Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TIỂU GIÁO SƯ

Idea: From Yuukj Koro’s request

 

Tôi bắt đầu trở thành một người thầy từ bao giờ nhỉ? Ngay cả đến bác gái cũng gọi tôi là “Tiểu Giáo Sư”. À, chắc chắn là bởi vì cậu nhóc đó.

Xin chào mọi người, tôi tên là Toya Akira, là học sinh năm cuối trường trung học cơ sở Kaio. Dù tôi vẫn có cuộc sống học đường như bạn bè cùng trang lứa nhưng tôi còn là một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp. Cuộc sống của tôi có lẽ vẫn sẽ trải qua những ngày tháng bình yên như thế nếu bố mẹ tôi không đột ngột chuyển nhà.

Và vấn đề ở đây là, cạnh nhà tôi có một cậu nhóc lên chín, cứ mỗi lần gặp tôi là lại hú hét “Anh Toya!”

Mẹ tôi vốn là một người cởi mở và hòa đồng, vậy nên cũng không lạ gì khi bà làm quen ngay được một người phụ nữ ở cạnh nhà – là mẹ của cậu nhóc ấy. Bố của cậu nhóc làm công việc gì tôi cũng không rõ, nhưng giống bố tôi ở điểm rất thường xuyên đi xa, hiếm khi có mặt ở nhà. Tôi cùng lúc đảm đương vai trò của một kỳ thủ và của một học sinh nên phần lớn thời gian tôi cũng ở ngoài. Mẹ tôi thường bảo tôi giống bố, lúc nào cũng chỉ biết đến công việc; dù rằng đã chuyển nhà cho thuận tiện đi lại nhưng lúc nào bà cũng cảm thấy cô đơn. Nghe mẹ tôi nói thế, câu an ủi và xin lỗi chưa kịp buông thành lời đã thấy gương mặt hớn hở của bà khi nhắc đến cậu nhóc hàng xóm. “Haiz, cũng may là mẹ có nhóc Hikaru an ủi, chứ không thì chắc mẹ sẽ mau già vì buồn mất.” Một ngày nếu tôi ở nhà tám tiếng sẽ nghe mẹ nhắc đến cái tên “Hikaru” ít nhất là mười lần. Ai thật sự là con ruột của bà nhỉ?

Rồi câu chuyện bắt đầu rắc rối hơn.

- Akira, mỗi cuối tuần có con rảnh không?
- Nếu không có lịch thi đấu đột xuất thì con được nghỉ ngày chủ nhật ạ. Vì con đã xin Viện Cờ chừa lại ngày cuối tuần để luyện cờ…
- Thế thì tốt quá! Mẹ định nhờ con sang chăm giùm bé Hi vào mỗi chủ nhật đấy.

Hình như mẹ tôi không nghe cụm từ “chừa lại ngày cuối tuần để luyện cờ” mà tôi đã nói. Thế nhưng ngay khi định phản ứng lại, nhìn thấy gương mặt vui vẻ pha lẫn nài nỉ của mẹ, tôi đã thôi ý định đấy. Liệu có phải bố tôi cũng luôn không thể chiến thắng được gương mặt này?

Hôm nay là chủ nhật. Dù rằng mỗi ngày, hầu như là mỗi ngày, tôi đều gặp cậu nhóc thế nhưng vì không thích ồn ào nên lúc nào tôi cũng xin về phòng với mục đích thật sự là không muốn lãng phí thời gian chơi cờ của mình. Dù bận rộn cùng lúc với hai công việc nhưng chỉ cần là cờ vây thì tôi sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Nhắc đến đây tôi bỗng giật mình, thế mình đang làm cái gì ở đây vậy?

Chuyển đến nơi này đã ba tháng nhưng đây là lần đầu tiên tôi sang gia đình Shindo. Mẹ tôi rất thích cậu nhóc thế nên hầu như có việc gì mẹ tôi cũng sẽ tận dụng cơ hội để sang trò chuyện với cô Shindo và chơi cùng cậu nhóc ấy. Căn nhà không quá to nhưng lại ấm áp và ngăn nắp với nội thất đơn sơ. Thú thật ở trong căn nhà như thế này khiến tôi cảm thấy đỡ lạc lõng hơn rất nhiều. Kiểu như nếu đang ở phòng khách thì vẫn có thể nghe và nhìn thấy được những nơi khác trong nhà.

- Ôi chào cháu, cháu là Toya Akira đúng không?

Cô Shindo xuất hiện cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

- Vâng ạ. Rất vui được gặp cô.
- Cô đã nghe mẹ cháu kể rất nhiều về cháu mà mãi đến bây giờ mới có cơ hội gặp mặt. Thật không ngoài mong đợi.
- “Thật không ngoài mong đợi” ạ?
- Đúng vậy, mẹ cháu bảo cháu là người rất điềm đạm lại hiền lành, tuấn tú.

Mẹ tôi thật sự tự khen con mình như thế trước mặt người khác sao?

- Dạ không đâu ạ, chắc mẹ cháu quá lời thôi.
- Không đâu không đâu. Để nhóc Hi chơi với cháu thì cô yên tâm rồi. Thôi cô đi nhé. Cháu cứ tự nhiên như ở nhà.

Tôi ngưỡng mộ những người phụ nữ dù đã lập gia đình nhưng vẫn có thứ mình thích, muốn làm và dám làm như thế. Cô Shindo và mẹ tôi bắt đầu cùng nhau đi tập yoga vào mỗi chủ nhật. Tôi dám chắc mẹ tôi là người đã bắt đầu việc này. Nhưng thật tốt vì mẹ tôi không còn chỉ loanh quanh ở nhà nữa. Và điều tốt nhất là mẹ đã gặp được người bạn cùng sở thích để cùng làm những việc như thế này. Còn tôi, đến bao giờ mới có thể tìm được một người bạn cùng mình chơi cờ ngoài những kỳ thủ đồng nghiệp lớn tuổi trong giới cờ vây đây?

“A, là anh Toya kìaaaaa”. Lần thứ hai suy nghĩ của tôi bị cắt đứt khi ở trong căn nhà này. Cậu nhóc vẫn như mọi khi, cứ thấy tôi là lại hét lên như thế. Cậu nhóc không thật sự biết rằng chúng tôi chỉ mới gặp nhau có hai tháng, và trong hai tháng đó cả hai chỉ thấy mặt nhau chứ chưa từng nói chuyện lần nào?

- Nào nào, buông anh ra nào. Trẻ ngoan thì sẽ không làm người khác đau.
- Không buông. Anh cứ thấy em là lại tránh mặt còn gì!

Thì ra cậu nhóc có nhận ra điều đó. Thế tại sao vẫn còn chào đón mình một cách nồng nhiệt như thế?

- Anh có tránh em đâu, anh bận làm việc thôi.
- Nói xạo. Đừng tưởng em là trẻ con thì muốn nói gì nói.

Cậu nhóc cũng tự biết mình là trẻ con à.

- Được rồi mà, anh xin lỗi. Hôm nay anh đã ở đây để chơi cùng em rồi còn gì.
- Ừa hen. Thôi tha cho anh đấy.

Vừa cười toe toét cậu nhóc vừa buông tôi ra. Thế nhưng như thời gian khi tôi phải đấu cờ nhanh, cậu nhóc đã nắm lấy tay tôi và kéo về nơi nào đó.

Ra là phòng ngủ.

Không biết có phải vì sự chênh lệch năm tuổi này hay không mà căn phòng của cậu nhóc và căn phòng của tôi có một sự khác biệt rất lớn. Thú thật thì có lẽ đây là căn phòng đầu tiên mà tôi được bước vào trừ chính phòng ngủ của mình. Vì đam mê cờ vây từ những ngày còn rất bé, ngoài bố và anh Ashiwara – một học trò của bố – thì hầu như tôi không có người bạn nào. Hoặc giả như đã từng có đi nữa, ngay khi biết được sở thích của tôi, họ cũng đều dần rời xa. Mà điều đó cũng không ảnh hưởng gì lắm, bởi tôi yêu cờ vây hơn bất cứ thứ gì.

Nhìn lại căn phòng của cậu nhóc, tôi lại nhớ đến câu “tuổi thơ dữ dội” mà dân mạng hay nói với nhau. Tôi có tuổi thơ không nhỉ? Cũng chẳng biết nữa, tuổi thơ của tôi chỉ có hai màu trắng và đen cùng những đường kẻ thẳng tắp vuông vức. Ngược lại với tôi, “tuổi thơ” của cậu nhóc nhiều màu sắc hơn cả. Màu của những quyển truyện tranh, màu của những cuốn video, màu của những chiếc xe và máy bay đồ chơi, cả màu của những thỏi đất sét dính đầy trong góc tường. Tôi chắc chắn cậu bé có nhiều hơn một sở thích. Thì ra đây là thế giới của trẻ con sao?

- Anh Toya, anh nhìn gì mà chăm chú vậy?
- Lần thứ ba.
- À không, lần đầu tiên vào phòng người khác khiến anh thấy bất ngờ.
- Lần đầu tiên? Em tưởng người lớn thì phải có nhiều bạn lắm chứ.
- Anh không có nhiều bạn như em nghĩ đâu.
- Chán thế. Vậy bình thường anh chơi với ai?
- Anh chơi một mình.
- Chơi một mình? Có trò gì chơi một mình mà vẫn vui sao?
- Không hẳn chơi một mình thì vui nhưng chơi một mình vẫn khiến anh vui.
- Anh ngộ ghê. Người như anh em mới gặp lần đầu.

Buông cho tôi những câu nói thẳng thắn đến nhói lòng như vậy chắc chỉ có cậu nhóc này. Người ta bảo trẻ con không biết nói dối và quả đúng như vậy. Có điều nói năng với người lớn hơn mà vẫn như bạn bè thế này chắc chỉ có nhóc ấy.

- Hi… anh gọi em là Hikaru được không?
- Mẹ em với mẹ anh vẫn gọi em là Hikaru đấy.
- À này Hikaru, em muốn chơi gì không?

“Ừm…” Một đứa nhóc chín tuổi có thể ra vẻ trầm tư như thế này sao?

- Hikaru?
- Ban đầu em định cùng anh chơi trò này, nhưng anh bảo anh không có nhiều bạn bè nên em không chắc là anh có biết chơi hay không.

Cậu nhóc thật sự coi mình là bạn à?

- Này, dù sao anh cũng lớn hơn nhóc đến năm tuổi đấy. Nhóc coi thường anh đến vậy sao hả?
- Thế anh nói xem anh biết chơi gì và giỏi chơi cái gì nào?
- Cờ v…

Không được. Cậu nhóc đâu có biết cờ vây là gì. Vả lại dạy cờ cho một đứa bé hiếu động đầy màu sắc như thế này có vẻ là điều bất khả thi.

- Thấy chưa. Anh không trả lời được kìa. Người lớn nào cũng bốc phét giống anh à?

Vừa nói cậu nhóc vừa thè lưỡi trêu tôi. Cái dáng vẻ ngỗ nghịch kia nếu không nghiêm khắc là không được mà.

- Ai nói anh bốc phét. Có một trò mà anh tự tin hơn bất cứ ai.
- Đâu, anh nói xem!
- Chờ anh một lát.

Nói rồi không nghĩ gì, tôi lập tức chạy về nhà, lục trong hộc tủ lấy bộ cờ gấp rồi đem sang nhà cậu nhóc.

Vậy mà…

- Tưởng gì, cờ ca rô à? Anh đừng coi thường Hikaru này nha!

“Cờ ca rô”… Đúng là không thể phủ nhận rằng có thể dùng cờ vây chơi cờ ca rô nhưng trông cái thái độ ngạo mạn của cậu nhóc trong lúc đang xúc phạm cờ vây khiến tôi hơi nổi nóng.

- Đúng là trẻ con. Vậy là nhóc chưa biết rồi. Đây là cờ vây.
- Cờ vây?

Lại cái điệu bộ ông cụ non của nhóc ấy, tôi cũng ráng đợi xem cậu nhóc sẽ nói gì tiếp theo. Không nói không rằng, cậu nhóc chạy một mạch xuống dưới lầu, cỡ chừng mười phút, nhóc ấy mang lên một tờ báo.

- Có phải cái này không? Hồi ông nội sang chơi, em có thấy ông cầm đọc rồi bàn tán rôm rả với mẹ.

Vừa nói cậu nhóc vừa lật tờ báo, chỉ vào một tấm hình.

- Đây đây. Ông nội em hâm mộ hai người này lắm. Là Kỳ… gì đó Toya với Bản Nhân… Sai gì đó.

Tấm hình cậu nhóc vừa cho tôi xem là ảnh chụp vòng chung kết của cúp LG mà bố tôi – Kỳ Nhân Toya và đối thủ của ông – Bản Nhân Phường Fujiwara Sai đang đối đầu. Cảm thấy buồn cười trước việc cậu nhóc không thể nhớ được tên các danh hiệu cũng như chỉ ai không chỉ lại chỉ vào đúng bố tôi, tôi liền bật cười.

- Đúng rồi. Họ là kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp đấy.
- Kỳ thủ chuyên nghiệp? Tức là họ chỉ chơi cờ vây?
- Cũng có thể nói là như vậy. Nhưng hơn cả việc chơi, đây còn là nghề nghiệp của họ.
- Nghề nghiệp? Giống bố em đi làm mỗi ngày ấy ạ?
- Đúng vậy.
- Vui nhỉ? Vừa là trò chơi vừa là công việc. Chơi cờ vây có kiếm được nhiều tiền không anh?

Mình thật sự thắc mắc về độ tuổi của cậu nhóc. Có đứa trẻ nào mới 8, 9 tuổi đã quan tâm đến vấn đề tiền bạc như thế này đâu nhỉ?

- Có. Nhưng người ta không phải chỉ chơi cờ vây để kiếm tiền đâ…
- Em cũng muốn chơi cờ vây! Kiếm được thật nhiều tiền em sẽ mua thật nhiều đồ chơi!

“Kiếm được thật nhiều tiền để mua đồ chơi”? Dù rằng mình biết là không nên chấp nhất một người không biết gì về cờ vây, nhất là trước mặt mình lại là một cậu nhóc chưa đầy mười tuổi nhưng trong lòng vẫn cứ thấy khó chịu chỗ nào đó.

- Người ta bỏ ra bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để khổ luyện mà vẫn chưa đạt được thành quả, em muốn chơi cờ để kiếm tiền mua đồ chơi sao?
- Thế anh chơi cờ vây vì cái gì?

Tôi nghĩ là mình ghét đứa bé này. Không phải là ghét nhưng những câu hỏi ngây ngô của nhóc ấy khiến tôi rơi vào bí bách, khó hơn cả giải quyết một thế cờ.

- Thôi không nói chuyện với anh nữa. Giờ em không thèm chơi với anh luôn. Em chơi xếp hình đây. Anh cứ ngồi đó là được.

Cậu nhóc nói thật làm thật. Trong nháy mắt nó coi sự tồn tại của tôi chỉ là không khí. Nhưng cũng may tôi có đem bàn cờ sang, sẵn tiện nhắc tới ván đấu của bố tôi và ngài Fujiwara Sai, tôi liền bày lại kỳ phổ của ván đấu. Có thể nói ngoài bố tôi, ngài Fujiwara là kỳ thủ mà tôi ngưỡng mộ nhất. Nước cờ của ông vừa nhẹ nhàng, thanh thoát mà cũng vừa sắc bén, mạnh mẽ. Có nhiều lúc bố tôi đã thất thế chỉ sau một vài đòn tấn công của ông ấy. Tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt đầy phấn khởi của bố sau trận đấu này, dù rằng ông thua cuộc. Tốt thật nhỉ, cả bố cả mẹ đều đã tìm được người bạn cùng sở thích, cùng lý tưởng. Nhất là bố tôi, trong thế giới cờ vây phức tạp như thế này, gặp được kỳ phùng địch thủ của mình đâu phải là chuyện đơn giản. Có người còn bảo, ngài Fujiwara xuất hiện ở thế giới này là để đấu với bố tôi và ngược lại, bố tôi còn ở trong giới cờ này là để đấu với ngài ấy.

Lần thứ tư, cậu nhóc lại cắt đứt suy nghĩ của tôi.

- Anh Toya, cờ vây khó đến vậy hả?
- Hả, sao em lại nói vậy?
- Em thấy anh ngồi trầm ngâm nãy giờ trước bàn cờ đó.
- À không…

Cờ vây quả nhiên khác cờ ca rô ha. Cờ ca rô là đi một hàng còn cờ vây thì bày tùm lum tùm la.

Tôi bật cười. Rồi chẳng hiểu sao tôi lại buộc miệng.

- Em có muốn học chơi không?
- Không. Cờ vây chỉ dành cho người già thôi.

Không đợi tôi nổi giận, cậu nhóc đã đi ra chỗ khác. Ngày hôm đó rốt cuộc tôi vẫn có thời gian luyện cờ, dù rằng vị trí có đổi khác.

Từ sau ngày hôm ấy, mẹ tôi không hỏi gì tôi nên chắc là cậu nhóc thấy ổn với việc tôi ngồi chơi cờ trong khi quan sát nhóc ấy. Mỗi tuần tôi lại sang nhà trông cậu nhóc mà vẫn đảm bảo được thời gian luyện cờ của mình. Thỉnh thoảng trong khi đang chạy quanh phòng, cậu nhóc có vô tình (?) hất đổ cả ván cờ tôi đang bày ra rồi dùng nụ cười ngây thơ vô số tội để xin lỗi. Có lúc một tay tôi vừa cầm quân cờ, một tay tôi phải cầm giúp nhóc ấy món đồ chơi. Tệ hơn là có hôm cậu nhóc ấy đi đứng thể nào mà đạp vào lưng tôi, khiến tôi ngã úp mặt xuống bàn cờ theo đúng nghĩa đen. Mấy quân cờ hằn lên mặt của tôi trở thành trò cười của cậu nhóc. Hôm nay là tuần thứ tư và vì lý do gì đấy đã có một sự thay đổi.

Khi vào phòng cậu nhóc, tôi thấy cậu ngồi vẽ vẽ gì đó trên tờ giấy. Cũng không quan tâm lắm, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình. Thay vì im lặng chơi một mình, cậu nhóc lại kêu tôi:

- Anh Toyaaaa
- Gì đấy?
- Chỉ em chơi cờ đi!
- Hả? Lần trước em chẳng bảo cờ vây là dành cho người già nên không muốn chơi còn gì.
- Nhưng anh đâu phải người già. Hay anh là người già?

Nếu có một cuộc đối đáp nói, cậu nhóc này sẽ dành chiến thắng.

- Được rồi. Nhưng anh nói trước cờ vây không dễ đâu đó.
- Anh chơi được thì chẳng lẽ em không chơi được?
- Mạnh miệng nhỉ. Thế em không được bỏ cuộc quá sớm đâu nhé!

Và cậu nhóc bỏ cuộc sớm hơn tôi nghĩ.

- Aaaa em không chơi nữa đâu. Sao anh có thể chơi cái trò nhàm chán và nhức đầu như thế này.
- Haiz, anh đã bảo em từ lúc đầu rồi còn gì.
- Anh khác người thật đấy Toya.

Là cậu nhóc có ý khen mình, hay chê mình đây?

- Ừa anh biết. Thế em có muốn tiếp tục hay không?
- Em đói bụng rồi. Em nghỉ đây.

Nếu phải nói một điểm mà tôi thích ở cậu nhóc này thì chắc là cái tính thẳng thắn cùng khả năng lời nói đi đôi với hành động. Nói chơi là chơi, nói đói là đi ăn, nói nghỉ là nghỉ, chẳng thèm để ý đến người xung quanh.

Tưởng rằng cậu nhóc đã bỏ cuộc sau ngày hôm ấy thế nhưng không những không bỏ cuộc, cậu nhóc bắt đầu qua nhà tôi thường xuyên hơn. Chúng tôi không chỉ gặp nhau mỗi ngày chủ nhật như trước đây nữa mà bây giờ tôi đang dần trở thành bảo mẫu của nhóc ấy. Người vui nhất ở đây có lẽ là mẹ tôi, theo như bà nói thì một trong những điều khiến bà vui chính là việc tôi đã có người chơi cùng. Nghe qua thì tưởng tôi mới là đứa nhóc chín tuổi chứ không phải cậu nhóc kia. Nếu như lúc trước tôi còn đang vui mừng vì vẫn giữ được thời gian luyện cờ vào mỗi chủ nhật thì giờ đây tôi bắt đầu cảm thấy thời gian chơi cờ của mình ít dần và chuyển thành thời gian…dạy cờ?

Ban đầu tôi đã nghĩ vậy nhưng sự thật chơi cùng cậu nhóc cũng không đến nỗi quá tệ. Ai đó đã bảo rằng, tự học thì chỉ được 40%, học cùng bạn bè sẽ tiếp thu được 7-80% nhưng nếu trực tiếp là người giảng dạy thì sẽ hiểu đến 95%. Trước đây tôi chỉ tin đến vế thứ hai nhưng bây giờ thì tôi thấy câu nói này khá đúng. Những khi chỉ cờ cho cậu bé, có rất nhiều điều bản thân tôi đã tự nhận ra, trong lúc dạy thì bằng một cách nào đó tôi thấy mình mới là người học được nhiều thứ. Bố tôi cũng từng bảo, sức cờ của ông tăng lên tỉ lệ thuận với số lượng học trò của mình. Không phải vì ông giỏi mới có nhiều học trò mà vì có nhiều học trò, ông thấy mình dần mạnh hơn. Bây giờ có hơi sớm không khi tôi nói tôi cũng có một học trò?

Nhận ra điều đấy không phải là việc duy nhất khiến tôi giật mình. Điều khiến tôi không thể ngừng việc dạy cậu nhóc này chính vì bản thân cậu nhóc ấy. Tôi tự hỏi nếu cậu nhóc bằng tuổi mình, được học cờ cùng thời điểm với mình thì liệu bây giờ sức cờ của tôi có thể bằng cậu nhóc hay không? Không phải là tôi không tự tin – tôi tự tin về cờ vây của mình hơn tất cả mọi thứ – nhưng thật sự cậu nhóc rất giỏi. Hay tôi nên nói nhóc ấy vốn dĩ là một thần đồng? Mỗi ngày trôi qua cậu bé với cái tên Shindo Hikaru mang đến cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bất ngờ vì hóa ra tôi có thể giúp ai đó tiến bộ như thế này; bất ngờ vì không nghĩ một cậu nhóc đầy màu sắc như vậy cũng có thể hòa hợp với hai màu trắng đen và bất ngờ nhất chính là, thì ra có ai đó chơi cùng vui đến vậy? Dù rằng bây giờ tôi vẫn phải chờ rất lâu cho tới ngày cậu bé đủ mạnh để thành đối thủ của mình. “Đối thủ à?” – tôi cũng mong muốn có được một đối thủ ngang tầm như bố mình sao?

Nhưng rất may nhóc ấy đã không để tôi chờ quá lâu.

- Thưa anh Tiểu Giáo Sư, chúc mừng tốt nghiệp! Được dự lễ tốt nghiệp cấp ba của Vương Tọa Toya thật sự hãnh diện quá. Em mang đến cho anh một món quà đây.
- Cảm ơn em, dù anh thấy em khen anh thì ít mà có ý khịa anh thì nhiều đó. Em mà cũng biết tặng quà cho anh sao?
- Cái tên ngốc này, anh nghĩ em lạnh lùng như anh à?
- Được rồi được rồi. Thế quà là gì?
- Tèn ten! Giấy chứng nhận Tân Kỳ Thủ!
- Có như thế mà em đã tự hào rồi à. Em quên là anh đã theo dõi từng trận đấu của em từ khi em thi vòng dự tuyển cho đến khi đấu chính thức à.
- Anh giả bộ chúc mừng em không được à Toya keo kiệt!

Phải, cậu nhóc đã không để tôi chờ đời quá lâu. Nhìn cậu nhóc hiện tại tôi không nghĩ đây là Shindo Hikaru mà mình gặp lần đầu vào bốn năm tám tháng trước. Cả diện mạo, tính tình và sức cờ đều thay đổi hoàn toàn. Nhưng tôi vẫn thích kêu cậu nhóc ấy là nhóc, bởi lẽ ngoài ba điều thay đổi trên cậu nhóc vẫn chỉ là cậu bé mười bốn tuổi, vẫn mè nheo tôi hết cái này tới cái kia, vẫn la hét ầm ĩ mỗi khi bị tôi đánh thẳng tay. Thỉnh thoảng tôi có quên đi khoảng cách năm tuổi của cả hai, không phải vì cách nói chuyện không kiêng nể gì của nhóc ấy mà bởi vì tôi nghĩ, tôi đã tìm được đối thủ của mình rồi.

Có lẽ bây giờ cũng không quá muộn để cảm ơn bố mẹ vì đã chuyển nhà nhỉ? Hikaru ngốc à, nhóc có biết là từ bây giờ con đường nhóc đi sẽ rất gian nan không?

- Anh Toya, xem này. Chúng ta cùng chụp một tấm hình đi. 1 2 3…cười!

Hình như tên cậu nhóc ấy viết bằng Hán Tự có nghĩa là ánh sáng thì phải. Bỗng dưng mình muốn… À, lại đợi em ấy thêm năm năm nữa vậy. Nhìn gương mặt rạng rỡ ấy, đột nhiên tôi cảm thấy lo sợ, rằng có khi nào tôi không thể chiến thắng được nụ cười ấy không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro