Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ham doi tuan duong ham Hoa Ki trong WW2

Tên lóng:"Grey Ghost" (Bóng ma xám)

Lớp tàu:Lớp tàu tuần dương Pensacola

Xưởng đóng tàu:Xưởng hải quân New York

Đặt lườn: 27 tháng 10 năm 1926

Hạ thủy: 25 tháng 4 năm 1929

Đỡ đầu: Bà Joseph L. Seligman

Hoạt động: 6 tháng 2 năm 1930

Bị mất: Bị đánh chìm như một mục tiêu năm 1948

Ngừng hoạt động:26 tháng 8 năm 1946

Tặng thưởng:13 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước:9.100 tấn (tiêu chuẩn);11.512 tấn (đầy tải)

Chiều dài: 178,5 m (585 ft 6 in)Mạn thuyền:19,9 m (65 ft 3 in)Tầm nước:4,6 m (15 ft 2 in)

Lực đẩy:Turbine hơi nước Parsons,8 × nồi hơi,4 × trục,công suất 107.000 mã lực (79,8 MW)

Tốc độ:59 km/h (32 knot)

Tầm xa:18.500 km ở tốc độ 28 km/h(10.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)

Quân số:653

Vũ khí:10 × hải pháo 203 mm (8 inch)/55 caliber (2×2, 2×3),4 × pháo phòng không pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber (4×1),6 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch)

Cảm biến:Radar CXAM (1940)

Vỏ giáp:đai giáp: 60-100 mm (2,5-4 inch)sàn tàu: 25-45 mm (1-1,75 inch)tháp pháo: 19-60 mm (0,75-2,5 inch)tháp súng nhỏ: 19 mm (0,75 inch)tháp chỉ huy : 30 mm (1,25 inch)

Máy bay:2 × máy bay,2 × máy phóng

USS Pensacola (CL/CA-24) là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó, và là chiếc tàu chiến thứ ba được đặt cái tên này, vốn được đặt theo thành phố Pensacola, Florida. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Bông hồng Tokyo đã đặt cho nó biệt danh "Grey Ghost" (Bóng ma xám); và cũng trong cuộc chiến tranh này mà nó được tặng thưởng 13 Ngôi sao Chiến đấu do các thành tích hoạt động. Sau chiến tranh, nó được dùng làm mục tiêu cho việc thử nghiệm bom nguyên tử, và cuối cùng bị đánh chìm ngoài khơi Washington vào năm 1948.

Thiết kế và chế tạo

Pensacola được đặt lườn bởi Xưởng hải quân New York vào ngày 27 tháng 10 năm 1926. Nó được hạ thủy vào ngày 25 tháng 4 năm 1929, được đỡ đầu bởi Bà Joseph L. Seligman; và được đưa ra hoạt động vào ngày 6 tháng 2 năm 1930 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Đại tá Hải quân Alfred G. Howe.

Lịch sử hoạt động

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Pensacola rời New York ngày 24 tháng 3 năm 1930, đi qua kênh đào Panama để hướng đến Callao, Peru, và Valparaíso, Chile, trước khi quay trở về New York vào ngày 5 tháng 6. Trong bốn năm tiếp theo sau, nó hoạt động tại khu vực dọc theo bờ Đông Hoa Kỳ và tại vùng biển Caribbe, nhiều lần vượt qua kênh đào Panama để tham gia tập trận phối hợp hạm đội trải dài từ California đến tận Hawaii.Pensacola rời Norfolk vào ngày 15 tháng 1 năm 1935 để gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương, đi đến cảng nhà mới của nó là San Diego vào ngày 30 tháng 1. Các cuộc tập trận hạm đội kéo dài cho đến Hawaii, và một chuyến đi từng đưa nó đến Alaska, cũng như quay lại vùng biển Caribbe một thời gian ngắn để tập trận phối hợp hạm đội cho đến khi lên đường vào ngày 5 tháng 10 năm 1939 đi đến căn cứ mới tại Trân Châu Cảng, đến nơi vào ngày 12 tháng 10. Pensacola là một trong số sáu tàu chiến đầu tiên được trang bị kiểu radar mới RCA CXAM vào năm 1940.Các cuộc cơ động thực tập thường đưa con tàu đến Midway và French Frigate Shoals, và nó cũng thực hiện một chuyến đi đến Guam.

1941-1942

Pensacola rời Trân Châu Cảng vào ngày 29 tháng 11 năm 1941 cùng với cái được gọi là "Đoàn tàu vận tải Pensacola" hướng đến Manila thuộc Philippine. Sau khi cuộc tấn công Trân Châu Cảng xảy ra, đoàn tàu được chuyển hướng đến Australia, vào cảng Brisbane ngày 22 tháng 12 năm 1941. Pensacola quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 19 tháng 1 năm 1942, rồi lại ra khơi vào ngày 5 tháng 2 để tuần tra con đường tiếp cận đến quần đảo Samoa. Ngày 17 tháng 2 năm 1942, nó gặp gỡ ngoài khơi Samoa cùng Lực lượng Đặc nhiệm 11, được thành lập chung quanh chiếc tàu sân bay Lexington.Gần quần đảo Bougainville, các xạ thủ phòng không trên Pensacola đã giúp đẩy lùi hai đợt máy bay ném bom Nhật Bản vào ngày 20 tháng 2. Không con tàu nào bị hư hại, trong khi hỏa lực phòng không từ các con tàu và máy bay tiêm kích tuần tra chiến đấu trên không của Lexington đã bắn rơi 17 trong số 18 máy bay tấn công.Pensacola tiếp tục trợ giúp bảo vệ Lexington trong chuyến đi tuần tra tấn công tại biển Coral cho đến khi tàu sân bay Yorktown gia nhập lực lượng đặc nhiệm vào ngày 6 tháng 3. Các tàu chiến Mỹ hướng đến vịnh Papua, nơi mà vào ngày 10 tháng 3, Lexington tung máy bay của nó ra trong một cuộc không kích vượt qua dãy núi Owen Stanley nhắm vào tàu bè và các cơ sở Nhật Bản tại Salamaua và Lae. Cuộc tấn công bất ngờ đã gây ra thiệt hại nặng. Sau đó Lực lượng Đặc nhiệm đổi hướng đến Nouméa, New Caledonia để tiếp liệu. Pensacola tuần tra cùng với lực lượng đặc nhiệm của Yorktown cho đến ngày 8 tháng 4, rồi quay về Trân Châu Cảng ngang qua Samoa, đến nơi vào ngày 21 tháng 4. Nó cùng với chiếc tàu sân bay nổi tiếng Enterprise chuyển Phi đội Tiêm kích 212 Thủy quân Lục chiến đến Efate thuộc quần đảo New Hebrides rồi quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 26 tháng 5.Pensacola rời Trân Châu Cảng vào ngày 28 tháng 5 cùng với lực lượng đặc nhiệm của Enterprise đến một điểm hẹn về phía Đông Bắc Midway vào ngày 2 tháng 6 để gặp gỡ Lực lượng Đặc nhiệm 17. Hai ngày sau, khi hạm đội Nhật Bản tiến vào phạm vi hoạt động của các tàu sân bay Mỹ, trận Midway đã diễn ra.Những máy bay ném ngư lôi và máy bay ném bom bổ nhào của Đô đốc Spruance đã tấn công các tàu sân bay Nhật Bản. Akagi và Kaga ngập chìm trong lửa, và Sōryū bị hư hại nặng. Chiếc tàu sân bay thứ tư Hiryū, vẫn còn tự do, tung các đợt tấn công nhắm vào Yorktown và các tàu sân bay Mỹ phản công, đánh trúng tàu sân bay bay đối phương nhiều phát làm nó cũng bốc cháy.Cùng lúc đó, Yorktown phải đang chống chọi để tồn tại sau khi bị đánh trúng ba quả bom, và Pensacola được tách ra khỏi lực lượng hộ tống Enterprise để giúp đỡ chiếc tàu sân bay bị nạn. Trong khi đang cố gắng trợ giúp Yorktown, bản thân chiếc tàu tuần dương bị một quả ngư lôi đánh trúng bếp ăn. Yorktown chết đứng giữa biển khi Pensacola đến được, và chiếc tàu tuần dương đã trợ giúp bắn rơi bốn máy bay ném ngư lôi đối phương trong một đợt tấn công thứ hai. Cho dù mọi nỗ lực đã được thực hiện, Yorktown bị đánh trúng hai quả ngư lôi ở giữa tàu và bị buộc phải bỏ lại. Pensacola sáp nhập vào lực lượng hộ tống Enterprise truy đuổi lực lượng Nhật Bản đang rút lui.Pensacola quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 13 tháng 6, rồi lại cùng với Enterprise khởi hành vào ngày 22 tháng 6, vận chuyển 1.157 người thuộc Liên đội Không lực 22 Thủy quân Lục chiến đến Midway.Nó tiến hành tuần tra và huấn luyện tại vùng biển Hawaii cho đến ngày 7 tháng 8. Khi Thủy quân Lục chiến tiến hành các trận đánh tại Guadalcanal để chiếm và duy trì căn cứ tại đây, chiếc tàu tuần dương lên đường hộ tống các tàu sân bay Saratoga, Hornet và Wasp hướng đến khu vực quần đảo Solomon hỗ trợ lính thủy trong chiến dịch ác liệt này. Trong một vùng biển đầy dẫy tàu ngầm đối phương, ngư lôi đã làm hư hại Saratoga vào ngày 31 tháng 8 và đánh chìm Wasp vào ngày 15 tháng 9.Pensacola đi đến Nouméa, New Caledonia vào ngày 26 tháng 9, và lên đường cùng với Hornet vào ngày 2 tháng 10 để tấn công lực lượng đối phương tại khu vực Santa Isabel-Guadalcanal. Đến ngày 24 tháng 10, đội đặc nhiệm của Hornet gặp gỡ Enterprise và lực lượng phối hợp này lên đường để đánh chặn những tàu chiến đối phương đang tiến đến gần khu vực Guadalcanal-Tulagi.Ngày 26 tháng 10 năm 1942, máy bay trinh sát phát hiện một tàu sân bay và một đội hình thiết giáp hạm, đưa đến trận chiến quần đảo Santa Cruz, vốn diễn ra mà không có sự đối mặt trực tiếp giữa các lực lượng tàu nổi đối địch.Các đợt không kích đã gây hư hại nặng cho các tàu sân bay Zuihō và Shōkaku cùng đánh chìm tàu tuần dương Yura. Bom cũng gây hư hại cho thiết giáp hạm Kirishima và các tàu chiến đối phương khác.Pensacola đã giúp đỡ vào việc đánh trả các đợt tấn công phối hợp máy bay ném bom bổ nhào và máy bay ném ngư lôi vốn đã làm hư hại nặng Hornet đến mức nó bị buộc phải bỏ lại. Trong vòng vài phút sau đợt tấn công nhắm vào Hornet, 24 máy bay ném bom bổ nhào đã ném 23 quả bom nhắm vào Enterprise trong một đợt tấn công khác.Cho dù bị hư hại, "Fighting Lady" vẫn tung ra một số lượng lớn của Hornet cũng như của chính nó.Pensacola nhận lên tàu 188 người còn sống sót trên chiếc Hornet, và đã đưa họ lên bờ tại Nouméa vào ngày 30 tháng 10 năm 1942. Lực lượng đặc nhiệm đã đẩy lui một nỗ lực khác của Nhật Bản hòng tái chiếm Guadalcanal, đánh chìm Yura và làm hư hại một số tàu chiến chủ lực khác. Các tàu sân bay Nhật cũng bị tổn thất 123 máy bay.Pensacola khởi hành từ Nouméa vào ngày 2 tháng 11 năm 1942 bảo vệ các tàu vận tải đang chuyển binh lính Thủy quân Lục chiến tăng cường cùng hàng tiếp liệu đến vịnh Aola thuộc Guadalcanal. Nó đã giúp bảo vệ cho chiếc Enterprise trong trận Hải chiến Guadalcanal trong các ngày 12-13 tháng 11. Máy bay của Enterprise gã góp phần vào việc đánh chìm thiết giáp hạm Hiei, một tàu tuần dương, ba tàu khu trục và mười một tàu phụ thuộc; cùng làm hư hại bốn tàu tuần dương và bốn tàu khu trục.

Trận Tassafaronga

Pensacola quay trở về Espiritu Santo để gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 67 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Carleton H. Wright. Vào ngày 29 tháng 11, lực lượng đặc nhiệm lên đường để đánh chặn một lực lượng tàu khu trục và tàu vận tải Nhật Bản được dự đoán sẽ xuất hiện ngoài khơi Guadalcanal tối hôm sau. Ngay trước nữa đêm ngày 30 tháng 11, các tàu chiến Mỹ băng qua eo biển Lengo đi ngang ngoài khơi sân bay Henderson tại Guadalcanal trong khi lực lượng Nhật Bản di chuyển về hướng Nam về phía Tây đảo Savo để đi vào "eo biển Ironbottom."Hai lực lượng đối địch đã giao chiến với nhau trong trận Tassafaronga. Các tàu khu trục Mỹ đã phóng ngư lôi vào đội hình đối phương khi còn cách đội hình của Pensacola năm dặm; và giờ đây ánh lửa của đạn pháo và pháo sáng làm rực rỡ cả vùng trời tối mực. Tàu khu trục Takanami bị bắn trúng nhiều phát, bốc cháy và nổ tung. Tàu tuần dương Minneapolis trúng hai quả ngư lôi phía mũi tàu và hư hại nặng tháp chỉ huy phía trước, nhưng nó vẫn tiếp tục chiến đấu. New Orleans tiến đến gần để hỗ trợ Minneapolis, và đi ngay vào đường đi của một quả ngư lôi làm hư hại phần trước của con tàu.Pensacola bẻ lái sang trái để tránh va chạm với hai tàu chiến Mỹ bị hư hại ngay trước mũi của nó.Bóng dáng của nó bị soi rõ bởi các tàu tuần dương Mỹ đang bốc cháy, và nó chịu đựng hỏa lực của dàn tàu chiến Nhật. Một trong số 18 quả ngư lôi phóng bởi các tàu khu trục Nhật đánh trúng ngay bên dưới cột ăn-ten chính bên mạn trái, phòng động cơ bị ngập nước, ba tháp pháo bị loại khỏi vòng chiến, và các thùng chứa nhiên liệu của nó bị vỡ khiến một đám cháy bùng lên cạnh cột ăn-ten. Cùng lúc đó, Honolulu cơ động tối đa ở tốc độ 30 knot, các khẩu pháo của nó tiếp tục bắn với tốc độ cao khi nó thoát ra khỏi cái bẫy. Chiếc t̀au tuần dương cuối cùng trong hàng, Northampton, trúng phải hai ngư lôi và chịu đựng gấp đôi trên một diện rộng sự thiệt hại từng ảnh hưởng trên Pensacola.Đám cháy dầu lan rộng trên sàn chính phía sau của Pensacola nơi các quả ngư lôi và đạn súng máy phát nổ.Chỉ nhờ những nỗ lực to lớn cùng kỹ năng kiểm soát hư hỏng của thủy thủ đoàn dũng cảm đã cứu được con tàu. Đám cháy, thỉnh thoảng bùng lên bởi những vụ nổ khủng khiếp bởi đạn pháo 8 inch của tháp pháo số 3, dần dần được dập tắt. Pensacola tiến dần được về hướng Tulagi, và nó đến nơi trong khi các đám cháy chưa hoàn toàn tắt hẵn. Sau 12 giờ các đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Có 7 sĩ quan và 118 thủy thủ tử trận, một sĩ quan và 67 người khác bị thương.Được ngụy trang như một phần của hòn đảo,Pensacola tiến hành các sửa chữa tại cảng Tulagi, cho phép nó di chuyển đến Espiritu Santo thuộc New Hebride. Nó đến nơi vào ngày 6 tháng 12 để được sửa chữa khẩn cấp bởi tàu sửa chữa Vestal, cho đến khi nó lên đường vào ngày 7 tháng 1 năm 1943, đi ngang qua Samoa để quay về Trân Châu Cảng, và đến nơi vào ngày 27 tháng 1.

1944

Ngày 8 tháng 11, Pensacola khởi hành từ Trân Châu Cảng hộ tống các tàu sân bay của Lực lượng Tấn công phía Nam. Ngày 19 tháng 11, Pensacola tiến hành bắn pháo xuống Betio và Tarawa. Nó đã nả khoảng 600 quả đạn pháo để vô hiệu hóa các khẩu đội phòng thủ duyên hải đối phương, phá hủy các công trình phòng ngự bãi biển và nhiều tòa nhà.Khi lực lượng đổ bộ lên Tarawa tác chiến trên bờ trong ngày 20 tháng 11, chiếc tàu tuần dương đã hộ tống cho các tàu sân bay tung các đợt không kích để hỗ trợ cuộc đổ bộ.Đêm hôm đó, nó đánh trả các máy bay ném ngư lôi Nhật Bản và trợ giúp tàu sân bay Independence tiến vào Funafuti thuộc quần đảo Ellice. Trong hai tháng tiếp theo sau, nó hoạt động từ căn cứ này để hộ tống các tàu sân bay trong hoạt động chuyển tiếp lực lượng tăng cường và hàng tiếp liệu đến quần đảo Gilbert. Ngày 29 tháng 1 năm 1944, nó bắt đầu nả pháo tấn công nhằm tiêu diệt không quân và tàu bè Nhật Bản tại quần đảo Marshall. Đêm hôm đó, Pensacola bắn pháo xuống Tarao thuộc khu vực phía Đông quần đảo Marshall. Nó dội pháo xuống đường băng sân bay, bệ phóng thủy phi cơ, kho đạn và các căn cứ trên Wotje. Nó tiếp tục bắn pháo vào các mục tiêu này trong khi Thủy quân Lục chiến và Lục quân đổ bộ vào ngày 31 tháng 1 để chiếm các đảo san hô Kwajalein và Majuro. Cuộc tấn công quần đảo Marshall tiếp tục vào ngày 1 tháng 2 khi lực lượng Thủy quân Lục chiến chiếm được quần đảo Roi và Namur. Pensacola tiếp tục tấn công mạnh vào Tarao, đảo san hô Maloelap cho đến ngày 18 tháng 2, phá hủy các công sự phòng thủ bờ biển và sân bay đối phương tại khu vực phía Đông quần đảo Marshall. Hoạt động từ Majuro và Kwajalein, nó tiếp tục tuần tra các ngã đường tiếp cận Marshall. Một lần nữa chiếc tàu tuần dương lại hộ tống các tàu sân bay nhanh thực hiện không kích lên quần đảo Caroline từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4, chống lại hệ thống phòng ngự Nhật Bản tại Palau, Yap, Ulithi và Woleai.Pensacola rời Majuro vào ngày 25 tháng 4 đi ngang qua Trân Châu Cảng và đảo Mare để hoạt động tại khu vực Bắc Thái Bình Dương, đi đến vịnh Kulak vào ngày 27 tháng 5. Ngày 13 tháng 6, nó gia nhập một lực lượng đặc nhiệm tàu tuần dương-tàu khu trục có nhiệm vụ phá hủy các sân bay tại Matsuwa thuộc quần đảo Kurile.Sáng sớm ngày 26 tháng 6, nó bắn 300 quả đạn pháo 203 mm (8 inch) nhắm vào tàu bè sân bay và các cơ sở quân sự tại Kurabu Zaki, Paramushiru thuộc Kurile, rồi quay trở về vịnh Kulak vào ngày 28 tháng 6. Pensacola tiếp tục tuần tra tại vùng biển Alaska cho đến khi rời vịnh Kulak vào ngày 8 tháng 8 quay trở về Hawaii.Pensacola về đến Trân Châu Cảng vào ngày 13 tháng 8 để rồi lại trở ra khơi vào ngày 29 tháng 8. Trên đường đi đến quần đảo Mariana, nó tham gia một đợt tấn công bằng máy bay và hải pháo xuống đảo Wake trong ngày 3 tháng 9. Đến ngày 9 tháng 10, nó phá hủy trạm vô tuyến chính cùng các cơ sở khác trên đảo Marcus. Pensacola cùng các tàu tuần dương khác và tàu khu trục khuấy động một đợt tấn công ầm ỉ trong vai trò người "thế vai" cho lực lượng chính của Đệ Tam hạm đội dưới quyền Đô đốc Halsey, khiến phía Nhật tin rằng quần đảo Bonin là mục tiêu tiếp theo của Đồng Minh. Cùng lúc đó, các đơn vị của Đô đốc Halsey tiến về Philippines trong khi lực lượng tàu sân bay nhanh phá hủy các căn cứ không quân và hải quân đối phương tại Okinawa và Đài Loan.Pensacola gặp gỡ các đơn vị của lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay nhanh đang quay trở về sau những trận không chiến lớn bên trên Đài Loan. Sau khi hộ tống Canberra và Houston về đến Ulithi, ngày 16 tháng 10 nó gia nhập một đội đặc nhiệm tàu sân bay nhanh bao gồm chiếc Wasp.Ngày hôm sau, các đơn vị thủy bộ được Đệ Thất hạm đội hỗ trợ bắt đầu chiến dịch giải phóng quần đảo Philippine.Pensacola đã hộ tống các tàu sân bay nhanh khi chúng tiến hành không kích xuống Luzon, và trực tiếp hỗ trợ cuộc đổ bộ lên Leyte bắt đầu vào ngày 20 tháng 10. Nó gấp rút tiến lên phía Bắc giúp tiêu diệt lực lượng tàu sân bay đối phương trong trận chiến mũi Engaño vào ngày 25 tháng 10, rồi đổi hướng về phía Nam khi các tàu sân bay tung máy bay của chúng ra giúp đỡ các tàu sân bay hộ tống anh dũng.Pensacola bắn pháo xuống Iwo Jima trong đêm 11-12 tháng 11 rồi quay trở về Ulithi vào ngày 14 tháng 11. Lúc sắp khởi hành để đi đến Saipan vào ngày 20 tháng 11, nó trông thấy một kính tiềm vọng của tàu ngầm ở khoảng cách 1.080 m (1.200 yard) bên mạn phải. Trong khi nó cơ động để tránh xa, tàu khu trục Case đâm vào tàu ngầm đối phương.Bốn phút sau, nó chứng kiến vụ nổ phá hủy chiếc Mississinewa, nạn nhân của tàu ngầm bỏ túi Nhật Bản.Pensacola đi đến Saipan vào ngày 22 tháng 11 chuẩn bị cho cuộc tấn công lên Iwo Jima. Năm ngày sau, nó giúp đẩy lui nhiều đợt tấn công ban đêm của máy bay Nhật. Rời Saipan vào ngày 6 tháng 12, nó dội xuống Iwo Jima 500 quả đạn pháo 203 mm (8 inch) trong ngày 8 tháng 12. Nó còn quay lại Iwo Jima trong các ngày 24 và 27 tháng 12, tấn công các vị trí pháo binh bố trí về phía Bắc núi Suribachi. Nó còn dội pháo xuống các công sự phòng thủ tại Chichi Jima và Haha Jima cũng như tại Iwo Jima vào các ngày 5 và 24 tháng 1 năm 1945.

1945

Tại Ulithi vào ngày 27 tháng 1, Pensacola tham gia một lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ hỏa lực dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc B. J. Rodgers. Sáu thiết giáp hạm, bốn tàu tuần dương cùng các tàu khu trục hộ tống đã lên đường vào ngày 10 tháng 2 đi ngang qua Tinian để hướng đến Iwo Jima.Ngày 16 tháng 2, Pensacola khai hỏa vào phần Tây Bắc của Iwo Jima chuẩn bị cho cuộc đổ bộ. Trưa hôm đó, Trung úy phi công Douglas W.Gandy điều khiển một trong những thủy phi cơ tuần tiễu chỉ điểm pháo binh của Pensacola đã bắn rơi một máy bay tiêm kích Nhật Bản. Sáng hôm sau, Pensacola bị bắn trúng sáu phát từ các khẩu đội pháo bờ biển đối phương trong khi các khẩu pháo của nó đang hỗ trợ các hoạt động quét mìn gần bờ.Ba sĩ quan và 14 thủy thủ thiệt mạng, và thêm năm sĩ quan cùng 114 người khác bị thương.Pensacola bắn trả trong khi rút lui để được sửa chữa tạm thời, rồi nó quay trở lại vị trí chiến đấu tiếp tục nhiệm vụ bắn pháo. Sáng ngày 19 tháng 2, nó bắn pháo quấy rối và phản công để hỗ trợ trực tiếp cho cuộc tấn công đổ bộ. Các khẩu pháo của nó phải làm việc cả ngày và đêm cho đến ngày 1 tháng 3, khi nó làm im tiếng các khẩu đội trên bờ đối phương vốn đã bắn trúng tàu khu trục Terry ở giữa tàu. Sau khi giúp đỡ những người bị thương trên chiếc Terry, nó tiếp tục bắn pháo trực tiếp hỗ trợ cuộc tiến quân trên bờ của Thủy quân Lục chiến vốn kéo dài cho đến ngày 3 tháng 3.Nó quay về Ulithi vào ngày 5 tháng 3, rồi lại lên đường vào ngày 20 tháng 3 để hỗ trợ việc tấn công và chiếm đóng Okinawa, bước đi cuối cùng trước khi đến chính quốc Nhật Bản. Ngày 25 tháng 3,Pensacola bắn phá các công sự phòng thủ đối phương và hỗ trợ các hoạt động quét mìn nhằm dọn đường cho các cuộc đổ bộ lên Okinawa.Ngày 27 tháng 3, nó trông thấy sóng của một quả ngư lôi bên mạn trái, rồi thêm một quả thứ hai băng nhanh đến từ phía đuôi tàu. Trong khi các xạ thủ pháo 40 mm nổ súng vào các quả ngư lôi, Pensacola ngoặc gấp sang trái rồi sang phải để đi song song với các quả ngư lôi. Quả thứ nhất trượt qua mạn trái cách không đầy 6 m (20 ft), trong khi quả thứ hai cách khoảng 18 m (20 yard) dọc theo mạn trái chiếc tàu tuần dương, trong khi các xạ thủ khai hỏa các vũ khí tự động nhắm vào một kính tiềm vọng của tàu ngầm.Pensacola đã bắn pháo hỗ trợ trực tiếp vào giai đoạn mở đầu của cuộc đổ bộ lên Okinawa vào ngày 1 tháng 4 và tiếp tục nả pháo xuống các mục tiêu đối phương cho đến ngày15 tháng 4. Sau đó nó quay trở về nhà ngang qua Guam và Trân Châu Cảng. Nó về đến đảo Mare ngày 7 tháng 5 để đại tu.Chiếc tàu tuần dương lại lên đường vào ngày 3 tháng 8 hướng đến Adak thuộc Alaska, và đang ở tại đây khi chiến tranh kết thúc. Vào ngày 31 tháng 8, nó lên đường cùng các đơn vị khác của Hải đội Tuần dương 5 hướng đến Ominato về phía Bắc đảo Honshū của Nhật Bản. Nó thả neo bên ngoài cảng Ominato vào ngày 8 tháng 9.Pensacola rời Ominato vào ngày 14 tháng 11 để nhận lên tàu 200 cựu chiến binh tại Iwo Jima, rồi ghé qua Trân Châu Cảng trên đường quay trở về San Francisco, California, đến nơi vào ngày 3 tháng 12.Năm ngày sau nó lại lên đường hướng đến cảng Apra thuộc Guam, nơi nó nhận hồi hương gần 700 cựu chiến binh để đưa về San Diego, và đến nơi vào ngày 9 tháng 1 năm 1946.

Chiến dịch Crossroads

Pensacola rời San Pedro vào ngày 29 tháng 4 để gặp gỡ các đơn vị khác của Lực lượng Đặc nhiệm Phối hợp 1 tại Trân Châu Cảng nhằm chuẩn bị cho Chiến dịch Crossroads,cuộc thử nghiệm bom nguyên tử tại đảo san hô Bikini. Nó rời Trân Châu Cảng ngày 20 tháng 5 và đi đến Bikini vào ngày 29 tháng 5 để phục vụ như một tàu mục tiêu. Nó sống sót qua hai cuộc thử nghiệm vào các ngày 1 và 25 tháng 7 năm 1946. Đến ngày 24 tháng 8 năm 1946, nó được kéo về Kwajalein, nơi nó được cho ngừng hoạt động vào ngày 26 tháng 8 năm 1946. Lườn tàu của nó được chuyển cho sự chăm sóc của Lực lượng Đặc nhiệm Phối hợp 1 để khảo sát độ nhiễm xạ và hư hỏng của cấu trúc. Sau khi hoàn tất các nghiên cứu này, lườn tàu của nó bị đánh chìm vào ngày 10 tháng 11 năm 1948 ngoài khơi bờ biển Washington.

Lớp tàu:Lớp tàu tuần dương Pensacola

Xưởng đóng tàu:New York Shipbuilding Corporation, Camden, New Jersey

Đặt lườn:9 tháng 6 năm 1927

Hạ thủy:23 tháng 1 năm 1929

Đỡ đầu:Helen Budge

Hoạt động: 11 tháng 12 năm 1929

Bị mất:Bị đánh chìm như một mục tiêu năm 1948

Ngừng hoạt động:29 tháng 8 năm 1947

Xóa đăng bạ:1 tháng 6 năm 1948

Tặng thưởng:11 Ngôi sao Chiến đấu

Đơn vị Tuyên dương Hải quân

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước:9.100 tấn (tiêu chuẩn);11.512 tấn (đầy tải)

Chiều dài:178,5 m (585 ft 6 in)Mạn thuyền:19,9 m (65 ft 3 in)Tầm nước 5,3 m (17 ft 5 in)

Lực đẩy:Turbine hơi nước,8 × nồi hơi,4 × trục,công suất 107.000 mã lực (79,8 MW)

Tốc độ:60,2 km/h (32,5 knot)

Quân số:612

Vũ khí:10 × hải pháo 203 mm (8 inch)/55 caliber (2×2, 2×3),4 × pháo 127 mm (5 inch)/38 caliber (4×1) ,2 × pháo 3 pounder,6 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch)

Vỏ giáp:đai giáp: 60-100 mm (2,5-4 inch)sàn tàu: 25-45 mm (1-1,75 inch)tháp pháo: 19-60 mm (0,75-2,5 inch)tháp súng nhỏ: 19 mm (0,75 inch)tháp chỉ huy : 30 mm (1,25 inch)

Máy bay:2 × máy bay,2 × máy phóng

USS Salt Lake City (CL/CA-25) là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ thuộc lớp Pensacola, đôi khi được gọi là "Swayback Maru". Nó là tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này theo tên thành phố Salt Lake City thuộc tiểu bang Utah. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nó đã tham gia rất nhiều trận đánh và được tặng thưởng 11 Ngôi sao Chiến đấu cùng danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Hải quân. Sau chiến tranh Salt Lake City bị đánh chìm như một mục tiêu vào năm 1948.

Thiết kế và chế tạo

Salt Lake City được đặt lườn vào ngày 9 tháng 6 năm 1927 bởi American Brown Boveri Electric Corporation, một chi nhánh của New York Shipbuilding Corporation tại Camden, New Jersey; được hạ thủy vào ngày 23 tháng 1 năm 1929, được đỡ đầu bởi Helen Budge, cháu nội của William Budge, một vị Trưởng giáo Mormon hàng đầu; và được đưa ra hoạt động vào ngày 11 tháng 12 năm 1929 tại Xưởng hải quân Philadelphia dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Frederick Lansing Oliver.

Lịch sử hoạt động

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Salt Lake City rời Philadelphia vào ngày 20 tháng 1 năm 1930 cho chuyến đi chạy thử máy dọc theo bờ biển ngoài khơi Maine. Nó bắt đầu một chuyến đi kéo dài vào ngày 10 tháng 2; viếng thăm vịnh Guantánamo tại Cuba; Culebra, quần đảo Virgin; Rio de Janeiro và Bahia tại Brazil rồi quay trở lại vịnh Guantanamo, nơi nó gia nhập Hải đội Tuần dương 2 của Lực lượng Tuần tiễu vào ngày 31 tháng 3. Cùng với hải đội này, nó hoạt động dọc theo bờ biển New England cho đến ngày 12 tháng 9, khi nó được điều về Hải đội Tuần dương 5. Salt Lake City sau đó hoạt động ngoài khơi New York, mũi Cod và vịnh Chesapeake Bay cho đến năm 1931. Vào ngày 1 tháng 7 năm 1931, nó được xếp lớp lại với ký hiệu lườn CA-25.Đầu năm 1932, Salt Lake City cùng với Chicago và Louisville di chuyển đến vùng bờ Tây tham gia tập trận hạm đội. Chúng đi đến San Pedro,California vào ngày 7 tháng 3, và sau khi hoàn tất các cuộc tập trận theo kế hoạch, được bố trí về Hạm đội Thái Bình Dương. Salt Lake City ghé thăm Trân Châu Cảng trong tháng 1 và tháng 2 năm 1933; và vào tháng 9 được điều động sang Hải đội Tuần dương 4.Từ tháng 10 năm 1933 đến tháng 1 năm 1934, nó được đại tu tại Xưởng hải quân Puget Sound; rồi lại tiếp tục nhiệm vụ cùng Hải đội Tuần dương 4. Tháng 5 năm 1934, chiếc tàu tuần dương đi đến New York tham gia cuộc Duyệt binh Hải quân rồi quay trở về San Pedro vào ngày 18 tháng 12.Cho đến năm 1935, Salt Lake City hoạt động suốt dọc bờ Tây Hoa Kỳ từ San Diego đến Seattle. Trong những tháng đầu tiên của năm 1936, nó tiến hành các cuộc thực tập tác xạ rộng rãi tại đảo San Clemente, và vào ngày 27 tháng 4 khởi hành từ San Pedro tham gia các hoạt động tập trận phối hợp tàu nổi-tàu ngầm tại Balboa thuộc khu vực kênh đào Panama. Salt Lake City quay trở về San Pedro vào ngày 15 tháng 6 tiếp nối các hoạt động tại khu vực Bờ Tây cho đến khi khởi hành sang Hawaii vào ngày 25 tháng 4 năm 1937.Nó quay về vùng Bờ Tây vào ngày 20 tháng 5.Chuyến đi kéo dài tiếp theo của Salt Lake City bắt đầu vào ngày 13 tháng 1 năm 1939, khi nó lên đường hướng đến vùng biển Caribbe ngang qua kênh đào Panama. Trong ba tháng tiếp theo sau, nó viếng thăm Panama, Colombia, quần đảo Virgin, Trinidad, Cuba và Haiti; trước khi quay trở về San Pedro vào ngày 7 tháng 4. Từ ngày 12 tháng 10 năm 1939 đến ngày 25 tháng 6 năm 1940, nó di chuyển qua lại trong khu vực giữa Trân Châu Cảng, đảo Wake và Guam, sử dụng các dịch vụ của con tàu sửa chữa Vestal đang khi ở Trân Châu Cảng. Sang tháng 8 năm 1941, nó viếng thăm Brisbane, Queensland thuộc Australia.

Sau trận Trân Châu Cảng

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, khi Hoa Kỳ bị lôi kéo vào Chiến tranh Thế giới thứ hai bởi cuộc tấn công của Nhật Bản nhắm vào Trân Châu Cảng, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân Ellis M. Zacharias, Salt Lake City cùng với đội đặc nhiệm tàu sân bay Enterprise đang trên đường quay trở về từ đảo Wake, còn cách 370 km (200 hải lý) về phía Tây Trân Châu Cảng khi họ nhận được những tin tức về cuộc tấn công này. Đội đặc nhiệm lập tức tung ra các máy bay tuần tiễu với hy vọng có thể bắt gặp những kẻ tụt lại của lực lượng đối phương, nhưng cuộc tìm kiếm không mang lại kết quả. Những con tàu quay trở về Trân Châu Cảng vào lúc chập tối ngày 8 tháng 12.Sau một đêm tiếp nhiên liệu buồn tẻ, chúng lại khởi hành trước bình minh để săn tìm tàu ngầm tại khu vực phía Bắc quần đảo. Họ đã đụng độ với các tàu ngầm Nhật trong các ngày 10 và 11 tháng 12.Chiếc đầu tiên I-70 bị đánh chìm bởi máy bay ném bom bổ nhào của Enterprise; chiếc thứ hai bị phát hiện nổi trên mặt nước ngay trước mũi đội đặc nhiệm, bị tấn công bởi hải pháo của Salt Lake City trong khi các con tàu cơ động để tránh né các quả ngư lôi. Các tàu khu trục hộ tống cũng mở những đợt tấn công bằng mìn sâu nhưng không thể khẳng định đã tiêu diệt được đối thủ. Các hoạt động tấn công một mục tiêu thứ ba cũng mang lại kết quả tương tự. Đội đặc nhiệm quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 15 tháng 12 để tiếp nhiên liệu.Salt Lake City hoạt động cùng với Lực lượng Đặc nhiệm 8 cho đến ngày 23 tháng 12, bảo vệ Oahu và hỗ trợ cuộc tấn công của Lực lượng đặc nhiệm được dự định để giải tỏa cho đảo Wake đang bị bao vây. Sau khi Wake thất thủ, đội đặc nhiệm của Salt Lake City thực hiện các cuộc không kích vào khu vực phía Đông quần đảo Marshall tại Wotje, Maloelap và Kwajalein loại trừ các căn cứ thủy phi cơ đối phương tại đây. Trong khi tiến hành bắn phá bờ biển trong các cuộc tấn công này, Salt Lake City bị máy bay đối phương tấn công và đã trợ giúp vào việc bắn rơi hai máy bay ném bom Nhật Bản. Trong tháng 3, nó hỗ trợ các cuộc không kích xuống đảo Marcus.Trong tháng 4, nó hộ tống Lực lượng Đặc nhiệm 16, vốn đã thực hiện cuộc Không kích Doolittle nhắm vào Tokyo và các thành phố Nhật Bản khác, rồi quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 25 tháng 4.Mệnh lệnh đang chờ đợi các con tàu phải lên đướng trong thời gian nhanh nhất có thể để gia nhập các lực lượng tàu sân bay Yorktown và Lexington trong khu vực biển Coral. Cho dù lực lượng đặc nhiệm di chuyển với tốc độ nhanh, chúng chỉ đến được địa điểm cách khoảng 450 dặm (830 km) về phía Đông Tulagi vào ngày 8 tháng 5, ngày diễn ra trận chiến biển Coral.Những gì diễn ra tiếp theo chỉ là sự rút lui của cả hai phía, khi Salt Lake City cùng đội đặc nhiệm của nó hoạt động như lực lượng bảo vệ vào ngày 11 tháng 5 ngoài khơi New Hebride, và từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 5 hướng về phía Đông tại Efate và Santa Cruz. Ngày 16 tháng 5, nó được lệnh quay trở về Trân Châu Cảng, và đến nơi 10 ngày sau đó.Các đội đặc nhiệm tàu sân bay được khẩn trương chuẩn bị để đối phó với đòn tấn công được dự đoán của Nhật nhắm vào đảo san hô Midway. Trong trận chiến tại đây vào đầu tháng 6, Salt Lake City đảm trách bảo vệ phía sau cho hòn đảo.Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1942, Salt Lake City có mặt tại khu vực Nam Thái Bình Dương hỗ trợ cho chiến dịch chiếm đóng Guadalcanal. Nó hỗ trợ tàu sân bay Wasp trong các cuộc đổ bộ vào ngày 7 và 8 tháng 8 cùng các hoạt động sau đó.Salt Lake City đã bảo vệ Wasp khi nó trao đổi máy bay cho các tàu sân bay Saratoga và Enterprise, cũng như thực hiện tuần tra chiến đấu trên không và trinh sát trong quá trình đổ bộ. Salt Lake City đã ở cùng với Wasp vào ngày 15 tháng 9 khi chiếc tàu sân bay bị trúng ngư lôi từ tàu ngầm Nhật và bị đánh chìm.Chiếc t̀au tuần dương tiến hành các hoạt động cứu vớt những người còn sống sót, và cũng nhận lên tàu những người đã được tàu khu trục Lardner vớt lên.

Trận chiến mũi Esperance

Chiến dịch được tiến hành tại quần đảo Solomon phát triển thành một cuộc chiến quyết liệt, đạt đến cao điểm vào đêm 11-12 tháng 10 năm 1942 trong Trận chiến mũi Esperance. Lực lượng Đặc nhiệm 64 được hình thành chung quanh các tàu tuần dương Salt Lake City, Boise, Helena và San Francisco nhằm ngăn trở những chuyến "Tốc hành Tokyo", một dòng di chuyển liên tục các tàu vận tải và tàu khu trục Nhật Bản để tăng cường lực lượng và tiếp liệu cho lực lượng Nhật Bản tại Guadalcanal. Lực lượng này được xem là không đủ lớn để có thể đối đầu với lực lượng hộ tống hùng hậu của Nhật, mà chỉ có ý định gây thiệt hại tối đa cho các tàu vận tải. Chúng đi đến khu vực ngoài khơi Espiritu Santo vào ngày 7 tháng 10, và trong hai ngày tiếp theo tuần tra gần Guadalcanal chờ đợi. Máy bay trinh sát đặt căn cứ trên đất liền đã báo cáo về một lực lượng lớn đối phương đang di chuyển dọc xuống "cái khe", và đêm đó, lực lượng đặc nhiệm di chuyển đến gần đảo Savo để đánh chặn.Những thủy phi cơ trinh sát được lệnh phóng lên từ các tàu tuần dương, nhưng trong khi được phóng lên, thủy phi cơ của Salt Lake City bị bắt lửa khi pháo sáng phát nổ trong buồng lái, máy bay bị rơi gần con tàu và viên phi công đã tìm cách thoát ra được, anh ta sau đó được tìm thấy an toàn trên một hòn đảo gần đó. Tuy nhiên, ánh sáng của đám cháy trong bóng đêm được các sĩ quan hạm đội Nhật nhìn thấy, vốn suy đoán rằng đó là pháo sáng của lực lượng đổ bộ lên bờ được bắn lên để yêu cầu trợ giúp. Soái hạm của hạm đội Nhật trả lời bằng đèn hiệu, và khi không nhận được tín hiệu trả lời, lại tiếp tục đánh tín hiệu. Lực lượng Mỹ đã hình thành nên đội hình chiến đấu thẳng góc với đội hình chữ T của Nhật Bản, và đã có thể đánh chặn tàu chiến đối phương.Các tàu tuần dương Mỹ khai hỏa và liên tục ghi được những phát trúng đích trong vòng bảy phút trước khi quân Nhật đang hoang mang nhận thức được thực sự những gì đang xảy ra. Họ đã tin một cách sai lầm rằng đang chịu đựng hỏa lực bắn nhầm của một đơn vị bạn, và khi quân Nhật bắn đầu bắn trả, hỏa lực của họ rời rạc và đã quá trễ. Tất cả các hoạt động trên chỉ diễn ra trong nữa giờ, khi cuối cùng một tàu tuần dương Nhật bị đánh chìm, một chiếc khác trở thành xác tàu vô dụng, chiếc thứ ba bị thủng hai lỗ và một tàu khu trục bị đánh chìm, để lại một tàu khu trục duy nhất trong lực lượng năm chiếc thoát khỏi hư hại. Salt Lake City bị đánh trúng ba phát trong trận này, Boise bị hư hại nặng nhưng vẫn xoay sở theo kịp hạm đội bằng chính động lực của mình, còn tàu khu trục Duncan bị bỏ lại thiêu rụi ngoài khơi đảo Savo. Các tàu chiến tập hợp lại đội hình và quay trở về Espiritu Santo.

Trận chiến quần đảo Komandorski

Salt Lake City trải qua bốn tháng tiếp theo tại Trân Châu Cảng để sửa chữa và tiếp liệu.Vào cuối tháng 3 năm 1943, nó khởi hành hướng đến quần đảo Aleut và hoạt động từ đảo Adak để ngăn chặn việc tiếp liệu và tăng cường cho lực lượng Nhật Bản đang trú đóng trên các đảo Attu và Kiska. Hoạt động trong thành phần của Lực lượng đặc nhiệm 8, Salt Lake City được tháp tùng bởi tàu tuần dương hạng nhẹ Richmond và bốn tàu khu trục vào ngày 26 tháng 3 khi chúng bắt gặp một số tàu vận tải Nhật Bản, được hộ tống bởi các tàu tuần dương hạng nặng Nachi và Maya, các tàu tuần dương hạng nhẹ Tama và Abukuma cùng bốn tàu khu trục dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Boshiro Hosogoya,đưa đến trận chiến quần đảo Komandorski.Tin tưởng một cách sai lầm rằng sẽ được vớ bở một cách dễ dàng, các tàu chiến Mỹ tập hợp thành đội hình và tiếp cận đối thủ. Hai tàu vận tải Nhật thoát đi đến vị trí an toàn trong khi các tàu chiến Nhật quay mũi để đối đầu.Nhóm tàu chiến Mỹ bị áp đảo cả về số lượng lẫn hỏa lực, những vẫn tiếp tục gây áp lực và đổi hướng nhằm hy vọng bắn trúng các tàu vận tải trước khi các tàu hộ tống có thể can thiệp. Còn có một khả năng khác là phía Nhật sẽ chia tách lực lượng của họ và Salt Lake City và Richmond có thể ngăn chặn một phần đối phương trong một tương quan cân bằng hơn.Các tàu tuần dương đối địch đồng thời khai hỏa nhắm vào nhau ở khoảng cách 18,3 km (20.000 yard). Diễn biến tiếp theo của trận đánh về thực chất là hoạt động rút lui của lực lượng Mỹ, khi phía Nhật phá hỏng nổ lực của họ tiếp cận các tàu phụ trợ. Salt Lake City là trung tâm sự chú ý của phía Nhật và nhanh chóng bị bắn trúng hai phát, một phát giữa tàu làm tử thương hai người, nhưng nó đáp trả bằng một hỏa lực rất chính xác.Bánh lái của nó bị hỏng làm giới hạn góc chuyển hướng chỉ đạt được 10 độ; và một phát bắn trúng khác làm ngập nước các ngăn phía trước. Dưới sự che chở của màn khói được thả bởi các tàu khu trục đi kèm cùng các cuộc tấn công bằng ngư lôi quyết liệt, các tàu tuần dương Mỹ đã có thể quay mũi lẫn tránh, vốn đã có thể gia tăng khoảng cách với đối thủ trong một lúc. Salt Lake City nhanh chóng tiếp tục bị bắn trúng và các nồi hơi của nó lần lượt bị tắt ngúm; nước mặn xâm nhập vào các ống dẫn đầu đốt. Tình trạng của nó giờ đây gây la mối lo ngại trầm trọng, khi nó chết đứng giữa biển và các tàu tuần dương Nhật nhanh chóng tiến đến gần. May mắn là nó che chở trong màn khói, và đối phương không biết đến hoàn cảnh ngặt nghèo của nó.Các tàu khu trục Mỹ tấn công các tàu tuần dương Nhật Bản, bắt đầu thu hút hỏa lực đối phương khỏi Salt Lake City. Bailey bị bắn trúng hai phát đạn pháo 203 mm (8 inch) trong khi đang phóng một loạt năm quả ngư lôi từ tầm xa.Cùng lúc đó, kỹ sư trên Salt Lake City nối lại được các đường ống dẫn dầu và đốt lại được các nồi hơi; con tàu có được động lực hơi nước và bắt đầu có được tốc độ.Bất ngờ lực lượng Nhật Bản bắt đầu rút lui, vì đã hao hụt nhanh chóng gần hết đạn dược.Họ không thể tiên đoán là tình trạng phía Mỹ còn tệ hại hơn nhiều cả về khía cạnh đạn dược lẫn nhiên liệu.Cho dù bị một ưu thế áp đảo gấp hai lần về lực lượng, phía Mỹ đã thành công trong mục đích của họ.Dự định của phía Nhật nhằm tăng cường và tiếp liệu cho lực lượng trú đóng tại các căn cứ thuộc quần đảo Aleut bị thất bại khi hạm đội Nhật buộc phải quay mũi trở về căn cứ xuất phát. Sau đó Salt Lake City hỗ trợ cho cuộc đổ bộ của lực lượng Mỹ nhằm tái chiếm Attu và Kiska, kết thúc Chiến dịch quần đảo Aleut. Nó rời Adak vào ngày 23 tháng 9 quay về San Francisco trước khi hướng đến Trân Châu Cảng, và nó đến nơi vào ngày 14 tháng 10 năm 1943.

Quần đảo Marshall

Chiến lược tấn công của Đồng Minh tại Thái Bình Dương giờ đây nhắm vào quần đảo Marshall. Một đòn tấn công gồm hai mũi ngang qua Micronesia và quần đảo Bismarck sẽ buộc đối phương phải phân tán lực lượng, ngăn chặn khả năng tiến hành một cuộc cơ động hai bên sườn và cho phép phe Đồng Minh lựa chọn hướng tấn công tiếp theo sau.Để có được những thông tin tình báo cần thiết để vạch kế hoạch cho chiến dịch Marshall, quần đảo Gilbert cần được chiếm giữ và duy trì để sử dụng như một khu vực tập trung và xuất phát các phi vụ trinh sát hình ảnh.Salt Lake City được phân về Lực lượng Đặc nhiệm 50.3 của Nhóm tàu sân bay phía Nam cho các hoạt động quần đảo Gilbert, Chiến dịch Galvanic.Salt Lake City thực hiện các hoạt động huấn luyện tác xạ nghiêm ngặt cho đến ngày 8 tháng 11, khi nó lên đường gia nhập cùng các tàu sân bay Essex, Bunker Hill và Independence vốn đang tiến hành các cuộc không kích chuẩn bị trên đảo Wake như những đòn tấn công phân tán vào các ngày 5 và 6 tháng 10 cũng như xuống Rabaul vào ngày 11 tháng 11. Salt Lake City gặp gỡ lực lượng này vào ngày 13 tháng 11 ngoài khơi Funafuti thuộc quần đảo Ellice, Sau cuộc hẹn gặp gỡ tiếp nhiên liệu cho các tàu sân bay tại Espiritu Santo. Nó tham gia hoạt động vào ngày 19 tháng 11 khi bắn pháo xuống Betio tại đảo san hô Tarawa thuộc quần đảo Gilbert. Trong ngày hôm đó và ngày tiếp theo, nó đã đánh trả các đợt tấn công ngư lôi liên tục bằng máy bay nhắm vào các tàu sân bay.Tarawa hoàn tất việc chiếm đóng vào ngày 28 tháng 11, và đây là chiến dịch đổ bộ xuống bãi biển đầu tiên bị kháng cự mãnh liệt tại Thái Bình Dương, và nhiều bài học rút ra tại đây sau đó được áp dụng cho nhiều chiến dịch đổ bộ tiếp theo.Salt Lake City được điều về Đội Đặc nhiệm 50.15 cho Chiến dịch Marshall vốn đã được mong đợi từ lâu. Từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 17 tháng 2 năm 1944, nó tiến hành bắn phá bờ biển tại các đảo Wotje và Taroa vốn bị bỏ qua và bị cắt đứt khỏi các con đường tiếp liệu vì lực lượng Nhật Bản chủ yếu tập trung trên các đảo Majuro, Eniwetok và Kwajalein. Kỹ thuật nhảy cóc này hoạt động rất tốt, loại trừ những tổn thất không cần thiết nếu như phải quét sạch mọi hòn đảo do quân Nhật kiểm soát. Trong các ngày 30 tháng 3 đến 1 tháng 4, Salt Lake City tham gia tấn công Palau, Yap, Ulithi, và Woleai về phía Tây quần đảo Caroline.Chiếc t̀au tuần dương thả neo tại Majuro vào ngày 6 tháng 4 và ở lại đây cho đến ngày 25 tháng 4, khi nó đi một mình không cần hộ tống đến Trân Châu Cảng.Salt Lake City về đến Trân Châu Cảng vào ngày 30 tháng 4 và lên đường ngay ngày hôm sau hướng về Xưởng hải quân đảo Mare. Nó đến nơi vào ngày 7 tháng 5 và ở lại khu vực vịnh San Francisco cho đến ngày 1 tháng 7. Sau đó nó hướng đến đảo Adak tại Alaska, đến nơi vào ngày 8 tháng 7. Các hoạt động của nó tại quần đảo Aleut, bao gồm một cuộc bắn pháo dự định tiến hành nhắm vào Paramushiro bị cắt ngắn do thời tiết xấu, và chiếc tàu tuần dương quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 13 tháng 8.

Leyte - Iwo Jima - Okinawa

Salt Lake City khởi hành cùng với tàu tuần dương chị em Pensacola và tàu sân bay Monterey vào ngày 29 tháng 8 để tấn công đảo Wake. Chúng tấn công hòn đảo trong ngày 3 tháng 9, rồi tiếp tục hướng đến Eniwetok và ở lại đây cho đến ngày 24 tháng 9. Các tàu tuần dương sau đó di chuyển đến Saipan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, rồi đến ngày 6 tháng 10 tiếp tục hướng đến đảo Marcus tạo một đòn tấn công phân tán cho cuộc ném bom lên Đài Loan. Chúng tiến hành nả tháo lên Marcus trong ngày 9 tháng 9 rồi quay về Saipan.Vào tháng 10, trong quá trình Trận chiến vịnh Leyte, Salt Lake City quay trở lại vai trò hộ tống và hỗ trợ trong thành phần đội đặc nhiệm tàu sân bay nhanh tấn công các căn cứ và lực lượng tàu nổi Nhật Bản. Đặt căn cứ tại Ulithi, nó hộ tống các tàu sân bay từ ngày 15 đến ngày 26 tháng 10. Từ ngày 8 tháng 11 năm 1944 đến ngày 25 tháng 1 năm 1945, nó hoạt động cùng hải đội Tuần dương 5 thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 54, bắn pháo xuống quần đảo Volcano để vô hiệu hóa các sân bay mà quân Nhật tập trung lực lượng để tổ chức ném bom các căn cứ của máy bay ném bom B-29 Superfortress tại Saipan. Các cuộc tấn công này được phối hợp cùng với các đợt không kích bởi máy bay ném bom B-24 Liberator. Sang tháng 2, nó hoạt động trong thành phần Lực lượng Đặc nhiệm 54 vào giai đoạn cuối cùng của việc chiếm đóng Iwo Jima cùng các hoạt động ban đầu trong chiến dịch nhằm chiếm Okinawa.Salt Lake City thực hiện bắn pháo theo yêu cầu tại Iwo Jima cho đến ngày 13 tháng 3, rồi tập trung các hoạt động tại Okinawa cho đến ngày 28 tháng 5, khi nó đi đến Leyte để sửa chữa và bảo trì. Nó quay trở lại Okinawa hỗ trợ các hoạt động rải mìn tại đây và tuần tra trong khu vực Biển Đông Trung Quốc vào ngày 6 tháng 7. Một tháng sau, vào ngày 8 tháng 8, nó khởi hành đi đến quần đảo Aleut ngang qua Saipan. Đang khi trên đường hướng đến Adak, nó nhận được lệnh vào ngày 31 tháng 8 chuyển hướng đến phía Bắc đảo Honshū, Nhật Bản, đổ hỗ trợ cho việc chiếm đóng Căn cứ Hải quân Ominato.

Sau chiến tranh

Giống như số phận của nhiều tàu chiến khác sau chiến tranh, Salt Lake City được chuẩn bị để ngừng hoạt động ngay sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai vừa kết thúc. Thoạt tiên, nó được lệnh điều về Đệ Tam hạm đội tại bờ Tây nước Mỹ vào tháng 10 năm 1945 để ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vào ngày 29 tháng 10, nó được chuyển sang làm nhiệm vụ trong Chiến dịch Magic Carpet hồi hương các cựu chiến binh tại chiến trường Thái Bình Dương quay trở về Hoa Kỳ.Ngày 14 tháng 11, nó được đưa vào danh sách các tàu chiến sẽ bị sử dụng như tàu thử nghiệm cho "Chiến dịch Crossroads", cuộc thử nghiệm bom nguyên tử tại đảo san hô Bikini. Nó được tháo dỡ một phần vũ khí cũng như giảm bớt thủy thủ đoàn trước khi di chuyển đến Trân Châu Cảng vào tháng 3 năm 1946.Salt Lake City được sử dụng trong việc đánh giá hiệu quả trên các tàu nổi trước tiên của một vụ nổ trên không vào ngày 1 tháng 7, rồi của một vụ nổ thứ hai ngầm dưới nước vào ngày 25 tháng 7.Sống sót qua cả hai vụ nổ, nó được chính thức cho ngừng hoạt động vào ngày 29 tháng 8.Nó bị đánh chìm như một tàu mục tiêu vào ngày 25 tháng 5 năm 1948, tại địa điểm cách 240 km (130 dặm) ngoài khơi bờ biển Nam California, và được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 18 tháng 6 năm 1948.

Lớp tàu:Lớp tàu tuần dương Northampton

Xưởng đóng tàu:Bethlehem Steel tại Quincy, Massachusetts

Đặt lườn:12 tháng 4 năm 1928

Hạ thủy:5 tháng 9 năm 1929

Đỡ đầu:Bà Calvin Coolidge

Hoạt động: 17 tháng 5 năm 1930

Bị mất:Bị đánh chìm trong trận Tassafaronga ngày 30 tháng 11 năm 1942

Tặng thưởng:6 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước:9.050 tấn (tiêu chuẩn)

Chiều dài:182,9 m (600 ft 3 in)Mạn thuyền:20,1 m (66 ft 1 in)Tầm nước:5,0 m (16 ft 4 in)

Lực đẩy:4 × Turbine hơi nước Parsons,8 × nồi hơi White-Forster,4 × trục,công suất 107.000 mã lực (79,8 MW)

Tốc độ:60 km/h (32,5 knot)

Tầm xa:24.000 km ở tốc độ 28 km/h(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)

Dầu đốt: 1.500 tấn

Quân số:621

Vũ khí:9 × pháo 203 mm (8 inch)/55 caliber Mark 10/11 (3×3),4 × pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber Mark 10 ,9 × ống phóng ngư lôi 533 mm (3×3),24 × pháo phòng không Bofors 40 mm (4×4),28 × pháo phòng không Oerlikon 20 mm

Cảm biến: Radar RCA CXAM

Vỏ giáp:đai giáp: 76 mm (3 inch) trên động cơ;95 mm (3,75 inch) trên hầm đạn.sàn tàu: 25 mm (1 inch) trên động cơ;50 mm (2 inch) trên hầm đạn,tháp pháo: mặt trước 63 mm (2,5 inch); nóc 50 mm (2 inch); hông và phía sau 19 mm (0,75 inch)tháp súng nhỏ:38 mm (1,5 inch)

Máy bay:2 × thủy phi cơ

USS Northampton (CA-26) là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó. Được đưa vào hoạt động năm 1930, nó đã phục vụ tại Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và bị đánh chìm bởi ngư lôi Nhật Bản trong trận Tassafaronga vào ngày 30 tháng 11 năm 1942.

Thiết kế và chế tạo

Vốn vẫn bị hạn chế về tải trọng và cỡ pháo bởi Hiệp ước Hải quân Washington, nhưng mang nhiều đặc tính cải tiến so với lớp Pensacola dẫn trước, lớp Northampton mang chín khẩu 203 mm (8 inch) trên ba tháp pháo ba nòng, một cách sắp xếp tối ưu được tiếp nối bởi mọi tàu tuần dương hạng nặng Hoa Kỳ sau này.Northampton được đặt lườn vào ngày 12 tháng 4 năm 1928 tại xưởng đóng tàu Fore River của hãng Bethlehem Steel Corp. tại Quincy, Massachusetts. Nó được hạ thủy vào ngày 5 tháng 9 năm 1929, được đỡ đầu bởi Bà Calvin Coolidge, và được đưa ra hoạt động vào ngày 17 tháng 5 năm 1930 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Walter N. Vernou.

Lịch sử hoạt động

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Gia nhập Hạm đội Đại Tây Dương, Northampton thực hiện chuyến đi thử máy đến vùng biển Địa Trung Hải vào mùa Hè năm 1930, rồi sau đó tham gia các cuộc thực tập huấn luyện thường xuyên của hạm đội tại vùng biển Caribbe và khu vực kênh đào Panama; thỉnh thoảng đi đến tận Thái Bình Dương để tập trận cùng các tàu tuần dương khác và đủ loại tàu chiến khác. Được xếp lại lớp thành ký hiệu lườn CA-26 vào năm 1931, nó hoạt động chủ yếu tại Thái Bình Dương từ năm 1932, cảng nhà đặt tại San Pedro, California, và sau này là tại Trân Châu Cảng. Northampton là một trong số sáu tàu chiến được trang bị kiểu radar mới RCA CXAM vào năm 1940.[2]

Mở đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai

Northampton đang ở ngoài biển cùng với Đô đốc William Halsey, Jr. trong đội đặc nhiệm của tàu sân bay Enterprise khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, quay trở về cảng vào ngày hôm sau. Ngày 9 tháng 12, lực lượng khởi hành để tìm kiếm đối phương về phía Đông Bắc Oahu, truy quét về phía Nam cho đến đảo Johnston, rồi lại trở lên phía Bắc để săn đuổi đối phương về phía Tây đảo Lisianski và đảo san hô Midway. Vào ngày 11 tháng 12, tàu khu trục Craven bị hư hại khi nó va chạm với Northampton đang khi được tiếp nhiên liệu.Cho đến tháng 1 năm 1942, Northampton tham gia các cuộc truy tìm như vậy cho đến khi được tách ra cùng với Salt Lake City để nả pháo xuống Wotje vào ngày 1 tháng 2. Cuộc bắn phá không chỉ phá hủy các tòa nhà và kho nhiên liệu trên đảo, mà còn đánh chìm hai chiếc tàu Nhật. Một cuộc tấn công tương tự cũng được tung ra nhắm vào đảo Wake vào ngày 24 tháng 2, và mặc dù phải chịu đựng hỏa lực phản pháo căng thẳng của đối phương, các khẩu pháo của Northampton cùng lực lượng của nó đã làm phát sinh các đám cháy lớn trên đảo và đánh chìm một sà lan nạo vét trong vũng biển. Khi Northampton rút lui khỏi đảo, nó bị thủy phi cơ cùng với máy bay đối phương đặt căn cứ trên bờ và máy bay tuần tra tấn công, nhưng tất cả đều bị tiêu diệt hay đánh đuổi.Vào ngày 4 tháng 3, lực lượng tung máy bay ra thực hiện một cuộc tấn công lên đảo Marcus, rồi sau đó đổi hướng sang phía Đông quay trở về Trân Châu Cảng. Vào đầu tháng 4, lực lượng đặc nhiệm của Enterprise, bao gồm Northampton, một lần nữa khởi hành để gia nhập cùng lực lượng của tàu sân bay Hornet để thực hiện cuộc không kích Doolittle xuống Tokyo vào ngày 18 tháng 4. Một lần nữa các con tàu được tiếp liệu tại Trân Châu Cảng, rồi khởi hành hướng đến khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, nhưng chỉ kịp đến nơi sau khi trận chiến biển Coral đã kết thúc. Quay trở lại Trân Châu Cảng, Northampton chuẩn bị cho các hoạt động sắp tới tại trận Midway, khi nó tham gia hộ tống Enterprise.Trong các ngày 4 và 5 tháng 6, các tàu sân bay Mỹ đã tung máy bay ra trong một cuộc chạm trán đưa đến chiến thắng lớn cho phía Đồng Minh, đẩy lui quân Nhật và gây cho họ một tổn thất lớn khi đánh chìm bốn tàu sân bay. Trong suốt trận Midway, Northampton bảo vệ cho tàu sân bay của mình và cùng với nó an toàn quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 13 tháng 6.Vào giữa tháng 8, Northampton lại lên đường hướng đến khu vực Tây Nam Thái Bình Dương để tham gia hoạt động trong Chiến dịch quần đảo Solomon. Nó tuần tra về phía Đông Nam San Cristobal thuộc quần đảo Solomon, nơi mà vào ngày 15 tháng 9, lực lượng của nó bị tàu ngầm đối phương tấn công, vốn đã làm hư hại tàu sân bay Wasp cùng thiết giáp hạm North Carolina, và đã đánh chìm tàu khu trục O'Brien chỉ cách Northampton 720 m (800 yard) về bên mạn trái.Giờ đây di chuyển cùng với Hornet, Northampton hộ tống cho chiếc tàu sân bay trong các cuộc tấn công lên đảo Bougainville vào ngày 5 tháng 10.Trong trận chiến quần đảo Santa Cruz vào ngày 26 tháng 10, vốn đã diễn ra mà không có sự tiếp xúc nào với lực lượng tàu nổi đối phương, Northampton đã nỗ lực hỗ trợ cho Hornet vốn bị hư hại nặng bởi máy bay đối phương, và cung cấp sự bảo vệ phòng không trong khi tìm cách kéo con tàu bị thương nặng. Khi số phận hầu như đã rõ ràng, chiếc tàu sân bay sau đó bị đánh đắm bởi ngư lôi và hải pháo của tàu khu trục, và lực lượng Mỹ rút lui về hướng Tây Nam.

TrậnTassafaronga

Sau đó, Northampton hoạt động cùng một lực lượng tàu tuần dương-tàu khu trục nhằm ngăn cản quân Nhật tăng viện cho lực lượng của họ đang trú đóng trên đảo Guadalcanal.Trận Tassafaronga bắt đầu 40 phút trước nữa đêm ngày 30 tháng 11, khi ba tàu khu trục Mỹ đã bất ngờ tấn công bằng ngư lôi vào hạm đội Nhật Bản. Tất cả các tàu chiến Mỹ sau đó nổ súng, khiến đối phương bị bất ngờ đã không thể phản pháo trong vòng bảy phút. Hai trong số các tàu tuần dương Mỹ bị trúng ngư lôi trong vòng một phút, và sau mười phút nữa là một chiếc thứ ba, tất cả đều bị buộc phải rút lui. Northampton cùng tàu tuần dương hạng nhẹ Honolulu và sáu tàu khu trục tiếp tục cuộc chiến đấu ác liệt.Lúc gần cuối trận chiến, Northampton bị đánh trúng hai quả ngư lôi, xé toang một lổ lớn bên mạn trái và làm bong sàn tàu và các vách ngăn. Các đám cháy dầu lan rộng khắp con tàu, nó nhanh chóng bị ngập nước và bắt đầu nghiêng. Sau ba giờ, lệnh bỏ tàu được ban ra khi nó bắt đầu chìm với phần đuôi tàu chìm trước. Việc bỏ tàu diễn ra có trật tự và được kiểm soát nên tổn thất về nhân mạng rất thấp, và những người sống sót nhanh chóng được vớt trong vòng một giờ bởi các tàu khu trục.Trong khi trận chiến này là một thất bại chiến thuật về phía Mỹ, khi cả ba tàu tuần dương kia đều bị hư hại nặng và Northampton bị mất đổi lấy có một tàu khu trục Nhật bị đánh chìm; phía Nhật phải hủy bỏ một đợt tăng viện lớn, khiến kết quả của chiến dịch cuối cùng lại là một thắng lợi chiến lược cho phía Đồng Minh.

Phần thưởng

Northampton được tặng thưởng sáu Ngôi sao Chiến đấu do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.Một sĩ quan cao cấp trên Northampton đã hy sinh trong trận Tassafaronga làMáy trưởng, Trung tá Hải quân Hilan Ebert ở Alliance, Ohio. Để tưởng nhớ ông, tàu khu trục hộ tống USS Ebert (DE-768), đặt theo tên của Trung tá Ebert, đã được hạ thủy vào ngày 11 tháng 5 năm 1944 bởi hãng Tampa Shipbuilding Co., Inc. tại Tampa, Florida.Con tàu được đỡ đầu bởi vợ góa của Trung tá Ebert, Bà Hilan Ebert. Trong buổi lễ hạ thủy còn có sự hiện diện của mẹ ông và hai con trai, Scott và David.

Lớp tàu: Lớp tàu tuần dương Northampton

Xưởng đóng tàu:New York Shipbuilding Company, Camden, New Jersey

Hạ thủy:3 tháng 7 năm 1929

Đỡ đầu:J. T. Blain

Hoạt động: 24 tháng 6 năm 1930

Bị mất:Bị bán để tháo dỡ ngày 11 tháng 8 năm 1959

Ngừng hoạt động:10 tháng 6 năm 1946

Tặng thưởng:11 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước:9.050 tấn (tiêu chuẩn)

Chiều dài:182,9 m (600 ft 3 in)Mạn thuyền:20,1 m (66 ft 1 in)Tầm nước:5,0 m (16 ft 4 in) (trung bình)7,0 m (23 ft) (tối đa)

Lực đẩy:4 × Turbine hơi nước Parsons,8 × nồi hơi White-Forster,4 × trục,công suất 107.000 mã lực (79,8 MW)

Tốc độ:60 km/h (32,5 knot)

Tầm xa:24.000 km ở tốc độ 28 km/h(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)

Dầu đốt: 1.500 tấn

Quân số:872

Vũ khí:9 × pháo 203 mm (8 inch)/55 caliber Mark 10/11 (3×3),8 × pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber Mark 10 ,32 × pháo phòng không Bofors 40 mm (4×4),27 × pháo phòng không Oerlikon 20 mm

Cảm biến:Radar RCA CXAM

Vỏ giáp:đai giáp: 76 mm (3 inch) trên động cơ;95 mm (3,75 inch) trên hầm đạn,sàn tàu: 25 mm (1 inch) trên động cơ;50 mm (2 inch) trên hầm đạn.tháp pháo: mặt trước 63 mm (2,5 inch); nóc 50 mm (2 inch); hông và phía sau 19 mm (0,75 inch)tháp súng nhỏ: 38 mm (1,5 inch)

Máy bay:4 × thủy phi cơ SOC Seagull,2 × máy phóng

USS Chester (CA-27) là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc thứ hai trong lớp Northampton, và là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này theo tên của thành phố Chester tại Pennsylvania.Được đưa vào hoạt động năm 1930, nó đã phục vụ tại Thái Bình Dương trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai, trước khi được cho ngừng hoạt động vào năm 1946 và được tháo dỡ vào năm 1949.

Thiết kế và chế tạo

Vốn vẫn bị hạn chế về tải trọng và cỡ pháo bởi Hiệp ước Hải quân Washington, nhưng mang nhiều đặc tính cải tiến so với lớp Pensacola dẫn trước, lớp Northampton mang chín khẩu 203 mm (8 inch) trên ba tháp pháo ba nòng, một cách sắp xếp tối ưu được tiếp nối bởi mọi tàu tuần dương hạng nặng Hoa Kỳ sau này.Chester được đặt lườn bởi hãng New York Shipbuilding Co. tại Camden, New Jersey. Nó được hạ thủy vào ngày 3 tháng 7 năm 1929, được đỡ đầu bởi Cô J. T. Blain, và được đưa ra hoạt động vào ngày 24 tháng 6 năm 1930 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Arthur Fairfield.

Lịch sử hoạt động

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Sau khi hoàn tất, Chester được điều về Hạm đội Đại Tây Dương. Nó rời Newport, Rhode Island vào ngày 13 tháng 8 năm 1930 bắt đầu chuyến đi kéo dài đến Châu Âu; ghé qua Barcelona, Naples, Constantinople, vịnh Phaleron và Gibraltar trước khi quay trở về Chester, Pennsylvania ngày 13 tháng 10 để thực hiện các sửa chữa. Nó gia nhập Hạm đội Tuần tiễu như là soái hạm của Hải đội Tuần dương Hạng nhẹ, và vào ngày 6 tháng 3 năm 1931, đã đưa Bộ trưởng Hải quân đến khu vực kênh đào Panama nơi ông thị sát cuộc tập trận hạm đội từ trên thiết giáp hạm Texas. Chester đưa ngài Bộ trưởng quay trở lại Miami, Florida vào ngày 22 tháng 3, rồi lên đường hướng đến vịnh Narragansett cho các cuộc tập trận cùng nhiệm vụ hộ tống hai tàu tuần dương Pháp đến viếng thăm.Sau một đợt đại tu tại xưởng hải quân New York nơi nó được trang bị hai máy phóng máy bay ở giữa tàu, Chester khởi hành từ Hampton Roads vào ngày 31 tháng 7 năm 1932 cùng với máy bay và đạn dược hướng sang Bờ Tây Hoa Kỳ. Nó đi đến San Pedro, California vào ngày 14 tháng 8 và tham gia gia các hoạt động thường xuyên của hạm đội tại đây. Rời San Pedro vào ngày 9 tháng 4 năm 1934 như là soái hạm của Tư lệnh Hải đội Đặc vụ, nó đi đến New York vào ngày 31 tháng 5 tham gia cuộc Duyệt binh Hạm đội Tổng thống, rồi quay trở về San Pedro vào ngày 9 tháng 11. Vào ngày 25 tháng 9 năm 1935, Chester đón lên tàu Bộ trưởng Chiến tranh cùng đoàn tùy tùng của ông trong chuyến đi đến Philippines liên quan đến buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Thịnh vượng chung Philippines vào ngày 15 tháng 11. Quay trở về San Francisco vào ngày 14 tháng 12 năm 1935, nó tiếp tục các hoạt động thường xuyên cùng Hải đội Tuần dương 4.Khởi hành từ San Francisco vào ngày 28 tháng 10 năm 1936, Chester đi đến Charleston, South carolina vào ngày 13 tháng 11 rồi lại lên đường năm ngày sau đó để hộ tống tàu tuần dương Indianapolis cùng Tổng thống Franklin Delano Roosevelt trên tàu thực hiện chuyến đi thăm hữu nghị đến Buenos Aires thuộc Argentina và Montevideo thuộc Uruguay.Chester quay trở về San Pedro vào ngày 24 tháng 12. Chester ở lại khu vực Bờ Tây tham gia các cuộc tập trận hạm đội cùng các chuyến đi huấn luyện đến các vùng biển Hawaii và Alaska từ năm 1937 ngoại trừ một chuyến đi đến khu vực Bờ Đông để tập trận và đại tu từ ngày 23 tháng 9 năm 1940 đến ngày 21 tháng 1 năm 1941. Chester là một trong sáu tàu chiến đầu tiên được trang bị kiểu radar mới RCA CXAM vào năm 1940.Đặt cảng nhà mới tại Trân Châu Cảng từ ngày 3 tháng 2, chiếc tàu tuần dương tiến hành tập trận tại vùng biển Hawaii, và thực hiện một chuyến đi đến Bờ Tây cùng với Tư lệnh Lực lượng Tuần tiễu từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 18 tháng 6 năm 1941. Từ ngày 10 tháng 10 đến ngày 13 tháng 11, nó hộ tống hai tàu vận tải của Lục quân vận chuyển lực lượng tăng cường đến Manila thuộc Philippines. Trên đường quay trở về, nó gia nhập cùng tàu tuần dương chị em Northampton và tàu sân bay Enterprise, và đang ở ngoài biển trên đường quay trở về từ đảo Wake khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng.Chester tiếp tục các cuộc tuần tra cùng với Lực lượng Đặc nhiệm 8 tại vùng biển Hawaii.Vào ngày 12 tháng 12, máy bay của nó ném bom vào một tàu ngầm, rồi hướng dẫn cho tàu khu trục Balch tiếp tục thả mìn sâu tấn công cho đến khi không tiếp xúc với đối phương nữa.

1942

Chester hỗ trợ cho cuộc đổ bộ tăng cường lên Samoa từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 1 năm 1942, rồi sau đó gia nhập Đội Đặc nhiệm 8.3 cho đợt không kích thành công xuống Taroa vào ngày 1 tháng 2. Phải rút lui dưới sự không kích ác liệt của đối phương, chiếc tàu tuần dương trúng phải một quả bom vào sàn tàu làm thiệt mạng tám người và bị thương 38 người khác. Nó quay về Trân Châu Cảng vào ngày 3 tháng 2 để sửa chữa.Tiếp theo sau một chuyến đi hộ tống đến San Francisco, Chester gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 17 tiến hành không kích Guadalcanal và Tulagi vào ngày 4 tháng 5, tấn công đảo Misima thuộc quần đảo Louisiade ngày 7 tháng 5; và nó đã tham gia trận chiến biển Coral trong ngày 8 tháng 5 khi hỏa lực phòng không liên tục của nó đã bảo vệ các tàu sân bay khi chúng tung ra các cuộc không kích ngăn chặn lực lượng đổ bộ Nhật Bản đang hướng đến cảng Moresby thuộc New Guinea. Năm thành viên thủy thủ đoàn của Chester đã bị thương trong trận chiến này. Đến ngày 10 tháng 5, nó nhận lên tàu 478 người sống sót từ tàu sân bay Lexington từ tàu khu trục Hammann, và nó đã đưa lên bờ tại đảo Tonga vào ngày 15 tháng 5.Sau một đợt đại tu tại khu vực Bờ Tây, Chester đi đến Nouméa vào ngày 21 tháng 9 năm 1942 để gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 62 chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Funafuti thuộc quần đảo Ellice từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 10. Sau đó nó hướng về phía Nam, và trong khi di chuyển để hỗ trợ cho các hoạt động tại quần đảo Solomon,Chester trúng phải một ngư lôi phóng từ tàu ngầm Nhật Bản I-176[3] vào mạn phải ở giữa tàu vào ngày 20 tháng 10 làm thiệt mạng 11 người và bị thương 12 người khác. Nó quay về Espiritu Santo bằng chính động lực của nó để sửa chữa khẩn cấp vào ngày 23 tháng 10. Ba ngày sau, chiếc SS President Coolidge trúng phải một quả mìn,và Chester gửi các đội cứu hỏa và cứu hộ đến trợ giúp con tàu gặp nạn, cùng nhận lên tàu 440 người còn sống sót để chuyển đến Espiritu Santo. Nó đi đến Sydney, Australia vào ngày 29 tháng 10 để sửa chữa triệt để hơn, và nó khởi hành vào ngày Giáng Sinh quay về Norfolk cho một đợt đại tu toàn diện.

1943

Quay trở về San Francisco vào ngày 13 tháng 9 năm 1943, Chester tiến hành hoạt động hộ tống giữa cảng này Trân Châu Cảng cho đến ngày 20 tháng 10. Vào ngày 8 tháng 11, nó rời Trân Châu Cảng tham gia cuộc tấn công quần đảo Marshalls. Nó hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên đảo Abemama và bắn phá mục tiêu đối phương trên các đảo Taroa, Wotje và Maloelap.

1944

Chester tiếp nối các nhiệm vụ tuần tra chống tàu ngầm và phòng không ngoài khơi Majuro cho đến ngày 25 tháng 4 năm 1944, khi nó khởi hành đi San Francisco cho một đợt đại tu ngắn từ ngày 6 đến ngày 22 tháng 5. Nó gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 94 tại đảo Adak thuộc Alaska vào ngày 27 tháng 5 để tiến hành bắn phá các công sự phòng thủ đối phương tại Matsuwa và Paramushiru thuộc quần đảo Kuriles vào các ngày 13 và 26 tháng 6, rồi quay về Trân Châu Cảng, đến nơi vào ngày 13 tháng 8.Chester khởi hành vào ngày 29 tháng 8 cùng với Đội Đặc nhiệm TG 12.5 để bắn phá đảo Wake vào ngày 3 tháng 9, sau đó đi đến Eniwetok vào ngày 6 tháng 9. Nó rời Saipan để tham gia bắn phá đảo Marcus vào ngày 9 tháng 10 trước khi gia nhập Đội Đặc nhiệm 38.1 thực hiện các cuộc không kích lên Luzon và Samar để hỗ trợ cho các hoạt động tại Leyte cũng như truy tìm lực lượng đối phương sau trận chiến vịnh Leyte trong các ngày 25 và 26 tháng 10.

1945

Từ ngày 8 tháng 11 năm 1944 đến ngày 21 tháng 2 năm 1945, Chester hoạt động từ Ulithi và Saipan trong việc bắn phá Iwo Jima và quần đảo Bonin nhằm hỗ trợ cho các cuộctấn công đổ bộ vào ngày 19 tháng 2.Sau một đợt đại tu khác tại Bờ Tây,Chester quay trở lại Ulithi vào ngày 21 tháng 6 và tiến hành các cuộc tuần tra ngoài khơi Okinawa từ ngày 27 tháng 6 cũng như hỗ trợ các hoạt động quét mìn ở phía Tây hòn đảo này.Vào cuối tháng 7, Chester được điều về lực lượng hỗ trợ trên không cho Đội Đặc nhiệm 95.2, lực lượng tấn công bờ biển ngoài khơi Đồng bằng sông Dương Tử và bảo vệ hoạt động quét mìn. Trong tháng 8, nó thực hiện một chuyến đi đến quần đảo Aleut, và vào ngày cuối cùng của tháng này nó lên đường tham gia cuộc đổ bộ chiếm đóng Ominato, Aomori, Hakodate và Otaru trong tháng 9 và tháng 10.

Sau chiến tranh

Chester nhận lên tàu binh lính đang trú đóng tại Iwo Jima, và khởi hành vào ngày 2 tháng 11 hướng về San Francisco, và đến nơi vào ngày 18 tháng 11. Nó thực hiện một chuyến đi khác đến Guam để đưa về nhà các cựu chiến binh từ ngày 24 tháng 11 đến ngày 17 tháng 12, rồi tiếp tục khởi hành vào ngày từ ngày 14 tháng 1 năm 1946 hướng về Philadelphia, đến nơi vào ngày 30 tháng 1.Chester được đưa về lực lượng dự bị tại Philadelphia vào ngày 10 tháng 6. Nó được bán để tháo dỡ vào ngày 11 tháng 8 năm 1959.

Tên lóng:Lucky Lou

Lớp tàu:Lớp tàu tuần dương Northampton

Xưởng đóng tàu:xưởng hải quân Puget Sound, Bremerton, Washington

Đặt lườn:4 tháng 7 năm 1929

Hạ thủy:1 tháng 9 năm 1930

Đỡ đầu:Jane Brown Kennedy

Hoạt động: 15 tháng 1 năm 1931

Bị mất: Bị bán để tháo dỡ năm 1959

Ngừng hoạt động: 17 tháng 6 năm 1946

Xóa đăng bạ: 1 tháng 3 năm 1959

Tặng thưởng: 13 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước:9.050 tấn (tiêu chuẩn)

Chiều dài:182,9 m (600 ft 3 in)Mạn thuyền:20,1 m (66 ft 1 in)Tầm nước:5,0 m (16 ft 4 in)

Lực đẩy:4 × Turbine hơi nước Parsons,8 × nồi hơi White-Forster,4 × trục,công suất 107.000 mã lực (79,8 MW)

Tốc độ:60 km/h (32,5 knot)

Tầm xa:24.000 km ở tốc độ 28 km/h(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)

Dầu đốt: 1.500 tấn

Quân số:621

Vũ khí:9 × pháo 203 mm (8 inch)/55 caliber Mark 10/11 (3×3),4 × pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber Mark 10 ,6 × ống phóng ngư lôi 533 mm

Cảm biến: Radar RCA CXAM

vỏ giáp:đai giáp: 76 mm (3 inch) trên động cơ;95 mm (3,75 inch) trên hầm đạn,sàn tàu: 25 mm (1 inch) trên động cơ;50 mm (2 inch) trên hầm đạn tháp pháo:mặt trước 63 mm (2,5 inch); nóc 50 mm (2 inch); hông và phía sau 19 mm (0,75 inch)tháp súng nhỏ: 38 mm (1,5 inch)

Máy bay: 2 × thủy phi cơ

USS Louisville (CA-28) là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc thứ ba trong lớp Northampton, và là chiếc tàu chiến thứ ba của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này theo tên của thành phố Louisville tại Kentucky. Được đưa vào hoạt động năm 1931, nó đã phục vụ tại Thái Bình Dương trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai, trước khi được cho ngừng hoạt động vào năm 1946 và được tháo dỡ vào năm 1959.

Thiết kế và chế tạo

Vốn vẫn bị hạn chế về tải trọng và cỡ pháo bởi Hiệp ước Hải quân Washington, nhưng mang nhiều đặc tính cải tiến so với lớp Pensacola dẫn trước, lớp Northampton mang chín khẩu 203 mm (8 inch) trên ba tháp pháo ba nòng, một cách sắp xếp tối ưu được tiếp nối bởi mọi tàu tuần dương hạng nặng Hoa Kỳ sau này.Louisville được đặt lườn vào ngày 4 tháng 7 năm 1929 bởi hãng Xường hải quân Puget Sound tại Bremerton, Washington. Nó được hạ thủy vào ngày 1 tháng 9 năm 1930, được đỡ đầu bởi Cô Jane Brown Kennedy,[3] và được đưa ra hoạt động vào ngày 15 tháng 1 năm 1931 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Edward John Marquart. Ban đầu mang ký hiệu lườn là CL-28, Louisville được xếp lớp lại là CA-28 vào ngày 1 tháng 7 năm 1931 cho phù hợp với những điều khoản của Hiệp ước Hải quân London năm 1930.

Lịch sử hoạt động

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Chuyến đi chạy thử máy của Louisville kéo dài suốt từ mùa Hè đến mùa Đông năm 1931, đưa nó từ Bremerton đến thành phố New York ngang qua kênh đào Panama. Quay trở về từ New York, chiếc tàu tuần dương tham gia cuộc tập trận Vấn đề Hạm đội năm 1932 trước khi tiến hành huấn luyện tác xạ tại khu vực San Pedro-San Diego thuộc California.Trong mùa Đông năm 1933, nó đi đến Hawaii thực hành trước khi quay về San Pedro, nơi nó trở thành trường huấn luyện phòng không. Vào tháng 4 năm 1934, Louisville khởi hành từ San Diego thực hiện chuyến đi kéo dài chín tháng viếng thăm nhiều cảng tại Trung Mỹ, khu vực Caribbe, dọc theo vùng vịnh Mexico và bờ Đông Hoa Kỳ. Quay trở lại California vào cuối mùa Thu, Louisville tham gia các đợt thực hành tác xạ và chiến thuật cho đến mùa Xuân năm 1935, rồi lên đường đi cảng Dutch, Alaska, rồi từ đây đi đến Trân Châu Cảng tham dự tập trận hạm đội.Trong hai năm tiếp theo, nó hoạt động ngoài khơi khu vực Bờ Tây Hoa Kỳ, tham gia các cuộc tập trận hạm đội năm 1936 và 1937, ghé thăm hữu nghị các cảng Châu Mỹ La Tinh cùng các hoạt động thực hành tại chỗ. Vào tháng 1 năm 1938, Louisville bắt đầu một chuyến đi kéo dài tại Thái Bình Dương đưa nó đến Hawaii, Samoa, Australia và Tahiti trước khi quay trở về Trân Châu Cảng tham gia tập trận Vấn đề Hạm đội. Trong khi ở tại cảng Sydney, thủy thủ đoàn của Louisville đã tham gia cứu hộ một số hành khách trên một chiếc phà tham quan đã bị lật khi hầu hết hành khách dồn sang một bên mạn vẫy chào chiếc tàu tuần dương.Louisville tham gia các cuộc tập trận hạm đội tại vùng biển Caribbe trong mùa Đông năm 1939. Nó tiếp tục hoạt động tại vùng biển ấm cho đến tháng 5 năm đó, khi nó quay về khu vực Bờ Tây. Sau cuộc tập trận Vấn đề Hạm đội ngoài khơi Hawaii vào mùa Thu năm đó, Louisville rời Long Beach, California cho một chuyến đi kéo dài ngang qua kênh đào Panama đến khu vực phía Đông của Nam Mỹ. Tại Bahia, Brazil, nó nhận được lệnh tiếp tục vượt Đại Tây Dương đi đến Simonstown, Nam Phi.Như một tàu trung lập, Louisville treo cờ Hoa Kỳ đi băng qua vùng biển bị đe dọa bởi đầy dẫy các tàu ngầm U-boat của Đức. Tại Simonstown, nó nhận lên tàu một lô hàng đặt biệt là số vàng trị giá 148 triệu Đô-la Mỹ được Anh Quốc ký thác tại Hoa Kỳ. Sau đó nó lên đường đi thành phố New York giao chuyến hàng quý giá rồi quay trở lại Thái Bình Dương.

Chiến tranh Thế giới thứ hai

Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941, Louisville đang hộ tống những chiếc A. T. Scott và President Coolidge trên đường từ đảo Tarakan, Đông Borneo quay về Trân Châu Cảng. Nó tiếp tục đi đến Hawaii, dừng chân một lúc để quan sát những thiệt hại rồi tiếp tục đi đến California. Tại đây nó gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 17 và khởi hành từ San Diego vào ngày 6 tháng 1 năm 1942 đi đến Samoa, đổ bộ lực lượng xuống đây vào ngày 22 tháng 1. Hoạt động tác chiến đầu tiên của nó trong cuộc chiến tranh diễn ra trên chặng quay về, khi nó tham gia vào cuộc không kích trong các ngày 1 và 2 tháng 2 lên các quần đảo Gilbert và Marshall. Trong hoạt động này, nó bị mất một trong các thủy phi cơ của nó.Sau một chặng dừng ngắn tại Trân Châu Cảng, Louisville tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Ellice giúp bảo vệ các căn cứ Mỹ gần đó. Đến đầu tháng 3 nó gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 119, một lực lượng tàu sân bay, khởi sự các hoạt động nhằm ngăn chặn việc tiến quân của Nhật Bản dọc theo quần đảo Bismarck và quần đảo Solomon. Lực lượng này trong một số ngày đã di chuyển trong khu vực Salamaua-Lae-Rabaul, tiến hành không kích nhiều mục tiêu tại đó.Sau chiến dịch này, Louisville quay về Trân Châu Cảng, rồi tiếp tục đến Xưởng hải quân Mare Island tại San Francisco, nơi dàn hỏa lực của nó được tăng cường. Ngày 31 tháng 5, nó lên đường đi đến quần đảo Aleut gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 8. Trong giai đoạn mà Nhật Bản dành ra những nỗ lực to lớn để xác lập và củng cố điểm cực Bắc của "vành đai phòng thủ" ở khu vực Tây quần đảo Aleut, vai trò chính của chiếc tàu tuần dương là hộ tống vận tải, nhưng cũng tham gia nả pháo xuống đảo Kiska.Vào ngày 11 tháng 11, chiếc tàu tuần dương rời San Francisco hướng đến Trân Châu Cảng, ghé lại đây vài ngày trước khi tiếp tục hướng đến khu vực Nam Thái Bình Dương, hộ tống cho nhiều đoàn tàu vận tải chuyển binh lính đi đến tận New Caledonia. Sau đó nó quay lên phía Bắc đến Espiritu Santo để gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 67, lúc này đang đối đầu căng thẳng với lực lượng Nhật Bản tại quần đảo Solomon. Vào ngày 29 tháng 1 năm 1943, nó tham gia trận chiến đảo Rennell, trận cuối cùng trong số bảy trận hải chiến của Chiến dịch Guadalcanal. Sau đó nó hoạt động ở phía Đông hòn đảo cho đến khi hoàn toàn kiểm soát được tình hình.Vào tháng 4, Louisville đi ngang qua Trân Châu Cảng hướng đến quần đảo Aleut. Tại đây, trong thành phần của Lực lượng Đặc nhiệm 16, chiếc tàu tuần dương hỗ trợ cho cuộc đổ bộ và chiếm đóng đảo Attu từ ngày 11 đến ngày 30 tháng 5, rồi tham gia bắn pháo chuẩn bị cho việc đổ bộ lên Kiska.Sau khi lực lượng Nhật Bản buộc phải triệt thoái hoàn toàn khỏi khu vực quần đảo Aleut, chiếc tàu tuần dương thực hiện hộ tống vận tải tại khu vực Bắc Thái Bình Dương. Đến tháng 1 năm 1944, Louisville quay trở lại khu vực Nam Thái Bình Dương như là soái hạm của Chuẩn Đô đốc J. B.Oldendorf, chỉ huy lực lượng hỗ trợ hỏa lực hải pháo cho các chiến dịch đổ bộ sắp đến.Tại quần đảo Marshall vào ngày 29 tháng 1, nó bắn pháo xuống đảo san hô Wotje, về phía Tây Kwajalein; rồi sau đó tập trung hỏa lực xuống sân bay và các điểm tập trung quân của đối phương tại Roi và Namur trên điểm cực Nam của đảo san hô, góp phần vào việc chiếm đóng thành công những đảo này vào ngày 3 tháng 2.Hai tuần sau, Louisville lại dẫn đầu lực lượng hỗ trợ hỏa lực nả pháo xuống Eniwetok, nơi được chiếm đóng vào ngày 22 tháng 2.Sau trận Eniwetok, Louisville gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 58, rồi cùng các tàu sân bay nhanh tấn công các vị trí của quân Nhật tại Palau trong tháng 3, và bắn phá Truk cùng Sawatan trong tháng 4. Đến tháng 6, nó chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên quần đảo Mariana, và một lần nữa Louisville lại dẫn đầu lực lượng hỗ trợ hỏa lực trong các chiến dịch bắn pháo; bắt đầu với Saipan nơi nó bắn pháo liên tục trong 11 ngày đầu tiên của trận chiến tại đây, tiếp nối bởi Tinian, và kết thúc bằng cuộc đổ bộ lên Guam.Sau chiến dịch quần đảo Mariana,Louisville được cho rút lui về tuyến sau cho đến giữa tháng 9, khi nó đi đến quần đảo Palaus tiến hành bắn pháo chuẩn bị cho cuộc tấn công Peleliu.Sau khi các căn cứ tiền phương được xây dựng và củng cố vững chắc, các công việc chuẩn bị cuối cùng cho cuộc tấn công Philippine được tiến hành.Ngày 18 tháng 10, Louisville tiến vào vịnh Leyte bắn pháo xuống các căn cứ của quân Nhật trên bờ. Bảy ngày sau, nó có mặt trong trận chiến vịnh Leyte vĩ đại, tham gia cuộc đối đầu cuối cùng trong lịch sử giữa các thiết giáp hạm khi Lực lượng Phía Nam của Nhật Bản tìm cách vượt qua eo biển Surigao xâm nhập vào vịnh Leyte từ phía Nam.Sau các hoạt động tại Leyte, Louisville tái gia nhập lực lượng các tàu sân bay nhanh giờ đây dưới tên gọi Lực lượng Đặc nhiệm 38, và tham gia các cuộc tấn công chuẩn bị vào các vị trí đối phương tại Luzon. Vào dịp đầu năm mới 1945, Louisville đang trên đường hướng đến vịnh Lingayen. Đang khi trên đường đi trong ngày 5 và 6 tháng 1, nó bị hai máy bay tấn công cảm tử kamikaze Yokosuka D4Y đánh trúng. Cho dù bị hư hại đáng kể, chiếc tàu tuần dương tiếp tục nả pháo xuống các bãi đổ bộ và bắn rơi nhiều máy bay đối phương trước khi rút lui quay về Xưởng hải quân Mare Island để sửa chữa.Sau khi công việc sửa chữa hoàn tất vào mùa Xuân, Louisville quay trở lại khu vực Tây Thái Bình Dương gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 54 để hỗ trợ cho lực lượng trên bờ trong trận Okinawa. Vào ngày 5 tháng 6, một lần nữa nó lại bị một máy bay kamikaze đánh trúng, nhưng nó đã có thể quay trở lại vị trí chiến đấu vào ngày 9 tháng 6 hoàn thành vai trò được giao cho đến khi được cho rút lui về Trân Châu Cảng để sửa chữa vào ngày 15 tháng 6.

Sau chiến tranh

Công việc sửa chữa nó hoàn tất vào ngày 14 tháng 8 cũng đúng vào lúc chiến tranh kết thúc, Louisville sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ sau chiến tranh. Vào ngày 16 tháng 8, nó khởi hành từ Guam đi đến Đại Liên thuộc Mãn Châu cùng với Chuẩn Đô đốc T. G. W. Settle trên tàu. Từ đây, nơi công việc hồi hương những tù binh chiến tranh Đồng Minh được giám sát chu đáo, nó khởi hành đi Thanh Đảo, nơi các tàu chiến Nhật Bản trong khu vực này dưới quyền Phó Đô đốc Kaneko đầu hàng. Louisville sau đó hộ tống các con tàu đầu hàng đi đến Jinsen thuộc Triều Tiên trước khi nó quay lại Trung Quốc cho các vai trò sau chiến tranh tại Chefoo.Vào giữa tháng 10, nó tham gia lực lượng tại Hoàng Hải một thời gian ngắn trước khi quay về San Pedro, rồi được điều về Philadelphia, nơi nó được cho ngừng hoạt động vào ngày 17 tháng 6 năm 1946 và được đưa về Hạm đội Dự bị Đại Tây Dương. Bị bỏ xó ở hạm đội này trong 13 năm tiếp theo, Louisville được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 3 năm 1959, và được bán vào ngày 14 tháng 9 cùng năm cho hãng Marlene Blouse Corporation tại New York để tháo dỡ.

Lớp tàu:Lớp tàu tuần dương Northampton

Xưởng đóng tàu:Xưởng hải quân Mare Island

Hạ thủy:10 tháng 4 năm 1930

Đỡ đầu:E. Britten

Hoạt động: 9 tháng 3 năm 1931

Bị mất:Bị đánh chìm trong trận đảo Rennell ngày 30 tháng 1 năm 1943

Tặng thưởng:3 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước:9.050 tấn (tiêu chuẩn)

Chiều dài:182,9 m (600 ft 3 in)Mạn thuyền:20,1 m (66 ft 1 in)Tầm nước:5,0 m (16 ft 4 in)

Lực đẩy:4 × Turbine hơi nước Parsons,8 × nồi hơi White-Forster,4 × trục,công suất 107.000 mã lực (79,8 MW)

Tốc độ:60 km/h (32,5 knot)

Tầm xa:24.000 km ở tốc độ 28 km/h(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)

Dầu đốt: 1.500 tấn

Quân số:621

Vũ khí:9 × pháo 203 mm (8 inch)/55 caliber Mark 10/11 (3×3),4 × pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber Mark 10 ,6 × ống phóng ngư lôi 533 mm

Cảm biến: Radar RCA CXAM

Vỏ giáp:đai giáp: 76 mm (3 inch) trên động cơ;95 mm (3,75 inch) trên hầm đạn,sàn tàu: 25 mm (1 inch) trên động cơ;50 mm (2 inch) trên hầm đạn

tháp pháo: mặt trước 63 mm (2,5 inch);nóc 50 mm (2 inch); hông và phía sau 19 mm (0,75 inch)tháp súng nhỏ: 38 mm (1,5 inch)

Máy bay:2 × thủy phi cơ

USS Chicago (CA-29) là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc thứ tư trong lớp Northampton, và là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này theo tên của thành phố Chicago thuộc tiểu bang Illinois. Nó đã phục vụ tại Thái Bình Dương khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra tại đây, và sau khi sống sót qua cuộc tấn công bởi tàu ngầm bỏ túi Nhật Bản tại cảng Sydney, và hoạt động trong các trận biển Coral và đảo Savo trong năm 1942, nó bị ngư lôi Nhật đánh chìm trong trận chiến đảo Rennell tại quần đảo Solomon vào ngày 30 tháng 1 năm 1943.

Thiết kế và chế tạo

Vốn vẫn bị hạn chế về tải trọng và cỡ pháo bởi Hiệp ước Hải quân Washington, nhưng mang nhiều đặc tính cải tiến so với lớp Pensacola dẫn trước, lớp Northampton mang chín khẩu 203 mm (8 inch) trên ba tháp pháo ba nòng, một cách sắp xếp tối ưu được tiếp nối bởi mọi tàu tuần dương hạng nặng Hoa Kỳ sau này.Chicago được đặt lườn tại Xưởng hải quân Mare Island. Nó được hạ thủy vào ngày 10 tháng 4 năm 1930, được đỡ đầu bởi E. Britten, và được đưa ra hoạt động vào ngày 9 tháng 3 năm 1931 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Manley Hale Simons.

Lịch sử hoạt động

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Sau chuyến đi chạy thử máy kéo dài đến tận Honolulu, Tahiti và Samoa, Chicago rời Xưởng hải quân Mare Island vào ngày 27 tháng 7 năm 1931 hướng sang Bờ Đông Hoa Kỳ, đi đến vịnh Fort Pond, New York, vào ngày 16 tháng 8. Tại đây, nó trở thành soái hạm của Tư lệnh Hải đội Tuần dương của Lực lượng Tuần tiễu, và hoạt động cùng với đơn vị này cho đến năm 1940.Vào tháng 2 năm 1932, Chicago tiến hành thực tập tác xạ cùng các con tàu khác của Lực lượng Tuần Tiễu trước khi tiến hành tập trận Vấn đề Hạm đội XIII ngoài khơi bờ biển California. Từ đó, hạm đội đặt căn cứ tại khu vực Bờ Tây Hoa Kỳ, và cho đến năm 1934 hoạt động tại Thái Bình Dương trãi dài từ Alaska đến khu vực kênh đào Panama và quần đảo Hawaii. Vào năm 1934, cuộc tập trận hạm đội hàng năm được tổ chức tại vùng biển Caribbe, được tiếp nối trong tháng 5 năm 1934 bằng cuộc Duyệt binh Hạm đội Tổng thống tại Cảng New York. Lực lượng Tuần tiễu hoạt động dọc theo Bờ Đông và khu vực Caribbe cho đến tháng 10 trước khi quay về căn cứ của chúng tại San Pedro, California. Chicago là một trong số sáu tàu chiến được trang bị kiểu radar mới RCA CXAM vào năm 1940. Chicago tiếp tục hoạt động ngoài khơi San Pedro cho đến ngày 29 tháng 9 năm 1940, khi nó khởi hành đi Trân Châu Cảng.Trong 14 tháng tiếp theo, Chicago hoạt động ngoài khơi Trân Châu Cảng, thực tập cùng với nhiều lực lượng khác nhau nhằm phát triển chiến thuật và đội hình tuần dương, thực hiện những chuyến đi đến Australia và vùng Bờ Tây Hoa Kỳ.

Mở màn chiến tranh thế giới thứ hai

Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941, Chicago đang ở ngoài biển cùng với Lực lượng Đặc nhiệm 12, đã lập tức tiến hành một đợt truy tìm càn quét kéo dài năm ngày trong khu vực tam giác Oahu-Johnston-Palmyra tìm cách đánh chặn đối phương. Lực lượng này quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 12 tháng 12; và sau đó Chicago hoạt động cùng với Lực lượng Đặc nhiệm 11 trong nhiệm vụ tuần tra truy quét từ ngày 14 đến ngày 27 tháng 12.Ngày 2 tháng 2 năm 1942, Chicago rời Trân Châu Cảng hướng đến vịnh Suva nơi nó tham gia Hải đội ANZAC mới được thành lập, sau này được đổi tên thành Lực lượng Đặc nhiệm 44. Trong tháng 3 và tháng 4, chiếc tàu tuần dương hoạt động ngoài khơi quần đảo Louisiade, hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ lên Lae và Salamaua thuộc New Guinea. Ở một vị trí chiến lược có thể đánh chặn các đơn vị tàu nổi đối phương mưu toan tấn công cảng Moresby, Chicago còn hỗ trợ cho cuộc đổ quân của lực lượng Mỹ xuống New Caledonia.Ngày 1 tháng 5, Chicago được lệnh đi đến Nouméa gia nhập lực lượng Tây Nam Thái Bình Dương, và vào ngày 4 tháng 5, nó hỗ trợ cho tàu sân bay Yorktown tiến hành không kích lực lượng Nhật Bản tại Tulagi thuộc quần đảo Solomon trong trận chiến biển Coral. Vào ngày 7 tháng 5, chiếc tàu tuần dương cùng với Lực lượng Hỗ trợ đã đánh chặn lực lượng Nhật Bản dự tính đổ bộ lên cảng Moresby.Ngày hôm sau, lực lượng chịu đựng nhiều cuộc không kích ác liệt, trong đó Chicago chịu đựng nhiều thương vong do hỏa lực càn quét, nhưng vẫn có thể đẩy lui máy bay đối phương và tiếp tục cuộc tấn công cho đến khi lực lượng tàu nổi Nhật Bản phải rút lui.

Bị tấn công tại cảng Sydney

Trong đêm 31 tháng 5-1 tháng 6, trong khi ở lại trong cảng Sydney tại Australia, Chicago đã nổ súng tấn công tàu ngầm bỏ túi Nhật Bản. Thuyền trưởng của Chicago,Howard D.Bode, đang ở trên bờ khi con tàu của ông nổ súng, và thoạt tiên tỏ vẻ hoài nghi. Sau khi quay trở lại tàu, ông buộc tội các sĩ quan trên tàu đã uống rượu, cho đến khi sự hiện hữu của những chiếc tàu ngầm được xác nhận.[3] Trong đêm đó, ba tàu ngầm bỏ túi được tung ra từ các tàu ngầm mẹ đã tìm cách lọt vào cảng Sydney. Một chiếc vướng vào lưới chống tàu ngầm ở lối ra vào, hai chiếc lọt qua được trong đó một chiếc bị hư hại bởi mìn sâu và chiếc kia tìm cách phóng hai quả ngư lôi nhắm vào Chicago. Một quả ngư lôi trượt qua gần Chicago và phá hủy một tàu chiến Hải quân Hoàng gia Anh khác neo đậu gần đó, trong khi quả thứ hai không phát nổ và trượt lên bờ ở đảo Garden, New South Wales.Nhiệm vụ chủ yếu dành cho thủy thủ đoàn trên các tàu ngầm bỏ túi Nhật là nhằm đánh chìm Chicago, vốn đã bị thất bại.

Trận chiến đảo Savo

Trong tháng 6 và tháng 7 năm 1942, Chicago tiếp tục hoạt động tại khu vực Tây Nam Thái Bình Dương. Trong các ngày 7 đến 9 tháng 8, nó hỗ trợ cho cuộc đổ bộ ban đầu lên Guadalcanal và các đảo khác thuộc quần đảo Solomon, bắt đầu cuộc phản công của quân Đồng Minh chống lại Nhật Bản. Ngày 9 tháng 8, nó tham gia Trận chiến đảo Savo. Ngay vào đầu trận đánh, một quả ngư lôi của tàu tuần dương đối phương đã đánh trúng và gây hư hại nhẹ cho mũi con tàu. Chicago nhanh chóng mất dấu đối phương và không còn đóng vai trò gì trong trận chiến nữa. Hoạt động của Thuyền trưởng Bode trong trận này bị nghi ngờ do một cuộc điều tra sau đó do Đô đốc Hepburn đứng đầu. Cho dù bản báo cáo không được dự định tuyên bố công khai, bản thân Bode biết được sự liên can và đã tự sát vào ngày 19 tháng 4 năm 1943, và chết một ngày sau đó.Sau trận chiến đảo Savo,Chicago được sửa chữa tại Nouméa, rồi tại Sydney, và cuối cùng là ở San Francisco, nơi nó quay về vào ngày 13 tháng 10

Trận chiến đảo Rennell

Vào đầu tháng 1 năm 1943, Chicago rời San Francisco một lần nữa hướng đến khu vực chiến sự Nam Thái Bình Dương. Ngày 27 tháng 1, nó khởi hành từ Nouméa hộ tống một đoàn tàu vận tải tiếp tế cho Guadalcanal.Đêm 29 tháng 1, khi những con tàu tiến đến gần hòn đảo đang bị tranh chấp quyết liệt này, máy bay Nhật tấn công vào lực lượng, và Trận chiến đảo Rennell nổ ra. Trong cuộc tấn công, hai chiếc máy bay Nhật bị bắn cháy bừng đã soi rọi bóng chiếc Chicago, khiến nó trở thành mục tiêu của cuộc tấn công bằng ngư lôi tiếp theo; hai quả đánh trúng đã làm mất động lực con tàu và gây ngập nước nặng.Vào lúc cuộc tấn công kết thúc, công việc kiểm soát hư hỏng đã thành công khi độ nghiêng của Chicago đã dừng lại. Chiếc tàu tuần dương chị em Louisville đã tìm cách kéo con tàu bị hư hại bằng cáp, trước khi được thay phiên bởi chiếc Navajo vào sáng hôm sau. Tuy nhiên vào lúc xế trưa, lực lượng Nhật Bản lại mở cuộc tấn công, mà mặc dù bị thiệt hại nặng nề, vẫn tìm cách đánh trúng chiếc tàu tuần dương đã hư hại thêm bốn quả ngư lôi nữa, khiến nó chìm tại tọa độ 11°25′S 160°56′ETọa độ: 11°25′S 160°56′E.

Tên lóng:"Galloping Ghost of the Java Coast"

Lớp tàu:Lớp tàu tuần dương Northampton

Xưởng đóng tàu:Newport News Shipbuilding & Dry Dock Company, tại Newport News, Virginia

Đặt lườn:1 tháng 5 năm 1928

Hạ thủy:7 tháng 9 năm 1929

Đỡ đầu:Elizabeth Holcombe

Hoạt động: 17 tháng 6 năm 1930

Bị mất:Bị đánh chìm trong trận chiến eo biển Sunda ngày 1 tháng 3 năm 1942

Xóa đăng bạ:

Tặng thưởng:2 × Ngôi sao Chiến đấu

Đơn vị Tuyên dương Tổng thống

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước:9.050 tấn (tiêu chuẩn)

Chiều dài:182,9 m (600 ft 3 in)Mạn thuyền:20,1 m (66 ft 1 in)Tầm nước:5,0 m (16 ft 4 in) (trung bình);7,0 m (23 ft) (tối đa)

Lực đẩy:4 × Turbine hơi nước Parsons,8 × nồi hơi White-Forster,4 × trục,công suất 107.000 mã lực (79,8 MW)

Tốc độ:60 km/h (32,5 knot)

Tầm xa:24.000 km ở tốc độ 28 km/h(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)

Dầu đốt: 1.500 tấn

Quân số:1.020-1.155

Vũ khí:9 × pháo 203 mm (8 inch)/55 caliber Mark 10/11 (3×3),4 × pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber Mark 10,6 × ống phóng ngư lôi 533 mm (3×3)8 × súng máy 7,62 mm (.30 calibre)

Vỏ giáp:đai giáp: 76 mm (3 inch) trên động cơ;95 mm (3,75 inch) trên hầm đạn,sàn tàu: 25 mm (1 inch) trên động cơ;50 mm (2 inch) trên hầm đạn,tháp pháo: mặt trước 63 mm (2,5 inch); nóc 50 mm (2 inch); hông và phía sau 19 mm (0,75 inch)tháp súng nhỏ: 38 mm (1,5 inch)

Máy bay:4 × thủy phi cơ.2 × máy phóng

USS Houston (CA-30), tên lóng "Galloping Ghost of the Java Coast" (Bóng ma nước kiệu của bờ biển Java), là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc thứ năm trong lớp Northampton, và là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này theo tên của thành phố Houston tại Texas. Nó đã phục vụ như soái hạm của Hạm đội Á Châu Hoa Kỳ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra tại Thái Bình Dương, và sau khi sống sót qua các trận đánh eo biển Makassar và biển Java, nó bị đánh chìm trong trận chiến eo biển Sunda ngày 1 tháng 3 năm 1942

Thiết kế và chế tạo

Vốn vẫn bị hạn chế về tải trọng và cỡ pháo bởi Hiệp ước Hải quân Washington, nhưng mang nhiều đặc tính cải tiến so với lớp Pensacola dẫn trước, lớp Northampton mang chín khẩu 203 mm (8 inch) trên ba tháp pháo ba nòng, một cách sắp xếp tối ưu được tiếp nối bởi mọi tàu tuần dương hạng nặng Hoa Kỳ sau này.Houston được đặt lườn vào ngày 1 tháng 5 năm 1928 bởi hãng Newport News Shipbuilding & Dry Dock Company, tại Newport News, Virginia. Nó được hạ thủy vào ngày 7 tháng 9 năm 1929, được đỡ đầu bởi Elizabeth Holcombe, con gái Oscar Holcombe, lúc đó là Thị trưởng Houston, Texas; và được đưa ra hoạt động vào ngày 17 tháng 6 năm 1930 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Jesse Bishop Gay. Ban đầu mang ký hiệu lườn là CL-30,Houston được xếp lớp lại là CA-30 vào ngày 1 tháng 7 năm 1931 cho phù hợp với những điều khoản của Hiệp ước Hải quân London năm 1930.

Lịch sử hoạt động

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Sau chuyến đi chạy thử máy tại Đại Tây Dương, Houston quay trở về Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1930. Sau đó nó viếng thăm thành phố mà nó được đặt tên Houston, Texas,và gia nhập hạm đội tại Hampton Roads.Chiếc tàu tuần dương mới rời New York vào ngày 10 tháng 1 năm 1931 hướng sang Thái Bình Dương, và sau khi ghé qua kênh đào Panama và quần đảo Hawaii đã đi đến Manila vào ngày 22 tháng 2. Khi đến nơi, Houston trở thành soái hạm của Hạm đội Á Châu Hoa Kỳ và trong năm tiếp theo đã tham gia các hoạt động huấn luyện tại khu vực Viễn Đông đầy bất trắc.Cùng với việc Chiến tranh Trung-Nhật nổ ra vào năm 1931, Houston lên đường vào ngày 31 tháng 1 năm 1933 đi đến Thượng Hải để bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân Hoa Kỳ. Nó cho đổ bộ lực lượng Thủy quân Lục chiến cùng các trung đội pháo thủ Hải quân nhằm giúp ổn định tình hình, và đã tiếp tục ở lại khu vực này ngoài trừ những chuyến viếng thăm hữu nghị đến Philippines trong tháng 3 và đến Nhật Bản vào tháng 5 năm 1933, cho đến khi được thay phiên bởi con tàu tuần dương chị em Augusta vào ngày 17 tháng 11 năm 1933. Chiếc tàu tuần dương đi đến San Francisco gia nhập Lực lượng Tuần tiễu, và trong suốt những năm trước Thế Chiến II đã tham gia các cuộc tập trận Vấn đề Hạm đội hàng năm cùng các cuộc cơ động tại Thái Bình Dương.Trong giai đoạn này, Houston còn thực hiện nhiều chuyến đi đặc biệt. Tổng thống Franklin Roosevelt đã lên tàu vào ngày 1 tháng 7 năm 1934 tại Annapolis, Maryland cho một chuyến đi kéo dài trên 22.000 km (gần 12.000 hải lý) ngang qua khu vực Caribbe và đến Portland, Oregon sau khi ngang qua Hawaii. Houston cũng đưa Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Henry L. Roosevelt trong một chuyến đi đến quần đảo Hawaii, quay trở về San Diego vào ngày 15 tháng 5 năm 1935.Sau một chuyến đi ngắn đến vùng biển Alaska, chiếc tàu tuần dương quay trở lại Seattle và một lần nữa lại nhận lên tàu ngài Tổng thống vào ngày 3 tháng 10 cho một chuyến đi nghỉ đến quần đảo Cerros, vịnh Magdalena, quần đảo Cocos và Charleston, South Carolina.Houston cũng tham gia lễ khánh thành cầu Golden Gate tại San Francisco vào ngày 28 tháng 5 năm 1937, và đưa Tổng thống Roosevelt tham gia buổi Duyệt binh Hạm đội tại thành phố này vào ngày 14 tháng 7 năm 1938.Houston trở thành soái hạm của Hạm đội Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 9, khi Chuẩn Đô đốc Claude C. Bloch đặt cờ hiệu của mình trên nó cho đến ngày 28 tháng 12, khi nó quay trở lại Lực lượng Tuần tiễu. Tiếp nối các hoạt động huấn luyện mà giờ đây đã trở nên quen thuộc, chiếc tàu tuần dương lên đường tham gia tập trận Vấn đề Hạm đội XX vào ngày 4 tháng 1 năm 1939 từ San Francisco, đi đến Norfolk và Key West, và tại đây đã đón lên tàu Tổng thống cùng Trưởng phòng Tác chiến Hải quân, Đô đốc William D. Leahy, trong suốt thời gian tập trận.Nó ghé qua Houston, Texas vào ngày 7 tháng 4 cho một cuộc viếng thăm ngắn trước khi quay trở về đến Seattle vào ngày 30 tháng 5.Được bổ nhiệm làm soái hạm của Phân đội Hawaii, chiếc tàu tuần dương đi đến Trân Châu Cảng khi hoàn tất chuyến đi thử máy sau đại tu vào ngày 7 tháng 12 năm 1939, và tiếp tục đảm trách vai trò này cho đến khi quay về đảo Mare vào ngày 17 tháng 2 năm 1940. Khởi hành đi Hawaii, nó tiếp tục hướng đến quần đảo Philippine vào ngày 3 tháng 11 khi tình hình thế giới ngày càng có xu hướng xấu đi. Đến Manila ngày 19 tháng 11, nó trở thành soái hạm của Đô đốc Thomas C. Hart, Tư lệnh Hạm đội Á Châu.

Mở màn Chiến tranh Thế giới thứ hai

Khi nguy cơ chiến tranh ngày càng cao, Đô đốc Hart đặt hạm đội của mình trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Houston cùng các đơn vị hạm đội đang trên đường đi từ đảo Panay hướng đến Darwin, Australia, đến nơi vào ngày 28 tháng 12 năm 1941 sau khi ngang qua Balikpapan và Surabaya. Sau các nhiệm vụ tuần tra, nó gia nhập lực lượng hải quân của Bộ chỉ huy Mỹ-Anh-Hà Lan-Úc (ABDA: American-British-Dutch-Australian Command) tại Surabaya.

Trận chiến eo biển Makassar

Các cuộc không kích diễn ra thường xuyên trong khu vực, và xạ thủ của Houston đã bắn rơi bốn máy bay đối pgương trong Trận chiến biển Bali, còn được biết đến dưới tên gọi Trận chiến eo biển Makassar, vào ngày 4 tháng 2 năm 1942, khi Đô đốc Hải quân Hoàng gia Hà Lan Karel Doorman đưa lực lượng của ông đối đầu với lực lượng tấn công đổ bộ Nhật Bản được cho là đang hiện diện tại Balikpapan. Houston bị bắn trúng một phát, làm hỏng tháp pháo số 3 của nó. Đô đốc Doorman bị buộc phải hủy bỏ việc tiến quân sau khi Houston bị hư hại, cũng như những hư hỏng khiến phải đưa tàu tuần dương hạng nhẹ Marblehead ra khỏi khu vực chiến sự.Quay trở về Australia, Houston lại khởi hành vào ngày 15 tháng 2 cùng với một đoàn tàu vận tải nhỏ để tăng cường cho lực lượng phòng thủ tại Timor. Trước khi hoàng hôn đến, đội tàu buộc phải chống trả nhiều cuộc không kích, và đến sáng ngày hôm sau cuộc không kích đã lên đến cực điểm. Trong hoạt động phòng thủ này, Houston đã tỏ ra nổi bật vì đã đánh trả hầu hết các cuộc tấn công, không để hư hại các tàu vận tải.

Trận chiến biển Java

Nhận được tin tức về một lực lượng đổ bộ Nhật Bản lớn, được bảo vệ bởi một lực lượng tàu nổi hùng hậu, đang tiến đến gần đảo Java, Đô đốc Doorman quyết định đối mặt và tìm cách tiêu diệt lực lượng tàu vận tải chính. Lên đường vào ngày 26 tháng 2 năm 1942 cùng với các tàu tuần dương Houston, HMAS Perth (D29), HNLMS De Ruyter, HMS Exeter (68) và HNLMS Java cùng mười tàu khu trục, ông đụng độ với lực lượng hỗ trợ Nhật Bản dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Takeo Takagi bao gồm bốn tàu tuần dương và 13 tàu khu trục.Trong trận chiến biển Java diễn ra vào ngày 27 tháng 2 năm 1942, lực lượng của Doorman gặp gỡ hạm đội Nhật Bản lần đầu tiên vào lúc chiều tối. Trong khi các tàu khu trục Nhật thả một màn khói, các tàu tuần dương của cả hai phía đồng loạt nổ súng. Sau một đợt tấn công đầu tiên bằng ngư lôi không hiệu quả, các tàu tuần dương hạng nhẹ cùng các tàu khu trục Nhật Bản tung ra đợt thứ hai và đánh chìm được tàu khu trục HNLMS Kortenaer. HMS Exeter và tàu khu trục HMS Electra (H27) bị hải pháo bắn trúng, và Electra chìm không lâu sau đó. Lúc 17 giờ 30 phút, Đô đốc Doorman quay mũi về phía Nam dọc theo bờ biển Java, không muốn bị phân tán khỏi mục đích chính của mình: tiêu diệt bản thân các con tàu vận tải.Hạm đội Đồng Minh né tránh được thêm một đợt tấn công khác bằng ngư lôi, và tiếp tục đi dọc theo bờ biển, khi mà tàu khu trục HMS Jupiter (F85) bị chìm, có thể do trúng mìn hoặc một vụ nổ từ bên trong. Tàu khu trục HMS Encounter (H10) được cho tách ra để vớt những người sống sót trên chiếc Kortenaer; và do đã sử dụng hết số ngư lôi mang theo, các tàu khu trục Mỹ được lệnh quay lại Surabaya. Không có được lực lượng khu trục hộ tống, bốn tàu chiến còn lại của Đô đốc Doorman một lần nữa quay trở lên phía Bắc nỗ lực lần cuối cùng nhằm ngăn chặn việc chiếm đóng Java.Đến 23 giờ 00 đêm hôm đó, các tàu tuần dương lại đối đầu với hạm đội tàu nổi Nhật Bản.Trên những hướng đi song song, các đối thủ lại nả pháo vào nhau, và phía Nhật tung ra một đợt tấn công ngư lôi 30 phút sau đó. Bị mắc kẹt giữa một loạt 12 quả ngư lôi, De Ruyter và Java nổ tung và chìm nhanh chóng, mang theo nó các thuyền trưởng cũng như chính Đô đốc Doorman cùng với chúng.Trận đánh này vào ngày 27 tháng 2 năm 1942 là cuộc đối đầu giữa những tàu nổi lớn nhất kể từ trận Jutland trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Đến cuối ngày, hai tàu tuần dương và ba tàu khu trục của lực lượng hải quân ABDA đã bị đánh chìm, số tàu khu trục còn lại được lệnh rút lui về Surabaya, còn chiếc Exeter đã bị hư hại. Trước khi tàu của bản thân mình bị đánh chìm, Doorman đã ra lệnh cho hai tàu tuần dương còn lại Perth và Houston rút lui.

Trận chiến eo biển Sunda

Ngày 28 tháng 2 năm 1942, ngày hôm sau của trận chiến biển Java, các tàu tuần dương còn lại của lực lượng hải quân ABDA Perth và Houston tiến vào vịnh Banten với hy vọng có thể phá hủy lực lượng đổ bộ Nhật Bản tại đây. Cả hai chiếc đều đã bị tấn công bằng ngư lôi khi tiếp cận lối ra vào vịnh, nhưng đã né tránh được tổng cộng chín quả ngư lôi phóng từ tàu khu trục Fubuki.Các con tàu tuần dương sau đó đánh đắm một tàu vận tải và buộc ba chiếc khác phải mắc cạn vào bờ. Tuy nhiên nhiên, một hải đội khu trục đối phương đã khóa kín eo biển Sunda, lối rút lui duy nhất của họ, và các tàu tuần dương hạng nặng Nhật Bản Mogami và Mikuma đang ở gần đó rất nguy hiểm. Kết cuộc của trận chiến hầu như đã được định đoạt, nhưng Houston và Perth không thể rút lui. Perth chịu đựng hỏa lực đối phương và bị đánh chìm một giờ sau đó lúc 23 giờ 36 phút bởi hải pháo và ngư lôi đối phương. Từ đó Houston phải chiến đấu một mình cho đến quá nữa đêm, khi nó trúng phải một ngư lôi và bắt đầu chệch hướng.Vào lúc này, xạ thủ trên chiếc Houston đã bắn trúng ba tàu khu trục khác nhau và đánh chìm một tàu quét mìn, nhưng bản thân nó chịu thêm ba ba quả ngư lôi nối tiếp nhau nhanh chóng. Thuyền trưởng Albert Rooks bị giết bởi một quả đạn pháo lúc 00 giờ 30 phút, và khi con tàu dần dần chết đứng các tàu khu trục Nhật tiến đến gần dùng súng máy càn quét sàn tàu. Vài phút sau, Houston lật nghiêng và chìm ở tọa độ 5°50′S 105°55′E, khi cờ hiệu vẫn tiếp tục bay. Trong số 1.061 thành viên thủy thủ đoàn ban đầu, có 368 người sống sót, bao gồm 24 trong số 74 người của lực lượng Thủy quân Lục chiến phối thuộc.

Diễn biến tiếp theo

Số phận của Houston không được thế giới biết đến đầy đủ trong gần chín tháng, và toàn bộ chi tiết của câu chuyện chỉ được kể lại sau khi chiến tranh kết thúc, và những người còn sống sót được giải thoát khỏi các trại giam giữ tù binh chiến tranh.Trung tá Hải quân Rooks được truy tặng Huân chương Danh dự cho hoạt động anh dũng của mình. Vị tuyên úy của Houston, Trung tá George S. Rentz, cũng được truy tặng Huân chương Chữ thập Hải quân, phần thưởng cao nhất từng được trao tặng cho Tuyên úy của Hải quân trong Thế Chiến II.Thủy thủ đoàn của Houston được vinh danh bên cạnh những người của chiếc Perth tại Đài tưởng niệm ở Melbourne, Australia.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro