Dao bướm
1.
Vào buổi sáng thứ bảy, có một vụ án mạng, ít nhất thì những người xung quanh cũng nói rằng đó là án mạng, xảy ra trên con đường mà tôi đi làm mỗi ngày.
- Mẹ nó ghê lắm, đừng có vào nhìn.- Một người đàn ông lách đám đông bước ra nói với giọng oang oang đầy tự hào.- Thằng đầu trọc lớn như hộ pháp mà bị đâm nát hết cái lưng, con dao đâm nó còn nằm kế bên cái xác, gớm quá...
Nói rồi ông ta nhổ nước bọt xuống lề đường, những người xung quanh chăm chú lắng nghe. Vài người nghe xong dường như hạ quyết tâm phải chen vào nhìn cho bằng được mặc kệ lời cảnh báo.
Trong lúc luồn lách thoát khỏi những chiếc xe đậu chật kín cả làn đường, theo bản năng tôi rướn người lên, cố nhìn qua những cái đầu lô nhô đang đội mũ bảo hiểm. Đầu trọc, lớn con? Trong đầu hiện ra một liên tưởng khién tôi nhếch mép.
Mặc cho tiếng kêu gào giải tán của mấy ông dân quân già mệt mỏi, dòng người tụ tập lại mỗi lúc một đông hơn, trong một thoáng, dường như tất cả mọi người đều quyết định sẽ gạt hết công ăn việc làm qua một bên, cố chen chúc vào để xem cái xác của một con người xa lạ bị phơi bày trần trụi giữa thanh thiên bạch nhật. Vài người xung quanh tôi đã mở điện thoại ở chế độ quay phim, nhưng họ chẳng quay được gì ngoài lưng của vô số người khác.
Dù chẳng thấy được gì gay cấn, nhưng bầu không khí ồn ào và sôi nổi xung quanh vẫn khiến tôi hồi hộp. Tôi bỗng nghĩ đến thứ hung khí mình đang nhét trong cốp xe mình, một con dao bướm đã mua từ lâu, nằm chung với mớ cờ lê, tua vít trong một cái bọc nhựa màu đen có nắp đậy. Vụ giết người ngoài phố và con dao của tôi, cả hai chẳng có gì liên quan đến nhau; nhưng trong khoảnh khắc ấy, dường như giữa chúng có một mối liên hệ nào đó. Nếu giờ có ai ở đây biết tôi mang theo một con dao trong cốp xe thì họ sẽ nghĩ thế nào?
Sau chừng năm phút nỗ lực nghe ngóng không có kết quả, tôi lách xe qua một khoảng trống rồi vít ga, trong khi mắt vẫn lưu luyến nhìn vào kính chiếu hậu.
- Hồi sáng mày có thấy cái vụ án mạng ở trên đường đi làm không?- Dũng hỏi tôi trong giờ ăn trưa, chẳng đợi tôi mời anh đã ngồi xuống ghế đối diện.
Tôi ngước lên nhìn anh ta một chút rồi lại cúi xuống phần ăn của mình, dù đôi mắt vẫn nằm lại ở bàn tay của Dũng đang hí hoáy muỗng và đũa. Những ngón tay ốm đói của anh ta khi tách riêng ra mang dáng vẻ thật kỳ lạ, chúng như những con trùng quái dị trồi ra từ một mẫu gỗ cằn cỗi gân guốc, lần mò rồi bất ngờ siết chặt lấy con mồi.
- Án mạng hả?- Tôi hỏi lại, chả hiểu sao phải giả vờ ngây thơ.- Lúc đó em không biết, chỉ thấy cả đống người tụ lại, đường thì tắc. Chật vật lắm mới thoát ra được.
- Ừm.- Dũng gật đầu, anh ta dùng đũa chọc chọc vào cái trứng kho rồi tách nó ra thành hai phần lởm chởm.- Lúc vừa chạy tới anh có nghe vài người nói là có án mạng nên mới dừng lại xem.- Dũng nhún vai.- Thành ra sáng nay tới trễ hơn nửa tiếng đồng hồ. Cái tính nhiều chuyện đúng là không bỏ được.
Dũng than vãn nhưng lại chẳng có vẻ gì là bực bội, trái lại anh ta dường như còn khoái chí vì đã được chứng kiến một cái gì đó gay cấn, rồi sau đó tường thuật cho người khác nghe mà ở đây là tôi.
- Mày đứng ngay đó mà không nghe ai nói gì hả?- Dũng liếc nhìn tôi trong khi xúc một muỗng cơm đầy rồi nhét vào miệng.
- Em có nghe loáng thoáng nhưng không để ý lắm...- Tôi trả lời, với một khoảng ngắc ngứ hơi lâu hơn mức bình thường.
- Vậy hả?
Dũng chưa kịp nói hết câu thì một người đông nghiệp khác cũng ngồi xuống cạnh tôi. Hắn vỗ vào vai Dũng một cách thân thiện, hỏi vài chi tiết về công việc buổi sáng. Cả hai trò chuyện rôm rả trong khi tôi cặm cụi ăn, chẳng ai nhắc gì đến vụ án mạng lúc sáng nữa.
Tôi nhai và nuốt tuần tự, thỉnh thoảng lại nhìn hai bàn tay của Dũng, chúng khua khoắng nhiệt tình, phụ hoạ từng từ ngữ của chủ nhân.
2.
Tôi ngồi ăn tối với vợ, Uyên vừa ăn vừa thúc giục thằng nhóc tám tuổi nhà tôi ăn hết phần rau của mình. Bữa ăn nào cũng là sự lặp lại của khung cảnh này, thằng nhóc mè nheo với khuôn mặt khó chịu, viện đủ mỗi lý do trên đời để trì hoãn ăn rau, đôi khi còn khóc lóc; vợ tôi thì kết hợp dỗ ngọt và năn nỉ, đôi khi dùng biện pháp trừng phạt nếu hết kiên nhẫn. Chẳng biết từ bao giờ các bữa ăn đã tràn ngập nước mắt và những lời ỉ ôi.
- Con không thích món này! Con ghét Cà rốt!- Thằng nhóc lớn tiếng khẳng định, mặt mày giận dữ, cố gắng nhăn nhó quá mức như cách bọn trẻ con vẫn thường hay làm để thể hiện quan điểm.
- Nhưng con phải ăn rau củ mới khoẻ mạnh được!- Uyên kiên nhẫn nhắc lại, một nếp nhăn mờ đã xuất hiện giữa trán, hệt như mây xám dần kéo tới báo hiệu cho bão tố vậy.- Ba mẹ ăn được thì con ăn được, có sao đâu!
Tôi chép miệng buông đũa, có tiếng bước chân ai đó vang vọng trên hành lang chung cư, khung cửa sổ trước mắt óng ánh những dãy sáng vàng nhợt nhạt từ con đường phía dưới hắt lên, rung rinh và mờ đục vài làn khói mảnh. Sự tĩnh lặng hôm nay có gì đó thật khác thường, chỉ khi có tiếng chân bước trên hành lang tôi mới nhận ra, giống như có gì đó bị mất đi vậy, một thứ gì đó quen thuộc đến mức đã trở thành hiển nhiên. Tôi nhìn hai mẹ con, cảm giác ngán ngẩm mọi khi lại đến, rồi thật nhanh chóng sự ngán ngẩm ấy lại khiến tôi trở nên khó chịu và bực bội vì bản thân đã thấy ngán ngẩm.
- Con đã không muốn ăn thì em ép nó làm gì?- Tôi thốt lên, câu nói thoát ra từ kẽ răng nghiến lại trong vô thức.
Uyên há miệng định nói gì đó nhưng lại mím chặt môi lại, thằng nhóc cũng im lặng. Tôi cảm thấy nó đang lén liếc nhìn mình, cố gắng dò xét cảm xúc trên gương mặt tôi. Có lẽ hai mẹ con đều sợ một hành động bộc phát từ tôi, mà tôi đã từng làm gì mạnh bạo đâu, đôi khi chỉ hơi lớn tiếng một chút. Nhưng gần đây tôi cũng đã cố gắng kềm chế lắm rồi còn gì.
Thở ra một hơi, tôi đứng dậy thu dọn chén đũa của mình rồi lên phòng khách ngồi châm một điếu thuốc. Rít một hơi dài, tôi nhắm mắt lại và nhả khói chậm rãi. Sau một khoảng im lặng vài phút, có tiếng khóc thút thít phát ra từ bàn ăn dưới bếp.
Trong bóng tối của đáy mắt, tiếng khóc ấy nghe như âm thanh một con chó đang rên rỉ trong đau đớn, một con chó nhỏ...
- Khi nãy con có ăn hết cà rốt không em?- Tôi hỏi vợ trong khi rửa chén.
- Có anh, anh nói thì nó mới chịu ăn.- Cô ngồi ở bàn ăn với ly trà mật ong toả khói, vừa nói vừa cầm điện thoại nhắn tin.Thằng nhóc thì đang ngồi tại phòng khách xem tivi.- Tuổi nó bây giờ đang muốn chứng tỏ quan điểm nên hay cãi lời lắm, với nó cũng nhạy lắm, nên mình phải...
- Trong giai đoạn từ sáu tới mười một tuổi thì cha mẹ phải là hình mẫu để con cái noi theo phải không?- Tôi lên tiếng cắt lời Uyên.
Cô im lặng không nói gì, đó là những điều mà tôi đọc được trong mớ sách nuôi dạy con mà Uyên mua về. Những trang quan trọng được cẩn thận đánh dấu, các dòng thiết yếu được tô đậm.
Có phải Uyên muốn nhắc nhở về cách mà tôi nói chuyện với con lúc nãy?
Mà vào tuổi nó thì tôi như thế nào nhỉ? Tôi chợt nhớ đến một lần lúc sáu tuổi thì phải, trong khi làm bài tập về nhà tôi quẳng cây bút máy xuống đất vì bực bội chuyện gì đó. Mực từ trong cây bút bắn ra ngoài và văng vào mặt mẹ tôi, người đang đứng gần đó. Mẹ giật mình kêu lên một tiếng thất thanh, cha tôi từ dưới nhà chạy lên. Không cần hỏi han gì, ông ngay lập tức tiến tới và vung tay vả vào mặt tôi một phát, cú vả mạnh tới nỗi khiến đầu tôi đập vào bức tường. Phải mất vài giây sau tôi mới thấy đau khi má và đầu sưng to lên, nhưng nỗi khiến tôi không dám kêu khóc. Mẹ vội vàng can ngăn cha lại trước khi ông kịp làm thêm điều gì khác.
Đôi khi tôi vẫn nhớ về đôi mắt của cha lúc đó, một sự cuồng nộ dường như chỉ chực chờ để bộc phát, đôi khi tôi nhìn thấy nó trong gương mỗi buổi sáng thứ dậy và mỗi buổi tối trước khi đi ngủ...
- Hình mẫu, hình mẫu.- Tôi lầm bầm một cách khó chịu.- À mà hôm nay lúc đi làm anh thấy có vụ án mạng, nghe người ta nói vậy. Thiên hạ bâu lại xem làm tắc hết đường, chết chóc có gì hay ho đâu mà cứ đứng lại nhìn...
Giọng tôi nhỏ dần, càng về cuối lại càng mất tự nhiên. Chuyện lúc sáng lại hiện ra trong đầu, con dao bướm và vụ án mạng.
- Em cũng thấy trên tin tức, ghê quá!- Uyên thốt lên.- Mà người chết lại là hàng xóm của mình.
- Vậy hả?- Tôi giật thót người không hiểu vì sao. Vội vã buông cái tô đang cầm trên tay xuống rồi quay qua nhìn vợ.- Ai vậy em?
- Thì cái ông đầu trọc lớn con cách mình hai căn đó! Khi đưa tin thì họ giấu tên rồi, mà vợ ông ta mới kể cho em hồi chiều. Tội nghiệp, con nhỏ hoảng quá. Mất cả buổi trời làm việc với công an, mà phải hai ngày nữa nó mới nhận được xác.- Uyên thở dài một hơi, giọng buồn bã. Tính ra mình mới gặp ông ta tối hôm qua mà giờ đã chết rồi...
- Thì ra là vậy nên nãy giờ mới thấy yên tĩnh quá!- Tôi bất giác thốt lên mà không suy nghĩ gì.
Uyên chau mày liếc nhìn tôi với vẻ không hài lòng vì câu nói quá vô tâm.
Mỗi cuối tuần gã đầu trọc thường kéo đám bạn của hắn về, một lũ xăm trổ bặm trợn, ăn nói ồn ào cũng y như hắn. Cả đám nhậu nhẹt và hát karaoke đôi khi tới tận khuya khiến các căn hộ xung quanh không ai ngủ được. Vài lần tôi gọi điện than phiền với quản lý chung cư, nhưng khi bảo vệ lên nhắc nhở thì hắn chửi lại bằng những câu nghe rất khốn nạn, thậm chí còn doạ đánh ông ta.
Sống trong chung cư này đa số đều là các gia đình công chức, chỉ có hắn là khác biệt, một kẻ sặc mùi chợ búa và đường phố. Người ta nói hắn là dân cho vay, chuyên đòi nợ mướn hay bảo kê gì đó, chẳng ai biết thực hư thế nào. Rất nhiều người bực mình vì sự có mặt của hắn ở đây, chỉ muốn hắn biến đi cho khuất mắt hay ít nhất là sống biết điều hơn. Nhưng vì dáng vẻ nguy hiểm và hành vi côn đồ của hắn nên các gia đình xung quanh đều im lặng, không ai dám lên tiếng hay làm gì.
Và giờ thì hắn đã chết, bị ai đó đâm nát cả cái lưng. Cũng đáng kiếp, do hắn cả thôi! Ý nghĩ ấy khiến tôi thấy thoả mãn, trong một thoáng tôi thầm ước chính mình là người ra tay nữa kìa.
3.
Thật ra cũng vì hắn nên tôi mới có con dao. Đôi khi, tôi chạm mặt hắn ở bãi giữ xe, lúc thì một mình lúc thì với vợ con. Gã đàn ông bặm trợn ấy cưỡi một chiếc motor phân khối lớn, lúc nào cũng mặc áo khoác da cộc tay, khoe những hình xăm vặn vện của mình và khuôn mặt thì như sẵn sàng giở trò đồi bại với bất kỳ ai.
Thấy tôi, hắn sẽ khẽ nhếch cặp môi dày và thâm lên rồi nói với giọng hồ hởi nghe rất giả tạo.
- Chào ông anh, nay đi đâu vậy?
Lần nào tôi cũng nhìn vào đôi mắt một mí và xếch lên như diều hâu của hắn trong một giây rồi vội vã quay đi chỗ khác, cứ như ánh mắt hắn đang thiêu đốt cái gì đó bên trong tôi; khiến nó trở nên đỏ rực, bỏng rát và đau đớn không cách nào chịu được. Tôi luôn có cảm giác là hắn biết thừa chính tôi là người đã gọi điện báo ban quản lý, nhưng thay vì chửi rủa thẳng mặt thì hắn lại trêu chọc sự yếu thế của tôi. Chính vì vậy mà lần nào hắn cũng tìm cách bắt chuyện khi cả hai tình cờ gặp nhau.
- Thì đi lòng vòng thôi mà!- Tôi sẽ trả lời những câu nghe sáo rỗng như vậy.
Nếu có Uyên ở đó, hắn sẽ liếc nhìn cô một cách tục tĩu trong khi đảo mắt về phía tôi, cứ như cả hai chúng tôi đều cùng một giuộc với nhau.
- Cô em càng ngày càng xinh đó!- Hắn nói nhỏ.
- Dạ, dạ có gì đâu anh.
- Đúng là gái một con trông mòn con mắt.- Hắn cười cười.- Ông anh may mắn quá!
Lời khen của hắn khiến tôi điên tiết nhưng vẫn phải gượng cười rồi vội vã giục Uyên lên xe. Lần nào gặp hắn xong tôi cũng tự rủa bản thân sao chẳng bao giờ dám đối mặt với hắn.
- Cùng lắm là vô bệnh viên nằm mấy ngày, sợ quái gì không biết!- Tôi lầm bầm.
- Anh nói gì?- Uyên hỏi khi vòng tay ôm hờ eo tôi.
- À không, không có gì đâu em.
Có một lần tôi kể về hắn với đứa em họ, nó nghe xong thì gật gù thông cảm.
- Mấy thằng như vậy ưa bắt nạt người khác lắm, tụi này em gặp hoài.- Tôi nhìn nó, tự hỏi là nó hay gặp phải bọn bắt nạt hay chính nó mới là bọn bắt nạt.- Tại anh không chịu cứng với nó thôi, anh cứng một lần là nó co vòi liền.
- Nó lớn con lắm, chắc hơn tao cái đầu.- Tôi nói thêm để chống chế.- Anh mày cũng không ngán thằng nào đâu, đụng tới vợ con tao đi thì biết! Nhưng mà cũng sợ quá trớn hay có chuyện gì chứ, hạng như nó chết cũng không sao. Nhưng anh có chuyện gì thì vợ con ai lo?
Nó chép miệng cười khùng khục.
- Thì em có kêu anh làm gì đâu, chỉ là doạ chút thôi.- Dừng lại một chút nó nhún vai.- Doạ cho nó sợ rồi nó sẽ để anh yên, em bảo đảm! Quan trọng là lấy gì để doạ.
Nói rồi nó đút tay vào trong túi quần lôi ra một con dao rồi đặt lên bàn.
- Anh cứ giữ lấy cái này, nó hay bắt chuyện với anh ở trong bãi giữ xe thì anh để con dao trong cốp xe, mấy cái xe mua về hay được tặng kèm cái túi đồ nghề sửa xe, anh cứ nhét con dao trong đó rồi đóng nắp túi lại. Có bị kiểm tra thì cũng ít khi nào công an mở túi ra lắm, chỉ giở cốp lên rồi nhìn sơ qua thôi. Mà như anh thì không ai nghi ngờ gì để phải kiểm tra kỹ đâu, nhiều khi còn không thèm kiểm tra nữa là!
Tôi cầm con dao lên, nó nằm gọn trong lòng bàn tay, cán cong bằng thép không rỉ có ốp vài mẩu nhựa đủ màu như cầu vòng.
- Có cái chốt bên dưới, anh mở ra... Đưa em làm cho.- Nó cầm lầy con dao, vặn chốt đẩy cái cán ra rồi đưa cho tôi.
Cán dao mỏng và cong, lưỡi của nó bén ngót và nhọn hoắc tựa như móng của một con chim ưng. Cũng như những miếng nhựa ốp, lưỡi dao được phủ một lớp sơn màu mè, lấp lánh dưới ánh sáng. Một thứ hung khí hiểm độc và nguy hiểm với bề ngoài sặc sỡ.
- Em không kêu anh phải làm gì nó, mấy thằng đó cũng không đáng phải ra tay.- Nó cúi người xuống thì thầm.- Nhưng anh cứ giữ dao trong cốp, nó có làm gì quá đáng thì mình lấy ra hù thôi. Nó mà lải nhải chuyện vớ vẩn, anh cứ giả bộ ừ ừ rồi giở cốp xe ra, âm thầm lấy con dao quay lại chỉa vào mặt nó. Cứ hỏi lại nó "Giờ mày muốn gì?"
Tôi ngần ngừ, săm soi con dao trong tay dưới những góc độ khác nhau. Trước giờ tôi chưa từng có cơ hội để lưu giữ một món vũ khí như thế này, lại càng không có ý định mua về dùng. Nhưng quả thật con dao mang lại cảm giác quyền lực đặc biệt, nó khác hẳn với việc cầm một con dao làm bếp để cắt cà chua hay dao rọc giấy để chuốt bút chì.
Như thể đọc được ý nghĩ của tôi, thằng em họ nói thêm.
- Thậm chí anh không cần lấy ra, chỉ giữ con dao trong cốp thôi cũng thêm tự tin rồi cho mình rồi.- Nó mỉm cười, giọng dỗ ngọt.- Thời buổi bây giờ nguy hiểm, cướp giật chỗ nào cũng có, cứ thủ sẵn cho chắc ăn. Cái này nhỏ gọn dễ cất lại tiện dùng...
Tôi chép miệng gật gù.
- Rồi, anh mượn mày vài bữa sẽ trả.
- Anh cứ giữ luôn đi! Em còn hai con nữa, không lo thiếu.- Nó nháy mắt.
- Mà mày có khi nào xài con dao này chưa?- Tôi hỏi trong khi gấp dao lại như cũ.
Nó nhún vai, rồi đảo mắt một vòng với vẻ tinh ranh.
- Lâu lâu lấy ra gọt trái cây cho người yêu thôi, dao đẹp vậy ai nỡ xài.
Em họ tôi đá lông nheo, có lẽ nó cũng nói đúng y như vậy với người yêu mỗi lần được hỏi về mấy con dao của mình.
4.
Và thế là tôi giữ con dao trong cốp xe từ đó, cất giấu ở đúng chỗ thằng em họ dặn mình. Tới giờ có lẽ đã được nửa năm hơn rồi, quả thật đôi khi nghĩ đến con dao khiến tôi tự tin hơn hẳn, em họ tôi chắc là có nhiều kinh nghiệm trong chuyện này.
Tôi giữ con dao để doạ tên đầu trọc, giờ thì hắn đã chết, bị dao của ai đó đâm sau lưng cả chục nhát. Thế là hắn chẳng thể làm ồn nữa và giờ tất cả mọi người đều được yên tĩnh.
Duỗi người ra thoải mái trên chiếc sopha, tôi ngồi nghĩ về tất cả những điều đó. Thằng nhóc đã đi ngủ từ nửa tiếng trước, Uyên thì vừa vào phòng nằm. Căn hộ dường như chỉ còn lại mình tôi. Sự trống vắng dường như cũng mang sức nặng của riêng nó, thiếu đi tiếng ồn quen thuộc vào buổi tối cuối tuần tôi bỗng thấy bức bối một cách lạ lùng. Cảm giác hồi hộp hệt như sáng nay, lúc cố rướn người lên để nhìn cho được vụ án mạng.
Mở điện thoại ra, tôi tìm kiếm tin tức về vụ án mạng buổi sáng. Tôi cần biết thiên hạ viết gì về hắn, có ảnh chụp thì càng tốt, tôi muốn thấy hắn chết! Chẳng mấy khó khăn tôi đã tìm ra hàng chục bài viết về vụ án, các "phóng viên mạng" còn tận tình cung cấp clip và ảnh ngay tại hiện trường. Nhưng tôi mau chóng thất vọng khi tất cả đều bị làm mờ, từ cái xác đến hung khí gây án. Hệ thống kiểm duyệt tự động sẽ xoá mọi bài viết có hình ảnh bạo lực đẫm máu, thậm chí tài khoản còn có nguy cơ bị khoá vĩnh viễn. Chẳng ai dám làm liều đưa tin chân thật để rồi bị trừng phạt cả.
Sau khi lướt qua vài tin tức vô thưởng vô phạt khác, tôi buông điện thoại xuống và nhắm mắt lại.
- Ngày mai mình sẽ đem con dao trả lại nó.- Tôi thì thầm với chính mình.- Mà thôi, đem chôn luôn cho xong.
5.
Một lúc sau, tôi chìm vào giấc ngủ. Trong mơ, tôi nhớ lại một ký ức xảy ra từ rất lâu về trước và tưởng chừng đã bị quên lãng. Khi đó tôi đang học lớp sáu, ở cạnh nhà tôi thời ấy có một thằng nhóc hàng xóm trạc tuổi. Chúng tôi học khác trường nhau, nó học một trường điểm nào đó ở tận trung tâm thành phố. Đó là một thằng nhóc có thân hình nhỏ bé, đôi mắt lồi ra sau cặp kính dày cộm. Chiều nào tôi đi học về nó cũng giở trò chọc phá, sở thích của nó rất tai quái, nó hay dẫn con chó Nhật xấu xí và hung dữ của mình ra để doạ tôi. Thằng nhóc dồn tôi vào góc, tay nắm chặt sợi xích, tính toán vừa đủ để con chó chồm tới sát chứ không cắn được tôi. Con chó Nhật nhe nanh ra, sủa điên cuồng với những cú táp liên tục vào không khí. Dù con chó Nhật nhỏ xíu, nhưng với một thằng nhóc mười một tuổi thì như vậy cũng đủ để sợ chết khiếp rồi.
Tôi chỉ biết gào khóc trong vô vọng vì mẹ đang bận nấu ăn còn cha thì chưa đi làm về. Vài lần, tôi rình khi nó không dẫn chó theo thì xông lên đánh cho hả giận, thằng nhóc sẽ gào khóc thật lớn rồi chạy về nói về gia đình mình. Cha mẹ nó lúc nào cũng bênh vực con bất kể chuyện gì, mẹ nó kể với mẹ tôi, mẹ tôi lôi tôi về rồi kể với cha tôi, thế là tôi được ăn một trận đòn bất kể nguyên nhân xung đột giữa cả hai là gì.
Vào một đêm nọ, tôi giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm. Bỗng nhiên một ý tưởng cứ lớn dần lên trong đầu tôi, ý tưởng ấy đã có từ lâu nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ đến việc sẽ thực hiện. Thế nhưng vào đêm ấy, không hiểu vì sao tôi lại nghĩ cần phải làm cho được bằng mọi giá.
Thế là tôi ra khỏi giường, rón rén xuống bếp, lần mò trong bóng tối lấy con dao gọt trái cây của mẹ. Tôi lục nồi thức ăn còn thừa từ buổi tối, lấy ra một miệng thịt lớn. Cầm chắc con dao trong tay, tay kia giữ miếng thịt; tôi dùng chìa khoá mở cửa và đi ra khỏi nhà. Tôi lang thang một mình trong bóng tối, dưới những ngọn đèn đường ảo não với con dao trong tay. Hôm ấy là đêm rằm, ánh trăng xuyên qua những làn mây móng như khói, nhuộm mặt đường và những cái cây trong sắc bạc ma mị. Tôi ngước lên, ngẩn người ngắm trăng một lúc rồi đi tiếp, nhìn cái bóng của mình méo mó dần qua mỗi bước chân, thấy bình tĩnh một cách lạ thường.
Băng qua con đường vắng tanh, tôi đứng trước những chấn song hàng rào nhà thằng nhóc mình thù ghét. Con chó của nó có một cái chuồng bằng gỗ đặt ở sân trước, cái chuồng mà thằng nhóc thi thoảng vẫn tự hào khoe với tôi là nhìn y như trong các bộ phim.
Ngồi xuống, tôi chắc lưỡi gọi con chó của nó. Sau vài tiếng chắc lưỡi con chó đứng dậy và bắt đầu sủa. Đặt con dao xuống, tôi xé thịt ra những mẩu nhỏ và quẳng một mẫu vào bên trong sân nhà nó. Con cho chạy lại ngửi ngửi vài cái rồi ăn lấy ăn để.
Bằng cách đó, tôi dụ con chó ra khỏi hàng rào bằng những mẩu thịt. Mẩu thịt cuối cùng, tôi cầm trên tay và giơ ra trước mắt nó. Con chó nghiêng đầu nhìn bàn tay tôi, nhanh chóng vẫy đuôi chạy lại. Một tay thả mẩu thịt xuống giữa hai chân, tay kia tôi siết chặt cán con dao.
Và tôi cắt cổ con chó!
Con chó thậm chí còn không kịp kêu lên, nó đổ người xuống rên hừ hừ vài tiếng đau đớn, máu từ vết thương chảy xuống lề đường, long lanh như thuỷ ngân khi được ánh trăng chiếu vào. Lùi lại để máu không dây vào mình, tôi ngồi đó, im lặng nhìn thân hình con chó co giật rồi cuối cùng là đông cứng lại.
Nó đã chết, đơn giản và gọn ghẽ.
Tôi chép miệng đứng dậy đi tới khoảng đất bỏ hoang gần nhà, dùng tay đào một cái hố nhỏ và chôn con dao xuống và lấp đất lại. Xong việc tôi về nhà, cẩn thận rửa ráy tay chân cho sạch sẽ ở cái vòi nước tại sân sau. Tôi nhận ra là mình đã bị đứt tay, có lẽ là khi mò lấy con dao trong bếp, vậy mà tôi chẳng hề thấy đau cho tới khi dòng nước lạnh lẽo chạm vào da thịt mình.
Khoá cửa lại, tôi đặt chùm chìa khoá về đúng vị trí ban đầu và leo lên giường nhắm chặt mắt lại. Không hề nghĩ gì sau đó, tôi ngủ một giấc thật ngon lành!
6.
Tôi giật mình thức dậy, mồ hôi vã ra như tấm. Giấc mơ về chuyện xưa cũ khiến tôi tim đập như muốn vỡ tung trong lồng ngực. Tôi nhìn đồng hồ trên tường, đã gần nửa đêm.
- Mình cần phải vứt nó ngay lập tức!- Tôi lầm bầm nhét chùm chìa khoá xe vào túi quần.
Hớt hải đi ra khỏi căn hộ, tôi bước nhanh tới thang máy và bấm thẳng xuống bãi giữ xe. Thang máy di chuyển chậm chạp. Tôi nhìn những con số giảm dần trên bảng điện tử, sốt ruột cắn môi. Dù chuyện trong quá khứ và hiện tại chẳng hề liên quan gì đến nhau, nhưng chúng vẫn khiến tôi cảm thấy lo sợ. Nhưng tôi sợ cái gì mới được chứ?
Một cơn cuồng nộ chỉ chực chờ để bộc phát!
"Cha mẹ phải là hình mẫu cho con..." Những trang được tô màu trong sách của Uyên hiện ra trong đầu.
Tôi bước đi giữa những hàng xe. Xe tôi nằm trong góc, cạnh bên vẫn đậu chiếc phân khối lớn của gã đầu trọc. Luồn chìa khoá vào ổ, tôi giở cốp lên và lấy túi dụng cụ ra.
Nhưng con dao không có ở trong đó!
- Cái quái gì vậy...- Tôi thì thầm.
Tôi kiểm tra lại một lần nữa, vẫn chẳng có gì. Tôi lục tung cốp xe lên, giở chiếc áo mưa ra, kiểm tra từng ngóc ngách một. Vẫn không có!
- Nếu nó không có ở đây thì nó ở đâu?- Tôi tiếp tục tự độc thoại.
Rồi hình ảnh của vụ án mạng hiện ra trong đầu. Nhưng không thể nào như vậy được, mọi thứ quá vô lý! Buổi tối hôm qua tôi chở vợ con đi công viên, chúng tôi xuống bãi giữ xe và chạm mặt tên đầu trọc. Nhưng chuyện vẫn như mọi khi, hắn trêu chọc vài câu rồi thôi, chẳng có gì khác thường cả.
Chẳng có gì hết!
Nhưng mà chính tôi cũng đã lãng quên chuyện mình giết con chó của thằng nhóc hàng xóm đó thôi. Thậm chí tôi còn lãng quên cả thằng nhóc ấy, xoá sạch nó trong ký ức như chưa bao giờ từng tồn tại, như thể chưa ai từng khiến cho tôi gào khóc trong khiếp sợ...
Nhưng chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi, làm sao tôi có thể nhớ hết mọi chi tiết xảy ra trong đời mình!
Chẳng biết làm gì hơn, tôi thở ra một hơi, thu dọn lại mọi thứ trong cốp xe rồi lên thang máy trở về căn hộ của mình. Tôi lên giường, nằm xuống cạnh Uyên nhưng lần này chẳng thể nào ngủ được...
7.
- Hôm nay mày bị sao vậy cả ngày cứ ngẩn người ra.- Dũng hỏi tôi khi sắp tới giờ nghỉ trưa.- Mà sắc mặt mày nhìn tệ quá, bệnh hay gì vậy?
- Em hơi mệt chút thôi.- Tôi mỉm cười nhợt nhạt.- Mấy ngày nay em không ngủ được.
Tôi đã dành cả ngày cuối tuần để điểm đi điểm lại mọi sự việc trong đầu, dù có thế nào đi nữa thì cũng không giải thích được sự biến mất bí ẩn của con dao. Từ khi giữ nó tới giờ, chưa lần nào tôi dùng dao hù doạ ai, cũng không sử dụng vào việc gì khác. Chỉ đôi khi lôi ra ngắm nghía một chút rồi lại cất vào, nhưng những lúc đó tôi cũng rất cẩn thận không để cho ai thấy. Tôi cố nghĩ xem lần cuối cùng mình nhìn thấy con dao trong cốp xe là khi nào, nhưng chẳng cách nào nhớ chính xác được.
Tôi cũng cập nhật tình hình vụ án mạng rất sát sao, dù chẳng có gì nhiều để đọc. Nó nhanh chóng rơi vào quên lãng khi hàng tá chuyện khác xảy ra, một cái chết đơn lẻ chẳng hề quan trọng trong thế giới này. Nhưng có vẻ việc điều tra không có tiến triển gì, xác của tên đầu trọc vẫn chưa được trả về. Vợ của hắn qua nhà tôi khóc lóc ỉ ôi cả ngày với Uyên.
Đang suy nghĩ thì thoại rung lên trong túi, tôi mở ra xem, là số của Uyên.
- Lát anh chạy về nhà một chút được không?- Giọng cô lạnh lùng.- Em có chuyện gấp phải nói với anh, chuyện này không trì hoãn được. Anh về nửa tiếng thôi cũng được.
- Em có việc phải chạy về nhà cái.- Tôi nói với Dũng.- Có gì anh báo sếp dùm em, vợ em nói có chuyện ở nhà...
Khi tôi bước vào căn hộ thì Uyên đang ngồi ở bàn ăn dưới bếp, cô ngước nhìn tôi với gương mặt vô cảm và tôi hiểu rằng nó biểu thị cho sự giận dữ và thất vọng cực độ. Uyên chỉ tay vào một vật nằm trên bàn.
- Anh có biết đây là cái gì không?
Tôi nhìn con dao bướm đang được gấp lại, cán dao cong bằng thép không gỉ sáng bóng, có ép thêm những miếng nhựa sặc sỡ như cầu vồng.
- Cái này, cái này...- Tôi lắp bắp.- Làm sao em...
- Cô giáo tìm ra cái này trong hộc bàn của con mình đó!- Uyên nói giọng đều đều.- Rồi cô gọi nó lên văn phòng làm việc riêng với cả ban giám hiệu. Nó nói là lấy con dao này trong cốp xe của ba và để trong hộc bàn được nửa tháng nay rồi!
- Không phải là anh cố ý đâu, anh...
- AI CẦN BIẾT LÀ ANH CÓ CỐ Ý HAY KHÔNG?- Uyên bất giác gào lên, mặt cô đỏ bừng.- Anh nghĩ sao mà đem bỏ cái thứ này vào trong cốp xe hả? Anh tính làm gì với nó? Anh tính đâm ai? ANH TÍNH ĐÂM AI? Hôm trước anh còn nói là cha mẹ phải là hình mẫu cho con, anh làm hình mẫu kiểu này hả?
Tôi nhìn con dao trên bàn, nhìn gương mặt Uyên rồi nuốt nước bọt.
- Nhưng nó đem dao vào trường để làm gì chứ?- Tôi thì thầm giọng bất lực.
- Em không biết!- Quyên gắt.- Em có hỏi mà nó không nói.
- Vậy nó nói sao?
- Nó không nói gì hết! Không nói một lời nào về chuyện vì sao nó lại đem dao theo và bỏ trong hộc bàn!- Uyên tiếp tục đay nghiến.- Anh không biết là em đã phải năn nỉ ban giám hiệu thế nào để người ta không đình chỉ con mình đâu. Anh nghĩ thử ở tuổi của nó mà bị đình chỉ một tuần thôi là ảnh hưởng sẽ lớn như thế nào? May là chưa đứa nào trong lớp thấy nó có dao, cũng may là con mình trước giờ ngoan ngoãn, lại có thứ hạng cao trong lớp...
- Anh xin lỗi...
Tôi ngồi xuống cạnh Uyên, chà sát hai bàn tay vào mặt cho tới khi cả khuôn mặt nóng bừng lên.
- Anh chỉ giữ nó để tự vệ thôi... để doạ cái thằng đầu trọc...- Tôi nói tới giữa chừng rồi im bặt.
- Ông ta chết anh thấy vui lắm phải không?- Uyên nhìn tôi ánh mắt sắc lẻm.
Tôi im lặng, chúng tôi nhìn vào mắt nhau một lúc. Rồi cô thở dài một hơi, giọng nói dịu lại đôi chút.
- Em không quan tâm anh làm gì với ai, miễn sao là đừng ảnh hưởng tới gia đình mình. Không phải em không biết anh nghĩ gì, chỉ là em không muốn biết thôi! Nhưng anh làm gì cũng phải để ý, đừng cho con biết những thứ nó không nên biết, em nói rồi nó nhạy lắm...
- Anh hiểu.- Tôi nói nhỏ.
Uyên cúi xuống nhìn con dao trên bàn.
- Còn cái thứ này, anh đem đi đâu thì đem cho khuất mắt em! Em không muốn thấy nó trong cái nhà này nữa, em cũng không muốn thấy nó trong cốp xe anh hay bất cứ đâu! Em không muốn ai nhắc gì về nó nữa! Anh hiểu không?
- Anh hiểu...
- Giờ em phải quay lại chỗ làm đây!
- Em đi cẩn thận nhé.
Không nói lời nào, Uyên đi ra khỏi nhà và đóng sầm cửa lại.
Trên đường quay lại công ty, tôi vứt con dao xuống sông.
8.
Buổi ăn tối hôm ấy diễn ra trong tĩnh lặng, cả ba chúng tôi không ai nói gì với nhau. Uyên cặm cụi gắp từng mẩu xương cá ra cho thằng nhóc rồi bỏ vào chén của nó. Thằng nhóc ăn uống rất ngoan ngoãn, dù mọi khi vẫn chê ỏng eo món cá và chẳng bao giờ chịu động tới đậu đũa xào. Tôi thì nhìn về phía trước, vẫn là khung cửa sổ với dãy ánh sáng vàng vọt, luễnh loãng sương khói mờ ảo. Sao trước giờ tôi chưa từng chú ý tới nó nhỉ?
Rồi một âm thanh vang lên, tiếng khúc khích nho nhỏ phát ra từ Uyên. Cô cúi gặp người xuống, hai vai rung lên, bàn tay nắm chặt đôi đũa.
- Sao vậy em?- Tôi hỏi.
Uyên lắc đầu, cơn rung từ hai vai đã chuyển tới toàn thân. Và rồi Uyên phá ra cười, cô cười giòn giã thoải mái, miệng há thật lớn, hai tay ôm lấy khuôn mặt nhăn nhó vì vui sướng.
Tôi và con trai ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Nhưng rồi bị sự vui vẻ của Uyên lây lan, chúng tôi cùng bắt đầu cười, ban đầu chỉ cầm chừng, nhưng rồi như nước tràn bờ, tiếng cười bùng vỡ dữ dội. Chúng tôi cười đến hết hơi, cười tới ứa nước mắt, cười tới nỗi mọi thứ đều nhoè đi và tan vào nhau.
Cười như trước giờ chưa từng được vui vẻ như thế trong đời!
25/02/2021
Đêm
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro