12.
Dì về, phá tan sự im lặng đầy khó chịu của căn nhà. Từ trong phòng khách nhìn ra tôi thấy đồ trên xe nhiều quá liền ra phụ. Bác vẫn ngồi im, như thể là một bức phù điêu đi cùng bộ ghế đá vậy. Tôi ái ngại nhìn nhưng cũng phải xách đồ thẳng ra gian bếp. Tiếng dép lệt xệt của dì theo sau.
Gian sau của căn nhà tương đối rộng, có khi còn lớn hơn phòng khách. Một cái bàn ăn, một cái bếp ga, một lavabo. Phía sau còn một khoảng sân nhỏ để rửa chén và sơ chế. Và tận cuối góc sát hàng rào là nhà vệ sinh. Tôi sắp xếp đồ chợ. Nhẩm tầm này nguyên liệu nấu cho bốn người ăn khiến bụng chùng xuống. Dì nói:
"Không sao đâu con. Dư cái gì thì cứ để vào tủ lạnh."
Tôi ngẩn lên nhìn nụ cười hiền từ đó. Ừ hẳn là dì biết trước, hay cũng đoán được. Giác quan thứ sáu.
Hai dì cháu cứ thế làm bếp. Những món giản dị bình thường. Đôi khi là vài câu hỏi thăm khách sáo cho không khí đỡ buồn tẻ. Nhưng rồi dì cũng bắt đầu hỏi thêm những câu về Mỹ:
"Trên Sài Gòn chắc Mỹ không có ăn chơi gì đâu ha?"
"Dạ?... Dạ. Mỹ nó hiền lắm. Nó chủ yếu ra ngoài ăn khuya thôi."
Dì cười, nhưng không dấu được tiếng thở dài, tiếp:
"Hồi đó con về chơi là lúc nào nhỉ?"
"Hình như là ba năm trước."
"Nhanh thật nhỉ? Có gì mai mốt cứ về nhà chơi nhé. Thoải mái... Dì với bác coi con như con gái nên đừng ngại."
Tôi gật đầu gật cục. Chợt thấy tai mình nóng rang. Đây rồi. Cơ hội là đây. Dù điều này không đúng đắn lắm nhưng càng sớm tìm được Mỹ chừng nào càng tốt chừng đó. Tôi lấy điện thoại ra, cứ thế cho nó quay dù úp màn hình xuống. Rồi bắt đầu nói:
"Mà dì..."
"Sao con?"
"Mỹ... Ừ..."
"Con muốn hỏi gì?"
"Dạ...Mỹ mất tích như thế nào ạ?"
Dì ngừng tay, nhìn mông lung vào bức tường trước mặt. Cứ bất động như vậy một lúc rồi giọng trầm trầm:
"Nó về. Dì vui lắm, có dịp trổ tài nấu nướng. Cũng hỏi han, cũng chăm sóc nhưng nó dành nhiều thời gian trong phòng hơn. Mà thật ra trước giờ nó cũng vốn trầm tính rồi nên dì cũng không hỏi gì thêm. Buổi sáng hôm sau gọi mãi nó không ra ăn sáng. Tưởng nó ngủ nướng nên trưa dì gọi nó lần nữa. Thấy lạ vì nhỏ giờ Mỹ chưa bao giờ đánh giấc lâu như vậy, dì bèn mở cửa vào kiểm tra thì nó không ở trong phòng. Mọi thứ cứ sạch sẽ ngăn nắp. Thế là dì gọi. Lúc đó nghe tiếng chuông nơi đầu giường. Với mấy đứa tụi con điện thoại là vật bất ly thân. Lập tức dì với bác tỏa đi tìm kiếm, hỏi nhờ bà con chòm xóm. Lúc đó dì đã nghĩ mấy vục mất tích chắc là do sao đó thôi. Ai dè...!"
Đến đây dì không cầm nổi nước mắt, cứ thế vừa lặt rau vừa thổn thức:
"Giá mà dì cứ kiên quyết bảo nó ở trên Sài Gòn đi, không nói rằng dì nhớ nó thì có khi chuyện này đâu có xảy ra!"
Tôi nhìn dì. Nhìn thật lâu rồi rửa tay. Tiếng nước chảy đều hòa với sự thổn thức kia. Rồi tôi ôm dì. Ôm thật chặt như cách dì đã ôm tôi, ôm như thể tôi về nhà gặp mẹ. Dì cứ bất động ở đấy mà khóc, rồi thì thầm:
"Cảm ơn con gái. Dì ổn mà. Không sao đâu... Không sao đâu."
Tôi nhìn ái ngại. Đôi mắt dì đỏ ửng lên. Bao đêm rồi dì khóc nhớ con? Tôi không dám khẳng định. Nhưng nếu Mỹ về thì chắc chắn mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Đúng vậy. Mỹ về thì mọi chuyện sẽ ổn mà thôi. Đó là cách duy nhất. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của tôi. Dì trông già hơn mẹ nhiều, nhưng tôi dám chắc đấy là do hậu quả áp lực, của đau khổ. Vịn chặt hai vai dì tôi nói:
"Dì ơi... Cháu hứa sẽ tìm ra Mỹ!"
"Thôi coi nào. Mấy chú công an xuống làm việc rồi. Con lâu lâu xuống chơi là dì vui lắm rồi."
"Nhưng..."
"Tập trung nấu ăn đi. Người ta nói ăn uống no nê sẽ không còn buồn nữa."
Dì cười. Nụ cười nhẹ, cố dìm bao đau thương trong lòng xuống.
Tôi cũng cười theo. Một nụ cười gượng giấu xót xa.
Hai dì cháu tiếp tục công việc bếp núc. Đôi khi im lặng quá dì lại nói và hỏi những câu sáo. Tôi không thấy phiền lòng mà ngược lại tôi trả lời thật vui vẻ và đầy thành ý. Nhưng phần tôi tôi lại không biết nói với dì về chủ đề gì về cái sự việc người ta mất tích cả. À, có thứ trung dung tôi nói được.
"Mà tính ra xã mình chán nhỉ?"
"Là sao con?"
"Thì không có gì để làm đó. Mọi thứ cứ bình bình như vậy."
Dì cười:
"Đúng rồi con. Quê mà. Chán lắm. Giờ toàn mấy ông bà già với mấy đứa nhỏ thôi, Đứa nào đậu đại học cũng đi rồi. Nhiều khi đi luôn không về. Hoặc rất ít khi về. Cũng hay Mỹ nó hay về nên dì sướng hơn nhiều người khác."
"Thế xã mình không có cái gì đặc sắc thật hả dì?"
Dì tư lự một chút rồi nhún vai:
"Dì nghĩ là không."
"Thế còn cái hồ thì sao ạ?"
"Cái hồ nào ta? À... Dì nhớ rồi. Cái hồ đầy sương đó hả?
"Dạ nó đó dì."
Dì lại nhún vai:
"Đó giờ ở đây, lấy bác nhà, đẻ con Mỹ nhưng dì chưa bao giờ ra đó. Nghe đâu nguy hiểm."
"Sao nguy hiểm ạ?"
"Thì nó đầy sương đó. Ai biết được tại sao nó lại như vậy. Mấy chục năm rồi nó vẫn cứ như vậy. Mà nó chỉ lạ thôi chứ đâu có gì thú vị. Mà con ra với Mỹ rồi à?"
"Vâng."
"Ngoài đó có gì?"
"Thì sương mù không à. Chẳng thấy được gì. Mà ngộ một cái đứa ra lúc giữa trưa."
"Còn gì nữa không?"
"Lạnh kì lạ. Cháu tưởng mình đang ở Đà Lạt hay Sa Pa gì đấy."
Tôi không dám nói mình đã nhìn thấy bóng người. Phỏng dì cũng chưa xem video tôi làm. Nói ra chi để dì lo lắng? Nhớ đến cảnh nước mắt dì chảy còn khiến tim tôi đau. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc dì không biết cái gì về hồ cả. Tôi liếm môi, cảm thấy tim đập mạnh vì ý định của mình. Có khi dì chưa nhận ra mối liên kết giữa các sự kiện. Tôi chỉ cần dẫn dắt.
"Mà dì nói nhiều người nữa cũng đã mất tích ạ?"
"Ừ. Như ông Tám đầu ngõ vợ biến mất. Hai thằng con trai của bà Năm bán cà phê cũng đi đâu mất tiêu. Hay như đứa cháu nhỏ nhà ông Nghị... Tội lắm con à. Ai cũng hoang mang hết. Hồi đầu thường là người trưởng thành mất tích. Người ta tưởng đi đâu thôi. Xong cái mấy ngày không về. Tư trang điện thoại đều để ở nhà nên nháo nhào ngay."
Dì đánh tiếng thở dài. Xong nói:
"Nhìn ngon không con?"
Món thịt bò xào đậu que thơm, trông đượm. Tôi nếm thử rồi nói với dì:
"Có đồ ăn ngon thì không có chuyện gì quá buồn cả."
Dì mỉm cười đáp lại, khuôn mặt bừng sáng lên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro