Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

19.

Nhận thấy mình đang ôm chặt Dũng, tôi vội buông ra. Toàn thân trước ướt mẹp, vải bết vào da. Gió lùa mạnh khiến cơn run chiếm đóng toàn bộ cơ thể. Ít nhất nhà của ông Tám cũng xa dần. Tim này còn đập mạnh. Tôi cố hít thở sâu nhằm dịu lại. Tiếp theo là một quán cà phê nhỉ? Quán cà phê của bà Năm. Một bà lão thì chắc không sao đâu. Tôi nói với Dũng:

"Anh có cần thay đồ không? Cả người ướt nhẹp hết rồi kìa."

Dũng vẫn lái xe một cách vô định. Anh không trả lời. Thôi cứ xa cái căn nhà đáng sợ kia đi. Lúc này hai chúng tôi chắc đang ở khu trung tâm của xã này. Gọi là khu trung tâm nhưng thật ra nó chỉ có trụ sở hành chính thôi: Đây là ủy ban, kia là trụ sở công an. Không có mấy nhà dân chỗ này nên càng trông hoang vắng lạ dù trong những bãi xe thì kín chỗ. Những bức tường dày, cao, hung hiểm làm tôi thấy tức ngực. Chỉ là cấp xã thôi mà trông thật uy nghiêm. Hai chúng tôi đi tiếp, định bụng đến chỗ đông đúc hơn thì hỏi đường. Những nơi thế này ai cũng sẽ biết nhau. Tin đồn đi rất nhanh. Nhưng đường vẫn trống vắng. Hẳn cao trên những lớp mây dày kia mặt trời đang rực rỡ. Tôi thở dài, nhìn hai bên. Kia có một quán cà phê mở cửa. Vẫn kiểu quán võng của mấy khuya trước. Tôi bảo Dũng tấp vào.

Hai chúng tôi dừng lại trước cửa quán. Bà chủ đương ngồi sau quầy thấy khách niềm nở chạy ra. Nhìn Dũng bà hỏi thăm ngay sao mà ướt hết cả. Bà không trẻ lắm, chắc cũng tầm bố mẹ Mỹ trở lên. Nhìn nụ cười hiền ấy tự nhiên tôi an lòng lạ. Chắc có lẽ toàn gặp những người điên. Xã này điên cả rồi nên ai ai cũng mới hành xử kì cục như thế. Bà theo sau chúng tôi. Bên trong bài trí đơn giản. Chọn một cái bàn con gần mặt đường, tôi với anh ngồi xuống. Bà tiếp tục xởi lởi, hỏi anh dùng gì. Chợt anh nhìn sang tôi. Tôi nói:

"Anh ấy uống cà phê đen ạ. Trời lạnh thế này bác đừng lấy đá nhé."

Bà chủ quán quắc mắt kì lạ. Cái ánh nhìn lóa lên trong một khắc rồi thôi. Sự niềm nở quay lại – Bà hỏi tôi:

"Thế cháu dùng gì?"

"À ừm... Cho cháu cà phê sữa."

Bà vào nhà rồi cầm ra một cái khăn lông. Hỏi anh muốn thay đồ không. Dũng ậm ờ không trả lời. Trong im lặng bầu trời ngó vào trong. Hai chúng tôi cũng im lặng đáp lại. Anh thở dài. Âm thanh đánh sượt ngang lồng ngực khiến tim tôi đập mạnh. Be sườn căng ra. Tai dỏng lên. Tất cả như một hành động đầy bản năng để đón nhận điều anh nói:

"Anh xin lỗi."

Hai chúng tôi vai kề vai cùng hướng ra mặt đường. Không ai nhìn ai. Ba chữ ấy cũng nhẹ nhàng trôi theo làn hơi thở đậm như khói. Chợt anh ho. Tiếng ho giục giặc đục mờ không gian chung quanh. Một bức tường vô hình lèn giữa hai chúng tôi tự lúc nào. Thật gần mà cũng thật xa, nhưng thể hai nguòi đang ở hai thế giới khác nhau vậy. Câu xin lỗi ban nãy của anh vọng về từ những xa xăm, cố gắng vượt những muôn trùng cách trở để với đến tôi. Như những vọng âm ập tới từ quá khứ. Tôi không thật sự rõ rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra. Chúng cứ dồn tới hết chuyện này đến chuyện khác như những cơn sóng dữ vồ vập. Bầu trời vẫn âm u. Không có bất kì dấu hiệu nào ánh dương sẽ trở lại. Có tiếng dép từ đằng sau. Bà chủ quán bước ra với hai cốc một đậm một nhạt trên tay. Đặt xuống xong bà vỗ vỗ vai anh với ánh mắt đầy chang chứa. Tôi biết ánh mắt hiện tại của mình là vô duyên nhưng rõ ràng cảnh này mang lại một cảm giác khó chịu chạy dọc sống lưng.

Bà chủ quán lấy một cái ghế từ cái bàn kề bên, ngồi cạnh bên anh hỏi chuyện:

"Con chắc không phải dân vùng này đâu hả?"

"Tụi cháu từ Sài Gòn xuống đây chơi."

Bà quắc mắt nhìn tôi, còn anh chỉ lặng lẽ gật xác nhận.

"Thế con tên gì?"

Thấy anh lại rơi vào trạng thái im lặng như ban nãy, tôi nói thay:

"Anh ấy tên Dũng. Còn cháu tên Thủy."

"Con này ta có thắc mắc tên mày đâu mà nói?" – Giọng bà dù không gắt như giọng ông Tám nhưng lại sỗ sàng hơn hẳn, như thể đang bạt tai tôi vì hành động hỗn xược. Nhận ra lưng đang gù như tôm nãy giờ, tôi ngồi thẳng người lên. Bà lại đăm đăm nhìn Dũng, mặt kề sát mặt Dũng nói:

"Con biết không con giống mấy đứa con trai của dì lắm. Tụi nhỏ đi bôn ba, đi làm ăn xa. Dì ở đây thui thủi một mình bán cà phê. Mới ngày nào tụi nó còn tíu tít ở nhà mà giờ đi hết rồi. Buồn lắm con biết không? Dì nghĩ ba má con hẳn bằng tuổi dì rồi nhỉ? Để đoán xem nào? Năm chục? Sáu chục? Ngại gì con nhỉ? Coi nào đừng có ngại! Dì xem con như con cái trong nhà. Con hiểu không. Giờ muốn có thể ăn ngủ nghỉ ở đây. Chẳng sao cả. Con cũng sẽ không cần đi làm! Đi chi cho cực con nhỉ? Cứ ở đây dì nuôi. Dì biết ở đây dì sẽ không giàu nổi. Con cũng sẽ không giàu nổi. Nhưng cần gì giàu! Giàu nhức đầu nhức óc lắm. Cứ ở đây an bình ngày này qua tháng này con nhỉ? Biết. Dì biết chứ. Con đang ngại đúng không nè. Không sao đâu. Ba má con cũng sẽ hiểu thôi mà. Cứ ở đây dì nuôi. Nha... Nha..."

Anh vẫn im lặng như một pho tượng đá lắng nghe mưa gió ngày này qua tháng nọ. Còn người đàn bà cứ trừng trừng đôi mắt ghim vào anh. Dù những lời kia nghe rất hấp dẫn và dễ chịu, nhưng cái cách miệng bà há hốc, cách bà rủ rỉ thầm thì những nhỏ to như thể đang muốn tẩy não anh khiến lông tay lông chân tôi dựng lên hết cả.. Khỉ thật bản thân mất cảnh giác quá. Dũng có mệnh hệ gì sao mình nói chuyện với Mỹ đây! Tôi vội vươn người ra phía trước, đặt một tay lên vai anh. Lập tức người đàn bà trợn tròn con mắt:

"Mày làm cái gì thế?"

"Dạ... Cháu..."

"Người yêu của mày hả?"

Tôi vội rụt tay lại mà nín lặng không bào chữa. Nghĩ bụng, tôi len lén lôi cái điện thoại ra trong lúc người đàn bà tiếp tục luyên thuyên:

"Dũng này ta nói cho con nghe. Cái xã này khổ lắm. Rất khổ. Này nhé hồi đấy đây là một vùng hoang vu. Kể cả sau khi giải phóng thành công thì đây cũng là một vùng chó ăn đá gà ăn sỏi thôi. Nhưng rồi người ta mở khu công nghiệp ở huyện kế bên. Thế là người ta đổ qua bên kia hết cả. Không kể mấy lứa sau cứ học đại học xong là bỏ lên Sài Gòn luôn. Riết ở đây chẳng có ma nào. Mà nói đi cũng nói lại ở đây cũng chẳng có mồ mả gì cho cam. Toàn dân tứ xứ co cụm lại với nhau lay lắt ngày này qua tháng nọ. Vậy mà xã vẫn gọi là phát triển được. Chắc là trời phù hộ. Hai vợ chồng dì cũng vậy. Cố gắng được ngày nào hay ngày đấy cho hai đứa nhỏ nó đi học. Tội lắm con! Cấp một còn học trường gần, chứ cấp hai hay cấp ba tụi nó phải đạp xe tuốt vô trung tâm huyện. Trời ơi ngày nào ngày nấy đạp hơn chục cây số đi học bất kể nắng mưa. Mà nào học trên trường không đâu con. Nhà nghèo nên ráng chắt chiu thêm mấy đồng cho tụi nó học thêm. Biết là đồ đi học là đồ cũ xin lại. Sách cũng sách cũ người ta cho. Tội lắm. Đôi khi dì nghe tụi nó kể lớp thằng này có đồ chơi, con này đi du lịch dì cũng chạnh lòng lắm. Nhưng biết sao được. Nghèo cũng là một cái tội con à. Nhưng nhìn tụi nó bon chen dì oải lắm. Nên cứ khuyên tụi nó về mà tụi nó có nghe lời đâu. Cứ thấy tụi nó tối tăm mặt mũi ở công ty dì quặn lòng. Trời ơi con mình mang nặng đẻ dau mà để người khác bóc lột như vậy! Mấy sếp tụi nó rất kì cục mà tụi nó không hề kêu ca. Chẳng hiểu giới trẻ giờ suy nghĩ ra sao nữa. Làm ít một chút chết à? Không. Dì không đồng ý, không đồng ý chút nào! Cứ vể đây dì nuôi hết. Quán này kiếm không đủ tiền thì dì làm thêm việc khác. Tụi bây còn nhỏ lắm. Đừng lo dì cả có gì ở đây. Con đừng lo gì cả có má ở đây. Có má ở đây rồi."

Nói đoạn người đàn bà kì lạ kia xoa đầu, rồi vuốt lưng Dũng tựa như thể anh mới lên ba và cần sự an ủi. Tôi mập mờ nắm bắt được điều gì đấy nên hít một hơi thật sâu rồi nói:

"Bà... Bà là bà Năm đúng không? Bà không phải mẹ của anh ấy. Bà không phải là mẹ của anh Dũng"

"Mày là con nào mà dám ý kiến. Tao thề tao sẽ không bao giờ nhận mày là con dâu. Hiểu chưa? Con gái gì mà mất dạy. Mày có mối quan hệ nào với con trai tao mà lên tiếng ở đây hả? Dũng là con tao thì tao có quyền khuyên nó, nuôi nó, bảo bọc nó. Há gì đến mày chứ?"

Tôi đứng bật dậy, thấy hai hàm ê hẳn đi do nghiến chặt nãy giờ. Biết là cần quay cảnh này nhưng tôi kệ. Vẫn giữ chế độ ghi hình, tôi cất điện thoại vào trong túi, rồi hết sức bình sinh hất tay của mụ ta đi. Bàn tay ấy lạnh băng như nước đá. Đôi mắt bà ta thiếu sức sống kì lạ. Tròng đen mờ đục như nước vôi. Tôi không dám chắc điều gì đang xảy ra nữa nhưng có thứ gì đấy vừa thoát ra cơ thể mụ ta. Dũng vẫn bất động, chẳng nề hà những gì đang diễn ra chung quanh. Thấy thế bà Năm lồng lên:

"Con đĩ kia mày lôi con trai tao đi đâu đó? Hả?"

"Anh ấy không phải con trai bà."

"Con đĩ khốn nạn này!"

Bà Năm nắn cổ tay tôi. Cảm giác thốn lập tức bắt những ngón tay này phải buông ra. Dũng vẫn cứ ngồi đấy im lìm, mặc cho hai người phụ nữ đang gây gổ với nhau trên đầu mình. Bà Năm đã chồm lên người anh mà ôm chầm. Như thể muốn bảo vệ đứa con bé nhỏ của mình vậy. Nhìn cảnh ấy tôi lại liên tưởng đến mẹ.

Khỉ thật.

Tôi nói:

"Này bỏ anh Dũng ra đi chứ! Bà đâu phải mẹ ruột của anh ấy đâu!"

Ánh mắt mờ đục mà cương nghị ấy, gương mặt rắn rỏi với bao nhiêu nếp nhăn ấy: Bà chắc chắn sẽ không buông. Bà muốn giữ anh bên mình, cũng như đã từng muốn giữ hai đứa con của mình bên cạnh để có thể chở che, để chăm sóc. Nhưng đến bao giờ? Cũng giống mẹ tôi vậy. Đến bao giờ bà sẽ còn ở đây, còn ở với tôi? Không bỏ tôi lại một mình với gã.

Nóng hổi một bên má. Rồi hai bên: Tôi đứng dậy. Ánh mắt của người mẹ kia vẫn không nao núng. Tôi biết mình phải làm điều này. Phải làm cái điều mà người ta sẽ rủa tôi là mất dạy. Tôi hiểu Dũng hơn bà vì ra cả hai chúng tôi thân sơ với nhau. Còn bà Năm là người dưng nước lã. Đúng là những chữ tôi sắp nói ra sẽ vô cùng sáo rỗng, nhưng tôi buộc phải nói. Mà nói ra tôi cũng đâu có vui gì cho cam! Từng chữ, từng một trườn ra khỏi đôi môi này một cách nhẹ nhàng:

"Đi tìm Mỹ thôi."

Nghe đến Mỹ, Dũng bật lật lên, thiếu điều khiến người đàn bà kia ngã chỏng gọng. Bà Năm lồm cồm bò dậy, đôi mắt sắc như muốn đâm xuyên qua ngực tôi. Thấy vậy tôi rút vội trong túi ra tờ năm chục đặt lên bàn, lèn ly cà phê lên trên nói:

"Chào bác tụi cháu đi."

Anh đã ra đến chỗ xe. Bà Năm bật tới ôm chầm lấy chân anh, gào khóc:

"Trời ơi con đừng bỏ má mà đi con ơi! Ơi Hùng ơi! Chí ơi! Tại sao các con lại bỏ má mà đi hả con? Sài Gòn có gì mà tụi mày không chịu về? Nuôi tụi bây mấy chục năm mà giờ tụi bây cứ bỏ đi biền biệt như vậy. Tụi mày có biết ở nhà má tụi mày ở nhà một mình buồn lắm không? Ra vô cái nhà chẳng có hơi người. Tao mà không có ở nhà là người ta sẽ tưởng nhà hoang ngay. Sáng dậy sớm lui cui bày bừa. Tối khuya lại lui cui dọn dẹp. Không có ai để trò chuyện, không có tiếng người nào. Trời ơi tao phát điên mất! Trời ơi Hùng ơi, Chí ơi! Tụi mày đâu rồi về với má đi!"

Dòng nước mắt chưa khô lại chảy tràn. Tôi vẫn nắm tay Dũng nhưng đôi chân không nghe lời. Chẳng thể cử động. Hơi thở nặng nề như bị ai đó làm nghẹn nơi cuống họng. Bà hẳn năm, sáu chục tuổi rồi mà sao giống tôi hồi tám tuổi thế? Cái cảm giác chơi vơi ấy xuyên thấu tâm can. Tôi biết mình cần phải rời đi càng sớm càng tốt nhưng hình ảnh sầu thảm trước mặt kia đang trói chặt tôi lại.Tôi buông anh ra, chạy lại ôm lấy bà, thủ thỉ:

"Không sao đâu ạ. Hai người đó họ cũng sẽ về thôi. Dì phải tin là như vậy. Nhất định là phải vậy!"

Sát như thế này tôi thấy rõ gương mặt kia đã già thêm chục tuổi. Chân tóc bạc hết cả nhưng phía ngọn vẫn còn chút đen. Bà Năm gần như lòa, nói:

"Tôi van cô tôi lạy cô! Hãy để con trai tôi ở lại. Đi mà cô! Tôi già rồi chỉ còn mình tôi thui thủi một mình. Cô làm ơn làm phước đừng bắt con tôi đi!"

Đôi bàn tay đã đầy đồi mồi kia lẩy bẩy chắp lại. Khóe miệng bà Năm rung thành từng đợt, giật giật như thể những lời đang được nói ra quá nặng và làm trễ cả quai hàm đã móm.

Tôi nhìn thật sâu, thật kĩ người đàn bà đang than khóc trước mặt mình. Giả thử đây là mẹ thì sao? Bà đang nói với tôi những lời này thì sao? Tôi nhắm tịt mắt lại, lắc đầu nguầy nguậy.

"Bác ơi cháu không thể. Anh ấy không phải là con của bác. Bác biết điều đó mà. Anh ấy là Dũng. Không phải là Hùng. Cũng không phải là Chí. Anh ấy là bạn cháu. Anh ấy là người yêu của bạn cháu. Cháu biết bác đang rất đau lòng nhưng mong bác hiểu cho. Nhé..."

Tôi biết mình đang nắm chặt những buồn đau hằn sâu trên đôi bàn tay co quắm lại hết cả. Nhưng rồi bà rụt tay về. Tôi quệt nước mắt, cố gắng định thần chuyện gì đang xảy ra thì thấy mình ngã lăn ra sàn!

Nổ đom đóm mắt, tôi gượng dậy. Là bà Năm! Bà vừa xô tôi một phát thiệt mạnh. Bà Năm đứng đấy nhìn xuống, trông như một tên đao phủ sắp hành hình. Gương mặt già nua kia đang bị cơn choáng bóp méo đi. Không thể thấy được người đàn bà tội nghiệp đang nghĩ gì. Khỉ thật. Tôi mấp mấy môi: "Dũng..." nhưng hơi bị tống hết ra khỏi ngực bởi một trọng lượng bất thường đè lên bụng. Là bà Năm. Bà ta hẳn đã xồ xuống. Quanh vùng cổ họng thấy có một lực ép vào với những khô nhám đầy run rẩy. Bà rít lên qua kẽ răng đầy hăm dọa:

"Con khốn khiếp này! Mày muốn chết rồi phải không? Dám dẫn con trai tao đi hả? Quên chuyện đó đi nhé! Thề. Thề đi! Thề không dụ dỗ con trai tao đi!"

Mỗi câu chửi là bà tát tôi một cái. Âm thanh chạy theo xương ập vào màn nhĩ. Má bỏng rát, xát thêm những nước mắt từ ban nãy khiến tim đau bộn phần. Tôi không hiểu. Tôi thật sự không hiểu! Có tiếng chân. Xa dần!

"Dũng!"

Những cái vả bôm bốp vang lên khiến cơn choáng quay lại. Tôi ôm lấy đầu mình, hết sức bình sinh hét lên.

"Anh có muốn Mỹ không? Có muốn cứu Mỹ không vậy?"

Chẳng ai đáp, cũng chẳng còn tiếng bước chân nào. Mọi thứ chỉ còn trơ trọi những đau những tủi những nhục. Tôi biết. Tôi biết hết chứ. Rồi tôi cũng sẽ bị điên giống những người này mà thôi. Ở đây tôi là ai? Ở đây ai cấm tôi? Nghiếng chặt răng tôi hất bà Năm ra khỏi người rồi đứng dậy nhìn quanh quất. Sương mù tụ tập chung quanh từ lúc nào. Mọi thứ ngoài quán cà phê đều bị một bức màn dày của sương chắn ngang. Màu trắng đục như sữa kia làm tôi phát ốm. Bà Năm vẫn ngồi bệch xuống, cố gắng lấy hơi. Tôi vẫn đứng giữa cái quán chết tiệt, chống hông mà gọi:

"Anh đâu rồi Dũng? Dũng!"

Không ai trả lời.

Ổn thôi. Tôi sẽ tự tìm anh ấy. Sực nhớ đến cái điện thoại, tôi lấy ra và tắt chế độ ghi hình đi. Nó gần hết pin. Quái lạ thiệt. Đứng ở trước màn sương, tôi hơi ngần ngừ một chút. Nhưng đằng sau lưng bà Năm đang lồm cồm bò dậy với sự hung hăng không thể nào nhầm lẫn, với ánh mắt đầy sát khí không thể có nơi một người đàn bà ngũ tuần, tôi có đủ động lực nhảy về phía của vô định.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro