Chương 1: Quê ngoại
Trong kí ức của tôi, khó quên nhất chính là những đêm mùa hè, tôi và ngoại ngồi trên cái chõng tre dưới mái tranh nơi đầu hè, ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng vằng vặc ngay trên đầu, cứ vơi rồi đầy, đầy rồi vơi. Ngoại nói, người đàn bà cũng giống như vầng trăng ấy, chẳng có ai tròn vẹn mãi, cũng chẳng có ai khiếm khuyết mãi, hạnh phúc đủ đầy rồi cũng sẽ có lúc buồn lo.
Nhà bà ngoại, cũng chính là nhà của chúng tôi, nhìn thẳng ra con sông Cái vắt ngang qua làng, nó lượn qua mấy thôn xóm khác rồi đổ thẳng ra sông Thái Bình. Nghe ngoại nói, nếu nhìn từ trên cao, khúc sông chảy qua làng giống như một cái đồng hồ cát, bị chít ở giữa, cũng chính là đoạn chảy qua khu đất nhà chúng tôi. Ngày ấy tôi không biết đồng hồ cát trông như thế nào, ngoại lại miêu tả nó từa tựa như con ong, mà nhà chúng tôi nằm ở ngay kế bên cái "eo" nhỏ nhắn của con ong đó. Nói là "eo", nhưng từ bờ bên này sang bờ bên kia tôi cũng phải lặn mất hai hơi mới tới. Mùa lũ, nước sông cuồn cuộn đổ về, đôi khi còn nhấn chìm cả những vườn cây bờ bên này và cánh đồng lúa ở bờ bên kia. Mỗi lần như thế, cây cối trồng trong vườn đều chết úng cả, cánh đồng lúa cũng trở thành một biển nước mênh mông, chúng tôi thậm chí có thể chèo thuyền đi ở trên. Sông cho chúng tôi rất nhiều mỗi khi nó hiền hòa, nhưng cũng lấy đi tất cả khi nó giận dữ.
Ngoại tôi hay ngồi trên chõng tre, phe phẩy cái quạt làm từ mo cau và hát mấy câu ca dao, mồm bỏm bẻm nhai trầu, đưa đôi mắt mờ đục chẳng rõ buồn hay vui nhìn ra phía sông. Giọng hát của ngoại ngân nga mà da diết lắm, cứ như mọi sự oán hận cuộc đời đều được trút hết vào đó, khiến cho tôi thỉnh thoảng nghe đều nổi gai ốc đầy người. Ngoại hát rất hay, nhưng nội dung những câu bà hát đều khiến cho cả mẹ, cả dì chạnh lòng, còn chị em tôi thì len lén nhìn ngoại đầy sợ hãi. Lúc ngoại đáng sợ nhất không phải là những lúc ngoại mắng mỏ, chì chiết hai đứa con gái của mình là mẹ tôi và dì Mừng, mà chính là những lúc ngoại ngồi hát như vậy. Những lúc như thế, ngoại già nua, cô đơn và xa cách lắm!
Năm bà cháu, mẹ con, dì cháu chúng tôi ở trong một căn nhà nền đất nện, cứ mùa gió nồm là nền nhà trơn trượt như vừa trải qua một trận mưa lũ, thỉnh thoảng còn được bọn kiến đỏ hay dế mèn trưng dụng để đào lỗ xây nhà. Tường nhà bằng gạch non và trát vữa trộn bùn, động vào đâu là từng mảng vữa rơi lả tả tới đó, nhiều phần bên hông nhà đã lộ ra những viên gạch non màu đỏ tươi. Nhà có ba gian, gian giữa đặt một tủ đựng thóc, bên trên là bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ đơn giản chỉ là một bát hương được kê bởi hai viên gạch vuông vắn bọc mấy lần giấy báo. Hai bên là hai lọ hoa thấp bằng sứ, được tráng men xanh hơi xỉn, một lọ dùng để cắm mấy cành hoa vải đã phai hết màu, còn bám đầy mạng nhện và những vết mốc, một lọ dùng để cắm mấy bó hương tăm, hương bài đủ loại. Hai cái lọ hoa ấy là quà cưới ngày ông bà ngoại cưới nhau, rồi được bà giữ gìn đến tận bây giờ. Trước bát hương cũng chẳng bày biện gì ngoài một cái đĩa sành nhỏ. Cứ đến mùng một, ngày rằm, ngoại tôi thường bày lên đó trái cây hái ngay trong vườn nhà, khi thì nải chuối, khi thì quả cam, có lúc còn có thêm đĩa xôi dừa thơm nức.
Hai cột nhà và xà nhà đều làm bằng gỗ xoan đào từ thời cụ chúng tôi để lại. Qua bao mùa mưa, mùa nắng, mùa gió, mùa bão, dù mái nhà có bị tốc tung lên bởi gió lốc hay nền nhà ngập trong nước lũ thì hai cây cột nhà đó vẫn đứng một cách vững chãi. Cái hòm thóc cũng chẳng lớn lắm, được ngăn ra làm hai để có thể chứa hai loại thóc khác nhau, ở nhà tôi thường là khăm mằn và si, hai loại thóc phổ biến nhất ở quê lúc bấy giờ. Hai bên ngăn chung một nắp che, ở dưới đáy hòm mỗi bên đều được khoét một khoảng nhỏ bằng lòng bàn tay, sau đó dùng một miếng gỗ nhỏ chèn qua lỗ để bịt lại. Mỗi lần cần lấy thóc, chỉ cần kéo miếng gỗ ra là thóc sẽ chảy xuống, như thế việc lấy thóc cũng rất đơn giản.
Trước hòm thóc là bàn uống nước được đóng bằng gỗ từ thời ông bà mới lấy nhau, đến giờ mặt bàn đã đen kịt, cáu bẩn bám đầy, có lau mãi thì cũng chẳng sạch nên về sau mẹ lấy kéo cắt cái vải nhựa che mưa màu xanh mà ngoại vẫn hay khoác đi chợ thành một mảnh vuông vắn, sau đó phủ lên làm khăn trải bàn. Cái khay nhựa màu đỏ đựng mấy cái chén sứt quai, mẻ miệng cũng bám những mảng ố vàng vì nước chè, nước vối. Mấy cái vệt ấy, dù cho xơ mướp của nhà chúng tôi có ráp cỡ nào thì cũng không thể nào đánh cho phai hết được. Có lần tôi nghe bọn bạn cùng lớp mách, lén lấy hộp xà phòng Daso của nhà mang ra bờ sông kì cạch rửa, quả thật có sạch hơn hẳn. Nhưng sau đấy, mẹ phát hiện ra và tôi đã bị một trận đòn nên thân vì tội lãng phí. Hồi ấy, mua một hộp xà phòng để giặt quần áo cũng là quá xa xỉ với gia đình chúng tôi, thường thì mẹ chỉ dùng để giặt áo trắng đồng phục cho chúng tôi đi học, còn quần áo đi làm đồng, làm vườn của bà, của mẹ vẫn giặt theo kiểu thủ công là ngâm nước rồi dùng chày đập đến lúc nào ra hết bùn đất thì thôi, nên cái việc tôi đem cả đống ra để rửa chén như thế quả thật là một tội đáng đánh.
Ngoài bàn uống nước và mấy cái ghế gỗ bốn chân, trong gian giữa chỉ có một chiếc giường một, là nơi ngoại thường nằm nghỉ. Trước đây ngoại ở gian trong, từ khi dì Mừng về, ngoại ra ngủ ở ngoài, nhường lại giường ở trong cho dì. Dì nói giường trong rộng, ngoại cứ vào ngủ cùng, nhưng ngoại nói ngoại ngủ một mình quen rồi nên ngoại dọn ra ngoài. Nhiều đêm mùa nè oi nồng, ngoại mắc màn ngoài hiên nhà rồi ngủ ngay trên chiếc chõng tre cho mát mẻ.
Đi qua giường của ngoại là tới gian trong, hiện tại là nơi dì Mừng và chị Vân ngủ. Còn ở buồng đối diện bên kia là nơi tôi và mẹ ngủ. Mỗi buồng đều bé xíu, chỉ vừa kê một cái giường đôi là hết từ góc nhà bên này sang góc nhà bên kia, thêm mấy cái hòm gỗ để quần áo của mấy bà cháu, mẹ con nữa là chật cứng. Bên buồng dì Mừng ở cũng chẳng rộng rãi hơn, một cái giường của hai dì cháu với cái chạn bát, vại sành đựng gạo là hết chỗ. Hai chị em chúng tôi thường phải học bài ở ngoài bàn uống nước, hoặc đặt chiếc ghế gỗ lên chõng tre kê ngoài đầu hè rồi kê vở lên đó mà viết. Mãi sau này chị Vân đi học trên tỉnh, dì Mừng dọn ra ngoài ở, mẹ và tôi hì hụi bê vào buồng hai chồng gạch kê thành hai cái bục lớn và vững chãi ngay kế cửa sổ, sau đó đặt lên trên một tấm gỗ phẳng, rộng chừng cái mặt bàn học sinh mà ngoại tôi xin được ở xóm bên, thế là tôi đã có một cái bàn học thật đẹp, còn nhìn thẳng ra sân vườn nữa. Tôi dọn sang ở hẳn bên buồng của dì, chị Vân về thì hai chị em tôi sẽ ngủ ở đấy, còn ngày thường thì nó là giang sơn của riêng mình tôi.
Sân nhà chúng tôi lát gạch, nghe nói ngày mẹ còn bé, ngoại và cụ đã mua một mẻ gạch non ở làng bên về để làm cái sân này, mục đích chính là để phơi thóc vào mùa gặt. Sân chẳng lớn, chiều dài bằng đúng chiều dài của ngôi nhà, còn chiều rộng thì trải vừa đúng hai cái chiếu đôi. Một đầu bên này sân là cái bếp nhỏ ẩm thấp, dù trời nắng hay mưa thì đều nồng nặc khói và đầy những bồ hóng trên gác bếp, vốn chỉ để treo một cái làn xe đạp cũ, bên trong đầy những quả bồ kết, vỏ bưởi khô để mẹ đun nước gội đầu. Lúc tôi lên lớp 4, có theo Đông – anh hàng xóm đi vớt ốc nhồi hàng tối, sau đó nghe lời xúi của anh, tôi đem cả rổ ốc nhồi lớn bé đủ cả trút vào trong cái làn đựng bồ kết và vỏ bưởi ấy của mẹ. Đông nói ốc nhồi thích ăn nhất là bồ hóng, nếu đổ nó vào đấy để nó ăn bồ hóng thì cả tuần cũng chẳng chết. Nhưng tôi chẳng đợi nổi tới một tuần để kiểm chứng xem chúng có chết hay không, ngay hôm sau mẹ đã nọc tôi ra, dùng roi tre đánh cho một trận lằn chân vì tội dám đổ ốc vào đó làm bẩn hết bồ kết và vỏ bưởi của mẹ. Rồi đám ốc thì bị mẹ đổ hết ra bờ sông. Tôi khóc suốt nửa ngày, mãi đến khi Đông lén gọi tôi ra bờ rào, đưa cho tôi chùm dâu da xanh lè và ít muối dằm ớt để ăn, tôi mới tạm quên đi trận đòn có phần oan uổng đó.
Mái nhà và mái bếp của nhà tôi đều lợp rạ, bao đời nay vẫn thế, kể cả khi trong làng dần dần xuất hiện những nhà mái bằng, mái phi-bờ-rô-xi-măng, mái ngói thì nhà chúng tôi vẫn cứ là mái gianh. Nhà mái gianh, nền đất nện thì lúc nào cũng mát mẻ, nhưng phải mùa bão, nếu rạ trên mái đã thối mục thì không tốc mái cũng dột lấy dột để khi trời mưa. Thường thì cứ vài ba năm mái nhà lại được lợp mới một lần. Ngay sau khi mùa gặt kết thúc, những bó rạ đều tăm tắp, khô và có màu nâu vàng sẽ được ngoại cẩn thận để riêng ra, để đợi đến ngày khô ráo sẽ nhờ người trèo lên lợp lại mái. Tôi thích nhất cái không khí mỗi lần nhà được lợp mái rạ mới, bởi khi ấy, ngoại thường nhờ cậu Nhân, bác Hoài, bác Lâm sang làm giúp, rồi sẽ mời họ ở lại dùng cơm tối, ngoại sẽ thịt gà, đó là món lúc nhỏ tôi khoái khẩu nhất và cũng luôn thèm thuồng nhất. Sau khi thợ lợp mái đã ăn no nê và ra về, mẹ sẽ bày những thứ còn lại ra cho cả nhà ăn, thường thì chỉ còn ít cổ cánh hay mấy miếng xương xẩu mà thôi. Ngoại lúc nào cũng nói răng yếu, thịt gà dai, xương cứng nên nhất định không ăn. Dì Mừng và mẹ cũng nói không thích ăn thịt gà, thế là chỉ có hai chị em chúng tôi tranh nhau ăn hết. Ngoại tôi có nuôi mấy con gà, nhưng chủ yếu chỉ để đẻ lấy trứng đem bán, họa hoằn vào ngày giỗ hai cụ và Tết thì ngoại mới nhốt lại để thịt mà thôi. Gà thả rông trong vườn, có những tối bão về, ngoại lọ mọ ra xua gà vào chuồng khiến chúng chạy tán loạn, xéo tan nát cả những luống rau, thế là lại được nghe ngoại chửi trời, chửi đất, chửi đám gà một chặp.
Mảnh vườn nhà tôi tương đối rộng, nguyên một mặt nhìn ra sông Cái, mặt bên kia thì giáp con lạch nhỏ từ sông chảy vào. Bên kia lạch là nhà Đông, cũng là nhà hàng xóm gần nhất của chúng tôi theo kiểu "gần nhà xa ngõ". Cầu ao của hai nhà ở đối diện nhau, vì thế mỗi lần bê mâm ra bờ ao rửa bát gặp Đông, chúng tôi lại phải té nước nghịch một hồi mới chịu bê mâm trở vào.
Ngôi nhà tranh quay lưng ra đường cái, ngoài phần giáp với sông và lạch thì một bên hông nhà – phía sau bếp, giáp với mảnh đất nhà cậu Nhân, cháu gọi ông ngoại tôi bằng chú ruột, nhưng cha mẹ mất sớm nên được ngoại tôi nuôi từ nhỏ, coi cậu như con cái trong nhà, hễ có việc gì cần tới sức đàn ông là cậu cũng xắn tay giúp. Nhà tôi cách nhà cậu qua một cái tường bao bằng gạch ba-banh xây thấp, leo qua leo lại rất dễ dàng. Đối diện với bếp, ở bên kia sân là một lối đi nhỏ lát gạch, nếu đi thẳng thì dẫn ra cầu ao kê ngoài lạch nước, còn rẽ ngoặt về sau nhà thì dẫn ra đường cái. Hai bên ngõ vào là hai hàng cau cao vút, được trồng từ hồi cụ bà chúng tôi mới về đất này làm dâu, bây giờ chúng đã già cỗi lắm. Từ ngõ đi vào, ngay đầu sân là một vại đựng nước mưa, nguồn nước ăn chính của gia đình chúng tôi. Cứ vài ngày mẹ lại mang thùng sang nhà cậu Nhân xin nước mưa rồi gánh về. Việc tắm táp, giặt giũ của cả gia đình chúng tôi đều thực hiện ở cái cầu ao bắc bằng vỏ bom do cụ ngoại nhặt về từ hồi chiến tranh. Chị em chúng tôi ngày nhỏ thì đơn giản lắm, cứ nhảy tùm xuống sông mà lặn ngụm tới lúc chân tay mới chịu lên bờ. Còn ngoại và hai dì thì tắm trong cái nhà tạm được vây bốn xung quanh bằng bỏ bao lân đạm bỏ đi, cố định bằng mấy cái cọc tre xiêu vẹo tự tay mẹ đóng ở ngay gần cầu ao, sau những bụi chuối lùn. Sau này, lúc ngực chị Vân nhú lên hơn quả cau một chút thì chị cũng học theo ngoại, mẹ và dì, múc nước lên bờ, sau đó che chắn cẩn thận rồi mới tắm. Chỉ có tôi, lên học cấp hai rồi vẫn còn ra sông lặn ngụp cùng đám trẻ con trong xóm, cho đến khi mẹ cấm thì mới thôi.
Vườn nhà tôi, ngoài hai hàng cau trồng dọc theo ngõ đầy thơ mộng thì chủ yếu trồng toàn chuối. Sát phía bờ lạch còn trồng thêm một hàng dứa, ngoại nói phải trồng dứa để giữ bờ, hễ cứ có quả già, quả chín nào là ngoại lại hái mang ra chợ bán ngay. Chỉ có dịp nào ngoại đặt lên bàn thờ cúng cụ xong thì chị em chúng tôi mới được ăn, nhưng những dịp như thế thì họa hoằn lắm. Ngay cả giàn trầu ở kế chum nước cũng không thoát, cứ bốn ngày ngoại lại cắt cho bằng sạch những lá đẹp nhất rồi bó lại thành từng xấp chục lá một, sắp vào thúng cùng với nào chuối, nào dứa, và nguyên một thúng bánh đúc, quẩy lên chợ phiên của huyện để bán từ bốn giờ sáng.
Vì ở đúng phần "eo" của con sông nên hiển nhiên vườn nhà chúng tôi là một mô đất nhô hẳn ra sông, dài hơn hẳn so với vườn của những nhà xung quanh. Ở quê tôi, nhưng mô đất nhô ra như thế thường gọi là "vồng". Ngày xưa, ở ven bờ sông, cụ ngoại trồng toàn dâu để lấy lá nuôi tằm, mãi sau hợp tác xã giải tán mới chặt bỏ đi. Đến thời chúng tôi đã không còn cây dâu nào nữa, men theo triền sông là những cây chanh đào nghiêng mình in bóng xuống dòng nước, vào mùa hoa nở, hương thơm ngan ngát dịu dàng như hương thơm trên da thịt của người thiếu nữ vừa bước vào tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Dưới những gốc chanh ấy, mỗi mùa nước cạn sẽ lộ ra cơ man nào là những hang cáy, chị em chúng tôi chỉ việc mang cần ra câu ngay trên vồng một buổi chiều thôi là cũng đủ cho cả nhà mấy bữa canh ngon rồi. Giữa vồng, ngoại trồng toàn ngô với khoai lang, cứ luân phiên theo mùa mà trồng. Vào mỗi đêm trăng sáng, tôi bơi sang bờ bên kia cất vó tép, nhìn về vườn nhà mình, thấy cờ hoa ngô nghiêng mình theo gió, ánh trăng làm khúc sông sáng bừng lên, hương chanh từ vườn nhà tỏa ra, thoang thoảng nơi đầu mũi, tôi lại cảm thấy thêm yêu tha thiết mảnh đất xinh đẹp này.
Những luống ngô ấy, hàng chanh ấy, vầng trăng ấy, con nước ấy, ngày qua ngày, đã chứng kiến năm cuộc đời chìm nổi của bốn thế hệ – năm người phụ nữ khốn khổ chúng tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro