Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

43

Chương 43: Cậu bé yếu đuối

Trước

Tiếp

Phong cảnh ngoài cửa sổ vẫn thay đổi không ngừng, ánh mặt trời chiếu vào cũng đã nghiêng đi đôi chút, thế nhưng từ đầu đến cuối ba con người bên trong khoang xe vẫn không hề nhúc nhích.

Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương cùng nhìn Nhiếp Dĩnh Vũ, đầu óc hai người đều trở nên trống rỗng, chẳng ai kịp phản ứng lại tình hình trước mắt, Nhiếp Dĩnh Vũ cầm hộp cơm đã ê cả tay nhưng lại sợ đến mức không thể nói nên lời.

Cậu ta nói là sang toa ăn để ăn cơm, còn Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương thì không đi.

Vì sườn nướng khá được, tôm sốt cà chua cũng không tệ nên cậu ta quyết định mua về ăn, đỡ cho Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương phải đi một chuyến nữa.

Đến khi cậu ta quay về, lại trông thấy Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đang hôn nhau ngược chiều ánh sáng.

Phắc, hai người con trai hôn nhau.

Nhiếp Duy Sơn suy tính mãi cũng không nghĩ ra được cớ gì, dù sao đây cũng là “bắt tận tay, day tận trán”, hắn quay người đối mặt với Nhiếp Dĩnh Vũ, mở miệng phá vỡ sự im lặng trước: “Tiểu Vũ, Tiểu Vũ?”

Doãn Thiên Dương nhìn chằm chằm Nhiếp Dĩnh Vũ, cứ cảm thấy đối phương sẽ phát điên mà ném hộp cơm, nên để đề phòng trước cậu khẽ bám lên vai Nhiếp Duy Sơn. Không ngờ vừa mới đặt tay lên thì bỗng chốc Nhiếp Dĩnh Vũ hoàn hồn, hét lớn: “Anh còn định ôm anh ấy nữa à!”

Ngay lập tức Doãn Thiên Dương rút tay về: “Không có, không có, anh không định…”

Một khi sự im lặng đã bị phá vỡ thì tiếp sau đó sẽ là bạo phát chiến tranh, Nhiếp Dĩnh Vũ bước lại gần quẳng hộp cơm lên mặt bàn, trong mắt cậu ta như bùng lên một ngọn lửa, toàn thân bừng bừng sức mạnh. Doãn Thiên Dương bị nhìn thì e ngại nhưng cũng cảm thấy rất ấm ức, bèn hất cằm nói: “Làm sao, muốn đánh nhau à?”

“Vậy anh xuống đây!” Nhiếp Dĩnh Vũ bước lên túm cổ áo của Doãn Thiên Dương, “Anh hôn anh em làm gì! Anh điên à!”

Nhiếp Duy Sơn dùng một tay kéo Nhiếp Dĩnh Vũ ra, một tay khác thì che chở cho Doãn Thiên Dương trèo xuống, hắn quay đầu nói với Nhiếp Dĩnh Vũ: “Là anh hôn cậu ấy, anh điên.”

Nhiếp Dĩnh Vũ nhụt mất hai mươi phần trăm ý chí, cậu ta ngồi xuống giường đối diện, nóng nảy đến mức cào loạn cả tóc lên, muốn mắng nhưng lại không biết phải mắng thế nào, cuối cùng vậy mà lại kìm nén đến mức đỏ cả vành mắt.

“Tiểu Vũ, em muốn nói gì thì cứ nói đi.” Nhiếp Duy Sơn đưa cốc nước cho đối phương, “Dọa em sợ là bọn anh không đúng.”

Doãn Thiên Dương đứng sát bên cạnh Nhiếp Duy Sơn, cũng chẳng vui vẻ chút nào, cậu kéo kéo cổ áo rồi nói: “Đúng là dễ bị dọa.”

Nhiếp Dĩnh Vũ uống cạn cả cốc nước, ngọn lửa định bốc lên cũng tựa như bị dội tắt đi đôi chút, cậu ta siết chặt cốc nước hỏi: “Vừa nãy là hai người đang đùa nhau đúng không?” Giọng nói của cậu ta có chút run rẩy, ngập tràn cảm giác bất lực muốn tự lừa dối bản thân.

Nhiếp Duy Sơn nói thẳng: “Dù sao em cũng đã bắt gặp rồi vậy thì dứt khoát nói cho em luôn, anh và anh Dương Dương của em đã quen nhau được một thời gian, hơn nữa không phải chơi đùa mà rất nghiêm túc.”

“Đúng, rất nghiêm túc!” Doãn Thiên Dương cảm thấy Nhiếp Duy Sơn cực kỳ đẹp trai, nói to giọng phụ họa.

Hai mắt Nhiếp Dĩnh Vũ ươn ướt, nói với vẻ như sắp khóc: “Cái gì là quen nhau chứ, từ khi sinh ra hai người đã quen nhau rồi, em không tin hai người…”

“Tiểu Vũ, em nghe anh nói.” Nhiếp Duy Sơn vươn tay xoa mặt Nhiếp Dĩnh Vũ, “Em thích chị Kết như thế nào thì anh thích Dương nhi như thế, em hiểu chưa?”

Nhiếp Dĩnh Vũ nói ngay: “Em không thích chị Kết, em chỉ ngưỡng mộ thôi! Anh ngưỡng mộ anh ấy làm gì!”

Nhiếp Duy Sơn nhọc lòng nói: “Vậy bây giờ em thích ai?”

“Mẹ nó em chẳng thích ai hết!” Cuối cùng Nhiếp Dĩnh Vũ cũng rơi nước mắt. Doãn Thiên Dương lấy một túi giấy ăn từ đâu đó ra ném qua, đoạn nói: “Vậy thì xong, không còn cái gì để ví dụ rồi.”

Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương bắt đầu trầm mặc, bọn họ cảm thấy dù giờ có nói gì cũng sẽ khiến cậu bé yếu đuối này sụp đổ, thôi thì trước hết đừng nói gì nữa cả. Nhiếp Dĩnh Vũ cầm giấy ăn bắt đầu khóc, trút toàn bộ khiếp sợ, lo lắng và những cảm xúc lẫn lộn khó chấp nhận vào dòng nước mắt để giảm bớt.

Thời gian dần trôi cho đến giữa trưa, ánh nắng mặt trời trở nên chói chang, Nhiếp Dĩnh Vũ dùng hết một túi giấy ăn, hai mắt cậu ta ửng đỏ nhưng ánh mắt cũng đã bình tĩnh trở lại. Hít sâu một hơi rồi thở ra, cậu ta vươn tay thả rèm cửa sổ xuống rồi mở miệng nói với giọng thản nhiên: “Em có chuyện muốn nói.”

Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương liếc mắt nhìn nhau, đồng thanh: “Mời ngài nói.”

“Là thế này, hiện tại em đã hiểu ý của các anh, các anh tự cho là đang yêu nhau đúng không?” Nhiếp Dĩnh Vũ quẳng một câu hỏi ra nhưng cũng không cho đối phương cơ hội trả lời, “Đúng là yêu đương không hạn chế giữa nam và nữ nhưng dù sao nam nam cũng là số ít, hai anh lớn lên bên nhau từ nhỏ, tình cảm cũng rất tốt, hiện tại đang là thời kỳ trưởng thành, nội tâm tương đối dễ xao động nên rất có thể là hiểu lầm thôi.”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Những lý luận của em đã bị phủ định hết rồi, đừng lại định tẩy não bọn anh nữa.”

“Anh, em không thể không nhắc tới tình hình trong nhà anh.” Nhiếp Dĩnh Vũ đang đà phát biểu nên vốn dĩ không quan tâm đối phương nói cái gì, “Bởi vì chuyện nhà anh nên anh Dương Dương đặc biệt quan tâm đến anh, rồi anh cũng thường xuyên nhận được sự chăm sóc của chú Doãn và dì Tiên nên cũng đối xử cực kỳ tốt với anh Dương Dương. Điều này tạo thành sự ngộ nhận trong tình cảm của các anh, khiến các anh lẫn lộn tình bạn và tình thân thành cái kia.”

Doãn Thiên Dương hớn hở: “Cái kia là cái gì?”

Nhiếp Dĩnh Vũ hơi khó mở miệng, nhỏ giọng nói: “Tình yêu.”

Doãn Thiên Dương nói toạc ra: “Mày muốn nói tình cảm giữa bọn anh không phải là tình yêu chứ gì, dài dòng mãi.” Cậu nói xong thì khịt khịt mũi, ngửi thấy mùi sườn nướng thì có hơi đói bụng, muốn đánh nhanh thắng nhanh, “Tiểu Vũ, nghe nói tình cảm của mày đối với chị anh đã thành ngưỡng mộ, vậy có thể thấy mày không hiểu thích là thế nào, thế nên đừng ra vẻ hiểu biết nữa.”

Nhiếp Duy Sơn đề nghị: “Không thì ăn cơm trước đi.”

“Các anh còn có tâm trạng ăn cơm à? Không được, đây là em mua, không cho ăn!” Nhiếp Dĩnh Vũ giữ chặt hộp cơm, “Được, cứ coi như giữa các anh là cái kia đi, nhưng các anh có nghĩ tới tương lai không? Nếu sau này bị gia đình biết thì làm sao? Không sợ chú Doãn và dì Tiên tức chết hả! Còn bác cả nữa, bác cả có thể chịu được không!”

Nhiếp Duy Sơn suy nghĩ một chút: “Hai bọn anh là thông gia từ bé, là chỉ định của bố mẹ.”

Doãn Thiên Dương cúi đầu vui mừng, sau đó dứt khoát nằm sấp trên lưng Nhiếp Duy Sơn cười hớn hở. Nhiếp Dĩnh Vũ nghẹn muốn nổ phổi, cậu ta cảm thấy nếu ngăn cản cứng rắn thì không khả thi vì nếu làm ầm ĩ lên thì cậu ta không đánh lại được anh mình, vì vậy lại mềm xuống, nói với vẻ tội nghiệp: “Anh Dương Dương à, chắc chắn là anh em nhầm rồi, anh buông anh ấy ra đi.”

Doãn Thiên Dương nằm nhoài trên lưng Nhiếp Duy Sơn nhắm mắt lại, vui vẻ trả lời: “Là cậu ấy thổ lộ trước, anh buông cậu ấy nhưng cậu ấy không buông anh đây này.”

Nhiếp Duy Sơn không muốn dây dưa nữa, trực tiếp nện một búa xuống: “Bọn anh đã ngủ rồi.”

Ý muốn nói là, em chưa từng yêu đương, đến thích và ngưỡng mộ cũng không phân biệt được thì đừng quan tâm đến đôi tình nhân bền vững cái gì cũng đã làm như bọn anh.

Nhiếp Dĩnh Vũ lại bắt đầu khóc, sụp đổ hoàn toàn.

Doãn Thiên Dương xấu hổ đỏ bừng mặt, khẽ quát: “Sao cậu lại nói cho nó biết!” Quát xong thì cậu rời khỏi lưng Nhiếp Duy Sơn, lẩn đi thật xa. Nhiếp Duy Sơn muốn lấy lại chút mặt mũi cho Doãn Thiên Dương bèn bổ sung thêm một câu: “Cậu ấy đè anh, phải chịu trách nhiệm với anh.”

Nhiếp Dĩnh Vũ và Doãn Thiên Dương đều sững sờ, sau đó Nhiếp Dĩnh Vũ khóc lóc kêu: “Doãn Thiên Dương, mẹ nó anh không phải là người!”

Sau khi Doãn Thiên Dương hoàn hồn thì lại đắm chìm trong ảo tưởng, cậu có cảm giác phía dưới đã cứng lên rồi, lần đầu tiên bị mắng mà còn cảm thấy sảng khoái, cậu kiềm chế các loại cảm xúc trong mình rồi lên tiếng an ủi: “Đừng giận, đừng giận, anh của mày cũng đè anh.”

Nhiếp Duy Sơn giải thích: “Tiểu Vũ, em không hiểu, không phải ai nằm dưới thì là chịu thiệt, bọn anh bình đẳng, tất cả hành động của đôi bên đều là cam tâm tình nguyện.”

“Đúng vậy, ban đầu anh cũng cảm thấy có hơi cái đó, nhưng mà không đau còn rất ——” Doãn Thiên Dương lại suýt cho miệng đi chơi xa, sau khi im miệng đúng lúc thì ngượng ngùng nở nụ cười, “Không nói nữa, nói nữa lại thành không lành mạnh.”

Sườn nướng và tôm sốt cà chua đã không còn bốc hơi nóng nữa, Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương mở nắp hộp bắt đầu ăn vội vàng. Nhiếp Dĩnh Vũ nằm quay lưng về phía bọn họ, muốn giở trò tuyệt thực, lý luận của cậu ta đã không thể lay chuyển được hai người kia nên cậu ta phải nghĩ một biện pháp khác. Nghĩ đi nghĩ lại thì nghĩ tới vua phản biện.

Tần Triển chẳng biết chuyện gì xảy ra đã ăn cơm trưa xong và đang cảm thấy buồn đến phát chán, đã thả lỏng mấy ngày rồi nên nhân dịp trời đẹp cậu ta dứt khoát thay đồ thể thao đi chạy bộ, vừa mới chạy ra khỏi nhà thì đột nhiên nhận được một tin nhắn, là Nhiếp Dĩnh Vũ nhắn tới.

“Tần Triển này, nếu có một người bạn của cậu thích người đồng tính thì phải làm thế nào để người đó nhận ra đấy không phải là tình yêu chân chính?”

Tần Triển đọc nhiều lần mới hiểu, rồi trả lời: “Nhưng sao cậu lại biết đấy không phải là tình yêu chân chính? Cậu còn hiểu rõ hơn cả bản thân người đó cơ à?”

“Bởi vì người đấy thích người đồng tính!”

“Đồng tính cũng là người mà, nếu cậu nói người đấy thích một con Chihuahua thì mới là không bình thường lắm. Còn người ấy à, đất nước có hơn một tỉ dân, có lẽ người đồng tính cũng không ít lắm đâu.”

“Sủa bậy sủa bạ! Tôi lớn ngần này rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp phải đấy!”

“Trước lạ sau quen, lần sau gặp thì cậu sẽ không phải ngạc nhiên nữa. Với lại cậu quan tâm người ta làm gì chứ, cũng đâu bắt cậu phải thích.”

Nhiếp Dĩnh Vũ không nhắn lại vì bị Nhiếp Duy Sơn dựng dậy bắt ăn cơm, cậu ta làm ra vẻ một người chết không động đậy, Nhiếp Duy Sơn nói: “Em không ăn thì anh đút em ăn.”

Dưới sự bắt ép Nhiếp Dĩnh Vũ cầm đũa lên. Doãn Thiên Dương không còn việc gì nữa nên trèo lên giường đi ngủ, Nhiếp Duy Sơn ngồi ở đối diện, khẽ nói: “Em trai cưng, khi về nhớ ngoan ngoãn, đừng nói gì linh tinh, nhớ chưa?”

Nhiếp Dĩnh Vũ muốn phản kháng lần cuối cùng, nói lời uy hiếp yếu ớt: “Không, trừ khi hai anh chia tay.”

Doãn Thiên Dương ở phía trên thò đầu ra: “Vậy thì đánh chết mày, diệt khẩu.”

Nhiếp Duy Sơn khuyên nhủ: “Chuyện của bọn anh sớm muộn gì cũng sẽ nói với người trong nhà, dù sao bọn anh cũng muốn sống bên nhau cả đời nên không thể cứ giấu diếm mãi, chỉ là không phải lúc này.”

Doãn Thiên Dương vẫn đang nhô người ra, cậu đưa tay sờ lên tóc của Nhiếp Duy Sơn nói với Nhiếp Dĩnh Vũ, lại giống như nói với chính mình, “Lúc thú nhận phải cất hai miếng sachima, bị đánh xong thì lần lượt mỗi người một miếng, ngọt chết luôn.”

Nhiếp Duy Sơn cười nói tiếp: “Đã nói cậu đứng sau lưng tớ, tớ chịu đòn.”

Tấm rèm cửa sổ che đi ánh sáng, Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương một trên một dưới lặng im trong bóng râm, Doãn Thiên Dương cúi xuống là có thể trông thấy đỉnh đầu của Nhiếp Duy Sơn, cậu nhếch miệng nở một nụ cười thản nhiên, còn Nhiếp Duy Sơn ngồi im không động đậy, thẳng tắp sống lưng để mặc cho Doãn Thiên Dương vuốt ve tóc hắn.

Nhiếp Dĩnh Vũ nhìn bọn họ, đột nhiên không thể nói bất cứ một lời phản bác nào nữa.

Nhân viên phục vụ trên tàu đẩy xe tới, thu dọn hết cơm thừa và rác thải, ba giờ tàu mới đến ga nên bọn họ còn có thể ngủ trưa một lát. Doãn Thiên Dương trở mình nhắm mắt lại, Nhiếp Duy Sơn cũng nằm xuống giường dưới.

Khi sắp chìm vào giấc ngủ, hai người nghe thấy Nhiếp Dĩnh Vũ lẩm nhẩm một bài thơ: “Chàng cưỡi ngựa tre tới, quanh giường tung trái mai. Trường Can chung một xóm, hai đứa trẻ vô tư(*).”

(*)Trích từ bài Trường Can hành của Lý Bạch.

Lang kỵ trúc mã lai

Nhiễu sàng lộng thanh mai

Đồng cư Trường Can lý

Lưỡng tiểu vô hiềm sai

(Bản edit trên có tham khảo các bản dịch bên Thi Viện)

Thanh âm nghe qua như có vẻ lại đang khóc.

Chuyến dạo chơi ngắn ngủi lần này kết thúc cùng tiếng còi tàu hỏa tiến vào ga, kỳ nghỉ đông cũng thấm thoát trôi qua hơn một nửa, Nhiếp Dĩnh Vũ phải chịu đủ các loại kích thích, sau khi về nhà thì ôm sách ôn thi giải đề hết bốn tiếng.

Nhiếp Duy Sơn xếp đặc sản của Thiệu Hưng đầy bàn nước rồi vô cùng phấn khởi kể cho chú ba, thím ba và ông Nhiếp nghe những chuyện được nghe được thấy mấy ngày vừa qua. Ông Nhiếp ho khan hai tiếng, hỏi chú ba: “Có phải rất lâu rồi thằng bé này không hoạt bát như thế đúng không?”

Chú ba nói: “Đúng là vậy thật, sau này đến kỳ nghỉ thì cứ ra ngoài chơi một chuyến đi, ngày thường đã phải mệt mỏi quá rồi.”

“Cháu không mệt, chú và thím ba đi làm còn cực khổ hơn ấy ạ.” Nhiếp Duy Sơn lấy bánh ngọt ra, “Ông ơi, lúc nào muốn hút thuốc thì ông ăn một miếng bánh ngọt đi ạ, nếu không cứ ho mãi thôi.”

Ông Nhiếp nói: “Ông đã từng này tuổi mà còn phải kiềm chế sở thích của bản thân, vậy chẳng thà về trời sớm cho rồi.”

“Được rồi, vẫn không thể khuyên nổi.” Nhiếp Duy Sơn cất thuốc vào trong tủ, “Ngày mai cháu sẽ ra cửa hàng xử lý hết đống thuốc lá của ông, ai mua hàng đủ một trăm thì tặng hai điếu, đủ năm trăm thì tặng một hộp.”

Ông Nhiếp hừ mấy tiếng: “Quản nhiều thật đấy, khắc đá Ngọc tủy trắng của cháu đi.”

Sát vách lại càng náo nhiệt hơn, Doãn Thiên Dương vừa về nhà thì trong nhà y như vỡ tổ, cậu chạy vòng vòng quanh sân để cho Thiên Đao đuổi theo mình sủa inh ỏi. Chơi đùa với chó đủ rồi thì lại đi tưới nước cho cây, cuối cùng thì mới để ý đến ba người sống trong nhà.

Doãn Thiên Kết cầm lấy một cây quạt, trên mặt quạt được thêu hoa. Doãn Thiên Dương nói: “Trên có thiên đường, dưới có Tô Hàng, mặt quạt làm từ gấm Tô Châu chính hiệu, em phải chọn mãi đấy.”

Bạch Mỹ Tiên nói: “Không phải mày đi Thiệu Hưng à, liên quan gì Tô Hàng?”

“Đều cùng một tỉnh cả mà!” Doãn Thiên Dương lại lấy một chiếc khăn lụa ra quàng lên cho mẹ cậu, “Cái này còn đắt hơn quạt, phụ nữ trung niên phải dùng những thứ có tính thẩm mỹ cao, vốn con định mua vòng tay ấy nhưng đắt quá, hơn nữa tay nghề còn kém xa Tiểu Sơn.”

Doãn Hướng Đông ngồi nhìn từ nãy đến giờ: “Mày không mua cho bố đôi giầy thêu đấy chứ?”

“Cái đấy thì không được, số của bố to như thế.” Doãn Thiên Dương lấy một cái hộp ra nhưng hoa quả đựng bên trong đã ăn hết rồi, hiện tại nhét đầy bên trong toàn là đậu phụ thối Thiệu Hưng, “Con mua năm phần, đựng hết bên trong đấy, là đậu phụ thối Thiệu Hưng chính tông, nếm thử mau lên đi ạ!”

Doãn Thiên Kết lấy quạt che mặt: “Quỳ mày luôn, kể chút chuyện vui khi đi du lịch đi.”

Doãn Thiên Dương thích nhất là kể chuyện, lập tức nói: “Mọi người không biết đâu, thế mà con lại say tàu hỏa! Trên đường đi phải chịu đủ các loại tra tấn, lúc đến được Thiệu Hưng thì chân cũng nhũn cả ra. Sau đó bọn con tới nhà ông ngoại của Tần Triển, nhà ông ngoại của cậu ấy là tòa nhà có sân hai tầng, tường trắng ngói xanh trồng đầy hoa cỏ, so sánh với người ta thì nhà chúng ta quá là thô kệch!”

“Tần Triển cực kỳ nhiệt tình hiếu khách, cứ bắt bọn con ở lại nhà cậu ấy, bọn con không tiện ở lại nhưng không ở thì không nể mặt người ta nên đành để Tiểu Vũ ở lại. Còn con và Tiểu Sơn thì đi tìm một khách sạn, mở cửa sổ ra là có thể nhìn thấy sông, ngày thứ hai bọn con đi dạo nhà cũ của Lỗ Tấn, à chị ơi, ‘Quán trà’ là Lỗ Tấn viết ạ?”

Doãn Thiên Kết bịa chuyện: “Vâng, vâng, vâng. ‘Quán trà’ và ‘Dông tố’ đều là tác phẩm tiêu biểu của ông ấy, thi đại học nhất định sẽ thi, mày học thuộc chút đi.”

(*)“Dông tố” là vở kịch của nhà văn, nhà viết kịch Tào Ngu.

“Hả? Em ghét nhất là học thuộc bài.” Doãn Thiên Dương rất tin tưởng, lại tiếp tục nói, “Ăn xong cơm tối con và Tiểu Sơn đi ngồi thuyền Ô Bồng, cậu ấy nói một ngày người chèo thuyền có thể kiếm được hai nghìn, suýt chút nữa con đã ở lại làm việc rồi.”

“Buổi tối, buổi tối…”

Bạch Mỹ Tiên hỏi: “Buổi tối làm sao?”

Doãn Thiên Dương nói quanh co: “Buổi tối trời mưa.”

“Trời mưa thì mày đỏ mặt cái gì?” Doãn Hướng Đông ăn một miếng đậu.

Doãn Thiên Dương có thể không đỏ mặt sao, cậu ôm ba lô của mình vào trong lòng: “Đấy là mưa xuân.” Nói xong thì mặt càng lúc càng đỏ, cậu nhớ tới âm thanh mưa rơi rào rào đêm đó, nhớ tới tấm màn lay động không ngừng, nhớ tới sợi dây đỏ đeo trên cổ chân cậu bị mồ hôi thấm ướt.

Doãn Thiên Kết phẩy quạt trước mặt cậu rồi nói: “Tỉnh lại đi, mưa xuân thì làm sao?”

Doãn Thiên Dương giật mình đánh thót rồi tỉnh táo lại, ánh mắt sáng rực lên: “Mẹ! Mẹ có thể treo màn trước giường con được không? Cái loại treo bốn phía, thả ra thì che khuất người trên giường ấy!”

“Mày là công chúa à hay là tiểu thư nhà giàu?” Bạch Mỹ Tiên gấp gọn khăn lụa lại, “Trong tủ có màn chống muỗi đấy, tự mắc đi.”

Ngày hôm sau lúc tỉnh dậy trên giường của mình cậu vẫn còn chưa thích ứng lắm, Doãn Thiên Dương có di chứng sau chuyến du lịch, ngồi trước bàn ăn cũng không ăn cơm mà chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ nói: “Nhớ non non nước nước của phía Nam quá đi, còn cả những chiếc bánh ngọt tinh xảo kia nữa, giờ chẳng còn hứng thú với việc ăn bánh rán trái cây nữa rồi.”

Không ai thèm đáp lại cậu, chỉ có Thiên Đao sủa lên mấy tiếng, nhưng kết quả cũng phải là Thiên Đao cổ vũ cho cậu mà chỉ kêu mấy tiếng rồi chạy biến ra ngoài. Doãn Thiên Dương nhìn về phía cửa nhà, trông thấy Nhiếp Duy Sơn mang theo bánh rán mới ra lò bước vào, đi thẳng đến trước cửa sổ.

Hai người đứng cách tấm cửa kính, Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Có ăn không?”

Doãn Thiên Dương mới vừa rồi còn nói không hứng thú giờ lại gật đầu: “Ăn! Cậu vào đây!”

Nhiếp Duy Sơn không động đậy: “Mang bài tập đi với tớ ra cửa hàng đi, nếu không không cho ăn.”

Doãn Thiên Dương quay vào phòng cầm cặp sách rồi đi luôn, Nhiếp Duy Sơn lái xe điện, cậu ngồi ở phía sau gặm bánh rán, đến cửa hàng thì uống thêm một chén trà nóng, quả thật là no căng bụng.

Mở cửa sau khi dọn dẹp xong, Nhiếp Duy Sơn ngồi ở một đầu quầy hàng chuẩn bị làm việc. Doãn Thiên Dương ngồi ở đầu còn lại trải bài tập ra nhưng sự chú ý lại tập trung trên người đối phương, đoạn hỏi: “Cậu định khắc cái gì?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Phật Di Lặc.”

“Đệch!” Doãn Thiên Dương gào toáng lên rồi ném bài tập đi, ngồi dịch lại gần, “Phật Di Lặc khó lắm á, khó hơn nhiều so với hoa đúng không?”

“Cũng không thể khắc cái bánh bao là xong đúng không.” Nhiếp Duy Sơn cầm miếng vật liệu lên quan sát, rồi miêu tả lại hình dạng ở trong lòng, sau đó lấy bút vẽ phác thảo, “Người kia là một người lành nghề, ông ấy đang thăm dò trình độ của tớ. Vẽ xong rồi ra phôi(*), lại khắc chi tiết rồi đánh bóng, dự tính buổi chiều là có thể hoàn thành, chỉ là không biết lúc nào thì ông ấy đến.”

(*)Ra phôi là một bước trong quy trình điêu khắc đá. Sau khi lựa chọn viên đá thích hợp nghệ nhân thường bắt đầu gọt bỏ những mảng lớn phần đá không cần đến bằng dụng cụ đục điểm, đục nêm và búa đục đá.

Không ai ngờ được, buổi chiều chân trước Nhiếp Duy Sơn vừa mới vào phòng cơ khí thì chân sau vị khách kia đã đến. Doãn Thiên Dương còn đang vật lộn để chép đáp án nên cũng không ngẩng đầu đã chào hỏi: “Mời xem tùy thích, có thể đặt làm riêng thủ công, thích thứ gì thì cứ thử.”

Vị khách kia nói giọng lạnh tanh: “Không thích gì cả.”

Doãn Thiên Dương ngẩng đầu nhìn, đoạn gác bút rồi nói: “Tôi còn đang nghĩ ai lại thích cãi nhau nữa đây, thì ra là ngài đến ạ.” Cậu đưa ghế cho đối phương, “Mặt dây chuyền đang được đánh bóng, ngài đợi thêm một lát là được ạ.”

Vị khách kia nói: “Từ năm ngoái đến bây giờ là bao lâu mà còn bắt khách hàng phải chờ?”

Doãn Thiên Dương nói đối phó: “Thành phần gia đình tương đối phức tạp, năm mới vừa sang thì nhiều chuyện khó nói, ngài bỏ qua cho, nhưng cậu ấy cực kỳ nghiêm túc làm cho ngài, tôi có thể bảo đảm.”

“Cậu bảo đảm?” Vị khách kia liếc nhìn cậu một cái, “Chép đáp án là gian dối, tôi không tin cậu.”

Đang lúc bọn họ trò chuyện thì Nhiếp Duy Sơn đi từ sân sau ra, trong tay cầm tượng Phật Di Lặc đã hoàn thành, đoạn cười nói: “Để ngài phải đợi lâu, xin lỗi. Khoan lỗ xỏ dây hay móc vào vòng bạc ạ?”

Vị khách kia không trả lời mà trực tiếp đưa tay ra muốn cầm đồ, ông ta nhận lấy rồi quan sát, dùng bụng ngón tay cái vuốt ve mấy cái rồi hỏi: “Này cậu nhóc, lúc đó tôi đã đưa ra yêu cầu gì?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Chỉ có một điều, tốt hơn vòng của cậu ấy.”

Người kia lại hỏi: “Cậu cảm thấy tốt hơn không?”

Nhiếp Duy Sơn ngừng trong chốc lát, rồi thành thật nói: “Không chắc chắn. Thưa bác, nếu bác khắc khóa trường mệnh, một chiếc cho người lạ, một chiếc cho con ruột mình thì bác có thể đảm bảo thứ đưa cho người lạ kia tốt hơn không ạ?”

Doãn Thiên Dương nóng nảy đập bàn: “Đừng có lợi dụng chiếm hời! Ai là con cậu!”

Vị khách kia cũng nóng nảy: “Ai là bác cậu? Tôi cũng không có con!” Nổi nóng xong thì đập Phật Di Lặc lên mặt quầy, “Làm nghề này, thứ quan trọng nhất được nhìn trong mắt đặt trong lòng là vật liệu, không cần biết là con cái hay người lạ, cũng không cần quan tâm là người quyền quý hay người bình thường, người thợ thủ công chỉ được nhìn miếng vật liệu mà suy xét, mà mày mò, không được nghĩ tới bất cứ điều gì khác!”

Trong lòng Nhiếp Duy Sơn khẽ động: “Vật liệu trong tay, sản phẩm làm ra phải tốt như nhau, tâm tư tình cảm cũng phải đặt trên miếng vật liệu, trên mũi dao.”

“Coi như cậu cũng có chút thông minh.” Người kia thở dài một cái, giống như đã nguôi giận, “Miếng Phật Di Lặc này cậu để trong cửa hàng mà bán đi, tôi muốn cậu làm cho tôi một lần nữa, tượng Quan Âm bằng ngọc Hòa Điền(*).”

(*)Tượng Quan Âm bằng ngọc Hòa Điền:

Trước khi đi, vị khách kia hỏi: “Cậu nhóc, cậu tên gì?”

“Nhiếp Duy Sơn, ‘Nhiếp’ (聂) ghép từ song (双) nhĩ (耳), ‘Duy’ trong duy độ (chiều không gian), ‘Sơn’ trong sơn xuyên (núi sông).” Nhiếp Duy Sơn trả lời xong thì thấy đối phương vẫn còn nhìn hắn, bèn hiểu ý nói, “Sư phụ tôi là Nhiếp Phong, ‘Phong’ trong phong hỏa (khói lửa).”

Người kia suy nghĩ trong chốc lát: “Nhiếp Tùng Kiều là gì của cậu?”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Là cụ tôi.”

“Gia tài hàng nghìn hàng vạn đều bị ông ta hủy hoại chẳng còn gì, nhưng lại truyền lại được tay nghề, cậu nói xem có giận ông ta không?” Người kia cười vang hai tiếng rồi vén rèm cửa chuẩn bị bỏ đi, bỗng nhiên lại ngừng bước, “Tôi tên Đinh Ngũ Vân, người trong nghề gọi là Bạch gia.”

Từ nãy đến giờ Doãn Thiên Dương không nói chen lời, lúc này bỗng hào hứng: “Đúng là có duyên, bọn tôi ở hẻm Nhất Vân và Nhị Vân, còn ngài lại tên là Ngũ Vân, nhưng mà bên trong tên cũng đâu có chữ ‘Bạch’ chứ, tại sao lại gọi là Bạch gia?”

Chớp mắt một cái Bạch gia đã đi rồi, Nhiếp Duy Sơn siết chặt Phật Di Lặc, rồi kiềm chế sự kích động mà hôn Doãn Thiên Dương một cái thật mạnh, sau đó giải thích: “Khi còn bé tớ từng nghe bố tớ nói, trong nghề này có một bậc thầy họ Đinh, người muốn bái ông ấy làm thầy có vô số nhưng ông ấy chỉ ban tên cho năm người học trò, trong đó Đinh Ngũ Vân vừa là đại đồ đệ vừa là con trưởng là lợi hại nhất, được ban cho tên Đinh Hán Bạch.”

Doãn Thiên Dương hơi mơ màng: “Hán Bạch Ngọc(*)?”

(*)Hán Bạch Ngọc: Còn được gọi là Cẩm thạch trắng, là một loại vật liệu xây dựng và điêu khắc quý, nó trắng tinh khiết không tì vết, cứng và trơn nhẵn, rất dễ để điêu khắc. Tục truyền, do bắt đầu từ thời nhà Hán loại ngọc này được dùng phổ biến để xây dựng cung điện, trang trí miếu thờ, điêu khắc tượng Phật nên được gọi là Hán Bạch Ngọc.

“Chắc là vậy.” Nhiếp Duy Sơn mỉm cười, hắn nâng mặt Doãn Thiên Dương trong tay, thậm chí còn ôm mặt của Doãn Thiên Dương đến biến dạng.

Doãn Thiên Dương hỏi: “Ông ấy và chú Nhiếp thì ai lợi hại hơn?”

Nhiếp Duy Sơn tương đối khó xử: “Cậu cũng biết hỏi thật, chẳng bằng hỏi cậu và mẹ tớ cùng rơi xuống nước thì tớ cứu ai đi.”

Doãn Thiên Dương cười ha ha: “Cứu dì đi! Tớ lướt sóng một lát rồi sẽ lên!”

Làm tổ trong cửa hàng một ngày, Nhiếp Duy Sơn phối miếng Phật Di Lặc với một chiếc vòng rồi đặt trong quầy hàng, Doãn Thiên Dương tiếp tục chép đáp án, đến khi cả hai xong việc thì lại chụm vào nhau viết thư cho Nhiếp Phong, chủ yếu là xin chỉ dạy, tiện thể buôn một chút chuyện thân thế của vị Bạch gia kia.

Từ đầu kỳ nghỉ tới giờ vẫn chưa luyện tập lại, Doãn Thiên Dương nói: “Tớ không béo lên đấy chứ? Đừng để khai giảng xong lại không thể chạy nổi.”

Nhiếp Duy Sơn gấp gọn giấy cất vào bao thư: “Béo cái gì, mông dẹp lép chả vểnh tí gì. Thế này đi, đợi lát nữa gửi thư xong thì tớ chạy cùng cậu mấy vòng, tập liên tục cho đến khi khai giảng.”

Kéo cửa cuốn xuống rồi đi gửi thư, sau đó đến sân vận động ở gần đó, mùa này ngày dài nên hơn năm giờ mà trời vẫn rất sáng, hai người đứng ở vạch xuất phát chuẩn bị, Doãn Thiên Dương chơi xấu chạy đi trước nhưng chưa được mấy bước đã bị đuổi theo túm mũ lại.

Hai người cứ cậu chạy tôi đuổi trên đường băng, trong phút chốc đã lướt qua bãi tập rồi nhảy lên khán đài, Nhiếp Duy Sơn đứng dưới bục phát biểu dang hai tay, đoạn nói: “Không phải khi còn bé cậu thích đứng trên sư tử đá rồi nhảy xuống à, còn bắt người khác đỡ cậu. Nào, nhảy xuống đi, tớ đỡ cậu.”

Doãn Thiên Dương đứng trên bục phát biểu: “Tớ sợ va chết cậu.”

Nhiếp Duy Sơn vỗ vỗ lồng ngực: “Va vào đây.”

Doãn Thiên Dương cắn môi dưới mỉm cười, hạnh phúc không thể kiềm chế, cậu lùi về sau lấy đà rồi tung người trên không trung tạo thành một vòng cung. Dưới tác dụng của trọng lực cậu đập mạnh lên người Nhiếp Duy Sơn, Nhiếp Duy Sơn ôm cậu lùi về sau hai bước rồi hét lên xoay tròn mấy vòng.

Mặt trời đã xuống núi, thảm cỏ chuyển từ xanh biếc sang cam đỏ, hai người nằm xuống sân tập thở hổn hển nghỉ ngơi. Nằm ngửa mặt nhìn lên, bầu trời đỏ ánh lên sắc vàng có cảm giác đặc biệt phú quý.

Đột nhiên Nhiếp Duy Sơn nắm lấy tay Doãn Thiên Dương, giữa các ngón tay còn kẹp mấy ngọn cỏ, hắn nói: “Bài thơ ngày đó Tiểu Vũ đọc là gì nhỉ, Trường Can chung một xóm?”

Doãn Thiên Dương nói tiếp: “Hai đứa trẻ vô tư.”

Nhiếp Duy Sơn bắt đầu cười: “Đánh cũng đánh không chết.”

Doãn Thiên Dương hét lớn: “Tách cũng tách không rời!”

Hết chương 43.

Chương 44: Đóng cửa

Trước

Tiếp


Thời gian nghỉ đông quá ngắn, ăn tết xong rồi chơi thêm hai ngày là đã kết thúc, cho nên đám học sinh đều không thích Tết Nguyên tiêu, bởi vì qua đến ngày hôm sau là phải đến trường rồi.

Siêu thị ở đầu đường tận dụng dịp Tết mà chạy chương trình khuyến mãi, hai chiếc tủ đông đặt ngoài cửa bày bán bánh trôi, mua ba gói tặng một gói, Bạch Mỹ Tiên dặn đi dặn lại là phải ra siêu thị lớn mà mua vì chỉ sợ Doãn Thiên Dương lười biếng lại mua luôn ở gần nhà.

“Ăn bánh trôi làm gì, làm sủi cảo đi ạ.” Đến ngày nghỉ cuối cùng, Doãn Thiên Dương vẫn còn mười đề chưa làm, bắt đầu từ tám giờ sáng đã ngồi trước bàn học lèo nhèo nên kết quả là ba tiếng trôi qua cũng chỉ làm được mấy câu trắc nghiệm.

Thiên Đao giống như một cái còi báo động, cứ có người đến là bắt đầu sủa, Doãn Thiên Dương nghe thấy tiếng động thì vội vàng ngó đầu nhìn ra ngoài, trông thấy Nhiếp Duy Sơn xách túi mua sắm bước qua cửa.

Nhiếp Duy Sơn không vào nhà ngay mà đứng trong sân chơi đùa với chó con một lát, đến khi vào trong nhìn thấy Bạch Mỹ Tiên đang định nổi giận thì hắn lấy mấy gói bánh trôi từ trong túi ra, đoạn nói: “Dì Tiên ơi, dì không cần phải bảo cậu ấy đi đâu ạ, vừa nãy cháu đi siêu thị nên có tiện thể mua thêm mấy túi.”

Bạch Mỹ Tiên hơi ngượng, nói với giọng trách cứ: “Nó càng lúc càng lười, đến dì cũng không sai được nó nữa rồi.”

Nhiếp Duy Sơn đáp lại hai câu là đã dỗ được cho Bạch Mỹ Tiên vui vẻ, hắn ôm chó con đi vào phòng ngủ, đứng dựa vào khung cửa xem Doãn Thiên Dương làm bài tập. Doãn Thiên Dương viết được một hàng chữ thì lại xoay bút hết năm phút, cậu nhìn đề thi hỏi: “Cậu mua bánh trôi nhân gì đấy?”

“Mè đen, lạc, mứt đậu đỏ, hợp khẩu vị của ngài chưa?” Nhiếp Duy Sơn nựng nựng má chó con, “Thiên Đao lớn phết nhỉ, tăng lên mấy lạng thịt.”

Doãn Thiên Dương thật sự không thể viết nổi nữa bèn ném bút đi rồi ngửa người ra, hai chân gác lên mặt bàn, đoạn nói: “Nó được ăn ngon uống ngon, ăn xong thì chui vào biệt thự của nó nằm, phơi nắng rồi đánh một giấc, cũng chẳng phải làm bài tập, hạnh phúc hơn tớ nhiều.”

Nhiếp Duy Sơn ném Thiên Đao vào lòng Doãn Thiên Dương: “Cậu đúng là không biết đủ, đến tối có thể làm xong bài tập không?”

“Chịu thôi, tớ còn định làm xuyên đêm đây.” Doãn Thiên Dương bình chân như vại, chưa đến giây phút thu bài thì chưa vội, “Ngày mai đến trường sớm một chút đi, làm bù bài tập trên lớp hiệu suất cao hơn.”

Nhiếp Duy Sơn thật sự không nhịn được nữa bèn bước tới vỗ nhẹ lên gáy đối phương, rồi nói: “Vậy cậu cứ từ từ mà làm, buổi tối tớ dẫn Tiểu Vũ đi xem hội hoa đăng, còn cậu thức đêm đi.”

Doãn Thiên Dương vừa nghe thấy thế thì bừng bừng sức sống: “Thế thì không được! Giờ tớ làm liền đây!” Tự cậu làm thì thật sự không xong được nên cậu cầm sách vở đi sang nhà bên cùng Nhiếp Duy Sơn.

Trong nhà chú ba đang nấu cơm, Doãn Thiên Dương nhìn chỗ cá đã ướp xong thì hỏi: “Chú ba ơi, buổi trưa có tiệc gì vậy ạ?”

“Dù gì cũng là ngày Tết nên cũng phải làm mấy món ngon chứ.” Chú ba giơ tay ném cho cậu con tôm hấp, “Buổi trưa ăn ở đây đi, à Tiểu Sơn, bánh trôi muốn ăn rán hay hấp?”

Doãn Thiên Dương tò mò hỏi: “Không phải bánh trôi là luộc lên để ăn ạ?”

“Luộc mãi cũng chán, đổi mới một chút.” Nhiếp Duy Sơn đi vào bếp cất đồ, “Chú ba ơi, ăn rán đi ạ, chẳng phải năm ngoái Tiểu Vũ kêu ăn hấp nhạt nhẽo đấy ạ.”

Trong phòng thoang thoảng mùi thuốc Đông y, ông Nhiếp nằm trong phòng, thỉnh thoảng lại truyền ra tiếng ho, thím ba đã cất hết tất cả thuốc lá trong nhà đi để ép ông lão phải cai thuốc. Doãn Thiên Dương lén lút đi vào, ngồi xổm bên giường nói: “Ông ơi, ông không sao chứ ạ?”

Ông Nhiếp nhắm hai mắt nói: “Ông ngủ một giấc, đến bữa trưa thì gọi ông.”

“Vâng, lát cháu sẽ gọi ông ạ.” Doãn Thiên Dương đắp chăn lên cho ông Nhiếp, lần này hoàn toàn không đùa nghịch nữa mà ôm sách vở đi vào phòng ngủ của Nhiếp Dĩnh Vũ, lại phát hiện Nhiếp Duy Sơn đã trải giấy ra xong rồi.

Nhiếp Dĩnh Vũ nói với vẻ buồn phiền: “Để bài tập lại rồi em làm hết cho các anh có được không? Thật sự em không muốn nhìn thấy hai người.”

Nhiếp Duy Sơn tìm một đống tranh ảnh về Quan Âm để nghiên cứu, sau đó luyện tập trên giấy, hắn nói mà không ngẩng đầu lên: “Giảng bài cho anh Dương Dương của mày một chút đi, chỉ phiền mày lần này thôi, ngày mai đi học rồi, sau này bọn anh gặp mày sẽ đi đường vòng.”

Doãn Thiên Dương ngồi xuống cạnh bàn học, ba người bắt đầu làm việc, cậu nghe Nhiếp Dĩnh Vũ giảng bài, còn Nhiếp Duy Sơn thì ngồi im vẽ Quan Âm của mình. Giảng xong một đề, đột nhiên Nhiếp Dĩnh Vũ ngừng lại, Doãn Thiên Dương tưởng là đối phương muốn uống nước nên yên lặng chờ.

Qua ba đến năm phút, Nhiếp Dĩnh Vũ nhìn chằm chằm tờ đề rồi nhỏ giọng hỏi: “Hai người ngủ thế nào vậy?”

Doãn Thiên Dương trượt bút: “Mày nói gì?”

“Em đang thấy khó hiểu, hai người con trai thì ngủ thế nào.” Giọng nói của Nhiếp Dĩnh Vũ khe khẽ, cậu ta không dám nhìn Doãn Thiên Dương, lại càng không dám nhìn Nhiếp Duy Sơn, “Hôm đó ở trên tàu bị sốc với sợ quá nên chưa kịp suy nghĩ kỹ.”

Doãn Thiên Dương lúng túng, cậu cũng chưa phóng túng đến mức thảo luận chuyện này với người khác, mặt cậu đỏ tới mang tai rồi quay đầu nhìn Nhiếp Duy Sơn, thầm nhủ trong lòng là em cậu thì cậu chịu trách nhiệm đi. Nhiếp Duy Sơn vẫn đang vẽ Quan Âm, vừa vẽ vừa nói: “Tìm một bộ phim cho mày nhớ?”

Nhiếp Dĩnh Vũ cũng đỏ bừng cả mặt, ngay lập tức đổi tờ đề khác rồi nói: “Không cần, không cần, em không tò mò.”

Buổi tối ở trung tâm thành phố có tổ chức triển lãm hoa đăng, quảng trường trung tâm là điểm chính giữa rồi kéo dài sang hai bên đến cuối đường Nam Trường An và Bắc Trường An. Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đi bộ tới xem hội hoa đăng, hiện tại không còn lạnh lắm nữa nên mặc áo phao đi bộ còn cảm thấy hơi nóng.

Trên quảng trường đâu đâu cũng là người, trong đó có hơn một nửa đều là tình nhân. Trong góc có một gian hàng bán đèn, có thể viết chữ tùy thích, Doãn Thiên Dương chỉ nhìn không mua, đoạn nói: “Tớ vừa nhớ tới lần trước cậu nói ra quảng trường Nhân dân mở quầy khắc dấu, nghĩ đến buồn cười thật!”

Nhiếp Duy Sơn giơ tay chỉ: “Không phải cậu còn nói sẽ bán nước đường ở bên cạnh hả, tớ nhìn thì có vẻ làm ăn khấm khá lắm.”

Một đồng mua được một đống nước đường, Doãn Thiên Dương cầm hai chiếc đũa khuấy loạn không ngừng, trên quảng trường đèn không được treo dày, phần lớn là các quầy bán đồ, giống như là một khu chợ đêm nhỏ. Hai người đi xem lần lượt từng quầy rồi cuối cùng quyết định chơi một ván ném vòng.

Nhiếp Duy Sơn cầm mười chiếc vòng tre, đoạn hỏi: “Thích cái nào?”

Doãn Thiên Dương nói: “Cứ như thích cái gì thì cậu có thể ném được cái đấy ấy.”

Nhiếp Duy Sơn nói như đã tính trước: “Cậu thích cái nào thì tớ dám chắc sẽ ném được cái đó cho cậu.”

Doãn Thiên Dương kéo nước đường rồi cười: “Vậy đeo lên cổ cậu đi, tớ thích cậu.”

Xung quanh toàn người là người nhưng hai người này đúng thật là không biết xấu hổ. Nhiếp Duy Sơn giơ tay vút một tiếng treo vòng lên cổ Doãn Thiên Dương, hết thảy lời ngọt ngào đều được chứa đựng trong đó, và hắn không nhận ra từ đầu đến cuối ý cười của mình chưa bao giờ tắt.

Nắm vòng tre rồi ném một cái, tròng vào được bộ bài tú lơ khơ ở hàng thứ hai, nhìn kỹ ra còn là cái loại in hình người đẹp. Doãn Thiên Dương suýt chút nữa bẻ gãy đôi đũa, đoạn mắng: “Hỏi tớ từ nãy đến giờ kết quả lại tự ném cho mình bộ bài người đẹp! Cậu chỉ biết đấu địa chủ thôi!”

Nhiếp Duy Sơn sướng muốn chết rồi, cố ý hỏi ông chủ: “Haiz, có cờ caro không ạ?”

Mười cái vòng, Doãn Thiên Dương ném hỏng sáu cái, còn Nhiếp Duy Sơn thì ném được một bộ bấm móng tay và mô hình địa cầu. Còn lại một vòng cuối cùng, Doãn Thiên Dương chỉ vào hàng xa nhất nói: “Ném cái loa cổ động kia đi, khi nào tớ thi đấu thì dùng.”

Nhiếp Duy Sơn nhắm mục tiêu rồi lia cổ tay tung vòng tre đi, sau khi vòng tre rơi xuống thì rung lắc một lúc rồi móc vững vào chiếc loa. Bọn họ cầm theo đống đồ đi về phía đường Bắc Trường An, trên đường treo rất nhiều đèn nên sáng rỡ như ban ngày.

Dòng người bắt đầu ồ ạt, giống như chen chúc trên tàu điện ngầm, nước đường của Doãn Thiên Dương đã bị khấy thành màu trắng ngà, cậu ăn thử một ít rồi chép chép miệng, cảm thấy cũng không tệ lắm. Đột nhiên có một đám thanh niên chạy tới từ phía trước, nhìn qua thì có vẻ như là uống say rồi đùa giỡn nhau, người đi đường đều vội vàng né tránh, còn có người bị giẫm phải chân trong lúc rối loạn mà lên tiếng phàn nàn, Nhiếp Duy Sơn kéo tay Doãn Thiên Dương sang bên cạnh, trước mặt và sau lưng chen chúc rất nhiều người nên hai người càng dính sát vào nhau hơn.

Nhiếp Duy Sơn dứt khoát ôm lấy Doãn Thiên Dương luôn, trong hoàn cảnh rối như mớ bòng bong nhưng hai người bọn họ vẫn không quên liếc mắt đưa tình.

Khi nhóm thanh niên kia đi qua thì người đi đường lại tiếp tục xem đèn, bọn họ cũng không thể không buông nhau ra. Vừa mới tách ra thì hai người bỗng choáng váng, mấy sợi nước đường dính đầy trên ngực.

“Mẹ nó cậu giơ nước đường trước ngực làm gì, tưởng là khăn quàng đỏ à!”

Doãn Thiên Dương vứt không được mà ăn cũng không xong, chỉ nói: “Tại cậu ôm tớ, làm sao tớ nghĩ được mấy cái này chứ…”

Không xem được hội hoa đăng nữa, về đến nhà còn ăn một trận mắng, sau đó cả hai chui vào phòng tắm cọ áo phao suốt cả đêm, đến sáng hôm sau tới trường thì miệng cứ ngáp liên tục, trên đường đi cũng chẳng ai để ý đến ai.

Cứ như vậy mà khai giảng, phòng học vẫn là phòng học đó, Kiến Cương vẫn là Kiến Cương đó, chỉ là có điều chỉnh lại chỗ ngồi, Doãn Thiên Dương chuyển từ sát tường ra dãy giữa phía sau, phạm vi có thể gây tai họa được mở rộng thêm một bước.

Thời gian huấn luyện ở trường Thể thao cũng chính thức trở lại sau khai giảng, Tần Triển kéo vali hành lý trở về, mang theo mấy cân đặc sản Thiệu Hưng cho đồng đội. Khi huấn luyện viên tổ chức họp thì cả đám ngồi dưới ăn vụng, chỉ có một mình Doãn Thiên Dương là nghiêm túc nghe.

“Mùa xuân có đợt kiểm tra và giải thi đấu, rất quan trọng, cho nên hàng năm đều phải tiến hành tập huấn. Nếu không phải tình huống đặc biệt thì không được xin nghỉ.”

Sau khi tan họp Doãn Thiên Dương hỏi Tần Triển: “Tập huấn ở đâu đấy? Tôi chưa từng đi một mình xa nhà đâu.”

Tần Triển trả lời: “Mỗi năm lại khác nhau, bởi vì là tập huấn liên hợp giữa các tỉnh, phía trên quyết định xong mới thông báo. Chắc không còn lâu lắm đâu, ông bàn với người nhà chút đi, xem chú trọng thi đấu hay là học tập, quyết định xong thì nói với tôi, tôi sẽ nộp danh sách cho huấn luyện viên.”

Doãn Thiên Dương không bàn với người nhà, quyết định cứ giấu trước đã, cậu cảm thấy chắc chắn Doãn Hướng Đông và Bạch Mỹ Tiên sẽ chú trọng chuyện học tập, bởi vì cậu đã thi được trong ba mươi vị trí đầu. Nếu là tập huấn thì có nghĩa là đi xa tự do không ai quản lý, cũng không cần phải làm bài tập, sướng ghê á, nhưng cậu phải hỏi thử Nhiếp Duy Sơn, dù sao tình yêu chân chính chốn nhân gian cũng không chống lại được xa cách ba năm.

Thứ sáu Nhiếp Duy Sơn ra cửa hàng, ông Nhiếp cứ ho khan mãi không hết, ngực cũng tức đến khó chịu, Nhĩ Ký đã đóng cửa hơn một ngày, hôm nay chú ba và thím ba đưa ông Nhiếp đi bệnh viện kiểm tra, xem xem rốt cuộc là có chuyện gì. Hắn đến chế tác tiện thể trông cửa hàng luôn, vì để không bị quấy rầy nên cửa cuốn cũng không kéo lên.

Doãn Thiên Dương biết Nhiếp Duy Sơn ở bên trong, nhưng cũng đoán được Nhiếp Duy Sơn đang bận rộn nên lặng lẽ ngồi ngoài cửa tắm nắng, phơi cho chảy cả nước mắt. Cậu gạt bông liễu đang bay phất phơ trước mặt đi, rồi cúi đầu xuống gục lên đầu gối ngủ gật.

Nhiếp Duy Sơn bận việc trong phòng làm việc đến mức cơm cũng chẳng buồn ăn, trong mắt trong lòng chỉ có khối ngọc Hòa Điền này, mãi mà Nhiếp Phong vẫn chưa trả lời thư của hắn nên hắn đã tự mình suy nghĩ hết mấy đêm.

Mọi tâm tư tình cảm phải đặt trên miếng vật liệu, trên mũi dao, hắn buông mí mắt, ánh mắt dịu dàng lại kiên định, giống như quét ảnh mà chuyển hóa hình dạng hoa văn và độ cứng của miếng ngọc thành thông tin để thu vào trong đầu. Sắp xếp ngay ngắn các loại dao khắc khác nhau đặt trên bàn làm việc xong, hắn ngồi dưới bóng đèn tập trung tinh thần gọt giũa miếng ngọc Quan Âm.

Tới bốn giờ thì ra phôi xong, lúc này Nhiếp Duy Sơn mới ngừng lại uống một hớp nước, tay đau mắt xót, hắn thu dọn công cụ định nghỉ một lát. Lúc ra cửa chính kéo cửa cuốn lên hắn mới trông thấy Doãn Thiên Dương đang gục đầu ngáy ngủ, không biết đã ngồi trước cửa bao lâu rồi.

Trên đường không có ai nên Nhiếp Duy Sơn vòng một tay qua đầu gối cậu, một tay thì ôm ngang vai bế Doãn Thiên Dương vào trong cửa hàng. Doãn Thiên Dương lắc đầu rồi mở mắt, mơ mơ màng màng nói: “Cậu xong việc rồi à?”

“May mà tớ chưa xong việc, nếu đợi đến lúc tớ xong thì có khi cậu đã bị bọn buôn người bế đi rồi.” Nhiếp Duy Sơn bế Doãn Thiên Dương đặt lên giường phòng ngủ. Doãn Thiên Dương nằm gác hai tay ra sau đầu, vắt chéo chân nói: “Bọn buôn người bắt tớ đi làm gì, bán đi để pha trò à?”

Nhiếp Duy Sơn vừa định nói gì đó thì nhận được điện thoại, chú ba bảo hắn về nhà.

Doãn Thiên Dương ngồi bật dậy: “Có phải ông có chuyện không?”

“Không rõ, về rồi nói.” Nhiếp Duy Sơn thu dọn đồ đạc khóa cửa, rồi vội vàng trở về hẻm Nhất Vân cùng Doãn Thiên Dương. Trong nhà ông Nhiếp ngồi trên ghế sô pha ở chính giữa, chú ba và thím ba ngồi hai bên, còn Nhiếp Dĩnh Vũ thì đứng trong một góc.

Hai người kéo ghế ngồi xuống cạnh bàn nước, Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Ông ơi, ông đi bệnh viện kiểm tra thế nào rồi ạ? Ông đừng dọa cháu.”

“Ông còn chưa hé răng mà, làm sao đã doạ cháu được.” Ông Nhiếp cầm cốc trà, “Hỏi chú ba cháu ấy, không thì ông ấy lại cằn nhằn ông.”

Ngày thường ông Nhiếp hay ho khan mấy tiếng, người nghiện thuốc đều như vậy cả, nhưng bắt đầu từ đầu mùa đông tới nay số lần ho đã tăng lên nhiều hơn, đến giờ là mùa xuân thì càng ngày càng nghiêm trọng. Vốn tưởng là đường hô hấp có vấn đề, bởi vì thời tiết mùa xuân dễ gây ra những bệnh như thế, chú ba nói: “Chú dì đưa ông đi khám đường hô hấp trước, rồi bác sĩ bảo kiểm tra thêm phổi nữa nên sau đó lại làm kiểm tra.”

Doãn Thiên Dương trợn trừng mắt: “Không sao chứ ạ? Cháu sợ!”

Ông Nhiếp cười nói: “Thằng nhóc này bớt gào mồm lên đi, ông còn không sợ thì cháu sợ cái gì.”

Chú ba nói tiếp: “Kiểm tra ra có một mảng tối ở phổi, là một khối u nhỏ, nhưng là u lành lại phát hiện sớm nên làm phẫu thuật cắt bỏ là không sao.”

“Làm phẫu thuật là không sao thật chứ ạ? Thế thì chúng ta làm nhanh lên đi ạ!” Lòng bàn tay Nhiếp Duy Sơn ra đầy mồ hôi, vừa rồi trái tim cũng phải đập đến một trăm tám mươi nhịp một phút.

Ông Nhiếp nâng cốc trà lên uống một hớp, đoạn nói: “Bây giờ thì phải bàn xem cửa hàng của chúng ta phải làm sao, nếu ông phẫu thuật thì chắc chắn trong một thời gian ngắn không thể quản lý cửa hàng được, vậy thì phải đóng cửa. Với địa điểm của cửa hàng, nếu đóng cửa thì có thể bán hàng còn sẵn hoặc vật liệu gì đó, nhưng quan trọng là ông không nỡ.”

Thím ba nói: “Bố à, cứ coi như sau khi phẫu thuật xong bố khỏe lại thì con thấy cũng đừng nên mở tiệm nữa, bố cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe đi ạ, đã từng này tuổi rồi thì không nên làm việc bận rộn thế nữa.”

Nhiếp Dĩnh Vũ phụ họa: “Cháu đồng ý ạ.”

Chú ba hỏi: “Tiểu Sơn à, cháu thấy thế nào?”

Nhiếp Duy Sơn không nghĩ ra được biện pháp nào tốt hơn, ông Nhiếp đã lớn tuổi, quả thật không nên làm việc nhiều, hơn nữa nguyên nhân lớn nhất ông Nhiếp không muốn đóng cửa tiệm là để cố kiếm thêm được chút nào hay chút ấy trả nợ giúp bố hắn. Nếu sang nhượng lại cửa hàng thì còn lo được cả tiền phẫu thuật, nếu không sẽ lại phải để chú ba và thím ba bỏ ra.

Hắn nói ngay: “Cháu cũng đồng ý.”

Doãn Thiên Dương lặng lẽ nhìn Nhiếp Duy Sơn, cậu không có quyền phát biểu ý kiến nên chỉ có thể yên lặng ngồi nghe mọi người đưa ra quyết định. Bàn bạc xong thì chú ba và thím ba đi làm cơm, ông Nhiếp quay về phòng nghỉ ngơi, đoạn nói: “Tiểu Sơn à, vào sắp xếp lại chỗ giấy Tuyên Thành giúp ông.”

Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đi vào theo, giấy trên bàn được đặt rất ngay ngắn, chưa hề được động tới. Ông Nhiếp ngồi trên giường, bỗng nói: “Thật sự ông không muốn đóng Nhĩ Ký, nhưng chú ba và thím ba của cháu cũng là vì nghĩ cho ông thôi, hai thằng con trai, môi hở thì răng lạnh, ông không thể vì người bố không nên thân của cháu mà lại tổn thương tấm lòng của chú ba cháu, khiến chú ấy lo lắng.”

Nhiếp Duy Sơn ngồi xuống cuối giường, rồi nói: “Cháu biết ạ, ông và chú ba đã làm đủ nhiều rồi, phần còn lại cứ để tự bố cháu gánh vác, rồi sau này có cháu cùng gánh với ông ấy. Cháu mới mười bảy tuổi, còn chưa sống được một phần ba đây ạ, mà cũng đâu đã đến sơn cùng thủy tận.”

Ông Nhiếp rất vui: “Ông biết cháu rất hiểu chuyện, hôm nào đi sắp xếp lại vật liệu trong kho, muốn giữ thứ gì thì dọn trước đi. Ông biết cháu không nỡ.”

Doãn Thiên Dương lặng lẽ nói: “Cháu cũng không nỡ.”

“Vậy thì cháu cũng đi đi, chọn xem thích cái vòng nào, chọn thêm cho mẹ và chị cháu mấy cái.” Ông Nhiếp hơi khom người xuống ho mấy tiếng, ho xong thì thở dài nói, “Hút thuốc cả đời, đến khi già thì trên cổ kề một đao, đáng giá, so với đè nén khuất phục mà sống đến trăm tuổi thì thú vị hơn nhiều.”

Đêm đó Nhiếp Duy Sơn không ngủ, thức nguyên một đêm điêu khắc hoàn thành tượng Quan Âm.

Sau đó không lâu Nhĩ Ký treo biển “Sang nhượng cửa hàng”, cửa cuốn khóa kín, đứng bên ngoài hoàn toàn không thể nhìn thấy gì nữa, Nhiếp Duy Sơn không cử động chỉ cố chấp đứng ở trước cửa, tựa như có thể nhìn xuyên qua cánh cửa vào bên trong để trông thấy phòng ngoài và sân sau.

Doãn Thiên Dương đứng cùng hắn, chợt nói: “Sau này chúng ta mở tiệm của mình, phải tìm một vị trí thật tốt, ở đây không được.”

Nhiếp Duy Sơn cười cười: “Ban đầu Nhĩ Ký mở tại thành đồ cổ cũ, sau đó thành đồ cổ cũ phá đi biến thành văn phòng thì Nhĩ Ký lại chuyển tới bên cạnh thành đá quý, nhưng tiền thuê ở quanh thành đá quý quá đắt nên cuối cùng mới chuyển đến nơi này.”

Doãn Thiên Dương cố gắng nói sang chuyện khác: “Sau này tiệm của cậu sẽ mở ở đâu?”

Nhiếp Duy Sơn điều chỉnh lại nhịp thở, thả lỏng cơ thể rồi nói: “Đối diện công viên đi, sau khi đóng cửa thì có thể đi dạo công viên.”

“Giờ tờ cũng muốn đi dạo.” Doãn Thiên Dương nắm cánh tay Nhiếp Duy Sơn kéo đi, bọn họ ngồi tàu điện ngầm tới công viên. Bước lên bậc đá trèo lên hòn non bộ, Nhiếp Duy Sơn chỉ ra xa rồi nói: “Có nhìn thấy hàng rào sắt bên kia không, đi qua đấy là vào chợ đồ cổ, trong đó có đủ các loại người từ thần côn, lừa đảo đến người lành nghề, rất thú vị.”

Doãn Thiên Dương nắm ngón tay của Nhiếp Duy Sơn lại: “Cậu đừng cố tỏ ra vui vẻ.”

Nhiếp Duy Sơn cười: “Tớ đâu có, đúng là tớ không nỡ nhưng cũng không phải là tiếc cửa hàng kia, tớ chỉ cảm thấy từ nay không còn nơi nào để tớ lăn lộn nữa. Đúng rồi, hôm đó cậu tới cửa hàng tìm tớ có chuyện gì à?”

Doãn Thiên Dương cũng quên mất vụ này, vội nói: “Đội điền kinh phải tập huấn, có thể phải đi xa, tớ định bàn với cậu một chút.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi trước: “Cậu muốn đi không, nói thật đi.”

“Muốn.” Doãn Thiên Dương gật đầu.

“Vậy thì đi đi.” Nhiếp Duy Sơn kéo vai Doãn Thiên Dương, “Ông nội tớ nói rất đúng, đè nén khuất phục sống đến hơn trăm tuổi thật chẳng có ý nghĩa gì, cứ tùy theo lòng mình đi.”

Doãn Thiên Dương hỏi: “Cậu muốn tùy theo lòng mình như thế nào?”

Nhiếp Duy Sơn vẫn đang bị nắm ngón tay nên không giơ tay ra được, đành dứt khoát quay đầu dán sát vào tai đối phương nói: “Tớ định sau này mở cửa hàng ở đối diện, phòng ngoài và sân nhỏ thôi là đủ rồi nhưng phòng làm việc phải thật rộng, được trải thảm nỉ dày.”

“Gì nữa?” Doãn Thiên Dương còn chưa nghe đủ.

Nhiếp Duy Sơn rút một đoạn ngón tay ra, sau đó lại đâm vào trong tay Doãn Thiên Dương, đè thấp giọng xuống nói tiếp: “Nếu ít khách thì đóng cửa sớm, sau đó hai chúng ta ở trong phòng làm việc.”

Doãn Thiên Dương cười nói: “Cậu làm việc, còn tớ chơi cờ caro!”

“Chơi cờ caro cái gì.” Nhiếp Duy Sơn cong ngón tay lên cào vào lòng bàn tay của Doãn Thiên Dương, “Tớ đã nghĩ tới từ lâu, muốn đè cậu lên bàn làm việc chịch một phát.”

Doãn Thiên Dương đột nhiên buông tay ra, hình ảnh trong đầu cực kỳ không lành mạnh, nhưng cậu lại đang bị Nhiếp Duy Sơn giữ vai nên không thể động đậy được, bèn mắng: “Mẹ nó cậu cứ chờ đóng cửa đi! Tớ cho cậu chịch hai phát!”

Nếu Nhiếp Duy Sơn có buồn thì cùng lắm là ba giây, bởi vì chỉ cần ở bên cạnh Doãn Thiên Dương thì luôn có thể cười không khép miệng được, bỗng hắn lấy chiếc vòng tượng Quan Âm ra rồi nói: “Không đùa cậu nữa, để tớ đeo cho cậu.”

“Cho tớ?” Doãn Thiên Dương bị người loay hoay đeo vòng vào, mà miệng vẫn thắc mắc không ngừng, “Sao lại cho tớ đeo?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Cửa hàng đã đóng, ông chủ cũng chạy trốn rồi, sau này cũng không có điều kiện làm theo yêu cầu nữa, chỉ là không biết lúc nào Bạch gia sẽ tới rồi phải bắt hụt.”

Doãn Thiên Dương siết chặt tượng Quan Âm: “Trông tớ lộng lẫy, quý phái(*) hẳn lên, chẳng còn vẻ gì là giai cấp vô sản nữa rồi.”

(*)Cụm từ Doãn Thiên Dương dùng là để hình dung phụ nữ.

Nhiếp Duy Sơn cười mắng: “Đừng nói nhảm nữa, cầu nguyện với Quan Âm nương nương đi, xem xét việc tớ đã điêu khắc người nghiêm túc như vậy thì chắc thế nào cũng phù hộ thành hiện thực thôi.”

Doãn Thiên Dương chắp hai tay trước ngực rồi bắt đầu nghĩ, suy nghĩ gần mười phút.

“Cầu mong ông phẫu thuật thuận lợi.”

“Cầu mong người nhà đều khỏe mạnh.”

“Cầu mong cậu sẽ mở được cửa hàng sớm.”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Đã cầu mong hết một lượt rồi, thế còn cậu đâu?”

“Tớ vẫn tốt mà,” Doãn Thiên Dương cân nhắc một chút, “Cầu mong mỗi ngày tớ chơi cờ caro đều thắng vậy!”

Nhiếp Duy Sơn không còn lời nào để nói, bèn vươn tay đặt trước ngực Doãn Thiên Dương, tượng Quan Âm kẹp giữa lòng bàn tay hắn và ngực của đối phương, “Tớ thử xin một điều.”

Một lúc lâu sau cũng không có hành động gì tiếp, Doãn Thiên Dương thấy hơi ngưa ngứa bèn nói: “Cậu cầu cái gì đấy, xong chưa?”

Nhiếp Duy Sơn cười rất khốn nạn: “Dựng lên rồi.”

Ngón tay đang cọ cọ trên ngực trái cậu nên chẳng trách Doãn Thiên Dương cứ cảm thấy ngưa ngứa, mất mấy giây cậu mới hiểu Nhiếp Duy Sơn đang nói cái gì, toàn thân bừng bừng lửa giận suýt chút nữa là nhảy khỏi hòn non bộ.

Mẹ nó đúng là lưu manh, biết rõ cậu dồi dào tinh lực, xuân tâm phơi phới mà còn làm như vậy! Giờ thì tốt rồi, Phật Bà Quan Âm cũng biết cả rồi!

Sau đó không còn ai gây chuyện nữa, cả hai lặng yên ngồi bên nhau cùng nhìn về phương xa.

Lại một lúc sau, một đám mây bay ngang qua, sắc trời cũng tối sầm đi trong nháy mắt, hai người đứng dậy chuẩn bị quay về. Khi bước xuống khỏi các bậc đá thì chợt nghe thấy tiếng nước chảy ở phía bên kia hòn non bộ, vì vậy bước chân cả hai đều trở nên nhẹ nhàng hơn đôi chút, tựa như tâm ý tương thông.

Mà cũng đâu đã đến sơn cùng thủy tận.

Doãn Thiên Dương bước nhanh lên hai bước rồi dắt tay Nhiếp Duy Sơn đi.

Dù cho cùng đi tới nơi tận cùng của nguồn nước, vậy thì cứ ngồi bên nhau ngắm nhìn áng mây trôi(*), chỉ cần bên cạnh có người thì phía trước đều sẽ có đường.

(*)Xuất xứ từ bài thơ “Chung Nam biệt nghiệp” của thi nhân nổi tiếng thời Đường – Vương Duy.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #🙂🙂