Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

15.

Tôi không ngủ được.

Cứ nằm đấy mắt mở thao láo nhìn trần nhà lờ mờ ánh trắng. Chân lạnh ngắt dù đã được trùm kín lại, thân thì cứ run từng đợt liên hồi. Tai ù ù những tiếng mạch đập. Cứ xoay người, cuộn người rồi tung chăn, tôi vẫn không thể tìm được tư thế thoải mái. Những lời vừa rồi cứ hằn sâu vào tim, vào não khiến chúng bỏng rát.

Phải ý dì là bỏ rơi Mỹ chăng?

Hay là do dì quá đau buồn và tuyệt vọng nên như vậy?

Tôi thở dài. Căn phòng lặng đi một chút.

Tôi nghiêng người qua một bên. Giờ thì ngoài tiếng mạch còn cả tiếng tim đập đồng điệu dập vào màn nhĩ. Tai nóng rẫy cả lên bất chấp cái lạnh đang bao trùm. Tôi đành phải nằm thẳng lại, gác tay lên trán mà tiếp tục nhìn cái trần nhà. Thấy rằng dù cố gắng cách mấy cũng sẽ lại gặp một đêm không ngủ nữa, tôi bật dậy mà tiếp tục làm việc.

Những âm thanh đánh máy vang lên như một bài nhạc u uất. Tôi cắt, tôi sửa, tôi lồng hình ảnh, tôi chèn âm thanh. Tôi cứ liên tục như thế bất chấp. Thước phim vừa nãy tôi lấy những cảnh sương mù vây quanh mà thôi. Những lời ấy của dì đau quá, tôi không đăng được. Và khi cái lạnh tan đi cũng là lúc tôi bắt đầu quá trình chờ đợi việc xử lý cùng đăng tải.

Ngáp dài, tôi thả người ngồi sau vào trong ghế. Cạnh cái laptop là bức ảnh gia đình nhỏ của Mỹ. Giờ tương lai của nó đã mù tịt còn quá khứ thì đứng im. Ít ra dù dù bản thân có ghét lão đến mức nào đi chăng nữa mẹ còn có tôi, và bất quá thì tôi có thêm một đứa em.

Cầm tấm hình lên, tôi muốn nhìn kĩ hơn những gương mặt này. Không rõ vì sao tim cứ nhói theo dòng suy nghĩ. Mà tại sao bức hình quý giá như vậy lại nhàu nhĩ với vế hằn ở giữa thế nhỉ? Có vệt lấp ló khi được soi dưới kánh đèn. Tôi vội tháo khung ảnh ra.

Một chiếc chìa khóa rơi xuống. Âm thanh sắc lẻm cắt qua mặt.

Tôi vội ghép khung ảnh về vị trí cũ. Chiếc chài khóa nhỏ, nhưng một dạng chìa của nhật kí mà có thời tôi từng dùng hay để khóa một loại rương nhỏ nào đấy. Nếu thứ này ở trong khung ảnh thì chỉ có thể do Mỹ mà thôi. Nó tính làm cái quái gì đây?

Ngay lúc ấy có tin nhắn, từ Dũng. Tôi vội cất chìa khóa vào trong ví:

"Thủy tí gặp nhau ở đâu?"

Tôi chớp chợp mắt, rồi ngáp dài, đáp:

"Em ra đầu ngõ. Có quán cà phê võng."

Dũng đồng ý với kế hoạch trên. Ngay lúc ấy có tiếng gõ cửa. Từ bác:

"Ra ăn sáng."

Tôi đáp, vệ sinh cá nhân rồi ngồi vào bàn ăn. Thấy chỉ có hai bác cháu tôi hỏi:

"Bác gái đâu rồi ạ?"

"Ngủ chưa dậy."

Tôi nhìn lại đồng hồ. Mới chỉ hơn sáu giờ sáng đôi chút. Hèn chi hôm qua bác ở đâu đó về bắt gặp tôi và Dũng tần ngần trước cổng nhà. Trên bàn có trứng ốp-la, bánh mì và thịt bò còn bốc khói. Tôi xin phép và cứ thế ăn cho căng bụng. Một ngày dài còn ở phía trước. Chái bếp sáng dần theo độ cao của mặt trời. Tôi nhìn bác lặng lẽ ăn, rồi liếc cánh cửa buồng đằng sau im ỉm đang khép chặt, xong quay lại, hỏi:

"Bác gái dạo này mất ngủ ạ?"

Bác gật đầu. Rồi lại lặng lẽ. Âm thanh miệng nhai chậm rãi tạo thành từng bón nhỏ tản trong không khí. Mọi thứ chậm rãi như vậy. Tôi lại liếc nhìn cánh cửa buồng sau lưng, tiếp:

"Mà bác ơi?"

Bác vẫn ăn nhưng ngẩn lên nhìn tôi.

"Ừ... Dì ấy. Dì có hành xử kì lạ gì không?"

Bác giờ lại cắm cúi ăn và không trả lời. Không hiểu sao đồ ăn bỗng trở nên nhạt toẹt. Nhưng thôi tôi vẫn ráng nuốt cho hết. Chợt bác buông đũa:

"Thế con cho là thế nào kì lạ? Khóc nhớ Mỹ? Thức dậy giữa đêm vì ám ảnh? Hay thẫn thờ và mãi nghĩ về nó trong khi nấu bếp?"

Tôi nghiến chặt hàm, nhìn bác tiếp tục:

"Hay con cho rằng đây chỉ là chuyện bí ẩn không thể giải thích được? Mọi thứ đều rõ ràng ra đấy. Ở đây ai cũng sáng mắt cả. Trừ con mà thôi."

Tôi nuốt nước bọt khan, không hiểu những gì bác nói. Những lời tối qua của dì còn âm vọng trong đầu. Rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì vậy?

"Con sẽ không tìm được cái gì ở đây cả. Như con Mỹ. Con hiểu không? Chúng ta ở đây không có cửa sống. Tốt nhất con nên rời đi. Càng sớm càng tốt."

Bác bất thần nắm tay tôi. Cái lạnh thẩm thấu từ đôi bàn tay nhăn nheo và chớm đồi mồi kia khiến toàn thân run bắn lên. Đôi mắt bác đỏ ngầu và nơi con ngươi như đục hẳn đi. Tôi không dám rụt tay lại, đành phải chịu đựng như thế vài phút. Và tôi cũng không dám nhìn thẳng gương mặt đối diện già nua hẳn đau khổ lắm mới thốt ra những lời quẫn trí như vậy. Cứ cắn răng chịu đựng.

Nhưng bác vẫn cứ giữ. Và giữ.

Và giữ chặt.

Đồ ăn nguội. Tay tôi đã tê hẳn đi. Bác vẫn không nới lỏng. Tôi đành phải nói:

"Đau quá bác ơi! Thả tay cháu ra đi!"

"Hứa đi!"

"Dạ?"

"Hứa đí! Hứa sẽ về nhà trong hôm nay!"

Tôi gật gật, vẫn cố tìm cách rút tay về nhưng không thành. Bác gằng giọng:

"Hứa thành lời! Con phải hứa thành lời!"

"Dạ...Dạ cháu xin hứa!"

"Hứa sao? Hứa cái gì?"

"Cháu hửa sẽ rời khỏi đây trong hôm nay!"

Tay được buông ra. Đỏ bầm. Tôi vẩy vẩy, tìm cách lấy lại cảm giác, và lén lúc nhìn bác – Mặt đanh lại như lúc nói chuyện với anh Dũng. Thái độ của cả bác và dì thay đổi một trăm tám chục độ mà không rõ nguyên do. Tim đau như thể bị ai đấy đâm một nhát – không phải đau vì cái đâm, mà do là người đâm và tính bất ngờ của nó. Tôi đứng dậy, bước khẽ khàng về phòng Mỹ, khép cửa nhẹ nhàng rồi cứ thế tựa lưng mà tuột xuống. Nước mắt tự chảy từ lúc nào. Nóng. Tôi vuốt mặt để cảm nhận cái ấm, rồi cứ thế xoa xoa hai lòng bàn tay lại với nhau. Trông kìa vẫn còn hằn vết nắm lúc nãy của bác. Lấy hết sức, tôi đứng dậy. Đoạn video đã dựng xong từ lúc nào. Cảm giác bất an cuộn trào. Tôi vội nhắn tin cho Dũng.

"Anh ơi có chuyện quan trọng."

Dũng đáp ngay:

"Sao?"

"Khó nói lắm nhưng bác đuổi em ra khỏi nhà."

"Cái gì?"

"Gặp rồi nói chuyện. Em nghĩ ta cần đổi kế hoạch."

Tôi thay đồ, rồi mang theo cái điện thoại. Laptop vẫn để trong phòng và bắt đầu quá trình đăng tải lên Youtube. Cầm theo một ít tiền, tôi rời phòng. Bác không còn ở dưới bếp mà đang ngồi ngoài sân hút thuốc. Sương đêm chưa tan hẳn làm cho nắng yếu ớt rơi thành từng lọng. Làn khói mỏng tan ra, lẫn vào những mờ đục. Bộ bàn ghế đẫm nước nhưng bác mặc. Cứ thế tàn đỏ rực lên như một mặt trời con, tỏa chút hơn ấm cố xua sương tan hẳn.

Tôi đứng cạnh, như ngày nhỏ xin bố đi chơi, nói:

"Cháu đi cà phê một chút. Cho phép cháu dọn sau khi nhà mình ăn trưa nhé? Lâu rồi cháu mới được ăn cơm nhà."

Bác vừa gật.

Có lẽ.

Đúng vậy không?

Tôi không dám chắc. Bố Mỹ cứ nhìn và khoảng không một cách vô định và mênh mông như vậy, rồi khẽ mỉm cười. Đầu lọc được kẹp hờ hững giữa hai môi. Nuốt nước bọt khan, tôi thử hỏi lại lần nữa, trực tiếp hơn:

"Cháu đi sau bữa trưa nhé?"

"Càng sớm càng tốt. Trong hôm nay."

Dường như miệng bác không nhúc nhích.

Tôi ho nhẹ. Có lẽ là được. Bác lại tự cười, nhưng không thành tiếng. Còn tôi tiến đến chỗ cổng sắt. Cố không ớn lạnh khi nghe âm thanh thiếu dầu kia, tôi ra ngoài. Đường trống trải. Những căn hộ hàng xóm đóng kín. Chẳng thấy ai. Tôi đến điểm hẹn. So với quán cà phê khuya nọ thì đây là nơi tốt hơn – ít nhất nếu xét tương quan: Cũng chỉ đơn giản là một phần sân trước nay được lót gạch men và có mái che đàng hoàng. Vài bộ bàn con, Thêm chục cái võng cũ sờn. Các anh và các bác ngồi sẵn, rì rầm. Những đóm tàn cháy đỏ - khói lẫn vào chút sương còn lại tạo thành những kết tủa mà ánh mặt trời mãi không thể xua tan được. Anh ngồi, sẵn trước mặt ly đen sệt và trên môi điếu thuốc rực. Không chờ tôi gọi đồ uống, anh nói:

"Sao? Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?"

Tôi nhìn kĩ anh. Dường như trán kia đã có những sợi bạc. Đôi mắt cũng đã trũng sâu. Giống tôi. Đùi cứ nhịp liên tục – gót gõ những tràng hối thúc. Anh lặp lại câu hỏi. Tôi đành phải thở dài:

"Mọi chuyện khó hiểu lắm anh..."

"Khó hiểu là sao? Em qua em nói một đằng sao giờ nói một nẻo rồi?"

"Thật ra là..."

Đến đây tôi phải ngáp một hơi thật dài. Đầu thấy bưng bưng như có ai gõ mõ. Xoa xoa thái dương, tôi tiếp:

"Bác đuổi em đi."

"Cái gì?"

Tôi gật đầu:

"Anh không nghe nhầm đâu. Quá thật bác đòi đuổi em đi. Chuyện của Mỹ dường như phức tạp hơn những gì chúng ta biết."

"Anh không hiểu... Ý em là?"

Tôi khẽ rùng mình. Sương mù mãi vẫn không chịu tan.

"Cơ bản như thế này. Có hiện tượng lạ xảy ra, đó là lúc em nhắn tin kêu cứu. Sau đó mọi chuyện có vẻ êm trở lại. Đến khuya, em không ngủ được ra ngoài thì gặp dì."

"Bác gái nói sao?"

"Anh nên tự xem."

Đưa Dũng tai nghe rồi mở những khung hình ám ảnh ấy. Anh nhíu mày, nhăn trán cố nhìn sâu vào những khoảng tối đặc trên màn hình. Tôi biết chất lượng của thước phim không tốt lắm nhưng tin rằng những lời ấy sẽ thít chặt tim anh như những gì nó đã làm với tôi.

"Anh không hiểu"

"Thì đó. Bác sáng nay cũng như vậy. Nhìn tay em này. Giờ vẫn còn vết bầm đây. Em nghĩ ta nên về Sài Gòn."

Không gian chung quanh đặc lại đến nỗi tôi phải gắng mấy hơi mới tiếp được. Nhưng anh không còn chú ý đến tôi nữa. Quay ra hướng anh nhìn, tôi thấy lờ mờ một bóng người ở nơi có lẽ là giữa đường. Sương lèn đặc lại nên không rõ đấy là nam hay nữ. Tôi nuốt nước bọt khan. Lại nữa rồi. Hẳn là thế. Không khác được. Tôi thì thầm:

"Dũng."

Anh không đáp.

Tôi sợ hễ mình nhìn đi chỗ khác thì thứ kia sẽ có động tĩnh bất ngờ. Những người xung quanh, hay đúng hơn là những bóng đen vốn là khách, lặng thinh. Khỏi vẫn tỏa quanh đây, ép vào từng nan phổi, bóp nghẹt cuốn họng. Nước mắt tràn ra. Tôi sợ nhưng đấy không phải là nguyên do cho cái sự khóc lóc này mà là bởi lớp sương: Chúng bám rịn trên mọi bề mặt, kể cả nhãn cầu. Tôi lay anh với hai hàng lệ dài.

"Anh Dũng? Anh Dũng ơi?"

"Thủy."

Tôi quay ngoắt lại. Không phải anh đáp. Giọng anh không thể ấm như thế này. Hay mang lại sự bình yên trong tầm hồn bất chấp những kinh khủng đang bủa vây. Nguồn âm lại ở chỗ cái bóng. Chẳng lẽ nào là...

"Mỹ!"

Anh ùa ra, nhào ngay đến chỗ bóng đen. Sương nuốt gọn con người tội nghiệp ấy. Lớp màn quánh đặc có hai bóng đen. Rồi từ hai thành một.

Tôi chết sững, bất lực nhìn Dũng lao vào trong màn sương. Dù có muốn vẫn không có bất kì thớ cơ nào có thể nhúc nhích. Miệng cứ há hốc không thể khép lại được. Anh thật ngu ngốc. còn tôi thì quá nhút nhát để hành động.

Mỹ.

Đấy là những lời thốt ra từ cửa miệng anh khi cái bóng gọi tôi. Có thể là nghe nhầm chăng? Nhưng rõ ràng đấy là giọng bố. Kiểu gì thì kiểu, chất giọng khác nhau rõ rệt như vậy cơ mà? Làm sao mà Dũng nghe ra thành Mỹ đang mất tích được?

Âm thanh va chạm bục lên, đánh bạt mọi thứ chắn tầm nhìn. Đường xám xịt đón những lọn ấm áp. Một người đàn bà đi chiếc wave cũ thất thần, nhìn Dũng lăn quay giữa đường. Bà nhặng xị cả lên:

"Này sao đi đứng lung tung vậy? Có mặt như mù à? Sao lại đâm ra giữa đường vô duyên vô cớ như vậy chứ? Có biết là nguy hiểm không?"

Bà cứ tiếp tục chửi sa sả trong khi đó Dũng cứ thất thần dáo dác nhìn quanh như thể đang tìm thứ gì đấy. Tôi vội chạy ra đỡ anh dậy. Có lẽ may mà nhờ dì đi chậm nên anh không chịu bất kì chấn thương nghiên trọng nào. Nhưng Dũng không màn đáy quần trầy xước, hay cẳng tay hơi rướm máu mà vẫn tiếp tục tìm điều gì đấy. Dì dắt xe vào trong lề, ngồi xuống cạnh anh, nói:

"Này con có sao không? Đi đứng cẩn thận chứ. Đang tìm cái gì thế?"

Chợt cánh tay bị siết chặt. Là Dũng. Anh không nói lời nào cứ xoáy sâu vào tôi. Ánh nhìn ấy cứ đâm sâu vào, thọc sâu vào như vậy. Xuyên thấu. cảm thấy như não phọt ra đầu bên kia. Tôi nuốt nước bọt khan không dám nói gì mà cứ chịu đựng như vậy, như đã từng chịu trước bác ban nãy, hay trước lão suốt những năm cấp hai và cấp ba. Dì cứ sa sả gõ vào màn nhĩ tạo thành chuỗi những âm thanh không đầu không cuối. Những tưởng sẽ phải tự rụt tay lại, anh nói:

"Em có thấy điều vừa nãy không?"

"Có."

"Em có nghe thấy tiếng Mỹ không?"

"Không."

"Em chắc chứ, rõ ràng anh nghe thấy tiếng Mỹ mà!"

Dì cũng xen vào:

"Dì không nghe thấy thằng nào nói tiếng Mỹ cả."

Bất giác tôi nhìn lại. Mọi gương mặt trong quán cà phê đều hướng ra nhìn vụ lộn xộn này. Từ đây xa quá, chẳng thể trông mặt xem ai đang nghĩ gì và thấy gì. Dường như khói thuốc đã thay sương, vắt thêm một lớp nữa khiến cho mọi thứ trong quán trở nên lờ mờ. Có lẽ chủ quán cũng đang nhìn ra, tự hỏi mấy người này tính tiển chưa.

Giục anh dậy, vẫn không ngẩn lên, tôi nói:

"Thôi mình vào trong rồi tính tiếp."

Dũng chợt tỉnh ra, dẫu quai hàm vẫn bạnh và chân máy vẫn nhíu sát lại với nhau. Anh xin lỗi người đàn bà rồi chúng tôi trở vào trong. Không ai quan tâm hai kẻ lạ làm trò lố nữa. Ít ra như vậy tôi thấy dễ chịu hơn. Dũng cứ ngồi thất thần trong ghế như vậy khiến tôi lại phải lay anh:

"Dũng. Anh Dũng ơi!"

Anh quay sang, mặt vẫn đăm chiêu:

"Sao?"

Lẫn trong giọng ấy là một sự gắt gỏng, giống khuya hôm trước. Tôi lựa lời nói:

"Lúc nãy với em... Không phải là giọng Mỹ mà là của một người khác."

"Là ai?"

"Nói chung không phải là Mỹ. Anh chỉ cần biết rằng cùng một nguồn âm thanh ta nghe hai thấy hai thứ khác nhau."

"Đừng đùa anh như vậy. Hay là em không muốn tìm Mỹ. Hả?"

Anh sấn tới, thiếu điều ăn tươi nuốt sống tôi. Cái sự hung hăn ấy giống đêm trước vậy. Nhưng tôi hiểu điều mình phải làm. Nắm lấy bàn tay đang run lên như một con thú bị thương kia, tôi nói:

"Em cảm thấy mọi chuyện không ổn. Anh cũng hiểu chuyện vừa rồi xảy ra không bình thường mà đúng không? Dũng... Em biết điều này đều sẽ khiến anh bực nhưng anh với em cần phải rời khỏi nơi đây. Nếu anh muốn ở lại thì được thôi, em không cưỡng. Còn..."

"Thế em còn muốn tiếp tục kênh youtube của em không?"

Tôi khựng lại.

"Anh đoán là chẳng ai coi nhỉ? Trong khi những video về Mỹ con số cao chót vót."

"Dũng! Anh nói gì kì vậy? Mà nó cao thì có liên quan gì đến anh?"

"Em biết mà."

"Biết cái gì chứ?"

"Nếu cần chỗ ở, hãy đến nhà nghỉ của anh. Ta có thể sắp xếp hai phòng."

Dũng mặt đã thôi đe dọa, nhưng trông nghiêm túc cực kì. Nói đoạn anh rút điếu thuốc, rít một hơi thật dài. Anh đã hòa mình với đám người xung quanh. Tôi chu miệng, chống cằm nhìn. Dũng thật kì lạ. Chắc cũng giống dì với bác, tất cả chỉ là do những căng thẳng vì sự biến mất của Mỹ mà thôi.

Chắc thế.

"Thôi em về trước. Có gì tính sau. Tiền cà phê nhiêu nhỉ?"

"Để anh trả."

Dù ngoài mặt rất ái ngại, nhưng ít nhất túi tiền của tôi có thể thở phào. Trở về nhà thì thấy cổng đóng. Có vẻ đã được khóa. Chắc bác quên báo cho dì biết. Tôi thử đập mạnh lên khối kim loại. Âm thanh rền rĩ vang lên. Rồi tĩnh lặng. Chẳng có gì xảy ra cả. Cửa nhà Mỹ vẫn im ỉm. Tôi thử lại lần nữa, và trong lúc chờ đợi lấy điện thoại ra kiểm tra.

Lượng thông báo của ứng dụng Youtube ở mức "999+"

Lượt xem của video mới nhất đạt hơn một trăm ngàn.

Nhìn sáu chữ số vô tri vô giác như vậy khiến tim tôi thõng xuống. Đầu lưỡi thì đắng nghét. Tôi ở đây là vì Mỹ mà đúng không? Có phải không? Thủy à mày nói đi chứ? Sao câm lặng quá vậy? Đây chẳng phải là điều mà mày muốn sao?

"Này con đang làm gì đó. Vào lấy đồ đi!"

Dì lại thò đầu ra từ đằng sau cánh cửa. Nhìn qua cánh cổng sắt, với khoảng cách xa như vậy tôi chẳng thể thấy gương mặt dì. Dường như nó bị nung chảy ra rồi nung đặc lại thành một khối. Tôi đáp:

"Dạ cháu đi uống cà phê một chút. Chắc bác quên dặn dì rồi."

"Không ta cố ý đấy."

Tôi đứng bất động đấy. Điện thoại cầm trên tay vẫn chạy đoạn video đăng lên sớm hôm nay. Âm thanh như bị nghẹn lại. Cánh cửa mở hờ, và cứ thế dì đẩy đồ của tôi ra ngoài. Cũng không nhiều nhặng gì, chỉ là một cái ba lô. Cái laptop được gập và để ngay ngắn dưới sàn. Chỉ có tay, hoặc đầu của dì ló ra. Rồi sau đấy là giọng dì âm âm từ đằng sau lớp cửa, chạy qua khoảng sân trống:

"Cổng không khóa đâu con. Mau đi còn kịp."

Tôi thử đẩy nhẹ. Đúng là không khóa thật.

Trước khi bước vào sân, tôi nhắn cho Dũng:

"Đón em ở nhà Mỹ."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro