Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Câu chuyện về chiếc khăn tay

"Hai bác có tín vật định tình không ạ?".

"Tín vật ấy hả? Cũng có đấy. Nhưng chắc chỉ có bác biết thôi. Là một chiếc khăn tay". Người đàn ông trung niên ngẫm nghĩ.

"Khăn tay ạ?".

"Phải. Tại sao lại là khăn tay? Bạn bè thân bình thường không ai tặng khăn tay cả. Chỉ có thương như người tình thì người ta mới tặng khăn cho nhau thôi" Khi nhắc đến người ấy, ánh mắt bác dịu đi.

"À lúc ấy, bác chỉ dám nói với Vũ, khăn do một cô gái thầm thương ổng nhờ bác đưa hộ. Giờ cũng không biết... Bác muốn ổng giữ cái khăn ấy hay vứt đi nữa. Bối rối nhỉ?"

***

Lúc ấy tôi đã chuyển vào sống chung với anh ở khu nhà trọ gần trường đại học Sân khấu Điện ảnh anh đang theo học. Dù cho có ngày phải dậy từ bốn giờ sáng để đạp xe sang trường Đại học Tổng hợp cách đó hơn năm cây số, tôi cũng không lấy gì làm khó khăn. Anh có lần đề nghị với tôi chuyển qua sống với người bạn anh quen trọ bên Lê La Thành, người hiền lành, chất phác, để tôi đỡ cực. Nhưng tôi nhất quyết từ chối, cũng không nói rõ cho anh lý do. Sau này anh tự suy ra là tôi lên thành phố lạ nước lạ cái, mà tính tôi lại không thích tiếp xúc với người lạ. Anh cười bảo với tôi, có người quen thân bên cạnh giúp đỡ vẫn là tốt hơn. Tôi cứ để anh nghĩ vậy, không chối làm gì.

Vì đúng là anh giúp tôi nhiều lắm. Từ cái ăn đến cái mặc. Lúc nào anh cũng người dậy sớm nhóm bếp nấu cơm. Vì trường cách chỗ trọ xa quá, tôi cũng không thể đạp xe về những hôm có tiết học buổi chiều nên anh dậy làm cơm để tôi mang theo. Lúc đầu tôi còn giành làm với anh nhưng tay chân lóng ngóng, anh nhìn rồi lắc đầu:

- Thôi đưa đây tao làm cho. Mày mà làm thế thì mùa quýt sang năm mới có ăn.

Tôi đành tiu nghỉu đưa anh. Anh vẩy một chút nước lên cái khăn rồi cho cơm nóng vào. Đóng khăn lại, bàn tay anh vần nắm cơm mới xới, miết xuống thật chặt đến khi hạt cơm nhuyễn ra, chắc nịch như miếng bánh. Anh bảo phải làm kĩ như thế này mới ngon. Và đúng thế, nắm cơm bẻ ra, bên ngoài hơi se lại nhưng bên trong vẫn còn mềm, ăn vào vừa ngọt vừa mát. Anh cho một nhúm muối vừng vào cái túi ni lông con buộc dây chun vào. Cơm nắm chấm với một chút muối vừng thì phải gọi hết sảy. Mà muối vừng cũng gọi là một thứ "sang", chỉ lâu lâu mới được ăn. Thường thường chỉ ăn với muối khô rang xay ra tẩm bột tiêu.

Những lúc anh làm, tôi đều chăm chú đứng bên cạnh học lỏm nhưng chả hiểu sao vẫn không nắm ngon bằng anh. Dần, tôi cũng không giành việc ấy với anh nữa. Đổi lại, tôi phụ trách việc nấu cơm. Anh khen cơm tôi nấu ngon và dẻo. Nghe vậy tôi vui tợn. Và thế là việc nấu cơm vào tay tôi ngót nghét bốn mươi năm rồi.

Cả về ăn mặc, tôi cũng được anh tút tát cho nhiều. Khi thấy tôi đi mãi đôi guốc mộc do người chú dưới quê đóng, anh mua tặng một đôi dép đúc. Nhiều người bạn tưởng tôi là dân chơi bởi vì thế. Tôi quý đôi dép lắm, dép đi bền mà còn là quà anh tặng. Sau này, anh tặng thêm một đôi giày Thượng Đình, tôi còn giữ kĩ đến tận bây giờ. Quần áo sờn rách tôi cũng để anh sửa cho. Miếng tích kê anh khâu rất khéo và không lộ quá nhiều. Mà ngày ấy, hầu hết trên áo người nào cũng phải có vài miếng tích kê và mọi người cho thế là bình thường. Giờ khác rồi, tôi là người chăm chút quần áo tóc tai cho anh.

Trở về năm đầu đại học, lấy lý do là để đáp trả sự giúp đỡ của anh nhưng thật lòng là muốn tỏ tình, tôi định bụng tặng anh một món quà.

Để tỏ tình thời ấy, người ta thường tặng khăn cho nhau. Tôi được đứa bạn mách cho một chỗ bán khăn thêu tay rất đẹp ở trên Hồ Gươm, chỉ có điều giá hơi chát. Ngày nghỉ, tôi đạp xe lên phố. Anh có hỏi đi đâu nhưng tôi ậm ừ cho qua. 

Đi lòng vòng một hồi, tôi mới tìm được. Đó là một cửa hàng bé nằm lọt giữa hai căn nhà tầng kiến trúc Pháp, lẩn khuất dưới bóng cây si cổ thụ. Ngoài cửa có một sạp gỗ bày bán hoa giấy và hai, ba mẫu khăn tay. Tôi dựng xe trước cửa, ngó vào. Một người phụ nữ tứ tuần đi ra từ gian trong. Cô mặc áo dài thẫm chiết eo thêu hoa, chân đi guốc mộc quai nhung đính ngọc, cổ đeo chuỗi hạt. Một dáng vẻ rất tư sản. Cô hỏi:

- Cậu mua gì? 

Tôi lúng túng trả lời:

- Cháu muốn xem khăn tay ạ.

Cô vẫy tay:

- Tặng người yêu hả? Cậu vào đây.

Tôi lóc cóc đi vào. Bên trong được lát nền gạch hoa, trong góc kê một bàn gỗ nhỏ trải khăn trắng, giữa bàn đặt một lọ hoa cắm độc một bông hồng. Nhìn thanh tao quá. Đối diện kê cái phản tre, trên có một bộ ấm chè và đặt bên cạnh chiếc quạt nan.

- Trời nóng quá cậu nhỉ? Cậu xem mấy mẫu này có ưng không, nếu không tôi vào nhà lấy ra thêm cho cậu chọn - Cô kéo tủ lấy ra thêm vào mẫu khăn, nhà cửa lá hoa đủ cả.

- Vâng, cô cứ để cháu tự nhiên - Tôi nhận lấy từng chiếc khăn, cái nào cũng đẹp, cái nào cũng tốt. Nhìn đến hoa cả mắt.

- Khó chọn quá cậu nhỉ? Thế người yêu cậu thích kiểu gì? Nói xem, tôi chọn giúp cậu.

- Không... không phải người yêu cháu - Tôi gãi đầu, thành thật nói.

- À, thế định tỏ tình hử? Thế có mấy mẫu thêu thơ ấy - Cô nhặt ra vài mẫu đưa cho tôi.

Bỗng có một tiếng gọi từ ngoài cửa:

- Cô Tư có khách à? 

- Ấy, cô Hòa về rồi hả? - Cô quay ra cửa, rồi quay lại nói với tôi - Cậu cứ xem đi, tôi ra nói chuyện với cổ một lát.

- Vâng. 

Tôi phân vân một lúc rồi thấy một chiếc khăn tay trắng, có bô đê bằng ren, thêu ba bông hồng và hai câu thơ:

"Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ, không thương một kẻ nào?"

Anh Vũ thích thơ ông Xuân Diệu. Tối nào rảnh anh lại mở cuốn sổ chép tay ra nhẩm đọc rồi ngẫm nghĩ. Anh nói thơ tình khiến người lâng lâng như uống rượu, tiếng hát từ đó cũng có hồn hơn, bay bổng hơn. Vì anh, tôi tập tành đọc thơ. Tôi không dám nói là mình thấu hết thơ Xuân Diệu nhưng tôi biết thơ ông rất đúng. Cái đúng khiến người ta vỗ đùi đen đét mà tấm tắc khen hay vì không cãi đi đâu được, nói được ra cái tình của những kẻ đang yêu, sắp yêu và đã yêu, khiến người say mà cũng lay người tỉnh. 

- Cậu chọn được rồi à? Mắt cậu tinh quá. Khăn con dâu tôi thêu đấy. Thêu thơ tình ông Xuân Diệu. Hợp thời lắm. Cái này mà đem đi tỏ tình thì cô nào cũng đổ cậu - Cô Tư lại chỗ tôi.

- Cái này bao nhiêu ạ?

- Cái này ấy hả? Vải tốt đấy. Tôi lấy rẻ cho cậu thôi. Năm đồng nhớ.

Tôi lục trong túi, vừa đúng năm đồng. Nhưng lưỡng lự một hồi, tôi nói dối rằng mình không mang đủ tiền và dắt xe ra về. 

Tôi đạp xe dọc bờ hồ. Đạp xe dạo quanh bờ hồ là một cái thú lãng mạn của thanh niên lúc rảnh rỗi. Gió thổi mát thật nhưng trời vẫn nóng. Tính ra đã vào thu nhưng Hà Nội mấy nay vẫn ẩm ương ngỡ như đương hè. Nghĩ thế nào tôi dừng xe lại, ngẩn người ngắm mặt hồ lặng sóng. Nhìn sông nước lúc này tự nhiên thấy xót xa trong lòng. 

Tôi ưng cái khăn ấy lắm nhưng tại sao tôi lại không mua? Vì tôi thấy mình liều quá. Tặng thế là lộ liễu. Sao tôi lại dám nghĩ tới chuyện tặng anh khăn tay? Nhỡ anh biết tình tôi rồi chối từ thì sao? Nhỡ anh thấy tôi đáng kinh tởm thì sao? Nói cho cùng, tình tôi dành cho anh vẫn là một điều cấm kỵ vào xã hội thời ấy.

Chiều hôm ấy, tôi về nhà mà tâm trạng sầm sì. Anh có hỏi chuyện nhưng tôi không nói, cũng chẳng biết nói làm sao. Sâm sẩm tối, trời đổ mưa đột ngột. Ầm ầm nước tuôn, mưa như muốn dứt cơn mùa hạ. Nhưng mưa đến nhanh mà dịu đi cũng nhanh. Chẳng mấy chốc, xung quanh lại lặng đi, chỉ còn tiếng nước tí tách nhỏ xuống mái ngói, róc rách luồn qua những tầng ngói xếp chồng lên nhau theo tôi vào giấc ngủ.

Hôm sau trời trở lạnh. Tôi dậy từ sớm, trước cả anh. Gió lùa qua khe cửa, mang theo hơi nước ngai ngái. Bầu trời sạch bong kin kít, sáng sủa như trời thu Hà thành mà tôi vẫn quen. Tôi cố khẽ khàng tay chân để cho anh an giấc. Nhưng khi quay lại đã thấy anh nhổm dậy. Đôi mắt mơ màng làm tim tôi xốn xang. Giọng còn ngái ngủ, anh hỏi:

- Sớm thế mày? Có tiết hả?

Tôi lắc đầu:

- Hôm nay em trống. Anh có à?

Anh lảo đảo đứng lên, chẹp miệng:

- Ờ, đúng tiết buổi sáng. Chán thế chứ lại. Mà mày không học thì ngủ thêm đi chứ dậy làm gì?

Tôi cười:

- Em dậy hít khí trời.

- Ôi dào, khí trời thì ngày nào chả hít. À nếu mày rảnh thế thì tí ra lấy đồ mẹ tao gửi bên cô Nguyệt nhớ. Mẹ dặn mấy nay rồi mà tao quên mất - Anh cầm cái thau ra ngoài lấy nước.

Đoạn, anh dắt xe đạp ra cổng. Cái xe long ốc xòng xọc, vành cong queo, bánh xe xẹp lép như cái bánh mì ỉu. Có mấy lần anh nói mang đi sửa nhưng đến cuối lại bảo quên. Tôi biết anh muốn tiết kiệm nên vẫn cố đi.

- Trưa anh về không? Em dắt xe ra đầu ngõ vá lại săm cho.

Y như rằng, anh tránh:

- Mày cứ rách việc. Trưa về thì trưa tính. Đi đây. Nhớ lấy đồ cho mẹ tao đấy.

Nói rồi anh leo lên xe, đạp đi mất.

Nhà cô Nguyệt cách chỗ trọ chúng tôi hai con phố, là một tiệm may nhỏ. Tôi dựng xe trước cửa, gọi với vào:

- Cô Nguyệt có nhà không ạ?

Tiếng guốc mộc lộc cộc từ trong đi ra, chị Hoa, con gái lớn của cô chào tôi:

- Ơ, Đông đấy à. Mẹ chị chạy ra ngoài có việc rồi, có chị trông tiệm thôi. Lấy đồ cho bác Hằng đúng không?

- Vâng.

- Đây, chị lấy cho.

Tôi nhìn trên bàn ngổn ngang kim chỉ, và vải mảnh vải vụn. Lấp ló trong giỏ may một tấm vải trắng thêu dở.

Lúc chị bước ra, thấy tôi ngó nghiêng lung tung, chị cuống quýt chạy tới, nhét vội tấm vải trắng trong cái giỏ thêu. Má chị hồng lên như ráng trời chiều. 

-  Gì đấy? Có gì đâu, mấy mảnh vải vụn may quần áo thừa, chị dùng tập thêu thôi. Sau cũng mang vá đồ ấy mà - Chị nhẹ giọng

- Thế sao chị phải giấu thế? - Tôi đùa lại.

- Cậu cứ trêu chị. Đông cũng đến tuổi yêu đương rồi mà, nhỉ? Đông không hiểu thật à?

Tôi lúng túng định phủ nhận, nhưng ậm ừ một lúc lại nói:

- Em... Cũng có một người.

Chị cười, nói:

- Vậy là chàng ta biết tương tư người rồi đấy. Ai làm gì mà ấp úng thế. Tính cậu là cứ hay ngại.

- Nhưng người ta không thích em.

- Sao em biết?

- Em chỉ biết thôi - Tôi ngập ngừng, lí nhí trong cổ họng - Em muốn giữ tình bạn. Tình bạn là đủ rồi.

- Đông này, nếu vậy em có hối hận không?

Chị nhìn tôi, đôi mắt rưng rưng, như qua lời tôi nói thấu tỏ nỗi buồn của chị.

Sau này tôi có nghe kể về người chị yêu. Đó là một thầy giáo trường làng ở ven thủ đô. Hai người yêu nhau được ba năm. Cuối cùng, chị cưới một quản lý kho ở xí nghiệp quốc doanh.

***

Trời nhập nhằng tối, tôi mới thấy Đông dắt xe từ cổng vào. Mấy hôm nay cậu ta này nào cũng về muộn. Bụng tôi réo lên ầm ầm, phải nhìn thêm dáng đi lật đật của cậu ta. Đúng là phát ghét.

Tôi quay vào trong phòng, giả bộ không để ý. Đợi một lúc lâu, cũng không thấy cậu ta bước vào. Đại khái tôi đã cầm sách lên rồi đặt xuống khoảng năm lần. Đấy là tôi cũng chả đếm. Tôi nghiêng đầu, vểnh tai lên nghe động tĩnh đằng sau.

Một quãng im ắng, cánh cửa ré lên một tiếng cao vút. Tôi nhìn Đông thấp thoáng qua khe cửa. Hình như cậu ta cũng bị tiếng đấy làm cho giật mình, định tiếp tục đẩy cửa vào thì lại bị những tiếng cót két ọt ẹt ngăn lại. Cánh cửa đã cũ, cậu ta mở cửa càng chậm, tiếng bản lề rít lên càng gắt. 

Vẫn là tôi mở lời trước:

- Mày cứ thậm thụt ngoài đấy làm gì thế?

Bấy giờ, cậu ta mới dứt khoát đẩy cửa đi vào. 

Đông bước đến gần tôi, ở một khoảng cách riêng tư mà tôi nghĩ cậu ta sẽ đứng lại thì cậu ta tiến thêm một bước. Chúng tôi cách nhau hơn một gang tay.

Cậu ta nhìn tôi. Không chắc đó có phải cách cậu vẫn nhìn không, hay do tôi chưa bao giờ dừng lại đủ lâu để biết. Nhưng đó là một cái nhìn rất lạ. Đôi mắt rưng rưng nỗi niềm không thể nhầm lẫn. Cậu mở miệng định nói rồi lại dừng. Tôi né tránh ánh mắt ấy.

- Cho anh này - Cậu ta lí nhí.

Đông dúi vào tay tôi một chiếc khăn. Cậu ta nói thêm:

- Có người nhờ em đưa cho anh.

Tôi thở phào, hỏi lại:

- Ai cơ?

- Một người.

- Nhưng mà ai?

- Anh cứ biết thế.

- Ngại à? Công nhận. Con nhà ai mà thêu vụng thế?

Cậu ta ngẩn mặt buồn thiu, lúng túng nói:

- Anh không thích thì thôi. Đưa đây em trả lại người ta.

Tôi rụt tay:

- Người ta tặng tao cơ mà. Thôi dọn cơm ăn đi

*** 

"Sao bác lại không biết cái khăn ấy là do ai làm được" Ông cầm cốc trà lên nhấp một ngụm, cười mỉm. "Bác vẫn giữ nó kĩ càng ở trong tủ".

"Và bác cũng không đùa đâu, lúc bảo là cái khăn xấu ấy. Nó vụng thật. Nó chỉ là một tấm vải trắng được viền bô đê trắng, ở một góc của khăn thêu chữ cái đầu tên của bác. Cháu biết không, thường người ta sẽ thêu chữ cái đầu tiên hai người lồng vào nhau. Nhưng trên chiếc khăn tay ấy chỉ có tên bác. Bác cứ nghĩ ông ấy sẽ không bao giờ nói ra"

***

Tờ mờ sáng, tôi lóc cóc đạp xe về nhà. Đi được một đoạn, tôi thấy chị Hoa đang lững thững đi trên vỉa hè. Tôi gọi với theo:

- Chị Hoa ơi!

- Ơ kìa, cậu Vũ đấy hả? Đi đâu mà sớm thế.

- Em đi mua thịt. Định đi sớm để mua miếng nạc. Ai ngờ tờ mờ sáng mà cũng chỉ còn mỡ. Thế chị đi đâu đấy?

- Chị đi lên phố mua vải.

- Thế ạ?

- À, Đông thế nào rồi? Đã nói được với người ta chưa?

- Nói gì cơ chị?

- Ơ, thế cậu Vũ không biết à? Đông có người thương rồi đấy. Còn tự tay thêu khăn tặng cho người ta. Tình cảm như thế thì cô nào chả đổ.

Chị Hoa đi khỏi. Tôi đứng ngẩn người rất lâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro