Thượng
Tác giả: Leem
Truyện được đăng tải và cập nhật duy nhất tại địa chỉ https://www.watpad.com/user/94trang cảm ơn các bạn đã theo dõi và ủng hộ.
*******
Thịnh Thạch trấn tháng bảy vẫn chưa hết nắng. Ta đứng tránh trong bóng râm của cụm trúc, mong một trận mưa rào. Cùng một gốc trúc sinh ra mà chẳng hiểu sao trong cả khóm trúc, không có lẽ là cả mảng trúc ở ngoài rìa trấn này, có mỗi mình ta là một cây trúc đã khai mở linh trí, thấu hiểu tiếng người. Vẫn còn xa lắm mới tu được thành yêu quái như thoại bản dân gian mà con người thường hay kể, nhưng từ lúc ta có linh thức đến nay, cũng ngót nghét đã bảy mươi năm, chưa đủ lâu để bãi bể hóa nương dâu nhưng cũng đủ dài để chứng kiến đôi tình nhân ước hẹn trong rừng trúc thành hai ngôi mộ song song ở bìa rừng, để tiễn chàng trai lên đường đi lính rồi lại trở về với vết sẹo dài trên mặt, để nhìn thấy những dịch bệnh cướp đi mạng sống của lũ trẻ vẫn hay trốn tìm quanh khóm trúc. Có lẽ tại cứ quẩn quanh mãi tại nơi đây, bản thể không thể tách rời gốc rễ nên nhiều năm qua đi, ta vẫn cứ chỉ là cây trúc biết hiểu ngôn ngữ loài người mà không thấm được sướng, khổ, bi, ai, nhân tình thế thái. Ta luôn mong có một ngày nào đó được giống như con người, thoát khỏi mảnh đất ta đang cắm rễ, bước đi trên con đường mòn trước mặt mà tiến vào cổng trấn, sống cuộc sống của phàm nhân, sống như những phàm nhân.
Ta cũng không rõ vì sao ta lại có chấp niệm như vậy. Vạn vật trong thiên hạ tu luyện làm yêu để có sức mạnh hô phong hoán vũ, mở ra cơ hội làm thần tiên. Riêng ta thì lại có chấp nhất với việc sống cùng con người. Ồ, xin đính chính lại là ta không hề thích tình yêu giữa người với yêu hay giả thần giả quỷ bắt con người cống nạp, hương khói. Chỉ là ta thích nhìn họ sống, thích khám phá xã hội của họ mà thôi, không có ý gì khác. Điều này có lẽ có chút quan hệ với bản thể của ta.
Ta là một cây Tiêu Tương trúc, đúng rồi, chính là cây trúc trong truyền thuyết khi xưa vua Thuấn băng hà, hai người vợ yêu là Nga Hoàng và Nữ Anh gục xuống thân trúc mà khóc cho đến chết, nước mắt ngấm vào thân trúc, loang lổ những họa tiết vân mây. Cái giống trúc trong truyền thuyết ấy chính là ta đó. Vì thế, có lẽ do ông cố của ông cố của ông cố tổ họ nhà chúng ra dính líu đến câu chuyện như vậy, nên bọn ta thường nhạy cảm với chuyện tình của con người, cũng tò mò về nó. Không biết cái tích xưa về vị tổ tiên nhà ta có đúng hay không, riêng ta ta thấy làm vô lý. Đành rằng là trong xã hội Nho giáo làm nền tảng cấu thành quốc gia này, đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp, ba vợ bốn nàng hầu nhưng có vị nào dám vỗ ngực tự xưng không thẹn với lòng là gia môn êm thấm, hậu viện thuận hòa, vợ lớn vợ bé thân nhau như chị em ruột thịt. Đến chị em ruột thịt vì tranh một cửa hôn sự còn trở mặt thành thù, huống chi là bắt họ hầu chung một chồng. Với hai giai nhân tuyệt sắc như Nga Hoàng với Nữ Anh, mỗi người đều đẹp như vậy lại càng khó. Âu câu chuyện trên cũng chỉ là một cái điển phạm được lý tưởng hóa làm đẹp thêm cho học thuyết của vị triết gia nào đó, cho đàn bà an phận thủ thường mà theo đạo vợ chồng mà Nho giáo nêu gương. Theo ta thấy, tình yêu là chuyện của hai người, chỉ có hai người mà thôi. Chẳng phải có câu " Một đời một kiếp một đôi người" hả, làm gì có câu một đời một kiếp năm thê bảy thiếp đâu, cứ dính đến người thứ ba lại mọi chuyện phức tạp rồi.
Không nói chuyện của ta nữa, ta sẽ nói về mảnh đất trước mặt, tức là trấn Thịnh Thạch đây,lấy kinh nghiệm hơn bảy mươi năm dãi nắng dầm mưa ở con đường này, chứng kiến mức độ tấp nập của ngựa xe cùng lời kể của đám chim di trú, có thể nói trong năm trăm dặm xung quanh, thành trấn này là nơi trù phú và giàu có bậc nhất, những chỗ khác không đáng nói. Ấy thế mà ta lại chẳng có cơ hội để bước vào trong trấn, thật là đáng tiếc. E là phải chờ đến vài trăm năm nữa, khi ta hóa hình được thành người đã, không biết lúc ấy cái trấn này còn tồn tại không, hay chỉ là mảnh đất tiêu điều xơ xác.
Dạo này lượng cô hồn dã quỷ lang thang quanh rừng trúc của ta ngày một nhiều, cũng đúng thôi, tết Trung Nguyên mà, dịp kiếm trác của bọn chúng, không đợi đến dịp này thì còn dịp nào nữa. Đối với âm giới thì tết Trung Nguyên chẳng khác nào tết Nguyên Đán trên dương gian cả, mà ta nói rồi, cái thành trấn này phồn hoa con người ta càng chăm làm việc thiện, cầu khấn cho âm đức thêm dày, đốt vàng mã, rải cháo thí, cúng chúng sinh không nói, hàng năm theo lệ còn tổ chức đốt hoa đăng cầu phúc ước nguyện nữa cơ, xôm tụ cũng ra trò.
Mấy hôm nay, ta để ý thấy có một lão bà bà chống gậy ánh mắt trống rỗng đi khắp trấn, còn lượn lờ ra cả rừng trúc của ta, vừa đi vừa hát bài ca dao gì đó kinh dị lắm. Ta cũng tò mò, không biết mục đích của bà ấy là gì, nếu là con người chắc đã bị dọa cho sợ hú vía rồi, nhưng mà ta đâu phải con người. Ta mới không thèm sợ một phụ nhân trung niên thích hóa trang làm bà lão hát vớ hát vẩn để giả thần giả quỷ.
***
Lại nói , nắng quá, mấy ngày nay chưa được hạt mưa nào vào rễ, đến chết khát mất thôi. Tuy nói là ta có thể hấp thu được tinh hoa nhật nguyệt nhưng chung quy lại ta chỉ là một cái cây, cây thì cần nước. Đám trúc xung quanh ta cũng thế, rủi mà chúng nó chết hết rồi, còn một mình ta sống sót, người ta không thấy nghi ngờ mới là lạ. Dù nói trúc chịu hạn cũng tốt, nhưng mà mấy năm nay chuyện gì cũng có thể xảy ra, phòng trước không thừa.
Đang lim dim nghỉ trưa, thì ta nghe văng vẳng tiếng người tranh cãi. Hai toán gia đinh, dựa vào màu áo, có lẽ là hai nhà khác nhau, đang cãi cọ. Cái gì mà bụi trúc này nhà họ Đồng đã nhận rồi, nhà họ Sử đi ra chỗ khác, rồi thì trúc này mọc hoang không ai quản, đâu có căn cứ để nói đó là của nhà họ Đồng. Rối hết cả lên. Hai cái họ này ta đều biết, Đồng viên ngoại và Sử viên ngoại đều là phú giáp một phương. Có câu, một núi không thể chứa hai hổ, trong cái trấn Thịnh Thạch bé bằng cái mắt muỗi này, sao có thể cùng tồn tại hai vị tai to mặt lớn. Hai gã ấy cái gì cũng phải tranh giành nhau, theo nguồn tin chính thức từ bọn chuột cống trong thành thì chúng nghe chuột nhà của hai họ ấy bảo, không những cha tranh mà đến đời con cũng tranh, con gái hai nhà đều yêu một vị tú tài, mà nghe bảo vị tú tài này cũng hiểu thời thế lắm, thấy nhà họ Sử dạo gần đây phất hơn là từ chối hôn sự với nhà họ Đồng, suốt ngày qua lại cửa nhà họ Sử. Đó tiểu thư còn đối chọi nhau như thế, kẻ dưới như nước với lửa có là gì. Chắc là hai vị viên ngoại lại thầu khoán mảnh rừng trúc của ta, khiến cho bề tôi dùng khóm trúc phân ranh giới, xảy ra tranh chấp. Thật là phiền phức.
Mọi chuyện kết thúc bằng việc nhà họ Đồng chiếm được mảnh đất ta đang đứng, nhà họ Sử tức giận vác dao sang một khóm trúc khác. Aiz, ai bảo là bọn chúng đi cãi nhau mà chênh lệch về lực lượng, nhà họ Đồng người đông thế mạnh không thắng mới là lạ. Ơ, mà có gì đó sai sai. Ta vừa nghĩ vừa nhìn vào đám dao, rựa của bọn gia đinh nhà họ Sử. Họ vác dao đến chả lẽ lại là để đốn hạ bọn ta. Ta lại nhìn về phía gia đinh nhà họ Đồng, bọn người này cũng được trang bị y như thế, thậm chí còn thêm một cái xe kéo. Suy nghĩ của ta đã được chứng thực khi tiếng chặt trúc vang lên chan chat. Theo bản năng, ta lùi sâu vào khóm trúc nhưng không chạy thoát nổi, một nhát rìu bén ngọt của tên gia đinh lực lưỡng chặt ngang gốc ta. Đau quá! Không những đau, ta còn cảm thấy oan ức tột cùng, chẳng lẽ cuộc đời anh minh thần võ của cây trúc tinh ta đây lại kết thúc một cách lãng xẹt như thế. Ta thật không cam tâm.
Dù không cam tâm cách mấy thì cuối cùng ta vẫn ngoan ngoãn bị chất lên xe. Ầy, đừng tưởng ta chết rồi, trúc tinh ta đây sao chết dễ thế được, chẳng qua là không có cách nào tu luyện nữa, bao giờ linh lực xói mòn thì lại trở về làm một đoạn trúc vô tri, vô giác mà thôi, theo cách của con người thì nói thế nào nhỉ, à " mười tám năm sau lại trở thành một trang anh hùng, hảo hán", mấy chục mấy trăm năm nữa may ra ta lại trở thành một gốc trúc, tu luyện lại từ đầu. Vừa đi, ta vừa chú ý nghe bọn gia đinh buôn chuyện. Thì ra trấn Thịnh Thạch sắp tổ chức hội hoa đăng, thả đèn cầu phúc nhân ngày tết Trung Nguyên, Sử Đồng hai họ đều đang ganh đua làm hai chiếc hà đăng to nhất,hoành tráng nhất, nên sai người ra rừng đốn trúc. Trong nhà cũng đã thuê sẵn thợ khéo, chờ trúc về sẽ chẻ nhỏ, ngâm nước, dán giấy, quết hồ, làm thành đèn. Từ từ đã, để ta xem xem, nghe bọn họ nói đèn sẽ được cao tăng đắc đạo điểm hóa, cầu cho mưa thuận gió hòa,quốc thái dân an. Nếu ta góp thân trúc của mình vào đó, chẳng phải là làm việc thiện, thu được tín ngưỡng của người dân trong thành gia tăng công đức hay sao? Biết đâu có thể trực tiếp biến thành tiểu yêu tinh rồi. Tốt, quá tốt, quả là Tái ông mất mã, trong họa có phúc.
Nhưng hình như ta mừng hơi sớm, đám thợ thủ công lựa chọn những cây trúc thẳng nhất đẹp nhất, chẻ nhỏ, cho vào nồi nước sôi cho dễ uốn. Trong đó không có ta, không có ta, không có ta...chuyện quan trọng phải nói ba lần. Vì sao? Vì ta trưởng thành quá anh minh thần võ, mạnh mẽ can trường bất chấp nắng mưa, gió bão không gì quật ngã. Cho nên ta bị cong, chỉ là hơi bị cong một xíu thôi, thế mà cũng không được chọn. Ta và mấy cây trúc khác cùng chung số phận bị vất còng queo một chỗ, chờ đem đi nhóm lò. Đúng lúc ấy, ở hoa viên, có hai vị cô nương xuất hiện. Một là áo lam như thu thủy, mày ngài mắt hạnh, yểu điệu thướt tha, khiến cho ta phải ngoái đốt trúc lại nhìn nhiều thêm một chốc, một váy hồng tinh nghịch, mặt mũi thanh tú đáng yêu. Hai vị cô nương bước nhanh qua, cô nương áo xanh dừng lại nhíu mày:
- Mộng Dao, muội xem xem bọn họ đốt lò chẻ trúc làm gì thế?
- Tỷ có điều không biết rồi, trấn Thịnh Thạch này tết Trung Nguyên náo nhiệt lắm, tổ chức cả hội hoa đăng, thả đèn cầu phúc nữa cơ. Mấy nhà giàu trong trấn đều nhân dịp này làm hoa đăng thật to, thật đẹp. Càng lớn thì càng quý khí. Hồi còn bé, năm nào ở lại đây muội cũng đòi đi xem cho bằng được. Nói không ngoa chứ đại bá năm nào cũng giành phần thắng đó.
Cô nương áo lam cười thích thú, tự nhiên đưa ra chủ ý:
- Hay hai người chúng ta cũng làm đi, tỷ muốn thả chiếc đèn cho chính mình làm ra.
Nói đoạn, nàng ta lựa hai ba đoạn trúc còn lẻ trên mặt đất ( trong đó vẫn không có ta), lau sạch sẽ rồi quay lại nói với cô nương áo hồng:
- Cho muội này, chúng ta cùng làm nhé!
Cô nương áo hồng khẽ nhăn mặt, nói lảng:
- Thôi tỷ làm đi, muội không làm đâu, chút nữa muội ra chợ mua luôn cho tiện.
Cô nương áo xanh cười thật tươi:
- Tùy muội, hồi trước ta thường nghe nói, hà đăng ước nguyện, nếu chính tay làm thì sẽ thành tâm hơn, mong ước cũng sẽ sớm trở thành hiện thực.
- Nhưng muội đâu có biết làm, cầm cái đèn xấu xí thì ngốc chết, thành tâm ước là được rồi. Tỷ mau mau đi về làm đèn đi, không chốc nữa khai hội lại không kịp thả.
Chờ cô nương áo xanh đi khuất rồi, cô nương áo hồng nhìn quanh, thấy không còn ai nữa mới khẽ bảo tên gia đinh đang nhóm bếp:
- Tiểu huynh đệ, lát phiền cậu chọn vài đoạn trúc mang sang phòng ta, nhớ mang cả giấy màu, hồ dán, đế gỗ nữa nhé. Tuyệt đối giữ bí mật, nghe rõ chưa?
Nói rồi cô nương ấy lấy vài đồng bỏ vào tay tên gia đinh, tiền a tiền, quả là thứ tốt, chắc cô nương ấy muốn mọi người bất ngờ nên mới thần thần bí bí như vậy. Tên gia đinh sung sướng cười tít mắt, trả lời rõ to:
- Vâng, thưa biểu tiểu thư!
- Suỵt! Bí mật!
- Dạ, bí mật.
Lần này, thừa cơ họ không chú ý, ta lăn xuống vừa đúng tầm tay tên gia đinh. Tiện tay, gã cầm luôn ta lên,chẻ ra làm vài khúc rồi chẻ nhỏ thành từng đoạn. Dù sao làm thành đèn cho tiểu cô nương dễ thương này cũng thoải mái hơn là làm củi đốt. Ta đã nghĩ như vậy đấy.
****
Cơ mà ta nghĩ sai rồi! Thực sự sai rồi! Vị cô nương này, rõ ràng là vụng về cẩu thả. Nhìn xem, mẫu đèn rõ ràng là hoa sen, gia đinh cũng đã tỷ mỉ chẻ ta thành các đoạn bằng nhau nhưng nàng ta có mỗi việc uốn thành cánh hoa cũng không nên hồn. Cánh hoa xiêu xiêu, vẹo vẹo, méo mó. Chưa hết. Thảm họa thực sự là việc tô màu kia kìa. Thần ơi, cái đế sơn màu xanh lè xanh lét trong khi cánh hoa lại tô đỏ rực. Xanh phối với đỏ, một sự tương phản mới quê mùa làm sao! Đã thế cánh hoa lại còn xấu xí, phết hồ và giấy cũng không đều. Ta, lúc này đã thăng cấp từ trúc tinh nên hà đăng tinh cảm thấy xấu đến không dám nhìn thẳng. Dù biết tiểu cô nương đã cố gắng rất nhiều, thành tâm thành ý nhưng thành quả quả thật không dám khen tặng.
Ta đang thở dài thương thân trách phận thì có tiếng gõ cửa. Cô nương nọ vẫn đang chăm chú cầm kéo tỉa giấy thừa trên mép đèn, nghe thấy vậy cũng không rời khỏi chỗ, chỉ hô lên mấy tiếng mời vào. Người đến khẽ mở cửa. Chà chà, quả là một giai công tử. Nói thật có lần ta chứng kiến một con hồ điệp thành tinh lượn lờ ở chỗ ta khoe mẽ hình người của nó. Dù lúc ấy ta không thích nó lắm nhưng cũng phải thừa nhận là nhân hình của nó tốt. Nhưng dẫu tốt như thế nào cũng không thể nào xuất sắc bằng người trước mắt ta bây giờ được. Không nói đến bộ áo gấm tía thêu chỉ vàng chứng tỏ địa vị không tầm thường cũng như gương mặt đẹp đến không còn gì chê trách, riêng khí chất vị nọ thôi cũng đủ toát lên hảo cảm từ phía người đối diện. Nhân gian có câu gì ấy nhỉ, à " Mạch thượng nhân như ngọc, công tử thế vô song" không phải là để chỉ những trường hợp như thế này hay sao. Cơ mà có lẽ không chỉ riêng mình ta có cảm tình với vị công tử nọ, cô nương kia thấy chàng bước đến là mắt sáng như sao, hung phấn giơ ta lên như hiến vật quý:
- Huynh thấy hà đăng ta làm như thế nào?
Công tử nọ ta phải nói là gia giáo vô cùng tốt, thấy ta thê thảm như vậy mà chỉ một thoáng ngập ngừng song sợ cô nương kia giận nên đành đáp lại yếu ớt:
- Cái hà đăng này quả thật, quả thật...
Đấy, rõ ràng là ôn nhu công tử không muốn con gái nhà người ta phiền lòng nhưng mà không thể đi ngược luôn thường đạo lý đổi trắng thay đen nên đành quanh co. Nhưng có lẽ ông trời cũng không muốn để chàng ta khó xử, nhân lúc cô nương kia chăm chú nhìn khẩu hình của công tử thì một vị cô nương khác bước vào, là cô nương áo xanh lúc nãy:
- Hai người còn ở đây làm gì, mau chơi hội thôi!
Ngay lập tức, theo phản xạ, cái cô Mộng Dao đó giấu ta ra sau lưng. Dù cho chỉ là thoáng chốc nhưng ta đã kịp thấy cái đèn của vị cô nương áo xanh kia cầm trên tay. Cùng là đèn với nhau mà có sự chênh lệch đến thế là sao hả trời? Xem người ta kìa, khung đèn cân đối, phết giấy đều đặn, đến phối màu cũng thanh thoát, lịch sự. Còn ta thì...Vị công tử kia lại còn khen đèn của cô ta đẹp làm chủ nhân của ta lại càng không biết giấu mặt vào đâu. Cô nương ấy cũng là người tâm tư tinh tế, thấy trên bàn ngổn ngang keo, giấy thì lại hỏi chủ nhân ta cũng làm đèn à. Ta thề là ta cảm thấy cái siết tay của chủ nhân ta càng lúc càng chặt, giấu tít ra phía sau. Vị công tử nọ lập tức đánh lạc hướng:
- Địch Nhân Kiệt đâu rồi, không phải hắn bảo cùng đi thả đèn cơ mà?
Cô nương áo xanh lúc này mới nhớ ra, cầm đèn vội vã chạy đi tìm người. Nàng ta vừa đi khuất, chủ nhân ta mới ngồi phịch xuống ghế, ném ta lên bàn:
- Xấu chết đi được!
Ê, chủ nhân, cô cư xử có chút thục nữ đi chứ. Bộ ta xấu là lỗi do ta hay sao mà hành xử thô bạo như vậy? Cô không sợ xấu mặt ta thì cũng không biết xấu hổ với vị công tử tuấn tú trong phòng à. Lúc này lẽ ra có thể làm nũng, bảo công tử dạy cô làm hà đăng rồi hai người tranh thủ trong phòng khanh khanh ta ta, tình chàng ý thiếp, vậy mới phải chứ. Vừa thể hiện mình vụng về, lại còn vừa đanh đá, cô không sợ dọa chàng ta chạy mất dép à.
Quả thực ôn nhu công tử không hổ là ôn nhu công tử, chàng cầm ta lên cũng rất đỗi dịu dàng, giọng mềm mại dỗ dành chủ nhân chanh chua kia:
- Ta thấy chỗ nào xấu, rất đẹp mà.
Dù được giai đẹp khen, dẫu biết là giả dối nhưng mà ta cứ cảm thấy lâng lâng. Hẳn là chủ nhân không nên thân kia cũng vậy, ngữ khí đã tốt lên nhiều lắm:
- Chỗ nào đẹp, huynh xem đèn của Uyển Thanh tỷ ấy, rồi xem cái này đi.
Công tử tiến lại gần chủ nhân, tươi cười in lên khóe miệng, nhìn nàng ta một lúc lâu làm tiểu cô nương đỏ bừng hai má, tim đập thình thịch, chẳng suy nghĩ được gì nữa, lúc này mới mở lời:
- Tin ta đi, nó so với cái của Uyển Thanh vẫn rất đẹp.
Cô nương ngốc nghếch bị dỗ ngọt, ngẩng đầu lên nghi hoặc:
- Thật hay giả?
Đúng là đẹp trai có lợi thật, được vị công tử tuấn mĩ này cầm lên tay, ngay cả thứ xấu tệ xấu hại là ta cũng đẹp lên gấp bội phần, khiến cô nương mới khắc trước còn thấy ta xấu xí, khắc sau đã nghi ngờ con mắt thẩm mĩ của mình. Mà cũng có thể là con mắt thẩm mĩ của công tử giờ phút này có vấn đề. Yêu nhau yêu cả đường đi lối về mà lại. Đừng tưởng ta không nhìn ra hai người họ có điều mờ ám. Làm gì có chuyện nam tử vào phòng nữ nhân tự nhiên như thế, còn trò chuyện ở cự ly gần. Dù không nói mấy câu sến súa nhưng quả thực là ta đọc được trong ánh mắt họ ý tình lồ lộ. Từng cái liếc mắt, chạm tay đều rất đỗi, nói sao nhỉ, là loại hành động ám chỉ, tình trong như đã mặt ngoài còn e. Chỉ kém một bước thổ lộ nữa thôi. Công tử tuấn tú khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi của nàng, chỉ nhìn thật sâu vào đôi mắt mở to đầy nghi hoặc rồi đáp:
- Ta đã bao giờ lừa gạt muội chưa?
Nói đoạn, chàng đưa ta trở lại tay của chủ nhân, người mà bây giờ khóe mắt cười đến độ cong cong như hai vầng trăng non đầu tháng, rồi công tử cũng rất chi là thuận tay, nàng vừa cầm đèn, chàng đã cầm tay nàng dắt đi:
- Đi thôi, chúng ta đi thả hà đăng.
Ta ở trong tay chủ nhân, nhìn dáng vẻ ngượng nghịu của nàng khi bàn tay nhỏ bé được chàng cầm, hoàn toàn không phát hiện ra đó là cô nương đanh đá khi nãy. Nàng thì ra cũng có mặt đáng yêu đó chứ. Chàng thì hùng dũng tiến về phía trước, nhưng đừng tưởng ta không biết tay kia chàng vô tình siết chặt bội kiếm tùy thân, ra cũng hồi hộp lắm. Thỉnh thoảng mắt chàng lại liếc xuống đoạn tay hai người giao nhau, rồi trên gương mặt tuấn mĩ lại pha chút nét cười, bảy phần tự mãn, ba phần trẻ con, mà trong mắt ta nó có vẻ vừa đẹp trai lại vừa ngu ngốc. Mà những kẻ yêu nhau ấy, có ai bảo trì cho mình được sự thông mình. Ta cứ như vậy, ngắm nhìn họ, đường ra bến tàu dường như lại dài thêm một chút...
7\U~
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro