Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

β. Một nơi đánh dấu là beta nào đó

     Có một tòa lâu đài đá xám cổ kính bốn bề là những bức tường cao kín màu xanh của thường xuân, trong đó có một thiếu niên sinh sống. Bốn mùa lần lượt qua, thiếu niên không bao giờ thay đổi, mãi vẫn là một người trẻ tuổi và thuần khiết không một người nào sánh bằng, như một đứa trẻ. Và đứa trẻ đó là một con người trên mọi nghĩa của nó. Nó đói, nó đau, nó mệt, nó bệnh. Nó có đủ mọi thứ trong tòa lâu đài: thường khi nó đọc sách từ sáng đến tối ở thư viện, khi khác nó chơi nhạc trong vườn, trong phòng nhạc hay giữa hành lang, tối đến nó ngủ ngon lành trong chăn ấm nệm êm. Dọc theo hành lang dài treo rèm nhung đỏ và tranh vẽ, nó thường lướt nhanh không một tiếng động.

     Hầu hết thời gian nó ở một mình. Một vài lúc có người gõ cửa và ở lại tòa lâu đài với nó. Nó không từ chối ai bao giờ và cũng chẳng mời ai. Và rồi nó luôn quên họ đi, như cách thời gian phủi đi những hạt bụi li ti không can hệ. Nhưng là một con người, nó nhớ.

                                                                     *

                                                            *                *

     "Này mùa xuân ơi đến mau đây về cho thêm xanh lá cây rừng~"

     Như đang cười khúc khích.

     "Trở về dừng bên suối trong lành nhìn hoa đang hé tưng bừng~"

     Con người bé nhỏ đong đưa chân trên ghế như đang ngồi xích đu. Lúc nào cũng vậy. Trẻ con thật. Trẻ con làm sao. Trẻ con biết mấy. Đã hơn ba mươi mùa xuân kể từ lúc bà rời khỏi nơi đây rồi quay trở lại, còn đứa trẻ kia thì chẳng biết đã nhìn thấy bao nhiêu mùa xuân thắm.

     Hơn ba mươi năm... Đủ để bà trải qua một nửa cuộc đời – một thời thanh niên sôi nổi, cả tuổi trung niên, và đủ để đứa trẻ từ con nghiện nhạc Beethoven mở lòng ra chấp nhận hát cả nhạc Mozart. Chẳng biết ai là người đã dạy đứa trẻ nhạc Mozart, bà chỉ biết đứa trẻ này có lẽ đã từng tiếp đón rất nhiều người, học được rất nhiều thứ, nhưng luôn luôn quên đi những người đã từng coi nơi đây là một bến đỗ trong cuộc đời con người phiêu du cõi tạm. Đứa trẻ này mắc chứng mù mặt hay quên mặt chẳng rõ, chỉ biết hẳn là rất nặng, nó chẳng bao giờ nhớ được ai. Hay nó đã sống lâu đến độ chẳng còn quan tâm đến từng đời người ngắn ngủi mà với nó chỉ như một thời khắc thoáng qua? Như bà bây giờ vậy. Những hỉ nộ ái ố một thời, bà không còn thấy nồng nàn như ngày xưa cũ nữa. Còn những kí ức xa xăm và nhẹ nhàng lại khiến bà có phần say đắm hơn.

     Cho nên ở tuổi 53, bà mới vô tình lại đến được khu rừng này, và gõ cửa tòa lâu đài bằng đá xám cây leo bám đầy. Vẫn đứa trẻ ấy lon ton ra mở cửa, mời bà vào như một người khách vãng lai xa lạ – mãi đến hai năm sau, bà mới chợt nhận ra nó chẳng nhớ được người nào cả. Nhưng bà lại thấy nhẹ lòng lắm về điều ấy. Bà định sẽ dạy đứa nhỏ cách làm món bánh quy mà người chồng quá cố của bà rất thích. Đó là "di sản" duy nhất giờ đây bà muốn để lại cho cõi đời này, cho nơi sẽ tồn tại mãi với thời gian này.

     Đứa trẻ có những cử chỉ hết sức thanh lịch này lại hóa ra là một người vụng về trong những việc khác. Nó rất nhớ những điều cần làm và cách làm, nhưng khi tự xắn tay áo sơ mi vào làm việc thì nó lóng ngóng khác hẳn với vẻ bác học lúc nào cũng làm bà ngạc nhiên của nó. Trước đây bà nghĩ nó chỉ không giỏi dùng dao, có nghĩa là từ hồi bà còn trẻ và tá túc ở đây. Giờ bà mới biết nó sống một mình nhưng lại không khéo léo chút nào khi làm việc nhà. Vậy mà nó vẫn sống ổn thỏa và thanh lịch theo kiểu cách riêng của nó, quả thật thời gian vô tận là điều bà sẽ không hiểu được.

                                                                     *

                                                           *                  *

     Có tiếng gõ cửa. Đứa trẻ nhảy ba bậc thang một ra mở cửa. Người khách là một cậu trai trẻ không hề giấu vẻ ngạc nhiên khi thấy người chủ nhà bé con. Nó mời khách ngồi lên ghế sa lông bên lò sưởi ấm áp và rót cho chút trà kèm với đĩa bánh quy. Khách khen món bánh quy ngon tuyệt và nói rằng người làm bánh chắc phải làm món này nhiều lắm rồi. Nó nghiêng đầu ra vẻ suy nghĩ, rồi chỉ ra ngoài cửa sổ cho cậu chàng này thấy một cây bách già cỗi:

     – Bánh hỏng dùng làm phân bón khi xới đất trồng nó kia kìa.

     Khách cười đau cả bụng:

     – Cậu bé, nhà cậu lạ thật, còn ghi lại cả gia phả cho cây cối chắc!

     Đứa trẻ lắc đầu quầy quậy:

     – Nhớ.

     Cậu khách, trong lứa tuổi ngập trong truyện kinh dị, nhìn chằm chằm đứa nhỏ cũng đang nhìn lại mình với đôi mắt sáng trong không vẩn lẽ đời. Rồi chân cậu ta xoắn lại, suýt ngã, nhưng cũng phóng được ra cửa, cắm đầu chạy một mạch, bỏ lại đứa trẻ ngơ ngác.

                                                             *

                                                   *                   *

     Rất hiếm hoi khi người gõ cửa sau gần nửa thế kỉ là một người đàn ông trưởng thành trông buồn bã, xách theo một cặp táp đựng đầy giấy, bút, mực và màu vẽ. Bên ngoài, sương mù vẩn đục, xám xịt, lẩn quất như đám khói đen, như mới nhả ra người đàn ông này từ trong hư không hỗn độn. Thiếu niên mở cửa, mời người đàn ông một tách trà nóng pha mật ong và để ông ta trú trong một căn phòng ở tầng hai, giữa một hành lang dài tít tắp, có cửa sổ nhìn ra khoảng sân đá trống trồng lác đác vài cây thủy tùng. Ông ta đặt chiếc cặp lên bàn rồi trầm ngâm nhìn bầu trời xám, sương mù xám, cây thủy tùng lá trông như cũng xám xanh. Quay đầu lại, ông ta thấy thiếu niên nhỏ bé vẫn đứng đó nhìn ông với đôi mắt trong suốt, tay cầm theo một nhánh thủy tùng gãy khi cửa sổ mở. Ông cười to, cười chảy nước mắt.

     Trong bữa tối hôm đó, ông ngỏ lời xin được vẽ lại phong cảnh lâu đài, và tất nhiên được thiếu niên đồng ý lập tức.

     Trên tấm toan trắng toát vấy những mảng màu xam xám âm u của buổi chiều mùa thu, những cành thủy tùng trơ trơ đứng đó, nhuộm trong một màu đen thẳm với những nhánh gãy giòn, sắc. Khi họa sĩ già đứng dậy và quay lại với tạp dề lấm lem, thiếu niên đã lại đứng giữa khung cửa từ lúc nào, khóe miệng hơi nhếch lên thành một biểu cảm khó hiểu chìm trong góc tối.

     Đó là bức tranh đầu tiên người nghệ sĩ già cô độc vẽ được treo trong lâu đài, và còn ở vị trí chính giữa hành lang dài dẫn đến phòng của ông. Yên vị và trang trọng ở đó, với một vẻ mặt thích thú pha lẫn sự hài lòng không giấu giếm của thiếu niên lạ lùng.

     ...

     Một thời gian sau, ông hỏi thiếu niên trong một buổi sớm khi sương mù giăng khuất Mặt Trời, để sương đêm vẫn đọng khắp mọi nơi trong khí trời buốt giá chảy dài như những giọt lệ của khách viếng tang:

     – Ta có thể gọi cậu là Ivor không, cậu bé?

     Cậu vẫn tiếp tục thong thả dùng bữa điểm tâm, và trả lời người đàn ông tóc hoa râm với giọng nói nhỏ, vừa vặn đủ nghe:

     – "Thủy tùng".

     Ông ngạc nhiên:

     – Ta không ngờ một cậu trai trẻ lại biết đến cái tên với ý nghĩa cổ xưa như vậy, nhưng cậu đã đúng, cậu bé ạ. Ta muốn gọi cậu là Ivor, vì cậu chưa bao giờ xưng tên với ta. Mỗi con người đều nên có một cái tên, dù có ai gọi nó hay không.

     – Vậy ông hãy làm điều khiến lòng ông được thỏa, cậu thiếu niên – giờ nên gọi là Ivor thì đúng hơn – nhũn nhặn trả lời.

     Từ đó, nhà nghệ sĩ đau khổ đã có thể gọi tên con người kì diệu trong tòa lâu đài đá. Ông đã có thể đề tên cho những bức tranh, cho người làm mẫu vẽ một đôi lúc xuất hiện thoáng qua trong tranh của ông. Nhìn những bức họa đủ chất liệu được tặng, cậu trai Ivor tỏ ra rất vui lòng và rộng lượng để ông tha hồ đặt tranh ở nơi ông muốn. "Những bức tranh đó có nội hàm rất "nhã"." cậu thường nói trong lúc tán thưởng tranh của người nghệ sĩ già.

     Ông ở đó với thiếu niên suốt nhiều năm, viết ra vài tập trước tác lưu lại trong thư viện và vẽ ra rất nhiều tranh, giăng kín cả hành lang dài có căn phòng ông ở. Ông luôn im lặng và u sầu như một khách viếng tang. Ông đối xử với con người độc nhất ông gặp trong bấy nhiêu năm đó một cách trân trọng và thê lương như với bóng ma một tri kỉ. Và ông thề với chính mình sẽ không để sự chết chạm được một ngón tay nào vào Ivor, người tươi xanh mãi đến muôn đời ở nơi tận cùng thế giới này.

     Càng viết, càng vẽ nhiều, tâm hồn và thân thể ông càng khô cằn, rạc đi như một gốc cây già Định Mệnh đã lại nhớ đến. Cơ bắp của ông không yếu đi, nhưng tâm hồn của ông thì có. Càng ngày ông càng u ám như ngày sương mù giăng đã dẫn lối ông đến nơi này. Ông già khắc khổ biết rằng sương mù đã đưa ông đến và cũng sẽ đón ông đi sớm thôi. Vài chục năm đối với một con người đã là quá dài, nhưng cũng vì thế mà ông nghĩ đến Ivor ngây thơ trân quý của cánh rừng chốn tận cùng: đứa trẻ này sẽ lại sống tiếp "như vậy" phải không? Nó sẽ quên ông đi phải không? Hay chăng...ông vẫn sẽ may mắn được ghi nhớ trong những nét mực sẽ phai trước khi Ngày Phán Xét Cuối Cùng đến? Ông cảm thấy đau đớn đến nỗi phải bật cười. Đối diện ông trên bàn ăn, thiếu niên gầy gò nhìn như thấu suốt qua ông với đôi mắt bình thản phản chiếu ánh lửa trên giá nến, như thể đã biết mọi điều ông suy nghĩ bấy lâu nay một cách tường tận như Chúa nhìn xuống từ trên cao.

     Ông đã biết tự do là gì.

     Ông thanh thản, hơn nữa còn vui sướng, quay trở về phòng mình.

     Sớm hôm sau, ông đã là một Judas trên cây thủy tùng. Giá máu của ông đã trả xong. Đôi mắt thẫm tối như sương mù đen đã nuốt chửng tâm trí ông già nhìn chằm chằm vào hình hài con người ở một nơi lạ lùng kia vẫn không mảy may xao động. Cậu trèo cây, tháo dây xuống và hì hục đào huyệt, lấp kín mặt ông lão bằng đất đen mịn.

     Điều ước của ông lão đã thành hiện thực: cái chết đã lại bỏ quên Ivor-vô-danh lần nữa.

                                                                   *

                                                         *                  *

     Mùa xuân đã đến bên cửa sổ phòng ngủ riêng của nó và mọi nơi. Gió xuân mát lạnh tràn vào phòng qua khung cửa sổ đêm qua chỉ chốt hờ, đánh thức đứa nhỏ. Do gió lạnh nên nó tỉnh ngay. Nó lắc lắc đầu cho tóc rơi xuống vai rồi đi nhanh đến bên cửa sổ, trèo lên ghế đệm, vịn tay lên bệ cửa gỗ, ló đầu lên cho gió tha hồ luồn qua cổ áo trễ, làm nó phát run vì lạnh. Nhìn thấy hoa đào nở đẹp như trong giấc mộng, nó cười to, cười khúc khích, tiếng cười trong như chuông gió của một người cực kì trẻ tuổi, dù chính ra ngoại hình của nó đã là một thiếu niên tuy quá sức gầy nhỏ.

     Gió chợt nổi lên, mạnh hơn, thổi mấy cánh hoa tươi vào phòng. Nó nhắm chặt mắt để cánh hoa không lỡ bay vào. Chợt thấy dinh dính trên má, trên tóc, nó mở mắt, đưa tay gạt cánh hoa rơi lả tả xuống trên bệ cửa sổ.

     Thoáng qua trước mắt nó là cảnh xuân rực rỡ năm xưa, hoa đào nở đầy vườn, sắc hồng chưa phai, sắc trắng chưa tàn; một thiếu nữ phục sức trang nhã, gió xuân thổi tóc tơ bay, đứng bên cành đào hoa nở kín, nói cười rạng rỡ như Mặt Trời:

     "Sinh vật đều đang sống, đẹp đẽ, tươi xanh. Dưới vòm trời, loài người hay những bông hoa không có gì khác biệt. Vậy mà rồi đây hoa đào nơi đây đều sẽ tàn úa, còn chúng ta vẫn còn sống mãi.

     Có phải chúng ta đều mang nợ với hoa đào?"

     Thiếu nữ ấy đã từng thay ánh dương rọi sáng lâu đài yên lặng, và cũng đã theo một cành hoa xuân phai tàn mà đi vào một ngày cuối mùa. Nàng "ích kỉ" lạ, mà cũng vui vẻ lạ.

     Đó là người vị kỉ cũng như vị tha nhất từng ghé thăm nơi chốn tận cùng. Tên nàng là gì...? ...Có thể là Persephone chăng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro