hiep khach hanh(hoi71,72,73,74,75,76)
Hồi thứ 71 - Hiệp Khách Hành - Kim Dung
Thạch Trang Chúa Hai Phen Ngộ Nhận
Tạ Yên Khách một mình ra khỏi Tổng đà bang Trường Lạc. Lão chạy đi, rồi không bao giờ nhìn thấy mặt gã Cẩu Tạp Chủng nữa thì tự nhiên tránh khỏi vấn đề nan giải này. Nhưng nếu làm như vậy thì từ đây sắp tới danh hiệu của lão không còn ở trên chốn giang hồ nữa. Cái đó hãy còn là chuyện nhỏ, lão nghĩ tới ngày trước đã lập lời thề độc, thế mà không trọn vẹn lời thề thì so với chuyện cụt hai tay hãy còn thảm khốc hơn nhiều.
Lão nhìn Thạch Trung Ngọc không chớp mắt để chờ gã ra hiệu lệnh.
Ngờ đâu trong lòng gã cũng sợ hãi vô cùng. Gã thấy sắc mặt Tạ Yên Khách lộ vẻ quái dị, không hiểu lão muốn hạ độc thủ với gã thế nào. Hai người cứ đăm đăm nhìn nhau. Chỉ trong chốc lát mà hai người tưởng chừng như lâu đã mấy ngày.
Sau một lúc nữa, Tạ Yên Khách lớn tiếng nói :
-Ðược rồi, ngươi đã lấy tấm Huyền Thiết Lệnh ở trong tay ta phát ra ! Tạ mỗ một lời coi nặng bằng non. Ngươi muốn ta làm việc gì cho thì cứ nói ra. Tạ mỗ một đời vùng vẫy giang hồ, dù có gặp những việc khó khăn đến đâu cũng quyết chẳng chau mày.
Thạch Trung Ngọc nghe lão nói vậy thì ngẩn người ra. Nhưng việc Tạ Yên Khách ban Huyền Thiết Lệnh gã đã nghe qua. Gã là người rất thông minh cơ trí, chỉ xoay chuyển ý nghĩ một chút là hiểu ngay. Gã biết Tạ Yên Khách nhận lầm mình là Thạch Phá Thiên (thực ra ba chữ 'Thạch Phá Thiên' chính là tên giả của Thạch Trung Ngọc sau khi gia nhập bang Trường Lạc mới đặt ra. Còn Cẩu tạp Chủng thì không biết họ tên là gì, người viết sách tạm đem ba chữ Thạch Phá Thiên để làm họ tên cho hắn).
Gã nghe Tạ Yên Khách nói bất luận mình đưa ra vấn đề gì nan giải đến đâu, lão cũng phải hết sức làm cho bằng được thì sung sướng chẳng khác gì bắt được của báu từ trên trời rơi xuống.
Gã nghĩ rằng võ công lão này đã cao thâm đến thế thì việc gì mà lão chẳng làmnổi. Nhưng gã tự hỏi:
-Mình biết bảo lão làm việc gì bây giờ ?
Rồi gã lộ vẻ ngần ngừ không quyết định.
Tạ Yên Khách đã nhìn rõ thái độ của Thạch Trung Ngọc vừa kinh hãi, vừa mừng thầm. Lão liền nói:
-Trên chốn giang hồ còn ai không biết người nào đã được Huyền Thiết Lệnh của Tạ mỗ, Tạ mỗ quyết không đụng vào người mình đó một ngón tay, thì ngươi còn sợ gì nữa ? Cẩu Tạp Chủng ! Lúc ngươi ở trên Ma Thiên Lãnh giả vờ thật khéo quá ! Môn Viêm Viêm công của ngươi đã luyện rồi sau ra thế nào ?
Thạch Trung Ngọc không hiểu Viêm Viêm công là cái cóc gì. Gã chỉ tủm tỉm cười chứ không trả lời. Sau gã tự nhủ:
-Mối lo lớn trước mắt của mình là cái vạ còn để lại ở phái Tuyết Sơn. Gã ngốc kia đến thành Lăng Tiêu thổ lộ chân tướng rồi, bọn Bạch Tự Tại, Bạch Vạn Kiếm, Phong Vạn Lý khi nào chiụ bỏ qua, nhất định họ sẽ kiếm mình để rửa hờn. Vụ này mình chẳng ăn thua gì mà bị rắc rối mãi không xong. Nếu không kết liễu thì suốt đời mình không còn đất đứng ở trên chốn giang hồ nữa. Nay được cơ hội tốt này sao mình không nhờ lão giải quyết cho xong đi ? Lực lượng phái Tuyết Sơn cùng bang Trường Lạc tương đương nhau kẻ tám lạng người nửa cân. Thế mà một mình Tạ Yên Khách đã đánh cho bang Trường Lạc phải thất điên bát đảo chắc lão chỉ hai bàn tay không cũng đủ khiến cho thành Lăng Tiêu từ trên xuống dưới phải khiếp vía.
Gã nghĩ vậy liền nói:
-Tạ tiên sinh nổi tiếng là người thủ tín khiến cho ai cũng phải kính phục. Việc mà tại hạ muốn nhờ tiên sinh giúp giùm cho, nó đối với người tầm thường tất làm cho họ bở vía. Nhưng Tạ tiên sinh đã có bản lãnh thiên hạ vô song thì coi việc đó chẳng vào đâu.
Tạ Yên Khách nghe giọng lưỡi Thạch Trung Ngọc dường như không có ý bắt mình tàn hủy thân thể thì trong bụng mừng thầm. Lão hỏi ngay:
-Ngươi muốn nhờ ta việc gì ?
Thạch Trung Ngọc đáp:
-Tại hạ cả gan xin Tạ tiên sinh đến thành Lăng Tiêu ở trên Tây Vực trừ diệt cho bằng hết phái Tuyết Sơn, từ trên xuống dưới đừng để sống sót một mống nào.
Tạ Yên Khách ngấm ngầm kinh hãi nghĩ bụng:
-Tuyết Sơn là một phái lớn nổi tiếng trong võ lâm. Thanh danh Oai Ðức tiên sinh Bạch Tự Tại lừng lẫy gần xa. Lão ta là một đại cao thủ khó lòng ăn thua được. Huống chi lại muốn tàn diệt ảc môn phái lão thì đâu phải chuyện dẽ dàng ? Nhưng đối phương đã đưa vấn đề ra mà mình cũng hết băn khoăn về vụ này thì mình nên nhận lời đi.
Tạ Yên Khách là một đại ma đầu muốn sao làm vậy. Bất luận người tốt hay người xấu muốngiết là giết, lão không nghi kỵ gì cả. Lão liền gật đầu đáp:
-Ðược rồi ! Vậy ta đi đây !
Lão nói xong trở gót đi luôn. Thạch Trung Ngọc gọi giật lại:
-Tạ tiên sinh ! Hãy khoan !
Tạ Yên Khách quay lại hỏi:
-Còn gì nữa ?
Lão nghĩ bụng:
-Sở dĩ Cẩu Tạp Chủng bảo mình đi tiêu diệt phái Tuyết Sơn là do chủ ý của bọn Bối Hải Thạch bang Trường lạc. Không hiểu bang này có thâm thù gì với phái Tuyết Sơn nên mới mượn tay mình tiêu diệt đối phương, mình đi sớm được khắc nào hay khắc ấy, biết đâu bọn Bối Hải Thạch lại chẳng đưa ra ngụy kế gì nữa ?
Tạ Yên Khách còn đang ngẫm nghĩ. Bỗng nghe Thạch Trung Ngọc nói:
-Tạ tiên sinh ! Tại hạ muốn đi theo tiên sinh để được chính mắt mình trông thấy tiên sinh làm việc này.
Nguyên Thạch Trung Ngọc bị quần hào bang Trường Lạc đón về Tổng đà rồi, họ giám thị gã rất nghiêm mật, vì họ e rằng đầu lưỡi gã tuy nói toàn giọng hào kiệt mà lúc đến việc là tìm cách chuồn đi. Mấy bữa này gã ngấm ngầm sầu muộn, gã cùng Ðinh Ðang thương nghị mấy lần. Hai người đã quyết định chủ ý, dù sao mặc lòng nhấtt định không đi đảo Long Mộc. Nhưng ở Tổng đà chuồn đi không phải là chuyện dễ dàng, chỉ có cách nói là đi đảo Long Mộc rồi đến giữa đường tìm kế thoát thân.
Mọi người bang Trường Lạc chỉ ngấm ngầm giám thị Thạch Trung Ngọc, ngoài mặt chúng đối với gã vẫn tỏ ra kính cẩnn và vâng lệnh gã, không dám hổn hào. Còn Ðinh Ðang ở trong Tổng đà vẫn ra vào tự do, đi đi lại lại không ai ngăn trở.
Thạch Trung Ngọc nghe Tạ Yên Khách ưng chịu đến thành Lăng Tiêu để tru diệt phái Tuyết Sơn từ trên xuống dưới. Gã nghĩ ngay đến vụ này nhất cử lưỡng đắc, vì đây là cơ hội rất tốt để gã thoát khỏi bang Trường Lạc.
Tạ Yên Khách ngày trước lập lời trọng thệ tuy nói là khi tiếp được Huyền Thiết Lệnh chỉ làm cho người một việc mà thôi, nhưng việc Thạch Trung Ngọc yêu cầu cùng đi có liên quan đến hành động của lão, lão không tiện cự tuyệt, liền nói:
-Ðược lắm ! Ngươi cứ việc đi với ta càng hay.
Bang chúng bang Trường Lạc rất đổi hoang mang, đưa mắt nhìn Bối Hải Thạch để xem lão chỉ thị ra sao.
Thạch Trung Ngọc dõng dạc lên tiếng:
-Bản tòa đã nhận lời mời đến đảo Long Mộc phó ước, dù việc lớn tầy trời cũng chỉ một mình bản tòa gánh việc. Khi đó không để các anh em phải phiền lụy đâu
Bối Hải Thạch đang bị trọng thương. Lão không bao giờ ngờ tới Tạ Yên Khách lại đi nghe hiệu lệnh của Thạch bang chúa. Lão không có sức để cản trở đành cất giọng thều thào nói:
-Bang chúa bảo trọng mình vàng. Xin tha thứ cho thuộc hạ không tiễn chân được.
Thạch Trung Ngọc chắp tay từ biệt mọi người rồi theo Tạ Yên Khách ra khỏi Tổng đàn.
Tạ Yên Khách cười nói:
-Cẩu Tạp Chủng ! Mấy năm trời ngươi giả vờ khéo thiệt. Tạ mỗ có mắt mà như kẻ đui mù, cứ tưởng ngươi là người Ðinh Bất Tứ phái đến ám toán Tạ mỗ. Ngờ đâu ngươi lại là bang chúa bang Trường Lạc. Ha ha !
Lúc này, Thạch Trung Ngọc đã ra hiệu lệnh rồi, Tạ Yên Khách không còn nghi kỵ gì nữa. Trừ việc động thủ giết gã là không được, còn ngoài ra lão tha hồ ăn nói ngông cuồng hay sỉ nhục gã cũng không phạm gì đến lời thề.
Giả tỷ Thạch Trung Ngọc muốn yêu cầu lão làm một việc thứ hai nào nữa thì lão có thể không lý gì đến.
Thạch Trung Ngọc không dám nhiều lời chỉ cười đáp:
-Cái đó tại hạ đắc tội đã nhiều.
Ðinh Ðang suốt ngày quanh quẩn ở bang Trường Lạc kề cận Thạch Trung Ngọc, bây giờ nàng cũng theo hai người cùng đi thành Lăng Tiêu.
Thạch Trung Ngọc tuy có Tạ Yên Khách là tay cao thủ đi kèm nhưng gã đến thành Lăng Tiêu rồi, vẫn khiếp oai Bạch Tự Tại. Gã liền đưa đề nghị cho Tạ Yên Khách thi hành cuộc ám tập chứ đừng đánh ra mặt.
Tạ Yên Khách nghe gã hiến kế rất hợp ý mình. Ba người liền lén vào thành Lăng Tiêu. May ở chỗ Thạch Trung Ngọc đã cư trú nhiều năm tại đây, nên đường lối cửa ngõ gã thuộc hết.
Tạ Yên Khách động thủ giết bốn tên đệ tử đời thứ ba của phái Tuyết Sơn rồi liền đi vào cửa giữa. Lão nghe được người phái Tuyết Sơn bàn lén với nhau mà biết được thành Lăng Tiêu vừa xảy cuộc đại biến nội bộ. Lão lại biết cả vợ chồng Thạch Thanh đều bị bắt.
Thạch Trung Ngọc tuy là kẻ đơn bạc vô hạnh, nhưng còn giữ được mối tình cha con. Gã không mở miệng yêu cầu Tạ Yên Khách, lẳng lặng, dẫn lão đến chỗ giam tù nhân trong thành để Tạ Yên Khách ra tay giết mấy người, cứu Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu ra khỏi nhà giam rồi mới vào nhà đại sảnh.
Lúc ấy bọn Sử bà bà, Bạch Vạn Kiếm, Thạch Phá Thiên đang nói năng với Bạch Tự Tại.
Theo ý Tạ Yên Khách thì hễ thấy người nào là giết người ấy, giết cho kỳ hết sạch những người phái Tuyết Sơn. Nhưng Thạch Thanh, Mẫn Nhu cực lực khuyên can.
Thạch Thanh dùng lời khích lão:
-Nếu phải anh hùng, là hảo hán thì hãy cùng Chưởng môn phái Tuyết Sơn là Oai Ðức tiên sinh quyết một trtận sống mái. Nhưng lúc này chính chủ nhân lại không ra, mà giết bọn đệ tử hậu bối của lão sao tránh khỏi lời nghị luận trên chốn giang hồ ? Người ta sẽ đồn đại Ma Thiên Cư Sĩ cậy lớn hiếp nhỏ, bắt nạt người mềm yếu và sợ kẻ cương ngạnh.
Tạ Yên Khách cười lạt nói:
-Ðây là cuộc chu lục tận số. Giết bọn già trước, bọn trẻ sau hay trái lại cũng vậy.
Lát sau Sử bà bà cùng Bạch Vạn Kiếm đi ra. Một câu nói không vừa ý liền lập tức động thủ.
Võ công Bạch Vạn Kiếm tuy cao thâm nhưng đâu phải là địch thủ với chủ nhân Huyền Thiết Lệnh được. Mới qua mấy chiêu hắn đã lâm vào tình trạng nguy hiểm. Bọn Thành Tự Học, Tề Tự Miễn thấy Tạ Yên Khách miệng nói bô bô tận diệt phái Tuyết Sơn. Họ không nghĩ đến mối hiềm khích với Bạch Vạn Kiếm nữa, liền xông ra giáp địch. Nhưng dù cho ba người chọi một cũng không thể ngăn cản được 'Bích Châm Thanh Chưởng' của Tạ Yên Khách cực kỳ lợi hại.
Lúc Thạch Phá Thiên tiến vào nhà đại sảnh thì Sử bà bà cùng Lương Tự Tiến muốn gia nhập chiến cuộc. Không ngờ Tạ Yên Khách gặp lúc kinh nghi, cục diện xảy ra biến diễn trọng đại.
Thạch Trung Ngọc và Ðinh Ðang yên trí là Thạch Phá Thiên đến thành Lăng Tiêu mà Bạch Tự Tại tính nóng như lửa, tất nhiên xử tử chàng rồi, chứ không để chàng có đủ thời giờ giải thích. Ðột nhiên thấy chàng xuất hiện như rồng thiêng cọp dữ thì kinh hãi vô cùng.
Thạch Trung Ngọc sợ phái Tuyết Sơn trả thù cũ. Ðồng thời Thạch Phá Thiên cũng hùa theo bọn họ mà làm khó dễ mình. Nhưng gã thấy A Tú bình yên vô sự thì cũng yên tâm được phần nào.
Ðinh Ðang tuy nghiêng hẳn về gã Thạch Trung Ngọc phong lưu đàng điếm và chán ghét anh chàng Thạch Phá Thiên ngớ ngẩn, không có vẻ phong tình. Nhưng ả đã ở với chàng lâu ngày, không khỏi có chút tình bè bạn. Ả thấy chàng còn sống cũng mừng thầm trong bụng.
Vợ chồng Thạch Thanh đến bây giờ mới biết anh chàng đi theo lên núi Tuyết Sơn không phải là con trai mình mà lại là gã thiếu niên Thạch Phá Thiên kia, thì trong lòng không khỏi vừa thẹn thùng lại vừa buồn cười. Lần thứ nhất nhận lầm con đã đành, dè đâu lần thứ hai lại nhận lầm nữa. Vợ chồng nhìn nhau lắc đầu, bụng bảo dạ:
-Từ đây vụ vợ chồng Huyền Tố trang chúa nhận lầm con thành ra câu chuyện mua cười của võ lâm. E rằng lúc gặp phải những người bạn cũ họ sẽ đem mình ra mà chế giễu.
Sử bà bà nghe Thạch Phá Thiên nói trượng phu mụ không chịu ra khỏi nhà lao, lại giục mụ lên ở núi Bích Loa, vội hỏi ngay:
-Lão với ngươi tỷ võ ai thắng, ai bại ? Tại sao lão bảo ta lên núi Bích Loa ?
Tạ Yên Khách hỏi:
-Các gã thiếu niên kia ! Gã nào đúng là Cẩu Tạp Chủng ?
Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu lại hỏi:
-Phá Thiên ! Sao ngươi lại giả trang mắc bịnh đau cổ họng để đánh đổi cho Ngọc nhi ?
Bạch Vạn Kiếm cũng lên tiếng :
-Thằng lỏi Thạch Trung Ngọc lớn mật kia ! Ngươi còn dám cả gan dẫn xác đến thành Lăng Tiêu này ư ?
Ðinh Ðang hỏi:
-Ngươi đã không theo lời ta dặn mà tiết lộ bí mật rồi phải không ?
Trong nhà đại sảnh xúm xít vào mỗi người hỏi một câu. Dù Thạch Phá Thiên có mười miệng cũng không thể trả lời cùng một lúc tất cả bấy nhiêu câu hỏi.
Bỗng thấy một thiếu phụ trung niên từ hậu đường đi ra hỏi A Tú:
-A Tú ! Trong hai gã thiếu niên kia, gã nào tử tế, gã nào hư đốn !
Thiếu phụ này là vợ Bạch Vạn Kiếm, mẹ A Tú. Từ ngày A Tú nhảy xuống vực thẳm, mụ thương nhớ con gái thành ra người điên cuồng, thần trí hồ đồ.
Bọn Thành Tự Học, tề Tự Miễn lúc âm mưu phản bạn bỏ mặc không hỏi gì đến mụ cả. Bữa nay A Tú theo tổ mẫu ngấm ngầm vào thành. Việc thứ nhất của A Tú là thăm mẫu thân. Từ mẫu vừa thấy ái nữ trở về tinh thần tỉnh táo lại được quá nữa, nhưng bây giờ mụ mới lên tiếng hỏi.
Sử bà bà lập nghiêm:
-Ðừng làm huyên náo nữa ! Ai cũng hỏi han loạn cả lên thì còn biết đằng nào mà nghe.
Mọi người nghe mụ nói đều dừng cả lại. Chỉ có Tạ Yên Khách là cười mũi một tiếng, nhưng cũng không nói gì nữa.
Sử bà bà bảo Thạch Phá Thiên:
-Ngươi hãy trả lời ta trước : Ngươi tỷ võ với gia gia ai thắng ?
Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn đều trố mắt ra mà nhìn Thạch Phá Thiên không khỏi nơm nớp trong lòng.
Ta nên biết bọn sư đệ, sư điệt và chúng đệ tử Bạch Tự Tại tuy cùng bất mãn lão về tội ngông cuồng hung dữ nhưng nếu lão thua anh chàng thiếu niên kia thật thì còn chi oai danh phái Tuyết Sơn, đồng thời mọi người cũng mất thể diện.
Bỗng nghe Thạch Phá Thiên đáp:
-Dĩ nhiên là gia gia thắng. Cháu tỷ võ với gia gia thế nào được ? Gia gia đánh trúng cháu đến bảy tám chục thoi quyền hai ba chục đòn cước, mà cháu không đụng vào người gia gia được cái nào.
Bọn Bạch Vạn Kiếm thở phào một cái nhẹ nhõm.
Sử bà bà nheo mắt nhìn chàng hỏi:
-Sao ngươi không bị thương chỗ nào ?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Ðó là gia gia có ý nhẹ đòn. Sau gia gia đánh chán rồi ngồi phệt xuống đất. Cháu thấy gia gia hơi thở không thông, bế tắc hô hấp, liền trợ lực để gia gia thông khí. Bây giờ gia gia đã trở lại như thường rồi.
Tạ Yên Khách cười rồi nói:
-À ra thế đấy !
Sử bà bà lại hỏi:
-Gia gia ngươi nói những gì ?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Người biểu : "Bạch Tự Tại này tội nghiệt gì gì . Ở lại trong này , các ngươi ra lẹ đi ! Từ nay ta không muốn nhìn thấy ai nữa. Ngươi ra bảo Sử bà bà đến núi Bích Loa đi, vĩnh viễn đừng trở về thành Lăng Tiêu nữa."
Thạch Phá Thiên chưa từng đọc sách, nên những thành ngữ 'tội nghiệt thâm trọng', 'quay mặt vào tường sám hối' mà Bạch Tự Tại đã nói ra chàng chẳng hiểu nghĩa là gì cả, nên chàng không nhắc lại được đúng nguyên văn của lão. Tuy nhiên mọi người cũng đoán ra được.
Sử bà bà nói:
-Lão này coi ta là hạng người nào ? Tại sao ta lại lên ở núi Bích Loa ?
Hồi thứ 72 - Hiệp Khách Hành - Kim Dung
Ma Thiên Cư Sĩ Ðuối Lý Nhận Thạch Lang
Nguyên Sử bà bà họ Sử nhủ danh là Tiểu Thúy. Hồi tuổi đương xuân, dung nhan nguyệt thẹn hoa nhường. Bọn tử đệ thanh niên võ lâm vì mụ mà mê mẫn tâm thần không phải là ít. Trong bọn này thì Bạch Tự Tại và Ðinh Bất Tứ là hai nhân vật được chú trọng hơn hết.
Bạch Tự Tại vốn là con người ngông cuồng tự đại, Sử Tiểu Thúy không ưa lão, nhưng song thân mụ lại vừa lòng về võ công và danh vọng của lão. Thế là mụ được gã cho chưởng môn phái Tuyết Sơn.
Những ngày đầu sau khi thành thân, Sử Tiểu Thúy thường đấu khẩu với trượng phu, mỗi phen mụ gây lộn lại oán trách song thân mình. Mụ nói là nếu gã cho Ðinh Bất Tứ thì mụ không nổi chịu khổ sở cùng cực thế này.
Trò đời đứng núi này trông núi nọ là thường. Hơn nữa Sử Tiểu Thúy cố ý chọc tức trượng phu nên nói là yêu thương Ðinh Bất Tứ, khác nào mụ lửa cháy đổ thêm dầu. Dù mụ có khuynh hướng về Ðinh Bất Tứ phần nào, nhưng cũng cố ý thổi phồng thêm cho to chuyện.
Bạch Tự Tại căm tức vô cùng nhưng không biết làm thế nào. May ở chỗ hai người thành hôn chưa được bao lâu liền sinh hạ Bạch Vạn Kiếm. Từ đó Sử Tiểu Thúy chăm sóc con cưng, không rời khỏi thành Lăng Tiêu nửa bước. Mấy chục năm trời mụ không gặp Ðinh Bất Tứ lần nào nữa. Dù Bạch Tự Tại có dạ ghen tuông, nhưng cũng không ngờ vợ có ngoại tình được.
Dè đâu đến lúc tuổi già lại xảy chuyện Thạch Trung Ngọc toan cưỡng hiếp A Tú rồi nàng nhảy xuống vực thẳm tự tử.
Sử Tiểu Thúy bị Bạch Tự Tại đánh cho cái tát. Mụ tức giận ra khỏi thành Lăng Tiêu đi xuống vực thẳm cứu A Tú.
Mụ vẫn chưa nguôi giận, dắt cô cháu gái vào Trung Nguyên để giải lòng bực bỏ, đồng thời để trượng phu phải một phen hoang mang.
Thật là 'chẳng phải oan gia tất không chạm trán'.
Mụ đến phủ Võ Xương thì gặp Ðinh Bất Tứ. Hai người này chia tay trong thiếu thời. Ngờ đâu lại trùng phùng vào hồi tóc bạc.
Ðinh Bất Tứ say mê Sử Tiểu Thúy đến độ không chịu lấy ai nữa. Bây giờ gặp mụ, lão năn nỉ mời mụ lên chỗ ở tại núi Bích Loa để cùng nhau hàn huyên mấy bữa.
Hai người đến tuổi đã lục tuần thì còn đâu nữa là mối tình trai gái. Sở dĩ Ðinh Bất Tứ mời mụ lên chơi chẳng qua là để thỏa mãn mối tâm nguyện từ hồi còn trẻ. Lão chỉ cần ý trung nhân hai chân đặt lên núi Bích Loa là lão có chết cũng cam tâm.
Sử bà bà ngỏ lời cự tuyệt, nhưng Ðinh Bất Tứ cứ năn nỉ hoài. Lão theo đuổi nhất định không chịu buông tha.
Sử bà bà khí tức xông lên gây cuộc động thủ.
Hai người đánh nhau mấy lần, võ công Sử bà bà còn kém Ðinh Bất Tứ, may mà lão không có ý sát hại mụ. Hễ gặp lúc đi vào chỗ sinh tử quyết liệt thì lão lại nương tay.
Sử bà bà vừa tức giận vừa nóng nảy. Mụ ở trong thuyền trên sông Trường Giang gấp rút luyện nội công đến nỗi bị tẩu hỏa nhập ma. Mụ thấy mình sắp bị Ðinh Bất Tứ cưỡng bách lên núi Bích Loa thì khéo sao lại gặp Thạch Phá Thiên được giải vây.
Sau Sử bà bà lên đảo Tử Yên lại gặp hai anh em họ Ðinh. Mụ không muốn gặp lão liền dắt A Tú lánh đi.
Ðinh Bất Tứ tâm tình rất đỗi quật cường. Mấy chục năm lão không gặp Sử Tiểu Thúy thì chẳng sao, phen này lại được trùng phùng liền dở trò chó đen giữ mực.
Lão tính kế dù sao cũng cưỡng ép mụ đặt chân lên núi Bích Loa một lần mới nghe. Lão tự biết một mình không địch nỗi phái Tuyết Sơn, phải cố nén lòng đến cầu viện hai vị huynh trưởng là Ðinh Bất Nhị và Ðinh Bất Tam, dù trước nay anh em lão vẫn không giữ tình hòa với nhau.
Ba người cùng nhau đến thành Lăng Tiêu chuẩn bị cưỡng đoạt Sử bà bà đem về núi Bích Loa. Lão chỉ mong được mụ đặt bàn chân lên núi này một lần rồi lập tức đưa xuống thuyền thả về Tây Vực.
Sử bà bà chưa về tới thành Lăng Tiêu, Ðinh Bất Tứ đã đến phao ngôn nói là Sử bà bà lên núi Bích Loa cùng lão bàn luận về quyền kiếm và kể lể những mối tinh sau khi tương hiệp.
Ban đầu Bạch Tự Tại không tin. Nhưng Ðinh Bất Tứ mồm năm miệng mười kể võ công của Sử bà bà đã đến chỗ tuyệt diệu phi thường. Lão trình bày một cách rõ ràng đến công phu mà Sử bà bà đã luyện ba bốn chục năm trời, khiến cho Bạch Tự Tại không khỏi đem lòng ngờ vực.
Hai người lời qua tiếng lại rồi xảy cuộc động thủ ngay ở trong thư phòng.
Ðinh Bất Tứ đánh đến chiêu thứ ba mươi hai thì trúng phải một chưởng của Bạch Tự Tại và bị trọng thương.
Hai vị huynh trưởng của lão liền hộ vệ lão rời khỏi thành Lăng Tiêu.
Vụ này chẳng có chi quan hệ, nhưng Bạch Tự Tại vừa nóng giận vừa căm tức. Bao nhiêu nổi hờn giận trong lòng không có chỗ nào phát tiết làm cho lão phát điên. Lão tàn sát những người vô tội rồi gây nên cuộc phong ba bão táp trong thành Lăng Tiêu.
Sử bà bà về thành rồi thấy tình hình trượng phu như vậy thì trong lòng rất là hối hận.
Bây giờ mụ nghe Thạch Phá Thiên bảo trượng phu giục mình lên núi Bích Loa vĩnh viễn đừng trở vê nữa. Chàng còn nói thêm : trượng phu mụ tự biết gây nên tội lỗi thâm trọng, nên ở lại trong thạch thất quay mặt vào tường để ăn năn sám hối, mụ liền quyết định chủ ý:
-Hai người đã đồng tịch đồng sàng gần hết đời người. Bây giờ đến lúc tuổi già, có lý đâu lại còn chia tay. Lão ta đã ở trong thạch lao để tự trừng phạt mình thì ta cũng ở trong nhà lao bầu bạn với lão cho đến ngày chết là xong, hầu tránh khỏi cái thảm cảnh lão chết còn không nhắm mắt được.
Sử bà bà lại nghĩ thầm:
-Ta bắt tôn nữ tế phải nhường chức Chưởng môn chỉ vì ta muốn thay gã lên đảo Long Mộc phó ước để tránh cho A Tú khỏi cái họa góa bụa ngay từ thuở nhỏ, phải chịu phòng không chiếc bóng cả một đời. Vụ này khó mà lưỡng toàn được. Bây giờ biết làm thế nào ? Hỡi ơi ! Ta đành bỏ mặc gã. Vụ lên đảo Long Mộc rồi sẽ tính sau, bây giờ hãy vào xem lão điên khùng là việc khẩn cấp hơn.
Mụ liền chuyển mình vào thạch thất.
Bạch Vạn Kiếm lo lắng cho phụ thân cũng muốn theo vào nhưng hắn lại nghĩ đến đại địch ở trước mắt. Bản phái lâm vào tình trạng nguy vong. Vậy việc đối phó với Tạ Yên Khách là quan trọng hơn.
Tạ Yên Khách hết nhìn Thạch Trung Ngọc lại ngó Thạch Phá Thiên. Lão ngần ngừ không nhất quyết. Coi cử chỉ và cách nói năng thì Thạch Phá Thiên giống Cẩu Tạp Chủng hơn.
Rồi lão nghĩ tới võ công cao thâm của Thạch Phá Thiên vừa nhấc bỗng Bạch Vạn Kiếm lên thì lại sinh lòng nghi hoặc. Lão cho là bản lãnh này không phải của chàng thiếu niên quê mùa ở Ma Thiên Lãnh với lão ngày trước. Chàng mới chia tay được mấy tháng thì khi nào võ công lại tăng tiến mau đến thế được ?
Ðột nhiên mặt lão xanh lè lớn tiếng quát hỏi:
-Hai thằng lỏi con này ! Gã nào là Cẩu Tạp Chủng ?
Tiếng quát của lão làm chấn động tâm thần mọi người, trái tim ai nấy đập loạn lên. Ðất cát trên nóc nhà đổ xuống ầm ầm. Ai cũng nhìn thấy mỗi cái cất tay của lão là muốn giết người.
Thạch Trung Ngọc không biết ba chữ 'Cẩu Tạp Chủng' là tên thật của Thạch Phá Thiên. Gã cho là Tạ Yên Khách đang lúc nổi lôi đình lớn tiếng thóa mạ. Gã còn tưởng mưu kế của mình đã bị lão khám phá. Bấy giờ chỉ còn cách mặt dạn mày dày chống chế được lúc nào hay lúc ấy, rồi sau sẽ tính chuyện trốn đi.
Gã nghĩ vậy liền đáp:
-Tại hạ không phải là Cẩu Tạp Chủng. Gã kia mới đúng.
Tạ Yên Khách trợn mắt lên nhìn Thạch Trung Ngọc cười the thé hỏi:
-Mi không phải là Cẩu Tạp Chủng thiệt ư ?
Thạch Trung Ngọc sợ quá khắp mình nổi gai ốc, gã đáp ngay :
-Tại hạ không phải.
Tạ Yên Khách quay lại nhìn Thạch Phá Thiên nói:
-Thế thì mi là Cẩu Tạp Chủng ư ?
Thạch Phá Thiên gật đầu đáp:
-Phải rồi ! Tạ lão bá ! Ngày trước cháu ở trên núi được lão bá dạy võ công. Ðột nhiên toàn thân cháu phát hàn phát nhiệt, đau khổ không chịu nổi rồi ngất đi, sau cháu tỉnh lại thì tình trạng quái đản lúc hàn lúc nhiệt tiếp tục xảy ra.
Tạ Yên Khách không còn nghi ngờ gì nữa, lão quay lại nhìn Thạch Trung Ngọc quát:
-Mi mạo xưng gã này để giỡn chơi với ta. Hà hà ! Mi thật là lớn mật.
Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu thấy mặt Tạ Yên Khách xanh lè một cái rồi hai mắt quắc lên, thì biết ngay con mình đã lừa gạt lão, khiến lão phẫn nộ đến cực điểm. lão chỉ vung tay một cái là lập tức gã chết không kịp ngáp.
Hai người vội vàng nhảy ra đứng chắn trước mặt Thạch Trung Ngọc.
Mẫn Nhu cất giọng run run nói:
-Tạ tiên sinh ! Tiên sinh là đại nhân lượng cả, xin tha thứ cho thằng nhỏ này chưa biết gì. Tại hạ xin bắt gã dập đầu chịu tội với tiên sinh.
Tạ Yên Khách cười lạt nói:
-Tạ mỗ bị thằng nhỏ chưa ráo máu đầu lừa gạt thì đâu có thể dập đầu mấy cái mà xong việc được ? Tôn giá hãy lui ra !
Chưa dứt lời lão vung tay áo một cái. Hai luồng đại lực lay non dốc biển xô ra.
Thạch Thanh, Mẫn Nhu nội lực không phải hạng tầm thường mà chân đứng không vững bị hất ra hai bên xa mấy bước.
Thạch Phá Thiên thấy Mẫn Nhu kinh hãi vô cùng thì hai hàng nước mắt trào ra. Chàng vội la lên:
-Tạ tiên sinh đừng giết gã nữa.
Tạ Yên Khách đã vận nội lực vào bàn tay phải sắp đánh tới. Lúc này giả tỷ cả mấy chục người trong nhà đại sảnh đều đứng ra ngăn cản vị tất đã cứu mạng được
Thạch Trung Ngọc, nhưng Thạch Phá Thiên chỉ hô một tiếng đã khiến lão sửng sốt quay lại hỏi:
-Ngươi yêu cầu ta không giết gã ư ?
Lão nghĩ rằng tha mạng cho một gã thiếu niên hèn hạ mà xong được lời thề ngày trước thì là một việc dễ nhất. Bất giác lão lộ vẻ mừng thầm.
Thạch Phá Thiên lại nói:
-Ðúng rồi ! Vị này là con yêu của Thạch trang chúa và Thạch phu nhân. Ðinh Ðinh Ðang Ðang cũng thương y lắm. Nhưng ... nhưng y có những hành vi bất hảo, khinh khi A Tú lại lừa gạt mọi người. Lúc y là bang chúa bang Trường Lạc đã làm nhiều chuyện tồi bại . Tạ Yên Khách ngắt lời:
-Ngươi đã nói rồi mà, ngươi yêu cầu ta đừng giết gã chứ gì ?
Tạ Yên Khách tuy là một tay kiêu hùng, ỷ mình võ công tuyệt đỉnh. Thế mà lúc này lão nói câu đó thanh âm hơi run lên, vì lão sợ Thạch Phá Thiên đổi quẻ.
Thạch Phá Thiên đáp :
-Phải rồi, cháu yêu cầu lão bá đừng giết y. Nhưng y hại người đã nhiều. Hay hơn hết là lão bá đem y theo bên mình giáo huấn điều hay lẽ phải để y biến thành hảo nhân rồi hãy ly khai y. Tạ lão bá ! Cháu biết lão bá tâm địa rất tốt. Lão bá đem cháu đi mấy năm nuôi dạy lại rèn luyện võ công. Từ khi cháu không tìm thấy má má toàn nương nhờ lão bá dưỡng dục mới thành người. Thạch đại ca đây mà đi theo lão bá, nhất định được lão bá trông coi cho y biến thành người tốt.
Bốn chữ 'tâm địa rất tốt' để trỏ Tạ Yên Khách lão vừa nghe thấy rất lấy làm phẫn nộ cho là Thạch Phá Thiên có ý mỉa mai mình. Mặt lão lại xanh lè. Nhưng lão nghĩ lại không khỏi cười dở khóc dở.
Lão thấy lúc Thạch Phá Thiên nói câu này đã tỏ ra một tấm lòng thành thật. Lão liền hồi tưởng lại mấy năm ở cùng với chàng trên Ma Thiên Lãnh. Lúc nào lão cũng cơ mưu hại chàng mà chàng vẫn chất phác thủy chung ngây thơ thành thực. Lão chắc rằng, sau khi chàng lạc mất mẫu thân đem lòng quyến luyến mình, nên việc gì cũng chỉ trông vào khía cạnh tốt đẹp. Lão đã truyền thụ 'Viêm viêm công' là cố ý làm cho chàng mất mạng mà chàng lại cảm ơn lão một cách rất sâu xa. Bây giờ thấy chàng yêu cầu cai quản Thạch Trung Ngọc, lão liền bụng bảo dạ:
-Tạ mỗ đi đâu cũng chỉ một mình mới là một trang kỳ nam tử, không đàn đúm với ai. Khi nào chịu để thằng lỏi đê hèn ấy quấn quít bên mình ?
Lão nghĩ vậy liền đáp:
-Ta đã ưng thuận làm cho ngươi một việc. Ngươi yêu cầu ta đừng giết gã, ta theo lời ngươi tha cho gã là đủ rồi. Chúng ta từ đây ly biệt, vĩnh viễn không gặp nhau nữa.
Thạch Phá Thiên nói:
-Không được ! Không được ! Tạ lão bá mà không giáo huấn y, y lại đi lừa người, hại người rồi giết người cũng có và gây nên mối thương tâm cho Thạch phu nhân cùng Ðinh Ðang. Cháu yêu cầu lão bá giáo huấn y, trông nom cho y. Nếu y chưa biến thành hảo nhân thì đừng để y ly khai lão bá.
Tạ Yên Khách chau mày lẩm bẩm:
-Việc này thật dây dưa rắc rồi ! Kể ra nó chẳng khó gì nhưng cũng không phải là chuyện dễ. Chính mình có phải là hảo nhân đâu thì dạy ngã thành người tốt thế nào được ? Huống chi, Thạch Trung Ngọc là một đứa hoạt đầu gian trá, e rằng đức Khổng Phu Tử có sống lại giáo huấn gã vị tất hắn đã thành hảo nhân được. Nếu mình ưng thuận việc này há chẳng bị phiền lụy vĩnh viễn một cách vô ích ?
Nghĩ vậy lão lắc đầu lia lịa đáp:
-Không được ! Việc này ta làm không xong. Ngươi đề nghị việc khác dù khó hơn ta cũng làm cho.
Thạch Thanh đột nhiên cười ha hả nói:
-Ai cũng bảo lời nói của Ma Thiên Cư Sĩ xem nặng bằng non. Vì thế mà 'Huyền Thiết Lệnh' khét tiếng giang hồ. Nếu sớm biết chủ nhân 'Huyền Thiết Lệnh' cự tuyệt lời yêu cầu của người ta thì đâu đến nỗi bao nhiêu người ở Hầu Giám tập bị chết một cách oan uổng.
Tạ Yên Khách đột nhiên cặp lông mày dựng ngược, lớn tiếng hỏi:
-Sao Thạch trang chúa lại nói thế ?
Thạch Thanh đáp:
-Chú em đây yêu cầu tiên sinh dạy dỗ hài nhi cho tại hạ, tuy là cưỡng bách tiên sinh vào chỗ khó khăn. Nhưng ngày trước tấm 'Huyền Thiết Lệnh' kia do chú em đó giao tận tay cho Tạ tiên sinh. Lúc ấy chính mắt vợ chồng tại hạ trông thấy. Ngoài ra còn Cảnh huynh, Vương huynh, Kha huynh, Hoa cô nương và nhiều khác nữa cũng chứng kiến. Tại hạ từng nghe danh đã lâu : Ma Thiên Cư Sĩ nói ra điều gì, ngàn vàng khôn chuộc. Thế mà sao lúc chú em đây có lời thỉnh cầu thì Tạ tiên sinh lại tù chối ?
Tạ Yên Khách tức giận nói:
-Các hạ đã sinh con sao không biết dạy con ? Thằng con bất hiếu làm bại hoại đến gia phong này sao không phóng chưởng đánh chết nó đi cho rồi ?
Thạch Thanh đáp:
-Sở dĩ hài tử hèn kém như vậy là chưa được nghiêm sư gia công mài dũa, gã thành đồ dùng thế nào được ?
Tạ Yên Khách càng tức giận hơn đáp:
-Mài dũa cái con quỷ. Tại hạ mà đem thằng lỏi đi thì chỉ trong ba ngày là dũa cho gã người chẳng ra ngươi, quỷ chẳng ra quỷ.
Mẫn Nhu đưa mắt ra hiệu cho Thạch Thanh rồi la lên:
-Thanh ca ! ...
Bà nghĩ bụng:
-Thằng con mình mà giao cho Tạ Yên Khách đem đi thì dữ nhiều lành ít. Bà muốn nhắc Thạch Thanh đừng nói khích lão nữa.
Ngờ đâu Thạch Thanh lờ đi như không biết. Ông cười nói:
-Bội tín lời thề há phải là hành vi của một nhân vật lừng lẫy tiếng tăm như Ma Thiên Cư Sĩ ?
Tạ Yên Khách bị Thạch Thanh dồn cho một hồi, khiến cho lão cứng lưỡi. Lão biết là cãi lẽ với anh chàng Thạch Phá Thiên không hiểu thế sự thì còn dễ, nhưng cãi lý với con người lịch duyệt giang hồ như Thạch Thanh thì thật khólòng. Lão biết thòng lọng đã quàng vào cổ, chỉ còn cách ưng thuận đi cho rồi. Lão liền đáp:
- Ðược lắm ! Tạ mỗ không ngờ đã quá nửa đời người mà còn bị gã Cẩu Tạp Chủng này làm cho phiền lụy.
Lão mắng Cẩu Tạp Chủng để trỏ Thạch Phá Thiên mà thực ra là ám chỉ Thạch Trung Ngọc. Thế là lão thóa mạ người theo đường lối quanh co.
Thạch Thanh làm gì chẳng hiểu, nhưng ông chỉ mỉm cười mà không trả lời.
Mẫn Nhu mặt đỏ lên rồi biến sang màu xanh lợt.
Tạ Yên Khách quay lại ngó Thạch Trung Ngọc nói:
-Thằng lõi kia ! Mi lại đây mà đi theo ta ! Nếu mi không biến thành hảo nhân thì mỗi ngày lão gia ba lần lột da mi đó.
Thạch trung Ngọc hoảng vía, hết ngó song thân lại nhìn Thạch Phá Thiên, chỉ mong chàng đổi lời yêu cầu. Thạch Phá Thiên nói:
-Thạch đại ca ! Ðại ca bất tất phải sợ hãi. Tạ lão bá bề ngoài tuy giả vờ hung dữ mà thật ra lòng dạ rất tốt. Hàng ngày đại ca chỉ cần thổi cơm nấu rau cho lão bá ăn, giặt giũ quần áo cho lão bá, hoặc trồng rau nuôi gà. Lão bá có giơ tay lên nhưng cũng không đụng đến đại ca đâu. Tiểu đệ từng ở với lão bá mấy năm. Lão bá đối với tiểu đệ chẳng khác gì má má đối với mình vậy. Lão bá còn luyện võ công cho nữa.
Hồi thứ 73 - Hiệp Khách Hành - Kim Dung
Hào Kiệt Lên Ðường Phó Yến
Tạ Yên Khách nghe Thạch Phá Thiên ví mình với mẹ chàng thì cười dở khóc dở, miệng lẩm bẩm:
-Mẫu thân mi là mụ đàn bà điên cuồng đặt tên cho con là Cẩu Tạp Chủng. Thằng lỏi này ăn nói mỗi lúc một hồ đồ dám đem so mụ đàn bà điên với Ma Thiên Cư Sĩ, một nhân vật mà giang hồ nghe danh đã phải kinh hồn táng đởm thì còn ra thế nào ?
Thạch Trung Ngọc trong bụng sầu khổ vô cùng. Gã lẩm bẩm:
-Ngươi bảo ta giặt quần áo trồng rau đốn củi nuôi gà thì có khác gì bắt ta phải chết uổng ? Thế chưa đã, lại còn bảo ta hàng ngày thổi cơm nấu canh cho lão ma đầu ăn uống, ta đâu có biết thổi nấu bao giờ ?
Thạch Phá Thiên lại nói:
-Tạ lão bá có rách quần áo thì đại ca khâu vá lại cho người. Ngoài ra Tạ lão bá thích ăn đổi món. Vậy trong vòng mười ngày đại ca đừng nấu nướng nguyên một món cho lão bá ăn.
Tạ Yên Khách nheo mắt nhìn Thạch Trung Ngọc cười lạt mấy tiếng rồi nói với Thạch Thanh:
-Thạch trang chúa ! Hiền khang lệ khi ở Hầu Giám tập đã thấy rõ 'Huyền Thiết Lệnh' của lão phu. Chẳng lẽ khi đó trong con mắt của trang chúa đã coi Tạ mỗ làm khách Tây Hiền để quản cố công tử thay trang chúa rồi chăng ?
Miệng lão nói, hai mắt ngắm Thạch Trung Ngọc từ đầu xuống đến gót chân, khiến cho gã chân tay luống cuống. Gã nguyên là một anh chàng giảo hoạt lanh lợi, nhưng dưới con mắt sáng như điện của Tạ Yên Khách thì co rúm lại chẳng khác gì chuột thấy mèo. Gã sợ chẳng còn hồn vía nào nữa.
Thạch Thanh đáp :
-Tại hạ không dám thế. Chẳng giấu gì tiên sinh, vợ chồng tại hạ có một kẻ đại thù đã sát hại một thằng con trai khác. Người này từ ngày ấy đến bây giờ không biết lẩn trốn phương nào. Vợ chồng tại hạ tìm khắp nơi mười mấy năm nay mà chẳng thấy tông tích đâu.
Tạ Yên Khách hỏi :
-Giả tỷ ngày ấy trang chúa có Huyền Thiết Lệnh của lão phu, chắc là đã yêu cầu lão phu trả thù cho rồi nhỉ ?
Thạch Thanh đáp :
-Việc trả thù tại hạ không dám phiền tới đại giá, có điều Tạ tiên sinh thần thông quảng đại, chắc có thể điều tra người đó lạc lõng nơi đâu.
-Huyền Thiết Lệnh này mà ngày ấy ở trong tay vợ chồng trang chúa thì Tạ mỗ thiệt cám ơn trời phật.
Lão nói câu này ra ý, việc kiếm kẻ thù kia còn dễ chịu hơn phải quản cố Thạch Trung Ngọc.
Thạch Thanh xá dài nói :
-Hài tử được nhờ tiên sinh tài bồi cho thành người thì Thạch Thanh này cảm tạ vô cùng !
Tạ Yên Khách hừ một tiếng rồi đột nhiên đưa tay lên cởi một cái bọc vứt xuống đất đánh "binh" một tiếng. Tay trái lão vươn ra nắm lấy cổ tay Thạch Trung Ngọc rồi tung mình nhảy ra khỏi nhà đại sảnh.
Bỗng nghe tiếng Thạch Trung Ngọc kêu thét lên và xa dần. Chỉ trong chớp mắt đã xa ngoài mấy chục trượng.
Giữa lúc mọi người ngơ ngác kinh hãi nhìn nhau, Ðinh Ðang giơ tay lên tát vào mặt Thạch Phá Thiên đánh bốp một cái. Thị lớn tiếng la gọi Thạch Trung Ngọc :
-Thiên ca ! Thiên ca !...
Rồi vọt mình đi rượt theo.
Thạch Phá Thiên đưa tay lên xoa mặt. Chàng ngạc nhiên hỏi :
-Ðinh Ðinh Ðang Ðang ! Sao ngươi lại đánh ta ?
Thạch Thanh cúi xuống lượm chiếc bọc cầm tay nhắc lên dường như đã biết là vật gì rồi. Ông mở bọc ra thì quả nhiên là cặp kiếm Hắc Bạch của vợ chồng ông.
Mẫn Nhu thấy bảo kiếm được trả về mà bà vẫn không lộ vẻ vui mừng. Hai mắt đẫm lệ, bà hỏi :
-Thanh ca !... Sao Thanh ca lại để Ngọc nhi... đi theo lão ?
Thạch Thanh thở dài đáp :
-Nhu muội ! Ngọc nhi là con người thế nào muội có biết không ?
Mẫn Nhu đáp :
-Thanh ca lại trách tiểu muội nuông chiều gã chứ gì ?
Bà nói xong hai hàng nước mắt chảy xuống.
Thạch Thanh lại nói :
-Nhu muội đối với Ngọc nhi đã quá hiền từ, nhất là từ ngày Kiên nhi bị người hạ sát. Nhu muội lại càng cưng chiều Ngọc nhi. Ta thấy gã còn nhỏ tuổi đã có những hành vi tai ác, nên mới cả quyết đưa gã lên thành Lăng Tiêu. Ngờ đâu nó hư đốn quá, để lụy cho ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy anh em phái Tuyết Sơn nữa. Tạ tiên sinh là tay cơ mưu hơn Ngọc nhiều. Thủ đoạn tiên sinh cũng gấp mấy gã, vỏ quít dầy phải móng tay nhọn, chỉ tiên sinh mới trị được gã mà thôi. Vậy Nhu muội hãy yên tâm, Ma Thiên Cư Sĩ tuy hành động theo ý mình, nhưng tiên sinh là người thủ tín nhất thiên hạ. Hơn nữa chú em đây đã yêu cầu tiên sinh quản cố và dạy bảo Ngọc nhi, nhất định tiên sinh sẽ làm được chu đáo.
Mẫn Nhu nói :
-Nhưng... nhưng Ngọc nhi từ thuở nhỏ được nuôi dưỡng sung sướng. Sao gã biết thổi cơm nấu canh ?...
Bà vừa nói vừa nghẹn ngào, hai dòng lệ tuôn xuống như mưa.
Thạch Thanh nói:
-Những cái đó chính là do sự quá chiều con mà ra.
Bỗng thấy bọn Bạch Vạn Kiếm tới tấp chạy vào nội đường thì cho là bọn họ vào báo cho Bạch Tự Tại cùng Sử bà bà hay.
Thạch Thanh liền ghé tai vợ nói nhỏ :
-Nếu Ngọc nhi không để Tạ tiên sinh đưa đi thì vụ này ở đây tất là rắc rối to. Cuộc nội biến phái Tuyết Sơn cũng do Ngọc nhi mà có, khi nào bọn họ chịu bỏ qua.
Mẫn Nhu nghĩ lại biết chồng nói đúng, bà từ từ lau nước mắt rồi nhìn Thạch Phá Thiên nói :
-Ngọc nhi mà bảo tồn được tính mạng là hoàn toàn nhờ ở ngươi cứu vớt. Tướng mạo ngươi với gã giống nhau như đúc. Thế mà ngươi ngoan ngoãn bao nhiêu thì gã hư đốn chừng ấy. Giả tỷ ta được ngươi... được ngươi thế này...
Bà muốn nói :
Ta được đứa con như ngươi thế này thì hay biết chừng nào !
Nhưng bà đang nói dỡ câu đã ngừng lại.
Thạch Phá Thiên thấy Thạch Trung Ngọc được bà thương yêu thì trong lòng quyến luyến vô cùng. Chàng nhớ tới hai lần bà nhận lầm chàng là con, bà đối với chàng cũng thương yêu đến cùng cực. Chàng chạnh lòng nhớ tới mẫu thân mình không biết hiện ở nơi đâu ? Chàng cũng không hiểu tại sao mối tình mẫu tử giua mẹ con chàng lại khác xa Mẫn Nhu đối đãi với con. Nghĩ tới đó chàng không khỏi buông tiếng thở dài.
Mẫn Nhu lại nói :
-Này chú em ! Sao chú em lại giả trang làm Ngọc nhi để theo ta ?
Thạch Phá Thiên đỏ mặt lên ấp úng :
-Ðó là... Ðinh Ðinh Ðang Ðang...
Thạch Phá Thiên nói chưa dứt lời thì đột nhiên Vương Vạn Nhân thở hồng hộc hạy vào la lên :
-Nguy ! Nguy to rồi ! Sao không thấy sư phụ đâu nữa ?
Mọi người trong nhà đại sảnh đều giật mình kinh hãi, hỏi giật giọng :
-Làm sao lại không thấy đâu nữa ?
Vương Vạn Nhân đáp :
-Sư nương bị người ta điểm huyệt ngã lăn ra, còn sư phụ bị mất tích.
A Tú nắm lấy tay áo Thạch Phá Thiên nói :
-Chúng ta mau vào coi !
Hai người hấp tấp chạy về phía thạch lao. Hai người đã thuộc đường nên chỉ chớp mắt đã chạy tới nơi.
Thạch Phá Thiên đến ngoài thạch lao thì thấy trong đường hầm đầy cả bọn đệ tử phái Tuyết Sơn, mọi người thấy A Tú đến vội tránh ra để nhường lối.
A Tú cùng Thạch Phá Thiên tiến vào trong thạch lao thì thấy vợ chồng Bạch Vạn Kiếm đang nâng Sử bà bà dậy để ngồi dưới đất.
A Tú la lên :
-Gia má ! Sử bà bà làm sao vậy ?... Người đã bị thương chăng ?
Bạch Vạn Kiếm mặt đầy sát khí đáp :
-Có nội gian ! Sử bà bà bị điểm huyệt bằng thủ pháp bản môn. Gia gia bị người bắt đem đi. Ngươi trông coi Sử bà bà để ta đi giải cứu gia gia.
Hắn nói xong tung mình đi ngay. Trước mặt hắn có một tên đệ tử ngành thứ ba. Ðang lúc nóng nảy hắn đẩy mạnh một cái hất bắn gã đi rồi rảo bước chạy ra.
A Tú giục Thạch Phá Thiên :
-Ðại ca giúp Sử bà bà vận khí giải huyệt đi.
Thạch Phá Thiên liền theo phép "Thôi Cung Quá Huyết" giải khai huyệt đạo. Sử bà bà đã dạy chàng rồi chàng cứ theo đúng phương cách mà làm. Chẳng mấy chốc chàng giải khai xong ba chỗ đại huyệt cho Sử bà bà.
Sử bà bà la lên :
-Các ngươi đừng náo loạn ! Chưởng môn nhân đã điểm huyệt ta rồi lão tự mình ra đó.
Ai nghe thấy cũng phải ngạc nhiên, miệng lẩm bẩm :
-Té ra Oai Ðức tiên sinh vừa thấy mặt phu nhân đã động thủ liền. Chính Oai Ðức tiên sinh ra tay điểm huyệt, trách nào Bạch sư ca cũng không biết đường giải khai.
Nguyên mọi người đều nghi ngờ bản phái lại sinh nội biến và sợ rằng khó lòng tránh khỏi xảy cuộc dổ máu. Họ nghe nói đây là sự xích mích giữa hai vợ chồng chưởng môn mới yên tâm rồi đưa tin ra ngoài.
Bạch Vạn Kiếm được tin lại quay trở về hỏi :
-Má má ! Vụ này là thế nào ?
Giọng nói của hắn có điều bất mãn.
Ta nên biết mấy bữa nay nội tình rối ren khiến cho con người lanh lợi minh mẫn như Khí Hàn Tây Bắc cũng phải hoang mang vô cùng. Bây giờ vụ này lại do song thân hắn mà ra, hắn rất phiền lòng và khó chịu, không biết phát tác vào đâu được ?
Sử bà bà tức giận hỏi lại :
-Ngươi không hỏi rõ đầu đuôi, sao đã dám trách gia nương.
Bạch Vạn Kiếm vội đáp :
-Hài nhi không dám !
Sử bà bà nói:
-Gia gia ngươi muốn cho mọi người được yên ổn, y... y thân hành đến đảo Long Mộc rồi.
Bạch Vạn Kiếm thất kinh hỏi :
-Gia gia đến đảo Long Mộc rồi ư ? Tại sao vậy ?
Sử bà bà gắt lên :
-Còn sao nữa ? Gia gia ngươi là Chưởng môn chân chính của phái Tuyết Sơn. Y không đi thì ai đi ? Ta vào nhà lao bảo y : Nếu y cứ ở lỳ trong này, thì ta cũng ngồi với y cho có bạn nhưng còn cuộc ước hội trên đảo Long Mộc, thì để ai đi cho phải ? Y hỏi đầu đuôi câu chuyện, ta liền kể cho y nghe thì y biểu : Y là chưởng môn, dĩ nhiên phải để y đi. Ta khuyên y hãy thong thả để bàn tính lại tìm kế vẹn toàn đã. Y nói là y đối với phái Tuyết Sơn đã có nhiều tội lỗi thì phải lấy cái chết cho bản phái để đền tội, đồng thời để cho ta đây cùng con trai, con dâu, cháu gái, cháu rể rút kinh nghiệm mà làm người. Thế rồi y vươn tay điểm huyệt ta, móc lấy hai tấm thẻ đồng mời đi dự yến. Ðoạn y ra đi, bây giờ chắc y đi xa rồi.
Bạch Vạn Kiếm nói:
-Má má ơi ! Gia gia tuổi già mà trong người lại chưa phục hồi như cũ thì đi thế nào được ? Hài nhi đi mới phải.
Sử bà bà trầm giọng đáp :
-Ðến bây giờ mà ngươi còn chưa biết tính y.
Dứt lời mụ băng băng chạy ra cửa lao.
Bạch Vạn Kiếm vội gọi lại hỏi :
-Má má !... Má má đi đâu thế ?
Sử bà bà đáp :
-Ta là chưởng môn phái Kim ô, thì cũng đủ tư cách lên đảo Long Mộc.
Bạch Vạn Kiếm ruột rối như tơ vò. Hắn lẩm bẩm :
-Âu là cả phái đều đi hết để quyết liều một chuyến.
Ngày mồng năm tháng mười hai, Sử bà bà dẫn Bạch Vạn Kiếm, Thạch Thanh, Mẫn Nhu, Thạch Phá Thiên, A Tú, Thành Tự Học, Tề Tự Miễn, Lương Tự Tiến đến một xóm chài nhỏ ở bến Nam Hải.
Mặt trái hai tấm thẻ đồng của đảo Long Mộc đã khắc rõ nhật kỳ, thời giờ cùng đường lối đến thôn chài này. Xét ra thẻ đồng đưa cho mỗi người khắc ngày giờ cùng địa điểm khác nhau. Vì thế mà bọn Sử bà bà tới nơi phát giác ra trong thôn chài này không có ai cả. Dĩ nhiên những hào sĩ giang hồ khác và Bạch Tự Tại không có đây. Thậm chí ven bờ biển không có lấy một con thuyền đánh cá nào.
Khi Sử bà bà rời khỏi thành Lăng Tiêu đã chỉ định Cảnh Vạn Chung thay quyền Chưởng môn cùng giữ chức vụ thủ thành. Uông Vạn Dực, Hô Diên Vạn Thiên phụ giúp mọi việc. Mụ đưa bọn Thành Tự Học, Tề Tự Miễn và Lương Tự Tiến theo đi là có ý đề phòng bọn đệ tử những ngành này lại mưu cuộc nội phản. Còn Liêu Tự Lệ đã bị trọng thương, võ công mất hết, không còn lo gì nữa.
Ðoàn người tạm nghỉ chân trong một gian nhà tranh.
Chiều ấy, bỗng có một hán tử áo vàng tay cầm mái chèo bằng gỗ đến thôn chài dõng dạc tuyên bố:
-Sứ giả đảo Long Mộc vâng mệnh đảo chúa nghênh tiếp tân khách. Kính thỉnh Thạch bang chúa bang Trường Lạc lên đường.
Bọn Sử bà bà nghe tiếng từ trong nhà chạy ra.
Hán tử kia đi tới trước mặt Thạch Phá Thiên khom lưng thi lễn hỏi:
- Phải chăng các hạ là Thạch bang chúa ?
Thạch Phá Thiên đáp :
-Chính thị ! Quí tính các là gì ?
Người kia đáp:
-Tiểu nhân họ Long. Mời Thạch bang chúa đăng trình !
Thạch Phá Thiên nói:
-Tại hạ có mấy vị sư trưởng cùng bạn hữu cũng muốn đến quí đảo.
Người kia đáp:
-Cái đó khó lòng lắm. Thuyền nhỏ không chở nặng được. Ðảo chúa đã ban hành nghiêm lệnh chỉ đón một mình Thạch bang chúa mà thôi, dù chỉ thêm một người, thuyền phải đắm và tiểu nhân phải mất đầu.
Sử bà bà cười lạt nói:
-Việc đã thế này e rằng ngươi không tự chủ được đâu.
Mụ nói xong tiến lại đứng chắn sau lưng gã hán tử đề phòng gã chạy trốn.
Hán tử tủm tỉm cười, gã không lý gì đến Sử bà bà, nhìn Thạch Phá Thiên nói:
-Tiểu nhân xin dẫn đường. Mời Thạch bang chúa thượng lộ.
Dứt lời, gã trở gót đi luôn. Thạch Phá Thiên cùng bọn Sử bà bà, Thạch Thanh đều đi theo sau. Gã kia theo ven biển mà đi, quanh hết hai vùng thung lũng thì đến bãi cát. Tại đây có một con thuyền nhỏ. Chiếc thuyền này rộng không đầy ba thước, dài chừng sáu thước. Thật không còn con thuyền nào nhỏ hơn được nữa, chưa chắc dã chở được hai người, chứ đừng nói đến ba.
Hán tử bình tỉnh nói:
-Các vị muốn giết tiểu nhân chỉ cất tay một cái là xong. Rồi vị nào thuộc đường sẽ dẫn Thạch bang chúa cùng đi.
Sử bà bà cùng bọn Thạch Thanh ngơ ngác nhìn nhau, không ai ngờ đảo Long Mộc bố trí chu đáo đến thế, muốn đi thêm một người cũng không được.
Mọi người chỉ nghe iếng đảo Long Mộc, nhưng nó mịt mờ ở ngoài biển khơi thì biết tìm đâu cho thấy ?
Ai nấy phóng tầm mắt nhìn ra thật xa, nhưng ngoài biển tuyệt không thấy một con thuyền, nên chẳng còn cách nào có thể đi theo được.
Sử bà bà tức giận vô cùng ! Mụ vung chưởng lên toan đánh hán tử áo vàng, nhưng mới phóng chưởng ra nửa vời, mụ bỗng dừng lại nhìn Thạch Phá Thiên nói:
-Ðồ nhi ! Ngươi đưa thẻ đồng cho ta để ta đi thay cho. Mụ già này thế nào cũng phải tới đó đặng cùng lão điên kia chết với nhau một chỗ.
Hán tử áo vàng nói:
-Ðảo chúa đã nghiêm lệnh nếu rước lầm người, tiểu nhân bị xử trảm cũng chẳng có chi đáng tiếc nhưng để lụy cho cha mẹ vợ con tiểu nhân cũng bị chém đầu hết.
Sử bà bà tức giận nói:
-Chém đầu thì chém đầu có chi mà sợ ?
Miệng nói vậy nhưng trong lòng mụ nghĩ thầm:
-Ðối với mình thì không cần, nhưng đối với gã này lại là một điều trọng đại.
Mụ nghĩ được một kế khác liền bảo Thạch Phá Thiên:
-Ðồ nhi ! Vậy ngươi nhường địa vị bang chúa bang Trường Lạc cho ta. Ta là bang chúa tất gã không bị coi là đón lầm người nữa.
Thạch Phá Thiên ngần ngừ đáp:
-Cái đó e rằng ...
Gã hán tử nói ngay:
-Hai vị sứ giả Thưởng Thiện, Phạt A¨c đã nói rất rành mạch: Bang chúa bang Trường Lạc là một thiếu niên anh hùng tuổi mới đôi mươi. Ðâu có phải là một bà già tuổi cao đức trọng.
Sử bà bà tức giận nói:
-Mi nói gì thúi thế ! Sao mi lại biết ta tuổi cao đức trọng ?
Người kia chỉ tủm tỉm cười chứ không nói gì nữa rồi cứ xuống bãi bể cởi dây thuyền.
Sử bà bà thở dài nói:
-Ðược rồi ! Ðồ nhi đi đi. Ngươi hãy nghe lời sư phụ dặn một câu.
Thạch Phá Thiên đáp:
-Dĩ nhiên là đệ tử phải nghe lời sư phụ.
Sử bà bà nói:
-Nếu ngươi còn có đường sống thì nên nhớ kỹ là phải tự tìm cách tự thoát hiểm ngay, chứ đừng vì chuyện cứu gia gia mà tự hãm mình vào nơi tuyệt địa. Ðó là nghiêm lệnh của sư phụ không được vi phạm.
Thạch Phá Thiên ngạc nhiên không hiểu tại sao sư phụ lại không để mình cứu trượng phu của người. Chẳng lẽ người chưa hết căm hận gia gia ?
Sử bà bà lại nói tiếp:
-Ngươi nói cho lão già điên hay rằng ta ở đây chờ lão một tháng. Nếu lao không đến đây tương hội với ta được thì ta sẽ nhảy xuống biển tự tử. Lão còn nói đến chuyện lên núi Bích Loa con khỉ gì nữa thì ta sẽ làm quỷ dữ không tha lão đâu.
Thạch Phá Thiên vâng lời.
A Tú cũng nói:
-Ðại ca ơi ! Tiểu muội cũng thế, ở lại đây chờ đại ca trong một tháng.
Thạch Phá Thiên cảm thấy trong lòng vừa êm ấm vừa thê lương. Chàng đáp:
-Tú muội bất tất phải như vậy.
A Tú nói:
-Tiểu muội muốn thế.
Nàng nói rất khẽ nhưng đầy vẻ cương quyết không hối hận.
Mẫn Nhu nói:
-Hài tử ! Ta mong ngươi bình yên trở về. Chúng ta đều chờ ở đây và cầu cho ngươi được vô sự.
Thạch Phá Thiên nói:
-Ngôi bang chúa bang Trường Lạc của cháu chỉ là giả mà thôi. Không chừng bọn họ sẽ thả cháu về. Trương Tam, Lý Tứ lại là huynh trưởng kết nghĩa của cháu. Nếu xảy ra chuyện nguy nan, chắc hai vị đó chẳng điềm nhiên tọa thị.
Mẫn Nhu nói:
-Ta cũng mong như vậy.
Bà nghĩ bụng:
-Thằng nhỏ này chưa biết lòng người võ lâm hiểm ác, cái hạng kết nghĩa kim lan này đâu phải chuyện thực.
Bạch Vạn Kiếm cầm tay chàng nói:
-Hiền tế ! Từ đây chúng ta là người một nhà. Phụ thân ta tuổi già, ngươi hãy chiếu cố cho người một chút.
Thạch Phá Thiên nghe Bạch Vạn Kiếm kêu mình bằng hiền tế, mặt hơi ửng đỏ đáp:
-Cái đó tiểu tế đã hiểu rồi.
Chỉ có ba người: Thành Tự Học, Tề Tự Miễn và Lương Tự Tiến mong thoát khỏi tai vạ cho riêng mình. Họ đều nghĩ thầm:
-Ba mươi năm trước đây đã ba đoàn cao thủ võ lâm đến phó ước đảo Long Mộc, nhưng không một ai sống sót để trở về. Thằng lỏi này không phải ba đầu sáu tay thì còn ra ngoài lệ đó thế nào được.
Thạch Phá Thiên cùng mọi người chia tay để ra bãi bể. Mọi người đưa chàng ra đến chỗ thuyền đậu.
A Tú cùng Mẫn Nhu hai người khoé mắt đỏ hoe.
Sử bà bà đột nhiên nhảy xổ đến trước hán tử áo vàng tát bốp một cái vào mặt gã rồi quát lên :
-Mi vô lễ với bậc tôn trưởng. Ta phải cho mi một bài học.
Người kia không trả đòn, đưa tay lên xoa má bị tát rồi nhảy vào trong con thuyền nhỏ.
Thạch Phá Thiên xá mọi người rồi cũng nhảy xuống theo. Con thuyền nhỏ chở hai người mà nước đã mấp mé mạn thuyền chỉ còn độ vài tấc. Thật không thể chở thêm một người nữa được. May mà gặp mùa rét lạnh, Nam Hải gió lặng sóng yên, không thì chỉ một cơn sóng nhỏ cũng đủ làm cho thuyền lật. Sở dĩ đảo Long Mộc khai yến về tháng chạp chắc cũng vì lẽ này.
Gã hán tử kia bơi mấy mái chèo cho thuyền rời khỏi bờ rồi quay thuyền lại kéo buồm lên, gió Bắc hiu hiu thổi vào cho thuyền chạy về phía Nam.
Thạch Phá Thiên nhìn lên bờ biển ở phía Bắc, thấy bọn Sử bà bà, A Tú người nhỏ dần lại, sau chỉ còn là những chấm đen vẫn còn đứng trơ ra đó nhìn theo.
Trời vừa tối, con thuyền nhỏ chuyển hương đi về phía Ðông Nam. Thuyền lênh đênh trên mặt biển ba ngày. Ðến ngày thứ tư vào khoảng giờ ngọ, tính đốt ngón tay đúng ngày mồng tám tháng chạp.
Hán tử trỏ vào một đám đen xì ở phía trước nói:
-Ðảo Long Mộc kia rồi !
Thạch Phá Thiên phóng tầm mắt nhìn ra xa vẫn chưa thấy gì khác lạ, mà trái tim chàng đã đập loạn lên.
Thuyền đi chừng hơn một giờ nữa mới nhìn rõ trên đảo có tòa núi đá cao ngất. Trên núi một màu xanh và rậm rạp, cây cỏ mọc đầy.
Vào khoảng giờ thân, con thuyền nhỏ đậu ở phía Nam đảo cho thuận chiều gió.
Hán tử nói:
-Mời Thạch bang chúa lên đi !
Phía Nam đảo là một bãi cát lớn. Về mé Ðông núi đá có đến ba chục con thuyền vừa lớn vừa nhỏ đậu tại đó.
Thạch Phá Thiên bụng bảo dạ:
-Nơi đây rất nhiều thuyền bè. Nếu lên đảo mà không chết thì quay lại đây đoạt lấy một con thuyền nhỏ để thoat hiểm cũng chẳng khó gì.
Chàng liền nhảy lên bở. Hán tử cầm dây nhảy lên theo buộc thuyền vào một tảng đá lớn. Gã lấy trong bọc ra một con ốc biển thổi lên mấy tiếng tu tu .
Chẳng bao lâu, từ phía núi có bốn hán tử chạy ra. Chúng đều mặc áo chẽn màu vàng, rảo bước đến trước mặt Thạch Phá Thiên khom lưng thi lễ nói:
-Ðảo chúa hiện ở quán Nghinh Tân chờ bang chúa. Mời Thạch bang chúa qua bên này.
Thạch Phá Thiên vẫn quan tâm đến Bạch Tự Tại liền hỏi ngay:
-Chưởng môn phái Tuyết Sơn là Oai Ðức tiên sinh đã đến chưa ?
Gã hán tử đứng đầu đáp:
-Tiểu nhân phụ trách việc đón Thạch bang chúa, không biết gì đến việc ngoài. Thạch bang chúa vào quán Nghinh Tân sẽ rõ.
Gã nói xong trở gót đi trước dẫn đường.
Hồi thứ 74 - Hiệp Khách Hành - Kim Dung
Ðinh Bất Tứ Không Vợ Có Con Riêng
Thạch Phá Thiên theo sau một gã hán tử. Còn bốn gã hán tử áo vàng nữa thì tránh xa ra bảy tám bước rồi lại đi theo sau Thạch Phá Thiên.
Ðoàn người chuyển vào trong núi rồi, hai bên toàn là rừng rậm chỉ có một con đường xuyên qua rừng.
Thạch Phá Thiên chú ý nhìn cảnh sắc bốn mặt để nhận định đường lối phòng khi thoát thân biết đường mà chạy.
Ði thêm mấy dặm nữa lại rẽ vào một con đường toàn đá mọc tai mèo. Mé tả là một lạch nước chảy xiết xô vào đá bật lên tiếng bì bõm. Con đường đi theo lạch nước mỗi lúc một lên cao. Sau khi chuyển qua hai khúc quanh bỗng thấy một thác nước như giải lụa tràng trải từ trên cao mười mấy trượng buông xuống.
Thác nước này là chỗ phát nguyên của lạch nước kia.
Hán tử dẫn đường thò tay vào phía sau một cây lớn bên đường lấy một tấm áo mưa bằng vải dầu treo ở đó từ trước.
Gã cầm áo đưa cho Thạch Phá Thiên nói:
-Quán Nghinh Tân dựng lên trong Thủy Lạc. Ðó là nơi mát mẻ nhất của bản đảo. Xin Thạch bang chúa mặc áo mưa vào để khỏi ướt cả y phục.
Thạch Phá Thiên đón lấy áo mặc vào. Chàng thấy hán tử đi tới gần thác nước rồi tung mình nhảy xuống. Chàng cũng nhảy theo.
Phía trong thác một con đường hầm khá dài. Hai bên đường hầm có thắp đèn dầu. Tuy ánh sáng lờ mờ nhưng cũng có thể trông rõ được đường lối. Chàng theo sau gã kia tiếp tục tiến về phía trước.
Ðường hầm này là một huyệt động thiên nhiên trong lòng núi rồi sửa sang thành đường. Chỗ nào do nhân công đào ra thì rất chật hẹp. Có lúc lại gặp những quãng đường rất rộng. Chàng cảm thấy càng tiến vào sâu dần dần càng đi xuống thấp.
Trong động nghe có tiếng nước chảy róc rách nghe rất lạ đời tưởng chừng như tiếng gõ của khánh ngọc.
Trong sơn động rất nhiều ngách chia đi các ngã.
Thạch Phá Thiên dụng tâm ghi nhớ. Chàng đi trong đường hầm chừng hơn hai dặm thì trước mặt hiện ra một cửa động bằng ngọc thạch xây nên. Trên cổng có khắc ba chữ lớn.
Thạch Phá Thiên liền hỏi:
-Phải chăng đây là quán Nghinh Tân ?
Hán tử đáp:
-Chính phải.
Trong lòng gã hơi lấy làm kỳ tự nghĩ :
-Trên cổng đã đề chữ rõ ràng mà sao hắn còn hỏi làm chi ? Chẳng lẽ hắn không biết chữ hay sao ?
Sự thực Thạch Phá Thiên một chữ cũng không biết. Chàng tiến vào cửa thạch động rồi thì thấy trên mặt đất lát đá rất tề chỉnh.
Hán tử dẫn Thạch Phá Thiên tiến vào thạch động mé tả nói:
-Thạch bang chúa ! Bang chúa hãy nghỉ đỡ ở đây một chút, chờ lúc nữa vào dự yến tiệc đảo chúa sẽ cùng Bang chúa làm lễ tương kiến.
Trong thạch động này cũng có đủ bàn ghế. Ba cây hồng chúc chiếu sáng cả động.
Một tên tiểu đồng bưng trà cùng bốn món điểm tâm vào.
Thạch Phá Thiên vừa nhìn thấy những thức ăn liền nghĩ ngay tới lúc lên đường, Thạch Thanh đã mấy lần căn dặn: "Tiểu huynh đệ ! Ba mươi năm nay không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán mình mang tuyệt kỹ đến đảo Long Mộc, dù bản lãnh cao cường đến đâu cũng không thể một mẻ lưới mà quét hết được cả bao nhiêu hào kiệt đứng vào hàng tuyệt đỉnh trong võ lâm. Theo ta phỏng đoán thì trên đảo nhất định họ sử dụng thủ đoạn đê hèn. Nếu họ không bố trí cơ quan đánh bẫy thì trong đồ ăn thức uống họ bỏ chất kịch độc. Họ công nhiên tuyên bố là mời khách dự yến Lạp Bát Cúc khiến cho người ta chỉ chú ý đến bát cháo đó, hoặc giả món cháo này lại không có gì quái lạ, mà trong những thức ăn uống thông thường như nước trà xanh, bánh điểm tâm hoặc rau xanh, cơm trắng có pha chất độc cũng nên, vậy nhất nhất tiểu huynh đệ phải đề phòng. Những lý lẽ đó rất nông cạn Thạch Thanh này đã nghĩ tới thì có lý đâu những tay đầu não các môn phái lớn lại không nghĩ tới ? Khi họ đi đảo Long Mộc đã dự bị những dược vật để giải độc mà rút cục họ đều mắc tay độc thủ, như vậy thì còn trời nào hiểu được. Tiểu huynh đệ ! Chú đầy lòng nhân hậu bản tánh lương thiện, người lành có trời che chở, không đến nỗi phải chịu ác báo. Có điều lúc nào chú em cũng nên đề phòng cẩn thận."
Thạch Phá Thiên bụng nhớ lời dặn ân cần của Thạch Thanh, nhưng mũi lại ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt liền tự nhủ:
-Bụng đã đói mà suốt thời gian ở đảo Long Mộc chẳng lẽ không ăn uống gì thì làm sao chịu nổi ? Vả lại bọn họ mà muốn hạ độc thì bất cứ chỗ nào, lúc nào họ chẳng ám toán mình được ? Trương Tam, Lý Tứ là hai vị ca ca đã cùng ta kết nghĩa kim lan và đã lập lời trọng thệ có phúc cùng hưởng có họa cùng chia. Nếu hai vị đó hại ta thì phỏng có khác gì họ tự hại mình ?
Chàng liền cầm lấy đồ điểm tâm mà ăn ! Cả bốn đĩa điểm tâm chàng ăn hết sạch chẳng còn lại chút nào. Bình thanh trà chàng uống cạn đến quá nửa.
Thạch Phá Thiên ngồi trong thạch động đến hơn một giờ, bỗng nghe tiếng đàn sáo nổi lên.
Gã hán tử dẫn đường lại đến trước mặt chàng khom lưng nói:
-Ðảo chúa có lời mời, xin Thạch bang chúa lên dự yến.
Thạch Phá Thiên đứng dậy theo gã ra khỏi động thì tiếng âm nhạc lại càng vang dội.
Tiếng tơ tiếng trúc pha lẫn với tiếng chuông tiếng trống.
Thạch Phá Thiên sau khi xuyên qua mấy nơi thạch động.
Ðột nhiên hai mắt sáng lòa, chàng thấy trong một tòa sơn động lớn thắp toàn nến mỡ bò.
Trong động bày đến hơn trăm chiếc bàn. Tòa sơn động này thiệt rộng. Tuy đã bày bấy nhiêu bàn ghế mà lối đi vẫn thênh thang. Mấy trăm tên hán tử áo vàng đi lui đi tới dẫn tân khách vào ngồi.
Các tân khách mỗi người chiếm một chiếu riêng.
Bên chủ cũng không đặt nhân sĩ bồi tiếp vào một chiếc nào.
Thạch Phá Thiên đảo mắt nhìn bốn phía. Chàng chợt thất Bạch Tự Tại nghênh ngang ngồi một chiếu. Ðầu bạc phơ nhưng tinh thần có vẻ con người quắc thước. Lão ngồi lẫn với các vị anh hùng, thân thể cao lớn trội hẳn lên tựa hồ chim hạc đứng giữa đàn gà.
Bữa trước lúc ở trong thạch lao vì ánh sáng lờ mờ, Thạch Phá Thiên không nhìn rõ được tướng mạo lão. Hiện giờ dưới ánh đèn đuốc sáng rực thì vị Oai Ðức tiên sinh này coi trang nghiêm chẳng khác một pho thần tượng trong miếu điện khiến ai trông thấy cũng sinh lòng kính phục.
Thạch Phá Thiên chạy đến trước mặt lão lớn tiếng gọi:
-Gia gia ! Cháu đã đến đây !
Trong nhà đại sảnh tuy đông người, nhưng bên chủ nhân tiếp đãi ai cũng nói rất khẽ. Còn bên khách ai cũng nghĩ đến mình sẽ mất mạng trong khoảng khắc, nên trong lòng đều nào núng. Hơn nữa oai danh đảo Long Mộc từng chấn động võ lâm khiến mọi người đều khiếp vía, chẳng ai nói câu nào.
Bây giờ Thạch Phá Thiên đột nhiên la gọi Bạch Tự Tại nên mục quang mọi người đều hướng về phía chàng.
Bạch Tự Tại hắng giọng một tiếng rồi hỏi:
-Thằng quỷ con ngu ngốc kia mi đến đây thì làm sao ta có được chút chắt ngoại?
Thạch Phá Thiên sững sốt. Sau một lúc chàng mới dần dần hiểu ra ý tứ câu nói của lão. Nguyên Bạch Tự Tại có ý nói là Thạch Phá Thiên đến đảo Long Mộc chịu chết, không ở nhà thành thân cùng A Tú để sinh con.
Chàng liền nói:
-Gia gia ơi ! Sử mẫu hiện ở trong thôn chài nhỏ ngoài bờ biển để chờ gia gia đó.
Người dặn cháu nói :
-Chờ gia gia trong một tháng, tức là đến ngày mồng tám tháng giêng, nếu không được gặp mặt gia gia thì y sẽ gieo đầu xuống biển tự tử.
Bạch Tự Tại giương cặp lông mày dài lên hỏi:
-Mụ không lên núi Bích Loa ư ?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Gia mẫu nghe gia gia nói vậy, người tức giận lắm đó , người thóa mạ ... thóa mạ gia gia .
Bạch Tự Tại hỏi giật giọng:
-Mụ thóa mạ ta làm sao ?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Sử mẫu thóa mạ gia gia là lão điên khùng. Người bảo Ðinh Bất Tứ là con quỷ khinh bạc, đưa lời nói hoang đường. Khi nào Sử mẫu gặp lão sẽ lấy đao khoét vào người lão mười bảy mười tám chỗ cho hả giận.
Bạch Tự Tại cười ha hả. Tiếng cười rung động cả mái ngói. Lão nói:
-Hay lắm ! Hay lắm ! Có thế mới phải !
Ðột nhiên trong góc nhà đại sảnh có tiếng người nói ấm ớ:
-Sao mụ lại mắng ta như vậy ? Ta khinh bạc mụ bao giờ ! Ta đối với mụ vẫn một lòng chí thành, cho đến lúc già cũng không lấy vợ nữa. Thế mà mụ lòng như sắt đá, không chịu đặt chân lên núi Bích Loa lấy một bước.
Thạch Phá Thiên nhìn về phía phát ra thanh âm thì thấy Ðinh Bất Tứ ngồi chống hai tay xuống bàn.
Toàn thân lão run lên. Hai hàng nước mắt lả chả tuôn rơi.
Thạch Phá Thiên bụng bảo dạ:
-Lão ta cũng đến rồi ! Tuổi già như thế mà còn khóc lóc như trò con nít. Sao lão không biết mắc cở ?
Chàng có biết đâu Ðinh Bất Tứ vốn là người phiêu lưu phóng đãng, chẳng úy kỵ điều chi. Bây giờ lão tự nghĩ đến đảo Long Mộc rồi tất nhiên khó bề toàn mạng. Thế là mối tâm nguyện của lão suốt đời không được đền bồi chút nào, khiến lão phải ôm hận mà chết, nên lão thương tâm vô cùng.
Ðinh Bất Tứ nghe Thạch Phá Thiên chuyển lời Sử bà bà cho Bạch Tự Tại, lão không nhịn được, bất giác sa lệ ngồi khóc rưng rức.
Giả tỷ gặp lúc bình thời thì các vị anh hùng đã lấy chuyện này để mua cười. Nhưng hiện giờ mọi người đều lo mình tán mạng đến nơi. Trong lòng ai cũng bi thương vô hạn. Họ chỉ hận mình không khóc với nhau một tiếng, nên chẳng ai nói nửa lời.
Ta nên biết rằng quần hùng đã đến đảo Long Mộc nếu không phải là chưởng môn các phái lớn thì cũng là chúa tể các bang, hội suốt đời bạn với gươm đao thì hai chữ "sợ chết" đối với họ không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng được lấy đao thương tỷ đấu liều mạng thì chuyện sống chết chẳng có chi đáng kể. Ðằng này ai đã đến đảo Long Mộc thì cái chết không thể nào tránh được còn thêm vào tấm lòng nghi hoặc lo sợ nữa. Vậy cái chết ở đây so với hàng ngày đứng trước đại địch giao phong hẳn hoi thì tình cảnh này còn khó chịu hơn nhiều.
Ðột nhiên ở mé Tây tòa viện có tiếng cười lạt mà giọng dẽo dợt như tiếng đàn bà, họ vừa cười vừa nói:
-Chà chà ! Giữ một tấm lòng trung thành cho đến lúc già nua cũng không lấy vợ ! Ðinh Bất Tứ quả là kẻ mặt dày. Ngươi đối với Sử Tiểu Thúy quả có dạ trung thành thật thì làm sao lại sanh ra với tỷ tỷ ta một đứa con gái ?
Ðinh Bất Tứ thẹn đỏ mặt. Lão vô cùng bối rối, đứng lên ấp úng hỏi:
-Ngươi làm sao lại biết chuyện đó ?
Người đàn bà kia đáp:
-Y là chị ruột ta, sao ta lại không biết ? Con nhỏ đó đâu ? Còn sống hay chết rồi?
Ðinh Bất Tứ ngồi phịch xuống ghế thừ mặt ra.
Tiếp theo lại một tiếng "rắc" vang lên ! Cả bốn chân chiếc ghế gỗ kê đều gãy hết.
Người đàn bà kia quát hỏi:
-Con nhỏ đó đâu ? Còn sống hay chết ? Nói mau !
Ðinh Bất Tứ ngập ngừng:
-Ta biết đâu đấy !
Người đàn bà kia lại nói:
-Tỷ tỷ ta lúc lâm tử có dặn ta phải tìm đến ngươi hỏi xem con gái y lạc lõng nơi đâu. Y yêu cầu ta chiếu cố cho đứa nhỏ. Ngươi là một đưa lòng lang dạ thú làm hại một đời tỷ tỷ ta chưa đủ, còn muốn đi hại đến vợ người khác nữa ư ?
Ðinh Bất Tứ ngồi trên chiếc ghế gãy chân, phải nhờ cặp giò chống đỡ. Bây giờ đầu gối nhủn ra, lão ngồi phịch xuống, suýt nữa ngã ngữa. May mà võ công lão tinh thâm, khẽ nhún hai chân xuống mới dứng vững lại được. Nếu là người thường tất phải lăn kềnh.
Người đàn bà kia hỏi bằng một giọng gay gắt hơn:
-Con nhỏ đó còn sống hay chết.
Ðinh Bất Tứ đáp:
-Hai chục năm trước thì y còn sống. Nhưng sau này ta không biết nữa.
Người đàn bà lại hỏi:
-Sao ngươi không đi kiếm y ?
Ðinh Bất Tứ không biết trả lời ra sao, chỉ ấp úng:
-Cái đó .. cái đó ... không phải là chuyện dễ.
Thạch Phá Thiên thấy người đàn bà đang nói đây thân hình bé nhỏ mà thấp lùn, mình mặc áo vóc màu tía. Nàng che mặt bằng tấm sa đen mỏng. Dưới ánh đèn sáng, nàng chẳng có vẻ gì khác lạ. Không hiểu sao Ðinh Bất Tứ trông thấy nàng lại ra chiều sợ sệt, bối rối như vậy ?
Ðột nhiên chuông trống nổi lên rầm vang.
Một hán tử áo vàng dõng dạc nói:
-Hai vị Long đảo chúa và Mộc đảo chúa trên bản đảo nghiêm chỉnh ra mắt tân khách.
Mọi người chấn động tâm thần. Ðến giờ họ mới biết trên đảo Long Mộc có hai vị đảo chúa, một vị họ Long và một vị họ Mộc, vì thế mà hòn đảo này mới có tên là đảo Long Mộc.
Bỗng thấy cánh cửa giữa mở rộng rồi hai hàng người cao có, thấp có, cả nam lẫn nữ đi ra.
Hàng người mé tả mặc toàn áo xanh, hàng người mé hữu mặc toàn áo vàng.
Người giữ lễ lại tuyên bố:
-Chúng đệ tử dưới trướng Long đảo chúa và Mộc đảo chúa ra mắt quý khách.
Mọi người đưa mắt nhìn ra thấy cả hai vị sứ giả Thưởng Thiện, Phạt Ác đi phân phát thẻ đồng bữa trước cũng có mặt tại đám đông.
Trương Tam mặc áo vàng đứng thứ mười một bên mé hữu, Lý Tứ mặc áo xanh đứng thứ mười ba ở mé tả. Sau hai người này mỗi bên còn có đến trên hai chục người nữa.
Ai nấy bất giác cảm thấy ớn lạnh xương sống.
Võ công Trương Tam, Lý Tứ mọi người đã thấy rồi. Té ra hai gã còn có rất nhiều huynh đệ đồng môn, chắc bản lãnh những người kia cũng tương đương với gã. Ai nấy bụng bảo dạ:
-Thảo nào ba mươi năm nay bao nhiêu anh hùng hảo hán đã đến đảo Long Mộc không còn sống sót trở về. Chưa kể đến người khác, chỉ hai sứ giả Thưởng Thiện, Phạt Ác ra tay thì những nhân vật nổi tiếng võ lâm ở Trung Nguyên chúng ta cũng chẳng có mấy tay là chống đỡ nổi lấy hai chục chiêu.
Hai hàng đệ tử đứng nhìn hai bên tả hữu. Họ nhất tề khom lưng hướng về phía quần hùng thi lễ rất cung kính.
Quần hùng vội đáp lễ. Ai cũng nghĩ tới Trương Tam cùng Lý Tứ ngày đi phân phát thẻ đồng ở Trung Nguyên vừa cười nói vừa giết người rất ung dung. Chúng chỉ giơ tay một cái là cả một bang hội hoặc một môn phái bị giết sạch. Hiện giờ chúng về đảo, mắt không dám nhìn ngang nhìn ngửa giữ thái độ cực kỳ nghiêm cẩn.
Giữa tiếng âm nhạc vang lừng, hai lão già từ từ cất bước đi ra.
Một lão mặc đồ vàng, một lão mặc đồ xanh.
Người giữ lễ lớn tiếng hô:
-Tệ đảo chúa hoan nghênh các vị quý khách.
Hai vị Long, Mộc đảo chúa xá dài đến tận đất. Quần hùng tới tấp đáp lễ.
Lão mặc áo hồng bào là Long đảo chúa cười ha hả nói:
-Tại hạ cùng Mộc huynh đệ đây ở nơi hoang đảo hẻo lánh mà bữa nay được cùng các vị cao hiền tương kiến, rất lấy làm vinh hạnh. Có điều trên hoang đảo cảnh vật hủ lậu, cách khoản đãi không được chu đáo, mong liệt vị lượng thứ cho.
Thanh âm lão ôn hòa vui vẻ.
Long Mộc là một hòn đảo lẻ loi trong miền Nam Hải mà khẩu âm Long đảo chúa lại giống người ở Trung Châu.
Mộc đảo chúa nói:
-Mời liệt vị an tọa.
Thanh âm y lanh lảnh tựa như người ở vùng Mân Quảng.
Quần hùng an tọa rồi, hai vị Long, Mộc đảo chúa mới ngồi vào thủ vị ở mé Tây.
Còn bọn đệ tử không ai được ngồi, họ đều đứng thõng tay chầu chực.
Quần hùng bụng bảo dạ:
-Cách mời khách của đảo Long Mộc cực kỳ bá đạo. Hễ khách không chịu đi là tru diệt hết cả môn phái hay bang hội. Nhưng khách lên đảo rồi thì lễ nghi đón tiếp lại vô cùng chu đáo. Ta hãy chờ xem họ còn đi những nước cờ gì nữa.
Có người lại lẩm bẩm:
-Người giám trảm lúc lôi tội nhân ra hạ sát còn cho ăn một bữa no say, nói mấy lời an ủi. Cuộc thết yến này chắc là bữa ăn cho chúng mình trước khi bị hạ sát.
Lúc mọi người liếc mắt ngó hai vị đảo chúa thì thấy Long đảo chúa râu tóc bạc phơ, mặt mũi hồng hào như trẻ nít. Còn Mộc đảo chúa mái tóc dài chỉ còn lơ thơ, phần đen nhiều hơn phần bạc. Nhưng mặc lão đầy vết nhăn nheo. Rút cục họ bao nhiêu tuổi thật khó mà đoán được. Cứ trông bộ mặt thì bảo họ sáu chục hay chín chục đều được cả, mà cho là họ đã ngoài trăm tuổi cũng chẳng có chi quá đáng.
Mọi người thi lễ xong ngồi xuống. Bọn chấp sự trên đảo lại rót rượu và đưa thức ăn.
Bàn nào cũng có bốn bát đĩa cả thảy tám món.
Những món ăn gồm có : Thịt gà, cá, tôm, thịt heo mùi thơm ngào ngạt đưa lên mũi, xem chừng có vẻ ngon lành chứ chẳng có chi khác lạ.
Hồi thứ 75 - Hiệp Khách Hành - Kim Dung
Tên Quân Hầu Thi Triển Tuyệt Công
Thạch Phá Thiên đã hơi yên dạ. Chàng ngó quanh bàn tiệc thấy cả quán chủ chùa Thượng Thanh. Bọn chưởng môn bốn phái lớn tại Quan Ðông là Phạm Nhất Phi, Phong Lương, Lã Chính Bình và Cao Tam nương tử cũng vừa tới nơi.
Những người này tâm thần rất đổi hoang mang. Thị tuyến vừa chạm vào mục quang Thạch Phá Thiên, họ liền chào bằng cái gật đầu chứ không dám chạy đến hay cất tiếng gọi.
Hai vị đảo chúa Long, Mộc nâng chén ruợu lên nói:
-Xin mời liệt vị !
Rồi uống một hơi cạn sạch.
Quần hùng thấy rượu xanh lè. Tuy hương vị rất thơm tho, song trong lòng họ không khỏi băn khoăn tự hỏi:
- Chẳng hiểu trong rượu này có thuốc độc gì không ?
Ða số chỉ để chén rượu lên môi, chứ không dám uống.
Một số ít nghĩ bụng:
-Ðối phương mà muốn gia hại mình thì chỉ cần cất tay một cái là xong. Trong rượu có chất cũng thế mà không có chất độc cũng vậy. Ðằng nào cũng chết. Chi bằng cứ uống càn đi.
Họ liền nâng chén lên uống cạn sạch.
Những người đứng chầu chực một bên tiếp tục rót rượu vào.
Hai vị đảo chúa đảo Long Mộc mời khách cạn ba chén rồi, Long đảo chúa giơ tay trái lên. Bọn nô bộc từ nội đường đi thành hàng kéo ra. Mỗi tên bưng ra một bát cháo lớn đặt ở trước mặt tân khách.
Quần hùng bụng bảo dạ:
-Ðây chắc là Lạp Bát Cúc mà trên chốn giang hồ thường đồn đại.
Những bát cháo vừa múc ra hơi còn bốc lên nghi ngút. Từ đáy bát sùi bọt lên. Bát cháo nào cũng một maù xanh thẫm. Ai nhìn cũng không khỏi sinh lòng nghi hoặc. Nguyên thứ cháo này có pha lẫn táo đỏ, vừng đen, hạt sen, long nhãn, đậu đỏ , nhưng trong bát cháo trước mắt hòa các vị khác vào, chưa ai từng trông thấy bao giờ, rau chẳng ra rau, cỏ chẳng ra cỏ. Thứ là rễ cây thái nhỏ, thứ lại xắt ra từng khúc.
Quần hùng đều biết rằng đa số độc vật đều có màu xanh biếc mà bát cháo màu xanh thẫm, mặt người soi vào cũng ánh thành mầu biếc. Chỉ một mùi thuốc nặng nề xông vào mũi cũng biết là độc đến thế nào rồi.
Cao Tam nương tử vừa ngửi thấy mùi thuốc đã phát ớn. Mụ nghĩ bụng:
-Khi họ nấu cháo này không biết đã thả bao nhiêu rắn rết nhện độc vào trong nồi.
Mụ không nhịn được phải buồn nôn, vội đẩy bát cháo ra cạnh bàn rồi đưa tay bưng mũi.
Long đảo chúa nói:
-Liệt vị đường xa ngàn dặm đã có lòng chiếu cố, tệ đảo không biết lấy cái chi để kính khách, gọi là có bát cháo Lạp Bát này ở Trung Châu chưa từng dùng đến đưa ra thết liệt vị. Vị cốt yếu trong bát cháo là 'Ðoạn Trường Thực Cốt Hủ TâmThảo' (thứ cỏ làm cho đứt ruột, hư xương, nát tim). Thứ cỏ này sau khi nỏ hoa mới thật công hiệu. Nhưng thường khi tám năm, mười một năm không chừng mới có một lần nở hoa. Tệ đảo phải chờ tới khi cỏ này khai hoa mới mời đồng đạo giang hồ ở Trung Nguyên tới đây cùng hưởng. Bấm đốt ngón tay tính ra cuộc thiết yến này là lần thứ tư, xin mời liệt vị ăn uống thành thực, không nên khách sáo.
Lão nói xong cùng Mộc đảo chúa tay trái cầm bát cháo, tay phải giơ đũa lên mời.
Mọi nghe đến tên 'Ðoạn Trường Thực Cốt Hủ TâmThảo' thì đã bở vía. Tuy những người đã tới đảo này, ai cũng không tính đến chuyện sống sót trở về nữa, nhưng Long đảo chúa lại công nhiên tuyên bố chất cỏ độc trong bát cháo khiến mọi người càng kinh tâm động phách. Ai nấy sắc mặt tái mét.
Bỗng thấy Long, Mộc hai vị đảo chúa đều giơ đũa lên khoanh một vòng tròn để tỏ ý mời toàn thể cử tọa rồi bưng bát cháo lên để kê vào miệng bắt đầu ăn.
Quần hùng đều nghĩ bụng:
-Trong bát cháo của hai thằng cha này chắc chúng bỏ nhân sâm, yến sào cùng các vị đại bổ vào.
Ðột nhiên thấy đầu đằng Ðông có một hán tử đứng phắt dậy trỏ tay vào mặt Long, Mộc đảo chúa lớn tiếng quát:
-Lão Long và lão Mộc kia ! Hãy nghe ta nói đây. Ta là Giải Văn Báo ở Quan Tây. Trước khi tới đảo Long Mộc ta đã thu xếp mọi việc về sau đâu đó xong cả rồi. Giải Văn Báo này đường đường là tay hán tử đội trời đạp đất, lòng dạ sắt đanh. Các ngươi muốn giết muốn mỗ thế nào thì Giải mỗ quyết chẳng chau mày. Còn bắt Giải mỗ phải ăn uống độc vật này thì nhất định không được đâu.
Long đảo chúa ngạc nhiên cười nói:
-Giải anh hùng đã không muốn xơi có lý đâu bọn tại hạ miễn cưỡng được ? Hà tất các hạ phải nổi giận. Xin các hạ hãy ngồi xuống đã nào !
Giải Văn Báo lại quát lên:
-Giải mỗ đã không cầu toàn mạng thì chết sớm hay chết muộn cũng là một cái chết. Ta chỉ cần vạch mặt các ngươi là bọn chó má ỷ mạnh làm càn, gây tai họa ở nhân gian.
Hắn nói xong bưng bát cháo lên hất vào mặt Long đảo chúa.
Một lão già ngồi cách hai bàn đứng phắt dậy quát:
-Giải hiền đệ không được lỗ mãng !
Lão phất tay áo một cái phát ra một luồng kình phong ngăn cản bát cháo còn đang lơ lững trên không.
Bát cháo đang lơ lững trên không bị lão già kia phất tay áo phát ra một luồng tụ phong cản trở không bay về phía trước được nữa. Nó dừng lại trên không gian một giây rồi rớt xuống.
Ai cũng yên trí chiếc bát Thanh Hoa Ðại Hải sắp vỡ tan tành, còn cháo sẽ đổ lênh láng. Bỗng thấy tên hầu chuyên việc rót rượu cho tân khách đứng gần đó, khom lưng lại vọt người đi và đưa tay ra bắt lấy bát cháo lớn này. Bát cháo đang hạ thấp xuống chỉ còn cách mặt đất chừng vài tấc, thực đã đến lúc nguy hiểm vô cùng. Vậy mà tên hầu nắm được một cách rất thần tình.
Quần hùng không nhịn được, bật lên tiếng hoan hô vang dội:
-Công phu tuyệt diệu ! Công phu tuyệt diệu !
Tiếng hoan hô vừa dứt, thì nét mặt quần hùng càng lộ vẻ lo âu. Ai nấy bụng bảo dạ:
-Một tên hầu rượu mà thân thủ kỳ diệu đến thế, thì mình cònhòng sống sót để trở về được nữa ư ?
Mọi người đâm ra tính quẩn lo quanh. Người thì nhớ con cháu cùng sản nghiệp trong nhà, kẻ thì nghĩ tới mối đại cừu chưa trả được.
Có người lẩm bẩm:
-Ta mà chết đi thì cơ nghiệp bản bang tất đi vào chỗ điêu tàn.
Có người mình lại oán mình:
-Ðã biết thời kỳ đảo Long Mộc mời đi dự yến sắp đến sao mình không sớm tìm nơi thâm sơn cùng cốc để ẩn lánh ? Lại cứ ngồi cầu may thẻ đồng đừng đưa tới cho mình ?
Có người trước kia vẫn hy vọng tiếng đồn đảo Long Mộc lợi hại là không đúng sự thực. Bây giờ mắt thấy tên quân hầu phóng mình giơ tay đón bắt bát cháo thì cái hy vọng đó cũng bị tiêu tan nốt.
Bỗng thấy một chàng thư sinh ốm vào tuổi trung niên đứng lên, cất tiếng dõng dạc nói:
-Long, Mộc đảo chúa ! Hai vị đảo chúa chỉ cho vài tên thuộc hạ vào Trung Nguyên cũng đủ lừng danh khét tiếng. Vậy hai vị có muốn lên ngôi chí tôn trong võ lâm cũng dễ như trở bàn tay, hà tất hai vị phải hao tổn tâm cơ, phí phạm công phu triệu bọn tại hạ lên đảo này làm chi ? Tại hạ chết cũng chẳng tiếc chi. Nhưng trong lòng còn mối nghi ngờ thì chết cũng không nhắm mắt được. Vậy xin hai vị đảo chúa giải bày chỗ ngu tối cho tại hạ. Tại hạ sẽ đưa cổ ra chờ chém.
Kể ra những câu này hết thảy mọi người đều muốn nói ra, có điều người khác không hoạt bát văn hoa được như y mà thôi. Mọi người đều lấy làm hợp ý và mấy trăm conmắt đổ dồn vào mặt Long, Mộc đảo chúa để chờ họ trả lời xem sao.
Long đảo chúa cười nói:
-Tây Môn tiên sinh hãy ngồi xuống ! Bất tất phải quá khiêm như vậy.
Quần hùng nghe Long đảo chúa nói vậy lại quay nhìn thư sinh, tự hỏi:
-Phải chăng người này là Tây Môn tú tài, tên gọi Tây Môn Bất Quần, đã từng lừng lẫy tiếng tăm trên chốn giang hồ ba chục năm trước đây ? Nhưng sao coi y bất quá mới ngoài bốn chục tuổi, mà ba chục năm trước Bất Quần với hai bàn tay không đã đánh chết được Thất Bá ở Thiểm Bắc, rồi trong ba ngày với một cây Phán Quan Bút đã phá hủy tám sơn trại của bọn lục lâm tỉnh Hà Bắc ? Người ta đồn khi đó y đã ngoài ba chục tuổi và sau mấy vụ kia không ai được tin tức gì về y nữa, chẳng biết y sống chết thế nào. Coi tuổi y thì không hợp, song họ Tây Môn chẳng có mấy người. Hiện nay trong võ lâm không có tay cao thủ nào họ Tây Môn ăn mặc theo kiểu thư sinh, thì có lẽ chính là y đó.
Ta nên biết những người đến dự yến Lạp Bát, ngoại trừ Thạch Phá Thiên, đều là chưởng môn một phái hay chúa tể một bang thì những tay chúa trùm võ lâm đều quen mặt hết.
Bỗng nghe Long đảo chúa lại nói tiếp:
-Ngày trước Tây Môn tiên sinh một chưởng đả bại Thất Bá, một cây bút hất liền bát trại .
Quần hùng khẽ la lên:
-Quả là y thật !
Long đảo chúa nói tiếp:
-Tại hạ cùng Mộc huynh đệ đây ba chục năm trước đã đem lòng ngưỡng mộ tiên sinh thì bữa nay đâu dám vô lễ.
Tây Môn Bất Quần nói:
-Tại hạ không dám. Mấy việc nhỏ mọn ngày trước đó hoặc giả có thể ngông cuồng trong lúc nhất thời ở Trung Nguyên. Còn đối với con mắt hai vị đảo chúa thì chỉ là trò trẻ nít.
Long đảo chúa nói:
-Tây Môn tiên sinh lại quá khiêm đó ! Câu nói vừa rồi của tôn giá, tại hạ muốn trình bày ngay cùng các vị anh hùng, nhưng thứ cháo Lạp Bát này có vị 'Ðoạn Trường Thực Cốt Hủ TâmThảo' cần phải ăn nóng mới có hiệu lực. Vậy mời các vị hãy xơi cháo trước rồi tại hạ sẽ trình bày sau được chăng ?
Thạch Phá Thiên nghe hai người nói chuyện với nhau toàn những lời khách sáo mà chàng chẳng hiểu gì mấy. Bụng chàng lại đói, ruột gan cồn cào không chịu được.
Vừa nghe Long đảo chúa nói vậy, chàng liền bưng ngay bát cháo lên mà húp sì sụp một hồi cạn đến quá nửa bát. Tuy mùi thuốc nồng nặc nhưng cháo ngon lành chẳng thấy gì là khó ăn cả.
Chỉ trong khoảng khắc chàng ăn hết trơn cả bát cháo.
Trong bọn quần hùng có người lẩm bẩm:
-Thằng lỏi này chẳng biết trời cao đất dày là gì, những muốn ta đây hào kiệt chứ gã đâu biết cái chết đã đến. Gã muốn cướp đường tới quỷ môn quan.
Có người lại nghĩ rằng:
-Ðằng nào cũng chết thì thà là như vị thiếu niên anh hùng kia lại khoái hơn.
Bạch Tự Tại reo lên :
-Hay lắm ! Giỏi lắm ! Tôn nữ tế của phái Tuyết Sơn ta quả nhiên khác đời.
Ðã đến lúc này mà lão vẫn còn có ý ngạo nghễ giữa các môn phái thiên hạ. Lão muốn phái Tuyết Sơn phải cao hơn người khác một bậc. Lão cho là Thạch Phá Thiên tranh giành thể diện thay mặt cho lão.
Sau cuộc tỷ đấu trong thạch lao tại thành Lăng Tiêu, Bạch Tự Tại đã chìm nhục nhuệ khí. Ngay lúc ấy lão đã nghĩ thầm quan niệm của mình: Tự cổ chí kim mình là tay đại anh hùng, đại hiệp sĩ, đại tôn sư, kiếm pháp đệ nhất, quyền cước đệ nhất, nội công đệ nhất, ám khí đệ nhất thì phải trừ bỏ mất bốn chữ 'nội công đệ nhất'.
Ðến lúc lão thấy tên hầu rót rượu thi triển thân thủ bắt được bát cháo thì lão lại cho là : Bốn chữ 'quyền cước đệ nhất' cũng không đứng vững được nữa. Có điều lão vẫn tự nhủ : Những nhân vật ở đảo Long Mộc chưa chắc võ công đều tuyệt cao thật sự. Không chừng tên hầu này là tay cao thủ đệ nhất ở trên đảo đã giả vờ đóng vai nô bộc để khủng bố tinh thần mọi người.
Lão thấy Thạch Phá Thiên tỏ vẻ thản nhiên ăn bát cháo độc một cách ngon lành liền lấy làm đắc ý, vì chàng là tôn nữ tế của chưởng môn phái Tuyết Sơn. Bất giác hào khí trong lòng lại nổi lên bồng bột. Lão liền bưng bát cháo mà húp soàn soạt ra chiều tự đắc với câu hỏi: Trong đại sảnh này bất quá chỉ có thằng nhỏ kia và ta là dám ăn cháo, còn ai là tay anh hùng hào kiệt như ông cháu mình ?
Rồi lão lại lẩm bẩm:
-Ta là người thứ hai dám ăn cháo, vậy kể về anh hùng hào kiệt ta đứng vào hàng thứ hai trong thiên hạ. Thế thì sáu chữ 'đại anh hùng, đại hào kiệt' cũng phải bỏ đi.
Lão thừ người ra hối hận: Ăn cháo độc thì cũng đến chết là cùng. Sao mình không ăn trước tiên để phải đánh xuống 'thiên hạ đệ nhị' thì còn thú gì ?
Bạch Tự Tại trong lòng vừa buồn bã vừa tự trách, nên về sau Long đảo chúa nói gì, lão cũng chẳng buồn để tai nghe nữa.
Long đảo chúa nói:
-Bốn chục năm về trước, tại hạ cùng Mộc huynh đệ kết giao ý hợp tâm đầu. Những lúc giảng võ luận kiếm hai bên đều khâm phục võ công của nhau. Hai người đã dắt tay nhau vào chốn giang hồ, để khen thưởng người thiện, trừng phạt kẻ ác trong võ lâm, đặng làm nên một phen sự nghiệp. Không ngờ vừa bước chân vào chốn giang hồ, ngẫu nhiên bắt được một tấm địa đồ. Trên bản đồ có viết chữ nhỏ, tại hạ xem xong thì biết bản đồ này vẻ một trái hoang đảo vô danh và tại đấy có cất giấu một bí lục võ công động trời .
Giải Văn Báo hỏi xen vào :
-Rõ ràng đây là đảo Long Mộc. Sao lại bảo là vô danh hoang đảo ?
Lão già hồi nãy phất tay áo để cản đường bát cháo, liền quát lên :
-Giải hiền đệ không nên ngắt lời Long đảo chúa !
Giải Văn Báo tức giận nói:
-Dù lão huynh có cố gắng lấy lòng nhưng chưa chắc y đã tha mạng cho đâu.
Lão già tức quá bưng cháo lên húp một hơi hết quá nửa bát rồi hậm hực nói:
-Ta với ngươi kết bạn đã nửa đời mà ngươi không biết Trịnh Quang Chi này là người thế nào ư ?
Giải Văn Báo ra chiều hối hận đáp:
-Ðại ca ! Tiểu đệ biết mình lầm lỗi. Xin đại ca lượng thứ cho.
Ðoạn hắn quỳ xuống dập đầu 'binh binh' ba cái. Tiện tay hắn lấy bát cháo ở cạnh bàn mà ăn một hơi gần hết.
Trịnh Quang Chi chạy lại ôm lấy Giải Văn Báo nói:
-Hiền đệ ! Anh em ta ngày nọ kết nghĩa đã tuyên lời trọng thệ : Không cùng nhau sinh một ngày giờ thì nguyện chết cùng một lúc. Lời thề đó đến nay quả nhiên thực hiện. Như thế mới không uổng một phen kết nghĩa huynh đệ.
Hai người ôm lấy nhau vừa bi thương vừa hoan hỷ đến chảy nước mắt.
Thạch Phá Thiên nghe lão nhắc tới lời thề, bất giác đưa mắt nhìn Trương Tam, Lý Tứ.
Trương Tam, Lý Tứ nhìn nhau mà cười rồi lại đưa mắt nhìn Long, Mộc đảo chúa.
Mộc đảo chúa khẽ gật đầu.
Trương Tam, Lý Tứ liền vượt người đi ra mỗi người đều bưng cháo Lạp Bát chạy đến bên chiếu Thạch Phá Thiên nói:
-Nào, mời hiền đệ !
Thạch Phá Thiên vội ngăn lại nói:
-Ðừng, đừng ! Nhị vị ca ca bất tất phải chết theo tiểu đệ.
Tiểu đệ chỉ xin nhị vị sau này chiếu cố cho A Tú .
Trương Tam cười nói:
-Hiền đệ ơi ! Ngày chúng ta kết nghĩa huynh đệ đã có lời ước: Sau này có phúc cùng hưởng, có tai nạn cùng gánh vác. Hiền đệ đã ăn cháo Lạp Bát thì có lý đâu bọn ca ca lại không ăn ? Trương Tam nói xong cùng Lý Tứ bưng cháo lên ăn một hơi hết sạch. Ðoạn chúng quay lại khom lưng nhìn Long, Mộc đảo chúa nói:
-Tạ ơn sư phụ đã ban cháo cho đồ nhi.
Rồi mới về ngồi chổ cũ.
Quần hùng thấy Trương Tam, Lý Tứ vì nghĩ đến tình kết nghĩa với Thạch Phá Thiên mà ăn cháo độc để chết cùng chàng. Trường hợp của hai người này so với Trinh Quang Chi và Giải Văn Báo nhất định phải chết khác xa nhau. Vậy mà họ cũng giữ lòng nghĩa khí, nên ai nấy đều khâm phục vô cùng.
Bạch Tự Tại cũng tự nghĩ:
-Như hai người này thì chữ 'hiệp' mới còn có ý nghĩa. Giả tỷ mình có bạn kết nghĩa uống chất kịch độc, liệu mình có nghĩ đến nghĩa chi lan để chết cùng bạn không ? Nghĩ tới đây lão không khỏi ngần ngừ.
Hồi thứ 76 - Hiệp Khách Hành - Kim Dung
Ðọc Sổ Thưởng Phạt Quần Hùng Khiếp Vía
Bỗng nghe Trương Tam nói:
-Tam đệ ! Ở đây có một số tân khách dường như không ưa mùi vị thứ cháo Lạp Bát này, tam đệ muốn ăn thêm mấy bát thì cứ lấy mà ăn cũng chẳng hề chi.
Thạch Phá Thiên đói bụng hàng nửa ngày rồi, chàng mới ăn có một bát cháo chưa thấm vào đâu.
Chàng nghĩ bụng:
-Mình đã ăn một bát thì dù ăn nhiều hay ăn ít cũng vậy thôi.
Chàng đưa mắt ngó sang những bàn bên cạnh. Mấy người ngồi gần đấy thấy chàng ngó qua bàn mình vội bưng cháo giơ lên nói:
-Cháo này nặng mùi quá, tại hạ không quen. Vậy xin mời tiểu anh hùng cứ tùy tiện lấy mà dùng, bất tất phải khách sáo.
Họ thấy Thạch Phá Thiên chỉ có hai tay dĩ nhiên không đón lấy cả được bấy nhiêu bát. Họ còn sợ Trương Tam đột nhiên thay đổi ý kiến để lỡ mất cơ hội tốt có thể đùn cháo cho người khác, liền bưng sang để trên bàn trước mặt Thạch Phá Thiên.
Thạch Phá Thiên nói:
-Xin cảm ơn liệt vị !
Rồi chàng ăn liền một lúc hai bát nữa.
Long đảo chúa tủm tỉm cười, gật đầu nói:
-Lời nói vừa rồi của Giải anh hùng quả đúng đó. Hòn hoang đảo vô danh ghi trên địa đồ chính là đảo Long Mộc mà hiện chúng ta đang ngồi đây. Có điều cái tên Long Mộc là sau khi tại hạ và Mộc huynh đệ lên đây rồi mới đặt ra. Như vậy bọn tại hạ không khỏi có lỗi ngông cuồng và tiếm vị, thật lấy làm sợ hãi. Bọn tại hạ theo chỉ thị trong địa đồ đi tìm kiếm trên đảo mất mười tám ngày mới thấy võ công bí quyết.
Té ra bí lục này chỉ là một bài thơ cổ, nghĩa lý rất sâu xa và phức tạp.
Hai anh em tại hạ mừng quá liền theo bức đồ giải mà luyện tập.
Hỡi ơi ! Ai có ngờ đâu được phúc mà thành họa. Sau mấy năm nghiên cứu luyện tập, đột nhiên hai anh em xảy chuyện bất đồng ý kiến về những chỉ thị võ công trong bức đồ giải. Tại hạ bảo phải luyện như tại hạ mới đúng, mà Mộc huynh đệ lại cho là tại hạ hiểu lầm phải luyện thế kia mới được. Hai người tranh luận mấy ngày trời.
Rút cục chẳng ai chịu ai, sau đi đến chỗ quyết định: Người nào luyện theo ý kiến của người ấy. Bao giờ luyện được thành công rồi sẽ cùng nhau chứng nghiệm, ai phải ai trật đến bấy giờ sẽ rõ. Sau khi luyện được quá nửa năm, hai anh em liềnđộng thủ để giải thích. Hai anh em mới qua lại mấy chiêu, bất giác đột nhiên thất sắc. Vì ...vì ....
Lão nói tới đây, vẻ mặt buồn rầu, ngừng lại không nói nữa.
Mộc đảo chúa cũng ra chiều uất ức.
Qua một lúc lâu, Long đảo chúa lại nói tiếp:
-Té ra hai anh em tại hạ đều luyện trật.
Quần hùng nghe nói tâm thần chấn động, vì Long, Mộc cả hai vị đảo chúa đều là những tay võ công quán thế thì dĩ nhiên là đã luyện tập những môn quyền cước phi thường và môn nội công tối cao. Nếu luyện trật nội công tất nhiên 'tẩu hỏa nhập ma' nhẹ là trọng thương, người thành tàn phế mà nặng thì đến chết người.
Bỗng nghe Long đảo chúa nói tiếp:
-Anh em tại hạ khi phát giác ra là luyện trật, liền lập tức đình lại, để cùng nhau phân tích và nghiên cứu cho ra lý lẽ. Nhưng cả hai anh em đều tư chất tầm thường mà lời chỉ thị trong đồ giải lại rất sâu xa mầu nhiệm. Sau mấy tháng nghiên cứu vẫn không hiểu được những chỗ ngờ vực khó khăn, khi ấy bỗng một chiếc thuyền của bọn cướp biển trôi dạt vào đảo.
Hai anh em tại hạ giết mấy tên cầm đầu và bắt bọn đồng lõa đem ra thẩm vấn. Những tên nào hành vi tàn ác đều bị xử tử. Những kẻ được tha chết phải ở lại trên đảo.
Hai anh em bàn nhau : Sở dĩ những chỗ trong cổ thi đồ giải mà nghiên cứu không thông được có thể là vì bọn tại hạ đã luyện nhiều năm võ công. Những cái gì đã ăn nhập vào trước làm chủ tế hành động đưa cách luyện công vào đường lối sai trật. Chi bằng thu nạp mấy tên đệ tử cho chúng suy nghĩ về bài cổ thi đồ giải. Thế rồi bọn tại hạ lựa trong bọn cướp đó lấy sáu tên biết chữ khá nhiều lại có óc thông minh, chia làm hai tốp đồ đệ, nhưng không truyền thụ nội công cho chúng mà chỉ dạy một ít quyềt thuật cùng kiếm pháp, rồi để chúng nghiên cứu đồ giải.
Ngờ đâu, cách nghiên cứu của ba tên đồ đệ tại hạ không giống như cách giải thích của ba tên đệ tử dưới trướng Mộc huynh đệ. Thậm chí giữa ba tên đồ đệ tại hạ đã hiểu khác nhau rồi và giữa ba tên đồ đệ của Mộc huynh đệ cũng vậy.
Hai anh em lại thương nghị: Phần đồ giải này là một bài thơ cổ của Lý Thái Bạch mà chúng ta lại là hạng võ biến thô lỗ, tuy biết được một chút một chút chữ nghĩa, nhưng không bằng các nhà văn nho tinh thông thi lý. Xem chừng không phải là kẻ sĩ tài kiêm văn võ thì khó lòng hiểu rõ được đồ giải.
Thế rồi tại hạ cùng Mộc huynh đệ chia đường vào Trung Nguyên. Hẹn nhau một năm, mỗi người thu lấy bốn tên đồ đệ phải là hạng nho sinh đầy bụng kinh luân, không thì cũng là những tay danh sĩ văn tài mẫn tiệp.
Lão giơ tay trỏ vào bảy tám tên đệ tử mặc áo vàng và xanh nói tiếp:
-Chẳng dám dấu gì liệt vị, mấy tên đệ tử này giả tỷ vào thi thì giật giải tiến sĩ hàn lâm dễ như trở bàn tay. Ban đầu chúng đến đảo Long Mộc chưa chắc đã chịu cam tâm. Nhưng sau chúng vừa học võ công vừa nghiên cứu đồ giải rồi ai nấy đều tình nguyện sống chết ở đảo vì họ hiểu rằng học võ luyện công thú hơn đọc sách làm quan.
Quần hùng nghe Long đảo chúa nói 'học võ luyện công thú hơn đọc sách làm quan' đều lấy làm vừa lòng. Nhiều người bất giác gật đầu khen phải.
Long đảo chúa nói tiếp:
-Nhưng tám tên đệ tử nguyên là danh sĩ xuất thân này nghiên cứu đồ giải xong mỗi người hiểu một cách, chẳng những không làm cho Mộc huynh đệ hiểu thêm được điều gì mà còn khiến cho hai anh em tại hạ cùng đi vào chỗ hồ đồ. Bọn tại hạ không biết làm thế nào, trong lòng rất là phiền muộn. Nếu bỏ đi cũng không đành lòng.
Một hôm, Mộc huynh đệ bảo tại hạ:
- Hiện nay những bậc tinh thâm về võ học không ai hơn được Diệu Ðế đại sư, một vị cao tăng chùa Thiếu lâm. Chúng ta sao không mời lão nhân gia tới đây để chỉ giáo cho một chuyến.
Tại hạ nói:
- Diệu Ðế đại sư ẩn cư hơn hai chục năm, không màng gì đến thế sự, e rằng mời lão nhân gia không chịu đến.
Mộc huynh đệ liền bảo:
- Thế thì chúng ta sao không chép thêm một bài đưa đến chùa Thiếu Lâm để nhờ lão nhân gia coi cho ? Nếu Diệu Ðế đại sư không nói gì đế thì e rằng đồ giải này có chỗ nào lệch lạc, hai chúng ta chẳng hơi đâu mà nghiên cứu thêm cho mệt.
Tại hạ liền vỗ tay khen:
- Kế ấy rất diệu ! Chúng ta có thể chép thêm một bản nữa đưa cho Ngu Trà đạo trưởng phái Võ Ðang, võ công phái Thiếu Lâm và Võ Ðang nổi tiếng nhất trên chốn giang hồ. Hai vị cao nhân đó nhất định có kiến thức siêu việt.
Chúng tôi liền sao đồ giải rất kỹ, cả nét vẻ lẫn chữ viết không sai một chút nào. Ðồng thời chúng tôi nghiên cứu lại rồi mừng rỡ như phát điên vì nghĩ rằng : Cứ theo đồ giải mà luyện tập thì võ công mình sẽ tới chỗ khắp thiên hạ không có người thứ ba nào bì kịp. Nhưng càng luyện tập lại càng đi sâu vào chỗ nghi ngờ khó hiểu. Lúc chúng tôi đi lên chùa Thiếu Lâm thì không muốn giấu diếm nữa, chỉ mong sao có người giải khai được mối nghi ngờ đã nằm chết trong lòng bấy lâu nay thì dù có phải đem đồ giải công bố thiên hạ cũng chẳng có chi đáng tiếc. Hai anh em tại hạ vào chùa Thiếu Lâm rồi bỏ đồ giải vào trong bao thơ nhờ Tri Khách Tăng đệ lên cho Diệu Ðế đại sư. Ban đầu Tri Khách Tăng không chịu, y nói là Diệu Ðế đại sư đã đóng cửa ẩn cư lâu năm, không giao thiệp với người ngoài từ lâu rồi. Hai anh em tại hạ liền lấy mỗi người một chiếc bồ đoàn ngồi giữa cổng chùa Thiếu Lâm suốt bảy ngày đêm khiến cho sư sãi trong chùa không có lối ra vào. Tri Khách tăng không sao được đành đem phong thư đệ trình đại sư.
Quần hùng đều nghĩ bụng:
-Tuy miệng lão chỉ nói hời hợt là ngồi chắn cổng chùa Thiếu Lâm, nhưng thực ra câu chuyện đâu có dễ dàng thế được ? Trong thời gian này chắc đã xảy ra nhiều cuộc rồng tranh hổ đấu, rồi quần tăng chùa Thiếu Lâm không có cách nào đuổi được hai lão này đi, mới chụ đưa thơ vào.
Long đảo chúa lại nói tiếp:
-Tri Khách tăng chịu cầm thơ rồi, anh em tại hạ mới đứng lên ra khỏi cổng chùa Thiếu Lâm, xuống chân núi Thiếu Thất chờ đợi.
Chờ chừng nửa giờ thì thấy Diệu Ðế đại sư đi ra và chỉ hỏi cộc lốc một câu:
- Ðâu rồi ?
Mộc huynh đệ liền hỏi lại:
- Phải chăng còn đi mời một vị nữa ?
Diệu Ðế đại sư đáp:
- Phải rồi ! Ði mời Ngu Trà !
Ba người lên đến núi Võ Ðang.
Diệu Ðế đại sư nói:
- Lão tăng là Diệu Ðế ở chùa Thiếu Lâm muốnra mắt Ngu Trà !
Rồi đại sư không chờ thông báo đi thẳng vào trong.
Diệu Ðế đại sư chùa Thiếu- Lâm là một nhân vật lừng danh võ lâm, bọn đệ tử phái Võ Ðương không ai dám cản trở.
Anh em tại hạ cũng theo vào.
Diệu Ðế đại sư vào trại phòng chỗ thanh tu của Ngu Trà đạo trưởng vừa kinh hãi vừa mừng thầm.
Lão cũng không hỏi lại, đi theo Diệu Ðế đại sư lên đảo Long Mộc.
Diệu Ðế đại sư tinh thông tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm, còn Ngu Trà đạo trưởng kiếm pháp thông thần. Hai vị đều là nhân vật tuyệt đỉnh mà võ lâm đều công nhận.
Hai vị tới đảo Long Mộc rồi liền lập tức rèn luyện đồ giải. Trong tháng đầu ý kiến hai lão gia gần giống nhau, chỉ bất đồng một vài điểm nhỏ nhặt. Từ tháng thứ hai ý kiến chia rẽ nẩy nở khá nhiều. Ðến tháng thứ ba hai vị không muốn giữ tư cách cao nhân ngoài cõi đời nữa. Chỉ vì cách giải thích đồ giải mỗi người một lối, không hợp nhau mà sinh ra tranh chấp kịch liệt. Thậm chí ... Hỡi ôi! Hai vị xảy cuộc động thủ.
Quần hào kinh ngạc vô cùng. Có người hỏi lại:
-Cuộc tỷ võ giữa hai vị cao nhân này đưa đến chỗ ai thắng ai bại?
Long đảo chúa nói:
-Diệu Ðế đại sư cùng Ngu Trà đạo trưởng đều đem những công phu nghiên cứu trong đồ giải ra thực hành thì trong vòng năm chiêu hai vị đó thấy kết quả giống nhau nên vui vẻ tươi cười không cần tỷ đấu. Nhưng từ lúc bắt đầu nghiên cứu chiêu thứ sáu hai vị đã có chỗ bất đồng ý kiến, song còn có lúc tỷ đấu, có lúc bỏ qua.
Trong vòng mấy tháng trời kết quả cuộc nghiên cứu của hai vị rút cục những chỗ giống nhau thì ít mà những chỗ khác nhau lai nhiều. Có điều muốn so bì ai hơn ai kém thì khó mà biết được.
Tại hạ cùng Mộc huynh liền thương nghị với nhau đều cho là bản đồ giải vừa bao la vừa huyền diệu quá chừng! Ðến Diệu Ðế đại sư cùng Ngu Trà đạo trưởng là những cao nhân quán thế mà cũng chỉ lĩnh hội được từng phần nhỏ. Nếu muốn thông suốt được toàn thể bản đồ giải thì chỉ có cách mở rộng cuộc nghiên cứu để nhiều người tham gia, chứ không còn cách nào khác. ý kiến của nhiều người góp lại còn hơn ý kiến của một bạc đại tài. Vậy chúng ta phải mời những bậc kỳ năng dị sĩ khắp thiên hạ lên đảo nầy đem hết tâm lực ra mà nghiên cứu.
Long đảo chúa ngừng lại một lúc rồi nói tiếp:
-May vừa gặp hồi "Ðoạn Trường Thực Cốt Hủ Tâm Thảo" nở hoa. Thứ cỏ này đem phối hợp với mấy vị thuốc có liên quan đem nấu cháo thì chúng ta là những nhà luyện võ ăn vào rất có lợi. Thế rồi hai chúng tôi cho sứ giả đi mời các vị Chưởng môn những phái lớn, các giáo chủ, các bang chúa, đến tệ đảo dự yến Lạp Bát.
Ăn cháo xong sẽ mời quần hùng tham dự công cuộc nghiên cứu đồ giải.
Mọi người nghe Long đảo chúa nói vậy thì bán tín bán nghi.
Bỗng Ðinh Bất Tứ lớn tiếng hỏi:
-Ðảo chúa nói vậy thì ra hai vị mời anh em đồng đạo đến đây ăn cháo Lạp Bát là vì hảo tâm hay sao?
Long đảo chúa đáp:
-Nếu nói hoàn toàn vì hảo tâm thì cũng không đúng hẳn. Tại hạ cùng Mộc huynh đệ vẫn có chút tư tâm là cho những tay cao thủ võ học trong thiên hạ tụ hội trên đảo này nghiên cứu đỡ giải giúp bọn tại hạ để cởi mở những chỗ nghi ngờ bấy lâu nay . Ðồng thời để phát huy võ học cho cao thêm một tầng. Còn người bảo bọn tại hạ mời khách để gia hại thì thật là những ý kiến sai lầm.
Ðinh Bất Tứ cười lạt hỏi:
-Ðảo chúa nói vậy chẳng hoà ra lừa bịp mọi người một cách trắng trợn ư ? Nếu bảo là mời đồng đạo đến nghiên cứu võ học thì tại sao người ta không chịu đi, các vị lại hạ sát toàn gia hay cả môn phái? Thiên hạ có ai lại đi mời khách một cách cường hung bá đạo đến thế bao giờ?
Long đảo chúa gật đầu, hai tay vỗ vào nhau rồi bảo thuộc hạ:
- Lấy sổ thưởng thiện phạt ác ra đây!
Tám tên đệ tử quay vào nội đường ôm ra tám cuốn sổ. Mỗi cuốn cao dến hai thước.
Long đảo chúa lại nói:
-Các ngươi hãy phân phát những sổ này để các vị coi.
Bọn đệ tử lần lượt chia sổ sách cho mọi người ở bàn tiệc.
Ðinh Bất- Tứ cầm sổ coi, thì thấy ngoài bài cuốn sổ của lão đề bốn chữ "Lạc Hợp nhân thị" Trong lòng không khỏi kinh hãi lão nghĩ thầm:
-Anh em mình là người Lạc Hợp ít ai biết đến. Thế mà ở hòn đảo Long Mộc xa xôi hẻo lánh này họ cũng biết rõ. Tin tức họ lượm được rất xác thực.
Lão mở sổ ra coi thì thấy bên trong chưa rõ năm nào, tháng nào, ngày nào, Ðinh Bất Tam làm gì ở đâu. Tuy trong cuốn sổ chưa được hoàn bị cho lắm, nhưng lão làm những việc gì trong hai chục năm nay đều có ghi cả.
Ðinh Bất Tứ trán toát mồ hôi. Lão liếc mắt nhìn trộm những người bên cạnh thì ai nấy đều lộ vẻ hoang mang bẽn lẽn... Chỉ có một mình Thạch Phá Thiên là ngồi cắm đầu ăn cháo. Chàng chẳng ngó gì đến cuốn sổ ngoài bìa đề ba chữ "Bang Trường Lạc"
Chàng không biết, chữ nên họ viết gì chàng cũng chẳng hay.
Long đảo chúa lại bảo thủ hạ:
-Thu sổ thưởng thiện phạt ác lại!
Bọn đệ tử chia nhau đi thu sổ về.
Long đảo chúa tủm tỉm cười nói:
-Anh em tại hạ phân phái đệ tử đi nghe tin tức trên chốn giang hồ, nhưng không dám thám thính đến việc riêng bí mật của các vị, mà chỉ thấy những vịêc gì ở đâu thì ghi lại. Bất cứ môn phái hay bang hội nào bị đảo Long Mộc tiêu diệt đều đã làm nên những tội ác tày trời, không thể dung tha được. Các vị thử nghĩ kỹ lại coi có danh môn chính phái hoặc bang hội nào làm điều nghĩa hiệp mà vì chuyện chẳng tiếp nhận thẻ mời rồi bị đảo Long Mộc tiêu diệt không?
Hồi lâu không thấy ai trả lời, Long đảo chúa lại nói:
-Những người mà bọn tại hạ đã sát hại thiệt chẳng một ai là vô tội...
Bây giờ Bạch Tự Tại mới lên tiếng chất vấn:
-Nhiếp lão Quyền- Sư Nhiếp Gia ở thông châu tỉnh Hà Bắc chẳng làm nên tội ác gì cũng bị hai vị hạ sát toàn gia là nghĩa làm sao?
Long đảo chúa lấy ra một cuốn sổ đẩy về phái trước, nói :
-Mời Oai Ðức tiên sinh hãy coi đây!
Cuốn sổ này từ từ bay về phía Bạch Tự Tại.
Bạch Tự Tại toan giơ tay ra đón thì cuốn sổ bay đến trước mặt rồi đột nhiên dừng lại ở trên không một chút rồi rớt thẳng xuống mặt bàn chỉ cách ngón tay lão chừng hai thước.
Bạch Tự Tại nếu không vội vàng vươn tay ra chao một cái đón được cuốn sổ, mà để rớt xuống bàn, đụng vào bát cháo thì thật là mất mặt.
Cuốn sổ cầm vào tay rồi, lão còn cảm thấy khá nặng. Bất giác trong lòng lão ngấm ngầm kinh hãi bụng bảo dạ:
-Thằng cha này liệng cuốn sổ mỏmg dính có mấy trang mà chỉ bay đi rất chậm đủ rõ luồng lực đạo của hắn thật là ghê gớm, muốn liệng xa hay gần theo ý mình được, Trung gian lại còn biết ảo khôn lường. Vậy câu nói: " Cánh hoa bay có thể tấn công bên địch, Một mảnh lá đủ đánh người bị thương" là chuyện có thật.
Thủ kình của thằng cha này mà phóng âm khí thì khó có kẻ đỡ gạt hay né tránh được.
Lão nhìn ngoài bìa cuốn sổ có đề rõ bảy chữ "Hà Bắc Thông Châu Nhiếp Gia Quyền".
Lão mở sổ ra coi thì ngay dòng đầu đã làm cho lão phải kinh hãi.
Hàng đầu ghi:
" Năm giáp thân, tháng năm ngày mùng hai, Nhiếp Tôn Ðài đã gian dâm và giết hai mạng người ở Hắc gia trang hạt Thương Châu."
Hàng thứ hai ghi :
" Năm giáp thân, tháng mười ngày mười bảy, Nhiếp Tôn Hiệp viện một duyên cớ nhỏ mọn để đả thương con cả Lưu Văn Chất ở phủ Tế Nam".
" Ðêm hôm ấy y lại hại sát toàn gia nhà họ lưu mười ba người để bị miệng".
" Nhiếp Tôn -Ðài và Nhiếp Tôn Hiệp đều là coi trai Nhiếp lão Quyền Sư. Nhà này nổi tiếng là nhà hào hiệp trên chốn giang hồ, không ngơ tay làm những điều cực kỳ tàn ác trong bóng tối".
Bạch Tự Tại trầm ngâm một chút rồi nói:
-Những việc này không có gì để đối chứng chẳng hiểu thực giả ra sao. Tại hạ không giám bảo hai vị đảo chúa cố ý phao vụ đẫ giết người vô tội, nhưng e rằng bọn đệ tử mà đảo Long Mộc phải đi các nơi nghe lời người ta đồn không đúng sự thực cũng chưa biết chừng,
Trương Tam liền đứng dậy nói:
-Nếu Oai Ðức tiên sinh không tin thì hãy coi cái này...
Gã nói xong trở gót quay vào nhà trong rồi trở ra liền, Tay phải gã giơ lên, một cuốn sổ mỏng dính liền bay về phía Bạch Tự Tại và còn chừng hai thước thì đột nhiên rớt thẳng xuống, Thủ pháp này cũng đúng hệt như thủ pháp của Long đảo Chúa.
Bạch Tự Tại lần này dĩ nhiên đã chuẩn bị sẵn, lão vươn tay và chụp lấy, Lão mở ra xem thì đây là cuốn nhật ký của Nhiếp Gia. Bạch Tự Tại hồi còn nhỏ đã cùng Nhiếp Gia Quyền Sư đọc sách, nên biết rõ bút tích của Quyền sư. Lão thấy chữ trong cuốn sổ rõ ràng là nét bút của Quyền Sư. Sổ này toàn biên các khoản tiền xuất nhập. Trên trang đầu đã phê hai chữ son: "Ðáng giết".
Trong khoản này nói ngày mồng tám mua tám mươi ba mẫu ruộng ở Chu Gia Thôn, giá tiền bảy mươi lạng.
Bạch Tự Tại bụng bảo dạ:
-Với bảy chục lạng bạc mà mua được tám mươi mẫu ruộng thì đâu có của rẻ thế được? Trong vụ này chắc có sự dùng uy lực cưỡng hiếp người ta phải bán cho.
Lão đọc tiếp xuống dưới lại thấy một khoản nữa và phê hai chữ son "đáng giết".
Khoản này ghi:
"Ngày mười năm thu của quan huyện họ Trương ở Thông Châu một ngân khoản hai ngàn năm trăm lạng".
Bạch Tự Tại nghĩ thầm:
-Nhiếp Lập Nhân nổi tiếng là người nghĩa hiệp sao lại lấy tiền của quan tư. Ðây chắc là y cấu kết với bọn tham quan vô lại để lấn át người lương thiện và làm những việc kinh thiên hại lý,
Bạch Tự Tại lật xuống dưới thì thấy có sáu bảy chục chỗ phê hai chữ "đáng giết". Lão biết hai chữ son này do Trương Tam hay Lý Tứ phê, Bất giác lão gập sổ lại, thở dài nói:
-Biết người biết mặt biết lòng làm sao, Nhiếp Lập Nhân thật là đáng giết. Bữa nay Bạch mỗ thấy cuốn nhật ký này thì dù đảo Long Mộc có nhân nhượng cho y, Bạch mỗ cũng phải giết hết cả nhà.
Lão nói xong đứng lên đi đến trước mặt Trương Tam trả lại cuốn sổ, khen ngợi:
-Thật là đáng phục! Thật là đáng phục!
Rồi lão quay đầu nhìn lại Long, Mộc đảo chúa ra chiều ngưỡng mộ .
Trong lòng lão nghĩ thầm:
-Bọn đồ đệ đảo Long Mộc chẳng những vô công trắc tuyệt mà làm việc rất chu đáo để giữa vững công bằng. Tuy việc "Thưởng thiện" mình chưa hiểu ra sao, nhưng việc "phạt ác" thì thật là chí công. Vậy việc thưởng thiện chắc cũng đích đáng không còn nghi ngờ gì nữa. Bốn chữ thưởng thiện phạt ác quả nhiên danh bất hư truyền. Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn của mình tuy đông người nhưng làm gì có nhân tài được như Trương Tam Lý Tứ? Hỡi ôi! Ba chữ "Ðại Tôn Sư" còn đội trên đầu Bạch Tự Tại này làm sao được? Nghĩ tới càng hổ thẹn.
Long đảo chúa dường như đã đoán ra ý nghĩ của Bạch Tự Tại liền tủm tỉm cười, nói:
-Oai- Ðức tiên sinh hãy ngồi xuống. Tiên sinh ở Tây Vực đã lâu thì những hành động của bọn cầm thú mũ áo vênh vang kia biết thế nào được, đều không có lý nào trách tiên sinh cả.
Bạch Tự Tại lắc đầu trở về chỗ ngồi.
Ðinh Bất Tứ lớn tiếng hỏi:
-Vậy ra Long, Mộc đảo chúa giết người mấy chục ngàn năm nay toàn là hạng đáng tội cả ư?
Việc mới đồng đạo võ lâm đến đây chỉ vì mục đích cùng nhau nghiên cứu võ công thôi chăng?
Long Mộc đảo chúa liền gật đầu đáp:
-Ðúng thế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro