22. Chuyện Vặt Nhà Mình (2)
Xin chào, lại là series Chuyện Vặt Nhà Mình đây.
Những câu chuyện thường ngày quá đỗi bình thường hoặc bất thường của gia đình bốn người...
—
1. Trùm băng đảng chíp hôi
Tùng Bách và Khánh An đích thị là hai đứa giặc con.
Hồi mới biết lật biết bò thì còn đáng yêu. Đến khi biết đi thì thôi rồi... Thiên thần hoá quỷ nhỏ.
Tôi và Việt Hoàng đã phải dẹp hết những thứ chai lọ, đồ dùng dễ vỡ trong phạm vi mà hai đứa nhỏ có thể với tới. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải cất hết đống mô hình của mình vào thùng.
À chưa kể với mọi người là tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với mô hình và blindbox nhỉ. Không chỉ có tôi đâu, chồng tôi cũng nghiện mô hình không thua gì tôi.
Vì hai đứa nhỏ vẫn chưa đủ tuổi gửi nhà trẻ nên khi chúng tôi đi làm, Tùng Bách và Khánh An được ông bà nội chăm giúp.
Mối quan hệ giữa mẹ chồng và tôi cũng đã tốt hơn được đôi chút. Bà rất yêu quý hai đứa nhỏ... Mặc dù Việt Hoàng vẫn không an tâm về mẹ cho lắm nhưng mà chung quy thì mối quan hệ của chúng tôi đã bớt căng thẳng hơn xưa.
Ba chồng tôi thì khỏi nói rồi, ông nội quốc dân, cưng cháu số một không ai dám tranh số hai. Đồ chơi của Tùng Bách và Khánh An đa phần đều do ông nội mua cho đấy. Mới tí tuổi mà đồ chơi đã chất cao như hai ngọn núi rồi. Ông nội khoái đưa hai đứa nhỏ đi dạo lắm, chiều nào cũng đẩy xe đưa hai đứa đi mấy vòng ở công viên gần nhà... Hí hí, ông khoe cháu ấy mà.
Mãi đến khi hai đứa chúng nó đủ tuổi đi nhà trẻ thì tôi với Việt Hoàng mới khoẻ hơn được một chút. Khánh An với Tùng Bách nghe tin được đi học thì háo hức lắm... Thật ra thì chỉ có mình con bé An háo hức thôi.
Cho đến khi tôi và Hoàng đưa hai đứa đến lớp, vừa rời khỏi vòng tay ba, Khánh An liền bắt đầu bật khóc, khóc khàn cả cổ.
Tùng Bách thì đỡ hơn một chút. Thằng bé không khóc nhưng cũng thút thít suốt đoạn đường từ nhà đến trường. Hình như nó biết là tôi và ba nó sẽ để nó lại ở trường hay sao ấy.
Nhìn thấy hai đứa nhỏ khóc lóc đòi mẹ, tôi cũng xót dữ lắm. Nhưng mà biết làm sao bây giờ... Ai rồi cũng phải đến bước đi mẫu giáo, tự lập thôi.
Nhưng mà rắc rối không hoàn toàn biến mất. Nó chỉ chuyển từ ở nhà sang trường mẫu giáo mà thôi.
Ngày đầu đi học khóc lóc là thế. Qua tới tuần thứ hai, tôi đã bị cô giáo gọi về mắng vốn. Thằng Bách với con bé An mới ngày đầu đến lớp đã xưng vương, thành anh đại, chị đại của một đám trẻ cùng tuổi.
"Anh xem con anh giống ai đấy. Mới con nít con nôi đã tập tành làm đại ca của một đám chíp hôi rồi."
Việt Hoàng đẩy gọng kính, ngẩng mặt ra khỏi máy tính, thản nhiên nhìn tôi.
"Cái tính trẻ trâu này anh không dám nhận."
Tôi liếc anh một cái sắc lẻm. "Ý anh là em trẻ trâu?"
"Cái này là em nói nha, anh chưa nói gì."
"Có tin em đánh anh rồi quẳng ra phòng khách không?"
Người nào đó vội giơ tay đầu hàng. "Anh sai, anh sai rồi."
Đêm đó chẳng biết Việt Hoàng giáo huấn hai đứa nhỏ kiểu gì mà sau đó tôi không nghe cô giáo nhắc đến cái bang hội thu nhỏ này nữa.
Băng xã hội đen chíp hôi này mới có hai tuần mà hoàn lương rồi à?
2. Sở thích đầu tiên
Khánh An rất thích mấy anh trai chơi trượt ván ngoài công viên.
Một buổi chiều đẹp trời. Như thường lệ, sau khi đón hai đứa trẻ từ trường mẫu giáo về, chúng tôi sẽ ghé công viên trong khu phố cho bọn nhỏ chơi một chút.
Trong khi hai vợ chồng mải mê nói chuyện đời, lúc quay sang lại chẳng thấy hai đứa nhỏ đâu. Thế là tôi với Việt Hoàng liền cuống cuồng đi tìm.
Mất một lúc mới thấy hai đứa con nhà mình đang ngồi chung với một thằng nhóc lạ mặt nào đó, mắt chăm chú nhìn mấy cậu nhóc chơi ván trượt trước mặt. Hai cục bông nhỏ tròn tròn ngồi bó gối bên cạnh một cái bóng lớn cũng đang bó gối giống y hệt... Trông đáng yêu gì đâu!
"Tùng Bách! Khánh An!"
Ba cái đầu quay lại nhìn chúng tôi.
Cậu nhóc ngồi bên cạnh Khánh An lật đật đứng dậy, cúi đầu chào.
"Dạ, con thấy hai em ngồi đây một mình, sợ hai em đi lạc nên mới ngồi cùng ạ."
Nói rồi, cậu bé ôm ván trượt chạy đi nhập bọn với bạn mình.
Sau ngày hôm đó, chiều nào bọn trẻ cũng sẽ ra đây ngồi xem mấy cậu học sinh trượt ván ở công viên. Qua nhiều lần quan sát, tôi và chồng đều nhận ra hai đứa trẻ nhà mình hình như có hứng thú với bộ môn này. Nhất là Khánh An. Nhìn đôi mắt lấp lánh của con bé là biết.
Sinh nhật năm năm tuổi, Hoàng đã mua tặng cho Tùng Bách và Khánh An mỗi đứa một bộ ván trượt, kèm băng tay, băng đầu gối và mũ bảo vệ.
Lúc mới bắt đầu thì hơi khó khăn. Nhưng hai đứa này cũng lì lắm nhé, té đau đến cỡ nào cũng không khóc. Ông bà nội thì xót cháu, bao lần bảo vợ chồng tôi không nên cho cháu chơi mấy trò nguy hiểm nhưng chồng tôi nhất quyết không nghe.
Việt Hoàng nói, mọi môn thể thao đều có kỹ thuật chơi và cách chơi làm sao để tránh rủi ro nhất có thể.
Đến sáu tuổi thì cả hai đứa đều đã sử dụng ván thành thạo. Có thể ra công viên chơi chung với mấy anh lớn rồi.
Tự nhiên nhìn bọn nhỏ lớn nhanh quá cũng không nỡ í. (Buồn)
3. Mùa hè vui vẻ
Vào kỳ nghỉ hè, ông trùm chíp hôi và bà trùm chíp hôi bị tôi tống cổ về quê.
Tùng Bách với Khánh An nghe tin được về quê thì khoái lắm.
Nếu ông bà nội cưng chúng nó một thì ông bà ngoại phải cưng tới mười. Ngoài ra còn có thêm bà cô Tư lúc nào cũng làm đồ ăn ngon cho thì không khoái mới lạ.
Sẵn dịp này không có hai đứa nhỏ, tôi với Việt Hoàng cũng tranh thủ đi du lịch một chút. Nói đúng hơn là tôi đi công tác, còn Việt Hoàng đi theo xách đồ cho tôi.
Ấy vậy mà chưa được mấy ngày mẹ tôi đã gọi điện báo tin dữ.
"Hai đứa con mày báo lắm rồi Thư. Báo còn hơn mày ngày xưa." Tin nhắn kèm theo một tấm hình đầy mảnh vỡ của một cái lu sành
Việt Hoàng đang nấu mì cũng chúi đầu vào điện thoại tôi cùng xem tin nhắn.
"Anh nhìn cái lu sành này xem, nhìn kiểu gì cũng thấy quen."
"Giống lu nước cơm nhà ông bà."
"Ờ ha?"
Khoan. Nếu vậy thì...
Tôi và Hoàng không hẹn mà cùng nhau nhìn vào điện thoại một lần nữa.
Đoán không sai, đúng là thành quả của cặp sinh đôi.
Ông trùm chíp hôi và bà trùm chíp hôi về Thuận Hải mới mấy ngày đã thành đại ca của đám loi choi lóc chóc xóm biển. Mấy người lớn nhà tôi thì khoái trẻ con, ngày xưa cũng hay cho quà cho bánh mấy đứa nhỏ ở xóm này nên thành ra ai cũng quý.
Ba mẹ tôi cũng thuộc dạng cây đa cây đề có trí thức ở cái xóm biển nhỏ xíu này. Từ tổ trưởng tổ dân phố đến cựu tổ trưởng tổ dân phố các đời, ai ai cũng biết mặt ông bà.
Và đương nhiên, cả hai đứa nhõi cháu cô Liên, chú Tuấn cũng được mấy đứa nhỏ trong xóm này xem trọng.
Mẹ tôi kể, sáng hôm đó mẹ dọn kho, lôi ra được một đống đồ chơi của tôi hồi nhỏ. Định bụng là sẽ chùi rửa sạch sẽ rồi mang ra cho Tùng Bách với Khánh An chơi. Ai dè đâu, tụi nó không hứng thú với đồ chơi mà hứng thú với cái thùng banh tennis cũ của ông ngoại.
Vậy là hai giờ trưa, trẻ con cả xóm tụ tập ở sân sau nhà chú Tuấn, cô Liên chơi ném banh.
Nghe tới đây là thấy bất ổn rồi.
Chuyện gì đến cũng sẽ đến. Đang thiu thiu vào giấc ngủ thì mẹ tôi bỗng nghe một cái "choảng". Khi chạy ra đến nơi đã thấy cái lu nước cơm nhà bên cạnh bể tanh bành.
Lúc cái lu bể, chú Mạnh nhà bên cạnh chạy ra quát om xòm, còn bọn trẻ con thì chạy tán loạn. Sau khi biết được thủ phạm chính là hai đứa cháu yêu nhà mình, chú cũng chỉ biết thở dài ngao ngán.
Cặp sinh đôi bị bà ngoại đánh cho hai roi cái tội trưa nắng mà phá làng phá xóm
Đó chỉ mới là câu chuyện thứ nhất.
Câu chuyện thứ hai...
Nhà ông Bằng phía sau có cây xoài cũng khá to. Thềm đất nhà ông Bằng lại thấp hơn nhà tôi, nên cây xoài chỉ cao ngang hàng rào sắt một chút, trong đó có một cành xoài sà xuống bên sân nhà tôi. Cây xoài thì to mà ngặt nỗi chỉ có mỗi cái nhánh bên phía nhà tôi lúc nào cũng trĩu quả.
Mùa hè năm ấy, cây xoài vừa trổ quả chín tới thì bị Tùng Bách và Khánh An hái sạch. Cô Tư thì được một mẻ sinh tố xoài, còn ba mẹ tôi thì được một mẻ xoài xanh trộn gỏi cá khô.
Qua ngày hôm sau, trên thân cây xoài được nhà bên cạnh dán cái bản:
Vui lòng không hái xoài.
Tùng Bách và Khánh An khi ấy cũng bập bẹ đánh vần được đôi chút rồi nên cũng hiểu được người ta viết cái gì.
Chiều hôm đó người ta... À không, là ba mẹ tôi phát hiện cành xoài đã bị gãy.
Hai đại ca và mấy anh em xã đoàn tí hon đu gãy cành xoài nhà người ta.
Mấy chục năm sống trên đời, chưa bao giờ mà chú Tuấn, cô Liên xấu hổ với hàng xóm như bây giờ.
Đọc tới đây, tôi và chồng đen mặt, không biết nói gì ngoài việc tinh tinh vào tài khoản cho ông bà ngoại để mua quà bánh, trái cây đền bù thiệc hại cho người ta.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro