Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hạ Uyên



Thắc mắc để làm gì?

Sáng tỏ một đời người ư?

Tôi chẳng bận tâm nhiều đến ả vậy đâu, mặc dù trước đó thì có một...ít, mà giờ thì... Chậc! Được rồi! Tôi sẽ kể một câu chuyện... nhưng chắc là lời lẽ ngoài miệng thì không mạch lạc như văn vẻ trên giấy tôi viết.

Nói vậy thôi, chớ tôi sẽ cố. Hơi-da...

Dẫu thế nào thì ả từng có một cái tên rất là yêu kiều, Lâm Hạ Uyên, Hạ Uyên, Hạ Uyên –– ta có thể gọi như thế cả ngày mà chẳng chút chán chê. Đúng thế! Tên của ả là nỗi bận tâm trước đó của tôi, vì tôi từng muốn đặt tên cho đứa con gái đương sắp sửa chào đời của mình hệt vậy, Hạ Uyên, Hạ Quyên, dẫu phát âm sai trái thế nào thì vần điệu vẫn miên man làm sao. Tuy vậy, giới xủ quẻ ở miền Tây thì thẳng thắn dự cho tôi rằng một cái tên như thế –– cả đời chẳng bao giờ mong có được bình yên. Và như ta đã thấy vào thứ Tư tuần trước ở chỗ hành quyết, họ dự trúng phóc.

Mà biết sao ả phải chết trên giàn thiêu không?

Ừ... để tôi kể. Mà chắc tôi phải kể hết ra vì chẳng biết nên bắt đầu từ đâu.

Chuyện là tôi có ông bạn què, cao to kệch cỡm và khá nghĩa khí, hiện đang sống ở Dốc Nắng –– chỗ ấy dạo này mưa to phát khiếp và hình như cũng trong một đêm mưa to như trút nước của hai mươi năm trước, cha của thằng chả đã lặng lẽ bỏ đi.

Trước đây thằng chả làm nghề moi heo kiêm thợ bóng thợ mạ* và một đống nghề khác nữa, giờ thì là chủ một cửa hàng trang sức dỏm nằm ọp ẹp trong một con hẻm cụt ở phố Lươn Lẹo. –– Mấy tháng trước, cũng trong một chầu tụ họp say sưa thế này, thằng chả đã cao hứng kể với tôi rằng, bảy hay tám năm trước gì đó lúc chưa bị què, thằng chả mưu sinh ở thành Xa Xỉ nên có một thời gian dài cùng làm việc và giao lưu rượu chè với đám thợ bạc của tiệm trang sức mạ vàng Á Âu rồi vô tình làm thân với một anh chàng nhỏ hơn mình dăm ba tuổi, y hơi bẽn lẽn, ai cũng gọi y là Bột. Và, xúi quẩy thay khi cái chàng Bột bẽn lẽn ấy lại chính là chồng của...

Ừ! Dễ đoán mà.

Ấn tượng đầu tiên của ông bạn tôi về Bột bẽn lẽn là kiểu vầy –– vóc người cân đối, không quá cao to, khuôn mặt bình bình, nhưng đặc biệt ở chỗ là y có một đôi mắt biết nói sâu thẳm, chứa đựng đôi chút nhạy cảm, lắm lúc, khi y cất lời, đôi mắt ấy trào ra một xíu mong manh vụn vỡ khiến cho bất kỳ ai nhìn vào đều bỗng dưng muốn trở thành người chở che cho y.

Và... Con người ta khi thân nhau, như thể anh em, thì vui buồn gì chả kể nhau nghe phải không? Thế đấy! Một chiều nọ, chẳng phải một chiều trà đạo đàm tiếu đàn bà bên bàn đá, cũng chẳng phải kiểu rượu vào lời ra trên bàn nhậu, đơn giản là trong một chiều thanh minh nhàn nhạt khi mà người ta thích mua vàng mã nhiều hơn là vàng mạ thì hẳn nhiên hai người họ chẳng có nhiều việc để làm, thế là rảnh rỗi sanh nông nỗi, họ dắt nhau ra phố thời trang tại quảng trường Sao Sáng để ngắm lựa váy áo cho cô vợ của Bột, nhằm làm quà kỉ niệm hai năm ngày cưới vào tuần sau.

Có tức cười không, ai đời lại lựa áo quần cho vợ vào ngày thanh minh?

Vậy đấy. Họ ngô nghê đứng trước một cửa hiệu may mặc tầm trung mà ông bạn của tôi tin rằng sẽ không ngốn quá nhiều tiền lương của Bột, kiểu thằng chả muốn y chừa tiền để cùng chè chén. Mà chẳng hiểu sao tôi cứ cười hoài mỗi lần mường tượng ra buổi chiều hôm đó, khi nắng từ bờ Tây rán những ô gạch lát vỉa hè –– vàng hoe, ửng đỏ, xanh lơ –– táng mạnh vào mặt những cửa hiệu áo quần sát sạt nhau, buộc chúng phải đồng bộ trong một gam màu chói lóa. Hai cái bóng, một rất to, một thì nhỏ hơn tẹo, vỗ vai cười đùa trên bức tường kiếng. Sau những câu xì xầm tứ phía bị gió làm nhè đi, nhân ảnh của hai cái bóng phản chiếu lờ mờ trên bức tường kiếng, bĩu môi rồi trưng ra hai bộ mặt khờ khệc đăm chiêu nhìn những con ma nơ canh tóc trắng tóc nâu, lẫn trọc đầu, có dáng vóc mảnh khảnh đáng yêu đang ăn diện những bộ áo quần mà cả hai chẳng biết nên gọi như nào. Rồi trong giây phút huy hoàng, khi họ xoay tay nắm cửa và đẩy, nắng chiều vàng óng lao ngay vào trong cửa hiệu –– kẻ một đường xéo sáng rực xuyên qua tấm thảm lót sàn tối sẫm, rướn mình chạm lên mép chân váy xanh đen biển cả, rung rinh, rớt xuống cẳng chân trắng bệch rồi tắt lịm khi cánh cửa đóng sầm lại. Xao xuyến làm sao cái phút giây huy hoàng ấy, cái cố gắng phi phàm ấy.

Xin lỗi, tôi lại sa đà vào các tiểu tiết quá rồi! Tôi chưa bao giờ kiềm chế được. Giới mộ điệu hay gọi là bệnh nhà văn, nhưng trời ơi, đó chính đích là bệnh xàm đế.

Đừng cười thế chứ! Thú thật là... tôi sẽ buồn chết mất, nếu tôi dứt căn bệnh này. Nhưng tôi sẽ không sao đâu, chỉ là đôi khi rất khó để phát bệnh đúng chỗ. Thôi... để tôi kể tiếp.

Thợ may già kiêm chủ tiệm, độ chừng năm mươi mùa xuân, da nám và nhiều đồi mồi, tóc muối tiêu –– muối nhiều hơn tiêu, đang cởi trần đọc báo chiều trong quầy tiếp khách và nghe thứ âm nhạc thời vàng son của mình, đột ngột nhận ra quả chuông đồng treo cửa đang réo lên, chắc hơi ngạc nhiên, nhưng chẳng màng, ông già ấy nhẹ nhàng xếp tờ báo làm tư rồi bước ra ngoài.

Ông bạn của tôi nói bằng giọng giỡn hớt Miền Tây, – Tụi tui muốn mua một cái váy thiệt... là xịn! Thật ra cách mà thằng chả nhấn mạnh và kéo dài từ "thiệt" rất bệnh hoạn chứ chẳng có chút hóm hỉnh nào. –– Chẳng phải tật xấu gì đâu, chỉ là thằng chả lúc nào cũng nghĩ kiểu chào chuyện như thế sẽ tạo ra thiệt... nhiều thiện cảm.

Rồi thợ may già phồng mũi lên, hít nhanh một hơi đầy làm căng cứng cái bụng chi chít đồi mồi, cái rốn lồi trương lên, sau đó từ tốn thở ra, thu lại cái rốn lồi, rất điệu nghệ.

– Ai mặc? –– thợ may già nói y như quát.

Bột rụt rè nói:

– Vợ của cháu ạ.

Thợ may già hắng giọng, khép hai hàng mi nhăn nheo, vuốt ngược mái tóc muối tiêu bồng bềnh lãng tử ra đằng sau bằng cánh tay lộm cộm tĩnh mạch, nhưng ngay khoảnh khắc chớp nhoáng đó cặp mắt nhà nghề của ông bạn tôi bắt gặp mảng da tóc giả của thợ may già đang phập phồng ngay giữa mép trán.

– Số đo? –– thợ may già hỏi, lần này ông già ấy nhỏ nhẹ hơn.

Bột lôi ra một mảnh giấy nhỏ, lấm lem những vết bẩn màu bạc sáng. Y cười đáp:

– Đây ạ!

Ông già thợ may nheo mắt gượng đọc, sau đó liếc thoắt quanh gian tiệm của mình, chớp chớp đôi mắt sụp mí, ông ấy nói to rõ nhưng câu cú hơi lộn xộn và, không hề có khái niệm chủ-vị ngữ:

– Lại đây xem thử! Tại hơi nhỏ người đấy. Có bộ này vừa mới may hồi tối, chữa được...chữa được, tại chỉ hơi rộng phần hông ba phân. Còn lại, vừa rang.

Hai cặp mắt của dân kim hoàn nhìn vào chiếc đầm màu trắng đó một thoáng rất lâu rồi trầm trồ theo kiểu mà dân trí thức rởm vẫn hay làm khi chiêm nghiệm những bức họa nổi tiếng của Da Vinci –– há hốc mồm, gật gù cảm thán và chẳng nói gì, vì thật sự chẳng biết nói gì.

Cát-xét trong quầy đang dạo nhạc cuối bài –– e ì e... e ì e... ì è ì é ì e... –– thợ may già dịch giọng hát ráp:

– Đây là đầm maxi cổ yếm phối ren...n, họa tiết ren không rườm rà, viền cổ mảnh hai phân rưỡi, thắt lưng liền nên tôn dáng. Lụa lại láng. Rờ thử đi!

Ông bạn của tôi kể lại rằng khi vừa nghe xong đoạn hook* kinh dị đó thì thằng chả bắt đầu thấy mệt trong người nên có ý định thúc Bột lấy quách cho xong, nhưng ngẫm lại nên để cho y tự quyết thì hơn. "Thế mới phải đạo anh em," thằng chả lúc nào cũng nói như vậy –– nó thành câu cửa miệng rồi.

Sau cái nhún vai thay lời góp ý của ông bạn tôi, Bột lau bàn tay vào mép túi quần, định sờ thử, nhưng y ngại tay vẫn còn dơ, rồi trong một cái cắn môi chớp nhoáng, y dứt khoát:

– Cháu sẽ lấy cái này, chú sửa lại đi, sửa lâu không chú?

Chẳng cần ngợi suy lâu lắc, thợ may già nở cười ánh kim đáp:

– Nhanh lắm! Ngồi chơi, trà trong ấm, bánh trong thùng.

Họ ngồi xuống chiếc bàn nhỏ thấp có ấm trà sứ trắng và thùng bánh bít-quy đỏ rực. Bột đảo mắt quanh gian tiệm hai ba vòng rồi dừng lại ở sào hàng bé gái, chăm chú nhìn chiếc váy hoa nhỏ xíu màu xanh lơ điểm một bông cúc họa mi ngay ngực trái.

– Sau này có con gái, em sẽ dắt nó đến đây thử cái váy đó! –– y nói.

Ông bạn của tôi nghe thế liền tếu táo cười, và thằng chả lúc cũng cười lớn tiếng hết.

Thợ may già đang tập trung mổ xẻ chiếc đầm bằng một cái kéo cắt chỉ nhỏ xíu –– giật mình, ông nhắc nhở:

– Nhỏ tiếng thôi. Nhỏ tiếng thôi.

Thế là hai người họ ngồi chờ trong im lặng.

Sau khi nước trà nhạt đi, hai người họ nhất trí sẽ ra ngoài băng ghế đặt trước cửa tiệm để chờ tiếp, và tiện thể vừa tắm nắng chiều, vừa tâm sự mỏng. Càng cận kề hoàng hôn trời chiều càng nhả nắng dịu dàng hơn –– đám mây cam từ phương Nam trôi chầm chậm ôm hôn mặt trời.

Bột mở lời như thế này:

– Em đã bao giờ kể về vợ em cho anh nghe chưa?

Ông bạn của tôi chớp mắt liên hồi để truy lùng mớ ký ức có dính dáng đến người vợ của Bột, phải đào bới hì hục lắm thằng chả mới tìm ra được hai ba mảng ký ức như thế này:

– Rồi, hai ba lần. Dân Đồi Trọc. Làm nghề... hình nộm gia truyền. Mồ côi từ bé.

– Búp bê vải, –– Bột chữa lại. – Em quen cô ấy trong một lần gặp tai nạn, trước khi xuống thợ em đứng tiệm, thu ngân, quản lý sổ sách kiêm luôn chuyển hàng.

Ông bạn dở hơi của tôi cứ hay ngắt ngang câu chuyện của người khác để bình luận vào vì nghĩ rằng đó là một kiểu đối đãi lịch thiệp.

– Vợ chồng lão khốn đó cũng biết bóc lột quá đấy! –– thằng chả bất mãn ra mặt.

Bột giải thích cho ông bạn tôi hiểu là vì ông bà chủ xem y như người thân trong gia đình nên mới tin tưởng mà giao nhiều việc cho y làm, kiểu như biết càng nhiều càng tốt cho y sau này. Nghe cũng có lý, nhưng ông bạn của tôi lại từ chối hiểu.

– Thôi! Mày bị thể chế hóa bởi chủ nghĩa bóc lột rồi.

Bột cười trừ, một phần xuất phát của nụ cười đó là do việc y chẳng hiểu cụm từ "thể chế hóa" là như thế nào mà chỉ thấy nó hài hài.

– Chắc vậy. –– y nói và lặng đi một thoáng.

Rồi thì ông bạn dở hơi của tôi cũng nhận ra được sự vô duyên của mình, thằng chả hối lỗi bằng cách gãi mớ tóc trên đỉnh đầu, nhăn nhó miệng, và hỏi:

– Chuyện thế nào? Kể tao nghe.

Bột vui vẻ kể tiếp:

– Hôm đó một mình em chuyển hàng lên đồi cho cái bà Mên mà anh hay chùi bóng miễn phí ấy, mưa lớn, sườn dốc nên trượt chân, rồi em té lộn nhào vào cái hố chôn rác, nằm ngoặt ngoẹo trong đó rất lâu, chẳng ai thấy, mưa thì cứ dội nước xuống không chút nhân từ. Em cứ tưởng là mình xong phim rồi, nhưng nàng xuất hiện. – y chững lại và mỉm cười. Và dù chẳng có mặt ở đó, tôi vẫn mạnh miệng tuyên bố rằng, tôi có thể hình dung được nụ cười hạnh phúc của y đã làm xốn xang trái tim y nhiều đến thế nào.

Hôm đó, khi đang kể đến đoạn ấy thì ông bạn hói đần của tôi ngắt ngang, gục gặt trên bàn nhậu và thú thật bằng cái giọng yết hầu trầm khàn, tuy vậy, nghe hơi đểu, thằng chả nói những câu nghi vấn như thế này, "Bất kì gã nào nói rằng vợ mình thật sự là 'phù thủy' hay 'quỷ dữ' thì chả phải đều đang đùa cợt theo nghĩa bóng hay sao? Ai mà lại đần đến độ nghĩ chuyện đó theo nghĩa đen?"

Vậy nên, dù có hơi kì cục, nhưng tôi đã hỏi, "Thế vợ của tên Bột ấy là phù thủy hay quỷ dữ?"

Ông bạn của tôi lúc đó đột nhiên vừa tức giận vừa kinh hãi, thằng chả vô cùng kích động, đập ly rượu xuống bàn đùng đùng, "Phù thủy, phù thủy! Ả ta là phù thủy!"

Rồi tôi trấn an ông bạn của mình bằng cách vịn chặt vai, rót rượu vào ly, "Chuyện như thế nào? Kể tôi nghe xem."

Ông bạn của tôi bình tĩnh lại, nốc rượu và kể tiếp nhưng mọi chuyện cứ loạn cả lên, thế nên bây giờ để kể lại tôi phải lược bỏ đi một số phân đoạn rườm rà về mối duyên nợ của vợ chồng thằng chả.

Chuyện tiếp tục thế này...

Bột mời ông bạn của tôi đến nhà chơi ăn mừng chuyện vợ y có thai, đó là lần đầu tiên trong hai năm quen biết y thằng chả mới có dịp đến chơi nhà. Thế nên cái con người nghĩa khí ấy đã dẹp ngang cuộc hẹn hò với một phụ nữ mà bản thân mình nghĩ là, "...sẽ chóng vánh và vô vị lắm nên tui không muốn phí thời gian của nhau làm gì!", và cũng xúi quẩy thay khi cái người phụ nữ chóng vánh và vô vị tưởng chừng sẽ phí phạm cả một quãng đời ấy, cuối cùng, sau bao cuộn xoáy, đã sanh cho ông bạn què của tôi hai đứa con xinh xẻo. Ôi trời, hẳn là sẽ có ai đó trong số bọn đàn ông hay mộng tưởng viễn vông ao ước một cuộc đời xúi quẩy như thế đến với mình.

Nhà của Bột tuy hơi u tối nhưng rộng rãi và rất có chất riêng – kiểu bày trí giản dị nhưng rất hút mắt. Vợ chồng y đứng đợi ông bạn của tôi ngoài cổng. Lần đầu tiên ông bạn tôi nhìn thấy vợ Bột và ấn tượng đầu tiên của thằng chả là như này, "Ả ta tên là Hạ Uyên, có giọng nói như thôi miên người nghe, vóc người nhỏ nhắn nhưng rất kiêu sa, ả có khuôn mặt trái xoan, mũi cao đầy đặn, miệng nhỏ và một đôi mắt lá khoai quyến rũ. Đó là một sắc đẹp mà bất cứ thằng đàn ông nào cũng muốn có một đêm mặn nồng." Ông bạn của tôi đổi giọng, "Tui ngạc nhiên, sốc thì đúng hơn vì có lần tui hỏi vợ nó trông như thế nào thì nó chỉ bảo là: Vợ em bình thường lắm!, tui chẳng hiểu nổi cái khái niệm bình thường đó của nó." Sau đó thằng chả thở dài, rùng mình, và nói câu kết, "...nhưng trong vẻ đẹp tựa thần tiên đó có ẩn giấu một thứ gì đó... một thứ gì đó rất tà yêu, rất chết chóc. Khi ả ta nở nụ cười –– chẳng hé chút răng –– tui cảm thấy ớn lạnh trong người!"

Suốt buổi tiệc hôm đó ông bạn của tôi kiệm lời một cách kì lạ, chỉ trả lời những gì được hỏi và hoàn toàn biết lắng nghe, không xen ngang bình luận. Ông bạn tôi kể lại buổi tối hôm đó, khi thằng chả đang say giấc thì đột ngột thức dậy vì mơ thấy nụ cười tà khí của Hạ Uyên, bụng bỗng cồn cào, cơ hoành đau nhói, vài phút sau thì ói ra buổi tiệc, nằm thoi thóp trong hoảng loạn suốt đêm.

Sau sự kiện đó, khoảng độ một tháng, ông bạn của tôi trở về Dốc Nắng để dự lễ tang của mẹ và thu xếp cuộc đời bừa bãi của mình lại – ngẫm nghĩ xem nên giữ lại thứ gì. Trong cái đêm đó, khi đang ngẫm nghĩ, ông bạn của tôi đưa mắt nhìn sang hai người em non nớt chưa đến tuổi trăng rằm của mình – rúc vào một góc tối ngay dưới đáy quan tài, thút thít khóc rồi kiệt sức thiếp đi. "Tui phải chấm dứt cái quãng đời lông bông lang bang đó lại, tui phải sống vì hai đứa em," thằng chả day dứt nói với tôi.

Năm năm làm việc cực nhọc ở một nhà máy sản xuất khuôn đúc, ông bạn khốn khổ của tôi dường như đã quên bẵng người anh em nào đó và những thứ lấp lánh ánh kim ở thành Xa Xỉ. Thấy được điều không hay đó, vị thần của định mệnh chẳng chịu để yên – cứ như vị thần đó hết việc để làm rồi; thế là, vào một chiều cuối năm nọ được tan ca sớm, ông bạn của tôi thay vì cùng đám đồng đảng la cà trong các tửu quán để giải khuây thì chẳng hiểu sao lại từ chối và đi thẳng về nhà, hối thúc hai người em của mình dọn dẹp nhà cửa phòng ốc để đón năm mới. Và rồi trong lúc dọn dẹp đống bộn bề bỏ xó của người em út, một chồng sách báo từ đầu tủ đổ xuống sàn, rải đều khắp sàn nhà, và rồi trong đống lộn xộn đó, lộ ra một bức thư được gửi từ thành Xa Xỉ tận bốn năm về trước – bức thư vẫn chưa được mở.

Phải, người em út nhận thư lá thư đó khi ông bạn của tôi vắng nhà và rồi quên mất sự tồn tại của nó trong suốt bốn năm.

Thú thật tôi tò mò muốn biết chính xác những từ ngữ mà Bột đã dùng trong bức thư đó, thứ câu chữ trìu mến nào lại có thể khiến ông bạn cục mịch của tôi quyết định đến thành Xa Xỉ ngay trong buổi chiều hôm đó.

Rồi sau mấy giờ ngồi tàu, ông bạn của tôi đến thành Xa Xỉ vào lúc nửa đêm, ngồi giữa bãi ghế chờ phân vân, không biết có nên đến gõ cửa nhà Bột để tạo bất ngờ không, hay là chờ đến sáng hôm sau. Rồi sau một thoáng ngợi suy đủ thứ, thằng chả đứng dậy tủm tỉm chọn phương án một. Khi tạt ngang qua quảng trường Sao Sáng, ông bạn tinh mắt của tôi thấy ba bóng người, quan sát một lúc cái dáng lưng ngờ ngợ thân thuộc, rồi quyết định đuổi theo họ. Càng tiến đến gần thì nỗi thân thuộc càng dâng lên.

Một đôi nam nữ dắt tay một bé gái đi giữa quảng trường, hình như đang đi về hướng phố thời trang.

Cách độ mười bước chân thì ông bạn của tôi nhận ra chiếc váy maxi cổ yếm màu trắng, mọi suy đoán mơ hồ ngày càng rõ ràng hơn. Ông bạn khờ khạo của tôi cất tiếng gọi:

– Bộttt!

Vợ chồng Bột và đứa con gái sững lại cùng một lúc, Hạ Uyên ngoái lại nhìn, giờ thì chẳng lầm lẫn đâu được, ông bạn của tôi mừng rỡ chạy đến. Ngay lúc thằng chả vừa đến nơi thì Bột và đứa con gái của y cũng vừa xoay người lại.

Biết sao không?

Thay vì hân hoan thì ông bạn của tôi lại chết điếng khi nhìn thấy người anh em keo sơn trước đây của mình. Bột lúc đó là một cái xác tím tái với đôi mắt vô hồn, các bộ phận trên khuôn mặt y được khâu vá lại bằng những đường chỉ hàng rào, nhìn chẳng khác con quái vật của Frankenstein là bao. Còn con gái y, khuôn mặt bê bết dịch mủ ứ ra từ những đường khâu vá, ta có thể thấy là những đường may đó chỉ mới đây thôi.

Hạ Uyên cười mỉm, – Chào anh, gia đình chúng em đang đi dạo. Lâu rồi không gặp anh! –– Ả nhìn sang người chồng thây ma của mình, lại cười mỉm. – Bột hỏi anh: "Vẫn khỏe chứ? Sao không thấy thư hồi âm của anh."

Ông bạn của tôi chạy trối chết trong đêm. Hoảng sợ tột cùng, các tuyến máu dẫn lên não bắt đầu chảy ngược xuống đôi chân, rồi tai ù mắt mờ đi, thằng chả vấp phải một miệng cống, chân trái ngược trớn ngã nên đã gãy lìa.

Và rồi một người phụ nữ vô vị và chóng vánh làm nghề vệ sinh công cộng vừa từ nhà đến quảng trường để quét dọn buổi sớm, nghe thấy tiếng la hét của một người đàn ông liền chạy đến xem thì thấy ông bạn tội nghiệp của tôi –– chồng tương lai của mình –– đang lăn lộn bên một gốc cây dầu rái.

Gió mùa đông bắc thổi mạnh vào các tán cây trên cao. Sương đêm rơi lả tả như mưa. Chẳng hiểu sao thằng chả lại hét vào mặt vợ tương lai của mình thế này:

– Đừng, tao không cần! Cứ để tao chết! Đồ phù thủy!

Và rồi, vợ tương lai của ông bạn tôi tiến lại gần, hạ người xuống, và hài hước nói:

– Anh vừa bị người ta cho leo cây à?

Chuyện buồn cười thế đấy.

Phải. Phải. Có một mảnh thiếu sót trong câu chuyện phiếm này. Và đây, tôi sẽ kể nốt nó.

Tôi tình cờ tìm thấy nó trên một mục báo cũ và mấy lời bàn tán vài ngày trước, như thế này, khoảng ba năm sau khi ông bạn của tôi rời khỏi thành Xa Xỉ thì có hai tin tức chấn động xảy ra: Một vụ hỏa hoạn lớn ở phố thời trang của quảng trường Sao Sáng, thiêu rụi hơn chục cửa hiệu may mặc làm mười tám người chết và bỏng nặng; và sau vụ hỏa hoạn là sự mất tích kỳ lạ của rất nhiều đàn ông thanh niên tuổi từ hai mươi đến ba mươi cùng với các bé gái từ ba đến năm tuổi. –– Sau hơn một năm điều tra cuối cùng người ta phát hiện toàn bộ thi thể của các nạn nhân trong hầm một căn nhà hoang trên Đồi Trọc, chẳng có thi thể nào còn nguyên vẹn, nhẹ thì mất vài ngón tay, nặng thì chẳng nhìn ra được gì, và tại đó họ tìm được những dụng cụ cắt xẻ cùng xấp tài liệu rùng rợn mô tả phương pháp tách mổ nội tạng –– tất cả những chứng cứ hiện trường đó trở thành cơ sở để viên điều tra đưa ra kết luận thế này: Hoặc là một công trình nghiên cứu giải phẫu học bệnh hoạn, hoặc là nghi thức hiến tế triệu hồi Satan.

Phải, chính là ả ta. Quá rõ ràng rồi còn gì, còn ai ngoài ả làm nên chuyện man rợ ấy! Nhưng phải rất lâu họ mới tìm ra ả. Mà có vẻ như ả tự nguyện để người ta tìm ra mình. Vì hôm đó, nhờ nhìn thấy một cột khói đen bốc lên trên đồi mà họ tìm thấy ả đang đốt hai cái xác tại một hố chôn rác –– mà... theo tôi đoán, cái hố ấy chính là nơi lần đầu ả gặp chồng mình.

Ta chẳng bao giờ biết được. Nhưng ta có thể nghĩ rằng ả là một phù thủy man rợ thích mổ xẻ người, trong một đêm điên cuồng, đã mổ xẻ người chồng và con gái mình, sau đó hối hận rồi may vá họ lại; hoặc là như một số lời bàn tán ủy mị mà tôi nghe được, rằng chồng và con gái của ả đã chết cháy trong vụ hỏa hoạn kia, và trong nỗi đớn đau, ả lùng sục khắp thành phố để tìm những người có nét giống như chồng và con gái của mình, mổ xẻ họ ra và... Chậc!

Nhưng dù là thế nào thì tôi vẫn thấy ả là một phù thủy man rợ. Tôi không thể hiểu thấu cho việc làm của ả.

Không, tôi không nghĩ rằng tuổi thơ bất hạnh hay nỗi đau đớn tột cùng có thể dùng để lý giải cho hành vi man rợ đó.

Còn chuyện tại sao ả là đốt người chồng và đứa con gái thây ma kia thì tôi chịu.

Mà...

Tôi chẳng bận tâm nhiều về ả như vậy đâu.

*moi heo:

*thợ bóng: người chuyên làm mới các món trang sức cũ.

*hook: tương tự như điệp khúc trong một bài hát, hook là phần bắt tai nhất trong một bài rap, là một đoạn rap có tiết tấu thanh điệu nghe hệt như một câu hát. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #haru