Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tuyển tú thời Thanh (1)

Tuyển tú thời Thanh là hình thức tuyển chọn nổi tiếng nhất trong hậu cung và phủ vương công nhà Thanh, cũng là loại đợt tuyển hậu cung được ghi lại tỉ mỉ và chi tiết nhất trong lịch sử Trung Quốc. Các Hoàng hậu, phi tần,thê thiếp của vương công cùng cung nữ triều Thanh đều được lựa chọn qua những đợt tuyển này. Những người tham gia đợt tuyển này, dù là Bát Kỳ tuyển tú hay Nội vụ phủ tuyển tú thì cũng đều được gọi chung là Tú nữ.

Dựa trên xuất thân, nhà Thanh chia ra hai loại tuyển tú, mỗi loại dẫn đến kết quả khác nhau:

- Loại thứ nhất là chân chính Bát Kỳ tuyển tú (八旗选秀), mỗi 3 năm một lần. Cái gọi là "chân chính Bát Kỳ", tức là người Bát Kỳ không thuộc nhóm Bao y và Kỳ hạ gia nô, có kỳ tịch chính thức, gọi là Kỳ phân Tá lĩnh hoặc Ngoại Bát kỳ. Người Ngoại Bát Kỳ tham gia tuyển tú sẽ được gọi là "Tú nữ", được chọn sẽ có thân phận Nội đình chủ vị (tức là Hoàng hậu hoặc phi tần), đây là nguồn lực chủ yếu của hậu cung. Như hai vị Trân phi và Cẩn phi thời Thanh mạt, là sau khi tuyển tú trúng tuyển được trực tiếp phong làm Trân tần và Cẩn tần. Nếu trúng tuyển nhưng không được chọn vào cung làm phi tần thì Tú nữ sẽ được chỉ hôn trở thành Đích Phúc tấn/Trắc Phúc tấn của vương công.

- Loại thứ hai là Nội vụ phủ Bao y tuyển tú (内府包衣选秀), mỗi năm 1 lần. Đợt tuyển này là chọn những Bao y trực thuộc Nội vụ phủ, tức là mang kỳ tịch thuộc về Thượng tam kỳ, là Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chính Bạch kỳ của tầng lớp Bao y. Thiếu nữ thuộc Nội vụ phủ Bao y tham gia tuyển tú sẽ được gọi là "Nội vụ phủ tam kỳ tú nữ" (内府三旗秀女), người được lựa chọn sẽ trở thành cung nữ, trong các văn bản còn ghi "Cung nữ tử" (宫女子) hoặc Quan nữ tử, chẳng qua do các ghi chép triều Thanh đều ghi tú nữ Bát Kỳ và tú nữ Nội vụ phủ là "Tú nữ" nên mới thường xuyên dẫn đến chuyện nhầm lẫn. Các cung nữ đó đa số ở trong cung hầu hạ với thời gian trên dưới 10 năm, khoảng năm 25 tuổi (lệ thời Ung Chính) có thể xuất cung tự do hôn nhân. Rất ít trong số họ vì một số nguyên nhân mà được Hoàng đế sủng hạnh, được ban các vị phân thấp (Thường tại, Đáp ứng), sau đó có thể từ từ thăng tiến.

I. Bát kỳ tuyển tú

Bát kỳ tuyển tú là đợt tuyển chọn Hậu phi hay thê thiếp cho Vương công diễn ra 3 năm 1 lần.

Dựa theo chế độ nhà Thanh, nữ tử trong một kỳ chỉ cần phù hợp điều kiện nhất định (ví dụ như chức quan của phụ thân) thì đều cần phải tham gia tuyển tú, chỉ khi sau lúc tuyển tú bị "Lược bài tử" thì mới có thể tự do hôn phối với người khác. Quy định này gắt gao đến nỗi, dẫu bị bệnh hoặc phải để tang thì cũng bị lưu tên để tham gia dự tuyển lần sau, nói chung là hoàn toàn không thể trốn được. Có thể nói rằng, phụ nữ Bát Kỳ thời Thanh nếu không vì các loại lý do đặc thù, thì đều đã từng phải tham gia tuyển tú, đây cũng là điểm quan trọng của chế độ tuyển tú.

Nữ tử Bát Kỳ một khi vào cung sẽ không thể liên lạc với gia đình, có hạnh phúc cũng không thể vượt qua sầu muộn, nên đời Thanh những gia tộc có địa vị thường không hy vọng nữ quyến của gia tộc mình được lựa chọn, từ số lượng lớn văn chương ["Mừng muội muội bị lược bài"; 贺妹撂牌] của người Bát Kỳ để lại cũng có thể thấy được điều đó. Nhìn chung, Bát Kỳ tuyển tú thật sự là ác mộng với các cô gái Bát Kỳ nhà quyền thế.

Yêu cầu và quá trình của một đợt Bát Kỳ tuyển tú triều Thanh:

1. Nữ tử Bát Kỳ, phàm là phù hợp yêu cầu thì đến 13 hay 14 tuổi phải báo danh cho Tá lĩnh, từ đó báo lên Đô thống. Cuối cùng, bộ Hộ sẽ xếp vào danh sách dự tuyển.

2. Tới lúc tuyển tú, quan viên trong kỳ và nhân viên bộ Hộ sẽ sắp xếp thứ tự theo kỳ tịch. Lúc đầu 1 ngày tuyển 2 kỳ, ví dụ ngày đầu tiên tuyển Tương Hoàng kỳ và Chính Hoàng kỳ, thì thứ tự sẽ là:"Tương Hoàng kỳ Mãn Châu, Tương Hoàng kỳ Mông Cổ, Tương Hoàng kỳ Hán Quân, Chính Hoàng kỳ Mãn Châu, Chính Hoàng kỳ Mông Cổ, Chính Hoàng kỳ Hán Quân", lần lượt như vậy mà dự tuyển. Thanh triều đến thời kỳ giữa có thay đổi, quy định con gái quan viên nhị phẩm trở lên thuộc Bát Kỳ Mãn Châu và Mông Cổ tuyển chung 1 ngày, còn lại như cũ chia kỳ tham tuyển (lệ vào định vào năm Gia Khánh thứ 20).

3. Sau khi an bài thứ tự ổn thỏa thì liền đưa người vào. Một ngày trước tuyển chọn, quan viên trong kỳ sẽ sắp xếp xe ngựa, tiến hành sắp hàng các xe. Vào nửa đêm, các tú nữ sẽ nhộn nhịp nhập cung từ Địa An môn (地安門) đi đến hàng rào phía đông Thần Vũ môn (神武門). Sau khi Thần Vũ môn mở cửa, tú nữ theo thứ tự mà xuống xe, xe ngựa sẽ đi qua Đông Hoa môn (東華門) làm 1 vòng từ phía Đông rồi lại dừng trước Thần Vũ môn. Còn các tú nữ sẽ được thái giám đưa vào nội cung.

4. Sau khi tú nữ vào cung sẽ được đưa đến địa điểm tuyển chọn chuyên biệt. Địa điểm này hay thay đổi, nhưng giống nhau đều là ở trong nhà, ví dụ như Khôn Ninh môn (坤寧門). Thời điểm duyệt tuyển, 1 loạt 5 người sẽ tiến vào[1], mà những tú nữ này khi gặp Hoàng đế và Hoàng hậu[2] sẽ giống nhau, đều đứng chứ không quỳ. Bài tử của tú nữ gọi là ["Lục đầu bài"; 绿头牌], giống với thẻ bài của đại thần khi tiếp kiến. Thời điểm xét tuyển, lục đầu bài sẽ đặt trên ngự án, trên người tú nữ cũng sẽ đeo một cái thẻ gỗ nhỏ để nhận biết. Trên thẻ bài viết ["xx kỳ xx quan chi nữ xx thị"], đôi khi còn viết cả ba đời, viết chức quan + tên húy của ông nội và ông cố tú nữ[3], nếu tú nữ cùng Nội đình chủ vị trong hậu cung có quan hệ thì cũng thường được ghi chú đặc biệt lại. Nếu hợp ý Đế-Hậu, bài tử sẽ được giữ lại, còn không thì sẽ không được giữ, nên mới gọi là Lưu bài tử (留牌子) và Lược bài tử (撂牌子).

5. Nếu tú nữ bị lược thẻ thì từ đây có quyền tự do kết hôn, có thể hồi đáp sắp xếp của cha mẹ và bà mối. Đôi lúc sau khi bị lược thẻ, sẽ được Đế-Hậu ban cho một số vật phẩm nhỏ, chỉ là thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít có liên quan tới gia thế của tú nữ, và thường là thưởng tơ lụa hoặc phụ kiện gì đó.

6. Còn tú nữ được lưu thẻ thì cũng trở về nhà tạm thời, tới thời kỳ sẽ ["phục tuyển"; 复选]. Thời điểm phục tuyển sẽ lại có người bị lược thẻ hoặc tiếp tục được lưu thẻ, từ đó được an bài thêm 1 bước nữa, khả năng sẽ được chỉ hôn cho tông thất chi gần hoặc trở thành Hậu cung chủ vị.

Các Tú nữ thời Thanh mạt kỳ.

Các Tú nữ dự tuyển phải được đưa về kinh thành bằng xe la kéo. Do hoàn cảnh các gia đình khác nhau, nhà quan thì có xe, nhà lính, nhà đinh thì phải thuê nên Càn Long có quy định cấp cho mỗi nhà 1 lạng bạc lấy từ kho Bộ Hộ. Đến kinh, trước khi vào cung dự tuyển, các cô phải ngồi trên xe, xếp theo kỳ và theo thứ bậc.

Hàng đầu là thân nhân của hậu, phi trong cung, đến những người đã trúng tuyển kỳ trước, lần này phúc tuyển rồi đến người dự tuyển lần đầu, cũng xếp theo độ tuổi; trên mỗi xe đều treo cặp đèn và biển trên có ghi "con ông A ở kỳ X do ông Y dẫn". Khi màn đêm buông xuống thì vào theo cửa Địa An, đến cửa Thần Võ thì xuống xe, được thái giám dẫn vào cung.

Tại các nơi Ngự Hoa viên, Tu Nguyên điện, Tĩnh Di hiên... đều là những nơi thẩm duyệt tú nữ. Thường mỗi ngày chỉ duyệt (chấm) các thí sinh của hai kỳ. Thường cứ 5-6 người xếp thành hàng để hoàng đế hoặc thái hậu tuyển chọn, cũng có khi duyệt theo tốp 3,4 người, thậm chí từng người. Nếu ưng ai thì để biển tên lại, gọi là "lưu bài tử", ai không ưng thì gỡ bỏ luôn biển tên.

Sau vòng này đến vòng phúc tuyển, những ai được "lưu bài tử" sau 2 vòng sẽ có 2 vận mạng: hoặc là được đưa về nhà các vương công, tôn thất; hoặc giữ lại hoàng cung trở thành đối tượng để hoàng đế chọn làm phi hoặc tần. Những người được giữ lại cung còn phải trải qua những thủ tục rất phức tạp, chỉ một số rất ít được may mắn.

Nhắc đến tên "Tú nữ" nhiều người chắc nghĩ toàn là những cô gái đẹp "trầm ngư lạc nhạn", nhưng không phải. Hai tiêu chuẩn triều Thanh công khai là "phẩm đức" và "môn đệ". Hiện vẫn còn lưu giữ được một văn bản liên quan đến địa vị của những thiếu nữ sau khi được tiến cung: "Ngày mồng 3 tháng 2 năm Đồng Trị thứ 11, Kính Sự phòng truyền chỉ: Con gái Công tước phong làm phi; con gái tướng quân phong làm phi; con gái tri phủ phong làm tần; con gái viên ngoại lang phong làm tần. Khâm thử!".

II. Nội Vụ phủ tuyển tú.

Nội Vụ phủ tuyển tú là đợt tuyển tú chọn cung nữ, diễn ra 1 năm 1 lần. Thông thường các Cung nữ thuộc Thượng tam kỳ sẽ được chọn vào cung để hầu hạ Hoàng đế cùng các hậu phi, còn các Cung nữ thuộc Hạ ngũ kỳ sẽ được tuyển vào để hầu hạ các Vương công tông thất.

Căn cứ Thanh cung trung dĩ Cung nữ vi Chủ đích nữ phó giai tằng, tuyển chọn cung nữ thời Thanh đã sớm ở năm Thuận Trị thứ 8 (1661), ghi lại: "Phàm nữ tử từ Nội phủ Tá lĩnh (tức Bao y Tá lĩnh), Nội phủ Quản lĩnh (tức Tân Giả khố), khi được 13 tuổi, thì Tá lĩnh cùng Quản lĩnh tạo danh sách để kê trình, giao Tổng quản Thái giám thỉnh chỉ duyệt xem". Nói cách khác, khi tuyển chọn cung nữ, các nàng cần phải đủ tuổi và có kỳ tịch thuộc Nội vụ phủ Tá lĩnh và Quản lĩnh của Thượng Tam kỳ Bao y, gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chính Bạch kỳ (trước là Chính Lam kỳ). Tất cả đều phỏng vấn ở Ngự Hoa viên trong Tử Cấm Thành, mỗi lượt chọn 5-6 người, sau đó trở thành cung nữ, phân phối đến các cung điện phục vụ, ai không được chọn thì có thể về nhà kết hôn. Sau đó qua quá trình kiểm tra gắt gao, đầu tiên là dung mạo ưa nhìn, thông minh linh lợi, sau đó là đến cách thêu thùa, quét tước cùng luyện chữ và đọc sách, thì mới tùy trình độ mà phân phó vào các cung làm việc, ai ưu tú thì được đãi ngộ tốt nhất là hầu hạ phi tần, thấp thì phải vào các cơ quan làm việc nặng. Dưới thời Ung Chính, cung nữ hầu hạ cho Quý nhân trở lên, tắc phải được tuyển từ con nhà thế gia trong tầng lớp Bao y, còn những phi tần tước vị Thường tại và Đáp ứng thì mới tuyển cung tì xuất thân thấp hơn để hầu hạ.

Có thể thấy, nữ tử từ Nội vụ phủ Bao y đều như nhau trải qua tuyển chọn gay gắt, đến lúc này thì không còn dựa vào gia thế nữa, mà cơ bản là bản thân của người đó phải có biểu hiện tốt, thì mới được phân vào các công việc tốt nhất như hầu cận chủ tử tần phi. Vào thời Thanh, Hoàng đế không có cung nữ hầu mà chỉ có Thái giám, như bản thân Thanh Thánh Tổ trong Đình huấn cách ngôn có nói: "Vào thời Minh triều, trong cung cung nữ có mấy nghìn người, tiền son phấn phải đến trăm vạn. Nay Trẫm định trong cung Sử nữ có 300 người. Những người chưa hầu cận Trẫm, tuổi khi 30, ra cung về với nhà mẹ, lệnh hôn phối". Sách Cung nữ đàm vãn lục cũng ghi lại, Thanh triều cung chế nghiêm ngặt, cung nữ không được tùy tiện rời khỏi cung điện mà mình phục vụ, khi rời khỏi thì nhất thiết phải có ít nhất 2 người cùng đi.

Phân phối cung nữ:

- Hoàng thái hậu: 12 người;

- Hoàng hậu: 10 người;

- Hoàng quý phi: 8 người;

- Quý phi: 8 người;

- Phi: 6 người;

- Tần: 6 người;

- Quý nhân: 4 người;

- Thường tại: 3 người;

- Đáp ứng: 2 người.

Khác với các chủ nhân ở hậu cung, cung nữ đời nhà Thanh chỉ phải ở trong cung đến 25 tuổi là có thể xuất cung và sống như những người phụ nữ bình thường khác (lấy chồng, sinh con...). Cũng có những trường hợp cung nữ tự nguyện ở trong cung cả đời, trở thành cô cô Trưởng quản cung nữ của một cung, hoặc sẽ trở thành phi tần, như Lệnh Ý Hoàng quý phi. Còn có những trường hợp như được ban làm nha hoàn hồi môn cho Công chúa, hoặc ban làm thiếp cho quan thần, ví dụ Kỷ Hiểu Lam từng được ban hai cô cung nữ làm thiếp.

Sau khi ra khỏi cung, người cung nữ đó không được phục tiến, không được đến cửa cung thỉnh an, nhưng cũng có lệ cung nữ được sủng ái, sau khi ra khỏi cung cũng được triệu về trở lại trong một thời gian. Lời đồn rằng, cung nữ Song Hỉ của Từ An Thái hậu từng được gọi vào trở lại. Hay cung nữ Vinh Tử của Từ Hi Thái hậu, từng chỉ hôn cho một viên thái giám, sau được triệu hồi trở lại.

Tuy thân phận nô bộc, song theo quy định trong cung đình nhà Thanh, cung nữ nếu bị tội thì sẽ bị phạt quỳ, phạt trượng đánh, nếu phạm đại tội bất nghịch thì mới dùng phạt trượng đánh chết. Nhưng có một hạn chế nhất định, chính là không thể phạt đánh vào mặt, và hạn chế đánh chết cung nữ. Đôn phi của Càn Long Đế từng đánh chết cung nữ mà bị giáng làm Tần. Đặc biệt có một việc, khi Đổng Ngạc phi chết, Thế Tổ từng đem 30 cung nữ tuẫn tang, về sau thời Khang Hi thì triệt để bỏ đi quy tắc này.


2697 từ
--------------------------------------------------------------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro