Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

hai muoi nam sau 4148

Alexandre Dumas

Hai mươi năm sau

Dịch giả: Anh Vũ

Chương 41

Vì sao những kẻ khốn khó đôi khi coi sự tình cờ như thiên mệnh

- Thế nào, thưa Lệnh bà? - de Winter hỏi sau khi hoàng hậu đã cho các đầy tớ lui ra.

- Thế đấy, Milord ạ, điều tôi dự đoán đã xảy ra.

- Ông ta từ chối à?

- Tôi đã chẳng nói trước với ông như vậy là gì?

- Nhưng còn hoàng hậu, bà có gặp không?

- Vô ích. - Bà Henriette buồn bã lắc đầu nói. - Chẳng bao giờ hoàng hậu lại nói có, khi giáo chủ đã nói không. Ông không biết rằng cái lão người Ý ấy chi đạo tất cả ở bên trong cũng như ở bên ngoài hay sao? Hơn nữa, tôi trở lại điều đã nói với ông, tôi sẽ chẳng ngạc nhiên rằng chúng ta đã bị Cromwell vượt trước rồi. Giáo chủ rất lúng túng trong khi nói với tôi, nhưng rất kiên quyết trong ý định từ chối. Rồi nữa, ông có nhận xét thấy sự nhốn nháo trong hoàng cung không những kẻ đến người đi hối hả tất bật? milord này, phải chăng họ đã nhận được tin tức gì mới.

- Không phải từ nước Anh đâu, thưa bà, tôi đã làm rất chu đáo và khẩn trương, nên chắc chắn rằng không bị kẻ nào vượt trước. Tôi ra đi cách đây ba ngày, tôi đã đi qua một cách thần kỳ giữa đám quân đội thanh giáo, tôi dùng xe trạm cùng với tên hầu Tony, và ngựa mà chúng tôi cưỡi chúng tôi mua ở Paris. Vả lại trước khi phải mạo hiểm một chút gì, tôi tin chắc là đức vua chờ đợi thư trả lời của Lệnh bà.

- Milord ạ, - hoàng hậu tuyệt vọng nói, - Ông hãy trình lại với đức vua rằng tôi không thể làm gì được, tôi đã đau khổ như Ngài, hơn Ngài nữa, tôi mà buộc phải ăn miếng bánh lưu đày, và đi xin trú ngụ ở những nơi người bạn giả dối họ cười nhạo nước mắt của tôi, và ông hãy thưa rằng về phần thánh thể của Ngài. Ngài cần phải hy sinh một cách dũng cảm và chết như một ông vua. Tôi sẽ chết ở bên cạnh Ngài.

- Thưa Lệnh bà! Thưa Lệnh bà! - de Winter kêu lên. - Lệnh bà phó mình cho sự ngã lòng, mà có lẽ chúng ta còn một chút hy vọng đó.

- Milord ơi! Chẳng còn bạn bè nào ở trên đời này nữa, ngoài ông ra? Ôi, lạy Chúa! Lạy Chủa. - Bà Henriette kêu than và ngước mắt lên trời - Ông đã thu phục tất cả những trái tim hào hiệp ở trên đời này chưa?

- Thưa bà, tôi hy vọng là chưa, - de Winter trầm ngâm đáp, - tôi đã có lần nói với bà về bốn con người.

- Ông định làm gì với bốn người

- Bốn con người tận tụy, bốn con người quyết tử có thể làm được nhiều lắm chứ, xin lệnh bà hãy tin tôi, và những con người mà tôi nói với bà đây trong một thời đã làm biết bao nhiêu là việc.

- Thế bốn người ấy bây giờ đâu?

- À! Đó là điều tôi chưa rõ. Từ gần hai mươi năm nay tôi mất tin của họ, nhưng trong mọi hoàn cảnh mà đức Vua lâm nguy, tôi đều nghĩ tới họ.

- Những người ấy là bạn của ông à?

- Một người trong bọn họ đã cầm tính mạng tôi trong tay và đã trả lại tôi; tôi không biết ông ta còn là bạn tôi không nhưng ít ra, từ đấy, tôi vẫn là bạn của ông ấy.

- Những người ấy đều ở Pháp ư, Milord?

- Chắc thế.

- Ông hãy nói tên của họ; có khi tôi đã từng nghe và tôi có thể giúp ông tìm kiếm.

- Một người tên là hiệp sĩ d Artagnan.

- Ô, Milord? Nếu tôi không lầm, hiệp sĩ d Artagnan là trung uý thị vệ tôi đã nghe nói đến cái tên ấy; nhưng hãy cẩn thận đó, tôi sợ rằng người ấy hoàn toàn theo giáo chủ...

- Trong trường hợp ấy, đó là tai hoạ cuối cùng của chúng ta - de Winter nói, - và tôi bắt đầu tin rằng chúng ta thật sự bị trừng phạt.

- Thế còn những người khác nữa, Milord? - Hoàng hậu nói, - bà bám víu vào chút hy vọng cuối cùng như kẻ bị đắm tàu bám vào mảnh ván vỡ.

- Người thứ hai tôi tình cờ nghe được tên ông vì trước khi đánh nhau với chúng tôi, bốn vị quý tộc ấy đã nói tên của họ, người thứ hai tên là bá tước de La Fère. Còn hai người kia, thói quen gọi bằng biệt danh đã khiến tôi quên mất tên thật.

- Ôi, lạy Chúa! - Hoàng hậu nói, - cần cấp bách tìm kiếm họ, bởi vì ông cho rằng những vị quý tộc xứng đáng ấy có thể rất có ích cho đức vua...

- Vâng! Vâng! - De Winter nói - vì rằng vẫn là những người ấy.

- Xin bà hãy nghe kỹ điều này và hồi tưởng lại ký ức. Không biết bà có được nghe kể chuyện rằng hoàng hậu Anne d Autriche xưa kia đã từng được cứu thoát khỏi một nỗi nguy hiểm lớn nhất mà chưa hoàng hậu nào trải qua?

- Có, nhân những chuyện yêu đương của bà ta với ông de Buckingham, và tôi cũng không rõ lắm, về những chuỗi hạt kim cương gì đó.

- Đúng đấy, thưa bà. Những người kia chính là những kẻ đã cứu bà ta, và tôi cười ái ngại khi, nghĩ rằng nếu như tên họ của nhưng nhà quý tộc ấy mà bà không hề biết, thì hoàng hậu đã quên đi, trong khi đáng lẽ bà ta phải phong họ làm những đại thần đầu tiên của vương quốc.

- Vậy thì phải tìm kiếm họ, Milord ạ! Nhưng bốn người hay đúng hơn là ba người thì có thể làm gì được nhỉ? Vì tôi đã nói với ông rằng không nên tin cậy ở ông d Artagnan.

- Thế là bớt đi một tay kiếm dũng mãnh, nhưng vẫn còn ba tay kia, chưa kể tôi. Mà bốn người tận tụy xung quanh đức vua, để canh giữ vua khỏi quân thù, che chở vua trong trận mạc, giúp đỡ vua bằng những ý kiến, hộ giá vua khi chạy trốn, như thế cũng là đủ, không phải để giúp vua chiến thắng, nhưng đủ để cứu vua nếu vua bại trận, giúp vua vượt biển, và dù Mazarin có nói gì thì nói, một khi đã lên đến bờ biển Pháp, thì quân vương của Lệnh bà sẽ kiếm được chẳng thiếu chỗ ẩn náu và nương tựa giống như loài chim biển tìm được chỗ ẩn náu trong những cơn giông tố.

- Milord ơi, hãy tìm kiếm những nhà quý tộc ấy đi, và nếu tìm thấy họ và họ đồng ý cùng với ông sang Anh, thì ngày, nàọ chúng tôi trở lại ngôi báu, tôi sẽ tặng mỗi người trong bọn họ một lãnh địa tước công ngoài ra còn thêm vàng đủ để mua cả cung Đại sảnh trắng. Đi tìm kiếm đi, Milord, đi tìm kiếm đi, tôi van ông đấy!

- Thưa bà, tôi sẽ tìm kiếm, - de Winter đáp, - và chắc là tôi sẽ kiếm được, nhưng tôi không có đủ thời giờ. Lệnh bà quên rằng đức vua đang chờ đợi thư trả lời của Lệnh bà, và đợi chờ khắc khoải đó sao?

- Thế là chúng ta đi đứt rồi! - Hoàng hậu kêu lên với sự bùng ra của một trái tim tan vỡ.

Vừa lúc ấy cánh cửa mở, cô gái Henriette xuất hiện. Với sức mạnh tuyệt vời là tính chất anh hùng của những người mẹ, bà hoàng cố nuốt nước mắt và ra hiệu cho de Winter nói lảng sang chuyện khác.

Nhưng phản ứng ấy dù mạnh mẽ đến đâu cũng không lọt khỏi mắt cô công chúa trẻ; cô dừng ở ngưỡng cửa, buông một tiếng thở dài mà nói với hoàng hậu:

- Cớ sao mẹ cứ luôn luôn khóc lúc vắng mặt con thế, hả mẹ?

Hoàng hậu chỉ mỉm cười không đáp.

- Này ông de Winter ơi! - bà nói, - tôi đã lợi được một điều là chỉ còn là nửa hoàng hậu thôi; ấy là các con tôi gọi tôi là mẹ, chứ không gọi là Lệnh bà nữa.

Rồi quay về phía con gái bà nói:

- Henriette con muốn gì nào?

- Thưa mẹ, - Cô công chúa trẻ nói, - Một kỵ sĩ vừa mới vào cung Louvre và xin đến bái yết Hoàng thượng; ông ta từ bên quân đội đến và nói có bức thư của thống chế de Grammont trình lên mẹ, con chắc như vậy.

- A! - Hoàng hậu bảo de Winter, - đó là một người trung thành với tôi, nhưng Milord thân mến ơi, ông có nhận thấy rằng chúng ta được phục dịch bạc bẽo đến nỗi chính con gái tôi phải làm công viêc báo tin và dẫn người không?

- Xin bà hãy tội nghiệp cho tôi, - de Winter nói, - bà làm tôi đến nát lòng.

- Henriettete, người kỵ sĩ ấy thế nào? - Hoàng hậu hỏi.

- Thưa mẹ con nhìn qua cửa sổ, thấy đó là một thanh niên xấp xỉ mười sáu tuổi và người ta gọi là tử tước de Bragelonne.

Hoàng hậu mỉm cười và gật đầu, nàng công chúa trẻ ra mở cửa và Raoul xuất hiện trên ngưỡng cửa.

Anh bước ba bước đến phía hoàng hậu và quỳ xuống.

- Thưa Lệnh bà, - anh nói - tôi mang đến Lệnh bà một bức thư của người bạn tôi, bá tước de Guise, ông ta nói là có vinh dự được là kẻ hầu hạ của Lệnh bà; bức thư này mang một tin tức quan trọng và những lời chào cung kính của ông ta.

Nghe nói tên bá tước de Guise má nàng công chúa ửng đó; hoàng hậu nhìn cô có chiều nghiêm khắc. Bà nói:

- Henriettete, sao con lại nói là thư của thống chế de Grammont?

- Thưa mẹ con tưởng như vậy. - Cô gái lắp bắp.

- Đó là lỗi tại tôi thưa bà, - Raoul nói, - Quả thật tôi đã báo tin là từ chỗ thống chế Grammont đến; nhưng do bị thương ở cánh tay phải nên ông không viết được và đã sai bá tước de Guise viết thay.

- Thế ra có đánh nhau? - Hoàng hậu hỏi và ra hiệu cho Raoul đứng dậy.

- Vâng, thưa bà, - chàng thanh niên đáp và đưa bức thư cho de Winter ông ta đã tiến lên để nhận và trao lại thư cho hoàng hậu.

Nghe tin một trận đánh đã nổ ra, nàng công chủa há miệng để hỏi một điều gì đó làm cô quan tâm, nhưng rồi lại ngậm miệng không thốt ra một lời, trong khi nét ửng đó trên má cô dần dần biến mất.

Hoàng hậu nhìn thấy tất cả những cử chỉ ấy và chắc hẳn tấm lòng mẫu tử của bà đã diễn giải ra, và quay lại phía Raoul bà hỏi:

- Không có điều gì xảy ra với ông bá tước trẻ de Guise chứ? Vỉ rằng, ông ta không những ở trong số những người phụng sự chúng tôi như ông ta đã nói với ông, mà còn là chỗ bạn bè của chúng tôi nữa.

- Không sao ạ, thưa bà, - Raoul đáp. - Trái lại trong ngày hôm ấy ông ấy còn giành được một vinh quang to lớn, ông ấy đã có vinh dự được Ngài Hoàng thân ôm hôn ngay tại chiến trường.

Nàng công chúa vỗ hai tay vào nhau, nhưng rồi xấu hổ vì đã để mình bị lôi cuôn theo cách biểu hiện nỗi vui mừng như vậy, cô hơi quay mặt đi và cúi xuống một bình cắm đầy hoa hồng như để hít mùi hương.

- Nào, hãy xem bá tước nói gì, - Hoàng hậu bảo.

- Tôi có vinh dự được thưa với Lệnh bà là bá tước viết nhân danh phụ thân ông.

- Vâng.

Hoàng hậu mở phong thư và đọc:

"Thưa Lệnh bà và Hoàng hậu,

Không có vinh dự được tự mình viết cho bà do bị thương ở bàn tay phải, tôi phải nhờ con trai tôi viết, bá tước de Guise mà bà đã biết là một kẻ tôi tớ của bà giống như cha nó, để thưa với bà rằng chúng tôi vừa mới thắng trận ở Lens, và chiến thắng ấy nhất định sẽ tạo quyền lực cho giáo chủ Mazarin và hoàng hậu trong những công việc của châu Âu. Nếu Lệnh bà tin ở lời khuyên của tôi, thì xin Lệnh bà tranh thủ cơ hội này đến chính phủ của nhà vua để yêu cầu sự giúp đỡ đối với phu quân tôn kính của bà.

Tử tước de Bragelonne, người có vinh dự được chuyển bức thư này đến Lệnh bà là bạn của con trai tôi mà ông ta đã cứu mạng. Đó là một nhà quý tộc mà Lệnh bà có thể hoàn toàn tin cậy, trong trường hợp Lệnh bà có điều gì cần dặn miệng hoặc viết gửi cho tôi. Tôi rất vinh dự được tỏ lòng kính trọng...

Thống chế de Grammont".

Do có chuyện giúp đỡ công việc cho bá tước, Raoul không tránh khỏi quay đầu lại phía nàng công chúa trẻ tuổi và anh đã nhìn thấy trong mắt cô một biểu hiện vô cùng biết ơn Raoul. Không còn hồ nghi gì nữa, con gái vua Charles I đã yêu bạn anh.

Trận Lens đã thắng - Hoàng hậu nói. - Ở đấy người ta vui mừng, người ta thắng trận! Phải, thống chế de nói đúng, điều đó làm thay đổi bộ mặt các công việc của họ; nhưng các bạn ạ, tôi rất sợ rằng nó chẳng giúp ích gì cho công việc của chúng ta, nếu không chừng còn làm hại. Cái tin này mới mẻ, ông ạ, - Hoàng hậu nói tiếp, - Tôi xin cám ơn ông đã khẩn trương mang đến cho tôi; không có ông, không có bức thư này, thì có lẽ đến ngày mai ngày kia, tôi mới là kẻ cuối cùng ở Paris biết tin này.

- Thưa Lệnh bà, - Raoul nói, - cung Louvre là cung thứ hai tin tức này đến; chưa ai biết tin này đâu. Tôi đã thề với bá tước de Guise là sẽ mang thư này đến Lệnh bà trước cả khi đến ôm hôn vị đỡ đầu của tôi.

- Vị đỡ đầu của ông cũng họ Bragelonne như ông ư? - Milord de Winter hỏi - Ngày xưa tôi cũng có quen một ông Bragelonne, ông ấy còn sống chứ?

- Không, thưa ông, ông ta chết rồi. Vị đỡ dầu của tôi là là bà con thân thích của ông ta đã giúp tôi thừa kế lãnh ấp mà ông ta mang tên.

Hoàng hậu không khói quan tâm đến chàng thanh niên tuấn tú và hỏi:

- Này ông, vị đỡ đầu ông tên là gì?

Chàng thanh niên cúi mình đáp:

- Thưa bà, bá tước de La Fère.

De Winter giật bắn người kinh ngạc; còn hoàng hậu nhìn anh mà tươi tinh mặt mày. Bà reo lên:

- Bá tước de La Fère! Có đúng là ông nói cái tên họ ấy không?

Còn de Winter không tin ở điều mình nghe nữa. Đến lượt ông reo lên:

- Bá tước de La Fère! Ôi! Ông ơi, hãy trả lời tôi đi, tôi van ông đấy. Bá tước de La Fère mà tôi quen có phải là một lãnh chúa tuấn tú và dũng cảm làm ngự lâm quân của vua Louis XIII và nay đã khoảng bốn bảy, bốn tám tuổi không?

- Thưa ông, hoàn toàn đúng như vậy.

- Và phụng sự dưới một biệt danh?

- Dưới cái tên Arthos. Mới gần đây thôi, tôi có nghe ông d Artagnan là bạn ông gọi ông bằng tên ấy!

- Đúng rồi, thưa bà, đúng rồi. Ơn trời! - de Winter nói, rồi hỏi Raoul - Ông nhà ở Paris à?

Rồi lại trở về với hoàng hậu, ông nói:

- Hãy hy vọng, hãy hy vọng nữa. Thượng đế tuyên bố ủng hộ chúng ta, bởi vì đã cho tôi gặp lại vị quý tộc ấy một cách thật là thần kỳ, ông ấy bây giờ ở chỗ nào, ông làm ơn chỉ cho tôi với.

- Bá tước de La Fère ở phố Guénégaud, khách sạn Grand-Roi-Charlemagne..

- Cám ơn ông. Nhờ ông nói với vị bạn cao quý ấy là hãy nán ở nhà, lát nữa tôi sẽ đến ôm hôn ông ấy.

- Thưa ông, tôi xin vui lòng tuân lệnh ông, nếu như Hoàng hậu đây cho tôi cáo lui.

- Hãy đi đi, tử tước Bragelonne, - Hoàng hậu nói, - Và hãy yên lòng về niềm thân ái của chúng tôi.

Raoul cung kính cúi mình trước hai bà chúa, chào de Winter và đi ra.

De Winter và hoàng hậu tiếp tục trò chuyện một lát nói thì thầm để cô công chúa không nghe thấy, nhưng sự đề phòng ấy là vô ích, vì cô ta đang trò chuyện với những suy nghĩ riêng tư của mình.

Đến lúc de Winter xin cáo lui, Hoàng hậu nói:

- Hãy nghe đây, Milord, tôi còn giữ cây thánh giá bằng kim cương này, nó là của mẹ tôi, và tấm hình thánh Misen này, nó là của chồng tôi, hai thứ đáng giá khoảng năm mươi nghìn livrơ. Tôi đã thề rằng thà chết đói bên cạnh những của tin quý báu này, chứ không cầm bán. Nhưng giờ đây hai đồ tư trang này có thể có ích cho chồng tôi hoặc cho những người bảo vệ ngài, cần phải hy sinh tất cả cho niềm hy vọng ấy. Ông hãy cầm lấy, và nếu cần tiền cho chuyến viễn chinh, thì cứ bán đi, đừng ngại gì cả, milord ạ, cứ bán đi. Nhưng nếu ông có cách để giữ nó lại thì xin milord hãy nhớ rằng tôi coi như ông đã giúp cho tôi một công vụ lớn nhất mà một nhà quý tộc có thể làm cho một bà hoàng hậu, và đến ngày thành đạt của tôi, người nào mang tấm hình và cây thánh giá này đến cho tôi sẽ được tôi và các con cái của tôi ban phước.

- Thưa bà, - de Winter nói, - Lệnh bà sẽ được phụng sự bởi một người tận tụy. Tôi sẽ đưa gửi ở nơi chắc chắn hai vật này mà tôi sẽ không nhận nếu như còn lại chút của cải của gia tài cũ của tôi; nhưng tài sản của tôi đã bị tịch thu, tiền mặt đã cạn, và chúng tôi cũng đã phải đem cầm bán tất cả những gì mình có, trong một giờ nữa tôi sẽ đến chỗ bá tước de La Fère và ngày mai Lệnh bà sẽ có một thư trả lời dứt khoát.

Hoàng hậu giơ tay ra, de Winter cung kính hôn lên. Rồi bà quay về phía con gái mà nói:

- Milord ơi, ông có nhiệm vụ đưa lại cho con bé này một cái gì đó của cha nó.

De Winter ngạc nhiên, chẳng hiểu hoàng hậu định nói gì.

Cô bé Henriette bèn tiến lại, vừa mỉm cười vừa đỏ mặt và giơ trán về phía vị quý tộc. Cô nói:

- Ông hãy nói với cha tôi rằng, dù là vua hay kẻ lẩn trốn, dù chiến thắng hay chiến bại hùng cường hay nghèo khó, bao giờ Người vẫn có ở tôi một đứa con gái ngoan ngoãn và thân thương.

- Thưa bà, tôi hiểu, - de Winter đáp và đụng môi lên trán cô Henriette.

Rồi ông ra đi, không có ai đưa đường, đi qua những gian phòng hoang vắng, tối tăm, vừa đi vừa lau những giọt nước mắt, mà chai sạn như ông suốt năm mươi năm trong cuộc sống cung đình, ông cũng không ngăn nổi rơi lệ trước sự bất hạnh vương hầu vừa thật là trang nghiêm vừa thật là sâu sắc.

Alexandre Dumas

Hai mươi năm sau

Dịch giả: Anh Vũ

Chương 42

Bác và cháu

Con ngựa và người hầu của Winter đợi ông ở ngoài cổng. Ông đi về phía nơi ở của mình vẻ tư lự và chốc chốc lại quay lại ngắm nhìn bề mặt của cung Louvre lặng lẽ và tồi tăm chợt ông nom thấy một kỵ sĩ có thể nói là tách ra khỏi bức tường và đi theo sau ông cách một quãng; ông nhớ lại rằng khi ra khỏi Hoàng cung, ông cũng đã nom thấy một cái bóng như vậy.

Người hầu của de Winter theo sau một vài bước cũng dõi nhìn theo tay kỵ sĩ ấy với vẻ lo ngại.

- Tony, - vị quý tộc gọi và ra hiệu cho tên hầu đến gần.

- Thưa Đức ông, tôi đây.

Và tên hầu đến ngay bên cạnh chủ.

- Anh có nhìn thấy người kia đang theo dõi chúng ta không?

- Thưa Đức ông có ạ.

- Hắn là ai thế?

- Thưa, tôi không biết ạ; tuy nhiên tôi thấy hắn đi theo chúa công từ Hoàng cung, dừng lại ở cung Louvre để đợi ngài ra, rồi từ cung Louvre đi theo ngài.

- Một tên do thám nào đó của giáo chủ chăng? - de Winter nói riêng với mình, - Này ta cứ làm như không biết hắn theo dõi.

Rồi thúc ngựa, ông dấn sâu vào trong mê lộ các phố xá dẫn đến khách sạn ông nghỉ ở phía đầm lầy.

Đã từng ở lâu quảng trường Hoàng gia, Milord de Winter rất tự nhiên trở về gần nơi ở cũ.

Kẻ lạ mặt cho ngựa phi nước đại.

De Winter đến khách sạn và lên phòng mình, tự nhủ là phải quan sát tên gián điệp. Nhưng ông vừa mới đặt đôi găng và cái mũ lên bàn, thì ông trông thấy trong chiếc gương trước mặt một người hiện lên ở ngưỡng cửa.

Ông quay lại thì Mordaunt đã ở trước mắt ông.

De Winter tái mặt và đứng yên còn Mordaunt đứng ở ngưỡng cửa vẻ lạnh lùng hăm doạ và giống hệt bức tượng nhà võ sĩ.

Một giây lat im lặng băng giá giữa hai người.

- Này ông - de Winter nói- tôi tưởng rằng đã làm cho ông hiểu rằng sự quấy nhiễu này làm tôi mệt mỏi. Hãy rút lui đi hoặc tôi sẽ gọi người đuổi ông ra ngay. Tôi không phải là bác của ông. Tôi không quen biết ông!

- Bác của tôi- Mordaunt đáp lại bằng giọng khàn khàn và giễu cợt - Ông lầm rồi, lần này ông sẽ không đuổi như ông đã làm ở London, ông chẳng dám. Còn việc chối bỏ tôi là cháu của ông, ông nghĩ đến việc đó hai lần, khi mà bây giờ rôi đã biết được khối điều mà cách đây một năm tôi chưa biết.

- Điều mà ông biết được can hệ gì đến tôi đâu! - de Winter nói.

- Ồ! Can hệ lắm chứ. Ông bác của tôi ạ, tôi chắc chắn như vây và lát nữa ông sẽ đồng ý với tôi ngay, - hắn nói thêm với một nụ cười làm ớn lạnh các mạch máu của người nghe. - Khi tôi đến nhà ông lần đầu tiên ở London là để hỏi ông về tài sản của tôi ra sao; khi tôi đến lần thứ hai là để hỏi ông cái gì đã bôi nhọ tên họ tôi. Lần này tôi đến đây là để hỏi ông một vấn đề khủng khiếp khác hẳn mọi vấn đề kia, để nói với ông như Chúa nói với kẻ giết người đầu tiên: "Cain, mày đã làm gì thằng em Abel của mày?(1)". milord, ông đã làm gì em gái của ông, người em gái là mẹ của tôi ấy?

De Winter lùi bước trước ánh mắt nảy lửa ấy.

- Mẹ ông ư? - Ông nói.

- Phải mẹ tôi, - người thanh niên đáp và gật mạnh đầu.

De Winter cố gắng vùi mình trong ký ức để tìm một nỗi căm thù mới và ông kêu lên:

- Cứ đi tìm kiếm xem bà ta ra sao, đồ khốn kiếp, và hãy xuống hỏi địa ngục có lẽ địa ngục sẽ trả lời ông đấy!

Người thanh niên liền tiến bước cho đến lúc mặt đối mặt với de Winter. Với nét mặt nhợt nhạt vì đau đớn và căm giận và giọng nói trầm trầm, Mordaunt, khoanh tay nói:

- Tôi đã hỏi tên đao phủ ở Béthune, và tên đao phủ Béthune đã trả lời cho tôi biết.

De Winter ngồi phịch xuống ghế như bị sét đánh và muốn trả lời mà không được.

- Đúng thế, phải không? - Mordaunt nói tiếp, - Với từ đó mọi việc được cắt nghĩa, với chiêc chìa khoá đó, vực thẳm mở ra. Mẹ tôi được thừa kế chồng bà và ông đã ám sát mẹ tôi! Tên họ tôi bảo đảm cho tôi tài sản của cha tôi thì ông đã tước bỏ tên họ của tôi. Rồi khi đã tước bỏ tên họ của tôi, ông tước đoạt luôn cả tài sản của tôi. Bây giờ thì tôi chẳng còn lấy làm lạ vì sao ông từ chối thừa nhận tôi. Khi người ta đã là kẻ cưỡng đoạt mà gọi kẻ bị người ta làm cho nghèo khổ bằng cháu thì thật là khó coi, cũng như khi người ta đã là kẻ giết người mà đi gọi kẻ bị người ta làm cho mồ côi bằng cháu!

Những lời lẽ ấy gây một tác dụng trái hẳn lại điều mà Mordaunt chờ đợi. De Winter nhớ lại Milady là một con quái vật như thế nào. Ông trở lại trầm tĩnh và trịnh trọng, chịu dựng cái nhìn phẫn khích của người thanh niên bằng cái nhìn nghiêm khắc của mình. Ông nói:

- Ông muốn đi sâu vảo cái điều bí mật ghê gớm ấy phải không?

- Thế thì được! Hãy hiểu rõ người đàn bà mà hôm nay ông đến đòi thanh toán với tôi. Người đàn bà ấy chắc chắn đã đầu độc em trai tôi. Và để thừa kế tôi mụ định ám sát cả tôi nữa; tôi có chứng cứ. Ông sẽ nói gì về điều đó?

- Tôi sẽ nói đó là mẹ tôi!

- Mụ ấy đã dùng bàn tay của một con người trước kia vốn tử tế, đứng đắn và trong sạch để đâm chết quận công de Buckingham đáng thương. Ông sẽ nói gì về tội ác đó mà tôi có đủ bằng chứng?

- Đó là mẹ tôi!

- Trở sang Pháp, đến tu viện các nữ tu sĩ Augustins ở Béthune, mụ đã đầu độc một thiếu phụ được một kẻ thù của mụ yêu mến. Tội ác ấy có khiến ông tin ở công lý của sự trừng phạt không? Tôi có bằng chứng về tội ác ấy?

- Đó là mẹ tôi! - Gã thanh niên gào lên đến lần thứ ba mà lần sau đều mạnh mẽ hơn lần trước.

Cuối cùng chứa chất đầy những tội giết người, những chứng dâm loạn, nhơ nhuốc trước mọi người và vẫn còn hung hăng đe doạ như một con báo khát máu, mụ đã quỵ trước búa rìu của những con người mà mụ đã làm cho khổ sở, mặc dầu họ chẳng hề làm tổn hại cho mụ một chút nào. Mụ đã tìm được những quan toà mà những âm mưu hại người xấu xa của mụ đã triệu đến. Và cái người đao phủ mà ông đã gặp, người đao phủ đã kể lại tất cả cho ông, ông chắc như vậy, nếu người đao phủ ấy đã kể hết cho ông, hẳn là ông ta đã phải nói rằng ông ta đã run lên vì vui sướng khi trả thù mụ về nỗi hổ nhục và vụ tự sát của em trai ông ta. Là người đàn bà hư hỏng, là người vợ ngoại tình, là đứa em bất mục, sát nhân, đầu độc, ghê tởm đối với mọi người biết mụ, đối với mọi dân tộc đã đón nhận mụ trong lòng mình, mụ ta chết bị cả đất trời nguyền rủa. Đấy, người đàn bà ấy là như vậy đó!

Một cơn nức nở còn mạnh hơn cả ý chí của Mordaunt xé họng anh ta và dồn máu lên khuôn mặt nhợt nhạt; anh ta nắm chặt tay, mặt ròng ròng mồ hôi tóc dựng tua tủa trên trán như tóc Hamlet anh ta thét lên vì điên giận nghiến ngấu:

- Ông hãy im đi! Đó là mẹ tôi! Những sự phóng túng của bà, tôi không biết; những tật xấu của bà, tôi không hay, những tội ác của bà, tôi không rõ! Nhưng điều mà tôi biết, ấy là tôi có một người mẹ ấy là năm người đàn ông hùa nhau chống lại một người đàn bà, giết chết bà một cách lén lút, giữa đêm khuya lặng lẽ, như những kẻ hèn nhát! Điều mà tôi biết là ông đã ở đó, thưa ông, là ông có mặt ở đó, ông bác của tôi ạ, và ông cũng nói như những kẻ khác và còn cao giọng hơn là khác: Mụ ta cần phải chết! Vậy thì tôi báo trước cho ông biết, ông hãy nghe cho kỹ những lời này và nó phải được khắc sâu trong trí nhớ của ông để ông không bao giờ quên: Vụ giết người này đã cướp đi của tôi tất cả, vụ giết người này đã làm cho tôi hư hại, tàn ác không nguôi, tôi đòi phải thanh toán món nợ này với ông trước hết, rồi đến những kẻ đồng loã của ông khi nào tôi biết rõ chúng.

Lửa căm thù trong ánh mắt, bọt sùi ra bên mép, nắm tay giơ ra, Mordaunt đã tiến thêm một bước, một bước khủng khiếp và đe dọa về phía de Winter.

De Winter đặt bàn tay lên chuôi kiếm và nói với nụ cười của người đã từng ba mươi năm đùa giỡn với cái chết.

- Ông muốn ám sát tôi phải không? Thế thì tôi sẽ thừa nhận ông là cháu tôi, vì ông đúng là con trai của mẹ ông.

Mordaunt cố bắt những thớ thịt trên khuôn mặt mình, những cơ bắp trong người mình trở lại vị tri cũ và lặn đi, rồi nói:

- Không, tôi sẽ không giết ông. Ít ra là trong lúc này, bởi vì mất ông tôi sẽ không phát hiện ra những kẻ kia. Nhưng khi nào tôi biết rõ chúng, thì ông hãy run sợ; tôi đã đâm tên đao phủ xứ Béthune, tôi đã đâm hắn không thương hại, không dung tha, mà đấy là kẻ phạm tội ít nhất trong tất cả bọn ông.

Dứt lời người thanh niên đi ra và xuống cầu thang một cách bình thản để khỏi bị chú ý, rồi khi xuống đến thềm dưới, anh ta đi qua trước mặt Tony, hắn đang cúi mình xuống lan can và chỉ đợi một tiếng kêu của chủ là lên ngay với ông.

Nhưng de Winter không gọi. bải hoải, rã rời, ông vẫn đứng nguyên và lắng tai nghe; rồi chỉ đến lúc nghe tiếng vó ngựa xa dần, ông mới buông mình xuống ghể mà nói:

- Lạy Chúa Xin cảm ơn Người, vì hắn mới chỉ biết có mình tôi.

Chú thích:

(1) Cain là con đầu của Adam và Eva, đã giết em trai thứ là Abel vì ghen tị với Abel được chúa Trời cưng hơn.

Hai mươi năm sau

Dịch giả: Anh Vũ

Chương 43

Tình phụ tử

Trong khi cái cảnh khủng khiếp kia diễn ra ở nhà Lord de Winter, thì Arthos ngồi bên cửa sổ phòng mình khuỳnh tay tì lên bàn đầu nghiêng trên bàn tay, đang nghe cả bằng tai và bằng mắt Raoul kể lại những chuyện phiêu lưu trong chuyến viễn du và những chi tiết của trận đánh.

Khuôn mặt tuấn tú và thanh cao của vị quý tộc biểu hiện một niềm hạnh phúc khôn tả trước câu chuyện kể bằng những nỗi xúc động đầu tiên thật là tươi mát và thuần khiết. Arthos nuốt từng âm thanh của giọng nói ấu thơ đã biết say sưa với những tình cảm đẹp đẽ giổng như người ta thưởng thức một khúc nhạc du dương. Anh đã quên đi những gì là u ám trong quá khứ, là vẩn vũ trong tương lai.

Dường như sự trở về của đửa trẻ thân yêu ấy đã biến cả những nỗi lo sợ kia thành những niềm hy vọng. Arthos sung sưởng, sung sướng như chưa từng bao giờ được như vậy.

- Bragelonne, thế anh đã chứng kiến và tham dự vào trận đánh lớn ấy à? - Người lính cựu ngự lâm hỏi.

- Thưa ông, vâng.

- Anh nói trận đánh gay go lắm phải không?

- Ngài Hoàng thân đã thân chinh công kích mười một lần.

- Đó là một nhà quân sự vĩ đại, Bragelonne ạ.

- Đó là một vị anh hùng, thưa ông. Tôi không rời mắt khỏi ngài một lúc nào. Ôi! Thưa ông, thật là đẹp đẽ biết bao được có tên gọi là Condé... và được mang tên Ngài như vậy!

- Bình tĩnh và huy hoàng phải không?

- Bình tĩnh như trong một cuộc duyệt binh và huy hoàng như trong một lễ hội. Khi chúng tôi tiếp cận quân thù là vẫn đi bước thường; có lệnh cẩm chúng tôi nổ súng trước và chúng tôi cứ tiến thẳng đến quân Tây Ban Nha, chừng ở trên một điểm cao súng kẹp bên đùi. Đến cách chúng ba chục bước. Hoàng thân quay lại phía binh lính mình và nói: "Hỡi các con, các con sắp phải chịu một loạt đạn điên cuồng, nhưng sau đó hãy yên trí, các con sẽ làm có chúng nó". Lúc ấy chiến trường im phăng phắc cả ta và địch đều nghe rõ những lời đó. Rồi vung kiềm lên ngài hô: "Thổi kèn lên!".

- Hay, hay... Trong trường hợp như vậy, anh cũng sẽ làm như thế chứ, Raoul?

- Tôi e khó, thưa ông, yì tôi thấy điều ấy thật là đẹp đẽ và lớn lao quá. Khi còn cách hai chục bước, chúng tôi thấy những nòng súng trường chỉa xuống như một đường kẻ lấp lánh vì phản chiểu ánh nắng mặt trời. "Đi bước thường, các con, đi bước thường, - Hoàng thân nói, - Đây là lúc..."

- Anh có sợ hãi không, Raoul? - Bá tước hỏi.

- Thưa ông, có chứ, - chàng thanh niên thật thà đáp, tôi thấy lạnh buốt trong tim và khi nghe tiếng "Bắn!" bằng tiếng Tây Ban Nha trong hàng ngũ địch, tôi nhắm nghiền mắt lại và nghĩ đến ông.

- Thật chứ, Raoul - Arthos nói và siết chặt tay anh.

- Thưa ông, vâng. Cùng lúc ấy một tiếng nổ dữ dội vang lên tưởng như địa ngục đang mở ra và những ai không bị giết đều cảm thấy lửa nóng rát. Tôi mở mắt ra, ngạc nhiên thấy mình không chết hoặc ít ra, cũng bị thương; một phần ba đội kỵ binh ngã lăn ra đất, tơi tả máu me. Lúc ấy tôi gặp ánh mắt Hoàng thân; tôi chỉ còn nghĩ đến một điều là ngài nhìn tôi. Tôi thúc ngựa va xông vào giữa hàng ngũ quân thù.

- Hoàng thân có nói gì với anh không?

- Khi Hoàng thân sai tôi đi theo theo đội ngũ Paris với ông de Châtillon mang tin tức này và những lá cờ địch thu được về dâng hoàng hậu. Ít ra Hoàng thân đã nói với tôi như thế này: "Cứ đi đi, quân địch sẽ không tập hợp được trong vòng mười lăm ngày. Từ giờ đến đó tôi chưa cần đến anh. Anh hãy về ôm hôn nhưng người mà anh yêu mến và yêu mến anh. Và hãy nói với cô em de Longueville của tôi rằng tôi cảm ơn cô về món quà mà cô tặng tôi khi giao anh cho tôi. Và thưa ông, tôi đã về đây

Raoul nói thêm và nhìn bá tước với nụ cười yêu thương sâu sắc vì tôi nghĩ răng ông sẽ rất vui lòng gặp lại tôi.

Arthos kéo chàng thanh niên về mình và hôn lên trán anh như đối với một cô con gái.

- Như thế là, - Arthos nói, - anh đã được vang danh lên rồi đó, Raoul ạ! Anh đã có những công tước là bạn bè, một vị thống chế Pháp quốc làm cha nuôi, một thân vương là chỉ huy và trong cùng một hôm trở về anh được hai bà Hoàng hậu tiếp đón: thật là tuyệt diệu đối với một lính dự bị

- À! Thưa ông, - Raoul bỗng nhiên reo lên, - Ông làm tôi nhớ đến một việc mà tôi lãng quên trong lúc vội vã kể lại những chiến công của mình. Ấy là trong lúc ở chỗ Hoàng hậu Anh quốc, có một vị quý tộc khi tôi nói đến tên ông đã thốt lên một tiếng reo kinh ngạc và mừng rỡ. Ông ấy nói là bạn của ông, hỏi địa chỉ của ông và bảo sẽ đến thăm ông.

- Tên ông ta là gì?

- Thưa ông tôi không dám hỏi ông ta nhưng mặc dầu ông ta nói năng rất lịch sự, qua giọng nói, tôi đoán ông ta là người Anh.

- A! - Arthos kêu lên.

Và đầu anh cúi xuống như để tìm một kỷ niệm. Rồi khi anh ngầng đầu lên: sự hiện diện của một người đứng trước cánh cửa hé mở đập vào mắt anh. Ông ta nhìn anh với vẻ cảm động.

- Lord de Winter - Bá tước reo lên - Ôi, bạn của tôi!

Và hai nhà quý tộc ôm hôn nhau giây lát. Rồi Arthos nắm lấy hai bàn tay ông nhìn ông và hỏi:

- Ông có điều gì vậy. Tôi đang vui vẻ ba nhiêu thì trông ông buồn rầu bấy nhiêu?

- Phải đúng thế, bạn thân mến ạ, và tôi có thể nói là hơn thế nữa kia; vì rằng trông thấy ông nỗi lo sợ của tôi còn tăng lên gấp đôi.

Và de Winter nhìn xung quanh mình như để tìm sự vắng vẻ.

Raoul hiểu rằng hai người bạn càn nói chuyện riêng nên tự rút lui ra ngoài một cách lặng lẻ:

- Nào, bây giờ còn có hai ta - Arthos nói - Ta hãy nói chuyện về ông.

- Trong khi có riêng mình chúng ta, hãy nói chuyện về chúng ta. - Lord de Winter đáp - Hắn đang ở đây!

- Ai?

- Con trai Milady.

Arthos lại lần nữa bị xúc động bởi cái tên nó theo đuổi anh như một tiếng vang không tránh khỏi, ngập ngừng một lát, khẽ chau mày rồi nói bằng một giọng bình thản.

- Tôi có biết.

- Ông biết rồi à?

- Phái, Grimaud đã gặp hắn ở quãng giữa Béthune và Arras và bác chạy ngay về đây để báo cho tôi biết về sự xuất hiện của hắn.

- Grimaud biết hắn à?

- Không, nhưng bác ta đã đứng bên giường một người sắp chết có biết hắn ta.

- Người đao phủ Béthune! - Winter kêu lên.

- Ông biết chuyện đó à? - Arthos ngạc nhiên hỏi.

- Hắn vừa mới rời khỏi chỗ tôi, - Winter đáp, - hắn đã nói hết với tôi rồi! Bạn ơi, thật là một cảnh ghê gớm! Sao chúng ta không bóp chết đứa con cùng với mẹ nó nhỉ!

Giống như mọi bản chất cao thượng. Arthos không truyền lại cho người khác những ấn tượng buồn phiền mà anh cảm nhận. Trái lại, anh hấp thụ chúng vào mình và bắt trả lại thay vào chỗ chúng những hy vọng và niềm an ủi. Dường như những đau khổ riêng tư của anh khi ra khỏi tâm hồn được biến thành những nỗi vui mừng cho những người khác.

Nỗi kinh hoàng tự nhiên mà anh cảm thấy lúc ban đầu bị sự suy luận xua tan, anh nói:

- Ông lo sợ cái gì cơ chứ? Chúng ta ở đây chẳng phải để tự bảo vệ mình sao? Cái gã trẻ tuổì ấy phải chăng là một kẻ ám sát chuyên nghiệp, một tên uống máu người không tanh? Hắn có thể đã giết đao phủ Béthune trong một cơn cuồng loạn, nhưng giờ đây cơn thịnh nộ của hắn đã nguôi.

De Winter mỉm cười buồn bã lắc đầu và nói:

- Ông không còn biết cái máu của nó nữa sao?

- Ô hay! - Arthos gượng cười nói. - Sang thế hệ thứ hai nó đã mất bớt tính hung bạo rồi. Vả chăng, bạn ơi, Thượng đế đã báo trước cho chúng ta để đề phòng rồi. Chúng ta chẳng thể làm gì khác hơn là chờ đợi. Ta hãy chờ đợi. Nhưng, như tôi nói lúc đầu ấy, ta hãy nói về ông đi. Cái gì đã dẫn ông tới Paris?

- À một vài việc quan trọng mà ông sẽ biết sau. Nhưng sao tôi nghe nói bên chỗ Hoàng hậu Anh quốc rằng ông d Artagnan thuộc phe Mazarin. Xin bạn hãy tha thứ cho cái tính thẳng thắn của tôi. Tôi chẳng thù ghét mà cũng chẳng chê trách gì giáo chủ, và ý kiến của ông đối với tôi bao giờ chẳng là thiêng liêng. Liệu ngẫu nhiên mà ông có ở phe giáo chủ không?

- Ông d Artagnan đang ở trong quân ngũ, - Arthos nói. - Ông ta là người lính và phải phục tùng quyền lực thiết chế. Ông d Artagnan không giàu có và cần sinh sống bằng cấp bậc trung uý của mình. Những nhà triệu phú như ông ở Pháp hiếm lắm, Milord ạ.

- Than ôi. - De Winter nói, - tôi cũng nghèo bằng và còn nghèo hơn ông ta. Nhưng ta hãy trở lại chuyện ông đi.

- Nào! Ông muốn biết tôi có phải người phe Mazarin không ư? Không, nghìn lần không- Cũng xin Milord tha thứ cho các tính thẳng thắn của tôi.

De Winter đứng lên và siết chặt Arthos trong vòng tay mình.

- Xin cảm ơn Bá tước, - Ông nói, - Xin cảm ơn về cái tin vui này.

- Ông có thấy tôi vui mừng và trẻ hẳn ra không? À! Ông không phải người phải Mazarin - Hay lắm! Với lại điều kiện ấy là không thể có được Nhưng, xin lỗi ông lần nữa nhé, ông có tự do không?

- Ông muốn nói tự do là thế nào?

- Tôi muốn hỏi ông có vợ không?

- A! Về chuyện đó thì không - Arthos mỉm cười nói.

- Nghĩa là cái cậu thiếu niên thật là khôi ngô, thật là phong nhã, thật là duyên dáng kia...

- Là một đứa trẻ mà tôi nuôi nấng từ bé, mà nó cũng không biết biết cả cha nó nữa.

- Tốt lắm. Ông vẫn như xưa. Arthos oai phong và hào hiệp.

- Nào, Milord, ông cần hỏi gì tôi?

- Ông vẫn còn Porthos và Aramis là bạn chứ?

- Và thêm vào d Artagnan, Milord ạ. Chúng tôi vẫn là bốn người bạn hết lòng vì nhau như xưa kia; nhưng nếu là chuyện phụng sự giáo chủ hay chống lại ông ta, là người Mazarin hay Fronde, thì chúng tôi chỉ có hai thôi.

- Ông Aramis cùng phe với d Artagnan à? - Lord de Winter hỏi.

- Không, - Arthos nói, - Ông Aramis cho tôi cái vinh hạnh là chia sẻ niềm tin với tôi.

- Ông có thể giúp tôi liên lạc với người bạn đến là phong nhã và trí tuệ ấy không?

- Tất nhiên, khi nào ông thấy thích hợp.

- Ông ta có thay đổi gì không?

- Ông ta làm tu viện trưởng, có thế thôi.

- Ông đã làm tôi kinh hãi đấy. Nghề nghiệp ấy buộc ông ta từ chối những chuyện mưu đồ lớn.

- Trái hẳn lại, - Arthos mỉm cười nói, - Chưa bao giờ ông ta lại mang chất ngự lâm quân nhiều đến thế kể từ khi ông ta là tu viện trưởng và ông sẽ tìm thấy ở ông ta một Galaor thực sự. Ông có muốn để tôi bảo Raoul đi tìm ông ấy không?

- Cảm ơn Bá tước có thể sẽ không tìm thấy ông ấy ở nhà vào giờ này Nhưng ông có thể đảm bảo về ông ta...

- Như về chính tôi.

- Ông có thể hẹn ông ấy đến với tôi vào mười giờ sáng mai trên cầu cung Louvre được không?

- À, à! - Arthos nói ông có một cuộc đấu kiếm.

- Vâng, thưa Bá tước, một cuộc đấu kiếm đẹp đẽ, một cuộc đấu kiếm mà tôi hy vọng các ông sẽ có mặt.

- Chúng ta sẽ đi đâu. Milord?

- Tới chỗ Hoàng hậu Anh quốc. Lệnh bà có sai tôi giới thiệu các ông với Lệnh bà, bá tước ạ!

- Hoàng hậu biết tôi sao?

- Chính là tôi biết ông.

- Bí ẩn. - Arthos nói. - nhưng không sao, khi mà ông đã hiểu cách phải xử trí thì tôi không hỏi gì thêm đâu. Milord. Ông có ban cho tôi cái vinh hạnh được ăn tối cùng ông không?

- Cám ơn Bá tước, - de Winter nói - xin thú thật là cuộc viếng thăm của gã thanh niên ấy khiến tôi mất cả đói và chắc chắn là mất cả ngủ nữa. Hắn đến Paris để thực hiện một việc gì đó? Chẳng phải hắn đến để gặp tôi vì hắn không biết chuyến đi của tôi. Bá tước ạ, gã thanh niên ấy làm tôi kinh hãi, trong người nó có một tương lai đầy máu.

- Hắn làm gì ở bên Anh?

- Đó là một trong những tin đồ cuồng nhiệt nhất của Olivier Cromwell.

- Cái gì đã gắn nó với lý tưởng ấy? Mẹ và bố nó đều là tín đồ Gia-tô giáo cơ mà?

- Hắn căm thù nhà vua.

- Căm thù nhà vua?

- Phải, vì nhà vua đã tuyên bố hắn là đứa con hoang, tước đoạt hết của cải của hắn và cấm hắn mang họ de Winter.

- Thế tên hắn là gì?

- Mordaunt.

- Một tên thanh giáo cải trang làm mục sư, đi lang thang một mình trên các đường cái nước Pháp.

- Ông bảo hắn cải trang làm mục sư à?

- Phải, ông không biết sao?

- Tôi chỉ biết những điều nó nói ra mà thôi.

- Xin Chúa tha thứ nếu tôi có báng bổ, cũng vì vậy và do tình cờ hắn đã nghe lời xưng tội của đao phủ xử Béthune.

- Vậy thì tôi đoán ra cả rồi: hắn do Cromwell phái đến.

- Phái đến ai?

- Đến Mazarin; và hoàng hậu đã đoán đúng, chúng tôi đã bị vượt trước; bây giờ mọi việc đều sáng tỏ ra với tôi rồi. Xin tạm biệt bá tước, hẹn ngày mai.

Trông thấy Lord de Winter xao xuyến vì một nỗi lo ngại mà ông không muốn để lộ ra, Arthos nói:

- Trời tối lắm mà hình như ông không có người hầu.

- Tôi có Tony, một đứa rất tốt, nhưng thật thà.

- Ơ này! Olivain, Grimaud, Blaisois, hãy mang súng trường theo và gọi tử tước lên đây.

Blaisois là gã thanh niên cao lớn trông nửa thằng hầu nửa nông dân mà chúng ta đã thoáng trông thấy ở lâu đài Bragelonne lúc hắn vào báo là bữa trưa đã dọn xong, và Arthos đã lấy tên tỉnh nhà đặt tên cho hắn.

Năm phút sau, Raoul vào.

- Này tử tước, - Arthos bảo, - anh hộ tống Milord về khách sạn của ông và không được để ai lại gần nhé!

- A! Thưa bá tước, - Winter nói, - Ông coi tôi là người thế nào vậy?

- Như một người khách nước ngoài chưa hề biết Paris, - Arthos đáp, và tử tước sẽ dẫn đường.

De Winter siết tay anh.

- Grimaud, - Arthos bảo, - bác dẫn đầu đoàn và coi chừng tên mục sư đấy?

Grimaud rùng mình rồi gật đầu và vừa chờ đợi lên đường vừa vuốt ve báng súng với một vẻ hùng hồn im lặng.

- Xin hẹn gặp lại bá tước ngày mai.

- Vâng, thưa Milord.

Toán người đi theo phố Saint Louis. Olivain run như Sosie(1) khi thấy một tia sáng khả nghi. Blaisois khá vững vàng vì hắn không biết là đang có một mối nguy hiểm nào đó. Tony hết nhìn trái lại nhìn phải, nhưng chẳng thể nói một lời, vì không biết tiếng Pháp.

Grimaud, theo lệnh Arthos dẫn đầu đoàn người tay cầm đuốc, tay mang súng, đi tới trước khách sạn ông de Winter ở, lấy tay đấm cửa và khi thấy có người ra mở cửa rồi, thì chào Milord mà chẳng nói câu nào.

Lượt trở về cũng vậy: Cặp mắt sắc của Grimaud không nhìn thấy gì khả nghi ngoài một bóng đen nấp ở góc phố Guénégaud và đường kế. Cái kẻ rình mò đêm ấy khiến bác chú ý. Bác thúc ngựa về phía nó thì cái bóng đã biến mất trong một ngõ hẻm mà bác nghĩ chẳng dại gì dấn mình vào đó.

Người ta báo cáo với Arthos về việc hoàn thành chuyến đi; và do lúc ấy đã mười giờ đêm, ai nấy trở về phòng mình.

Sáng hôm sau khi mở mắt ra thì chính bá tước đến lượt mình trông thấy Raoul ở chân giường. Chàng thanh niên đã ăn mặc chỉnh tề và đang đọc một cuốn sách mới của Chapelain.

- Dậy rồi à, Raoul? - bá tước hỏi.

- Vâng, thưa ông, - chàng thanh niên hơi ngập ngừng đáp, - Đêm qua tôi khó ngủ.

- Raoul! Anh mà khỏ ngủ ư? - Arthos hỏi. - Có điều gì khiến anh bận tâm chăng?

- Thưa ông, ông sắp sửa nói rằng tôi vừa mới về chưa được bao lâu mà đã vội vã từ biệt ông, nhưng...

- Anh chỉ được nghỉ có hai ngày mà thôi à?

- Trái lại, thưa ông, tôi được nghỉ những mười ngày, song không phải là tôi muốn trở lại trại ngay đâu.

Arthos mỉm cười:

- Vậy thì tử tước đi đâu, trừ phi đó là một điều bí mật! Anh hầu như đã thành người lớn rồi đó, bởi vì anh đã tham gia những trận chinh chiến đầu tiên, và anh có quyền muốn đi đâu thì đi, mà không cần phải hỏi tôi.

- Thưa ông, - Raoul đáp - Chừng nào mà tôi còn có diễm phúc có ông làm người che chở, tôi sẽ không bao giờ cho rằng mình có quyền tự giải thoát khỏi một sự bảo hộ thật là thân thiết đối với tôi. Tôi chỉ muốn về qua Blois một hôm thôi. Ông nhìn tôi và sắp cười.

- Không, trái lại - Arthos vừa nói vừa nén một tiếng thở dài. - Tôi không cười đâu, tử tước ạ?

- Vậy ông cho phép chứ ạ? - Raoul vui mừng reo lên.

- Chắc chắn là như thế, Raoul.

- Trong thâm tâm ông không buồn phiền chứ?

- Không chút nào cả. Tại sao tôi buồn phiền về cái điều nó làm cho anh thích cơ chứ?

- A! Ông tốt bụng quá? - Chàng thanh niên thốt lên và làm một động tác như muốn nhảy lên bả lấy cổ Arthos, nhưng sự cung kính ngăn anh ta lại.

Arthos giang tay ra với anh.

- Như vậy tôi có thể đi ngay chứ?

Raoul đi mấy bước chợt nói:

- Thưa ông, tôi nghĩ đến một điều, ấy là bà công tước de Chevreuse rất tốt đối với tôi, chính nhờ bà mà tôi được giới thiệu với Hoàng thân.

- Và anh đến cảm ơn bà chứ gì?

- Nhưng thưa ông, việc ấy cũng do ông quyết định.

- Raoul, anh hãy ghé qua Luynes và hỏi xem bà công tước có tiếp anh được không. Tôi rất vui lòng thấy anh không quên giữ lễ tiết. Anh hãy kêu Grimaud và Olivain đi theo.

- Cả hai ư, thưa ông? - Raoul ngạc nhiên hỏi. Rồi anh chào và đi ra.

Nhìn Raoul đóng cửa lại và nghe anh gọi Grimaud và Olivain với cái giọng vui mừng và ngân vang, Arthos thở dài.

- Từ giã ta nhanh quá, - Arthos vừa nghĩ vừa lắc đầu, nhưng nó tuân theo quy luật chung. Bản chất đã sinh ra như vậy, nó nhìn về phía trước. Dứt khoát là nó yêu con bé ấy, nhưng có phải vì yêu người khác mà nó yêu ta kém đi không?

Arthos tự thú nhận rằng mình không ngờ đến sự ra đi vội vã ấy; nhưng Raoul thật là vui sướng, đến nỗi mọi thứ trong tâm trí Arthos bị xoá nhoà đi trước cái duyên cớ ấy.

Đến mười giờ mọi thứ đã sẵn sàng cho việc ra đi. Khi Arthos nhìn Raoul lên ngựa thì thấy một tên hầu do bà de Chevreuse phái đến chào anh. Hắn được sai đến nói với bá tước de La Fère rằng bà công tước đã biết tin cậu thanh niên được bà che chở đã trở về và biết cả tinh thần thái độ của cậu trong chiến trận ra sao, bà rất vui lòng gửi đến cậu những lời chúc mừng.

- Hãy thưa với bà công tước, - Arthos đáp, - rằng tử tước đang lên ngựa để đi đến dinh Luynes.

Rồi sau khi lại dặn dò Grimaud rất cẩn thận, Arthos giơ tay ra hiệu cho Raoul có thể đi.

Vả chẳng suy nghĩ đi suy nghĩ lại, Arthos thấy rằng để cho Raoul xa Paris lúc này có lẽ cũng chẳng gì tai hại.

Chú thích:

(1) Người giống hệt mình (nhân vật trong kịch của Plôtơ và Môlie)

hết: Chương 43, xem tiếp: Chương 44

Đánh máy: NGuyễn Học

Alexandre Dumas

Hai mươi năm sau

Chương 44

Lại một Hoàng hậu cần sự giúp đỡ

Ngay từ sáng Arthos đã báo tin cho Aramis. Anh giao thư cho Blaisois tên đầy tớ duy nhất còn ở nhà. Hắn tìm thấy Bazin mặc áo phụ thủ hôm ấy đang phiên trực ở Nhà thờ Đức Bà.

Arthos đã dặn Blaisois cố gặp riêng Aramis. Nhưng hắn vốn là một tên gà tồ ngốc nghếch chỉ biết sai gì làm nấy nên đã tìm hỏi tu viện trưởng d Herblay. Bazin thì khăng khăng nói là chủ mình không có nhà, còn Blaisois thì nằng nặc đòi gặp khiến Bazin phát khùng. Thấy Bazin mặc lễ phục của người nhà thờ, Blaisois tưởng rằng bác ta có mọi đức tính của bộ quần áo ấy tức là tính kiên nhẫn và lòng nhân từ Thiên chúa giáo, cho nên hắn chẳng ngại ngùng lắm vì những lời chối từ và muốn vào phía trong.

Nhưng Bazin bao giờ cũng là người hầu của ngự lâm quân khi máu đã bốc lên hai con mắt ốc nhồi của bác, liền vớ lấy một cái cán chổi và vụt túi bụi vào Blaisois mà bảo:

- Anh đã lăng mạ nhà thờ, anh bạn ạ, anh đã lăng mạ nhà thờ.

Nghe tiếng ồn ào khác thường ấy, Aramis thận trọng hé cánh cửa phòng ngủ ra và xuất hiện.

Thế là Bazin kính cẩn dựng cái chổi lên như bác đã thấy tên lính gác Thụy Sĩ dựng cây giáo lên ở Nhà thờ Đức Bà. Còn Blaisois vừa nhìn con chó ngao với vẻ trách móc vừa móc túi lấy bức thư đưa cho Aramis.

- Của bá tước de La Fère phải không? - Aramis hỏi. - Tốt lắm.

Rồi anh trở vào chẳng buồn hỏi duyên cớ của tiếng ồn ào đó.

Blaisois rầu rĩ trở về khách sạn Grand-Roi-Charlemagne. Arthos hỏi hắn tình hình và hắn kể lại câu chuyện vừa xảy ra.

- Đồ ngốc - Arthos cười nói - Thế mày không báo là do tao sai mày đến à?

- Thưa, không ạ.

- Thế khi Bazin đã biết rõ rồi, thi hắn nói sao?

- A, thưa ông, bác ta xin lỗi đủ điều và bắt tôi phải uống cạn hai chén rượu muscat và ăn mấy cái bánh quy nhúng rượu ngon tuyệt. Nhưng cũng vậy thôi, bác ta ác như quỷ. Thể mà cũng làm phụ với thủ ,

- Được - Arthos nghĩ, - Aramis đã nhận thư ta rồi thì bận đến mấy cũng sẽ đến.

Mười giờ, với tính chính xác đã thành thói quen, Arthos đã có mặt ở cầu Louvre. Cùng lúc ấy, Milord de Winterr đến.

Họ đợi gần mười phút, Milord de Winter bắt đầu lo Aramis không đến.

- Yên trí, - Arthos nói anh đăm đăm nhìn về phía đường Bến phà.

- Yên trí, kìa một tu sĩ đang nện một quả đấm vào mặt một người đàn ông và cúi chào một người đàn bà chắc hắn là Aramis rồi

Quả thật đúng là Aramis. Một gã thị dân trẻ đang đứng ngơ ngẩn giữa đường và làm vấy bùn lên người anh, anh tống cho hắn một quả đấm bắn xa đến mười bước. Cùng lúc một trong những kẻ sám hối của anh đi qua, và vì đấy là một thiếu phụ trẻ và đẹp, anh chào cô ta bằng nụ cười duyên dáng nhất.

Lát sau Aramis tới.

Chúng ta biết chắc rằng anh và Milord de Winter ôm hôn nhau da diết.

- Ta đi đâu bây giờ? - Aramis hỏi, - có phải sẽ đánh nhau ở chỗ kia không? Mẹ kiếp. Sáng nay tôi không mang kiếm, tôi phải về nhà lấy mới được.

- Không, - Lord de Winter đáp - chúng ta đến thăm Lệnh bà Hoàng hậu Anh quốc.

- A! Hay lắm! - Aramis nói, rồi anh ghé tai Arthos và hỏi - Cuộc viếng thăm có mục đích gì vậy?

- Thực tình, mình cũng không biết gì cả. Có lẽ người ta yêu cầu chúng ta một sự biểu thị nào đó.

- Phải chăng về cái việc phải gió ấy? - Aramis nói.

- Trong trường hợp ấy, tôi chẳng muốn đến làm gì, vì đến lại để nhận mấy lời giáo huấn; mà từ khi tôi ban những lời giáo huấn cho kẻ khác thì tôi chẳng muốn nhận làm gì.

- Nếu là như vậy, thì Milord de Winter sẽ chẳng dẫn chúng ta đến Hoàng hậu, vì ông ấy cũng sẽ có phần. Ông ấy cùng phe với chúng ta đấy.

- À có thế thật. Vậy thì ta đi nào.

Đến cung Louvre, Milord de Winter đi vào trước, vả chăng cũng chỉ có mỗi một người gác cổng. Trong ánh sáng ban ngày, Arthos, Aramis và cả người Anh đều có vẻ nhận xêt thấy cảnh tiêu điều kinh khủng của cư xá mà một lòng từ thiện bủn xỉn dành cho bà hoàng hậu khốn khổ. Những gian phòng thênh thang trơ trụi chẳng còn đồ đạc tường long lở lác đác những đoạn đường gờ thếp vàng vẫn còn cầm cự trước sự bỏ hoang, các cửa sổ không còn đóng lại được và mất cả kính; không có thảm rải, không có lính canh, không có người hầu: đó là cái đầu tiên đập vào mắt Arthos và anh lặng lẽ nhắc cho bạn biết bằng cách lấy khủy tay hích vào người bạn và trỏ cho bạn mình xem cảnh tượng khốn cùng hiện ra trước mắt.

- Mazarin ở tốt hơn nhiều, - Aramis nói.

- Mazarin hẩu như là vua, - Arthos nói, - còn bà Henriette hầu như không phải là hoàng hậu nữa.

- Arthos này, - Aramis nói, - anh không thiết đấy thôi, chứ nếu anh muốn tỏ ra có chất hóm hỉnh thì tôi tin chắc rằng anh sẽ có nhiều hơn cái lão de Voiture khốn khổ ấy.

Arthos mỉm cười.

Hoàng hậu có vẻ chờ đợi sốt ruột lắm, vì mới nghe tiếng động đầu tiên ở gian phòng kế trước gian trong mình, bà đã đích thân ra khỏi ngưỡng cửa để đón những cận thần trong cơn hoạn nạn của bà.

Bà nói.

- Mời vào, và xin có lời hoan nghênh các ông.

Các nhà quý tộc vào và vẫn đứng; nhưng hoàng hậu ra hiệu ngồi và Arthos làm theo. Anh vẫn nghiêm trang và điềm tĩnh, nhưng Aramis tỏ vẻ giận dữ: cái cảnh cùng quẫn vương giả ấy khiến anh phẫn nộ, cặp mắt anh xem xét mỗi dấu vết mới của sự khôn khó mà anh nhận thấy.

- Ông xem xét cảnh xa hoa của tôi đấy ư? - bà Henriette nói và đưa cặp mắt buồn rầu nhìn quanh mình.

- Thưa bà, - Aramis nói - xin Lệnh bà miễn thứ, chứ tôi không thể che giấu nỗi bất bình khi nhìn thấy người ta đối xử với con gái của vua Henri IV ở trong cung đình nước Pháp như thế này.

- Ông đây không phải là kỵ sĩ à? - Hoàng hậu hỏi Milord de Winter.

- Ông đây là tu viện trưởng D Herblay - de Winter đáp.

Aramis đỏ mặt.

- Thưa bà, - Aramis nói, - tôi là tu viện trưởng, đúng thế, nhưng bất đắc dĩ chưa bao giờ tôi có thiên hướng làm tu viện trưởng, cái áo choàng tu sĩ này của tôi chỉ dính vào bằng một chiếc cúc và tôi luôn luôn sẵn sàng trở lại làm ngự lâm quân. Sáng nay do không biết có vinh dự được vào yết kiên Lệnh bà, nên tôi khoác quàng khoác quấy bộ y phục này, nhưng không phải vì thế mà kém là một người mà Lệnh bà sẽ thấy là tận tụy nhất để phụng sự Lệnh bà trong bất cứ công việc gì mà Lệnh bà sai khiến.

- Ông hiệp sĩ D Herblay, - de Winter nói tiếp, - là một trong những ngự lâm quân dũng cảm của đức Hoàng thượng Louis XIII mà tôi đã kể với Lệnh bà... - Rồi quay về phía Arthos ông nói - Còn đây là bá tước de La Fère cao quý mà danh tiếng lẫy lừng Lệnh bà đã biết rõ.

- Thưa các ông, - Hoàng hậu nói - cách đây mấy năm, tôi có ở quanh mình những nhà quý tộc, những kho vàng, những quân đội; tôi chỉ vẫy tay một cái là tất cả được dùng cho công việc của tôi. Còn bây giờ, các ông hãy nhìn quanh tôi xem điều này hẳn làm các ông bất ngờ, nhưng để thực hiện một ý đồ cứu vớt cuộc đời tôi, tôi chỉ có Milord de Winter, một người bạn hai mươi năm và các ông đây mà tôi mới gặp lần đầu và chỉ biết là những người đồng bào của mình.

- Thưa Lệnh bà, - Arthos cúi rạp mình nói, - Thế là đủ rồi, nếu như tính mạng của ba con người có thể chuộc lại tính mạng của Lệnh bà.

- Xin đa tạ các ông, - Hoàng hậu nói tiếp. Nhưng xin các ông hãy nghe đây, tôi không những là hoàng hậu khốn khổ nhất là còn là người mẹ bất hạnh, người vợ tuyệt vọng nhất. Các con tôi ít ra là hai người, quận công d York và công chúa Charlotte đều ở xa tôi và phơi mình ra trước những đòn của kẻ thù vả bọn tham vọng. Đức vua chồng tôi thì đang kéo lê lết bên Anh một cuộc sống vô cùng đau khổ mà chắc sẽ không ngoa khi nói chắc với các ông rằng chồng tôi tìm kiếm cái chết như một điều đáng ao ước. Đây các ông xem bức thư mà chồng tôi nhờ Milord de Winter mang đến cho tôi. Hãy đọc đi.

Arthos và Aramis xin lỗi.

- Cứ đọc đi mà, - Hoàng hậu nói.

Arthos cất cao giọng đọc bức thư mà chúng ta đã biết và trong đó vua Charles hỏi xem liệu ông có được đón nhận ở Pháp hay không.

- Thế nào? - Arthos hỏi sau khi đọc xong thư.

- Thế đấy! Lão ta từ chối, - Hoàng hậu đáp.

Hai người bạn trao đổi với nhau một nụ cười khinh bỉ.

- Thưa bà, thế bây giờ phải làm gì ạ? - Arthos hỏi.

- Các ông có chút lòng thương cảm đối với bao nỗi khổ cực như thế không? - Hoàng hậu xúc động nói.

- Tôi xin thưa với Lệnh bà rằng: Lệnh bà muốn ông D Herblay và tôi phải làm gì để phụng sự Lệnh bà, chúng tôi xin sẵn sàng.

- Ôi! Quả thật ông là một tấm lòng cao quý! - Hoàng hậu reo lên với một giọng nói ra bằng lòng biết ơn, trong khi Milord de Winter nhìn bà như có vẻ muốn nói: Tôi đã chẳng bảo đảm với bà về hai vị này đó sao?

- Thế còn ông? - Hoàng hậu hỏi Aramis.

- Về tôi thì thưa bà, - Aramis đáp, bất kỳ ông bá tước đi đâu, dù là đi đến chỗ chết, tôi cũng đi theo mà không hỏi vì sao; nhưng khi đã là việc phụng sự Hoàng thượng, thì tôi xin đi trước bà tước,

Aramis nói thêm và nhìn hoàng hậu với tất cả vẻ duyên dáng của tuổi trẻ.

- Các ông ơi, - hoàng hậu nói, - cơ sự đã như vậy, các ông lại sẵn lòng tận tụy giúp đỡ một bà hoàng khốn khổ mà cả thiên hạ ruồng bỏ; thế thì đây là việc cần làm giúp tôi. Nhà vua bây giờ ở một mình với mấy nhà quý tộc mà ngày ngày ông sợ mất dần đi, ở giữa đám người Scotland mà ông nghi kỵ mặc dầu chính ông cũng là người Scotland. Từ khi Milord de Winter rời Đức vua tôi không còn sống nữa, các ông ạ. Ô. Có lẽ tôi đòi hỏi quá nhiều chăng, bởi vì tôi chẳng có danh vị gì để đòi hỏi. Xin các ông hãy sang nước Anh, tìm đến với nhà vua, làm bạn với vua, làm những người canh giữ vua, hãy đi bên cạnh vua trong trận mạc, đi bên vua cả ở trong nhà nơi cạm bẫy ngày càng dày thêm và còn nguy hiểm hơn rất nhiều mọi rủi ro của chiến tranh. Và thưa các ông, để đổi lại sự hy sinh của các ông tôi xin hửa không phải là thưởng công cho các ông đâu, vì điều đó sẽ xúc phạm các ông, mà là yêu mến các ông như một người chị và quý trọng các ông hơn tất cả những ai ngoài chồng tôi và các con tôi; tôi xin thề trước Chúa trời như vậy?

Và hoàng hậu từ từ và trang trọng ngước mắt lên trời.

- Thưa Bà, - Arthos hỏi, - bao giờ phải đi?

- Ông bằng lòng chứ - Hoàng hậu vui mừng reo lên.

- Vâng, thưa Bà. Song le Lệnh bà đường như quá xa khi hứa hẹn ban cho chúng tôi một tình thân hữu cao hơn nhiều những công lao của chúng tôi. Khi chúng tôi phụng sự một ông hoàng thật khốn khổ và một bà hoàng thật đức hạnh tức là chúng tôi phụng sự Chúa. Thưa bà, chúng tôi xin dâng cả linh hồn và thể xác cho bà.

Hoàng hậu xúc động đến rơi nước mắt, nói:

- Ôi các ông ơi, đây là giây phút vui sướng và hy vọng đầu tiên mà mấy năm nay tôi mới lại được cảm thấy. Phải rồi, các ông phụng sự Chúa, và khả năng của tôi quá hạn chế để nhận ra một sự hy sinh như vậy, cho nên chính Chúa sẽ thưởng công cho các ông. Chúa sẽ đọc trong lòng tôi tất cả những gì tôi hàm ơn Chúa và các ông. Hãy cứu lấy chồng tôi, hãy cứu lấy đức vua. Và dù rằng các ông không mẫn cảm với cái giá mà các ông xứng đáng vì một hành động cao đẹp trên mặt đất này, thì hãy cho tôi hi vọng được gặp lại các ông để tự tôi cảm ơn các ông. Trong khi chờ đợi, tôi ở lại đây. Các ông có điều gì cần dặn dò tôi không? Từ giờ phút này tôi là bạn của các ông và bởi vì các ông làm những công việc của tôi, tôi phải chăm lo việc của các ông.

- Thưa bà, - Arthos nói, - tôi không yêu cầu Lệnh bà cái gì ngoài những lời cầu nguyện.

- Còn tôi, Aramis nói, - tôi chỉ có một mình ở trên đời và chỉ có Lệnh bà đề phụng sự.

Hoàng hậu giơ tay cho hai người hôn và nói nhỏ với de Winter:

- Milord ạ, nếu thiếu tiền, xin ông đừng do dự gì cả, hãy lấy những đồ châu báu mà tôi đã đưa cho ông, tách những hạt kim cương ra và đem bán cho một hàng Do Thái, có thể sẽ được năm sáu chục nghìn livres; nếu cần cứ tiêu đi nhưng những vị quý tộc ấy phải được đối xử như họ xứng đáng, nghĩa là như những ông vua.

Hoàng hậu đã chuẩn bị hai bức thư: một do bà viết, một do công chúa Henriette con gái bà viết. Bà đưa cho Arthos và Aramis mỗi người một bức đề phòng trường hợp họ bị tách rời nhau, thì họ đều có cái để vua nhận ra, rồi họ rút lui.

Xuống đến chân cầu thang, Milord de Winter dừng lại nói:

- Các ông đi một ngả, tôi một ngả để người ta khỏi nghi kỵ và chín giờ tối nay chúng ta gặp nhau ở cửa ô Saint-Denis. Chúng ta sẽ dùng ngựa của chúng ta chừng nào chúng ta còn đi được, rồi sau ta sẽ đi xe trạm. Lần nữa xin cám ơn các bạn thân mến, cảm ơn nhân danh tôi và cám ơn nhân danh hoàng hậu.

Ba nhà quý tộc siết tay nhau Bá tước de Winter đi đường Saint Honoré, còn Arthos và Aramis đi với nhau.

Khi còn lại riêng hai ngươi bạn, Aramis hỏi:

- Này Bá tước thân mến, anh nói thế nào về việc này?

- Xấu lắm - Arthos đáp, - Rất xấu.

- Thế sao anh lại chấp nhận với vẻ nhiệt tình như vậy?

- Cũng như tôi sẽ luôn luôn chấp nhận sự bảo vệ một nguyên tắc lớn, d Herblay thân mến ạ. Các ông vua chỉ có mạnh nhờ quý tộc, nhưng quý tộc chỉ có thể lớn lên nhờ các ông vua. Cho nên ủng hộ nền quân chủ tức là chúng ta ủng hộ chính mình.

- Chúng ta đi sang bên kia để cho người ta ám sát mình à? Tôi căm ghét bọn Anh, chúng thô lỗ như tất cả những kẻ uống bia.

- Thế ở lại đây có hơn gì không nào? - Arthos nói, - để rồi chúng ta sẽ vào nghỉ một chầu ở nhà ngục Bastille hoặc lâu đài Vincennes do đã giúp đỡ cuộc vượt ngục của ông de Beaufort hay sao? A! Hãy tin tôi, Aramis ạ, thực tình chẳng có gì phải luyến tiếc. Chúng ta tránh nhà tù. Và chúng ta hành động như những người anh hùng, việc lựa chọn thật dễ dàng.

- Đúng thế; nhưng bạn thân mến ạ, dù sao cũng phải trở lại vấn đề đầu tiên này thật dớ dẩn nhưng thật cần thiết đấy: anh có tiền không?

- Chừng đâu như một trăm pistol mà bác quản lý trang trại gửi cho tôi hôm trước khi Bragelonne đi, nhưng tôi đã phải để năm chục cho Raoul: một nhà quý tộc trẻ tuổi phải sống cho đàng hoàng chứ.

- Thế là còn lại có gần năm chục pistol. Còn cậu?

- Tôi thì chắc chắn có soát hết các túi và mở hết các ngăn kéo cũng sẽ chẳng thấy mười louis đâu. May thay Milord de Winter giàu có.

- Milord de Winter tạm thời bị phá sản bởi vì Cromwell hưởng các khoản thu nhập của ông ta.

- Thế mới biết có Nam tước Porthos thì hay biết chừng nào, - Aramis nói.

- Thế mới biết không có d Artagnan đáng tiếc biết bao nhiêu, - Arthos nói, Một túi tiền đầy căng

- Một thanh kiếm kiêu hùng?

- Hay là ta rủ bọn họ đi.

Bí mật này không phải của chúng ta, Aramis ạ, - Arthos nói - Hãy nghe tôi, đừng đưa ai vào trong chuyện riêng của chúng ta. Với lại chạy vạy như vậy chúng ta sẽ tỏ ra không tin ở chính mình. Chúng ta tiếc vậy thôi, nhưng đừng nói ra...

- Anh nói có lý. Từ giờ đến tối anh làm gì?

- Tôi buộc phải thu xếp hai việc.

- Liệu những việc ấy có thu xếp đuợc không?

- Ấy! Phải thu xếp cho xong chứ!

- Việc gì vậy?

- Trước hết là một nhát kiếm với ông chủ giáo mà tối hôm qua tôi gặp ở nhà bà de Rambouillet và tôi thấy ông ta lên giọng với tôi một cách lạ kỳ.

- Vớ vẩn! Một sự xích mích giữa các tu sĩ với nhau! Một cuộc đấu kiếm giữa đồng minh với nhau.

Biết làm sao được, bạn thân mến ông ta hay đấu kiếm và tôi cũng vậy; ông ta hay giao thiệp với đàn bà, tôi cũng vậy; chiếc áo thày tu đè nặng ông ta, tôi cũng thấy chán chiếc áo của mình. Đôi khi tôi ngỡ ông ta là Aramis và tôi là chủ giáo, chúng tôi giống nhau biết chừng nào. Cái thứ người giống tôi như đúc ấy làm tôi chán ngán và lo ngại. Với lại hắn ta là một kẻ gây rối có thể sẽ làm hỏng đảng phái ta. Tôi tin rằng nếu tôi cho hắn một cái tát như sáng nay tôi đã làm với cái gã thị dân vấy bẩn lên người tôi, thì sẽ làm thay đổi bộ mặt của các công việc đấy.

- Còn tôi, Aramis thân mến ơi, - Arthos bình thản nói, - tôi cho rằng điều đó chỉ làm thay đổi bộ mặt của ông de Retz thôi(1). Như vậy hãy tin tôi mọi việc thế nào cứ để nó thế. Vả chăng các ông chẳng còn là của mình nữa; anh thuộc về hoàng hậu Anh quốc còn ông ta thuộc về La Fronde. Vậy thì, nếu việc thứ hai mà anh tiếc là không thể hoàn thành, nếu như chẳng quan trọng hơn việc thứ nhất...

- Ồ! Việc ấy quan trọng lắm chứ.

- Thế thì hãy làm luôn đi.

- Tiếc thay tôi không được tự do vào cái giờ tôi muốn: Vì là tối nay cơ, đúng tối nay.

- Tôi hiểu, - Arthos mỉm cười nói, - Nửa đêm phải không?

- Gần như vậy.

- Biết làm thế nào bạn thân mến ơi, đó là những việc tự nó thu xếp được, và anh sẽ thu xếp được, cốt là khi nào trở về sẽ có lời xin lỗi tử tế.

- Phải nếu tôi trở về.

- Mà nếu không trở về thì đã sao! Cần phải biết điều một chút chứ. Này Aramis thân mến ơi, cậu chẳng còn phải ở tuổi hai mươi đâu.

- Rất tiếc, mẹ kiếp! A! Giá như mình còn ở tuổi đó nhỉ?

- Ừ, Arthos nói, - thì cậu sẽ làm khối chuyện điên rồ! Nhưng ta phải chia tay nhau thôi. Tôi còn phải viếng thăm một vài chỗ, viết một lá thư. Cậu sẽ đến rủ tôi lúc tám giờ hoặc tốt nhất, tôi đợi cậu đến cùng ăn tối lúc bảy giờ nhé!

- Được lắm? - Aramis nói. - Tôi phải đi thăm hai chục nơi và viết chừng ấy lá thư nữa.

Nói rồi, họ chia tay nhau Arthos đi thăm bà de Vendôme, ghi tên trước ở nhà bà de Chevreuse và viết cho d Artagnan bức thư sau đây:

"Bạn thân mến,

Tôi cùng Aramis đi làm một việc quan trọng. Tôi muốn đến từ biệt cậu nhưng không có thời gian. Đừng quên rằng tôi viết đây để nhắc lại rằng tôi yêu mến cậu biết chừng nào.

Raoul đang đi Blois và không biết về chuyến đi của tôi. Vắng mặt tôi cậu gắng trông nom nó cẩn thận nhé, và nếu chẳng may trong ba tháng tới mà không nhận được tin tức của tôi, thì cậu hãy bảo nó mở một gói gửi cho nó ở Blois để ở trong cái hộp bằng đồng thau của tôi mở bằng cái chìa khoá mà tôi gửi cậu.

Nhờ cậu ôm hôn Porthos thay cho Aramis và tôi.

Xin tạm biệt và có thể là vĩnh biệt".

Và anh sai Blaisois mang thư đi.

Đến giờ hẹn, Aramis tới. Anh mặc quần áo kỵ sĩ và mang bên mình thanh kiếm cũ mà anh đã từng rút ra luôn và giờ đây hơn bao giờ hết anh sẵn sàng tuốt ra khỏi vỏ.

- A này, - anh nói, - Dứt khoát là chúng ta sai lầm, nếu cứ thế này mà ra đi không để lại một lời chào từ biệt Porthos và d Artagnan.

- Việc ấy tôi đã lo làm rồi bạn thân mến ạ. Tôi đã ôm hôn cả hai người cho cậu và cho tôi.

- Bá tước thân mến ơi anh thật là một người tuyệt vời, anh nghĩ đến mọi việc.

- Thế nào! Cậu đã quyết định đi chuyến này chứ?

- Dứt khoát rồi! Và bây giờ nghĩ lại tôi thấy rời Paris lúc này là hay.

- Tôi cũng vậy, - Arthos đáp, - Song le tôi vẫn tiếc không đến ôm hôn d Artagnan được. Nhưng cái thằng quỷ sứ tinh ma lắm, nó sẽ đoán ra dự định của chúng ta.

Cuối bữa ăn, Blaisois trở về.

- Thưa ông, đây là thư trả lời của ông d Artagnan.

- Ta có bảo phải lấy thư trả lời đâu, đồ ngu? - Arthos nói.

- Cho nên tôi có đợi đâu ạ và ra về, nhưng ông ấy gọi lại và đưa tôi cái này.

Và hắn giơ ra một cái túi nhỏ bằng da tròn căng và kêu xủng xoảng.

Arthos mở túi và lấy ra một lá thư nhỏ, thư viết:

"Bá tước thân mến,

Khi người ta viễn du, nhất là lại lâu tới ba tháng thì chẳng bao giờ có đủ tiền. Do nhớ đến những thời quẫn bách của chúng ta, tôi gửi tới anh một nửa túi tiền của tôi, đó là tiền tôi bóp nặn được của lão Mazarin, vậy tôi xin anh hãy dùng sao cho xứng đáng nhé.

Còn chuyện nói rằng chúng ta không gặp nhau nữa, tôi chẳng tin chút nào đâu; khi người ta có một trái tim và tay kiếm, như anh, người ta đi đâu cũng lọt. Vậy thì xin tạm biệt, chứ không vĩnh biệt...

Chẳng cần phải nói rằng từ cái ngày gặp Raoul, tôi đã yêu nó như con của mìnhh: tự nhiên hãy tin rằng tôi thật lòng cầu Chúa không trở thành cha nó, dù rằng tôi lấy làm hãnh diện về một đứa con trai như nó.

D Artagnan của anh!

Tái bút - Tất nhiên là năm mươi louis tôi gửi anh là của anh cũng như của Aramis, của Aramis cũng như của anh!"

Arthos mỉm cười và cái nhìn đẹp đẽ của anh nhoà một giọt lệ.

D Artagnan mà anh luôn luôn yêu mến thân thương thì bao giờ cũng vẫn yêu quý anh, dù cậu ta là thuộc phái Mazarin.

Aramis dốc túi tiền ra bàn và nói:

- Và đây năm chục đồng louis tất cả đều mang hình vua Louis XIII. Thực tình xin hỏi bá tước, anh dùng tiền này làm gì, giữ lại hay gửi trả?

- Giữ lại chứ. Aramis và nếu không cần đến thì vẫn giữ cái gì được vui lòng tặng thì phải được vui lòng nhận. Cậu hãy cầm lấy hai mươi lăm đồng, Aramis ạ, và đưa tôi hai mươi lăm.

- Càng hay, tôi rất vui mừng thấy anh cùng ý kiến với tôi. Bây giờ thì ta đi chứ?

- Đi lúc nào tuỳ cậu, nhưng cậu không mang người hầu đi à?

- Không, cái tên Bazin ba bị ấy đã dại dột đi làm phụ thủ như anh biết đấy, thành thử hắn không rời nhà thờ Đức Bà được.

- Thôi được, cậu cứ lấy Blaisois mà tôi cũng chẳng cần đến vì đã có Grimaud.

- Xin vui lòng, - Aramis nói.

Vừa lúc ấy, Grimaud xuất hiện ở ngưỡng cửa.

- Sẵn sàng, - Bác nói vẫn với cái kiểu vắn tắt như mọi khi.

- Ta đi thôi, - Arthos bảo.

Quả thật, ngựa đã thắng đầy đủ yên cương đang chờ đợi. Hai người hầu cũng vậy.

Đến góc đường kè, họ gặp Bazin đang chạy vội đến thở dốc ra.

- A! Thưa ông, - Bazin nói. - Nhờ trời tôi đến còn kịp.

- Có chuyện gì đấy?

- Ông Porthos vừa ra khỏi nhà và để lại cái này mà bảo rằng việc rất gấp, tôi phải đưa đến cho ông trước khi ông ra đi.

Aramis cầm lấy cái túi Bazin đưa vào nói:

- Tốt, nhưng cái gì đây?

- Khoan đã, thưa ông tu viện trưởng, có một cái thư.

- Nhà mi biết là tôi bảo nhà mi rằng, nếu không gọi tôi là hiệp sĩ mà cứ gọi khác đi thì tôi sẽ dần gãy xương nhà mi ra. Nào, đưa thư đây.

- Làm thế nào mà đọc được? - Arthos nó - Trời tối đen như hũ nút này này.

- Đợi tí, - Bazin nói.

Bazin bật lửa châm vào ngọn nến nhỏ mà bác vẫn dùng để thắp các cây sáp. Dưới ánh nến Aramis đọc:

"D Herblay thân mến,

D Artagnan thay mặt anh và bá tước de La Fère ôm hôn tôi và cho biết là các anh có việc đi một chuyến đâu vài ba tháng. Vì biết tính anh không thích hỏi mượn bạn bè tôi xin đưa anh hai trăm pistol, anh cứ dùng và sẽ hoàn lại tôi khi nào có dịp. Chớ ngại là tôi bị túng, nếu tôi cần tiền tôi sẽ bảo một trong mấy lâu đài của tôi gửi ra. Riêng ở Bracieux tôi có hai mươi nghìn livres vàng. Tôi không gửi anh nhiều hơn vì rằng anh sẽ không nhận một số tiền quá lớn. Tôi viết cho anh bởi vì Bá tước de La Fère bao giờ cũng có cái gì đó làm cho tôi hơi sờ sợ một cách bất ý mặc dầu tôi hết lòng yêu quý. Đã đành rằng cái mà tôi gửi tặng anh đồng thời cũng là tặng bá tước. Tôi mong anh hãy tin rằng bao giờ tôi cũng vốn là người bạn tận tụy của anh.

Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds".

- Này, - Aramis nói, - anh nói thế nào về chuyện này?

- D Herblay thân mến ơi, tôi nói rằng hầu như sẽ là một điều phạm thánh, nếu ta nghi ngờ Thượng đế, trong khi chúng ta có những người bạn chí thiết như vậy.

- Vậy thế nào bây giờ?

- Vậy thì chúng ta sẽ chia nhau những đồng pistol của Porthos như đã chia những đồng louis của d Artagnan.

Việc chia tiền diễn ra dưới ngọn nến của Bazin, xong hai người bạn lên đường.

Mười lăm phút sau, họ tới cửa ô Saint-Denis nơi de Winter đang chờ họ.

Chú thích:

(1) ông chủ giáo de Gondy

Alexandre Dumas

Hai mươi năm sau

Dịch giả: Anh Vũ

Chương 45

Ở đây đã được chứng minh rằng động tác đầu tiên bao giờ cũng là động tác hay hơn cả

Ba nhà quý tộc đi theo con đường đi Picardie, con đường mà họ quen nhẵn và nó gợi cho Arthos và Aramis nhớ lại vài kỷ niệm trong những niệm huy hoàng nhất thời trẻ trung của họ.

Khi tới chỗ ngày xưa họ đã xô xát với bọn đắp đường, Arthos nói:

- Nếu Mousqueton đi với chúng ta, qua chỗ này hẳn là hắn rưn sợ lắm nhỉ; cậu còn nhớ không, Aramis? Chính tại chỗ này hắn đã xơi phát đạn trứ danh ấy.

- Thực tình thì tôi cho phép nó run sợ đấy, - Aramis nói, - Bởi vì chúng tôi cũng rùng mình trước kỷ niệm đó: ở quá cây kia là một chỗ hẻm mà tôi tưởng đã bỏ xác lại đấy.

Mọi người tiếp tục đi. Rồi chả mấy chốc chính Grimaud trở lại với ký ức của mình.

Tới trước quán hàng mà chủ bác và bác ngày xưa đã làm một chầu no say tuý luý, bác đến gần Arthos, trỏ anh xem cửa sổ cái hầm rượu và nói:

- Xúc xích!

Arthos bật cười về cơn điên loạn hồi tuổi trẻ của mình và anh cũng thấy thú vị như nghe kể về chuyện của một người khác vậy.

Cuối cùng, sau hai ngày và một đêm rong ruổi, một buổi chiều đẹp trời họ tới Boulogne-sur-Mer, một thành phố hầu như hoang vắng, hoàn toàn xây trên đồi cao cái mà người ta gọi là thành phố thấp hồi ấy chưa có. Boulogne là một vị trí vững chắc phi thường.

Khi đến cửa ô thành phố de Winter nói:

- Các ông ạ, ở đây ta cũng phải làm như ở Paris; ta phải tách nhau ra để tránh những điều nghi kỵ. Tôi quen một quán hàng ít khách, nhưng người chủ hoàn toàn tận tâm với tôi. Tôi đi đến đấy, vì chắc có những thư từ đang đợi tôi. Các ông đến khách sạn đầu tiên của thành phố, như khách sạn l Epée du Grand Henri chẳng hạn các ông ăn uống nghỉ ngơi, rồi sau hai giờ nữa chúng ta sẽ đợi ở đấy.

Công việc quyết định như vậy.

Milord de Winter đi dọc theo các đại lộ phía ngoài để vào bằng một lối vào khác khác, còn hai người bạn thì vào lối cửa ở ngay trước mặt. Đi độ hai trăm bước họ đã tìm được cái khách sạn đã được chỉ dẫn từ trước

Mọi người cho ngựa được nghĩ ngơi và tám mát, nhưng vẫn không rời yên ngựa, những người theo hầu đang mệt mõi, bởi hai người hầu cận làm việc rất trể, họ lo cho chủ cũng họ một cách kiên nhẫn, để chủ nhân họ đến nơi hẹn đúng giờ,

Họ làm việc , nhưng không trao đổi với nhau một lời gì cả một lời gì cả .

Ai cũng hiểu rằng những cử chỉ ấy chỉ nhằm đối với Blaisois; đối với Grimaud thì từ lâu nó đã trở thành vô ích rồi.

Arthos và Aramis đi ra cảng.

Với bộ quần áo phủ đầy bụi, với cái, dáng thanh thoát dễ nhận ra là người thường quen với những chuyến đi xa, đôi bạn khêu gợi sự chú ý của mấy người đi dạo chơi.

Họ thấy rõ ràng là việc họ đến đây đã gây một ấn tượng nào đó đối với một người trong số những kẻ đi dạo kia. Họ chú ý đến người ấy trước tiên cũng chính vì những nguyên nhân chính họ bị những người khác chú ý; anh ta đi đi lại lại có vẻ buồn rầu trên con đập dẫn ra bến, vừa trông thấy họ là anh ta cứ nhìn chằm chằm mãi và có vẻ nóng lòng muốn bắt chuyện.

Anh ta trông còn trẻ và nước da tai tái; cặp mắt có một màu xanh bất định đến nỗi tuỳ theo nhưng màu sắc mà nó phản chiếu nó có vẻ giận dữ lên như mắt một con hổ. Dáng đi mặc dầu thủng thỉnh và quanh co mơ hồ, vẫn tỏ ra rắn rỏi và táo bạo. Anh ta vận đồ đen và mang một thanh kiềm dài với vẻ khá trang nhã.

Đi tới con đập. Arthos và Aramis dừng lại nhìn một chiếc thuyền nhỏ buộc vào một cái cọc và trang bị đầy đủ như đang chờ đợi.

- Chắc hẳn là thuyền của ta, - Arthos nói.

- Ừ, - Aramis đáp, - Cái thuyền buồm đang sẵn sàng ở ngoài kia có vẻ là thuyền sẽ chở chúng ta đến nơi đã định. Còn bây giờ - anh nói tiếp. - Miễn là Winter đừng để chúng ta phải chờ đợi thì nán lại đây cũng chẳng hay ho gì, chẳng có một bóng phụ nữ nào đi qua cả.

- Suỵt! Arthos bảo - Người ta sẽ nghe được những lời chúng ta nói đấy.

Thật vậy, trong khi đôi bạn quan sát, thì người du khách du ngoạn đi qua đi lại nhiều lần phía sau họ và dừng lại khi nghe nói đến tên de Winter, song vì khuôn mặt anh ta chẳng biểu hiện một xúc cảm nào khi nghe cái tên đó, nên cũng có thể là ngẫu nhiên anh ta dừng chân.

- Thưa các ông, - Người thanh niên chào với vẻ rất thoải mái và lễ độ; xin các ông miễn thứ cho tính tò mò của tôi, tôi thấy như các ông từ Paris tới đây, hoặc ít ra các ông cũng là những người mới đến ở Boulogne-sur-Mer.

- Vâng, thưa ông, - Arthos đáp cũng với vẻ lịch sự như vậy. - Chúng tôi từ Paris đến. Ông có điều gì cần vậy?

- Thưa ông, - Người thanh niên nói, - Liệu ông có vui lòng cho tôi biết rằng có thật ngài giáo chủ Mazarin không còn là tể tướng phải không?

Đó là một câu hỏi kỳ lạ, - Aramis nói.

- Ông ta là tể tướng mà cũng chẳng là tể tướng. - Arthos đáp. - Nghĩa là một nửa nước Pháp xua đuổi ông ta, và một nửa kia thì duy trì do những mưu mô và những lời hứa hẹn đầy rẫy của ông ấy. Tình trạng này có thể còn kéo dài rất lâu, như ông thấy đấy.

- Cuối cùng - Kẻ lạ mặt nói - Ông ta không bỏ trốn mà cũng chẳng bị cầm tù ư?

- Không, ông ạ, ít ra trong lúc này.

- Thưa các ông, tôi xin cảm ơn về sự ân cần của các ông, - Người thanh niên nói và bước đi .

- Anh nghĩ thế nào về cái người hỏi chuyện này? Aramis nói.

- Tôi cho đó là một dân tỉnh lẻ chán chường hoặc một kẻ dọ thám dò la tin tức.

- Thế mà anh trả lời như vậy ư?

- Tôi chẳng thể trả lời khác được. Hắn lịch sự với tôi và tôi cũng lịch sự lại với hắn.

- Nhưng nếu đó là một tên do thám?

- Thì tên do thám ấy làm gì tôi? Chúng ta không còn ở thời giáo chủ de Richelieu, chỉ cần một điều khả nghi nhỏ là ông ta cho đóng cửa các cảng.

- Dù sao thì anh cũng sai lầm khi trả lời hắn như vậy - Aramis vừa nói vừa đưa mắt theo dõi người thanh niên đi khuất sau những đồi cát.

- Còn cậu, - Arthos nói, - cậu quên rằng cậu đã phạm một điều khinh suất khác là đã nói ra tên Milord de Winter. Cậu quên rằng người thanh niên đã dừng lại khi nghe nói đến cái tên đó sao?

- Thêm một lý do để khi hắn nói với anh thì mới hắn vừa đi qua con đường của hắn.

- Thế là một cuộc cãi vã nổi lên, - Arthos nói.

- Một cuộc cãi vã làm anh sợ hãi từ bao giờ vậy?

- Một cuộc cãi vã bao giờ cũng làm tôi sợ khi người ta cố tình chờ đợi ở tôi và cuộc cãi vã ấy có thể ngăn cản tôi tới đích. Với lại, cậu có muốn tôi thú nhận một điều không? Chính tôi, tôi cũng tò mò muốn nhìn gần gã thanh niên ấy.

- Tại sao vậy?

- Aramis, cậu sắp giễu cợt tôi cho mà xem; cậu sẽ nói rằng tôi luôn luôn nhắc lại vẫn một điều ấy, cậu sẽ gọi tôi là kẻ hoảng sợ nhất trong những kẻ hoang tưởng.

- Sao nữa?

- Cậu thấy cái người ấy giống ai?

- Về cái xấu hay cái đẹp? - Aramis cười hỏi.

- Về cái xấu và về cái điểm mà một người đàn ông có thể giống một người đàn bà đến mức nhiều nhất.

- A! Mẹ kiếp! - Aramis kêu lên, - Cậu làm tôi nghĩ đến điều ấy.

- Không, bạn thân mến ơi, chắc chắn là cậu không hoang tưởng đâu; và bây giờ mình suy nghĩ lại, thực tình là cậu có lý: cái miệng nhỏ và lặn vào, cặp mắt lúc nào cũng tuân theo mệnh lệnh của trí óc, chứ không phải của trái tim. Đúng là một đứa con hoang nào đó của Milady.

- Cậu cười à, Aramis?

- Theo thói quen, thế thôi, vì rằng xin thề là cũng như cậu, mình chẳng thích thú gì gặp lại cái con rắn ấy trên đường đi của mình đâu.

- A, de Winter đến kìa? - Arthos nói.

- Tốt! - Aramis đáp, - chỉ còn thiếu một điều là mấy thằng hầu của chúng ta bây giờ lại bắt chúng ta phải chờ đợi.

- Không đâu, - Arthos nói, - tôi đã trông thấy chúng đi sau Milord vài chục bước. Tôi nhận ra Grimaud ở cái đầu rắn rỏi và đôi chân dài nghêu. Tony mang những khẩu súng trường của chúng ta.

- Thế là chúng ta xuống thuyền ban đêm à. - Aramis hỏi và liếc nhìn về phía tây nơi mặt trời chỉ còn lại một áng mây vàng vừa chìm xuống biển vừa tắt dần.

- Chắc thế, - Arthos nói.

- Chán thật! - Aramis kêu lên, - ban ngày tôi đã ít thích biển, ban đêm càng ít hơn, tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi, cái lúc lắc ghê sợ của con tàu, thú thực là tôi ưa thích tu viện ở Noisy hơn.

Arthos mỉm cười bằng nụ cười buồn rầu của mình, vì rõ ràng anh vừa nghe bạn nói vừa nghĩ đến chuyện khác và bước về phía de Winter.

Aramis đi theo anh.

- Này, ông bạn của chúng ta có chuyện gì thế nhỉ? Aramis nói - Trông ông ấy giống những kẻ bị đày xuống địa ngục của Dante, mà quỷ Satan đã vặn cổ và đang nhìn xuống gót chân. Ông ta nhìn cái quái gì ở đằng sau mình như vậy.

Trông thấy hai người bạn, de Winter bước gấp đến với họ một cách nhanh chóng lạ thường.

- Có chuyện gì thế, Milord, ai đã làm ông thở đến đứt hơi như vậy - Arthos hỏi.

- Chẳng có gì đâu, - Vừa nói Wanter vừa ngoái nhìn sau đồi cát.Thì thầm: Hình như nó cũng có mặt ở đây

Athors nhìn qua Aramis

- Chúng ta hãy đi đi, de Wanter nói tiếp - Chúng ta đi đi, cái thuyền buồm bỏ neo kia chờ chúng ta đấy, các ông có trông thấy không, chúng ta hãy lên trên đó đi nhé .

Vừa nói, de Wanter cũng nhìn ngược lại về phía đồi cát một lần nữa

- Ô kìa! - Aramis nói, - Ông còn quên cái gì chăng?

- Không, đó là một mối bận tâm.

- Ông ta đã trông thấy hắn- Arthos nói nhỏ với Aramis.

Đã tới cái cầu thang dẫn tới thuyền. De Winter cho bọn đầy tớ xuống trước mang theo vũ khí và bọn phu mang các rương hòm và ông đi xuống sau họ.

Cùng lúc ấy Arthos chợt nhìn thấy một người đàn ông đi men theo bờ biển song song với con đập và rảo bước vội vàng như muốn đứng từ phía kia của bến cách chừng non hai chục bước, chứng kiến việc xuống thuyền của họ.

Giữa bóng tối bắt đầu buông xuống, anh tưởng như nhận ra người thanh niên đã hỏi chuyện các anh.

- Ồ ! Ồ! Anh tự nhủ, - phải chăng rõ ràng là một tên do thám và hắn định cản trở bọn ta xuống thuyền? Song, dù trong trường hợp kẻ lạ mặt có ý định ấy thật, thì cũng đã khá muộn để thi hành, nên Arthos đến lượt mình vẫn bước xuống thang, nhưng không rời mắt khỏi gã thanh niên. Cuối cùng, hắn đã xuất hiện trên một cửa cống.

Chắc chắn là hắn định công kích chúng ta, nhưng ta cứ việc xuống thuyền và một khi đã ra khơi, thì hắn cứ việc đến!

Và Arthos nhảy xuống thuyền, nó lập tức rời bến và bắt đầu đi ra với sức của bốn tay chèo lực lưỡng.

Nhưng gã thanh niên cũng đi theo ngay hay nói đúng hơn là vượt chiếc thuyền. Thuyền phải đi qua giữa cái mỏm của con đập bị chế ngự bởi một cây đèn biển vừa mới thắp sáng và một tảng đá dựng xiên từ xa đã trông thấy hắn leo lên tảng đá để có thể chế ngự con thuyền khi nó đi qua.

- Ái chà! - Aramis báo Arthos, - Gã thanh niên ấy nhất định là một tên dọ thám rồi.

- Gã thanh niên nào vậy? - de Winter hỏi và quay đầu lại.

- Thì cái gã đã đi theo bọn tôi, nói chuyện với bọn tôi và đợi chúng ta ở kia kìa, ông hãy nhìn xem.

De Winter quay lại và nhìn theo hướng Aramis trỏ. Ngọn đèn pha chiếu sáng cái eo biển nhỏ mà họ sắp đi qua và tảng đá có gã thanh niên đang đứng đợi, đầu để trần và hai tay khoanh lại.

- Chính nó! - Milord de Winter vừa kêu lên vừa nắm lấy cánh tay Arthos, - Chính nó, tôi đã ngờ nhận ra nó và tôi đã không lầm.

- Nó là ai vậy? - Aramis hỏi.

- Con trai của Milady, - Arthos đáp.

- Gã mục sư, - Grimaud kêu lên.

Gã thanh niên nghe thấy những lời đó, dường như hắn sắp nhảy bổ xuống, hắn ra đứng tận mỏm đá nghiêng nghiêng xuống mặt biển.

- Phải chính ta đây, ông bác của tôi ơi, ta là con trai của Milady, ta là mục sư, ta là thư ký và là bạn của Cromwell, và ta biết các người, và đồng bọn.

Ở trong thuyền có ba con người chắc chắn là dũng cảm và không ai dám phủ nhận lòng can đảm của họ. Vậy mà trước tiếng nói ấy, cái giọng ấy, cử chỉ ấy, họ cảm thấy một nỗi kinh hoàng chạy rần rật trong mạch máu họ.

Còn Grimaud thì tóc gáy dựng lên và mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.

- A! - Aramis nói, - Đó là thằng cháu, đó là gã mục sư, đó là con trai của Milady, như chính hắn vừa nói sao?

- Chao ôi, đúng thế! - De Winter lẩm bẩm.

- Thế thì, đợi đấy! - Aramis nói.

Và với vẻ bình tĩnh ghê gớm mà anh thường có trong những tình huống gay go nhất, anh cầm lấy một trong hai khẩu súng trường mà Tony mang theo, giơ lên nhằm vào con người đang đứng sừng sững trên tảng đá như một hung thần.

- Bắn đi!- Grimaud bất giác kêu lên.

Arthos nhào mình vào nòng súng và ngăn lại phát đạn sắp sửa bay đi.

- Quỷ đã bắt anh chuyện điên rồ ấy rồi? - Aramis la lên, - Tôi đã nhằm hắn rất chính xác ở đầu mũi súng và chắc chắn là viên đạn đã trúng giữa ngực hắn rồi.

- Giết chết mẹ nó là đủ lắm rồi, - Arthos âm thầm nói.

- Mẹ nó là một đứa phản trắc đã từng đánh vào tất cả chúng ta, hoặc vào bản thân chúng ta hoặc vào những người thân yêu của chúng ta.

- Phải rồi, nhưng đứa con trai, nó chưa làm gì chúng ta cả.

Grimaud lúc nhảy nhổm lên để xem hiệu quả của phát súng bây giờ buông mình xuống chán nản và đập tay đen đét.

Gã thanh niên cười phá lên.

- A! Thì ra chính các người, - Hắn nói, - Thì ra chính các người và bây giờ ta đã biết rõ các người.

Tiếng cười the thé và những lời nói hăm doạ của hắn theo gió bay lên mạn thuyền và tan đi trong chân trời sâu thẳm.

Aramis rùng mình.

- Hãy bình tĩnh nào, - Arthos nói. - Quỷ quái thật! Chúng ta không còn phải là những đấng nam nhi nữa hay sao?

- Có chứ. - Aramis đáp, - Nhưng gã kia là một con quỷ và này, hãy hỏi ông bác xem tôi có sai lầm không, nếu trừ khử đứa cháu thân yêu của ông ấy.

De Winter chỉ đáp lại bằng một tiếng thở dài.

Arthos nắm bàn tay de Winter và thử lái qua câu chuyện khác, anh hỏi ông:

- Bao giờ thì chúng ta cập bến nước Anh?

Nhưng ông ta không nghe thấy những lời ấy và không trả lời.

- Arthos này, - Aramis nói, - Có lẽ hãycòn kịp thời giờ. Trông xem hắn vẫn đứng ở chỗ cũ.

Arthos gắng gượng quay đầu lại nhìn gã thanh niên đối với anh hiển nhiên là nặng nề khó chịu.

Thực vậy, gã vẫn đứng sừng sững trên tảng đá, ngọn đèn pha tạo ra chung quanh gã một vầng hào quang xán lạn.

Arthos như là hiện thân của lý trí, chú ý tìm hiểu nguyên nhân mà ít quan tâm đến hiệu quả, anh hỏi:

- Nhưng hắn làm gì ở Boulogne-sur-Mer?

- Hắn theo đuổi tôi, hắn theo đuổi tôi, - de Winter đáp, lần này ông đã nghe thấy tiếng nói của Arthos, vì tiếng nói của anh phù hợp với những suy nghĩ của ông.

- Bạn ơi, - Arthos nói, - để theo đuổi ông, ắt là hắn phải biết rõ cuộc khởi hành của chúng ta chứ? Vả chăng, chắc chắn là trái hẳn lại, hắn ta đã đi trước chúng ta kia mà.

- Thế thì tôi chẳng hiểu ra làm sao cả? - Người Anh vừa nói vừa lắc đầu như một kẻ đang nghĩ rằng thử chống lại một sức mạnh siêu nhiên thì thật là vô ích.

- Aramis này, - Arthos báo, - Tôi nghĩ rằng mình rõ ràng sai lầm không thể để mặc cậu làm cái việc vừa rồi.

- Thôi im đi, - Aramis đáp, - anh làm tôi phát khóc lên bây giờ.

Grimaud thốt ra một tiếng càu nhàu không rõ rệt, nghe như một tiếng gầm gừ.

Vừa lúc ấy từ chiếc tàu buồm có tiếng réo gọi họ. Người lái thuyền ngồi ở đằng lái đáp lại và chiếc thuyền ghé mạn con tàu.

Một lát sau, mấy người cùng đày tớ và hành lý đã lên tàu. Người chủ tàu chỉ đợi hành khách để nhổ neo, và hành khách mới lên boong là người ta cho con tàu quay mũi về phía Hastings, nơi họ phải lên bờ.

Cũng lúc ấy ba người bạn đều bất giác nhìn một lần cuối cùng về phía tảng đá, ở đó vẫn nổi rõ lên cái bóng hăm doạ đang theo dõi họ.

Rồi một tiếng nói vọng đến tận chỗ họ và gửi tới họ lời đe doạ cuối cùng:

- Hẹn gặp lại các ngài ở bên nước Anh nhé?

hết: Chương 45

Alexandre Dumas

Hai mươi năm sau

Dịch giả: Anh Vũ

Chương 46

Lễ tạ về chiến thắng Lens

Tất cả sự hoạt động náo nhiệt ấy mà bà Henriette nhận thấy và cố tìm hiểu lý do nhưng uổng công, là do chiến thắng ở Lens gây nên. Quận công de Châtillon có phần đóng góp cao quý vào chiến thắng, được ngài Hoàng thân phải về đưa tin; ngoài ra ông còn được giao cho treo lên các vòm cửa nhà thờ Đức Bà hai mươi là cờ chiếm được của cả quân Lorrain và quân Tây Ban Nha.

Tin tức ấy có tính quyết định: nó cắt đứt cuộc tố tụng với nghị viện ủng hộ triều đình. Tất cả những thuế khoá đăng ký giản lược bị nghị viện phản đối đều được viện lý do về sự cần thiết bảo vệ danh dự của nước Pháp và về kỳ vọng rủi may đánh bại quân thù. Nhân vì từ sau chiến thắng Nordlingen người ta chỉ toàn gặp phải những chuyện hẩm hiu, nên nghị viện có thể chất vấn Mazarin về những chiến thắng luôn luôn được hứa hẹn và luôn luôn bị trì hoãn.

Nhưng lần này rốt cuộc người ta đã đánh nhau và tranh giành toàn là chiến công và chiến công mỹ mãn. Cho nên mọi người đều hiểu rằng có chiến thắng kép đôi với triều đình: chiến thắng ở bên ngoài và chiến thắng ở bên trong, đến nỗi nhà vua ấu thơ khi nhận được tin tức cũng phải kêu lên:

- A! Hỡi các ngài trong nghị viện, chúng ta sẽ xem các ngài nói thế nào đây!

Nghe vậy Hoàng hậu đã ôm ghì vào ngực mình vị ấu chúa mà những tình cảm kiêu kỳ và bất khuất hoà hợp thật nhịp nhàng với tình cảm của bà. Một cuộc hội họp được triệu tập ngay tối hôm nay được mời dự có thống chế de La Meilleraie và ông de Villeroy, bởi vì họ theo phái Mazarin; có Chavigny và Séguier bởi vì họ thù ghét nghị viện; có Gitaud và Comminger bởi vì họ hết lòng với hoàng hậu.

Những điều quyết định trong cuộc họp chẳng lọt ra ngoài tí gì.

Người ta chi biết rằng chủ nhật tới sẽ có lễ và hát Tạ ơn ở nhà thờ Đức Bà mừng chiến thắng Lens.

Hôm chủ nhật ấy, dân chúng Paris tỉnh giấc trong niềm hoan hỉ.

Thời ấy lễ tạ ơn là một đại sự, người ta hứa lạm dụng cái kiểu lễ nghi này và nó gây tác dụng lớn. Mặt trời như cũng tham dự vào lễ hội, thức dậy thật rạng rỡ và mạ vàng lên những ngọn tháp tối sẫm của kinh đô lúc ấy đã nườm nượp dân chúng. Những phố xá tốì tăm nhất của khu Cité cũng mang không khí hội hè và dọc theo các đường kè người ta cũng thấy những đoàn dài dằng đặc những nhà tư sản, nhưng thợ thủ công, những đàn bà trẻ con nối tiếp nhau kéo nhau đến nhà thờ Đức Bà giống như một con sông chảy ngược về nguồn.

Các cửa hiệu vắng tanh, các nhà đều đóng cửa. Ai nấy đều muốn xem ông vua trẻ cùng với mẹ và vị giáo chủ trứ danh Mazarin mà người ta căm ghét đến nỗi ai cũng muốn nhìn tận mắt.

Vả chăng, sự tự do lớn nhất ngự trị trong đám dân chúng đông đảo ấy: mọi chính kiến đều biểu hiện công khai và có thể nó báo hiệu cuộc khởi loạn, giống như hàng nghìn quả chuông ở tất cả các nhà thờ ở Paris khua vang báo hiệu lễ Tạ ơn. Cảnh sát của thành phố do tự thành phố đặt ra; chẳng có cái gì đe doạ đến quấy rối cuộc hoà tấu của lòng căm ghét rộng rãi và làm nguội lạnh những lời nói từ những cửa miệng phỉ báng kia.

Tuy nhiên, từ tám giờ sáng, trung đoàn thị vệ của hoàng hậu do Gitaud chỉ huy cùng với phó là Comminger cháu ông ta, có kèn trống đi đầu, đến bố trí quân từ Hoàng cung đến nhà thờ Đức Bà.

Dân Paris xem cuộc vận động ấy với vẻ bình thản và bao giờ cũng tò mò trước điệu nhạc binh và những bộ quân phục sặc sỡ.

Friquet. diện quần áo ngày hội. Viện cớ bị sưng hàm mà hắn tạo ra bằng cách ngậm vô sô hạt anh đào vào một bên miệng, hắn đã được Bazin cấp trên của hắn cho nghỉ cả ngày.

Lúc đầu Bazin từ chối, do bác đang bực bội trước hết vì Aramis ra đi mà chẳng hề nói cho bác biết là đi đâu, sau nữa vì bác phải phục dịch một cuộc lễ mừng chiến thắng không hợp với chính kiến của mình. Ta còn nhớ Bazin là một người Fronde và nếu trong một buổi lễ long trọng như thế này mà một ông phụ thủ có thể vắng mặt như một ngày lễ tầm thường mà Bazin ắt đã trình với vị tổng giám mục cái điều yêu cầu như người ta vừa trình với bác. Bác bèn bắt đầu bằng cách từ chối mọi chuyện nghỉ phép.

Nhưng ngay trước mắt Bazin cái hàm của Friquet. sưng lên to tướng, cho nên vì danh dự của cả đoàn lễ sinh có thể bị tổn hại bởi một dị dạng như thế, cuối cùng Bazin đành càu nhàu mà nhượng bộ.

Ra đến cổng nhà thờ, Friquet. nhổ toẹt cái khối sung ra và nhìn về phía Bazin một cử chỉ mà nó bảo đảm cho thằng nhóc Paris lớn sự hơn hẳn của nó đối với những thằng nhóc khác trên thế giới, còn về công việc khách sạn của hắn, tất nhiên hắn giũ sạch mà nói rằng hắn phải phục dịch một ngày lễ ở nhà thờ Đức Bà.

Như vậy là Friquet được tự do diện bộ quần áo bảnh bao nhất.

Nhất là hắn lại có một thứ trang sức thật đặc sắc, đó là một cái mũ bonnet nó lai lai kiểu mũ dẹt thời trung cổ với kiểu mũ rộng vành thời vua Louis XIII. Bà mẹ nó may cho nó cái mũ kỳ lạ ấy, và do ngẫu hứng hoặc do thiếu vải đồng màu, bà đã tỏ ra ít quan tâm đến sự hoà hợp màu sắc, thành thử các tác phẩm tuyệt xuất của đồ mũ mãng thế kỷ thứ mười bảy kia một bên thì vừa vàng vừa xanh, một bên thì vừa trắng vừa đỏ. Nhưng Friquet. vốn rất mê sự đa dạng của màu sắc, nên hắn chỉ càng thêm hãnh diện và dương đương đắc ý.

Ra khỏi chỗ Bazin, Friquet. ba chân bốn cẳng chạy đến Hoàng cung. Hắn tới vào lúc trung đoàn thị vệ từ trong đó đi ra, và do hắn đến chẳng có mục đích nào khác là xem diễn binh và nghe nhạc, hắn bèn đi lên đầu, đánh trống bằng hai thanh đá đen, rồi chuyển sang chơi kèn miệng giả làm kèn đồng một cách tài tình khiến các nhà tài tử về âm điệu bắt chước đã phải nhiều lần khen ngợi.

Trò chơi ấy kéo dài từ cửa ở các Thày đội đến quảng trường nhà thờ Đức Bà, và Friquet. lấy làm thích thú lắm. Nhưng khi trung đoàn dừng lại và các đại đội triển khai đi sâu tận vào tận trung tâm khu Cité và đóng ở cuối phố Saint Christophes, gần phố Cocatrix nơi ông Broussel ở, thì Friquet. chợt nhớ ra là mình chưa ăn sáng, hắn loay hoay tìm xem mình phải quay gót về phía nào để hoàn thành cái công việc quan trọng trong ngày ấy. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, hắn quyết định rằng ông tham nghị Broussel sẽ phải chi cho bữa chén của hắn.

Cho nên hắn băng mình chạy đến đứt hơi tới nhà ông tham nghị và đập cửa dữ dội.

Bà mẹ hẳn làm vú già cho ông Broussel ra mở cửa.

- Thằng ôn con kia, - bà nói, - Mày đến đây làm gì, tại sao mày không ở nhà thờ Đức Bà?

- Mẹ Nanettete ơi, - Friquet. đáp, - con đã đến đấy, nhưng vì con thấy có những chuyện xảy ra mà thày Broussel cần được báo cho biết, cho nên được ông Bazin cho phép, mẹ biết ông Bazin phụ thủ chứ, con đến đây để nói chuyện với ông Broussel.

- Thế mày định nói gì với ông Broussel, hả thằng khỉ?

- Con muốn nói riêng với ông ấy.

- Không thể được, ông ấy đang bận việc.

- Thế thì con đợi vậy, - Friquet. nói, - Chắc hẳn ông ấy thu xếp thì giờ được.

Và hắn leo nhanh lên cầu thang, còn bà Nanette thong thả lên sau hắn.

- Nhưng cuối cùng, - Bà nói, - Mày muốn gì ở ông Broussel.

- Con muốn bảo ông ấy rằng - Friquet. cố nói thật to để đáp lại - có cả một trung đoàn thị vệ đi về phía này. Do con nghe nói ở khắp nơi rằng triều đình có ác cảm với ông, nên con đến báo trước để ông ấy đề phòng.

Broussel nghe tiếng kêu của thằng nhãi ranh và thích thú trước sự hăng hái quá mức của hắn, ông bước xuống gác một, vì quả thật ông đang làm việc ở gác hai.

- Này, cậu bạn ơi, - Ông nói, - Trung đoàn thị vệ thì can gì đến ta và cậu điên hay sao mà làm om xòm lên thế? Cậu không biết rằng đó là thói quen các vị ấy vẫn làm như thế ư? Theo lệ thường thì trung đoàn ấy phải làm hàng rào trên đường vừa đi qua.

Friquet. giả bộ kinh ngạc và dùng ngón tay quay quay cái mũ mới, hắn nói:

- Thưa ông Broussel, ông biết điều đó thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên với ông, ông biết hết mọi thứ, nhưng còn cháu thì lạy Chúa, thực ra cháu không biết, và cháu cứ tưởng rằng đã góp với ông một ý kiến hay. Xin ông Broussel đừng giận cháu về điều đó.

- Trái lại, cậu nhỏ ơi trái lại ta thích sự nhiệt tình của cậu. Bà Nanette ơi, hãy xem những quả mơ mà bà Longueville gửi cho ta hôm qua; và lấy dăm sáu quả cho con trai bà cùng với một cái bánh mềm.

- A! Xin cảm ơn ông Broussel - Friquet. nói, - xin cảm ơn, cháu rất thích ăn mơ.

Broussel sang phòng vợ và bảo dọn ăn sáng. Lúc ấy chín giờ rưỡi ông cố vấn đứng ra cửa sổ. Phố xá vắng tanh, nhưng xa xa người ta nghe thấy như tiếng thuỷ triều đang dâng lên, tiếng ầm ầm mênh mông của những đợt sóng quần chúng đã lớn lên chung quanh nhà thờ Đức Bà.

Tiếng ồn ấy càng tăng khi d Artagnan cùng với đại đội ngự lâm quân đến canh ở các cổng nhà thờ Đức Bà để giúp tiến hành cuộc lễ. Anh đã bảo trước Porthos vận đại lễ phục cưỡi con ngựa đẹp nhất của mình, đóng vai người linh ngự lâm danh dự giống như d Artagnan trước kia vẫn thường làm.

Viên đội trong đơn vị, người lính già trong những cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha đã nhận ra Porthos là bạn đồng ngũ và chẳng mấy chốc đã kể cho mọi người dưới quyền bác những công tích lớn lao của anh chàng khổng lồ ấy, niềm vinh dự của ngự lâm quân xưa kia của ngài de Treville. Porthos không những được anh em trong đại đội đón tiếp niềm nở mà còn được mọi người nhìn với vẻ thán phục.

Mười giờ sáng đại bác ở cung Louvre bắn báo hiệu vua ra. Một chuyển động giống như một cơn giông bão uốn cong và xô lắc các ngọn cây truyền nhanh trong đám dân chúng đang rộn rịch đằng sau những khẩu súng trường bất động của lính thị vệ. Cuối cùng vua xuất hiện cùng với thái hậu trong một cỗ xe toàn mạ vàng. Mười cỗ xe khác theo sau chở các thị nữ, các sĩ quan của hoàng gia và tất cả triều đình.

- Đức vua muôn năm! - Người ta hô lên ở khắp mọi chỗ.

Ông vua trẻ trịnh trọng thò đầu ra cửa xe, lộ vẻ mặt khá biết ơn và cũng khẽ gật đầu chào, điều đó càng làm tăng tiếng hô của đám đông.

Đoàn ngự giả đi thong thả và phải mất gần nửa giờ để vượt khoảng cách từ cung Louvre đến quảng trường nhà thờ Đức Bà. Tới đó đoàn dần dần tiến vào dưới cái vòm rộng mênh mông của đô thành và cuộc lễ thánh bắt đầu.

Lúc triều đình đi đến chỗ của mình, thì một cỗ xe có gia huy của Comminger rời đoàn xe của triều đình và thong thả đi đến cuối phố Saint-Christophe vắng tanh vắng ngắt. Bốn thị vệ và một phó quan cảnh sát đi theo xe bèn leo lên cỗ xe nặng nề và đóng các rèm cửa lại rồi qua một kẽ sáng được sắp đặt thận trọng, viên cảnh sát bắt đầu rình theo dọc phố Cocatrix như có ý đợi một người nào đi tới.

Tất cả mọi người đều bận tâm vào lễ hội, thành thử cả cỗ xe lẫn những sự đề phòng của những kẻ ngồi trong xe đều không bị chú ý.

Riêng có Friquet. mà mắt lúc nào cũng rình rập là thấy rõ, hắn đến đầu tường ở một ngôi nhà ở sân trước nhà thở để nhấm nháp những quả mơ. Từ chỗ ấy hắn nhìn xem vua, hoàng hậu và tể tướng Mazarin, và dự lễ messe như hắn đã phục dịch.

Vào cuối cuộc lễ, hoàng hậu trông thấy Comminger vẫn đứng bên cạnh bà để chờ đợi sự xác định lại mệnh lệnh mà bà đã giao cho y trước lúc rời cung Louvre, bà khẽ nói:

- Đi đi, Comminger, và xin Chúa phù hộ cho ông?

Comminger lập tức đi ngay, ra khỏi nhà thờ và đi vào phố Saint-Christophe.

Friquet. nhìn thấy viên sĩ quan bảnh bao ấy có hai thị vệ theo sau thì cũng đi theo chơi, và càng hoan hỉ vì cuộc lễ kết thúc ngay lúc ấy và vua cũng đã lên xe.

Vừa trông thấy Comminger xuất hiện ở đầu phổ Cocatrix là viên cảnh sát nói nhỏ một tiếng với tên đánh xe ngựa và tên này lập tức cho cỗ xe chuyển động và đi đến cổng nhà ông Broussel.

Comminger gõ cửa cùng lúc chiếc xe dừng ở đó.

Friquet. đứng đằng sau Comminger, đợi mở cửa.

- Thằng ôn kia, mày làm gì đấy? - Comminger hỏi.

Với cái giọng mơn trớn mà thằng nhóc Paris biết dùng rất tài tình khi cần thiết, Friquet. đáp:

- Thưa ngài sĩ quan, tôi đợi vào nhà tiên sinh Broussel?

- Đúng là ông ta ở đây phải không? - Comminger hỏi.

- Vâng, thưa ngài.

- Ông ta ở gác mấy?

- Ở tất cả các ngôi nhà, Friquet. đáp, - Nhà này là của ông ấy mà.

- Nhưng thường ông ta ở đâu?

- Khi làm việc ông ở gác hai; khi ăn ông xuống gác một, lúc này chắc ông đang ăn vì là giữa trưa rồi.

- Tốt! - Comminger nói.

Cửa mở. Viên sĩ quan hỏi người đầy tớ và biết rằng tiên sinh Broussel có nhà và đúng là đang ăn trưa. Comminger đi lên sau người đầy tớ và Friquet. đi lên sau Comminger.

Broussel ngồi ở bàn ăn cùng với gia đình, trước mặt ông là bà vợ, hai bên cạnh là hai cô con gái, ở đầu bàn là người con trai Louvières, mà chúng ta đã thấy xuất hiện nhân tai nạn của ông tham nghị, nay ông đã bình phục hoàn toàn. Ông già đôn hậu sức khỏe dồi dào đang thưởng thức những trái mơ ngon lành mà bà de Longueville gửi đến.

Người đầy tớ toan mở cửa phòng dề báo tin, thì Comminger giữ tay người ấy lại, tự mình mở cửa và đứng ngay trước bức tranh gia đình ấy.

Trông thấy viên sĩ quan, Broussel hơi xúc động, nhưng nhìn thấy hắn chào lễ phép, thì ông đứng lên và cũng chào lại.

Tuy nhiên, mặc dầu sự lễ phép qua lại ấy, nỗi lo âu hiện lên gương mặt mấy người phụ nữ. Louvières tái xanh mặt và nóng lòng chờ đợi viên sĩ quan biện giải.

- Thưa ông, - Comminger nói, - Tôi mang một mệnh lệnh của đức vua.

- Hay lắm, - Broussel đáp. - Đó là lệnh gì thế ông?

Và ông giơ tay ra.

- Thưa ông, tôi được phải đến bắt giữ ông, - Comminger nói vẫn với cái giọng và vẻ lịch sự ấy, - và nếu như ông tin, thì ông chẳng phải mất công đọc bức chiếu dài dòng này làm gì và xin ông đi theo tôi.

Sấm sét giáng xuống giữa đám người hiền lành đang sum họp yên tĩnh này cũng không gây nên một tác dụng khủng khiếp hơn.

Broussel lùi lại run như cây sẩy. Thời ấy, bị giam cầm vì mối cừu thù của nhà vua thật là một điều kinh khủng. Louvières toan nhảy đến chỗ thanh kiếm của mình để trên một cái ghế ở góc phòng, nhưng ông lão Broussel giữa tình cảnh ấy vẫn không mất trí ông đưa mắt nhìn con trai và ghìm lại được cái động tác tuyệt vọng đó. Bà Broussel bị cái bàn ngăn cách với chồng khóc nức nở còn hai cô con gái thì cứ ôm chặt lấy cha mình.

- Nào ông ơi, - Comminger bảo, - Mau mau lên, phải tuân lệnh đức vua.

- Thưa ông - Broussel nói, - Tôi đang yếu sức và không thể ngồi tù trong tình trạng này được; tôi yêu cầu có thời gian.

- Không thể được! - Có một tiếng gào ở cuối phòng.

Comminger quay đầu lại và trông thấy bà Nanette, tay cầm cán chổi, mắt rực lên những tia lửa giận dữ.

- Bà Nanette ơi, - Broussel bảo - Hãy bình tĩnh nào, tôi van bà đấy.

- Tôi mà bình tĩnh được ư, trong khi người ta bắt giữ ông chủ của tôi, người phù trợ, người giải phỏng, người cha của nhân dân khốn khổ! A! Phải rồi? Ông có xéo đi không? Ông vẫn còn biết tôi - bà nói với Comminger.

Comminger mỉm cười. Hắn quay về phía Broussel và nói:

- Này, ông bảo cái mụ kia câm mồm đi và hãy đi theo tôi.

- Bảo tôi câm mồm ư, hả hả! - Nanette nói. - À! Được đấy! Phải có một người khác nữa ngoài ông ra, kẻ đẹp mã của nhà vua ạ! Rồi ông xem!

Và bà Nanette lao về phía cửa sổ, mở ra và kêu to bằng một giọng chói tai từ sân trước nhà thờ cũng nghe thấy:

- Cứu chúng tôi với! Người ta bắt giữ ông chủ của tôi người ta bắt giữ ngài tham nghị Broussel! Cứu chúng tôi với!

- Này ông, - Comminger nói, - Hãy nói rõ ý kiến ngay đi: Ông có tuân lệnh không hay là toan kháng cự lại đức vua?

- Tôi tuân lệnh, tôi tuân lệnh, ông ạ, - Broussel kêu lên, thử gỡ mình khỏi vòng tay của hai con gái và dùng mắt ghìm anh con trai luôn sẵn sàng buột khỏi ông.

- Trong trường hợp ấy - Comminger nói, - hãy bắt mụ già này im lặng.

- A, mụ già à! - Nanette nói.

Và bà lại càng gào thét to hơn, tay bám chặt lấy song cửa:

- Cứu chúng tôi với! Cứu chúng tôi với! Cứu ngài Broussel đang bị người ta bắt chỉ vì đã bảo vệ dân chúng! Cứu chúng tôi với!

Comminger ôm ngang mình bà vú toan giằng bà ra khỏi vị trí, nhưng cùng lúc ấy có một tiếng nói khác từ tầng dưới đất hét lên bằng cái giọng the thé:

- Có vụ giết người! Cháy! Có kẻ ám sát! Người ta chọc tiết ông Broussel!

Đó là tiếng của Friquet.. Bà Nanette thấy mình được ủng hộ càng ra sức hò la theo.

Đã có những cái đầu tò mò hiện ra ở các cửa sổ. Dân chúng từ đầu phố chạy đến, lúc đầu có một số người, rồi từng toán, rồi cả đám đông? Người ta nghe thấy tiếng kêu, trông thấy một cỗ xe, nhưng không hiểu chuyện gì cả. Friquet. từ trong nhà nhảy lên nóc cỗ xe và kêu to:

- Họ định bắt ông Broussel? Trong xe có lính thị vệ và trên gác có viên sĩ quan.

Đám đông bèn gầm lên và đến gần mấy con ngựa. Hai lính vệ đứng ở dưới dường trèo lên gác hỗ trợ cho Comminger; những tên ở trong xe mở cửa xe ra và dựng chéo các cây giáo.

- Các vị thấy chưa? - Friquet. kêu. - Các vị thấy chưa? Chúng nó đấy!

Rồi nó quay vào nhà và ném tới tấp vào người tên đánh xe ngựa tất cả những gì nó vớ được.

Mặc dầu sự thị uy cừu địch của bọn lính vệ và có lẽ, chính vì sự thị uy đó mà đám đông càng gào thét lên và xấn vào lũ ngựa. Bọn lính vệ dùng giáo đâm làm lùi bước những kẻ hung hăng nhất.

Tuy nhiên sự huyên náo mỗi lúc một tăng, đường phố không còn chứa nổi những người xem từ mọi phía dồn đến; đám đông lấp cả khoảng trống mà mấy ngọn giáo ghê gớm cửa lính vệ còn canh giữ ở giữa dân chúng và cỗ xe. Bọn lính như bị xô đẩy bởi những bức tường luỹ sống, sắp sửa bị đè nát vào những trục xe và thành xe.

Những tiếng kêu "Nhân danh đức vua!" do viên phó quan cảnh sát nhắc đi nhắc lại hàng chục lần chẳng mảy may tác động đến đám người hằng hà sa số đáng sợ ấy và dường như còn khiến họ phẫn nộ thêm. Lúc ấy nghe tiếng kêu "Nhân danh đức vua!" một kỵ sĩ phóng đến và trông thấy những bộ quân phục bị ngược đãi, bèn xông lên, tay kiếm lăm lăm và đem đến một sự hỗ trợ không ngờ tới cho bọn lính vệ

Kỵ sĩ ấy là một thanh niên trạc mười lăm mười sáu tuổi mặt tái đi vì phẫn nộ. Anh nhảy xuống đất tựa lưng vào càng xe và dùng con ngựa của mình làm chiến luỹ, anh rút những khẩu súng ngắn ở bao ra gài vào thắt lưng và bắt đầu vung gươm ra dáng một con người mà, việc múa gươm là điều quen thuộc.

Trong mười phút một mình anh ta chống cự với cả đám đông.

Lúc ấy Comminger ra và đẩy Broussel đi trước mình.

- Phá tan cỗ xe ra! - Dân chúng gào lên.

- Cứu chúng tôi với - Bà vú già kêu.

- Có vụ giết người! - Friquet. vừa la vừa tiếp tục ném tới tấp vào bọn thị vệ tất cả những gì hắn nhặt được.

- Nhân danh đức vua! - Comminger hô.

- Kẻ nào xông lên trước tiên sẽ chết! - Raoul vội vã kêu lên khi thấy một gã khổng lồ sắp sửa đè bẹp mình anh dí luôn mũi kiếm vào người hắn, hắn cảm thấy bị thương bèn vừa lùi ra và hét lên.

Chính là Raoul sau năm ngày vắng mặt đã trở lại theo đúng lời hứa với bá tước de La Fère. Anh muốn dự xem lễ hội và đã theo dường ngắn nhất đi đến nhà thờ Đức Bà. Tới gần phố Cocatrix, anh đã bị lôi cuốn theo làn sóng dân chúng. Khi nghe kêu "Nhân danh đức vua!" anh nhớ ngay đến lời dặn của Arthos "Phụng sự đức vua" và chạy ngay đến để chiến đấu vì đức vua, mà những lính thị vệ của Ngài đang bị ngược đãi.

Có thể nói là Comminger đã quăng Broussel vào trong cỗ xe và nhào vào theo. Đúng lúc ấy một phát súng hoả mai nổ, đạn xuyên qua mũ của Comminger từ trên xuống dưới và làm gẫy tay một lính vệ.

Comminger ngẩng đầu lên, và trông thấy giữa đám khói bộ mặt hăm doạ của Louvières ló ra ở cửa sổ gác hai.

- Được lắm, - Comminger nói, - tôi sẽ nói chuyện với ông sau.

- Và tôi cũng vậy - Louvières đáp, - Chúng ta sẽ xem người nào nói to hơn.

Friquet. và Nanette vẫn gào thét. Những tiếng kêu la, tiếng đạn nổ, mùi thuốc súng bao giờ cũng làm cho người ta say sưa, đang phát huy tác dụng.

- Đánh chết tên sĩ quan đi! Đánh chết đi! - Đám đông hét.

Một náo động lớn rộn lên.

Comminger vén các tấm rèm cửa ra để mọi người nhìn rõ trong xe rồi tì mũi gươm vào ngực Broussel hắn, kêu lên:

- Các người tiến lên một bước là ta sẽ giết chết tên tù nhân này ngay, ta được lệnh là mang tù nhân về chết hoặc sống: ta sẽ mang hắn chết về, có thế thôi.

Một tiếng kêu khủng khiếp vang lên. Vợ và các con gái của Broussel giơ tay ra van xin dân chúng.

Dân chúng hiểu rằng viên sĩ quan tái mét nhưng tỏ ra thật kiên quyết và hắn sẽ làm như hắn nói. Mọi người vẫn hăm doạ, nhưng dãn bớt.

Comminger cho tên lính bị thương lên xe cùng với mình rồi ra lệnh đóng cửa xe lại.

- Đi đến Cung, - Hắn bảo tên đánh xe ngựa vừa trải qua một mẻ thừa sống thiếu chết.

Tên đánh xe ra roi quất ngựa mở một con đường rộng trong đám đông, nhưng đi đến kè thì phải dừng lại. Chiêc xe đổ kềnh, mấy con ngựa bị đám đông lôi đi, chèn cho ngạt thở và nghiền nát. Raoul đi bộ vì không có thì giờ để lên ngựa, mệt nhoài vì phải đánh kiếm bằng bản cũng như bọn lính vệ phát chán vì phải đánh giáo mác bằng mặt dẹt, bắt đầu dừng đến mũi nhọn của gươm giáo. Người ta bắt đầu thấy chốc chốc lóe lên ở giữa đám đông nòng một khẩu súng trường hoặc lưỡi một thanh trường kiếm; vài phát súng nổ đì đoành chắc là bắn chỉ thiên, nhưng tiếng vang cũng không kém làm rung động những trái tim; gạch đá tiếp tục ném xuống như mưa từ các cửa sổ. Khắp phố vang lên những tiếng nói mà người ta chỉ nghe thấy trong những ngày bạo loạn và xuất hiện những bộ mặt mà người ta chỉ trông thấy trong những ngày đẫm máu. Những tiếng kêu "Đánh chết! Đánh chết bọn lính vệ? Quẳng thằng sĩ quan xuống sông Seinee?" át tất cả tiếng ồn ào dù to đến mấy. Raoul mũ tả tơi, mặt đầm đìa máu me, cảm thấy không chỉ sức lực mà cả lý trí bắt đầu bỏ rơi anh: cặp mắt anh bơi trong một đám sương mù đo đó và qua đám sương mù ấy anh nhìn thấy hàng trăm cánh tay đang vươn ra sẵn sàng tóm lấy anh khi nào anh ngã xuống. Comminger bứt tóc vò tai trong cỗ xe lật đổ. Bọn lính vệ chẳng thể hỗ trợ cho ai trong khi mỗi tên phải lo bảo vệ cho chính mình. Tất cả thể là hết: xe, ngựa, lính vệ, sai nha, và có thể cả tù nhân nữa tất cả sắp sửa tan tác tả tới, thì bỗng nhiên một tiếng nói rất quen thuộc với Raoul vang lên, bỗng nhiên một thanh kiếm lớn lấp lánh trên không; cùng lúc ấy đám đông mở ra, bị chọc thủng, bị lật nhào, bị đè bẹp. Một viên sĩ quan ngự lâm quân đánh chém tứ tung, chạy đến chỗ Raoul và ôm lấy anh đúng lúc anh sắp quỵ xuống.

- Mẹ kiếp! - Viên sĩ quan kêu lên, - Họ giết chết anh ta rồi chăng? Nếu vậy thì tai hoạ lớn cho họ!

Ba viên sĩ quan quay lại mặt đằng đằng sát khí, giận dữ và nạt nộ trông phát khiếp đến nỗi những kẻ phiến loạn hung cuồng nhất cũng xô đè lên nhau mà bỏ chạy, có mấy người lăn cả xuống sông .Seine

- Ông d Artagnan? - Raoul lẩm bẩm.

- Phải, chính tôi tôi đây! Chúa ơi! Và xem ra anh cũng còn may lắm, anh bạn trẻ ạ.

Rồi d Artagnan đứng hẳn lên đôi bàn đạp, giơ gươm lên, gọi vừa bằng lời vừa bằng cử chỉ đám ngự lâm quân không chạy kịp theo anh, thế mới biết anh phóng nhanh biết chừng nào. Anh hô to:

- Nào, lại đây các ông! Nào, hãy quét sạch cho tôi tất cả những thứ này đi! Dùng súng! Cầm lấy súng Nạp đạn! Ngắm...

Nghe mệnh lệnh ấy những núi người đổ sụp xuống bất thình lình, đến nỗi d Artagnan không nén được một chuỗi cười ròn rã.

- Cảm ơn ông d Artagnan, - Comminger vừa nói vừa thò nửa người ra cửa cỗ xe đổ, - Xin cảm ơn vị quý tộc trẻ tuổi! Tên ông là gì nhỉ? Để tôi trình với hoàng hậu.

Raoul toan trả lời, thì d Artagnan ghé vào tai anh mà bảo:

- Hãy im lặng để tôi trả lời.

Rồi quay về phía Comminger, anh bảo:

- Comminger, đừng để mất thì giờ, hãy ra khỏi xe nếu có thể, và lấy một xe khác mà đi.

- Nhưng xe nào?

- Trời ơi, chiếc xe đầu tiên nào đi qua Cầu Mới. Tôi cho rằng những kẻ nào đi chiếc xe ấy sẽ rất sung sướng được cho mượn xe để làm công cụ của nhà vua.

- Nhưng tôi không thể... - Comminger nói.

- Thôi, đi đi, nếu không thì năm phút nữa tất cả bọn tiện dân sẽ trở lại với kiếm gươm và súng ống. Ông sẽ bị giết chết và tù nhân được giải thoát. Đi thôi. Mà này, vừa vặn có một cỗ xe đang đến kia kìa.

Rồi lại cúi xuống Raoul, anh khẽ bảo:

- Nhất là chớ có xưng tên anh ra.

Chàng thanh niên nhìn anh với vẻ kinh ngạc.

- Được rồi, tôi chạy đến đó bây giờ, - Comminger nói, - vả nếu chúng trở lại, thì các ông cứ bắn.

- Không được, không được đâu, - D Artagnan đáp, Trái lại không ai được động đậy. Một phát súng nổ lúc này. sẽ phải trả giá quá đắt ngày mai.

Comminger lấy bốn lính thị vệ và từng ấy lính ngự lâm chạy ra chỗ chiếc xe. Hắn bảo mọi người xuống và đem cỗ xe đến gần chiếc xe đổ.

Nhưng khi phải chuyển Broussel từ chiếc xe đổ sang xe kia, dân chúng chợt trông thấy người mà họ gọi là kẻ giải phóng họ, bèn thốt ra những tiếng gào thét không thể tưởng tượng được và lại ùa đến cỗ xe.

- Đi đi, d Artagnan nói, - Đây là mười lính ngự lâm để đi theo ông; tôi giữ lại hai mươi người để kìm giữ dân chúng. Hãy đi ngay và chớ để mất một phút nào cả. Mười người cho ông Comminger!

Mười người rời khỏi toán quân, bao quanh cỗ xe mới và phi nước đại.

Cỗ xe chạy thì tiếng kêu la càng tăng lên gấp bội, mười nghìn người ùn ùn trên kè, làm nghẽn tắc Cầu Mới và những phố liền kề.

Mấy phát súng nổ. Một lính ngự lâm bị thương.

- Tiến lên! - D Artagnan hô, - anh không nhịn được nữa và cắn ria mép.

Và với hai mươi người của mình anh công kích cả đám dân chúng ấy khiến họ nhào đổ, kinh hoàng.

Riêng có một người đứng nguyên tại chỗ, cây súng hoả mai trong tay. Người ấy nói:

- A! Thì ra chính mày đã toan ám sát ông ta. Đợi đây!

Và hắn hạ nòng súng nhằm vào d Artagnan đang cho ngựa phi hết sức vào chỗ hắn.

D Artagnan cúi rạp mình xuống cổ ngựa vào lúc người thanh niên nổ súng; viên đạn cắt phăng chiếc lông mũ của anh.

Con ngựa phát khùng xộ vào kẻ dại dột đã dám một mình thử ngăn cản một trận cuồng phong, và hất tung hắn rơi vào một bức tường.

D Artagnan dừng phắt ngựa lại và trong khi ngự lâm quân của anh tiếp tục công kích, anh trở lại giơ cao kiếm trên kẻ bị anh xô ngã.

Raoul nhận ra người trẻ tuổi ấy vì đã trông thấy anh ta ở phố Cocatrix, vội kêu lên:

- A! Ông ơi, hãy tha thứ cho anh ta, đó là con trai ông ấy đấy.

D Artagnan vội dừng cánh tay sắp giáng xuống.

- Ồ! anh nói, - anh là con trai ông ấy à? Nếu thế thì là chuyện khác.

- Thưa ông, tôi xin đầu hàng! - Louvières vừa nói vừa đưa khẩu súng hoả mai nhả đạn cho viên sĩ quan...

- Thôi nào! Mẹ kiếp, chớ có đầu hàng! Trái lại hãy cố chuồn đi mau lên! Nếu tôi bắt anh, thì anh sẽ bị treo cổ.

Người thanh niên không để nói đến câu thứ hai, anh ta chui dưới cổ con ngựa và biến đi ở góc phố Guénégaud.

- A, anh ngăn bàn tay tôi rất kịp thời, - D Artagnan bảo Raoul, thực tình mà nói người này coi như chết đến nơi rồi và khi tôi biết anh ta là ai thì tôi sẽ ân hận là đã giết anh ta.

- Ôi thưa ông, - Raoul nói, - sau khi cảm ơn ông thay cho người thanh niên tội nghiệp kia, tôi xin phép cảm ơn ông cho riêng tôi, vì thưa ông, tôi cũng sắp chết đến nơi rồi thì ông kịp đến.

- Khoan đã, khoan đã, chớ có nói năng mệt sức.

Rồi moi ở một bao súng ra một lọ đầy rượu vang Tây Ban Nha anh bảo:

- Hãy uống vài ngụm đi nào.

Raoul uống và toan nhắc lại lời cảm ơn, thì d Artagnan đã nói:

- Này người thân yêu ơi, chúng ta sẽ nói chuyện đó sau.

Rồi trông thấy ngự lâm quân sau khi đã quét đường kể từ Cầu Mới đến Saint-Michel đang trở lại anh giơ cao thanh kiếm để họ rảo bước lên và hỏi họ:

- Ơ này? Có chuyện gì mới xảy ra không?

- Thưa ông, - Viên đội đáp, - Xe của họ bị gẫy lần nữa, đúng là một vận xui thực sự.

D Artagnan nhún vai nói:

- Đó là những kẻ vụng về. Khi chọn một cái xe, thì phải chọn cái vững chắc chứ. Cỗ xe dùng để bắt giữ một Broussel phải chờ nổi mười nghìn người.

- Trung uý ra lệnh gì không ạ?

- Hãy dẫn phân đội về dinh.

- Thế ông rút về một mình?

- Đã đành! Ông cho tôi cần người hộ vệ à?

- Tuy nhiên...

- Thôi đi đi.

Ngự lâm quân đi và d Artagnan ở lại một mình với Raoul.

- Bây giờ còn đau không? - Anh hỏi.

- Còn, ông ạ. Tôi thấy đầu mình nặng và nóng như lửa.

- Có gì ở đầu vậy? - D Artagnan vừa nói vừa bỏ mũ ra. - Á à! Một vết bầm .

- Vâng, tôi chắc rằng đã bị một chậu hoa ném vào đầu.

- Bọn súc sinh! - D Artagnan kêu lên. - Ơ, nhưng mà anh có mang đinh thúc ngựa, thế lúc ấy anh đi ngựa à?

- Vâng, nhưng tôi đã xuống ngựa để bảo vệ ông Comminger, và con ngựa của tôi đã bị người ta lấy mất. Mà này, nó kia kìa.

Quả thật, đúng lúc ấy con ngựa của Raoul đi qua do Friquet cưỡi, hắn đang vừa phi vừa vẫy chiếc mũ bonnet và la.

- Broussel! Broussel!

- Ơ này! Thằng vô lại kia, dừng lại! - D Artagnan kêu lên - Đem con ngựa lại đây!

Friquet. nghe rõ hẳn hoi, nhưng hắn tảng lờ và cứ chạy tiếp...

D Artagnan toan đuổi theo Friquet., nhưng không muốn để Raoul ở lại một mình, anh đành lấy súng ngắn ở bao ra và nạp đạn.

- Friquet. tinh mắt và tinh tai, hắn vừa trông thấy động tác của d Artagnan và nghe thấy tiếng cò súng vội dừng phắt ngựa lại.

- A! Ông đấy à, thưa ông sĩ - quan - Hắn vừa, nói vừa tiến lại nói, Tôi rất vui mừng được gặp ông.

D Artagnan chăm chú nhìn Friquet. và nhận ra thằng nhóc con ở phố Calandre...

- A, mày đấy à, thằng nhóc! Lại đây!

- Vâng, thưa ông sĩ quan chính tôi đây, - Friquet. nói với cái điệu mơn trơn.

- Thì ra mày đổi nghề rồi à? Mày không còn làm lễ sinh, mày không còn làm hầu bàn quán ruợu, và bây giờ đi ăn trộm ngựa!

- Ồ, thưa ông sĩ quan, sao lại nói thế, - Friquet. kêu lên. - Tôi đang đi tìm vị quý tộc có con ngựa này, một chàng kỵ sĩ tuấn tú uy nghi như César... - Hắn giả bộ như mới trông thấy Raoul lần đầu tiên và nói tiếp - A! Nhưng tôi không nhầm, người ấy đây rồi. Thưa ông, ông sẽ không quên thằng nhỏ này chứ?

Raoul thò tay vào túi.

- Anh định làm gì thế? - D Artagnan nói.

- Để tôi cho thằng bé đó mười livres, vừa nói Raoul vừa lấy trong túi ra một cây súng ngắn

- Cho nó mười cái đá thì có - Artagnan vừa nói, vừa ra lệnh -

- Cút đi, đồ vô lại và đừng quên rằng tao biết nhà của mày đấy.

Friquet. không ngờ được thoát nợ một cách dể dải đến thế, hắn ta nhảy một bước từ kè ra phố Dauphine và biến mất.

Raoul lên ngựa và cả hai người đi bước một về phố Tiquetonne, d Artagnan nhìn chàng thanh niên như đó là con đẻ của mình.

Dọc đường vẫn có khối tiếng xì xào lẩm bẩm và những lời hăm doạ xa xa. Nhưng nhìn thấy viên sĩ quan có phong cách thật nhà binh, trông thấy thanh kiếm ghê gớm treo ở cổ tay anh bằng sợi dây da người ta luôn luôn tránh ra và không có một ý đồ thực sự nào nhằm chống lại hai kỵ sĩ.

Thế là hai người đi tới quán "Con dê cái nhỏ" mà không có chuyện gì xảy ra.

Mỹ nhân Madeleine báo với d Artagnan là Planchet đã trở về và dẫn theo Mousqueton, anh chàng này đã chịu đựng một cách anh hùng việc lấy viên đạn ra và lại khỏe mạnh như xưa.

D Artagnan cho gọi Planchet; nhưng người ta gọi mãi mà chẳng thấy hắn trả lời: hắn đã biến mất.

- Thế thì đem rượu vang ra đây? - D Artagnan bảo.

Rồi khi rượu mang ra và d Artagnan còn lại một mình với Raoul, anh nhìn thẳng vào mặt Raoul mà nói:

- Anh tự thấy bằng lòng với mình lắm phải không?

- Vâng ạ, - Raoul đáp. - Hình như tôi đã làm tròn bốn phận của mình. Tôi đã chẳng bảo vệ nhà vua đó sao?

- Thế ai bảo anh bảo vệ vua?

- Thì chính Bá tước de La Fère.

- Đúng, vua, nhưng hôm nay anh không bảo vệ vua, anh đã bảo vệ Mazarin, như thế lại khác hẳn.

- Nhưng thưa ông...

- Anh đã làm một việc dị thường, anh bạn trẻ ạ, anh đã dây vào nhưng chuyện không can hệ gì đến anh.

- Song chính ông...

- Ồ, tôi là chuyện khác tôi phải tuân theo mệnh lệnh vị chỉ huy của tôi. Vị chỉ huy của anh là Ngài hoàng thân. Hãy nhớ rõ điều đó, anh không có người chỉ huy nào khác. Nhưng mà, - D Artagnan nói tiếp, - người ta đã trông thấy cái đầu vớ vẩn này đang đi theo phái Mazarin và giúp vào việc bắt bớ Broussel! Thôi, chớ có hé miệng một ti gì kẻo Bá tước de La Fère sẽ tức giận đấy.

- Ông cho rằng bá tước de La Fère sẽ tức giận tôi ư?

- Hẳn đi chứ! Tôi chắc chắn như vậy; nếu không vì điều ấy, thì có lẽ tôi sẽ cảm ơn anh vì rốt cuộc anh đã làm việc cho chúng tôi. Cho nên tôi đã thay bá tước mà quở trách anh, cơn thịnh nộ sẽ dịu hơn, anh hãy tin như vậy. Với lại, - D Artagnan nói thêm, - Con thân yêu, ta dùng đặc quyền mà người đỡ đầu của con đã nhượng cho ta.

- Thưa ông, tôi không hiểu ý ông, - Raoul nói.

D Artagnan đứng dậy đến bàn viết lấy một bức thư đưa cho Raoul.

Raoul đọc lướt qua tờ giấy và cái nhìn trở nên bối rối. Ngước đôi mắt đẹp rưng rưng lệ nhìn d Artagnan anh nói:

- Ôi, lạy Chúa! Vậy là ông Bá tước đã rời Paris mà không gặp tôi.

- Ông ra đi cách đây bốn ngày, - D Artagnan nói.

- Nhưng bức thư dường như chỉ rõ rằng ông ấy đang trải qua một mối nguy hiểm chết người.

- Ồ! Ông ấy mà trải qua một mối nguy hiểm chết người! Không đâu, cứ yên tâm, ông ấy đi vì công việc và chẳng bao lâu sẽ trở về. Tôi mong rằng anh sẽ không lấy làm khó chịu nhận tôi làm người bảo trợ tạm thời.

- Ô, không đâu, ông d Artagnan - Raoul nói, - Ông là người quý tộc trung hậu và Bá tước de La Fère yêu quý ông biết chừng nào!

- Này, lạy Chúa! Hãy yêu mến tôi nhé. Tôi sẽ không làm rầy rà anh mấy đâu, nhưng với điều kiện anh sẽ là Fronde, anh bạn trẻ và rất Fronde nữa kia.

- Nhưng tôi có được tiếp tục thăm bà de Chevreuse không?

- Có chứ! Cả ông chủ giáo và bà de Longueville nữa. Và nếu ông Broussel tử tế mà anh đã dại dột tham gia vào việc bắt bớ còn ở kia, thì tôi sẽ bảo anh: Hãy mau mau đến xin lỗi ông Broussel và hôn lên hai mà ông.

- Được rồi thưa ông, tôi sẽ tuân lời ông, dù rằng tôi chưa hiểu ý ông.

- Anh hiểu làm gì, vô ích. Kìa, - D Artagnan quay ra phía cửa vừa mới mở ra và nói tiếp - Ông Du Vallon đến đây với quần áo rách tả tơi.

Porthos mình ròng ròng mồ hôi và đầy bụi bậm đáp:

- Phải, nhưng đổi lại, tôi đã xé rách bao nhiêu da thịt. Những tên loạn dân ấy không muốn cất kiếm của tôi đi! Ghê thật! Cuộc náo động dân chúng đến thế là cùng! - Chàng hộ pháp nói tiếp với vẻ bình thản, - nhưng tôi đã dập chết hơn hai chục tên bằng cái chuôi gươm Balizarde... Một chút rượu vang nào, d Artagnan.

- Ồ xin tuỳ ý cậu, - Chàng Gascon vừa nói vừa rót đầy cốc Porthos, - Nhưng khi đã uống rồi, cậu hãy nói tôi biết ý kiến của cậu.

Porthos nốc một hơi cạn cốc rượu, rồi sau khi đã đặt cốc xuống bàn và mút mút chòm ria mép, anh hỏi.

- Ý kiển về cái gì cơ?

- Này nhé, - D Artagnan nói. - Bragelonne đây muốn đem hết sức mình ra giúp vào việc bắt giữ Broussel và tôi vất vả lắm để ngăn anh ta bảo vệ Comminger.

- Ghê nhỉ! - Porthos nói - Và người bảo trợ sẽ nói thế nào khi biết chuyện này?

- Thấy chưa! - D Artagnan ngắt lời, - Hãy làm Fronde, anh bạn trẻ ơi. Hãy làm Fronde và nhớ rằng tôi thay bá tước về mọi mặt.

Và anh vỗ rủng rẻng túi tiền.

Rồi quay về phía bạn, anh bảo:

- Có đi không, Porthos?

- Đi đâu cơ? - Porthos vừa hỏi vừa rót thêm rượu vang nữa.

- Đi đến bày tỏ kính lễ với tể tướng.

Porthos nốc cốc rượu thứ hai vẫn với vẻ bình thản như lần trước, rồi vớ chiếc mũ dạ để ở trên ghế và đi theo d Artagnan.

Còn Raoul thì đứng ngẩn người ra vì những điều mắt thấy tai nghe; d Artagnan đã cấm anh rời khỏi phòng trước khi sự náo động lắng dịu.

Alexandre Dumas

Hai mươi năm sau

Dịch giả: Anh Vũ

Chương 47

Kẻ ăn mày ở nhà thờ Saint-Eustache

Artagnan đã tính toán việc mình làm khi anh không đến ngay Hoàng cung. Anh đã để cho Comminger đến đó trước anh và do đó trình với tể tướng những công việc phi thường mà hắn ta, d Artagnan và bạn anh đã làm trong buổi sáng, hôm nay cho phe phái của hoàng hậu.

Cho nên Mazarin đã đón tiếp hai anh một cách nồng hậu, hết lời khen ngợi các anh và tuyên bố rằng mỗi anh đã tiến quá nửa con đường mà các anh ao ước, nghĩa là cấp đại uý của d Artagnan và tước vị Nam tước của Porthos.

D Artagnan có lẽ thích tiền bạc hơn là tất cả những thứ đó vì anh biết rằng Mazarin hứa hẹn thì dễ dàng nhưng giữ lời thì khó lắm. Cho nên anh coi những lời hứa của giáo chủ như những món ăn vô bổ, song anh tỏ ra không kém hài lòng trước mặt Porthos để bạn khỏi nản lòng.

Trong khi hai người bạn đang ở chỗ tể tướng thì hoàng hậu cho gọi ông ta. Giáo chủ nghĩ rằng đây là một dịp tăng thêm nhiệt tình của hai kẻ bảo vệ mình bằng cách để chính hoàng hậu ban lời cảm ơn với họ; ông ra hiệu cho họ đi theo mình. D Artagnan và Porthos chỉ cho ông xem phần quần áo bụi bậm và rách tả tơi của họ, nhưng giáo chủ lắc đầu và nói:

- Những bộ quần áo này còn giá trị hơn quần áo của phần lớn các cận thần mà các ông sẽ trông thấy ở chỗ hoàng hậu, vì đây là những quần áo chiến trận.

D Artagnan và Porthos tuân lệnh.

Cung đình của Anne d Autriche đông đúc và ồn ào vui vẻ, vì xét cho cùng, sau khi giành một chiến thắng với Tây Ban Nha, người ta vừa mới giành một chiến thắng với dân chúng. Broussel đã bị đưa ra khõi Paris mà không có chống cự và giờ này chắc đang nằm trong nhà tù Saint-Germain; và Blancmensnil cũng bị bắt đồng thời với Broussel nhưng êm ru, không khó khăn gì và đã bị nhốt vào lâu dài Vincennes.

Comminger đứng bên cạnh hoàng hậu, bà hỏi hắn ta về những chi tiết của cuộc chinh phạt. Mọi người đang nghe Comminger kể chuyện, thì hắn chợt nom thấy ở cửa giáo chủ bước vào, theo sau là d Artagnan và Porthos.

- A! Thưa Lệnh bà, - Comminger vừa nói vừa chạy đến d Artagnan, - đây là một người có thể trình với Lệnh bà hay hơn tôi, vì đó là cứu tinh của tôi. Không có ông ta, chắc hẳn lúc này tôi đang mắc vào những tấm lưới ở Saint-Clou vì tôi chỉ còn cách là nhảy xuống sông mà thôi. Nói đi, d Artagnan nói đi.

Từ khi là trung uý ngự lâm quân đến giờ, d Artagnan đứng ở cùng phòng với hoàng hậu kể có đến trăm bận, nhưng chẳng bao giờ bà ta nói năng với anh cả.

- Thế nào, ông? - Hoàng hậu nói, - Sau khi đã làm một việc như vậy để phụng sự tôi mà ông lại im lặng ư?

- Thưa Lệnh bà, - D Artagnan đáp, - tôi chẳng có gì để nói, nếu không phải tính mạng của tôi là để phụng sự Hoàng thượng, và tôi chỉ lấy làm sung sướng ngày nào tôi hy sinh nó vì Người.

- Tôi biết điều đó ông ạ, - Hoàng hậu nói, -Ttôi biết điều, đó và từ lâu rồi. Cho nên tôi rất sung sướng được ban cho ông cái dấu hiệu công khai của niềm quý trọng và lòng biết ơn của tôi.

- Xin phép Lệnh bà, - D Artagnan nói, - cho tôi được san sẻ một phần ân huệ đó cho người bạn của tôi là cựu ngự lâm quân thuộc đại đội Ngài de Treville cũng giống như tôi (anh nhấn mạnh vào những tiếng đó), và đã lập nhiều kỳ tích, - Anh nói thêm.

- Tên ông là gì? - Hoàng hậu hỏi.

- Trong ngự lâm quân, - D Artagnan đáp - Ông ấy được gọi là Porthos, (hoàng hậu rùng mình) nhưng tên thật của ông là hiệp sĩ Du Vallon.

- De Bracieux de Pierrefonds, - Porthos nói thêm.

- Những tên ấy quá dài tôi không nhớ hết được, và tôi chỉ muốn nhớ đến cái tên đầu tiên, - hoàng hậu nói một cách duyên dáng.

Porthos thi lễ, d Artagnan lùi hai bước lại đằng sau. Lúc ấy người ta báo có ông chủ giáo đến.

Một tiếng kêu kinh ngạc nổi lên trong cuộc hội họp cung đình.

Dù rằng ông chủ giáo vừa mới truyền giảng ngay buổi sáng nay, người ta biết rõ ông nghiêng hẳn về phía La Fronde. Và Mazarin khi yêu cầu với vị Tổng giám mục Paris để cháu ông truyền giảng, hiển nhiên là đã có ý đồ thí cho ông de Retz(1) một trong những đường gươm hiểm hóc theo kiểu Ý nó khiến ông vô cùng thích thú.

Quả thật, ra khỏi nhà thờ Đức Bà ông chủ giáo đã biết tin về biến cố xảy ra. Mặc dầu gần như giao kết với những người Fronde chủ chốt, ông ta chưa dấn sâu đến mức không thể rút lui được, nếu như triều đình ban cho ông những lợi ích mà ông khao khát và chức vụ chủ giáo chỉ là sự dẫn dắt tới đó. Ông de Retz muốn được làm tổng giám mục thay chân chú mình, và làm giáo chủ như Mazarin.

Nhưng cái đảng phái bình dân khó lòng ban cho ông những ân sủng hoàn toàn vương giả ấy. Ông bèn đi tới Hoàng cung để chúc tụng hoàng hậu về chiến thắng Lens và định bụng sẵn là sẽ hành động ủng hộ hoặc chống lại triều đình tuỳ theo lời chúc tụng của ông được tiếp đón tốt hay xấu.

Vậy là ông chủ giáo được trình báo. Ông bước vào và vừa trông thấy dung mạo của ông, cả cái triều đình dương dương đắc thắng này háo hức tò mò nghe lời ông nói.

Một mình ông chủ giáo gần như có dư trí tuệ bằng tất cả những người hội họp ở đẩy nên họ chẳng dễ gì giễu cợt ông. Cho nên bài diễn văn của ông khôn khéo hoàn hảo đến nỗi những người dự muốn cười nhạo quá đi, mà không tài nào nắm bắt được chỗ sơ hở. Ông kết thúc bằng cách nói rằng ông đem cái năng lực nhỏ mọn của mình ra phụng sự hoàng thượng.

Suốt thời gian ấy hoàng hậu tỏ vẻ thưởng thức hào hứng bài diễn văn của ông chủ giáo. Nhưng diễn văn lại kết thúc bằng câu nói đó, câu nói duy nhất sơ hở cho những lời giễu cợt. Anne quay đầu lại và một cái đưa mắt ném ra phía các sủng thần của bà báo hiệu rằng bà phó mặc ông chủ giáo cho họ. Tức thì những kẻ khôi hài trong triều đình lao ngay vào việc trêu đùa gạt gẫm. Nogent-Bautru, thằng hề của nhà vua kêu lên rằng hoàng hậu rất sung sướng tìm được những sự cứu viện của tôn giáo trong lúc nghiêm trọng như thế này.

Mọi người phá ra cười ngạo nghễ

Bá tước de nói Villeroy rằng không hiểu sao có lúc người ta đã phải sợ hãi, khi mà để bảo vệ triều đình chống lại nghị viện và các nhà tư sản Paris, người ta đã có ông chủ giáo, ông chỉ ra hiệu một cái là có thể làm nổi dậy cả một đội quân gồm những linh mục, lính gác Thụy Sĩ và phụ thủ.

Thống chế de La Meilleraie nói thêm rằng nếu trường hợp xảy ra đánh nhau và ông chủ giáo sẽ nổ súng thì thống chế chỉ bực mình một nỗi là trong cuộc hỗn chiến, người ta không thể nhận ra ông chủ giáo bằng chiếc mũ đỏ(2) như người ta đã nhận ra vua Henri IV nhờ chiếc mũ lông trắng ở trận Ivry.

Trước cơn bão tố ấy mà ông có thể làm thành chết người đối với những kẻ giễu cợt, Gondy vẫn bình tĩnh và nghiêm khắc, Hoàng hậu bèn hỏi ông xem ông có điều gì hay hơn thêm vào bài diễn văn mà ông vừa nói không.

- Có thưa Lệnh bà, - Chủ giáo nói, - Tôi xin Lệnh bà suy nghĩ hai lần trước khi gây ra nội chiến trong vương quốc.

Hoàng hậu quay lưng lại và những chuỗi cười lại bắt đầu.

Ông chủ giáo chào và đi ra khỏi Hoàng cung, ông ném lại giáo chủ đang nhìn ông, một trong những cái nhìn mà người ta hiểu là chỉ có giữa những kẻ tử thù. Cái nhìn ấy sắc bén đến nỗi nó xuyên thấu vào tận trong tim Mazarin, và, cảm thấy đó là một lời tuyên chiến, ông ta nắm lấy cánh tay d Artagnan và nói:

- Này ông khi nào có dịp ông sẽ nhận ra đúng cái người vừa mới đi ra chứ?

- Vâng, thưa Đức ông, - anh đáp.

Rồi quay lại phía Porthos, anh nói:

- Chán thật! Hỏng cả rồi. Tôi không thích những cuộc xung đột giữa những người nhà thờ.

Gondy vừa rút lui vừa ban phước trên lối đi của ông, tự tạo cho mình cái thú vui ranh mãnh là khiến cho đến cá những bộ hạ, cả kẻ thù của ông cũng quỳ gối dưới chân ông.

Bước chân qua ngưỡng cửa Hoàng cung, ông lẩm bẩm:

- Ôi! Triều đình bội bạc, triều đình điên đảo, triều đình hèn mạt! Ngày mai ta sẽ dạy cho mi cười, nhưng cười với giọng khác kia.

Nhưng trong khi người ta làm những trò vui thích điên cuồng ở Hoàng cung để thêm thắt vào trận cười của hoàng hậu, thì Mazarin, con người biết phải chăng, vả lại đã có tất cả sự lo xa của nỗi sợ hãi, không mất thì giờ vào những trò đùa vẩn vơ và nguy hiểm. Ông ta đi ra sau chủ giáo, soát lại các khoản mục, siết chặt bao vàng, và sai những người thợ tin cẩn làm các chỗ cất giấu trong tường.

Trở về nhà, ông chủ giáo được biết có một người trẻ tuổi đến sau lúc ông đi và vẫn đợi ông, ông hỏi tên và mừng run lên khi biết đó là Louvières.

Ông chạy ngay đến văn phòng mình. Quả thật người con trai của Broussel đang ở đó vẫn còn tức điên lên và đầm đìa máu me sau cuộc chiến đấu chống lại các nhân viên của nhà vua. Sự đề phòng duy nhất của anh để đi đến toà tổng giám mục là để lại cây súng hoả mai ở nhà một người bạn.

Ông chủ giáo đi tới chỗ anh và giơ tay ra. Anh nhìn ông như muốn đọc rõ tim gan ông.

- Ông Louvières thân mến ơi, - chủ giáo nói, - hãy tin rằng tôi chia sẻ một phần thật sự mối tai hoạ xảy ra với ông.

- Có thật không và ông nói nghiêm túc đấy chứ? - Louvières hỏi.

- Từ đáy lòng tôi, - Gondy đáp.

- Trong trường hợp ấy, thưa Đức ông, thời kỳ của những lời nói đã qua rồi và giờ hành động đã tới. Nếu Đức ông muốn thì trong ba ngày nữa cha tôi sẽ ra khỏi nhà tù và trong sáu ngày nữa ông sẽ là giáo chủ.

Chủ giáo rùng mình.

Louvières nói tiếp:

- Ồ! Ta hãy nói chuyện thẳng thắn và lật ngửa quân bài. Người ta chẳng gieo rắc ba mươi nghìn êquy bố thí như ông đã làm từ sáu tháng nay vì lòng từ thiện Gia-tô giáo thuần tuý đâu, nếu như thế thì hay quá. Ông có tham vọng, thật là đơn giản: ông là người có kỳ tài và ông cảm thấy giá trị của ông. Còn tôi, tôi căm ghét triều đình, và lúc này đây tôi chỉ có một mong muốn trả thù. Ông hãy cho chúng tôi giới tu hành và dân chúng mà ông có sẵn; tôi, tôi sẽ cho các ông giới tư sản và nghị viện; với bốn nhân tố ấy, trong tám hôm là Paris về tay chúng ta, và xin ông hãy tin lời tôi, ông chủ giáo ạ, triều đình sẽ đem cho vì sợ hãi cái mà nó ắt chẳng đem cho vì hảo tâm.

Chủ giáo đến lượt mình nhìn Louvières bằng con mắt xuyên thấu và nói:

- Nhưng ông Louvières ơi ông có biết rằng điều mà ông để nghị tôi ấy chẳng qua là cuộc nội chiến ư?

- Đức ông ạ, ông chuẩn bị nó từ khá lâu rồi để nó đến đúng lúc.

- Không can gì, - Chủ giáo nói, - Ông hiểu rằng điều ấy cần được suy nghĩ chứ?

- Thế ông cần mấy tiếng đồng hồ?

- Mười hai tiếng ông ạ, có nhiều quá không?

- Bây giờ là giữa trưa, nửa đêm tôi sẽ đến ông.

- Nếu tôi chưa về thì hãy đợi tôi nhé?

- Tuyệt! Hẹn nửa đêm, thưa Đức ông.

- Nửa đêm, ông Louvières thân mến ạ.

Còn lại một mình, Gondy cho gọi tất cả những linh mục mà ông có quan hệ. Hai giờ sau ông đã tụ họp được ba mươi linh mục ở các giáo khu đông dân nhất và do đó phiếu đông nhất thành Paris.

Gondy kể lại điều lăng mạ mà người ta vừa mới làm với ông ở Hoàng cung và nhắc lại những lời đùa cợt của Bautru, của bá tước de Vilơroa và thống chế de La Meilleraie. Các linh mục hỏi ông cần phải làm gì.

- Rất đơn giản, - Chủ giáo nói. - Các ông điều khiển các ý thức, vậy thì hãy phá tan cái thiên kiến tồi tệ về sự sợ hãi và kính nể các vua chúa. Hãy nói cho các con chiênn biết rằng hoàng hậu là một bạo chúa, và nhắc đi nhắc lại thật mạnh mẽ để mỗi người đều biết rằng những tai hoạ của nước Pháp đều do Mazarin mà ra, hắn là tình nhân và kẻ cám dỗ hoàng hậu. Hãy bắt đầu công việc ngay hôm nay, ngay từ lúc này, và trong ba ngày tới, tôi chờ các ông thành đạt.

Ngoài ra nếu trong số các ông ai có điều gì hay muốn khuyên nhủ tôi thì hãy ở lại, tôi sẽ vui lòng lĩnh ý.

Ba linh mục ở lại: linh mục ở Saint-Merri, linh mục ở Saint-Sulpice và linh mục ở Saint-Eustache.

Những người khác rút lui.

Gondy nói:

- Các ông cho rằng có thể giúp đỡ tôi còn hiệu quả hơn các bạn đồng giáo chứ?

- Chúng tôi hy vọng như vậy, - các linh mục đáp.

- Nào, xin ông linh mục Saint-Merri bắt đầu.

- Thưa Đức ông ở trong khu vực tôi có một người có thể là rất có ích cho ngài.

- Người nào thế?

- Một thương nhân ở phổ Lombards, có ảnh hưởng lớn nhất đến giới tiểu thương trong khu.

- Tên là gì?

- Tên là Planchet. Cách đây sáu tuần một mình anh ta làm nên một cuộc bạo loạn, nhưng sau đó người ta lùng anh để treo cổ, nên anh ta biến mất.

- Liệu ông có tìm lại được không?

- Tôi hy vọng là được. Tôi không tin là anh ta đã bị bắt giữ; và do tôi là người nghe xung tội của vợ anh ta nếu chị ta biết chồng ở đâu thì tôi cũng sẽ biết.

- Được, ông linh mục hãy tìm người ấy và nếu thấy thì dẫn đến cho tôi nhé.

- Vào lúc nào, thưa Đức ông?

- Sáu giờ, được không?

- Chúng tôi sẽ tới Đức ông vào lúc sáu giờ.

- Thôi đi đi, ông linh mục thân mến, và cầu Chúa phù hộ cho ông?

- Ông linh mục đi ra.

- Thế còn ông? - Gondy vừa nói vừa quay về phía linh mục xứ Saint-Sulpice.

- Thưa Đức ông, - Ông này đáp, - Tôi quen một người đã từng làm nhiều việc lớn giúp một vị hoàng thân rất được lòng dân, ông ta có thể làm một thủ lĩnh xuất sắc của những kẻ khởi loạn và tôi có thể tiến cử lên Đức ông sử dụng.

- Người ấy tên là gì?

- Bá tước de Rochefort.

- Tôi cũng biết ông ta, nhưng khốn nỗi ông ấy không ở Paris.

- Thưa Đức ông, ông ta ở phố Cassette.

- Từ bao giờ?

- Từ ba hôm nay rồi.

- Thế tại sao ông ta không đến thăm tôi?

Người ta đã nói với ông ta rằng. Đức ông sẽ thứ lỗi cho tôi...

- Tất nhiên, cứ nói.

- Rằng Đức ông đang thương lượng với triều đình.

Gondy cắn môi.

- Người ta lừa dối ông ấy đấy. Hãy dẫn ông ấy đến đây vào lúc tám giờ, ông linh mục ạ, và cầu Chúa ban phước cho ông cũng như tôi ban phước cho ông!

Ông linh mục thứ hai cúi chào và đi ra.

Chủ giáo quay về phía người còn lại và nói:

- Bây giờ đến lượt ông. Liệu ông có gì hay để hiến cho tôi như hai ông kia không?

- Thưa Đức ông, còn hay hơn ạ.

- Gớm nhỉ! Hãy chú ý là ông vừa mới làm một điều cam kết ghê gớm: Một vị đã hiến cho tôi một thương nhân, vị kia hiến cho tôi một bá tước; hẳn là ông sẽ hiến cho tôi một vị hoàng thân phải không?

- Thưa Đức ông, tôi sẽ hiến ngài một kẻ ăn mày.

- A! A! - Gondy suy nghĩ và kêu lên. - Ông nói phải đấy, ông linh mục ạ; một người nào đó sẽ làm nổi dậy cả cái đạo quân những kẻ cùng khổ làm tắc nghẽn ngã tư đường phố Paris và có thể khiến họ kêu la khá to để cho tất cả nước Pháp nghe thấy rằng chính lão Mazarin đã dồn họ đến cảnh bị gậy...

- Vừa hay tôi có người mà ngài cần.

- Hoan hô! Người nào vậy?

- Một kẻ ăn mày tầm thường như tôi đã nói với Ngài, hắn xin của bố thí bằng cách đưa nước thánh trên những bậc thềm của nhà thờ Saint Eustache từ gần sáu năm nay.

- Và ông nói rằng hắn có ảnh hưởng lớn đến đồng bọn ạ?

- Đức ông có biết rằng cảnh ăn mày là một đội quân có tổ chức một thứ hiệp hội của những kẻ không sở hữu gì hết chống lại những kẻ có sở hữu, một hiệp hội trong đó mỗi người đóng góp phần của mình và nó thuộc về một thủ lĩnh.

- Phải, tôi đã nghe nói đến điều ấy, - Ông chủ giáo nói.

- Vậy thì cái người mà tôi hiển ngài ấy là một tổng đại biểu.

- Ông có biết gì về người đó không?

- Thưa Đức ông, tôi không biết gì hết ngoài điều tôi thấy hình như hắn bị giày vò vì một nỗi hối hận nào đó.

- Ai làm cho ông tin điều đó?

- Tháng nào cũng vậy, cứ đến ngày 28, hắn nhờ tôi làm lễ mess cầu cho sự yên nghỉ của linh hồn một người nào đó chết bất đắc kỳ tử. Tôi cũng vừa mới làm lễ ấy ngày hôm qua.

- Tên hắn là gì.

- Maillard, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là tên thật.

- Liệu vào giờ này chúng ta có thể gặp hắn ở vị trí của hắn được không?

- Hoàn toàn được.

- Vậy thì ông linh mục ơi, ta đến gặp kẻ ăn mày của ông đi. Và nếu hắn đúng như ông đã nói, thì ông có lý đấy, chính ông đã tìm ra kho báu thực sự.

Và Gondy mặc y phục kỵ sĩ, đội một cái mũ rộng vành đính chiếc lông chim đó, đeo một thanh gươm dài, mắc đinh thúc ngựa vào đôi ủng, khoác một tấm áo choàng rộng và đi theo ông linh mục.

Ông chủ giáo và kẻ đồng hành đi qua tất cả các phố xá ngăn cách toà tổng giám mục yới nhà thờ Saint Eustache , xem xét cẩn thận tinh thần dân chúng. Dân chúng náo động, nhưng giống như một đàn ong hoảng sợ dường như không biết đậu xuống đâu, và hiển nhiên là nếu không tìm được những thủ lĩnh cho đám dân chúng ấy thì tất cả sẽ chỉ diễn ra thành những tiếng vo ve mà thôi.

Đi tới phố Prouvaires, ông linh mục trỏ tay về phía sân trước nhà thờ, nói:

- Kia kìa, hắn đang ở tại vị trí của hắn.

Gondy nhìn theo và trông thấy một kẻ nghèo khổ ngồi trên một chiếc ghế và tựa lưng vào một góc tường; hẳn có một cái xô nhỏ để bên cạnh và tay cầm một cây ngù dùng để rẩy nước thánh.

- Có phải vì đặc quyền mà hắn được ngồi ở đấy không? - Gondy hỏi.

- Không đâu, thưa Đức ông, - Linh mục đáp, - Hắn đã thương lượng với kẻ trước hắn về chỗ của người đưa nước thánh.

- Thương lượng à?

- Vâng, cái chỗ ấy phải mua đấy; tôi chắc tên này đã mua chỗ với giá một trăm pistol.

- Tên vô lại này hẳn là giàu có?

- Vài người trong bọn này lúc chết đói khi để lại tới hai mươi nghìn, hai lăm nghìn, ba mươi nghìn livres hay nhiều hơn nữa.

- Hừm! - Gondy cười nói, - Tôi không ngờ rằng mình đã đặt của bồ thí đúng chỗ đến thế.

Trong khi đó hai người đi về phía sân trước. Lúc linh mục và chủ giáo đặt chân lên bậc đầu tiên của nhà thờ, người ăn mày đứng dậy và chìa cây ngù ra.

Đó là một người đàn ông trạc bảy mươi đến bảy mươi tám tuổi, thấp và khá đẫy đà, tóc xám, mắt hung hung. Trên gương mặt gã hiện lên cuộc đấu tranh giũa hai nguyện lý trái ngược nhau, một bản chất xấu xa bị chế ngự bởi nghị lực, có lẽ bởi sự ăn năn.

Trông thấy người kỵ sĩ đi theo linh mục, hắn khẽ giật mình và nhìn với vẻ kinh ngạc.

Linh mục và chủ giáo lấy đầu ngón tay chạm vào cây ngù và làm dấu chữ thập, chủ giáo ném một đồng tiền bạc vào trong chiếc mũ để dưới đất.

- Maillard này, - Linh mục nói, - Ông đây với tôi đến để nói chuyện với bác một lát.

- Với tôi ư? - Gã ăn mày nói, - thật là vinh dự cho một kẻ dâng nước thánh nghèo hèn.

Trong giọng nói của gã có một nét trào lộng mà hắn không chế ngự được hoàn toàn vả nó khiến ông chủ giáo kinh ngạc.

Linh mục như đã quen với cái giọng ấy, nói:

- Phái, chúng tôi muốn biết xem bác nghĩ gì về những sự kiện ngày hôm nay và bác nghe thấy những người ra vào nhà thờ bàn tán, thế nào về những sự kiện đó?

Gã ăn mày gật đầu và nói:

- Thưa linh mục, đó là những sự kiện đáng buồn và cũng như mọi khi nó rơi vào đầu đám dân chúng nghèo khổ. Còn về điều người ta bàn tán thì tất cả thiên hạ đều bất bình, tất cả thiên hạ đều ca thán, nhưng nói tất cả thiên hạ là chẳng nói ai cả.

- Bạn thân mến, - Ông chủ giáo nói, - Bác hãy cắt nghĩa xem.

- Tôi nói rằng tất cả những tiếng kêu la ấy, tất cả những điều ca thán ấy, tất cả những lời chửi rủa ấy chi gây nên một cơn giông tố và những tia chớp mà thôi, nhưng sấm sét sẽ chỉ giáng xuống khi nào có một người chỉ huy điều khiển nó.

- Này bạn ơi, - Gondy nói - Tôi thấy bác là một người khôn khéo; liệu bác có sẵn lòng tham gia vào một cuộc nội chiến nho nhỏ trong trường hợp nó xảy ra và nếu như chúng ta tìm được một thủ lĩnh thì liệu bác có để cho vị ấy tuỳ ý sử dụng thế lực riêng của bác và ảnh hưởng mà bác đã giành được ở bạn bè của bác không?

- Có thưa ông, miễn là cuộc chiến tranh ấy được Nhà thờ tán thành và do đó có thể dẫn tôi tới mục đích mà tôi muốn đạt tới, nghĩa là sự xá tội cho tôi.

- Cuộc chiến tranh ấy không những được Nhà thờ tán thành mà còn do Nhà thờ lãnh đạo nữa. Còn việc xá tội cho bác, chúng ta có Ngài Tổng giám mục Paris, ngài giữ nhiều quyền hành lớn của Toà thánh La Mã, và cả ông chủ giáo nữa, ông có quyền đại xá; chúng tôi sẽ giới thiệu bác với ông ta.

- Maillard này, - Linh mục nói, - Hãy nhớ rằng chính tôi đã giới thiệu bác với ngài chủ giáo, ngài là một vị chúa toàn năng và có thể nói là ngài đã bảo đảm cho bác.

- Thưa linh mục, - Người ăn mày nói, - Tôi biết rằng bao giờ ông cũng rất tốt với tôi; cho nên về phía mình, tôi sẵn sàng làm vừa lòng ông.

- Thế bác có cho rằng thế lực của bác đối với đồng nghiệp của bác cũng to tát như ông linh mục nói với tôi ban nãy không?

- Tôi cho rằng họ có một niềm tôn kính nào đó đối với tôi, gã ăn mày nói với vẻ kiêu hãnh, - và không những họ sẽ làm mọi điều tôi ra lệnh cho họ, mà tôi đi bất cứ đâu họ cũng sẽ theo tôi.

Và bác có thể bảo đảm với tôi về năm mươi người thật quyết tâm, những con người tâm tính tốt và thật phấn khích, những kẻ la hét to có thể làm sụp đổ những tường luỹ của Hoàng cung khi hô "Đả đảo lão Mazarin" giống như tường lũy của Jéricho ngày xưa sụp đổ không?(3)

- Tôi tin rằng, - Gã ăn mày đáp - Tôi có thể đảm đương những việc khó khăn hơn và quan trọng hơn thế nữa.

- A, a! - Gondy nói, - bác có thể đảm nhiệm trong một đêm dựng mười lũy chướng ngại không?

- Tôi có thể nhận làm năm mươi cái và đến ban ngày thì bảo vệ chúng.

- Mẹ kiếp, - Gondy nói, - bác nói với vẻ chắc chắn khiến tôi rất hài lòng, và bởi vì ông linh mục bảo đảm với tôi về bác...

- Tôi xin bảo đảm, - Linh mục nói.

- Đây là một cái túi đựng năm trăm pistol bằng vàng, - Gondy nói, - bác hãy làm mọi sự sửa soạn, và cho tôi biết mười giờ tối nay tôi có thể gặp bác ở đâu?

- Đó phải là một nơi thật cao để một hiệu lệnh phát ra từ đấy mọi khu phố ở Paris đều có thể trông thấy được.

- Bác có muốn tôi nói một lời với thày trợ tế ở nhà thờ Saint-Jacques- la-Boucherie không? - Linh mục nói - Ông ta sẽ đưa bác vào một căn phòng trên ngọn tháp.

- Thế thì tuyệt quá! - Gã ăn mày đáp.

- Vậy thì chiều nay vào sáu giờ, - Chủ giáo nói, - Và nếu tôi hài lòng về bác, thì bác sẽ có một túi tiền năm trăm pistol nữa.

Cặp mắt gã ăn mày ánh lên một nỗi thèm thuồng, nhưng hắn dẹp ngay niềm xúc động ấy và nói:

- Vâng, tối nay, mọi thứ sẽ sẵn sàng.

Và hắn đem chiếc ghế vào trong nhà thờ, xếp cái xô và cây ngù bên cạnh chiếc ghế, rồi đi lấy nước thánh ở trong chậu nước thánh để làm dấu, dường như hắn không tin cậy ở nước cửa hắn trong xô, và ra khỏi nhà thờ.

Chú thích:

(1) chủ giáo de Gondy

(2) Mũ đỏ: mũ giáo chủ mà ông chủ giáo đang khao khát.

(3) Giensô là một thành phố ở Gioocđani. Theo Kinh Thánh thì Giôđuye đã làm đổ sụp các tường luỹ của Giêrỉsô bằng những hồi kèn trận (khoảng 1400-1260 trước Công nguyên).

hết: Chương 47,Alexandre Dumas

Hai mươi năm sau

Dịch giả: Anh Vũ

Chương 48

Ngọn tháp nhà thờ Saint-Jacques- la-Boucherie

Ô ng de Gondy đã chạy khắp chỗ và trở về toà tổng giám mục là sáu giờ kém mười lăm.

Đến sáu giờ ông được báo là có linh mục ở Saint-Merri tới.

Ông vội vã nhìn phía sau linh mục và thấy có một người đi theo.

- Cho vào - Ông bảo.

Linh mục vào và Planchet theo sau.

- Thưa Đức ông, - Linh mục Saint-Merri nói, - Đây là người mà tôi đã có vinh dự trình với ngài.

Planchet cúi chào với dáng điệu của một người đã từng đi lại những nhà tử tế.

- Ông sẵn lòng phụng sự lợi ích của nhân dân chứ? - Gondy hỏi.

- Đúng như thế, - Planchet đáp - tôi là Fronde trong tâm hồn. Như Đức ông thấy đấy, tôi bị kêt án treo cổ.

- Vào dịp nào?

- Tôi đã giải thoát khỏi tay bọn cảnh sát của Mazarin một vị công hầu cao quý mà chúng dẫn trở lại ngục Bastille nơi ông đã bị giam giữ từ năm năm.

- Ông ta tên là gì?

- Ồ! Đức ông biết rõ quá: đó là bá tước de Rochefort.

- À! Thật đúng rồi! - Chủ giáo nói - tôi có nghe nói về vụ ấy. Ông đã làm nổi dậy cả một khu phố, có phải không?

- Cũng gần như vậy, - Planchet đáp với vẻ tự mãn.

- Ông làm nghề gì nhỉ?

- Bán mứt kẹo ở phố Lombard.

- Ông thử giải thích xem vì sao làm một nghề yên bình như vậy mà ông lại có những khuynh hướng hiếu chiến đến thế?

- Thế vì sao Đức ông vốn là người nhà thờ bây giờ lại tiếp tôi trong bộ y phục kỵ sĩ với thanh kiếm bên mình và đinh thúc ngựa ở đôi ủng?

- Đối đáp khá lắm, thật vậy? - Gondy cười nói, - Nhưng ông biết đấy, mặc dầu đeo tấm băng giáo sĩ, tôi luôn luôn có những khuynh hướng chiến tranh.

- Ấy, thưa Đức ông, trước khi làm nghề mứt kẹo tôi đã ba năm ở trung đoàn Piémont, và trước đó tôi đã đi hầu ông d Artagnan mười tám tháng.

- Ông trung uý ngự lâm quân ấy à? - Gondy hỏi.

- Chính ông ấy, thưa Đức ông.

- Nhưng người ta bảo ông ấy là một người theo phái Mazarin cuồng nhiệt?

- Ô! - Planchet kêu lên.

- Ông định nói gì?

- Không, thưa Đức ông. Ông d Artagnan đang ở trong quân ngũ, ông ấy làm chức phận của mình là bảo vệ Mazarin, lão trả lương cho ông ấy, cũng như những nhà tư sản chúng tôi, chúng tôi làm chức phận của mình là công kích Mazarin, lão ăn cắp của chúng tôi.

- Ông là một anh chàng thông minh đấy, ông bạn ạ. Có thể trông cậy ở ông được không?

- Tôi nghĩ rằng, - Planchet nói, - Ông linh mục đã bảo đảm với ngài về tôi.

- Có thể, nhưng tôi thích nhận được sự bảo đảm ấy từ miệng ông.

- Thưa Đức ông, ngài có thể trông cậy ở tôi miễn rằng đó là việc làm đảo lộn thành phố.

- Thì đúng là việc ấy. Ông thấy là có thể tập hợp được bao nhiêu người trong đêm nay?

- Hai trăm tay súng và năm trăm tay thương.

- Giá như mỗi khu phố chỉ cần một người làm được như vậy, thì ngày mai chúng ta sẽ có một đội quân khá mạnh.

- Đúng quá.

- Ông có sẵn sàng tuân theo bá tước de Rochefort không?

- Tôi sẽ đi theo ông ấy xuống dịa ngục, và chẳng phải nói chơi đâu vì tôi cho rằng ông ấy có thể xuống đấy lắm chứ?

- Hoan hô!

- Ngày mai phân biệt giữa bạn và thù bằng dấu hiệu gì?

Mọi người Fronde có thể gài trên mũ một chiếc nơ bằng rơm.

- Được!

- Xin ngài ra lệnh.

- Ông có cần tiền không?

- Thưa Đức ông, tiền bạc không bao giờ làm hại trong bất cứ việc gì. Nếu không có tiền người ta sẽ khỏi cần đến nó; nhưng nếu có tiền thì mọi việc chỉ càng nhanh hơn và tốt hơn thôi.

Gondy đến một cái hòm và lôi ra một túi tiền và nói:

- Đây là năm trăm pistol; mà nếu công việc tiến hành tốt thì ngày mai lại có từng ấy nữa.

- Tôi sẽ báo cảo trung thành với Đức ông về số tiền đó, - Planchet nói và kẹp túi tiền vào nách.

- Tốt lắm. Ông hãy canh chừng giáo chủ.

- Xin cứ yên trí, lão ta ở trong những bàn tay vững vàng.

Planchet đi ra, Linh mục nán lại đằng sau một chút và nói:

- Thưa Đức ông, ngài hài lòng chứ?

- Phải, người ấy có vẻ là một tay kiên quyết.

- Vâng, hắn sẽ làm nhiều hơn hắn hứa đấy.

- Thể thì tuyệt lắm.

Linh mục ra theo Planchet đang đợi ông ở cầu thang.

Mười phút sau người ta báo tin linh mục ở Saint-Sulpice đến.

Cửa phòng Gondy vừa mở ra, một người chạy xổ vào đó là bá tước de Rochefort.

- Thì ra ông đây à, ông bá tước thân mến! - Gondy vừa nói vừa giơ tay ra.

- Thưa Đức ông, - Rochefort nói, - thế là cuối cùng ngài đã dứt khoát?

- Bao giờ tôi cũng vậy, - Gondy đáp.

- Thôi không bàn chuyện ấy nữa; tôi tin lời ngài; chúng ta sẽ cho lão Mazarin dự vũ hội(1).

- Thì... tôi hi vọng.

- Thế bao giờ cuộc vũ bắt đầu.

- Những người được mời sẽ đến đêm nay, - Chủ giáo nói, - Nhưng các cây vĩ cầm sớm mai mới bắt đầu chơi.

- Ngài có thể trông cậy ở tôi và ở năm mươi lính mà hiệp sĩ d Humières đã hứa trong cơ hội tôi cần đến.

- Năm chục người lính à?

- Phải, ông ta tuyển mộ và cho tôi mượn. Lễ hội xong, nếu còn thiếu tôi sẽ cho thay thế.

- Tốt lắm, Rochefort thân mến ạ; nhưng chưa phải đã hết.

- Còn chuyện gì nữa? - Rochefort cười hỏi.

- Ông de Beaufort, các ông đã làm gì?

- Ông ấy đang ở Vendôme và đợi nhận thư của tôi để trở về .

- Viết thư cho ông ấy đi. Đến lúc rồi đó.

- Vậy là ngài chắc chắn ở công việc của ngài rồi ư?

- Phải, nhưng ông ta phải gấp lên mới được, vì rằng khi dân chúng Paris chỉ mới chớm khởi nghĩa thì chúng ta sẽ chọn một trong mười hoàng thân để đứng đầu dân chúng; nếu ông de Beaufort chậm trễ thì ông ấy sẽ mất chỗ.

- Tôi có thể cho ông ấy biết ý kiến của ngài không?

- Hoàn toàn được.

- Tôi có thể bảo ông ấy rằng ông ấy cần trông cậy ở ngài không?

- Hay lắm.

- Và ngài để cho ông ấy toàn quyền?

- Phải, về mặt chiến tranh, còn về chính trị...

- Ngài biết rõ đó không phải là mặt mạnh của ông ta.

- Ông ta sẽ để tuỳ ý tôi thương lượng về chiếc mũ giáo chủ của tôi.

- Ngài vẫn tha thiết đến cái đó à?

- Vì rằng người ta buộc tôi phải đội một cái mũ hình dáng không hợp với tôi, - Gondy nói, - tôi mong muốn ít ra cái mũ ấy phải màu đỏ.

- Không nên tranh cãi về thị hiếu và màu sắc, - Rochefort cười nói, - tôi xin bảo đảm về sự đồng ý của ông ấy.

- Thế tối nay ông viết thư cho ông ấy à?

- Tôi làm hơn thế nửa, tôi phải một người đưa tin đến chỗ ông ta.

- Độ bao nhiêu ngày thì ông ấy có thể tới đây.

- Trong năm ngày.

- Ông ấy hãy đến và sẽ thấy một sự đồi thay.

- Tôi mong muốn như vậy.

- Tôi xin bảo đảm với ông.

- Như vậy thì...

- Hãy đi tập hợp năm mươi người của ông lại và ông hãy sẵn sàng.

- Với cái gì kia?

- Với mọi chuyện.

- Có tín hiệu tập hợp gì không?

- Một cái nơ bằng rơm gài trên mũ.

- Được rồi. Xin từ biệt Đức ông.

- Xin từ biệt Rochefort thân mến.

Ông linh mục từ nãy vẫn chẳng có cách nào xen vào cuộc đối thoại ấy, thì Rochefort đã kéo ông ra về; vừa đi Rochefort vừa nói:

- A!Ngài Mazarin, ngài Mazarin! Ngài hãy xem tôi có quá già nua để làm một con người hành động không?

Lúc ấy đã chín giờ rưỡi tối và ông chủ giáo phải mất nửa giờ để đi từ toà tổng giám mục đến tháp nhà thờ Xanh Giác La Busơri.

- Ông nhận thấy một ánh đèn le lói ở một trong những cửa sổ cao nhất trên cây tháp.

- Ông gõ cửa và có người ra mở. Ông trợ tế đích thân đợi và cầm đèn soi đưa ông lên tận trên ngọn tháp. Đến đây, ông trỏ một cánh cửa nhỏ đặt chiếc đèn vào trong một góc tường để khi ra chủ giáo có thể tìm thấy và đi xuống.

Mặc dù chìa khoá vẫn cắm ở cửa, ông chủ giáo vẫn gõ cửa.

- Cứ vào! Một giọng nói cất lên mà ông chủ giáo nhận ra là người ăn mày.

De Gondy vào. Quả nhiên đó là người dâng nước thánh ở sân trước nhà thờ Saint- Eustache. Gã nằm đợi trên một chiếc chõng. Thấy chủ giáo vào, hắn đứng dậy.

Chuông điểm mười giờ.

- Thế nào, - Gondy hỏi, - Nhà ngươi giữ lời hứa đấy chứ?

- Không được hoàn toàn, - Gã ăn mày đáp.

- Thế là thế nào?

- Ngài yêu cầu tôi năm trăm người, có phải không?

- Phải, thế sao?

- Tôi sẽ cung cấp cho ngài hai ngàn người.

- Bác không nói khoác chứ?

- Ngài có muốn một bằng chứng không?

- Có.

Ba cây nến được thắp lên, chảy ở ba cửa sổ mà một cửa trông ra khu Cité, một cửa trông ra Hoàng cung và một cửa trông ra phố Saint-Denis.

Người ăn mày lẳng lặng đi ra lần lượt thổi tắt ba ngọn nến.

Chủ giáo đứng trong bóng tối, căn phòng chỉ còn được chiếu bới ánh sáng chập chờn của mặt trăng khuất trong những đám mây đen lớn mà nó viền bạc ở chung quanh.

- Ngươi làm gì thế? - Chủ giáo hỏi.

- Tôi phát tín hiệu.

- Tín hiệu gì?

- Tín hiệu dựng lũy chướng ngại.

- À ! À !

- Lúc này ra khỏi đây, ngài sẽ thấy người của tôi đang hành động. Song le ngài hãy đề phòng kẻo gẫy chân khi vấp phải một dây xích hoặc rơi xuống một cái hố.

- Tốt lắm! Tiền đây cũng bằng số tiền ngươi đã nhận. - Bây giờ hãy nhớ rằng nhà ngươi là một thủ lĩnh và chớ có đi uống rượu.

- Hai mươi năm nay tôi chỉ uống nước.

Chủ giáo đưa túi tiền cho gã ăn mày và nghe tiếng bàn tay moi móc và mân mê những đồng tiền vàng.

- Á à! - Chủ giáo nói, - Đồ vô lại, mi là một kẻ bủn xỉn.

Gã ăn mày buông một tiếng thở dài và quẳng túi tiền xuống.

- Thì ra tôi vẫn như thế ư, - Hắn nói, - và tôi không bao giờ gột bỏ được con người cũ hay sao? Ôi khốn cùng, ôi phù hoa?

- Song bác cứ cầm lấy.

- Vâng, nhưng tôi xin thề trước mắt ngài rằng tôi sẽ dùng những gì còn lại của tôi vào việc thiện.

Mặt gã tái đi và cau lại như một người vừa mới trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm.

- Con người lạ lùng - Gondy lẩm bẩm.

- À ông cầm lấy chiếc mũ định đi ra, nhưng khi quay lại ông thấy gã ăn mày đứng giữa ông và cánh cửa.

Cử động đầu tiên dường như là người ấy muốn làm điều gì ác đối với ông.

Nhưng rồi, trái lại, ông thấy gã chắp hai bàn tay lại và quỳ xuống.

- Thưa Đức ông, - Hắn nói, - Trước khi rời tôi, xin ngài hãy ban phước cho tôi, tôi van ngài.

- Đức ông à! - Gondy kêu lên, - Ông bạn ơi, bác nhầm tôi với người khác rồi.

- Không, thưa Đức ông, ngài là gì thì tôi coi ngài đúng như vậy, nghĩa là Ngài chủ giáo, thoạt nhìn là tôi nhận ra ngay.

Gondy mỉm cười.

- Thế bác muốn tôi ban phước à? - Ông hỏi.

- Vâng, tôi cần vậy.

Người ăn mày nói những lời đó với giọng hổ nhục và ân hận thật lớn lao và sâu sắc đến nỗi Gondy giơ tay ra và ban phước cho hẳn với tất cả sự uyển chuyển mà ông có thể làm được.

- Bây giờ, - chủ giáo nói, - giữa chúng ta có sự hoà đồng. Tôi sẽ ban phước cho ngươi và đối với tôi, nhà ngươi là thiêng liêng cũng như ngược lại tôi là thiêng liêng đối với ngươi. Nào, nhà ngươi có phạm một trọng tội gì mà công lý của con người truy tố không và tôi có thể bảo đảm cho nhà ngươi?

Gã ăn mày lắc đầu.

- Cái trọng tội mà, tôi phạm không thuộc công lý của con người, và ngài chỉ có thể giải thoát cho tôi bằng cách luôn luôn ban phước cho tôi như ngài vừa mới làm.

- Nào, phải thật thà, - Giáo chủ nói - Không phải suốt đời nhà ngươi đã làm cái nghề mà ngươi đang làm chứ?

- Không, thưa Đức ông, tôi chỉ làm từ mười năm nay.

- Trước khi làm nghề này, bác ở đâu?

- Ở ngục Bastille.

- Thế trước khi vào ngục Bastille? ...

- Tôi sẽ nói với Đức ông sau, vào cái ngày mà ngài muốn nghe tôi xưng tội.

- Được rồi. Vào bất cứ giờ nào ngươi đến, ban ngày hay ban đêm, hãy nhớ rằng tôi sẵn sàng xá tội cho ngươi.

- Xin cảm ơn Đức ông, - gã ăn mày nói bằng một giọng khàn khàn, - Nhưng tôi chưa sẵn sàng để tiếp nhận.

- Được rồi. Thôi, từ biệt.

- Xin từ biệt Đức ông, - Gã ăn mày nói và vừa mở cửa vừa cúi rạp mình trước vị chủ giáo.

Chủ giáo cầm cây đèn nến xuống thang và đi ra, vẻ rất trầrn ngâm.

Chú thích:

(1) Nghĩa bóng: đánh, choảng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro