Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1 - 4 - Ánh trăng (4)

Ngày 31 tháng Mười năm 2012.

Tân thở dài, nhét hai cuốn giáo trình cũ của Đại học Sư phạm vào giá sách. Nó không mua được bộ sách mà Lộng Ngọc khát khao, cũng chẳng thấy bóng dáng chúng ở bất kì cửa hàng nào trên đường Láng. Thế là Tân mua tạm hai quyển này.

Mãi đến chiều hôm kia, cô chủ nhiệm mới thông báo cho cả lớp biết rằng Lộng Ngọc được một suất học bổng toàn phần bên Đức. Tân và Hiển đều mừng cho bạn, nhưng chúng nó vẫn buồn. Không buồn sao được. Ba đứa đã chơi với nhau, thân thiết như hình với bóng suốt hơn ba năm nay rồi.

Ban đầu, cả lớp G-K56 đều cười bọn nó, dĩ nhiên còn thêm cả trò gán ghép nữa. Chúng nó gọi bộ ba Lộng Ngọc, Hiển và Tân là gia đình Táo Quân, hai ông một bà. Nhưng cũng chẳng làm sao hết. Lộng Ngọc và Hiển đều là những người vui tính. Tân tuy có trầm tĩnh hơn, cơ mà nói cho cùng, cả ba đều rất nhiệt tình với bạn bè. Cái gì lạ thì lâu dần cũng thành quen. Chúng nó dù vui hay buồn cũng có nhau bên cạnh.

Việc Lộng Ngọc bị ung thư đã khiến Tân và Hiển sốc nặng. Hai thằng nhõi mới học lớp 9, ít khi được chứng kiến cái chết sờ sờ hiện ra trước mắt. Lộng Ngọc còn là bạn, bạn rất thân. Chúng nó đã ngầm coi Lộng Ngọc là thủ lĩnh, chuyên nghĩ ra những kế hoạch tuyệt vời, chẳng hạn như làm một tiết mục ảo thuật để biểu diễn vào giờ Chào cờ đầu tuần. Lộng Ngọc sẽ chết ư? Chúng nó chỉ mới mười bốn tuổi đầu…

Rồi Lộng Ngọc lại sống sót một cách đáng kinh ngạc. Lạ nhỉ? Tân kể chuyện cho bố nó đang làm bác sĩ ngoại khoa thần kinh nghe. Chú suýt thì đánh rơi bát cơm đang cầm trên tay và xuýt xoa:

“Hay là bệnh viện họ chẩn đoán nhầm cho bạn con rồi. Chứ ung thư phổi tế bào nhỏ làm sao mà phục hồi nhanh đến thế được?”

Dù điều đó có đáng gọi là kì tích hay không, Tân cũng mừng lắm. Từ nay bộ ba đã được thiết lập lại. Đầu năm, Tân đã quyết định sẽ cùng Lộng Ngọc kèm cặp cho Hiển.

Trong ba đứa, Hiển có hoàn cảnh khó khăn nhất. Năm nào bố nó cũng đưa các con lên Ủy ban phường để nhận bánh chưng về ăn Tết. Anh Công và chị Danh sinh đôi năm 1996. Hiển sinh năm 1998, đến năm 2000, mẹ sinh thêm thằng Đạt. 2004, cứ tưởng là thôi rồi, nhưng cô lại lỡ dạ đẻ thêm một cặp song sinh nữa. Người ta bảo như thế là do trong dòng họ của cô hoặc của chồng cô có gen đẻ đôi. Tiếc là sau lần ấy, mẹ Hiển qua đời vì ốm đau. Bố Hiển phải gà trống nuôi đến sáu đứa con, chẳng trách mà tóc ông bạc sớm. Tuổi mới bốn mươi mà trông ông như đã sáu mươi rồi.

Biết gia cảnh mình chẳng bằng ai, Hiển đành cố gắng theo đuổi con đường học vấn. Nhưng nó lại có tính chậm chạp, chẳng được tinh ranh như Lộng Ngọc hay thông thái như Tân. Nếu không đỗ nổi vào một trường công, sang năm Hiển cũng chẳng học giáo dục thường xuyên nữa. Nó sẽ đi học nghề sửa xe máy. Ở xứ sở mà ai ai cũng có xe máy, Hiển sẽ không bao giờ thất nghiệp được.

Lần này sinh nhật Lộng Ngọc, Hiển chẳng có tiền để mua quà cho bạn. Nó còn để dành được hai quyển vở chưa viết được hội phụ huynh mua làm quà cho các học sinh trung bình. Hiển tính đi tính lại, thấy món quà này là thiết thực nhất. Lộng Ngọc tuy có phần trái tính trái nết, nhưng tâm hồn nó thực ra rất ấm áp. Nó sẽ không chê quà của Hiển đâu.

Nhưng giờ thì chắc Lộng Ngọc đã kéo vali lên taxi, ra sân bay để sang một chân trời mới. Mười hai năm sau, không biết Lộng Ngọc có còn nhớ ra nó và thằng Tân không nữa?

*****

Ngày 1 tháng Mười năm 2024.

Cảm Ứng chống nạng đứng trước cổng trụ sở của Thuật Nhân Hội. Cô vẫn còn nhớ rõ Đằng Vân - sinh năm 1996, một Cơ Đốc nhân hơi hà khắc từng làm chủ nơi này.

Đằng Vân là thủ lĩnh của Thuật Nhân Hội suốt năm năm liền. Cô ta so với Cảm Ứng có khi còn xấu tính gấp đôi. Có điều là do những lời Chúa dạy đã thấm nhuần vào tâm hồn Đằng Vân từ tấm bé, nên Cảm Ứng chưa bao giờ thấy Đằng Vân chửi thề nói tục. Sau khi Đằng Vân qua đời đột ngột vì bị một con wendingo ăn mất cái đầu, Hội đồng đã bàn đến chuyện sang năm 2025, họ sẽ tịch thu lại biệt thự này. Dù sao thì ngôi nhà cũng quá lớn, mà Thuật Nhân Hội tính cả Nghịch Tuyết cũng chỉ còn bốn mống thôi.

Cảm Ứng bấm chuông. Đôi tai cô dỏng lên, nghe rõ từng chuyển động tinh vi nhất của bốn chiếc camera an ninh trên đầu mình. Một cậu con trai hỏi qua chiếc loa rè:

“Chào chị. Chị là ai ấy nhờ?”

“Tôi là Cảm Ứng đây. Hội đồng chẳng lẽ có nhiều người què đến thế cơ à?”

“Mời chị vào nhà ạ.”

Hai cánh cổng sắt nặng nề từ từ mở ra. Lối đi rải sỏi nằm giữa bãi cỏ xanh rì hướng về phía dốc nghiêng dẫn lên nhà. Những tòa nhà có nhân viên của Hội đồng sống luôn luôn được thiết kế sao cho dễ tiếp cận với người khuyết tật. Tuy vậy, việc đi lại của Cảm Ứng vẫn là một quá trình đầy khó khăn và đau đớn. Dạo này thời tiết thay đổi liên xoành xoạch, khi nắng khi mưa, cái chân phải gần như tàn phế của cô cứ nhức nhối không thôi.

Trong nhà, một bàn ăn được kê ra chính giữa. Trên bàn ngổn ngang đủ thứ thức ăn nhanh, lác đác có vỏ trái cây đang dần khô héo.

Vĩ Thanh chắc phải có nhà.

Cảm Ứng thấy một cậu bé khoảng mười lăm, mười sáu tuổi chạy từ trên cầu thang xuống, hí hửng kéo ghế nhựa mời cô ngồi:

“Em là Cá ạ. Chị Cảm Ứng ngồi tạm nhé. Chị Nghịch Tuyết với anh Vĩ Thanh đang dọn nhà dần. Giờ cả nhà cả cửa chẳng còn bộ bàn ghế nào tử tế cả.”

Cảm Ứng thoáng buồn. Đằng Vân chết đi, để lại mấy đứa trẻ trong Thuật Nhân Hội phải dựa vào nhau mà sống. Ban đầu, ai cũng muốn giữ lại ngôi nhà để làm kỉ niệm. Hội đồng đương nhiên không chấp nhận. Họ bắt đầu gây sức ép bằng cách cắt điện, cắt nước, hủy gói đăng kí internet và chơi thêm một trò rất ấu trĩ là không giao nhiệm vụ cho Thuật Nhân Hội nữa. Sau mấy ngày chẳng có việc gì làm, Nghịch Tuyết phải nhượng bộ. Cô đồng ý sang năm sẽ giao lại ngôi nhà, chỉ xin hết đồ đạc do Đằng Vân khi trước tự bỏ tiền túi ra sắm. Nhờ đó, Hội đồng chịu khôi phục các tiện nghi sinh hoạt cho Thuật Nhân Hội, nhưng họ đã hạn chế giao việc cho bốn thành viên. Gọi là dọn dẹp, cơ mà Nghịch Tuyết đã chạy đến nhà Cảm Ứng khóc hu hu. Cái gì được giá, họ đành đem bán hết. Vĩ Thanh và Nghịch Tuyết thất nghiệp, hai thằng Cá - Cua thì chưa đủ tuổi đi làm. Nếu cứ cố chấp bám lấy ngôi biệt thự và đồ đạc, bốn người sẽ phải chết đói.

Cá chạy vào bếp, tiếp tục mò mẫm đun nấu với cái bếp dầu. Ngày xưa, khi bà nội còn sống, Cảm Ứng cũng hay ngửi thấy mùi dầu hỏa ám vào không khí. Vậy là đã mười hai năm rồi… Mùi này là mùi trứng rán với hẹ, cơm gạo Khang Dân, nước mắm truyền thống…

Ủa?

Sao lại có mùi gì lạ thế nhỉ?

Cảm Ứng chống nạng đứng lên, thấy một anh chàng tóc dài ngang vai, vóc người hơi thấp đang đi từ cầu thang xuống. Nếu không bận tâm đến hai đuôi mắt quá dài đến độ lẳng lơ và đôi môi mỉm cười như giễu nhại, Cảm Ứng sẽ coi đây là một anh chàng rất đẹp trai.

“Anh là Vĩ Thanh?”

“Còn cây nạng kia… là Cảm Ứng?”

Cảm Ứng nhún vai:

“Không. Tôi là Cảm Ứng. Còn cái này là Napoleon Bonaparte.”

Bầu không khí trong nhà bỗng dưng sặc mùi thuốc súng. Vĩ Thanh hỏi một câu cắc cớ hòng phá tan sự im lặng:

“Nhưng mà làm sao tôi biết được cô là Cảm Ứng hàng thật?”

Cảm Ứng nheo mắt lại:

“Tôi cũng đâu có chắc anh là Vĩ Thanh thật?”

Vĩ Thanh đưa cánh tay phải lên, cho Cảm Ứng thấy ba chữ Hán được xăm bằng mực đen, mỗi chữ to bằng đồng xu:

“Nếu cô đọc được ba chữ này từ khoảng cách 4m, thì tôi tin cô là Cảm Ứng thật.”

“Ba chữ đó là tên người - Trần Vĩ Thanh.”

Vĩ Thanh lắc tay. Da ở cổ tay anh bắt đầu nứt toác, từ từ trồi ra một thanh kim loại sắc bén. Cảm Ứng trầm trồ, nếu không phải chống nạng để đứng cho đàng hoàng, cô sẽ vỗ tay trước màn biểu diễn của anh ta:

“Kim Thuật, một trong những thuật mạnh nhất ở Thuật Nhân Hội. Nếu tôi không nhầm thì anh là người duy nhất trong lịch sử Thuật Nhân Hội có thể liên tục tạo ra thép carbon đặc biệt cao.”

“Cô cũng rất nổi tiếng mà. Người duy nhất trong lịch sử Hội đồng Thành phố H. tự nguyện nghiện rồi lại tự nguyện cai nghiện heroin mà không cần dùng methadone.”

“Tôi muốn hỏi anh chuyện Mặt Trăng ăn thịt người hôm 28 tháng Chín. Tôi cũng bận lắm.”

Vĩ Thanh lười nhác bước xuống phòng khách giờ gần như trống trơn như cái nhà hoang. Sắp tới, khi Hội đồng tiếp quản nơi này, mấy thằng già chóp bu sẽ biến nó thành nhà thổ cũng nên.

“Đúng là tôi đã nhìn thấy cảnh tượng đó. Mặt Trăng đột ngột sa xuống lòng đường, rồi há mồm…”

“Mặt Trăng có mồm à?” Cảm Ứng đưa một ngón tay lên như để xin phép cắt ngang câu chuyện của Vĩ Thanh.

“Ừ. Nó có màu trắng xám, to bằng chiếc xe tải, bề mặt nhẵn thín. Nó mọc ra một cái mồm to tướng, nhưng không có mắt mũi gì cả. Xong nó nuốt chửng một đôi nam nữ đang đi dạo rồi mới bay lên trời.”

“Tôi xem trong hồ sơ, không rõ danh tính nạn nhân là ai. Hội đồng không thấy có thông báo tìm người mất tích liên quan. Có thể nhà họ không ở đây.”

“Tôi nhìn không rõ. Nếu tôi là cô, có thiên lý nhãn thì may ra mới nhận diện được.” Vĩ Thanh mỉm cười.

Thằng cha này có điệu cười ngứa mắt thật. Cảm Ứng quay mặt đi, cố không nhìn vào mặt anh ta nữa.

“Cô có cần tôi chỉ chỗ cho cô thấy không?”

Cảm Ứng chỉ gật đầu rồi lại lê lết ra ngoài cửa. Lần nào cũng thế. Hễ có vụ gì đến tay, Cảm Ứng lại được một phen đau đến xây xẩm mặt mày vì cái chân chết bằm. Năm đó những mảnh đạn đã được gắp ra hết. Cơ mà lão khọm quái ác muốn trừng phạt tội phản nghịch của cô nên không chịu nhân bản một cái chân mới. Ông Lân cho người tiến hành phẫu thuật như bình thường. Chân phải của Cảm Ứng tự dưng lại hụt đi 6cm so với chân trái. Mỗi lần phải đi công tác nước ngoài, Cảm Ứng lại khốn đốn với mấy cái máy quét kêu tít tít liên hồi. Đấy là cô còn chưa thèm nói đến mấy vết sẹo kinh tởm nhìn như đàn rết bò trên da cô.

“Cô có tự đi được không hay để tôi đỡ?”

“Không khiến!”

Cảm Ứng chợt nhận ra mình hơi nặng lời. Cô lại ho một trận gần nghẹt thở. Trong túi quần cô còn mấy viên thuốc không tên được ông Lân bố thí một cách hết sức dè sẻn. Con cẩu già chết tiệt đã làm Cảm Ứng khổ sở mười hai năm nay mà lại thăng tiến lên thành Ghế thứ tư của Hội đồng được. Thật bất công.

Cảm Ứng ngậm một viên thuốc trong mồm, mặt hơi đỏ lên, không biết là vì ho hay vì ngại:

“Khụ… khụ… anh chỉ cho tôi xem với.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro