Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

14.

Vào phòng Mỹ tôi lập tức tìm cái laptop đang lọt dưới gầm giường. May quá máy tính vẫn giữ chức năng quay phim. Tôi kiểm tra những thứ đã được lưu lại. Cái laptop hơn năm năm chậm rề rề đến phát bực.Tôi tặc lưỡi, nhịp ngón tay chờ đợi. Những file tải lên từ điện thoại vẫn còn. Quan trọng hơn là file mới quay vừa nãy. Đây, tôi mở lên xem thử. Vẫn là cánh cửa, vẫn giọng thì thào sợ chết, rồi góc máy bị chúi xuống, sau đó bị rung lắc dữ dội. Văng vẳng trong đấy là tiếng khóc. Cuối cùng chỉ còn là một màu đen tuyền.

Khỉ thật, chẳng quay được gì cả.

Tôi vuốt mặt. Trong những tình huống như thế này thì rời đi càng sớm càng tốt là điều thông minh nhất. Chẳng phải có bao nhiêu truyện, phim ma mà nhân vật hành xử cực kì ngu ngốc khi thấy nguy hiểm cận kề mà chẳng chịu bỏ đi hay sao? Chẳng phải vừa nãy rõ ràng với cả năm giác quan của mình tôi trải qua một hiện tượng siêu nhiên không thể nào xảy ra ư? Cái điên khùng gì thế này?

Chợt có chuông điện thoại, tôi nhấc máy một cách uể oải. Ít nhất đây không phải là mẹ.

Là Dũng:

"Có chuyện gì thế?"

"Hả?... À... Không sao đâu anh."

"Là sao? Em ghi gì mà 'Cứu em!' cơ mà! Rốt cuộc em đang giấu anh chuyện gì?"

Tôi tặc lưỡi, căn môi suy tính. Thật tình mà nói tôi không biết Dũng sẽ phản ứng ra sao trước những điều vừa rồi. Còn bản thân đang do dự giữa ở với về. Khỉ thật, giá mà có cách nào rời khỏi đây mà vẫn có tư liệu.

"Alo? Thủy?"

Tôi khẽ giật mình, cắn nhẹ môi để tự lấy lại lại bình tĩnh rồi nói:

"Dạ em nghe."

"Rốt cuộc là sao?"

"Em bị đe dọa, nhưng mọi chuyện ổn rồi."

"Bởi ai? Chuyện quái gì đã xảy ra vậy?"

"Là... Sao ta... Nói chung bác đang rất buồn." – Tôi cố ý hạ giọng, nói sao đủ cho Dũng nghe mà thôi. –"Nên có một số hành vi lỗ mãn. Em sợ, nãy bác nổi xung thiên vì chuyện của anh. Em tìm cách hạ hỏa nhưng không được nên gửi tin cầu cứu đó. Không sao đâu."

"Chậc. Thôi được. Em tìm ra cái gì mới chưa?"

Tôi hít một hơi thật sâu, nói chắc nịch:

"Chưa."

Nghe rõ cả tiếng thở dài của Dũng. Tôi hỏi:

"Thế bên anh thì sao?"

"Có hỏi thăm chủ nhà. Đúng là có những vụ mất tích. Còn cái hồ đầy sương anh chưa lấy thêm được thông tin gì."

"Được, vậy để sáng mai gặp nhau kể chi tiết."

"Được."

"À mà Dũng này. Anh đưa em ra hồ nhé."

"Cái hồ đầy sương ấy hả?"

"Dạ."

"Vậy để chiều nay anh mò đường ra trước, sáng mai chở em qua luôn."

Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì anh đã cúp máy.

Tôi ngồi thừ xuống, vẫn còn cố hiểu điều gì vừa xảy ra. Rõ ràng đây là hiện tượng siêu nhiên rồi. Rõ ràng cần rời khỏi đây càng sớm càng tốt rồi.

Giọng của bố.

Hôm đấy là một ngày u ám. Tôi còn nhớ mình cứ ở trong nhà nhìn bầu trời, tự hỏi ông mặt trời đang ở đâu. Hơi ẩm ngập tràn không khí cũng vừa giống lúc ban nãy. Nhưng cái đầu chín tuổi ấy chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Căn nhà nhỏ im lặng. Bố thường về sớm hơn mẹ, ít nhất là tôi nhớ như vậy. Cứ tầm năm, sáu giờ tối là ông ở nhà dọn cơm rồi. Sau đó bảo ban, chỉ bài cho tôi học. Trong khi đó mẹ toàn chín, mười giờ khuya mới về: Những tiếng cửa mở, rồi sau đó là những khẽ khàng của mẹ lúc tôi đã lên giường ngủ vẫn còn văng vẳng đâu đây. Nhưng đấy chỉ là những vùng kí ức nằm trong thăm thẳm. Có những thứ tôi không hiểu, và giờ là từ chối hiểu. Như việc có những âm thanh gắt gỏng, như là việc mẹ về trễ. Quá trễ. Nhưng hôm đấy mẹ về sớm.

Tôi vẫn còn nhớ mình ngồi trong phòng. Sự gắt gỏng trong giọng bố mạnh hơn bình thường. Tưởng như ngoài trời sấm gầm. Căn nhà vang lên những lục đục mà đôi tai bé nhỏ này chẳng muốn nghe. Và rồi im lặng. Có tiếng cửa dập mạnh. Rồi có tiếng khóc. Lạ một điều tôi không đoán được đấy là tiếng khóc của ai. Thậm chí là giọng đàn ông không chừng. Có lẽ tại lúc đấy, cũng như lúc nãy, trời mát mẻ nên ngái ngủ khiến đầu óc lơ mơ? Tất cả chúng trộn lại với nhau thành một mớ lộn xộn. Chỉ còn nhớ sau đó đấy mẹ vào phòng tôi với đôi mắt đỏ hoe, với những vệt lệ dài trên gò má - Tôi đoán. Hình như lúc đấy Thủy chín tuổi đang ngủ giấc trưa. Cứ thế bà ôm tôi mà khóc, như tôi với dì lúc sáng. Cứ thế mà khóc thôi. Tôi vẫn còn đang cố tỉnh ngủ nên chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra cả. Xong rồi bà nói rằng:

"Từ giờ chỉ còn hai mẹ con mình mà thôi."

Tôi đinh ninh là vậy.

Mãi cho đến khi lão xuất hiện trong phòng khách ôm mẹ tôi như cách bà ôm tôi. Sự dỗ dành đầy lố bịch ấy.

Lão ngồi trong phòng khách nhà tôi càng ngày càng lâu. Cho đến một ngày nọ lão ngồi đấy vĩnh viễn. Ấy là năm tôi lên đại học với trường lão chọn, học phí lão đưa, thậm chí con laptop này cũng từ túi lão ra.

Cái lão già chết tiệt ấy, với cái giọng khó chịu eo éo ấy. Lão ốm hơn nhiều so với bố. Nếu hai người đứng cạnh nhau, tôi nghĩ lão sẽ khúm núm lại như chó bị chủ quát. Mắt lão sâu hoắm. Nhìn vào chỉ thấy những u tối. Tôi đồ là do tâm tính lão bộc phát. Một kẻ tầm thường cạnh mẹ tôi tìm cách thay thế bố tôi.

Mãi chẳng thấy ông về.

Nhưng con vừa được nghe tiếng của bố. Nhỉ?

Đúng không?

Mình xuống đây cũng để tiếp tục tìm Mỹ mà đúng không?

"Thủy?"

Tôi giật mình, không rõ từ lúc nào đang mân mê cái khung hình cũ. Tiếng gọi ấy lặp lại:

"Thủy ơi?"

Hình như là giọng dì. Tôi đáp:

"Dạ?"

"Đi chợ với dì không con?"

Tôi cười nhẹ. Nghe có vẻ ổn. Đặt mạnh cái khung hình xuống. Tôi mặc đồ lịch sự hơn một chút, không quên cầm theo cái điện thoại, rồi ra ngoài. Mở cổng cho dì, nghiến răng vì cái âm thanh bản lề thiếu dầu kia; Chờ dì ra ngoài rồi nghiến răng lần nữa khép cổng lại, sau đó leo lên xe yên vị đằng sau.

Đường quê vẫn như trong những kí ức cũ của bản thân, hay như những gì trong những đoạn phim. Thậm chí tôi có cảm giác nó còn buồn bã và thê lương hơn những gì mình đã thấy. Là do người hay do cảnh? Tôi không dám trả lời. Vẫn những cành cây ngọn cỏ, vẫn những căn nhà cấp bốn, vẫn gió lùa mát mẻ; mặt trời đổ một màu cam rực rỡ nên những người ngồi ven đường, những cửa tiệm, những quán cà phê, và những chiếc xe dọc ngang đều ám trên người những đặc sệt từ nắng. Ánh nhìn của họ ngái ngủ, vẻ mặt của họ ủ rũ. Có những người bị nắng chiểu thẳng vào mặt phải híp lại, trông như đường kẻ nơi hốc mắt.

Nhưng tựu chung là yên ả.

Có những khi tôi thầm nghĩ mình cứ về nhà phứt cho rồi. Ít nhất là ngày còn được ăn ba bữa, phòng ngủ cũng rộng rãi hơn. Cái sự thanh bình này thật khác xa những ồn ào nơi Sài Gòn, nơi xô bồ thống trị, những tưởng khi ở những chốn thế này ta có thể nghe tiếng lòng của bản thân. Nhưng nghĩ lại thì khi ở nhà sẽ phải thấy mặt lão, nghe giọng lão; Hay thậm chí tệ hơn là phải nói chuyện với lão, đáp những câu hỏi thăm sặc mùi giả tạo kia. Chính lão, chứ không phải ai khác, là người đã khiến bố bỏ hai mẹ con tôi mà đi.

Cứ miên man như vậy, xe dừng lúc nào không biết. Một cái chợ mới xây theo kiểu đại trà và trông tương đối sạch sẽ sừng sững giữ khu đất tái định cư còn trống trải. Do đó chẳng có nhiêu sạp hay quầy đang mở cả. Tôi đi cùng dì vào. Nhìn chung chắc chưa đến mười phần chợ mở cửa. Chủ yếu là những sạp bán thực phẩm tản mác mà thôi. Dù nhìn bên ngoài cái chợ quê này tương đối tươm tất nhưng vào trong này mới thấy những sình, những tù đọng, những hôi thối. Dì thì luôn miệng hỏi ý tôi về miếng thịt này sao, bó rau kia thế nào, trái cây tươi hay không,... Tôi chỉ đành gật gù vâng dạ. Thú thật thì nữ công gia chánh của bản thân rất tệ, nên dì nói sao nghe vậy.

Cũng về nhà, cũng lại phụ bếp, cũng ngồi vào bàn. Mình tôi bên nhìn dì với bác đối diện. Bữa tối chậm chạp nhưng cũng có cảm giác ấm cúng hơn bữa trưa. Có lẽ đây là sự im lặng thoải mái người ta hay nhắc đến. Trái tim cũng đã nguôi ngoai. Nhưng những câu hỏi vẫn còn lởn vởn: Bao lâu rồi nhà tôi chưa ăn cơm cùng nhau? Và không, tôi không muốn đối diện mình là lão.

Rồi mỗi người lặng lẽ một góc. Bác lại ra xem truyền hình. Dì vào trong buồng. Tôi quay lại tiếp tục công việc của mình. Phần kịch bản hoàn thành nhanh hơn dự kiến nên tôi bắt đầu cắt ghép và dựng phim. Cái lạnh của màn đêm buộc tôi phải mặc áo ấm. Cứ ngồi gõ chữ mà mười đầu ngón tay tê rần. Bên ngoài tiếng chị phóng viên đọc bản tin thời sự lúc bảy giờ tối cứ đều đều phả vào phòng khiến tai ngứa không chịu được nên tôi vội đeo tai nghe vào để hạn chế sự phiền nhiễu.

Để xem nào. Một số cảnh quay đường đến đây, một chút hình ảnh cho căn nhà. Đoạn hội thoại giữa Dũng và bác khi tôi thấy khó thở khi nghe lại từng từ từng chữ trong lúc biên tập. Dù không có ghi hình ảnh, nhưng cảnh gương mặt của Dũng chán chường, ủ ê cứ hiện lên. Đôi mắt anh hẳn đã đỏ ngầu. Bác đứng đấy câm lặng. Ánh nắng tản qua những tán lá hắt lên gương mặt kia.

Mỹ à mày ở đâu mau về đi, tao không muốn mọi chuyện như thế này nữa.

Càng về khuya trời càng lạnh: Vừa ngồi chỉnh sửa tôi phải trùm thêm cái chăn bông mòn dẹp quanh người. Thấy không ăn thua, tôi choàng thêm bên ngoài một cái áo khoác. Dẫu vậy những ngón tay cứ rứ run run. Xương sống cừng đờ như bị nhiễu nước đá. Hình như tôi vừa thở ra khói? Chớp chớp mắt, tôi nhìn kĩ lại: Từng làn hơi mỏng, như thể đang ở một cái xứ cực kì lạnh lẽo nào đấy trên phim ảnh, phả vào bàn tay đang run lẩy bẩy. Có điều gì đấy không đúng. Tôi biết vậy. Giống như lúc trưa vậy.

Dưới cửa sương tràn qua. Tiếng truyền hình vẫn còn, nhưng nó chuyển thành hỗn hợp của những âm thanh rè rè cào cấu màn nhĩ. Tôi biết mình đang gặp rắc rối. Kẻ thủ ác nào đâu buông tha mình dễ dàng vậy được. Gập vội lap top, tôi dấu nó dưới gầm giường hi vọng bằng chứng sẽ an toàn, rồi áp tai vào cửa. Thành gỗ lạnh khiến mang tai tê cóng lại, nhưng ngoài tiếng truyền hình thì không còn âm thanh nào khác. Nhưng tôi vẫn giữ tư thế, chờ đợi. Tiếng tim đập càng ngày càng ngày càng lớn dần, gây ù. Nhưng tôi vẫn chịu đựng. Không tiếng cổng sắt, không tiếng cửa ngoài cũng không tiếng bước chân nốt. Dẫu vậy tai vẫn áp chặt. Rồi tôi dừng, tay đặt lên nắm đấm cửa, tay còn lại với lấy cái điện bật sẵn chế độ máy quay, tiến ra ngoài.

Căn nhà lạnh lẽo và bị một lớp màn mỏng phủ lên. Trong khi đó tất cả những bóng huỳnh quanh đều đã được tắt. Dù tôi đã nhón gót một cách khẽ khàng nhất có thế, dường như tiếng chân này đang dựng ai đó tỉnh giấc. Ánh đèn pin từ cái điện thoại tỏ mờ trong lớp sương. Tôi cố gắng ổn định cái điện thoại lắc lư như một cái bập bênh trong tay. Ba bước là hết cái hành lang này rồi nhưng đấy là ba bước dài nhất tôi từng bước.

Ra đến phòng khách, tôi nuốt nước bọt khan. Những ánh đỏ của bàn thờ bị màn sương bóp méo cả đi. Cái truyền hình thì cứ lập lòe ánh xanh dương, còn âm thanh mất sóng nay không còn bị bức tường cản lại nữa cứ đâm như kim chích vào màn nhĩ. Bên ngoài sân hắt vào trong nhà ánh vàng leo lét của bóng tròn lủng lẳng gần cổng. Gan bàn chân tôi lạnh cóng, cảm tưởng đang đi trên một cái sàn nước đá. Tiến ra gần cửa hơn nữa tôi nhíu mày, cố gắng nhìn rõ ngoài kia đang có gì. Ánh đèn yếu ớt nơi cổng chẳng làm gì nổi màn sương đêm, để lại một vùng tranh tối tranh sáng kì lạ từ chỗ bọ bàn ghế đá đến ngưỡng cửa nhà. Còn lại tất cả chìm trong trong bóng tối. Nó nuốt chửng mọi thứ mà ánh sáng không bảo vệ. Tôi cứ đứng đấy, cố gắng thu trọn khung cảnh gây ám ảnh. Cứ thế mà nhìn mông lung. Nghe rõ từng nhịp thở của bản thân, cảm nhận từng nhịp tim đập.

"Thủy, con làm gì ở đây vậy?"

Tôi giật bắn mình, mém nữa đánh rơi điện thoại. Ơn trời đấy chỉ là giọng của dì. Tôi nói, đồng thời quay lại:

"Lạnh quá cháu không ngủ được."

Dì đang ở chỗ hành lang thông với phòng khách, mặc một chiếc áo lạnh dày. Nghe vậy dì đáp:

"Ừ con... Dạo này ở đây nó cứ lạnh như vậy. Không ai biết tại sao."

Nhớ ra mình vẫn còn đề điện thoại ở chế độ quay phim, tôi vội tắt đèn pin. Vẫn đứng nơi cửa, tôi tiếp:

"Bao lâu là bao lâu ạ?"

"Chắc tầm nửa năm nay thôi. Càng lúc càng lạnh. Càng lúc càng mù sương. Giờ chẳng ai rời nhà quá chín giờ tối."

"Ghê vậy ạ?"

Dường như dì gật đầu, rồi tiến ra chỗ bàn khách ngồi. Toàn thân dì bị phủ trong cái ánh xanh nhợt nhạt lập lòe kia. Tôi ngồi chỗ đối diện, át lên dì một cái bóng khiến cho gương mặt kia chìm sâu hơn chẳng biết đang nghĩ gì. Tay vẫn cố giữ điện thoại thật thẳng, tôi hỏi:

"Mà sao dì chưa ngủ ạ?"

"Dì thấy khó ngủ. Nghe động nữa nên ra kiểm tra. Con biết mà. Hai ông bà già thì dễ sinh lo lắng."

Tôi chớp chớp mắt. Còn dì dường như đang cố nén tiếng thở dài. Rốt cuộc thì mọi chuyện vẫn sẽ quay về Mỹ, đúng không? Tôi với tới tay dì và nắm chặt, nói:

"Dì đừng lo nữa. Cháu chắc Mỹ sẽ về mà."

Bàn tay kia lạnh, chắc do sương ngấm vào. Dì không nói gì. Gương mặt của người đàn bà tội nghiệp bị cái bóng từ tôi che lấp, chỉ đọc mỗi một màn đen phủ lên mắt, mũi, miệng. Tôi xiết chặt hơn, đồng thời rê rê ngón cái trên mu bàn tay dì như một động thái để an ủi. Dì vẫn không co bất kì phản ứng gì. Tôi biết đôi mắt già nua kia đang nhìn mình nhưng không có gì để chứng minh cả. Tất cả những gì đang vây quanh hai dì cháu, hay chính xác hơn là quanh tôi là sương, là cái lạnh vô lý, là bóng tối, những sợi sáng lờ mờ bất lực trước những mảng đen.

Tôi không chịu nổi nữa, nắm chặt cánh tay dì mà kéo về phía ngực mình, nói:

"Dì hãy tin cháu. Nếu mấy người kia không tìm được Mỹ, cháu sẽ lôi Mỹ về!"

"Về đâu?"

Giọng nói ấy như thoi một cú vào bụng tôi. Giống như ai đó làm rơi đồ, thậm chí là quý giá, nhưng chẳng buồn nhặt lên mà cứ đi tiếp. Dì không kịp để tôi phản ứng, tiếp:

"Con không làm được gì đâu. Không ai làm được gì đâu. Nếu con còn muốn sống thì mau rời khỏi đây đi."

Và dì rụt bàn tay về.

Tôi cố nén hơi thở gấp, lắp bắp:

"Cháu không hiểu. Dì đang nói về cái gì vậy? Công an đang đi tìm Mỹ mà. Chính dì cũng khóc vì nó mà!"

"Vì ta nhớ Mỹ nên ta không muốn má con buồn. Hay ba con buồn. Hay thậm chí là dượng con buồn."

Tôi nghẹn lời, cảm tưởng có thứ gì đây thít ngang cổ họng chặn đường thở. Dì vẫn bất động, hay chính xác hơn là cái khối đen với hình dạng dì đang bất động. Liếc nhanh xuống để đảm bảo điện thoại vẫn đang quay, tôi cố gắng nhẹ lời nhất có thể:

"Sao dì biết điều này? Cháu còn chưa từng kể với Mỹ nữa mà! Mà sao dì lại sợ hãi như vậy? Có gì đâu mà sợ?"

Dứt lời tôi thấu gáy ngứa ran. Như thể kiến đang bò. Khối đen trước mặt vẫn bất động và im lặng. Tôi không dám bật đèn pin lên, cứ gồng cứng như vậy. Từng hơi thở nhọc nhằn như thể đang leo một quả núi dốc mà nếu không cẩn thận tôi sẽ ngã xuống đáy sâu. Nhưng rồi, sau một phút, hay năm phút, hay cả giờ như vậy, cái bòng-đen-dì- cũng đứng dậy, rời khỏi phòng khách và mất hút nơi hành lang, như thể bị nuốt chửng vậy. Tôi ngồi lại thêm chút nữa, cố hiểu chuyện gì vừa xảy ra thì lại có tiếng dì vang vang từ trong hành lang tối om:

"Vào ngủ đi con. Khuya vậy coi chừng cảm."

Tôi nuốt nước bọt khan, rồi cũng dạ được một tiếng. Dẫu vậy vẫn có thể thờ phào vì cái yêu thương ân cần hồi sáng đã quay lại. Cứ thế tôi lên giường ngủ, sạc điện thoại và cố gắng không nghĩ đến những gì vừa diễn ra 


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro