
Phần 1: Nói Chuyện
Nhắc đến mùa hạ, nó thường gắn liền với thời áo trắng tinh khôi dưới những mái trường đầy những kỷ niệm tuổi học trò đáng nhớ.
Khi đến với thế giới của "học trò" thì người ta vẫn hay ví von "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Bởi những điều mà chỉ khi là học trò thì mới trải nghiệm được những thứ tuyệt vời ấy. Đơn giản mà ở bất kỳ một đứa học sinh nào bạn cũng có thể nhìn thấy đó là nói chuyện riêng trong giờ học.
Thật vậy, điều này bây giờ không phải là bí mật gì nữa vì nó xuất hiện dày đặc ở mọi lúc, mọi nơi, và mọi địa điểm. Khi bị phát hiện nó sẽ thường được các bạn học sinh nhanh trí đưa ra những lý do hết sức thuyết phục và hợp lý. Dường như ở bất kỳ một ngôi trường nào cũng có những lý do biện minh riêng từ những em lớp một đến những anh chị lớp mười hai. Đó là những kỹ năng bắt buộc để thích nghi từ lúc bắt đầu đặt chân vào ngưỡng cửa tiểu học.
Lúc đó tôi sáu tuổi. Tôi bé nhỏ và ngây ngô lắm. Tôi bước vào cổng trường tiểu học với những điều mới mẻ mà tôi chưa được dạy khi ở trường mẫu giáo. Tôi như một hạt cát giữa một sa mạc rộng lớn. Nhưng may cho tôi là tôi đã chuẩn bị thêm ba hạt cát nữa là thằng Nam còi, thằng Thái vẩu và nhỏ Lan Anh.
Nó là ba đứa bạn chơi thân với tôi từ lúc chập chững biết đi đến bây giờ. Cả bốn đứa tôi đều sinh vào tháng sáu mùa hạ chỉ khác ngày. Bà tôi nói:
"Hạ nắng tràn tiếng ve kêu
Trai sinh tháng sáu như ve ngoài đồng
Nắng tàn nắng khuất sau mây
Gái sinh tháng sáu mai sau gánh gồng"
Tôi hồi sáu tuổi chả thể hiểu được những câu thơ của bà nhưng giờ khi đã ngoài ba mươi thì những câu thơ này không quá khó để tôi nghiền ngẫm.
Nhưng tôi lạc đề mất rồi.
Tôi đang muốn nói đến việc nói chuyện riêng của đám học sinh trong giờ học. Thật may khi cả đám chúng tôi đều học chung một lớp và bốn đứa cũng được xếp ngồi gần nhau.
Từ những ngày đầu tiên lững thững bước vào lớp một đến khi chuẩn bị xách ba lô ra khỏi quãng đời học sinh thì cái tật nói chuyện ấy vẫn ngấm vào từng tế bào trong cơ thể tôi.
Hồi khi tôi sáu tuổi thì những câu chuyện trong giờ học của bọn tôi đôi khi chỉ là "cho tớ mượn bút" hay đại loại là như thế. Nhưng lớn hơn một chút thì càng có nhiều chuyện để nói hơn. Một ngày gặp nhau nói chuyện ngoài đồng, sân cỏ vẫn chưa đủ nên phải nói chuyện trong cả những giờ học.
"Ê, Duy." Thằng Nam còi gọi tôi trong giờ học. "Mày cho tao chấm mực với."
"Mày lại quên nữa hả?" Tôi làu bàu nhìn thằng Nam còi.
"Không. Tao hết rồi mà hôm qua quên không xin tiền mẹ mua." Nó giải thích với tôi và đang cố gắng thuyết phục tôi cho nó dùng chung lọ mực.
"Năm viên bi nhé." Tôi nhìn thằng Nam còi.
"Là sao?" Thằng Nam nhìn tôi dò xét.
"Thì tao cho mày chấm mực chung mày trả tao năm viên bi." Tôi cười giọng hữu nghị.
Nó suy nghĩ thêm một lúc rồi nói. "Được rồi. Tí về tao đưa cho."
Tôi cười khoái chí thì bất chợt cô Bích réo tên tôi.
"Duy, Nam. Không nói chuyện riêng trong giờ học."
"Thưa cô, bạn Nam quên không mang lọ mực nên bạn ấy mượn em chứ bọn em không nói chuyện." Tôi giải thích.
Kể cả thời điểm tôi lên cấp hai, cấp ba thì lý do phản biện vẫn cứ là mượn bút chỉ khác là mỗi lần lớn lên thì những câu từ cũng bớt dần dần.
Lúc tôi mười hai tuổi cũng thế.
Nhưng lý do thì mãi là lý do vì chúng có thể là thật cũng có thể chỉ là ngụy biện cho một việc làm khác.
"Này. Tí về đi bơi không?" Thằng Thái vẩu vỗ vai tôi.
"Tí về á?" Tôi hỏi lại.
"Ừ. Tí về. Có tao, mày, thằng Nam với mấy đứa chăn bò trên bãi." Thằng Thái đưa ra câu trả lời hấp dẫn.
"Được. Tí về đợi tao nấu cơm xong rồi đi." Tôi vui vẻ nhận lời.
Nhưng câu chuyện thì thường không thể chấm dứt nhạt nhẽo như vậy được. Chúng tôi còn ba luyên thuyên những truyện ở làng trên, làng dưới. Chuyện con chó nhà ông Bàng bị bắt trộm hay chuyện anh Thu yêu chị Nga...
Mọi chuyện lại chấm dứt khi tiếng giáo viên vang lên.
"Duy, Thái. Đứng lên."
Hai đứa chúng tôi đang buôn dưa lê bán dưa chuột thì giật mình trước tiếng gọi của cô giáo.
"Hai anh mang vở lên đây." Cô giáo ánh mắt đầy sát khí nhìn hai đứa tôi.
Khổ nỗi đang mải nói chuyện nên hai quyển vở của hai đứa vẫn trắng nguyên một màu.
"Bút em hết mực nên em mượn bút bạn Duy ạ." Thằng Thái nhanh mồm nhanh miệng.
"Thế anh Duy mang vở lên đây." Cô giáo bỏ qua thằng Thái mà tiến tới tôi.
"Dạ...dạ..." Tôi đang tính biện pháp tránh khỏi án tử hình nên không nghĩ nhiều mà phang luôn. "Tại bạn Thái mượn bút em nên em cho bạn Thái mượn bút nên không chép được bài ạ."
Một câu trả lời ngu thật ngu. Lẽ ra tôi nên chả lời những câu khác ví dụ như: "Bút em cũng hết mực" hay đại loại "em cũng đang đi mượn bút" thì có bị tuyên án cũng chỉ sơ sơ thôi chứ không tử hình.
Câu trả lời của tôi khiến cô giáo sôi máu não nhét hai đứa xuống góc lớp mỗi đứa một góc cho bõ ghét.
Đến khi mười sáu tuổi thì câu chuyện về vấn đề này vẫn mãi là một ẩn số.
Khi lý do các giáo viên nghe quá nhiều một lý do thì cũng chẳng buồn nghe nữa. Và khi lớn hơn thì lại có nhiều chuyện để nói hơn. Chúng tôi lại say xưa với những câu chuyện lớn hơn to hơn và rộng hơn.
Những chiêu trò để nói chuyện riêng cũng nhiều hơn. Nhà đứa nào có kinh tế một chút thì nó có chiếc điện thoại đen trắng ngồi nhắn tin với nhau trong giờ học có khi quên bật chuông bị tịch thu luôn.
Còn những đứa kinh tế không được khá giả như nhà của tôi, cái Lan Anh hay cả thằng Nam còi với thằng Thái vẩu thì món đồ công nghệ này là món đồ quá xa xỉ.
Những dòng chữ gửi cho nhau từ những mẩu giấy nhỏ ghi lít nha lít nhít những chuyện linh tinh mà chỉ có những đứa ngồi viết cho nhau mới hiểu.
Nó không theo trình tự nhất định gì cả mà mỗi chỗ một câu, mỗi chỗ một từ. Nội dung được bảo mật kỹ càng kể cả khi người đưa thư có ý định xem trộm hay đọc trộm cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Vì các kỹ năng nói chuyện được cải tiến theo thời gian nên cách để phát hiện ra những chiêu trò này cũng phải được nâng cấp cải tiến. Nhưng một khi nó mà nâng cấp thì lúc nào cũng trên những chiêu trò kia. Cả những lý do biện minh cũng phải được nâng cấp.
Khi đưa thư chúng tôi thường kẹp theo tờ giấy vào trong quyển vở rồi mới trao cho đứa trung gian chuyển thư rồi tới tay người nhận.
Khi có vấn đề nảy sinh thì sẽ vịn vào cớ.
"Bạn ấy không nhìn rõ nên em cho bạn ấy mượn vở" hay "Bạn ấy mượn để xem cách giải" còn tùy vào từng môn để áp dụng. Nhưng do thầy cô cũng đã được nâng cấp hệ thống thì tỉ lệ khi bạn bị bắt và bức thư đó sẽ có hai trường hợp tồi tệ xảy ra.
Một là bức thư đó sẽ được công khai toàn bộ nội dung trước cả lớp. Và bạn sẽ bị cười cho thối mũi.
Hai là bạn bị ghi vào sổ đầu bài. Chính xác là ghi sổ đầu bài. Còn sổ đầu bài là gì mà có sức mạnh ghê gớm như thế thì tí nữa tôi sẽ nói cho bạn biết.
Còn giờ thì bạn đã thấy sức hút của việc nói chuyện trong giờ học là một sức hút khó có thể mà bỏ qua. Nó là điều thực sự tuyệt vời và nó luôn luôn được gắn mác đi kèm với ba chữ. TUỔI HỌC TRÒ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro