Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7: Trước cuộc đấu



Tôi đến vương quốc nọ vào buổi sáng tinh mơ. Đó là vương quốc tôi tình cờ phát hiện ra khi đang cưỡi chổi bay trên vùng bình nguyên rộng lớn nên chẳng thể đoán được nó là vương quốc thế nào.

Để vào một ngôi làng nhỏ đến mức cổng còn không có, bạn không cần phải làm thủ tục gì cả. Nhưng để vào một vương quốc có lãnh thổ, chắc chắn bạn sẽ bị lính gác kiểm tra.

Nói vậy chứ cũng không phải tra hỏi thông tin gì đặc biệt mà chỉ là những câu rất bình thường như:

"Tên cô là gì?"

"Elaina."

"Cô đến từ đâu?"

"Vương quốc Robetta Thanh Bình."

"Mục đích cô đến đây là gì?"

"Du lịch."

"Cô định ở đây trong bao lâu?"

"Chắc khoảng ba ngày."

Thường thì việc hỏi han sẽ kết thúc ở đó, tôi sẽ nộp tiền nếu họ yêu cầu trả phí thông hành, rồi người lính gác sẽ nói: "Mời vào. Chúc quý khách có những ngày vui vẻ."

"Cô thuộc phái ăn bánh mì hay ăn cơm buổi sáng?"

Thế nhưng ở đây, anh ta vẫn tiếp tục hỏi. Một câu hỏi hoàn toàn không rõ mục đích.

"... Sao cơ?" Tôi nhăn mặt hỏi lại.

Người lính gác vẫn không thay đổi sắc mặt.

"Thì cô thuộc phái ăn bánh mì hay ăn cơm buổi sáng? Đây là thông tin cần thiết cho việc nhập quốc nên cô hãy trả lời trung thực."

Đất nước này đang xảy ra xung đột văn hóa ẩm thực hay sao?

Nhưng nếu đó là thông tin cần thiết thì tôi sẽ trả lời trung thực, mặc dù tôi thấy câu hỏi này có phần không phù hợp khi làm thủ tục chính thức.

"Tôi không thuộc phái nào cả. Tôi là lữ khách nên sẽ thay đổi thói quen cho phù hợp với văn hóa của đất nước mình sắp đến."

Tất nhiên tôi đâu thể nói mình chỉ ăn được bánh mì khi đang ở một đất nước có văn hóa ăn cơm, và ngược lại. Thế nên cứ đứng trung lập cho lành.

"Hừm... Lạ nhỉ!" Người lính gác xoa cằm, bước lùi lại và nói.

"Tôi hiểu rồi. Vậy tôi sẽ đánh dấu cả hai phương án nhé."

"Chúc nữ phù thủy có những ngày vui vẻ ở vương quốc này."

Tôi cúi chào rồi đi qua cánh cổng.

Ngay sau đó, tôi đã hiểu vì sao anh ta lại hỏi một câu kỳ lạ đến vậy.

Hình như đất nước này do hai nền văn hóa pha trộn mà thành.

Vừa qua cổng, tôi đã thấy ngay một thủy lộ lớn. Nhà cửa mọc lên hai bên thủy lộ đó, bên phải theo phong cách phương Đông, bên trái theo phong cách phương Tây.

Ngay trước cổng cũng có hai con đường. Bên phải ghi "Phố Phương Đông: Phái ăn cơm mời đi lối này!" Bên trái ghi "Phố Phương Tây: Phái ăn bánh mì mời đi lối này!"

Có vẻ như đất nước này được chia thành hai phái và phân định ranh giới rõ ràng.

"Ừm..."

Bối rối ghê. Thực ra tôi đi bên nào cũng được.

Nhưng nghĩ kỹ thì từ trước đến giờ, tôi chưa từng dạo bước trên phố kiểu phương Đông. Phố phương Tây tôi đã quen quá rồi.

Vậy là quyết định xong.

Tôi rẽ về bên phải.

Đó là một con đường với những viên đá vuông vức được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Nhìn lên trên sẽ thấy dãy nhà gỗ xinh xắn tuân theo một kiểu cách chung. Phía cuối dãy nhà là cung điện. Có thể thấy cung điện nằm ở vị trí trung tâm phân chia vương quốc làm đôi, giống như nằm chính giữa thủy lộ vậy.

Trên con đường dẫn đến cung điện có một cây cầu. Bên dưới cây cầu mới tinh có phần không phù hợp với dãy phố cổ kính này, những con thuyền nhỏ trông như đang qua lại trong lòng chiếc ống tròn được hình thành do bóng cầu phản chiếu xuống mặt nước.

"......?"

Bộ dạng những người trên cầu khá kỳ lạ khiến tôi thắc mắc.

Một thanh niên đang ngồi ăn sáng ở lan can. Anh ta mặc quần áo kiểu Nhật nên tôi đoán là người Phương Đông, nhưng thứ anh ta ăn rõ ràng là bánh mì. Người theo phái ăn cơm lại ăn bánh mì ư?

Bên cạnh anh ta, một cô gái đang phồng má ăn cơm nắm với vẻ ngon lành. Hình như cô ta theo phái ăn cơm. Vậy mà lại mặc váy?

Cảnh tượng khó hiểu ấy khiến tôi tò mò.

"Xin lỗi."

Tôi liền bắt chuyện với hai người đó.

Họ quay sang nhìn nhau, rồi chàng trai đáp: "Có chuyện gì thê?" Anh ta cầm bánh mì nhưng lại mặc đồ Nhật. Thật khác thường.

Tôi giới thiệu qua về mình rồi hỏi: "Đất nước này thế nào vậy?"

"Cô có hỏi thì tôi cũng chịu... Ừm..." Anh ta khoanh tay lại, đá câu hỏi sang cho cô gái bên cạnh: "Thế nào em nhỉ?"

"Một đất nước tuyệt vời."

"À, đúng rồi. Một đất nước tuyệt vời. Phải, một đất nước tuyệt vời đấy."

Đó không phải điều tôi muốn hỏi. Tôi cần gì đó cụ thể hơn, kiểu như...

"Những con phố cũng rất tuyệt, cả anh cũng tuyệt nữa!"

"Người đâu mà đáng ghét thế nhỉ... Em còn tuyệt hơn ấy."

"Hi hi..."

"Ha ha..."

Xem ra tôi ở đây chỉ tổ làm kỳ đà cản mũi. Có lẽ nên đi thôi.

Hỏi hai người này cũng không biết được điều mình muốn biết, chẳng thà kết thúc câu chuyện sớm cho rồi? Chà, đúng đó.

Dù sao tôi cũng cảm ơn họ rồi rời đi.

Trong khoảng thời gian cho phép, tôi dạo quanh phố Phương Tây và phố Phương Đông, tranh thủ tìm hiểu thông tin luôn. Nhưng càng đi, tôi càng thấy lạ. Sáng sớm vắng vẻ nên tôi chưa nhận ra, buổi trưa đông đúc hơn, người ta băng qua cầu, di chuyển từ Tây sang Đông, từ Đông sang Tây như thể không có sự phân chia rõ ràng nào vậy.

Càng kỳ lạ hơn khi một quầy bán bánh mì lưu động treo biển "Không bán cho người theo phái ăn cơm" nhưng chủ quán vẫn đường hoàng đưa bánh cho những người mặc đồ Nhật.

Chẳng riêng gì quầy lưu động, mọi cửa hàng trên đất nước này đều có quy định như vậy, tiệm tạp hóa, tiệm rau củ hay bất cứ tiệm nào cũng đều treo biển từ chối phục vụ khách hàng đến từ khu phố bên kia.

Song không ai bận tâm điều đó. Những tấm biển kia chẳng hề có nghĩa lý gì.

Tôi từ phố Phương Tây trở lại phố Phương Đông rồi ghé vào một tiệm dango.

"Xin mời vào. Quý khách dùng gì ạ?"

Một người phụ nữ mặc đồ Nhật đã xuất hiện ngay sau khi tôi vừa ngồi xuống ghế. Tôi chỉ tấm biển "Không bán cho người theo phái ăn bánh mì" treo bên ngoài và nói: "Tôi theo phái ăn bánh mì."

"Quý khách đùa gì vậy?"

Cô ta lấy tay che miệng, cười khúc khích. Một cử chỉ thật tao nhã.

"Đùa là sao?"

Người phụ nữ nheo mắt nhìn tôi, nói: "Ai hơi đâu mà bận tâm tới cái vật trang trí ấy."

Quả thực, nếu quan sát các khu phố sẽ thấy chẳng có ai để ý đến mấy tâm biển cả. Vậy thì treo biển làm gì?

"Quý khách dùng gì ạ?"

"Cho tôi ba xâu mitarashi dango."

(Loại dango nướng, phết nước sốt được làm từ nước, xì dầu, đường, mirin và tinh bột bắp)

"Có ngay."

Mang trong lòng cảm giác kỳ lạ, tôi đi tìm nhà trọ ở khu phố phía Tây.

Phố phía Đông cũng có nhà trọ, nhưng bên đó không được vì tôi chỉ có thể ngủ trên giường mà thôi. Nói đúng hơn, tôi không quen và không thích nhà trọ kiểu phương Đông. Tôi cũng không thoải mái khi đi chân trần trên cỏ nữa.

Tôi loanh quanh khắp phố và vào quán trọ trông có vẻ rẻ nhất. Quán có treo biển "Không nhận khách trọ theo phái ăn cơm". Mà thôi, kệ nó đi.

"Chào quý khách."

Khi tôi bước vào, chủ quán đang uể oải chống tay lên má ở quầy lễ tân.

"Cho tôi trọ một đêm." Tôi chìa đồng bạc ra và nói.

"Cảm ơn quý khách. Xin mời điền vào phiếu này."

"Vâng."

Tôi đã quá quen với tờ phiếu ấy nên chỉ điền loáng một cái là xong.

Lúc đưa lại phiếu cho chủ quán trọ, tôi hỏi: "Ông có thể cho tôi biết vài điều về đất nước này được không?"

"... Tôi chưa từng gặp cô. Cô là lữ khách ư?"

"Vâng. Thế nên tôi thấy đất nước này vô cùng kỳ lạ."

Chủ quán im lặng giây lát rồi nói: "Cô muốn hỏi gì?" Ồ, ông ấy thật hiểu chuyện. Quả không hổ là người chuyên phục vụ các lữ khách.

"Tôi muốn biết vì sao phía Đông và phía Tây lại khác nhau đến thế?"

Và chủ quán trọ đã cho tôi biết điều tôi muốn biết.

"Đây vốn là hai nước tiếp giáp nhau thông qua thủy lộ. Nước phía Đông kế thừa văn hóa phương Đông, nước phía Tây kế thừa văn hóa phương Tây. Mỗi nước đều có một vị vua trị vì. Hai vị vua rất hòa hảo và thương tổ chức giao lưu giữa hai nước. Nói chung, tình hình lúc đó cũng không khác bây giờ là mấy."

"Vâng."

Khá là dễ hiểu.

"Một hôm, hai vị vua bàn nhau sáp nhập hai nước. Không ai phản đối cả. Vương quốc phía Tây cũng như vương quốc phía Đông đều đồng tình. Thậm chí họ còn thấy như vậy là muộn nữa."

"Cây cầu nối hai khu phố được xây dựng khi đó ạ?"

Chủ quán gật đầu. "Phải. Nó được xây để kỷ niệm ngày sáp nhập."

"Ra vậy."

Hèn gì mà mới đến thế.

"Lúc đó, hai vị vua đều có con. Vị vua ở phía Tây có con gái. Vị vua ở phía Đông có con trai. Hai người con cũng thân nhau giống như vua cha của họ, rồi họ kết hôn, xây cung điện trước thủy lộ, nghĩa là chính giữa vương quốc và sống ở đó. Đến giờ, hai người họ vẫn là biểu tượng của vương quốc này."

Đấy là những gì tôi biết được.

Ông chủ quán trọ đặt chìa khóa phòng lên quầy lễ tân và nói. Tôi liền tiếp lời.

"Cảm ơn ông. Tôi hỏi một câu nữa được không?"

"Câu gì thế?"

Tôi kể lại chuyện về câu hỏi lạ lùng lúc nhập quốc, chuyện những tấm biển kỳ quặc trước cổng thành và các cửa tiệm, rồi chuyện đôi nam nữ ở trên cầu.

"Lúc đầu tôi tưởng đất nước này bị chia làm hai, nhưng quan sát kỹ thì thấy dường như không ai để ý đến những tấm biển cả. Họ thường xuyên qua cầu, giao lưu với nhau. Nếu vậy thì treo biển làm gì?"

Chủ quán im lặng nghe tôi nói rồi gật đầu: "Hừm."

"Đó là để chuẩn bị cho cuộc đấu."

Ông ấy trả lời nhẹ tênh khiến tôi không tin nổi vào tai mình.

"Cuộc đấu? Cụ thể là làm gì?"

"Nghe nói hai người đó muốn đất nước đi theo một nền văn hóa duy nhất là phương Đông hoặc phương Tây. Thế nên mới có những tấm biển kia, và người lính gác mới hỏi câu hỏi lạ lùng ấy."

Nghĩa là họ đang hủy hoại vương quốc mà hai vị vua đi trước đã cố gắng hợp nhất trên cơ sở lưu giữ những giá trị tốt đẹp ở từng nước ư?

Nhưng tại sao?

"Vì hai người đó không biết thế nào là 'thỏa hiệp'."

Chủ quán mỉm cười.

À, sau đó, tôi còn bị đòi cả phí cung cấp thông tin nữa.

Tôi ở lại vài ngày rồi làm thủ tục rời đi. Mặc dù đất nước giao thoa văn hóa Đông Tây này có sức hút mãnh liệt nhưng suy cho cùng, nó cũng chỉ là một đất nước mà thôi.

Tôi thấy thế là đủ rồi.

Rốt cuộc vẫn chưa biết thứ mình muốn mà đã rời đi... Nhưng không sao, nhỉ? Cũng đâu phải điều gì quá đặc biệt đến mức phải tìm kiếm đỏ con mắt. Song nếu có ai nói cho tôi biết tại sao lại treo những tấm biển ấy, chắc chắn tôi sẽ hỏi.

Ừm, thôi không sao. Tôi ép mình phải chấp nhận và đi qua cổng thành.

"A, nữ phù thủy. Xin đợi một lát. "

Tôi bị chặn lại. Người lính canh dựng cây giáo ở bên cạnh, cản đường tôi.

"......... Có việc gì thế?" Tôi ngạc nhiên.

"Nếu có thể, xin cô bớt chút thời gian được không?"

"....... ? Tại sao?"

Bớt hay không thì còn tùy thời gian, trường hợp, tình hình. Nếu là việc tầm phào, tôi sẽ từ chối và đi khỏi đây.

"Nhà vua và Hoàng hậu của chúng tôi có lời mời ạ."

"....... Hả?"

Coi bộ không phải chuyện tầm phào rồi.

Xuôi theo thủy lộ, tôi được dẫn đến cung điện, nơi được xây nên để bảo tồn hai nền văn hóa.

Họ đưa tôi đi trong lâu đài với các yếu tố Đông Tây lai tạp loạn xì ngầu, cuối cùng đến một căn phòng lớn như được cắt ghép từ hai nửa của hai căn phòng kiểu Đông và kiểu Tây.

Thật không thể bình tĩnh nổi...

Nghe có tiếng người đóng cánh cửa phía sau, tôi tiếp tục đi. Phía trước là hai ngai vàng.

Đôi nam nữ ngồi đó đang tranh luận, hình như không hề nhận ra sự tồn tại của tôi.

"Bởi vậy ta mới nói phân định thắng thua bằng shogi! Ngoài ra còn cách nào khác đâu!"

(Loại cờ truyền thống của Nhật)

"Chơi shogi thì Hoàng hậu có lợi còn gì? Ta phải nói là nên chơi cờ vua bao nhiêu lần Hoàng hậu mới hiểu đây?"

"Hừm..."

"Hừm..."

Bầu không khí đáng sợ đến mức tưởng như sắp xảy ra xô xát. Hai người cứ thế ngồi trên ngai vàng chằm chằm nhìn nhau.

Tôi hắng giọng để báo cho họ biết sự có mặt của mình. Không thể rõ ràng hơn. Cuối cùng họ cũng chịu chú ý đến tôi.

"Ồ, ngươi là..."

"Lữ khách phải không? Chà chà..."

Tôi cúi chào. "Nghe nói hai người có việc cần gặp nên mời tôi đến đây. Xin hỏi đó là việc gì vậy?"

"Ừm, thực ra..."

Nhà vua vừa mở lời đã bị Hoàng hậu lấn át.

"Để ta nói chuyện với nữ phù thủy là được rồi."

"Cái gì? Ở đây ta là..."

"Không. Để ta nói."

Ai cũng được, làm ơn nhanh giùm tôi. Trời ạ!

Sau một hồi tranh cãi, cuối cùng Nhà vua cũng được đại diện kể chuyện.

"Thực ra, vương quốc này sắp bước vào một cuộc chiến. Như ngươi thấy đó, ta và người phụ nữ này có hiềm khích. Nhưng chúng ta chưa quyết định được cách phân thắng bại. Theo ta biết thì ngươi là người trung lập, không theo phe nào cả. Vì vậy, ta muốn ngươi lựa chọn cho chúng ta."

"... Chưa quyết định cách thi đấu sao?" Không, phải hỏi từ trước đó nữa kìa. "Nhưng chuyện đấu đá này bắt đầu từ đâu?"

Nhà vua liền lớn tiếng.

"Người phụ nữ này đã nhục mạ người phương Tây, bảo 'ai không ăn cơm vào bữa sáng thì không phải con người'."

Ngay lập tức, Hoàng hậu phản pháo. "Không. Chính Nhà vua nói 'những kẻ không ăn bánh mì vào bữa sáng còn không bằng động vật'."

"Thôi đủ rồi. Hai người yên lặng chút đi."

"........."

"........."

Quá nhức đầu nên tôi yêu cầu họ im lặng.

Sau khi đã kiểm soát được tình hình, tôi bắt đầu câu chuyện với Nhà vua.

"Thưa đức vua, khi vào vương quốc này, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là những tấm biển lạ lùng. Đó là những tấm biển không rõ nghĩa, như muốn tách riêng phe ăn cơm và phe ăn bánh mì. Rốt cuộc, treo biển để làm gì vậy?"

"Để xem bên nào đông hơn."

"Để xem bên nào mạnh hơn."

Tại sao Hoàng hậu cũng trả lời...

Thôi không sao. Tôi không muốn rắc rối nên ngó lơ.

"Vậy kết quả thế nào?" Tôi hỏi tiếp.

"Người phía Tây đông hơn." Nhà vua đáp.

"Nhưng phía Đông có nhiều người quyền lực hơn." Hoàng hậu cũng nói.

"Thế nên ta mới bảo cứ quyết định theo đa số."

"Không được. Phải quyết định dựa vào mức độ đầu tư chứ."

"Hình như Hoàng hậu vẫn chưa hiểu thì phải?"

"Chính Nhà vua không hiểu thì có."

Hai người đó lại lườm nhau.

Tôi chợt nghĩ. Lúc mình mới bước vào đây hai người này đang nói chuyện gì nhỉ? Hình như tranh cãi về shogi với cờ vua.

Còn chưa quyết định theo đa số hay theo đầu tư mà đã chuyển sang cờ quạt là sao?

Tôi chưa kịp hỏi thì họ đã tự nói.

"Cuối cùng vẫn không chọn được. Vì vậy, ta muốn dùng cờ vua để quyết định cách quyết định cách quyết định cách quyết định cách quyết định cách quyết định cách quyết định cách quyết định cách quyết định cách phân định thắng thua."

"Không, phải là shogi."

"........"

"Thật không biết điều. Nếu là shogi thì Hoàng hậu có lợi hơn còn gì!"

"Chính Người không biết điều thì có, Người chơi cờ vua luôn thắng đó thôi!"

"........."

Có lẽ tôi đã hiểu được nguyên nhân sâu xa của tất cả những chuyện này.

Nhưng để chắc chắn, tôi vẫn muốn xác nhận lại.

"Xin hỏi, hai người bắt đầu tranh cãi thế này từ khi nào?"

Cả hai cùng nhìn về phía tôi, đồng thanh nói.

"Hai năm trước."

"Ra vậy."

Thế thì chịu rồi, bó tay.

Nói xong, tôi rời hoàng cung. Hai người đó không hề níu tôi lại mà vẫn tiếp tục tranh cãi.

Giờ tôi đã hiểu vì sao người dân ở đây quá ngán ngẩm và không buồn để ý tới mấy tấm biển.

Đã hai năm trôi qua kể từ khi hai người đó bắt đầu tranh cãi và nói về việc hướng đất nước đi theo một nền văn hóa. Đến giờ câu chuyện vẫn giậm chân tại chỗ, chỉ có thời gian không ngừng trôi, chắc đã chẳng còn ai bận tâm tới mục đích treo những tấm biển là để phân thắng bại nữa.

Chúng chỉ còn là vật trang trí mà thôi.

Nhìn từ góc độ khác, có thể thấy quyền lực của Nhà vua cũng trở nên vô hiệu. Bởi lẽ ở đất nước này, đã không còn ai nhất nhất tuân lời Nhà vua nữa rồi.

"A, nữ phù thủy. Cô thấy đất nước này thế nào?"

Khi tôi từ Hoàng cung ra tới cổng thành, người lính gác tươi cười chào đón. Tôi đi qua anh ta, đặt chân ra thế giới bên ngoài rồi ngoảnh lại.

Ngắm nhìn đất nước kỳ lạ với hai nền văn hóa song song tồn tại ây, tôi nói.

"Một đất nước thanh bình."

Nhưng tôi không biết tương lai của đất nước sẽ ra sao.

Có thể hai người kia sẽ nhận ra mình đã lãng phí thời gian, rồi chú tâm vào việc nước.

Hoặc họ cứ tiếp tục như bây giờ và khiến đất nước ngày càng kỳ cục hơn.

Chuyện đó chẳng ai biết trước được.

"Đúng đấy. Một đất nước tuyệt vời phải không?"

Người lính gật đầu mãn nguyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #htceln