Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

23

Có tiếng cửa sập mạnh đằng sau lưng. Chắc chắn nó không phải do tôi. Nó có tác dụng như một cú huých đẩy tôi về phía trước. Con đường dẫn vào nhà có được lát sỏi nhỏ nhỏ xinh xinh thế này không nhỉ? Tôi không nhớ. Nhíu mày nhìn hết bên trái rồi bên phải chỉ thấy những thảm cỏ đẫm nước, bì mờ đi bởi làn sương. Nhà mình đã từng trông hiện đại thế này ư? Không còn cái hơi lạnh nhân tạo của điều hòa nữa, tất cả những hơi ẩm nồng cứ thế xộc vào phôi như muốn nẹt cuốn họng của tôi. Rốt cuộc thì tránh cũng không thể tránh được. Nhưng bất giác tôi nhìn lại đằng sau thì chỉ thấy bóng của dượng, có lẽ, cùng chiếc ô tô của ông, có thể, cứ im lìm trong màn sương tạo thành một khối đen bất động. Tiếng sỏi dưới chân khẽ lào xào.

Chắc chắn đây không thể nào ở trong xã nhỏ xíu xiu kia rồi, cũng không thể nào ở Sài Gòn hay ở nhà lão. Đây là đâu? Một cậu hỏi tu từ chẳng bao giờ được giải đáp trong lúc tôi bước theo quán tính.

Và rồi cửa nhà hiện ra.

Phải nó vốn như thế này không? Là một cánh cửa sắt kéo ngang nặng nề. Im ỉm lỉn đằng sau là một cánh cửa gỗ. Tôi thử kéo cánh cửa sắt thì tiếng rít từ thanh tà đã quá lâu không được tra dầu vang lên như muốn chọc thủng màn nhĩ. Không kể chất thép lạnh cứ ép bản thân phải rụt tay lại. Rồi tiếng chốt từ tay nắm cửa gõ từng chút một vào không khí. Từng nhịp nhẹ mà làm da gà của tôi nổi lên hết cả. Thêm vào đó là cách cánh cửa ù lì di chuyển từng chút một. Giống kiểu một cái xác khô giờ bị ép cho cử động vậy.

Nhưng rồi bên trong cũng được hé mở ra.

Phải trong những làn kí ức mờ nhạt giống thế này không nhỉ: Một căn phòng khách nhỏ, rồi phòng sinh hoạt chung, căn bếp, một cầu thang gỗ ọp ẹp dẫn lên trên với hai căn phòng nhỏ trên gác. Với một người trưởng thành đi vài bước là hết nhưng với tôi ngày đó hẳn căn nhà này đã rộng lắm, chạy nhảy mỏi chân. Có ai đâu? Thích thì mình cứ quậy, cứ giỡn. Chứ ngồi một mình chẳng có gì vui cả. Những ngày cuối tuần đúng là chẳng bao giờ bố ở nhà, còn mẹ cứ đi làm suốt. Để lại mình tôi chơi vơi.

Giật mình nhận ra cửa nãy giờ vẫn mở, và giờ toàn bộ căn nhà đã ngập trong sương, tôi khép nép bước vào, đóng cửa gỗ lại. Những cót két ban nãy không giảm mà còn tăng lên, dôi vào tường phòng khách mà vọng lại. Như thể cố ý, ngay khi chốt cửa vừa khớp lập tức có những xì xào vang lên. Nó nghe như lạc đang được đảo. Nhưng rồi cũng rõ dần:

"Không làm gì có. Mình đã hứa với nhau rồi mà."

"Tôi không tin. Cái gì mà cứ thụm thò như vậy hả?" Tôi có hỏi ông Nguyên rồi. Anh có ra sới!"

"Đúng là anh có ra, nhưng..."

"Đã ra mà còn chống chế gì nữa?"

"Không. Không phải. Ra một chuyện, nhưng anh ra anh không đáng đề."

"À còn có việc ra sới đề mà không đánh đề à? Giờ tôi mới biết đấy. Nói nghe xem nào."

"Anh ra trả nợ."

"Tiền ở đâu ra mà ông trả nợ?"

"Anh đi làm."

"Anh làm được cái gì?"

"Anh chạy xe ôm cũng được dăm đồng. Thấy em cực vậy..."

"Thôi thôi khỏi! Ông ở nhà chăm được cho Thủy là tôi mừng rồi."

Rồi những âm thanh ấy dừng lại, trả lại sự im lặng.

Tôi biết đó là giọng của mẹ mình, và giọng kia không thể nhầm được là của bố. Nhưng tại sao? Tại sao là căn nhà này? Tại sao là ở đây, ngay lúc này? Tôi đứng tư lự nơi cửa nhà, không dám tiến thêm bước nào nữa. Cứ đứng im đấy chẳng nhúc nhích, thậm chí thấy bản thân khẽ lùi lại, tựa vào gỗ lạnh ngắt.

Có tiếng gõ cửa.

Tôi bật nhảy khỏi cánh cửa. Âm thanh ấy nếu là bình thường hẳn đã chìm nghỉm trong những ồn ào của xe cộ, nhưng ở đây nó sắc lạ lùng. Như thể cán dao vừa quẹt qua da, chắn chắn không gây hại gì nhưng không khỏi khiến ta lạnh gáy. Chưa kịp hoàn hồn thì từ phía phòng trong có tiếng chân. Nhẹ nhàng thôi, nhưng vang rõ. Tôi lại vội lách quá một bên. Thấy rõ trước mặt có một bóng đen lướt qua. Không thể nhìn rõ được là bố hay là mẹ. Có tiếng chốt cửa mở. Và những thì thầm khe khẽ tan ra theo làn sương.

"Đâu mới về đấy"

Là giọng của mẹ.

"Đây..."

Tôi nín thở. Đây không phải là giọng bố. Đây là giọng một người khác. Một người tôi không rõ là ai. Suốt ngày chỉ ở trong nhà, rồi ở trên trường, rồi lớp học thêm, tôi không biết bố mẹ tôi quen biết ai, đi đâu và làm gì. Mẹ làm việc văn phòng, tôi đoán, và dù sao đó là thứ bà lúc nào bà cũng bảo tôi ghi vào phiếu liên lạc. Kể cả sau này khi bà đã nghỉ việc, do lão yêu cầu vì sợ bà cực, mẹ vẫn không hề nói cho tôi biết rằng trước khi hai người chia tay bà làm nghề gì. Tuyệt đối nín thinh. Tiếng tim đập to đến mức làm tôi sợ mình nhỡ điều gì đấy quan trọng. Từ đâu can đảm xuất hiện, và thoắt cái tôi thấy mình sáp lại gần cửa. Những chuỗi thầm thì rõ dần lên.

"Cảm ơn anh..."

"Không có gì đâu. Có gì gọi. Anh biết giai đoạn này nhà đang khó khăn. Ông chồng em sao rồi?"

"Thì vẫn vậy. Thôi giờ này chắc ổng sắp về. Anh mau mau về đi."

Cửa sập. Dường như có tiếng xe máy rồ xa dần.

Cái bóng từ cửa quay lại. Gần quá! Vẫn còn lẫn trong những mờ của sương làm tôi không thể nào nhìn rõ được mặt. Nhưng tôi chắc chắn rằng đấy chỉ đơn giản là một cái đầu tròn lẳn, giống những con ma nơ canh ngoài sạp quần áo. Chắc chắn nó không có mắt mũi miệng gì cả, chỉ đơn thuần là một dạng tròn vành vạnh. Vậy mà từ nó những câu từ kia được nói ra! Và cả nhịp thở nhẹ nhàng dìu dịu này nữa. Mỗi khi bà buồn sắp khóc bà sẽ cố gắng thở nhanh hai đến ba nhịp gì đấy rồi cố gắng kiềm lại chính nhịp thở của mình.

Tôi thấy tay mình giơ ra từ lúc nào, theo kiểu đầy bản năng. Nhưng thứ đó đâu phải là mẹ thật để được an ủi! Và cả bà nữa, khi không lại nghe lời rù quyến của lão. Nghĩ đến đây tôi vội rụt tay lại, tự nhủ thầm những thứ ở đây chỉ là ảo mà thôi.

Nhưng cái gã vừa nãy là ai?

Dường như có động từ trong phòng trong vang ra. Hẳn có đổ vỡ gì đấy ghê gớm lắm. Không chỉ một vọng âm tiếng của mẹ, của bố mà còn lẫn tạp trong đấy những hung hăng lạ lẫm, những đe nẹt, nạt nộ. Tất cả bị một lớp màn chắn lại, biến chúng thành những âm vọng xa xăm. Giống như thể không phải là tôi đang nghe những tiếng động cách mình vài bước chân, mà chúng đến từ những chiều không gian khác, thời gian khác. Lúc nào cũng có một khoảng cách nhỏ thôi, mỏng thôi, nhưng đấy là một vô tận.

Có điều tôi vẫn bước.

Căn phòng sinh hoạt chung trong kí ức tôi có cái truyền hình, có dàn máy tính, có một cái bàn làm việc và một bộ ván gỗ. Mẹ thích bày lên ván ăn còn bố lại khăng khăng bưng mâm ngồi dưới sàn ăn. Có chăng là thêm một cái tủ nhỏ chứa vài món đồ trang trí cộng thêm dàn đầu đĩa. Không có gì là quý giá cả vì chúng đều là quà cưới cả. Có điều tất cả chúng đều đang được phủ trong sương mờ. Có những cái bóng liêu xiêu nhấp nhô tạo thành những tạp âm hỗn tạp. Có vẻ chúng là lời nói đấy, nhưng đã bị nén lại nên không nghe ra chữ gì cả. Là lỗi của bố mấy người này đến đây hay là do gì khác?

Tôi đứng sững đấy, dóng tai lên, căng mắt ra nhưng không có cách nào xuyên qua được chúng. Không có điều gì có nghĩa cả. Tất cả đều là những xao động, là những dạng thù không rõ nét. Không hiểu. Không thể hiểu. Tôi thấy may mình đang tựa vào tường nếu không cũng đã ngã quỵ rồi. Tuyệt vọng như một đứa trẻ không thể làm gì trước thảm kịch đang diễn ra trước mắt nó, khi người lớn cãi nhau mà nó chỉ có thể trốn chui trốn nhủi vừa nghe vừa khóc, rồi vụt bỏ lên phòng đóng cửa lại, chỉ ước rằng bản thân chưa bao giờ phải chứng kiến bố và mẹ phải cãi nhau đến như vậy. Lưỡi chợt cảm thấy vị mằn mặn chạy ra từ môi. Ô hay mình đang nén tiếng khóc từ lúc nào vậy? Đây chỉ là những vọng tưởng từ quá khứ thôi mà. Coi nào Thủy, chẳng có gì để mày khóc cả. Chuyện đã xảy ra thì xảy ra rồi. Đúng không nào. Chẳng có gì để phải khóc cả Thủy à. Đứng lên đi. Đứng lên nào.

Tôi thấy mình đã ngồi bệt xuống từ lúc nào. Toàn thân không còn tí sức lực nào cả. Giống như cái điện thoại bị sập nguồn bấm kiểu gì cũng không lên nổi. Mớ hỗn độn trước mặt tôi cứ thế tăng dần cường độ. Từng đợt những âm thanh vô sắc không đầu không đuôi, như thể tổng hòa tiếng vỡ chợ với tiếng xe cộ, ào ào trút xuống đầu và định dìm chết tôi. Nhưng tôi gắng gượng để làm gì? Đằng nào mình cũng sẽ giống như Mỹ, sẽ cố gắng trong tuyệt vọng, sẽ cầu cứu, nhưng nhìn nó mà xem?

Tôi ngửa đầu nhìn lên trần nhà. Góc trong của căn phòng có một cái cầu thang dẫn lên trên. Dường như có một mái tóc đen ẩn hiện trong những màn sương nấp đằng sau thành cầu thanh, chỉ hơi nhô lên chút thôi như thể đang cố lắng tai nghe vậy, nhưng không dám nhìn. Những lộn xộn dưới này hẳn đang làm em lo sợ. Sinh khí trở lại, hay có lẽ chỉ do thuần túy tò mò, giúp tôi chống gối đứng dậy được. Bỏ lại những ầm ĩ dưới này, tôi lết về phía cầu thang, ráng từng bước một. Vịn cái thành gỗ mục, tôi thầm e ngại mình sẽ làm gãy cái cầu thang mất thôi. Mới chỉ một bước mà nguyên khối gỗ rung rinh. Bước thứ hai mọi thứ xiêu vẹo. Bước thứ ba thì những kẽo kẹt kéo từ màn nhĩ chạy xuống tận gót chân làm cái gai người chạy khắp toàn thân. Cứ được bước nào tôi lại ngó ra sau lưng để thấy mình đã lên được bao cao, rồi một cách đầy quán tính nhìn ra chỗ những xì xào. Chẳng thấy cái gì cả, và sự ồn ào cũng yếu dần đi. Khi lên đến gác trên – bậc thang thứ mười thì chỉ còn thinh lặng. Rồi tiếng cửa sập.

Rồi mưa.

Gác trên tương đối nhỏ,thành ra những rào rạt của mưa bên ngoài kết hợp với mờ ảo của sương khiến cho bản thân đang cảm thấy chông chênh như đang ở trên một con thuyền giữa bão tố. Lại tần ngần, lại bất lực, lại do dự, lại không biết phải làm gì, hay không làm gì. Tôi cứ đứng đấy trơ ra như một bức tượng. Có những tiếng chân xa dần, rồi nín bặt. Xong rồi là những giậm dựt khiến cầu thang gãy đôi. Và rồi hai cái bóng đen bật lên trên màn sương dày. Một vận váy, một thì vận quầy kaki với áo phông. Chúng lại khẽ rì rầm, lại nhỏ to những điều không thể nghe rõ. Kể cả khi chúng ngang qua mặt tôi với sự gắt gỏng hiện rõ trong từng những thầm thì. Tôi hiểu. Tôi hiểu mà. Tôi hiểu nên nước mắt tôi mới lại đang chảy ra ướt đẫm bờ vai, làm áo dính bết cả vào da vào thịt, nóng như thể ai đang đổ nước sôi lên người vậy. Nhưng tôi không chọn cách dãy giụa. Tôi đứng im đón nhận nó.

Là vậy đó.

Tôi biết chắc trong cơn mơ màng của mình, dù hai người họ có cố gắng đến mức nào đi chăng nữa cũng không ngăn được những cảm xúc của mình, những quát tháo, những giận dữ, những chì chiết mà một đứa trẻ không bao giờ muốn thấy nơi bố mẹ. Tôi đã luôn quên, tôi đã luôn cố quên.

"Thằng kia là thằng nào?"

"Anh ta giúp chúng ta trả nợ."

"Thế em nghĩ tự nhiên một thằng đàn ông khơi khơi đi giúp vợ người khác toàn là thánh nhân chắc? Anh là đàn ông chứ bộ... Nói thiệt đi. Nói di! Em có giấu anh cái gì không?"\

"Thì... Anh ta tốt bụng, anh ta phụ mình trả nợ."

"Thế em có hiểu điều này là gì không hay em cố ý vậy? Nói anh nghe coi? Bao lâu rồi hả? Hắn đưa em tiền được bao lâu rồi? Hai người bắt đầu từ lúc nào?"

"Vừa phải thôi chứ? Người dưng nước lã mà giúp mình trả nợ như thế này là tốt lắm rồi. Anh có cố ý quên nhà mình phải chịu cục nợ này từ đâu không vậy?"

"Tôi biết, nên tôi không muốn có bất kì ai giúp. Chính tôi phải đứng ra trả đứt số nợ này."

"Trời ơi thấy bao nhiêu giang hồ đến đây không? Chính anh cũng nói rằng sẽ trả nợ mà, thế sao lại lãi mẹ đẻ ra lãi con như thế này? Anh có đi đánh đúng không?"

"Đúng!"

"Trời ơi..."

"Than cái gì cứ trời với đất miết?" Tôi chỉ đang cố trả bớt được chừng nào hay chừng ấy."

"Anh trả nợ bằng cách đánh thêm?"

"Thế em không nghĩ đến việc anh trúng để có tiền trả à?"

"Thế anh có nghĩ đến việc từ đâu ta bị như thế này không?"

Hai cái bóng đến đây tách ra, lưng đối lưng. Dưới những gầm gè ấy tôi vẫn nghe được những thương yêu ngầm chảy. Nhưng e rằng mạch ấy cũng sắp cạn. Có tiếng khóc. Không phải của tôi. Nhưng cũng không phải của mẹ. Là từ cái bóng mang hình dạng của bố, lúc nào cũng cười, lúc nào cũng sôi nổi những đầy dịu dàng với cái quần kaki cũ cùng cái áo phong đã nhàu. Có thể ông đang tiết kiệm, cũng có thể là do tính ông thế. Nhưng dù do nguyên nhân gì đi chăng nữa, tất cả đều không còn nghĩa lý gì. Có một vệt rạn quá lớn mà tôi năm ấy trong những vô ưu và mơ màng đã không hề hay biết. Nhưng ở đây, bất chấp những sương mờ này, nó đập thẳng vào tôi khiến cho toàn thân lẩy bẩy. Vẫn sát tường, cố gắng hình thở sâu nhưng thấy mọi thứ thật nặng nề, mắt cứ nhòe đi bởi lệ, tôi biết mình chỉ có thể ở đây nghe tiếp, thấy tiếp những gì bản thân đã chối từ suốt mười mấy năm qua.

"Nhà này anh vẫn đứng tên."

"Anh tính làm gì?"

"Anh sẽ bán nó, em sẽ giấy ly hôn với chữ kí của anh đề sẵn. Anh không thể trốn để lại hai mẹ con với núi nợ. Ông bà nội dặn rằng cưới vợ về không được làm cho nó khổ." – Đến đây có giọng cười nhạt của bố. –"Đất này không dung anh nữa. Trả nợ xong còn dư nhiêu sẽ đưa lại cho em coi như có của để dành."

"Này... Khoang..." – Những yếu ớt trong giọng mẹ nhất định tôi đã nghe rồi.

"Anh xin lỗi."

"Nhưng nhà này của ông ngoại cho em mà."

"Thế em tính kiểu gì? Lúc cưới em chuyển nó cho anh. Giấy tờ anh cầm! Anh nghĩ đây là sự hợp lý nhất cho gia đình mình."

Có tiếng bạt tai. Nghe như tiếng sấm. Nó dộng vào không gian những đau thương mà tôi chưa bao giờ biết, bà cũng từng nói. Nó cuồng nộ như cái cách bà bạt thêm cái nữa trước khi ngưng lại và nói từng chữ một:\

"Vậy thì cứ bán đi! Tôi không cần. Anh muốn thì cứ bán phứt rồi để cho hai mẹ con tôi đi. Đồ tồi! Đồ khốn nạn đê mạt. Khỉ thất! Đi đi... Đi đi!"

À ra thế.

Đó là mọi chuyện.

Là tất cả mọi chuyện.

Có tiếng cửa khẽ khép lại. Nhìn ra nó xuất phát từ căn phòng cuối hành lang. Cái bóng mặc quần kaki mờ dần và biến mất hẳn. Cái bóng mặc đầm công sơ cũng như vậy. Tất cả đều đã bị sương nuốt chửng. Và có lẽ cả tôi nữa. Thấy người nhẹ bẫng, thấy mắt không còn ướt, nhưng những vệt đang khô trên má vẫn còn bỏng rát. Và thấy cánh cửa vừa được khép lại kia lớn dần lên. Dẫu vậy tôi chỉ bất động. Khóc quá nhiều rồi, quá mệt mỏi rồi, nhưng mọi thứ vẫn không ngừng lại. Tôi có thể trốn đi đâu được? Cánh cửa kia đã đối diện như thể có ai đó muốn tôi phải nhìn, muốn tôi phải hiểu. Tốt thôi! Tao đang nhìn đây.

Cách cửa mở ra. Là căn phòng ngày nhỏ của tôi.

Mái tóc đen xõa dài. Tóc mình vốn có dài thế đâu nhỉ? Nhưng rõ ràng có một mái tóc đen xõa dài trên giường hồng. Nó phẳng, lặng và êm ả. Tôi thấy mọi thứ gần hơn. Gần hơn. Chắc chắn bản thân vẫn dựa vào tường, tôi biết mình đang bị đẩy tới. Và kìa, tôi đang ngủ say giấc nồng, như hôm ấy. Luôn ngủ. Chưa bào giờ muốn thức. Và giờ là lúc mẹ vào, dựng tôi dậy, kéo tôi ra khỏi giấc mộng về một gia đình nhỏ có ba người. Lạ thay mười mấy năm nay sau khi đi bước nữa với lão tôi vẫn chưa có em. Trời phạt chăng? Hi vọng vậy. Kìa trông cô bé ấy mơ màng thật thanh bình, vô lo. Gương mặt bị tóc lòa xòa che mất nhưng vẫn phảng phất những tươi vui. Vẫn là tôi, là tôi đấy. Có tiếng cửa khép lại đằng sau lưng. Xong có tiếng chân, xong lại có tiếng cửa mở. Tiếng bước chân càng lúc càng gần. Cảnh tiếp theo sẽ là tôi ngáp ngủ mơ màng mở mắt thấy mẹ, gương mặt lúc nào cũng tươi cười và dịu dàng với tôi kia giờ đang khóc nức nở thổn thức đầy những lời đớn đau mà một cô bé không tài nào hiểu được.

"Này."

Tôi cố gắng đứng bật dậy nhưng không thể, nhưng cũng không buồn ngoái lại nhìn. Cái giọng vốn vô lo không ưu tư ấy không phải là thứ tôi muốn nghe lúc này. Nhưng nó đã ở sau lưng rồi.

"Mày cút đi Mỹ."

"Này sao nóng thế? Đó giờ mày có vậy đâu."

Tôi im lặng. Thấy môi đau. Lại tự cắn từ lúc nào không hay. Khỉ thật.

"Coi nào đừng giận tao như vậy chứ. Tao cũng có biết gì đâu. Tao không nghĩ tao về nhà chơi thì mọi người sẽ lại như thế này.

"Thôi mà mày giận hoài. Mày đến được đây rồi thì mày cũng hiểu rồi chứ? Tao thật sự không biết Thủy à."

Rồi tôi cảm thấy có bàn tay chạm nhẹ vào lưng. Rồi một cái đầu tựa lên vai. Có chút nóng hổi khẽ tuông ướt cả vành tai. Mái tóc của Mỹ phủ lên ngực tôi, lấp loáng kì lạ. Hai tay nó vắt vẻo, níu lấy nhau tạo thành một cái ôm hờ. Tôi thử nhìn lại đằng sau qua kẽ mắt không tài nào thấy khuôn mặt kia.

Nhưng ít ra nước mắt này ấm.

Hẳn còn là người.

"Tao không biết nữa. Mọi chuyện diễn ra nhanh quá. Tao không nghĩ mình mạnh tay đến nhứ vậy. Tức quá đẩy thôi. Con nít mà. Hơn nó có ba tuổi như có vẻ tại lúc đấy tao cũng đã dậy thì nữa nên khỏe nhanh. Cái gờ chết tiệt ấy chẳng ai hay chẳng ai biết. Ba má tao chưa bao giờ bị vấp chố đó. Chẳng tại không bị ai đẩy... Nhưng nó bị tao đẩy mày hiểu không? Là do tao. Tao hết! Mày nghĩ thử xem? Nó lịm đi, mất máu liên tục mà chẳng có ai ở nhà. Tao lúc đấy chẳng biết xử trí sao chỉ ngồi đó mà khóc. Má ở trong nhà chạy ra, chẳng biết chuyện gì. Gọi nhờ hàng xóm chở lên biện viện. Mày nghĩ đi mình tao ở nhà, cửa ngoài bị khóa, lặng thinh nhìn vũng đỏ bầm trên sân. Tao chỉ khóc và khóc. Ba về, dỗ tao, cho tao lên giường ngủ rồi ù chạy lên bệnh viện. Lúc tao dậy thấy má đang ngồi canh sẵn. Tao không biết nữa Thủy à. Là tại tao hay là tại cái gờ. Tao không muốn biết là do ai... Thủy! Mày có đang nghe tao nói không? Tao muốn được cứu khỏi đây nhưng tao không thể. Tao cũng đã nhờ rất nhiều người đuổi mày nhưng mày cứng đầu quá. Mày đến đây làm gì hả?"

"Tao trả sách."

Có tiếng cười. Vẫn là sự vô ưu ấy. Tôi bật cười theo. Tiếng cười hai đứa khe khẽ như sợ làm động cô bé đang ngủ say kia. Cứ cười như vậy đến rũ người. Dù đang phải bụm chặt miệng nhưng tôi biết đấy là một nụ cười vui, vui vì vẫn còn có thê cười vui. Tôi biết tôi không muốn nói vậy. Và tôi không hiểu vì sao mình có thể nói vậy. Những lời ấy thốt ra thật tự nhiên, như thể đấy chỉ là một câu bông đùa của hai đứa bạn trong một buổi đi chơi, một buổi đi ăn gì đó. Mỹ chờ tôi ngừng hẳn lại mới tiếp, ề ồ trong hơi thở nặng nhọc:

"Mà tao không dám nói với ai mày ạ. Nói ra chi? Tai nạn mà. Tao không thể nói. Nó cứ lửng lơ đấy, chờ một ngày nào đó sẽ ụp xuóng đầu tao. Tao luôn biết điều đó. Tao cần phải nói ra, ai biết cũng được, nhưng phải có ai đó lắng nghe. Nhưng nói cho ai bây giờ? Làm sao mà nói nổi cái sự kinh khủng ấy? Thế là tao mua quyển nhật kí. Viết ra. Đọc lại. Xong xé vụn những trang ấy đi. Những lời thú tội kia đã giúp tao nhẹ lòng. Nhưng mày hiểu mà. Có những bí mật dù trong lòng đã thông nhưng cũng không đặng cho người ngoài biết. Dũng... Anh ấy xui xẻo yêu tao. Nhưng tao không nỡ đẩy anh ấy ra xa khỏi tao. Bỏ thì thương vương thì tội. Thôi thì cứ giữ khoảng cách. Chừng nào ảnh thấy chán bỏ đi thì tao về chăm sóc ba má đến khi ông bà ấy đi nốt thì tao cũng sẽ bỏ xứ mà đi. Vậy cho khỏi phiền ai. Đúng tao ích kỷ vậy đấy. Tao là một con quỷ, là một người không ra gì, mất nết, mắc dịch, mất dạy. Mày cứ gọi tao những tính từ khốn nạn nhất, tao không có ý kiến gì đâu. Mày cứ thoải mái. Tao sẽ nghe mày vì tao biết mày đâu có ai chịu lắng nghe đúng không? Ta giống nhau lắm đó Thủy. Chúng ta giống nhau lắm đó..."

Vòng tay của Mỹ siết chặt hơn. Tôi nắm lấy nó. Tìm cách gỡ ra nhưng không thể. Cô bé trên giường kia bỗng chốc lớn nhanh như thổi. Vẫn ngủ say sửa, nhưng em đã không còn nhỏ nữa. Không còn được bế bồng nữa mà phải sắp bị ép thức dậy đối diện với thế giới ngoài kia khi em vào đại học. Nhưng em vẫn ngủ và quay lưng lại. Tôi chỉ thấy được tấm lưng em khẽ chuyển động theo từng nhịp thở trong lúc bản thân đang bị trọng lượng của Mỹ đè xuống, vòng tay kia siết lại càng lúc càng chặt.

"Mày làm cái gì thế?"

"Nhưng rồi tao nhận ra mày không hề giống tao chút nào. Mày là một đứa có phước mà không chịu hưởng. Đấy là trọng tội đấy nghen... Mày không thể giữ cái bất hạnh ấy cho riêng mày, cứ thế làm rầy bố dượng mày. Đừng tưởng tao không biết! Bao nhiêu tiền mày đã nhận của ổng rồi hả? Ba mày có lỗi là lỗi của ba mày, đổ lên ổng làm chi? Lỗi tao tao tao chịu. Tao ráng làm đứa con hiếu thảo. Tao tính chừng nào cuối chồng sẽ về quê sống luôn. Mày thì sao? Bám theo cái danh vọng hão ấy để làm gì? Đã bảo hãy về đi không biết bao nhiều lần mà cứ ương ngạnh ở lại. Ở lại làm cái khỉ gì? Không tin ba má tao à? Không tin tao à? Giờ thì sao? Cả hai cùng chết. Tao không hiểu nổi mày Thủy à? Mày tính làm gì tiếp theo đây khi chỉ còn một con đường duy nhất hả? Mày không còn đường lùi nữa. Mày chỉ có thể đi tiếp hoặc bỏ cuộc..."

Mỹ đang thắt cổ tôi! Hết sức bình sinh tôi lèn cánh tay của mình vào giữa cái siết kia để chừa cho mình đường thở. Sức con gái với nhau nên tôi vẫn cầm cự được. Hơi thở của Mỹ nóng rẫy phả vào vành tay. Vẫn đẫm vai. Tôi chới với:

"Mày... Làm cái gì thế?... Buông tao ra!"

"Tao sẽ không để mày chịu số phận như của tao! Tao sẽ cho mày ngủ. Thức đau lắm, mệt mỏi lắm. Hãy ngủ đi. Ngủ ngon như mày năm đó cố ý ngủ vùi khi mọi chuyện diễn ra. Mày không đủ can đảm cho lần đó thì sao mày có thể đương đầu với lần này? Ngủ đi Thủy... Ngủ đi..."

Vòng tay ấy siết lại. Mỹ! Tôi bất thần dùng lực từ hai chân đang tê dại đẩy nhổng người lên, sau đó tìm cách giãy giụa liên tục. Mỹ vẫn không buông ra! Mày điên rồi Mỹ à! Thả tao ra! Khỉ thật! Tôi đẩy đẩy và đẩy, cứ bật lên bật xuống như một cái lò xo. Nhưng Mỹ như cái gọng kiềm đã khóa, nhất quyết không nhả ra. Tôi đạp đạp, rồi liều mạng rút một tay xuống giộng ngược cùi chỏ nhưng nó vẫn không buông ra. Hơi thở kai cũng hổn hển như của tôi vậy, nhưng vòng siết vẫn được giữ chặt. Đây là sát ý ư? Tôi sẽ chết ư? Đúng là đến cái chỗ này thì rõ là tôi đã tận mạng rồi. Nhưng thật sự chết? Tôi lại bật khóc từ lúc nào, cánh tay xụi lơ. Cẳng tay gầy gò khẳng khiu của Mỹ không còn vật chắn chạm thẳng vào da thịt tôi, tạo thành những khe hứng nước mắt. Rồi từ đó những nóng hổi tràn qua, chạm vào cần cổ rồi tiếp tục trường bò trên da thịt. Theo bản năng tôi vẫn cố giẫy giụa, vẫn cố quơ quào gỡ tay Mỹ ra, nhưng tất cả là quá trễ. Mọi hình ảnh cứ mờ dần, trong khi đó tim lại đập mạnh hơn như thể muốn níu kéo chút dưỡng khí cuối cùng trong máu.

Tôi kia đang nhìn xuống. Hẳn vậy. Có lẽ đã dậy. Mái tóc đen ấy, thế đứng ấy. Và chính giữa khuôn mặt là những trống rỗng đen tuyền đang áp sát dần. Nó như thể toàn bộ gương mặt bị tẩy đi hết mắt mũi miệng, mài phẳng rồi đắp lên một thứ bột mịn hút lấy mọi thứ ánh sáng. Nhưng giờ chúng rơi ra, ịn chặt vào mặt tôi, và dần lộ ra bên dưới một gương mặt thật sự. Mọi thứ tối dần đi, chắc do dưỡng khí bắt đầu hết. Và tôi thấy mình đang rơi vào những đen kịt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro