Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 3.


Hôm thứ hai, thế là hôm nay Sở Liêm sẽ đến kèm tôi. Để quyển Anh văn dày cộm lên bàn, nhưng chẳng học được chữ nào, tôi nhìn chuỗi sáo nơi khung cửa mà lòng vẩn vơ.

Ngồi như thế mấy tiếng đồng hồ, tuổi nhỏ như những chuỗi sáo tròn đan trong đầu. Nó khiến tôi nhớ lại những viên bi ngày cũ. Xưa kia tôi cũng là một tay chơi bi có hạng, người lớn bảo: Con gái không nên chơi bi, vì chơi bi sẽ bị lấm bẩn cả quần áo, nhưng mặc, vì Đào Kiếm Ba và Sở Liêm lúc ấy cũng chơi không lại.

Với thân hình nhỏ nhắn, tôi hay rủ:

- Anh Liêm, bắn bi với em đi!

Sở Liêm bấy giờ rất hách, chàng tưởng lớn hơn tôi những năm tuổi là to lắm rồi:

- Thôi Lăng còn nhỏ quá!

Tôi không chịu lắc mạnh đôi bím tóc nhỏ:

- Em lớn rồi, nếu anh không chơi em khóc cho xem.

Thế là Sở Liêm chịu thua.

- Thôi được rồi, tôi sợ cô lắm!

Chúng tôi bắt đầu, Liêm bị cuốn hút, và cuộc chơi thường kéo dài cả tiếng đồng hồ, mãi đến khi quần áo lem luốc vẫn chưa thôi, chị Bình và Sở Kỳ đứng gần theo dõi một cách khó tính:

- Thứ này có gì hay đâu mà mê dữ vậy?

Sở Liêm mê như chết mà cố chống chế:

- Tại Tú Lăng đấy, không chơi nó giận thì sao?

- Đúng là nhỏ mít ướt.

Sở Kỳ nói, tôi có phải nhỏ mít ướt hay không, điều đó chỉ tôi hiểu. Thật ra tôi cũng khá kì cục, từ trước tôi muốn chơi mà không ai chịu chơi tôi mới khóc thôi chứ đôi  lúc tôi cũng rất kĩ. Có lần tôi vừa mười tuổi và Liêm mười lăm, chàng đã tập tôi lái xe, chúng tôi mượn sân trường Sư Phạm làm bãi tập, Liêm bảo:

- Cứ giữ vững tay lái đi, anh vịn phía sau cho.

Một vòng rồi lại một vòng, tay lái tôi bắt đầu cứng, cưỡi xe đạp thú thật. Tôi cứ mê mẩn đạp, mãi đến lúc Liêm nói:

- Em lái khá lắm rồi, đã năm vòng sân qua anh không vịn em tí nào cả.

Quả thật, chàng đã cách tôi một quãng xa, đột nhiên tôi luýnh quýnh và chuyện gì đến cũng phải đến. Theo tiếng hét của Liêm, cả xe lẫn người tôi ngã nhoài xuống đất, chân nhói đau, tôi không làm sao đứng lên được, ống quần bị rách một đường dài, máu nhuộm đỏ đầu gối. Tuy đau, nhưng tôi vẫn không khóc.

- Đừng khóc, đừng khóc Lăng nhé!

Sợ tôi khóc, Liêm tái mặt van xin, tôi cảm động.

- Không sao đâu, em chẳng đau tí nào cả.

Tuổi trẻ đã trôi qua, nó đi thật nhanh, bây giờ tôi đã lớn, không còn ba gai như trước và chàng, chàng đã thành kiến trúc sư trẻ tuổi, tài cao như mẹ đã nói với cha mà tôi lén nghe được.

- Sở Liêm có tương lai, gia đình ta với gia đình nó đã thân từ lâu, em nghĩ nó rất xứng với Lan Bình, nếu chúng thành hôn với nhau thì em không mong gì hơn.

Lan Bình và Sở Liêm? Tôi thẫn thờ nhìn lên hàng sáo, từng chuỗi, từng chuỗi hạt, lớn có nhỏ có, đẹp như những hòn bi - những hòn bi mà sự trưởng thành đã đánh mất cũng như tuổi trẻ đã xa vời.

Có tiếng chuông cửa reo, tôi giật mình lắng nghe, cổng đã mở và tiếng nổ xe gắn máy, Sở Liêm đến kèm tôi học? Tôi ngồi yên trong phòng cửa đóng kín không nghe được lời đối thoại trong phòng khách, nhưng tôi biết chị Bình đang bận rộn trong ấy vì chuyện học của tôi, chị đã thay hết ba bộ áo trong một ngày. Tháo chiếc đồng hồ đeo tay xuống, đặt trên quyển văn phạm Anh văn tôi lặng im nhìn sự di động của cây kim đồng hồ. Năm phút, mười phút, hai mươi phút...thời gian trôi qua chậm, đến hơn bốn mươi lăm phút sau mới nghe tiếng chân động ở cầu thang.

- Ai đó? Vào đi.

Cửa mở, Sở Liêm bước vào, sau khi khép cửa lại chàng quay nhìn tôi cười:

- Lăng hôm nay có vẻ siêng thế?

Tôi chậm rãi mang đồng hồ vào tay, im lặng nhìn nét cười rạng rỡ trên gương mặt chàng. Bốn mươi lăm phút ngồi dưới lầu đã đủ để cho mặt kia vui, đủ để cho lòng ai phơi phới.

- Sao anh biết em siêng?

Chàng kéo ghế ngồi xuống cạnh:

- Thì thấy em học văn phạm Anh văn đó!

Tôi nháy mắt:

- Nhìn một người bao giờ người ta cũng thích nhìn bề ngoài của người rồi nhận xét, phải không anh? Cũng như anh, nhìn thấy quyển Anh văn trên bàn là anh cứ cả quyết em đang học?

Chàng yên lặng nhìn tôi, mắt thật bén:

- Tú Lăng, em đang buồn chuyện gì ư?

Tôi gây sự:

- Sao anh biết em buồn?

Liêm nhìn tôi một lúc, rồi vuốt nhẹ mũi tôi:

- Đừng có điên, Lăng, chúng ta sống cạnh nhau từ bé, không lẽ bao nhiêu đó chưa đủ để anh hiểu em hay sao? Hờn giận vui buồn gì em cũng để lộ cả trên mặt.

Tôi nhíu mày:

- Thế có nghĩa là anh rất hiểu em?

- Vâng.

- Anh cho là em lúc nào cũng siêng năng?

Tôi hỏi Liêm không đáp ngay, tự ngồi vào ghế lấy bút chì đặ lên môi ra chiều suy tư, cái nhìn của chàng khiến tôi không trốn được.

- Như thế là có nghĩa em không có xem sách, thế nãy giờ em làm gì? Dệt mộng ư?

Tôi bối rối:

- Có lẽ.

- Thế trong mộng có thấy anh không?

chàng nghiêng tới trước, một nụ cười đáng ghét!

Tôi xẵng giọng:

- Có, em mơ thấy anh biến thành con ễnh ương nằm trong ao, vây quanh có đám lục bình, anh nhảy nhót kêu gào trong đó khó nghe quá!

- Thế à?

Chàng cười hỏi, tôi vẫn bướng:

- Vâng.

Chàng ném bút chì lên bàn nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Anh không tin, vì nếu em có mơ thì phải thấy anh là chàng nhái chứ không phải là chú ễnh ương được.

Nhưng nhái với ễnh ương có khác nhau chỗ nào đâu?

- Thế thì em lầm rồi, ễnh ương là ễnh ương, nhái là nhái. Nhái là do một hoàng tử trẻ biến ra.

Tôi nhăn mặt:

- Hứ, thế anh cho anh là hoàng tử à? Vậy công chúa ở đâu chứ?

Chàng cười:

- Công chúa trong tim em đang nghĩ đó!

Trong tim tôi đang nghĩ? Vâng, nàng công chúa kia đang ngồi trong phòng khách chờ hoàng tử kia. Tôi lắc đầu xua đuổi, những hòn bi ngày nào đã mất cũng như cả một dĩ vãng ngây thơ nào cũng đã bay xa. Tôi thở dài. Niềm vui đã mất. Có tiếng ho nhẹ của Sở Liêm:

- Lăng làm gì mà như người mất hồn thế? Có chuyện gì buồn cho biết với coi.

Tôi nhìn thẳng vào mắt chàng:

- Anh Liêm!

- Hử?

- Em bắt buộc phải thi vào đại học sao?

Liêm nhìn tôi lắc đầu:

- Anh không hề nghĩ như vậy.

- Như thế có nghĩa là không nhất thiết em phải vào đại học?

Liêm im lặng nhìn tôi lắc đầu:

- Chỉ có bác ở nhà mới nghĩ em bắt buộc phải vào đấy thôi. Thật ra anh thấy em có khiếu về âm nhạc, thích văn chương hơn; những điều này không cần vào đại học em vẫn có thể học được. Tuổi trẻ chúng ta mãi khổ vì thế, giống như chuyện xuất ngoại của anh, cha thường khó cảm thông với con cái.

- Chuyện xuất ngoại của anh thế nào?

- Mẹ anh muốn anh phải xuất ngoại nhưng ra đấy để làm gì chứ? Anh thấy đó chẳng qua là vì hư danh thôi. Cha mẹ cứ nghĩ rằng có con cái đi xuất ngoại là một vinh dự lớn, họ đâu biết rằng đám sinh viên qua bên ấy có nhiều đứa phải lêu bêu khổ cực, phải đi rửa bát làm chuyện nhọc nhằn cho mấy tên mũi lõ. Nếu các bậc cha mẹ mà biết được con cái mình khổ sở như vậy, không hiểu họ có còn cho rằng chuyện du học của con cái họ là một vinh dự nữa hay không?

- Anh nói thế nghĩa là anh không muốn đi xuất ngoại?

- Có chứ! Rồi Sở Liêm hạ thấp giọng - Có điều đó là chuyện tương lai chớ không phải ngay bây giờ, bao giờ anh kiếm được một số tiền lớn anh sẽ xuất ngoại đi du lịch. Đi chơi chớ không phải để chịu khổ.

- Nghĩa là anh không có ý định muốn đi du học?

- Vâng, thà mang tiếng bất hiếu còn hơn.

- Vậy thì... Tôi thở ra tiếp - Tư tưởng anh cũng hoàn toàn trái ngược với ý định của cha mẹ em rồi. Người định cho chị Lan Bình xuất ngoại, nếu anh không đi thì chuyện giữa anh với chị Bình tính sao?

Sở Liêm có vẻ khó chịu, chàng nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Cô bé, xin em đừng quan tâm đến chuyện giữa tôi và chị cô có được không?

Nhưng tôi vẫn tiếp tục:

- Như thế có nghĩa là anh và chị Bình đã hội ý với nhau rồi chứ?

- Trời đất! Sở Liêm kêu lên - Sao em lại thắc mắc kì cục vậy?

- Em muốn nhờ anh giúp cho một việc.

- Sẵn sàng.

Tôi xếp quyển Văn phạm Anh văn lại:

- Xin anh giúp em bất hiếu luôn, em không muốn thi vào đại học, cũng như không có ý định học lên đấy.

Chàng nhìn tôi thật lâu:

- Như thế cha mẹ em sẽ buồn.

- Vâng thế còn anh? Mẹ anh cũng thất vọng về chuyện du học của anh vậy? Sự thật em thấy cha mẹ có công sanh thành chúng ta, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bắt buộc phải sống theo khuôn đúc vạch sẵn của người. Đời chúng ta phải được ta làm chủ chứ?

Sở Liêm im lặng một chút rồi thở dài:

- Đó là điều anh thường nghĩ đến Lăng ạ. Chúng ta sống cho ai? Cho cha mẹ hay cho chính chúng ta? Nhưng Lăng cũng không thể phủ nhận chuyện an bài của cha mẹ cho chúng ta chẳng qua vì yêu và lo lắng cho ta thôi. họ cứ nghĩ là như thế là họ đang giúp đỡ ta đấy.

- nhưng nhiều khi vì yêu quá mà họ đã đưa chúng ta vào ngõ hẹp?

Sở Liêm nhìn tôi:

- Tú Lăng, em không còn là cô bé nghịch ngợm ngày nào nữa rồi.

Nhưng tôi không chịu:

- Em vẫn nghịch, có điều sự nghịch đó chẳng cản trở gì đến tư tưởng của riêng em. Cho anh biết, tuy ở trong phòng nhưng chẳng có một phút giây nào đầu em ngủ yên cả, lúc nào cũng như có hàng trăm điều vụt qua óc em và nếu em có nói những điều đó ra, chắc chắn có người không hiểu được em. Họ có thể cho rằng em điên, hay mơ mộng, anh có thấy những chuỗi sáo bên khung cửa không? Chị Bình cứ mãi khó chịu về nó. chị ấy đâu biết rằng cứ mỗi hạt gỗ là giấc mộng con của em.

- Có thể cho anh biết được không?

- Không được, vì không thể diễn tả bằng lời.

Sở Liêm nắm lấy tay tôi:

- Thôi được, rồi anh sẽ cố gắng giúp em, em sẽ khỏi phải học nữa.

- Thật nhé?

- Thật.

Có tiếng động ở cửa, tôi rút vội tay lại, chị Bình bước vào với nụ cười trên môi, tay chị bận mang mâm đầy thức ăn, mùi thơm ngát mũi.

- Mẹ bảo tôi mang cho hai người dùng đây. Anh Liêm, anh ráng chăm sóc nó kĩ, đừng để nó lười nhé?

Sở Liêm nhìn tôi vẻ lúng túng:

- Em Lăng, em định sau này làm gì?

Tôi cười nhẹ:

- Em không mơ ước phải thế này thế nọ, em chỉ mong sao mình sống đời bình thường, vui vẻ, hạnh phúc...

Nói đến đây tôi ngừng lại. Chợt nhớ ra đó là lời của người bạn lạ lùng trong buổi dạ hội: Vân Hoàn, một ý tưởng bất thường nhen nhúm, tôi vội xua tay và tiếp:

- Em muốn viết văn làm thơ, học thêm một ít nhạc...như đàn guitar hay đàn organ và sống một đời sống bình thường.

Chị Bình đứng cạnh kêu lên:

- Trời ơi, mấy người học hành như vậy đó sao?

Sở Liêm cười:

- Thì cô ấy đang nói tới sở thích của cô ấy đấy chứ?

Chị Bình có vẻ không hài lòng:

- Anh Liêm, anh làm trò gì thế?

Liêm ngẩng đầu lên, đôi mắt đen nháy của chị như một thứ nam châm, tôi thấy gương mặt của anh Liêm đổi khác ngay. Hoàng tử nhái vừa gặp công chúa đã hiện nguyên hình:

- Tú Lăng không muốn học nữa...

Sở Liêm lúng túng, chị Bình cắt ngang:

- coi chừng mẹ em giận đấy.

- Nhưng em không muốn học.

Tôi bực mình nói, chị Bình quay sang Liêm:

- Thôi được, nhưng hôm nay không học, mấy người ở trong phòng mãi làm gì? Sao không xuống lầu nghe nhạc chứ?

Anh Liêm chưa phản ứng, chị Bình đã kéo lấy tay anh:

- Đi anh, xuống nghe nhạc.

Sở Liêm đứng dậy nhưng không quên mời tôi:

- Xuống luôn nhé Lăng?

Nhưng tôi đã từ chối ngay:

- Không, em còn bận nhiều chuyện lắm.

Hai người bước ra khỏi cửa phòng, cửa lại khép chỉ còn mình tôi với bức rèm thưa.

Bên ngoài những ánh sao khuya lấp lánh, khung cảnh buồn như một áng mây.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro