10.
"Này Thủy."
Tôi bật dậy, ngáp dài. Đầu cảm thấy hơi váng. Đúng là trời sáng rồi nhưng mọi thứ cứ lờ mờ. Mất một lúc tôi mới định thần được là do sương dày đặc choáng hết chút nhá nhem của bình minh. Tôi hỏi Dũng:
"Tính tiền chưa anh? Để em gửi lại."
"Anh còn chưa kêu cà phê nữa. Dì ơi!"
Tôi bất giác nhìn sang quầy: Một người phụ nữ già, làn da rạm đi với chút đồi mồi dù tóc chưa bạc lắm đi ra. Dù không có hai bọng khổng lồ nhưng đôi mắt ấy rõ ràng là đôi mắt của chàng trai tối qua. Tôi nói:
"Em nó đâu dì?"
"Thằng Trí hả? Nó vào nhà ngủ rồi. Chắc hôm qua thấy hai con ngủ nên nó bỏ vào trước đó. Để dì rầy. Thiệt tình bỏ khách kì cục hà."
"Dạ không sao đâu. Cho con ly cà phê sữa..."
"Một cà phê đen không đường." – Dũng nói theo.
"À Wifi của mình là gì ạ?"
Dì đọc mật khẩu, xác nhận lại ai uống cái gì rồi mất hút đằng sau quầy.
Tôi vội kiểm tra. Lượt xem tăng rất chậm, dường như đứng hẳn. Đúng tôi có thể đăng ngay những gì cậu phục vục nói hồi vài tiếng trước nhưng như vậy là không có tâm với khán giả. Thôi cứ tải trước chúng lên mây. Dũng lại châm một điếu khác. Mùi thuốc ấm trong không gian đầy sương sớm. Nó làm tôi nhớ đến bố. Tôi khi ông cứ thế lặng lẽ hút trong những đêm dài mẹ mải tăng ca về trễ, để lại ông trông đứa con gái nhỏ ở nhà.
Tôi hỏi:
"Anh tính sao?"
Dũng châm một hơi dài rồi nói. Khói tản ra theo theo lời:
"Chưa biết nữa. Có lẽ cũng sẽ làm giống em đêm qua. Kiếm chỗ nào tá túc rồi hỏi người ta thôi. Đến đâu hay đến đó... À ra mắt ba má của Mỹ nữa."
Tôi cười mỉm chi đáp lại. Nhưng trong lòng cứ rộn lên. Dũng này đích thực là ai? Trong những lần ít ỏi đi ăn chung, tôi chưa bao giờ thấy anh như vậy. Nụ cười và giọng nói ấy vốn êm đềm nhưng tiếng sông mà, sao lại hằn học và xiết dữ vậy? Sao gương mặt kia già đột ngột vậy? Dường như Mỹ giúp che bớt những gì sâu kín nên giờ nó biến mất đột ngột nên chúng trồi lên? Tôi không biết, chỉ hi vọng Dũng sẽ bình tĩnh hơn. Nhớ lại cách anh gọi đêm qua mà mà vẫn thoáng rùng mình.
Dì trở ra. Ly cà phê sữa trông có vẻ sềnh sệch lạ lùng. Tôi hơi ái ngại. Biết là đồ ở quê nó vậy nhưng so với loại mà nơi làm việc phục ra sao, thì mớ chất lỏng này quả thật gây nghi ngại sâu sắc. Nhìn sang thấy Dũng vừa lướt điện thoại với gương mặt đăm chiêu, tay vẫn giữ điếu thuốc cháy dở, rồi cứ một hơi hết sạch mà mặt chẳng hề biến sắc.
Rồi thì chuẩn bị mọi thứ đã xong, chúng tôi tinh tiền – Dũng dành trả hết và tôi không phản đối – rồi lại ra xe. Sáu giờ mà sương vẫn dày. Đèn pha cũng chẳng soi rọi thêm được bao nhiêu.
Cứ thế đâm vào.
Cảm giác lạnh ẩm thẩm thấu qua từng lớp vải bám vào da khiến tôi cực kì khó chịu. Tay áo của Dũng cũng đẫm cả sương, bết lại. Tôi tự động viên mình rằng gần đến xã rồi, chỉ còn việc tìm nhà Mỹ nữa thôi. Bất quá sau đó mình bắt xe đò về Sài Gòn. À khoan, phải quay cảnh này. Dũng buộc phải đi chậm nên tôi cũng đỡ sợ chết mà rảnh tay. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe chạy ngược chiều - Chắc ra đồng: Những bóng đen lướt qua, rồi xa dần.
Vào đến khu dân cư sương giãn ra. Tôi thấy có những quán cà phê ảm đạm chẳng kém gì nơi chúng tôi vừa dừng chân nghỉ. Những người canh tiệm đều trông ngáy ngủ, mệt mỏi. Đôi mắt họ âu lo nhìn ra con đường vắng người qua lại, mòn mỏi chờ khách. Có người cúi sát tờ báo, có ngáp dài lướt điện thoại, còn có người tập trung thiêu tranh. Thời gian với họ là một gánh nặng, chứ không phải một thứ để tận dụng.
Nơi ngã tư, Dũng nói:
"Đi đâu nữa em?"
Tôi lần mò theo kí ức, rồi chỉ đường. Sau khoảng thêm mười phút chạy xe, trong đó gồm vài phút ngượng ngùng hỏi một ông bác mặt hóp sọp với gạt tàn đầy, chúng tôi đã đến nơi. Vẫn như trong những mảnh kí ức: Cổng sắt gỉ sét, một mảnh sân nhỏ có vài chậu bê tông đầy rêu; Một cái bàn đá cạnh dưới tán cây. Cánh cửa im lìm dò xét kẻ lạ. Tôi bảo Dũng chờ rồi xuống nhấn chuông cửa.
Không hồi đáp.
Sương tan gần hết. Những vắt mỏng cuối cùng như đang tăng thêm vẻ đẹp đẽ lóng lánh của nắng sớm. Chúng rọi xuống căn nhà khiến nó lung linh hơn. Chợt nhớ tay vẫn còn cầm điện thoại, tôi quay lại cảnh tượng đầy nghệ thuật đang được bày ra trước mắt.
"Này làm gì thế?" – Dũng hỏi.
"Bác không đáp. Để em thử lại."
Từng hồi chuông cửa kéo dài, ngân vọng, lanh lảnh. Chúng chói tai như thể cao vào màn nhĩ. Nhưng cảnh cửa vẫn im lìm nhìn hai kẻ lạ. Tôi nói:
"Có khi bác còn ngủ. Thử trưa mình quay lại xem?"
"Mấy anh chị là ai mà đứng trước nhà người ta thế này?"
Tôi giật mình, nhìn qua bên phải. Hầm hập đi tới là một ông bác đầu hoa tiêu với phần bạc trội hẳn phần đen. Gương mặt ấy trông quen, những cũng già đi hẳn so với những gì lưu giữ trong kí ức. Giọng nói lẫn biểu cảm của bác mang lại cảm giác của một cái đầm lầy toang tù đọng không bao giờ thấy ánh mặt trời nơi xứ lạnh. Bác cứ tiến tới trong khi tôi đang lúng búng không biết phải giải thích thế nào. Dũng từ xe bước xuống, cúi đầu:
"Dạ con chào bác. Con là Dũng. Bạn trai của Mỹ ạ."
Mắt bố Mỹ híp chặt lại, đầy xét nét. Đột ngột bác quay sang tôi:
"Con là Thủy đúng không?"
Tôi gật lia lịa.
"Thế hai đứa xuống đây làm gì?"
Lưỡi đông cứng. Tôi chẳng thể nghĩ ra được lý do gì hay ho để nói cả. nghe kiểu gì cũng sượng. Vẫn còn điện thoại trên tay, tôi luống cuống giấu nó đi. Giờ sao đây? Chẳng lẽ cứ huỵch toẹt rằng mình về quay phim để tìm hiểu sự mất tích của cô bạn thân trước mặt phụ huynh đang đau khổ của nó? Dũng lúc ấy bước lên, nói một cách đầy khúm núm và lễ độ:
"Dạ tụi con xuống tìm hiểu thông tin. Con biết bác cũng đang đau khổ về chuyện này. Nên tụi con muốn góp chút sức mọn."
Bố Mỹ tặc lưỡi, nói:
"Thôi không sao đâu. Công an điều tra rồi. Nhưng thôi hai đứa vào nhà nghỉ ngơi chút đi. Từ Sài Gòn lên đây cũng xa."
Thở phào, tôi bám sát gót bác. Cánh cổng thiếu nhớt kêu ầm vang, xua đi màn sương. Không gian rực rỡ hẳn. Dũng dắt xe vào sân, tiếng bánh xe nghiến sỏi ép chặt vào trong tai. Cánh cửa thôi im lìm khi nó được bật mở. Một cái đầu phụ nữ hiện ra:
"Ai đó ông?"
"Thủy nè nhớ không? Còn thằng kia xưng là bạn trai Mỹ."
Dì nhướng mày lên, nhưng rồi cũng rộng cửa đón khách.
Hai chúng tôi bước vào. Dẫu bên ngoài trời đã hừng hẳn nhưng cái lạnh của sương vẫn đóng quanh đây. Hít một hơi thật sâu, tôi ngó quanh. Không gian vẫn gần giống trong kí ức của mình. Vẫn bộ bàn ghế tiếp khách bằng gỗ cũ. Vẫn cái tivi tróc miếng phin bảo vệ mà không được dán lại. Vẫn cái bàn thờ có hình thằng nhỏ. Tôi ngồi xuống, để ba lô dưới chân. Dũng đứng tần ngần nơi cửa. Thấy vậy tôi nói:
"Sao vậy? Sao anh không vào đi?"
Dũng gãi đầu, rồi cũng giật cục tiến vào. Anh ngồi cùng băng ghế nhưng để cái ba lô lèn giữa hai chúng tôi. Phía sau bếp có tiếng lục cục bưng trà rót nước. Trong khi đó bố Mỹ, ngồi đối diện, quan sát cả tôi lẫn Dũng trong suốt quá trình hai đứa vào nhà. Dường như có một tấm kính cách âm ngăn giữa ba người khiến không ai thốt lên được một lời nào. Cứ ghì nhau xuống như vậy. Nhịp thở đều đều của cả ba làm tôi tức ngực.
Vừa may có tiếng dép lẹt xẹt của dì phá tan cái im lặng đáng sợ ban nãy.
"Mấy con dùng nước."
Tôi dạ đáp lễ. Anh cảm ơn. Bác vẫn quan sát. Khi dì quay xuống bếp bác bắt đầu:
"Hai đứa xuống tìm Mỹ thật à?"
Tôi gật đầu còn anh mau mắn trả lời:
"Đúng rồi đó bác."
Bố Mỹ cười nhạt:
"Con cái có bạn tốt thế này cũng mừng. Mấy đứa sao biết tin về Mỹ vậy?"
"Dạ con đọc báo, thấy tên quen quen. Rồi con gọi cho Mỹ mà bác nhấc máy đấy."
Bố Mỹ ngẩn ngơ ra một tí rồi gật gật.
"Dạ còn con thì biết tin về Mỹ thông qua Thủy."
"Là sao con. Bác tưởng hai đứa là người yêu của nhau?"
Dũng gãi đầu. Nuốt nước bot khan anh nói:
"Thủy làm phim về Mỹ nên con mới biết."
"Người yêu lạ lùng nhỉ? Nó ở đâu, như thế nào mà sao cậu không biết. Tại sao nó mất tích mà cậu không phải là người đầu tiên lên tiếng, mà phải nhờ đứa bạn của nó cậu mới biết? Người yêu của con tôi mà tệ vậy hả?"
Dũng lại gãi đầu, cúi gằm mặt. Ánh mắt của bác ghim chặt vào anh. Đùi Dũng nhịp liên tục. Đột nhiên bác quay sang tôi:
"Này, con làm phim gì về Mỹ?"
Tôi ngớ người ra. Không thể né tranh câu hỏi này rồi. Mãi tôi lắp bắp thành lời:
"Dạ thì nó là kiểu... Con ừ hồi đó... Xuống nhà mình chơi. Rồi có quanh một số cảnh về hồ... Con nghĩ nơi đó có liên quan."
"Thôi cứ đưa bác coi."
Tôi nhìn sang. Dũng vẫn đang trạng thái bị đánh bại như vậy. Cái người mà mới mấy tiếng trước còn quát tháo giờ trông thảm bại như một thú vừa bị ăn đòn đang cóng cả người lại. Và tôi dự cảm mình sẽ sớm rơi vào trạng thái tương tự. Thấy không còn đường lùi, tôi bấm bụng mở lên đưa cho bác. Ừ thì việc tự mở tự coi vốn đã quen thuộc, nhưng giờ tôi cho một người có liên quan xem, là bố của một người bạn đang đau khổ bởi sự mất tích của con gái mình. Âm thanh từ cái điện thoại vang lên. Giọng tôi kìa! Ôi sao nó dở tệ vậy nhỉ? Tại sao bác lại trông đăm chiêu quá vậy? Tim đập mạnh. Từng nhịp tạo thành một làn sóng khó chịu lan khắp cơ thể. À đến khúc hai đứa ra hồ kìa. Ôi giờ là lúc tôi kết luận có thể có cái gì đấy ở hồ. Gương mặt bố Mỹ vẫn giữ sự đăm chiêu như vậy cho đến khi đoạn phim chấm dứt. Ông đưa điện thoại lại cho tôi và nói:
"Là vậy hả con?"
Tôi chộp lại cái điện thoại của mình đang được để trên bàn, nghe câu hỏi kia giật mình:
"Dạ là sao ạ?"
"Thì đó là nguyên nhân con đến đây đúng không? Để tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân nhằm giải thích cho khán giả thân thương của mình rằng tại sao Mỹ nó mất tích. Và tất cả những bí ẩn mà con vẽ lên về cái hồ đó."
Tôi á khẩu. Đôi mắt già nua kia đã chứng kiến bao cảnh đời cảnh người nay xuyên thấu một con bé chưa trải đời bao nhiều. Sống lưng lạnh buốt. Cố gắng hít thở sâu đôi ba lần để tự trấn tĩnh, tôi đáp:
"Không... Thật ra thì... ừ... Đúng. Con có muốn về đây để tìm hiểu thêm. Đấy là nghề của con. Nhưng động lực chính là Mỹ bác ạ. Con có xuống nhà chơi mà. Có có thân tình với chốn này mà. Bác không nghĩ vậy ư? Thậm chí trước lúc Mỹ mất tích, nó còn cho con mượn một cuốn sách và nhờ cuốn sách ấy mà con có một video thành công. Con còn nhớ Mỹ nhắn tin chúc mừng con ra sao nữa cơ! Và cả lời hứa khi nào lên Sài Gòn lại sẽ đưa con một quyển khác. Giờ nếu nó không đưa được thì... thì... Con tự thực hiện lời hứa trả sách của con trước!"
Tôi lục ba lô của mình. Đây rồi! Quyển "Sapiens: Lược sử về loài người" bìa trắng còn mới nguyên của Mỹ. Trao cho bác bằng cả hai tay, tôi dằn lòng cho mớ cảm xúc hỗn độn trong lòng không vuột ra, nhưng tiếng nức nở cứ trào lên không kiểm soát được. Dì từ đâu xuất hiện, ôm ấp vỗ về. Bác nhìn tôi – gương mặt này hẳn đang đau khổ nhưng mọi thứ cứ nhòe cả đi nên tôi không dám chắc, đỏ ửng lên – trong vài khắc, rồi đưa hai tay ra nhận sách:
"Cảm ơn con. Bác đã hiểu."
Tôi cứ thế ôm dì mà khóc. Vòng tay ấm như vòng tay mẹ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro