Thầy giáo của em
Mùa hè năm ấy, em trông thấy anh tại một con đê nhỏ cách nhà em khoảng độ dăm mét. Anh mặc một chiếc áo xanh màu thanh niên, đeo cặp có quai chéo trước ngực. Nụ cười của anh tựa màu nắng sớm trên đồng. Chạy lại chỗ bà con đang đứng xung quanh, em biết được anh là sinh viên xài thành, đang thực hiện chiến dịch "Mùa hè xanh" tại các xã các làng để giúp bà con có cuộc sống tốt hơn. Khi ấy, làng em còn nghèo, tụi trẻ con như em còn chưa biết được mặt chữ thế nào, thế nên nghe tin trên thủ đô có sinh viên về giúp sửa sang đường xá đê điều, còn xóa mù chữ cho người dân, làng em quý lắm. Anh nhận nhiệm vụ dạy học cho các trẻ nhỏ, em cũng xin mẹ đăng kí một chỗ trong ấy rồi kéo cả lũ bạn vào cùng học chung.
Ngày đầu tiên lên lớp, anh mặc một chiếc sơ mi trắng ngả màu cùng cặp kính cận. Cái Na thích lắm, cứ hay ghé miệng vào tai em bảo là:
"Thầy trông hệt như chàng hoàng tử trong truyện Tấm Cám bà tao hay kể mỗi tối."
Em chưa nghe câu chuyện ấy bao giờ, vì em chưa từng được gặp bà. Ông bà em không đồng ý mối tình của bố và mẹ nên đã từ bố em mà về quê sinh sống. Ông bà cũng chỉ chịu liên lạc lại với mẹ một lần khi nghe tin mẹ em nhận được giấy báo tử của bố ngoài sa trường. Lúc bố em mất, em vẫn còn đang ở trong bụng mẹ. Em chưa từng nhìn thấy bố ngoài đời thật bao giờ, em chỉ được gặp bố qua những bức chân dung mẹ thường hay vẽ vào những đêm trăng tròn vằng vặc. Em gọi người qua nét vẽ của mẹ là bố, mẹ lại gọi ông ấy là người thanh niên của mẹ.
Những bức tranh mẹ vẽ hầu hết là chân dung, chỉ đúng một kiểu màu, một nét mặt, một nụ cười, nhưng mỗi bức tranh của mẹ, người thanh niên ấy lại mang một ánh mắt khác nhau. Khi thì là vẻ dịu dàng trìu mến như ánh mắt mẹ thường âu yếm nhìn em, lúc lại là ánh nhìn vui sướng giống em mỗi lần được mẹ nấu cho nồi nước mát sau trận nghịch ngợm cùng lũ bạn. Cũng có lúc, em phát hiện được ánh mắt chua xót của người ấy trên nền giấy ố vàng, đó là cảm xúc của sự chia ly, của nỗi đau mà chỉ có những người yêu nhau mới thấm thía nổi. Em chưa trải qua loại cảm giác ấy bao giờ, nhưng lâu lâu tỉnh dậy vào nửa đêm, nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé hiu quạnh của mẹ ở cửa bếp, em thấy mắt em cũng ươn ướt như mắt mẹ.
Mẹ hay bảo em là, em có đôi mắt cười đẹp như mắt bố, thế nhưng em lại khá tự ti với đôi mắt của mình. Em muốn mắt em to tròn như mắt của cái Na, thằng Tí, em cứ nghĩ rằng mắt càng to sẽ càng nhìn rõ được mặt của nhau, sẽ khó mà quên nhau hơn. Mặc dù em biết là mắt em đáng yêu hơn mắt chúng nó một chút, vì mỗi lần em sang nhà bác trưởng làng chơi, bác thường xoa đầu khen em có mắt cười đẹp và cho em hai trái cam thay vì một trái như những đứa bạn khác. Chính vì điều đó, em rất hay cười.
Những buổi học của anh thật sự rất nghiêm túc khiến em không cười nổi dù chỉ là cong đuôi mắt. Anh dạy rất nhiệt tình, cũng rất ra dáng một thầy giáo em vẫn hay tưởng tượng. Nhưng đó không phải là lý do chính khiến em không thể cười. Bởi vì em quá bận tập trung. Không hẳn là tập trung vào bài giảng, nó khá mới lạ so với em nên em chưa thật sự theo kịp nó, em bận tập trung vào ánh mắt và nụ cười của anh.
Đôi mắt anh to tròn, lại long lanh, tựa như trong mắt anh là cái giếng nước đầu làng, chúng trong veo, lại còn ầng ậc nước. Mãi sau này khi em thấy được dáng vẻ khác của anh, đôi mắt ấy cũng có lúc mạnh mẽ và kiên cường đến lạ. Bà của Na bảo rằng người có đôi mắt long lanh thường mang nhiều cảm xúc. Điều này thì em thấy đúng, vì anh luôn mang một cảm giác gì đó khó tả đối với em, như vậy có phải là anh đang san sẻ chút tình cảm đã quá đong đầy của anh sang cho em hay không?
Còn phải kể đến nụ cười, anh có đôi răng cửa của Chuồn. Chuồn là con thỏ nhà em nuôi. Đừng hiểu lầm, anh không có giống thú cưng của em đâu, chỉ là anh cười rất đẹp, cảm giác bình yên giống như gia đình em vậy. Mẹ em rất yêu quý Chuồn, nên em tin chắc mẹ cũng sẽ quý anh giống Chuồn thôi.
Mấy ngày nay mẹ hay đi làm ăn xa, không ở nhà với em và Chuồn. Khi dông đến, em thường ôm Chuồn vào buồng rồi ngồi hát vu vơ. Em sợ sấm, vì cảm tưởng như sấm có thể cuốn trôi đi tất cả những gì em để tâm tới. Em xém mất Chuồn trong một lần sấm vang rền, nên em cũng sợ sẽ mất anh. Nhưng nghĩ đến nụ cười của anh, em cảm thấy chẳng còn gì đáng sợ bằng việc em có thể sẽ ngủ quên, anh nổi giận, và em sẽ không được anh dạy học cho nữa. Chỉ tưởng tượng tới điều đó thôi, em cũng đã chọn cho mình một giấc ngủ ngon lành cạnh Chuồn, mặc kệ ngoài trời có muốn giăng dây ngăn cản em đến gặp lại anh vào sáng hôm sau.
Có lẽ, em đã thầm mến mộ anh rồi chăng? Giống như sự ngưỡng mộ một ai đó khi họ mang đến những thứ mà ta có mơ cũng chẳng thể có được?
Bình minh luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất trong ngày của em, khác hẳn với những nhà văn anh hay thưởng kể. Mỗi khi thức dậy, đầu em lại tự động nhớ tất cả những công việc mẹ giao trong một ngày trước khi lên đường ra đồng làm ruộng. Vụ mùa năm nay làng em rất khá, lúa đã nặng trĩu hạt tự bao giờ, chúng ngại ngùng tạo dáng như người thiếu nữ trong tình yêu qua thơ của Xuân Quỳnh*. Nhưng đáng tiếc là làng em ở không có biển, nếu không, em cũng sẽ thử một lần đứng trước gió trời lồng lộng, nhắm mắt căng tai lắng nghe tiếng sóng biển thì thầm tỏ lòng với mặt đất thân yêu.
Hôm nay anh không đến lớp, anh nhắn lại với cái Na là anh có việc phải quay về trường ở Hà Nội, thế nên ít nhất phải cả tuần lớp ta mới mở trở lại, cũng là bảy ngày em không được nhìn thấy anh. Trước khi đi, anh soạn sẵn một số bài thơ chúng em cần phải học thuộc lòng trong vòng vài tuần. Anh không ép lớp học nhiều, vì anh biết đám trẻ con ở làng này học cũng chẳng có cơ hội được dùng kiến thức để sinh ra tiền. Nhưng tụi trẻ con muốn học, và anh muốn dạy. Anh luôn tâm huyết với bài giảng của mình, dù đôi khi nhập tâm quá, anh lại dùng một ngôn ngữ lạ lẫm như vừa ở trên cung trăng xuống, cho đến khi nhìn thấy những cặp mắt khó hiểu của các học sinh ở dưới ghế, anh mới chột dạ mà quay trở về những từ ngữ của con người.
Những ngày anh không ở làng, lũ trẻ con lại trở về với những trò chơi dân gian quen thuộc nhưng ở một kiểu khác. Chúng lén lấy những viên phấn trắng trong lớp học của anh, vẽ những ô lò cò thẳng thớm, khác hẳn với những lần lấy đá để vẽ. Ô ăn quan cũng được bọn chúng dùng phấn vẽ nên, cũng lấy luôn phấn để làm quân cờ, nhưng tiếc là trời lại quá nắng, tụi em đứa nào cũng ướt sũng mồ hôi, tay cầm viên phấn lâu thật lâu khiến phấn chảy ra đầy cả tay. Lúc đó, mặt chúng nó hoảng hốt đến thương, bọn chúng cứ lấm lét nhìn em, sợ em sẽ mách lại với anh, vì sau con Na, em là đứa chịu khó nói chuyện với anh nhất.
Em cũng lo lắng không kém tụi nó, vì nếu hư phấn thì anh sẽ không dạy tụi em học được, em càng sợ anh sẽ giận học sinh của mình, giận luôn cả em, anh sẽ ở hẳn trên đấy luôn và không về với làng nữa. Nghĩ tới chuyện đấy, lòng em cứ nong nóng như cái bếp lửa ở chỗ bà của Bằng Việt*, em cũng chẳng có tu hú để nhờ nó gửi thư cho anh, nên em đành mạo muội nhờ bác trường làng cho em theo bác lên huyện, đánh cho anh cái thư. Em không dám bảo là lũ trẻ con nghịch chảy phấn của thầy giáo, em chỉ bảo là:
"Nhà bị chim ăn hết phấn rồi, anh khi nào về mang theo một hộp phấn cứng không dễ chảy để chim khỏi ăn ạ!"
Em lo xa nên tái bút thêm hẳn hai câu:
"Anh đừng mắng mấy con chim mà tội nghiệp ạ. Vì lúa chưa thu nên chim chưa có gì bỏ bụng, anh cứ suy nghĩ đến việc nhịn đói mấy ngày sẽ giống chim mà không còn sức dạy ạ."
Chỉ độ hai ngày sau, 2 hộp phấn trắng sạch sẽ còn nguyên tem đã nằm chễm chệ trước bàn giáo viên của anh. Thầy giáo của em đã giữ đúng lời hứa, anh không trách mắng gì mấy con chim, anh chỉ gửi kèm một trái tim nho nhỏ được tô kín đằng trước câu "Cái này đắt lắm, chim đừng ăn nhé!" trong cái phong bì kẹp giữa hai hộp phấn.
Vào một buổi tối sau khi đã nấu xong bữa tối cho bản thân và Chuồn, em mới giở cuốn vở tài liệu anh soạn cho mỗi đứa trong làng. Anh hay ghi chú ngày giờ anh sửa và soạn bài cho tụi em, giống như hôm nay là mùng 7 tháng 11, em đang đọc lại bài văn của mình về mẹ.
Anh sửa rất chi tiết, chữ viết cũng rất sạch sẽ, dễ đọc, chả bù cho em, chữ cứ xiên xiên vẹo vẹo, như những lá cây liễu sau hè nhà bà Ba, chỉ cần một con gió cũng có thể làm chúng chao đảo. Anh thường dạy là "Nét chữ, nết người", em sợ rằng khi anh thấy chữ viết của em, anh sẽ đánh giá em là một người tâm trí không vững vàng, cứ hay lung lay. Nhưng cũng thật lạ là, tay chân em cứng cáp như thế, mỗi khi gặp anh lại cuống hết cả lên. Cũng giống như nét chữ này, tuy là được viết ra từ bàn tay nhưng lại như đang tố cáo cảm xúc không nên có mà trái tim em dành cho anh. Ngày anh tạm biệt làng để trở về thành phố, tối đó em không ngủ được. Cứ nhìn Chuồn là em lại nhớ đến anh, em nhớ nụ cười của anh da diết. Em muốn có một giấc ngủ dài trôi cả dòng thời gian, để khi tỉnh dậy lại nhìn thấy anh với chiếc sơ mi trắng trên bục giảng như bao ngày.
Biết là không nên nhưng em vẫn phải thổ lộ rằng, anh ơi, em quý anh, không phải với tư cách là một kẻ mến mộ anh nữa. Em quý anh như cách em quý Chuồn, quý mẹ.
Còn như cách mẹ quý bố nữa.
*Dựa theo "Sóng" của Xuân Quỳnh năm 1967, sgk 12 tập 1.
*Dựa theo "Bếp lửa" của Bằng Việt năm 1968, sgk 9 tập 1.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro