Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

10, Hộp sắt oan hồn (1)

Mồm thì nói là đi tróc nã Hà yêu Liên Hóa Thanh nhưng cũng chẳng biết tìm thế nào. Ngô lão hiển lại 'tuổi đi nhanh hơn hoàng thổ', căn bản cũng chẳng làm được gì, chính quyền cũng không có ai chịu đi điều tra án cũ đã qua nhiều năm như vậy. Hiện giờ Quách sư phụ và Đinh Mão chỉ biết tự tìm biện pháp.

Lý Đại Lăng muốn đi theo hỗ trợ. Hắn là kẻ không có lợi đừng hòng đi theo, nghe Ngô lão hiển nói về kỳ ngộ ở vườn rau từ đường Lý công, biết rõ vụ án xác chết ở ngã ba sông và đại tiểu thư nhà họ Thạch mất tích cùng một thời gian, tám chín phần mười là cùng một người, không bắt được Liên Hóa Thanh thì án này không thể giải quyết ngay được. Vì Thạch lão gia đã đồng ý có thưởng nên hắn cũng phải liều mạng, chứ nếu không cũng chẳng được cắc nào.

Quách sư phụ nghĩ thầm, mặc dù Lý Đại Lăng là một tên cầu bất cầu bơ, nhưng hắn lại có thể trà trộn trên đường, chui vào ổ chuột, chỗ nào cũng có thể vào, không có hắn điều tra thì cũng không thể nào biết hết được. Qua cái lỗ tai ấy, dù có là gió thổi cỏ lay thì hắn cũng biết. Có thêm sự trợ giúp của hắn thì cũng không tồi vì thế nên Quách sư phụ đồng ý, bắt đầu đi điều tra. Vạn sự khởi đầu nan, chỉ cần tìm được một chút manh mối là sẽ có thể lần ra Liên Hóa Thanh, rồi có khi lại có thể bắt được. Nhưng án cũ đã qua nhiều năm, đâu có dễ phá, đúng là như mò kim đáy bể.

Hỏi tới hỏi lui, cuối cùng biết được Liên Hóa Thanh sinh ra tại Trần đường trang, cách thành cũng không xa. Quách sư phụ và Đinh Mão ngày nào không tìm ra, sống không yên. Hai người tới Trần đường trang tìm kiếm manh mối. Trần đường trang chính là nơi thờ cha con Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh trong truyền thuyết trấn thủ Trần Đường Quan. Thời xưa, Quan Hạ là vùng biển, về sau biển cạn, biến thành Trần đường trang, thời trước giải phóng còn có miếu Trấn Hải và miếu Na Tra. Quách sư phụ và Đinh Mão tới vùng phụ cận hỏi thăm, khi nhắc tới Liên Hóa Thanh, thật sự có không ít người biết. Nhà của Liên Hóa Thanh vốn là nhà phú hộ ở địa phương nhưng cả nhà đã sớm chết sạch.

Nhưng cả nhà họ Liên chết thế nào, vì sao Liên Hóa Thanh lại trở thành đồ đệ của con sái hầu kia cùng hướng đi phía sau thì cả Trần đường trang cũng chẳng có mấy người biết. Mà cho dù có biết thì cũng chỉ là tin đồn, không thể nào coi là chắc chắn được. Sau một ngày lân la, hai người vẫn không thu được kết quả gì, tới lúc xế chiều định về thì đột nhiên trời u đất ám, sau đó nổi cơn mưa giông.

Vài ngày trước, trời luôn oi bức không giọt mưa, hạn tới mức nhất định là sẽ úng, dưới đất là thời binh hoang mã loạn, ông trời già cũng chẳng thể nào hòa nhã được. Hai người vừa mệt vừa đói lại nhìn thấy trời mưa như trút nước, mà cũng đã tối nên đành phải tới một ngôi miếu thổ địa trong vùng tránh mưa. Có khi mưa hết cả đêm, nên phải trú ít nhất là tới sáng rồi mới có thể tính tiếp. Chỗ trú là một tòa miếu thổ địa tan hoang đã lâu, mạng nhện phủ đè lên bụi, gió lạnh từ tám phương ùa vào như không tường, ở trong còn có một người ăn xin. Cùng cảnh trong miếu, tối lửa tắt đèn, hơn nữa người ăn xin này tóc tai bù xù, mặt còn đen hơn cả Táo quân, căn bản không nhìn ra cái gì.

Người ăn xin thấy có hai người vào miếu thổ địa thì vội vàng bưng cái bát lên cầu khẩn: "Xin nhị vị thương xót, xin ngài thương xót, cho ta xin cái ăn. . ." Quách sư phụ và Đinh Mão cả ngày quên ăn, trong người có cất mấy cái bánh nướng làm lương khô, thấy người ăn xin này cũng đáng thương nên đưa ngay cho hắn một cái bánh nướng. Gã ăn xin nhận lấy cái bánh rồi rúc vào góc tường ăn như hổ đói.

Đinh Mão nói: "Anh à, đừng để đám bọ chó trên người gã kia lây sang, tốt nhất là tránh xa hắn một chút." Nhưng cái miếu thổ địa đổ nát tứ bề, diện tích cũng không lớn, còn có chỗ dột nên hai người đành phải vơ đám cỏ khô trên đất lại rồi ngồi ở góc tường, vừa gặm bánh cho đỡ đói vừa kể lại những tin tức đã nghe được trong ngày ở Trần đường trang.

Gã xin ăn kia cũng lắm miệng, nghe hai người nhắc tới Liên Hóa Thanh thì vội nói: "Nhị vị muốn hỏi chuyện liên quan tới Hà yêu Liên Hóa Thanh à? Không dối gạt hai vị, ta cũng biết không ít, hai vị thưởng thêm cho ta mấy cái bánh nướng, ta sẽ nói toàn bộ cho hai người biết."

Quách sư phụ và Đinh Mão nghĩ đơn giản là người ăn xin này muốn thêm bánh nướng, vừa nói 'chúng ta cả ngày chưa ăn cái gì, chỉ dắt theo có vài cái bánh nướng này, vừa rồi cho ngươi một cái là anh em ta phải nhịn đi một ít, giờ cũng chỉ có thể cho ngươi thêm một cái', nói xong ném cho người ăn xin kia một cái bánh nướng nữa. Gã cảm tạ rối rít rồi nói: "Có không ít người biết Hà yêu Liên Hóa Thanh ở Trần đường trang, nhưng biết rõ thì chỉ có vài người. Ta chính là một trong số đó. Bởi vì năm xưa ta đã từng ăn cơm cùng với Liên Hóa Thanh, nếu hai vị không chê tiểu nhân lắm mồm thì xin nghe tiểu nhân kể lại. . ."

Vào ban đêm, cơn mưa như khắc khoải trút xuống, người ăn xin ở trong miếu kể lại cho Quách sư phụ và Đinh Mão về lai lịch xuất thân của Liên Hóa Thanh. Liên Hóa Thanh lấy họ của mẹ. Năm xưa, Trần đường trang có gia đình lớn họ Liên, gia cảnh giàu có, trong nhà có hai con trai, một con gái. Con gái tên Thu Nương đã tới tuổi lấy chồng, gả cho một nhà trong làng. Nhà đó cũng khá giàu có. Thời trước, người ta thường rất chú trọng tới tập tục hôn nhân, ví dụ như sau ba ngày bái đường thành thân, vợ chồng cố gắng nói thật ít, nói nhiều là giảm thọ, ngày thứ tư, tân nương có thể trở về nhà mẹ đẻ, ngày này là ngày hồi môn nhưng phải trở về chứ không được ở lại. Ngày thứ tư về nhà gọi là hồi tứ, ngày thứ sáu về nhà gọi là hồi lục. Hồi tứ, hai vợ chồng phải gặp lại mặt nhau trong ngày, tới lúc trời tối không được ở lại nhà mẹ đẻ tới lúc thắp đèn, vì nhìn thấy đèn là sẽ chết tha hương, là điềm xấu.

Khi đó, những gia đình lớn đều rất coi trọng tập tục hôn nhân này. Muốn thành thân thì trước tiên phải được sự đồng ý của cha mẹ, cho người tới mai mối hẳn hoi. Trước hôn lễ, đôi bên nam nữ đều không biết nhau, như kiểu bán trâu qua núi, toàn bộ đều là mai mối hai bên mà ra. Tới nhà gái thì nói nhà trai tốt đẹp ra sao, trong nhà có bao nhiêu tiền, đến nhà trai thì nói gái hiền lành, xinh đẹp nhường nào. Sau khi trưởng bối ở đôi bên đồng ý thì vẫn còn chưa thể đính hôn ngay mà vẫn còn bước kế tiếp.

Trước kia, chuyển thiếp chính là phát danh thiếp, mai mối hôn nhân cũng gần như là trao đổi danh thiếp, có điều trên danh thiếp kia ngoại trừ danh tính còn có cả ngày sinh tháng đẻ, hai nhà tự mời thầy tới xem tuổi, hồi đó cũng không phải xem sao chiếu mệnh, chủ yếu là xem tuổi con gì, giống trâu hay đầu ngựa gì không, có xung khắc gì không, tuổi có hợp nhau không, ví dụ như bạch mã khắc thanh ngưu, thiên long khắc địa thỏ, sinh ban ngày lại ở cùng với sinh ban đêm, giống xà lại ở cùng ổ với chuột, giống rồng ở cùng giống hổ chỉ có đánh nhau ác liệt, hổ ở cùng với dê cũng không ổn, khi đó lại thành dê vào miệng cọp. Những điều đó là phạm kỵ húy. Nhìn vào tuổi rồi lại soi xuống ngày sinh, thầy bói căn cứ vào ngày tháng để nhìn ra mệnh gì. Mệnh chia ra ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim. Phải qua một đại đội tiết mục, nếu hoàn toàn không có vấn đề gì thì mới có thể đính hôn.

Việc hôn nhân đã được quyết, đôi bên sẽ cố gắng tìm ra ngày lành, hai nhà mang sính lễ tới cưới. Nếu như nhà có tiền thì riêng hai việc này là đã bày cỗ to mời khách khứa, bạn bè tới, tiện thể khoe tiền tài quyền thế nhà mình, thu quà tặng về. Ngày thành thân phải là ngày song song, ví dụ như mùng 6 tháng 6 hoặc mùng 8 tháng 8, nói chung là ngày càng may mắn càng tốt. Trước đó tam mai lục chứng (ba bên mai mối, sáu bên làm chứng) đều phải được mời về. Khi đó, giấy hôn thú gọi là thiếp Long Phượng, ở trên có ghi đủ tam mai lục chứng, chứng minh việc hôn nhân là hợp pháp. Liên gia Trần Đường Trang có tiền nên những tập tục kia không miễn cái nào. Hôn sự được làm cực lớn, trước ngày thành thân một ngày đã có một cái kiệu không đặt ở cửa nhà trai, vừa là để khoe của, vừa là để trừ tà, hoá giải toàn bộ tà khí, sau này không lo rước họa vào nhà.

Kiệu hoa được quy cách gồm tám người khiêng, chiêng trống gánh hát đi theo, đoàn ngựa thồ mở đường, cờ quạt treo khắp nơi, dọc đường từ nhà gái tới nhà trai được bày bố đủ cờ phấp phới, chiêng trống động trời. Sau khi diễn tập xong một lần, tới giờ sẽ mang kiệu tới trước cửa, ở cửa đã sớm treo đèn lồng sáng như ban ngày, sau đó bố trí đồng tử chuyển kiệu trừ tà. Tám đồng tử đội mũ thái tử, mặc áo đỏ thẫm, tay cầm đèn lục giác đi quanh kiệu hoa năm vòng xuôi, bốn vòng ngược, một vòng không được thiếu. Nghe nói, do mắt của đồng tử sáng nên có gì không sạch sẽ trong kiệu sẽ làm cho chúng phải khóc ngay.

Sau khi xong nghi thức đồng tử dẫn kiệu, kiệu hoa sẽ rời cửa nhà trai, tới thẳng nhà gái, những người đi theo gọi là hỉ nương, toàn bộ đều là phụ nữ, trong đó có cả mẹ, bà, dưới có con cháu, một người không được thiếu, như thế mới tính là toàn vẹn, mới mang lại may mắn. Theo tập tục cũ, đầu tiên phụ nữ bên nhà kia sẽ ra mở cửa nghênh đón, hơn nữa còn đặt một cái ghế trên giường, trên ghế là cô dâu giả, trên ghế có đặt một cái bình lớn cắm cái chổi bên trong. Trước kia, nhà nào cũng có một cái bình lớn và dài hình ống, từ trên xuống dưới không có vai. Đặt trong bình là một cái chổi lông gà, trên đặt mũ phượng, quấn quanh bằng khăn quàng, dưới mặt ghế là một đôi giầy long phượng thêu bằng tay.

Sau giải phóng, những tập tục hôn nhân mê tín kia đều bị giải trừ. Giờ nhắc lại chuyện này lại thấy nực cười. Ghế đặt trên giường, trên ghế lại có cái bình được cắm chổi đội mũ phượng quàng khăn như đúng là cô dâu đang ngồi đấy thật quái. Thế nhưng trước đúng là có loại tập tục này, mà còn có giảng giải hẳn hoi, bình cắm chổi đồng âm với bình đồng âm tức là bình an, chổi lông gà đồng âm với như ý cát tường, thật ra cũng chỉ vì cố gắng làm thế nào cho cảm thấy là tốt nhất mà thôi. Chủ yếu là đồng tử dẫn kiệu, lúc đó trời đã tối, sau khi đi vài vòng quanh ghế, nếu trong phòng có quỷ, đám nhỏ này sẽ bị doạ khóc. Cho nên trước ngày thành thân một ngày, kiêng nhất là đám nhỏ vào nhà khóc.

Trẻ nhỏ khóc chưa chắc là do nhìn thấy gì doạ người. Ai mà chẳng biết lũ nhỏ cười khóc bất thường, việc này sao có thể ép chúng được. Nhưng nó lại làm người khác cảm thấy bực bội, vì thế người lớn nghĩ đủ trăm phương ngàn kế trông chừng.

Vào ngày đưa kiệu, khi kiệu vừa tới Liên gia, chưa kịp nhấc chân gì thì chợt có một trận gió to thổi tới cát bay đá chạy. Cả hai nhà lúc đó cũng coi thường nghĩ là không có gì, mà cùng ngày cũng không mang đồng tử vào nhà.

Ngày hôm sau là ngày đẹp để cưới hỏi, cô dâu lên kiệu hoa. Trên đường tới nhà trai không hề thiếu bất kỳ tập tục hôn nhân nào. Người ngày trước mê tín, rất tin vào những tập tục này, e sợ rước vào nhà sao rủi. Cũng không biết số kiếp thế nào, Thu nương Liên gia đi lấy chồng, ngày hôm trước kiệu không có đồng tử, tới ngày thành thân, ngay khi chuẩn bị bước qua chậu than vào nhà thì xảy ra chuyện. Bước qua chậu than là tập tục phổ biến, ví như những quả phụ tái giá, việc đầu tiên phải làm là vấn tóc bước qua chậu than. Đây là do người ta sợ hồn chồng cũ bám theo vào nhà. Ngoài ra, những ai đi viếng đám ma hay thăm mộ về nhà cũng phải bước qua chậu than, cũng là do sợ cô hồn dã quỷ theo về nhà. Vào hôm Thu nương Liên gia thành thân, ở cửa nhà cũng đặt một chậu than, trong chậu có chút than cháy hồng tượng trưng, ngụ ý là sau này sẽ là những ngày đầm ấm. Nhưng không biết tại sao, cuối cùng tân nương tử lại không bước qua nổi chậu than.

Ngày qua cửa của Liên Thu nương, ở cửa có chậu than, nhưng bước mãi không qua. Mà lúc đó, trời cũng đã tối tới mức phải thắp đèn, điều này khác hẳn những nơi khác. Ở nơi khác, phần lớn cưới vợ vào ban ngày. Trong khi đó, ở đây thì bình thường rước vợ tới cửa là trời tối phải thắp đèn, ở trước cửa nhà treo đèn rực rỡ. Trong đó có rất nhiều người mê tín nói, do buổi sáng chuẩn bị, tân nương tử ngồi lên cái ghế được đám đồng tử đi qua. Nhưng mọi người đừng quên, trước ngày cưới một hôm, Liên gia không có cho đám đồng tử đi qua kiệu.

Nghe nói sáng sớm hôm đó, Thu nương theo tập tục cũ ngồi lên cái ghế, chải đầu sơ, bởi vì con gái trước đi lấy chồng đều phải chải đầu sơ, sau khi lấy chồng sẽ búi tóc lại, quấn ra đằng sau, thoa son đánh phấn, tỉa mày, rửa mặt chải đầu đầy đủ, sau đó đeo toàn bộ trang sức lên, đầu đội mũ phượng, trùm khăn đỏ, mặc quần lụa xanh, tân nương mặc hỉ phục màu hồng pha xanh là dựa theo câu: 'Hồng quan nhân, lục nương tử', lại lấy khăn quàng trùm kín lại không thể để người trông thấy quần lụa xanh. Sau khi làm xong hết những việc này, tân nương còn phải khóc một trận, tỏ vẻ luyến tiếc khi rời cha mẹ gả cho người ta. Tới lúc lên kiệu thì cũng là lúc trời tối thắp đèn.

Khuê nữ nhà đại gia gả đi mang theo đủ các thứ, đặc biệt còn có cả người đi theo ra cửa, người ôm tráp, vác hòm trang sức, ôm gà, ôm chậu, ôm bình, tóm lại là đủ các loại của hồi môn. Tới cả kiệu hoa mà Thu nương lên cũng là kiệu tám người khiêng, trong ngoài có kiệu lớn lồng kiệu nhỏ, giữa là kiệu tâm, đại kiệu chưa vào sân, kiệu nhỏ chưa vào phòng.

Nhà chồng bên kia cũng chuẩn bị từ sáng sớm. Chú rể được một người khác giúp rửa mặt, chải đầu, mặc quần áo. Chú rể thân mặc long bào đỏ thẫm, trên có thêu 'Hải Thuỷ Giang Nhai', trước ngực có hình hoa hồng, chân đi triêu ngoa, đầu đội mũ mềm hai cánh. Cách ăn mặc của trạng nguyên khi xưa thế nào thì chú rể mặc y hệt, bởi thành thân là ngày đại sự trong đời, thời xưa hay gọi là tiểu đăng khoa. Trong đám cưới ngoài lạy trời lạy đất để hoà hợp đôi bên, còn phải cúng bái ba vị Phúc, Lộc, Thọ cùng với tượng Nguyệt Lão. Trên bàn cúng có đặt một đôi nến màu đỏ tượng trưng cho chữ Hỉ, ở giữa đặt lư hương, phía sau đặt cái đấu, trong đấu chứa đầy cao lương đỏ. Toàn bộ ba thứ đó ở trên cùng với cái bình cắm chổi tạo thành một chỉnh thể được coi là trấn trạch bảo vệ bình an.

Khi kiệu tới cửa, người nhà chồng không được ra ngoài đón, mà ngược lại còn phải đóng cửa chính lại. Đó là một trong những tập tục lằng nhằng của xã hội cũ. Chính vì có quá nhiều quy củ thành ra không có mấy nhà làm đủ được. Theo tình hình gia cảnh khác nhau mà các gia đình khác cũng sẽ điều chỉnh. Theo tập tục xưa, cửa nhà sẽ được đóng chặt, người ở bên ngoài gọi bà bà ra mở cửa, câu nói này coi như sửa lời thừa nhận mình là người nhà chồng, lúc đó bà bà sẽ ra mở cửa. Bà bà ra mở cửa nhưng phải đi ngay vào nhà, vì trước khi thành thân, không được nhìn mặt tân nương. Sau đó, chú rể đi ra, cầm cung lên bắn ba mũi tên vào kiệu, lấy ý 'Tam tiễn cập đệ', và tránh tà ma. Tới lúc dưới đất trải nỉ đỏ đủ thì cô dâu mới rời kiệu, mọi người đi theo sau tới trước chậu than. Nói chung toàn bộ quá trình có thể gói gọn lại là ra mở cửa, chú rể giương cung bắn ba mũi tên vào kiệu hoa nhưng không mũi nào trúng.

Việc này cũng không thể trách chú rể được, bởi ngày đó đã chẳng còn ai thèm học bắn tên nữa rồi, tới cung còn kéo không lên thì bắn nỗi gì. Bắn tên cũng chỉ là làm ra vẻ cho có, bởi vì bắn tên, bước qua chậu than khi vào cửa được coi là có thể chắn tà khí ngoài cửa. Nhưng hôm đó, tân nương tử tới trước chậu than thì bước mãi không qua. Đây có thể coi là điềm xấu nên toàn bộ người bên cạnh vội tới giậm chân, thúc giục nương tử: "Cô chủ mau bước qua đi!" Đằng sau vừa thúc vừa đẩy làm cho cuối cùng cô dâu giẫm chân thẳng vào chậu than, làm lửa bắn tung toé ra.

Cô dâu cũng ngạc nhiên với việc mình vừa làm, cảm giác thấy chân mình như có người túm lấy, kéo khăn lên nhìn thì toàn bộ những người đón dâu phải choáng váng. Dưới khăn là một đứa nhỏ thanh tú, một hàng mi dài, đôi mắt song đồng đang ôm chân Thu nương, chẳng trách tại sao không bước qua nổi. Đứa nhỏ kia cũng không hề nói gì, cũng chẳng nói là từ đâu tới.

Nhà chồng cũng mặc kệ. Đầu tiên, việc dẫm đổ chậu than khi xuất giá chính là mang tà khí tiến trạch, huống hồ lại còn đứa nhỏ không rõ lai lịch kia. Cả nhà chồng đều cho rằng Thu nương tư thông sinh ra dã chủng kia, nhất quyết không cho vào nhà. Cuối cùng việc hôn nhân phải hoãn lại. Không còn cách nào, kiệu hoa lại trở về điểm xuất phát.

Gia chủ nhà họ Liên nghe xong chuyện kia cũng tức giận, thoạt nhìn là việc mười mươi rồi, Thu nương là cô nương chưa chồng, bên người đột nhiên lại mọc ra đứa bé, dĩ nhiên là phải có tư tình với người ta, mang thai mới đẻ ra. Loại chuyện này không phải là chưa từng có trong các gia đình lớn, đây là bất hạnh của cả gia đình, bôi nhọ tổ tông, từ nay về sau ra cửa không ngóc đầu lên nổi, người ngoài cứ thế nói xấu sau lưng, chủ nhà chỉ còn nước tức đến hộc máu. Thu nương cũng là cô gái tính tình cứng rắn, trong lúc nhất thời quá xấu hổ và giận dữ không chịu nổi, đâm đầu tự tử ngay vào bàn gỗ cúc lê trong nhà trước mặt bố mẹ anh em.

Cha mẹ Thu nương thương đứa con gái chết thảm, hối hận không ngăn nó lại. Đứa nhỏ kia thì không ai rõ là tự dưng chạy tới hay là do Thu nương sinh ra, nhưng Liên gia cảm thấy là cốt nhục nhà mình, không muốn đuổi đi nên nuôi nấng coi như con trong nhà, đặt tên là Liên Hoá Thanh, cấm không cho người khác nhắc tới chuyện này, nhưng vẫn không ngăn được người ngoài đồn đại. Bởi đứa nhỏ này biết bơi từ bé nên có rất nhiều người cho rằng năm xưa Thu nương rời nhà đi thăm người thân, lên thuyền qua sông Vĩnh Định thì bị lật, toàn bộ người trên thuyền đều chết cả, chỉ có duy nhất Thu nương thoát hiểm, về nhà thì mang bầu, nhất định là Hà yêu đầu thai, bởi ngày xưa có câu 'gặp đại nạn không chết nhất định có chuyện'. Còn về việc có phải Hà yêu đầu thai không thì cũng chỉ là một câu chuyện vẫn còn để ngỏ.

Trước kia, con gái thường hay mặc áo rộng, Liên gia nhà cao cửa rộng, bụng to cũng chỉ ở trong nhà nên người ngoài chẳng ai biết được, tới hai tháng cuối thoái thác thân thể không khoẻ, ở lỳ trong phòng thì đẻ con cũng chẳng ai hay, sau đó Thu nương đưa con nhờ người khác nuôi, tới ngày thành thân, đứa nhỏ mới chạy tới ôm chân không cho Thu nương qua cửa, làm Thu nương phải tự sát tại nhà. Xem ra Hà yêu này đúng là loại ma quỷ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro