18.
Mưa đến nhanh mà cũng đi nhanh. Sau vài phút khó chịu trong im lặng thì cửa phòng được khóa lại. Tôi không quên cầm theo điện thoại lẫn chút tiền dằn túi. Ra khỏi phòng, nhặt theo cái mớ hổ lốn bỏ vào thùng rác trống trơ nơi sảnh. Cô ả lễ tân chào hai chúng tôi từ đằng sau quầy. Tôi không muốn thấy cái bản mặt kì lạ kia nên ra ngoài cửa đứng đợi trước. Một chốc sau anh ra, rồi chở tôi đến một tiệm cơm tồi tàn gần đấy.
Quán vắng như mọi thứ nơi đây. Đứng quầy là một ông chú trông vô cùng mệt mỏi. Mặt như dộng vào bởi một khối đá lớn khiến cho sống mũi bẹp dúm lại, mặt hõm vào một khúc. Đôi mắt cũng trũng sâu xuống tạo thành một khối tròn đen. Ông chú đầu cắt tỉa lởm chởm, tạo thêm cảm giác thiếu sức sống và thiếu chăm chút.
Thấy Dũng ông chú gật đầu. Hai chúng tôi ngồi xuống một cái bàn gỉ sét. Ghế nhựa đỏ sờn vân trắng nứt gãy, phải chồng hai ba cái. Sàn bê tông loang lổ, nứt bể lỗ chỗ. Anh gọi món, tôi gọi theo. Ông chú bưng ra. Anh lấy đũa lau cho cả hai, tôi lấy thìa lau cho cả hai. Ông chú quay lại với hai bát canh nhiễu nhão, nước trong vắt. Anh gật đầu cảm ơn, tôi cũng gật theo. Cơm hơi nhão. Không, thật ra là rất nhão, tưởng như đang ăn cháo vậy. Đồ ăn cũng chẳng ngon lành gì, rau thì dập, thịt thì cứng. Mà dám ban nãy anh mua đồ hộp từ chỗ này. Hai người chúng tôi cứ thế ăn trong im lặng cho đến khi ông chú hỏi:
"Hai đứa chắc không phải người ở đây?"
Thấy Dũng chẳng buồn đáp, tôi đành phải tiếp lời dù không muốn:
"Dạ... Dạ đúng rồi."
"Mà hai đứa làm gì ở đây? Cái xã này chết rồi, đừng đâm đầu vào."
Ông chú đứng ngược sáng nên tôi chẳng nhìn được gương mặt kia đang nghĩ gì. Giọng cứ cao lơ lớ đầy khó hiểu, cứ như là đi qua một ứng dụng đổi giọng. Quán cũng chẳng buồn được mở đèn khiến không gian tối om om. Cây quạt trần đầy kiết lờ đờ quay từng vòng phát ra những âm thanh buồn chán. Hơi nước ùa từ ngoài vào theo từng cơn gió, làm lưng tôi thêm lạnh bởi những lời lẽ kia. Bất giác tôi lôi điện thoại ra, bật chế độ máy quay trước khi tiếp tục.
"Cháu không hiếu ý bác lắm. Tụi cháu đang ghé nhà bạn..."
"Mỹ đúng không?"
Ông chú cắt ngang, như thể đang cắt cuống họng tôi. Những ú ớ thoát ra tìm cách giải thích như không thể. Chủ quán tiếp:
"Bao lời dặn của người lớn là hãy rời đi mà không nghe. Thiệt tình... Mau rời đi còn kịp. Đừng bén mảng đến cái hồ. Chạy càng xa càng tốt. Tốt nhất là ở luôn tại Sài Gòn."
Tôi cảm thấy như bị ngạt thở. Tay vẫn cầm chắc điện thoại nhưng hình ảnh ông chú nhòe đi kì lạ. Dũng vẫn cắm đầu ăn chẳng buồn để ý đến chuyện vừa xảy ra. Gật gật đáp lễ, tôi dừng việc quay phim, cũng cắm đầu ăn cho xong. Chốc chốc tôi quay lại vẫn thấy ông chú đứng đấy, ngược sáng, lờ mờ. Hai hốc đen trên mặt kia chắc chắn đang nhìn chúng tôi. Nhìn tôi! Găm những dò xét, ngờ vực vào chúng tôi. Gáy ngứa ran. Rốt cuộc cũng xong. Đồ ăn nhạt thết, chẳng có mùi vị gì. Hay là do bản thân đang quá lo lắng? Nhưng dù gì đi nữa tôi hối Dũng ra tính tiền, rồi hai đứa lên xe. Ông chủ quán vẫn nhìn chúng tôi, chính xác hơn là tôi, đăm đăm. Lúc tính tiền chính ông ta còn nói:
"Đồ cúng tính toán làm gì?"
Một câu đùa tẻ nhạt, vô duyên. Cũng may tôi dúi được tiền vào tay ông chú. Ông chẳng vuốt phẳng chúng ra mà cứ nhìn chúng tôi.
Cách được một quãng đủ xa để không còn cảm giác chủ quán nhìn mình, tôi mới nhận ra cả hai đã quay lại trước cửa nhà nghỉ. Rùng mình nhớ lại những chỉ dẫn của ả lễ tân chỉ một bức tường, tôi nói hướng nhà ông Tám. Dũng chẳng hồi đáp nhưng vẫn khởi động xe. Dù biết là giờ trưa nên khó có cơ hội được tiếp nhưng tôi vẫn muốn thử. Dù vậy mỗi giây phút mà còn ở cái xã này thì có giọng đầy thúc bách trong đầu hãy mau rời khỏi đây. Cứ ngồi đằng sau lắc lư, cách Dũng một quãng, tay vịn cái be sau. Cảm giác thật sự kì lạ khi đang ngồi sau cái người mà vừa nãy còn, tôi nghĩ là trong cơn hoản loạn vì Mỹ, có ý đồ xấu với tôi. Giả sử Dũng làm tới thì sao? Lúc nãy là bữa trưa còn tối thì sao. Cơn rùng mình đến mạnh hơn. Tôi lắc lắc đầu cố suy đi những suy nghĩ đáng sợ đấy. Dù sao thì ở đây ngoài Dũng ra tôi còn có thể tin ai?
Đấy là một căn nhà đơn sơ với một mảnh vườn nhỏ đằng trước. Không có chút đèn nào được. Nhà không có cổng. Sân nom tương tất sạch sẽ. Một dàn giậu nhỏ chạy theo hàng hiên. Cái xanh thẫm đi bởi màu trời nhợt nhạt. Không có chuông. Tôi xuống xe, rồi tần ngần trước cửa nhà. Một cảm giác kì lạ căng lồng ngực này ra. Cứ đực ra đấy chẳng làm gì được. Khẽ khàng thôi, có tiếng chân từ bên kia cánh cửa. Nếu nhà của bác Tám ở một nơi nào khác ồn hơn một tí thôi thì đã không nghe thấy. Nhưng rốt cuộc cửa vẫn mở.
Là một chàng trai. Nom vui vẻ hiền lành. Nhưng cái bản chất ấy đang bị vùi đi những niềm đau như tất cả mọi người ở cái xã thống khổ này vậy. Cậu ấy nói:
"Hai anh chị đến có việc gì không ạ?"
"Chào em. Chị là Thủy, nhà báo. Là nhà báo đến. Gặp ông Tám để phỏng vấn." – Nói xong tôi liếm môi.
Cậu nhướng một chân mày lên, hỏi tiếp:
"Mấy người đến hỏi cái gì?"
"Thì, ừm, chị có nghe về bi kịch việc vợ ông Tám biến mất..."
Mặt cậu trai chợt đanh lại, nhăn rúm như bị vắt nước, giống như bị vặn xoắn. Tôi giật mình lùi vài bước bởi phản ứng ấy. Nhìn sang thấy Dũng không có phản ứng gì cả. Tôi quay lại thì mớ cảm xúc kia biến mất từ lúc nào. Gương mặt cậu trở lại sự bình thường nhưng dưới đôi mắt kia tôi cảm nhận rõ sự vui vẻ ban đần biến mất hẳn. Cậu nói bằng giọng trầm trầm ồm ồm:
"Mấy người vào đi. Lẹ chân nào. Tí nữa tôi còn đi làm nữa."
Rồi vẫn để cánh cửa mở toang như vậy, cậu vào trong nhà. Âm thanh gọi bố vang vọng, chảy ra cả ngoài này. Tôi lại bất giác lùi thêm một tí, không rõ tại sao. Tôi chờ và chờ cho đến khi mọi thứ im lặng hẳn mới có can đảm bước lên bậc thềm. Dũng cứ ngồi như vậy ngoài xe, không nói không rằng, cũng không buồn cầm điện thoại hay thậm chí ngẩn lên. Cứ đăm đăm vào một điểm vô hình như vậy.
Phòng khách cũng chẳng khác gì nhà bác với dì cho lắm. Cũng bộ bàn ghế gỗ, cũng cái truyền hình, có thêm một ấm trà. Tôi ngồi xuống, nhìn nhanh lên bàn thờ: Có bát nhang mà không có di ảnh. Dường như có mùi khói đâu đây. Từ trong nhà lui cui đi ra một cụ ông. Già hơn hẳn bác, có lẽ cả bố nữa. Nom như thể bảy, tám chục mà dáng đi mạnh mẽ quá, nhanh nhẹn quá. Cứ phăm phăm như thế. Tôi khá bất ngờ. Cụ ông giờ đã ngồi xuống trước mặt tôi. Đôi mắt kia sáng rực, giống như đang bị thiêu đốt bởi một điều gì đấy, trong khác hẳn với cậu con trai. Tôi nuốt nước bọt khan, vừa định mở miệng thì ông quát:
"Khang! Sao không lấy nước mời khách vậy? Hả?"
Tay bất động nơi cái điện thoại chẳng thể rút ra được, tôi ngó quanh quất. Cậu con trai đứng đằng sau nãy giờ nơi góc nhà chỗ hành lang thông sang nhà bếp. Tôi biết cậu nhìn mình, luôn nhìn mình nhưng không nói gì. Rồi cậu lẩn đi theo chỉ thị. Căn nhà im lặng kì lạ nên nghe cả tiếng ly thủy tinh va chạm sau bếp. Ông Tám nói:
"Cháu đến đây muốn hỏi về vợ ta đúng không?"
"Dạ..." – Tôi gật đầu, ngoan như một con cún. Có lẽ tại giọng nói đầy uy lực mà không ai nghĩ một cụ già sở hữu. Cứ như Trương Phi vậy. Có tiếng dép lẹt xẹt đằng sau. Là cậu con trai tay bưng một cái khay với hai cốc đầy. Cứ như vậy những tiếng ly chạm bàn đầy khó chịu vang lên. Rồi tiếng dép xa dần. Theo bản năng, tôi ngoái lại vẫn thấy cậu nhìn mình từ đằng chỗ hành lang. Hít một hơi thật sâu, nhìn ông Tám đang nghiêm nghị, tôi biết mình phải lựa lời cho cẩn thận:
"Thưa ông, vì phục vụ cuộc điều tra, cháu có thể quay phim được không ạ?"
Từ khoảng cách gần thế này thấy hàm râu trắng bạc lởm chởm hiện ra trông thật lố bịch. Tôi buồn cười, cố nén lại làm quai hàm bạnh ra. Ông Tám hỏi:
"Có gì mắc cười ạ?"
'Dạ?"
"Có gì buồn cười lắm à? Cháu coi lại thái độ của mình đi. Con cái nhà ai mà mất dạy. Đã hỏi nguòi vợ mất tích của người khác mà còn cố cười cho được! Không được bố mẹ dạy bảo cho đàng hoàng à? Láo nhỉ ?!"
Tôi chết sững. Đã đành bị chửi mất dạy, còn bị nạt bố mẹ dạy không đàng hoàng. Mẹ không tính rồi nhưng những tính cách như quan tâm, chăm sóc hay biết lắng nghe là từ bố mà ra cả. Tôi cố giữ giọng ở mức bình tĩnh nhất có thể, nói:
"Tại... Tại hàm râu của ông... Nó nham nhở lỉa chỉa quá ạ. Cháu không biết nữa. Cơn cười nó vụt đến và cháu đã cố nhịn lại. Nếu cháu mất dạy thật thì cháu đã cười ha hả rồi."
Ông Tám vẫn không dừng việc nhìn chằm chằm tôi, nhưng dường như đã thư giãn hơn. Tựa vào thành ghế, vẫn giữ đôi mắt sắc lạnh ấy, ông nói:
"Thành thật là tốt. Giờ ít người thành thật. Được cháu thích gì thì quay đi, ta cho phép."
Được ý, tôi rút điện thoại ra liền. Có lẽ ông Tám chỉ đang thử mình. Hẳn bao nhiêu thứ mà hai bố con đã phải chịu đựng. Nên gặp người lạ phải cảnh giác thôi. Tôi hiểu. Cũng như lão vậy. Đùng một cái xuất hiện. Đùng một cái đòi ngồi kế bên mẹ. Vậy là đâu được. Vậy là mất dạy. Sực nhớ ra mình đang trong cuộc phỏng vấn, tôi nói:
"Ông có thể giới thiệu một chút về bản thân mình?"
"Ta là Tám. Sinh năm bảy chục. Ở đây quá nửa đời người. Kia là thằng con trai của ta."
Tôi gật gật, cố giấu sự bất ngờ của mình. Sinh năm bảy mươi mà sao già thế? Nhưng tôi vẫn im lặng để ông tiếp tục:
"Vợ ta là Bích. Bà ấy mất tích cách đây mấy tháng rồi." – Ông Tám dừng lại, thở dài nhìn lên chỗ bàn thờ không di ảnh đấy rồi tiếp tục – "Nói chung thì cũng báo công an các thứ nhưng vẫn chưa tìm được tung tích. Sống chung mấy chục năm với nhau như vậy mà bả bỏ đi ..."
"Ông không cho rằng đây là một vụ mất tích ạ?"
Ông Tám sửng cồ, gân cổ nổi lên như những con giun:
"Mất tích cái đầu mày! Vừa vừa phải phải thôi chứ! Bả buồn buồn mấy hôm. Mà bả lúc nào chẳng buồn! Cái đùng một cái tao dậy thấy bả mất tiêu rồi."
"Dạ ... Dạ..."
"Đừng có mà dạ dạ với tao. Mày là con bé phóng viên ngu nhất tao từng gặp. Có người xuống rồi và người nào người nấy cũng chưng ra thẻ hành nghề cả. Mày có không? Chắc chắn là không rồi! Mày hỏi mấy câu này có dụng ý gì hả? Vậy mà là thành thật đấy hả?"
Tôi nuốt nước bọt khan. Miệng vừa mởra tìm cách ấp úng thì một luồng suy nghĩ thoáng qua bịt lại. Tôi chỉ còn có thể cúi đầu.
"Sao câm như hến vậy? Nói trúng tim đen rồi hả nhóc?"
Ông Tám cười, để lộ hàm răng lởm chởm kì cục, như thể bị ai đấy lấy cục đá chà lên. Thậm chí còn có những khoảng trống, những xô lệch trông thật gai người.
Một mặt tôi sợ, nhưng nhìn cái lia chia với cái lởm chởm ấy, một chớm cười nhanh nhảu thoát ra khỏi miệng. Sinh năm bảy mươi? Cỡ bố thôi nhỉ?
"Mày có gì để bào chữa không? Không thì cút để tao nghỉ trưa!"
Tối rối rín, rồi hít một hơi thật sâu, nhìn ông Tám. Dường như cũng giống cậu con trai, những vui vẻ đã vùi lấp dưới bao đau thương. Tôi nói:
"Dạ... Đúng. Cháu không phải nhà báo. Cháu sai. Nhưng cháu vẫn có mong muốn tìm ra sự thật. Sự thật cho người bạn mất tích của cháu. Nhìn mọi người ở đây trở nên điên cuồng, rồ dại. Cháu không biết nữa... Cháu đau, đau lắm. Càng nhiều bằng chứng, càng nhiều thông tin thì cháu tin người ta càng có khả năng tìm ra Mỹ, hay vợ bác, hay bất kì ai mất tích. Cháu hiểu mọi người đang mất hi vọng. Nhưng cháu xin đấy. Đừng mất hi vọng! Có thể về mà. Mọi người sẽ trở lại mà!"
Những lời ấy tôi nói ra từ tận đáy lòng. Tôi hi vọng vậy. Và tôi cũng hi vọng ông Tám sẽ nguôi giận. Thì đúng là tôi có nói dối, nhưng tôi làm vì lòng tốt mà! Cứ thế theo từng nhịp thở, cơ thể tôi run bắn lên. Nếu nhìn vào thì người ta tưởng đang tôi đang ngồi trên một cái máy rung.
Sấm rùng chớp chuyển. Liền ngay sau đó mưa trút xuống.
Tôi quay ra cửa. Anh Dũng vẫn ngồi thừ ra trên chiếc mô tô. Mặc kệ cả người đang ướt mẹp. Cứ ngồi đó chịu đựng. Từng hạt mưa ghim xuống tạo thành những rào rạt. Dũng dần biến thành một khối đen lờ mờ, ẩn hiện sau màn nước. Tôi định nhổm dậy ra bào anh vào thì ông Tám nói:
"Mày đi đâu đó? Đừng tưởng là nói mấy câu mau nước mắt rồi cứ thể bỏ đi!"
"Dạ... Không! Bạn con không chịu trú... Cứ thế này anh ấy cảm mất."
"Ồ thế mày lo cho cảm giác bạn mày. Thế mày có lo cho cảm giác của tao không, hử? Mày hỏi chuyện vợ tao. Người mất tích chưa về. Nói như thể đang nói chuyện với hương hồn vậy! Thứ mất dạy nói đâu có sai đâu."
Giọng ông Tám nghe đục như tiếng cưa máy đang xẻ cây, và cũng đang xẻ nát tâm hồn này. Có một sự đay nghiến cùng cực trong cách nhấn nhá, nhả chữ. Tôi biết mình sắp khóc đến nơi, hai lỗ mũi ngứa rang. Rốt cuộc tôi cũng nói:
"Cháu hiểu ông đang buồn và giận ghê lắm. Vì cháu đã lâm vào hoàn cảnh tương tự. Năm ấy cháu còn nhỏ xíu, bố bỗng bỏ đi đâu mất. Kiểu, hình như cãi vã gì đấy với mẹ, rồi bỏ đi đâu mất. Cháu tức lắm. Giờ thằng bố dượng cứ bên mẹ, cứ ở trong nhà. Đúng cháu mất dạy vậy đấy! Vì cháu đâu được dạy dỗ đàng hoàng! Có bố đâu mà dạy đầy đủ lễ nghi. Do đó khi đến mấy vụ mất tích như thế này, cháu buồn ghê lắm. Ông hiểu mà. Nên mong ông giúp cháu vạch trần được kẻ thủ ác."
Bất giác tôi giật mình quay lại: Cậu con trai vẫn lườm lườm cả hai. Chính xác là tôi. Vẫn đăm đăm bất chấp bị phát giác. Nhưng ánh nhìn ấy không còn sự tức giận nữa. Gương mặt ấy hằn những nếp như thể một tờ giấy bị vò lại rồi trải ra. Chớp chớp mắt, cố xua đi những điều vừa thấy thì gương mặt ông xuất hiện đằng trước. Nó nhiều nếp nhăn hơn hẳn người con. Và cũng cứng hơn. Kiểu như một thanh sắt sau khi nung bị đập xiêu vẹo rồi bỏ mặc cho rỉ sét theo thời gian. Nhưng như có gì đấy khiến ông bận tâm sâu sắc: Đôi mắt kia không nhìn vào tôi, hay cậu con trai sau lưng tôi, mà mải mê chạy theo những dòng suy nghĩ ẩn hiện. Tiếng mưa vẫn cứ ào vào trong phòng làm tôi chốc chốc nhìn ra kiểm tra tình hình của Dũng nhưng có gì thay đổi. Căn phòng tối hẳn đi dù thật ban đầu nó chẳng sáng sủa gì cho cam. Rốt cuộc, sau một hồi dài những lặng im, ông nói:
"Để ta kể cháu nghe."
Ông Tám dừng lại một chút, lại nhìn mông lung. Vẫn còn những đục, thô và ráp, nhưng giọng ông không còn chíu gì đe dọa nữa cả. Ít ra là ở thời điểm này. Ông Tám tiếp:
"Bích là một người đàn bà tốt. Là một người vợ tốt, là người mẹ tốt. Cháu hay nghe nói rằng những người chịu khổ nhiều nhất là nhửng người cười vui vẻ nhất đúng không? Bích là người như vậy. Nghèo lắm. Ngày nhỏ bà nghèo lắm, có những ngày dài độn bo bo ăn. Nhưng vẫn sống được. Bố đi lính, tử trận. Mẹ cũng giúp cách mạng mà đi tù. Bao nhiêu lâu nhỉ? Khi ta gặp Bích thì mẹ vợ chưa ra tù. Nhà ta đón bà về nuôi. Lúc đầu sợ lắm, ngại lắm. Chẳng dám nói chuyện với ai. Suốt ngày thui thủi một mình. Nhưng rồi cũng ổn dần. Nhưng với thân phận con sen thì nào dám suy nghĩ cao xa. Rốt cuộc thì mẹ của Bích cũng đón bà về. Lúc đó ta mới biết mình thương bà. Thương yêu, chứ không phải thương hại. Chúng ta cũng trắc trở vì gia đình hai bên phản đối nên cưới xong dọn về đây. Rồi đẻ thằng Bình.
"Rồi bà đi mất."
Nói đoạn ông Tám thở dài. Làn hơi ấy cứ kéo ra mãi, dường như mang theo trên mình bao tâm sự từ tận đáy lòng. Tôi thấy lấn cấn, chưa biết hỏi gì, thêm nữa đang lo tiếng mưa lớn át những gì ông Tám nói thì ông tiếp:
"Cứ thế biến mất. Nhưng chưa hề tồn tại trong cuộc đời ta. Cháu có hiểu không, hả? Nó không công bằng tí nào cả. Đầu ấp tay gối mấy chục năm giờ đùng một cái không còn bất kì vết tích nào. Tệ hơn việc bị đuổi việc. Xin việc khác còn dễ chứ người như Bích thì sao tìm hả cháu?"
Dù vẫn đang ngồi với dáng vẻ đầy trịch trượng với hai chân bành ra, tay thả trên thành ghế, nhìn trông như thể đang ngồi trên ngai nhưng ông khóc. Từng giọt nước mắt ứa ra như bị tống đi dù chúng cố ở rịn trong tuyến lệ. Giọng ông Tám vẫn không bị khàn đặc gì cả, dẫu vậy cái thô ráp ban đầu vẫn còn đó. Ông nói:
"Hai chúng ta cứ sáng ra tối vào như vào vậy mấy chục năm nay. Giờ mỗi sáng chỉ còn mình ta trên cái chiếu cói nó lạnh lắm, không quen. Không biết cháu với thằng kia có nằm chung với nhau chưa nhưng chắc chắn một điều là có người cạnh bên sẽ an tâm hơn khi ta ngủ. Bà hiền lắm. Ta buồn, ta sợ hay ta ngại có bao giờ ta nói đâu. Nhưng bà biết hết. Bích hiểu hết. Cháu có hiểu không? Hiểu cảm giác đó không, hử?"
Tôi gật gật, cố nhìn xem điện thoại có đang ghi lại được những cảm xúc này không. Trời vẫn cứ mưa, ông vẫn cứ nói, cậu con trai vẫn nhìn – tôi đồ vậy - và anh vẫn cứ ngồi bên ngoài chịu trận. Hai lộ mũi bị bít lại bởi hơi nước. Thấy ông im lặng, bắt đầu lại chìm vào những suy nghĩ của mình, tôi chờ một chút rồi hỏi:
"Thế bà mất tích... Ý cháu là vụ việc ấy xảy ra như thế nào ạ?"
Ông chưa ra khỏi trạng thái trầm mặc, cứ ngồi thừ ra đấy. Tôi nuốt nước bọt khan, thử lại lần nữa:
"Ông Tám ơi, ông có thể kể lại chi tiết vụ việc được không ạ? Cháu biệt là nhà mình đang đau buồn nhưng để làm sáng tỏ mọi chuyện và hỗ trợ cơ quan chức năng, càng nhiều người biết càng tốt chứ nhỉ? Cháu tin rằng chỉ cần thêm một người biết thôi, nhỡ đâu cái người đó có thông tin nào đấy quan trọng về bà nhà mình thì sao ạ? Nên cháu mong ông hãy kể lại sự tình."
"Không có ích gì đâu."
Tôi giật mình, quay lại. Là cậu con trai. Tôi hỏi:
"Vâng... Em Bình ạ?"
"Không. Không phải. Mà cả cụ đang lẩn thẩn. Đúng là má tôi đang mất tích, nhưng không có bất kì ai tên Bích ở cái nhà này cả."
Sống lưng tôi như thể được ai nhiễu nước đá. Một cơn rùng mình chạy khắp tứ chi. Chân lông dựng hết cả lên. Giống như bố Mỹ lúc ở ghế đá ban sáng. Rốt cuộc là sao? Độ nhiên ông Tám tiếp:
"Này, cháu có người yêu chưa?"
Tôi trố mắt, rồi lắc đầu.
"Cưới con ta nhé. Nó là một chàng trai tốt."
Một nụ cười giãn ra trên gương mặt già nua ấy. Từng thớ cơ trên gương mặt co vặn và xoắn theo những những hướng kì cục, nên dù đang vô cùng vui vẻ, ông Tám trong như thể đang bị đè bẹp dưới muôn trượng của đắng cay. Dường như ước vọng duy nhất còn lại dưới đáy tâm hồn kia là thấy mình có cháu. Tôi lắc đầu nguầy nguậy:
"Ông hiểu nhầm rồi ạ. Cháu có biết gì anh Bình này đâu!"
"Thì trước lạ sau quen. Nha. Nha!"
Ông Tám đứng bật dậy. Cậu con trai vội trờ tới.
"Thôi được rồi. Đến giờ ngủ rồi đó. Có gì chiều nói chuyện."
"Không được. Mày nghe tao nói đây. Việc mày là phải đẻ được cháu đích tôn. Nhà này phải có nối dõi tông đường. Mày không làm được thì đừng về đây nhìn mặt tao."
"Rồi... rồi... Nhưng mà vậy. Nếu muốn người ta hẹn hò thì phải cho người ta không gian chứ? Vào ngủ. Nào... Nào..."
Rồi cậu con trai dìu ông vào nhà trong. Tôi quay hết cảnh ấy, sực nhớ ra ông chẳng cho được chút thông tin nào bèn tiu nghỉu cất điện thoại đi. Một lúc sau cậu con trai trở ra. Ngồi đúng chỗ ông ngồi. Gương mặt cũng trở nên nhăn nheo và nhiều nếp gấp. Vết chân chim hằn rõ. Tôi chưa biết phải phản ứng ra sao thì cậu nói:
"Này. Xin lỗi đã để mấy người thất vọng. Tôi cũng hi vọng trò chuyện với mấy người giúp bác khuây khỏa được phần nào. Thật tình..."
"Xin lỗi, chị không hiểu lắm?"
"Tôi là cháu của bác Tám mà thôi. Hai vợ chồng bác ấy cô quạnh với nhau mấy chục năm nay. Giờ vợ mất tích, bác ấy không phát khùng lên mới lạ."
Có gì đấy buông thõng trong cách cậu ấy nói. Như thể là một sự bất lực nhưng vẫn phải chịu đựng. Tôi hỏi:
"Thế nhà cậu ở đâu?"
"Xã kế bên. Thấy ông ấy tội quá nhà tôi cử tôi qua. Ở đây có cái gì làm đâu, dù làm việc chăm sóc nhưng ít ra tôi còn có việc để làm."
"Thế cậu tên là gì?"
"Có quan trọng không? Cứ gọi tôi là Bách. Dù sao cũng ở đây một thời gian rồi đi thôi. Vậy cho thoải mái. Bắt đầu lại từ đầu."
"Vâng... Bách. Chẳng phải lúc nãy cậu nói mẹ cậu mất tích hay sao?"
"Không phải việc của chị... Chị Thủy? Còn cái anh ngoài kia thì sao? Anh ta không sợ cảm lạnh à?"
"Chị không rõ, nhưng anh ấy cũng giống bác. Ban trưa..."
Nghĩ đến sự việc diễn ra trong nhà nghỉ làm bụng khẽ đau. Tôi dừng lại một chút, nói:
"Nói chung là anh ấy cũng bị giống bác. Cũng buồn đau từ lúc đến đây. Người yêu của anh ta mất tích. Cô ấy cũng là bạn thân của chị nên hai người lên đây tìm hiểu sự vụ. Nhưng chẳng có kết quả nào khả quan ở đây cả. Mọi chuyện diễn ra càng lúc càng điên rồ. Anh ấy ngoài mưa như thế nãy giờ!"
Tôi nhìn cậu trai, chẳng nói gì. Cậu lấy điếu thuốc từ trong túi quần sau cứ thế mà châm lên. Khói tờ mờ tản lên trong cái âm u của căn phòng. Nhưng cũng nhờ vậy đóm tàn rực rỡ. Gương mặt đối diện bị khói và những lờ mờ nuốt dần. Tôi mặc cho cậu phà vào mặt, cứ thế cả hai im lặng vài phút. Mưa ngớt nhưng gió mạnh hẳn lên. Ở trong nhà như thế này mà tôi còn cảm thấy khó chịu thì anh ở ngoài kia ốm mất. Rốt cuộc cậu cũng mở miệng:
"Khuyên chị thành thật một câu nhé."
Tôi nhướng chân mày lên, hơi ngả về phía trước.
"Tốt nhất là chị nên rời nơi này càng sớm càng tốt."
Lại nữa! Lại cái lời khuyên chết dẫm này nữa! Mà khoan cậu trai đâu yêu cầu mình rời đi ngay đâu. Cậu tiếp:
"Tôi không biết nữa. Ở đây gần nửa năm. Thì phải? Nói chung không được bao lâu nhưng cảm giác về thời gian trôi tuột đi hết cả. Mọi thứ nhòe đi, tan ra rồi trộn chung với nhau lại thành một mớ cám heo hỗn độn không đầu không đuôi và gây nôn mửa. Thậm chí với bản thân tôi. Tôi cam đoan với chị là tôi không hề biết hút thuốc, nhưng miệng đang phì phèo. Dường như có một thứ vô hình nào đấy đang tìm cách uốn nắn, cầm nắm tâm hồn tôi. Cứ như thể một con người khác đang tìm cách thay thế tôi."
Tôi hỏi:
"Thế cậu có ghét ai hút thuốc không?"
"Má tôi."
Lời ấy vuột khỏi miệng cậu rất nhanh, nhẹ như gió thoảng. Nếu không lắng tai nghe thì hẳn câu chữ đã bị đánh bạt đi mất bởi những ầm ĩ bên ngoài . Tôi sượng trân. Sao lại có một cảm giác quen thuộc như thế này. Trông cậu im lặng nhưng một bức tượng đá bị bỏ mặc trước nắng, gió, toát ra một cảm giác đầy bệnh tật. Tôi cố lắm mới nói được một câu sáo:
"Mà vậy... Công việc hiện tại của em là gì?"
"Tôi thất nghiệp."
"Nhưng ban nãy cậu nói là..."
"Tôi chỉ nói chơi thôi
"Mà này bà chị..."
Tôi thấy mình lọt thỏm vào ghế, cảm giác như thể bản thân là một con thỏ sắp bị sói từ đâu vồ tới. Cậu trai hơi vươn về phía trước, nhìn chằm chằm tôi, hay ít nhất tôi cũng cảm thấy vậy vì mắt cậu bị khói che mờ đi, rồi chộp lấy bàn tay tôi:
"Hay là tụi mình cưới nhau đi cho bố vui?"
Tôi rụt tay lại, vùng dậy, mắt không rời kẻ đối diện. Tiếng cười lanh lảnh của cậu trai bật lên sắc như dao cạo, cứa khắp căn phòng. Lùi xa ra khỏi bàn khách ba bước, tôi mới đủ bình tĩnh để quan sát tình hình. Cậu trai vẫn ngồi đấy mà cười như lên cơn, nghẹo người qua lại. Tôi nuốt nước bọt khan. Lùi thêm chút nữa về phía hành lang.
"Này con gái đi đâu đó? Thằng Bách hỏi cưới kìa."
Sự thô ráp kia đấy tôi về phía trước, mém chúi nhủi. Tôi vắt chân lên cổ mà chạy ra phía hàng hiên. Vừa chạy vừa nói với:
"Cảm ơn hai người. Xin phép đi trước."
Mưa tạnh từ lúc nào. Dũng vẫn ngồi đấy, ướt mẹp. Tôi đập vào vai anh,. Dũng lờ đờ. Có tiếng chân huỳnh huỵch từ đằng sau. Là ông Tám! Tôi trèo lên yên sau. Nhìn lại thấy hai người kia đứa trước cửa nhà, cao xêm xêm nhau, đăm đăm ra ngoài này như hai bức tượng. Dũng cứ im lặng như vậy mặc cho tôi cứ đấm, cứ đá cứ cào cấu và gào thét. Đột nhiên tôi nói những lời từ trong tiềm thức:
"Anh có muốn đi tìm Mỹ không hả?"
Dũng tăng ga vọt đi. Cổng nhà khuất xa dần. Cứ bất giác tôi ngó lại đằng sau nhưng không thấy thêm bóng người nào đuổi đằng sau cả. Có lẽ mọi chuyện đã ổn rồi. Hi vọng vậy.
Khỉ thật, vẫn còn chỗ bà Năm cần đến để lấy tư liệu
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro