HeoMoon-3-bacchonconduongcuunuoc
Trên lập trường yêu nước, thương dân Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu sâu sắc các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người đề cao những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và quyền con người của các cuộc cách mạng tư sản Mỹ và Pháp; nhưng mặt khác, Người cũng phê phán bản chất không triệt để của các cuộc cách mạng tư sản này. Về Cách mạng Mỹ (1776), Nguyễn Ái Quốc nhận xét “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai. Ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh đến nơi. Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”Về Cách mạng Pháp (1789), Nguyễn Ái Quốc cho rằng “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” Đó là lý do dẫn đến việc Nguyễn Ái Quốc không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, vì cách mạng tư sản là “cách mệnh không đến nơi” - không đưa lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân các nước nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng. Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm, tìm hiểu cuộc Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo; tổ chức ra Chính phủ công, nông, binh; phát ruộng đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền, không bắt dân đi chết cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa nữa .Liên hệ giữa cách mạng Nga năm 1917 với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi”. Vào tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité, Người nhận ra: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Như vậy là, với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và quyết định lựa chọn con đường cách mạng vô sản, con đường đưa lại độc lập cho Tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân - đó chính là con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro