hay thế
Hệ thống Internet là con dao hai lưỡi, nó vừa cung cấp cho chúng ta những thông tin hữu ích nhưng đồng thời là nơi mà những kẻ lường gạt lợi dụng để thực hiện những mưu đồ bất chánh của chúng. Một bài viết của ký giả Lynn Brenner trên tuần san Parade của tờ OC Register cảnh giác và hướng dẫn chúng ta đề phòng những vụ làm ăn phi pháp này. Xin lược dịch để gởi đến quí độc giả sau đây.
Những sự gian lận xảy ra trên hệ thống điện toán- online fraud- hiện đang là một dịch vụ thương mại béo bở. Và khách hàng của họ có thể là bạn hay tôi!
Chẳng hạn một hôm, bạn mở hệ thống Internet ra để xem có ai gởi thư cho mình không và thấy một cái email mời gọi rất là hấp dẫn:
"Ngồi nhà và có thể kiếm được số tiền từ 50 ngàn đến 80 ngàn một năm với công việc bỏ hàng vào bì thư". Cho dù ngón tay của bạn đã đánh vào nút xóa (delete), thế nhưng trong đầu bạn cũng thoáng qua ý nghĩ: 'Không biết chắc đó có phải là một email gian không nhỉ?'
Ðiều bạn đoán quả không sai tí nào vì những vụ gian lận hay mưu đồ bất lương trên Internet - online fraud - mà tiếng Anh gọi là "Scam", hàng năm, làm hao tốn khoảng 100 triệu Mỹ kim trên thế giới.
Theo cơ quan National Consumers League (NCL) thì chỉ riêng số tiền mất mát được báo cáo trong hai năm qua đã lên đến con số 22 triệu Mỹ kim. Sau đây là những điều bạn cần biết về những cái lưới được giăng ra trên internet và tại sao ngay cả những người thông minh cũng bị mắc bẫy!
Những kẻ lừa bịp biết được mơ ước của chúng ta
Những kẻ lừa bịp chuyên nghiệp này không chỉ thực hiện mưu đồ nhắm vào sự tham lam không thôi. Chúng làm bạn cảm thấy may mắn và xứng đáng được hưởng điều mà bạn mơ ước. Thí dụ như một người lạ hứa rằng sẽ chia cho bạn hàng triệu Mỹ kim nếu bạn giúp hắn ta chuyển một gia tài kết xù ra khỏi HongKong. Ðề nghị này làm bạn thấy mình như được chọn lọc để đóng vai chính trong một chuyện phim có thật cho dù cái thư của người lạ có vẻ hơi buồn cười: "Tôi tên là Wang Qin, nhân viên lo về tín dụng cho ngân hàng Hang Seng. Tôi có một dịch vụ thương mại kín đáo dành cho ông: Có một nhân viên ngoại giao của chính phủ đã bỏ lại một cái thùng chứa khoảng 36.5 triệu Mỹ kim trong kho hàng của chúng tôi trước khi đột nhiên chết. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác trong việc chia chác tài sản này".
Dĩ nhiên, không phải email nào cũng tức cười và dễ nhận diện ra như cái email nói trên. Thí dụ như một cái email rất bình thường nhắm vào những người đang gặp khó khăn về tài chánh, hứa hẹn sẽ cho họ mở credit mà không phải trả một lệ phí nào cả.
Bà Susan Grant, giám đốc của cơ quan NCL's Internet Fraud Watch cảnh cáo: "Lời hứa vừa kể đối với những nạn nhân là một bàn tay cứu vớt. Thế nhưng trên thực tế là bàn tay ấy sẽ bỏ vào trong túi áo để vét sạch đồng xu cuối cùng của quí vị."
Tiếc thay, các mưu đồ bịp bợm này quyến rũ những người không hề có kinh nghiệm về credit để có thể nhìn thấy sự thật. Bà Deborah Platt Majoras, chủ tịch của cơ quan Federal Trade Commission xác nhận rằng không có một ngân hàng cho vay hợp pháp nào mà lại không tính lệ phí khi cho mở thẻ tín dụng hay cho mượn nợ."
Ðừng điền vào chỗ trống
Những kẻ gian thường sử dụng những e-mails hay những website giả để lấy những thông tin cá nhân. Mấy cái emails này tự nhận là của ngân hàng mà bạn gửi tiền, của công ty mà bạn có credit card hay của một tên hiệu thương mại nổi tiếng nào đó. Nó yêu cầu bạn xác nhận ố confirm - tư liệu bằng cách bấm một cái website liên hệ, trông giống như thật, và điền các chỗ trống hỏi về tên tuổi, địa chỉ, bằng lái xe, số an sinh xã hội..., nghĩa là tất cả những gì mà kẻ trộm cần đến.
Có khoảng 150 triệu cái emails như vậy được gởi đi mỗi ngày trên thế giới.
Bạn sẽ phải trả nợ và trả nợ và trả nợ...
Một vụ gian lận thông dụng rất giản dị: bạn bị thuyết phục để trả cho một món hàng mà bạn sẽ không bao giờ nhận được. May ra thì bạn tỉnh ngộ ra, hoặc sau khi đã mất hết tiền rồi.
Nếu bạn trả lời cho một thông báo cho biết là bạn trúng số ở ngoại quốc, ngay sau đó bạn cũng sẽ được cho biết là để nhận được số tiền trúng số này bạn phải đóng thuế trước đã.
Một trong những vụ lường gạt lớn lao và kéo dài trong một thời gian dài là cái emails "dỏm" xuất xứ từ Nigeria, đại khái có nội dung như sau: "Một nhân viên ngân hàng ở ngoại quốc tìm thấy được một trương mục ngân hàng hàng chục triệu Mỹ kim vô thừa nhận. Ông ta cần sự giúp tay của bạn gấp để có thể rút số tài khoản ấy ra khỏi nhà băng. Bạn sẽ được hưởng từ 15% đến 49% của số tiền đó".
Bạn chỉ cần cho người gởi email biết số trương mục ngân hàng của bạn, địa chỉ, số điện thoại và số fax. Thế là bạn nhận được một số giấy tờ hợp pháp (legal documents) xác nhận sự chuyển đổi số tiền kể trên qua ngân hàng của bạn. Người trên email cũng cho biết là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, thế nhưng vẫn còn một việc cuối cùng để có thể hoàn tất việc chuyển đổi là bạn cần phải trả trước tiền thuế, lệ phí và tiền hối lộ . Dĩ nhiên, bạn không hề do dự để trả số tiền đó ngay, vì so với số tiền bạn sẽ nhận được thì các món lệ phí này không đáng kể.
Nhưng rồi lệ phí đó không phải là cái cuối cùng mà còn nhiều cái khác nữa...
Những nhân viên điều tra về các vụ lường gạt qua hệ thống Internet này cho biết là những nạn nhân càng trả tiền chừng nào thì họ lại càng tin tưởng vào mưu đồ bất lương này chừng ấy. Trong khi những kẻ ăn trộm kia thản nhiên vơ vét đến đồng tiền cuối cùng của họ mà họ không hay.
Tấm ngân phiếu giả mạo
Trong một vụ lường gạt mới xảy ra gần đây, kẻ gian bắt đầu gởi cho nạn nhân của mình một tấm ngân phiếu hay money order. Thí dụ như bạn viết một cái "resumé" xin việc làm hay một món hàng để bán trên Internet. Tên lường gạt sẽ liên lạc với bạn và nói là hắn muốn mướn bạn làm việc, hay mua món hàng của bạn. Hắn cũng gởi cho bạn cái check, ký bởi của một người từng mắc nợ hắn, món tiền lớn hơn là số lương hàng tháng bạn muốn lãnh, hay cao hơn giá cả của món hàng bạn muốn bán. Bạn được chỉ dẫn cách deposit cái check đó vào nhà băng của mình và chuyển số tiền dư ra vào nhà băng của kẻ gian hay của một ai đó.
Bà Susan Grant cho biết là trung bình trong vòng 5 ngày, ngân hàng của bạn sẽ có tiền cho kẻ gian lãnh ra. Trong khi cái ngân phiếu được giả mạo một cách tinh xảo của kẻ gian sẽ bị khám phá là không tiền bảo chứng (bounce) những ba tuần lễ sau đó lận. Khi chuyện này xảy ra, nhà băng sẽ khấu trừ số tiền mà họ đã trả cho kẻ gian từ trương mục của bạn. Trung bình số tiền của mỗi vụ mất mát này khoảng 5,201 Mỹ kim.
Những kẻ gian có rất nhiều mưu đồ xảo quyệt và không có lương tâm. Người lương thiện như chúng ta cần cảnh giác và đề phòng bằng cách tìm hiểu rõ ràng về các lời hứa hẹn tốt đẹp, hay các món quà tặng miễn phí béo bở vì đó có thể là cái bẫy giăng ra để bắt lấy những con mồi ngây thơ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro