16.
Khoảng sân trống không một thoảng gió. Dù vẫn là nắng sớm nhưng mồ hôi chảy tràng từ lúc nào. Mỗi bước đi mà lưng áo cứ bết vào da tạo thành sự ma sát đầy khó chịu. Cửa nhà vẫn đóng im ỉm. Tôi không nhớ liệu mình đã bao giờ bước đi trong âu lo như vậy chưa. Cái này khác cảm giác sợ hãi hồi khuya. Giống như trong các cảnh phim phạm nhân bước lên đoạn đầu đài: Kiểu gì cũng chết, nên họ không sợ, nhưng trong lòng vẫn còn canh cánh những ngổn ngang. Cánh cửa vẫn im lặng dò xét kẻ vừa quen nay đã lạ. Rốt cuộc cũng đến bậc thềm nơi cái ba lô bị bỏ chỏng chơ. Tôi kiếm cái laptop, mở lên kiểm tra ngay: Mọi dữ liệu vẫn còn nguyên. Rồi kiểm tra sơ xem có thất thoát món gì không. Quần áo nữa là đủ rồi. Xong tôi nhìn cảnh cửa, cố nhìn xuyên lớp kính đen dày, nói:
"Vậy cháu đi nhé. Có gì cháu xuống chơi sau."
Chỉ có ngân vang phản lại. Rồi mọi thứ câm lặng. Gió vẫn chẳng buồn thổi.
Lòng cảm thấy tổn thương lạ.
Xách ba lô lên, thấy hơi cấn nơi đáy lưng, tôi quay đi không ngoảnh lại. Điên rồ thật. Mới hôm qua còn coi như con cháu trong nhà, nay đuổi đi không một chút xót xa. Mỹ à mày có quên nói với tao điều gì không? Hay thật ra bác với dì, và cả anh Dũng nữa, vốn đã như thế mà tao không biết? Tao không có nhiều bạn. Nhưng mày thật ra là ai, mày sống như thế nào tao chẳng có tí manh mối nào. Dừng ở giữa khoảng sân trống tôi ngửa mặt lên trời thở dài. Nắng phả xuống những hơi ấm thật sự đầu tiên sau khi dùng nguyên buổi sáng đánh nhau với sương. Mân mê cái quai, tôi thảng từng bước nhẹ tênh.
"Tốt nhất là đừng ở lại."
Tôi sựng người. À dĩ nhiên làm sao mà là Mỹ được. Cái âm âm bị ngăn trở ấy chỉ có thể là dì đang cố dặn dò từ đằng sau cánh cửa đen xì xì kia mà thôi.
"Ta biết con đang tính nước ở lại. Tốt nhất là con đừng ở lại. Một trăm ngàn hay một triệu đều không đáng cho cái mạng của con đâu."
Tôi khẽ rùng mình. Ngay lúc ấy có tiếng xe máy từ đằng xa. Ra đến cổng thì thấy Dũng trờ đến. Tiếng rít dài thiếu dầu vang lên. Tôi có cảm giác đây không phải là lần cuối mình nghe thấy những âm thanh này. Dũng nói:
"Đi thôi."
Tôi thở dài, ngồi lên yên sau. Dũng rồ ga. Tôi vội nhéo anh.
"Chuyện gì."
"Bác kìa."
Quả thật từ đầu ngõ hiện lên một bóng người. Rồi nó rõ ràng dần. Tôi biết mình chỉ đoán bừa nhưng tôi hi vọng đấy là bác thật. Chào tạm biệt gì chỉ chào có một người thôi thì kì quá. Ít nhất cảm giác ấm cúng hôm qua đã lâu lắm rồi tôi mới được cảm nhận lại nên tôi muốn níu lại càng lâu càng tốt.
Linh cảm đã đúng: Bác đi tới, lừ đừ. Người vận một cái quần cộc và áo phông rẻ tiền. Môi tàn đỏ rực. Khói tỏa lờ mờ, tan đi trong nắng. Từng bước đi chậm rãi trong đôi giày chạy mua ở chợ. Bác cứ đăm đăm nhìn về phía trước, một tay chìa ra rất mất tự nhiên. Tôi giơ tay lên vẫy chào. Bác không để ý dù đã đến trước cổng. Bác quỳ xuống, không phải buộc giây dày mà cho bác mà như buộc cho một sinh thể vô hình nào đấy. Tôi khẽ nuốt nước bọt khan, nhanh tay chụp hình.
Một tiếng tách vang lên.
Bác vẫn không dừng lại, nhưng đằng đuôi mắt như láy lên chút căm hận. Nó nhằm vào tôi. Chắc chắn. Chi một khắc thôi. Tôi vôi thì thầm:
"Đi thôi anh. Nhanh!"
Dũng rồ ga phóng đi.
Tôi vịn hờ hông Dũng. Ít ra lần này anh chạy đương đối chậm. Đường quê lối nhỏ lướt qua tầm mất. Những hình dạng con người mờ đục ẩn hiện. Dường như đấy là bóng một ông lão lom khom trên chiếc xe đạp cũ kĩ, nhưng lại gần là một thằng nhóc học sinh công kênh. Ô kì lại một bà dì lái xe thật chậm, chậm hơn cả thằng oắt ban nãy, nhưng đấy là một chị - tôi đoán – đang vận trang phục công nhân. Có tiếng cười khanh khách của một ông bác bên bàn cờ. Có những líu lo rôm rả của một tốp các bà ngồi tụm lại tám chuyện với nhau. Một cảm giác khó chịu trường bò dưới da. Mọi thứ cứ bị đảo lộn hết cả. Mọi điều tôi biết, tôi hay đều bị một sự tàn nhẫn vô hình dày xéo.
May sao luồng suy nghĩ bị cắt đứt khi tới chỗ nhà nghỉ. Nó không quá tồi tàn, ít nhất là từ bên ngoài nhìn vào: Không có rác, cửa sổ sạch sẽ, vài chậu hoa kiểng trang trí. Từ sau quầy lui cui xuất hiện một cô gái trẻ chào đón chúng tôi. Nhưng đấy không là sự niềm nở mà chỉ là nụ cười mỉm, không lộ hàm răng bên trong. Lông mày cô xếch lên thấy rõ kéo theo cặp mắt trở nên híp lại. Dũng chào, lấy chìa khóa phòng rồi dẫn tôi ra đằng sau. Mở ra là khoảng sân nhỏ có hai dãy phòng đối diện nhau. Phòng của Dũng nằm ở dãy bên tay phải. Tường thô trơ trọi bê tông , còn chỗ nào có vữa thì cứ rơi rớt hết cả. Khoảng đất trống phân tách hai dãy phòng um tùm cỏ. Mái tôn của cả hai dãy phòng đều mục và gỉ sét. Tôi hỏi:
"Nhiêu đêm vậy anh?"
"Trăm hai."
Bên trong căn phòng "103" của Dũng cũng chẳng khá hơn: Cái giường đôi trông sập xệ, chăn ra nhàu nhĩ cả. Dưới nền gạch men trong mòn dẹt đầy buồn chán. Tường có đầy vết vữa tróc. Thêm được cái bàn con và một cái ghế. Tôi thả ba lô xuống vào nhà vệ sinh. Đèn chữ U lờ mờ soi một không gian kín như bưng, đầy rêu. Sàn bê tông trơn trợt, lủng lỗ chỗ. Tệ hơn nữa là mùi khai từ những tháng năm không dọn chùi rộ lên ngay khi cửa nhựa với thanh khóa màu cam được mở ra làm tôi phải bịt mũi và nín thở. Lúc quay trở ra thì Dũng ngồi sẵn trên giường. Cửa được khép lại. Anh nói:
"Giờ sao?"
Tôi thở dài, lặng lẽ từng từ:
"Em không biết."
Dẫu vậy tôi vẫn soạn đồ ra. Chẳng có gì nhiều. Vẫn cái laptop, vài bộ quần áo. Khoang đã bên dưới đáy là cái gì đây? Một quyển sổ?
Tôi giật mình. Đó là một dạng sổ da, tương đối dày. Phải lôi nó ra khỏi ba lô mới biết chính xác nó trông ra sao. Dũng đằng sau lưng có vẻ đang tự chìm vào những suy nghĩ của mình. Tôi chắc chắn nó nằm trong này không bình thường. Chẳng lẽ là do dì? Chợt Dũng nói:
"Em mang nhiều đồ quá hả?"
"Không... Không. Có đâu. Chỉ là đang lục kĩ coi có quên món gì ở nhà bác với dì hay không."
"Ờ."
Âm thanh đánh thõng đầy chán nản của Dũng giúp tôi thở phào. Phải chờ cơ hội lấy ra coi riêng. Chợt nhớ ra việc mình nhờ Dũng hôm trước, tôi hỏi:
"Mà anh có tìm được đường ra hồ chưa?"
"Chưa."
"Sao vậy?"
"Ngủ hết nguyên chiều. Đến tối người ta bảo đừng đi."
"Vậy hôm nay anh đi dò đi. Em còn ngồi coi lại một số tư liệu."
Nói đoạn tôi cất cái balo dưới gậm giường. Sau đấy lấy lap top ra coi lại video trước. Đây rồi, dì có nhắc đến ông Tám, bà Năm và ông Nghị. Có lẽ hỏi bạn lễ tân vị trí của họ là được. Nghĩ đoạn tôi ra ngoài, không quên cầm theo cái điện thoại. Dũng vẫn nằm nhìn trần nhà đầy lãng đãng.
Có lẽ đã vào đầu giờ trưa nên nắng gay gắt hẳn lên. Cỏ xanh rộn rã, ửng lên màu ngọc bích. Không gian này có lẽ là khung cảnh sống động nhất của xã tính từ lúc tôi đặt chân đến đây. Ít ra nó còn bừng lên được chút sức sống, dẫu đấy là những luống cỏ vô tri vô giác, là bức tường đầy rêu vô cũng thảm hại, là những ô gạch men tróc vỡ.
Quay lại sảnh tôi không thấy bạn lễ tân. Bạn ấy cũng không ngồi sau quầy. Quái lạ. Tôi bèn ra chỗ ghế ngồi chờ. Ánh sáng bên ngoài hắt qua khung cửa lẻm vào một phần rực rỡ. Tôi chợt mỉm cười. Một cảm giác bình yên lướt qua. Không gian yên ả làm tôi muốn ngâm nga. Một bài hát cho thiếu nhi cũng được. Một cái gì đó sống dậy hẳn lên. Có bao nhiêu lần trong cuộc đời tôi cảm thấy mình có mục tiêu để thực sự phấn đấu? Đúng, dẫu đây có hơi trục lợi trên nỗi đau của mày nhưng mày sẽ vui cho tao, đúng không Mỹ?
"Chị là khách mới phải không?"
Tôi giật mình quay lại.
"Sao chị không vào nghỉ ngơi với người ta đi. Đây là nhà nghỉ mà. À không đây là nhà mệt chứ." – Nói đoạn cô ả cười khinh khỉnh. Đôi mắt đã nhỏ giờ chỉ còn hai đường kẻ. Tôi nuốt nước bọt khan, phân bua:
"Không phải như bạn nghĩ đâu."
"Chứ là gì?"
"Bạn đồng hành... Ừ bạn đồng hành. Anh ấy là một người anh tốt."
"Thật chứ?"
"Mà vấn đề mình nghĩ nó là vấn đề riêng tư. Mình sẽ không trả lời."
"Tốt thôi."
Ả vẫn cười mỉm, không hé lộ hàm răng. Tôi nuốt nước bọt khan. Đúng là tôi có thể hỏi bất kì một người nào khác, nhưng để đỡ kì cục và vô duyên thì hỏi lễ tân khách sạn thông tin ở địa phương là tốt nhất. Hít một hơi thật sâu, tôi hỏi:
"Mình có thể hỏi vài vấn đề được không?"
"Hỏi cái gì? Chỗ nào đi chơi cho hai người hả?" – Lễ tân nói, đã ngồi thụp xuống, khuất dạng sau quầy. Đôi mắt xếch đáng ghét kia biến mất lại làm tôi khó chịu hơn. Không rõ tại sao. Nhưng tôi tiếp tục:
"Không, cho mình hỏi thông tin một số người. Đầu tiên là ông Tám ở đầu ngõ..."
"Ngõ nào? Nhiều ngõ lắm. Ông Tám chỉ có vài ông thôi."
"Vợ ổng biến mất." – Chẳng hiểu sao nói xong tôi nuốt nước bọt khan.
"À..."
Một sự im ắng khó chịu gõ vào không gian những lặng thinh. Có lẽ tôi đã sai. Phải đi hỏi những người khác rồi. Thở dài, tôi đứng dậy. Ngay lúc đó, sau quầy vang lên những bục bục đầy khó chịu:
"Ông Tám đó tốt tính. Mỗi tội vợ chồng với nhau mấy chục năm chẳng có nổi mụn con nào. Từ đây quay lại đường cái, rồi đi thẳng. Ngã tư đầu tiên rẽ trái rồi hỏi tiếp người ta chỉ cho."
Tôi gật gật. Sực nhớ ra mình chưa có nguyên liệu cho video tiếp theo, tôi vội lấy điện thoại ra bật chế độ ghi hình, từ từ tiến gần quầy. Trong khi đó ả lễ tân vẫn tiếp tục:
"Đó giờ hai vợ chồng lủi thủi với nhau, đột nhiên bà vợ mất tiêu bỏ ổng lại một mình. Em có đi ngang qua đấy một vài lần. Nhìn cô đơn lắm. Mấy cây kiểng bên ngoài héo hết cả."
"Ừ cảm ơn em. Còn bà Năm bán cà phê thì sao?"
"Bà Năm đó hả? Cả xóm ai cũng chán tiệm của bả hết. Em khuyên thiệt chị đừng ra đấy uống cà phê. Nhạt toẹt. Tưởng như nước pha màu vậy. Sữa thì lõng bõng làm ly phê sữa trông phều phào thấy ớn. Còn nếu chị muốn giúp bà mẹ một mình nuôi hai đứa con ăn học nên người thì ra đó. Mỗi tội giờ chỉ còn mình bả thì cà phê ngon hơn hẳn. Cứ ra hỏi cà phê bà năm người ta chỉ cho chứ em không rành lắm."
Tôi rùng mình, góc máy thu được những hình ảnh đằng sau quầy: Một cuốn sổ dày chi chít những ghi chép, một cái hộp nhỏ với độc cái chứng mình thư của Dũng, một cái màn hình máy tính vuông tí xíu, và một mái tóc dài suông mượt phủ lên trên một thành ghế gỗ. Chút ánh huỳnh quanh óng lên bên trên. Nhịp thở nhè nhẹ của tôi dường như là âm thanh duy nhất trong này. Nuốt nước bọt đắng nghét, tôi hỏi tiếp:
"Còn ông Nghị có đứa cháu nhỏ bị mất tích thì sao?"
"À... Ổng bỏ xứ mà đi rồi. Hình như căn nhà vẫn còn đó. Khóa kín hết. Mà người ta nó rằng đêm xuống vẫn thấy ánh đèn vọng ra từ phòng thằng nhỏ."
Tôi lặng người đi. Không gian dường như lạnh đi thêm chục độ. Không ổn rồi, tay run quá vỡ hết khung hình. Lễ tân vẫn không quay lại. Mái tóc bất động. Tưởng như đấy chỉ là một bộ tóc giả đính trên thành ghế. Tôi lắp bắp:
"Căn nhà đi hướng nào em? Chị ra coi chút cũng được."
Ả im lặng một chốc rồi cũng mở miệng, hay ít nhất là nói cách đi. Cũng không phức tạp lắm. Tôi cảm ơn. Nghe bụng réo tôi quay lại phòng. Nắng nhạt đi thấy rõ. Trời đã mù từ lúc nào không biết. À, vầy mới giống cái xã chết tiệt này. Hít một hơi thật sâu, toàn những mùi cũ kĩ và chán chường, tôi vào phòng.
Anh ngồi đối diện cửa với một quyển sổ da trên tay.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro