Chương 21
Chương 21 : Xin chào, Thượng Hải (1)
Bốn năm sau.
Tôi đứng tại sân bay L.A, xuyên qua tấm kính sát sàn cao rộng nhìn thấy bầu trời California vời vợi. California, dường như ánh mặt trời mãi luôn sáng chói. Bốn năm ở Hội Chữ thập đỏ quốc tế với tôi mà nói như một buổi lễ rửa tội, nó làm phong phú thế giới tình cảm của tôi, để tôi hiểu rõ hơn tình hình ở những quốc gia lạc hậu đó, thực trạng cuộc sống của những con người trong khu vực nghèo đói báo đài đưa tin chỉ như một góc của núi băng mà thôi.
Nhìn xuống hành lý dưới chân, lúc tôi rời đi chỉ với một túi vải lớn, mà hiện giờ ngoài cái túi vải ấy ra, còn thêm ba cái bao bố. Đó đều là những món đồ lưu niệm nho nhỏ, có cái là vòng đeo tay cầu bình an của người Kenya (1), có cái là dây chuyền vỏ sò tự chế của trẻ con Brazil, có hoa quả khô tự làm của những bà nội trợ Rwandan (2), còn có thảo dược được các tộc trưởng mang tặng . . . Cuối cùng phải dùng đến ba cái bao bố mới đóng gói hết. Nhìn chúng, tôi chợt nhớ lại lời Lợi phu nhân đã nói : " Đất đai và con người nơi đó đều đơn thuần đáng yêu như nhau." Trong bốn năm nay, tôi đã gửi cho Lợi phu nhân hai tấm hình, một tấm là cảnh sắc ở Châu Phi khi mặt trời lặn, một tấm là tôi chụp chung với các thành viên Hội Chữ thập đỏ, còn có tấm bưu thiếp tôi gửi lúc vừa đến sân bay Cape Town.
(1) Kenya là một quốc gia ở Đông Phi, có đường bờ biển ở Ấn Độ Dương.
(2) Rwandan là một quốc gia không giáp biển ở Đông Phi.
" Alice, đang nghĩ gì thế ? Để tôi đoán thử xem . . . Món ngon ? Người yêu ?" Người cùng trở về từ Hội Chữ thập đỏ là Rita đi đến cạnh tôi. Rita là đồng sự của tôi lúc ở Hội Chữ thập đỏ, lớn hơn tôi năm tuổi, nhưng lại là một bác sĩ ngoại khoa xuất sắc, tôi chỉ là trợ thủ của cô ấy, chúng tôi đã hợp tác cùng nhau hai năm.
" Không, không, cô đoán sai rồi." Tôi đưa tay vỗ vỗ vào mặt mình : " Tôi đang nghĩ đến chiếc giường êm ái của mình, muốn được lăn lộn trên đó, không ăn không uống ngủ liền mấy ngày mấy đêm." Chuyến bay dài khiến tôi có chút mệt mỏi rã rời.
Cũng vào lúc này, bên ngoài cổng ra sân bay truyền đến những tiếng ồn ào, Rita kéo tôi đi tới đó.
Một quý bà trung niên đang mất kiên nhẫn nói vào điện thoại, bên cạnh bà ta là một cụ bà đang ngã dưới đất, xem ra, có lẽ cụ bà đã bị quý bà trung niên đụng ngã. Đồ đạc trong túi hành lý của cụ rơi đầy ra đất, nhưng quý bà trung niên chẳng hề có chút ý thức nhặt lại giúp cụ.
Rita bước tới, lấy đi điện thoại trong tay quý bà trung niên, tôi đỡ cụ bà đứng lên. Rita tức giận chỉ vào quý bà trung niên kia : " Quý bà, bà hãy xin lỗi bà cụ đây."
" Cô nhầm lẫn rồi chăng, người nên xin lỗi là cô, đừng quên, cô vừa công khai giật lấy điện thoại của tôi." Quý bà trung niên không màng bận tâm, lạnh nhạt nhìn Rita. Người phụ nữ này trên người mặc áo khoác lông kiểu cách, trên tay đeo nhẫn kim cương đắt tiền, gương mặt trang điểm tinh tế, ngồi cùng chuyến bay với chúng tôi, trong khoang máy bay, đầu tiên không ngừng luyên thuyên oán trách người đi cùng không mua được vé ở khoang hạng nhất, tiếp đó, lại mắng chửi một hành khách khác là đồ ngốc khi lỡ giẫm phải giày cao gót quí giá của bà.
" Vậy thì, hoan nghênh bà báo cảnh sát, thế nhưng, bà nhất định phải xin lỗi." Rita không hề nhượng bộ, khoanh tay trước ngực.
Lúc này, xung quanh đã xì xào bàn tán, bảo an sân bay cũng đi về phía này. Quý bà trung niên đó mới khó chịu đến xin lỗi bà cụ, sau đó giật lại điện thoại trong tay Rita, trước khi đi còn tức giận nói : " Chờ mà nhận thư luật sư của tôi đi."
Nhìn bóng lưng xa dần của bà ta, tôi và Rita có chút bất lực nhìn nhau cười khổ. Thế giới này đúng là muôn màu muôn vẻ, có người si mê đá quí, áo lông thú, đồng hồ hiệu, siêu xe; những đại gia lắm tiền có thể vì thú vui riêng mà tậu luôn một dàn siêu xe, họ thuê hẳn nhân viên toàn thời gian chăm sóc vật cưng của mình, mời luôn chuyên gia dinh dưỡng chăm lo chế độ ăn uống ngày ba bữa, họ bay vòng quanh thế giới chỉ để mua hàng xa xỉ. Họ thường tùy theo tâm trạng và sở thích mà tiêu tiền như nước. Nhưng cũng có một số người lại suốt ngày không ngừng đánh vật với đói khổ, bệnh tật, nghèo khó, không được đảm bảo lương thực, không được đảm bảo nguồn nước, thậm chí không được đảm bảo tính mạng.
Lúc mới đến Haiti (3) , tôi thường nghe được từ miệng người dân địa phương cụm từ " Bánh mặt trời". Đến một hôm, khi tôi đưa phần bánh mì của mình cho cô bé đã giúp tôi lấy nước, cô bé đã dùng giọng tiếng Anh lưu loát nói với tôi rằng phải để dành bánh mì cho em trai, bởi vì cô bé vừa mới ăn " Bánh mặt trời". Nhưng khi cô bé cho tôi biết bánh mặt trời là gì, nước mắt tôi cứ thế rơi xuống. Người dân nơi đó đã mang bột mì trộn với lớp đất khô sạch cho vào trong nước tạo thành hình dạng như chiếc bánh, sau đó đem chúng phơi dưới ánh nắng, thế là đã có được " Bánh mặt trời" chống lại cái đói.
(3) Haiti là một quốc gia vùng Caribbean, có chung hòn đảo Hispaniola với Cộng hoà Dominican về phía đông.
Không thể nghĩ đến nữa, nếu cứ tiếp tục nghĩ chỉ e với cái bệnh không ưa người giàu, ngay lúc này đây tôi sẽ không nhịn được chạy ngay đến túm tóc người phụ nữ kiêu ngạo kia mà vò thành cái tổ chim mất.
Sau khi để lại địa chỉ liên lạc, tôi và Rita tạm biệt ở sân bay.
. . .
Về đến San Francisco, tôi gần như mệt lã.
Vừa nhìn thấy bà của Joe, tôi ôm ngay bà cụ nhân ái ấy vào lòng. Thời gian dần trôi, bà nghiễm nhiên trở thành người thân thiết nhất của tôi, trong bốn năm qua tôi thường mang hết những buồn phiền, những áp lực, những chuyện không như ý trút hết với bà qua điện thoại.
" Bà ơi, con về rồi." Tôi ôm lấy bà, như đứa trẻ xa quê trở về nhà.
" Tốt, tốt, bồ tát phù hộ, Tứ Nguyệt nhà chúng ta cuối cùng cũng bình an trở về." Thời gian dần trôi, Tứ Nguyệt đã trở thành " Tứ Nguyệt nhà chúng ta" của bà.
. . .
Nghỉ ngơi hai ngày, tôi đến nơi an nghỉ của Joe.
" Joe, em về rồi." Tôi tỉ mỉ vuốt ve khuôn mặt tươi trẻ đó, chủ nhân khuôn mặt đã mãi mãi dừng lại ở tuổi hai mươi ba, mãi mãi tươi trẻ, mãi mãi nụ cười chói lóa. Tôi chạm vào mặt mình . . . Joe thân yêu, nhưng em đã hai mươi tám tuổi rồi.
Tôi nhìn chiếc đồng hồ trên cổ tay, nó đã rất cũ kĩ, lại tổn hại khá nghiêm trọng, có lúc còn không chịu quay. Tôi nhớ có lần bị lạc trong rừng nhiệt đới ở Châu Phi, tôi không biết đã đi bao lâu trong khu rừng đó, chỉ cảm thấy dường như đã đến cực hạn, bản thân cũng không còn sức để ra khỏi khu rừng, tôi ngồi xuống đất chờ đợi cái chết gần kề; lúc đó, tôi nhìn chiếc đồng hồ trên tay nghĩ nếu là Joe anh ấy sẽ làm thế nào; sau đó, tôi đã bò dậy, cứ thế từng bước từng bước ra khỏi khu rừng.
Tôi đặt huân chương tình nguyện viên ưu tú Hội Chữ thập đỏ quốc tế trao tặng trước mộ bia của Joe, trong lòng tôi, nó nên thuộc về Joe, là anh đã dẫn lối cho tôi mở ra một cái nhìn khác về thế giới.
. . .
Bà hỏi tôi tiếp theo có dự tính gì chưa, tôi nói với bà muốn về Hàng Châu bái tế mẹ, ở lại đó vài tháng, sau đó sẽ quay lại Mỹ gia nhập đội ngũ y tế của bác sĩ Jones cũng là giáo viên hướng dẫn ngày trước.
" Tứ Nguyệt, con có thể đến Thượng Hải trướcmột chuyến được không ?" Lúc nói câu này biểu cảm của bà rất nghiêm trọng, sau đó, bà kể với tôi vào nửa tháng trước, ở siêu thị gần đây đã xảy ra vụ cướp. Tay súng của bọn cướp đã dùng súng bắn chết người phụ nữ gốc Hoa đang mua đồ trong siêu thị, còn đứa con trai sáu tuổi của cô ấy đã tận mắt chứng kiến đạn bắn vào người mẹ. Cậu bé ấy do chịu đả kích quá lớn, từ hôm đó trở đi không mở miệng nói câu nào. Hơn nữa hiện giờ cảm xúc rất không ổn định. Điều cấp bách hơn cả là người phụ nữ gốc Hoa ấy vừa mới di dân sang Mỹ, còn là người mẹ đơn thân, cũng không ai biết cha của cậu bé là ai, người thân duy nhất là bà ngoại hiện đang sống ở Thượng Hải, do vấn đề visa nên không thể đến Mỹ đón cháu.
Bà đưa tôi đến viện điều dưỡng trẻ em, nơi cậu bé đó đang sống. Tôi nhìn thấy cậu bé mặt mày thanh tú đang ngồi yên trước cửa sổ, đôi mắt vô hồn.
" Tiểu Hổ." Bà cất giọng gọi. Cậu bé vẫn ngồi im bất động.
Tôi dừng lại trước mặt cậu bé, ban đầu cậu bé đờ đẫn nhìn tôi, sau đó chăm chăm dán mắt vào quần áo tôi đang mặc. Tôi hơi động lòng, ngồi xuống trước mặt cậu bé, đưa tay nắm lấy tay cậu, rồi nhẹ nhàng dùng đầu ngón tay khẽ chọc vào lòng bàn tay cậu bé, tôi từng nghe bác sĩ tâm lý của Hội Chữ thập đỏ nói động tác như thế có thể khơi dậy tác dụng an ủi tinh thần.
" Tiểu Hổ." Tôi khẽ gọi. Cậu bé đó nhìn tôi rất lâu, rồi cứ thế " Òa" khóc lên, ôm chặt lấy cổ tôi gọi to " Mẹ ơi, mẹ ơi."
Sau đó, tôi mới biết được vì sao cậu bé ấy cứ chăm chăm nhìn vào quần áo của tôi, vì sao lại gọi tôi là mẹ. Bởi vì, ngày đi thăm cậu bé, vừa hay tôi đã mặc bộ quần áo y changmẹ cậu bé mặc khi gặp nạn trong siêu thị.
Hôm ấy, tôi và bà đón Tiểu Hổ về ở cùng chúng tôi. Trong mấy ngày tiếp theo, cậu bé vẫn cứ luôn trầm mặc, nhưng trong ánh mắt đã không còn trống rỗng, tôi còn phát hiện cậu bé thỉnh thoảng sẽ lén dùng mắt quan sát tôi, cũng không từ chối tôi tiếp cận cậu. Cứ thế, đến một ngày, tôi hỏi cậu bé : " Tiểu Hổ, còn nhớ bà ngoại không ?" Cậu bé không trả lời, chỉ nhìn tôi chăm chú. _ " Tiểu Hổ, bà ngoại, cũng chính là mẹ của mẹ Tiểu Hổ, còn nhớ bà không ?" Tiểu Hổ khẽ gật đầu. _ " Bà ngoại của Tiểu Hổ hiện giờ đang rất nhớ Tiểu Hổ, cô đưa cháu đi tìm bà nhé ?" Cậu bé suy nghĩ, sau đó, đã gật đầu.
. . .
Lúc tôi thu dọn hành lý, từ trong túi rơi ra một chiếc cúc áo, chiếc cúc áo màu xanh lam, nó thuộc về Lam Trinh Liệt. Tôi nhớ khi đó cậu ấy bảo tôi cất kĩ, khi về may lại giúp cậu ấy, nhưng đến cuối cùng, chúng tôi đều quên mất.
Tôi lại đặt nó trở vào túi hành lý. Xem như một vật kỉ niệm. Thi thoảng, tôi sẽ nhớ đến tên nhóc Lam Trinh Liệt đó, cậu ấy trong kí ức cứ như biển Aegean (4) xanh thẳm, rất xinh đẹp, nhưng lại cách xa tôi muôn sông nghìn núi.
(4) Biển Aegean là vịnh cảng kéo dài của biển Địa Trung Hải, nằm giữa bán đảo Hy Lạp và Anatolian.
Cuối tháng ba, tôi đưa theo Tiểu Hổ lên chuyến bay đến Thượng Hải. Khi đó, bầu trời California trong xanh vời vợi, ánh mặt trời chiếu lấp lánh, mẹ Joe đến sân bay tiễn tôi. Bà nói, Tứ Nguyệt, đường đời vẫn còn rất dài và rất xa. Có đôi khi không nên quá cố chấp, có đôi khi nên nghe theo tiếng lòng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro