắt ông khi kể hay cả trong giọng nói đều mang một nỗi buồn âm ỉ sâu thẩm bên trong mà có lẽ do từng là một phần của ông nên tôi cảm nhận rất rõ ràng sự buồn bã đó dù nụ cười vẫn còn trên gương mặt. Tôi cảm thấy mình nghẹn lại. Tôi buồn cho ông bao nhiêu, tôi lại càng cảm thấy bản thân vô dụng bấy nhiêu. Ông đã hy sinh nhiều thứ cho tôi nhưng không nói ra cũng không đòi tôi trả lại. Ông chiều tôi bằng tất cả những gì ông có mà chưa bao giờ từ chối tôi nếu ông có thể. Tôi nợ ông rất nhiều thứ.
Năm tôi lên 9 tuổi, có một sự cố xảy ra làm thay đổi rất nhiều với tôi.
Trong một buổi tối năm ấy, ông đang uống trà cùng với dì Tư (tôi gọi dì Tư vì tôi tôn trọng người lớn tuổi hơn, bà cũng là người tôi không muốn nhắc đến nhất) thì ba tôi đột nhiên đau nhức và mất cảm giác ở nửa người bên trái. Lúc ấy, dì Tư vội dìu ông lên giường rồi gọi cho bệnh viện. Lúc ấy thấy bà dìu ba tôi nằm xuống, tôi vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì các cô của tôi đã vào trong nhà. Nhà các cô của tôi chỉ cách nhà tôi 5 phút đi bộ mà còn chạy xe máy tới nên tôi chưa hiểu chuyện gì các cô đã tới và ngồi bên cạnh ba tôi hỏi han, cũng không quên liếc nhìn dì Tư bên cạnh. Sau đó, xe cấp cứu đến và đưa ba tôi đi, lúc ấy tôi vẫn không thốt ra được một lời nào. Các cô bàn nhau một hồi rồi cô Sáu đi theo ba tôi, cô Tám thì dắt tôi về nhà cô ấy, sau đó đi lên bệnh viện. Tôi không nhớ những gì xảy ra tiếp theo nữa, tôi cảm thấy như mình vẫn mơ màng ở cái đêm ấy, kí ức những ngày sau đấy đều trống rỗng. Não tôi như ngừng hoạt động kể từ khi ba tôi xảy ra chuyện. Sau đó, tôi không biết là sau bao nhiêu ngày kể từ hôm ấy, như mọi ngày, cô Tám chở tôi cùng Lộc về nhà. Kể từ tôi hôm ấy, tôi đều ở nhà cô Tám nhưng hôm ấy, cô tôi để tôi ở nhà. Tôi như chạy òa vào trong khi nghe cô tôi bảo ba tôi đã về nhà. Trong nhà, ba tôi đang nằm trên giường đợi tôi về, tôi thấy ông nằm đó, tôi cảm thấy như mọi chuyện như một giấc mơ mà đêm hôm đó chỉ là ác mộng và tôi vừa tỉnh dậy. Tôi ôm ông thặt chặt. Bởi tôi sợ chỉ cần nới lỏng một chút, người người sẽ quay quanh ông rồi đưa ông đi mấy như đêm ấy. Tôi không muốn. Tôi nghĩ khi ấy là lần duy nhất trong cuộc đời mình, tôi thấy mình trẻ con đến lạ. Sáng hôm sau, khi chuẩn bị đi học tôi nói với ông
- Cha nhớ ở nhà đợi con. Đừng đi đâu hết nha. Đợi con về đi chung nha.
Cha tôi gật đầu rồi dùng tay phải vuốt tóc tôi. Tôi bước ra khỏi nhà nhưng sau mỗi bước tôi đều quay lại nhìn ông. Trước khi lên xe của cô Tám tôi vẫn lặp lại
-Đừng đi đâu nha. Nhớ đợi con
Khi ấy, tôi nghĩ ông đã hứa với tôi rồi sẽ không nuốt lời. Nhưng đồng thời vẫn có nỗi bất an bao trùm lấy tôi suốt ngày hôm ấy. Tôi ra về vào buổi chiều. Lúc ấy, tôi vừa háo hứng, vừa lo lắng không biết ông có ở đó hay không. Tôi hi vọng ông sẽ giữ lời với tôi vì ông luôn thực hiện gì ông hứa với tôi. Nhưng hôm ấy, ông ấy lần đầu tiên thất hứa. Tôi được chở thẳng về nhà Lộc mà không phải về nhà. Cô Tám tôi nói rằng cha tôi đã đi lên bệnh viện thành phố. Cô dặn tôi mấy ngày này ở nhà cổ, sáng có gì ăn nấy, không ăn cũng phải ăn không cho nhịn đói, sáng trước khi tới giờ đi học phải chuẩn bị xong hết chứ không lề mề... đủ thứ nhưng tôi lại chỉ quan tâm đến việc: cha tôi thất hứa. Và rồi tôi cứ mơ màng từ ngày này qua ngày khác. Cho tới Tết dương lịch năm ấy, cha tôi đã chuyển xuống bệnh viện y học cổ truyền Long An, mẹ tôi - người phụ nữ tôi đã không gặp mặt suốt bốn năm kể từ ngày bà và cha tôi ly hôn - đến đón tôi đi gặp cha. Xuất phát từ dòng máu chảy trong người nên có lẽ dù đã không gặp nhiều năm liền nhưng tôi vẫn cảm thấy thân quen như chưa từng cơ sự xa cách. Mặc dù cũng có chút ngại ngùng gì đó do không sống chung với nhau nhưng dù sao bà cũng là mẹ tôi, người phụ nữ tôi yêu nhất. Cùng đi với bà ấy, cuối cùng tôi cũng được thấy cha tôi. Ông ấy trong buồn bã và bất lực, trong đôi mắt ông có thứ cảm xúc gì đó ngỗn ngang mà tôi không biết gọi tên như thế nào. Có lẽ ông không nghĩ tai nạn sẽ đến với mình bất ngờ đến thế. Hoặc có lẽ ông không nghĩ người phụ nữ đã từng chung chăn gối với mình này sẽ không bao giờ đến thăm ông hay dù chỉ là liếc mắt lại ở đây chăm sóc mình. Ông nhìn tôi bằng đôi mắt mà tôi nghĩ lúc nào nước mắt cũng có thể ứa ra, nó làm tôi bao nhiêu uất ức, buồn tủi, cô đơn, nhớ nhung trong lòng tôi như nghẹn lại ở cuốn họng. Đau rát. Khó thở. Tôi nén lại nhưng vẫn run rẩy hỏi ông
- Sao cha không ở nhà. Con nói cha ở nhà đợi con mà.
Cha tôi không phải loại đao to búa lớn nhưng thường ngày giọng nói ông đều rõ ràng, dứt khoát. Nhưng hôm ấy, khi trả tôi giọng ông nghẹn hẳn, như việc phát ra tiếng rất khó khăn, ông nói nhỏ nhẹ như vừa khóc xong:
- Tại mấy cô con bắt cha đi chứ cha muốn đợi con. Mấy cô ép dữ quá.
Ông nói thế nhưng tôi biết ông chỉ dỗ dành tôi thôi. Thật ra hôm ấy ông chỉ về lấy đồ và nhìn tôi một cái rồi đi bệnh viện. Tôi nghe ông nói mà chưa bao giờ tôi cảm nhận mình thật sự như một đứa trẻ ích kỉ, vô lí. Từ bé đến lớn, chưa bao giờ tôi tỏ ra mình yếu đuối, cần sự giúp đỡ cho dù việc đơn giản như tắm rửa, hay phức tạp như bật đĩa bật tivi xem hoạt hình hoặc những việc hơi cần sức so với bé nhỏ cỡ 3 4 tuổi như khui nắp chai miểng(tôi không chắc nó viết như thế nào nhưng miền Nam gọi như vậy), những việc ấy tôi đều tự mình làm, tôi tự tin rằng tôi hiểu chuyện hơn những đứa trẻ khác rất nhiều. Mẹ tôi cũng thường nói thế. Vậy nên việc thốt ra những câu ấu trĩ như vậy tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nói. Lúc ấy, nước mắt cứ trào ra khỏi mi mắt. Dù biết nói thế nào cha tôi cũng đi, dù biết cha tôi chỉ là đang dỗ tôi thôi nhưng tôi vẫn nghe mà chẳng nói gì. Tôi cứ như vậy bên cạnh ông. Đêm hôm ấy là đêm đầu tiên tôi ngủ đàng hoàng sau khi ông ấy đi trị bệnh. Những đêm trước với tôi không phải thức trắng thì là ngủ không sâu. Đầu óc lúc nào cũng tự hỏi ông ấy đang ở đâu. Càng nghĩ tôi càng ôm chặt ông hơn. Nếu là ngày trước ông sẽ đẩy tôi ra nhưng hôm ấy ông cũng ôm lấy tôi. Thân hình ông rất lớn, cũng rất ấm, cảm giác thô ráp từ bàn tay ông áp lấy cánh tay tôi. Nó thật sự rất chân thật, điều đó nhắc nhở tôi rằng cha tôi đang ở cạnh tôi rồi. Không phải ảo giác. Thật sự rất ấm áp.
Còn tiếp..........
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro