Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hanh trinh tinh yeu 3

Mọi việc cứ thế trôi qua, Tết đã gần kề, hơi thở của Mùa xuân đã hầm hập sau gáy tôi. Cả khu vườn của mẹ hoa đã đua nhau khoe sắc. Bác Dũng tất bật với việc nhà, không lao động dường như chân tay bác ngứa ngáy lắm, bác loay hoay buộc chổi quét mạng nhện rồi lại sơn lại mấy cái cánh cửa, mặc cho ba tôi can gián ông vẫn cặm cụi làm may mà cái chân đau cũng đã đỡ rất nhiều.

Ba tôi cũng bận rộn trang trí nhà cửa, có lẽ lúc này ông mới nhớ đến cái thân tôi vì mọi năm phần đó của tôi.

Mẹ thì lật đật chợ búa, lúc nào tôi cũng thấy mẹ đi chợ, cứ đi rồi lại về, lẩm nhẩm, thấy thiếu cái gì đó lại cắp nón, cắp làn đi, mẹ cứ như nấu cỗ cho cả Tổng ăn không bằng.

Quất đã chín vàng trong những khu vườn ươm, phố phường đông đúc, nhộn nhịp, đèn đuốc sáng trưng. Ai cũng hối hả, vội vã trong cái không khí năm hết Tết đến này, người ta tự cho mình không được nhàn hạ, trong dòng người xuôi ngược đó tôi có lẽ là con người duy nhất không vướng bận cảnh Tết nhất, tôi thấy mình lạc lõng giữa đời.

Lác đác đã có người mang bán những cành đào nở sớm, đào phai, đào thắm đủ cả. Sáng sáng, tôi co ro trong bộ vest, thanh thản cho xe đi thong dong sau những cô bán hoa, sương muối trắng mờ mờ, xe hoa tươi hồng lúc ẩn, lúc hiện trong sương, tim tôi tràn ngập một cảm giác nao nao, khó tả, tình yêu gia đình, yêu mẹ, yêu quê hương và …yêu Thuỳ cứ rộn ràng, đốt cháy trái tim tôi.

Xuân ơi! Xin mang Thuỳ về bên tôi!

Mẹ thấy tôi cứ còm cõi, cô đơn trong những ngày mà người ta dù ở đâu cũng nhao về bên gia đình thế này, mẹ thèm lắm cảnh gia đình sum họp, đầm ấm, mẹ bảo tôi :

- Hay mấy ngày tết con về nhà ăn Tết với mẹ chứ ngày tư ngày Tết, nhà người ta con cháu đủ cả nhìn đến nhà mình mà mẹ cứ nẫu cả ruột.

Tôi chỉ cười, mẹ lại nói :

- Con đừng có lo chuyện ba, thế nào ông ấy cũng hiểu thôi, không lẽ đuổi con ra khỏi nhà ngày Tết.

Tôi nắm tay mẹ :

- Con ở đó quen rồi, ngày nào con cũng về với mẹ mà, chỉ là con không ngủ ở đây thôi.

- Nhưng mẹ muốn thấy con trước khi con đi ngủ, mẹ muốn chăm sóc con mấy ngày Tết để con lấy lại sức lực.

Tôi rơm rớm nước mắt bảo mẹ :

- Mẹ! Con lớn lắm rồi, mẹ đừng lo cho con, con hứa Tết này ngày nào con cũng sẽ sang ăn vạ mẹ.

Tôi biết mẹ đang nghĩ gì, tôi thương mẹ lắm nhưng tôi ngại cái nhìn của ba, tôi sợ tiếng thở dài nặng như đá của ba mỗi khi ba thấy tôi. Thời gian, tôi cần thời gian để làm nguội mọi thứ và làm những chuyện không bình thường trở thành bình thường. Thấy mẹ cứ ngẩn ngơ buồn, tôi lảng sang chuyện khác :

- Sao năm nay mẹ lại giở giói ra gói bánh chưng làm gì, nhà đã neo người, lấy ai cọ lá, đãi đỗ bây giờ, cứ đặt thẳng ngoài hàng cho xong, ăn hết bao nhiêu đâu.

Mẹ tôi chép miệng :

- Mẹ thấy người ta nói họ cho chì vào bánh chưng để bánh chưng nó mau chín, ăn thế độc lắm.

- Ôi dào, cứ nói thế chứ thực hư biết thế nào, mẹ sợ thế sao không đặt ở nhà anh Hạnh đầu ngõ ấy, yên tâm luôn.

- Không, năm nay mày không ở đây mẹ muốn gói nhiều một chút cho mày mang về ăn Tết còn biếu ông bà nữa chứ, tự gói ngon hơn con ạ, thịt thà, mắm muối nó đầy đặn.

Tôi la lên :

- Thế mẹ định gói bao nhiêu chiếc.

Mẹ tôi lẩm nhẩm tính trên đầu ngón tay rồi cười :

- Chắc phải 30 chiếc con ạ!

Tôi ngất xỉu vì sợ mất, gần 2 yến gạo, mẹ tôi tính kiểu gì đây nhưng mẹ muốn thế thì cũng đành chịu, nhớ những ngày xưa nhà tôi gói cả 40,50 chiếc bánh mà cũng có thấy nề hà gì đâu thế mà giờ sao ngại thế, tôi nhớ những ngày Tết khi xưa quá, cái Tết của những đứa trẻ vô tư, trong sáng, cái Tết của sự thiếu thốn vật chất nhưng no đủ về tinh thần. Tết trong tôi là những cái phong bao lì xì đỏ chói, là một bộ cánh mẹ chen chúc mới mua được ở hội Chợ, là những tối giáp Tết cúp điện, chúng tôi chơi trò chiến tranh và đuổi nhau chạy tới khuya vì sáng mai không đứa nào phải đi học.

Cuộc sống khốn khó nhưng tôi tự biết chế cho mình những quả pháo sáng bằng gỗ xoan khô nhồi đất sét, tôi xếp chúng thành một hàng dài rồi mồi lửa cho chúng cháy, tôi ném thật cao lên, những đốm pháo bay thành vệt trên bầu trời lấp lánh như ánh mắt trẻ thơ chúng tôi. Tôi cứ dóng mắt trông lên những đốm sáng thành vệt dài như sao chổi ấy lòng chẳng mong ước gì ngoài cái bánh chưng mà sáng mai thế nào mẹ cũng bóc ra cúng Tất niên.

*

* *

Thuỳ cứ đi ra, đi vào trong nhà, ruột gan cô cứ như có lửa đốt, hôm nay là 23 tháng Chạp rồi, vậy là vừa tròn một tuần nữa thì sẽ sang năm mới. Hôm qua cô tình cờ gặp mẹ của Lam, bà gầy đi rất nhiều, bà túm lấy cô như tìm được một người tâm sự, bà đã cho cô biết về cuộc sống hiện tại của Lam, thì ra Lam bị đình chỉ chức vụ ngay hôm cô chia tay Lam. Thuỳ nhớ lại khuôn mặt Lam hôm đó, Lam đã định nói với cô, có lẽ lúc đó Lam cần cô lắm vậy mà cô đang tâm dứt áo ra đi, cô thấy mình thật xấu xa quá. Cô cứ chết lặng khi mẹ Lam kể về Lam về những vất vả của Lam sau khi cô ra đi, Lam đã mất tất cả, chấp nhận mất tất cả để gây dựng một cuộc sống mới cho riêng mình. Cô thương Lam quá! Từ lúc đó hình ảnh Lam lúc nào cũng chiếm hết tâm trí cô, cô khao khát được gặp Lam, được nhìn thấy ánh mắt nồng nàn yêu thương, được nhìn thấy nụ cười ấm áp của Lam.

Cuộc sống của cô với Bảo ngày càng trở nên tồi tệ, một sự gá ghép không tự nguyện sẽ chỉ là một sự trói buộc tù túng mà thôi. Già néo ắt đứt dây, cô đã lờ mờ nhìn thấy kết quả trước mắt mình. Bảo cũng chán rồi, anh đi suốt, đi liên miên, chẳng buồn để ý đến Thuỳ nữa và Thuỳ thấy vui mừng nếu như anh có người khác. Có lẽ cô đã không còn chút mảy may tình cảm nào với Bảo nữa rồi. Thuỳ nhấc điện thoại, cô định gọi cho Lam cô muốn nghe giọng Lam, cô nhớ cái giọng nói trầm ấm và lúc nào cũng hóm hỉnh, hài hước ấy lắm rồi.

Nghĩ là vậy nhưng cô không dám bấm số, cô xấu hổ lắm, chẳng biết mở đầu thế nào, 6 tháng qua rồi, 6 tháng không một sự liên lạc nào dưới mọi hình thức làm cô trở nên thấy mình đã xa Lam. Niềm khao khát có Lam chưa chiến thắng được cảm giác ngại ngần lúc này và thế là cô lại để máy xuống. Cô ngồi co hai chân lên chiếc phôtơi, tay ôm lấy hai cái đầu gối, mắt nhìn vào khoảng không trước mặt, cô đang nghĩ đến tương lai, có quá muộn chăng khi giờ cô mới nghĩ tới điều đó. Sống cho mình, vì mình rồi mới vì người khác được, cô đã từng nghĩ thế, Lam đã từng nói với cô thế nhưng giờ cô mới thấm thía, giờ cô mới thấu hiểu.

Càng thấm thía cô càng nhớ Lam, càng thấu hiểu cô càng muốn cùng Lam đi chung một con đường. Cô ngồi mơ mộng về một viễn cảnh giữa cô và Lam, cả hai đứa trong một căn phòng nhỏ, rộn rã tiếng cười. Cô tin chắc Lam có thể mang lại điều đó cho cô, cô cần điều đó, cần một hạnh phúc nhỏ chứ không cần một vị trí vĩ đại, rạng rỡ như ba cô nói, sống với Bảo giúp cô nhận ra điều đó rõ ràng. Cô cứ ngồi bất động như thế cho đến khi Bảo mở cửa vào nhà lúc nào mà không hay, anh hỏi Thuỳ giọng hằm hè :

- Sao còn ngồi đấy, nhà cửa bừa bộn thế kia mà không dọn dẹp đi.

Thuỳ uể oải đứng dậy :

- Anh không thấy mọi thứ sáng bóng đấy thôi.

Bảo lăm le bước tới bậc cầu thang, anh miết tay xuống chân tường và sấn sổ chỉ vào mặt Thuỳ :

- Sạch bóng thế này hả?

- Anh cứ đi cả ngày sao không về dọn giúp mà còn cứ hay hạnh hoẹ thế?

- Thế cô làm vợ để làm gì, tôi đàn ông mà phải chổng mông lau nhà để thiên hạ nó cười vào mặt à?

- Họ chỉ cười nếu anh coi vợ như người làm thôi còn chẳng ai cười một người đàn ông biết san sẻ việc nhà với vợ đâu.

Bảo nghe vợ mát mẻ thế lại lên cơn tức, anh tiện tay ném thẳng cái gạt tàn vào bức tường trắng phau mà Thuỳ vừa hì hục lau xong, một vết ố vàng loang ra như minh chứng cho sự hoen ố trong quan hệ giữa hai người. Thuỳ uất ức muốn cầm cái gạt tàn ấy mà ném vào người Bảo, một gã đàn ông gia trưởng và ngạo mạn nhưng nghĩ năm hết Tết đến chẳng nhẽ lại làm ầm ĩ còn ra thể thống gì. Cô nín nhịn, lên gác thay quần áo và về nhà thăm bố mặc xác Bảo với bữa tối cô đã dọn sẵn trên bàn. Cô phải đi, sẽ có ngày cô phải đi! Thuỳ cứ lang thang, ý định là về thăm bố nhưng tâm trí cô giờ như trên cung trăng, cô cứ đi mà không biết mình đi về đâu, mông lung, vô định thế rồi cô đến quán cafe ấy, nơi mà cô Lam vẫn hay ngồi. Cô dừng xe thẫn thờ nhìn vào phía ô cửa kính trắng, hình ảnh Lam hiện ra, nụ cười ấy, bàn tay ấy sao rất gần cô, bất giác Thuỳ mỉm cười như đang cười với chính Lam, kỷ niệm bây giờ là chút giá trị ấm áp sưởi ấm con tim cô, xoa dịu những nỗi đau trong cô, Lam ơi! Thuỳ muốn đến bên Lam!

*

* *

Tất niên!

Tôi về mẹ từ sáng sau khi đã dọn dẹp lại phòng ốc theo ý kiến chỉ đạo của mẹ, mẹ bảo sống ở đâu cũng phải ngăn nắp và chu đáo không được cẩu thả để nó không ăn sâu vào tính nết sau này. Căn phòng sáng sủa hẳn ra, trông cũng đỡ nẫu ruột, tôi dựng lại khung ảnh tôi và Thuỳ ngay ngắn trên bàn làm việc rồi lưu luyến nhìn nó, chán chê tôi đưa tay vẫy như vẫy chính Thuỳ “Chào Thuỳ nhé!”

Tôi vẫn rất ngại ba, nhưng hôm nay ông không đi đâu nữa, phần vì mẹ nói phần nữa chẳng ai có thời gian tiếp ông vào cái ngày bận rộn thế này cả. Tôi bước vào khi ba đang ngồi cùng bác Dũng uống nước trà chờ hết hương để ăn cơm. Thấy tôi, bác Dũng đứng ngay dậy đưa tay bắt tay tôi và hồ hởi :

- Cả nhà đang chờ cháu đây.

Tôi cười chào bác và nhìn sang ba, ấp úng :

- Con chào ba!

Ba tôi vẫn cứ chăm chú xem tivi như không nghe thấy nhưng ông đã đáp lại tôi bằng một cái gật đầu, có thể đây là một dấu hiệu cho thấy ba tôi có vẻ đã thay đổi, một tín hiệu đáng mừng cho đứa con tội nghiệp như tôi. Bác Dũng biết ý, vội vàng nháy mắt với tôi và hất đầu về phía ba ý chừng muốn tôi ngồi lại nói chuyện với ba rồi bác đi xuống bếp để lại không gian cho ba con tôi. Tôi hiểu ý bác, lại gần ngồi xuống ghế đối diện và hỏi ba :

- Ba khoẻ không ạ?

Ông đưa tay với chén nước, nhấp một ngụm và lại khẽ gật đầu. Tôi lúng túng, lâu không trò chuyện với ba nên tôi bỗng như gà mắc tóc, tôi với ba cứ như hai người khách lạ, tôi ngần ngừ không biết tiếp tục thế nào, sau cùng tôi đành cúi xuống mân mê mấy ngón tay mình, một lúc sau ba mới cất giọng hỏi nhỏ tôi :

- Con sống thế nào?

Tôi xúc động ngập ngừng nói :

- Tốt lắm ba à!

- Công việc ở cơ quan thế nào, tay Uy còn phá nữa không?

- Vẫn ba ạ, hắn dừng lại làm sao được, con vẫn đang bị đình chỉ chức vụ chờ giải quyết.

- Đình chỉ gì mà lâu thế, gần 6 tháng rồi còn gì.

- Ba biết mà, cơ chế của mình có khi còn bị chờ cả năm ấy chứ.

Ba tôi gật gù rồi nói :

- Mấy ngày Tết năng qua đây cho mẹ con đỡ buồn.

Ba nói ít lắm, chỉ vài câu thế thôi, tính ba vẫn vậy nhưng tôi không khỏi hạnh phúc, quả đúng là Tết, mọi thứ có lẽ đang được dần bỏ qua, không hy vọng ba chấp nhận nhưng tôi mừng vì ba không còn ghét tôi nữa. Thái độ của ba càng làm tôi thấy mình phải sống sao cho tốt, tôi không thể làm ba lại thất vọng nữa.

Tôi ở nhà mẹ đến tối khuya mới về, mẹ giữ ở lại đón Giao thừa nhưng tôi muốn lang thang ngoài phố để nhâm nhi cái hương vị của thời khắc cuối cùng trong năm. Tôi hẹn mẹ sáng mai tôi sẽ lại sang chúc Tết mẹ và cả nhà. Mẹ cứ nấn ná, lấn bấn mãi mới chịu xa tôi. Tôi kéo cái mũ len sụp xuống để che cái lạnh đang ngấm vào da thịt mình. Tôi thong thả tản bộ về nhà, cũng không xa lắm với lại muốn xem pháo hoa tốt nhất là đừng mang theo xe. Không có mưa phùn, thiếu mưa cái tiết Xuân cũng kèm phần đặc sắc. Lác đác đã có người đi đón Giao thừa, họ muốn tìm một chỗ thật tốt để quan sát pháo hoa.

Tôi bước nhanh về phía mép hồ, trời tối đen như mực, mặt hồ tối thẫm như một tảng băng khổng lồ hình thù kỳ dị, gió bấc thổi phần phật như muốn tung tôi lên không trung mà nô đùa cùng những chùm pháo chuẩn bị được bắn lên. Tôi bỗng muốn được thử sức cùng gió, tôi cởi mũ, cởi khăn len và vươn mình đón gió cho dù tôi biết rằng ngày mai cổ họng tôi sẽ tấy lên và tôi có thể ho đến cả tuần. Trời lạnh quá, chưa có năm nào Hà Nội lạnh như năm nay, nhiệt độ xuống 7 độ rồi, cái lạnh càng thêm phần khốc liệt khi nỗi cô đơn đang làm bạn cùng tôi.

Một tiếng ầm vang lên, những tiếng la hét, huýt sáo ầm ỹ, pháo hoa đã bắt đầu rồi, tôi ngửa cổ trông theo những bông pháo mà mắt ngời sáng, mỗi một bông pháo bay lên là mang theo một niềm khao khát, mong ước riêng của từng con người. Hạnh phúc, sức khoẻ và những may mắn luôn song hành với mỗi người trong 365 ngày tới. Tôi nheo mắt, khẽ mỉm cười, với tôi niềm mơ uớc là tôi sẽ được thấy Thuỳ.

Tôi khẽ quay sang một cậu bé được mẹ bế trên tay, cậu nhóc thích chí bám cả tay lên vai tôi mà không hề sợ sệt, mẹ bé có vẻ mỏi nên nhăn nhó, tôi chìa vai và nói " Chị cho cháu ngồi lên vai tôi mới xem được", người phụ nữ hơi lưỡng lự nhưng ánh mắt tôi đảm bảo rằng tôi là người tử tế nên chị cũng cho cậu nhóc ngồi lên. Hai tay cậu bé túm chặt lấy mái tóc tôi và miệng la hét ầm ỹ. Đôi mắt cậu bé sáng rực như những bông pháo nhưng riêng tôi, tôi thấy mắt cậu bé sáng vì tâm trí cậu sáng. Tôi đưa tay bẹo má nhóc và nói "Chúc mừng năm mới nhé cậu bé!"

Thời khắc thiêng liêng đã qua, năm cũ đã qua mang theo những đau đớn của riêng tôi, một năm mới đến, tôi hy vọng những mong ước nhỏ bé của tôi sẽ thành hiện thực, mong rằng năm mới sẽ mang thiên thần của tôi đến bên tôi. Tôi khẽ vén tay áo, đồng hồ đã chỉ 12g30 phút, tôi thả cậu bé xuống kèm theo một cái phong bao lì xì cho cậu bé mà tôi không quen biết, mẹ cậu bé nhìn tôi, cái nhìn đầy thiện cảm, hy vọng chị sẽ gặp thật nhiều điều may mắn.

Tôi chậm rãi đi bộ về nhà, điện thoại liên tục đổ chuông, những lời chúc của bạn bè, người thân tới tấp chúc mừng tôi, con người khốn khổ và đáng thương. Trời bắt đầu lất phất mưa như mong muốn của tôi rồi, tôi rảo bước hơn, khu nhà tôi ở đã sừng sững trước mắt, thấp thoáng vài người đón Giao thừa về, một đôi vợ chồng mới cưới ríu rít trò truyện, một đôi nam nữ yêu nhau còn đang bịn rịn chưa muốn chia tay, tất cả họ đang tạo nên một bức tranh tình yêu sống động dường như họ đang muốn giễu cợt một đứa lẻ loi như tôi, họ đang khoét sâu vào cái nỗi buồn của tôi.

Nhưng lạ chưa, trong cái rạo rực của tình yêu, của hơi thở mùa Xuân vẫn có một cô gái với chiếc túi nhỏ ở bên cạnh mình, đi đâu sớm thế nhỉ, mới ngày đầu tiên của năm mới mà, tôi thắc mắc đưa mắt nhìn kỹ hơn.

Trời ơi! Thân hình ấy, đôi mắt ấy quen thuộc ấy đang nhìn tôi, tôi sững lại, tay tôi tê cóng, chân cứng đờ, tôi không bước được nữa, ánh đèn điện vàng vọt, nhạt nhoà làm chúng tôi như thực, như ảo nhưng tôi không lầm.

Thuỳ! Thuỳ đang ở trước mắt tôi.

Tôi líu cả lưỡi, không thể hét lên nổi nữa, Thùy đã thấy tôi, đôi vai Thuỳ bắt đầu run lên, thân hình bé nhỏ đang co ro trong làn mưa rét, cái túi xách bên cạnh dường như là lời giải thích lý do tại sao cô ấy ở đây. Tôi hít một hơi cái không khí lạnh ngắt vào phổi, thần khí đã trở lại, tôi tiến đến bên Thuỳ, tôi chỉ còn cách Thùy một bước chân nữa thôi, tôi dừng lại, bỏ kính xuống và lau, tôi muốn nhìn thật rõ bóng hình người con gái mà tôi thương yêu. Thuỳ chỉ đợi có thế rồi đổ ập người vào người tôi. Thuỳ khóc, tiếng khóc ấm ức như đã dồn nén từ bao nhiêu lâu nay, cô ôm chặt lấy tôi, tôi vòng tay ghì sát cơ thể Thuỳ vào ngực mình, chúng tôi cứ đứng ôm nhau như thế, mặc kệ mưa, mặc kệ giá rét, không ai nói một câu nào mà có lẽ giờ này những câu nói trở thành vô nghĩa, cái ôm xiết của chúng tôi đã nói lên tất cả. Thuỳ hôn lên cổ tôi, tôi hôn vào mái tóc Thuỳ, mặc kệ vài người đi qua hiếu kỳ nhìn ngó, chúng tôi không quan tâm, thế giới lúc này chỉ có hai chúng tôi, hai con người khốn khổ vì tình yêu mà thôi.

Chúng tôi cứ ôm nhau như thế cho đến khi Thuỳ không chịu được nữa, hắt xì liên tục vì lạnh, tôi khẽ nhích người ra, âu yếm nhìn vào mắt Thuỳ :

- Lên nhà với Lam nhé!

Thuỳ ngoan ngoãn gật đầu, tôi xách túi và dìu Thuỳ lên từng bậc thang, niềm hạnh phúc làm tôi như mê đi, không ngờ rằng điều ước đầu năm lại linh thiêng đến thế. Tôi cẩn thận đóng chặt các cánh cửa để cái lạnh không tìm thấy chúng tôi, tôi cởi áo khoác ngoài cho Thuỳ và lịch kịch đun nước pha trà mời Thuỳ. Một lát sau hương trà sen đã thơm phức cả căn phòng giản dị, chật chội. Thuỳ ấp đôi bàn tay với những ngón tay thon dài vào tách trà và suýt xoa, đôi mắt Thuỳ buồn và vẻ hoảng hốt vẫn còn nguyên trên nét mặt. Tôi kín đáo nhìn xuống đôi chân đang run lên dưới lần vải mỏng của chiếc quần Tây may kiểu cách, Thuỳ phải chạy vội lắm nên mới mặc quần Tây xuống phố trong cái rét thế này. Mái tóc Thuỳ ướt đã sương đêm, tôi lại gần, ngồi đối diện Thuỳ, nhấc chén trà khỏi tay Thuỳ, thay vào đó bằng đôi bàn tay ấm áp của tôi. Tôi nắm lấy hai tay Thuỳ và xoa nhẹ như nói rằng Thuỳ hãy yên tâm ở lại đây, rằng tôi sẽ sẵn sàng nghe những gì Thuỳ đang định nói. Thuỳ như hiểu ý, cô đưa tay lên vuốt má tôi rồi hỏi :

- Có chỗ cho Thuỳ không?

Tôi gật đầu :

- Lúc nào cũng sẵn sàng mà.

Thuỳ ngập ngừng rồi nhìn vào mắt tôi Thuỳ bắt đầu kể.

4

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro