Ham doi tau san bay Hoa Ky trong WW2 4
Đặt hàng: 26 tháng 12 năm 1940
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 31 tháng 8 năm 1942
Hạ thủy: 1 tháng 8 năm 1943
Đỡ đầu: George D. Murray
Hoạt động: 17 tháng 11 năm 1943
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ vào tháng 5 năm 1961
Ngừng hoạt động: 9 tháng 4 năm 1954
Xóa đăng bạ: 1 tháng 9 năm 1959
Tặng thưởng: 6 Ngôi sao Chiến đấu (Thế Chiến II)
7 Ngôi sao Chiến đấu (Chiến tranh Triều Tiên)
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 59 km/h (32 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 156 sĩ quan và 1.372 thủy thủ
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm (2×4, 9×2)
18 × pháo phòng không Oerlikon 20 mm (18×1)
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
USS Bataan (CVL-29/AVT-4) là một tàu sân bay hạng nhẹ tải trọng 11.000 tấn thuộc lớp Independence được Hải quân Hoa Kỳ đưa vào sử dụng trong Chiến tranh thế giới 2. Bataan là tên được đặt để kỷ niệm trận đánh cố thủ phần đất cuối cùng trên đảo Luzon trong tay liên quân Mỹ-Phi tại Philippines vào đầu Thế chiến II. Nó là chiếc duy nhất trong lớp được đưa ra hoạt động trong Chiến tranh Triều Tiên
Thiết kế và chế tạo
Ban đầu được đặt lườn như tàu tuần dương hạng nhẹ USS Buffalo (CL-99), nó được đổi ký hiệu thành CV-29 và đặt lại tên là Bataan vào ngày 2 tháng 6 năm 1942, đổi ký hiệu thành CVL-29 vào ngày 15 tháng 7 năm 1943; hạ thủy vào ngày 1 tháng 8 năm 1943 tại New York Shipbuilding Corporation ở Camden, New Jersey dưới sự đỡ đầu của Bà George D. Murray, phu nhân Chuẩn Đô đốc Murray; và được đưa ra hoạt động vào ngày 17 tháng 11 năm 1943, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân V. H. Schaeffer.
Lịch sử hoạt động
Thế Chiến II
Sau các cuộc chạy thử máy, Bataan được phối thuộc về Hạm đội Thái Bình Dương. Trong cuộc giáp chiến đầu tiên với lực lượng Nhật Bản, máy bay của nó đã hỗ trợ cho cuộc tấn công lên Hollandia (nay là Jayapura) thuộc New Guinea, từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 4 năm 1944. Sau đó là các đợt không kích vào Truk, Satawan và Ponape từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1944; Saipan thuộc Marianas từ ngày 11 tháng 6 đến ngày 10 tháng 8; Bonins trong các ngày 15 và 16 tháng 6; trận chiến biển Philippine từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 6 và đợt không kích lần 2 lên Bonins vào ngày 24 tháng 6 năm 1944.
Sau đó Bataan quay trở về Hoa Kỳ để sửa chữa. Sau khi công việc sửa chữa hoàn tất, chiếc tàu sân bay gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 58 và tham gia các cuộc không kích hỗ trợ cho chiến dịch Okinawa từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 30 tháng 5 năm 1945, trong đó máy bay của nó đã hỗ trợ cho việc đánh chìm chiếc thiết giáp hạm Yamato vào ngày 7 tháng 4 năm 1945 và tàu ngầm I-56 vào ngày 18 tháng 4 năm 1945 tại tọa độ 26°42′N 130°38′E. Rút lui về Philippines, Bataan gia nhập Đệ Tam hạm đội và được phối thuộc vào Đội đặc nhiệm 38.3 do Chuẩn Đô đốc Gerald F. Bogan chỉ huy, được xây dựng chung quanh các tàu sân bay Bataan, Essex, Ticonderoga, Randolph và Monterey. Chúng đã tham gia các chiến dịch không kích các hòn đảo chính quốc Nhật Bản từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 15 tháng 8.Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Bataan quay trở về Hoa Kỳ, về đến New York ngày 17 tháng 10 năm 1945, rồi sau đó tham gia Chiến dịch "Magic Carpet" đưa cựu chiến binh Mỹ ở nước ngoài quay về Hoa Kỳ. Vào ngày 10 tháng 1 năm 1946 nó về đến Philadelphia nhằm chuẩn bị cho việc ngưng hoạt động. Bataan được đưa về lực lượng dự bị vào ngày 11 tháng 2 năm 1947.
Chiến tranh Triều Tiên
Bataan được đưa ra hoạt động trở lại vào ngày 13 tháng 5 năm 1950 tại Philadelphia. Vào tháng 7 năm 1950, nó lên đường đi San Diego, và khi đến nơi nó nhận lên tàu các đơn vị cùng hàng tiếp liệu của lực lượng Không quân Hoa Kỳ, rồi khởi hành ngày 16 tháng 11 hướng đến vịnh Tokyo. Chiếc tàu sân bay đi đến vùng biển ngoài khơi Triều Tiên vào ngày 15 tháng 12, và cho đến tháng 6 năm 1951, máy bay của nó đã thực hiện các phi vụ hỗ trợ cho lực lượng mặt đất.Bataan lên đường ngày 2 tháng 6 năm 1951 hướng về bờ Tây Hoa Kỳ, và sau một chặng dừng ngắn tại San Diego, nó đi đến Bremerton, Washington vào ngày 9 tháng 7 để đại tu. Chiếc tàu sân bay quay về San Diego vào ngày 20 tháng 11, rồi đến ngày 27 tháng 1 năm 1952 lại khởi hành đi Yokosuka, Nhật Bản, rồi sau đó đến vịnh Buckner, Okinawa. Nó tiến hành các đợt thực tập không lực và cơ động huấn luyện tại vùng biển ngoài khơi Okinawa cho đến ngày 29 tháng 4, rồi tiến đến vùng biển ngoài khơi Triều Tiên. Bataan tiếp tục hoạt động giữa Nhật Bản và Triều Tiên suốt mùa Hè năm 1952, chuyên chở nhân lực và hàng tiếp liệu đến khu vực chiến sự, đồng thời không kích vào các mục tiêu của đối phương. Nó rời khu vực chiến trường vào ngày 11 tháng 8 hướng về San Diego. Vào ngày 27 tháng 10 chiếc tàu sân bay một lần nữa di chuyển sang Viễn Đông và hoạt động ngoài khơi Triều Tiên cho đến ngày 10 tháng 5 năm 1953, khi nó lên đường quay về San Diego.Bataan ở lại khu vực San Diego tiến hành đại tu và huấn luyện cho đến ngày 31 tháng 7 năm 1953. Sau đó nó lên đường đi ngang qua Trân Châu Cảng đến Kobe và Yokosuka, Nhật Bản, rồi quay trở về Hoa Kỳ nơi nó nhận được lệnh chuẩn bị ngừng hoạt động vào ngày 26 tháng 8 năm 1953. Chiếc tàu sân bay được chuyển sang lực lượng dự bị vào ngày 9 tháng 4 năm 1954 tại San Francisco, California. Nó được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân ngày 1 tháng 9 năm 1959, và được bán để tháo dỡ vào tháng 5 năm 1961.
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 11 tháng 8 năm 1941
Hạ thủy: 6 tháng 12 năm 1942
Đỡ đầu: Thomas Holcomb
Hoạt động: 31 tháng 3 năm 1943
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ ngày 21 tháng 11 năm 1960
Ngừng hoạt động: 13 tháng 1 năm 1947
Xóa đăng bạ: 1 tháng 10 năm 1960
Tặng thưởng: 12 Ngôi sao Chiến đấu
Đơn vị Tuyên dương Tổng thống
Mang cờ Hải quân Pháp
Tên tàu: Bois Belleau
Hoạt động: 23 tháng 12 năm 1953
Tình trạng: Trao trả về Mỹ, tháng 9 năm 1960
Ngừng hoạt động: 12 tháng 12 năm 1960
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 57,5 km/h (31 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
USS Belleau Wood là một tàu sân bay hạng nhẹ của Hải quân Hoa Kỳ thuộc lớp Independence từng hoạt động trong Thế Chiến II. Tên nó được đặt theo trận Belleau Wood trong Thế Chiến I. Sau khi Thế chiến II kết thúc, nó còn được cho hoạt động tạm thời cùng Hải quân Pháp dưới tên gọi Bois Belleau, và đã từng tham gia chiến tranh Đông Dương[1] cũng như hoạt động tại Algerie trước khi được trả về Mỹ và được cho tháo dỡ vào năm 1960.
Thiết kế và chế tạo
Ban đầu được đặt lườn như một tàu tuần dương hạng nhẹ thuộc lớp Cleveland tên gọi New Haven (CL-76), nó được hoàn tất như một tàu sân bay hạng nhẹ. Được đặt lại ký hiệu là CV-24 vào ngày 16 tháng 2 năm 1942 và đặt lại tên là Belleau Wood vào ngày 31 tháng 3 năm 1942, nó được hạ thủy vào ngày 6 tháng 12 năm 1942 bởi hãng New York Shipbuilding Corporation tại Camden, New Jersey; được đỡ đầu bởi bà Thomas Holcomb, phu nhân của Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ; và được đưa vào hoạt động ngày 31 tháng 3 năm 1943 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng A. M. Pride. Trong chiến tranh, nó được đặt lại ký hiệu là CVL-24 vào ngày 15 tháng 7 năm 1943.
Lịch sử hoạt động
Thế Chiến II
Sau một chuyến đi thử máy ngắn, Belleau Wood được phân về Hạm đội Thái Bình Dương, và nó đi đến Trân Châu Cảng ngày 26 tháng 7 năm 1943. Sau khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho việc chiếm đóng đảo Baker ngày 1 tháng 9 và không kích lên đảo Tarawa ngày 18 tháng 9 và đảo Wake từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 10, nó gia nhập Lực lượng đặc nhiệm TF 50 nhằm chuẩn bị cho việc chiếm đóng quần đảo Gilbert từ ngày 19 đến ngày 4 tháng 12 năm 1943.Belleau Wood hoạt động cùng với Lực lượng Đặc nhiệm TF 58 trong quá trình chiếm đóng các đảo san hô Kwajalein và Majuro thuộc quần đảo Marshall từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 3 tháng 2 năm 1944; không kích lên đảo Truk các ngày 16 và 17 tháng 2; không kích các đảo Saipan, Tinian, Rota và Guam các ngày 21 và 22 tháng 2; không kích các đảo Palau, Yap, Ulithi và Woleai từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4; không kích các đảo Sawar và Wakde hỗ trợ cho việc đổ bộ lên Hollandia (ngày nay là Jayapura) tại New Guinea từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 4; không kích các đảo Truk, Satawan và Ponape từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5; chiếm đóng Saipan từ ngày 11 đến ngày 24 tháng 6, không kích Bonins lần thứ nhất các ngày 15 và 16 tháng 6, trận chiến biển Philippine trong các ngày 19 và 20 tháng 6; và không kích Bonins lần thứ hai ngày 24 tháng 6. Trong trận chiến biển Philippines, máy bay của Belleau Wood đã đánh chìm được chiếc tàu sân bay Nhật Hiyō.Sau khi được đại tu tại Trân Châu Cảng từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 31 tháng 7 năm 1944, Belleau Wood lại gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm TF 58 tham gia giai đoạn cuối cùng của việc chiếm đóng đảo Guam từ ngày 2 đến ngày 10 tháng 8. Sau đó nó cùng Lực lượng Đặc nhiệm T38 tham gia hỗ trợ cho việc chiếm đóng phần phía Nam Palaus từ ngày 6 tháng 9 đến ngày 14 tháng 10; không kích Philippine từ ngày 9 đến ngày 24 tháng 9; đổ bộ lên Morotai ngày 15 tháng 9; không kích Okinawa ngày 10 tháng 10; không kích phía Bắc Luzon và Đài Loan từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 10; không kích Luzon các ngày 15 và 17 đến ngày 19 tháng 10; và trận mũi Engaño từ ngày 24 tháng 10 đến ngày 26 tháng 10. Ngày 30 tháng 10, trong khi Belleau Wood đang tuần tra cùng đội đặc nhiệm ở phía Đông đảo Leyte, nó đã bắn rơi được một máy bay tự sát Nhật Bản, nhưng chiếc này vẫn đâm trúng phía sau sàn đáp, gây một đám cháy và làm nổ kho đạn. Trước khi đám cháy có thể kiểm soát được, đã có 92 người thiệt mạng hay mất tích.Sau khi được sửa chữa tạm thời tại Ulithi từ ngày 2 đến ngày 11 tháng 11, Belleau Wood lên đường quay về xưởng hải quân Hunters Point, California, để được sửa chữa toàn diện và đại tu, và nó đến nơi vào ngày 29 tháng 11. Sau khi hoàn tất, nó rời vịnh San Francisco ngày 20 tháng 1 năm 1945, và gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm TF58 tại Ulithi ngày 7 tháng 2. Từ ngày 15 tháng 2 đến ngày 4 tháng 3, nó tham gia các cuộc không kích lên đảo Honshū và Nansei Shoto, cũng như hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ lên Iwo Jima. Nó cũng tham gia không kích xuống chính quốc Nhật Bản trong thành phần của Hạm đội 5 (từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 26 tháng 5), và trong thành phần của Hạm đội 3 (từ ngày 27 tháng 5 đến ngày 11 tháng 6). Sau khi nhận Liên đội không lực 31 lên tàu tại Leyte từ ngày 13 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7, nó lại gia nhập Hạm đội 3 để tung các đợt không kích cuối cùng xuống các hòn đảo chính quốc Nhật Bản từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 15 tháng 8. Chiếc máy bay Nhật Bản cuối cùng bị bắn rơi trong cuộc chiến là một chiếc máy bay ném bom bổ nhào "Judy" bị bắn rơi bởi Clarence "Bill" A. Moore, một phi công lái F6F thuộc Liên đội VF-31 "The Flying Meat-Axe" thuộc tàu sân bay USS Belleau Wood.[2]Belleau Wood tung các máy bay của nó ra bay biểu dương trong ngày 2 tháng 9 năm 1945 bên trên bầu trời Tokyo nhân dịp ký kết Văn kiện đầu hàng chính thức. Nó ở lại vùng biển Nhật Bản cho đến ngày 13 tháng 10. Về đến Trân Châu Cảng ngày 28 tháng 10, nó khởi hành ba ngày sau với số hành khách gồm 1.248 cựu chiến binh để quay về San Diego. Nó tiếp tục phục vụ cho chiến dịch "Magic Carpet", hồi hương binh sĩ từ Guam và Saipan về San Diego, cho đến ngày 31 tháng 1 năm 1946. Trong một năm sau đó Belleau Wood neo đậu tại nhiều bến tàu khác nhau trong vùng San Francisco cho đến khi được cho ngừng hoạt động. Nó được đưa về làm lực lượng dự bị tại Căn cứ không lực hải quân Alameda ngày 13 tháng 1 năm 1947.Belleau Wood nhận được danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Tổng thống và 12 Ngôi sao Chiến đấu do những thành tích hoạt động trong Thế Chiến II.
Bois Belleau (R97)
Chiếc tàu sân bay nằm trong lực lượng trừ bị cho đến khi được chuyển cho Pháp trong khuôn khổ Luật Trợ giúp Phòng thủ tương hỗ vào ngày 5 tháng 9 năm 1953[3]. Dưới tên gọi Bois Belleau (dịch ra tiếng Pháp từ "Belleau Wood"), con tàu hoạt động cùng Hải quân Pháp cho đến năm 1960, khi nó được trao trả cho Hoa Kỳ.Trong thời kỳ này, vào tháng 4 năm 1954, chiếc tàu sân bay rời căn cứ hải quân Toulon hướng đến Đông Dương để thay phiên cho chiếc Arromanches. Nó đi đến vịnh Hạ Long vào khoảng ngày 20 tháng 5; và mặc dù trận Điện Biên Phủ ác liệt đã kết thúc, chiến tranh vẫn chưa thực sự chấm dứt, và quân Pháp đã sử dụng những chiếc máy bay tiêm kích F6F Hellcat và máy bay ném bom SB2C Helldiver trên tàu do Mỹ chế tạo trong các chiến dịch của họ tại Bắc Kỳ từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 7, và tại Huế và Đồng Hới từ ngày 27đến ngày 28 tháng 7. Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết vào ngày 21 tháng 7 năm 1954 mang lại thỏa thuận hòa bình cùng Việt Minh, Bois Belleau thực hiện nhiều chuyến đi lại giữa vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Cam Ranh và Vũng Tàu, tham gia vận chuyển khoảng 6.000 người tị nạn[4]. Ngày 16 tháng 12 năm 1954, nó lên đường quay trở về Toulon, rồi tiếp tục tham dự vào chiến tranh Algerie.Bois Belleau được hoàn trả về cho Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 1960, được xóa khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 10 năm 1960, rồi sau đó được bán để tháo dỡ.
Ý nghĩa của tên gọi
Tên của con tàu được đặt để tưởng niệm trận Belleau Wood trong Thế chiến I, trong đó Lữ đoàn 4 lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thuộc Lực lượng Viễn chinh Hoa Kỳ đã đánh bại các đơn vị Đức sau gần bốn tuần lễ chiến đấu ác liệt. Người ta cho rằng quân Đức đã gọi họ là Teufel Hunden-Devil Dog (chó địa ngục); và cái tên lóng này đã trở thành một phần trong biểu tượng của con tàu, và là một trong những biệt danh của lực lượng Thủy quân Lục chiến (Devil Dog).
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 16 tháng 3 năm 1942
Hạ thủy: 4 tháng 4 năm 1943
Đỡ đầu: A. C. Read
Hoạt động: 24 tháng 7 năm 1943
27 tháng 10 năm 1948
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ năm 2002
Xếp lại lớp: Tàu vận chuyển máy bay AVT-3: 15 tháng 5 năm 1959
Ngừng hoạt động: 12 tháng 2 năm 1947
21 tháng 1 năm 1955
Xóa đăng bạ: 1 tháng 8 năm 1972
Tặng thưởng: Đơn vị Tuyên dương Tổng thống
9 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 59 km/h (32 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
Cabot (CVL-28/AVT-3) là một tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp Independence của Hải quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và là chiếc tàu chiến thứ hai mang cái tên này. Cabot được đưa ra hoạt động vào năm 1943 và phục vụ cho đến năm 1947. Sau một giai đoạn ở lực lượng dự bị, nó được cho tái hoạt động từ năm 1948 đến năm 1955 như một tàu sân bay huấn luyện; và trong giai đoạn 1967 - 1989, nó phục vụ trong Hải quân Tây Ban Nha dưới tên gọi Dédalo. Sau khi các nỗ lực nhằm bảo tồn con tàu bị thất bại, chiếc tàu sân bay bị tháo dỡ vào năm 2002.
Thiết kế và chế tạo
Cabot được đặt lườn bởi hãng New York Shipbuilding Company, Camden, New Jersey như là chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Wilmington (CL-79) vào ngày 16 tháng 3 năm 1942, được cải biến trong khi đang chế tạo và xếp lại lớp thành tàu sân bay ký hiệu CV-28 vào ngày 2 tháng 6 năm 1942, được đổi tên thành Cabot vào ngày 23 tháng 6 năm 1942. Nó được hạ thủy vào ngày 4 tháng 4 năm 1943, được đỡ đầu bởi Bà A. C. Read. Nó được đổi ký hiệu thành CVL-28 vào ngày 15 tháng 7 năm 1943 và được đưa vào hoạt động ngày 24 tháng 7 năm 1943 dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân Malcolm Francis Schoeffel.
Lịch sử hoạt động
Thế Chiến II
Cabot khởi hành từ Quonset Point, Rhode Island cùng với Liên đội Không lực 31 trên tàu vào ngày 8 tháng 11 năm 1943 hướng đến Trân Châu Cảng, và nó đến nơi vào ngày 2 tháng 12. Khởi hành đi Majuro ngày 15 tháng 1 năm 1944, chiếc tàu sân bay gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 58 để bắt đầu chặng đường chiến đấu trong Thế Chiến II. Từ ngày 4 tháng 2 đến ngày 4 tháng 3 năm 1944, nó tung máy bay của nó tấn công Roi, Namur và cứ điểm kiên cố trên đảo Truk, góp phần làm vô hiệu hóa các căn cứ Nhật tại đây như một phần của chiến dịch chiếm đóng quần đảo Marshall.Cabot quay trở về Trân Châu Cảng thực hiện một đợt sửa chữa ngắn, rồi quay trở lại hoạt động tại Majuro để thực hiện các cuộc không kích xuống Palaus, Yap, Ulithi, và Woleai vào cuối tháng 3 năm 1944. Nó tiến hành hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động tại Hollandia (nay là Jayapura) từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 4, rồi bốn ngày sau lại tung lực lượng không quân của nó tấn công Truk, Satawan và Ponape. Chiếc tàu sân bay lại rời Majuro vào ngày 6 tháng 6 để không kích chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên quần đảo Mariana, rồi trong các ngày 19 và 20 tháng 6 đã thực hiện các phi vụ trong trận biển Philippine then chốt, còn được gọi là "Cuộc săn vịt trời Marianas", đánh tan không lực của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Liên đội Không lực 31 trên chiếc Cabot còn tấn công các căn cứ Nhật bản tại Iwo Jima, Pagan, Rota, Guam, Yap và Ulithi khi chiếc tàu sân bay tiếp tục hỗ trợ cho chiến dịch tại Marianas cho đến ngày 9 tháng 8.Cabot thực hiện các cuộc không kích chuẩn bị cho đổ bộ xuống Palaus trong tháng 9 năm 1944, cùng các đợt tấn công vào Mindanao, Visayas và Luzon dọn đường cho việc quay trở lại Philippine vốn đã được chờ đợi khá lâu. Vào ngày 6 tháng 10, Liên đội Không lực 29 thay phiên cho Liên đội 31, và Cabot khởi hành từ Ulithi không kích lên đảo Okinawa và hỗ trợ trên không cho đội đặc nhiệm của nó đang chịu các cuộc tấn công ác liệt ngoài khơi Đài Loan trong các ngày 12 và 13 tháng 10. Sau đó Cabot gia nhập nhóm các tàu hộ tống cho hai chiếc tàu tuần dương Canberra và Houston vốn bị hư hại bởi ngư lôi ngoài khơi vùng biển Đài Loan đến khu vực an toàn tại quần đảo Carolines, rồi quay lại đội đặc nhiệm của nó tiếp tục các cuộc không kích xuống Visayas và tham gia Trận chiến vịnh Leyte trong các ngày 25 và 26 tháng 10.Cabot tiếp tục tuần tra tại vùng biển ngoài khơi Luzon, thực hiện các cuộc không kích hỗ trợ các hoạt động trên bờ, đồng thời đánh trả các cuộc tấn công kamikaze liều mạng. Vào ngày 25 tháng 11 đặc biệt ác liệt, Cabot phải chống trả nhiều đợt tấn công bằng máy bay kamikaze khi một chiếc, vốn đã bốc cháy vì bị bắn trúng, đâm trúng sàn đáp bên mạn trái, phá hủy một khẩu đội phòng không 20 mm và một khẩu đội 40 mm. Một chiếc khác đâm xuống biển ngay sát con tàu cùng bên mạn trái, tung lên tàu một cơn mưa mảnh đạn. Đã có 62 người chết hoặc bị thương, nhưng do được huấn luyện kỹ, thủy thủ đoàn đã kiểm soát các hư hỏng một cách bình tĩnh và thành thạo. Chiếc tàu sân bay tiếp tục thi hành có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong khi các sửa chữa tạm thời được thực hiện. Sang ngày 28 tháng 11, nó quay về đến Ulithi để được sửa chữa triệt để.Cabot quay trở lại hoạt động vào ngày 11 tháng 11 năm 1944, di chuyển cùng với lực lượng tấn công lên Luzon, Đài Loan, Đông Dương, Hong Kong và Nansei Shoto để hỗ trợ cho các hoạt động tại Luzon. Từ ngày 10 tháng 2 đến ngày 1 tháng 3 năm 1945, máy bay của nó ném bom xuống các đảo chính quốc Nhật Bản và quần đảo Bonin để trấn áp sự phản ứng lại cuộc đổ bộ lên Iwo Jima. Sau đó chiếc tàu sân bay tiếp tục không kích xuống Kyūshū và Okinawa trong tháng 3 chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên hòn đảo sau. Sau các chiến dịch căng thẳng và kéo dài này, Cabot quay trở về San Francisco để thực hiện việc đại tu cần thiết, và hoàn tất vào tháng 6.Sau đợt huấn luyện tại Trân Châu Cảng cùng Liên đội Không lực 32, chiếc tàu sân bay đã tung ra đợt không kích lên đảo Wake vào ngày 1 tháng 8 lúc đang trên đường đi đến Eniwetok. Tại đây nó tiếp tục nhiệm vụ huấn luyện cho đến khi ngừng bắn. Lên đường vào ngày 21 tháng 8, nó gia nhập Đội đặc nhiệm 38.3 để hỗ trợ cuộc đổ bộ của lực lượng chiếm đóng tại khu vực Hoàng Hải trong tháng 9 và tháng 10. Nhận lên tàu các cựu chiến binh quay trở về nhà tại Guam, Cabot về đến San Diego ngày 9 tháng 11, rồi tiếp tục hành trình đi đến bờ Đông nước Mỹ. Cabot được cho ngừng hoạt động và đưa về lực lượng dự bị tại Philadelphia vào ngày 11 tháng 2 năm 1947.[1]
Sau chiến tranh (1948-1955)
Được cho hoạt động trở lại vào ngày 27 tháng 10 năm 1948, Cabot được bố trí về chương trình huấn luyện Không lực Dự bị Hải quân. Nó hoạt động tại vùng biển ngoài khơi Pensacola, rồi sau đó tại Quonset Point, tiến hành các chuyến đi đến vùng biển Caribbe, và từng thực hiện một lượt phục vụ tại các vùng biển Châu Âu từ ngày 9 tháng 1 đến ngày 26 tháng 3 năm 1952. Một lần nữa Cabot được cho ngừng hoạt động và chuyển về hạm đội dự bị tại xưởng hải quân Philadelphia vào ngày 21 tháng 1 năm 1955. Trong giai đoạn này, nó được xếp lại lớp thành một tàu vận chuyển máy bay ký hiệu AVT-3 vào ngày 15 tháng 5 năm 1959.[2]
Hải quân Tây Ban Nha (1967-1989)
Vào năm 1967, sau hơn 12 năm bỏ xó ở lực lượng dự bị, Cabot được chuyển cho Tây Ban Nha mượn và hoạt động dưới tên gọi tàu sân bay Dédalo. Sau đó việc cho mượn được chuyển thành mua bán, nên USS Cabot được rút khỏi Đăng bạ Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 8 năm 1972. Cuối cùng, Dedalo được rút khỏi Hải quân Tây Ban Nha sau hơn hai mươi năm phục vụ vào tháng 8 năm 1989, và được trao cho một tổ chức tư nhân ở Mỹ nhằm cải biến thành một tàu bảo tàng.
Những nỗ lực bảo tồn không thành công (1990-2002)
Con tàu được công nhận là Địa điểm Lịch sử Quốc gia vào ngày 29 tháng 6 năm 1990.[3] Con tàu trải qua hầu hết thời gian những năm 1990 thả neo tại một cầu tàu ở New Orleans. Dự tính của các nhóm tư nhân nhằm bảo tồn con tàu như một đài tưởng niệm bị thất bại, do không vận động đủ tài chính để thanh toán cho các chủ nợ. Vì vậy, đến ngày 10 tháng 9 năm 1999, con tàu bị bán đấu giá cho Sabe Marine Salvage. Danh hiệu "Địa điểm Lịch sử Quốc gia" được rút lại vào ngày 7 tháng 8 năm 2001. Công việc tháo dỡ thân tàu được hoàn tất vào năm 2002; riêng đảo cấu trúc thượng tầng được giữ lại cho đến khi bản thân nó cũng bị tháo dỡ vào năm 2007, di vật cuối cùng còn lại của trên 100 tàu sân bay hạng nhẹ và tàu sân bay hộ tống thời Thế Chiến II.
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 17 tháng 11 năm 1941
Hạ thủy: 17 tháng 1 năm 1943
Đỡ đầu: M. H. Spruance
Hoạt động: 28 tháng 5 năm 1943
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ năm 1960
Xếp lại lớp: Tàu chuyên chở máy bay (AVT-1): 15 tháng 5 năm 1959
Ngừng hoạt động: 13 tháng 1 năm 1947
Xóa đăng bạ: 1 tháng 11 năm 1959
Tặng thưởng: 12 Ngôi sao Chiến đấu
Đơn vị Tuyên dương Hải quân
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 57,5 km/h (32 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
USS Cowpens (CV-25/CVL-25/AVT-1), tên lóng The Mighty Moo, là một tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp Independence của Hải quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã hoạt động từ năm 1943 đến năm 1947.
Thiết kế và chế tạo
Cowpens ban đầu được đặt lườn vào ngày 17 tháng 11 năm 1941 như tàu tuần dương hạng nhẹ Huntington (CL-77) thuộc lớp Cleveland. Nó được cải biến thành một tàu sân bay đang khi chế tạo với ký hiệu CV-25, được đổi tên thành Cowpens, tên đặt theo trận Cowpens của cuộc Chiến tranh dành Độc lập; được hạ thủy vào ngày 17 tháng 1 năm 1943 bởi hãng New York Shipbuilding Corporation tại Camden, New Jersey, được đỡ đầu bởi M. H. Spruance (con gái Đô đốc William F. Halsey, Jr.) và được đưa vào hoạt động ngày 28 tháng 5 năm 1943 dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân R. P. McConnell. Nó được đổi ký hiệu thành CVL-25 vào ngày 15 tháng 7 năm 1943.
Lịch sử hoạt động
1943
Rời Philadelphia ngày 29 tháng 8 năm 1943, Cowpens đến Trân Châu Cảng ngày 19 tháng 9 để bắt đầu chặng đường chiến đấu trong Thế Chiến II. Nó di chuyển cùng Lực lượng Đặc nhiệm 14 để không kích lên đảo Wake trong các ngày 5 và 6 tháng 10, rồi quay về Trân Châu Cảng nhằm chuẩn bị cho đợt không kích chuẩn bị để đổ bộ lên quần đảo Marshall. Chiếc tàu sân bay rời Trân Châu Cảng ngày để tung ra các cuộc không kích lên các đảo san hô Mille và Makin từ ngày đến 19 đến ngày 24 tháng 11, và Kwajalein cùng Wotje vào ngày 4 tháng 12, trước khi quay về căn cứ vào ngày 9 tháng 12.
1944
Gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 58, Cowpens khởi hành từ Trân Châu Cảng ngày 16 tháng 1 năm 1944 tham gia tấn công quần đảo Marshall. Máy bay của nó đã ném bom Kwajalein và Eniwetok trong ba ngày cuối của tháng 1 chuẩn bị cho cuộc đổ bộ diễn ra vào ngày 31 tháng 1. Sử dụng Majuro làm căn cứ, lực lượng tàu sân bay nhanh tấn công Truk trong các ngày 16 và 17 tháng 2 và quần đảo Mariana trong các ngày 21 và 22 tháng 2 trước khi quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 4 tháng 3. Quay trở lại Majuro, Lực lượng Đặc nhiệm 58 đặt căn cứ tại đây để xuất phát các cuộc tấn công vào khu vực phía Tây quần đảo Caroline; Cowpens đã hỗ trợ trên không và tuần tra chống tàu ngầm trong các đợt không kích lên Palau, Yap, Ulithi và Woleai từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4. Sau các hoạt động ngoài khơi New Guinea trong quá trình tấn công Hollandia (nay là Jayapura) từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 4, Cowpens tiếp tục tham gia không kích lên Truk, Satawan và Ponape từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5, rồi quay về Majuro vào ngày 14 tháng 5 để tiến hành huấn luyện.Từ ngày 6 tháng 6 đến ngày 10 tháng 7 năm 1944, Cowpens hoạt động trong chiến dịch Mariana. Máy bay của nó đã tấn công Saipan để hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ, và thực hiện các cuộc không kích lên Iwo Jima, đảo Pagan, Rota và Guam. Chúng cũng tham gia vào Trận chiến biển Philippine trong các ngày 19 và 20 tháng 6, góp công bắn rơi một số lớn máy bay đối phương. Sau một đợt đại tu ngắn tại Trân Châu Cảng, Cowpens quay trở lại lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay nhanh tại Eniwetok vào ngày 17 tháng 8. Sau đó, vào ngày 29 tháng 8, nó khởi hành để thực hiện đợt không kích chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Palaus, vốn là bước cần thiết trên con đường quay trở lại Philippine. Từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 9, nó được tách khỏi lực lượng để hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Morotai, rồi sau đó tái gia nhập để tiếp tục vai trò càn quét, tuần tra và không kích Luzon từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 9. Cowpens đã cùng với đội đặc nhiệm của nó đã tung các đợt không kích nhằm vô hiệu hóa các căn cứ Nhật Bản tại Okinawa và Đài Loan từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 10; và khi các tàu tuần dương Canberra và Houston bị trúng phải ngư lôi, Cowpens đã hỗ trợ trên không cho chúng rút lui về khu vực an toàn trước khi quay trở lại đội đặc nhiệm của nó vào ngày 20 tháng 10.Trên đường quay về Ulithi, chiếc tàu sân bay được gọi quay trở lại sau khi Hạm đội Nhật Bản đe dọa cuộc đổ bộ lên Leyte, và trong giai đoạn trận chiến eo biển Surigao của cuộc Hải chiến vịnh Leyte trong các ngày 25 và 26 tháng 10, máy bay của nó đã hỗ trợ trên không cho các tàu chiến truy đuổi tàn quân của hạm đội Nhật. Tiếp tục hỗ trợ cho cuộc tiến quân tại Philippine, Cowpens' liên tục tung ra các cuộc không kích vào Luzon trong suốt tháng 12. Trong thảm họa bão Cobra ngày 18 tháng 12, chiếc tàu sân bay bị mất một người: sĩ quan không lực của con tàu Thiếu tá Robert Price, nhiều máy bay và một số thiết bị. Tuy nhiên nhờ các nỗ lực kiểm soát hư hỏng được thực hiện hiệu quả, con tàu đã tránh được các hư hại nặng, và nó quay về Ulithi an toàn vào ngày 21 tháng 12 để sửa chữa các hư hỏng do cơn bão gây ra.
1945
Từ ngày 30 tháng 12 năm 1944 đến ngày 26 tháng 1 năm 1945, Cowpens was at sea for the Lingayen Gulf landings. Máy bay của nó tấn công các mục tiêu tại Đài Loan, Luzon, Đông Dương và khu vực Hong Kong-Quảng Châu cũng như tại Okinawa trong tháng 1. Vào ngày 10 tháng 2, Cowpens rời Ulithi tham gia chiến dịch Iwo Jima, tấn công khu vực Tokyo nhằm hỗ trợ cho cuộc đổ bộ từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 2, và tấn công Okinawa vào ngày 1 tháng 3.Vào ngày 13 tháng 6, sau một đợt đại tu tại San Francisco và huấn luyện tại Trân Châu Cảng, Cowpens khởi hành đi vịnh San Pedro, Leyte. Trên đường đi nó tung ra đợt không kích vào đảo Wake vào ngày 20 tháng 6. Gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 58, Cowpens khởi hành từ vịnh San Pedro ngày 1 tháng 7 tham gia các đợt không kích cuối cùng xuống các hòn đảo chính quốc Nhật Bản. Máy bay của nó ném bom xuống Tokyo, Kure và các thành phố khác trên đảo Hokkaidō và Honshū cho đến ngày ngừng bắn 15 tháng 8. Cowpens là chiếc tàu sân bay Mỹ đầu tiên tiến vào cảng Tokyo, và ở lại đó cho đến khi cuộc đổ bộ chiếm đóng bắt đầu được thực hiện vào ngày 30 tháng 8. Cowpens thực hiện các phi vụ trinh sát hình ảnh tuần tra các sân bay và sự di chuyển của các tàu bè, cũng như phát hiện và tiếp tế cho các trại tập trung tù binh. Người của Cowpens là những người Mỹ đầu tiên đặt chân lên chính quốc Nhật Bản, và chịu trách nhiệm phần lớn trong việc khôi phục khẩn cấp sân bay Yokosuka cho Đồng Minh sử dụng cũng như việc giải phóng một trại tập trung tù binh chiến tranh gần Niigata. Từ ngày 8 tháng 11 năm 1945 đến ngày 28 tháng 1 năm 1946, chiếc tàu sân bay thực hiện hai chuyến đi đến Trân Châu Cảng, Guam và Okinawa để hồi hương các cựu chiến binh trong chiến dịch "Magic Carpet".
Sau chiến tranh
Vào ngày 3 tháng 12 năm 1946, Cowpens được cho ngừng hoạt động và đưa về lực lượng dự bị tại đảo Mare. Vào ngày 15 tháng 5 năm 1959, nó được xếp lại lớp thành một tàu chuyên chở máy bay với ký hiệu mới AVT-1. Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 11 năm 1959, chiếc tàu sân bay được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân và được bán để tháo dỡ.
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 1 tháng 5 năm 1941
Hạ thủy: 22 tháng 8 năm 1942
Đỡ đầu: Rawleigh Warner
Hoạt động: 14 tháng 1 năm 1943
Bị mất: Bị đánh chìm sau khi thử nghiệm bom nguyên tử năm 1951
Ngừng hoạt động: 28 tháng 8 năm 1946
Xóa đăng bạ:
Tặng thưởng: 8 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 57,5 km/h (31 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 30 máy bay;
9 máy bay ném bom
9 máy bay ném ngư lôi
12 máy bay tiêm kích
USS Independence (CV-22/CVL-22) là một tàu sân bay hạng nhẹ của Hải quân Hoa Kỳ, là tàu chiến thứ tư của Hải quân Mỹ mang cái tên này, và là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó. Được đưa vào hoạt động năm 1943, nó tham gia nhiều chiến dịch tại mặt trận Thái Bình Dương, bao gồm trận Hải chiến vịnh Leyte, được tặng thưởng 8 Ngôi sao Chiến đấu. Sau chiến tranh, nó được sử dụng làm mục tiêu cho các cuộc thử nghiệm bom nguyên tử tại đảo san hô Bikini, và sau đó bị đánh chìm do đã bị nhiễm phóng xạ nặng vào năm 1951.
Thiết kế và chế tạo
Được đặt lườn bởi hãng New York Shipbuilding Corporation tại Camden, New Jersey, vào ngày 1 tháng 5 năm 1941 như chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Amsterdam (CL-59), thuộc lớp Cleveland, nó được cải biến trong quá trình chế tạo và được đổi tên thành Independence, được hạ thủy dưới số hiệu CV-22 vào ngày 22 tháng 8 năm 1942; được đỡ đầu bởi Bà Rawleigh Warner, và được đưa vào hoạt động ngày 14 January 1943, dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng G. R. Fairlamb, Jr..
Lịch sử hoạt động
Là chiếc dẫn đầu trong lớp tàu sân bay mới được cải tạo từ thân những chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ, Independence tiến hành chạy thử và huấn luyện tại vùng biển Caribbe. Sau đó nó đi ngang qua kênh đào Panama để gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương, đi đến San Francisco ngày 3 tháng 7 năm 1943. Independence lên đường đi đến Trân Châu Cảng ngày 14 tháng 7, và sau khi được đổi số hiệu thành CVL-22 vào ngày 15 tháng 7 năm 1943, nó trải qua hai tuần thực hành huấn luyện rồi đi cùng các tàu sân bay hạng nặng Essex (CV-9) và Yorktown (CV-10) trong đợt không kích đảo Marcus[1][2]. Máy bay từ các tàu sân bay đã phá hủy được hơn 70% các cơ sở quân sự trên đảo trong ngày 1 tháng 9, và trong chiến dịch tiếp theo sau nó tiến hành đợt không kích tương tự lên đảo Wake trong các ngày 5 và 6 tháng 10[1][2].
Không kích Rabaul và quần đảo Gilbert
Independence rời Trân Châu Cảng ngày 21 tháng 10 đi Espiritu Santo, và trong trận không kích tiếp theo sau nhắm vào Rabaul ngày 11 tháng 11[2], các xạ thủ trên tàu đã ghi được những chiến công đầu tiên khi sáu máy bay Nhật bị bắn rơi. Sau chiến dịch này chiếc tàu sân bay được tiếp tế nhiên liệu tại Espiritu Santo rồi hướng đến quần đảo Gilbert tung ra các đợt không kích chuẩn bị cho việc đổ bộ lên đảo Tarawa từ ngày 18 tháng 11 đến ngày 20 tháng 11 năm 1943. Trong một đợt phản công của Nhật vào ngày 20 tháng 11, Independence bị một nhóm máy bay tấn công sát mặt nước. Sáu chiếc bị bắn rơi, nhưng chúng cũng xoay sở thả được ít nhất năm quả ngư lôi, trong đó một quả đã đánh trúng mạn phải con tàu. Chiếc tàu sân bay bị hư hỏng nghiêm trọng và phải rút lui về Funafuti ngày 23 tháng 11 để sửa chữa. Trong khi chiếc dịch Gilbert, chặng đầu tiên trên con đường chinh phục đến Nhật Bản tại Trung Thái Bình Dương đang tiếp diễn, Independence bị buộc phải quay về San Francisco vào ngày 2 tháng 1 năm 1944 để được sửa chữa triệt để.
Tái trang bị và huấn luyện hoạt động ban đêm
Chiếc tàu sân bay giờ đây trở thành kỳ cựu quay trở về Trân Châu Cảng ngày 3 tháng 7 năm 1944. Trong thời gian sửa chữa, con tàu được trang bị thêm một máy phóng, và sau khi đi đến vùng biển Hawaii, Independence bắt đầu huấn luyện để hoạt động ban đêm. Nó tiếp tục công việc tiền phong này từ ngày 24 đến ngày 29 tháng 8 ngoài khơi Eniwetok. Chiệc tàu cùng đội đặc nhiệm của nó khởi hành vào ngày 29 tháng 8 tham gia chiến dịch Palau và Trận Peleliu, nhằm mục đích củng cố các căn cứ vững chắc trước khi tiến hành đợt tấn công Philippines vào tháng 10. Independence thực hiện vai trò trinh sát và tuần tra chiến đấu trên không vào ban đêm để bảo vệ Lực lượng Đặc nhiệm 38 trong chiến dịch này.
Philippines
Vào tháng 9 năm 1944, Lực lượng Đặc nhiệm 38 thường xuyên thực hiện các cuộc không kích vào Philippines chuẩn bị cho việc chiếm đóng quần đảo này. Khi Nhật Bản không có hành động phản công nào đáng kể trong giai đoạn này, Independence chuyển sang các hoạt động thường xuyên ban ngày, tấn công vào các mục tiêu trên đảo Luzon. Sau khi được tiếp tế tại Ulithi vào đầu tháng 10, Lực lượng Đặc nhiệm 38 lên đường ngày 6 tháng 10 hướng đến Okinawa. Trong những ngày tiếp theo sau, các con tàu sân bay không kích Okinawa, Đài Loan và Philippines thể hiện khả năng di chuyển và cân bằng của hạm đội. Các đợt phản không trên không của Nhật bị đẩy lui, khi Independence còn hỗ trợ bảo vệ cho đội đặc nhiệm vào ban ngày ngoài việc thực hiện tuần tra chiến đấu và trinh sát vào ban đêm.Khi các đội đặc nhiệm tàu sân bay di chuyển đến phía Đông Philippines vào ngày 23 tháng 10, nó trở nên rõ ràng, như Đô đốc Robert Carney sau này nhớ lại, rằng "có cái gì đó với quy mô lớn sắp xảy ra". Đó chính là hạm đội Nhật Bản đang tiến đến gần với ba gọng kìm nhằm phản công lại cuộc đổ bộ của Mỹ tại vịnh Leyte. Trong quá trình Trận chiến biển Sibuyan diễn ra sau đó, máy bay xuất phát từ Đội đặc nhiệm 38.2 của Independence dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Bogan đã phát hiện lực lượng tấn công của Phó Đô đốc Takeo Kurita trong biển Sibuyan vào ngày 24 tháng 10. Máy bay của Independence và các tàu sân bay khác đã tung ra nhiều đợt tấn công liên tục, đánh chìm thiết giáp hạm khổng lồ Musashi và đánh hỏng một tàu tuần dương.Chiều tối hôm đó Đô đốc William Halsey ra một quyết định tai hại cho Lực lượng Đặc nhiệm 38 quay mũi hướng lên phía Bắc truy đuổi đội tàu sân bay của Đô đốc Jisaburo Ozawa. Những chiếc máy bay trinh sát bay đêm của Independence bắt gặp và tiếp tục theo dõi các tàu chiến Nhật Bản cho đến bình minh ngày 26 tháng 10, khi các tàu sân bay tung ra một đợt tấn công lớn. Trong phần thứ hai của Trận chiến vịnh Leyte vĩ đại này, cả bốn chiếc tàu sân bay Nhật Bản đều bị đánh chìm, trong khi các tàu chiến Mỹ có được một chiến thắng lớn tại Trận chiến eo biển Surigao và các tàu sân bay hộ tống Mỹ tí hon đã cầm cự được trước các tàu chiến hùng mạnh của Đô đốc Kurita trong Trận chiến ngoài khơi Samar. Sau trận đánh lớn này, vốn đặt một dấu chấm hết lớn cho mối đe dọa chính của Hải quân Nhật Bản, Independence tiếp tục tung máy bay trinh sát và tiêm kích tuần tra ban đêm để bảo vệ cho Lực lượng Đặc nhiệm38 tại Philippine. Trong các hoạt động này, chiếc tàu sân bay đã đóng góp phần đáng kể trong việc phát triển học thuyết về chiến thuật của đội đặc nhiệm tàu sân bay.Independence quay trở về Ulithi cho một đợt nghỉ ngơi và tiếp liệu đã bị trì hoãn khá lâu từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 11, nhưng không lâu sau lại phải lên đường hoạt động ngoài khơi Philippine trong các nhiệm vụ tấn công ban đêm và phòng vệ. Công việc này được tiếp tục cho đến ngày 30 tháng 12 năm 1944, khi lực lượng đặc nhiệm hùng mạnh lại rời Ulithi hướng lên phía Bắc một lần nữa. Từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 1 năm 1945, những chiếc tàu sân bay hỗ trợ cho việc đổ bộ lên Lingayen thuộc đảo Luzon, rồi sau đó Đô đốc Halsey táo bạo đưa hạm đội của ông đột kích vào biển Nam Trung Quốc. Trong những ngày sau đó, máy bay của Lực lượng Đặc nhiệm tấn công các sân bay trên đảo Đài Loan và dọc theo bờ biển Đông Dương và Trung Quốc. Các hoạt động này nhằm hỗ trợ cho chiến dịch Philippine, nhưng cũng kết thúc một giai đoạn hoạt động ban đêm của con tàu sân bay, và Independence lên đường ngày 30 tháng 1 năm 1945 quay về Trân Châu Cảng để sửa chữa.
Okinawa
Independence quay trở về Ulithi ngày 13 tháng 3 năm 1945 rồi lại khởi hành ngay ngày hôm sau để tiến hành chiến dịch không kích Okinawa, mục tiêu cuối cùng tại Thái Bình Dương trước khi đến lượt bản thân Nhật Bản. Chiếc tàu sân bay thực hiện đợt không kích chuẩn bị cho cuộc chiếm đóng từ ngày 30 đến ngày 31 tháng 3, và sau khi cuộc đổ bộ diễn ra vào ngày 1 tháng 4, nó tuần tra ngoài khơi hòn đảo tung máy bay tuần tra chiến đấu trên không và không kích hỗ trợ mặt đất. Máy bay của nó đã bắn rơi nhiều máy bay đối phương trong những nỗ lực vô vọng của Nhật Bản nhằm phản công vào lực lượng đổ bộ. ở lại ngoài khơi Okinawa cho đến ngày 10 tháng 6 khi nó lên đường quay về Leyte.Trong tháng 7 và tháng 8, Independence tham gia các đợt tấn công bằng tàu sân bay cuối cùng xuống chính quốc Nhật Bản, đánh thẳng vào tinh thần chiến đấu của binh lính đối phương. Sau khi chiến tranh kết thúc vào ngày 15 tháng 8, máy bay của Independence tiếp tục các phi vụ trinh sát bên trên chính quốc Nhật Bản nhằm phát hiện các trại tập trung tù binh cũng như hỗ trợ cho việc độ bộ lực lượng chiếm đóng Đồng Minh. Chiếc tàu sân bay rời Tokyo ngày 22 tháng 9 năm 1945, đi ngang qua Saipan và Guam trước khi về đến San Francisco ngày 31 tháng 10 năm 1945.
Thử nghiệm bom nguyên tử trên đảo san hô Bikini
Independence tham gia vào Chiến dịch Magic Carpet chuyên chở các cựu chiến binh quay trở về Hoa Kỳ, bắt đầu từ ngày 15 tháng 11 năm 1945 cho đến khi nó quay về San Francisco ngày 28 tháng 1 năm 1946. Được chỉ định làm một tàu mục tiêu cho cuộc thử nghiệm bom nguyên tử tại Bikini ngày 1 tháng 7, nó được đặt cách tâm điểm vụ nổ 2,4 km (1,5 dặm). Tuy nhiên, chiếc tàu chiến kỳ cựu đã không bị chìm, cho dù ống khói và đảo cấu trúc thượng tầng bị sụp đổ do vụ nổ; và sau khi tham gia vào một vụ nổ thử nghiệm thứ hai vào ngày 25 tháng 7 mà vẫn sống sót, nó được kéo về Kwajalein và được cho ngừng hoạt động vào ngày 28 tháng 8 năm 1946. Thân tàu bị nhiễm phóng xạ nặng sau đó được đưa về Trân Châu Cảng và San Francisco để tiếp tục khảo sát, và cuối cùng nó bị đánh đắm ngoài khơi vùng biển San Francisco, California vào ngày 29 tháng 1 năm 1951. Những cuộc tranh cãi sau đó đã nổ ra về việc đánh chìm Independence, xoay quanh việc dư luận cho rằng nó đã được chất lên các thùng chứa chất thải phóng xạ vào lúc nó được đánh chìm, và các chất thải này đã gây hại cho môi trường sinh sống hoang dã và ảnh hưởng đến công nghiệp đánh cá của quần đảo Farallon.[
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 11 tháng 4 năm 1942
Hạ thủy: 22 tháng 5 năm 1943
Đỡ đầu:
Hoạt động: 31 tháng 8 năm 1943
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ năm 1964
Ngừng hoạt động: 11 tháng 2 năm 1947
Xóa đăng bạ:
Tặng thưởng: 9 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 57,5 km/h (31 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
USS Langley (CVL-27) là một tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp Independence từng phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1943 đến năm 1947, và trong Hải quân Pháp dưới cái tên La Fayette từ năm 1951 đến năm 1963.
Thiết kế và chế tạo
Langley được chế tạo tại Camden, New Jersey. Nguyên nó được đặt hàng như chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ USS Fargo (CL-85), nhưng vào lúc được đặt lườn vào tháng 4 năm 1942, nó được thiết kế lại thành một tàu sân bay, sử dụng động cơ và thân tàu nguyên thủy của chiếc tàu tuần dương. Tên được đặt theo Samuel Pierpont Langley, nhà khoa học và là một người tiên phong trong lĩnh vực hàng không Hoa Kỳ, CVL-27 tiếp nối cái tên và truyền thống của Langley (CV-1), chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ, đã bị đánh chìm vào ngày 27 tháng 2 năm 1942 tại Đông Ấn thuộc Hà Lan. Langley được đưa ra hoạt động vào tháng 8 năm 1943.
Lịch sử hoạt động
Langley được đưa đến Mặt trận Thái Bình Dương vào cuối năm 1943 và bắt đầu tham gia Thế chiến II trong chiến dịch quần đảo Marshall trong tháng 1 và tháng 2 năm 1944. Trong bốn tháng tiếp theo sau, máy bay của nó tấn công các căn cứ Nhật Bản tại khu vực Trung Thái Bình Dương và phía Tây New Guinea. Vào tháng 6 năm 1944, chiếc tàu sân bay tham gia các đợt tấn công tại Mariana và trong Trận chiến biển Philippine.Langley tiếp tục vai trò trong chiến tranh của nó suốt phần còn lại của năm 1944, tham gia chiến dịch Palaus, thực hiện các cuộc không kích lên Philippine, Đài Loan và quần đảo Ryukyu, và tham gia trận chiến vịnh Leyte. Từ tháng 1 đến tháng 2 năm 1945, chiếc tàu sân bay là một thành phần của Đệ Tam hạm đội xâm nhập vào biển Nam Trung Quốc, tham gia cuộc không kích quy mô lớn đầu tiên lên các hòn đảo chính quốc Nhật Bản và tấn công lên đảo Iwo Jima. Nhiều hoạt động tác chiến khác được tiếp nối trong tháng 3 và tháng 4 năm 1945, khi máy bay của nó tấn công các mục tiêu tại Nhật Bản và hỗ trợ các hoạt động tại Okinawa. Được cho đại tu tại Mỹ trong tháng 6 và tháng 7 năm 1945, chiếc tàu sân bay vẫn còn đang trên đường quay trở lại chiến trường Thái Bình Dươing khi chiến tranh kết thúc vào tháng 8.Sau các đợt vận chuyển cựu chiến binh tại Thái Bình Dương về nước, Langley chuyển sang Đại Tây Dương, nơi nó thực hiện những nhiệm vụ tương tự từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 1 năm 1946. Bị bỏ không tại Philadelphia, Pennsylvania suốt thời gian còn lại của năm 1946, chiếc tàu sân bay được cho ngừng hoạt động vào tháng 2 năm 1947.Langley được đưa ra khỏi lực lượng dự bị vào đầu năm 1951, được tân trang rồi được chuyển cho Pháp trong chương trình Trợ giúp Phòng thủ Tương hỗ. Sau hơn một thập niên phục vụ cho Hải quân Pháp dưới tên gọi La Fayette, nó được hoàn trả cho Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1963 và được bán để tháo dỡ một năm sau đó.[1]Langley được tặng thưởng chín Ngôi sao Chiến đấu do thành tích phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 29 tháng 12 năm 1941
Hạ thủy: 28 tháng 2 năm 1943
Đỡ đầu: P.N.L. Bellinger
Hoạt động: 17 tháng 6 năm 1943
15 tháng 9 năm 1950
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ tháng 5 năm 1971
Xếp lại lớp: AVT-2 (tàu vận chuyển máy bay): 15 tháng 5 năm 1959
Ngừng hoạt động: 11 tháng 2 năm 1947
16 tháng 1 năm 1956
Xóa đăng bạ:
Tặng thưởng: 11 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 57,5 km/h (31 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h (13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm
20 × pháo phòng không Oerlikon 20 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
USS Monterey (CVL-26) là một tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp Independence của Hải quân Hoa Kỳ được đưa ra hoạt động trong Thế Chiến II. Sang giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên, nó được sử dụng để huấn luyện trong nhiều năm trước khi được cho ngưng hoạt động vào năm 1956 và bị tháo dỡ vào năm 1971.
Thiết kế và chế tạo
Nguyên được đặt lườn như tàu tuần dương hạng nhẹ Dayton (CL-78) vào ngày 29 tháng 12 năm 1941 bởi hãng New York Shipbuilding tại Camden, New Jersey, con tàu được cải biến thành tàu sân bay với ký hiệu CV-26 vào ngày 27 tháng 3 năm 1942 và được đổi tên thành Monterey bốn ngày sau đó; được hạ thủy vào ngày 28 tháng 2 năm 1943 dưới sự đỡ đầu của Bà P.N.L. Bellinger; và đưa vào hoạt động ngày 17 tháng 6 năm 1943 dưới quyền chỉ huy của Đại tá hải quân Lestor T. Hundt.
Lịch sử hoạt động
Thế Chiến II
Monterey được xếp lại lớp với ký hiệu CVL-26 vào ngày 15 tháng 7 năm 1943, không lâu sau khi được đưa vào hoạt động, và sau chuyến đi chạy thử máy, đã rời Philadelphia hướng sang Thái Bình Dương. Nó đi đến quần đảo Gilbert vào ngày 19 tháng 11 năm 1943, vừa kịp lúc để giúp cũng cố đảo Makin. Chiếc tàu sân bay, trong thành phần của Đội đặc nhiệm 37.2, tham gia đợt không kích lên Kavieng, New Ireland vào ngày 25 tháng 12 và hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Kwajalein và Eniwetok cho đến ngày 8 tháng 2 năm 1944. Sau đó Monterey hoạt động cùng lực lượng tàu sân bay nhanh của Lực lượng Đặc nhiệm 58 trong các cuộc không kích lên quần đảo Caroline, quần đảo Mariana, bắc New Guinea và quần đảo Bonin từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1944. Trong thời gian này chiếc t̀au sân bay đã tham gia Trận chiến biển Philippine vào các ngày 29 và 30 tháng 4 năm 1944.Sau đó Monterey quay về Trân Châu Cảng để đại tu, rồi lại khởi hành vào ngày 29 tháng 8 năm 1944. Nó tung ra các cuộc không kích lên đảo Wake vào ngày 3 tháng 9, rồi gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 38 để tham gia các cuộc tấn công lên phần phía Nam của Philippine và quần đảo Ryukyus. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1944, nó ở lại Philippine, thoạt tiên hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên đảo Leyte, rồi sau đó là Mindoro.Cho dù máy bay đối phương không thể gây hư hại gì cho Monterey, nó cũng bị hư hỏng sau đúng một năm phục vụ. Vào tháng 12 năm 1944, nó bị lọt ngay vào đường đi của cơn bão Cobra, với sức gió lên đến trên 180 km/h (100 knot). Vào lúc cao điểm của trận bão, vốn kéo dài đến hai ngày, nhiều máy bay bị giật đứt các dây neo cột và đâm vào nhau gây ra nhiều đám cháy trong sàn chứa máy bay. Trong trận bão, Tổng thống tương lai Gerald Ford, lúc đó là một Trung úy đang phục vụ trên con tàu, suýt bị cuốn rơi xuống biển. Sau đó, tình nguyện dẫn đầu một nhóm chữa cháy dưới hầm tàu, Ford và nhóm của ông đã chiến đấu dập lửa suốt đêm chống lại các đám cháy đang đe dọa con tàu.[1]Monterey quay về Bremerton, Washington để đại tu vào tháng 1 năm 1945. Sau đó nó lại gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 58 và hỗ trợ cho các hoạt động tại Okinawa khi tung ra các đợt không kích xuống Nansei Shoto và Kyūshū từ ngày 9 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 1945. Sau đó chiếc tàu sân bay được phân về Lực lượng Đặc nhiệm 38 tham gia các đợt không kích cuối cùng xuống Honshū và Hokkaidō từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945.
Sau chiến tranh
Sau khi chiến tranh kết thúc, Monterey rời vùng biển Nhật Bản vào ngày 7 tháng 9, nhận lên tàu các quân nhân hồi hương tại Tokyo và quay về nhà, về đến New York ngày 17 tháng 10 năm 1945. Monterey để lại sau lưng một chiến tích lẫy lừng, với năm tàu đối phương bị đánh chìm và gây hư hại cho nhiều tàu bè khác, phá hủy nhiều ngàn tấn tải trọng tàu Nhật, hàng trăm máy bay cùng các trung tâm công nghiệp sống còn của Nhật. Sau đó, nó tham gia Chiến dịch "Magic Carpet", những chuyến đi hồi hương các quân nhân Hoa Kỳ chiến đấu tại Châu Âu giữa Naples và Norfolk. Nó được cho ngừng hoạt động vào ngày 11 tháng 2 năm 1947, và được phân về Hạm đội Dự bị Đại Tây Dương thuộc nhóm Philadelphia.
Chiến tranh Triều Tiên và sau đó
Với việc bùng nổ chiến sự khai mào cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Monterey được đưa ra hoạt động trở lại vào ngày 15 tháng 9 năm 1950. Chiếc tàu sân bay rời Norfolk ngày 3 tháng 1 năm 1951 đi đến Pensacola, Florida, nơi nó hoạt động trong bốn năm tiếp theo sau đó. Trực thuộc Bộ chỉ huy Huấn luyện hải quân, Monterey tham gia huấn luyện cho hàng ngàn thành viên đội bay và phi công cho cả máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng. Từ ngày 1 đến ngày 11 tháng 10 năm 1954, nó tham gia một chiến dịch cứu nạn lũ lụt tại Honduras. Chiếc tàu sân bay rời Pensacola ngày 9 tháng 6 năm 1955 để quay về hạm đội dự bị. Nó được cho ngừng hoạt động vào ngày 16 tháng 1 năm 1956. Trong khi đang ở lực lượng dự bị tại Philadelphia, nó được xếp lại lớp thành một tàu vận chuyển máy bay AVT-2 vào ngày 15 tháng 5 năm 1959, và cuối cùng được bán để tháo dỡ vào tháng 5 năm 1971.
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 2 tháng 6 năm 1941
Hạ thủy: 18 tháng 10 năm 1942
Đỡ đầu: Margaret Dodds
Hoạt động: 25 tháng 2 năm 1943
Bị mất: Bị đánh chìm ngày 24 tháng 10 năm 1944 trong trận chiến vịnh Leyte
Xóa đăng bạ:
Tặng thưởng: 9 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 57,5 km/h (31 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 22 × pháo phòng không Bofors 40 mm
16 × pháo Oerlikon 20 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
USS Princeton (CVL-23) là một tàu sân bay hạng nhẹ của Hải quân Hoa Kỳ thuộc lớp Independence được đưa ra hoạt động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó là chiếc tàu chiến thứ tư của Hải quân Mỹ mang cái tên này, và đã bị mất trong trận chiến vịnh Leyte năm 1944.
Thiết kế và chế tạo
Chiếc tàu sân bay ban đầu được đặt lườn như tàu tuần dương hạng nhẹ Tallahassee (CL-61) thuộc lớp Cleveland bởi hãng New York Shipbuilding Corporation tại Camden, New Jersey vào ngày 2 tháng 6 năm 1941. Đang khi chế tạo, nó được xếp lại lớp thành một tàu sân bay (CV-23) thuộc lớp Independence vào ngày 16 tháng 2 năm 1942, được đổi tên thành Princeton vào ngày 31 tháng 3 năm 1942, được hạ thủy vào ngày 18 tháng 10 năm 1942, được đỡ đầu bởi bà Margaret Dodds, phu nhân Chủ tịch Đại học Princeton Harold Dodds, và được đưa vào hoạt động tại Philadelphia ngày 25 tháng 2 năm 1943 dưới quyền chỉ huy của Đại tá George R. Henderson.
Lịch sử hoạt động
Sau chuyến đi chạy thử máy tại vùng biển Caribbe, và được xếp lại lớp thành tàu sân bay hạng nhẹ ký hiệu CVL-23 vào ngày 15 tháng 7 năm 1943, Princeton, cùng với Liên đội Không quân 23 được phối thuộc, lên đường tham gia Mặt trận Thái Bình Dương. Đi đến Trân Châu Cảng ngày 9 tháng 8, nó khởi hành cùng Lực lượng Đặc nhiệm 11 vào ngày 25 tháng 8 hướng đến đảo Baker. Tại đây nó phục vụ như là soái hạm của Đội đặc nhiệm 11.2 và hỗ trợ trên không từ ngày 1 đến ngày 14 tháng 9 cho cuộc chiếm đóng hòn đảo này cũng như việc xây dựng một sân bay tại đây. Trong thời gian này, máy bay của nó đã bắn rơi được một chiếc thủy phi cơ trinh sát Kawanishi H8K Emily , nhưng quan trọng hơn là họ đã cung cấp cho hạm đội những hình ảnh về kiểu máy bay này.Hoàn thành nhiệm vụ nói trên, Princeton gặp gỡ Lực lượng Đặc nhiệm 15, thực hiện các cuộc không kích vào căn cứ đối phương trên các đảo Makin và Tarawa, rồi quay về Trân Châu Cảng. Vào giữa tháng 10, nó di chuyển về phía Espiritu Santo nơi nó gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 38 (tàu sân bay nhanh) vào ngày 20 tháng 10. Cùng với lực lượng này, nó tung máy bay của nó ra tấn công các sân bay tại đảo Buka và Bonis trên đảo Bougainville trong các ngày 1 và 2 tháng 11 để giảm thiểu sự kháng cự bằng không quân Nhật Bản trong cuộc đổ bộ lên vịnh Hoàng đế Augusta. Vào các ngày 5 và 11 tháng 11, máy bay của nó đã không kích vào Rabaul, và vào ngày 19 tháng 11, cùng với Lực lượng Đặc nhiệm 50, nó đã giúp vô hiệu hóa sân bay tại Nauru. Sau đó Princeton di chuyển về hướng Đông Bắc, hỗ trợ cho lực lượng trên đường đến Makin và Tarawa, rồi sau khi trao đổi các máy bay còn hoạt động được cho những chiếc bị hư hại từ các tàu sân bay khác, nó quay về Trân Châu Cảng và bờ Tây Hoa Kỳ.Sau khi được tái trang bị tại Bremerton, Washington, ngày 3 tháng 1 năm 1944, Princeton lên đường hướng về phía Tây. Tại Trân Châu Cảng, nó lại gia nhập lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay nhanh 50, giờ đây được đổi tên thành Lực lượng Đặc nhiệm 58. Vào ngày 19 tháng 1, nó khởi hành cùng Đội đặc nhiệm 58.4 tấn công vào Wotje và Taroa từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 1 để hỗ trợ cho các chiến dịch đổ bộ lên Kwajalein và Majuro. Ngày 2 tháng 2, máy bay của nó tiến hành trinh sát chụp ảnh mục tiêu tấn công tiếp theo là Eniwetok, rồi vào ngày 3 tháng 2 quay lại đó với một nhiệm vụ phá phách hơn: vô hiệu hóa sân bay tại Engebi. Trong ba ngày, đảo san hô bị ném bom và bắn phá. Vào ngày 7 tháng 2, Princeton rút lui về Kwajalein để rồi từ ngày 10 đến ngày 13 và từ ngày 16 đến ngày 28 tháng 2, quay trở lại Eniwetok và tung máy bay của nó ra tấn công hệ thống phòng ngự dọn đường cho lực lượng đổ bộ, rồi hỗ trợ trên không cho cuộc tấn công và cuộc chiến diễn ra sau đó.Từ Eniwetok, Princeton rút lui về Majuro, rồi quay về Espiritu Santo để được tiếp liệu. Vào ngày 23 tháng 3, nó lên đường tấn công các căn cứ và tàu bè đối phương tại quần đảo Caroline. Sau các đợt không kích nhắm vào Palau, Woleai và Yap, lực lượng được tiếp liệu tại Majuro và lại khởi hành vào ngày 13 tháng 4 hướng về phía New Guinea. Những chiếc tàu sân bay đã hỗ trợ trên không cho Chiến dịch Hollandia từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 4, rồi quay về tấn công Truk trong các ngày 29 và 30 tháng 4 và Ponape vào ngày 1 tháng 5.Ngày 11 tháng 5, Princeton quay về Trân Châu Cảng để rồi lại khởi hành vào ngày 29 tháng 5 hướng đến Majuro. Tại đây nó lại gia nhập lực lượng tàu sân bay nhanh để hướng đến quần đảo Mariana hỗ trợ cuộc tấn công lên đảo Saipan. Từ ngày 11 đến ngày 18 tháng 6, nó tung máy bay ra tấn công mục tiêu trên các đảo Guam, Rota, Tinian, Pagan và Saipan, rồi di chuyển về hướng Tây đánh chặn Hạm đội Nhật được báo cáo làđang trên đường từ Philippine đến Mariana. Trong Trận chiến biển Philippine diễn ra sau đó, máy bay của Princeton tiêu diệt được 30 máy bay đối phương, trong khi các xạ thủ trên tàu ghi thêm được 3 chiến công và 1 hỗ trợ, góp phần đánh bại không lực của Hải quân Đế quốc Nhật Bản.Quay trở về quần đảo Mariana, Princeton một lần nữa tung ra không kích nhắm vào Pagan, Rota và Guam. Sau khi được nghỉ ngơi và tiếp liệu tại Eniwetok, vào ngày 14 tháng 7, nó lại lên đường khi các tàu sân bay nhanh quay độ hình đến quần đảo Mariana hỗ trợ trên không cho cuộc tấn công chiếm đóng Guam và Tinian. Vào ngày 2 tháng 8, lực lượng quay trở về Eniwetok, được tiếp liệu, rồi sau đó khởi hành đi Philippine. Trên đường đi, máy bay của nó không kích Palaus, sau đó trong các ngày 9 và 10 tháng 9, tấn công các sân bay phía Bắc đảo Mindanao. Sang ngày 11 tháng 9, chúng tấn công Visayas. Đến giữa tháng, lực lượng quay trở lại khu vực Trung Thái Bình Dương hỗ trợ cho cuộc tấn công Palau, sau đó quay trở về Philippine không kích vào đảo Luzon, chủ yếu tập trung vào các sân bay Clark và Nichols. Sau đó lực lượng rút lui về Ulithi, và vào đầu tháng 10, ném bom và bắn phá sân bay, căn cứ và tàu bè đối phương tại khu vực Nansei Shoto và Đài Loan nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Philippine.
Bị mất
Vào ngày 20 tháng 10 năm 1944, các cuộc đổ bộ được thực hiện tại Dulag và vịnh San Pedro thuộc đảo Leyte. Princeton, trong thành phần của Đội đặc nhiệm 38.3, tuần tra ngoài khơi bờ biển Luzon và tung máy bay của nó ra tấn công các sân bay Nhật trên đảo nhằm ngăn chặn chúng có thể gây hại cho tàu bè Đồng Minh đang tập trung tại vịnh Leyte. Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 10, đội đặc nhiệm bị máy bay đối phương tại các căn cứ Clark và Nichols phát hiện. Ngay trước 10 giờ 00, Princeton bị một máy bay ném bom bổ nhào lẻ loi của đối phương tấn công. Chiếc máy bay phóng ra một quả bom duy nhất, đánh trúng chiếc tàu sân bay giữa hai thang nâng, đâm xuyên qua sàn đáp và sàn chứa máy bay trước khi phát nổ.Một đám cháy phát ra do vụ nổ của quả bom rồi nhanh chóng tràn lan và gây thêm các vụ nổ khác. Những chiếc tàu chiến khác tiến đến gần để giúp đỡ. Tàu khu trục Irwin tiến đến gần cố gắng dập lửa phần phía trước của sàn chứa máy bay; chiếc tàu tuần dương Birmingham cũng giúp đỡ vào việc chữa cháy.Lúc 15 giờ 24 phút, một vụ nổ thứ hai lớn hơn gây chấn động cho cả chiến Princeton, có thể do phát nổ một hoặc nhiều quả bom trong hầm đạn. Chiếc Birmingham bị hư hại nặng do vụ nổ này và chịu nhiều tổn thất nhân mạng. Irwin cũng bị hư hại nhưng tiế̃p tục áp sát và thả các bè cứu sinh để cứu vớt những người sống sót trên mặt biển. Irwin đã vớt được 646 thành viên thủy thủ đoàn của chiếc Princeton; chiếc tàu sau đó nhận được danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Hải quân do các hoạt động trợ giúp quên mình bất chấp nguy cơ bi nổ.Các nỗ lực nhằm cứu con tàu vẫn được tiếp tục, nhưng đến 16 giờ 00 các đám cháy hoàn toàn không thể kiểm soát được. Những người còn lại được cho di tản, và đến 17 giờ 06 phút, Irwin được lệnh phóng hai quả ngư lôi vào thân con tàu đang bừng cháy. Tuy nhiên, Irwin phải từ bỏ nỗ lực này do ống phóng ngư lôi của nó bị hỏng, và nhiệm vụ trên được giao lại cho tàu tuần dương Reno lúc 17 giờ 46 phút. Ba phút sau, một tiếng nổ còn lớn hơn nữa xảy ra trên chiếc Princeton, phá hủy toàn bộ phần phía trước của con tàu, bắn tung các cột lửa và mảnh vụn lên cao 300 - 600 m (1000-2000 ft); phần đuôi tàu chìm xuống biển lúc 17 giờ 50 phút ở tọa độ 15°21′N 123°31′E108 thành viên thủy thủ đoàn Princeton thiệt mạng trong trận tấn công này, bao gồm 10 sĩ quan và 98 thủy thủ; 1.361 người còn lại được cứu thoát. Ngoài ra, các con tàu trợ giúp cũng bị hư hỏng và tổn thất:Tàu tuần dương Birmingham: 85 người thiệt mạng, 300 người bị thương, bị hỏng nặng cấu trúc thượng tầng, và thiệt hại 2 pháo 127 mm (5 inch), 2 pháo 40 mm và 2 pháo 20 mm. Tàu khu trục Morrison: hỏng cột buồm trước, hư hại hông mạn trái.Tàu khu trục Irwin: hỏng pháo 127 mm (5 inch) phía trước, hư hại hông mạn phải. Tàu tuần dương Reno: hỏng một khẩu đội pháo 40mm. Đại tá John M. Hoskins vốn đang tạm quyền chỉ huy con tàu CVL-23 cũng được giải cứu, nhưng bị mất chân bên phải. Sau này ông trở thành Thuyền trưởng đầu tiên của chiếc Princeton thứ năm (CV-37), được hạ thủy để thay thế vào năm 1945.Chiến sĩ Công binh R. Gallatin mười chín tuổi sau này nhớ lại: "Nhiều người đã bị chìm xuống đáy biển theo chiếc USS Princeton, đã không ai biết đến chuyện đó. Dù sao, thật là một điều kỳ diệu là nhiều người đã được cứu thoát như tôi đây. Con tàu quả là một địa ngục rực lửa!"
Lớp tàu: Lớp tàu sân bay Independence
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Co.
Đặt lườn: 26 tháng 10 năm 1942
Hạ thủy: 26 tháng 9 năm 1943
Đỡ đầu: Mary Gibbs Jones
Hoạt động: 15 tháng 11 năm 1943
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ ngày 15 tháng 12 năm 1971
Xếp lại lớp: Tàu vận chuyển máy bay phụ trợ (AVT-5): 15 tháng 5 năm 1959
Ngừng hoạt động: 1 tháng 3 năm 1947
Xóa đăng bạ: 1 tháng 6 năm 1970
Tặng thưởng: 5 Ngôi sao Chiến đấu
Đơn vị Tuyên dương Tổng thống
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 10.662 tấn (tiêu chuẩn); 14.751 tấn (đầy tải)
Chiều dài: 183 m (600 ft) mực nước; 190 m (622 ft 6 in) tối đa
Mạn thuyền: 21,8 m (71 ft 6 in) mực nước; 33,3 m (109 ft 2 in) tối đa
Tầm nước: 7,9 m (26 ft)
Lực đẩy: General Electric
4 nồi hơi, 4 trục
công suất 100.000 mã lực (80 MW)
Tốc độ: 57,5 km/h (31 knot)
Tầm xa: 24.000 km ở tốc độ 28 km/h
(13.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 1.569
Vũ khí: 26 × pháo phòng không Bofors 40 mm
40 × pháo Oerlikon 20 mm
Vỏ giáp: đai giáp 38 đến 127 mm (1,5 đến 5 inch)
sàn đáp chính 76 mm (3 inch)
cầu tàu 10 mm (0,38 inch)
Máy bay: cho đến 45 máy bay
USS San Jacinto (CVL-30) là một tàu sân bay hạng nhẹ của Hải quân Hoa Kỳ thuộc lớp Independence, và là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Mỹ mang cái tên này. Hoạt động tại Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến II, nó tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, kể cả trận chiến biển Philippine và Hải chiến vịnh Leyte.Nó được cho ngừng hoạt động vào năm 1947, và được bán để tháo dỡ vào năm 1971.
Thiết kế và chế tạo
Ban đầu được đặt lườn vào ngày 26 tháng 10 năm 1942 bởi hãng New York Shipbuilding Co. tại Camden, New Jersey như chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Newark (CL-100); nó được đổi số hiệu thành CV-30 và đổi tên thành Reprisal vào ngày 2 tháng 6 năm 1942; được đổi tên thành San Jacinto vào ngày 30 tháng 1 năm 1943. Nó được cải biến thành một tàu sân bay hạng nhẹ trong khi đang được chế tạo, và được xếp lại lớp thành số hiệu CVL-30. San Jacinto được hạ thủy vào ngày 26 tháng 9 năm 1943, được đỡ đầu bởi Mary Gibbs Jones, và được đưa vào hoạt động ngày 15 tháng 11 năm 1943 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Harold M. Martin.
Lịch sử hoạt động
Chạy thử máy và các hoạt động ban đầu
Sau các hoạt động thử máy tại vùng biển Caribbe, San Jacinto lên đường đi đến khu vực chiến sự Thái Bình Dương ngang qua kênh đào Panama Canal, San Diego và Trân Châu Cảng. Khi đến Majuro thuộc quần đảo Marshall, nó trở thành soái hạm của Lực lượng Đặc nhiệm TF58/TF38 đang ngày càng lớn mạnh của Phó Đô đốc Marc A. Mitscher, một lực lượng tàu sân bay nhanh tấn công của Hạm đội Thái Bình Dương. Tại đây, San Jacinto nhận lên tàu Liên đội Không lực 51, đơn vị mà những chiếc máy bay tiêm kích và máy bay ném ngư lôi trở thành những vũ khí chủ yếu của con tàu trong chiến đấu.
Chiến dịch Marianas
Sau khi đảm trách vai trò trinh sát và tuần tra bảo vệ các tàu sân bay khác tấn công lên đảo Wake và quần đảo Marcus, ngày 5 tháng 6 năm 1944, San Jacinto sẵn sàng tham gia vào hoạt động hạm đội lớn nhất kể từ Trận Midway, diễn ra đúng hai năm trước đó. Ngày hôm đó, Lực lượng Đặc nhiệm 58 rời Majuro hướng đến quần đảo Mariana thực hiện các cuộc không kích chuẩn bị cho việc Mỹ đổ bộ chiếm đóng Saipan và cũng để bảo vệ lực lượng đổ bộ khỏi các cuộc tấn công của không lực và hạm đội đối phương.Đòn tấn công của Mỹ đã dấy nên một phản ứng mạnh mẻ của quân Nhật. Ngày 19 tháng 6 năm 1944, Hạm đội Liên hợp Nhật Bản tung ra hơn 400 máy bay chống lại lực lượng đổ bộ và lực lượng tàu sân bay theo hộ tống. Trong trận không chiến diễn ra sau đó, vốn được phi công Mỹ đặt tên là "Cuộc bắn gà Marianas", hơn 300 máy bay đối phương đã bị bắn hạ. Trong khi máy bay của San Jacinto ghi được những chiến tích mang tính một chiều, các xạ thủ của nó cũng giúp vào việc bắn hạ một số ít những kẻ tấn công tìm cách đến được gần các tàu chiến Mỹ. Sau đó, vào xế chiều, Đô đốc Mitscher tung ra đợt không kích vào hạm đội đối phương đang tháo lui. Việc thu hồi những chiếc máy bay quay trở về vào ban đêm được hoàn thành cho dù có một số việc lộn xộn. Báo cáo cho biết một máy bay Nhật xuất phát từ tàu sân bay đã tìm cách hạ cánh trên chiếc San Jacinto, và chỉ bị sĩ quan Mỹ phụ trách tín hiệu hạ cánh đuổi đi do chưa hạ móc hãm.Sau đó San Jacinto tham gia các cuộc không kích vào các đảo Rota và Guam cũng như hoạt động tuần tra chiến đấu trên không (CAP) và tuần tra chống tàu ngầm (ASP) cho đội đặc nhiệm của nó. Trong đợt không kích này, một phi công tiêm kích của chiếc San Jacinto bị bắn rơi bên trên bầu trời Guam và đã trải qua 17 ngày trên bè cứu sinh và 16 đêm ẩn náu trên đảo.Sau chặng dừng chân tiếp liệu tại đảo san hô Eniwetok, vào ngày 15 tháng 7 năm 1944, San Jacinto tham gia các cuộc hông kích nhắm vào Palau. Đến ngày 5 tháng 8, mục tiêu của nó là các đảo Chichi Jima, Haha Jima và Iwo Jima. Chiếc tàu sân bay dừng một chặng ngắn tại Eniwetok trước khi thực hiện tuần tra chiến đấu trên không và tuần tra chống tàu ngầm từ sáng sớm đến chiều tối trong khi các tàu sân bay khác tấn công Yap, Ulithi, Anguar và Babelthuap, ghìm chân lực lượng không quân Nhật trong khi Palau bị tấn công vào ngày 15 tháng 9.Ngày 2 tháng 9, một trong những chiếc TBF Grumman Avenger của con tàu bị bắn rơi trong không phận của đối phương, và phi công của nó chính là Tổng thống tương lai George H.W.Bush, bị buộc phải nhảy dù xuống biển và được một tàu ngầm Mỹ cứu thoát.[1] Cả hai đồng đội của ông đều thiệt mạng, nhưng do đã xoay sở cắt thả bom trước khi thoát ra khỏi máy bay, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chữ thập bay Dũng cảm [2].Sau một đợt nghỉ ngơi tiếp liệu tại Manus thuộc quần đảo Admiralty, San Jacinto tham gia không kích xuống Okinawa đồng thời thực hiện trinh sát hình ảnh nhằm thu thập thôngtin chuẩn bị cho kế hoạch xâm chiếm nơi này trong tương lai. Sau khi được tiếp nhiên liệu ngoài biển, một lần nữa chiếc tàu sân bay thực hiện việc bảo vệ trên không suốt ngày trong khi các tàu sân bay khác không kích Đài Loan, phía Bắc đảo Luzon và khu vực vịnh Manila từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 10. Sau một phi vụ thực hiện vào ngày 17 tháng 10, một chiếc máy bay tiêm kích quay trở về tàu đã hạ cánh quá mạnh và tình cờ khai hỏa các khẩu súng máy của nó vào đảo cấu trúc thượng tầng của con tàu, làm thiệt mạng hai người và bị thương 24, trong đó có chỉ huy con tàu, cũng như gây hư hỏng đáng kể cho hệ thống radar. Dù vậy, San Jacinto vẫn còn đủ khả năng chiến đấu.
Philippines
Khi lực lượng Hoa Kỳ đổ bộ lên Leyte thuộc miền Trung Philippines vào ngày 20 tháng 10 năm 1944, San Jacinto thực hiện việc hỗ trợ trên không gần mặt đất. Vào ngày 24 tháng 10, nhiệm vụ này bị cắt ngang do tin tức về ba mũi gọng kìm của Hải quân Nhật Bản đang tiến đến gần để phản công, trở thành trận chiến vịnh Leyte, trận hải chiến lớn nhất của Đệ nhị thế chiến.San Jacinto đã tung máy bay của nó tấn công vào "Lực lượng Trung Tâm" Nhật Bản trong Trận chiến biển Sibuyan, rồi sau đó vội vã hướng lên phía Bắc truy đuổi "Lực lượng phía Bắc", gây thiệt hại nặng cho các tàu sân bay cùng lực lượng tàu nổi Nhật Bản trong Trận chiến mũi Engano. Vào ngày 30 tháng 10, máy bay của nó hỗ trợ trên không cho lực lượng tại Leyte trong khi hỏa lực phòng không bắn rơi hai máy bay mưu toan tấn công tự sát nhắm vào chiếc tàu sân bay. Sau một chặng nghỉ tại Ulithi, San Jacinto tham gia không kích tại khu vực vịnh Manila; rồi thực hiện chuyến đi đến Guam để thay phiên lực lượng không quân phối thuộc, nhận lên tàu Liên đội Không lực 45. Nó bị hư hỏng nhẹ sau khi chịu đựng một cơn bão vào tháng 12 năm 1944.Sau khi hoàn tất việc sửa chữa tại Ulithi, San Jacinto đi cùng lực lượng tàu sân bay nhanh tiến vào biển Nam Trung Quốc và tung ra các đợt không kích nặng nề nhắm vào các sân bay tại Đài Loan và tàu bè tại vịnh Cam Ranh thuộc Đông Dương và Hong Kong. Sau khi được tiếp liệu ngoài khơi, Lực lượng Đặc nhiệm 38 đã có thể tiếp tục gây áp lực mạnh lên đối phương đồng thời hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Luzon bằng các đợt không kích nhắm vào quần đảo Ryukyu.
Tấn công Nhật Bản
Kế tiếp, San Jacinto tham gia cuộc tấn công đầu tiên bởi các tàu sân bay vào các đảo chính quốc Nhật Bản. Trong đợt không kích vào các ngày 16 và 17 tháng 2 năm 1945, máy bay xuất phát từ các tàu sân bay đã bắn rơi nhiều máy bay đối phương trong các cuộc không chiến ác liệt bên trên các sân bay tại khu vực Tokyo. Các chiến dịch này được thực hiện để hỗ trợ cho cuộc tấn công chiếm đóng Iwo Jima sắp đến; rồi đến lượt trực tiếp hỗ trợ cho cuộc đổ bộ của Thủy quân lục chiến, rồi được tiếp nối bằng đợt không kích lên Tokyo và Okinawa trước khi San Jacinto quay trở về Ulithi.Trong khi thực hiện các chiến dịch ngoài khơi Kyūshū, Nhật Bản, San Jacinto tận mắt chứng kiến tai họa của chiếc tàu sân bay Franklin (CV-13); và vào ngày 19 tháng 3 năm 1945, bản thân nó thoát khỏi bị phá hủy chỉ trong gang tấc khi bị một máy bay kamikaze suýt đâm trúng. Các đợt tấn công hàng loạt của đối phương trong Chiến dịch "Núi Băng" (Iceberg) diễn ra khi lực lượng tàu sân bay hỗ trợ cho cuộc tấn công Okinawa. Ngày 5 tháng 4, hơn 500 máy bay đối phương mà chủ yếu là kamikaze đã tham gia tấn công; hỏa lực phòng không và máy bay tiêm kích tuần tra chiếnđấu trên không đã bắn rơi khoảng 300 chiếc, nhưng nhiều chiếc đã lọt qua được. Xạ thủ trên chiếc San Jacinto đã bắn rụng cánh của một máy bay có ý định tự sát làm lệch hướng bổ nhào, và bắn rơi một chiếc khác chỉ cách mạn trái mũi tàu 15 m (50 ft). Nhiệm vụ của nó hỗ trợ cho cuộc tấn công đổ bộ vào Okinawa bao gồm các hoạt động không quân hết sức nặng nề, buộc phải hầu như luôn luôn trong tình trạng tác chiến để hỗ trợ lực lượng trên bộ và đánh trả các máy bay tấn công tự sát diễn ra thường xuyên. Ngày 7 tháng 4, máy bay của San Jacinto đã phóng ngư lôi vào chiếc tàu khu trục Nhật Hamakaze, một thành phần của hạm đội Nhật tham gia Chiến dịch Ten-Go mang tính chất tấn công tự sát, mà trong đó thiết giáp hạm khổng lồ Yamato đã bị đánh chìm.Sau đó, San Jacinto quay trở về công việc đầy nguy hiểm bảo vệ chống lại các cuộc không kích tự sát, tấn công các sân bay kamikaze trên đảo Kyūshū, và hỗ trợ hỏa lực gần mặt đất cho lực lượng trên bộ đang chiến đấu tại Okinawa. Vào ngày 5 tháng 6, nó thoát ra khỏi một trận bão mà không bị thiệt hại, và sau một đợt nghỉ ngơi tiếp liệu tại Leyte, chiếc tàu sân bay lên đường tiếp tục hoạt động trong thành phần của Lực lượng Đặc nhiệm 58. Máy bay của nó bắt đầu tấn công vào các đảo Hokkaidō và Honshū từ ngày 9 tháng 7 và tiếp tục hoạt động này cho đến khi chiến sự ngừng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945. Các phi vụ thực hiện trên không phận Nhật Bản giờ đây là những chuyến bay hạnh phúc bên trên các trại tập trung tù binh chiến tranh Đồng Minh, thả thuốc men và lương thực cho đến khi họ được giải thoát. Sau khi hoàn tất vai trò trong chiến tranh, San Jacinto quay trở về nhà và neo đậu tại Căn cứ không lực hải quân Alameda, California, vào ngày 14 tháng 9 năm 1945.
Kết thúc
San Jacinto được cho ngừng hoạt động vào ngày 1 tháng 3 năm 1947 và gia nhập Hạm đội Dự bị Thái Bình Dương tại San Diego. Được xếp lại lớp thành một tàu vận chuyển máy bay (AVT-5) vào ngày 15 tháng 5 năm 1959; nó được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân ngày 1 tháng 6 năm 1970, và được bán để tháo dỡ vào ngày 15 tháng 12 năm 1971 cho hãng National Metal and Steel Corporation, Terminal Island, Los Angeles, California.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro