Dịch: Duẩn Duẩn
"Gần đây Thượng Hải không yên ổn lắm đâu."
"Có ngày nào mà yên ổn chứ?"
"Chậc, nói chuyện nghiêm túc đây. Con trai ông trùm Lục đột tử trong vũ trường, đám đàn em của Thanh Bang cũng nhân đó mà đấu đá lẫn nhau."
"Bảo sao dạo này ngoài đường toàn bọn lưu manh gây chuyện."
"Thôi thì bớt ra ngoài đi, coi chừng bọn chúng vung dao múa súng, lỡ vạ lây thì khổ."
Giữa lúc bang phái tranh chấp, xưởng dệt của Ngô Tổ Thanh chính thức được khai trương.
Tiếng pháo nổ rền vang, một hàng người giương cao băng rôn màu sắc rực rỡ, chờ phóng viên chụp ảnh. Quản lý nhìn quanh, thấy Văn Linh liền đẩy cô vào giữa: "Bây giờ cô không chỉ phụ trách dịch thuật, mà còn là thư ký của Ngô tiên sinh nữa, đứng ở đây là đúng rồi."
Rồi hắn xoay người, cố nặn ra giọng Quảng Đông lơ lớ để lấy lòng: "Ngô tiên sinh, anh thấy tôi nói đúng không?"
Ngô Tổ Thanh chỉ cười ruồi, không đáp, đưa tay khẽ đặt lên cánh tay Văn Linh.
Chính diện, phóng viên căn chỉnh chiếc máy ảnh Leica đời mới trên giá ba chân, ấn nút chụp.
Đèn chớp sáng lóe lên, tỏa ra một làn khói xanh nhạt.
Chính là gã phóng viên từng xuất hiện trong tiệc rượu, làm việc cho tờ Thân Báo – một tờ báo thương mại. Nghe người bên cạnh nói, hắn họ Lộ.
Trời âm u, sương mù dày đặc nhưng vẫn oi bức. Hắn mồ hôi nhễ nhại, từng giọt mồ hôi to như hạt đậu lăn dài xuống thái dương.
Ngô Tổ Thanh sai người phát lì xì theo tục lệ Quảng Đông cho đám phóng viên. Khi đưa đến tay Phóng viên Lộ, anh còn thêm một câu:
"Vất vả rồi, lát nữa rảnh ghé Vũ Hoa Lâu hóng mát, nghe hát cho khuây khỏa nhé?"
Phóng viên Lộ còn chưa hiểu chuyện gì đã hồ đồ gật đầu.
***
Xưởng dệt khai trương, Ngô Tổ Thanh mở tiệc chiêu đãi những nhân vật quen biết ở Thượng Hải, chủ yếu là các thương nhân thuộc Thương Hội Giang Chiết. Để ăn mừng sau bao nhiêu sóng gió, hội thương nhân gộp tiền bao trọn Vũ Hoa Lâu, mời một đoàn Hí kịch Mao Nhi đến biểu diễn.
Thực chất, đó chỉ là cái cớ để một nhóm phú hào tìm thú vui chính đáng trong lúc gió bão. Ai nấy cũng đã ngấm ngầm mời quan nhân mình quen biết đến góp vui.
Ngô Tổ Thanh không phản đối. Những người này chỉ coi anh như một kẻ mới nổi, chẳng ai muốn đắc tội. Theo thông lệ, những bữa tiệc như thế này không dành cho chính thất, tiểu thư khuê các hay phụ nữ đàng hoàng. Văn Linh không thể đi cùng, chỉ đùa: "Hay là tôi bỏ bạc lớn bao hẳn một hồng quan nhân, tránh để Ngô tiên sinh mất mặt nhỉ?"
"Nghe nói muốn chuộc một quan nhân ra ngoài, ít nhất cũng tốn bạc ngàn. Văn tiểu thư vẫn là nên giữ tiền thì hơn."
***
Tới Vũ Hoa Lâu, người của hội trưởng Lý gửi thư chúc mừng, nói rằng lão gia bận việc công tại Ngô Tùng(1), không thể đến dự, mong Ngô tiên sinh lượng thứ.
Ngô Tổ Thanh cười nói không sao, sau đó bảo phó hội trưởng là Giám đốc Tôn chọn vở diễn.
"Khiêu gia quan"(2) mở màn, sau đó là "Đả Kim Chi"(3) và hai vở kịch cát tường khác.
Người của Thương Hội vốn chu đáo, biết Ngô tiên sinh không có quan nhân bên cạnh, bèn sắp xếp một thanh quan mới vào nghề đến bồi rượu.
Ngô Tổ Thanh mời cô ta dùng chút mứt và hạt dưa, còn cô ta thì mời anh một điếu thuốc. Hai người trò chuyện đôi câu, anh cũng chỉ thấy vô vị, bèn làm bộ chuyên tâm xem kịch.
Ngoài ra, trong tiệc còn có đám quý công tử và thiếu gia tân phái. Khác với đám cựu phái mê nhà hát, họ thích vũ trường hơn, nên bầu bạn bên cạnh không phải quan nhân mà là vũ nữ.
Khung cảnh nửa Tây nửa Ta, bảo là hoan hỉ, lại có chút đồi bại.
Phóng viên Lộ đến nơi, thoáng chốc có cảm giác lạc vào chốn dị đoan, quay trái quay phải cũng không biết phải hướng ống kính vào đâu.
Xem xong hí kịch, bàn tiệc được dọn lên. Phóng viên Lộ tìm đến người đã đưa lì xì lúc nãy, nhỏ giọng hỏi:
"Xin hỏi, mời tôi đến đây để làm gì?"
Người ấy kéo hắn đến một góc, hạ giọng đe:
"Thấy rõ chưa? Về viết một bài cho đàng hoàng đi!"
"Viết gì?"
"Thấy sao viết vậy!"
Phóng viên Lộ vẫn mơ màng, nhưng sau khi về tòa soạn, suy nghĩ mãi rồi quyết định viết một bài phê phán.
Dù là mưu đồ gì, hắn cũng không quan tâm. Mắt thấy tai nghe, cơ hội vạch trần đám phú quý này hiếm có, không viết thì uổng!
Hôm sau, bài báo được đăng trên Thân Báo. Nhân vật trong bài đều dùng tên giả, nhưng không hiểu vì sao, đối tượng chính bị công kích rõ ràng là đám quan lại, đến khi lên mặt báo lại trở thành một bài chỉ trích toàn lực nhằm vào Ngô tiên sinh.
Nào là mượn danh lập nghiệp để du nhập thói xấu vào Thượng Hải, nào là xuất thân danh môn nhưng chỉ biết tiêu tiền như một kẻ ăn chơi trác táng.
Ngô Bội Đế đọc bài báo xong thì vô cùng kinh ngạc.
Cô biết Anh Hai tuy có tư tưởng phóng khoáng về quan hệ nam nữ, nhưng tuyệt đối không phải loại người trụy lạc, tìm hoa ghẹo nguyệt hay hút thuốc phiện.
Vụ này không phải chuyện nhỏ, Bội Đế không dám đứng trước mặt Anh Hai để hỏi. Lúc mấy cô gái gặp nhau, Bồ Úc lên tiếng hỏi:
"Đã dùng tên giả, sao chắc được là Anh Hai của bồ?"
Ngô Bội Đế lấy tờ báo ra, chỉ vào bài viết: "Đây! Gì mà 'trọng thần triều trước', 'phong trào Dương Vụ', chẳng khác nào lôi tước vị của ông nội mình lên! Chưa kể còn nhắc đến xưởng dệt, nếu không phải Anh Hai thì còn ai vào đây?"
Thi Như Linh bấy giờ mới vỡ lẽ: "Trời ạ, hóa ra ông nội của Bội Đế ghê gớm đến vậy sao!"
"Ông nội là ông nội, còn bọn mình là bọn mình. Chuyện cũ bỏ qua đi."
Bồ Úc nhẹ giọng khuyên: "Bồ đừng bận tâm, cứ tin Anh Hai bồ đi. Chuyện bịa đặt như vậy, cùng lắm chỉ khiến tên phóng viên đó bị cười chê mà thôi."
Thi Như Linh chậm rãi nói: "Cứ đợi mà xem, chuyện gì cũng thế, cuối cùng chỉ có bọn trên cao thì sạch sẽ, còn dân đen thì lại thành trò cười cho thiên hạ."
Ngô Bội Đế sững sờ, nhìn Như Linh:
"Linh?..."
Bồ Úc thở dài, vội nói: "Chị Linh trong lòng không thoải mái, mình xin lỗi bồ thay chị ấy."
"Sao lại không thoải mái?"
Như Linh không đáp, Bồ Úc cũng không tiện nói thẳng, đành lấp liếm rằng Linh bị đau bụng. Ngô Bội Đế hiểu ý, còn dặn bà Hà sắc ít thuốc cho cô.
Như Linh vốn là người cứng cỏi, buồn bã một lúc rồi cũng vực dậy tinh thần. Một phần cũng nhờ bạn bè, ngoài Bội Đế và Bồ Úc, cô ấy còn kết giao được vài người trong buổi diễn từ thiện lần trước.
Trong số đó có hai nam sinh từ Đại học Thánh Gioan và một nữ sinh từ Trung Tây nữ học. Ba người họ vốn là thanh mai trúc mã, từng du học ở Anh quốc, đam mê kịch Shakespeare. Khi trở về nước, họ thành lập một đoàn kịch nghiệp dư, vừa nghiên cứu văn học cổ kim, vừa tìm tòi về nhiếp ảnh.
Họ và Như Linh thư từ qua lại, dần trở nên thân thiết. Cảm phục tài năng và lòng đam mê của cô với kịch nghệ, họ ra sức mời cô gia nhập đoàn.
Cùng tham gia còn có Ngô Bội Đế. Suốt kỳ nghỉ hè, cả nhóm đắm chìm trong sân khấu, tập luyện, chỉnh sửa kịch bản, cười đùa vui vẻ.
Bồ Úc từng đến xem vài buổi diễn tập. Trước mặt khách khứa, cô khéo léo linh hoạt, nhưng khi đối diện với họ lại chẳng biết nói gì.
Cô không còn tâm trí học những thứ này nữa, vậy nên cũng chẳng đi cùng.
***
"Những thứ em học, trong các học viện cao cấp gọi là xã hội học, triết học. Tiểu Úc của chúng ta cũng biết nhiều lắm rồi." Ngô Tổ Thanh nói vậy.
Bồ Úc ít khi đến nhà họ Ngô, mà Ngô Tổ Thanh cũng hiếm khi lui tới Trương Ký, có khi cả tháng không đến lấy một lần.
Họ chỉ viết thư qua lại, do Văn Linh chuyển giúp.
Cô ấy còn đùa: "Xây cầu qua xây cầu lại, hóa ra tôi là cây cầu giữa hai người các anh."
Bồ Úc cảm thấy có lỗi, hỏi Anh Hai khi nào cô mới có thể giúp ích được. Nhưng vừa hỏi xong lại tự cười bản thân nóng vội, bảo thôi, không hỏi nữa.
Ngô Tổ Thanh không trả lời, chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ, khẽ nói: "Mùa thu đến rồi."
***
Bài hịch trên báo làm tổn hại danh tiếng của Ngô Tổ Thanh, nhưng chỉ là trong mắt dân thường—thực chất cũng chỉ thêm một đề tài bàn tán trà dư tửu hậu, chẳng ai thật sự để tâm, mà có muốn để tâm cũng không được. Trái lại, nó lại có lợi cho Giám đốc Tôn, bởi lẽ bài hịch đó vốn là do Hội trưởng Lý sắp đặt nhắm vào ông ta, chỉ là Ngô Tổ Thanh đã đứng ra gánh thay.
Trước đó, Thương Hội Giang Chiết kiểm tra lại sổ sách liên quan đến giao dịch với Thanh Bang, phát hiện có kẻ tham ô số tiền lớn. Chuyện này chỉ có kẻ giữ chức cao mới làm được. Hội trưởng Lý và Giám đốc Tôn tranh cãi đến long trời lở đất, ngay cả Thanh Bang cũng ra mặt, có ý muốn đè chuyện này xuống. Cuối cùng, cả hai bắt tay đổ tội lên vị hội trưởng tiền nhiệm, nhưng thực tế vẫn ngấm ngầm đấu đá nhau.
Ai mà không biết lão Phùng luôn theo đường lối trung dung, mà trong mắt đa số người, đó chẳng qua là do dự, thiếu quyết đoán. Như vụ án của Giáo sư Cao, chính lão là người thiết kế để ông ta phải gánh tội, rồi lại xoay sở đưa ông ra khỏi ngục. Lão Phùng không thể nào là kẻ tham ô, dù có đi chăng nữa thì cũng là do bị ông trùm Thanh Bang sai khiến.
Dù sao thì cũng là nợ nần của Thanh Bang. Trong Thanh Bang có bè phái, trong Thương Hội cũng vậy, ai cũng có thế lực chống lưng. Người tinh tường đều nhận ra Hội trưởng Lý dựa vào Nam gia. Bây giờ vì vụ Thái tử gia đột tử, Lục Kiệm An ra tay thanh trừng nội bộ, lật lại vụ án này, khiến Nam gia trở thành mục tiêu công kích của mọi phe.
Không như những lần tranh chấp nhỏ lẻ giữa các phe phái trước đây, lần này Nam gia và Lục Kiệm An xem như đã kết tử thù. Giữ mặt mũi hay mất luôn cả mạng, tất cả phụ thuộc vào lựa chọn cuối cùng của Nam gia.
"Lão Phùng xuống đài rồi, lòng người trong Thương Hội cũng tan rã cả thôi." Giám đốc Tôn khẽ vẩy nắp chén trà, nhấp một ngụm.
"Vẫn còn Giám đốc Tôn đây mà, hậu bối chúng tôi trông cậy cả vào ngài." Ngô Tổ Thanh chắp tay.
"Hừ, vậy còn Hội trưởng Lý thì sao?" Giám đốc Tôn liếc anh một cái, rồi bật cười nói: "Lão Lý đi nước cờ này quá mạo hiểm, không nên đánh giá thấp cậu."
Cuộc đấu giữa Lý và Tôn đã lộ rõ, các thành viên trong Thương Hội cũng lần lượt chọn phe. Hội trưởng Lý đã từ bỏ Ngô Tổ Thanh, để Giám đốc Tôn nhặt lấy, đến khi nhận ra anh làm việc gọn gàng, không phô trương thì đã muộn. Dĩ nhiên, Giám đốc Tôn ngoài miệng sẽ không thừa nhận.
"Lúc bàn bạc về chuyện Cao Tùng Văn, tôi đã thấy cậu là người có năng lực. Giờ có cậu bên cạnh giúp sức, tôi cũng đỡ bận rộn hơn nhiều."
"Được Giám đốc Tôn coi trọng, tôi rất vinh hạnh."
"Cậu với tôi đừng khách sáo nữa. Ăn xong bữa này, vợ tôi muốn đánh mạt chược, cậu cũng vào góp vui vài ván chứ?"
"Dĩ nhiên rồi, chỉ sợ phu nhân chê tôi đánh dở."
Giám đốc Tôn bật cười sảng khoái: "Bà ấy cầu còn không được ấy chứ!"
Tối hôm đó, Ngô Tổ Thanh thực sự mất không ít tiền trên bàn mạt chược của Tôn phu nhân. Những người cùng chơi đều bật cười: "Ngô tiên sinh đúng là nên luyện tay một chút, làm ăn buôn bán mà không biết đánh mạt chược sao được?"
Tôn phu nhân cười trách: "Mấy người thắng rồi mà còn trêu cậu ấy!"
Một người khác lại chọc: "Ôi chao, Tôn phu nhân túi đã căng đầy rồi mà còn tham thế!"
Lúc ấy, có gia nhân đến cửa bẩm báo: "Phu nhân, có một thợ may nhỏ đến tìm."
"Ồ, là Tiểu Úc sao? Tôi xuống ngay đây." Tôn phu nhân vứt hết đống thẻ bài vào ngăn kéo bàn, đứng dậy mời khách đang đứng bên ngoài vào thay chỗ, rồi giải thích với mọi người: "Thợ may cũ của tôi về quê rồi, may mà Ngô tiên sinh giới thiệu cho tôi tiệm Trương Ký ở đường Hách Đức gần tịnh xá Tĩnh An. Tôi đi ngang qua bao lần mà chưa vào bao giờ, không ngờ tay nghề lại giỏi đến thế!"
Nói xong, bà vội xuống lầu. Tiếng quân bài va vào nhau lạch cạch trên tầng hai lại tiếp tục vang lên. Có người đùa: "Ngô tiên sinh còn rành về tô giới hơn cả chúng tôi nữa đấy."
"Đâu có." Ngô Tổ Thanh vừa bốc được quân Tam Đồng, tiện tay đánh ra: "Tôi từng ở đường Hách Đức một thời gian. Ăn mặc ở đi lại, giờ giải quyết được hai chuyện, hai chuyện còn lại phải nhờ các vị rồi."
"Vậy là cậu tìm đúng người rồi đó. Trên Thượng Hải này, có chỗ nào ăn ngon chơi vui mà tôi không biết chứ?"
Mọi người vừa cười vừa đánh bài, đến vòng cuối, Ngô Tổ Thanh bất ngờ ù "Thanh nhất sắc hải để lao"(4).
Lúc này, Tôn phu nhân cũng tiễn thợ may xong, quay lại bàn mạt chược. Người ta nói Ngô tiên sinh vừa thắng một ván lớn, Tôn phu nhân liền bảo: "Không phải bảo cậu ấy luyện tay nghề sao, giờ giỏi lên rồi lại không vui nữa à?"
"Có khi Tôn phu nhân mới chính là khắc tinh của Ngô tiên sinh đấy!"
"Làm gì có chuyện đó..."
Mãi lâu sau, Ngô Tổ Thanh mới ra khỏi phủ Tôn gia, lên xe. Anh vỗ vào lưng ghế đánh thức tài xế.
Tài xế dụi mắt, lấy lại tinh thần, nổ máy chuẩn bị quay đầu. Bỗng Ngô Tổ Thanh bảo: "Chạy về đường Hách Đức đi."
Tài xế sững người: "Tiên sinh không về nhà sao?"
"Nói nhảm nhiều thế làm gì."
"...Vâng." Tài xế cười gượng, đạp ga cho xe lao đi.
Khu tô giới công cộng không thể sánh với tô giới Pháp về độ xanh mát, ánh đèn điện mờ nhạt đứng trơ trọi hai bên đường chính. Ngô Tổ Thanh ngồi trong xe, tìm kiếm một bóng hình trên con phố vắng vẻ. Đến khi hoàn hồn lại, anh khẽ cười.
Anh không rõ mình đang có tâm trạng gì. Thực ra là biết, nhưng không muốn nói ra.
Lẽ ra anh nên chấm dứt suy nghĩ này, nhưng càng kiềm chế thì nó càng lớn mạnh, bám rễ trong lòng anh.
Xe dừng trước con hẻm cũ, Ngô Tổ Thanh bảo tài xế dừng xe.
Trên cầu thang tòa nhà kiểu Tây, ánh đèn chập chờn phát ra tiếng xèo xèo. Bồ Úc không mấy để tâm, nhưng khi đèn vụt tắt, cô vô thức rụt người lại.
Mấy hôm nay cô mệt quá, thần kinh lúc nào cũng căng thẳng.
Tiếng bước chân từ dưới lầu vọng lên.
Bồ Úc thấy tần suất, trọng lượng những bước chân này rất quen thuộc, nhưng cô cố đè suy nghĩ của mình xuống.
Sao Anh Hai có thể đến đây được?
Nếu không phải Anh Hai, vậy thì sẽ là ai? Trên lầu không có ai ở, chẳng lẽ trộm cướp mà còn đi đường chính?
Cô bước nhanh hơn, nhưng bước chân đằng sau cũng nhanh theo. Khi gần đến cửa, vừa chạm tay vào nắm đấm, thì một giọng nói cất lên...
"Tiểu Úc."
Chuỗi chìa khóa trong tay cô va vào nhau lanh canh, rồi im bặt.
Bồ Úc chầm chậm quay lại.
Dưới ánh đèn lờ mờ nơi bậc thang tầng hai, cô nhìn thấy người đó.
"Anh Hai?"
"Em đi bộ về à? Trễ thế này rồi, sao còn đi đường đêm?"
"Sao ạ?"
"Vừa rồi anh cũng ở chỗ Tôn phu nhân, sao em không vào chào một tiếng?" Ngô Tổ Thanh hỏi.
"Ồ... em không biết Anh Hai cũng ở đó."
"Ừ, cũng đúng. Dù có biết đi nữa, chắc cũng khó gặp mặt." Ngô Tổ Thanh cười khẽ, tự mình buông một câu bâng quơ.
Bồ Úc cảm thấy tim mình như treo lơ lửng, thấp thỏm không yên.
"Anh Hai đến tìm em, có chuyện quan trọng cần dặn dò sao ạ?"
"Không có." Ngô Tổ Thanh nói rồi khựng lại.
Lập đông, sương giáng, cũng sắp đến mùa đông rồi. Cả hai đã bao lâu rồi không gặp?
Ngắn ngủi chỉ trong chớp mắt, mà dài dằng dặc như nửa đời người.
Ngô Tổ Thanh lại cất giọng, chậm rãi nói: "Anh chỉ muốn đến xem em một chút."
"Anh Hai," Bồ Úc nhẹ giọng: "Anh Hai có mong em không?"
Ngô Tổ Thanh cười khẽ, vẫy tay: "Lại đây nào."
Bồ Úc chậm rãi bước xuống bậc thang. Ngô Tổ Thanh đưa tay vuốt nhẹ mái tóc cô, rồi trượt dần xuống lưng. Như một cái ôm, lại không hẳn là ôm. Tựa hồ trên áo khoác của anh còn vương lại hơi lạnh của sương đêm.
"Bội Đế sắp được nghỉ rồi, khi nào em qua chơi?"
Bồ Úc lầm bầm: "Còn chẳng phải xem Anh Hai có rảnh không đấy sao."
"Rảnh chứ." Ngô Tổ Thanh vẫn giữ tay ôm hờ lấy cô, không để cô nhìn thấy biểu cảm thật sự của mình dưới lớp mặt nạ kia.
Bồ Úc có thể cảm nhận được hơi ấm ấy, cô chậm rãi giơ tay lên ôm chặt lấy anh. Hành động không hợp quy củ, nhưng cũng chẳng sao cả.
"Anh Hai không mong em cũng chẳng sao. Em mong Anh Hai là được."
"Mong chứ, ai nói là không mong?"
~~~
*Chú thích
(1) Nguyên văn 吴淞: Khu vực Ngô Tùng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Đây là một thị trấn nằm ở cửa sông Dương Tử, từng là vị trí quân sự quan trọng trong lịch sử.
(2) Nguyên văn 跳加官: Gia quan nghĩa là thăng quan tiến chức, có thể hiểu là một điệu múa mang ý nghĩa chúc phúc cho quan lại thăng chức, gặp nhiều may mắn
(3) Nguyên văn 打金枝: Nghĩa là giáo huấn công chúa. Vở kịch này kể chuyện công chúa kiêu ngạo bị chồng là Trịnh Đán trách mắng, khiến hoàng đế Đường Đại Tông tức giận
(4) Nguyên văn 清一色海底捞: Thanh nhất sắc là bài toàn bộ cùng một hàng (chỉ gồm Sách, Văn hoặc Vạn). Hải để lao nghĩa đen là "vớt từ đáy biển", chỉ việc bốc lá bài cuối cùng của nọc và thắng ngay.Câu này có nghĩa là bài toàn bộ cùng một hàng, đồng thời thắng bằng lá bài cuối cùng của ván. Đây là một thế bài cực kỳ hiếm và thường có điểm rất cao
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro